Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Trung Quốc: Tấn công khủng bố ga tàu, 29 người chết, 113 người bị thương

(Dân trí) - Một vụ tấn công khủng bố bằng dao kinh hoàng do các phần tử ly khai ở Tân Cương thực hiện tại một ga tàu ở Côn Minh vào cuối ngày thứ bảy 1/3 đã khiến 29 người chết và 113 người bị thương.

Hiện trường vụ tấn công.
Hiện trường vụ tấn công.


Những kẻ tấn công mặc đồ đen, mang dao dài đã xông vào ga tàu ở Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc và thực hiện vụ thảm sát vào cuối ngày thứ bảy 1/3.
29 người đã thiệt mạng, 113 người bị thương trong vụ việc.
Sợ hãi bao trùm nhà ga ở Côn Minh.
Sợ hãi bao trùm nhà ga ở Côn Minh.
Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi “dốc toàn lực” điều tra vụ việc và trừng trị những kẻ tấn công “theo đúng luật”.
Tân Hoa xã sớm nay dẫn nguồn chính quyền Côn Minh cho biết những phần tử ly khai ở vùng tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, đã thực hiện vụ tấn công.
Tân Hoa xã trước đó cho biết 5 kẻ tấn công đã bị cảnh sát bắn chết, nhiều kẻ bị bắt và đang tìm kiếm những kẻ còn lại.
Vụ tấn công đẫm máu xảy ra vào khoảng 9h20 tối ngày thứ bảy là vụ “tấn công khủng bố bạo lực được lên kế hoạch và dàn dựng trước”, Tân Hoa xã dẫn lời giới trức trách cho hay. Một quan chức cấp cao của Bắc Kinh đã tức tốc tới hiện trường vụ việc.
“Những vũng máu”
Nhà ga Côn Minh đã bị phong tỏa.
Nhà ga Côn Minh đã bị phong tỏa.
Các nhân chứng cho hay những kẻ mặc đồ đen đã tấn công ngẫu nhiên mọi người.
Một người sống sót tên Yang Haifei, bị thương ở lưng và ngực, cho biết với Tân Hoa xã, khi anh đang mua vé tàu thì những kẻ tấn công, hầu hết mặc đồ đen, xông vào nhà ga.
“Tôi thấy một kẻ cầm một con dao dài đi thẳng đến tôi và tôi đã chạy cùng với mọi người”, anh cho hay.
Anh cũng cho biết những người chạy chậm đã bị đốn hạ bằng dao.
Một số người thoát nạn đã tìm kiếm người thân bị mất tích trong tuyệt vọng.
Yang Ziqing cho biết với Tân Hoa xã cô và chồng đang đợi tàu tới Thượng Hải “thì một người đàn ông mang dao đột nhiên xuất hiện trước họ”.
“Tôi không thể tìm thấy chồng và điện thoại của anh ấy không trả lời”, cô cho hay.
Theo BBC, hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy đàn ông và phụ nữ nằm trên những vũng máu trên sàn nhà sau vụ tấn công.
Tờ China News Service dẫn lời các nhân chứng cho biết “một nhóm nam giới mang vũ khí đã xông vào khu mua sắm của ga tàu và khu mua vé, đâm bất kỳ ai chúng thấy”. 
Cảnh sát rà soát khu vực.
Cảnh sát rà soát khu vực.
Cảnh sát đã phong tỏa nhà ga và đang thẩm vấn những người ở hiện trường.
Một nhân chứng khác cho biết với tờ Beijing News rằng cô đã nhìn thấy 2 phụ nữ mặc đồ đen đi về phía nhà ga và một số kẻ tấn công đã che mặt.
Những vụ việc như thế này hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc, mặc dù đôi khi có các vụ tấn công bằng dao và bom nhằm vào các quan chức địa phương ở vùng tự trị Tân Cương, nơi có phần đa là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Các vụ tấn công liên quan đến họ thường được gọi là “tấn công khủng bố”.
Một vụ tấn công hồi tháng 10 năm ngoái ở Bắc Kinh, với sự tham gia của 3 người trong một gia đình người Duy Ngô Nhĩ đã khiến họ và 2 người khác thiệt mạng. Họ đã táo tợn cho lao xe vào Quảng trường Thiên An Môn.


Vũ Quý

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Là gì?

Truyện tranh: Đàn bà luôn là... Thượng Đế! - 1
Truyện tranh: Đàn bà luôn là... Thượng Đế! - 2
Truyện tranh: Đàn bà luôn là... Thượng Đế! - 3
Truyện tranh: Đàn bà luôn là... Thượng Đế! - 4
*
* *
Truyện tranh: Đàn bà luôn là... Thượng Đế! - 5
Truyện tranh: Đàn bà luôn là... Thượng Đế! - 6
Truyện tranh: Đàn bà luôn là... Thượng Đế! - 7Truyện tranh: Đàn bà luôn là... Thượng Đế! - 8
Mei Ying - dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đằng sau giá gỗ sưa là gì??

Vì sao người TQ "phát cuồng" với gỗ sưa?

