ã có lúc Khải định
nhờ Khổng Minh Không kiếm cho bộ đồ nghề để có thể sống tự do ở thành phố này. Chẳng hạn
bộ đồ bơm vá xe đạp hay hớt tóc. Thành phố hơn bốn triệu dân, với những công
việc ấy anh có thể sống được không khó khăn gì, ngay cả khi còn chật vật thiếu
thốn chưa đi vào ổn định. Khải sẽ kiếm thêm miếng bạt căng ở một góc tường hoặc
gốc cây nào đó, kiểu cửa hàng lưu động ấy, có thể đi bất cứ đâu trong thành phố.
Chắc chắn đồng tiền kiếm được không nhiều nhặn gì, nhưng đủ nuôi thân. Cảnh sống
phù du như thế anh đã để ý thấy thấp thoáng hai bên đường những ngày ở đây. Hoặc
giả như mua bán trao tay chợ giời ngoài Hà Nội. Một tấm nilon trải xuống lề đường,
dăm ba cặp kính, mấy ổ khoá, vài chiếc bật lửa. Đã có những ngày thất cơ lỡ vận
Khải đã phải sống như thế. Anh cũng đủ khả năng ứng biến mọi chuyện trên đường
phố, cho dù đến với nó lần đầu.
Nhưng
lúc này anh không muốn như vậy. Dẫu có muốn anh cũng không thể làm được. Khải
đang là bạn của Khổng Minh Không. Người vừa cùng đoàn quân chiến thắng trở về.
To nhỏ bây giờ cũng là có cương vị trong xã hội. Hơn nữa anh vừa từ Miền Bắc
XHCN vào đây. Trong con mắt bạn bè, người thân của Khổng Minh Không họ sẽ nghĩ
ngợi thế nào? Dù anh có tìm cách che giấu hoặc làm xa hẳn khu vực này. Rốt cuộc
gia đình và bạn bè của Không cũng biết. Với người qua đường Khải không ngại. Họ
và anh có ai biết ai đâu? Anh cũng sẽ lẫn vào hàng trăm ngàn con người đang
trôi nổi trong thành phố này. Một anh Bắc Kỳ theo cha mẹ di cư, thất lạc gia
đình sau chiến tranh, một quân nhân không muốn trở về quê cũ, vì một lý do nào
đó còn muốn lưu lại nơi này. Có rất nhiều lý do để hiện diện ở đây, để không cần
xấu hổ hay cắn dứt lương tri. Nhưng làm mất thể diện của bạn là điều không thể.
Cho dù anh với Khổng Minh Không là “bạn của những người bạn” như người ta nói,
mức độ chưa lấy gì thân thiết. Chính vì thế mà càng phải giữ gìn. Trong cuộc đời
ít may mắn, luôn chậm chân, lỡ tàu của mình, Khải có một niềm an ủi, đôi khi là
niềm tự hào đó là những người bạn. Những người luôn động viên khích lệ, là chỗ
dựa tinh thần. Họ tốt có, xấu có. Thẳng thắn chân thành hay ranh ma cũng có. Tuỳ
theo cách nhìn nhận và đánh giá của người đương thời. Với anh họ vẫn là người bạn
quý. ở chót vót nơi đỉnh đầu đất nước như Phán, như Hoa. ở nơi chôn rau cắt rốn
như Đỗ, như Thái. ở thành phố như Vũ, như Hùng… Giờ đây nữa là ở mảnh đất
phương nam này, những người mới gặp như Khổng Minh Không…
Dù
cuộc sống có thế nào, Khải không có quyền làm họ tổn thương. Một điều nữa không
kém phần quan trọng mà Khải không muốn lưu lại đây lâu, anh chưa có một chỗ để
chui ra chui vào. Thuê nhà cũng có chỗ nhưng thủ tục nhiêu khê, trong lúc anh gần
như không có giấy tờ, theo như sự quản lý hộ khẩu lúc này yêu cầu.
Khải
chợt nhớ đến những người bạn, đúng hơn là những người anh là cán bộ tập kết trở
về đang ở thành phố này. Anh quen biết và đã từng sống với họ nhiều năm ngày
còn ở Hà Nội. Rất nhiều người coi gia đình anh như chỗ ruột thịt, đã từng đến
thăm mẹ Khải, biết rõ hoàn cảnh gia đình anh những ngày khó khăn nhất của cuộc
chiến vừa qua. Nếu gặp được họ Khải tin rằng sẽ có cách để anh ổn định cuộc sống,
có công ăn việc làm ở đây. Xa hơn nữa anh có điều kiện để đón mẹ và bé Hà vào.
Nhưng tìm họ ở đâu bây giờ? Ngày Khải đi xa trở về, họ đã rời Miền Bắc trở lại
quê hương. Ngay cả gia đình ông Võ Bá là nơi Khải nhập hộ khẩu sau ngày chuyển
từ cơ quan về Cầu Diễn cũng đã chuyển vào Nam. Ngày ở Bắc chỉ nghe ông nói
quê ông ở Lái Thiêu hay Thủ Đức gì đó. Một địa chỉ chung chung như thế, thật
khó hỏi thăm sau bao nhiêu năm binh lửa vật đổi sao rời.
Trong
lúc ngồi sau xe Không lái lòng vòng chạy trong thành phố, lúc ngang qua đường
Nguyễn Thị Minh Khai, Khải nhớ đến một người. Qua dinh Độc Lập nay là dinh Thống
Nhất chạy một quãng là tới đài phát thanh. Hôm ở Hà Nội Khải có nghe ông Cao
Phương nói đến một người. Một người anh, một người bạn trước đây làm biên tập ở
đài Tiếng nói Việt Nam
ông Phương bảo người ấy giờ vào tăng cường cho đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh. Người ấy là anh Nguyễn Huy. Địa chỉ này có thể dễ tìm. Biết đâu
mình gặp được anh Nguyễn?
