Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Mất cảm giác là chuyện phình phường thui mừ:

“NHẠY CẢM CHÍNH TRỊ”

(NCTG) Phải chăng, cái đích cuối cùng của báo chí tiếng Việt là đi từ “nhạy cảm” đến “vô cảm”, một quá trình triệt tiêu mọi cảm xúc một cách hoàn hảo để chữa căn bệnh thiếu /kém “nhạy cảm chính trị”?

Tuyệt nhiên tránh nói đến những vấn đề nổi cộm của xã hội, phải chăng báo chí Việt Nam đang tiến đến con đường 
“vô cảm hóa” mọi cảm xúc  

Vừa rồi về Việt Nam, bất ngờ được chị bạn (làm công tác văn hóa văn nghệ) nhắc nhở: “Em chẳng nhạy cảm chính trị gì cả!”.

Thực ra “nhạy cảm chính trị” là cái quái gì nhỉ? Ngơ ngác một lúc, nhớ ra, ngay từ buổi đầu viết báo, mình từng được/bị nhắc như thế. Không chỉ một lần.

Lần thứ nhất cách đây cũng gần hai chục năm. Sau đợt đi thực tế theo chương trình thực tập của Trường Viết văn Nguyễn Du, mình nộp bài cho tờ X. Một tuần căng thẳng hồi hôp chờ đợi trôi qua, mình được bà Tổng biên tập tiếp bằng nụ cười tươi rói và thương cảm: “Đúng là nhà thơ nhà văn các bạn lơ mơ thật. Chẳng nhạy cảm chính trị tí nào!”.

Bài báo viết về nỗi đau chết hụt trong “căn nhà tình nghĩa” của một bà mẹ anh hùng ở Ninh Hòa, vùng đất có nhiều mẹ anh hùng nhất nước. Không nhạy cảm chính trị là sao?

Căn nhà đó có bảy bát hương xếp hàng trên ban thờ lặng ngắt u buồn. Vệt nước lụt vẫn còn thẫm đen đánh dấu trên nửa già cánh cửa gỗ sắp mục. Bức tường nứt đút lọt ngón tay út. Gian bếp lạnh tanh chỏng chơ cái nồi nhỏ… Thỉnh thoảng mẹ mới đến nhà mình để thắp hương cho những người chết. Vì mẹ sợ. Ở căn nhà đó, mẹ sợ đủ thứ. Sợ trộm cắp, sợ lụt lội, sợ cái nhà ụp xuống đầu bất cứ lúc nào. Sợ hơn cả là nỗi cô đơn không hàng xóm láng giềng. Mới đấy, lũ lụt tràn qua bất ngờ trong đêm, mẹ suýt chết đuối. May có đứa cháu họ xa sực nhớ đến, chạy ra cõng mẹ về. Từ đó, mẹ về hẳn trong làng ở nhờ nhà người bà con.

Không hề ngần ngại, mẹ thổ lộ nỗi buồn, sự bất bình với chính quyền địa phương khi xây cho mẹ căn nhà không đảm bảo chất lượng vì đã “bị rút ruột một nửa” và nằm chơ vơ giữa cánh đồng hoang vắng. Từ xa, ngôi nhà nom giống mô hình “nhà cô đơn trên sa mạc”. Có lẽ, chức năng của căn nhà là làm nhân chứng cho “sự quan tâm của Đảng và nhà nước” thì đúng hơn là làm “nhà tình nghĩa”, mái ấm cho một bà mẹ anh hùng cô đơn.

Kết luận bài báo, mình nói về cảm giác buồn nôn khi chứng kiến ông quan chức Phòng Thương binh Xã hội, miệng cười hềnh hệch gào thét zô zô, tay thản nhiên thò vào khuấy đá trong vại bia đang sủi bọt ở quán ăn chiêu đãi các tân nhà báo. Chỉ mấy phút trước, trong buổi mít-tinh tưởng nhớ liệt sĩ, những ngón tay chuối mắn này còn vung lên hùng hồn phụ họa cho bài diễn văn “nghèn nghẹn xúc động”…

Tuy nhiên, bài viết nhiều thông tin thực tế và cảm xúc “lai láng” của một đứa thơ thẩn đã không được duyệt chỉ vì nó rất thiếu “nhạy cảm chính trị”.

Lần thứ hai khái niệm “nhạy cảm chính trị” do một sếp nữ giảng giải. Chẳng nhớ là mình đã phạm lỗi gì cụ thể (vì nhiều lỗi quá), chỉ nhớ hôm ấy, ở hành lang cơ quan, mình hút thuốc và sếp cũng… xin một điếu. Đấy là lần duy nhất mình thấy sếp hút thuốc (hình như sếp đang bức xúc gì đó). Sếp chân tình nói: “Này, chị bảo thật, người ta nói ăn cây nào rào cây ấy, nếu em định viết bài chê ngành văn hóa thì em chỉ có cách ra khỏi ngành, rồi muốn viết gì thì viết. Ngành văn hóa tham nhũng giỏi lắm được vài chục triệu, làm sao bằng ngành giao thông tham nhũng hàng chục tỉ hả em. Em cần phải nhạy cảm chính trịhơn chứ đừng có ngây thơ như thế…”.

Mình nghe sếp nói và… im lặng. Sếp nói quá chuẩn! Sau đó, mình đã thực hiện đúng lời khuyên của sếp, tình nguyện vĩnh biệt đời công chức, ra khỏi ngành và viết “Lê Vân yêu và sống”, một cuốn sách mình muốn viết. Cuốn sách bị cấm tái bản (theo lệnh miệng) sau một tháng phát hành. Đến giờ, lệnh cấm vẫn còn nguyên hiệu lực, mà chẳng ai cho mình biết lý do tại sao cấm để mình còn “rút kinh nghiệm”. Đoán mò, chắc tại mình kém “nhạy cảm chính trị” chăng?

Lần thứ ba mình được “thụ giáo” bởi một anh chàng dễ thương bên an ninh văn hóa. Khi đó, mình đang say sưa viết một loạt bài điều tra về ông hiệu trưởng một trường đại học tham nhũng, lạm quyền. Vì là chỗ quen biết, chàng đọc thấy bèn chân tình khuyên nhủ: “Em viết làm gì. Ông trưởng bảo đúng ông phó bảo sai. Đố em biết được ai đúng ai sai!!! Cơ chế là thế. Hôm nay đúng ngày mai sai ngày kia lại đúng. Chẳng có ai sai cả. Viết thế chứ viết nữa cũng chả giải quyết được gì!!! Em phải biết trên ông ấy là ai chứ! Em chả nhạy cảm chính trị tí nào”.

Quả thật, bốn số liền đăng bài tố cáo mà “ngài hiệu trưởng khả kính” không thèm ra lời. Thậm chí, không hiểu phù phép thế nào, ông ta lại được ca ngợi hết lời, cũng chính trên tờ báo đó. Thế mới đau chứ!

Nỗi đau này mãi gần chục năm sau mới… lên da non được. Tình cờ một hôm, cà phê vỉa hè, mình đọc được tin ngài hiệu trưởng phù thủy ấy sắp ra tòa. Vì tham nhũng hay gì gì đó, ở một phi vụ khác… Bỗng nhớ lời khuyên chân tình của chàng an ninh văn hóa về “căn bệnh” kém “nhạy cảm chính trị” của mình.

Và còn nhiều lần nữa, mỗi lần được nhắc nhở kém/ thiếu “nhạy cảm chính trị”, mình chỉ ừ hữ hoặc im lặng mà không có thuốc nào chữa được. Vái tứ phương, được các “lang vườn” bạn bè kê đơn bắt uống loại thuốc cây nhà lá vườn rất hiệu nghiệm có tên tiếng Tây là “Makeno” và tên tiếng Việt là “Vô cảm”.

Vô cảm. Ai đó đã dùng chữ này đầu tiên để miêu tả căn bệnh thờ ơ, chán nản, buông xuôi, trơ lì của toàn xã hội, từ dân đen tới cán bộ? Vô cảm trước sự đói nghèo, vô cảm trước áp bức bất công, vô cảm trước cường hào tham nhũng, vô cảm trước tội ác bạo hành, vô cảm khi an ninh quốc gia bị đe dọa, và đặc biệt vô cảm trước sự vô cảm. Cả một xã hội ù lì u mê không cảm xúc yêu ghét.

Giống y hệt lúc tắc đường, là khi gương mặt xã hội được phản ánh rõ nhất.

Đầu tiên cáu vì bỗng nhiên bị chặn đứng (như bị ngâm hồ sơ giấy tờ, bị sách nhiễu vòi vĩnh…). 15 phút đầu bực lắm. Bực ra mặt. Trán nhăn lại cau có, mắt láo liên nhìn quanh tìm lối thoát. 15 phút tiếp theo vẫn đứng im một chỗ, bắt đầu chửi đổng trong bụng. 15 phút nữa trôi đi trong cam chịu, nhẫn nhục. Ai cũng giống hệt mình. Cuối cùng, thêm 15 phút hay lâu hơn nữa cũng vậy. Chẳng còn trông đợi gì nữa… Sau một giờ đồng hồ, thậm chí hai giờ, chôn chân tại chỗ, nắng đổ lửa xuống hay mưa như xối trên đầu, khói xăng xe mù mịt ngộp thở, mọi cảm xúc bực bội, chán nản, lo lắng, đau khổ, oán than, nguyền rủa… lên tới đỉnh điểm rồi bất ngờ rơi về trạng thái trống rỗng.

