Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Viec se ra sao??

Văn đoàn độc lập, một bước tiến của xã hội dân sự

1836726_220989834769071_2013818677_305.jpg
Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014.
Courtesy FB Phạm Đình Trọng

Sự chuyển mình của xã hội VN

Xã hội dân sự Việt nam lại có một bước tiến mới khi ngày 3/3 vừa qua một nhóm các nhà văn, nhà thơ Việt nam tuyên bố vận động thành lập Văn đoàn độc lập. Việc này sẽ có khó khăn gì hay không?

Ngày 3/3/2014 một nhóm các nhà văn, nhà thơ Việt nam ra tuyên bố tiến hành một cuộc vận động để thành lập Văn đoàn độc lập. Theo tuyên bố này thì Văn đoàn có những việc làm cụ thể như sau:

-Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước;
-Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ;
-Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.

Tuyên bố này cũng khẳng định:

“Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.”

Như vậy tiếp nối những chuyển biến của xã hội dân sự trong năm 2013, đây lại là một bước tiến mới trong sự chuyển mình của xã hội Việt Nam. Nhất là khi tính chất nghề nghiệp của Văn đoàn đã vượt ra ngoài không gian “giới hạn” của internet khi những người đầu tiên tán thành cuộc vận động này là những nhà thơ, nhà văn đã và đang sáng tác, đã từng có các tác phẩm, thậm chí đoạt giải thưởng của tổ chức văn học nghệ thuật do đảng cộng sản chi phối. Và trong tương lai Văn đoàn sẽ đương đầu với cuộc sống thực ngoài không gian ảo, với những vấn đề như xuất bản, bảo vệ quyền tiếp cận văn học… như trong tuyên bố cuộc vận động đã nêu.

Anh Nguyễn Quang Thạch, người tiến hành thành công một phong trào dân sự tên gọi là Sách hóa nông thôn trong mấy năm qua cho biết:

“Trong này toàn là những cây viết có chính kiến cả, toàn là những người có tâm quyết với đất nước. Về mặt nào đó lập hội ngoài nhà nước là để định danh xã hội dân sự cho rõ ràng hơn. Những cây bút như thế mà ngồi lại với nhau thì biết đâu được là họ sẽ có những sản phẩm hay, sản phẩm tốt, tác phẩm để đời cho đất nước mình.”

image00121-250.jpg
Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng.
Anh Nguyễn Quang Thạch cũng nói rằng theo anh thì việc thành lập những hội như vậy là chuyện bình thường.

Nhà thơ Bùi Chát, người có tiếng với những bài thơ không nằm trong hệ thống văn chương của nhà nước, và từng được một giải thưởng quốc tế, cũng là một thành viên trong nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập. Anh cũng cho rằng nhà nước Việt Nam nên quen dần với việc thành lập những hội dân sự như vậy. Anh nói với chúng tôi:

“Xã hội dân sự thì tốt. Thứ nhất nó tránh được cái bộ máy cồng kềnh tiêu tốn nhiều tiền thuế của dân quá. Và không hiệu quả, mà khi không hiệu quả thì sẽ sinh ra các thứ rất là tệ. Cho nên là nhà nước, chính quyền phải tập dần đi, coi sự tồn tại của nó là hiển nhiên. Và bớt sự băn khoăn về vấn đề này vì trước sau gì cũng có sự thay đổi mà.”
Gặp khó khăn?

Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì đã có một số các thành viên tham gia vào việc vận động thành lập Văn đoàn độc lập đã được mời làm việc với cơ quan an ninh. Như vậy là sự nghi ngại về các tổ chức dân sự vẫn thường trực trong tâm trí những người cầm quyền tại Việt nam hiện nay.

Nhà văn Phạm Đình Trọng cho chúng tôi biết:

“Tôi chắc chắn là nhà nước không muốn có những tổ chức như vậy, thành ra khi vấn đề đặt ra thì người ta cũng bối rối, những người không muốn có những tổ chức như vậy, nó thêm việc và nó thêm phiền phức ra.”

Nhà văn Phạm Đình Trọng cho biết thêm là việc thành lập Văn đoàn độc lập chỉ mới trong giai đoạn vận động. Theo ông thì sự thành lập hội đoàn như vậy, ngoài việc có trở ngại từ sự e ngại của nhà cầm quyền thì về mặt pháp lý cũng có khó khăn. Ông nói:

“Hiến pháp cho phép việc thành lập hội, nhưng mà Luật tổ chức hội vẫn chưa có, vẫn bị treo, là do nhà nước chưa muốn các hội có tổ chức hoạt động hay sao đó.”

