Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Chương 17
CHỦ NHIỆM ĐẠO TÙNG

Thế sự trai yêu thiếp mọn
Nhân tình gái nhớ chồng xưa.

                  (Bảo kính cảnh giới - 52 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)

Chương“Sử thần Ngô Sỹ Liên” vừa dịch xong đã gây chấn động trong  “Nguyễn Trãi Club”. Mặc dù Đỗ Chí Cao và Ngô Tháp rất nguyên tắc, kiên quyết bảo vệ bản quyền và chỉ cho lưu hành khi sách được chính thức xuất bản, nhưng ông Đạo Tùng vẫn có cách “đi đêm riêng” để “Thọt bỉ nhân” post cho mình một bản làm tư liệu cho cuộc sinh hoạt Câu lạc bộ sắp tới.
Hầu như ít có một tổ chức xã hội tự nguyện nào lại bao chứa được nhiều loại người, nhóm người với những sở thích, chính kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau như “Nguyễn Trãi Club”. Có thể nói, đây chính là điển hình của sự thống nhất trong đa dạng. Chỉ bằng hệ thống mạng internet, qua các Blogger, Facebook, Twitter…,  hàng trăm chi nhánh “Nguyễn Trãi Club” các tỉnh, các châu lục có thể liên hệ với nhau, thông báo cho nhau những thông tin, bài viết, tư liệu liên quan đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Có người nói vui với ông chủ nhiệm Đạo Tùng rằng, sau này “Nguyễn Trãi Club” thậm chí có thể phát triển thành một tôn giáo, gần giống với đạo Phật, đạo Cơ đốc, hay đạo Hồi, đạo Cao Đài, Hoà Hảo... Khác chăng là, tín đồ của các tôn giáo kia là quảng đại quần chúng, và phần đông là tầng lớp bình dân, thì    “Nguyễn Trãi Club” lại hầu hết là giới trí thức. Từgiới trí thức cận thần, bổng lộc quyền lợi gắn với s ít chóp bu quyền lực và các nhóm lợi ích, tới giới dân chủ dấn thân mà lý tưởng là tự do và dân chủ, công bằng cho mọi người, tiến tới xây dựng một đất nước hùng cường…, đều tìm thấy ở Ức Trai, từ con người đến sự nghiệp thơ văn, một danh nhân văn hoá kiệt xuất, một chiến lược gia vĩ đại, một tấm gương sáng chói, một nhân cách tuyệt vời.
Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ, tất  nhiên, là nơi hội tụ nhiều tên tuổi trí thức lớn có đủ cả các thành phần, các khuynh hướng chính trị, tư tưởng. Họ hầu hết là các vị lão thành cách mạng, trí thức đầu ngành, chuyên viên cao cấp nghỉ hưu. Các vị này phần lớn có học hàm học vị, từng giữ các cương vị cao, trọng trách lớn. Có vị bổng lộc đầy mình, vợ con viên mãn, hạ cánh an toàn. Có vị cuối đời bị thất sủng, hoặc bị tai nạn nghề nghiệp, hoặc ngộ ra sự lạc lối…Có thể nói họ khác nhau như nước với lửa, như hai cực âm dương, vậy mà họ lại có khả năng dung hoà, thống nhất. Có nguyên nhân thuộc về những mối quan nhệ xã hội, mà chỉ ở Việt Nam mới có. Đó là sự dằng dịt dây mơ rễ má, anh em chú bác, nội ngoại, thông gia, đồng môn, đồng tuế, đồng hương… Nhưng điều này mới là cơ bản: Họ khác nhau, đối nghịch nhau nhưng không hề triệt tiêu nhau, bài xích nhau, vì tất cả, giờ đây, không ai có quyền lực, không ai phải bảo vệ cho một nhóm lợi ích nào. Ở họ đều có chung tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, chất “kẻ sĩ” thời đại. Trong họ, ai cũng thấy mình có một phần Ức Trai, đau đáu về vận mệnh của Dân tộc, về số phận của Nhân dân, về con đường hưng vong của Đất nước,về sự toàn vẹn, độc lập, tự chủ Quốc gia. Đó chính là chất keo gắn kết, hội tụ, mà không có một thứ xi măng siêu mác nào, một chủ nghĩa, một học thuyết nào có được.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ, ông Đạo Tùng, có lẽ là người có địa vị xã hội thấp nhất trong ban lãnh đạo. Nhược điểm lớn nhất của ông là đã bằng lòng cho một sự mạo nhận: Ngày thành lập Câu lạc bộ, người ta làm cho ông một hộp cacvidit. Ông giận tím mặt, cương quyết không nhận, chỉ vì trong chức danh ghi ông là “nhà sử học”. Ông cho rằng có ai đó đã ngầm chơi ông, phỉ báng ông. Các vị trong Ban chủ nhiệm phải giải thích mãi, rằng đây là mỹ danh để đi làm việc, liên hệ công tác, rằng ông là cử nhân sử học, thầy dạy sử cấp 3, gọi là nhà sử học có sao đâu? Khối người không có tác phẩm công trình lịch sử nào mà cũng được gọi là nhà sử học. Vả lại, lãnh đạo một “Nguyễn Trãi Club” phải cần có một nhà sử học. Cuối cùng thì ông Đạo Tùng đành thoả hiệp. Nhưng đi giao dịch các nơi, ông vẫn thường dùng chức danh chủ nhiệm cho giản dị.