Hai
người dừng lại trước cổng thường trực. Ông bảo vệ là người Quảng Ngãi nên nói rất
khó nghe. Nhưng rồi Khải cũng trình bày được mong muốn của mình. Ông ta nhìn khải
với con mắt nghi hoặc như anh từ một thế giới nào khác vừa tới đây. Nếu không thế
cũng là một tên khiêu khích. Cái nhìn tăng cường cảnh giác của ông làm Khải khó
chịu. Sau rồi anh cũng rằn lòng. Tình hình chung là thế. Tuy rằng Mỹ đã cút, Ngụy
đã nhào nhưng Cách Mạng chưa phải là đã hết kẻ thù. Có những kẻ xưa là bạn bè,
đồng minh giờ đây thoắt cái đã kẻ thù địch. Sự đời tráo trở không biết đâu mà
lường. ở đâu đó bọn phản động vẫn lăm le ngóc đầu dậy, còn bọn bành trướng bên
ngoài đang khích lệ, xúi bẩy, tiếp tay cho một cuộc chiến khác âm thầm gọi là
“Diễn biến hoà bình”. Ông là bảo vệ nhưng không đơn thuần như những người bảo vệ
khác. Mà được cơ quan an ninh bảo trợ. Vì đây là một trọng điểm nhạy cảm. ở nơi
này nếu muốn, chỉ sau một phút người ta có thể nói một điều gì đó ra ngoài thế
giới. Vì thế công việc bảo vệ không được xem thường.
Khải
đọc được ý nghĩ ấy qua thái độ của ông và yêu cầu một lần nữa:
-
Bác làm ơn cho tôi gặp ông Nguyễn Huy cán bộ tập kết, trước ở 56 phố Quán Sứ chuyển vào.
- Anh với ông Nguyễn Huy quan hệ thế nào?
- Thưa, là chỗ người nhà.
- Lạ nhỉ, sao ông này lại có người nhà người
Sơn Tây nhỉ?
Khải
nói liều, hy vọng là ông ta không chú ý đến chi tiết mình nói:
- Dạ, bà con đằng vợ
ông ấy ạ!
Ông bảo Vệ cau mặt:
- Nè, anh có định giỡn
qua mặt tui không đấy?
Khải
biết mình lỡ lời. Chị Xuân vợ ông Huy là người Hà Tĩnh. Có lẽ ông ta biết là
mình đã “ xạo ” theo như cách nói ở đây. Anh đành xin lỗi, rồi nói sơ qua mọi
chuyện, lúc này ông ta mới dịu nét mặt:
-
Vậy hả, anh làm tôi thắc mắc vì chuyện gì anh biết không? Nếu là chỗ bà con anh
phải biết mọi chuyện chứ, ông Nguyễn Huy chết đã qua giỗ đầu rồi, mà lại hỏi
như không biết gì.
-
Thưa bác, Bắc - Nam
cách trở, tôi vắng nhà mong bác thông cảm. Vậy bác làm ơn cho biết vợ con ông ấy
giờ ở đâu? Tôi muốn tới thắp cho ông ấy nén nhang.
Thoáng
một chút do dự rồi ông người xứ Quảng vẫn cái giọng nằng nặng cũng nói:
-
Thôi được, anh ngồi đây chờ.
Ông
ta gọi điện đi đâu đó, một lát sau, trong khuôn viên sâu hun hút, nhiều cây to,
thấp thoáng người qua lại, có một thanh niên cao lớn đi ra. Mới nhác qua Khải
đã nhận ra dáng quen quen mình đã gặp ở đâu đó. Cậu thanh niên áo trắng bỏ
trong quần, mái tóc cắt cao, ngay gần thái dương có cái sẹo dài, mắt to đen như
mắt con gái. Cậu ta ngập ngừng trước Khải một lúc rồi reo lên:
- Chú Hai hả, chú vào hồi nào? chú có nhận
ra con không?
- Có phải cháu là Long con ba Huy không?
- Chú nhớ hay thiệt! Cháu là thứ hai. Anh
cháu qua Nga học rồi.
- Mẹ cháu giờ ở đâu?
-
Mẹ cháu nghỉ hưu rồi. Nghỉ sớm mà, sau hồi ba cháu mất. Giờ mẹ cháu lo nội trợ.
Gia đình cháu ở cư xá Thanh Đa. Để cháu vô xin phép rồi đưa chú về chơi.
- Thôi giờ đang giờ làm việc để khi khác
chú tới. Nhưng ba cháu mất hồi nào?
Long
mời hai người vào phòng khách của cơ quan, cậu ta chưa trả lời ngay câu hỏi của
Khải, bận rộn pha trà. Người bảo vệ cũng vào, ông ta có chút áy náy vì cử chỉ
và thái độ của mình vừa rồi:
-
Mấy anh cảm phiền nghe, nguyên tắc cơ quan mà, chứ thực ra tôi cũng không muốn.
Thế hoá ra là chỗ người nhà thiệt, thông cảm nghe.
Khải
đỡ lời:
- Chuyện nhỏ thôi mà
chú!
Long
kể:
- Ba con mất năm 1978
sau vụ đổi tiền.
Có vướng mắc gì sao?
-
Không đâu chú ạ, ba con làm gì có tiền? Mười mấy năm ngoài Bắc vô, ba mẹ con chỉ
có mỗi cái xe đạp thôi à. Lương ba cọc ba đồng mà, còn phải nuôi tụi con ăn học.
Vô đây ổng mới mua nổi cái xe Hông- Đa, được ít tháng rồi mất.
Khải
hỏi:
- Ba có bệnh đau gì
không?
-
Bệnh của ba con từ hồi ở ngoài cơ. Ông bị dạ dày riết, thuốc mấy cũng không khỏi.
Vô đây vui, các bác các chú lại nhậu dữ quá. Má với tụi con can không nổi. Ba bị
xuất huyết dạ dày rồi mất.
Không
khí như có cái gì ủ ê buồn bã, không ai nói gì, lát sau Khải mới hỏi tiếp:
- Vậy giờ cháu thế chỗ
ba cháu làm ở đây?
-
Dạ không, con làm kỹ thuật thôi. Học xong con về thẳng đây. Nghiệp của ba con,
mấy đứa tụi con không tiếp theo được. Có phải ai cũng làm thơ viết văn được đâu
chú?
-
Vậy cũng tốt. Cháu chưa làm qua, chưa hiểu biết đừng buồn, có khi làm khoa học
kỹ thuật lại hay.
Khải
nhớ đến những người bạn vong niên. Đúng là con cái ít người theo nghiệp cha mẹ.