Vì sao người TQ "phát cuồng" với gỗ sưa?
Ở Trung Quốc có rất nhiều đại gia sẵn sàng trả tiền tỷ để được sở hữu cây gỗ sưa, loại cây "đắt hơn vàng". Vì sao loài cây này lại có giá trị lớn đến như vậy?
Nhiều người tin rằng gỗ sưa có tác dụng đặc biệt dù các nghiên cứu khoa học chưa thể chứng minh điều này...
Gỗ sưa, "báu vật" của các vua chúa
Cây gỗ Sưa đỏ có tên khoa học là Dalbergia Tonkinensis Prain. Ở Việt Nam cây sưa đỏ còn gọi là cây Huỳnh đàn đỏ, Trắc thối hay cây Huê mộc vàng, còn ở Trung Quốc cây sưa đỏ được gọi là cây Hoàng hoa lê Hải Nam vì cây mọc chủ yếu ở Hải Nam.
Theo một số sách cổ như “Bác vật yếu lãm” và “Bản mục thập di” cho biết, gỗ sưa của người Giao Chỉ (tức vùng đất thuộc Việt Nam ngày nay) là loại gỗ tốt nhất. Người xưa thường chế tác gỗ sưa đỏ để làm ngai vàng, đồ dùng hàng ngày, bàn ghế cũng như giường tủ cho các vua chúa cũng như những gia đình thuộc giới quý tộc.
Gỗ sưa được dùng ở Trung Quốc từ thời Đường, và sau được ưa chuộng rộng rãi vào thời Minh và Thanh. Từ lâu người Trung Quốc đã xem gỗ sưa là một trong bốn loại gỗ quí nhất, gồm Tử đàn, Hoàng hoa lê, Kê sí và Thiết lực. Ngoài vàng bạc châu báu thì các nước chư hầu của phong kiến Trung Quốc xưa ở phía nam thường cống nạp cho triều đình loại gỗ quí này.
Vì sao người TQ "phát cuồng" với gỗ sưa? - 1
Khúc gỗ sưa được trục vớt ở Quảng Bình đã nhiều phần mục nát
Gỗ sưa là vị thuốc quý chữa "bách bệnh"?

Một số sách của Trung Quốc như “Trung dược đại từ điển” và “Bản thảo cương mục” đều xem gỗ sưa đỏ có những công dụng y tế nhất định như cầm máu, giảm đau, chống huyết áp, bệnh đường ruột, nhuận khí, chứa bễnh tim và hoạt huyết. Một bài viết có tiêu đề “Vì sao cây Hoàng hoa lê Hải Nam đắt hơn vàng?” đăng trên trang Hualimu.net ngày 23.6.2011 giải thích, cây gỗ sưa đắt đỏ vì người Trung Quốc quan niệm nó có công dụng chữa bệnh tuyệt vời. Họ cho rằng, có gỗ sưa mà gối đầu thì không khác gì thuốc được truyền trực tiếp vào người.
Tuy nhiên, gỗ sưa chỉ được đề cập là một loại có công dụng như thảo dược khi phối hợp với các loại dược liệu khác mới có tác dụng nhưng lại không thấy sách nào mô tả cách chế biến gỗ sưa thành thuốc hay chứng minh trong gỗ sưa có chất nào ích lợi thảo dược.
Thế nhưng, theo Tiến sĩ Đoàn Văn Thu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ vào năm 2012 cho biết, cả phía các chuyên gia Việt Nam và Trung Quốc đều không tìm ra lí do tại sao gỗ sưa đắt đến như vậy đồng thời cũng không phát hiện ra giá trị thảo dược nào trong loại gỗ này.
Gỗ sưa dùng để ướp xác, trừ tà?
Hiện nay, gỗ sưa đỏ được nhiều người truyền tai nhau là một loại hương liệu được người Trung Quốc từ xưa dùng để ướp xác giới quý tộc, đồng thời có thể làm khí cụ trừ tà đuổi ma và trấn yểm. Mặc dù vậy, hiện nay chưa có thông tin nào xác nhận đã tìm thấy xác ướp được ướp bằng hương liệu từ gỗ sưa.
Riêng ở Việt Nam, việc dùng gỗ làm chất ướp xác trong các ngôi mộ cổ được khai quật đến nay lại xác định là cây Hoàng đàn rủ, còn gọi là Ngọc am hay San Mộc và có tên khoa học là Cupressus funebris chứ không phải gỗ sưa đỏ. Một số chuyên gia cho rằng, gỗ sưa có thể không dùng làm hương liệu trong ướp xác như đồn đại vì loại gỗ này không phải là loại tiết ra tinh dầu thơm.
Gỗ sưa đỏ có độ bền hạng nhất?
Nhiều người vẫn tin rằng, gỗ sưa đỏ thuộc hàng đầu bảng trong các loại gỗ quí, vượt trội cả lim, gụ, táu và sến. Nó có độ bền chắc, mùi hương thơm lâu dù bị ngâm nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát.
Nhưng theo nghiên cứu của giới khoa học Việt Nam, cây sưa chỉ đứng ở nhóm gỗ 2, độ chịu lực không bằng nhóm gỗ 1 là lim, gụ. Thạc sỹ Đỗ Văn Bản, Trưởng phòng Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết trên trang Vtc.vn ngày 15.5.2012, tuy gỗ sưa đỏ thuộc loại gỗ đẹp nhưng vẫn đứng sau gỗ trắc. Người dân coi là loại gỗ thơm nhưng không được ưa chuộng như gỗ giáng hương.
Gỗ sưa Trung Quốc đắt hơn gỗ sưa Việt Nam
Gỗ sưa ở Việt Nam hiện nay chủ yếu bán cho các thương lái Trung Quốc. Theo các chuyên gia Trung Quốc, do có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên giữa Việt Nam với đảo Hải Nam Trung Quốc nên cây sưa ở Việt Nam có đặc điểm gần gũi với cây sưa Hải Nam. Song một số người tin rằng, gỗ sưa Việt Nam không bằng sưa Hải Nam.
Vì sao người TQ "phát cuồng" với gỗ sưa? - 2
Đồ gỗ sưa Trung Quốc đắt giá
Nếu trước đây vào những thập niên 70 của thế kỷ XX, giá gỗ sưa ở Trung Quốc rất rẻ thì đến những năm 2007-2008 khi loại gỗ này trở nên hiếm và các cây mới thì vẫn còn non nên giá gỗ sưa đắt đỏ hơn bao giờ hết. Mặc dù vậy, đó chủ yếu là những cổ vật gỗ sưa được thiết kế theo phong cách nhà Minh hay Thanh. Trang Hualimu.net tiết lộ, để mua một chiếc tủ làm bằng gỗ sưa chân vuông cũ cần khoảng 5 triệu nhân dân tệ. Tờ Xinhuanet cho hay, một chiếc ghế gập làm từ thời nhà Thanh cũng có giá 4,8 triệu nhân dân tệ (khoảng 14 tỉ đồng).