Cho đến cuối đời, Đạo Tùng vẫn giữ vẹn nguyên phẩm chất một người lính. Trong cuộc kháng chiến 9 năm, ông là chiến sỹ giao liên Đại đoàn Đồng Bằng, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi mới mười sáu tuổi. Kháng chiến chống Mỹ, ông là người đầu tiên trong đường dây 559, mở tuyến đường Trường Sơn. Bị thương ở mặt trận Khe Sanh, ông chuyển ngành, trở thành thầy giáo dạy sử cấp ba, nhà thơ nghiệp dư, cho đến khi nghỉ hưu. Mọi người tín nhiệm bầu ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ,vì ở ông, cùng với năng lực tổ chức tuyệt vời, là tinh thần trách nhiệm cao, đức hy sinh, xả thân vì việc chung. Ông sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc, lăn lộn hàng tháng trời lo hàng trăm thứ công việc không tên: Đi phát triển hội viên ở các tỉnh; Liên hệ với địa phương các thủ tục về đất đai, giải toả, kinh phí để tu sửa đền thờ, đúc tượng; Tổ chức hội thảo, in tài liệu, in sách, tạp chí về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ… Tất nhiên, để trở thành một tiểu Mạnh Thường Quân kiêm “mõ làng”, số phận đã cho ông một người vợ siêu phàm: Chỉ bằng bốn sào ao rau muống ở Hoàng Cầu, những năm đầu đổi mới, bà đã chuyển đổi thành ba cơ ngơi bề thế cho các con và một nhà hàng bia hơi, kiêm ẩm thực, đủ cho ông có thể “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Những thành viên khác trong Ban chủ nhiệm “Nguyễn Trãi Club”, là những nhân vật “vua biết mặt, chúa biết tên”, tiếng tăm nổi như cồn trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
Tỷ dụ như hai ông phó chủ nhiệm. Một ông là giáo sư, tiến sĩ cầu đường Phan Công Tại, thường gọi là ông “Sổ hưu”. Một ông là Ngô Tuyên, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, mọi người quen gọi là ông “Quá độ”. Những ông khác trong ban chủ nhiệm như ông “ Lỗi hệ thống”, ông “Vinashin”, “Vinaline”,  ông “ Văn Giang”, ông  “Bôxít”, ông “Tiên Lãng”, đều được gọi bằng bí danh, biệt danh… Đó cũng là một đặc tính tự trào của các vị trí thức khi đã đến tuổi lão thực. Dường như càng về già các vị càng ưu thời mẫn thế, trong lòng lúc nào cũng chứa chất nhiều uẩn khúc. Vì thế, thú vui nhất của các vị hằng ngày là tụ tập bàn chuyện phiếm. Nhiều cụ sinh nghiện, mỗi ngày không “tráng miệng” dăm câu chuyện thời sự là ăn không ngon, ngủ không yên.                                                 
                                               ***
Ví như hôm nay, tự dưng ông “Quá độ”, nhân việc vợ con đi du lịch, vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, liền phôn cho các bạn đến chơi, thưởng thức lộc xuân.
Ông “Sổ hưu” cầm tờ báo Tiền Phong hua lên:
- Các vị có thấy anh Myanmar  thay đổi quyết liệt không? Cho phép tư nhân ra báo rồi đây này. Giỏi quá, mở rộng dân chủ đến thế này thì ông Thein Sein liều thật, dũng cảm thật.
- Không phải liều mà quá tài giỏi - Ông “Lỗi hệ thống” nói và nhìn ông “Sổ hưu” như  phát hiện ra ông bạn đồng hương vừa mới mọc sừng.
Ban đầu Giáo sư Phan Công Tại được  các  bạn  đặt  cho biệt  danh là  ông        “Siêu tốc”, bởi ông chính là tác giả của dự án đường sắt siêu cao tốc xuyên Việt một dạo bị Quốc hội bỏ phiếu phủ quyết. Cả đời ông Tại làm kỹ thuật, ít quan tâm đến những vấn đề xã hội, chính trị. Ông từng có hai năm sang nghiên cứu tại Nhật và Trung Quốc về mô hình đường sắt siêu tốc. Đến khi lãnh đạo bảo ông làm dự án để xin tài trợ của Nhật, ông thực hiện ngay. Nếu dự án được phê duyệt, có thể ông sẽ được phong hàm Thứ trưởng, bất chấp tuổi tác. Ấy là cấp trên bảo thế. Khi dự  án  phá  sản , ông về hưu, và hầu như  vẫn hồn nhiên không quan tâm gì đến những vấn đề xã hội và thời cuộc. Đến khi đi nghe giảng nghị quyết, thấy một vị giáo sư nói rằng các thế lực thù địch được nước ngoài cấp tiền lương hằng tháng để chống phá cách mạng. Nếu bọn chúng thắng thì mọi sổ hưu của các vị mất hết. Vì thế bảo vệ cách mạng chính là bảo vệ cái sổ hưu. Giáo sư tiến sĩ “Siêu tốc” sợ quá, về loan truyền với vợ con và bạn bè. Mọi người cười ồ, lấy biệt danh“ Sổ hưu” để thay cho biệt danh “Siêu tốc”.
- Các ông có nhớ Thống tướng Than Shwe, anh bạn vàng của ta không? - Ông “Lỗi hệ thống” nói - Quân phiệt, độc tài kiểu ấy chỉ đưa đất nước Mianma đến vực thẳm. Ông Thein Sein mới là người anh hùng cứu nước. Rõ ràng là quay một trăm tám mươi độ nhé. Nhưng người anh hùng thực sự của đất nước Mianma, theo tôi phải là bà Aung San Suu Kyi, người được giải thưởng Nobel vì hoà bình. Nước Miamma rồi sẽ tiến xa. Không khéo rồi mình đuổi không kịp…
- Anh Triều Tiên sao không sang Mianma mà học kinh nghiệm nhỉ? - Ông “Sổ hưu” nói - Tay Kim Jong Un còn liều hơn cả bố. Nó mới doạ chơi hạt nhân mà khối thằng sợ vãi đái.