Nhưng nhà văn Phạm Đình Trọng vẫn ghi tên vào nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập, và ông cho biết rằng nhóm vận động đang tiến hành những bước đi về pháp lý, với sự trợ giúp của luật sư để tiến hành thành lập Văn đoàn độc lập.

Việc ngành lập pháp đi theo sau những nhu cầu phát triển của xã hội là một điều hiển nhiên và bình thường. Nhưng việc đề xuất cho ra đời luật về thành lập Hội đã được nêu lên rồi bỏ đó qua nhiều lần họp Quốc hội ở Việt Nam là chuyện không bình thường.

Hai ngày sau khi văn bản Tuyên bố tiến hành cuộc vận động thành lập Văn đoàn độc lập được đưa lên mạng, tất cả các cơ quan truyền thông  đều im lặng, không có một dòng tin nào về việc này, dù rằng những thành viên tham gia vào việc vận động này đều là những gương mặt làm nên bộ mặt của văn học Việt nam hiện nay, trên một khía cạnh nào đó họ là đại diện cho tinh thần của đất nước Việt nam trong thời điểm hiện tại.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tàu cá Việt lại bị "tàu lạ" tấn công ở Hoàng Sa

Báo trong nước cho hay một tàu cá tỉnh Quảng Ngãi với 14 ngư dân bị Trung Quốc tấn công, tịch thu ngư cụ, ở gần quần đảo Hoàng Sa.


Ông Võ Văn Lựu trên tàu cá bị Trung Quốc tấn công
Báo An ninh Thủ đô nói đây là tàu cá số hiệu QNg 90479ts của ông Võ Văn Lựu, 48 tuổi, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi

Tàu cá này về tới cảng Sa Kỳ hôm 3/3 trong tình trạng "mạn tàu bị hư hỏng do tàu sắt Trung Quốc đâm, toàn bộ ngư cụ như đồ lặn, thiết bị máy dò tín hiệu, máy định vị và gần 5 tấn cá, tôm hùm bị người Trung Quốc tịch thu, tổng trị giá trên 350 triệu đồng".

Được biết chiếc tàu của ông Lựu ra khơi từ một tháng trước đó để đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa.

Vụ tấn công, theo báo An ninh Thủ đô, xảy ra khoảng 15h ngày 1/3.

Một tàu sắt của Trung Quốc với khoảng trên 35 người, mang theo súng và roi điện đã bao vây, tấn công tàu cá Việt Nam.

Ông Võ Văn Lựu cũng cáo buộc đã bị "đánh đập, dùng roi điện chích vào người gây thương tích".

Ông được dẫn lời cho biết: "Cùng lúc đó, nhiều đối tượng người Trung Quốc khác dùng hung khí khống chế, dồn tất cả 14 thuyền viên về phía mui tàu, úp mặt xuống mạn tàu".

Những kẻ tấn công chỉ được nhận dạng là người Trung Quốc, không rõ có thuộc cơ quan tuần ngư hay hải giám hay không.

Từ đầu 2014, được biết đã có bốn vụ tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị người Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa.

10 năm Vùng Cảnh sát biển 2

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Vùng Cảnh sát biển 2 vào ngày thứ Tư 5/3.

Tại lễ kỷ niệm, Vùng Cảnh sát biển 2 thông báo trong 10 năm hoạt động đã tổ chức được 318 đợt với 414 lượt tàu làm nhiệm vụ trên biển và xua đuổi 1.348 lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Như vậy trung bình mỗi tháng có trên 10 lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, trong đó có nhiều tàu Trung Quốc.

Vùng Cảnh sát biển 2 quản lý từ đảo Cồn Cỏ tới Cù Lao Xanh (Bình Định), có trụ sở tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Khu vực này được cho là tối quan trọng vì có các vùng biển Trung Quốc cũng nhận là của họ.

Năm 2013, trong chuyến thăm nơi này, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói "Vùng Cảnh sát biển 2 là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng... phải đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lên hàng đầu, trên cơ sở nhận thức đúng và đủ về chủ quyền lãnh thổ".

Nhân viên lực lượng cảnh sát biển cũng được khuyến cáo "kiên quyết bảo vệ ngư dân, tuyên truyền, vận động ngư dân bám ngư trường, không từ bỏ ngư trường, tích cực cứu hộ, cứu nạn và Tham gia giữ an toàn hàng hải, coi trọng công tác chống cướp biển".