Tuy nhiên, hiện nay những đồ gỗ sưa ở Trung Quốc hầu hết đều xuất xứ từ sưa Việt Nam. Theo một số đại gia buôn gỗ ở làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh tiết lộ, giá gỗ sưa thường đắt đỏ vì người Trung Quốc thường tung tin mua gỗ sưa về vì mục đích tâm linh huyền bí và chữa bệnh. Họ thổi giá lên cao rồi có thể sẽ bí mật chuyển gỗ ngược trở lại bán cho người Việt Nam!
Theo Văn Biên (Dân Việt)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VÌ SAO TÔI BỎ NGHỀ VIẾT VĂN ?


Doan kịch Tỉn
    Thấy thực sự không có ai để ý, có vẻ yên tâm, nó mới kéo tôi vào một quán cà phê "cóc" hẻo lánh, nằm ở góc tận cùng trong một ngõ nhỏ, ít người qua lại. Chỉ cho tôi chiếc ghế đối diện, bắt tôi ngồi xuống, nó ngồi xuống theo. Việc gì mà hệ trọng thế ? Tôi nhìn nó, không hiểu. Im lặng đến mười bảy giây, nó vẫn nhìn tôi không chớp. Một lúc sau, nó vòng hai tay ra đằng sau, rút ra tập bản thảo truyện ngắn của tôi gửi cho báo cách đây hai tuần, được dấu kỹ trong lưng quần, nói vẻ khó chịu :
- Ông viết truyện ngắn có nội dung như thế này thì giết tôi. Bố thằng nào dám đăng!
- Cái gì ? - Tôi hỏi lại, giọng hơi to.
- Xuỵt! - Nó lấy ngón tay để lên miệng, ra hiệu cho tôi bớt " dung lượng " lại -  Lạy ông, có cái gì mà ông hét to thế. Ông thấy tôi phải khổ sở, bí mật, khéo léo, nhanh nhẹn, biết " thích ứng với mọi hoàn cảnh " mới đưa ông được đến nơi đây không ? Để cho thằng thứ ba biết chuyện này, lại có tâm địa xấu, nó làm lộ chuyện này ra. Ông với tôi đi tù là cái chắc !
- Nhưng... đi tù vì cái gì mới được chứ ? - Tôi vẫn chưa hiểu nó gọi tôi ra đây định nói cái gì ?
Nó lại mắt trước, mắt sau nhìn lấm lét xung quanh còn hơn " rắn mùng năm". Thấy xung quanh yên ắng, nó mới sẽ sàng giở từng trang bản thảo truyện ngắn của tôi ra, chỉ từng chỗ đã đánh dấu rồi  nói :
- Đây ! " Bố " viết đoạn này, tôi đọc lên giật mình. Có phải " bố " định tả ông X... can tội giành nhà của bà mẹ Việt Nam anh hùng, lấn đất của dân, mua bán bất động sản phi pháp không ? Tôi nói, ông phải nghe. Ông X...  đương chức, lại chức " to " như thế, ông viết truyện ngắn này " chọc " vào làm gì ! Chọc kiểu ấy chỉ có nước ông " chết ", tôi "chết", tờ báo của tôi cũng "chết" theo - Nói đến đó,nó dừng lại, nhìn tôi có vẻ nghi ngờ - Thế ông đã đưa bản thảo truyện ngắn này cho ai đọc chưa?
Tôi lắc đầu :
- Chưa ! Mới chỉ có một mình ông đọc -Tôi hỏi nó - Mà này, tôi viết truyện ngắn này hoàn toàn hư cấu theo sự gợi ý của ông, tại sao bây giờ ông lại nói với tôi như vậy ?
Tôi tin điều mình viết đơn giản, nó làm nghề biên tập trang “ văn nghệ” của tờ báo…  bị nhiễm bệnh " quan trọng hoá vấn đề"' có khi " bơm to" lên.
Nó nghe tôi nói thế,  nét mặt nhăn nhó :
- Khổ lắm ông ạ ! Ai chẳng biết thế. Nhưng ông viết "chung chung " thôi, chứ ai lại tả cụ thể. Đằng này, ông tả nhân vật chính trong truyện ngắn từ dáng đi đến giọng nói, thậm chí cả động tác chơi gái... chỉ cần đọc lướt qua là người đọc biết ngay là ông X... Trong truyện ngắn này, ông còn tả "...cái biệt thự, trong đó có nhà vệ sinh hiện đại đáng giá bằng mấy chục nhà tình nghĩa..." nữa chứ! Ai chẳng biết, chỉ có ông X... đang sở hữu " cái biệt thự có nhà vệ sinh hiện đại " đó - Nói đến đây, giọng nó tự nhiên hạ xuống, thì thầm - Tôi biết ông X... rất ít đọc báo, nhưng biết đâu vô tình ông ấy đọc được truyện ngắn này đăng trên báo của tôi, sẵn có tính thù vặt, ông ấy sẽ quy cho tờ báo vào tội " vu khống", rồi lôi bộ luật hình sự ra. Thế là ông và tôi, có khi cả toà soạn của báo nữa... phải ra toà...