 Ông “Quá độ” lắc đầu ngán ngẩm:
- Nó có hạt nhân, lại máu Chí Phèo, không chừng nó làm thật.
Mọi người đổ dồn mắt về Phó giáo sư Ngô Tuyên.
So với các bạn cùng trang lứa, con đường học vấn và sự nghiệp của Ngô Tuyên khá hanh thông. Vào bộ đội, vừa luyện tập ba tháng cơ bản để đi chiến trường thì Tuyên có danh sách đi du học Liên Xô. Sau này anh mới biết, số anh có quý nhân phù trợ. Ông bác ruột anh làm  lãnh đạo ở Cục quân lực đã can thiệp để anh không phải ra mặt trận. Ở Liên Xô,Tuyên lại trúng tiếp số độc đắc: Vào học tại trường AOH,(*) trường dành riêng cho các hạt giống đỏ. Sinh viên Việt Nam học các trường đại học ở các nước cộng hoà thuộc Liên bang Xô Viết, học bổng mỗi tháng chỉ 120 rup, riêng  nghiên cứu sinh trường A-on được 180 rup, hơn hẳn chục cái bàn là hoặc hai nồi áp xuất. Luận án Kandidat ( phó tiến sĩ) của Tuyên được đánh giá cao, anh được ở lại làm tiếp  Docter (tiến sĩ), với đề tài kinh điển: “Thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam”. Ấy là năm 1976, khi Ngô Tuyên vừa tròn 30 tuổi. Đó cũng là thời kỳ nước Việt Nam vừa thống nhất, đang  bừng bừng khí thế đi lên Chủ nghĩa Xã hội.
Luận án của Ngô Tuyên đưa ra dự báo: Hai mươi năm nữa, tức năm 1996, cùng lắm là đến năm 2000, Việt Nam sẽ tiến hành xong thời kỳ quá độ và bước vào giai đoạn Chủ nghĩa Xã hội phát triển. Luận điểm này từng  xuyên suốt trong các giáo trình đại học một thời gian dài. Vậy mà cho tới giờ, chúng ta vẫn còn đang loay hoay ở chặng đầu của thời kỳ quá độ.
Nghe mấy vị nhắc đến Kim Jong Un, Phó giáo sư Kinh tế học Huỳnh Cao Đoàn, người ít lâu nay lúc nào cũng nhức nhối về vụ tranh chấp đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng, được mọi người tặng biệt danh là ông “Tiên Lãng”, gật gù:
- Đói ăn vụng, túng làm liều. Nó vừa đói vừa túng, hơn hai triệu người xứ sở sâm Cao Ly đang ngậm bã rễ sâm cầm hơi. Mà cái ả Hàn Quốc bên cạnh nhà thì cứ hơ hớ như con gái mười tám, nó ngứa mắt, nó cứ bấm bừa nút hạt nhân thì các ông tính sao?
Ông “Lỗi hệ thống” cười khẩy:
- Doạ thế thôi, chứ cho ăn kẹo cũng không dám chơi hạt nhân. Anh Tàu cũng ngãng ra rồi. Thằng Mỹ thì đang ra sức khích lệ anh Hàn. Chỉ ba bẩy hai mốt ngày là lại xuống thang ngay ấy mà. Nếu sai cứ bắc bếp lên lưng tôi mà đun…
Cái tay “ Lỗi hệ thống” này nổi tiếng là nhà chiến lược, bao giờ cũng có những đánh giá sắc sảo - Ông “Bôxít”, bí danh của nhà văn Phùng Nghiệp, người  cắt ngón tay lấy máu viết đơn lên Quốc hội đề nghị cho dừng dự án Bôxit Tây Nguyên, vừa rít thuốc lào sòng sọc, vừa nghĩ thầm.
Ông “Lỗi hệ thống”, biệt danh của Luật sư Trần Lê. Tốt nghiệp Đại học Luật ở Cộng hoà Dân chủ Đức, nhưng từ khi ra trường, Luật sư Trần Lê chưa hề bào chữa cho một thân chủ nào, cũng như ông hầu như không sử dụng gì đến chuyên môn. Nghề của ông là làm thư ký riêng cho các nguyên thủ. Thành tựu sáng giá nhất trong đời công chức của Luật sư Trần Lê là vào năm cuối, trước khi nghỉ hưu thì ông phát hiện ra sự quanh co, luẩn quẩn trong quá trình phát triển của nước ta chính là do “lỗi hệ thống”. Phát hiện này lập tức được đồng chí Q, một vị lãnh đạo tối cao, ông chủ mà Trần Lê đang phục vụ, vô cùng đắc ý. Nhưng đồng chí Q là một người chín chắn, khôn ngoan. Không dại gì đồng chí phát ngôn khi còn đương chức. Chỉ đến khi nghỉ chức vụ, hạ cánh an toàn, đồng chí Q mới cho đăng tải trên một vài tờ báo và trả lời phỏng vấn các báo chí nước ngoài. “ Lỗi hệ thống” trở thành  một phát hiện sáng giá. Bạn bè thân thiết, biết Trần Lê mới chính là tác giả của luận điểm nổi tiếng kia, liền đặt cho ông cái biệt danh: Ông “Lỗi hệ thống”.
