FB Bút Lông
Báo chí Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới mà sự tụt hậu và cơ hội phát triển đặt ra ngang nhau. Chỉ có sự chuẩn bị đầy đủ, chiến lược bài bản, chỉ có quyết tâm thay đổi, vượt lên chính mình, chúng ta mới có thể có những bước đi xa và vững chắc.
"Nhưng trên những trang báo toàn điều tốt đẹp, thiếu những góc khuất, những khoảng trống chưa lấp đầy trách nhiệm có chỗ nào là sự hèn nhát, né tránh của người cầm bút, khi không dám xông vào những nơi cần tiếng nói của nhà báo, cần phanh phui thực tế còn nhiều nghịch lý, cần đào xới, mổ xẻ đến tận cùng cái xấu, cái ác, để tạo nền cho sự đổi thay? Có không tình trạng “mũ ni che tai”, an toàn là trên hết mà chưa nghe thấu nỗi lòng bạn đọc, chưa làm tròn thiên chức phản biện xã hội mà đặc thù nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội đã giao phó?"
Rất nhiều tên báo được điểm...
TỪ NỖI LO MỘT NỀN BÁO CHÍ KHÔNG VÌ CÔNG CHÚNG
Báo chí Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới mà sự tụt hậu và cơ hội phát triển đặt ra ngang nhau. Chỉ có sự chuẩn bị đầy đủ, chiến lược bài bản, chỉ có quyết tâm thay đổi, vượt lên chính mình, chúng ta mới có thể có những bước đi xa và vững chắc.
Công chúng báo chí là người đọc báo, người xem truyền hình, người nghe phát thanh và cũng là người chi trả cho những sản phẩm báo chí đó. Mối quan hệ nhà báo – tác phẩm – công chúng là mối quan hệ mật thiết, sống còn. Đưa thông tin chính xác, chất lượng và trách nhiệm dến cho công chúng là thể hiện đạo đức của người làm báo và cũng là cách để báo chí tồn tại, đứng vững và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt hiện nay. Tuy thế, bài toán đặt ra không hề dễ dàng vì nó liên quan đến một loạt yếu tố từ nhận thức của nhà báo đến cơ chế hoạt động, vận hành của mỗi cơ quan báo chí và cả nền báo chí.
Còn ai khao khát sự đổi mới hơn những người làm báo khi thường xuyên đối mặt với dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống, khi dòng tin hôm nay khác hẳn hôm qua? Nghề báo là nghề của sáng tạo, chỉ có mở lòng ra đón nhận cái mới, liên tục cập nhật tri thức, kĩ năng, mới có thể đứng được với nghề. Thế nhưng, cái lối mòn cũng từ đó phát sinh, nếu sự thụ động và lười biếng, thói quen khép kín, quá tự tin hoặc chỉ nhăm nhăm giữ “an toàn” sau những bài học về tai nạn nghề nghiệp khó tránh trên hành trình tác nghiệp lấn át đi khao khát vươn lên.
Những trang báo chạy ra đều đều từ máy in mỗi sáng, chứa trong nó sự nóng bỏng, tha thiết của đời sống hay đơn thuần chỉ là những dòng chữ lấp đầy trang báo, vô cảm và cả vô duyên nữa? Đất nước 90 triệu dân, với bao lo toan, trăn trở, hạnh phúc và tai ương, thuận lợi và khó khăn, hanh thông và trắc trở… Đã đủ chưa để người cầm bút đào xới, suy tư, làm rõ bản chất của nó, đồng hành với cuộc sống, với con người để tích cực hoá đời sống nhân sinh?
Thế nhưng, nhiều khi cầm tờ báo lên mỗi sáng, đôi khi người đọc vẫn thấy hụt hẫng, buồn lòng vì những trang báo toàn thông tin ngọt ngào, thuận tai, nhưng xa lạ với thực tế. Lòng tự băn khoăn: chẳng lẽ cuộc sống chỉ còn toàn cái tốt, cái hoàn thiện?…
Để cái tốt đẩy lùi cái xấu, để sự thuyết phục nhân tâm nở rộ bởi những điển hình mới mẻ, đó là một nguyên tắc cần thống nhất. Nhưng trên những trang báo toàn điều tốt đẹp, thiếu những góc khuất, những khoảng trống chưa lấp đầy trách nhiệm có chỗ nào là sự hèn nhát, né tránh của người cầm bút, khi không dám xông vào những nơi cần tiếng nói của nhà báo, cần phanh phui thực tế còn nhiều nghịch lý, cần đào xới, mổ xẻ đến tận cùng cái xấu, cái ác, để tạo nền cho sự đổi thay? Có không tình trạng “mũ ni che tai”, an toàn là trên hết mà chưa nghe thấu nỗi lòng bạn đọc, chưa làm tròn thiên chức phản biện xã hội mà đặc thù nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội đã giao phó?