- Dễ thế cơ à ! - Tôi ngạc nhiên.
- Nước mình thì cái gì không " dễ ". Nhất là viết báo, viết truyện không khéo dễ bị quy thành " tội " lắm.
Nghe nó nói thế, tôi giật mình. Cứ nghĩ hai tay bị còng số tám đã kinh, nay lại vào tù đi cải tạo, đầu cạo trọc lốc thì khiếp. Mồ hôi tôi đổ ra đầm đìa, thể trạng không còn bình tĩnh nữa. Cả chân, cả tay, cả đầu và cả cái ghế tôi đang ngồi đều run bần bật. Tôi hỏi lại :
- Thế... thế bây giờ làm thế nào? Ông nói làm tôi... tôi ... lo quá !
Nó nhìn tôi với ánh mắt thương hại:
- Cũng còn may cho ông, là truyện ngắn này mới chỉ có một mình tôi đọc. Tôi sẽ đốt bản thảo truyện ngắn này, coi như ông chưa viết nó trên đời. Ông viết truyện ngắn khác đi...
- Viết cái gì bây giờ ? Hay là... thôi, tôi không viết nữa.
Nghe tôi nói vậy, nó vội xua tay:
- Đừng! Tôi cấm ông có tư tưởng bi quan chủ nghĩa. Ông là thằng có tài, viết truyện ngắn rất hay. Người như ông  ở nước ta rất hiếm. Ông có mỗi nghề viết văn, viết báo. Ông không viết lấy cái gì mà kiếm ăn.Viết mà kiếm lấy mấy đồng nhuận bút còm, cũng còn hơn không. Có điều, tôi khuyên ông, mình viết nhưng đừng có đụng chạm đến ai. Viết như thế là dễ đăng nhất.
Điều nó nói làm cho tôi suy nghĩ. Viết mà không " đụng chạm " đến ai, khó thật! Nhìn vào xã hội, đâu đâu cũng thấy mấy ông bụng to, tay xách cặp, mặc comlê, đi giày đen, thắt caravát.... cứ giả đi làm " công vụ", kỳ thực là đi " khoét tiền" của công, rồi ăn nhậu, chơi gái. Rồi có người, trên bục giảng , nói có vẻ thanh tao, trong sáng với những lý tưởng, chủ nghĩa... nhưng trong thực tế, sống với gia đình, đồng đội, với dân thì " bẩn " không thể tưởng. Cảnh những người nghèo khổ mất đất đi biểu tình, ăn xin, bán báo dạo, đánh giầy... lê lết ngoài đường cứ đập thẳng vào mắt, ra ngõ là gặp. Bây giờ, là người viết văn, đã viết thì thế nào cũng " dính " vào những cảnh đó. Mà  " dính " thì lại..." đụng chạm", như nó vừa nói. " Đụng chạm " hay " không đụng chạm"? " Đụng chạm" hay " không..."? Tôi nghĩ ra rồi! Tôi " A" một tiếng rõ to, lấy tay vỗ lên đùi " đét" một cái, rồi nói với nó :
- Tôi sẽ thay nhân vật giống ông X... bằng một nhân vật có hành động, lời nói khác hẳn.
- Đúng !- Nó gật gù, tán thành ý kiến đó sau khi nghe tôi trình bày suy nghĩ của mình.
- ... Bằng ông bác sỹ - Tôi hào hứng trình bày -Thay việc " ...Đến công sở" thì ông ta "đến bệnh viện". Thay việc " ... Vào văn phòng lật sổ sách" thì ông ta " vào phòng mổ lật bệnh nhân", thay mấy chữ "... Ông ấy cười khành khạch khi nốc bia" thành ông ấy nói "... Băm bổ khi đang nhậu.". Thay...
- Thôi! - Nó giơ tay ra hiệu cắt nửa chừng - Không được! Ông viết như thế càng chết. Thằng con ông Tổng biên tập báo của tôi đang nằm viện vì chứng " phát phì đột biến ". Báo của tôi đăng truyện ngắn của ông viết có nội dung như thế, mấy ông bác sỹ trong bệnh viện đang điều trị thằng bé đọc được, các ông ấy lại tưởng báo của tôi nói xỏ các ông ấy về tư cách đạo đức. Tức mình các " bố ấy " tiêm cho thằng bé một mũi " quá liều " thì chết cả nút. Đừng có dại!
Nghe nó nói vậy, tôi thở dài, ngán ngẩm. Cứ như thế thì tôi viết kiểu gì cũng "đụng chạm". Thậm chí có khi tả " không khí trong veo" người ta cũng vặc ra đủ lý do để nói " không nên viết ". Mà không viết... đối với ai, tôi không biết, riêng đối với tôi là nguy vì tiền nhuận bút của truyện ngắn, nó cho tôi ứng trước. Tôi tiêu sạch khi vừa ra khỏi phòng tài vụ của Toà báo.
Khi chia tay, nó vỗ vai tôi:
- Chuẩn bị bài cho số Đặc san sắp tới, tôi vẫn đề nghị bỏ trống cột " Truyện ngắn" để chỗ cho truyện ngắn của ông. Về nhà ông cố gắng viết đi, hạn nộp bài còn dài mà. Có điều, tôi dặn ông, viết gì thì viết, nhớ đừng có "đụng chạm" - Nó cứ nhắc đi, nhắc lại điều đó.
Tôi về đến nhà, thấy vợ đang chuẩn bị gánh bún ra đầu ngõ bán, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu " Hay lấy nhân vật chính trong truyện ngắn sắp viết là vợ của mình ..." Nghĩ thế, song tôi lại lắc đầu. Không được! Vợ tần tảo , chịu thương, chịu khó nuôi sống cả gia đình, tất nhiên trong đó có tôi. Căn nhà này không có bàn tay của vợ, nó đã đổ ụp từ lâu rồi. Vợ tôi tốt như thế, nỡ nào tôi lại cho vào truyện ngắn đăng lên báo để đùa cợt.
Tôi đi vào giường ngả lưng, chợp mắt. Các nhân vật truyện ngắn mình định xây dựng cứ ẩn hiện, lúc mờ, lúc tỏ. Tả ai bây giờ ? Thực khó nghĩ. Chợt! Như bừng tỉnh , một suy nghĩ, cho là rất sáng suốt dẫn tôi đến một lối thoát. Tôi sẽ xây dựng một nhân vật trung tâm của truyện ngắn là một ông Tổng biên tập một tờ báo lớn. Tôi sẽ viết lời đề dẫn cho truyện ngắn này:"... Tôi đã gặp anh, một Tổng biên tập của một tờ báo có số lượng phát hành lớn gần như nhất nước ta. Anh vốn là một nhà báo có chuyên môn, chuyên viết những bài chính luận nổi tiếng, được đông đảo bạn đọc yêu thích. Ngoài ra, anh là một Tổng biên tập có lập trường rất vững vàng, kiên định không sợ bất cứ một áp lực nào khi dám đưa lên mặt báo những vụ tham nhũng lớn, đụng chạm đến một số người cấp cao. Anh luôn động viên và bảo vệ hết mình những phóng viên có động cơ tốt khi viết những bài phóng sự phanh phui những việc làm tiêu cực của một số kẻ có chức, có quyền. Ở anh, tôi còn thấy một việc làm tốt nữa, anh rất khiêm tốn, không bao giờ lợi dụng báo chí để đánh bóng tên tuổi của mình. Anh sống mực thước, giản dị là tấm gương sáng cho các phóng viên trẻ trong toà soạn noi theo. Tôi đã gặp anh trong một trường hợp..." Và thế là tôi hư cấu thành một truyện ngắn về một ông Tổng biên tập của một tờ báo lớn đã tận tình giúp tôi, một người viết văn trẻ không hề quen biết, viết một truyện ngắn hay đăng lên báo. Ông đến nhà tôi, ẩn trong một khu phố lầy lội, để đưa tận tay báo biếu cùng tiền nhuận bút.
        Một ông Tổng biên tập tuyệt vời !
Tôi viết truyện ngắn này liền một mạch, gần sáng thì xong. Đọc lại truyện ngắn một lần nữa, tôi thực sự ưng ý. Có thế chứ ! Truyện ngắn tôi vừa viết không hề " đụng chạm" vào chuyện của ai, chỉ có "ca ngợi". Vui hơn nữa, tôi đã “trả được nợ" cho nó, coi như thanh toán xong tiền nhuận bút.
Khi tôi đưa truyện ngắn này cho nó đọc.Tôi chú ý đến nét mặt của nó. Nét mặt nó giãn ra theo từng câu chữ, thỉnh thoảng lại còn nở một nụ cười thích thú, mắt hấp háy có vẻ sướng. Đọc xong truyện ngắn, nó ôm chầm lấy tôi, reo to:
- Tôi bái phục ông, ông viết truyện ngắn có nội dung rất hay, mang đầy tính thời sự - Nó lại nói đúng ý của tôi - Tôi biết ông viết trong truyện ngắn có nội dung, ngầm ca ngợi Thủ trưởng của tôi để dễ đăng. Đúng không ? - Tôi gật đầu, nó nói tiếp - Ông viết như thế này là không "đụng chạm ", sẽ không ai thắc mắc tại sao ông viết nhân vật này ? Nhân vật kia ? Tôi thành thực mừng cho tài năng của ông, mừng cho truyện ngắn này. Truyện ngắn này nhất định sẽ được đăng trong số Đặc san sắp tới - Nó bắt tay tôi, lắc mãi.
Thái độ của nó, làm cho tôi vui, quên hết mọi phiền muộn mới có cách đây không lâu. Tôi âm thầm chờ đợi truyện ngắn của mình đựơc đăng ở số " Đặc San" với nỗi sung sướng ngày một nhen lên.
Gần hai tuần sau...