- Anh Nga có vẻ cũng ngả theo Mỹ, không ủng hộ Kim Jong Un – Ông “Bôxít” thủng thẳng. Khôn nhất là anh nhà mình. Cứ im thin thít, chẳng ủng hộ anh Hàn, mà cũng chẳng phản đối anh Bắc Triều Tiên…
Ông tộc người “Tà ru”, từ  nãy  vẫn lặng lẽ đọc tập bản thảo dịch, bây giờ mới góp chuyện:
- Thì cái máu ý thức hệ nó thế. Chẳng gì, cả thế giới còn mấy anh em đồng sàng với nhau, phải cưu mang nhau …
Ông tộc  người “ Tà ru”” ít nói, nhưng đã nói là sâu cay. “Tà ru” là tiếng nói lái của “tù ra”. Tên ông, Võ Hoài, nguyên Tổng biên tập báo “Ngôi sao”, từng nổi như cồn trong giới văn nghệ báo chí một thời. Ông là đồ đệ số một của triết gia tài danh Trần Đức Thảo, nói cùng lúc tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, thông kinh s làu làu. Thế rồi từ chủ nghĩa giáo điều cuồng tín, ông quay ngoắt sang phe dân tộc cấp tiến. Rồi bị vướng vào vụ xét lại, bị vu là thân Liên Xô. Từ đó thân bại danh liệt. Hồi ở trại tù Tiền Giang, có nhiều câu chuyện đồn thổi về ông. Tỷ như ông quyết không khai những gì giám thị áp đặt. Tra hỏi bao lần, ông vẫn lì ra, viên giám thị liền không nói gì, lẳng lặng mang chiếc rọ sắt đến bắt ông chui vào, rồi cho lăn xuống ao thả cá tra. Ba lần như thế, Võ Hoài sợ chết ngất mỗi lần thấy mang rọ đến. Một lần, phẫn uất quá, ông quyết tuyệt thực. Giám thị mang cơm ngon, thịt béo, canh ngọt đến dụ mãi không nghe, họ đâm chán, lại gặp ngày chủ nhật, giám thị  liền  bỏ về nhà. Nhân đấy, Võ Hoài tha thẩn ra cổng trại hóng gió. Thấy mấy cậu thanh niên trong ấp thui chó bằng rơm nếp, rồi họ pha thịt, nướng chả thơm phức. Đám thanh niên ấp có vẻ cảm thông với Võ Hoài, rủ ông thử vài miếng. Vừa thèm, vừa thấy mấy sắp nhỏ dễ thương, thiệt tình, Võ Hoài nhập cuộc, đánh chén ngon lành. Hôm sau, giám thị trại gọi Võ Hoài lên, cho xem ảnh và máy camera quay cảnh ông đang xơi thịt chó ngon lành. “Đó, ông thấy chưa? Bất cứ việc gì ông làm, chúng tôi biết hết. Đừng giả vở đóng vai nhà dân chủ làm gì. Bọn trí thức các ông hèn lắm.” Viên giám thị làm Võ Hoài vừa xấu hổ, vừa nhục, cúi gằm mặt, khai hết.
Từ ngày ở tù ra, ông tộc người “Tà ru” Võ Hoài đã trở thành một con người khác. Nhiều lúc ông ngây ngây dại dại. Cả ngày có khi chẳng nói câu nào. Nhưng đã nói là như có máu, có muối, có ớt bật ra.
Câu chuyện của các cụ đại loại như vậy. Thường thì các vị đến Câu lạc bộ Rồng Bay, gọi là bơi lội, bóng bàn, cầu lông cho có việc, rồi kéo nhau vào quán bia hơi, hai vị chung một vại vì sợ tiểu đường, gọi thêm đĩa lạc, con mực, rồi chuyện phiếm cho qua ngày. Nhưng hôm nay ông “Quá độ” nhân có tí nhuận bút bài thơ đăng số Tết trên báo “Cây cao bóng cả”, muốn khao các bạn.
- Có chuyện này - Ông “Quá độ” cầm tập bản thảo huơ lên cho các bạn thấy -    “Long thành tạp ký” có chương viết về sử gia Ngô Sỹ Liên hay lắm. Những tư liệu lần đầu tiên được phát hiện. Hoá ra giới trí thức Việt gần sáu trăm năm sau cũng chẳng khác gì các ngài tiến sĩ thời Lê sơ…
Ông “Văn Giang” tủm tỉm cười lấy từ trong ngực ra mấy tập phô-tô, phân phát cho mọi người.
- Nhà sử học Đạo Tùng mới gửi cho tôi. Tôi vội phô-tô tặng các vị đây. Thế mới biết quyền lực thời nào cũng vậy. Nó có thể giết chết một đại công thần, một vĩ nhân như Nguyễn Trãi mà không cần xét xử. Nó có thể biến một sử gia danh tiếng thành kẻ nô bộc, một tiến sĩ tài năng thành kẻ bồi bút.
- Bây giờ ông mới biết điều đó à? - Ông “Bô xít” tròn mắt nhìn ông “Văn Giang” - Tôi tưởng ông bênh vực hai phóng viên  bản Đài Trung ương khi họ kiên quyết phản đối dự án Ecopark, thì ông phải thấm thía điều đó chứ. Rõ ràng bọn côn đồ hành hung hai phóng viên muốn đến phanh phui sự thật giúp người nông dân Văn Giang, mà  các cơ quan công quyền thì làm ngơ, còn hàng trăm tờ báo lề phải cả nước thì im thin thít. So với bây giờ thì tiến sĩ Ngô Sỹ Liên chỉ đáng là học trò ngành lịch sử và báo chí... Đau nhất là mang tiếng kẻ sĩ. Biết. Xấu hổ. Nhục nhã …mà không dám nói.
Ông “Quá độ” bỗng vỗ trán, nói:
- Hồi tôi học ở Matscơva, các bạn Nga quí sinh viên Việt Nam lắm. Các bạn luôn nói một câu cửa miệng: “Esli bư ia Vietnames, Ia budu Viettcongom” (Nếu tôi là người Việt Nam, tôi sẽ là Việt cộng”. Bây giờ cánh sử gia, cánh trí thức chúng ta cũng có thể nói: “Nếu tôi là nhà người viết sử, tôi cũng sẽ là sử gia Ngô Sỹ Liên”…
- Hay. Quá hay - Ông bộ tộc “Tà ru” và ông “Vinashin” cùng giơ ngón tay cái lên - Câu nói hay nhất trong ngày.