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những kịch bản đáng sợ nếu Nga – Mỹ chiến tranh


Nếu hai “người khổng lồ” quân sự Mỹ - Nga đối đầu vì Ukraine, cuộc chiến tranh đó sẽ như thế nào? Trên tờ The Week, tác giả Peter Weber xây dựng các kịch bản giả định cho cuộc chiến khủng khiếp này.
Khả năng Mỹ và Nga xung đột quân sự nếu Mátxcơva "xâm lược" Ukraine là rất, rất thấp. Ukraine không là thành viên của NATO và Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ không sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh khác.
Các binh sĩ thân Nga tại bán đảo Crimea, Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều láng giềng của Ukraine là thành viên của NATO trong đó có Ba Lan, Romania, Slovakia và Hungary. Ngoài ra các quốc gia vùng Baltic nằm sát Nga gồm Lithuania, Latvia và Estonia cũng là thành viên của NATO.
Nếu bất kỳ quốc gia trong số các nước trên ủng hộ Ukraine và bước vào một cuộc chiến với Nga, NATO có nghĩa vụ phải can thiệp. Bài học từ Chiến tranh thế giới I cho thấy các cuộc xung đột đẫm máu có thể bắt đầu từ những cuộc giao tranh nhỏ, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu.
Gần như chắc chắn là sẽ không có một cuộc chiến Nga - Mỹ về Ukraine. Nhưng nếu cuộc chiến tranh đó thực sự xảy ra thì sao?
Mỹ giàu có hơn Nga rất nhiều và chi nhiều hơn cho quân sự. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa một cuộc chiến tranh với Nga sẽ là điều dễ dàng đối với Mỹ, chưa nói tới một chiến thắng. Lịch sử đã chứng minh với thất bại của Napoleon và Hitler trước quân đội Nga. Nga sẽ hi sinh rất nhiều để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, đặc biệt là ở ngay trên lãnh thổ nước này.
Vậy, một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Nga sẽ như thế nào? Dưới đây là một vài kịch bản, từ mức tồi tệ cho tới khủng khiếp:
Ngày tận thế của chiến tranh hạt nhân
Mặc dù Nga và Mỹ đều từng bước giải giáp vũ khí hạt nhân kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hai nước đều đang có hàng nghìn đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được đưa vào sử dụng. Theo một báo cáo hồi đầu năm, Mỹ đang có một kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với 448 tên lửa chủ yếu nhắm vào Nga. Trong khi đó hàng trăm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga cũng đang nhắm về đất Mỹ.
Theo thông tin từ Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tổng cộng, nước này có khoảng 7.700 đầu đạn hạt nhân, bao gồm 1.950 đầu đạn có thể được lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm và máy bay. Ngoài ra, Mỹ còn có hàng nghìn đầu đạn đang chờ được giải giáp.
Trong khi đó, Nga có lượng đầu đạn nhiều hơn một chút – khoảng 8.500 đầu đạn – nhưng chỉ 1.800 đầu đạn có thể sử dụng được.
Một cuộc chiến tranh hạt nhân Mỹ - Nga gần như chắc chắn sẽ gây ra độ hủy diệt lớn. Có lẽ mức độ tàn phá khủng khiếp của một cuộc chiến đó cũng đủ để phòng ngừa hai bên không sử dụng kho đầu đạn hạt nhân của mình.
Bom mang đầu đạn hạt nhân Blu-117 của Hải quân Mỹ.
Chiến tranh kiểu truyền thống ở Đông Âu