Có thể ai đó quá sốt sắng với những biến chuyển của nền kinh tế, của xu hướng hội nhập nên vội vàng gắn nó vào xu hướng quốc tế hoá truyền thông gấp gáp và có phần thiên kiến. Song nếu nói rằng không có sự liên hệ trực tiếp nào giữa những đổi thay có tính cách mạng của nền kinh tế thế giới, của công nghệ thông tin toàn cầu vào những phương tiện truyền thông ở ta thì e rằng đó là một nhận định chủ quan. Điểm nhấn cơ bản của quá trình này chưa chắc đã ở những phương tiện thiết bị hiện đại, ở những công nghệ làm báo, làm truyền hình hay trên Internet đang thay đổi từng ngày. Bản chất sự chuyển động nằm ở phía khác: mối quan hệ giữa nhà báo và công chúng.
Công chúng là người quyết định số phận của tờ báo khi họ có quyền lựa chọn trên sạp, đăt qua hệ thống phát hành tờ báo họ yêu thích, kí hợp đồng với kênh truyền hình cáp họ cho là phù hợp. Họ cũng có quyền chọn xem chương trình yêu thích phát trên cùng một hệ giờ, đọc chuyên mục này hay chuyên mục khác của một tờ báo. Quyền năng của công chúng còn thể hiện qua những ý kiến phản hồi mà giờ đây không một cơ quan truyền thông đứng đắn nào dám xem nhẹ, bỏ qua…
Thực ra, cũng như nhiều câu chuyện của một thời đại mới, một cơ chế kinh tế mới manh nha, những vấn đề này không hề mới ở ngay các nước xung quanh chúng ta. Ngay ở Việt Nam, từ hơn hai mươi năm trước, khi công cuộc đổi mới bắt đầu, một số cơ quan truyền thông cũng đã ý thức sâu sắc “có bạn đọc là có tất cả” như một bài học vỡ lòng của làm báo thời đổi mới.
Thành công của những “thương hiệu” như Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Tiền phong... có thể lý giải thế nào nếu không xuất phát từ ý thức hướng về bạn đọc, người chi trả cho tờ báo, nuôi sống tờ báo và nhen lên ngọn lửa tin tưởng vào những ngòi bút công bằng, chính trực, không ngại đối đầu với cái ác, cái xấu?
Những tờ báo điện tử như Vnexpress, VietNamNet… phải tri ân bạn đọc, khi những ngày đầu cơ chế chưa tạo một hành lang pháp lý, tờ báo chưa được thừa nhận, nhưng tài sản bạn đọc đã khiến những người tác nghiệp trên một loại hình báo chí còn mới mẻ này vững tâm bước tiếp…
Tất nhiên, làm báo là phải có định hướng, có ý thức chính trị rất cao. Nhưng nếu chỉ là chính trị xơ cứng, xa lạ với thực tế, thì sự “trang nghiêm”, “kín cổng cao tường” của cơ quan báo chí chỉ làm bạn đọc e ngại, xa lánh. Nỗ lực định hướng của những người làm báo, khi áp đặt công chúng vào một cái gu thẩm mỹ cũ kĩ, không có tranh luận có khác nào cỗ máy “chạy không tải”, tốn năng lượng và tiền bạc mà không mảy may tác động đến ai?
Từ những năm 50 của thế kỉ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở nghiêm khắc: “Báo chí cũng phải hợp lý hoá. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hoá lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc. Tóm tắt Bác nói chừng đó các chú nghiên cứu lại” (Hồ Chí Minh- Nói chuyện tại Hội nghị lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG- Sự thật, trang 129, tập 7).
Trong làng báo, cũng như một cộng đồng xã hội, có người đến trước, có người đến sau, có tờ báo tiềm lực tài chính mạnh mẽ, có tờ đang phải lo toan “chạy ăn từng bữa”. Có cơ quan báo chí chỉ cậm cạch duy trì sự tồn tại của vài số định kì đã khó khăn, trong khi cũng có tờ lại đang tính chiến lược vươn xa, lên tập đoàn, đa dạng hoá loại hình. Nhưng dù trong điều kiện thế nào, với tư duy hướng về công chúng, báo chí cũng sẽ có lời giải thoả đáng nhất cho chiến lược phát triển của mình.
Ai cũng biết, phần khó nhất trong sự chuyển đổi này thuộc về các báo địa phương, báo và tạp chí chuyên ngành hẹp vì sự gò bó của cơ chế cũng có, khó khăn về tiềm lực tài chính cũng có, và lực cản từ tư duy cũng có. Đây cũng là tình trạng chung của báo chí từ Bắc chí Nam, chứ không phải chuyện của riêng ai.
Còn nhớ, cách đây ít năm, đã có một cuộc hội thảo báo chí khu vực đồng bằng sông Cửu Long bàn kĩ về chuyện “ai có quyền ra lệnh cho báo chí đăng hay dừng”? “Báo tỉnh có tự sống được không”?... Và dù nhiều ý kiến đặt ra rất sôi nổi, thì cuối cùng các đồng nghiệp phía Nam cũng phải thống nhất rằng: chỉ có thể chuyển động thực sự nếu có cú hích từ cơ chế, cụ thể là cơ chế lãnh đạo của cấp uỷ địa phương, tạo hành lang rộng hơn cho báo chí phát triển; làm sao thoát khỏi cơ chế tài chính gò bó “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” như cách cơ quan quản lý ngân sách vẫn “áp” vào.
Tuy nhiên, trong cái khó vẫn ló cái khôn. Khi báo chí quan tâm đến công chúng thực sự và đúng mức, đầu tư bài vở và chất lượng tác phẩm chương trình thì sự gặt hái thành công vẫn là điều không khó hiểu. Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, khi nguồn thu các cơ quan báo chí sụt giảm, vẫn có những cơ quan báo chí vươn lên mạnh mẽ như “hiện tượng” Đài PTTH Vĩnh Long. Suốt 5 năm qua, doanh thu của Đài liên tục tăng trưởng 30-40%, cá biệt có năm tăng tới 100%. Ngay năm 2013 được coi là năm chạm đáy của nền kinh tế, doanh thu quảng cáo của Đài đã vượt xa ngưỡng 1000 tỷ đồng so với mức hơn 900 tỷ của năm 2012. Điều đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long khẳng định, Đài luôn bám sát định hướng chính trị, định hướng tuyên truyền của địa phương, thông tin rất trách nhiệm, ít để xảy ra sai sót. Hiệu quả kinh doanh gắn chặt với chất lượng thông tin.
Công chúng xem các chương trình của đài Vĩnh Long ngày càng tăng, kể cả công chúng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và công chúng ở các thành phố lớn. Ngay ở thành phố Hồ Chí Minh, một địa bàn rất khó “chen chân”, với mật độ truyền hình cạnh tranh dày đặc, đài PTTH Vĩnh Long vẫn chiếm tới 8% thời lượng xem thường xuyên của khán giả. Không chỉ chương trình giải trí mà các chương tình chính luận, chương trình xã hội, từ thiện của đài PTTH Vĩnh Long cũng được công chúng đánh giá cao.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc của Đài khi chia sẻ với với các đồng nghiệp là học viên cao học báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã khẳng định: “Với đài Vĩnh Long, không phải khách hàng (quảng cáo) là thượng đế mà công chúng mới là thượng đế. Các nhà tài trợ, các công ty quảng cáo sẽ bỏ rơi chúng tôi nếu khán giả không xem chương trình của Vĩnh Long. Còn khi công chúng đã chấp nhận chương trình của Đài thì quảng cáo, tài trợ sẽ liên tục tăng dù chúng tôi không cớ chính sách ưu đãi, hoa hồng gì cho các nhà quảng cáo”.
Rõ ràng, có công chúng là có tất cả. Nhìn ra xung quanh, Trung Quốc từng cho đóng cửa hơn 600 tờ báo “bao cấp”, vì đã không cần quan tâm đến bạn đọc thì làm sao có hiệu quả, in ra chỉ tốn giấy mực, tốn ngân sách và bộ máy cồng kềnh. Có vị lãnh đạo cấp tỉnh ở Trung Quốc yêu cầu báo tỉnh không đưa hình ảnh hoạt động của lãnh đạo lên trang nhất, dành “đất” để nói chuyện người dân, hầu mở rộng tầm nhìn cho những người đứng mũi chịu sào trong các nấc thang công quyền… Công nghệ có thể chuyển giao, máy móc hiện đại có thể vay tiền đầu tư, nhưng quan điểm báo chí hướng về bạn đọc thì chỉ có thể thực thi từ chính cái tâm, sự suy tư, sẻ chia trách nhiệm đầy tự giác và dũng cảm của những người làm báo.
Trăn trở đi ra biển lớn, mong có những cú hích về cơ chế, chọn được người thực tài để đứng mũi chịu sào đưa tờ báo phát triển. Những khát vọng ấy chỉ thành hiện thực khi có một chiến lược hoàn thiện về quy hoạch và phát triển hệ thống báo chí lâu dài, phát huy sáng tạo và đột phá cùng những người truyền thông vốn luôn khao khát đổi thay.
Một nền báo chí hội nhập không phải từ những điều đao to búa lớn mà phải từ những nguyên lý cụ thể và sinh động như thế: báo chí hướng về bạn đọc, tri ân bạn đọc trên từng trang viết, từng khuôn hình của phóng viên! Dù phải ý thức sâu sắc về tính định hướng, về vai trò hướng dẫn dư luận, nhưng nếu báo chí cô độc trên ốc đảo “thiên chức” chung chung, trên cái “uy” của cơ quan chủ quản, nhà báo ngủ quên trên danh xưng nghề nghiệp, thì không bao giờ chúng ta dám mơ về một nền báo chí hội nhập toàn diện và hiệu quả vào đời sống báo chí toàn cầu!
Phần nhận xét hiển thị trên trang