Nó đến gặp tôi, trái với sự chờ đợi háo hức mà tôi đang hy vọng, mặt nó ỉu xìu như bánh đa nhúng nước. Nó trả bản thảo cho tôi, giọng thiểu não:
- Truyện ngắn của ông lại vào “ Đài hóa thân hoàn vũ " rồi !
- Vì sao thế ? - Tôi ngạc nhiên đến sững sờ.
- Vì ông Tổng biên tập đọc duyệt lần cuối cùng, phán : " Nước ta làm gì có ông Tổng biên tập báo nào có chuyên môn, bản lĩnh và tốt như thế, viết không đúng sự thật ! Không đăng. " - Nó nói.

blogger Trần kỳ Trung
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoan hô cu Vinh và đăng lại bài này để những tên chưa bị vạch nặt coi chừng:


“CHỈ ĐIỂM”

Trong chiến tranh, ở vùng địch tạm chiếm, đối tượng tởm nhất, bị nhân dân căm ghét nhất là những thằng "chỉ điểm". Nó trà trộn trong nhân dân, thậm chí là bạn bè, người thân, đồng đội và khi cần thì nó kéo tay địch tới " chỉ 
điểm", bất kể là có"tội" thật hay man trá, miễn là nó đã chỉ điểm để nhận bổng lộc, thậm chí đôi khi chỉ là nhận 1 sự an toàn, thăng quan tiến chức....


Gần đây, có cuộc tranh luận sôi nổi về Luận văn thạc sĩ văn học “Vị trí kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên)", trong đó đặc biệt có bài phê bình quy chụp, phê bình bặm trợn, phê bình " cảnh sát" của nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu mà sau đó Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã chỉ mặt ông Nguyễn Văn Lưu bằng một bài viết sắc sảo: Phê bình chỉ điểm ( đọc thêm ở đây:http://bolapquechoa.blogspot.com/2013/07/phe-binh-chi-iem.html?utm_source=BP_recent)
Nhìn rộng ra, tại các cơ quan, ban ngành đơn vị, không khó để chỉ mặt đặt tên những đứa chuyên nghề " chỉ điểm", đó là loại cán bộ cơ hội, nịnh hót, bám đít cấp trên, vài ba hôm lại thì thào vào tai trưởng phòng này, vụ phó nọ, cục trưởng kia., anh ơi , chị ơi, sếp ạ, sếp ạ, sếp ạ, hôm qua em thấy, hôm trước em nghe về cậu ấy, bà ấy, chú ấy nói thế này thế này thế này, hoặc là anh ơi, chị ơi, sếp ơi, sếp phải cảnh giác với cậu ấy, thằng kia, bà nọ, nó ghê gớm lắm, nó nói thế này thế này thế này...
Loại chỉ điểm ấy vì đố kị đồng nghiệp, ghen ăn tức ở, háo danh, háo của, là loại sâu thối mà hầu như cơ quan nào cũng có, được sinh ra từ cái ổ tha hóa đạo đức, những " vận động viên" có số có má về các môn " thể thao": Ném đá giấu tay, chọc gậy bánh xe, qua cầu rút ván...
Cái lũ chỉ điểm này đang sống tốt, đang phè phởn, đang ngông cuồng truy sát và hưởng lợi trên sư oan trái của đồng đội, trên năng lực thực tài của đồng nghiệp, và chúng nó càng nhâng nháo và nẩy nở nhiều nếu cấp trên, thủ trưởng cơ quan không phải là người chính trực.
Lũ chỉ điểm này bao giờ trong các cuộc họp cũng nói về đạo đức to mồm nhất, và đôi mắt ngó nghiêng, tải vểnh, miệng hót, rình rập người tốt, bóp méo sự thật, tâng, nâng, xút, ẩy với cấp trên để hạ người, nhục bạn, nhằm kiếm tìm bè phái, lợi lộc.
"Hỡi loài người, hãy cảnh giác".

CU VINH KHOAI LANG Blog

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phí của giời!


Biệt thự chục tỉ của đại gia bỏ hoang giữa Hà Nội


Biệt thự chục tỉ của đại gia bỏ hoang giữa Hà Nội
Nằm ngay giữa trung tâm Hà Nội, sát mặt đường Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân), nhưng biệt thự đã được hoàn thiện với giá trị hàng chục tỉ của đại gia Hà Nội lại bỏ hoang gần 2 năm nay.
 Nằm ngay gần ngã tư Vũ Trọng Phụng – Ngụy Như Kon Tum, ngôi biệt thự 3 tầng, có diện tích gần 200m2, có giá trị hàng chục tỉ đồng lại bị bỏ hoang từ nhiều năm nay
 Theo những người dân sống gần đây, ngôi biệt thự được xây dựng chừng 3 năm trước, nhưng từ khi xây xong đến nay không thấy ai dọn đến ở, cũng không treo biển cho thuê 
 Ngay cả những người sống gần đó cũng không biết chủ nhân đích thực của ngôi biệt thự này, chỉ biết là một đại gia bất động sản có tiếng ở Hà Nội
 Do bị bỏ hoang gần 2 năm nay nên những tấm kính che phần mái đã phủ đầy rong rêu và rác rưởi
 Mọi cánh cửa của căn biệt thự đều đóng im ỉm
 Phía bên ngoài căn biệt thự, các đầu mối dây điện đã bị cắt, treo lửng lơ
 Phía bên trong gara để ô tô là một bãi rác ngổn ngang, hậu quả của những trận mưa để lại mà không có người quét dọn
 Những chiếc camera được gắn ngoài cổng vẫn còn nguyên vẹn. Theo một bà chủ bán nước gần đó cho biết, ngôi biệt thự này có giá trị đến hơn 20 tỷ đồng.
 ”Bên ngoài và bên trong ngôi biệt thự này đều thấy gắn camera khắp nơi nhưng chẳng thấy ai đến hương khói hay dọn dẹp bao giờ. Cũng có rất nhiều người hỏi nhưng không ai biết chủ nhà là ai. Thỉnh thoảng lại thấy mấy ông say rượu hay chó mèo gần đó đến tè bậy ngay ngoài cổng. Đúng là phí phạm vô cùng” – Bà H., chủ quán nước trên đường Ngụy Như Kon Tom cho biết.
(Theo Motthegioi)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Âm dương lẫn, loạn!