Mọi người đều như thấy mình có lỗi, khi ông “Bô xít” bỗng rơm rớm nước mắt.
- Thôi, chuyển sang đề tài khác đi - Ông “Tiên Lãng” nói với các bạn, khi vừa thoáng thấy trung tá Philip đi xe máy ngang qua - Quái, sao giờ này mà Ông Đạo Tùng vẫn chưa đến nhỉ? Ông Ngô Tuyên, ông không mời Chủ nhiệm câu lạc bộ à?
Ông “Quá độ” nhìn đồng hồ:
- Chúng ta đợi mấy phút nữa. Ông ấy đang kẹt đường.
Một người mới đẩy cửa bước vào. Đó là ông “Chủ thuyết”, tức Giáo sư Tiến sĩ triết học, Viện sỹ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Lã Đức Phú, nguyên Viện trưởng viện Phương Đông. Ông và cộng sự vừa hoàn thành 8560 trang công trình khoa học cấp Nhà nước trị giá 250 tỷ về Chủ thuyết phát triển. Hoàn thành, nghiệm thu xong thì ông “Chủ thuyết” vừa tròn tuổi 70 và nhận sổ hưu. Ông tham gia“ Nguyễn Trãi Club” là để dấm sẵn chức Hội trưởng, khi “Hội những người yêu kính và bảo vệ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ” được thành lập.
Ông “Lỗi hệ thống” vội thông báo:
- Các ông có đọc tin mới không? “ Tàu lạ” vừa bắt hai tàu của ngư dân đảo Lý Sơn đang đánh cá ở Hoàng Sa.
Ông “Sổ hưu” nói:
- Làm gì có chuyện đó? Lãnh đạo cấp cao hai nước anh em vừa gặp nhau hôm kia. Lại luận điệu của các thế lực thù địch. Ngày nào tôi cũng đọc báo, xem tivi, thấy Biển Đông hoàn toàn yên tĩnh.
Ông “Văn Giang” nói:
- Muốn biết tin tức, các ông phải vào mạng. Cũng như muốn biết về thực chất vụ án Lệ Chi Viên thì đừng đọc Ngô Sỹ Liên mà hãy đọc “Long Thành tạp ký”.
Mọi người cười ồ lên. Cũng là lúc ông Chủ nhiệm Đạo Tùng nhễ nhại mồ hôi cùng với giáo sư Hoàng Nguyên đi vào.
Các nhà trí thức cùng ào đến bắt tay dịch giả “Long Thành tạp ký”.
- Quí hoá quá. Hân hạnh được gặp.
- Nghe tin Mạc Ngôn được Nobel văn học phải không ông? Hàng chục người dịch Mạc Ngôn, nhưng chỉ bản dịch của ông là tuyệt bút…
Giáo sư Hoàng Nguyên chỉ biết chắp tay và cười hiền:
- Cám ơn các vị. Xin các vị cho tôi làm thành viên “Nguyễn Trãi Club”…
 Ông Đạo Tùng lấy trong cặp một xấp tài liệu, phân phát cho mọi người.
- Xin lỗi các vị. Tôi phải tạt qua hiệu photo và đến đón giáo sư Hoàng  nên đến muộn. Đây là những chương mà giáo sư Hoàng Nguyên và “Thọt bỉ nhân” vừa chuyển cho tôi. Vị nào chưa có thì xin mời.
Giáo sư Hoàng nói:
- Còn một chương kết nữa. Đây là chương sẽ đưa địa vị của “Đoàn gia văn phái” sánh ngang với “ Ngô gia văn phái”. Chúng tôi đang dịch gấp..
Ông “Lỗi hệ thống” nói:
- Tôi hi vọng  một ngày nào đấy sẽ tìm thấy “Tam triều bản kỷ” của cụ Ngô Sỹ Liên. Chắc ở cuốn sử này cụ Ngô mới dám viết hết sự thật.
Ông “Tà ru” tiếp lời:
- Cuốn ấy vĩnh viễn chỉ là mơ tưởng.Vừa viết xong thì Thái hậu đã có “công văn” thu hồi và cho nghiền ra giấy vụn để tái chế…
Ông “Chủ thuyết” nói:
- Nhân việc xuất bản cuốn sách này, tôi đề nghị câu lạc bộ chúng ta hoàn thành gấp các thủ tục tiến hành đại hội thành lập “Hội những người yêu kính và bảo vệ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ” ngay trong năm nay.
Chủ nhiệm Đạo Tùng nói:
- Báo cáo Viện sỹ Lã Đức Phú, Ban chủ nhiệm chúng tôi lúc nào cũng canh cánh về việc này. Các chi nhánh ở Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Austraylia…không ngừng tăng số hội viên và tháng nào cũng thúc giục. Họ sẵn sàng tài trợ kinh phí… Họ đã cử luật sư tham gia phiên toà lịch sử tuyên trắng án cho Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ. Nhưng chúng ta còn phải chờ Quốc hội thông qua luật lập hội, luật biểu tình…
Ông “Sổ hưu” nói:
- Hội yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, thì không có gì phức tạp lắm. Nhà nước sẵn sàng ủng hộ thôi. Nghe nói cùng một lúc ông Đạo Tùng lại muốn đệ đơn xin thành lập “ Hội thơ lục bát” nữa, thì phức tạp đấy. Dính đến thơ phú, văn chương là rắc rối to. Dân chủ, tự do cũng phải có định hướng. Chúng mình được tụ bạ nhau ở đây để nói lăng nhăng thế này là tự do dân chủ quá rồi. Thử đọc “Long Thành tạp ký” mà xem.Tiến sĩ Ngô Sỹ Liên vừa mời các bạn tân khoa đến ăn giỗ, liền bị Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh cho người đến giải tán tắp lự. Nói thế để thấy đừng có lợi dụng tự do, dân chủ quá trớn, các vị ạ…
- Nói đến thế thì đành… bó tay chấm com. - Ông “Vinaline”, người đã viết bốn mươi nhăm bài báo vạch trần tội tham nhũng của Dương Chí Dũng và đồng bọn, nhưng không báo nào chịu đăng, nói - Thưa Giáo sư  Tiến sĩ Phan Công Tại, ông có biết ngay sau khi cách mạng Tháng 8 thành công, cụ H Chí Minh đã cho thông qua Hiến pháp 1946, trong đó có Luật  biểu tình không? Vậy mà cho tới bây gi, sau 68 năm, các đồng chí và hậu du của Cụ H vẫn treo luật này cao chót vót…, thì quả là một cuộc kéo lùi lịch sử khủng khiếp. Chúng ta làm cách mạng Dân tộc Dân chủ, nhưng mới xong một nửa, tức là mới hoàn thành cách mạng Dân tộc, đã đòi lên Chủ nghĩa Xã hội. Thế hệ  chúng ta và con cháu chúng ta còn n dân tộc này một nền Dân chủ cho đến bao gi?
Ông “Quá độ” nói:
- Thôi, xin quí vị đừng chạm vào nỗi đau của chúng tôi… Các vị đọc “Long Thành tạp ký” có thấyNguyễn Trãi đã soạn xong “Quốc triều Hình luật” trong những ngày v Côn Sơn ở ẩn không? Vậy mà  thời Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính, tức là suốt 19 năm triều vua Lê Nhân Tông, b quốc luật này bị vứt vào sọt rác. Phải đợi mãi đến thời vua Lê Thánh Tông , “Quốc triều Hình luật” mới được ban hành dưới tên “B Luật HồngĐức”. Đây là b luật vĩ đại nhất của Đại Việt ta cho đến bây gi. Các vị ơi, đừng mộng mơ, ảo tưởng ở những bộ óc bã đậu, trái tim đen tối. Chỉ có vua sáng mới hội tụ được hiền tài, giữ được nguyên khí quốc gia.
Ông “Quá độ” chưa nói dứt lời thì trung tá Philip đã lấp ló ở cửa.
Qua cặp kính đen, các vị trí thức hàng đầu như đọc thấy thông điệp: “ Các vị làm gì, chúng tôi biết hết. Đừng quên giữ lấy cái sổ hưu, các vị nhé”.

                                             ***
Nhờ bản dịch “Long thành tạp ký”, “ Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt đã tìm ra ngày tháng Lê Lợi và mười tám vị công thần đã hội nhau ở Lũng Nhai để làm lễ tế trời đất khởi binh tiễu trừ giặc Minh.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Năm Mậu tuất,(1418, Minh Vĩnh Lạc năm thứ 16), mùa Xuân, tháng Giêng, ngày Canh thân, vua khởi binh ở Lam Sơn”.      “Long Thành tạp ký” ghi rõ hơn: “ Sau lễ hạ cây nêu, nhằm ngày 8 tháng Giêng, Lê Lợi tụ hội hào kiệt, mở hội ăn thề ở Lũng Nhai, khởi binh diệt giặc Ngô”. Vậy là, tính đến mồng 8 tháng Giêng năm Quý tỵ, 2013, hội thề Lũng Nhai vừa tròn 595 năm.
Buổi sáng mùa Xuân, Ban chủ nhiệm “Nguyễn Trãi Club” tổ chức lễ dâng hương tại tượng đài Vua Lê bên bờ hồ Hoàn Kiếm, để kỷ niệm 595 năm Hội thề Lũng Nhai.
Đối diện với tượng đài vua Thái tổ Lý Công Uẩn ở phía đông hồ mới được dựng để chào đón một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, tượng đài vua Lê nằm khuất phía mé tây hồ, tại số nhà 16, phố Lê Thái Tổ. Đó là một pho tượng nhỏ bằng đồng, cao 1,2 mét, dựng trên một trụ đá cao vút, có đế choãi ra như một trống đồng. Hiếm có một pho tượng c đẹp như thế còn lại ở trung tâm Thăng Long bao phen chìm nổi. Nhà điêu khắc tạc vua Lê trong bộ áo hoàng bào, thắt đai lưng, đầu đội mũ bình thiên, tay trái chống vạt áo, tay phải cầm kiếm hơi chúc xuống, đứng uy nghiêm nhìn về phương bắc.
Sử liệu Thăng Long còn ghi lại rằng, nơi đây vốn là đất của làng Kiếm Hồ, tổng Tả Túc huyện Thọ Xương . Thời Lý, hồ có tên  Lục Thuỷ, rồi hồ Thuỷ Quân, thời Lê đổi tên Tả Vọng, ăn thông ra sông Cái ở Bến Đông. Sau sự tích Lê Lợi trả gươm cho rùa thần, hồ đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, hay Hồ Gươm. Để ghi nhớ công ơn Lê Lợi, sau khi vua mất, dân làng Kiếm Hồ lập đền thờ ngài. Hằng năm, vào ngày giỗ ngài, 22 tháng 8 âm lịch, dân làng Kiếm Hồ và Nam Hương thường tổ chức tế lễ và tái hiện sự tích trả gươm với các nghi thức lễ hội tưng bừng. Nơi đây từng ghi bút tích và thơ văn của các danh sỹ Vũ Tông Phan, Nguỵ Khắc Thuần, Nguyễn Văn Siêu, Lê Đình Diên... Tiến sĩ Lê Quý Thích (1760 – 1825) từng có bài văn tế Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế và còn lưu lại đôi câu đối treo tại đền:
“Hồ tâm dạ phát linh kim khí
 Miếu mạo xuân hàm dị mộc hương”

( Lòng hồ đêm đêm vẫn phát ra khí gươm linh thiêng
 Miếu điện ngày xuân vẫn thấm đượm hương thơm kỳ lạ).
