Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Facebook là một... “tội đồ”?

Theo mềnh thì cũng thường thôi, hiệu ứng tập thể lên đồng mà. Rồi cũng quen như nhiều thứ hot lúc ban đầu. Chả nên quá lo lắng như thế lày:
(Dân trí) - Ngày 4/2/2004, một trang mạng xã hội có tên “Thefacebook” ra đời. Tính đến nay đã tròn 10 năm. Trong 10 năm hình thành và “bùng nổ”, Facebook đã làm nên những "tội" gì?
Facebook - một hiện tượng của thế kỷ 21
Trong suốt một thập kỷ qua, cách giao tiếp xã hội của con người đã thay đổi khá nhiều. Những thay đổi mạnh mẽ này có lẽ nên được đánh dấu kể từ ngày 4/2/2004. Vào ngày này, một trang mạng xã hội có tên “Thefacebook” ra đời.

Thefacebook là phát minh của cậu sinh viên năm 2 ở trường Đại học Harvard (Mỹ) - Mark Zuckerberg. Mục tiêu của Thefacebook thuở ban đầu là để các sinh viên Harvard có thể kết nối với nhau. Chỉ trong vòng vài tiếng sau khi Thefacebook được “khai sinh”, hơn 1.000 người đã đăng ký sử dụng.

Những gì xảy ra sau đó là điều tất cả chúng ta đều biết: Không chỉ sinh viên Harvard mà cả một thế hệ trẻ đã bị Thefacebook “quyến rũ”. Kể từ đây, người trẻ lãng quên bầu trời xanh ngoài đời thật để đắm mình trong mảnh đất ảo có màu xanh thẫm đặc trưng.

Thefacebook sau này đổi tên thành Facebook - trang mạng xã hội có hơn 1 tỉ người dùng. Một nửa số này là những tài khoản “tích cực”, ngày ngày đều ghé thăm “check Facebook”. Ước tính, ở mỗi quốc gia, mỗi ngày đều có hàng triệu người vào - ra, ra - vào Facebook.

Tầm ảnh hưởng “khủng khiếp” của Facebook


Theo một khảo sát xã hội, tại Anh, cứ 5 trẻ ở độ tuổi từ 9-12 thì có một trẻ có tài khoản Facebook, bất kể thực tế Facebook chỉ cho phép những ai trên 13 tuổi mới được lập tài khoản.

Tại nhiều cuộc phỏng vấn, các bậc phụ huynh thường tỏ ra lo lắng khi cho rằng Facebook là một trong những nguyên nhân khiến con của họ giờ đây không còn hứng thú với những niềm vui giản dị của tuổi thơ như đọc sách, đạp xe hay chơi thể thao.

Thay vào đó, họ thường thấy con mình “chúi mũi” vào màn hình máy tính, điện thoại. Điều đáng cảnh báo là khoảng 1/4 số trẻ ở độ tuổi thiếu niên có dấu hiệu “nghiện” Facebook khi các em có thể dành ra 4-5 tiếng đồng hồ/ngày để “lướt Facebook”.

Ý tưởng ban đầu khi lập ra Facebook rất đơn giản. Tất cả chỉ là những trò giải trí vô hại, nhưng sức “công phá” của Facebook đối với đời sống cá nhân, gia đình và xã hội thật “khủng khiếp”.

Giờ đây, khi Facebook đã tròn 10 tuổi, chúng ta không thể phủ nhận kết luận rằng: Thời của sự riêng tư tuyệt đối đã qua. Từ khi xuất hiện Facebook, những khoảnh khắc riêng tư của mỗi người đều có thể được chia sẻ trên trang cá nhân.

“Bạn trên Facebook” và “Người nổi tiếng trên Facebook”

Trong thế giới hôm nay, khái niệm “bạn bè” ngày càng trở nên đa dạng, giờ đây, bạn bè còn là những người kết nối với tài khoản của bạn trên Facebook. Bên cạnh “bạn thật”, giờ đây “bạn ảo” cũng rất quan trọng, họ quan tâm đến từng “status”, từng bức ảnh của bạn, chăm bấm “like”, chăm bình luận...

Giờ đây, người ta có thể cạnh tranh với nhau cả ở trên mạng ảo. Anh có số lượng bạn bè nhiều hơn tôi? Mỗi khi anh đăng một “status” hay “up” một bức ảnh đều có cả trăm lượt “like” và bình luận? Những điều đó hoàn toàn có thể làm nổ ra một cuộc chiến ngầm.

Chúng ta cũng đã không còn xa lạ với những “người nổi tiếng” bước ra từ mạng xã hội. Họ có thể không sở hữu bất cứ một khả năng đặc biệt nào nhưng luôn có một đám đông “ảo” vây quanh.

Các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội hiện coi đây là một mảnh đất màu mỡ để tìm hiểu về tính cách con người hiện đại trên mạng xã hội. Ở đây, con người ngày càng chăm chỉ luyện tập khả năng làm quảng cáo, làm marketing, đánh bóng hình ảnh bản thân.

Giờ đây, thời của những “người nổi tiếng không tài năng” đã bắt đầu. Có thể trong cuộc sống hàng ngày, bạn chỉ là người bình thường, nhưng trên mạng xã hội, bạn có nhiều “fan hâm mộ”, có nhiều “người theo dõi”.

Nút “like” này có thể khiến rất nhiều người phải tổn hao thời gian, sức lực, 
tâm trí bởi họ luôn đặt ra mục tiêu phải nhận được thật nhiều “like”.

Yếu tố “face” (khuôn mặt) trong “Facebook” đã trở thành ưu tiên số một. Chính vì có Facebook mà “selfie” đã trở thành từ khóa của năm 2013. Với mục tiêu nhận được nhiều “like” nhất có thể, nhiều khi chúng ta có cảm giác Facebook như một “đấu trường nhan sắc”.

Những hiệu ứng tâm lý từ Facebook


Đã có nhiều nghiên cứu về tâm lý của người dùng Facebook được tiến hành, trong đó, có những nghiên cứu khẳng định thay vì khiến con người cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn, Facebook thực tế khiến con người bi quan về bản thân nếu họ hay so sánh mình với người khác.

Ai càng thường xuyên “check Facebook”, càng dễ cảm thấy thất vọng về bản thân. Facebook trong mắt nhiều nhà trị liệu tâm lý, thực tế không phải một “mạng xã hội” mà thực tế là một “mạng cô độc”, khiến nhiều người càng cảm thấy cô đơn hơn.

Khi Facebook mới bắt đầu xuất hiện, thường người ta chỉ sử dụng khoảng 19 phút/ngày nhưng giờ đây, đối với nhiều người, họ đã “nghiện” Facebook đến mức để “ảo” lấn át “thật”, để những gì diễn ra trên Facebook chi phối cuộc sống thực tại.

“Bệnh thành tích” thực sự có tồn tại trong cộng đồng Facebook, đó là khi người ta chạy theo số lượt “like”, số lượt bình luận. Cảm giác được ai đó nhắn tin trên Facebook thậm chí còn gây ra sự sung sướng nhất thời nhưng rất mạnh mẽ - sánh ngang với hiệu ứng của cocain.