Sống và mại dâm ngay giữa nghĩa trang lớn bậc nhất TP.HCM
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Quận Tân Phú) là nghĩa trang lớn nhất nhì tại TP.HCM. Không chỉ là nhà của người chết, nơi đây còn là nơi quần cư đông đúc của nhiều người. Họ sống, sinh hoạt, buôn bán, thậm chí hành nghề mại dâm ở đây!
Mặt tiền nhà là mồ mả.
Người sống nằm cạnh người chết
Gia đình bà Đỗ Quý Hòa (54 tuổi) vào Sài Gòn sống vào những năm 1986, lúc trước bà ở khu Chợ Lớn (Quận 5). Sau do làm ăn thua lỗ, bà phải bán nhà tìm đến khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa mua đất. Theo bà, trước kia nghĩa trang này chỉ là một khu đất trống, cỏ mọc um tùm, hầm hố khắp nơi. Nếu một người sống đến đây mua đất cất nhà, thì lại có gần chục người chết ra đây "nằm". Theo đà "cạnh tranh không cân sức" đó, mồ mả cứ nhiều dần, bao vây lấy nhà dân.

“Mặt tiền gia đình tôi giờ chỉ có mồ với mả. Cách đây hơn chục năm chỉ có vài nhà tới đây sống, đêm về gia đình chúng tôi không dám bước ra cửa nửa bước. Gần đây người ta đến đây xây cất khá nhiều, không khí ấm cúng hơn. Tuy nhiên con đường dẫn vào xóm vẫn toàn mồ mả, đi đêm cứ rợn da gà”. - bà Hòa bày tỏ.

Hiện “xóm nghĩa địa” có gần 50 hộ dân với 200 nhân khẩu. Đa phần người dân ở đây là người nghề lao động chân tay, đàn ông làm thợ hồ, khuân vác, xe ôm… phụ nữ làm công nhân tại khu công nghiệp Tân Bình. Riêng những đứa trẻ một buổi đi học buổi còn lại đi bán vé số.

Ông Nghĩa (44 tuổi), một người dân sống trong xóm này vốn không có mảnh đất cắm dùi. Ông đành xây tạm một căn chòi nhỏ nằm trong nghĩa trang, cách đường Bình Long hơn 200 mét. Nhà chỉ có một cái giường, ông để dành cho vợ và con, đêm ông trải chiếu nằm phía ngoài, cạnh những nấm mồ. Sáng, ông cuốn chiếu và gối vắt lên một ngôi mộ trước nhà.

Hàng ngày người chết vẫn được mang đến đây an táng. Bên “nhà người chết” là đồ cúng, vòng hoa la liệt, hương khói nghi ngút. Bên nhà người sống, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Những đứa trẻ chạy dọc theo lối đi giữa những ngôi mộ để thả diều, người lớn lại mang ghế nhựa, võng ra nằm trước nhà hóng mát, ăn cơm.

Nhà người sống nằm cạnh nhà người chết.

Một góc xóm nghĩa địa.
Phơi áo quần cạnh mồ mả.

Những đứa trẻ được sinh ra...

... và vui chơi, lớn lên giữa nghĩa địa.

Chiếc chiếu được vắt tạm lên mồ, tối về người lao động lại nằm ngủ cạnh người chết.

Chăn nuôi giữa nghĩa địa.

Kinh doanh nơi đất chết

Ngay trong khuôn viên nghĩa trang, nhiều loại hình kinh doanh ăn uống, vui chơi đã ra đời và vẫn thu hút được khách.

Buổi chiều là thời điểm đắt khách nhất. Người dân tận dụng những nơi nào có bóng mát từ các cây cổ thụ làm nơi buôn bán. Phía ngoài nghĩa trang, người ta bán mắt kính, balô, nón bảo hiểm… Bên trong, hàng quán cà phê, nước ngọt, bún, phở cũng mọc lên. Mọi thứ được bày bán giữa mộ, thậm chí có người dùng dây giăng giữa hai ngôi mộ để treo hàng.

Bà Mỹ, ngày trước bán thịt heo ở chợ Tân Hương nhưng hơn 2 năm nay đã dời sang nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Bà giải thích: “Ở chợ rất nhiều sạp cạnh tranh nên bán không được nhiều. Ở đây thoáng mát, nằm kế bên đường Tân Kỳ - Tân Quý, lượng xe lưu thông rất nhiều nên tôi bán cũng được hơn”.