Dù đã được nhích lên từng tí một thì cũng chẳng còn hơi sức đâu mà mỉm cười. Dù sẽ được giải thoát nhưng lại nhận thức ngay rằng ngày mai vẫn thế, ngày kia vẫn thế, tháng sau vẫn thế, năm sau vẫn thế… Chẳng cáu chẳng chửi thậm chí cũng chẳng mừng. Một lần, sau cú tắc đường gần hai tiếng (đoạn đường dọc sông Kim Ngưu về nhà ở Kim Giang), khi được giải thoát cũng là lúc mình tự nhiên ngã lăn quay vì kiệt sức. Và hoàn toàn tê liệt mọi giác quan. Hoàn toàn vô cảm.

Một thời gian dài, đọc đâu cũng thấy chữ “nhạy cảm”, muốn nói gì viết gì cũng được miễn đừng đụng đến “vùng nhạy cảm’, tức vùng cấm, sợ động chạm, sợ phạm húy… Chữ “nhạy cảm” được dùng nhiều quá, trở nên chai lỳ, báo chí chuyển qua phong trào dùng chữ “vô cảm”, báo hiệu căn bệnh các vùng nhạy cảm bị… vô cảm.

Phải chăng, cái đích cuối cùng của báo chí tiếng Việt là đi từ “nhạy cảm” đến “vô cảm”, một quá trình triệt tiêu mọi cảm xúc một cách hoàn hảo để chữa căn bệnh thiếu /kém “nhạy cảm chính trị”? 
Bùi Mai Hạnh, từ Warrnambool

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhấm cái bè:

“EM LÀ HOA HUỆ TRẮNG”, BÀI THƠ LƯU LẠC GẦN NỬA THẾ KỶ
[
(NCTG) “Em là hoa huệ trắng - Nở trong trái tim Anh - Em là ngàn tia nắng - Soi đời Anh ngọt lành...”, những câu thơ rất quen thuộc xưa nay vẫn được cho là của thi hào Đức Heinrich Heine (1787-1856), nhưng theo một phát hiện mới, lạ lùng thay, thực ra nó là của một tác giả Việt Nam, viết cách đây gần năm thập niên. Bài viết của Thymianka Thảo Nguyên từ Berlin, CHLB Đức.

Bài thơ của tác giả Vũ Lương trong sổ thơ một người bạn 

Sáng qua, không hiểu có điều gì xôn xao mà tôi mua cho mình một bó hoa huệ trắng. Huệ ở trời Tây là thứ hoa kiêu kỳ phù phiếm vì nó vừa thơm, vừa hiếm, lại mau tàn và cũng… không hề rẻ. Tôi ít mua huệ cho riêng mình vì mùi thơm của nó thường là nỗi ám ảnh rất sâu. Nhưng nó còn ám ảnh hơn nữa khi chiều nay, một cô bạn thân run run gọi điện, báo tin, bài thơ “Em là hoa huệ trắng” mà tôi và nàng cùng yêu thích bấy lâu nay hóa ra lại là của Vũ Lương, một người bạn, người anh vô cùng gần gũi và thân thiết với chúng tôi.

Thế là cả tối nay, mặc dù rất bận cho ngày lễ của những đôi nhân tình (14-2), tôi cũng dán mắt vào cái máy tính, hết chat cho người này lại gọi điện cho người kia như con thoi để nghe chuyện, hỏi han, ghi chép... Câu chuyện về bài thơ và hành trình 45 năm lưu lạc đầy thú vị và cảm động đến nỗi, tôi biết, cả mấy anh em đêm nay đều rất khó ngủ. Sài Gòn thì đã rạng sáng mà Berlin thì cũng đã quá nửa đêm lúc nào không hay.

Sau đây là một phần những chia sẻ của anh Vũ Lương:

Tiến sĩ Tô Văn Trường, một cây bút viết phản biện nổi tiếng, nguyên Viên trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Nam Bộ, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người rất yêu thơ. Cách đây nửa năm, anh gửi cho tôi qua mail mấy bài thơ mà anh ấy yêu thích. Trong đó, có bài “Em là...”, và đề tên tác giả được đề là Heinrich Heine, thi hào người Đức. 

Vừa vui, vừa ngạc nhiên, tôi viết lại cho anh Trường, nói rằng, ông Heinrich Heine không viết bài này. Vì tác giả là... tôi, Vũ Lương.

Từ Sài Gòn, Vũ Lương đã thức trắng đêm để kể lại cho tôi câu chuyện về bài thơ và hành trình của nó. Tại sao, từ “Em là...” của Vũ Lương, một chàng sinh viên Việt Nam, lại biến thành bài “Em là hoa huệ trắng” của Heinrich Heine tận nước Đức xa xôi?

Tôi học Đai học Giao thông Vận tải, khóa 6. 

Năm 1965, sơ tán lên vùng Mai Sưu, huyện Lục Nam, Hà Bắc. Hồi ấy, chúng tôi phải vào rừng chặt tre, nứa, cắt cỏ gianh về dựng lán, làm lớp học, đào giếng... Giảng đường gần những khu rừng dẻ, có suối chảy quanh, nên trong thơ tôi viết, thường có hình ảnh đồi dẻ, dòng suối.... 

Bài thơ “Em là...” được viết năm 1967, vào cuối năm thứ hai, và viết cho chính mình, theo cảm xúc của một thanh niên mới lớn. Khi ấy, chưa có bạn gái, càng chưa biết yêu, chiến tranh mà. Hồi ấy tôi làm nhiều thơ lắm. Nhưng cũng không tặng ai, chỉ cho chính mình và bạn bè đọc thôi.

Chị Lan năm 20 tuổi dán ở đầu cuốn thơ 

Một lần, khi ấy là khoảng tháng 12-1969, trong đợt đi thực tập ở Hải Phòng tôi gặp chị Đào Thúy Lan, vừa là hàng xóm, vừa là chị gái của một người bạn. Chị Lan cũng đi thực tập chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Thương Nghiệp. 

Tuổi trẻ thời ấy thiếu thốn đủ thứ, nhất là các món ăn tinh thần. Nhưng sinh viên hầu như ai cũng có một cuốn sổ chép đủ thứ từ thơ, đến danh ngôn và nhiều thứ linh tinh, riêng tư khác. Chị Lan cũng có một cuốn sổ như thế và chị đã nhờ tôi chép mấy bài thơ vào đó cho chị. Trong đó có bài “Em là...”. 

Bài thơ này, cũng như những bài khác, mới chỉ đăng trên bích báo của lớp Đại học Giao thông Vận tải hồi đó và cũng chỉ một lần, duy nhất, tôi viết vào sổ tay thơ của chị Đào Thúy Lan. Rồi sau đó, cuộc sống ồn ào với nhiều thay đổi đã kéo tôi đi. Tôi cũng ít khi còn nhớ tới bài thơ cùng số phận của nó suốt bao nhiêu năm trời. 

Nhưng từ cuốn sổ tay của chị, bài thơ đã được truyền tay nhau, có một đời sống không ngừng nghỉ, qua rất nhiều thế hệ sinh viên. 

Lá thư tôi viết cho tiến sĩ Tô Văn Trường cũng chỉ dừng lại ở đó nếu như ngày 11-2-2014, tôi không vào Google. Gõ dòng chữ: “Em là hoa huệ trắng, nở trong...” và thấy có rất nhiều kết quả. Thật ngỡ ngàng, bài thơ được chọn là một trong những bài thơ tình hay nhất, nổi tiếng nhất... 

Tất nhiên, tôi rất xúc động vì không thể ngờ tới sức lan tỏa của bài thơ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, biết bao nhiêu người đã đoc và ghi chép, truyền tay nhau qua nhiều thế hệ. Đó là điều vượt quá sức tưởng tượng của người làm ra nó. 

Tôi nghĩ, có thể một phần do người đời đã gán tên Heine cho nó nên sức hấp dẫn được tăng lên. 

Điều sung sướng, là khi đọc vài cảm nghĩ của người đọc, họ còn nhầm tác giả là một nhà thơ Nga, do anh Thúy Toàn dich... Và cha của chàng trai ấy, khi còn trẻ, đã chép bài này trong sổ tay. Theo anh, nhờ bài thơ, mà cha đã “cua” được... má của chàng! 

Khi viết thư cho tiến sĩ Tô Văn Trường, tôi cũng phân tích vài chi tiết trong bài thơ. 

Nhất là, câu: “Em là bông lan đá/ Hương tỏa ngát núi rừng”. Khi ấy, mình có nhìn thấy bông lan đá bao giờ đâu. Đấy là tôi nhớ tới lời bài hát trong khi tham gia dàn hợp xướng của trường cấp ba Đoàn Kêt, năm học lớp 10, niên khóa 1964. Bài hát “Câu chuyện một đêm xuống núi” của nhạc sĩ Hồng Đăng, nói về chiến tranh chống Pháp ở khu vực Núi Voi, Hải Phòng. 

Lời bài hát: 

“Đứng trên đỉnh núi ta thề 
Không giết được giặc không về núi Voi 
Núi ơi nhớ chăng ngày xưa, lời thề một đêm xuống núi, nhìn quê hương mà lòng ngậm ngùi”. 

...và: 

“Nhìn bông lan đá đang mùa nở hoa 
Núi là Mẹ hiền yêu dấu, đã từng cùng ta chiến đấu, che chở cho ta mỗi lần giặc vây” 

Chi tiết “bông lan đá...” là như vậy.

Một bức tranh do anh Vũ Lương vẽ, trong cuốn sổ thơ 

Thêm một chi tiết nữa, là trong bài thơ gốc chép ở cuốn sổ, có xóa một dòng. Lúc đầu, ở khổ 4 tôi viết: 

“Em là cây tùng xanh 
Vươn cao trong bão táp 
Em là chim mùa xuân 
Sải rộng đôi cánh đẹp” 

Nhưng khi viết vào sổ, tôi chữa lại là: 

“Em là cây tùng xanh 
Vươn cao trong bão tố 
Em là chim mùa xuân 
Bay vờn trên biển cả” 

Nên ở khổ bốn, có 5 dòng. Dòng thứ 4 chính là dòng xóa. 

Ngoài ra, nguyên bản một câu là: 

“Em là đồi cây dẻ/Trăng vàng ôm mông mênh”. Còn bản lưu truyền bây giờ là: “Trăng sáng ôm mênh mông” 

May mà chị Lan còn giữ cuốn sổ dù đã qua nửa thế kỷ. Và vẫn gối đầu giường bởi nó lưu giữ những tháng năm tuổi trẻ của chị. Ngày hôm qua, 12-2-2014, sau một cuộc điện thoại, tôi đã gặp chị và cầm lại trên tay cuốn sổ ố vàng sau gần nửa thế kỷ. 

Nhìn màu giấy, nét chữ, cùng những hình vẽ và bài thơ do chính tay mình viết, tôi không sao ngăn được cảm xúc. Phải là một cơ duyên may mắn đến nhường nào, mới có thể gặp lại đứa con lưu lạc sau ngần ấy thời gian. Nhất là, đứa con ấy, đã được sống một đời sống hết sức kỳ lạ và sôi động trong lòng người yêu thơ.
* 

Thay lời kết:

Chị Đào Thúy Lan hiện giờ 75 tuổi, đã nghỉ hưu hơn chục năm. Sống ở khu dân cư Trường Đại học Quốc gia Thủ Đức.

Tác giả, nhà báo, nhà thơ Vũ Lương, hiện sống tại Sài Gòn. Anh sẽ có mặt ở Berlin trong vòng một tuần nữa cùng cuốn sổ vô giá của chị Lan. Và câu chuyện thú vị đầy lãng mạn về bài thơ hoa huệ của anh, sẽ còn nhiều bất ngờ nữa.

Chị Lan và cuốn sổ thơ của một thời... 

(Bài thơ chép từ nguyên bản gốc trong cuốn sổ của chị Lan)

EM LÀ...

Em là hoa huệ trắng 
Nở trong trái tim Anh 
Em là ngàn tia nắng 
Soi đời Anh ngọt lành 

Em là những ước mơ 
Mà anh hằng khát vọng 
Em là một hồn thơ 
Chứa chan đầy sức sống 

Em là từng đợt sóng 
Ôm ấp mạn tàu Anh 
Em là vì sao sáng 
Dọi màn đêm lung linh 

Em là cây tùng xanh 
Vươn cao trong bão tố 
Em là chim mùa xuân 
Bay vờn trên biển cả 

Em là bông lan đá 
Hương tỏa ngát núi rừng 
Em là đồi cây dẻ 
Trăng vàng ôm mông mênh 

Em là dòng suối trong 
Những buổi chiều Anh tắm 
Em là dáng hoàng hôn 
Lúc nhớ nhà Anh ngắm 

Trong mắt Em thăm thẳm 
Anh thấy cả đất trời 
Cách xa tình vẫn đẹp 
Có phải không Em ơi!

(Vũ Lương, Hải Phòng, 22-12-1969)

Ghi chú (của NCTG):

(*) Bài thơ có lẽ là duy nhất về Hoa huệ của Heinrich Heine:
 

Die Rose, die Lilie, die Taube, die Sonne, 
Die liebt' ich einst alle in Liebeswonne, 
Ich lieb' sie nicht mehr, ich liebe alleine 
Die Kleine, die Feine, die Reine, die Eine; 
Sie selber, aller Liebe Wonne, 
Ist Rose und Lilie und Taube und Sonne. 
Thymianka Thảo Nguyên


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một nền văn học thừa thơ, thiếu hài*


Nhà văn Nguyễn Hiếu
38
 Thêm một sự kiện có liên quan về thơ trên thi đàn đang tạo sự chú ý của ngưòi quan tâm đó là vụ “tự nhận thơ tiền nhân” của ông Hoàng Quang Thuận Viện trưởng Viện công nghệ viễn thông-Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam với tập thơ” Thi vân Yên tử” được Tạp chí Nhà văn mở hội thảo. Nhân dịp này phóng viên Báo Bảo vệ Pháp Luật có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Hiếu .
Phóng viên:  Là một nhà văn viết nhiều thể loại và cũng gặt hái được những thành công trong văn chương ông đánh giá như thế nào về hiện tượng “thừa thơ và thiếu hài”của nền văn học Việt nam hiện nay ?
 
Nguyễn Hiếu: Tôi cho đây là một sự bất thường bởi lẽ với thể trạng bình thường của một nền văn học bao giờ cũng hội tụ đủ mọi thể loại. Tất nhiên do yêu cầu của từng giai đoạn xã hội nên có lúc thể loại này vượt trội hơn các thể loại khác. Còn nền văn học của ta nếu tính từ thời kì đổi mới tức là khoảng trên dưới hai thập kỉ đổ lại đây thì bên cạnh thực trạng “thừa thơ thiếu hài” đáng buồn còn phải kể đến sự teo tóp thảm hại của văn học cho thiếu nhi .
  
Phóng viên : Vâng , chúng ta sẽ trở lại sự ốm o của văn học dành cho các cháu vào một dịp khác. Theo ông vì sao lại có thực trạng “thừa thơ” bất thường như vậy ?
Nguyễn Hiếu : Về hiện tượng thừa thơ tôi đã nói khá kĩ trong bài in trong báo bảo vệ pháp luật  số đặc biệt ra ngày 31/8.2012. Này xin tóm tắt lại một số nguyên nhân chính. “Thừa thơ” nói theo giọng kinh tế tức là lạm phát. Nguyên nhân của sự lạm phát thơ thì có nhiều. Qui tụ lại một số nguyên nhân chính sau. Ngôn ngữ nứơc ta là ngôn ngữ có  6 thanh điệu, nên ngay trong sự trao đổi thường nhật dễ tạo ra sự nói vần, viết vần. Những câu nói vần và viết vần có hình thức đôi khi giống như thơ. Không ít ngưòi có khả năng nói vần, viết vần ngộ nhận mình là nhà thơ. Viết nên một bài văn vần có hình thức như thơ để tự phong hay được gọi là nhà thơ dễ hơn là viết một truyện ngắn, một tiểu thuyết, một vở kịch. Nhu cầu muốn bộc lộ tình cảm, suy nghĩ của mình nhất là ở lứa tuổi từ trung niên trở lên thông qua hình thức văn nghệ dễ làm, dễ chia xẻ trong giai đoạn đời sống vật chất ở thành thị, các vùng đô thị hoá tương đối được cải thiện cũng làm gia tăng lượng ngưòi đến với thơ. Điều này cắt nghĩa vì sao phong trào thơ, các hội thơ phường, xã mấy năm nay lại phát triển như vậy. Thêm vào đó là sự xã hội hoá trong khâu xuất bản với việc bỏ tiền, xin gíấy phép các nhà xuất bản để tự in thơ đã khiến sự ngộ nhận này cũng như coi thơ là một thú chơi tao nhã, có khả năng thành danh ngày càng tăng. Nguyên nhân nữa là hai vị chủ tịch, phó chủ tịch cùng ông Trưởng ban tổ chức HNVVN đều là nhà thơ. Thể thơ được “thiên vị hơn”trong mọi hoạt động của HNV thể hiện khá rõ. Không phải ngẫu nhiên những đợt kết nạp của HNV gần đây người viết thơ là các doanh nghiệp và các vị có chức sắc, kinh tế đông hơn người viết văn xuôi, giải thưởng cho các tập ( chưa chắc đã hay) cũng nhiều hơn.
Phóng viên: Vậy thực trạng của sự khan hiếm hay nói đúng hơn ngày càng vắng bóng hài trong các thể loại văn chương hiện nay ra sao? Thưa nhà văn.
Nguyễn Hiếu : Nhu cầu về hài của ngưòi đọc, người xem luôn luôn tồn tại Và nhu cầu phản ánh thực tế cuộc sống luôn ẩn chứa trong các phương thức biểu hiện của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng trong đó có hài là tất yếu. Nhất là trong giai đoạn này các tệ nạn về tham nhũng, suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật ngày càng có cơ phát triển thì việc dùng hài để phê bình càng đắc hiệu. Để đáp ứng nhu cầu này, các phương tiện thông tin đại chúng đã mạnh dạn khai thác. Tiêu biểu như đài THVN đã từng có tiết mục hài ăn khách “ gặp nhau cuối tuần” nhưng do không có biện pháp duy trì lâu dài trong nhiều lĩnh vực từ khâu tác giả, kịch bản, diễn viên…nên cũng chết yểu để biến thành những tiết mục hài vụn vặt, nặng về chọc cười cơ giới. Nhà hát Tuổi trẻ có cả một xê ri “đời cười” được khán giả mộ điệu nhưng nói như quyền Giám đốc Trương Nhuận thì đây chỉ là những lát cắt gây cười chứ không phải tác phẩm hài đích thực có chiều sâu trong việc phản ánh và phê phán hiện thực cuộc sống. Trong văn học thì các tác phẩm hài lại càng vắng bóng.
Phóng viên : Vì sao lại có hiện tượng này ? Thưa ông.
Nguyễn Hiếu :  Sự èo uột thảm hại về hài trong nền văn nghệ nói chung và văn chương nói riêng có nguyên nhân sâu sa của nó. Nền văn học nứơc ta một thời được xem là nền văn học hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Nền văn học này lấy  ca ngợi, khẳng định làm âm điệu chủ đạo. Với một âm điệu như thế nên phương thức phản ánh phù hợp nhất là ca ngợi, khẳng định, cổ động, tuyên truyền. Trong các thể loại văn chương là sự mổ xẻ, cắt nghĩa sự phát triển theo một đường hứơng nhất thống, quán triệt. Chúng ta còn nhớ có những giai đoạn ngay sự mô tả tâm hồn, nhu cầu cá nhân con người cũng bị coi là xa xỉ, không đúng quĩ đạo và bị lên án dữ dội. Trong xu thế quan phương như vậy thì hài- một vũ khí sắc bén của sự phản ánh tạo ra tiếng cười phê phán bị gạt ra. Tôi nhớ không nhầm hai ca khúc rất hay viết năm 1960 ca ngợi tình yêu ngưòi thuỷ thủ, và anh thợ lò của Hoàng Vân cũng bị cấm vì có yếu tố tư bản. Và ngay kịch bản hài của tôi “chuyện như thế thì cần phải nói” do đạo diễn Lộng Chương dựng cho đoàn kịch Công nghiệp Hà Nội vào năm 1976 phê phán giám đốc cửa quyền không quan tâm đến người lao động cũng bị cấm thì làm sao thể loại hài đắc hiệu trong phê phán xã hội có thể được các văn nghệ sĩ xử dụng rộng rãi.
Phóng viên: Như nhà văn nói xã hội ta đang có biểu hiện về sự băng hoại nhiều mặt như tham nhũng, tệ nạn xã hội, việc suy thoái về đạo đức, sự không tôn trọng pháp luật..rất cần sự phê phán bằng vũ khí sắc bén của hài hước, nhưng hiện tượng “thừa thơ vắng hài” vẫn tồn tại mà dường như chưa có sự đột biến nào khả dĩ khắc phục được. Ông nghĩ gì về hiện trạng này ?
Nguyễn Hiếu : Sự xem thường , gạt bỏ hài đúng nghĩa của nó nếu lấy từ lúc in cuốn tiểu thuyết “phất” của Bùi Huy Phồn vào năm 1958 đến nay đã hơn nửa thế kỉ. Trong từng ấy thời gian những nhà văn viết đi đúng quĩ đạo “phải đạo” dù có năng khiếu, sở trường hài cũng đành gác một bên, hoặc né tránh, rồi lâu dần quên lãng. Trong tác phẩm của mình chỉ còn những trang viết mang yếu tố hài le lói mang tính tình huống và ngôn ngữ bên cạnh sự ca ngợi, chất chính kịch nghiêm trang. Đến nay với sự đổi mới nhiều mặt trong đó có ít nhiều sự cởi mở trong tư tưởng và quản lý, nhiều tác giả đã có nhiều biểu hiện và ý đồ trở về với hài. Đáng tiếc chưa thấy sự ủng hộ nào từ nhiều phía để cổ suý cho những cây bút và sự trở lại này, kể cả tổ chức nghề như HNVVN. Mặt khác cũng cần thấy rõ chẳng những ở nứơc ta mà trên thế giới ngưòi viết hài rất hiếm so với ngưòi viết các thể loại khác. Tác phẩm hài đúng nghĩa hay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù hiện nay có ít nhiều cởi mở trong tư tưởng các nhà quản lý, mặc dù là yêu cầu nóng bỏng của thực tế sáng tác và thưởng thức những rõ ràng chúng ta phải đợi thời gian để hài có thể quay lại, trở về trong đời sống văn nghệ đúng như bản chất yêu đời, thích hài hứơc của dân tộc ta  .
Phóng viên : Có thể nói đến nay ông là nhà văn có nhiều tác phẩm hài ở nhiều thể loại nhất trong số các nhà văn đương đại. Ông có thể cắt nghĩa thành công này ở ông .
Nguyễn Hiếu : Ngay từ bé tôi có chịu ảnh hưởng rất nhiều chất hài mang chất dân gian của mẹ tôi thông qua những câu chuyện kể, những bài ca dao và nhất là qua khẩu ngữ trao đổi thường ngày của bà. Chất hài của mẹ tôi dường như ngấm trong máu được thể hiện qua cách kể làm nổi bật sự đột biến của những sự việc tưởng như rất bình thường. Luận văn tốt nghiệp đại học của tôi là “chất hài của truyện ngắn Sê khốp và Mô pát săng” dưới sự hứơng dẫn đầy kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực hài của cô giáo Đặng Thị Sâm. Sau khi tốt nghiệp ra trường ba năm, tôi bắt đầu viết những truyện ngắn hài hứơc và gửi cho nhà văn Nguyên Công Hoan. Và ông đã trả lời, chỉ dẫn, khuyến khích tôi qua những lá thư mà hiện nay tôi còn giữ được lá thư ông viết vào ngày 28/3/1973. Phải chăng những yếu tố và hoàn cảnh đó khiến tôi có thế mạnh trong bút pháp hài là vậy .
Phóng viên: Chân thành cám ơn nhà văn qua cuộc trao đối này. Chúc nhà văn có thêm nhiều tác phẩm hài mang lại nhiều niềm vui , tiếng cười sảng khoái cho ngưòi đọc, ngưòi xem../.
Thế Xuân Thực hiện
*Bài in trên báo Bảo vệ Pháp Luật số 74 ra ngày 14/9/2012.
Năm 1984 NXB Hội nhà văn xuất bản tập truyện hài nổi tiếng “những người thích đùa “của nhà văn Thổ nhĩ kì Axit Nê xin thì NXB Hà Nội xuất bản tác phẩm đầu tay của nhà văn Nguyễn Hiếu. Tập truyện ngắn hài hứơc”chuyện cái vòi nước”. Đánh giá tác phẩm này cố nhà thơ Vũ Cao – giám đốc NXB Hà nội dạo đó nói” cái cười của NH gần hơn cái cười của Axit Nê xin”. Ngót ba mươi năm trôi qua, Nguyễn Hiếu trở thành nhà văn có lượng tác phẩm hài nhiều nhất trong số các nhà văn đương đại ( hai tập truyện ngắn( “chuyện cái vòi nứơc” và “cười dành cho tất cả”(NXBTN), hai tiểu thuyết hài (“Những mảnh nhân gian”(NXB Pháp Lý), “tây tây, ta ta”(NXBHN).. ngoài ra ông còn có hàng loạt vở kịch hài, mới nhất là kịch bản “hàng rào giữa hai nhà”(Nhà hát hát kịch Việt nam 2011, NSND Lê Hùng đạo diễn). Nguyễn Hiếu đã in  hơn 300 bài thơ trên các báo. Tập 10 với nhan đề “ Hư ảo “trong Tuyển tập Nguyễn Hiếu ra mắt nhân Đại lễ 1000 năm đã dành tuyển một lượng thơ lớn của ông. Bên cạnh những giải thưởng về tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch. Nguyễn Hiếu được tặng thưởng 2 giải thơ. Thời  gian qua các trang mạng còn sôi nổi với nhiều dư luận trái chiều về  bài “thẩm thơ”của ông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện không quan trọng:

Văn thơ Việt bé như chiếu hát xẩm


Nguyễn Hoàng Đức
 Để công bằng với văn thơ Việt quê nhà, chúng ta thử tham chiếu bài của những nhà phê bình lặn lội sống với văn thơ Việt nửa thế kỷ qua. Trong bài “Huyền thoại một thời” nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết về cây cao bóng cả vang bóng một thời Nguyễn Tuân như sau:
Trong khoảng gần năm chục năm cầm bút, ông đã tạo nên quanh mình cả núi giai thoại, chính những giai thoại nửa thật nửa bịa đó là một chất dẫn truyền rất tốt để tác phẩm của ông có thêm cái lung linh mà người đọc phải cố tìm biết. Nhà văn đó là Nguyễn Tuân.
Ông không dám chỉ viết cho mình, viết cho đời sau, như cách sáng tác của cánh họa sĩ Nghiêm Liên Sáng Phái mà ông rất hiểu.
Ông chấp nhận làm theo đơn đặt hàng, và khi không thích làm thì nghỉ, chơi.
Trong thâm tâm, ông tự nghĩ cái tạng của mình là thế, mình cần làm thế để sống.
Đến với hiện tượng Nguyễn Tuân giờ đây, trong lòng không khỏi thoáng qua cảm tưởng thanh vắng y như đến chùa nhưng ngày hội đã hết, chỉ còn gác chuông, mái ngói và những pho tượng trầm tư.” 

Đấy, Nguyễn Tuân một ngòi bút có tri thức khá đủ, khá cao, vậy mà khi chúng ta nói thẳng với nhau, thì ông chỉ còn lại âm vang tiếng chuông không phải bằng đồng mà chỉ bằng những đơn đặt hàng cuộn lại, vì thế nó chỉ có được tiếng bồm bộp của giấy bồi. Ông là gốc to đã vậy thì những thứ nhánh nhỏ ăn theo các đơn đặt hàng sẽ ra sao? May mắn cho chúng ta, chúng ta  không phải nhìn chữ “sẽ” trong dự báo mà đã được chứng thực qua chữ “đã và đang” hơn nửa thế kỷ về thứ văn thơ hợp tác xã làm theo đơn khoán ăn theo nhu cầu. Chúng ta hãy xem tác giả Lại Nguyên Ân viết trong bài hội thảo “Hình thành, định hình, trưởng thành, phân hóa”:

Tôi là người cùng lứa tuổi với lớp nhà thơ ấy. Những lời khen tặng họ, đối với tôi, đã là việc của ngày xưa, khi họ mới xuất hiện, cần sự cổ vũ, hơn nữa, cả sự bênh vực, sự cảm thông. Còn bây giờ, những đại diện của lớp nhà thơ ấy đã ít nhiều họp thành một thứ “nhóm lợi ích”, mà rất có thể một số “lợi ích” họ cần bảo trì lại có cơ phương hại đến “lợi ích” của lớp nhà thơ đến sau, cũng tức là đến lợi ích của sự phát triển văn học.”

Thế là đã quá rõ với chúng ta bởi chính những nhà nghiên cứu phê bình “nằm chung với rận trong chăn”. Bóng dáng huyền thoại của Nguyễn Tuân chỉ có là giai thoại đã tuột mất mặt nạ của vũ hội giả trang. Còn các loại đa đề hậu bối chỉ là mấy ông lên cơn sốt cảm xúc trong một bài, rồi thành đại ca, ông kễnh, thậm chí đầu gấu đứng canh cửa văn chương, đem thơ của quê hương, ngành nghề mình, con cháu mình, bồ bịch mình vào thành nhóm lợi ích, ăn cây thơ mâụ dịch thì phải rào kỹ cây thơ chớ để cho kẻ nào có tài bén mảng đến gần. Còn các loại giám đốc, doanh nghiệp, hay tư nhân có tiền ư, hãy mở cửa cho họ vào thật đông. Loại này rất sẵn ví, còn cái gọi là tài năng của họ thì làm cho danh tiếng bọt xà phòng của chúng ta yên tâm nhất, bởi vì làm sao phải lo tâm hồn thơ dâng lên từ ruột tượng?! Chút tiếng tăm tài năng của nhóm lợi ích này có được chẳng qua là nhờ con mắt xuê xoa bao dung, lởi xởi của người hiểu biết.

Sau khi có những đánh giá tin tưởng bậc nhất, tôi xin được bàn vào giá trị của văn thơ Việt. Người Việt nói chung, văn thơ Việt nói riêng làm chúng ta luôn cảm thấy cái tài năng nhỏ mọn ăn theo nói leo của họ. Như Nguyễn Tuân nhìn kỹ cũng chỉ là thứ cà lơ vặt với mấy mẩu văn thơ ẩm thực làm dáng. Còn lại thì sao? Không nhìn thấy những gốc cây đại thụ, chủ yếu là những chiếc lá thơ dăm bảy dòng, cụ thể hơn là tứ tuyệt, bát cú, rồi còn non bấy hơn với thể thơ Hai-ku có hai câu rưỡi, còn có cả thơ nhất câu chạy băng qua cả trang giấy luôn. Sống dăm bảy chục năm ở đời mà chỉ ra nổi một vài tập thơ không có gáy mỏng như tờ rơi, lại còn biện hộ “hay không cốt dài”, chẳng nhẽ nhân gian Việt không phân biệt nổi túp lều với nhà ba gian, nhà năm gian và nhà bảy gian… Rồi cả nghìn người kiễng chân viết trường ca, nhưng lại không có nhân vật thì viết làm gì. Có một đại ca nổi tiếng hạng nhất thời chồng Mỹ kia, tưởng trường văn trận bút, nào ngờ viết trường ca có mỗi một nhân vật, nhân vật đó lại chỉ có mỗi hành động “gãi háng”.

Chúng ta xem phim Việt Nam thì thấy, các nhân vật nói rất dề dà chậm chạp. Tại sao? Bởi đó là ngôn ngữ của nông dân, văn hóa lúa nước, “từ từ khoai sẽ dừ”. Và cái tâm thức văn hóa nông dân này chỉ đủ sức ngê nga hát xoan, hát xẩm, hát chèo để mua vui chốn thôn dã. Một nhà nghiên cứu dân tộc có nói với tôi, mới đây, người ta thích dùng từ “chiếu chèo” nhiều hơn là “sân khấu chèo”, như vậy nghe đúng và ấm áp hơn. Nghĩa là tầm vóc của chèo ở mức chiếu thì hãy để nó về với chiếu. Thơ văn Việt cũng vậy, nó mới chủ yếu xuất thân từ tâm hồn thôn dã, mảnh ruộng phần trăm, hay tì tõm ruộng phèn, nên nó luôn mang bóng dáng của những manh chiếu đang lới lơ múa may làm dáng mua vui.

Khi tôi viết bài “Muốn có tác phẩm mới, Việt Nam nên vứt thơ đi!” đã không nhận được một đối thoại trực tiếp nào trao đổi hay đọ thơ, mà nhiều người nổi cáu kiểu giang hồ với ngôn ngữ “tao đếch thèm đọ, tao muốn xơi tái mày”… Việc này rất đơn giản, người Trung Quốc có câu: “Quân tử đấu khẩu, tiểu nhân đấu chân tay”. Muốn làm kẻ sĩ mà không chịu đấu lời với người ta, chỉ muốn dùng cơ bắp cho nhanh cũng là sở trường thật của mình, thì đó có phải là dạng vai u thịt bắp?! Có một số nhà thơ cóc nhái, chuột bọ khác tụ về một blog làm thơ chọc ngoáy tôi, rồi biện hộ rằng: “Vứt thơ đi ư, nó là lời ru của mẹ đấy!” Than ôi, tại sao người ta không hiểu như người Anh nói “lúc nhỏ bú sữa mẹ, lớn lên bú sữa cha?” Sữa mẹ chỉ là dinh dưỡng, còn sữa cha mới là tinh thần, công lý và vinh quang. Dăm bảy chục tuổi rồi, có mấy vần thơ mà lúc nào cũng đem vú mẹ ra làm bầu trời che chở, thì có khác gì thơ bú tí mẹ. Vậy tôi có một bài thơ nhỏ làm trong dăm phút để đáp lại:
Thơ thơ phú phú
Đú đởn mua vui
Khui chai rượu đế
Hát kiểu dế kêu
Bài ca vú mẹ
Nuôi con lớn lên
Nuôi con thật bền
Tuổi ngũ lục rồi
Con vẫn trong nôi
Ngợi ca sữa mẹ
*
Con hỡi con ơi
Già sao không lớn
Vú mẹ tóp teo
Sữa chỉ có thì
Đau rát con tim
Kìa chim còn non
Đã phải ra giàng
Con ong tách đàn
Con kiến rời hang
Con là con người
Sao không chịu lớn
Từ bé đến già
Sao cứ nghê nga
Mấy câu vần vèo
Đòi đeo vú mẹ
Hãy lớn con ơi
Tuổi đến mãn rồi
Quốc gia đại sự
Sao không ngó ngàng
Lại cứ lang bang
Mấy câu bú tí

Hà Nội rạng sáng 27/02/2014

Tôi xin kết thúc bài bằng một đoạn trích trường ca “Kẻ hành hương từ đời đến thơ”:
Hãy lên đường chân cứng đá mềm
Đừng luyến tiếc ở nhà với mẹ
Một hạt giống cứ ủ vào gốc mẹ
Mãi còi cọc chẳng thể nào lớn được
Con hãy bứt mẹ ra
Để trở thành một đấng nam nhi cường tráng
*
Bứt mẹ ra
Để trở thành một thân cây riêng rẽ
Bầu sữa mẹ khi xưa
Có thể nuôi con đang còn bé bỏng
Nhưng không đủ để dưỡng dục con
Trở thành một cây đại thụ
Con hãy ra đi
Hãy uống sữa đời
Sữa của mặt trời, mặt trăng, và muôn sao tụ lại
Rót xuống đất bao la nguồn ánh sáng
Dâng tràn những đỉnh non ngàn
Và chảy về sự sống
Con hãy uống lấy nguồn sữa đó
Để trở thành chàng trai của cha trời mẹ đất
Mái nhà tranh đây
Chỉ là quê con – đứa hài nhi bé bỏng
Nhưng ngoài kia bầu trời thiên hạ bao la
Mới là Quê Đời – cho con sống

Xin cám ơn! Và xin trở lại đề tài này với tầm “leo thang” hơn.
NHĐ 01/03/2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xã hội văn chương dân sự

Nguyễn Đình Chính

Văn học Việt Nam mang tính đa nguyên nhưng vẫn định hướng  XHCN
Có một thực tế hiển nhiên hiện nay ở trong nước, các văn nghệ sĩ không chỉ sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa. Khuynh hướng này đã mất vị trí độc tôn mà nó chiếm lĩnh mấy chục năm nay. Trong hội họa, âm nhạc, văn học đã thản nhiên chấp nhận nhiều khuynh hướng sáng tạo khác mang đầy đủ màu sắc của một  của một xã hội văn chương dân sự.
Tự do sáng tạo được các cơ quan lãnh đạo không can thiệp trực tiếp, thô bạo. Nhưng cũng đừng mơ hồ là các cơ quan này buông lỏng vai trò lãnh đạo của mình. Cho đa nguyên nhưng có định hướng, có kiểm soát. Nhưng sự định hướng kiểm soát này mềm mại tinh vi ít lộ liễu hơn nhiều. Vì vậy những “thành tựu” của nó thu hoạch được cống hiến cho nền văn học nghệ thuật của dân tộc cũng chẳng na ná (ngang cùng đẳng cấp) như những “thành tựu” mà nền kinh tế thị trường nhưng phải có định hướng XHCN đã mang lại cho nền kinh tế nước nhà.  
Cần có một ghi chú nhỏ không nên quên là thường khi trả lời phỏng vấn trên các cơ quan truyền thông, báo chí công khai các yếu nhân của ban tuyên giáo trung ương Đảng vẫn nói rõ cần phải tạo điều kiện cho trí thức văn nghệ sĩ phát huy sáng tạo. Thậm chí họ còn nhấn mạnh tới một thuộc tính của trí thức là phản biện. Và Đảng tôn trọng cái quyền tối thiểu này của tri thức văn nghệ sĩ.
 Có thể vì thế mà trong nước hiện nay tồn tại 2 luồng văn chương thơ ca. Tất cả các tác phẩm lấy được giấy phép của nhà xuất bản để in và phát hành công khai đều năm trong luồng. Đặc điểm chung của loại trong luồng là sáng tác theo phương thức hiện thực XHCN. Dòng văn học này tự nguyện (không ai ép buộc cả) tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản lấy chức năng rất ghê gớm là phục vụ nhân dân phục vụ tổ quốc làm tiêu chí cho ngòi bút. Dòng văn học này thống trị văn đàn VN (từ 1945  đến 1975 ở Miền Bắc, từ 1976 – 2010 ở cả nước) hơn nửa thế kỉ qua. Nó đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ cùng không ít tác tác phẩm có thể cũng lớn (ấy là theo sự phán quyết của các nhà lý luận phê bình hiện thực XHCN, chứ chưa phải là sự phán quyết của thời gian). Tuy nhiên  từ 1980 đến nay dòng văn học này đã có những biểu hiện lão hoá.  Nguyên nhân có thể là dòng văn học này đã công chức hoá, né tránh hiện thực đời sống và ngần ngại trước trách nhiệm của văn học đối với con người. Do vậy, nó đã rời xa tiêu chí ghê gớm ban đầu của nó. Đây cũng là một câu hỏi nghiêm túc dành cho tất cả các văn nghệ sĩ đang sáng tác theo phương thức hiện thức XHCN hiện nay.
Loại thứ hai là dòng văn học ngoài luồng. Đó là những tác phẩm không qua được mạng lưới kiểm duyệt của các nhà xuất bản. Vì vậy, nó chỉ được phổ biến và lưu truyền dưới dạng bản thảo, in lậu và trên internet. Phần lớn tác phẩm trong dòng văn học này đều không sáng tác theo phương pháp hiện thực XHCN. Số lượng các nhà văn, nhà thơ có tài năng và uy tín  tham gia dòng văn học này không nhiều. Trong khi đó lại có không ít những người tự xưng là nhà văn, nhà thơ, lấy văn chương làm phương tiện để hoạt động chính trị dưới tiêu chí đòi tự do, dân chủ, nhân quyền. Những hoạt động văn chương thực dụng chính trị ầm ĩ này không có tương lai. Tuy nhiên không thể phủ nhận trôi dạt trên dòng văn học ngoài luồng này đã xuất hiện một số nhà thơ nhà văn có tài năng đang có những tác phẩm rất hứa hẹn. Ở một khía cạnh nào đó nó lại là một cú hích vào đời sống dòng văn học trong luồng ầm ĩ nhưng khuôn sáo và tẻ nhạt .
Văn học sa lầy trong thị hiếu tầm thường của đám đông
Nhưng sự đa nguyên trong sáng tạo văn học này có tạo ra những tác phẩm lớn có tác dụng giải phóng tâm hồn con người, mang lại một luồng gió mới tự do dân chủ cho xã hội hay không hay không?
Câu trả lời là không.
Bởi vì cái nền văn học đa nguyên có định hướng XHCN này này đang bị sa lầy trong cái thị hiếu nghệ thuật thực dụng rất thô sơ, tầm thường của một xã hội đang chuyển động trong nền kinh tế thị trường tự do trong khuôn khổ định hướng XHCN.
Nếu bây giờ dạo qua các quầy sách ở Hà Nội hoặc Sài Gòn thì thấy ngay điều đó. Hàng ngàn các đầu sách bầy la liệt chen nhau chật cứng trên sạp.
Bìa ngoài xanh đỏ tím vàng lòe loẹt phần lớn là vẽ môi, lưng và những chỗ gợi cảm trên thân hình con gái.
Bên trong thì toàn chuyện ru ngủ những tình cảm tầm tầm, khuyến khích những dục vọng hàng chợ, đưa ra đáp số giải toả những bức xúc nửa vời về vài ba vướng mắc nhỏ mọn, nhạt nhẽo của đời sống.
Những tác phẩm đó đồng loạt bảo nhau chạy cho xa những mâu thuẫn to lớn, chủ yếu, cốt lõi trong xã hội hiện hữu đang làm dằn vặt, cào xé tình cảm, rung chuyển suy nghĩ và đảo lộn lòng tin của hàng triệu, hàng triệu người lao động trong xã hội.
Nhà văn tự nguyện thoả hiệp đánh mất mình
Trong bản chất sâu xa của mỗi một nhà văn ở VN đều mang đậm tính thực dụng chính trị cố hữu của người châu Á.
Mục đích cầm bút của họ không thuần khiết. Họ sẵn sàng tự nguyện hoặc thỏa hiệp có điều kiện để bẻ cong ngòi ngòi bút của mình phục vụ cho một cái gì đó sẽ mang lại lợi nhuận tiền bạc, tên tuổi, quyền lợi, địa vị, danh vọng rỗng tuếch cho chính họ.
Điều đó cũng có nghĩa là họ tự nguyện đánh mất mình, đánh mất cái con người nhà văn của họ.
Cách đây vài năm Dư luận xã hội choáng váng khi nhận ra điều này qua hồi kí “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải, một nhà văn nhận giải thưởng văn học nghệ thuật HCM cao quý, một nhà văn thông minh, tài ba nhất trong thế hệ (như suy tôn của ông Nguyên Ngọc, bạn văn đồng hành của ông Khải) mà còn như vậy thử hỏi các nhà văn khác thì như thế nào.
Tất nhiên, ông Nguyễn Khải chỉ đại diện cho chính bản thân ông chứ không thể đại diện cho tất cả các nhà văn cùng thế hệ với ông.
Hiện tượng bất thường của Nguyễn Khải, một nhà văn xung kích của nền văn học hiện thức XHCN, cũng khiến dư luận người đọc buộc phải hoài nghi cái gọi là nhân cách của những người cầm bút sớm nắng chiều mưa rất không ổn như thế.
Đã khó gột rửa lại mất phương hướng
Các nhà văn của các thế hệ lớp sau Nguyễn Khải (hiện nay đang là lực lượng chủ lực của nền văn học) không bắt buộc phải sáng tạo theo khuynh hướng hiện thực XHCN mà được hưởng luồng gió mới tự do chọn lựa các khuynh hướng sáng tạo.
Tuy vậy, rất nhiều người cũng vẫn mang trong mình cái bản chất thực dụng chính trị lủn mủn như các tiền bối của họ. Một thí dụ nóng hổi: Dư luận mấy tuần nay trong văn đàn đang rộ lên chê trách tính thực dụng chính trị này chung quanh giải thưởng tiểu thuyết của hội nhà văn VN trao giải cho tác phẩm được chọn.
Nhìn toàn cảnh cái bản chất thực dụng chính trị cố hữu của người châu Á rất khó gột rửa được trong từng nhà văn, hậu quả của nó dẫn đến hy vọng sẽ tạo ra được những tác phẩm lớn trong vài thập kỉ tới chỉ là một ảo giác hoang tưởng.
Nhưng có thể sẽ có những bất ngờ không thể tưởng tượng được như trong môn bóng đá. Sẽ có những tác phẩm lớn vụt hiện. Nhưng chắc chắn đó chỉ là số ít, là đơn lẻ nếu không muốn nói là đơn độc.
Không biết có phải đây đang là những ước muốn, bức xúc, băn khoăn và lo sợ của đông đảo người đọc, của những nhà văn và của cả các cơ quan lãnh đạo văn nghệ đang nóng lòng gửi hy vọng vào nền văn học nước nhà trong vài thập kỉ tới.
Những suy nghĩ mới
Đã thành một quy luật, các trào lưu tư tưởng triết học, khoa học và văn học nghệ thuật phải luôn luôn đổi mới sáng tạo để tồn tại. Sự đổi mới sáng tạo đó là ước muốn vươn tới một sự hoàn thiện tạo nên những những giá trị mới, khám phá những sự thật căn bản thăm dò phần thâm sâu và  tươi mát của cái hiện tại sống động. 
Cần phải hiểu rằng cái thế giới của sự đổi mới, sáng tạo đích thực lại luôn  nằm trong bản chất tươi mới của cái hiện thực sống động. Và cái thế giới đó chỉ có thể tìm thấy trong một tâm thức vi tế minh triết, khoan dung, yên tĩnh. Bởi vì mọi đổi mới, sáng tạo (nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật) không chỉ có giá trị thỏa mãn khoái cảm, đam mê những hình dáng hay biểu tượng mới mà quan trọng hơn, nhất thiết còn phải có giá trị thức tỉnh để tìm hiểu, khám phá và nhận ra rồi dấn thân hết mình trên con đường truy tìm lẽ sống và hạnh phúc thực sự của con người. Đó là một xác quyết.
Phải có được sự thấu hiểu thật thâm sâu về bản chất tối hậu của cái thực tại sống động. Nếu không đạt tới một tầm vóc đó thì lao động sáng tạo của người tri thức, văn nghệ sĩ chỉ phí công vô ích và sẽ liên tục bị dằn vặt để sản sinh ra những gì mà thật sự đời sống không cần đến. Vì vậy, người trí thức, văn nghệ sĩ phải có một tầm nhìn sâu rộng, một trí tuệ minh triết và một thái độ khoan dung, tránh không bị cuốn vào cơn gió lốc tư tưởng Tây phương gần hai thế kỷ nay đang rơi vào tình trạng ảm đạm do bị sa vào cái bẫy của Chuẩn thức tư duy nhị nguyên phân biệt, nên đã mất dần khả năng tiếp cận được với cái hiện tại sống động đang diễn ra.
Bản thể cái tối hậu hiện thực sống động rất khó nắm bắt và vô cùng phức tạp. Nó tích hợp giữa trật tự và hỗn loạn, giữa xây dựng và phá hủy, giữa lạc hậu và tiến bộ. Khám phá nội tâm mình luôn là những trải nghiệm tươi mát, mới mẻ nhưng cũng đầy phiêu lưu và chướng ngại. Không phải chỉ dựa vào những kiến thức kinh điển có sẵn mà chúng ta phải kinh qua các bài học  trong giây phút hiện tại của đời sống hiện thực hàng ngày. Người trí thức, văn nghệ sĩ phải biết sử dụng mọi hoàn cảnh tốt xấu trong cuộc đời, đối mặt với bao nhiêu là tư tưởng xuất hiện trong trí óc đang trói buộc mình và phải tìm cách vượt lên tìm cho mình một ý nghĩa cho cuộc đời cũng như một sự cởi mở trong tâm hồn. Mỗi giây phút chuyển hóa tâm linh ấy, sẽ nâng đỡ người nghệ sĩ, trí thức dần tìm ra con đường đích thực hoạt động xã hội và nghệ thuật của mình.
Một chân lý đã được thời gian kiểm nghiệm là không thể làm việc tốt có hữu ích cho cộng đồng, cho xã hội nếu không tự cải tạo chính mình trước.
Mặc dù hiện nay lao động trí tuệ sáng tạo trong đó có văn học nghệ thuật đang được tung hoành trong một môi trường có nhiều tự do, cởi mở. Nhưng không ít những sáng tạo mới, đặc biệt là văn học nghệ thuật lại đang dần lộ nguyên hình là giả trá, dễ dãi và lòe mắt thiên hạ. Những tác phẩm đó chỉ mang đến những lạc thú quyến rũ nhất thời, sự thỏa thích nông cạn khiến người sinh đẻ ra nó và đám đông tiếp nhận nó dễ dàng sa ngã, rốt cuộc chỉ mang đến thất vọng và nỗi bất an sâu sắc.
Lao động trí tuệ sáng tạo sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới đích thực rất khắc nghiệt, liên tục từng phút, từng giây đòi hỏi người sáng tạo ra nó, đến đám đông tiếp xúc với nó, đều phải cố gắng chiến thắng bản thân, phải đương đầu với sự đau khổ của cái trí năng mù tối, của cái nhận thức sai lệch, phải khiêm nhường, can đảm học lại sự hiểu biết của mình, dồn hết cả tâm huyết tiến dần vào con đường minh triết nội tâm, xây dựng cho mình một Nhận thức luận mới để tiếp cận được cái bản chất tối hậu của thực tại sống động, từ đó vượt thoát khỏi cái bẫy của chuẩn thức tư duy nhị nguyên phân biệt đơn giản, hội đủ những nguyên nhân và điều kiện tiến lên trên con đường KHAI MỞ tư duy sáng tạo trong các hoạt động xã hội, khoa học và văn học nghệ thuật mới cho nước nhà.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGA ĐƯA QUÂN VÀO UKRAINE, LHQ, EU HỌP KHẨN


Bên ngoài trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: RIA
Bên ngoài trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: RIA
TPO – Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào 23h (2h ngày 2/3 giờ Việt Nam) liên quan đến việc Nga gửi quân tới Ukraine. Dự kiến ngày 3/3, Liên minh châu Âu cũng tổ chức một cuộc họp giữa các thành viên theo đề nghị của chính quyền Ukraine.
Theo Lenta, thông tin về các cuộc họp khẩn cấp bắt đầu ngay sau khi Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga) phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin đưa quân sang Ukraine nhằm ‘bảo vệ người dân Nga’.
Đề nghị của ông Putin được dựa trên điểm G trong phần đầu của điều 102 Hiến pháp Nga, theo đó cho phép sử dụng quân đội Nga vượt khỏi biên giới đất nước.
Trước đó, cả Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) lẫn Thượng viện nước này đều đã yêu cầu Tổng thống Putin đưa quân vào Crimea, nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine, nơi đặt Hạm đội Biển Đen của Nga cũng như có đông người sắc tộc Nga sinh sống.
Tổng thống Putin cho rằng động thái đó cần thiết để bảo đảm với tính mạng của công dân Nga cũng như trước tình hình bất thường ở Ukraine.
“Tôi đệ trình Hội đồng Liên bang đề nghị được sử dụng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị tại nước này trở lại bình thường” – Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Nga.
Trước đó, ngày 28/2, Ukraine cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có động thái trong trường hợp Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine, đặc biệt là tình hình bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine Robert Serry đã tuyên bố rút lui vì không thể tới Crimea theo yêu cầu của Tổng thư ký Ban Ki-moon.
Cùng ngày, các thành viên Liên minh châu Âu dự kiến cũng sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Brussel, Bỉ, vào ngày 3/3 để thảo luận về tình hình ở Ukraine. “Đây sẽ là cuộc họp cực kỳ đặc biệt của EU, có thể kéo dài đến quá 13h chiều”, AP dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu nói.
Theo Lenta, AP

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Cơ hội làm giàu của 12 cung hoàng đạo năm 2014


Như để nhấn mạnh điểm này, thế giới hiện đang chịu ảnh hưởng của một liên kết thiên thể hiếm gặp. Trong vòng tròn hoàng đạo, sao Thiên vương và sao Diêm vương đang hình thành một góc 90 độ. Theo truyền thống, các nhà chiêm tinh gọi đây là một góc vuông. Các góc vuông được xem là thứ báo hiệu cho loại thay đổi mà nhiều người cảm thấy đầy thách thức.
Cả hai sao Thiên vương và sao Diêm vương đều di chuyển chậm và dễ chuyển động ngược lại, một ảo ảnh quang học khiến một thiên thể trông như đang di chuyển giật lùi. Điều này đồng nghĩa, các hành tinh tiếp tục hình thành và tái định hình quan hệ góc trong nhiều năm. Chuỗi vận động trên của 7 góc vuông bắt đầu năm 2012. Cho tới khi quá trình kết thúc vào tháng 3/2015, toàn bộ thế giới sẽ nghĩ rất khác về tiền bạc cũng như ẩn ý của nó.
Hãy cùng xem các cung hoàng đạo có thể tận dụng những cơ hội làm giàu trong năm 2014 như thế nào.
Bạch Dương (21/3 – 20/4)
Năm nay có thể đều đặn mang tới cho bạn nhiều tiền bạc hơn, nhưng nó hoàn toàn không tự động. Hai góc vuông tiếp theo giữa sao Thiên vương và sao Diêm vương, cùng với sự hiện diện của sao Hỏa ở phía đối diện bạn, cung Thiên Bình, cho thấy những thách thức kinh tế có liên quan đến vận mệnh biến động của người khác.
Bạn sẽ cần phải xem xét lại các mối quan hệ cá nhân. Bạn cũng có thể cần phải sửa đổi quan niệm của mình về tiền bạc, tác dụng của nó cũng như tại sao nó dường như không bao giờ đủ. Nghệ thuật kiếm thêm thu nhập rốt cuộc liên quan đến việc bạn tự cho phép mình tham gia một lĩnh vực, trong đó mơ ước cũng nằm trong quá trình biến tham vọng thành sự thật.
Việc cần làm là, bạn nên đánh giá cái được coi là trở ngại lớn nhất của mình và xem hạn chế này cũng “ảo” như tiền bạc. Sự thịnh vượng trong năm 2014 của bạn sẽ ít đến từ kết quả cân bằng ngân sách, thay vào đó là nhờ việc thay đổi thái độ của bạn với cuộc sống.
Kim Ngưu (21/4 – 21/5)
Mặc dù thế giới tiếp tục trong guồng quay bất định phát sinh từ sự tương tác liên tục giữa sao Thiên vương và sao Diêm vương, triển vọng tài chính của bạn liên quan đến lối thoát từ vũng lầy của sự nhầm lẫn.
Để thực hiện quá trình chuyển đổi này, bạn cần phải nhớ rằng, khi cuộc sống căng thẳng, tất cả chúng ta phải cố gắng khiến mình cảm thấy như thể đã có câu trả lời. Chúng ta lừa phỉnh, khoe khoang và đầu tư niềm tin vào các cách thức sai lầm. Nếu những việc đó từng hiệu quả, đó thường chỉ vì bản thân sự tự tin đã là một thế lực rất mạnh.
Những góc vuông từ sao Thiên vương đến sao Diêm vương thúc giục bạn phải đủ can đảm để tin, những hoài nghi sâu kín nhất của mình không phải là kẻ thù cần chinh phục, mà là thứ truyền cảm hứng cho bạn. Năm nay đòi hỏi một cách tiếp cận dựa nhiều hơn vào tính tự phát và khả năng thích ứng, thay vì bám chặt vào chính sách nào đó được cho là hoàn hảo. Nhiều triển vọng hứa hẹn sẽ tự lộ diện. Nếu bạn đủ thoải mái để nhận ra chúng, chúng sẽ đưa bạn tới thành công.
Song Tử (22/5 – 21/6)
Một phần nhờ vào loạt góc vuông hiếm hoi giữa sao Thiên vương và sao Diêm vương, bắt đầu vào năm 2012 và tiếp tục đến năm 2015, mô hình hiện tại đang trở thành cổ xưa – Chúng ta đang chứng kiến sự xói mòn chậm chạp của một nguyên tắc ăn sâu trong tâm trí của hàng triệu người: “Để tạo ra tiền, tất cả chúng ta phải làm những điều chúng ta không thực sự muốn”.
Quan niệm này có thể không còn phù hợp với bạn nữa. Cơ hội chiêm tinh của bạn trong năm nay liên quan đến việc tái kiểm tra các cách thức khiến bạn suy nghĩ về vấn đề tiền bạc. Khám phá cách sinh lợi nhất cho bạn trong năm 2014 có thể đòi hỏi bạn phải sẵn sàng quên đi những thứ bạn đã học được.
Cự Giải (22/6 – 22/7)
Con người nhìn chung đang sống với những câu hỏi: “Chúng ta đề cao cái gì, tại sao chúng ta đề cao nó và chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nào trong việc kiếm tiền, vay và cho vay tiền?”. Các câu hỏi tương tự cũng nảy sinh trong cuộc sống của bạn.
Hãy tiếp nhận ý tưởng xưa cũ rằng, tiền vẫn luôn là tiền, dù nó được tạo ra bằng cách nào hay nó làm tổn thương ai. Bạn là người chưa từng ủng hộ quan điểm đó. Sự chứng thực sẽ đến trong năm 2014, khi chúng ta cần phải tử tế hơn, nhạy cảm và khoan dung hơn, cũng như sống theo các tiêu chuẩn đạo đức cao.
Bạn không cần để cho mình bị lợi dụng, nhưng nếu bạn hào phóng trước nhu cầu của những người khác, vũ trụ sẽ đền bù trở lại cho bạn.
12cunghoangdao_vongtron
Vòng tròn hoàng đạo

Sư Tử (23/7 – 22/8)
Đôi khi, nhiệm vụ ổn định tài chính giống như việc chật vật đấu tranh để đi chậm lên ngọn đồi, trước hàng loạt lực đẩy bạn tụt xuống. Trong những ngày này, toàn bộ nhân loại đều có chung lời phàn nàn như vậy. Ngay cả các tổ chức dường như giàu có cũng phải đấu tranh để tồn tại.
Bầu không khí này tiếp tục vào năm 2014, khi chúng ta dấn sâu hơn vào sự thay đổi mô hình của 7 góc vuông góc hiếm gặp giữa sao Thiên vương và sao Diêm vương. Dẫu vậy, trong khi phần còn lại đang vật lộn với những tình cảnh nghiêm trọng và thay đổi điều kiện, bạn có cơ hội cảm thấy tốt hơn về việc bạn là ai, bạn phải cho đi cái gì và bạn sẽ đi đâu.
Năm nay, bạn sẽ kiếm được tiền nhờ các tài năng lớn nhất của mình, khai thác các kỹ năng có giá trị nhất của bản thân và rút ra những kinh nghiệm quý giá nhất. Bạn có thể được sát hạch, nhưng nếu bạn tiếp tục hướng tới cái tốt nhất, bạn sẽ thấy, nó thực sự không phải là đỉnh núi bạn không thể chinh phục.
Xử Nữ (23/8 – 23/9)
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn được thông báo năm nay sẽ có cơ hội trúng xổ số? Phản ứng ngay lập tức của bạn sẽ là vui mừng. Tuy nhiên, vì bạn thuộc cung Xử nữ, bạn sẽ sớm cảm thấy không thoải mái.
Điều gì sẽ xảy ra nếu nó đồng nghĩa bạn không bao giờ biết những người bạn của mình là ai, hay bạn có thể giành được mọi thứ nhưng quên hết giá trị của bất kỳ thứ gì? Nếu bạn muốn hiểu về cách ảnh hưởng của sự sắp đặt liên kết từ sao Thiên vương đến sao Diêm vương, hãy xem xét quan điểm cho rằng, vào cuối thế kỷ 20, thế giới đang sống trong giấc mơ.
Các ngân hàng đang sụp đổ và các nền kinh tế đang phá sản cho thấy, giấc mơ có thể biến thành cơn ác mộng dễ dàng như thế nào. Ngay cả khi tất cả những hy vọng lớn nhất của bạn về vật chất được toại nguyện, liệu điều đó có mang lại rắc rối dạng khác?
Thay đổi lớn về tài chính sẽ đến với bạn. Nó sẽ không lớn như việc trúng xổ số, nhưng nó sẽ mang lại sự giải thoát khỏi các vấn đề. Một khi bạn nhận ra mình không thực sự cần tiền để giải quyết nhiều vấn đề hiện tại, bạn có thể dành tất cả những gì có được vào những gì bạn thực sự cần.
Thiên Bình (24/9 – 23/10)
Sao Kim, hành tinh của tham vọng và quyền lực, sẽ xuất hiện trong cung của bạn trong nửa đầu năm 2014. Bạn liệu có tận dụng được tốt nhất cơ hội này.
“Thời gian là tiền bạc. Tiền bạc là quyền lực”, mọi người thường nói như vậy. Nhưng tại sao ai trong chúng ta cũng cần quyền lực? Chắc chắn, chúng ta chỉ muốn sự an toàn. Chúng ta chỉ tưởng tượng rằng, nếu có tiền, chúng ta có thể thâu tóm, thao túng và kiểm soát nhiều hơn nữa.
Điều bạn thực sự muốn trong năm 2014 không phải là tạo ra thêm nhiều thứ, mà kiểm soát bản thân nhiều hơn. Năm nay sẽ mang tới cơ hội để bạn tự học hỏi nhiều hơn và tăng khả năng đối phó với các vấn đề tài chính.
Hổ Cáp (24/10 – 22/11)
Tiền dường như rất khó kiếm và khó giữ. Tiền tạo ra một loạt vấn đề khi chúng ta không có đủ nó, và một loạt vấn đề khác khi chúng ta có nhiều hơn mức mình cần.
Thế giới đã trải qua nhiều bài học như vậy trong quá trình hình thành 7 góc vuông giữa sao Thiên vương và sao Diêm vương. Chúng ta đang trên một chuyến tàu lượn siêu tốc kinh tế toàn cầu và vòng lượn vẫn chưa kết thúc. Trong cuộc sống của bạn, những thăng – trầm ấy đã rất lớn. Trong năm 2014, khả năng kiểm soát chi tiêu tốt hơn sẽ liên quan trực tiếp đến khả năng vượt qua một nỗi sợ hãi của bạn.
Nỗi sợ hãi bạn cần đánh bại nhất chính là sự e sợ về các nỗi sợ hãi của người khác. Bạn sẽ bắt đầu chứng kiến các tình huống căng thẳng với nhiều sự tách rời hơn. Điều này sẽ hướng dẫn bạn trải qua các lựa chọn mang về những lợi thế vật chất thực sự.
Nhân Mã (23/11 – 21/12)
Cảm giác mạo hiểm luôn đem lại cho bạn các thành công vĩ đại nhất, mặc dù nó cũng khiến bạn lâm vào nhiều rắc rối nhất. Tuy nhiên, trong năm 2014, bạn sẽ có một viễn cảnh lạc quan khác thường.
Mặc dù vấn đề thiên văn học đang diễn ra ảnh hưởng tới mọi cung, liên quan đến việc tiếp tục liên kết đầy thách thức giữa sao Thiên vương và sao Diêm vương, có vẻ như, ít nhất đối với bạn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Mặc dù điều này không có nghĩa, bạn hoàn toàn có thể kiềm chế xu hướng gần đây về việc tránh rủi ro, nó ám chỉ bạn có lí do để cảm thấy bớt lo lắng về kết quả của các kế hoạch hiện tại và tương lai.
Bạn thực sự không thể mong đợi một năm tốt đẹp ở mọi khía cạnh. Nhưng, nếu bạn cho phép các quan điểm tích cực điều khiển mình, bạn sẽ thành công một cách đáng kinh ngạc.
Ma Kết (22/12 – 20/1)
Hơn bao giờ hết, thế giới đang lo lắng về vấn đề vụ lợi và vật chất. Trong những năm qua, chúng tôi đã chịu ảnh hưởng của một sự liên kết chiêm tinh, nổi tiếng làm lay chuyển đức tin của chúng ta về những cơ chế điều phối các nền kinh tế. Trong năm 2014, nó tiếp tục đánh thức những lo ngại.
Và khi thế giới tái xem xét cách giải quyết nợ quốc tế, bạn cũng đang cân nhắc tình trạng tài khoản của mình. Trong năm nay, ngay khi bạn vượt qua được những sợ hãi có hại về thất bại của bản thân, bạn sẽ có được ý tưởng về sự cân bằng tài chính hoàn hảo.
Bảo Bình (21/1 – 19/2)
Vào năm 2014, bạn có thể cống hiến tuyệt vời cho nhân loại bằng cách giúp tất cả chúng ta tiến khỏi mô hình cũ được tạo ra thời đại của sự khan hiếm. Hàng loạt liên kết gần đây giữa sao Thiên vương và sao Diêm vương đã tập trung sự chú ý của chúng ta đến sự bất ổn của các ngân hàng và các tổ chức, nhưng có một sự thay đổi sâu sắc hơn đang diễn ra. Vì là một ma kết, chịu sự chi phối của sao Thiên vương, bạn đang ở đội tiên phong của điều này.
Năm nay không hứa hẹn bạn sẽ giành được mọi thứ mình muốn. Nhưng có sự bảo đảm rằng, chỉ khi bạn suy nghĩ lạc quan hơn, bạn sẽ sớm thấy nhiều nhiều con đường phát triển, mà sự dũng cảm sẽ được đền đáp.
Song Ngư (20/2 – 20/3)
Chìa khóa thành công về tài chính trong năm nay đó là bạn sẽ trả lời được câu hỏi “Bạn sẽ làm gì nếu có nhiều tiền hơn hoặc ít tiền hơn?”. Bạn cần phải thay đổi quan niệm rằng vinh quang gắn liền với sự giàu có và sự hổ thẹn đi liền với nghèo đói. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về tiền bạc.
Các hành tinh hứa hẹn bạn sẽ tất cả những gì mình cần trong năm nay, đặc biệt khi bạn hiểu rõ được thứ mình cần nhất.

Phần nhận xét hiển thị trên trang