Ai là tác giả bức tượng Lê Thái Tổ, vẫn còn là một ẩn số. Chỉ biết, cụm tượng đài được dựng trên đất ngôi đền thờ xưa theo lệnh của vua Thành Thái  triều Nguyễn và có bia đá do quan Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải khắc ghi vào năm 1894, trong thời gian chính quyền bảo hộ Pháp cải tạo vùng hồ Hoàn Kiếm thành khu phố Tây.
Khi chủ nhiệm Đạo Tùng và các thành viên trong ban lãnh đạo “Nguyễn Trãi Club” đến tượng đài vua Lê Thái Tổ thì quanh Hồ Gươm vẫn còn thưa vắng người. Những hàng cây như còn ngái ngủ. Mặt hồ mờ ảo hơi sương, tưởng như khí thiêng Thăng Long còn đang ngưng tụ nơi đáy hồ, đang bao bọc gìn giữ những xưa cũ, cổ kính của mọi thời.
Ông “Chủ thuyết” đứng chống tay nhìn ngôi nhà bên cạnh khu tượng đài vua Lê, nay đã thành trụ sở của một cơ quan văn hoá, nói với các bạn:
- Các ông có nhớ Hội Khai trí Tiến đức ngày trước không? Năm tôi mười bốn tuổi, đã được theo ông anh họ vào đấy, nghe mấy ông Việt Quốc, Việt Cách diễn thuyết. Rồi chửi nhau loạn xạ…
Ông “Vinashin” nói:
- Tôi thì lại nhớ hồi Câu lạc bộ Thống Nhất còn đặt trụ sở ở đây. Vị nào cũng nóng  lòng đòi về Nam chiến đấu. Ba ông bạn tôi đều viết đơn xin đi B một ngày. Chỉ hai năm sau, cả ba cùng nằm lại dọc Trường Sơn…
 Ông “Quá độ” nhìn pho tượng vua Lê đứng khuất lấp sau vòm cây và những khu nhà xung quanh, nhìn những bậc thềm rêu phong trầm mặc, bỗng nhớ đến bài thơ thi sỹ Chế Lan Viên viết về những năm đầu thế kỷ XX, khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong vai anh Ba xuống con tàu Đô đốc Latouche Treville rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Ông chợt cảm khái về thế thái nhân tình, khẽ ngâm nga:
“Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ…”
Câu thơ khiến ông “Bô xít” đứng ngẩn, bấm đốt ngón tay nhẩm tính, chợt kêu lên:
- Thôi chết rồi. Thế mà không nh ra. Hôm nay là ngày 17 tháng 2 dương lịch các vị ạ. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, các vị có nhớ là ngày gì không? Trời ơi, 34 năm rồi. Chúng ta đã bỏ quên. Lịch sử đã bị bỏ quên. Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ cả rồi. Chúng ta vô ơn bội nghĩa với hàng vạn liệt sỹ đã bỏ mình ở biên cương phía bắc. Liệu chúng ta có-còn-là-người-không?
Ông “Tiên Lãng” giơ hai tay lên trời cao:
- Chao ôi, người ta muốn bỏ quên lịch sử thì người ta cũng tạo dựng nên được lịch sử. Cho nên bà Nguyễn Thị Lộ bị vu là ngủ với vua, rồi giết vua, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, có gì lạ?
- Đừng trách chi sử gia Ngô Sỹ Liên. Các sử gia hôm nay cũng bẻ bút hết cả rồi. Hơn ba mươi năm trôi qua mà không có một dòng trong sách giáo khoa, không có một dòng trong chính sử… - Ông “Bô xít” bỗng khóc nấc lên, khiến các bạn ông cùng sụt sịt theo.
Một thanh niên mang vòng hoa và hương tới.
Chủ nhiệm Đạo Tùng và ông “Tiên Lãng” như cùng đồng thanh:
- Cháu làm ngay cho các ông một vòng hoa nữa và ghi thêm một tấm băng, đề “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ Quốc”. 
Ông “Tà ru” nói:
- Ghi rõ là “hy sinh tại mặt trận Biên giới phía Bắc”.
Ông “Sổ hưu” xua tay:
- Ghi hy sinh chung chung thôi, kẻo làm phật lòng bạn…
Anh thanh niên chẳng biết nghe ai, vội phóng xe đi.
Trong khi mọi người dâng hương trước tượng đài vua Lê Thái Tổ, ông “Chủ thuyết” bỗng đề nghị:
- Không nên đặt lễ ở đây. Chúng ta phải mang vòng hoa đến tượng đài liệt sỹ Bắc Sơn thắp hương mới phải lẽ, các ông ạ.
Mọi người tán thành ngay.
Cùng lúc đó có tiếng còi xe cảnh sát réo vang. Các rào chắn đã được kéo ra ngăn ngang đường Lê Thái Tổ. Phía bên kia hồ, nơi quảng trường tượng vua Lý và đền Bà Kiệu đã có mấy trăm người tập trung. Thấp thoáng có cờ đỏ, băng rôn.Tiếng hát từ đám đông trầm hùng cất lên: “ Biển Đông của ta đâu có phải ao nhà của chúng nó…” Rồi có tiếng còi cảnh sát. Mấy chiếc xe bus cùng chạy đến kéo người lên. Tiếng hô khẩu hiệu.Tiếng hò la. Tiếng kêu cứu như xé rách mặt hồ.
- Lại biểu tình về Biển Đông rồi - Ông “Chủ thuyết” nói.