Tình bạn là một trong những điều đáng quý của cuộc sống nhưng nếu tài khoản Facebook của bạn bắt đầu có từ 2.000 “bạn” trở lên, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy không thoải mái, thậm chí lo lắng mỗi khi phải giao tiếp với những người mà bạn hoàn toàn chẳng có ấn tượng gì. Khi đó, sự “kết nối” trở thành vô nghĩa.

Sau 10 năm xuất hiện, Facebook đã khiến nhiều người trẻ chuộng lối sống “ảo”, thậm chí, trong thế giới học đường ở một số nước, Facebook còn là công cụ độc ác để những kẻ thích bắt nạt, ăn hiếp bạn học có thêm một cách hành hạ nạn nhân, đó là gây ức chế trên Facebook. Đã có những em học sinh tự tử vì bị bạn bè bêu xấu, hạ nhục tập thể trên Facebook.

Sự phổ biến của những thiết bị điện thoại thông minh khiến con người ngày càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội bởi việc truy cập trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Một điều tra xã hội ở Anh cũng cho biết, những người trẻ ở độ tuổi từ 18-24, cứ khoảng 9 phút 50 giây lại “check” điện thoại một lần. Cứ 20 người trẻ ở lứa tuổi này lại có một người “check” điện thoại… mỗi phút một lần. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, kết quả học tập hoặc công việc của họ.

Bên cạnh đó, việc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet ngày càng phổ biến khiến con người cũng ngày càng thiếu kiên nhẫn trong việc chờ đợi hồi âm. Người ta cũng thường trở nên bất an khi không thể vào mạng để “check” các thông tin trong khoảng vài tiếng đồng hồ.

Bích Ngọc, Theo DM


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn minh Đại Việt, tranh cãi là phải thui!

Lễ hội chém lợn gây tranh cãi ở làng Ném Thượng

Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Khắc Niệm, Bắc Ninh) luôn gây tranh cãi. Dân làng muốn duy trì nguyên sơ những nghi thức truyền thống, còn dư luận cảm thấy quá bạo lực.
Lễ hội làng Ném Thượng, Khắc Niệm, Bắc Ninh, được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm, trong đó phần lễ rước và tế  "Ông Ỉ" là thu hút sự quan tâm của đông đảo dân làng cũng như du khách gần xa. Phần đông dư luận chứng kiến trực tiếp màn tế lễ hoặc qua ảnh, phim quay đều cảm thấy lễ hội mang tính bạo lực và có phần man rợ.
Các bô lão ở trong Đình làng Ném Thượng đợi đến giờ làm lễ cúng tế.
Thanh niên chơi trò chơi dân gian phía bên ngoài đình làng.
Đoàn rước lễ đi quanh làng.
Các cháu thiếu nhi và các Cựu chiến binh tham gia đoàn rước lễ.
Theo tục lệ, nhiều người dân cúng tiền lễ cho 2 "Ông Ỉ" - là 2 con lợn nặng khoảng tạ rưỡi, được 2 gia đình của 2 người đàn ông thành đạt, uy tín ở độ tuổi 49 nuôi theo chế độ chăm sóc đặc biệt trong suốt 1 năm qua.
Người dân làng mang bánh kẹo ra mừng cho đoàn rước lễ.
Đội múa lân đi đầu đoàn rước "Ông Ỉ".
Trên ao làng ngay trước cửa đình là thuyền hát quan họ phục vụ lễ hội.

"Ông Ỉ" được cho ăn trước khi bị tế.  Năm nay, do có nhiều phản ứng, nên làng Ném Thượng không chém phanh thây lợn thành 2 mảnh như trước nữa.
"Ông Ỉ" nặng 152kg được sơn phẩm màu đỏ sẽ được tế bằng đao to do 2 người thủ đao 47 tuổi được chọn lựa trong làng.
Thủ đao chém "Ông Ỉ" tế lễ.
Năm nay các "Ông Ỉ" không tế lễ bằng cách chém đứt ngang thân mà chỉ cắt cổ một nửa.
Phóng to
Dân làng từ già trẻ lớn bé lấy tiền quệt vào máu "Ông Ỉ". Tục lệ quệt tiền vào máu "Ông Ỉ" mang về thờ cho may mắn đã có từ lâu đời ở làng Ném Thượng. Lễ hội làng Ném Thượng gần đây bị nhiều dư luận cho rằng nhuốm màu bạo lực, nhất là màn chém lợn tế, là một hủ tục không nên khuyến khích tiếp tục duy trì vì tính chất ghê rợn, máu me.
Theo Màn Ảnh Sân Khấu 
(*) Tiêu đề đã được Zing.vn đặt lại
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
  • Rất tốt! Thông tin nhanh, nội dung trung thực và khách quan.
  • Bình thường: Thông tin hữu ích, nội dung không lỗi.
  • Kém: Nội dung không có giá trị, nhiều lỗi
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bất ổn kinh tế và bất an xã hội

Tác giả: Vũ Thành Tự Anh

(Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)

HTN: Đầu năm không nên nói chuyện đau đầu, vả lại một bài viết về kinh tế xã hội có vẻ như hơi xa lạ với trang Học Thế Nào, tuy nhiên bài viết này của TS Vũ Thành Tự Anh lại giúp chúng ta nhìn lại năm 2013 và những lo lắng cho năm mới.  