Có ông nhà văn nổi tiếng cả nước, nước ngoài còn biết, mà con cái lại lộc ngộc
cày bừa cả đàn. Cũng là cái duyên cái nghiệp ở đời, sướng khổ nào ai có biết?
Một
buổi chiều hình như vào năm bảy mươi, bảy mốt gì đó. Mấy anh em nhàn tản rủ
nhau về thị trấn Phùng, ở đó nghe người ta đồn có ông thầy xem tử vi hay lắm.
Ba anh em xuống một cái dốc đá đi một đoạn tới cái giếng cổ, kiểu giếng giống
như cái ao hình tròn xây tường bao quanh có bậc lên xuống để gánh nước từ đáy
giếng lên tới bờ. Một kiểu giếng đặc trưng của nông thôn miền Bắc, tồn tại từ
thế kỷ trước. Sau này công nghệ phát triển, có máy bơm mới thay đổi hình thái của
giếng. Nó được xây nhỏ lại. Thậm chí sau làm giếng khoan chẳng còn dấu vết gì của
hình hài giếng xưa. Đi qua lối tường rào đắp đất tới ngôi nhà như cái am giữa
vườn cây um tùm. Hai vợ chồng ông thầy tử vi sống trong ngôi nhà đó. ông thầy mặc
quần áo gụ, đi guốc gỗ. Đôi mắt ông đeo cặp kính đen kịt. Đầu luôn đội cái khăn
xếp cũ. Ông có giọng nói nghe rất lạ, như từ thế giới nào xa xôi, lạnh lẽo vọng
về. Còn bàn tay thì ngón rất dài.
Ban
đầu chỉ là tò mò. Về sau cả ba người đều kinh ngạc. Ông cụ xem cho mỗi người một
quẻ, phân tích rất tỷ mỷ. Khải còn nhớ ông nói về mình:
-
Số thầy cung phụ mẫu có tang môn, cô thần không cha thì mẹ mất sớm. Cung thê
thiếp thì có đào hoa, tinh văn, tinh khôi hiềm nỗi có điếu khách phục binh. Số dễ lấy vợ, hay được đàn bà để
ý, nhưng không cẩn thận vợ có ngoại tình. Cung quan lộc thì…Ông có vẻ ngần ngại.
Khải
phải nói:
- Thầy cứ dạy. Có sao
xin thày cho biết.
-
Hơi bị kém, thầy là người sáng dạ, nhưng khó làm quan vì có Đà ca Điếu khách, Địa
sát… Nhưng mà kéo lại được cung điền trạch và cung phúc đức. Tài vượng lão lai,
số khá về sau.
Nguyễn
Huy nói: “Vậy đúng rồi còn gì, phần sau còn phải xem sao đã”, rồi cũng xin một
quẻ. Thầy phán:
-
Số thày phải ly hương, nhưng tử vi đứng cung Quan lộc, cung Nô bộc có bác sỹ, lực
sỹ. Thê thiếp có: Hỉ thần, đào hoa thiên việt… Nghĩa là tài năng thầy không có
gì nổi bật, nhưng làm quan có người giúp, bạn bè nhiều người tốt, họ là những
người giỏi giang. Đường tình duyên rất may mắn, lấy được vợ đẹp lại hiền. Nhưng
cung tử tức hơi bị kém.
Mặt
Nguyễn Huy hơi đổi sắc:
- Làm sao xin thầy tính
kỹ dùm.
- Để rồi xem…
Thầy
tính lại một lượt rồi nói:
-
Gần đây thôi, nội trong tháng này, hôm nay đầu tháng, thầy nhớ không cho trẻ nhỏ
ra đường.
Bác
sỹ Võ Bá không xem, ba anh em chào ông thầy rồi ra về. Ông thầy còn chốt một
câu:
-
Tôi biết khi tới đây các thầy còn chưa thực tâm lắm đâu. Nhưng thôi tôi cũng
không trách.
Đồng
bóng, bói toán lúc này còn đang bị cấm đoán. Hơn nữa kể cả ba người đều là những
con mọt sách. Chỉ cho là chuyện dị đoan. Không ngờ cuối tháng đó xảy ra một
chuyện: Trong khu tập thể nhà Đài có một khoảng sân vừa là lối đi vào khu
trong. Bên cạnh đường có một bể nước công cộng, Đám trẻ vẫn thường chơi trò đuổi
bắt, ẩn nấp xung quanh bể. Thằng Long lúc đó còn là một cậu bé chạy từ sau ra bể
nước nhô ra đường. Có một xe tải đang lùi để quay đầu. Đầu nó trồ vào bánh sau.
May mà xe không lùi tiếp. Nếu không tai nạn không biết thế nào. Cái vết sẹo
ngang thái dương kia chính là dấu vết của vụ tai nạn bất ngờ xảy ra cách nay đã
mấy chục năm.
Khải
vẫn nhớ như in chuyện này. Suýt nữa thì anh đã kể cả chuyện cha con nó ngày ấy,
rất mê cá chọi, chai nhỏ nên con mạnh con yếu, giỏi dở đến đâu khó phân biệt…
Đang
giờ làm việc không thể chuyện lâu. Hơn nữa ông Huy mất rồi đành đến viếng vào dịp
khác. Có gặp chị Xuân bây giờ ngoài lời an ủi, cũng không giải quyết được việc
gì thêm. Tình trạng của Khải rất gấp không có thời giờ. Hai người chia tay nhau
và hẹn gặp sau. Thôi đành theo dự định ban đầu của Khổng Minh Không. Khải không
còn lựa chọn nào khác.
ó
ó ó
Thoạt
đầu người bạn của Hùng định viết một phong thư gửi lên cho Lân, sau rồi anh ta
bỏ ý định đấy, bảo với Khải.
-
Thôi đằng nào em cũng phải đi cùng với anh. Nhân tiện thăm vợ chồng em Dì, đã
lâu không gặp. Lân là em rể đằng vợ nhưng lớn tuổi hơn anh em mình. Cũng người
Bắc, nghe đâu cùng tỉnh với anh, gặp nhau biết đâu lại chả là người quen cả?
Hai
anh em ra bến xe miền Đông. Quang cảnh chộn rộn không kém cảnh ga Hoà - Hưng. Rất
nhiều người Bắc đợi xe ở đây. Từng tốp năm ba người một ăn mặc lem luốc, sau
hành trình cả ngàn cây số. Đầu tóc rối bù bết bẩn bụi đường. Những đôi mắt thiếu
ngủ đỏ ngầu, đuôi mắt từng cục dử to tướng. Thợ mộc thì cưa đục, thợ xây thì
dao, bay, đồ lề lỉnh kỉnh. Những người bỏ lại quê nhà đi làm ăn xa, có thể hàng
năm mới về. Khải tự thấy mình thực không giống ai trong dòng người đi tìm cuộc
sống này. Trông anh không ra trí thức mà cũng không giống người lao động. Có lẽ
Khải là người duy nhất lẻ loi tìm về miền đất đỏ chân dãy Trường Sơn.
Khải
cay đắng thầm cười trong lòng, khi chợt nhớ đến một câu chuyện cổ, anh đọc được
trong đống sách hôm ông Trạng Nguyên mang đến nhà mình. Cũng có một anh chàng
cô đơn lẻ loi như thế bỏ nhà đi, tìm hạnh phúc. Trên người chàng chẳng mang theo
thứ gì ngoài một chiếc đinh. Nhưng anh chàng đã gặp may. Một trận cuồng phong
đã làm đứt sợi dây phơi quần áo của một hàng thợ nhuộm. Anh chàng bèn lấy ngay
cái đinh của mình trong túi ra đóng lên tường. Chàng căng lại sợi dây rồi phơi
lại áo quần vừa nhuộm xong cho ông chủ. Cử chỉ ấy khiến ông ta cảm động. Giữ
anh lại và gả người con gái cho anh. Cô gái hiền ngoan sau này dốc lòng nuôi chồng
ăn học, thi đỗ làm quan… Có thể vì thế sau này có câu để ví so sánh: “Không bằng
cái đinh gì”. Người đời muốn nói nhỏ như cái đinh nhiều khi cũng mang lại hy vọng
và niềm hạnh phúc.
Khải
bây giờ đến một cái đinh cũng không có. Ngoài cái cặp sờn, bộ quần áo anh không
còn gì nữa. Mấy đồng bạc vụn trong túi đủ để uống nước. Nếu Khổng Minh Không ở
nhà không biết mình mua vé xe bằng cách nào? Có những lúc cuộc đời đưa con người
ta vào những hoàn cảnh éo le. Gianh giới kẻ tốt người xấu thật khó phân định. Để
đạt được ý muốn tồn tại, có khi phải làm điều gì đó xấu xa. Anh không còn là kẻ
lương thiện được nữa, nói chi đến làm người tốt. Câu: “Đói ăn vụng, túng làm liều”
không phải là câu nói chơi. Nó được chắt ra từ khổ đau, cay đắng ngậm ngùi. Chỉ
những ai một lần trải qua mới thấm thía, mới hiểu hết giá trị xót xa của nó.
Đổi
lại anh hơn anh chàng nọ còn có những người bạn. Dù họ không còn chung với anh
đi hết con đường, cũng là người đỡ anh từng chặng. Nếu không có họ không hiểu
Khải sẽ xoay trở ra sao? Hình như đó là nhã ý của trò chơi số phận, mà Thượng đế
kín đáo bày đặt cho cuộc đời anh.
Hai
người lên một chiếc xe mà Khải chưa từng thấy bao giờ. Có lẽ người ta mang nó từ
một nhà bảo tàng nào đấy ra. Chiếc xe cao dài như một toa tàu và đen trùi trũi.
Sau buồng lái là một ống khói cao ngật ngưỡng chỉ lên trời. Ngăn người lái cách
biệt với hành khách trên xe. Khổng Minh Không bảo nó là xe ôtô chạy bằng hơi nước,
nhiên liệu là than đá. Thấy Khải trố mắt có vẻ không tin anh ta còn nói thêm:
-
Nó nằm trong bộ sưu tập của một tay chơi hồi chưa giải phóng Sài Gòn. Sản phẩm
của thế kỷ 18 từ bên Pháp mang sang. Hồi này thiếu phương tiện, xăng dầu mắc
người ta mang ra dùng thử. Thấy không sao, dùng hoài cả năm nay. Tốc độ không
được nhanh, nhưng ít hỏng dọc đường.
Ghế
ngồi trên xe cũng không giống kiểu xe nào. Bốn hàng ghế song song chạy dọc từ đầu
đến cuối xe. Khách ngồi chân xoạc hai bên như người cưỡi ngựa. Mỗi khi qua một ụ
đất hay ổ gà lại xô khách ngồi ôm choàng lấy người phía trước. Đã thế lại chật
như nêm. Có mấy người nhảy lên mui. Anh lơ xe vội kêu:
-
Mấy cha nội xuống dùm tôi nhờ. Ra khỏi thành muốn lên cho thoải mái hãy lên. Phạt
thấy bà đó nghen!
Dù
gì cũng vẫn còn may. Rất nhiều người lỡ chuyến, mặt mày tiu nghỉu. Họ lại nằm
ngồi vạ vật ở nhà chờ xe, mặc cho đám bán hàng rong lượn lờ, chào mời nhức đầu
nhức óc.
Hù
ụ ụ ụ … Tiếng còi xe rúc lên làm Khải giật mình. Như tiếng tên khổng lồ nào đó
mắc bệnh ho lao. Rồi khói đen cuồn cuộn lên trời như lò gạch vừa bén than. Xe bắt
đầu chuyển bánh. Khải có cảm giác như ngồi trên lưng một con quái vật. Nhưng rồi
cũng quen. Tính thích nghi của con người thật là kỳ diệu. Sau này Khải cứ nghĩ
mãi vì sao một cái xe cà khổ như vậy mà người ta vẫn tranh giành nhau để được
đi? Anh còn có dịp gặp lại nó một thời gian sau này nữa. Nhất là về đêm cái đèn
duy nhất ở đầu xe đỏ lừ trông nó như con ma chột mắt. Dưới gầm xe tàn than rơi
lả tả, đỏ lừ cháy xèo xèo hồi lâu mới tắt.
Xe
qua cầu Bình Lợi, qua Lái Thiêu ra ngoại ô thành phố, nhà cửa thưa dần, con đường
chạy hun hút giữa hai hàng cây xanh. Những “cánh đồng bất tận” dọc hai bên đường
xa ngút tầm mắt. Khác với những cánh đồng Châu Thổ Bắc Bộ, dù rộng tới đâu cũng
cũng thấy những dải núi mờ mờ xa ở phía chân trời. Qua những vườn cây trái có rặng
tầm vông bao quanh. Những lò gốm chum vại, lọ, hũ xếp cao như những bức thành.
Con
đường lộ 13 có một vạt xưa là vành đai trắng phòng thủ Sài Gòn. ở đó không có
bóng cây to, không có vạt rừng lâu năm. Cây cối chết rụi bởi bom xăng, chất độc
hoá học. Miên man những trảng cỏ gianh, cỏ Mỹ. Người ta đang cày đất trồng cao
su, dựng cọc tiêu.
Mùa
khô ở xứ này thực khó chịu. Lúc nào cũng tưng tức ở sống mũi. Ngay cả khi có
gió, trời vẫn rất nóng. ánh nắng loang loáng mặt đường. Khí nóng bốc lên chập
chờn như từng đợt sóng. Nhìn lâu rất mỏi mắt, chóng mặt. Càng xa thành phố càng
ngột ngạt vì độ ẩm không khí rất thấp. Sông nước, kênh rạch là thiên nhiên của
miền Tây Nam Bộ. Vùng này hiếm khi được thấy một dòng nước chảy. Duy nhất con
sông Bé thì chảy mãi tận đẩu tận đâu. Đi nữa là vạt cỏ khô hai bên đường. Ngoài
cây Điều là giống cây chịu hạn đến kỳ lạ, không cây nào sống nổi vào mùa này.
Khổng Minh Không lại nói trên chỗ Lân còn khô khát hơn. Khải không biết nói sao
nữa. Anh nhìn những đám bụi đỏ cuộn lên sau những xe trên đường mà ái ngại. Lớp
này bụi chưa kịp tan, tiếp đến lớp khác. Con đường tựa như chìm trong lớp sương
mù màu hồng dày đặc. Mãi không thấy “trong sương hồng hiện ra ” một thứ gì
ngoài mặt đường nham nhở, đã lâu không bảo dưỡng. Hoặc một người nào đó lấy tay
che mặt trong đám bụi dày đặc.
Có
ai đó chỉ lối rẽ vào nhà tù Phú Lợi. Nơi mà vào năm 1957 Báo đài miền bắc phản
đối rùm beng về việc đầu độc tù nhân của anh em họ Ngô. Khải nhìn theo hướng
tay chỉ, một đám bụi mịt mù chạy theo rừng cao su mới trồng. Anh còn nhớ được mấy
câu thơ trong “Mối thù Phú Lợi ”của Tố Hữu. Định bụng sau này có dịp sẽ vào
thăm chốn địa ngục trần gian ấy còn được những gì? Nhưng mãi sau này, khi trở
ra miền Bắc anh cũng không một lần đến được. ấn tượng vẫn chỉ là đám khói bụi
mù mịt, hồng hồng.
Chiếc
xe mệt mỏi, chậm chạp như con trâu già ì ạch rồi cũng đến nơi. Nó rẽ vào con đường
nhỏ hơn, đất đỏ sẫm màu vào Đa kia. Cây cối hai bên đường phủ đầy bụi tựa như
cây cỏ cũng được tạo nên bằng đất đỏ. Nhưng rừng cây hai bên dày và cao hơn
ngoài mặt lộ. Một khu nhà lợp tôn kề bên ngã ba. Một khu chợ nhỏ hàng quán lèo
tèo. Những bồn bê tông cao như kiểu nhà tròn lừng lững Khổng Minh Không bảo đó
là bồn chứa nước. Từ đây ra tới nguồn nước khoáng hơn chục cây số. Những xe bồn
trở nước từ đó về sẽ bơm chứa vào bồn bê tông này. Còn mùa mưa thì có nguồn chứa
nước dẫn về đây. Khải đã phần nào hình dung ra cuộc sống ở đây. Rõ dàng là
không đơn giản dễ chịu gì. Trong những nhu cầu sống thì nước là thứ hàng đầu.
Thiếu nước đồng nghĩa với thiếu đi nhiêù thứ khác.
Nhưng
đã tới đây rồi, đành chấp nhận thôi. Nhưng như vậy đã xong đâu. Đến sáng hôm
sau lại xảy ra một việc khác khiến anh choáng váng.
Người
ta nói: “Đi ba quãng đường gặp người làng thì sáng mắt ra” nhiều khi lại không
phải như vậy. Khải đã được chiêm nghiệm điều này ít ngày sau khi anh đặt chân
lên đất Đa Kia, lạ đất lạ người . gặp người làng Vân Du của mình sau chặng đường
mấy ngàn cây số. Cuộc hành trình bất đắc dĩ từ Bắc vào Nam mong một sự thay đổi
cuộc đời.
Khi
Khải đến thì Lân đi đâu đó. Mẹ cậu nhận ra anh ngay. Bà nói lâu lắm bà mới gặp
người từ đó vào. Bà hỏi thăm người này người nọ ở làng. Có người Khải biết có
người anh cũng không hay họ còn sống hay đã chết. Họ còn ở làng hay cũng theo
cá nước, chim trời kiếm sống ở nơi nào khác. ít có nơi nào như ở quê anh, dân
lưu tán lại nhiều đến thế. Đi tới đâu cũng gặp người làng. Nhưng Khải cũng lựa
lời cho bà vui lòng. Người già hỏi vậy cốt để khuây khoả nỗi lòng. Một chút
tình quê đỡ khắc khoải nỗi xa xứ khi tóc bạc trắng đầu.
Lân
không phải là ai xa lạ. Chính là chồng chị Chiêm mũi đỏ có họ xa với Khải. Hai
người bỏ nhau trước ngày Lân đi bộ đội vào Nam. Mẹ anh là người tham công tiếc
việc và cũng đáo để có tiếng. Lấy vợ cho con khi hai đứa chưa đủ tuổi đăng ký
Lân vẫn đi học còn vợ ở nhà đồng áng, chợ búa giúp mẹ. Chị Chiêm xấu người
nhưng được cái chăm chỉ. Suốt ngày chị cun cút ngoài đồng, về nhà lại cặm cụi
dưới bếp. Tứ thời ăn mặc chị vẫn quần chân què, áo cánh xanh sĩ lâm. lại thêm
hàm răng đen nhuộm từ lúc bé, nên đi tới đâu như anh Lân nói: “Tối rầm đến đó”.
Tiếng là vợ chồng nhưng không khi nào thấy hai người nói với nhau một câu. Có mặt
người này người kia tránh đi chỗ khác. Đến trường anh Lân bị bạn bè trêu đến
phát khóc. Cứ thế ngày tháng trôi đi, cho đến lúc mẹ chị Chiêm phải bảo:
-
Nó không yêu thương thì con phải ra, tìm người khác. Con gái có thì. Nó giam lỏng
mình, già rồi ai còn ngó tới? Nó là đàn ông, nó bỏ hay lấy lúc nào chẳng được?
Bây giờ mình cố công làm giàu cho nhà nó. Sau này nó dở chứng hối không kịp đâu
con ạ!
Chị
về nói với bà Long, mẹ Lân. Bà bảo:
- Cái đó tuỳ ở anh chị,
chứ tôi không ép bên nào.
Chị
ôm khăn gói về nhà mình. Anh Lân thản nhiên như không có chuyện gì. hai người bỏ
nhau không ai mang điều, mang tiếng.
Rồi
anh đi bộ đội, ra quân ở lại nơi này.
Vợ
Lân bây giờ người thon thả, có nét mềm mại của người con gái phương Nam. Giọng
Bắc pha Nam rất gợi cảm. Chị nhanh nhảu pha cà phê, mang mấy chai nước hoa quả
lên men tiếp khách. Chị ít nói nhưng nét mặt hồ hởi. Khải cảm thấy sự khô khát
giảm đi trong căn nhà này. Một căn nhà năm gian rộng rãi bề thế hơn hẳn những
nhà xung quanh. Cột nhà bằng gõ. Gõ cũng là loại gỗ quý tương đương với gỗ nghiến
ở Bắc. Những cây cột to mập mạp hơn mức bình thường được bào chuốt đánh vecni
bóng loáng. Đặc trưng kiểu nhà gỗ Đại Khoa ngoài Bắc, thiết kế có độ bền hàng trăm năm.
Giữa
nhà kê bộ salong cải tiến bằng gỗ cẩm lai, thứ gỗ mịn bóng có độ cứng như sừng
vằn đen vằn trắng hai màu tương phản trong cùng một phiến gỗ rất lạ, lần đầu Khải
nom thấy.
Cái
sân rộng sau nhà để la liệt các loại máy bơm, máy kéo và chiếc ôtô tải cỡ lớn.
Chỉ chừng ấy thôi vào thời điểm này chứng tỏ chủ nhân của nó là người khá giả.
Vài ngày sau, Khải nghe người hàng xóm kháo nhau “ổng bộ đội bên Miên về, vàng
cả ống, ổng đâu có thiếu tiền!”
Bà Long nói có ý khoe:
-
Tôi bảo anh ấy cứ làm nhân viên cho nó khoẻ, không phải lo lắng gì. Nhưng ông
Trâu ông ấy không chịu, cứ bắt nhận chân lãnh đạo! Chẳng biết những công việc
gì, về tới nhà, đặt bát là lại đi ngay. Tối nào cũng tới khuya mới về. Vợ con
nó không dám nói, nhưng nó đâu có bằng lòng?
Thuỳ
vợ Lân cười nhỏn nhẻn:
-
Má nói hay thiệt! Anh ấy đi công việc chớ có đi đâu. Con đâu có buồn…
Rồi
chị quay sang anh rể, hỏi thăm bố mẹ và chị gái ngoài Sài Gòn. Giọng hai người
đủ nghe, không oang oang như bà già mẹ Lân.
Hình
như Không có gợi ý gì đó về việc của Khải. Anh ta nói nhỏ như không rõ lắm,
nhưng nghe thấy vợ Lân nói:
-
Cái ấy dễ ợt ấy mà. Anh ấy cũng đang cần người. Đang định ra Bắc kiếm thêm người
vô. ở đây cũng có người nhưng dân quen làm biếng, lại khùng khùng khó sài lắm.
Không
cần phải suy nghĩ lâu, Khải cũng đoán ra chuyện gì. Nếu vậy thì tối, hai người
không phải mất công không lên tới tận đấy. Đang vui vẻ câu chuyện thì một chiến
xe zép bám đỏ bụi đỗ xịch trước sân nhà. Đây là kiểu xe dã chiến dùng cho chỉ
huy của quân Mỹ bỏ lại. Mui nó cũng căng bạt nhưng nhỏ nhắn hơn loại Com Măng
Ca ngoài Bắc. Một người mặc quần áo rằn ri nhưng đầu lại đội mũ tai bèo từ trên
xe nhảy xuống. Anh ta mở rộng cửa xe ra một chút rồi cùng một người nữa từ trên
xe lôi ra một con nai lông vàng như lông bò. Hai người lồng đòn khiêng luôn về
phía sau nhà. Người đi sau mặc bà ba đen, đầu để trầu, chân mang dép râu.
Người
đội mũ tai bèo, râu quai nón gần kín mặt, quay ra cầm lái chiếc xe, vòng vào dưới
gốc cây vú sữa tránh nắng. Anh ta nhảy xuống lấy chiếc mũ tai bèo lau mồ hôi mặt
rồi bô lô:
-
Chị Hai đâu rồi cà! Tụi tôi mang con thịt này về hôm nay làm bữa nhậu nha! Mấy anh
em mất công mò cả đêm hồi hôm đó.
Thấy
hai người khách lạ anh ta đưa cặp mắt có đôi mày rậm có ý hỏi Thuỳ vợ Lân. Chị
ta giới thiệu:
-
Bà con của tôi dưới thành phố lên chơi. Đây là anh Ba Không, anh em cọc chèo với
ông xã nhà tui, còn đây là anh Khải ngoài Bắc mới vô. Các chú vô nhà uống nước.
Chút nữa anh Hai về coi làm sao!
Người
đó cười phô hàm răng ám đầy khói thuốc:
-
Phải coi gì nữa chị Hai, nhờ chị kiếm cho mớ dưa leo, chút gừng, một can ba là
được rồi. Tụi tôi tự biên tự diễn. Việc này đâu phải để anh Hai để mắt tới. Chị
đi lẹ, chút xíu xong thôi mà!
Quay
sang hai người anh ta chầm bập bắt tay rồi tự giới thiệu:
-
Tôi Năm Hoảnh cũng từ thành phố lên, còn ông kia là Sáu Tơ, người An Giang, đều
quân của ông Hai Lân cả. Nông trường bộ cách đây chừng chục cây số. Tụi tui từ
trên đó về, gọi là nông trường bộ nhưng vẫn còn sơ sài lắm, mới được quy hoạch
mà. mấy anh lên ở lại chơi, nhậu với tụi tui ít bữa rồi hãy về. ở đây thèm người.
Lắm lúc buồn muốn chết luôn!
Anh
ta lôi từ túi quần gói thuốc rê bọc trong bao nilon rồi xé giấy vấn bằng tay.
Thứ thuốc sợi to, màu đen như thuốc lào ngoài Bắc, mùi khói khen khét ngai
ngái.
Khải
nhìn kỹ hơn nét mặt có vẻ hầm hố, bặm trợn của anh ta có cái gì đó dễ gần, như
là nét phóng khoáng cởi mở của người phương Nam. Uống cạn một chai nước ga, anh
ta đưa bàn tay ngón xù xì lên lau vệt bọt nước dính vào râu rồi nói:
-
Mấy anh uống nước rồi chơi lòng vòng. Tui xuống bếp phụ ông Sáu một tay.
Mùa
này nắng lâu, sáu giờ chiều rồi mà nắng vẫn loang vàng cánh rừng trước mặt. Tuy
cái nóng có dịu đi một chút nhưng Khải vẫn chưa quen. Anh muốn tắm một cái
nhưng sực nhớ ở đây nước như một thứ xa xỉ lại thôi. Khổng Minh Không vẫn giữ
thói quen con nhà lính dễ nhập cuộc trong sinh hoạt. Anh cởi quần áo dài treo
lên móc, tay cũng cầm con dao xuống bếp.
Khải
ngồi nói chuyện với bà già một lúc, cảm thấy không tiện anh cũng làm theo Khổng
Minh Không. Nhưng chưa quen, Khải lúng túng chưa biết làm gì thì Năm Hoảnh kêu
to:
-
Anh Hai nhóm dùm đám lửa, ta làm như thui bò ngoài Bắc mà.
Khải
chưa thui bò ngoài đó bao giờ. Nghề ba toa là cái nghề kém nhất của anh. Nghe
anh ta nói vậy cũng hăng hái nhóm lửa.
Khi
Lân về tới nhà, các món đã bày biện trên chiếc bàn tròn to quá cỡ, gắn bi quay
kê ở gian bên cạnh. Các món ăn vừa Bắc vừa Nam. Các món riêng của miền Đông này
Khải chưa thấy bao giờ. Cảm giác mệt mỏi vì đi đường, khung cảnh khô vàng của
mùa lá chết vẫn ám ảnh anh. Thức ăn nhìn rất ngon mà Khải gần như chẳng hứng
thú gì. Anh cố gắng không biểu lộ ra tâm sự riêng của mình. Gượng cười nói với
mọi người xung quanh.
Lân
là con người khó đoán được tính cách. Bề ngoài có vẻ sởi lởi, dễ gần, nhưng con
mắt có cái nhìn sắc lạnh, như có luồng âm khí phát ra.
Hai
ông bạn rể đã tranh thủ trao đổi công việc của Khải sau vài ly rượu, Lân đã có
vẻ không được thăng bằng, nhưng vẫn tỉnh táo tự nhiên. Anh ta bảo:
-
Tưởng việc gì chứ việc đó không khó, tôi cũng đang cần người. Nhưng nói thực là
bây giờ nông trường mới đang ở giai đoạn khởi động. ăn khổ, làm khổ, ở cũng khổ
luôn. Không biết chú có chịu nổi không?
-
Anh yên tâm, em khổ từ nhỏ. Miễn là anh giúp cho em có việc làm ổn định. Khổ mấy
em cũng cố gắng khắc phục.
Lân
nói nghiêm chỉnh:
-
Vậy thì được. Mai lên cơ quan tôi sẽ làm hợp đồng cho chú. Thôi không bàn công
việc nữa, uống!
Khải
lấy làm lạ là người cùng làng, sao gặp nhau không thấy đả động gì tới chuyện
hàng xóm, quê hương, những người thân bạn bè ngoài Bắc? không lẽ ở trong này
lâu anh ta đã quên hết? Hay mẹ anh ta đã vào đây không phải lo gì từ phía gia
đình? Hay Lân ngại lỡ mình vui chuyện, lại mang chuyện vợ con cũ của Lân nói ra
ở đây, trước mắt vợ anh và mọi người. Nhưng Khải đã nhầm. Một người đang thành
đạt, mãn nguyện như Lân đâu có ngại gì chuyện đó! Có khi những kỷ niệm những
ngày cực khổ, những tình huống gian nan ngày xưa lại có ý nghĩa tôn cao giá trị
của sự thành đạt bây giờ.
Lân
đã có ý. Anh còn phải xem ý định của Khải và hoàn cảnh của anh ra sao đã. Sau
đó mới nói đến chuyện tình cảm. Không muốn để tình cảm xen lẫn vào công việc
khi chưa hình dung nó ra sao?
Bây
giờ là lúc anh mới nhắc lại chuyện cũ:
- Chú mày còn nhớ lần nhà ông Đởm tát ao
không?
-
Em quên sao được, hôm đó em suýt mù mắt. Không có anh vác lên bờ, lấy chanh vắt
vào mắt cho có khi không nhìn thấy gì. Bây giờ chưa chắc tìm được đường vào
đây.
- Vậy là anh em mình có duyên với nhau từ
ngày đó.
Năm
Hoảnh giơ cao ly rượu:
- Vậy là chúc mừng tái
ngộ. Trăm phần trăm đi hai anh!
Tất
cả cùng nâng ly: Dô nào, dô!
Tiệc
rượu om xòm như người ta kéo gỗ lên đồi.
Lân
đã có phần phấn khích, anh nói như để cắt nghĩa một điều:
-
Trong này nói: “Lầm lầm như người tát ao” không mấy người hiểu. Cảnh tát ao
ngoài Bắc cực khổ vô cùng. Ao thì sâu, bờ lại cao thay nhau tát ngày tát đêm, mấy
ngày mới cạn. Cá thì có nhiều nhặn gì? vậy mà chưa xong, mấy ông lỏi đã lội xuống
ào ào hôi, mót cá. Người lớn vớ thứ gì, quăng thứ ấy xua đuổi. Tóc tai người ngợm
đứa nào cũng bê bết bùn chỉ nhìn thấy hai con mắt. Có được bữa tươi ngày ấy
đúng là không dễ chút nào! Vậy ông ấy bây giờ có còn chân trong Hợp tác xã
không ?
- Ông ấy sau này lên
làm ở Xã. Nhưng bây giờ cũng nghỉ rồi.
Khải
đã định kể cho Lân biết chuyện ông Đởm và chuyện liên quan đến mình, nhưng thấy
lúc này chưa tiện, nên lại thôi. Anh vừa chân ướt, chân ráo vào đây, những chuyện
lúc này chưa thích hợp.
Ngày
Lân ra đi Khải còn nhỏ. Nhưng Khải chưa quên những buổi xem anh ấy thả diều. Diều
cánh cốc, to bằng cả cái chiếu, với những ống sáo rất to. Lân nổi tiếng là tay
nghịch ngầm, lại khéo tay. Con người ham chơi, đôi chút liều lĩnh ngày nào bây
giờ đã là một ông giám đốc nông trường.
Năm
Hoảnh, Sáu Tơ ngà ngà rượu, vừa lấy thìa đánh nhịp vừa hát Tân nhạc. Bắt đầu là
bài “Đường xa vạn dặm” của Trịnh Công Sơn, rồi đến các bài của Đoàn Chuẩn, Từ
Linh. Khung cảnh bỗng chốc tươi mới, lung linh hẳn lên dưới ánh đèn toạ đăng. Một
cái gì vừa cởi mở, mới mẻ, lại vừa thô sơ, hoang dã. Tiệc rượu tới khuya chưa dứt.
Vừa khi ấy có một người đội mũ cối đi xe 67 vào nhà.
Hai
Lân hỏi:
- Sao về muộn quá vậy
Ba Huệ?
-
Mệt muốn chết luôn. Rong khắp thành phố, lộn lên Biên Hoà mới kiếm được một chỗ.
Tôn lợp bây giờ là hàng chiến lược mà anh Hai…
Anh
ta nói giọng Bắc, quen quen như gặp ở đâu rồi.
- Hay là ta cho người cắt
tranh lợp tạm khu mới cất được không anh?
-
Đâu có được. Nhà tập thể sinh hoạt phức tạp lắm. Điện đóm chưa có, dầu đèn sơ sảy
một chút là tiêu luôn cả dãy.
- Vậy mới có được một nửa,
số thiếu anh tính sao?
-
Có gì mà phải tính. Số người mới tới cứ tạm dồn ở số nhà cũ với anh chị em lên
trước. Khi nào lo được nhà ta phân lại sau.
-
Cũng đành phải vậy. Em đi tắm rửa qua rồi xin phép anh đi nghỉ. Công việc sớm
mai sẽ báo cáo cụ thể sau được không?
- ừ , Cậu mệt thì nghỉ sớm, nếu không nhậu
chơi cùng anh em, đang vui!
- Dạ em xin phép.
Anh
ta cúi cúi người đi ra phía sau. Dáng điệu có cái gì khúm núm lộ liễu. Khải
chưa nhìn rõ mặt, nhưng dáng điệu ấy anh gặp ở đâu rồi nhỉ, Khải cố tìm trong
trí nhớ của mình. Dồn dập bao nhiêu chuyện gần đây, bộ nhớ của anh như có vấn đề.
Hai
Lân bảo:
-
Hắn mệt, mai tôi giới thiệu hắn với chú sau. Đồng hương cả đấy. Một ông phó
chánh án huyện mình ngoài đó. Không hiểu mắc mớ ra sao, ly dị vợ bỏ vào trong
này. Đang làm trợ lý cho tôi. Một tay cung ứng vật tư có nghề. Tôi định phân
chú về làm đội trưởng xây dựng. Có thể hai người phải gặp nhau luôn. Thôi chú
không quen có thể đi nghỉ sớm. Tụi này nhậu dữ lắm. Tôi cũng phải vào coi lại mớ
giấy tờ, tài liệu.
Khải
đã định hỏi kỹ thêm về người mới đến có cái tên là Huệ, nhưng Hai Lân đã đứng
lên đi vào nhà. Khải ngồi chơi thêm một lúc nữa, nhưng đầu óc anh rất băn
khoăn: Huệ nào nhỉ? Có phải cái thằng đôi mắt lúc nào cũng như cười cợt, cái miệng
nhăn nhở và bộ mặt giả giả như bằng cao su ấy không? Cái thằng đã làm cho cuộc
đời anh tan nát từ cuộc hôn nhân khốn nạn. Và chính nó là mầm mống sinh ra tai
vạ? Nếu đúng là nó thì cuộc sống của anh ở đây không vui vẻ gì. Không biết chuyện
gì đã xảy ra với nó ngoài kia? Nhưng ở đây nó đang là trợ thủ đắc lực của Lân,
có khi còn là tình ruột thịt với Lân mà trước đây mình không biết? Không biết
kiếp trước mình có mắc mớ gì không mà nó như phái viên
của ma quỷ, như đại diện của âm binh hắc ám, của thủ đoạn đểu cáng tráo
trở, ám hại mình? Khải không lo lắng, giờ đây chẳng có gì có thể làm anh khiếp
sợ, vì không còn gì để mất. Anh chỉ thấy buồn. Thực sự buồn, nỗi buồn trống trải
như cánh rừng chết lá mùa khô này, trong đêm thăm thẳm ngoài kia.
Phần nhận xét hiển thị trên trang