Ông “Văn Giang” bảo:
- Hình như họ cũng kỷ niệm ngày 17 tháng 2 trước tượng vua Lý. Hay chúng ta cùng kéo nhau sang cả bên ấy.
Ông “Sổ hưu” dãy nảy:
- Đừng sang. Các ông không thấy công an và thanh niên xung kích đang dẹp bọn người quá khích đấy à?
- Thế thì đi Bắc Sơn - Ông Đạo Tùng quả quyết.
Cũng vừa lúc vòng hoa được anh thanh niên ban nãy mang đến.
Mọi người lên taxi, đem theo vòng hoa có dòng băng đỏ, chữ vàng: “Đời đời ghi nhớ công ơn các Liệt sỹ hy sinh vì Tổ Quốc”.
Dọc đường đi, ông “Tiên Lãng” phát hiện ra trung tá Phạm Tê vận thường phục, đeo kính đen, đuổi xe theo. Hình như Philip đang ra sức gọi mọi người quay lại.
Lái xe nói:
- Đường lên lăng Bác bị chặn ở ngã tư Cột Cờ.
Ông “Bô xít” bảo lái xe:
- Cứ phóng thẳng đường Điện Biên Phủ. Nếu bị chặn thì rẽ đường Nguyễn Tri Phương.
Từ xa đã thấy người vây đặc kín khu đài liệt sỹ Bắc Sơn. Hình như có sự giằng co giữa một đám đông thanh niên và những người đến dâng hương. Đám thanh niên không rõ là bọn lưu manh côn đồ hay thanh niên phường, người nào cũng cầm theo dùi cui. Họ ngăn tất cả những ai mang vòng hoa, hương nến, băng rôn đến đặt dưới chân tượng đài. Tiếng mấy ông cựu chiến binh cùng gào lên:
- Các anh là ai? Bọn phản động à? Sao lại cấm nhân dân đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ chống quân bành trướng?
Một thanh niên đứng trên bậc tam cấp nói vào chiếc loa pin:
- Đề nghị đồng bào giải tán. Không có giấy phép của thành phố, không được tự tiện đến thắp hương đài liệt sỹ…
Tiếng la ó:
- Ai ký giấy phép? Yêu nước cũng phải xin phép à?
- M mạng mà xem. Hôm nay ông bạn vàng mở đại l kỷ niệm chiến thắng dạy cho Việt Nam một bài học đấy. Cờ đỏ rợp trời bên Trung nguyên kia kìa…Bạn thì kỷ niệm tưng bừng còn ta thì cấm là cớ làm sao?
- Đả đảo… Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống…
Mấy người vác vòng hoa cứ ào lên. Những bó hương cháy bùng như đuốc.
Một xe màu trắng đến giải tán đám đông. Hai xe bus được điều đến. Những người hăng hái xông lên đài tưởng niệm thắp hương đều bị bắt đẩy lên xe bus.
Chủ nhiệm Đạo Tùng và các vị trong Ban chủ nhiệm “Nguyễn Trãi Club” bị chặn xe t góc đườngHoàng Diệu.
Trung tá Philip như từ trên trời rơi xuống, chắp hai tay nài nỉ:
- Con xin các bố… Các bố về đi cho con nhờ… Mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo…
Ông Đạo Tùng gạt tay Philip, kéo ông “Bô xít” :
- Chúng ta cứ vào thắp hương. Lúc này là lúc chúng ta phải thể hiện lòng yêu nước.
Đi một đoạn,  ông “Bô xít” và ông chủ nhiệm Đạo Tùng bỗng thấy hẫng phía sau. Quay nhìn lại. Không thấy “ Chủ thuyết”, “Sổ hưu”, “Tiên Lãng”, “ Tà ru”, “ Vinashin “, “ Văn Giang”… đâu cả. Mọi người đã lủi đâu mất.
Phía chân đài tưởng niệm, cuộc vây bắt đang hồi quyết liệt. Đạo Tùng bỗng kêu thất thanh khi thấy một người đang tập tễnh nhảy từ trên xe bus xuống. Nhưng ngay lập tức hai thanh niên cầm dùi cui nhào theo bắt lại.
- Kìa, “Thọt bỉ nhân”! Không được bắt dịch giả Bùi La Việt!
- Không được bắt người yêu nước lên trại Lộc Hà.
Ông Đạo Tùng và ông “Bôxít” kêu toáng lên.
Đúng là chủ trang Web “Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt đang như một Triệu Tử Long tả xung hữu đột. Anh đang c nhoài người khỏi hai thanh niên đội mũ dân phòng. Nhưng không th thoát bốn cánh tay vạm v như hai gọng kìm.
 “Thọt bỉ nhân” bị lôi xềnh xệch, tống lên xe.
_______________________________
(*) Viết tắt tiếng Nga: AOH – (AKADEMIC OBWECTBEHHƯK HAYK) - Akademic Obsetstvenưk Nauk - Viện hàn lâm Khoa học Xã hội, trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
 Hoàng Minh Tường

 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÚC MỪNG tác phẩm mới:

CHÚC MỪNG !


Nhà xuất bản Dân Khí ra cuốn sách đầu tiên

Nhà xuất bản DÂN KHÍ thuộc Diễn dàn XHDS đã ra cuốn sách đầu tiên. 

Có thể đặt mua sách trên amazon.com.
hoặc qua Người Việt:

Mời các bạn đặt mua.

Hai cuốn tiếp theo cũng của Nhà văn Hoàng Minh Tường 
sẽ ra mắt trong những ngày gần đây.
Kính báo!

Chúc Mừng một nhà xuất bản mới ra đời!
Chúc Mừng ấn phẩm đầu tiên của Nhà xuất bản Dân Khí!
Chúc Mừng Nhà văn Hoàng Minh Tường!
____________

Phần nhận xét hiển thị trên trang