2013 là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rơi vào suy giảm. Mặc dù lạm phát không còn là nỗi ám ảnh thường trực như trong giai đoạn 2007-2008 hay 2011, song nền kinh tế trong năm 2013 không chỉ tăng trưởng chậm (ước đạt 5,4%) mà còn tỏ ra thiếu sức sống, thậm chí suy kiệt, thể hiện qua con số trung bình gần 5.000 doanh nghiệp dân doanh giải thể hay dừng hoạt động mỗi tháng. Cũng trong năm 2013, các chương trình tái cấu trúc được triển khai chậm chạp và thiếu hiệu quả, làm cho hy vọng về sự phục hồi tăng trưởng ngày càng trở nên xa vời. Trong bối cảnh này, có thể thấy trước rằng ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ trong năm 2014 vẫn sẽ là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong khi bị chi phối bởi vô số các ưu tiên trước mắt, đặc biệt là các vấn đề kinh tế, người ta có thể không đánh giá hết được hệ lụy của nhiều vấn đề xã hội đã đặc biệt trở nên nhức nhối trong mấy năm gần đây. Biểu hiện của các vấn đề này ngày một nhiều, không những thế càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn vào những ngành, những lĩnh vực vốn được coi là có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ “lương tâm của xã hội” như thầy giáo, thầy thuốc, tôn giáo, tâm linh, tòa án, công an, báo chí thì cũng có thể thấy rõ tình trạng này.
Một số người có thể vội vàng quy kết những vấn nạn xã hội này cho kinh tế thị trường. Thế nhưng nếu suy xét kỹ thì chúng ta sẽ thấy sự quy kết này là thiếu cơ sở. Một nền kinh tế thị trường đích thực sẽ không ngang nhiên làm hại rồi quẳng xác khách hàng xuống sông để phi tang. Rồi những sai trái trong các giao dịch phi thị trường (như tìm hài cốt liệt sỹ hay điều tra thủ phạm giết người) hay ít tính thị trường (như đào tạo ở đại học công lập hay xét nghiệm y tế ở bệnh viện công) hiển nhiên cũng không thể đổ tại kinh tế thị trường mà chỉ có thể bắt nguồn từ lòng tham và sự bất nhân. Mặc dù lòng tham có thể là một tính xấu phổ biến của con người, nhưng sự bất nhân không hề có tính phổ quát, trái lại nó đến từ sự sa đọa của bản thân con người và/hoặc từ niềm tin là một người có thể phạm tội mà không bị phát hiện, và/hoặc nếu bị phát hiện thì cũng không bị trừng phạt một cách tương xứng – tất cả đều không phải là hệ quả tất yếu của kinh tế thị trường.
Một số người cho rằng nhiều vấn nạn xã hội, đặc biệt liên quan đến tội phạm, đơn giản chỉ là “nghèo đói sinh đạo tặc.” Tất nhiên là có một phần sự thật trong câu nói được lưu truyền trong dân gian này. Tuy nhiên, cần nhớ rằng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2008-2013, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng trung bình gần 10%/năm theo giá cố định. Như vậy, nếu quả thực “nghèo đói sinh đạo tặc” thì vấn đề không phải là do mức sống chung của xã hội thấp đi, mà là do kết quả kinh tế đã bị phân bổ không công bằng giữa các nhóm dân cư trong xã hội.
Một số người khác lại cho rằng những vấn đề xã hội bắt nguồn từ hệ thống thể chế – mà theo GS. Douglass North, người được giải Nobel Kinh tế 1993 – bao gồm hệ thống các quy tắc thành văn (bao gồm hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật), các quy tắc bất thành văn (như phong tục, tập quán), và các cơ chế cưỡng chế thi hành các quy tắc này. Nói một cách ngắn gọn, những người này cho rằng “thể chế nào con người ấy, và con người nào thể chế ấy,” và do vậy thể chế yếu kém là nguyên nhân của những vấn nạn xã hội và kinh tế hiện nay.
Rất tiếc là cho đến nay chúng ta có quá ít các điều tra và nghiên cứu xã hội nghiêm túc để có thể chỉ ra ngọn nguồn của những vấn đề xã hội nổi cộm cùng những hệ lụy của chúng. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng khi người ta thường có xu hướng chăm chú nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế, đặc biệt là các vấn đề có tính tình thế, kỹ thuật, thậm chí không thực chất.
Lịch sử dạy chúng ta rằng khi kinh tế đi xuống, có thể chỉ cần vài năm để hồi phục, song một khi niềm tin bị mất, lòng người không yên, nhân tâm ly tán thì ngay cả vài thập kỷ cũng không biết có đủ để khôi phục hay không, mà đây chính là những nền tảng để một xã hội có thể phát triển. Như vậy, để giảm thiểu chi phí xã hội trong quá trình phát triển ở Việt Nam, các vấn đề xã hội cần được đặt vào đúng vị trí của chúng trong chương trình nghị sự của Chính phủ, trong chương trình nghiên cứu của các trường và viện nghiên cứu, và trong sự quan tâm của xã hội nói chung.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lúc này, bài này:

 
Trốn chạy và thoát ly
Phạm Tấn Xuân Cao


Tính lịch sử tuyệt đối của sự bắt rễ cá nhân trong thế giới không chấp nhận mọi sự gắn chặt với cách nhìn về một thế giới khép kín”[2, 144]

Trốn chạy giúp ta tìm ra lối đi trong điều hướng của nghị lực chất chứa mọi xao xuyến trước sự thất lạc những mưu cầu đột nhiên tỏ ra đổ vỡ mọi thứ. Trốn chạy là thái độ mà chúng ta nhìn về thế giới với đầy rẫy những cuồng nộ có khi bế tắc đến ê chề. Không như những gì mà mọi phương hướng chúng ta nhìn về một xã hội lại đảm bảo cho chính những mong muốn của ta cũng về cái xã hội ấy được đầy đặn trong khuôn mẫu tự mình dự tưởng. “Con người như nó đang là thì rất hỗn loạn, nó rất mờ rối; nó tin, nó không tin, nó có những lý thuyết vân vân và vân vân; nó sống trong một trạng thái mâu thuẫn. Và nó đã xây lên một xã hội, một văn hóa mâu thuẫn, với sự giàu có và nghèo nàn của nó.”[3, 221] Mọi khao khát điềm nhiên trở thành những ủ dột đến thảm hại không gì thay thế. Bằng với tất cả điều gì đó là tự nhiên nhất chúng ta đã cứ thế từng ngày đánh mất mình trong sự lơi lỏng của luân lý hiện hành. Luân lý chỉ là trò chơi trước những lời phán truyền đầy hoang tưởng và bịa đặt.

Mọi thứ đã trở nên quá đà trên bước đường mà chúng phân lập thành như thế khi chúng trưng ra giữa thế giới là một sự lộn xộn sống động này. “Người ta sử dụng các biện pháp đào luyện, nhưng là để biến con người thành một con vật bầy đàn, thành một tạo vật dễ sai khiến và bị nô lệ. Người ta sử dụng các biện pháp chọn lọc, nhưng là để làm tiêu tan các sức mạnh, để lựa chọn những kẻ yếu, những kẻ đau khổ hay nô lệ” [1, 194]. Có thể coi như mọi hướng nhìn nhận của từng cá nhân về phía thế giới luôn khi nào cũng chẳng thể bung nở những gì đó thật sự thánh thiện của tiếng lời lương tri chính đáng. Những cụ thể hiện hành cứ thế gieo rắc nên bên trong hàng loạt nỗi sa sút lòng tin mà cá nhân ta tỏ ra xa lạ với chính mình. Quá khứ là cách mà chúng ta hạn định cá nhân mình vào trong những bỏ ngõ chưa hoàn thành và tương lai lại là một trò chơi lăn lộn trong trước mắt đầy thương hại. “Như thế cái quá khứ đã bị tổn thương và cả tương lai nữa. Không có gì sẽ xảy ra, chẳng có gì có thể xảy ra hay sẽ xảy ra, mà còn quan trọng đủ để kéo chúng ta xuống.”[4, 77] Trốn chạy không những như khi mà chúng ta tỏ ra chán chường và xa lánh thực tế. Do đó, nó còn là lúc mà chúng ta chẳng thể có cách nào khác hơn để thoát ly ra được khỏi sức ảnh hưởng của sự lai căng hiện hình đầy đê hèn ấy. “Cái ngã thực sự khác biệt; cái giây phút ta bịt mắt lại trước hết thảy những giục giã này là đã mắc vướng vào sự hỗn loạn.”[4, 102-103] Cho nên cũng chính vì như vậy mà lương tri đã lòng thòng một cách khó chấp nhận trong sự đeo bám đến não nuột những hoang mang và bàng hoàng không dứt. Thật khó để có thể cố gắng tỏ ra gần gũi hay xem như chẳng có chuyện gì khi đối diện với thế giới. Nhưng như vậy, chúng ta lại trở nên không hoàn thành trách nhiệm của mình khi chúng ta luôn là kẻ phải tham dự vào nó. Tất cả chỉ là những gì đó qua lại một cách héo hon dưới cái nhãn tiền của niềm tin hời hợt.