Đây là kịch bản chưa từng xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và với hậu quả khủng khiếp của nó, khả năng kịch bản này xảy ra cũng vô cùng thấp. Tuy nhiên, giả định cuộc chiến tranh Mỹ - Nga nổ ra ở Ukraine và các lực lượng NATO hỗ trợ quân, tàu chiến và máy bay chiến đấu cho Mỹ. NATO luôn đứng sát cánh cùng Mỹ với mục tiêu quan trọng là giám sát nước Nga.
Trong cuộc chiến tranh này, Nga có lợi thế “sân nhà”: đã từ lâu Hải quân Nga đã đặt căn cứ ở Crimea là ngôi nhà của mình và Ukraine nằm ngay sát Nga. Một điểm quan trọng khác là Mỹ và các đồng minh NATO đã xây dựng được vòng vây quanh Nga. Theo số của Mỹ, nước này hiện có 598 cơ sở quân sự ở 40 quốc gia cùng với 4.461 căn cứ trên chính lãnh thổ Mỹ.
Cùng với lượng lớn căn cứ quân sự ở Đức, Mỹ cũng đặt các cơ sở quân sự ở Qatar và Diego Garcia ở phía nam Nga và Nhật Bản, Hàn Quốc ở phía đông. Căn cứ của các thành viên NATO như Pháp và Anh thậm chí còn nằm sát Nga hơn nữa. Trong khi đó, Nga không đặt căn cứ quân sự ở nước nào ngoài các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ).
Ước tính, Nga có 845.000 quân thường trực và khoảng 2,5 triệu quân dự bị. Tuy nhiên, Giáo sư Mark Galeotti của Đại học New York cho rằng quân đội Nga “có năng lực vừa phải”.
“Năng lực đó không thể ngang bằng Mỹ, Anh hay Đức nhưng đã tốt hơn so với những năm 1990”, ông nhận xét.
Mỹ có 1,4 triệu quân thường trực và 850.000 quân dự bị nhưng nước này không thể điều tất cả quân đội của mình cho cuộc chiến với Nga. Mỹ phải “rải” quân ra 598 căn cứ trên khắp thế giới đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính nước này.
Nếu Nga có lợi thế trên biển do đặt căn cứ hải quân tại Sevastopol, Mỹ lại có lợi thế về không quân. Ngoài ra, NATO cũng có thể điều động lực lượng hải quân của khối này.
“Máy bay Mỹ có các hệ thống ra đa, tên lửa và vũ khí chiến tranh điện tử tốt hơn còn máy bay Nga có năng lực vượt trội về điều khiển cũng như tỉ số lực kéo công suất”, tờ Thời báo tài chính dẫn lời nhà phân tích Charles Clover.
Có vẻ cuộc chiến Mỹ - Nga trên không sẽ rất giằng co của “một bên tám lạng, người nửa cân”.
Nhà phân tích quốc phòng Nga  Ruslan Pukhov cho hay: “Từ thời kỳ Liên Xô, chúng tôi đi sau người Mỹ xét về năng lực không quân”. Ông cũng nói thêm rằng trước khoảng cách đó, các nhà hoạch định quân sự Nga đã đầu tư mạnh cho các hệ thống phòng không và hai hệ thống tên lửa S-300 và S-400 đang là những hệ thống tốt nhất trên thế giới.
Hệ thống tên lửa S-300 của quân đội Nga.
“Điều đó giống với môn đấm bốc (boxing). Nếu tay phải của bạn yếu, bạn cần phải có cánh tay trái khỏe. Các nhà chiến lược Liên Xô đã bù đắp điểm yếu về không quân bằng cách đầu tư mạnh cho các hệ thống phòng không”, ông nhận định.
Trang Global Firepower (Hỏa lực toàn cầu) xếp Mỹ là quốc gia có nền quân sự mạnh nhất thế giới nhưng Nga cũng có quân đội rất mạnh và có thể được coi là quốc gia ở vị trí thứ hai. Do đó, Một cuộc chiến tranh Mỹ - Nga có thể sẽ không kết thúc với kết quả hòa, mà sẽ là một mớ lộn xộn đẫm máu.
Theo tác giả Peter Weber, lựa chọn tốt nhất vẫn là một cuộc thương lượng hòa bình để không gây ra thương vong gì. Lịch sử đã chứng minh rằng những quốc gia xâm chiếm thường nhận kết cục là sự thất bại.
TÙNG LÂM (Lược dịch)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Lại bắt và giết:

Kim Jong-un "xử tử 33 người âm mưu lật đổ chính quyền"

Báo chí Hàn Quốc đưa tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên vừa "ra lệnh xử tử 33 người" vì tội "âm mưu lật đổ chính quyền".

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Những người trong danh sách tử hình được cho là đã tự đặt mình vào chỗ chết sau khi có tin họ hợp tác với nhà truyền giáo Tin lành Hàn Quốc Kim Jung-wook và nhận tiền để dựng 50 nhà thờ dưới lòng đất.
Triều Tiên, Kim Jong-un, thanh trừng, xử tử, truyền giáo,  Kim Jung-wook
Nhà truyền giáo Kim Jung-wook nói ông hối hận vì các tội "chống nhà nước".

Kim Jung-wook, 51 tuổi, đã bị Bình Nhưỡng bắt giữ và bỏ tù hồi năm ngoái, cáo buộc ông này cố tìm cách xây dựng các nhà thờ ngầm.
Tuần trước, Kim Jung-wook đã tổ chức một cuộc họp báo xin lỗi vì phạm các tội "chống phá nhà nước" và khẩn thiết xin được trả tự do khỏi nhà tù Triều Tiên. Kim Jung-wook nói với các phóng viên rằng ông bị bắt hồi đầu tháng 10 sau khi tiến vào Triều Tiên từ Trung Quốc và cố gắng tìm đường tới Bình Nhưỡng, mang theo nhiều kinh thánh cùng các tài liệu và phim ảnh truyền giáo.
Theo báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc, các bản án tử hình đối với 33 người kể trên sẽ được thực hiện trong một căn phòng bí mật của Ủy ban An ninh Nhà nước Triều Tiên.
Tuần trước, đại diện Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Eui Cho đã kêu gọi Bình Nhưỡng đảm bảo an toàn cho Kim Jung-wook. Seoul kêu gọi cho phép nhà truyền giáo gặp luật sư và các thành viên gia đình, nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ yêu cầu này.
Ông Kim Jong-un đã làm dậy sóng dư luận thế giới hồi tháng 12 năm ngoái với vụ xử tử người chú rể Jang Song Thaek, nhân vật được cho là nắm thực quyền ở Triều Tiên. Mới đây cũng có tin nhân vật lãnh đạo số 2 của nước này, Choe Ryong Hae, cũng biến mất giữa những lo ngại rằng ông này đã bị thanh trừng.
Có tin đồn, Choe đã làm Kim Jong Un bực mình vì nắm quyền quản lý một số ngành thuộc quản lý của nhà nước. Ông này được cho là đang ngồi tù và bị thẩm vấn. 
Thanh Hảo (Theo Daily Mail)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tiết lộ kế hoạch đáng sợ của nhóm khủng bố Côn Minh


Nhóm khủng bố tới từ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, những người thực hiện cuộc tấn công tại một nhà ga ở thành phố Côn Minh, phía tây nam Trung Quốc vào cuối tuần qua, đã cố gắng rời khỏi đất nước để tiến hành "thánh chiến".
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Trung Quốc, khủng bố, tấn công, Côn Minh
Hiện trường vụ khủng bố tại Côn Minh tối 1/3. (Ảnh: Getty Images)
Ít nhất 29 người thiệt mạng và khoảng 140 người bị thương khi 8 kẻ khủng bố tiến hành cuộc tấn công vào thứ Bảy tuần trước (1/3) tại thủ phủ Côn Minh, tỉnh Vân Nam.
Cảnh sát đã bắn chết 4 kẻ tình nghi và bắt giữ 4 tên khác.
Qin Guangrong, bí thư tỉnh ủy Vân Nam, cho biết 8 kẻ tấn công "ban đầu định tham gia 'thánh chiến'", Tân Hoa Xã đưa tin.
"Bọn chúng không thể vượt biên từ Vân Nam, vì thế đã xem xét những nơi khác. Chúng tới tỉnh Quảng Đông nhưng cũng không thể ra khỏi đất nước từ đó, vì thế đã quay lại Vân Nam," ông Qin nói.
Sau đó, nhóm người này đã tới huyện Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, giáp với Việt Nam, nơi chúng dự định, nếu không thể vượt biên tại đây, chúng sẽ thực hiện "thánh chiến" tại Honghe hoặc tại nhà ga, bến xe buýt nào đó ở Côn Minh, ông nói thêm.
Ông Qin cho biết "một vài người", những người muốn liên hệ với 8 kẻ khủng bố trên cũng đã bị bắt, tuy nhiên ông không tiết lộ thêm chi tiết.
Trước đó, từng có những nghi can khủng bố Trung Quốc xin tị nạn tại các quốc gia Đông Nam Á. Vào năm 2009, Campuchia đã trục xuất khoảng 20 kẻ tình nghi tới từ Trung Quốc.
Trung Quốc đối mặt với một mối đe dọa thực tế tới từ những chiến binh Hồi giáo tại Tân Cương. Các nhà chức trách nói rằng nhiều người trong số chúng đã liên hệ với các nhóm khủng bố nước ngoài.
"Nhận thức về chủ nghĩa khủng bố của chúng ta chưa đủ. Chúng ta không thể hình dung trước đó chủng nghĩa khủng bố có thể xuất hiện ở đây," ông Qin nói.
Sầm Hoa(Theo Sina)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phó Tổng Thanh tra CP lên tiếng về tài sản 'khủng'

Vietnamnet:Về số tài sản "khủng" của mình mà dư luận đang xôn xao gần đây, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho rằng đó là chuyện của cơ quan (Thanh tra Chính phủ - PV) chứ không còn là của riêng cá nhân.

Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, ông Ngô Văn Khánh cho biết, trong sự việc mà dư luận đang bàn tán trên, ông đã xin ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.
Ngô Văn Khánh, thanh tra, kê khai tài sản, công khai tài sản, tham nhũng
"Sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã cho ý kiến rằng: Đây không không phải chuyện của riêng cá nhân  tôi nữa. Vì vậy, cơ quan Thanh tra Chính phủ nói riêng và cơ quan chức năng của nhà nước liên quan nói chung sẽ có trả lời chính thức về việc này"- ông Khánh cho biết thêm.
Ông Khánh hiện không muốn phát ngôn với tư cách cá nhân về việc này nữa. Theo đó, muốn tìm hiểu các thông tin liên quan, ông Khánh đề nghị các cơ quan báo chí đặt vấn đề với cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Qua trao đổi, ông Khánh không quên nhấn mạnh: Thanh tra Chính phủ là cơ quan cao nhất trong việc thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo tuân thủ pháp luật về kê khai và công khai tài sản. Tức là, chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ là phòng chống tham những nói chung,  trong đó có mảng nội dung kê khai thế nào, công khai thế nào và hiện đang hướng dẫn cả nước về việc này.
"Tôi nghĩ là đi vào trường hợp cụ thể thì có khi nó lại mang tính cá nhân. Vậy thì đối chiếu lại, soi rọi lại bảng kê khai tài sản của của tôi được người lên báo chí thì nó phù hợp hay không phù hợp và nên phải làm thế nào thì anh phải đặt vấn đề với Thanh tra Chính Phủ và đặc biệt là đồng chí Tổng Thanh tra" - ông Khánh trả lời.
Ông Khánh khẳng định mọi việc ông vẫn đang làm đúng theo quy định của pháp luật.
Được biết, trước khi được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Ngô Văn Khánh phải kê khai tài sản và ông đã kê khai như sau:
Về bất động sản: Có 2 nhà gồm: Nhà thứ nhất ở số 7/49/192 Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội diện tích 114m2 đất, và nhà thứ 2 ở số 9/49/192 (cùng địa chỉ trên) diện tích 248m2.
Có 1.800m2 đất ở dự án Mê Linh (gần đền Hai Bà Trưng, giá đất thời điểm hiện nay 10-15 triệu đồng/m2 - PV).
Ngoài ra, ông Khánh còn là cổ đông có cổ phiếu (CP) ở Ngân hàng Quân đội: 104.000 CP; Ngân hàng Nam Á: 27.900 CP; Ngân hàng Đông Á: 18.500 CP; Ngân hàng Liên Việt: 200.000 CP; Ximăng Công Thanh: 100.000 CP; Công ty CP Thiết bị Bưu điện: 50.000 CP; Trái phiếu 425 triệu đồng; tiền gửi tại Ngân hàng VIB: 7,18 tỷ đồng.
Theo Pháp luật Việt Nam

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thực hư ‘trận đồ trấn yểm’ Tràng An

(VTC News) - Theo truyền thuyết, thì tại thung lũng này, từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp 1.000 năm trước

Kỳ 2: Vùng đất oan khiên
Ông Nguyễn Văn Son, đã sinh ra và gắn bó với làng cổ Tràng An (Ninh Bình) 60 năm nay, nên không chuyện gì ở ngôi làng này mà ông không biết.
Ngày bé, bên bếp lửa hồng, các cụ già thường kể chuyện về Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu giương cờ lau tập trận. Bây giờ, ông Son vẫn giữ cuốn sách “Ngọn cờ lau lịch sử” đã xuất bản từ ngót trăm năm nay và coi đó là vật báu. Cuốn sách hé lộ nhiều thông tin thú vị, quan trọng về Tràng An.
Ông Son đã thuộc từng quèn núi, từng hang động, vách đá và ông rất chú tâm tìm hiểu địa hình thực tế với mô tả trong sách vở. Các thông tin trong sách vở rất khớp với thực tế, nên từ lâu, ông Son đã tin rằng, vùng đất này chính xác là nơi vua Đinh Bộ Lĩnh dựng nghiệp.
 
trận đồ trấn yểm
Sông Sào Khê là đường thủy vào Tràng An
trận đồ trấn yểm
Miệng hang Luồn, nơi ông Son phát hiện ra "trận đồ" Trấn Yểm
 
Giai đoạn từ năm 1991 đến 2000, khi ông Son là trưởng thôn Tràng An, rồi chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, ông chuyên tâm tìm hiểu lịch sử, phong tục truyền thống, các nhân vật lịch sử. Ông nhận thấy, ngoài Đinh Tiên Hoàng, còn vô số vị tướng, khai quốc công thần liên quan đến vùng đất nhỏ bé này.
Trong các văn bia khai quật sau này còn khẳng định tướng Nguyễn Bặc đã chiến đấu, rồi chết ở đây. Danh nhân Nguyễn Trãi cũng từng sống ở Tràng An.
Thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp sản xuất ngói nung, đào bới đất nhiều, ông Son khám phá ra thêm khá nhiều chuyện lạ. Ngôi đền đổ nát bên con sông Sào Khê, thờ Đinh Tiên Hoàng đã được tìm thấy. Ngôi đền còn thờ 4 vị tướng nữa, gồm Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú. 4 vị tướng đầu triều thân cận với vua Đinh đều chết thảm dưới triều vua Lê.
trận đồ trấn yểm
 Ông Nguyễn Văn Son là người hiểu từng ngóc ngách Tràng An
 
Ngoài ra, theo tục truyền địa phương, thì còn 8 ông tướng nhà Đinh nữa, được Lê Hoàn mời về phục vụ triều đình, nhưng biết rằng nếu ra hàng, sẽ bị giết, nên đã uống thuốc độc tuẫn tiết bên dòng Sào Khê. Mãi về sau, các nhà khảo cổ mới phát hiện ra ở thành phố Ninh Bình có chùa Bát, đã đổ nát hoàn toàn. Ngôi chùa này vốn là đền thờ 8 vị tướng trung nghĩa với triều Đinh, nhưng sợ Lê Hoàn, nên người dân không gọi là đền, mà gọi là chùa.
Để khẳng định xưa kia, nơi đây có nhiều quân tướng tự sát, gây cảnh tang tóc oan khiên vô cùng lớn, ông Nguyễn Văn Son dẫn tôi lên vách núi, bên phải ngôi đền. Trong vách núi ấy, ông làm một chiếc tủ kính, chứa hàng trăm chiếc bát cổ, cả lành lẫn vỡ.
Theo ông Son, từ năm 2001, Nhà nước khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, ông đã nảy sinh phát triển du lịch Tràng An.
Năm 2002, ông Son thành lập công ty TNHH Thiên Trường, mở các cuộc khảo sát khắp vùng Tràng An. Ông cùng người em họ, là ông Nguyễn Xuân Trường vào cuộc.
 
trận đồ trấn yểm
Những chiếc bát ông Son thu được từ Tràng An, mà theo ông tướng sĩ dùng để uống thuốc độc tự vẫn
Để xây dựng hai khu Tràng An và Tràng An cổ, hàng loạt cuộc khảo sát, khai quật tiếp tục diễn ra trên quy mô rộng lớn. Nhiều nền móng đình chùa, nhiều di vật đặc biệt đã được khai quật lên.
Các cuộc khải quật khảo cổ đã làm sáng tỏ thêm nhiều câu chuyện trong sử sách, truyền miệng. Những chiếc bát mà tướng sĩ dùng để uống thuốc độc tự sát là bằng chứng ông Son giữ trong đền để thờ ba quân.
Để chứng minh rằng, vùng đất này chứa chất oan khiên, ông Son đã lấy thuyền chở tôi xuyên qua đền Trần vào thung lũng, nơi mà theo ông, có cả ngàn tướng sĩ chết thảm.
Vượt qua vách đá, tôi và ông Son đi sâu vào thung Thắm. Thung rộng mênh mông, có lẽ đi cả buổi cũng không hết thung lũng này. Thung Thắm thật kỳ lạ, như một vùng đất ngập nước ven biển, với hệ thống si chằng chịt mọc như kiểu sú vẹt. Si không chỉ mọc kín thung lũng, mà tràn lên mấy quả núi, chạy lắt léo qua các thung khác trong một vùng rộng lớn, tạo thành một rừng si nguyên sinh khổng lồ.
trận đồ trấn yểm
Đền Trần ở Tràng An
 
trận đồ trấn yểm
 Thung Thắm
Tôi ngạc nhiên không hiểu đây là giống si gì, thì ông Son bảo: “Đây không phải rừng si đâu, mà là một cây si đấy. Nói không ngoa, thì đây là cây si ngàn tuổi, lớn nhất thế giới. Diện tích bao phủ của nó phải tính bằng cả chục héc-ta, kín cả thung lũng, trùm mấy quả núi”.
Tôi tỏ ra ngạc nhiên, không hiểu, tưởng có ẩn ý gì, thì ông Son thách đố: “Tôi đố cậu tìm thấy cây si nào mọc riêng biệt ở thung Thắm này đấy? Mặc dù có nhiều rễ, nhiều gốc, nhiều nhánh, nhưng tất cả chúng đều dính liền với nhau. Gốc nọ dính liền với gốc kia, mọc nhánh, lan ra như mạng nhện khổng lồ, dài hàng km, nên vẫn chỉ là một cây mà thôi”.
Chuyện si, sanh buông những chiếc rễ nhỏ như chiếc tăm, rồi cái rễ đó lớn lên thành gốc cây khổng lồ, đâm nhánh, nảy thân không có gì lạ. Nhưng một thân mà lan ra trùm kín cả thung lũng, trùm mấy quả núi thì thực là một chuyện kỳ lạ chưa từng thấy trên thế giới, chứ không nói gì ở Việt Nam.
Để lý giải chuyện này, ông Son dẫn tôi lên đền Trần. Đó là ngôi đền nhỏ, xây dựng bằng đá, nằm dưới một mái đá cao vòi vọi. Đền thờ Thánh Minh Đại Vương, tên húy Nguyễn Hiến, em song sinh của Nguyễn Sùng và là em con chú của Sơn Tinh.
Ngôi đền được xây dựng từ thời Đinh, gọi là đền Hiềm (trấn phía Nam). Tuy nhiên, đến thời Trần, vua Trần Cảnh ngang qua đây, đã đổi tên thành đền Trần và tên đó tồn tại đến ngày nay.
Ông Son đứng bên mép đền, chỉ tay khắp thung Thắm. Ông kể rằng, theo truyền thuyết, thì tại thung lũng này, từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp 1.000 năm trước.
Tướng Phạm Bạch Hổ, người trung thành với nhà Đinh, đã đem 1.000 quân vào thung lũng này cầm cự với nhà Tiền Lê, khi Lê Hoàn tiếm ngôi nhà Đinh. Ông lấy thung Thắm làm căn cứ rèn quân, khôi phục binh mã, chờ thời cơ giành lại quyền bính cho nhà Đinh.
trận đồ trấn yểm
 
trận đồ trấn yểm
Hệ thống si ngàn tuổi trong thung Thắm
Lê Hoàn đã đem quân bao vây thung lũng này. Tại đây đã xảy ra hàng loạt cuộc xung đột đẫm máu. Rừng sâu, lương mỏng, quân yếu nên tướng Phạm Bạch Hổ cùng 1.000 quân sĩ đã thiệt mạng. Nhiều quân tướng đã cùng uống thuốc độc tuẫn tiết thể hiện sự trung thành với nhà Đinh. Máu chảy ngập thung lũng, nên từ đó, vụng nước này được gọi là Vũng Thắm (vũng máu). Sau thì gọi là thung Thắm. Ngôi đền Hiềm được đổi tên thành đền Thắm. Trần Cảnh ngang qua, mới đổi tên thành đền Trần.
Truyền thuyết cũng kể rằng, sau khi chôn cất 1.000 binh sĩ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si. Lạ lùng thay, những cây si do nhân dân trồng trên 1.000 nấm mồ đã mọc lan rộng, đan quyện, dính chặt vào nhau, thành một khối liền như mạng nhện. Cứ theo truyền thuyết, thì hệ thống gốc si này đã có tuổi một thiên niên kỷ.
Đã có 60 năm sống ở Tràng An, và mấy chục năm đơm cá, bắt lươn ở trong thung này, đặc biệt là loài cá rô Tổng Trường, cá tràu tiến vua, hai loài cá vốn dâng triều đình, ông Son đã đi khắp thung Thắm. Điều ông nhận ra, ấy là cả ngàn cây si gắn kết với nhau thành một thể thống nhất.
Nhiều lần, ông đã bỏ công đi cả ngày mà không tìm được một gốc si tách biệt. Ông Son đặt câu hỏi: “Phải chăng những cây si này gắn chặt với nhau biểu thị cho sự đoàn kết, nhất trí của các tướng sĩ?”.
Quá trình thu thập chuyện truyền miệng, tìm trong sách sử, rồi quá trình nạo vét, khai quật, ông Son đã phát hiện ra câu chuyện đau thương này.
Còn tiếp…

Phần nhận xét hiển thị trên trang