Hễ thấy có ai đi ngang qua, người bán lại rao hàng, chào mời. Kẻ bán người mua, “kì kèo bớt một thêm hai” làm cho không gian của người chết bỗng trở nên nhộn nhịp hơn.

Hàng quán cố định trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Những xe bán lưu động, mồ mả thành bàn ghế.

Nhang, hoa cúng được bán rất nhiều.

Hoặc buôn bán nơi xa, nhưng hết hàng họ vẫn quay 
về nấu nướng, chuẩn bị hàng trong nghĩa trang.

Câu cá và “tám” chuyện ma

Ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa đang “nổi” lên dịch vụ "câu cá âm phủ". Chiều đến, hàng chục cần thủ lại tìm về khu “cõi âm” để câu cá thư giãn. Thời điểm thu hút nhiều cần thủ thường bắt đầu từ 5 giờ chiều và kéo dài hơn 10 giờ tối. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn điện, người câu kẻ hóng mát trong không gian có tiếng gió rít qua những vòm lá. Bỗng đây thành cái thú vừa sang vừa “khiếp vía”, khiến nhiều người phát ghiền.

Khu vực nghĩa trang có hai cái hố lớn. Nước xung quanh nghĩa trang dồn về đây khiến hai hố trở thành ao. Cỏ đã mọc xanh và cá đã sinh sôi lớn lên ở trong hai hồ này. Nhận thấy địa thế này có thể làm ăn được, ông Tư (61 tuổi) đã xin chính quyền địa phương cho phép dựng lều, che bạt, mắc võng để kinh doanh dịch vụ câu cá thư giãn. Ông Tư đã mở dịch vụ câu cá “cõi âm” hơn 2 năm nay, giá từ 20.000 - 30.000 đồng/giờ câu.

Nếu như ở câu ở các con sông, kênh, ao hồ khác người đi câu sẽ mang cá về ăn. Tuy nhiên tại hồ “câu cá âm phủ” này, chẳng ai dám mang cá về nhà nói chi đến chuyện ăn. Do vào tháng Chạp năm ngoái, tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa một số người dân đi tảo mộ, cải táng phát hiện hàng chục cá trê, cá tràu khổng lồ núp trong mộ, nằm lỳ trong quan tài, có con lên đến 2 kg.

Điều này khiến nhiều cần thủ không dám mang cá về nhà ăn nữa, sợ đó là cá sống trong mộ. Những ai câu được cá có thể bán lại cho chủ dịch vụ câu cá với giá 20.000 đồng/kg hoặc thả lại hồ.

Dịch vụ câu cá cõi âm rất hút khách.

Nhiều người đến xem và hóng mát.

Mại dâm tại nghĩa trang

Đêm về, dọc tuyến đường Bình Long, Tân Kỳ - Tân Quý “bướm đêm” lại đứng khắp đường. Gái bán dâm ở đây đa phần là những phận nữ “quá lứa” tầm 40 - 50 tuổi. Những gái “mơn mởn xuân thì” ra mặt đường phồn hoa kiếm khách. Còn bướm đêm ở đây, trước kia phục vụ các quán cà phê, massage, karaoke trá hình nay đến tuổi đành lui “về vườn”, đứng giữa cõi âm để kiếm khách nuôi thân.

Thấy chúng tôi ngang qua, một cô gái từ phía nghĩa trang dùng đèn pin rọi vào thẳng mặt. Chúng tôi vừa dừng xe, một cô gái ngoài 30 tuổi liền hồ hởi bước ra thẳng thắn chào giá. Cô cho biết nếu khách muốn tiết kiệm có thể vào sâu nghĩa trang “hành sự”. Bên trong cô đã chuẩn bị một tấm bạt lót dưới nền đất. “Trời tối như mực, nghĩa trang chẳng ai dám vào, mấy anh cứ thoải mái, đừng lo", cô kèo nài.

Một tài xế xe ôm cho biết, tại nghĩa trang có hơn 30 gái bán “vốn tự có”. Mỗi đêm cô nào còn "ngon dáng" có thể tiếp được 3 - 4 khách. “Bạn hàng” của các nữ “bướm đêm” chủ yếu là những tài xế từ miền Tây chở hàng lên Sài Gòn rồi nghỉ chân, hoặc những nam công nhân tăng ca về khuya. Một cuốc “tàu nhanh” được các nữ thách 100 - 150 ngàn đồng, tuy nhiên khách hạ xuống tầm 50 ngàn đồng cũng được "chiều tới bến".

Theo lời kể của những người dân sống xung quanh, gái bán dâm ở đây thậm chí có cô đã mắc bệnh “si” (HIV/AIDS). Có cô cơ thể bắt đầu lở loét báo hiệu giai đoạn cuối.

Phía dưới là đường Bình Long, chạy dọc theo nghĩa địa. Tối, các cô gái bán dâm lại xuất hiện đón khách. (Ảnh chụp từ một ngôi nhà trên đường Bình Long)


Dường như, sau bao năm gắn bó cảm giác sợ ma quỷ của người dân gần như đã không còn nữa. Những hàng dương rủ bóng, lùa nhau xào xạc trong gió bên cạnh các nấm mồ trước là chuỗi âm thanh ghe rợn, giờ là âm thanh mát mẻ, thanh bình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang