Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

THĂM THẲM ĐƯỜNG VỀ (Chương 11 )



T
ừ hôm Đỗ Đen đưa cho cái nhẫn gã thấy lúc nào cũng thắc thỏm không yên. Không mấy đêm gã ngủ được yên giấc. Thường gặp những cơn ác mộng. Khi thì lội suối trèo non, khi thì băng rừng vượt biển. Gã đã định bán nó đi để lấy tiền làm vốn làm ăn, song lại lưỡng lự. Muốn giữ lại một kỷ niệm để nhớ một thời buồn đau, ngang trái của mình. Gã bọc nó trong một chiếc khăn mùi xoa cũ luôn mang trong người. Gã không đeo vì thường ngày luôn phải làm việc chân tay, đeo bất tiện. Phần nữa để tránh con mắt nhìn của người xung quanh. Người ta sẽ bảo hoàn cảnh lúc này mà gã đeo vàng không khác gì " đầu đánh trin, đít đeo hoa ". Gã cũng chưa biết nên xử trí với nó như thế nào. Một cảm giác chênh chao, bất an luôn làm gã bứt rứt. Gã tự vấn an mình rằng cảm giác đó là do hoàn cảnh ngặt nghèo của gã lúc này. Con bé Hà mẹ nó đón về được hơn một tháng. Hôm ông cậu gã về quê mẹ nó lại tìm đến gửi lên. Cô ta bảo nó nhớ bà chẳng chịu ăn uống gì. Gã tin có thế thật, nhưng còn một lý do khác nữa mà mẹ nó không nói, gã cũng hiểu. Sau những cuộc tình chênh vênh, bất ổn hình như cô ta nghĩ lại. Cô ta nhắn với ông cậu là muốn gặp gã để nói chuyện hai bên thông cảm với nhau. Khi ông cậu nói điều này thì gã bảo:
- Lúc cháu cần thì nó cố tình bỏ đi. Còn bây giờ khoảng cách đã quá xa rồi không còn gì để nói nữa.
Ông cậu ướm thử:
- Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại anh ạ. Thôi thì thương con ngon của, nén dạ ăn ở với nhau cho con bé khỏi khổ. Mà nó dạo này cũng tươm. Ông bố chia cho miếng đất ngoài gần chợ, lại xây cho cái nhà. Chả hơn là cứ lăn lóc mãi ở xó rừng này hay sao.
Gã chỉ bảo:
- Chuyện này cậu để mặc con. Tính con thì cậu biết, khổ con chịu được chứ nhục thì không bao giờ.
Ông cậu còn muốn nói điều gì nữa nhưng thấy thái độ gã lúc ấy ông lại thôi.
Lên đến đây cậu cháu ở gần, nhưng ít có lúc gặp nhau. Gã không oán trách vì ông mà gã mất hết cơ nghiệp dưới xuôi, phải đem thân lên rừng. Chắc ông ngại. ở đời không thiếu gì cảnh cha con vợ chồng lìa lọi nhau vì mảnh đất ngôi nhà. "Nó không nói ra, nhưng tránh sao khỏi ức hận trong lòng" chỉ có việc không đừng được, ông mới đến. Gã cũng bần cùng mới tìm gặp ông. Gã không muốn nhớ lại vết thương quá khứ. Nó luôn âm ỉ trong lòng. Nhìn thấy ông là tất cả lại hiện về mà lúc này gã đang muốn quên đi. Đau thương thực ra là một thứ cường toan huỷ hoại tình cảm con người. Ông cậu cũng chỉ vì việc tình cảm nấn ná mà huỷ hoại cuộc đời. Nếu không, lúc này ông đang có chức quyền, ông đang được người đời tôn trọng. Bố mẹ lấy vợ cho ông lúc ông mới hơn mười tuổi. Lớn lên ông không chịu được cuộc tảo hôn ấy, trốn nhà đi kháng chiến. Sau Điện Biên Phủ ông trở về làng. Bà vợ trước đó ở nhà tấp tểnh theo lính đồn, có một đứa con gái hơn một năm thì nó mất. Ông xin bố mẹ cho bỏ vợ, nhưng các cụ không nghe. Vì để "giữ phúc đức" của nhà. Một bà ăn quà như mỏ khoét, không đảm việc nhà lại thêm tật đái dầm, ông buộc phải chung sống suốt đời. Những đứa con sinh ra cũng phàm ăn, tục uống, ngu ngơ đúng dòng của mẹ. Nó là nguồn gốc sâu xa của tai nạn đời ông. Không thế các cô thư ký suốt thời gian ông trách nhiệm Ngân Hàng đã không lay chuyển được. Cộng thêm trình độ nghiệp vụ hạn chế, ông đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nếu không có bà chị gái là mẹ gã, chắc chắn ông đã ngồi tù. Khổ một nỗi con người ông là con người được nhào nặn từ những tín điều cứng nhắc. Cho đến bây giờ khi chẳng còn tý quyền hành, bổng lộc gì nữa mà hễ nói, là nhắc đến lập trường, quan điểm! Vì thế cậu cháu không mấy nói chuyện với nhau. Thời thế đã tạo nên mâu thuẫn giữa các thế hệ ngay trong mỗi gia đình. Với gã ông cậu giàu lòng cả tin và cũng là người luộm thuộm trong tình cảm.
Ông tưởng đâu việc người vợ cũ của gã nhắn nhủ với gã là chuyện tốt lành. Làm sao gã quên được hình ảnh hôm ở phiên toà bước ra. Nàng leo tót lên ngồi sau chiếc xe cá vàng lao vút đi, còn gã ở lại? Gã tần ngần nhìn hai con chim xanh miệng nhỏ máu, bị treo ngược đôi chân bé xíu lên tay ghi đông xe của ai đó dựng trước cửa toà. Bữa đó đầu không nón mũ, gã đi bộ trên mặt đê trời chang chang nắng. Khát đến khô cổ, gió thốc bụi trên đường mờ cả mắt...
Mẹ gã ngồi nghe chuyện hai cậu cháu nói với nhau, bà không tham gia, chỉ thở dài. Từ độ gã về đã mấy lần bà ướm thử ý con. Đời người như chớp mắt, được mấy gang tay? gã đã ngoài ba mươi tuổi, nửa đời người rồi. Mấy mà đến tuổi già? ở tuổi gã người ta yên một bề, con một đàn, chỉ lo làm ăn. Gã thì cầu mấy nhịp, nhịp nào cũng dở dang. Biết đến bao giờ mới có đủ kinh tế như ý con nói để nó tục huyền? Mình nghèo thì đánh bạn nghèo. Tìm chỗ cảm thông. Giàu có chắc gì đã là hạnh phúc? ối người thừa ăn thừa tiêu mà vợ chồng vẫn không ăn ở được với nhau. Có khi sẫn ăn sẵn tiêu lại sinh rửng mỡ?
Đã đành trăm sự tại cái nghèo. Con bà nói cũng có lý. Nó bảo máy bay lên phải có đường băng, tên lửa phải có bệ phóng. Diều bay cao phải dài dây. Nó cao vọng, nhưng vì nghèo mà đời nó khổ. Hồi nó mới bị bắt, lão Đởm đánh tiếng xa xôi. Nếu nhà có tiền nó đã được về. Nó ở nhà, chưa chắc đã xảy ra chuyện bán đất bán nhà. Ngày ấy cái ăn sống người chưa đủ, lấy đâu ra tiền để lo chạy chọt?
Bà cũng biết nghèo là khổ? Cả một đời bà sống trong nghèo khổ không ai thấm thía hơn bà. Bà cũng biết cái nghèo nhiều khi nó làm con người hèn đi. Không ít điều tồi tệ nảy sinh từ cái nghèo.
Nhưng đâu phải một mình nhà bà nghèo? Cả dân nghèo, cả nước nghèo. Cái nghèo là gia sản quái ác để lại từ hồi Hùng Vương dựng nước. Nó là cái chướng nghiệp của đất nước và dân tộc này. Chuyện cổ tích nào nghe kể cũng buồn, cũng thấy tủi thân!
Không thể vì nghèo mà không mưu cầu cuộc sống, không lấy vợ lấy chồng. Đó là lý luận của bà lão đã từng làm cán bộ tuyên truyền, đã từng có vai trò lãnh đạo. Nó không có gì mới, và cũng không có gì cũ, rút ra từ bài học cuộc sống hàng ngày.
Mỗi lần mẹ đả động đến chuyện đó gã đều im lặng. Gã biết nói ra điều gì cũng làm mẹ đau lòng. Nhưng gã đâu phải không biết lo thân, không biết đi trước, lo sau. Chính vì cả nghĩ mà việc ấy gã không thể vội vàng. Dễ dãi trong việc tìm bạn tình và đi đến hôn nhân gã đã phải trả giá quá đắt. Dù không là gỗ đá, dù khao khát tình cảm, dù vật vã xác thân gã cũng không thể vội.
Đêm nằm một mình trằn trọc lăn qua bên này, bên kia gã cũng thèm có người má ấp môi kề. Thèm có người để khi vui, khi buồn, chia sẻ. Nhưng hình như việc ấy còn xa vời quá. Những người con gái gã từng gặp từ khi về đây gã thấy khó có người hoà hợp thông cảm với mình. Hoàn cảnh của gã và của họ khác biệt nhau nhiều quá. Mà không đồng cảnh thì cũng rất khó đồng tình. Nói gì đến chuyện gắn bó cả đời?
Trong thâm tâm dù không nói ra gã không sao quên được một người. Một người đã từng hoà hợp với gã cả thể xác lẫn tâm hồn. Oái ăm ở chỗ người tốt khó gặp, gặp rồi lại khó được gần gũi. Kể từ hôm gã bị người ta bắt đi ở nhà nàng, gã không sao quên được Tường Vinh. Chiếc áo ấm nàng đưa cho gã vẫn giữ đến bây giờ. Hôm ra trại có người đã bảo gã vất đi vì nó đã quá cũ, rách sờn cổ áo, tay áo. Sau lưng áo một cái dấu bằng sơn đen to tướng, dấu vết của những ngày khổ ải, cay cực. Dầu sơn thấm vào từng sợi vải, giặt bằng mọi cách vẫn không sạch. Gã vẫn giữ lại sau khi bỏ lại nhiều thứ cho các bạn tù.
Chiếc bu giông ấy giờ đã làm ruột gối, như để có nàng bên mình. Gã đã viết nhiều lá thư cho nàng, nhưng không có hồi âm. Không biết giờ này nàng ở đâu? Thay đổi địa chỉ hay đi lấy chồng? Mùa xuân năm 1979 gã có gặp lại nàng, khi ấy gã sống lang thang nhà ga, bến tàu là chỗ đi về. Có đêm phải ngủ đến hai chuyến tàu ngược xuôi chờ trời sáng. Lúc đó trong người gã không giấy tờ. Rất có thể bị bắt lại nếu người ta đột xuất vây ráp kiểm tra giấy tờ ở nhà ga, hay một ngõ hẻm nào đó. Gã đã rất sai lầm khi bỏ trại, trốn ra ngoài. Cuộc sống nơm nớp từng giờ phút. Ăn gì cũng không ngon, giấc ngủ nào cũng chập chờn không yên giấc. Nhưng việc đã lỡ đành phó thác cho số phận, cho rủi may. Kể cả lúc đó họ có bắt lại gã cũng cho là thường. Thà là khổ cực mấy năm chứ sống chui nhủi căng thẳng thế này gã không thể chịu thêm được nữa. Giá trị của tự do, của cuộc sống yên lành với gã lúc này là trên hết, là không có giá nào trả được.
Đúng lúc tâm trạng gã như thế thì gã gặp nàng. Tháng giêng năm Kỷ Mùi ấy sẽ ghi nhớ suốt đời gã, không thể nào quên. Một ngày sau 17 tháng hai Dương Lịch. Gã và mấy người bạn đang ngồi trong một quán cà phê cuối đường Phùng Hưng chợt nhìn thấy nàng. Nàng đi cùng một đoàn người tay xách nách mang va ly, túi sách kình càng. Gã hiểu ra ngay là đoàn người vừa từ biên giới phía Bắc chạy về. Mấy ngày nay ngày cũng như đêm ngày nào cũng có những chuyến tàu người nén như nêm cối ngồi cả trên nóc toa, chỗ bậc lên xuống từ Lào Cai, Lạng Sơn về. Rất nhiều người ra đi chỉ có bộ quần áo trên người không kịp mang theo hành lý. Nhưng cũng có người kịp mang theo cả súng, đạn. Họ về nộp cho những điểm giao nộp vũ khí ngay cạnh nhà ga. Đa số họ là người già, trẻ em, phụ nữ. Số ít có lẽ là tự vệ của một cơ quan, xí nghiệp nào đó theo tàu áp tải hàng hoá, tài liệu. Khi tàu lên các toa toàn bộ đội. Hầu như không có hành khách là dân thường. Một không khí lo lắng, khẩn trương bao trùm lên các đường phố.
Nàng nhận ra gã mừng mừng tủi tủi. Nàng bảo nàng có người bà con ở thành phố Nam Định mà gia đình nàng đã về đấy từ hôm trước. Hẵng cứ biết chạy khỏi vùng có chiến sự. Nàng cũng chưa biết về đây làm gì và sống bằng cách nào. Những người bạn của nàng rủ nàng vào Miền Nam, nhưng đi lại vào lúc này cũng không dễ dàng. Đất nước vừa thống nhất, nửa nước còn nhiều bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị. Có khi còn khó khăn hơn ngoài này. Biên giới phía Nam bọn PônPốt đang tác oai tác quái. Cao nguyên Trung phần tàn quân PunRô đang ngóc đầu dậy, phá phách nhiều nơi. Nhất là tuyến đường sắt Bắc Nam.
Gã nói với nàng tình hình bất ổn là tạm thời, không thể quá lâu. Thời thế bây giờ thế lực bá quyền không thể lộng hành mãi được. Đã qua những ngàn năm Bắc thuộc. Cục diện thế giới không bao giờ chấp nhận tham vọng ngông cuồng của những thế lực tối tăm, độc ác, giả nhân nghĩa.
Những điều gã nói nàng gần như không hiểu. Nàng quan tâm đến những cái cụ thể trước mắt hơn là chuyện thế sự rối re. Cũng may trong túi gã lúc này còn một chút tiền. Những ngày lộn xộn vừa rồi lại là một cơ hội cho những kẻ buôn hàng xách như gã. Khách đi tàu xuống ga bán đổ bán tháo nhiều thứ vì cần tiền mặt. Gã mua lại đem bán vào sáng hôm sau ở những nơi như đường Phùng Hưng này. Gã chỉ giữ lại một ít còn đưa cả cho nàng. Tường Vinh nhất quyết không nhận. Nàng bảo nàng còn tiền. Nếu thiếu nàng sẽ bán đôi vòng và chiếc nhẫn mang theo.
Tường Vinh không hề biết chuyện gã trốn trại ra. Nàng nghĩ rằng gã bị bắt ngày ấy do một sự lầm lẫn nào đó và gã đã được tha về. Nàng biết đâu sự có mặt của gã lúc này ở Hà Nội là một tồn tại lén lút. Gã có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào. ở trại người ta chắc chắn đã có lệnh truy nã gửi đi khắp nơi. Hễ thấy bóng áo vàng là gã lẩn đi chỗ khác. Vậy nên gặp gã nàng rất mừng. Nếu cả nàng nữa về Nam Định cùng với gia đình sẽ thêm gánh nặng cho người bà con.
Trong lúc chờ tình hình yên tĩnh trở lại, tốt nhất nàng tự lo lấy thân mình, mà không gì bằng gặp gã ở đây. Gã sẽ đưa nàng về nhà gã thăm gia đình. Điều mà trước đây gã hứa mà chưa kịp làm. Nếu mẹ gã vui vẻ, có thể nàng sẽ tạm tá túc cho đến khi yên bình, trở lại quê nhà. Nàng đề nghị với gã đưa về thăm nhà, gã lúng túng hồi lâu mới nói:
- Anh cũng rất muốn thế. Nhưng hiện anh đang có một chút việc, đã nhận lời với một người bạn ở đây. Sang tuần sau mới có thể đi được.
Nàng nhận ra ngay biểu hiện qua nét mặt, cử chỉ của gã. Có điều gì không ổn. Hình như gã không muốn đưa nàng về vì một sự vướng mắc nào đó. Nàng không nói gì chỉ rân rấn nước mắt. Gã khổ tâm vô cùng. Người mà bao năm nay gã hằng tâm tưởng chờ mong có một ngày gặp lại thì giờ đây đang ở bên gã mà gã bất lực không giúp được điều gì. Đúng là bốn biển không nhà, cuộc sống lênh đênh, lo cho mình không xong còn lo được cho ai.
Cuối cùng gã nghĩ ra một cách, gã có người chú họ, cả hai vợ chồng đang ở một trạm bơm giữa cánh đồng gần ngoại thành. Tạm thời gã đưa nàng về đấy nhờ cậy vợ chồng ông chú chỗ ăn ở. Buổi sáng gã ra Hà Nội chạy chợ. Đến khuya gã mới về. Được một tuần như vậy, nàng đột ngột ra đi để cho gã mảnh giấy viết vội mấy dòng. Ông chú bảo:
- Chú thím vui vẻ, không có chuyện gì. Nó ở đây với các em hàng ngày giúp giặt giũ, cơm nước. Nó còn bỏ tiền mua thức ăn, mua cả quần áo cho em anh. Không hiểu vì sao buổi sáng anh đi được một lúc, nó cũng dắt xe đi luôn.
Gã đoán nàng không yên tâm về bố mẹ và gia đình mình đang ở dưới Nam Định nên tìm về. Gã ân hận đã không hỏi địa chỉ nơi gia đình nàng tạm trú. Ngay cả việc hỏi thăm gia đình Hoa hiện giờ ở đâu, về lai xá hay đi nơi nào. Chỉ nghe nàng nói với anh chị Hoa cũng đã về dưới này rồi, vợ chồng Hoa còn đi trước gia đình nàng.
Trong lúc bối rối trăm bề, gã đã quên nhiều thứ mà về sau gã áy náy, ân hận mãi.
Đành là phải chờ nàng quay trở lại như trong thư nàng viết. Càng chờ càng bặt tăm. Cho đến ngày gã bị bắt lại cũng không được tin nàng.
Sau ngày được tha gã gửi cho nàng mấy lá thư, đều không có hồi âm. Từ ngày xa nhau đã bao mùa lá rụng, bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu cuộc bể dâu, bao nhiêu biến động thế thời liệu nàng có còn ở nơi chốn cũ. Từ ga Bắc Thuỷ, con đường dọc theo bờ suối còn có thể dẫn tới gặp nàng? Điều kiện lúc này gã cũng chưa thể lên Xứ Lạng xa xôi bởi eo hẹp đồng tiền, trước mắt còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Đành phải chờ một dịp khác, chưa biết đến khi nào. Nhưng nhất định gã sẽ đi tìm nàng. Nhân thể thăm lại những người bạn cũ.

ó
ó   ó

Người ta bảo người có linh hồn, vật có linh khí. Những đồ vật dùng lâu bên mình thường có linh khí khác thường. Gã để ý hôm nào trong người khoẻ khoắn, ngoại cảnh khoan khoái, mọi việc thuận lợi trôi chảy cái nhẫn sáng hơn. Nếu soi dưới ánh đèn vào ban đêm thường có vòng hào quang rực rõ. Còn khi nào mỏi mệt gặp chuyện không vui thì chiếc nhẫn sẫm màu như thể đen xỉn lại. Nó giống như thứ hàn thử biểu có thể xem để nghiệm và tiên liệu mọi việc hàng ngày.
Gã không nghĩ rằng mình một ngày nào đó gặp lại chiếc nhẫn này. Phải có một cơ duyên mà lúc này gã chưa thể biết.
Vậy nên lúc này gã rất băn khoăn. Gã đang định bán nó đi thêm thắt chút tiền góp với Nhân để lên bãi làm vàng. Gã không thể đến đó bằng tay không. Người khác không có đồng nào bọn Nhân Du vẫn nhận, nhưng để cho làm công. Còn gã Nhân không thể đối xử với gã như người làm thuê. Với cách làm hiện nay chủ bè cần có nhiều tiền. Phải lo bè mảng, gầu tới rồi cơm gạo nuôi quân. Có khi làm cả tháng mới có kết quả. Nhân và Du nói với Gã cứ lên, bọn chúng bao hết. Nhưng gã nghĩ: Nói là nói thế thôi, lên tay không chắc gì đã được như lời họ nói. Mà không có đột biến, gã cứ sống, cứ làm ăn như hiện tại bao giờ cuộc sống gã mới khá được? Những việc vặt vãnh gã làm lâu nay chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày. Thừa được chút ít cũng chỉ đủ mua sắm vài thứ cần thiết. Thái độ tự ty mặc cảm lúc đầu khiến gã cố giữ gìn đã thành vô lý. Thành bại, đúng sai, tốt xấu ở đời đâu có phải do mình muốn mà được.
Co vào thế thủ thì được an thân, an toàn. Nhưng lại không tiến lên được. Đấy là thứ giằng co, mâu thuẫn mấy lâu nay.
Gã đang trong tâm trạng ấy thì Thịnh tới nhà. Cô đi cùng một người bạn gái. Hai người chỉ mang theo một túi xách nhỏ bên trong có cân tiểu ly. Gã rất ngạc nhiên khi thấy Thịnh đổi nghề đi buôn vàng cốm. Ngay cả cách ăn mặc của Thịnh bây giờ cũng khắc hẳn hồi nào. Nàng mặc áo lông nhập ngoại, quần bò xịn đi giầy da cao cổ. Mái tóc cũng không còn để dài mà cắt ngắn gần như con trai. Nàng nói năng bạo dạn và cử chỉ tự nhiên hơn có lẽ do công việc làm ăn mới nàng phải có một bề ngoài như thế. Hàng ngày giao tiếp với thành phần phức tạp ở bãi vàng không thể mang vẻ mặt thánh thiện, ăn nói dịu dàng mà được. Với vẻ ấy là tự biến mình thành con mồi ở nơi ô hợp này.
Gã lần đầu nhìn thấy cái cân tiểu ly. Cái vật nhỏ bé tinh xảo như một thứ đồ mỹ nghệ. Nhưng dùng nó phải rất thận trọng chỉ cần xê dịch một ly một lai là có thể được hoặc mất hàng trăm ngàn đồng. Nếu không tinh sẽ mắc sai lầm về một cái cân phủ thuỷ. Đó là loại cân rỗng ruột bên trong gắn một ống thuỷ ngân gắn rất khéo léo, mắt thường rất khó nhận ra. Người cầm cân có thể cân nặng nhẹ tuỳ ý. Nhưng chỉ ở mức vừa phải. Quá đáng quá người có hàng dễ sinh nghi...
Chỉ nghe Thịnh nói sơ qua như thế gã thấy công việc không đơn giản chút nào. Không tinh, không thận trọng là sẽ gặp một vố nhớ đời. Có khi không bao giờ cứu vãn được.
Lần này Thịnh lên không phải chỉ lên chơi. Mặc dù cô rất chu đáo mua quà cho cả hai bà cháu. Thịnh còn mùa cho con Hà bộ quần áo mới để sắp tới nó mặc vào dịp Tết. Gã rưng rưng cảm động. Số gã vất vả về đường hôn nhân nhưng không phải không có người con gái nào quan tâm săn sóc đến. Chỉ có điều người tử tế chẳng được gần nhau lâu.
Hai cô gái mang thức ăn mua từ dưới Tỉnh lên. Tàu đỗ bến vào lúc đã gần bữa cơm trưa. Cả hai vào bếp nấu nướng vẻ tự nhiên như ở nhà. Mẹ gã chỉ việc sắp xoong nồi cho các cô. Bé Hà đến bên, các cô sai lấy thứ gì nó nhanh thoăn thoắt. Các cô có vẻ rất quý nó.
Gã đoán Thịnh lên lần này tất có việc gì nhờ đến mình. Nếu không cô đã lên thẳng bãi. Và gã đã đoán đúng.
Cơm nước xong Thịnh bảo có câu chuyện riêng muốn nói với gã. Hai người đi ra bến sông. Con tàu trả hết khách vẫn đang dập dềnh sát mép bờ. Nó vừa được sơn lại, nhưng có lẽ thợ sơn vụng về, màu sắc không được hài hoà, nom xanh đỏ loè loẹt. Nhưng dù sao nom cũng dễ coi hơn là đen sì, loang lổ, hoen gỉ như lần trước gã nom thấy nó.
Thịnh chần chừ một lúc mới nói:
- Em có một việc không biết là anh có giúp được không?
Gã hỏi việc gì, cô bảo:
- Bạn em, con bé đi cùng ấy hôm vừa rồi mua nhầm phải hàng. Nó bị bọn trên bãi trộn lẫn đồng đỏ vào hàng cốm. Bây giờ lên trả lại chưa chắc bọn trên bãi đã nghe. Thằng chủ bè người bên Thái. Cũng là dân đầu trộm đuôi cướp vào tù ra tội... Biết mình lỡ lời Thịnh lúng túng:
- Em xin lỗi. Tù cũng có người thế này người thế khác, Thằng này tanh, coi mạng người như rác. Tiền vào tay nó rồi chưa chắc nó chịu nhả ra. Em không nói với anh Nhân. Tính anh ấy anh không lạ. Ông ấy khùng lên rất dễ đâm chém nhau. Em nói với anh và hỏi anh xem nên giải quyết thế nào. Chúng em buôn chung, vốn vay của người ta cả. Mà toàn vay nặng, họ tính lãi sấp từng ngày. Nếu nó không trả lại. Bọn em lấy gì trả cho họ? Chỉ còn nước bỏ nhà mà đi.
Gã hỏi:
- Số tiền lớn thế kia à?
- Hơn hai cây. Mọi lần nó rất đứng đắn. Bọn em về cân lại không thiếu một ly. Không ngờ đợt này nó chơi nặng thế. Bọn em chủ quan không xem kỹ.
Mẹ gã đã ra quán, bà đang chống cánh cửa bằng liếp nứa cho khách vào uống nước chờ tàu. Dịp áp Tết này tàu xuôi sớm, hành khách cũng đông hơn. Người ta mang lỉnh kỉnh gà, gạo, lá giong xuống tàu xếp hàng xong rồi quay lên quán ngồi. Cô bạn cùng đi với Thịnh đang đứng ngoài quán nhìn về phía hai người, dáng vẻ bồn chồn.
Lặng im một hồi, gã mới nói với Thịnh.
- Nghe nói lúc đầu người ta đuổi không cho làm. Nhưng dân cứ lăn xả vào, giữ không nổi vì công an lấy đâu ra người để cản họ vào lúc này? Mọi nơi bây giờ rối tinh cả lên, họ phải lo nhiều việc. Nhân có nói với tôi là bên công an phải cử hai người có mặt thường xuyên trên bãi để ngăn ngừa tệ nạn. Hay là ta lên gặp họ xem sao.
Thịnh lắc đầu:
- Không ăn thua gì đâu anh ạ. Bọn em đã hỏi thử rồi. Họ bảo sao lúc nó đưa hàng rởm các cô không báo ngay, bây giờ không quả tang, khó giải quyết. Anh tính bọn này suốt ngày mời họ ăn nhậu ở lán của nó, còn giải quyết gì được? Mà đứa nào muốn làm ở đây chúng đều biết cách mua sân, mua bãi cả rồi. Người ta đã không giải quyết còn hỏi chúng em có đăng ký kinh doanh, có làm thuế môn bài chưa? Làm gì có cái phép làm việc này. Rõ ràng mình là người ngay không khéo thành người vi phạm. Câu nén bạc đâm toạc giấy tờ, thời nào cũng vậy?
Gã bảo:
- Thôi được, phải lên tận nơi xem cụ thể thế nào đã.
Gã nói với mẹ buổi chiều sẽ về. Hai cô gái chào bà cụ rồi cùng gã ngược theo đường bờ sông lên bãi vàng. Từ đây đi bộ lên chừng hai cây số thì đến nơi. Dọc đường không ai nói gì. Gã thấy đầu óc căng thẳng, chưa biết tính ra sao. Không chắc cuộc thương lượng với bọn chủ bè vàng kết quả. Mười phần chắc đến chín là không ăn thua gì. Tuy chưa sống ở bãi vàng ngày nào, nhưng gã không lạ. Đấy là nơi dồn tụ mọi tệ nạn xã hội. Tiền vào túi bọn ma cô này bao nhiêu cho đủ? Một đêm đánh bạc chúng được cả chục cây vàng. Rồi nghiện hút, gái gú. Những chuyện đó người dân trong vùng không ai không biết. Nó là nơi ung nhọt mà chính quyền ra tay dẹp nhiều lần mà không được. Một phần do những kẻ bần cùng tứ phương kéo về làm liều. Một phần những cán bộ cứ đi dẹp tệ nạn thoái hoá, dung túng cho bọn xấu trục lợi. Nếu muốn dẹp triệt để bộ máy hành pháp phải tăng quân số lên tới ba bốn lần. Trong bối cảnh những năm tám mươi này việc đó là không thể. Mới hay rằng " Việc trị nước vốn ở an dân ". Dân no đủ, thanh bình chỉ cần bộ máy công quyền gọn nhẹ vẫn giải quyết xong mọi việc khi bần cùng đói kém tất sinh loạn, càng dẹp càng loạn thêm.
Gã lấy làm tiếc vì lâu nay không gặp Thịnh. Nếu biết sớm hơn gã đã khuyên cô không nên làm việc này. ở nơi an ninh lỏng lẻo, yếu kém không phải là chỗ để các cô đến làm ăn. Sớm muộn cũng sinh chuyện. Gã chợt nhớ ra là mình cũng đang có dự định lên chỗ ấy mong một bước quá độ thoát khỏi cảnh nghèo hàn. Hạnh phúc ở đời cũng như trái cây, phải để nó chín tự nhiên không thể gượng ép. Nếu trái cây còn xanh đem dấm cho mau chín, chắc chắn nó sẽ nhạt nhẽo không nên hương vị gì.
Tuy không tin tưởng lắm ở chuyến đi này, gã cũng không tiện từ chối. Mặc dù lâu nay gã rất thận trọng. Không muốn dính vào những chuyện rắc rối. Quan hệ tình cảm giữa gã với Thịnh tuy chưa sâu nặng, nhưng cũng không phải bình thường. Ngay từ buổi đầu gã trở về đất này gia đình và bản thân cô đã dành cho gã sự ưu ái trong lúc gã không một đồng xu dính túi. Gã là tên vô sản theo đúng nghĩa đen của nó. Chỉ có sẵn định kiến xã hội, quá khứ nặng nề. Vậy mà cô vẫn dành cho gã những cử chỉ, lời nói không thể nào quên. Không thể nói điều gì khác là sự cảm thông, là tình người. Hoặc là có duyên với nhau từ kiếp nào, giờ mới gặp. Gặp bọn cai, bọn bưởng kia gã sẽ nói gì, làm gì với chúng để giải quyết sự việc? Thì gã chưa hình dung ra, chưa tính được. Hẵng cứ đến chỗ Nhân và Du đã. Ba cái đầu sẽ nghĩ được nhiều hơn một cái đầu, gã cho là thế. Cái cảm giác bất an, chênh chao mỗi lúc một rõ. Gã thọc tay vào túi áo Natô đang khoác trên người lần tìm chiếc nhẫn theo thói quen. Nhói một cái như bị diện giật. Cái khăn nóng rẫy như vừa hơ qua lửa. Mắt bên trái nháy liên tục, đến nỗi gã phải đưa tay lên rụi mắt. Dự cảm điều gì không lành sắp xảy ra. Không phải lo sợ, tự nhiên tim đập nhịp liên tục, lòng bàn tay gã xâm xấp mồ hôi.
Cả một khúc sông vang đủ loại tiếng động, rất nhiều mũi bè to nhỏ chen nhau, khiến cho dòng nước sông mùa này vốn trong xanh giờ ngầu đục. Quang cảnh như vừa xẩy ra một trận thuỷ chiến. Trên bờ quần áo phơi giăng như cờ hiệu. Những đám khói bốc lên nghi ngút từ nhưng bếp lửa đốt sưởi hoặc nấu nướng của dãy hàng quán, giống khu chợ ngoài trời. Hàng ngàn con người đang xúm xít quay tới, đẩy máng, khuân vác đất, co kéo la hét om xòm. Một thứ âm thanh hỗn tạp ồn ĩ như ong vỡ đàn. Chính người làm thuê mà chúng thường gọi là quân. Mỗi mũi bè tuỳ chỗ sâu nông mà có từ bảy đến mười tên quân. Có lẽ đây là nơi thuyền máy xuất hiện đầu tiên và có mặt đông nhất trên dòng sông này. Thuyền đậu san sát xen giữa khu nhà bè. Thỉnh thoảng một cái vội vã nổ máy vọt chạy xuôi ngược như có việc đột xuất khẩn cấp. Những chiếc máy côle quá đắt có xuất xứt từ miền Nam ra chạy hết ga toả khói đen mù trời, tiếng máy nổ lọng óc. Mươi năm trước chúng gắn theo thuyền đuôi tôm, lái ngang dọc miền Tây Nam Bộ. Giờ thì vượt thác gềnh sông suối phía Bắc chở hàng. Chúng có mặt ở bãi vàng sa khoáng này để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho hàng ngàn miệng ăn. Vừa để phục vụ đi lại từ bè vào bờ, vừa chở người xuôi ngược.
Một khung cảnh quái dị mà gã chưa từng thấy ở đâu ngoại trừ sách vở gã đã đọc. Đó là quanh cảnh bầu trời Xanh PheTécBua trước ngày Pie đại đế bị lật đổ. Cũng là  cảnh bầu trời sau trận OaTécLô, hàng ngàn con quạ bay rợp bầu trời. Chúng cũng đang có mặt ở đây hoà vào những đám mây xám một mầu chì, đậu trên ngọn cây cao hai bên bờ sông cất tiếng kêu ghê rợn như vọng từ dưới âm ty. Chúng kiếm sống nhờ những bộ lòng gà, những mảnh da trâu, xương đầu và lòng cá của đám dân làm vàng sa khoáng. Mỗi khi ở dưới mặt sông có vụ xô xát, xẻng gậy vung lên, tiếng chửi bới om sòm, chúng nhớn nhác bay lượn, xà xuống tận nơi kiếm mồi. Quạ như đám âm binh của thần chết mang đến bến sông cái cảm giác rờn rợn.
Dân làm vàng sa khoáng như không để ý đến bọn quạ bay lượn trên đầu. Trừ một lần có một tên giả chết tóm được một con về lấy mật ngâm rượu, lũ quạ ồn ào một hồi, sau đó không bị mắc lừa con người nữa.
ở một nơi như thế này chuyện tình cảm, chuyện lương tâm, đạo lý là một cái gì nhuốm mầu sắc bi hài. Gã thấy khó mà thuyết phục được đối phương giúp cho Thịnh. Nhưng đã lên đến đây, không thể quay về. Gã bảo cô đưa đến lán của Nhân trước đã, vì gã chưa biết y đang ở đâu, gã mới lên lần đầu.
Lán của Nhân ở khu đầu bãi, nơi có mấy cái mái lán lợp giấy dầu. Các lán khác căng bặt hoặc lợp bằng phên nứa. Ba người phải cúi người chui qua những sợi dây chăng ngang chăng dọc phơi quần đùi, áo lót. Nghe tiếng máy cát xét từ một lán nào đó đang rền rĩ một giọng ca tiền chiến nhầu nhĩ. Giọng ca như người khản tiếng vì bia rượu, thuốc lá thuốc lào.
Nhân thấy có người nhà đến vội vứt bộ bài đang cầm trên tay, về lán của mình. Mấy kẻ đang vây quanh ván bài tỏ ý không bằng lòng văng những câu rất tục. Nhân lừ lừ mắt, đáp bằng vẻ sẵn sàng gây sự. Gã vội kéo anh ta nói nhỏ đủ cho Nhân nghe:
- Có chuyện không hay rồi. Đừng để ý chuyện này làm gì. Ra khỏi đây tao cần gặp!
Lán hẹp nhưng cũng có đủ chỗ kê bàn uống nước. Hai bên là hai sạp giải giát nứa làm chỗ rải chiếu nằm.
Rót nước cho mấy người uống, Nhân hỏi ngay:
- Chuyện gì?
Gã đưa mắt cho Thịnh. Cô kể vắn tắt cho anh trai nghe câu chuỵên. Nghe xong y cau mặt:
- Sao bây giờ mày mới nói? Sợ tao biết có tiền lại vay phải không? Nhưng thôi được rồi, để tao cho người gọi nó sang đây nói chuyện. Tử tế không xong thì nói chuyện bằng xà beng. Chỗ này lý sự không ăn thua!
Gã bảo cứ bình tĩnh đã. Bao giờ nóng nảy cũng hay hỏng việc. Mềm như lạt, mát như nước thường lại kết quả. Thịnh cũng nói nên như thế, xảy ra ẩu đả chưa chắc đã hay. Nhân ầm ừ trong cổ không nói, nhưng mắt long sòng sọc. Vừa lúc Du, Thành cò và mấy người dưới bè vào lán. Không kịp ngồi đã hỏi ngay:
- Có chuyện gì không?
Nhân kể lại cho cả bọn nghe một lượt. Du đứng vùng dậy, mắt nảy lửa, vẻ mà từ xưa gã chưa thấy ở con người này bao giờ. Cái vẻ con gái bề ngoài biến mất.
- Sang lán của nó, trùm chăn trói mấy thằng mặt gộc lại. Bọn đàn em bất ngờ không dám phản ứng đâu. Cứ phải dí dao vào cổ nó mới chịu nghe. Nếu không cho xuống chầu hà bá luôn. Nhưng phải chờ đến đêm đã. Ban ngày nó dễ phát hiện...
Nhân đưa tay bóp cằm, chưa nói gì. Gã thấy không ổn, nói nên làm cách khác. Cả bọn im lặng một lúc lâu. Nhân đột ngột gọi Thành cò lại:
- Bây giờ bên lán của bọn nó chắc chỉ còn vài thằng đang nằm bàn đèn. Mày sang bảo vừa có hàng xịn, thứ trắng hẳn hoi. Mời riêng thằng Sướng sang đây. Cứ thản nhiên như mọi khi kẻo bọn nó sinh nghi.
Thành cò lò dò đi ngay, lên bãi được ít ngày xem ra nó nhanh nhẹn bớt vẻ thư sinh hơn hồi đào giếng cho lão Chỉ. Đi được một lúc nó về, mặt ỉu sìu:
- Nó bảo cám ơn, bên ấy nó vừa lấy xong không sang đâu!
Du tức giận nhổ một bãi nước bọt:
- Có tật giật mình. Con cáo già này nó không sang thì mình sang. Bọn con gái ở lại, mấy anh em mình đi!
Du lấy đôi côn giắt vào trong người. Nhân, Thành cò cũng gài côn sau lưng áo. Sự việc diễn ra nhanh đến nỗi gã không kịp nói gì, đành đi theo cả bọn.
Bên lán bọn người Thái Nguyên đã có ý đề phòng. Có những ba tên ngồi dựa vào vách lán có ý thủ thế, mắt gườm gườm nhìn ra cửa.
Nhân, Du, Thành cò và một thằng nữa gã chưa biết tên bước vào lán. Hai cô gái và gã đứng ngoài cửa, chưa vào ngay.
Nhân cố lấy vẻ điềm nhiên nói với bọn kia:
- Tôi với các ông ở bãi hàng tháng nay, đôi bên không có chuyện gì. Các đội khác còn tranh giành va chạm đội bên này về chỗ cắm cũng nhường. Làm ăn ở đây không gì bằng dĩ hoà vi quý...
Một thằng mặt ngựa dài ngoẵng có cái sẹo dài ở má cắt lời:
- Có gì vào đề luôn đi, vòng vo làm gì. Nói mẹ nó ra, đỡ sốt ruột!
Nhân vẫn từ tốn:
- Vậy thì được, tôi hỏi ông Sướng: Có phải chỗ vàng này hôm ông bán cho em gái tôi đây không? - Nhân rút lọ thuỷ tinh bịt kín nắp bằng ni lông, ngoài quấn dây cao su mỏng.
Tên kia chỉ đưa mắt nhìn, chứ không nhìn lọ thuỷ tinh đặt dưới chiếu:
- Thì sao? Thuận mua vừa bán. Chính nó gạ tôi bán cho chứ tôi đâu có ép, đắt quá à? - Nó nhếch mép một cách đểu cáng.
Thái độ của nó khiến Nhân rít qua kẽ răng:
- Gần một nửa là đồng đỏ trộn vào, bây giờ ông tính thế nào?
- Tính thế nào nữa. Trước khi trả tiền nó đã xem cẩn thận. Giờ mang đi những đâu ai biết được là của thằng nào trộn vào!
- Bọn này không dựng chuyện. Tôi sang đây nói chuyện tử tế. Tốt nhất gửi lại ông số hàng này. Ông có thể bán cho người khác. Cái đó tôi không biết. Em tôi nó không có, toàn đi vay, ông không trả nó không còn cách nào...
Thằng mặt sẹo cắt lời:
- Ra là mày kiếm cớ trấn lột có phải không? Biến mẹ chúng mày về, đừng nhiều lời. Bọn tao không bán mua với thằng con nào cả - Vừa nói nó vừa quay lại rút con dao phay gài trên vách, mắt nảy lửa. Tay nó vê lưỡi dao như thể xem sắc hay cùn. Sự việc diễn ra nhanh đến nỗi không ai ngờ. Nhân, Du, Thành cò áp sát hơn vào ba tên kia. Thằng mặt ngựa thét lớn một tiếng áp đảo, vung dao doạ chém. Thuận tay Du vung côn quay đánh vào cánh tay thằng mặt ngựa. Thành cò quất thẳng vào mặt thằng ngồi gần Sướng. Một tia máu vọt ra từ mặt hắn, máu chóng nhèo đỏ khuôn mặt, hắn gục ngay xuống chiếu kêu rống lên như lợn chọc tiết. Sướng lùi vội vào góc lán, tay lăm lăm quả lựu đạn mỏ vịt miệng thét lên:
- Lui ra hết, không tao cho chết cả bây giờ!
Nhân cùng cả bọn vội nhảy ra. Một bóng vút qua, vào lán. Chỉ nghe tiếng kêu  " ối " rợn người. Sướng không kịp rút chốt, quả lựu đạn buông rơi xuống nền đất. Từ người hắn một đám khói đục bốc lên mùi a xít nồng nặc. Cô gái đi cùng Thịnh đã hắt cả lọ axít cực mạnh vào mặt tên đầu đảng. Tiếng la hét vang động một góc trời. Có ba phát súng chỉ thiên. Cả bọn nháo nhào bỏ chạy, nhưng không kịp. Dân quân ở các xã lân cận cùng với hai viên công an đã có mặt. Tất cả bị giữ lại lập biên bản. Trong túi xách của cô gái đi cùng Thịnh còn một tập tiền mới, người ta nghi là tiền giả và lọ thuỷ tinh đựng vàng được gữi làm tang vật. Một chiếc thuyền máy được gọi đến. Người ta đưa cả bọn xuống thuyền về huyện công an.
Gã không ngờ sự việc lại diễn ra như thế dù đã có ý đề phòng. Tự nhiên mình lại dính vào một vụ án không đơn giản chút nào. Một vụ vừa đông người, vừa dùng đến vũ khí  " Nóng " theo cách gọi của nhà điều tra. Gã bàng hoàng không kịp nghĩ ngợi gì. Ngồi trên thuyền gã hoang mang không hiểu kết cục sẽ ra sao. Dù rằng mình hết sức bị động, Chẳng có chủ ý gì trong sự việc vừa xảy ra.
Nhưng ở đời ai học hết được chữ ngờ. Cái tóc cái tội biết đâu mà tránh? Một khi số phận cứ ập xuống mình những tai vạ, rủi ro không lường trước được?
Lũ quạ đang ồn ào, xao xác trên đầu. Không hiểu chúng vui mừng hay hoảng loạn sau việc vừa xảy ra?
Lại theo thói quen, gã rờ tay vào túi. Chiếc nhẫn vẫn còn nguyên ở đấy. Nhưng hình như nó cộm hơn, to hơn lúc bình thường. Gã định rút ra xem, bắt gặp ánh mắt của người công an dẫn giải lại thôi. Hình như anh ta nhận ra điều đó, vội đưa cặp mắt sắc lạnh quay nhìn đi chỗ khác. Không hiểu sao gã thấy bồn chồn, cảm giác như người khó thở.
Vòng trầm luân tưởng đã qua đi, ai ngờ nó vẫn khép kín như vòng tròn của chiếc nhẫn. Một chiếc nhẫn đen đủi, u ám đến lạnh người.





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đại gia Việt đưa Mc Donald về TP HCM giàu cỡ nào?

Bài này Pr cho đại gia Henry Nguyễn, chồng của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái đương kim Thủ tướng Dũng. Kể ra xem tiểu sử của đại gia này cũng thấy kính nể; nhưng vì là con cháu các cụ nên những Pr kiểu này hơi lố bịch. Xem thêm: Nhìn hình đoán "Ái nữ Thủ tướng" bao nhiêu tuổi ?

Đại gia Việt đưa Mc Donald về TP HCM giàu cỡ nào?
(Kienthuc.net.vn) : Henry Nguyễn, một doanh nhân thành đạt gốc Việt đưa Mc Donald, có tiểu sử hoàn hảo và đầy màu hồng.
Henry Nguyễn, tên thật là Nguyễn Bảo Hoàng, sinh năm 1974 tại Sài Gòn trong gia đình có 4 anh em. Đến năm 1975, ông cùng gia đình chuyển sang định cư tại bang Virginia, Mỹ. 
Nguyễn Bảo Hoàng học đại học tại Harvard, tại đây ông được học bổng Harvard National Scholar và tốt nghiệp cử nhân văn học cổ điển với hạng xuất sắc Magna Cum Laude năm 1995. Ông Hoàng cũng đồng thời tốt nghiệp bác sĩ y khoa và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Northwestern và Kellogg School of Management.

Ông Hoàng từng là giám đốc điều hành cho công ty VITC tại khu vực châu Á, một công ty viễn thông Mỹ chuyên về IP và công nghệ. Ông cũng là cộng sự tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs tại NewYork chuyên nghiên cứu về các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và phát triển phần mềm.

Một trong những thành công lớn nhất của ông Hoàng là đầu tư vào VCCORP và PeaceSoft khiến tỉ suất sinh lời nội bộ tăng lên 30%. Theo ông Hoàng, những con số không dừng lại ở đó, trong năm tới lãi suất sẽ tăng gấp 5 lần so với ban đầu. 
Không chỉ là doanh nhân, ông còn là người đam mê thể thao. Ông Hoàng hiện đang sở hữu đội bóng Sài Gòn heat, đội bóng rổ số 1 Việt Nam hiện nay. Ông nói đam mê nâng tầm bóng rổ Việt Nam trở thành số 1 Đông Nam Á. 
Ngày 17/11/2008, ông Hoàng kết hôn với bà Nguyễn Thanh Phượng. Ông Hoàng cho biết,ông luôn mơ ước được quay về quê hương đất nước Việt Nam, lập nghiệp và lấy vợ là người Việt. Giờ đây ông đã có được tất cả những gì mình mong muốn. 
Ông cũng là người có công lớn đưa chuỗi cửa hàng ăn nhanh hàng đầu thế giới Mc Donald về Việt Nam. Những nhà hàng đầu tiên được đặt tại TP HCM do chính ông quản lý. 
“Từ bé đến nay, tôi vẫn luôn là người hâm mộ cuồng nhiệt của McDonald. Đó là nơi tôi có nhiều trải nghiệm thú vị và một trong số đó là việc làm đầu tiên của tôi khi ở tuổi vị thành niên. Từ khi trở về Việt Nam hơn 10 năm trước, tôi vẫn luôn mơ ước một ngày nào đó có thể đưa McDonald’s đến với quê hương mình”, ông Nguyễn Bảo Hoàng nói. 

(Kiến thức)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

100.000 công chức có thể mất việc


Kiều Trinh
VNEXPRESS - Dự thảo tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ đưa ra kế hoạch cho nghỉ việc hoặc về hưu sớm với khoảng 100.000 công chức trong vòng 6 năm từ 2014 đến 2020.

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Nội vụ về chính sách tinh giản biên chế vừa được ban hành, khoảng 100.000 người có thể sẽ mất việc. Đó không chỉ là cán bộ, công chức trong biên chế mà còn cả viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; lãnh đạo, quản lý trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; người làm việc trong các hội có tính chất đặc thù.

Dự kiến, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện trong vòng 6 năm (2014 - 2020), trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Mức phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, còn một người thôi việc là khoảng 90 triệu đồng nên tổng kinh phí dự kiến để thực hiện chính sách tinh giản biên chế là khoảng 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đầu năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chế độ công chức hiện vẫn nặng tính bao cấp, chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ. Đó là chế độ chi vẫn tính trên tổng biên chế nói chung mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí.

Hiện tại, cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức, nhưng theo Phó thủ tướng, 30% trong số đó (khoảng  840.000 người) không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào. 

Nếu quyết định tinh giản 100.000 công chức trong 6 năm được thực hiện, Chính phủ mới giải quyết được 12% công chức không làm được việc.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài của Phạm Đạt Nhân:

Kẻ sĩ ngày xưa và người trí thức ngày nay

          Hoạt động của giới trí thức cũng như mọi hoạt động khác trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, học thuật...đều là hình thái của văn hóa. Văn hóa lại là phần hồn của một nước. Văn hóa cũng là văn minh, cũng là giáo dục. Đối với văn hóa, giáo dục có nhiệm vụ kép: "Giáo dục vừa xây dựng văn hóa cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua." (1) Nói gọn lại là nhiệm vụ xây dựng cái mới và vun bồi, kế thừa cái cũ. Kẻ sĩ xưa và trí thức nay theo nghĩa hẹp là tên gọi khác chỉ người học, người có chữ nghĩa, học cao hiểu rộng và có lương tâm, lương thức. Kẻ sĩ và trí thức khác nhau về cái học (nội dung đào tạo, phương pháp rèn luyện, chỗ đứng trong xã hội) nhưng về vai tuồng, sứ mệnh đối với xã hội, với nhân tâm, thế đạo thì không khác. Kẻ sĩ hay trí thức mãi mãi là hình thái văn hóa. Văn hóa là phần hồn của đất nước. Cái học ngày xưa có gì khác với cái học ngày nay ? Và kẻ sĩ ngày xưa nắm giữ vai tuồng gì đối với quốc gia, xã tắc ?
          Trước hết hãy luận bàn về cái học ngày xưa của kẻ sĩ. Chữ Sĩ trong hai tiếng Kẻ Sĩ ngày xưa chỉ người đi học, người học trò (Sĩ tử) còn chữ Kẻ là cách xưng hô khiêm hạ, nhún nhường. Học đường ngày xưa là "cửa Khổng sân Trình". Mạng lưới giáo dục ngày xưa không quy mô như ngày nay. Học vấn, kinh sách mà người học nghiên cứu là Đạo Nho, còn gọi là Nho học. Nho học không đơn thuần là hệ thống tri thức mà còn là học thuyết về đạo đức. Người thông nho gọi là Nho sĩ. Nho học là môn học đạo đức và chính trị (hiểu theo nguyên nghĩa) - Cái chính trị diễn dịch từ đạo đức - Khác với ngày nay đạo đức diễn dịch từ chính trị. "Học cho biết cương thường đạo lý" (Đạo đức), học cho biết cách vật trí tri (Chính trị- Khoa học). Ngày xưa không tách rời đạo đức với chuyên môn. Chuyên môn gắn với đạo đức, nghề nghiệp (Đạo nghệ). Dạy đạo đức chính trị là dạy cách làm người và cách quản lý xã hội, lãnh đạo đất nước. Từ thứ dân cho đến vương tử, muốn làm quan, làm vua đều phải qua cửa Khổng sân Trình. Học hành, đỗ đạt, làm quan, về nhàn là chương trình hành động của kẻ sĩ ngày xưa. Sĩ đứng đầu trong tứ dân (Sĩ, Nông, Công, Thương). Sĩ đứng ở bậc thang giá trị cao nhất trong xã hội. Kẻ sĩ không nhất thiết xuất thân từ quý tộc mà có thể xuất thân từ giai cấp cùng đinh. Bằng con đường khoa cử, ai ai cũng có cơ hội tham gia quản lý xã hội, lãnh đạo đất nước. Nho học chủ trương "Cử hiền tài". Ai có thực tài, thực học, là người hiền đức thì được tiến cử. Kẻ sĩ được đắc dụng, trọng vọng, tôn vinh trong chế độ văn trị, đức trị. Còn đối với chế độ pháp trị hà khắc, kẻ sĩ lại là thành phần nguy hiểm, dị ứng đối với bạo quyền, độc đoán. Xét về lịch sử, nhà Chu bên Tàu, là triều đại văn trị đầu tiên mở nhà học hoàn bị, đào tạo một số người nghiên cứu kinh sử để khi ra làm quan đem cái học ra giúp nước. Nhà Chu suy vong, nhà Tần dấy lên, Tần Thủy Hoàng theo chế độ pháp trị, độc tài bạo ngược, căm ghét học trò và sợ hãi kinh sách nên có chủ trương đốt sách chôn học trò (phần Thư khanh nho). Đến đời nhà Hán, Nho học được phục hưng, phục hoạt đã trở thành quốc học. Địa vị kẻ sĩ từ đây có cơ hội đem sở học của mình ra giúp nước. Bằng con đường khoa cử, ai ai cũng có cơ hội tham gia quản lý xã hội. Theo quy luật xã hội, trong một chế độ không tạo cơ hội cho kẻ hiền tài tham chính thì bọn xôi thịt có nhiều cơ hội đầu cơ chính trị. Khoa cử là sáng kiến của nhà Hán, đã đưa địa vị kẻ sĩ lên đứng đầu tứ dân.
    "Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý"
                                 (Nguyễn Công Trứ)
          Ở nước ta, nhà Lý kế thừa nhà Đinh, nhà Tiền Lê giữ vững thời đại tự chủ đối với giặc phương Bắc. Thời Lý là thời đại vàng son trong lịch sử nước ta. Được như vậy là nhờ thời Lý mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão) để tạo nhiều cơ hội cho nhiều ý hệ tham gia chính trường. Mặc dù Phật giáo vẫn là quốc giáo song Nho học vẫn được đề cao. Các vua đời Lý đã đưa con đến cửa Khổng sân Trình để học làm người trước khi làm vua. Nhà Trần kế thừa nhà Lý vẫn tiếp tục mở các khoa thi Tam giáo. Nhờ vậy mà nhà Trần đã ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Đến đời nhà Lê, độc tôn Nho giáo, loại trừ nhiệm vụ giáo dục của tôn giáo. Do vậy mà nhà Lê bị cô lập dẫn đến hậu quả mất nước về tay giặc Minh. Ở những triều đại rộng mở, phóng khoáng, dung nạp được nhiều tư tưởng trái ngược, giữa thế quyền và kẻ sĩ ăn ý cùng nhau, cùng nhau hợp tác. Vua thì có quyền, kẻ sĩ thì có học. Cả hai trợ lực nhau trị an xã hội, giữ vững chế độ. Kẻ sĩ ngày xưa có hai con đường hành động : Xuất và Xử. Xuất là ra làm quan, Xử là lui về ở ẩn. Nếu gặp minh chủ thì ra hợp tác. Nếu gặp hôn quân thì ra treo ấn từ quan, lui về ẩn dật. Đó là khí tiết kẻ sĩ. Dù Xuất hay Xử bao giờ cũng chính tâm thành ý, một mực giữ đạo cương thường. Cổ thời, có những mỹ từ dùng để tôn vinh, ngưỡng phục, đề cao kẻ sĩ như : Sĩ hạnh, Sĩ khí, Sĩ tiết, Danh sĩ, Học sĩ hàn lâm, Chí sĩ...Tuy vậy, trong giới Nho học vẫn không ít bọn hủ nho, ngụy nho do đọc không hết sách, hiểu không hết lời, tri hành không hợp nhất (cũng như ngày nay bên cạnh chân trí thức vẫn không ít ngụy trí thức, ác trí thức)
            Người trí thức ngày nay có gì khác so với kẻ sĩ ngày xưa ? Dùng quan niệm người trí thức thay cho quan niệm kẻ sĩ không được tương thích cho lắm. Nhưng không có từ nào thích hợp hơn. Quan niệm về người trí thức ngày nay thật khó mà giới thuyết rạch ròi, định vị phân minh. Tuy vậy giữa kẻ sĩ và trí thức vẫn có một điểm đồng là người có học (có sở tri, có sở kiến). Chỗ khác biệt rõ nét nhất là cái học ngày xưa và cái học ngày nay khác nhau về nội dung, về phương pháp, về mục tiêu đào tạo. Ngoài ra địa vị và vai trò của người trí thức ngày nay không được đề cao, trọng vọng như xưa. Tuy nhiên như đã nói ở trên, kẻ sĩ hay trí thức đều là sản phẩm của một nền giáo dục mà giáo dục cũng là văn hóa. Đối với văn hóa, giáo dục có hai nhiệm vụ chính: Vừa xây dựng, định hướng cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi, kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua. Trí thức của ngày hôm nay không thể đoạn tuyệt, quay lưng lại truyền thống văn hóa của ngày hôm qua. Những sở tri, sở học, sở kiến, sở đạt của trí thức ngày hôm nay, phát nguyên từ nguồn mạch của văn hóa truyền thống. Phủ nhận văn hóa truyền thống là tự bóp chết cái hồn của dân tộc, là bất tiếu (2). Jasper định nghĩa văn hóa là cái gì còn lại sau khi ta quên hết. Cái còn lại đó là cái hồn, cái tinh hoa, tinh túy của cả dân tộc. Không có gì hoàn toán mới mà không ẩn chứa cái cũ. Cụ Nguyễn Công Trứ nói "Chỗ mà ngày nay chúng ta ngồi thì người xưa đã từng ngồi rồi" (Ngã kim nhật tại tọa chi địa. Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi). Một nền giáo dục không chú trọng đến cổ văn, cổ sử thì sớm muộn gì cũng đào tạo một lớp trí thức lai căn, mất gốc (chương trình văn học cổ ngày nay chỉ giúp cho Thầy và Trò dắt nhau vào một gian hàng đồ cổ, chỉ có thể liếc mắt nhìn qua rồi đi ra chứ không mang gì được về nhà). Dưới thời Pháp thuộc, Tây học thay thế cho Nho học, Trần Tế Xương đã than thở :
"Cái học nhà Nho đã hỏng rồi !
Mười người đi học chín người thôi "
          Đất nước bị đô hộ thì tất nhiên văn hóa bị nô dịch. Cái học nhà Nho đã hỏng vì chẳng mấy ai còn đi học Nho song cái hồn của Nho sĩ vẫn còn đó. Các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là những nho sĩ kiệt xuất mà còn là những chí sĩ yêu  nước thương nòi. Bài thơ "Bài ca chúc Tết thanh niên" của cụ Phan Bội Châu là hồi chuông cảnh tỉnh, đánh thức biết bao thanh niên mê chơi, mê ngủ trước cảnh quốc phá gia vong. Khi tự mình nhổ ra khỏi gốc rễ truyền thống thì chẳng khác nào những cô hồn sống không nơi nương tựa.
           Trí thức ngày nay là hậu duệ của kẻ sĩ ngày xưa. Đã là hậu duệ ít nhiều cũng ảnh hưởng gen di truyền của tổ tiên ngày trước.
           Địa vị xã hội của trí thức ngày nay không còn được đề cao trọng vọng như ngày xưa. Xã hội ngày nay bị phân hóa ra làm nhiều giai cấp, tầng lớp và người ta chỉ chú trọng đến kinh tế hơn là trí thức, tâm linh. Ngày nay, các đại gia, các nhà đầu tư làm chủ xã hội. Những người trí thức có văn bằng cao đi làm thuê cho các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp cấu kết với quyền lực chính trị để có đặc quyền, đặc lợi. Ngoài ra do nhu cầu giải trí càng ngày càng cao nên giới thể thao, giới tài tử điện ảnh, giới ca sĩ được coi trọng hơn cả trí thức (nhiều ca sĩ nổi tiếng mang bệnh "ngôi sao", được phỏng vấn trên truyền hình tỏ ra hãnh tiến, hợm hĩnh kênh kiệu một cách lố bịch). Ngày nay văn hóa đọc cũng bị lấn át bởi văn hóa nghe nhìn.
          Qua nhiều giai đoạn lịch sử, số phận của kẻ sĩ cũng như trí thức cũng lắm thăng trầm. Có thời kỳ trí thức là thành phần nguy hiểm cần phải "Đào tận gốc, trốc tận rễ". Thậm chí có thời trí thức bị coi như "cục phân". Nhưng dù ở hoàn cảnh nào thì người trí thức vẫn giữ được tiết tháo của mình. Kẻ sĩ ngày xưa "Uy vũ bất năng khuất. Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di." Tuy vậy ngày nay vẫn có loại trí thức "trùm chăn", im tiếng, thờ ơ, bàng quan trước những bất công xã hội, cường quyền bạo ngược.
          Trí thức ngày nay cũng khác kẻ sĩ ngày xưa về nội dung giáo dục đào tạo. Ngày nay khoa học phát triển đòi hỏi có sự chuyên biệt hóa các ngành học. Môn học đạo đức tách ra ngoài các khoa học chuyên môn. Đào tạo chuyên môn và giáo dục đạo đức là hai ngành học khác nhau. Ngày xưa, kẻ sĩ vừa học cương thường đạo lý (đạo đức) vừa học "cách vật trí tri" (Khoa học), vừa học văn vừa học võ. Thành ngữ "Nho khả bách vi" nói lên tính đa năng, đa dụng của kẻ sĩ. Cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa, khi thì xử án, lúc đi dinh điền, lúc viết sử, lúc đánh giặc, lúc làm thơ. Ngày nay do hiểu biết của xã hội vô cùng rộng lớn nên học chuyên ngành là điều tất yếu. Nói như vậy không phải chỉ có những giáo sư, văn sĩ, học giả mới là trí thức. Bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nhà toán học vẫn là trí thức. Quý hồ là những người này có văn hóa, có tinh thần khoa học, có lương tâm nghề nghiệp. Có tri thức, có học vấn chưa chắc là có văn hóa. Đành rằng muốn có văn hóa phải thông qua học vấn. Tri thức khoa học là điều kiện ắt có chứ chưa đủ có để trở thành người trí thức. Có người cho rằng người lao động trí thức (intellectual worker) không phải là trí thức. Nói vậy e không đúng. Người lao động trí thức vẫn là người trí thức nếu họ có lương tâm khoa học. Einstein nói "Khoa học mà không có lương tâm là sự tàn lụi của tâm hồn". Cũng có người cho rằng người trí thức là người lao động trí óc. Điều này e cũng không đúng. Bởi vì lao động nào mà chẳng cần đến trí não ? Hơn nữa một người lao động chân tay có vận dụng trí óc một cách triệt để, chịu khó rèn luyện, học tập, mài mò phát minh ra những máy móc cải thiện kỹ thuật lao động chẳng phải trí thức ư ? Trái lại một bác sĩ chuyên móc tiền trong túi bệnh nhân; một kỹ sư không chế nổi một cái máy thông dụng, một giáo sư toán lý luận tiền hậu bất nhất, nhà văn nhà báo bẻ cong ngòi bút ...họ cũng không phải là trí thức.
         Người lao động trí óc mang nhiều nọa tính (3) : không động não, không tỉnh thức, thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng, không biết đau niềm đau của tha nhân, không ưu thời mãn thế cũng không gọi là trí thức.
         Thông thường những người học cao, chuyên môn cao, được mệnh danh là trí thức. Điều này cần phải xét lại. Học cao, chuyên môn cao phải có thực học, thực lực, thực tài và thực tâm mới xứng đáng là trí thức. Bây giờ vàng thau lẫn lộn, thực-giả bất minh, bằng giả tràn lan, bằng thật mà học giả cũng không ít. Cho dù bằng thật, học thật mà không băn khoăn thao thức về những tệ nạn trong xã hội, những tệ đoan trong đời sống văn hóa, những bất bình trong nhân dân... thì cũng chưa thể gọi là trí thức. Đó là loại ngụy trí thức, tuy có thực tài, thực học nhưng chỉ dùng tài trí của mình, bằng cấp, học vị của mình để phủ đầu, áp đảo những trí thức khác kiểu "Vú lớn lấp miệng em".
          Chân trí thức bao giờ cũng vừa tỉnh thức vừa đánh thức xã hội, định hướng xã hội, dẫn dắt quần chúng hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Thời nay, có nhiều người bằng nào cũng lấy, hội nào cũng vào, ghế nào cũng ngồi, chức danh nào cũng đạt, song không hề có một phát minh, phát kiến nào mới mẽ cho nhân quần xã hội nhích thêm một bước nào.
          Kẻ sĩ ngày xưa là người quân tử có vai trò định quốc an dân. Họ luôn quan tâm đến nhân tâm thế đạo, sự hưng vong của đất nước. Họ tự nhận là cán bộ của Nho giáo. Dù xuất hay xử, ra làm quan hay lui về ẩn dật vẫn một niềm ưu ái đối với dân, với nước. Trí thức ngày nay cho dù có học vấn, chuyên môn cao nhưng không quan tâm đến cộng đồng, xã hội, không gây được ảnh hưởng gì trong đời sống văn hóa, học thuật, không lắng nghe được tiếng kêu than nơi thôn cùng xóm vắng...  thì cũng chỉ là những "ông phổng đá" mà thôi . Trái lại, có những vị mới chỉ đậu tú tài như cụ Nguyễn Hiến Lê đã miệt mài tự học, tự rèn luyện để trở thành một học giả có uy tín và có tầm ảnh hưởng to lớn trong nhiều thế hệ. Riêng tủ sách học làm người của cụ đã giúp cho không ít người hoàn thiện được nhân cách làm người đích thực là người. Cụ xứng đáng với lời khen tặng   :
"Phú quý mạc cầu, phấn phát băng tâm cư loạn. Thư hoa chân ái, sổ thiên văn tự lưu phương." (Phú quý chẳng cầu, giữ tấm lòng son thời loạn. Sách hoa riêng thích, để đời văn tự ngàn chương)
Công trình học thuật của cụ Nguyễn Hiến Lê có ảnh hưởng lâu dài và to lớn cho nhiều thế hệ mai sau.
Cái học ngày xưa khác cái học ngày nay, không những về nội dung mà còn về phương pháp học. Sách Trung Dung dành riêng một phần quan trọng bàn về phương pháp học tập của Nho sĩ ngày xưa. Phương pháp này đại loại tóm gọn trong mấy từ sau :  Bác học (người đi học phải học cho giỏi) thẩm vấn (hỏi thì hỏi cho kỹ); thận tư (suy nghĩ thì suy nghĩ cho cẩn thận); minh biện (biện luận cho rõ ràng); đốc hành (cố tâm thực hành điều mình biết). Học thì phải học cho thật giỏi, nghĩ thì phải nghĩ cho ra lẽ, hỏi thì phải hỏi cho biết mới thôi, làm thì phải làm cho hết sức mình. Ngoài ra phải khiêm tốn, thật thà, không giấu dốt, không nói những điều mình không biết rõ (biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy - Khổng Tử). Phương pháp rèn luyện của người trí thức là tự mình thấy, tự mình nghĩ ra điều tự mình thấy để hành động khi đã thực biết.
         Cũng có những phương pháp giáo dục áp đặt, nhồi sọ bắt buộc người học phải nhìn một hướng, nghĩ một chiều, nói một kiểu, làm một cách, thiên về một phía.
         Chỗ dị biệt rõ nhất của kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay là nội dung và phương pháp học tập, rèn luyện. Tuy nhiên vẫn có một điểm tương đồng là vai trò, sứ mạng của kẻ sĩ ngày xưa không khác gì với vai trò và sứ mạng của trí thức ngày nay. Vì như trên đã nói, hoạt động của giới trí thức ngày nay cũng như những hoạt động khác của đời sống dân tộc đều là hình thái của văn hóa. Văn hóa lại là phần hồn của một nước. Văn hóa vừa là văn minh mà cũng vừa là giáo dục. "Nhiệm vụ của giáo dục vừa xây dựng văn hóa cho ngày mai thụ hưởng, vừa vun bồi, kế thừa truyền thống văn hóa của ngày hôm qua" (4)
         Kẻ sĩ xưa và trí thức nay đều là sản phẩm của một nền giáo dục. Trí thức ngày nay vẫn còn giữ được địa vị tinh thần của kẻ sĩ ngày xưa. Muôn đời, trí thức vẫn là người cầm bó đuốc tinh thần của nhân loại, giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của một dân tộc. Trong một xã hội nặng mùi vật chất, đồng tiền là vạn năng, giá trị tinh thần thuộc về thứ yếu, đời sống tâm linh nghèo nàn, tình người đắt đỏ hiếm hoi...thì địa vị tinh thần của người trí thức cần được đề cao, coi trọng hơn bao giờ hết. Quốc gia, dân tộc hưng thịnh hay suy vong thì người thất học cũng phải có trách nhiệm huống chi là người có học (quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách).


Phần nhận xét hiển thị trên trang

The Mountain of Mistery | Full Documentaries - Planet Doc Full Documenta...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bát tuần rồi Nguyên Ngọc ơi!

Phạm Duy Hiển

Thật nực cười khi nghĩ rằng Nguyên Ngọc phải tiếp tục cho ra những tiểu thuyết, những sử thi thời hậu chiến, thì mới xứng đáng là nhà văn lớn. Tại sao làm những việc mà Nguyên Ngọc dốc sức trong mấy năm nay lại chưa xứng tầm một nhà văn lớn?

Gần đây rộ lên một chủ đề rất lý thú: Tại sao văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn? Biết phận mình ngoại đạo, tôi chỉ háo hức theo dõi, không dám ho he. Nghĩ bụng không riêng gì văn học, tất thảy… từ khoa học tự nhiên, xã hội đến nghệ thuật, nhân văn đều thấp lè tè. Không có rừng, chỉ lau lách chen chúc với cây bụi. Trên mảnh đất không thể mọc lên cây cao, sum suê, cho dù có gieo lên những hạt giống tốt nhất. Đi tìm nguyên nhân thiếu tác phẩm văn học lớn ắt sẽ bắt gặp mảnh đất ấy.

Tình cờ một hôm bên cốc cà phê có người mách: “… Hình như bí hết cả rồi! Đến Nguyên Ngọc từng có Đất nước đứng lên được giải nhất Hội Văn nghệ ngay sau hòa bình lập lại 1954, Rừng xà nu được tuyển vào sách luyện văn cho học trò, sau đó lại có Đề dẫn khởi động phong trào đổi mới văn học, nhưng mấy năm nay không thấy tăm hơi gì nữa”.

Đây rồi! Một gợi ý chí lý, một mũi tên lạc hướng mà trúng đích. Chính Nguyên Ngọc đã trăn trở với nan đề trên và đi tìm lời giải cho hiện tượng làng nhàng, sản phẩm tất yếu của số đông được chăm sóc, hay đúng hơn, được chăn dắt chu đáo. Nhưng anh vượt lên trên cái mẫu hình văn học hiện thực phải đạo nổi tiếng của Hoàng Ngọc Hiến để tìm đến ngọn nguồn văn hóa, rộng hơn về không gian lẫn thời gian, thậm chí còn dấn thân vào một hành trình thử nghiệm đầy thách thức.

Nguyên Ngọc người Quảng Nam. Thỉnh thoảng ta vẫn thấy chất Quảng đặc sệt trong anh. Nói thỉnh thoảng, vì chất Quảng được pha trộn nhiều, bớt đậm đặc và cực đoan hơn, do anh đi nhiều, sống ở nhiều nơi, các tỉnh miền Trung và nhất là Tây Nguyên, một miền đất huyền ảo. Thích được rủ rê và cũng hay rủ rê người khác đi cho vui. Lang bạt kỳ hồ để hiểu, tận hưởng, có khi cái chết cận kề trong gang tấc mà cứ thấy nhẹ tênh, nên nét khắc khổ xứ Quảng đã phai mờ, chỉ còn lại một lãng tử Nguyên Ngọc. Lãng tử từ trẻ cho đến tận bây giờ.

Trong kháng chiến chống Pháp, Quảng Nam bị chiếm, chỉ một rẻo nhỏ phía Nam nối liền với vùng tự do kéo dài đến tận Phú Yên qua hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Ở tuổi mười lăm, Nguyên Ngọc vào học Lê Khiết, nơi thầy Hoàng Tụy dạy toán. Thầy lớn hơn anh năm tuổi. Thầy Tụy có lúc tiết lộ: Ngọc giỏi toán lắm. Nhiều lúc tôi nghĩ giá Nguyên Ngọc đi làm khoa học, chắc anh sẽ rất thành công.

Nguyên Ngọc thông tường đến kỳ lạ mọi ngõ ngách ở miền Trung và Tây Nguyên. Quảng Nam thì khỏi nói, hình như không có mét vuông đất nào thiếu dấu chân anh, tôi giễu anh khi được anh rủ đi chơi đâu đó trong xứ Quảng. Còn Quảng Ngãi, nhiều lúc tôi cứ tưởng chính anh, chứ không phải tôi, đã từng sinh ra ở đây. Đi với anh khỏi phải lo, ở đâu cũng có người quen. Anh quen từ những người bình thường (nhưng phải có một đặc điểm nào đó) đến lãnh đạo cao cấp nhất trong vùng như Tướng Nguyễn Chánh thời kháng chiến chống Pháp khi anh còn là một lính văn phòng đến ông Võ Chí Công thời chống Mỹ, sau này làm Chủ tịch nước. Mỗi người, mỗi địa danh trong bộ nhớ của anh đều có một vài dấu tích, có thể là một sự tích, chuyện vui, hoặc trải nghiệm bản thân. Lúc thích hợp, anh có thể lôi ngay nó ra khiến người nghe phải ngỡ ngàng.

Quen Nguyên Ngọc, nhiều lúc tôi chỉ ước ao sao cho dung lượng bộ nhớ của mình bằng được một phần mười của anh. Trong Lễ thổi tai và rượu cần anh lý giải tại sao anh giữ được bộ nhớ đồ sộ như vậy:

Nhớ và quên, ngẫm mà xem, phải chăng nói cho cùng đó là hai lẽ sinh tồn tuy hai mà một, hai mặt chủ yếu không thể tách rời của công cuộc làm người ở đời. Không biết nhớ thì hiển nhiên không thể là con người rồi. Song sống mà không biết quên, không có những lúc biết quên đi đến mức “nẻ cả lỗ tai” thì cũng chẳng thể nào sống nổi trên cõi nhân gian biết mấy khổ đau, quá phức tạp và nhiêu khê này. Cuộc đời này, phải chăng lắm lúc cũng đáng quên biết bao nhiêu, quên phứt đi cho rảnh, cho rồi, mà ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống để mà nhớ lấy biết bao nhiêu…

Bắt chước anh khó quá! Hồi nhỏ mình không được mẹ làm lễ thổi tai nên trí nhớ kém, lớn lên lại không biết uống rượu cần nên chuyện gì không nhớ được là quên luôn. Riêng có mấy lời các cụ xứ Quảng răn con cháu thì tuy khó mà vẫn nhớ được, nhớ để thỉnh thoảng còn “điểm huyệt” Nguyên Ngọc:

Bất giao Thừa Thiên hữu,
Bất thú Quảng Nghĩa thê,
Bất thương Bắc Hà khách,
Bất đấu Bình Định kê.

Tôi hay đùa với Nguyên Ngọc: Sao cả hai thầy trò anh không nghe lời bề trên? Thầy Tụy dạy ở trường Lê Khiết lại phải lòng một nữ sinh con nhà danh gia vọng tộc xứ Quảng Ngãi. Còn anh, sau khi tung tăng khắp bốn phương trời lại hạ cánh xuống Bình Định, miền đất nổi tiếng các nữ hổ, sao anh không ngán? Nguyên Ngọc cười “hai người ế gặp nhau mà!”. Thế mà vào tuổi bát tuần chị Tâm lại khen anh … còn hiếu động lắm!

Phải chăng Quảng Nam hay cãi là thế. Mà chính tính cách đó đã làm nên cái địa danh văn hóa hàng đầu này của đất nước với những ngôi sao vằng vặc trên bầu trời cũng chính là những con người Quảng Nam nhất, như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi v.v… Thời nay trong số những ngôi sao ấy không thể thiếu Hoàng Tụy và Nguyên Ngọc. Nhưng anh Nguyễn Văn Hạnh, bạn học của Nguyên Ngọc thời niên thiếu, bạn nghiên cứu sinh của tôi hồi ở Đại học Moscow, lại quả quyết rằng Quảng Nam thời nay không chỉ có hai người này đâu nhé. Ở cực bên kia, cùng phe ta cả, có mấy vị A, B, C chẳng kém cạnh chút nào. Tôi chẳng quen biết mấy vị nên không thể bình luận gì. Nghĩ bụng, chắc họ cũng cãi dữ lắm, họ cãi lại những gì không hợp với chính thống.

Đi tìm ngọn nguồn văn hóa cho những nan đề của đất nước, Nguyên Ngọc đến với người đồng hương Phan Châu Trinh. Là nhà văn, anh nghiên cứu Phan Châu Trinh với hơi thở và nhịp đập hòa vào nhân vật. Nhưng anh không biến Phan Châu Trinh thành nhân vật tiểu thuyết mà quyết liệt trong cách tiếp cận khoa học, từ việc lôi ra cho được những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi mà lâu nay còn ẩn mình trong các thư tịch hiếm hoi, đến việc xem xét tác động của trào lưu duy tân trên toàn thế giới đến phong trào Duy Tân ở nước ta, để cuối cùng chứng minh con đường này có giá trị phổ quát.

Tôi không đủ hiểu biết và điều kiện để xem các sử gia từng nghiên cứu Phan Châu Trinh đã nói gì. Nhưng tôi có cách tiếp cận khác, xem học sinh được học những gì về Phan Châu Trinh, qua đó biết được một cách cô đặc và chính xác nhất cách hiểu và đánh giá Phan Châu Trinh trong giới chính thống. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11 dày 154 trang có năm trang dành cho bài số 23: “Phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Chiến tranh Thế giới Thứ nhất”, trong đó có đề mục thứ hai dài một trang “Phan Châu Trinh và xu hướng cải cách”. Bài được mở đầu thế này:

“Ông là người sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, chủ trương cứu nước bằng biện pháp cải cách như nâng cao dân trí, dân quyền, dựa vào Pháp để đánh đổ ngôi vua và bọn phong kiến hủ bại, xem đó như là điều kiện tiên quyết để giành độc lập” (chữ nghiêng của tôi).

Chưa hết. Các nhà soạn sách còn cố ý chừa lại một điểm nhấn dành cho học sinh tự suy ngẫm trong mục gợi ý ở cuối bài: “Hãy nêu những sự kiện chứng minh Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản…”.

Chao ôi, người ta sợ cái món dân chủ tư sản quá, rồi đem bóng ma ấy ra hù học trò! Họ gói phong trào Duy Tân cùng với khẩu hiệu khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh nổi tiếng của cụ Phan lại thành một cục, đóng lên đó cái triện “dân chủ tư sản” và “dựa vào Pháp” để cho người đời quên đi một trào lưu nổi bật trong lịch sử. Rất dễ hiểu vì sao Nguyên Ngọc và các đồng nghiệp phải dày công “lật lại” hồ sơ Phan Châu Trinh, cố gắng đặt phong trào này lại đúng chỗ trong dòng chảy lịch sử cận đại.

Tôi không dám đả động đến chuyện đúng sai của các nhân vật lịch sử. Phan Châu Trinh không đi đến đích là đương nhiên, nhưng như vậy không hề có nghĩa ông không đúng, hoặc chỉ là một khúc nối nhỏ để tránh cho lịch sử khỏi bị đứt quãng. Phong trào Duy Tân ở Nhật do Fukuzawa, Ikuchi,.. khởi xướng đã thành công nhờ có sự đốc thúc mạnh mẽ của chính Minh Trị Thiên hoàng và được tầng lớp tư sản đang lên samurai dốc lòng ủng hộ. Một nước không mấy tiếng tăm cạnh ta như Thái Lan cũng thành công ít nhiều trong canh tân hồi đầu thế kỷ trước là nhờ có một Bộ trưởng là nhà văn hóa lớn nằm ngay trong Chính phủ Hoàng gia. Ngược lại, ở Việt Nam một phong trào vận động quần chúng canh tân như thế làm sao khỏi bị chính quyền thực dân thẳng tay bóp chết khi còn trong trứng nước.

Điều trớ trêu là sau hơn một thế kỷ, có chính quyền trong tay, với điều kiện tốt nhất chưa từng có trong lịch sử để khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, chúng ta lại không làm quyết liệt. Nếu nhận thức đúng, và làm theo triệt để, mọi việc đã có thể khác. Tiêu cực xã hội tràn lan, lên đến tột đỉnh, đang đe dọa tương lai đất nước là điều rất dễ hiểu.

Tiếp thu tinh thần Duy Tân, Nguyên Ngọc bỏ ra nhiều công sức để dịch thuật, từ J. P. Satre, M. Kundera, F. Julien và nhiều tác giả khác chuyên sâu về văn hóa Tây Nguyên. Anh đi đầu, giương cao ngọn cờ Tân văn trong văn học nghệ thuật, lá cờ đã đưa Nhật Bản đến thành công. Anh vật lộn với các tác phẩm kinh điển để tự học và cho đồng nghiệp cùng học bởi nỗi trăn trở không nguôi đối với lớp nhà văn trẻ không có ngoại ngữ và thiếu kiến thức nền về văn hóa.

Thời nào cũng vậy, mà nhất là thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay, cứ hài lòng quanh quẩn trong sân nhà, rồi tán dương tâng bốc nhau, làm sao ra được tác phẩm lớn. Muốn biết tác phẩm lớn nhỏ phải đem chúng đặt lên hệ quy chiếu toàn cầu, phải chấp nhận phương pháp luận và chuẩn mực phổ quát trên thế giới. Văn học, dù viết bằng tiếng Việt, chắc không tránh khỏi quy luật này. Hãy bỏ cái thói kiêu ngạo vô lối “ta có con đường của ta”. Hãy đừng sợ diễn biến hòa bình mà không chịu xông lên các sân chơi quốc tế, con đường độc đạo đưa chúng ta lên đỉnh cao. Hãy xem Olympic 2012, xem cả cái cách mà khắp nơi người ta tôn vinh các vận động viên hàng đầu thế giới như thế nào. Đơn giản là thế, song không phải ai cũng chịu nhận ra và dấn thân như Nguyên Ngọc.

Thật nực cười khi nghĩ rằng Nguyên Ngọc phải tiếp tục cho ra những tiểu thuyết, những sử thi thời hậu chiến, thì mới xứng đáng là nhà văn lớn. Tại sao làm những việc mà Nguyên Ngọc dốc sức trong mấy năm nay lại chưa xứng tầm một nhà văn lớn? Không chỉ trong văn học, trong khoa học cũng có chuyện buồn cười tương tự. Nhiều người không dám bứt phá, bị quá khứ huyễn hoặc, rồi chịu chết “lâm sàng” trong cái chuyên ngành chật hẹp của mình. Trong khi khoa học, cả tự nhiên lẫn xã hội, nhân văn, từ lâu đã là đa ngành.

Mà Nguyên Ngọc vẫn viết truyện ngắn đấy chứ, và những tác phẩm hay nhất của anh vẫn là về Tây Nguyên. Vẫn giọng văn đó, không lẫn với ai, nhưng truyện Tây Nguyên của anh bây giờ, theo tôi, còn hay hơn ngày trước nhiều. Trước đây anh là một tráng sĩ – nhà văn, bây giờ anh viết văn trên tư thế một nhà văn hóa được trang bị đầy đủ kiến thức Đông - Tây kim cổ.

Rừng xà nu là một bản anh hùng ca, có chỗ đứng khá trang trọng trong sách Ngữ văn lớp 12, song với tôi, nó không hấp dẫn bằng mấy truyện ngắn anh viết gần đây về rừng Tây Nguyên như Tượng gỗ rừng già, Người hát rong giữa rừng, Lễ thổi tai và rượu cần... Rừng xà nu không thoát khỏi dòng văn học “minh họa”, do đó buộc phải bằng những tình huống cực đoan nhất, khốc liệt nhất trong chiến tranh để minh họa chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ngược lại, mấy truyện ngắn gần đây của Nguyên Ngọc về rừng Tây Nguyên là chuyện đời thường, rất “thường” là khác, nhưng lại rất kỳ lạ, đọc chúng cứ thấy ngỡ ngàng như người bị lóa mắt khi bước từ bóng tối ra ánh sáng. Nhân vật Tnú trong Rừng xà nu thật anh dũng, anh bóp cổ thằng Dục bằng bàn tay rụi hết cả ngón do chính tên ác ôn này đốt khi tra tấn anh và giết chết vợ anh trước đó. Nhưng hành động này không lạ bằng anh chàng cục mịch được linh ứng đi vào rừng già tìm khúc gỗ đẽo tượng trong dịp cất nhà rông của làng. Lạ hơn nữa, anh chàng này nhìn Nguyên Ngọc một cách đầy ác cảm và tức tối khi nhà văn từng có những tác phẩm để đời về Tây Nguyên lại lẩm cẩm hỏi mua anh một chiếc tượng gỗ đem về bày lên bàn làm việc. Nó chạm đến chỗ linh thiêng nhất của người Gia Rai: Rừng.

Rừng ở Tây Nguyên đầy hoang dại, bí ẩn, linh thiêng, là nơi con người trực tiếp với thần linh và được thần linh che chở. Không phải cồng chiêng, lễ hội… mà chính rừng mới là cội nguồn văn hóa ở miền đất này, Nguyên Ngọc thật tuyệt vời khi nhắc nhở chúng ta điều này. Phá rừng Tây Nguyên, đẩy người dân tộc ra khỏi rừng, là tội phạm.

Ở tuổi bát tuần Nguyên Ngọc vẫn đi. Tôi luôn nhìn chừng anh đang đi ở tốp trước và theo sau. Xa hơn một chút về phía trước còn có thầy Hoàng Tụy. Khoảng cách đến hai người đo theo chiều kích thời gian là 5 và 10 năm. Đi cho đến bao giờ hở anh? Anh cười đầy tự tin: “Đi mãi…, để còn thấy con tạo xoay vần đến đâu”. Nhưng mà đã bát tuần rồi, anh Ngọc ơi!

TiaSang Online


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khổ thân cụ quá cụ ơi:

Tết Giáp Ngọ - Buồn!!
Gần tám mươi năm sống trên đời từ thời mồ ma “phong kiến - thực dân”, qua các chế độ chính trị - xã hội khác nhau, tôi nếm trải khá đủ hương vị cuộc đời. Nhiều Tết cổ truyền in đậm trong tôi những ký ức vui buồn không thể nào quên! Tết Giáp Ngọ là cái Tết buồn đối với tôi! 
Buồn vì trong cuộc sống riêng gia đình tôi có những chuyện khó có thể chia sẻ với ai, nhưng cùng với thời gian dần dà rồi sẽ qua! Một nỗi buồn khác thấm đậm trong lòng chưa biết bao giờ mới nguôi và chắc rằng không ít người cùng tâm trạng như tôi: Buồn vì đất nước sắp bước vào năm thứ 40 từ ngày hòa bình thống nhất, mà lòng người phân ly từ trong các cuộc chiến vẫn chưa “hòa giải – hòa hợp”! Thảm trạng nầy đến bao giờ chấm dứt và trách nhiệm thuộc về ai?!

Vết thương đau trong lòng người “bên thua cuộc” và với đông đảo nguòi dân không thuộc bên nào còn chưa liền sẹo, thì phát sinh vết thương mới trong lòng người “bên thắng cuộc”, trong đó không ít “công thần” của chế độ, hay nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi bất bình trước hiện tình đất nước, kiến nghị với Đảng sửa đổi chủ trương, chánh sách không hợp lòng dân nhưng không được lắng nghe! Với tầng lớp dân cư đông đảo nhất trong xã hội thuộc“giai cấp công nhân lãnh đạo” và “nông dân chủ lực quân cách mạng”, cuộc sống ngày càng khó khăn, cơ cực, mâu thuẫn lợi ích với Đảng và chánh quyền ngày càng gay gắt…Trong khi đó kinh tế suy thoái, tham nhũng tràn lan, xã hội suy đồi, tội ác lộng hành, người chết do tai nạn giao thông không có điểm dừng…


Những ngày tết buồn, tôi lướt các trang mạng quen thuộc phát hiện bài ghi cuộc “Trò chuyện với con trai cố TBT Lê Duẩn – TS Lê Kiến Thành” của phóng viên Lan Hương, nội dung đề cập những vấn đề nóng bỏng của đất nước, càng đọc tôi càng thấy buồn! Tôi chỉ biết anh Lê Kiến Thành  qua báo chí, lẽ ra anh làm “thái tử đảng” nối nghiệp bố như những “con ông cháu cha” ta thấy, nhưng anh chọn con đường làm nhà doanh nghiệp và qua ý kiến thẳng thắn của anh trong cuộc trò chuyện, tôi hiểu anh là nhà doanh nghiệp và là một trí thức chân chính. Tôi chia sẻ những vấn đề gai góc anh nói ra từ gan ruột mình.

Trong cuộc sống đời thường sau khi nghỉ hưu, tôi có dịp mở rộng quan hệ nhiều người, nghe những chuyện tham nhũng, mua quan bán chức, kết bè kết cánh… trong nội bộ tổ chức Đảng, chánh quyền nơi nầy, nơi nọ tôi rất ngỡ ngàng không tin đó là sự thật, nhưng nghe nhiều người nói qua một thời gian dài nhận thêm thông tin từ những nguồn tin cậy, tôi không thể không tin, cùng những vụ án tham nhũng động trời được phanh phui như vụ Dương Chí Dũng mới đây, làm cho tôi đau buồn, thất vọng về chế độ xã hội mà mình đã góp phần với hàng triệu người một thời xả thân hy sinh chiến đấu tạo dựng nên với tất cả niềm tin và hy vọng sẽ là một xã hội tươi đẹp trong tương lai, nhưng ngày nay niềm tin và hy vọng cạn kiệt dần! Tôi  không “vơ đũa cả nắm”, vẫn biết trong bộ máy cầm quyền những việc làm tốt, những con người tốt nơi nào, lúc nào cũng có, nhưng những điều tệ hại đó lại không còn là cá biệt và đang lây lan nguy hiểm!

 Phóng viên hỏi về vụ án Dương Chí Dũng “…nếu như vụ án đó lại chìm xuồng và đi vào im lặng thì điều gì sẽ xảy ra với lòng dân?”, anh Lê Kiến Thành nói: “Tôi chỉ sợ người dân sẽ nghĩ rằng đương nhiên nó phải thế và họ chấp nhận nó, thì đây sẽ là thảm họa…”. Sự thật ngày nay trong nhân dân, số người quan tâm đến thời cuộc không nhiều, phần đông người dân còn nghèo khó, tất bật lo cơm áo, gạo tiền trong cuộc sống thường nhật đã bở hơi tai, họ đâu cần biết gì ngoài những thứ đó và ngay cả người có cuộc sống khá giả, mối bận tâm của họ cũng đâu dành cho những chuyện như vậy! Sự thờ ơ, lãnh đạm của đông đảo người dân bình thường trong xã hội trước hiện tình đất nước dưới cái nhìn của tôi là một sự thật đáng buồn, anh Lê Kiến Thành nói là thảm họa chẳng sai!

 Phóng viên hỏi về “… nền tảng văn hóa của dân tộc đang bị lung lay…?”, anh Lê Kiến Thành dẫn dụ những sự việc cụ thể chứng minh:“…rằng chúng ta đang bị “biến dạng” một cách tổng thể mà  văn hóa chỉ là một phần…”. Sách báo, hay trên các diễn đàn người ta nói nhiều về hiện trạng văn hóa xuống cấp, đạo đức xã hội suy đồi, kỷ cương phép nước không nghiêm, tội ác lộng hành… nhưng ít khi nghe phân tích, mổ xẻ căn nguyên, cội nguồn phát sinh hiện trạng nầy! Phải chăng có điều gì đó khó nói?!

Anh Lê Kiến Thành nói về tham nhũng, dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “tham nhũng là ghẻ…”, theo anh “…ghẻ của chúng ta là cái ghẻ từ trong nội tạng…” và anh nói: “… không thể vứt nội tạng của chúng ta đi, mà phải làm cái gì đó để thay đổi gốc rễ của căn bệnh”.

Nói đến tham nhũng, tôi nghĩ đến chuyện xưa, những năm sau 1975 ở thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành khác cũng thế, nhà đất thuộc diện Nhà nước tịch thu, trưng thu nhiều vô kể lại không được quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng đắn, một phần đáng kể phân phối cho cán bộ có chức có quyền theo hình thức “hóa giá” như cho không, nhiều người không sử dụng, hay sử dụng một thời gian bán đi thu vào hằng trăm, thậm chí cả ngàn lượng vàng làm giàu một cách bất chính nhưng rất “hợp pháp”. Đó là một trong những việc làm từ buổi đầu sau ngày hòa bình lập lại, tạo tiền đề tệ đặc quyền đặc lợi và sự bất bình đẳng trong nội bộ phát sinh - mẹ đẻ của nạn tham nhũng. Trong chiến tranh, Đảng rất coi trọng việc giáo dục rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên rất  nghiêm khắc, thậm chí có phần cực đoan, nhưng khi sống trong môi trường hòa bình đầy rẫy cám dỗ vật chất lại không còn quan tâm! Cùng với những chủ trương, chánh sách sai lầm và xuất hiện tệ kiêu binh, thói kiêu căng, tự mãn của kẻ chiến thắng… làm trầm trọng thêm tệ tham nhũng, tiêu cực là điều dễ hiểu!

Sau cùng, anh Lê Kiến Thành đề cập lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đến sự tồn vong của chế độ, theo anh “tức là nói đến khái niệm sống và chếtLàm thế nào để chọn con đường sống chứ không phải là chết …và phải “…tự thay đổi để chọn con đường sống…”.

       Chúng ta nói và nghe nói nhiều phải đổi mớicải cách, hoặc thay đổi… để tồn tại, phát triển thoát ra thực trạng nầy của đất nước, nhưng  bằng con đường nào êm đẹp và xây dựng thể chế chính trị - xã hội theo mô hình nào ưu việt, không “do sự tác động từ bên ngoài và khiến đất nước biến đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho những lực lượng bên ngoài đó” như điều anh Lê Kiến Thành và người dân lo sợ và không đưa đất nước lâm vào thãm kịch như một số nước ở Trung Đông, Bắc Phi hiện nay, khiến cho cuộc sống người dân đã khốn khó càng khốn khó và không bình yên! Tôi lo sợ điều nầy nếu xảy ra, người dân hứng chịu tai ương và những người “bên thắng cuộc”, trong đó có tôi có nguy cơ là nạn nhân của sự trả thù, phục hận rất khủng khiếp!

        Tôi tin Ban lãnh đạo cấp cao đất nước có đủ tài trí, bản lĩnh chọn lựa con đường thay đổi có lợi, vượt qua khủng hoảng với bước đi phù hợp và bình yên. Tôi chỉ lo các vị không muốn thay đổi, những mô hình xây dựng đất nước phát triển bền vững, hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại trên thế giới không thiếu như Nhật, Hàn Quốc, các nước Bắc Âu… Các vị hãy vì lợi ích dân tộc và tiền đồ Tổ quốc khách quan xem xét tham khảo chọn lựa mô hình xây dựng phát triển đất nước hợp lòng người, hợp xu thế thời đại./-

Mồng Bảy Tết Giáp Ngọ - 2014

Nguyễn Minh Đào

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-2-14

Phần nhận xét hiển thị trên trang