Mọi kiểu cách nào rồi cũng sẽ luôn là một sự điên rồ đứt đoạn đến ghê tởm cho lòng tin thánh thiện hướng về. Tất cả đã dẫm nát luân lý và cắt đứt mọi thứ để tỏ ra quang minh hơn trong vỏ bọc bịp bợm đến kinh tởm. Giày xéo hết cho đến khi trơ trẽn ê chề cứ thế bêu ra không một chút ngượng ngùng gì cả nên trốn chạy là tấn bi kịch thê thảm cho những chốn chặng cùng đường chưa tìm ra lối thoát. “Cái tinh thần mà nó điều động chúng ta có thể chiếm đoạt bất cứ sự trá hình nào: nó có thể làm cho chúng ta giống như những thiên thần, những tà thần hay những thần thánh.”[4, 105] Luân lý là thứ hàng hóa rẻ mạt trong xứ sở vô thần khó chấp nhận một niềm tin của những gì phi thường mang tính cứu rỗi và đe dọa. Quay lưng và xa rời những gì trước mắt bởi ở đó không bao giờ thiếu những cái ủ dột của tâm thức hoang mang đến cùng cực như thế. Trốn chạy, do đó đã tỏ vẻ dường như trong một sự chắc chắn xa lìa ngay khi mà mọi sự chỉnh đốn không còn để ý đến các cung cách sắp đặt quang minh hơn.

Trật tự là sự cải cách không đi đến đích cho dù nỗi cau có nào đó bất kì cũng khó chấp nhận như khi nó không thể chuyển tải nổi và hết một lúc những mong cầu đến tha thiết như vậy. Những hợp quần có đó khi mà tâm thức mỗi cá nhân cụ thể cứ dàn dựng ra như thế, để rồi kinh ngạc cho một sự choáng váng không còn gì coi như nó là lành lặn đi đôi chút nào nữa cả. “Trong nỗi cô đơn của họ, trong giấc mơ yêu đương của họ hay thiếu thốn nó, sự mất mát thì mãi mãi trôi dạt đến rìa nước. Trong sự trôi nổi bao la của đêm, tiếng huýt gió đau khổ của sự hành hạ thì đã bao bọc lại bởi tiếng vỗ bập bềnh của ngay cả dòng suối nhỏ bé nhất. Tâm trí, đã trống rỗng hết thảy nhưng những tiếng vỗ bập bềnh của những làn sóng, trở nên yên lặng. Cuốn theo với dòng nước, tinh thần con người đã hủy hoại những chiếc cánh xếp vào mở ra được của nó.”[4, 112] Sự định hình những khuôn lối phép tắc đã trở nên xa lạ với tất cả. Chỉ trong cái cách mà mỗi một bản thân ý thức được vị trí của mình thì mới mong mọi thứ trở nên an toàn, ít nhất ra là đối với những hệ quả có thể nhắm về phía mình xán lạn hơn chút đỉnh. “Đạo đức tự nó che dấu quan điểm vị lợi; nhưng chủ nghĩa vị lợi che dấu quan điểm của kẻ thứ ba thụ động, cái quan điểm chiến thắng của một kẻ nô lệ len lỏi vào giữa các ông chủ” [1, 168]. Hợp quần ấy đã luôn bồng bế những đau thương trên cảnh sắc lộng lẫy của những trò hề thô thiển đến chán ngắt. Mọi sự dẫn dắt nào đi chăng nữa cũng đều bắt đầu bằng những “motif” quá đỗi vờ vĩnh đầy miệt thị. “Hoạt động chủng loại đã biến mất trong bóng đêm của quá khứ, giống như sản phẩm của nó biến mất trong bóng đêm của tương lai” [1, 193]. Trốn chạy không như những gì bị cự tuyệt đến kinh hoàng mang vóc dáng của sự đột ngột tuôn trào vào bế tắc và luồn lách qua những ngõ ngách của mọi cuộc chạm trán với những đau thương và mất mát. Ngay khi trốn chạy con người ta hơn hẳn tha nhân vì phản tỉnh đã may mắn đến với ta sau những đêm trường của nặng nề và lạc lõng đeo bám.

Trốn chạy là cách mà chúng ta nhắm về phía thế giới này theo kiểu/dạng mà chúng ta tiến những bước đi điềm đạm và tràn đầy nhiệt huyết của sự tự tin luôn mang vác những ý nghĩa khẳng định không giống ai. Trốn chạy không phải là nhìn mọi thứ trở nên xa lạ đối với mình mà trốn chạy là nhìn những thứ ấy bằng vẻ đẹp cầu thị, trong khi nó gieo rắc nên những gì luôn ngày nào cũng tung hô trong vụng về đến như thế để câu lập sự phản tỉnh. “Trên những khuôn mặt của họ đã viết lên – sự vô vọng. Chúng đã suy đồi từ lúc sinh ra sự buồn rầu phản chiếu lại, những điều kiện càng tốt hơn thì phần số chúng càng tệ hại hơn. Ta có thể dạy chúng làm thế nào nuôi nấng to lớn hơn, trông khỏe mạnh và trẻ trung hơn, nhưng chúng và dòng dõi của chúng đã bị đánh dấu như những con chốt hy sinh trong một cuộc thực nghiệm vô nghĩa.”[4, 90] Trốn chạy để rồi trong thoát ly ta tìm lại những mảnh vụn lương tri đã từng bị nhàu nát bởi những thứ giao kèo luân lý đến khủng khiếp và the thắt như vậy. Thoát ly nương vịn vào những sức mong cầu của mọi niềm tin còn chất chứa trong những niềm tin nhỏ bé nhất không coi như là không còn chút gì cả. Những góc cạnh vẫn luôn còn/có đó của sức sống luân lý tồn đọng lại trong tâm thức chịu đựng hoang mang và ghẻ lạnh đang đối xử không dứt với chính nó. Bản năng lộng hành là đứa con cưng của sự phỉ báng sức mạnh cứu rỗi. Còn đứa con hoang của nó là những nhầy nhụa luân lý đang nhồi nhét nên tiếng kêu trầm thống đến cùng cực như thế này.

Thể thức mà thoát ly xác lập nên trong quầng sáng tinh khôi của lương tri thầm kín lại luôn bị những dối trá che lấp đến đọa đầy day dứt. Thoát ly là cái cách mà mọi thứ trở nên gần gũi và đi đến một sự đồng cảm hơn trong những le lói của luân lý chính đáng. Sự chính đáng không cương nghị ngay lập tức khi mà lương tri cứ luôn bị che lấp đi như vậy nhưng với một mong cầu đến khẩn thiết lại luôn là bước tiến đến những tách bạch thuần thành không gì bằng. “Cá nhân là ngã tư của lịch sử thế giới, kẻ gánh vác duy nhất và người sáng tạo sinh động của những tương quan lưu hoạt tạo thành lịch sử.”[5, 99] Khó có thể nói những gì đó mà trốn chạy đi đến khi ruồng rẩy đã tạo nên một sức kiểm tỏa mọi bước tiến để rồi chính trong những đổ nát ấy sẽ trỗi lên những mầm mống đầy khoan thai đáng thương đến như vậy. “Thực tế là họ rao bán thứ quý giá nhất: niềm hy vọng.”[5, 27] Sức kháng cự lại nó không đến nỗi bất chấp tất cả mọi thứ để cản trở khi nó tiến về một cách trực diện đầy thẳng thắn trước những mưu mô đầy tiềm năng không nương nhịn bất cứ điều gì chống lại nó. “Quang cảnh của thực tại, đối với nhiều người đã trở nên không thể chịu nổi, khiến tinh thần phải tê liệt đi, chờ đợi kẻ nào có khả năng siêu phàm hiểu thay mình.”[5, 124] Thoát ly là cách ứng xử của những điều kiện mong muốn những điều kiện của lương tri được đánh thức. Trốn chạy là bước nhận ra những đổ vỡ để thức tỉnh trước tâm thức nao núng ấy.

Lối phản tỉnh mà trốn chạy đem lại là phương hướng để mọi hợp quần trong tiến trình hướng về lương tri của sự phục hưng luân lý mang cách xác lập nên không hề bị cản trở đến mãi mãi. Những sự chống đối không làm nên các cản trở đến hạn độ của những phụ rẫy quay lưng tất cả mọi thứ và trở nên khinh ghét tất cả như thế. Cũng có thể tìm lại được mọi cư xử ngang bằng đồng thời tỏ ra thương hại cho chính những xô đẩy ấy va vấp vào và trở nên lạc lõng hơn không gì bằng thì trốn chạy là biện pháp hữu hiệu để nâng đỡ ta đứng dậy trên niềm tin mãnh liệt của sự trở về lương tri hữu hiệu có đó. Những chỉ dẫn hòa quyện vào nhau trong trốn chạy và thoát ly không hãi hùng như khi ta mường tượng là sức khẳng định của nó không thể chống lại những công kích và kiểm tỏa của những điều ma mị ấy.

Sức sống động trong cuộc trở về của lương tri và thức tỉnh của luân lý luôn tràn đầy những màu sắc khó cưỡng lại được của một niềm tin tràn đầy những khát khao tự bản thân không gì thay thế được để khỏa lấp mọi khoảng trống đến chơi vơi giữa thế giới không chỉ một mà vô số con người. Những trầm thống trong lăng xăng bê bết đó đã không thể nào trở về trên niềm tin của sự phục hưng chống lại chính những trầm thống ấy. “Họ ngột ngạt với cảm tưởng đâu đâu cũng phải đối đầu với “một thực tại bị phong tỏa” (une réalité bloquée). Họ mang cảm giác sống trong một nhà tù khổng lồ, ở đó phần lớn mọi người đã khước từ một cuộc sống lẽ ra có thể tốt đẹp hơn và đã tự thích nghi và uốn mình theo một sự thống trị vô danh, một tình trạng man di mới được thể hiện qua vẻ biểu kiến thuần lý và cho rằng tuân theo sự thống trị đó thì cũng giống như tuân theo những quy luật khách quan, cho dù có nghiệt ngã thì cũng phải chịu.”[5, 150] Đã chứng thực khi nào cũng sẽ trốn chạy vì thế mà thoát ly không hạn định cho giới hạn của sự trở về này nới rộng ra đến một mức độ nào cả. Xứ sở vô thần giãy giụa trong sự cào xé và lồng lộn nhau bởi chính nó không chấp nhận những gì đó là chia sẻ cho chính nó với những gì nào khác mang tính có liên quan đến lợi ích. Trầm thống vì thế mà trở thành một tiếng kêu luôn là đẹp đẽ nhất của nó! Những cự tuyệt đó còn gieo rắc thêm mức độ báng bổ đến phát hoảng cho mọi sự nung nấu đem lại những cầu mong tin tưởng được hòa đồng.

Sự dã man đi ngược lại văn minh khi cái nôi của dốt nát vẫn lố lăng khoác vào những vỏ bọc tinh tươm màu trí thức. Sức lụn bại là không tưởng cho những thế đứng đàng hoàng của các trò bịa tưởng dung túng cho những cẩu thả khó chấp nhận làm tổn thương đến luân lý. Lương tri dần tan biến khi mọi niềm tin vào những gì vờ vĩnh mờ nhạt mà lúc nào cũng xem như chính đáng thật sự đến thương xót như thế. “Điên cuồng là một lối thoát khỏi cuộc tìm kiếm vô vọng những giải pháp khả thủ, đó là chiến lược đặc biệt mà một người phát minh nhằm sống sót trong một tình huống mà người ta thấy là không thể sống nổi.”[5, 224] Chỉ có thể trốn chạy trước tha nhân và thoát ly những định mệnh nghèo nàn của vùi dập thì mới bảo toàn được đức hạnh trong sáng. Đó không phải là hèn nhát hay lý do nâng đỡ cho khẳng định đó không cầm chân trong những vương mang khó chấp nhận đối với mọi gán ghép cho nó là lánh xa và dè bỉu. Lương tri không chấp nhận những gì làm tổn thương chính nó cũng như luân lý không cho phép những gì làm hoen ố chính mình. “Đó là nói chung, người ta che dấu chính mình sự kiện đời sống có thể khủng khiếp, tàn bạo, vô nghĩa và đau đớn không còn gì để nói nữa.”[5, 224] Mọi bịa tưởng ma mị vẫn không ngừng gieo rắc nên những trầm thống đến thối nát như thế khi mà cuộc trở về của lương tri và sự phục hưng của luân lý sống dậy qua sự phản tỉnh. Điều có thể nói được là chỉ có thể im lặng trước những gieo rắc trầm thống đó nhưng không chấp nhận đến nhu nhược. Mà hãy đồng thời tắm mát trong dòng chảy tinh tươm của những tinh mẫn tâm thức sâu thẳm trong bản thân mỗi một con người khi sự phản tỉnh ùa về qua trốn chạy và thoát ly.

Trốn chạy là bước ngoặt đầy kiêu hãnh và thoát ly là kẻ dẫn dường không thể không tin tưởng cho một sự định hình tràn đầy tinh thần nhân văn. Trốn chạy lui về một đường hướng mong cầu những chóng vánh hạn lập truyền hưởng vào sức chứa đựng phản tỉnh, để nhắm về mọi thể thức khắc phục tiêu hao uổng phí bấy lâu nay. Thoát ly gom vào mình những đạo lộ quang minh, trong khi những vệt đen sẽ từ đó mà dần dần xóa nhòa đi để chứng tỏ những điều kiện đáng được chứng tỏ không gì mong muốn hơn nữa cho sự trở về của những khát khao đáng được mong cầu, đối với chính tinh mẫn tâm thức sâu thẳm ấy. “Chân lý là của thế giới này, nó là sản phẩm của nhiều trói buộc.”[5, 229]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Gilles DeleuzeNietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, NXB Tri Thức, 2013.
2.      Jacques ColetteChủ nghĩa hiện sinh, Hoàng Thạch dịch, NXB Thế Giới, 2011.
3.      KrishnamurtiĐánh thức trí thông minh, Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008.
4.      Henry MillerThế giới tính dục, Hoài Khanh dịch, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008.
5.      Remo BodeiTriết học thế kỷ XX, Phan Quang Định biên dịch, NXB Thời Đại, 2011.

Phạm Tấn Xuân Cao

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngày Giêng ngán chẳng đi chơi - Đọc bài viết cũ, nhớ người, thương ta!

Phan Bội Châu Và Bia Mộ Hai Con Chó
Nguyễn Cẩm Xuyên

Ngày 30/ 6/ 1925, Phan Bội Châu trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu; vừa đến ga Bắc Thượng Hải thì bị mật thám Pháp bắt cóc rồi đưa về Hà Nội. Lúc đầu tòa xử chung thân khổ sai nhưng sau vì sợ phản ứng của quần chúng cả nước, phải đổi lại là quản thúc tại gia.

Từ năm 1926 cho đến ngày mất (1940), cụ Phan sống trong căn nhà tranh ở Bến Ngự, Huế.

Ngao ngán nhẽ một đời xả thân vì nước mà ngờ đâu lại có kẻ bội phản, báo thời khắc, lộ trình đi lại của cụ cho mật thám Pháp biết mà bắt cóc tại tô giới của Anh rồi đem về nước xử án. Trong vòng lao lí cụ vẫn không ngừng chí đấu tranh, vẫn viết sách, viết báo để cảnh tỉnh hồn dân tộc.

Chuyện “Lịch sử con Vá” do cụ viết đăng trên tuần báo Trung Kỳ số 14 ngày 15/4/1936 kể chuyện chó để ngụ ngôn cho mọi người thấy chó còn hơn những kẻ mà cụ gọi là “mặt người lòng thú”, những “hạng muông người”. Chuyện con Vá cụ kể chủ yếu nêu cao đức trung nghĩa cùng những thành tích dũng cảm của nó.

Chuyện bắt đầu kể việc trồng bia mộ chó :

“Năm Giáp tuất âm lịch (1934), ngày 21 tháng 5, con chó nhà tôi nuôi tên là Vá nhân mắc bệnh đầu ung từ biệt tôi về với nước chó.

Tôi thương nó. Tôi đắp mồ táng cho nó. Mồ cao rộng một thước tây, ở gần phía dưới chân sinh huyệt của tôi. Ở trên mồ tôi trồng một cái bia cao ước một thước ta. Lòng bia khắc năm chữ rằng: “Nghĩa dũng cẩu chi trủng” và có chua chữ “con Vá” dưới chữ cẩu…

Kể chuyện chó, cụ lại nói đến người :

Tôi làm xong, có khách tới chơi. Khách rầy tôi rằng: Một con chó chết mà ông làm gì lắm việc thế? Đã đắp mồ lại dựng bia khắc chữ, chẳng phải là quá đa sự hay sao? Hay là ông xem chó cũng như người? Nếu quả thế, tôi phải tuyệt giao với ông mới được.

Tôi nói : Thưa bác, xin bác hãy im cho tôi kể. Trên trời dưới đất,  ở giữa khoảng trời đất là vạn vật. Theo về bề ngoài, người với chó vẫn khác nhau xa. Nhưng theo về nguyên tắc sinh lý thời người với chó có gì phân biệt; mà sở dĩ phân biệt là chính ở nơi tinh thần. Nếu tinh thần mà mất hết tri giác thì người chẳng phải chó là gì ?...

Cụ Phan vừa kể lại vừa lí luận - đặt ngang chó với người thì kẻ “tinh thần mất hết tri giác” cũng là chó thôi nhưng chắc chắn chưa thể sánh được cùng con , bởi  của cụ là tấm gương “dũng” với bao nhiêu những hành động can đảm : một mình chiến đấu với bầy dê đực hơn mười con mà chẳng hề sợ hãi;  một mình đánh nhau với cả bầy chó Tây béo tốt… Chiến đấu dũng mãnh với cường địch đến nỗi bị thương mù cả hai mắt…

Kể về “dũng” xong lại kể tiếp về “nghĩa”  :  

Còn như về phần “nghĩa” của Vá thì càng khiến cho tôi phải đặc biệt thương nhớ nó quá. Nó ở với tôi suốt tám năm hơn, trong miệng nó cắn người lạ có hơn trăm người, mà nó ghét nhất là những người thình lình vào buồng tôi nằm. Đêm nào nó cũng gác ở trong buồng tôi chẳng khác gì một tên vệ binh của Tào Tháo. Ban đêm đã thế mà ban ngày cũng vậy. Có một ngày kia, giữa buổi trưa tôi không nằm trong buồng; hai tên trò bé, đứa mười tuổi, đứa chín tuổi, lẻn vào buồng lên giường tôi nằm thẳng hai chân xuống. Bỗng Vá thấy được liền lấy miệng kéo chân bọn ấy ra (…). Một ngày kia nó đưa ông bạn tôi là cố Cháu ra ga, giữa đường bị người ta thiết mưu bắt nó, giam nó ở nhà họ từ bảy giờ mai đến tám giờ đêm mới mới thấy Vá chạy về thở ào ào, nằm thim thíp như hình đau mỏi lắm. Tôi lại thăm nó, thấy bên cổ nó còn có sợi dây buộc tròn, chắc là bọn bất nhơn kia đã trói nó riết lắm.

Vá ơi ? mày có nghĩa thật !

Người ta bắt mày là muốn nuôi mày. Chắc là mồi nhử mày biết bao nhiêu thứ ngon. Sao mày bín rín gì nhà ta chỉ có ba hột cơm hút rơi, ba miếng canh rau lạnh, và cứ ở theo ta lấy được, mạo hiểm quên chết, cho trọn chủ tớ với ta, ta thật không thể nào quên được Vá.

Lại có một phen nữa tôi đi lên vườn trên Nam Giao, nó đi theo tôi, tôi đuổi nó về. Đột nhiên mất nó đến bốn ngày. Ai dè tảng sáng ngày thứ năm sắc trời còn lờ mờ, người trong nhà ngủ chưa dậy, vỗ đầu nó thấy nó tiều tụy lạ thường chắc là ba bốn ngày nó không ăn một hột cơm nào. Người xưa có câu “Chó Nghiêu không ăn cơm Chích” e cũng có lẽ.  Tôi vì thế mà càng đặc biệt thương yêu nó. Chẳng những thế, từ năm kia tôi nuôi một mụ ở; mụ này tuổi ngoài bốn mươi mà tính tham lam cũng phi thường. Có một đêm,  mụ rình buổi tôi ngủ say, biết được bao giấy ở trong mình tôi, rình lẻn vào buồng, thò tay vào trong áo tôi vừa lần được bao giấy ra thì Vá ở dưới giường làm một tiếng “hộc” rất to, chụp vào chân mụ, mụ phải vứt bao giấy chạy mau ; tôi thột dậy thì bao giấy tôi đã chạy xuống chân giường.

(…) Trong lịch sử Vá có nhiều chuyện như thế kể không hết. Duy có một việc này thì trong chủng tộc chó e con Vá là “độc nhất vô nhị”  là nó hễ thấy đồ ăn ở ngoài đường hay chỗ nào mà không phải trong tay chủ nhà nó cho ăn thời nó nhất định không chịu ăn. Chó nhà tôi nuôi đồng thời có ba con, hai con chúng bã chết, duy con Vá chẳng bao giờ mắc bã. Mấy ông trộm ở xung quanh cứ hết sức bã nó, bã mãi bã hoài mà không bã được nó, vậy nên Vá mới sống được đến ngày nay…

Kể về “dũng” và “nghĩa” của   xong cụ Phan kết thúc :

“Giá như người làm tôi dân một nước, vừa dũng, vừa nghĩa,  vừa khôn, thảy hết sức giữ nước, cũng in như con Vá giữ nhà thời từ xưa đến nay làm gì có vong quốc sử nữa ư ?...

Vậy là kể chuyện chó để nói đến điều xa xôi, to tát hơn. Kể chó là để nói tới người mà người đây là người dân Việt lúc này đang chịu đè nén dưới cường quyền, muốn thoát thì không chỉ có nghĩa, có dũng mà cần phải có cả trí nữa.

Câu chuyện trên năm 1992 được in lại trong Phan Bội Châu toàn tập; tập 4 ; NXB Thuận Hóa do GS. Chương Thâu sưu tầm và biên soạn.. Cả bộ sách đã tập trung được gần hết tác phẩm của cụ Phan từ rất nhiều nguồn : từ những đề từ, những câu đối quốc ngữ, chữ Nôm, chữ Hán, những bài thơ ngâm vịnh, các bài văn nghị luận cho đến cả những bài phú, biểu, tán, văn bia, các truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi kí, tự truyện, các nghiên cứu về Chu Dịch…  trên báo chí hoặc rải rác khắp trong quần chúng và các nhà Nho còn lưu giữ được… Tất cả được gom lại trong cả thảy 10 tập, hơn 4.000 trang. Thật là một công trình dày công phu, nhiều tâm huyết.

NHỮNG TẤM BIA MỘ CHÓ CỦA CỤ PHAN
ĐÃ LƯU DANH VÀO SỬ SÁCH

Đến Huế, về thăm mộ cụ Phan : phía dưới chân mộ nhà chí sĩ là 6 tấm bia mộ của hai con chó “nghĩa- dũng” và “nhân-trí” của cụ :

1- NGHĨA DŨNG CẨU (con Vá) :






Phiên âm:   Nghĩa Dũng cẩu (con Vá ) chi trủng.

Duy dũng dã, kiến cường tắc đấu ; duy nghĩa dã, tận trung ư chủ. Ngôn giả đa, hành hãn cấu. Nhân thả nhiên, huống ư cẩu. Ư duy nhữ mang, nãi kiêm nhi hữu. Khởi nhược thuỳ tai , diện nhân tâm thú. Dụng thị thê nhiên, thụ bi nhữ mộ.”

GS. Chương Thâu tác giả “Phan Bội Châu toàn tập” - tập 6, trang 405 - NXB Thuận Hóa 1992, đã đọc nhầm mất 02 chữ (có gạch chân) :

a/…Ngôn giả đa, hành hãn hữu

(đúng ra là : …Ngôn giả đa hành hãn cấu.  Chữ 覯 (cấu) ở cuối câu nghĩa là gặp được.  Nghĩa cả câu nàyKẻ nói được thì nhiều nhưng kẻ  làm được thì ít gặp).

b/…Ư duy nhữ  nãi kiêm nhi hữu…

đúng ra là :…Ư duy nhữ mang nãi kiêm nhi hữuNghĩa là : Chỉ có mày là kiêm được cả (vừa  NGHĨA  lại vừa DŨNG).
Giữa câu không phải là chữ  mà là chữ mang ( 庬 ) nghĩa là lẫn lộn(Khác hẳn với “Vá”  thuộc Nôm phải viết là 播 hoặc . Hơn nữa nếu đặt chữ  “  ” vào đây làm chủ ngữ thì câu trở nên sai về cấu trúc ngữ pháp). 

Bia quốc ngữ (cụ Phan dịch nghĩa) :

“Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa, nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó; người còn vậy, huống gì chó !

Ôi ! Con Vá nầy, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó.”
Theo lời kể của “Lịch sử con Vá”  trên báo thì thoạt đầu cụ Phan chỉ cho trồng bia một tấm, về sau chắc là cụ đã viết và cho khắc thêm hai tấm nữa, một bằng chữ Hán, một khắc bằng quốc ngữ kể công trạng của 

Sống trơ trọi không vợ con, không họ hàng thân thích. Mất con , cụ Phan đau xót lắm.  chết năm 1934 ; ba năm sau lại chết thêm con Ky; cụ Phan cũng lập bia mộ cho nó. Mặc dù Ky không được cụ viết lịch sử lên báo như Vá nhưng xem mấy dòng ghi năm tháng cuối bia thì ta biết được Ky chết vào năm Đinh sửu (1937).

2- NHÂN TRÍ CẨU (con Ky) :




Phiên âm:    Nhân Trí cẩu ( Ky ) chi trủng.

“Cận nhân giả, thường bần vu trí. Cận trí giả, thường bạc ư nhân. Nhân trí lưỡng bị, nan hĩ  tai ! Hà vật súc nhân, nãi kiêm nhi hữu.

Đồng sự nhất chủ, tắc cốt nhục thị chi, vô miêu cẩu chi giới, nhân dã ! Kiến phi kì chủ, tắc cừu địch thị chi, hoá lợi bất năng nhị , trí dã.

Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ ! Nhữ nãi bất thọ ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.

Nam lịch Đinh Sửu nguyệt nhật. Chủ nhân Sào Nam chí.”

Sách “Phan Bội Châu toàn tập”  (tập 6, trang 406 ) đã phiên âm bia này nhầm thêm 02 chữ nữa:

a/ …cận trí giả thường bần ư nhân

(đúng ra là :  …cận trí giả thường bạc ư nhân . Nghĩa là : Kẻ gần với trí thì thường ít nhân).
b/…Nhữ nãi bất thọ. Thụ lặc sở cảm ư nhữ mộ
(đúng ra là :  Nhữ nãi bất thọ ; viên lặc sở cảm ư nhữ mộ… Nghĩa là : Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày.)

Bia quốc ngữ ( cụ Phan dịch nghĩa) :

Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí ; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân; vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con KY nầy lại đủ hai đức ấy.

Chung nhau thờ một chủ thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó.
Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ thiệt là trí đó.
Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy.

Mầy sao vội chết !
Hỡi trời ! Hỡi trời !
Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời.
Đau đớn quá ! Đau đớn quá !
Kia những hàng muông người.

Bia công trạng của Ky viết dài hơn bia của  và cũng là những lời ca ngợi chó để so với loại mặt người dạ thú : “…Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ ! Thiên hồ ! Nhữ nãi bất thọ ! Viên lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ đương hà như.”

( Nhân mà trí, loài vật như mày lại được như thế! Trời ơi! Trời ơi!. Mày chẳng được thọ; ta bèn viết lời thương cảm trên mộ mày. Ai kia là người mà lại là thú đấy, chẳng thể sánh với mày được.)

Xem thế, tâm trạng của cụ Phan trong những năm sống hẩm hút ở căn nhà tranh bến Ngự ấy là hết sức  cay đắng trước thói đen bạc của đời. Cụ xả thân cho xã hội mà đáp lại là những kẻ mặt người lòng thú luôn rình rập để mưu hại : kẻ đã bán cụ cho Pháp,  kẻ lại theo lệnh Tây luôn ngó nghiêng do thám quanh nhà.

Xem mấy bia mộ chó của cụ Phan ta trộm nghĩ rằng phải chăng trên cõi đời này có nhiều kẻ chưa thể sánh được với Ki và  - chưa sánh được cả về tư cách lẫn cả cuộc đời, hành trạng ./.
           
(Kiến Thức Ngày Nay  Số 724 Ngày 20. 9. 2010 ). Bản của tác giả.

Nguyễn Cẩm Xuyên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến đã ra đi

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến đã ra đi

TN
  
  Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Người Bạn Đường, sinh ngày 24.8.1952, tại thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, sau một cơn đau tim nặng, đã từ trần vào hồi 13 h 30 ngày 30/1/2014 tại bệnh viện Hùng Vương, Đoan Hùng, Phú Thọ. 
 
Lễ viếng nhà thơ Nguyễn Đình Chiến vào hồi 8 giờ đến 10 giờ ngày 7-2-2014 (tức ngày mồng 8 tháng Giêng giáp Ngọ) tại bệnh viện quân y 103 (Hà Đông). Sau đó an táng tại quê nhà Yên Bái.
 
 BÀI THƠ GIẢI NHẤT CUỘC THI THƠ BÁO VĂN NGHỆ CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN
 
 Những áng văn chương hay nhất, xúc động trong Văn học Việt Nam luôn thuộc về các tác phẩm viết về chiến tranh vệ quốc. Bài thơ Gặp lại các em của Nhà thơ Nguyền Đình Chiến từng được tặng Giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1981-1982.

Các em nằm yên nghỉ bên sông
Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất
Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt
Trời biên cương xanh ngắt
Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi

Anh vòng qua lối tắt
Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì
Sau cơn mưa nghi ngút nắng hè
Để bóng anh trùm lên từng ngôi mộ
Hàng bia nhỏ không còn nhìn rõ chữ
Nhưng gương mặt nào anh cũng thấy thân quen
Anh thì thầm gọi tên mãi từng em
Như gọi tên những người thân yêu nhất
Những đứa em chung chiến hào giữ đất
Mùa xuân qua đã ngã xuống nơi này
Chưa tròn tuổi quân nhưng các em đã sống trọn đời
Với đồng đội, với tình yêu biên giới
Các em ơi, có nghe lời anh gọi
Cả đội hình đơn vị sắp qua đây.

Mười năm hành quân qua bao chặng đường dài
Nay đứng trước các em, anh thấy mình rõ nhất
Thấy tan đi những suy tư vụn vặt
Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng
Cho anh về sống lại những đêm
Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc
Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất
Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em
Vẫn còn đây tiếng hát hồn nhiên
Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác
Cả tiểu đoàn qua sông ào ạt
Em đập sóng thia lia cho dậy ánh trăng vàng…

Các em đi khi mười tám tuổi xuân
Và để lại những trái tim trong trắng
Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa
Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong….

Thôi các em nằm yên
Quân ta đang tiến về phía trước
Đường Bình Độ* cả trung đoàn thầm nhắc
Phải giữ yên mảnh đất các em nằm
Lửa cháy rồi trên cao điểm bốn trăm….

Nguyễn Đình Chiến
Bài thơ do Nhà thơ Bùi Hoàng Tám sưu tầm và giới thiệu
* Bình Độ một địa danh tỉnh Lạng Sơn. Có lẽ nhà thơ BHT nhầm nên không viết hoa, xin sửa lại 
( Ngố )
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hết đi cho nó tình cảm


Bút Chì

Đám cưới. Đám giỗ. Đám nhậu. Tết nhất. Bất cứ chỗ tụ tập nào. Em ngồi xuống và một, hai, ba, dzzzô. Em thúc ép, giục giã, khiêu khích, dè bỉu và khen ngợi người khác thông qua việc uống. Em cầm cốc và gào lên “Hết đi cho nó tình cảm!”. Em đã bao giờ thử ngưng uống và suy nghĩ về chuyện ấy chưa?
Lúc đầu tiên có thể em uống để cho vui. Rượu bia thấm vào máu làm cho em thư giãn và hưng phấn. Em quên bớt đi phiền muộn, khó khăn, áp lực. Em cởi mở hơn, hào phóng hơn, vui vẻ hơn, liều lĩnh hơn – những trạng thái mà nếu không uống say em không thể có được. Em thèm được thả lỏng ra và trốn khỏi cuộc sống nhàm chán và khổ sở, dù chỉ trong chốc lát.
Em còn uống để không bị lạc lõng, không bị tẩy chay. Em uống như một thủ tục ngoại giao. Em uống để không bị khinh, không bị ghét. Em uống vì sợ hãi nhiều hơn vì thích thú. Nhưng tất nhiên em sẽ không thừa nhận sự sợ hãi: em uống nhiều hơn để chứng tỏ bản lĩnh. Em hoàn toàn bị khuất phục và điều khiển nhưng lại sống trong ảo giác rằng mình mạnh mẽ và tự chủ.
Và thử nghĩ xa hơn, chẳng phải mọi điều khác cũng tựa như việc uống bia sao? Quyền lực, tiền bạc, tình dục, danh vọng, chính trị, đạo đức, tôn giáo… Em muốn có chúng, không phải vì em thực sự muốn có chúng mà vì xung quanh em hầu hết mọi người đều đang lao vào chúng. Họ dạy cho em, họ thuyết phục em và cuối cùng họ ép buộc em lao vào chúng. Em có nhận ra không?
Điều đáng sợ khiến em có thể không nhận ra, đó là sự nhân danh. Họ nhân danh tình cảm, họ nhân danh tình bạn, họ nhân danh tình yêu. Họ nâng cốc lên và nói “Hết đi cho nó tình cảm”. Họ bắt em làm một việc và nói rằng “Làm đi nếu mày tôn trọng tao.” Họ rủ rê em làm một việc khác và nói rằng “Làm đi nếu mày muốn tốt cho bản thân mày.” Em có bao giờ ngưng lại và suy nghĩ kỹ về tất cả những lời ấy chưa? Em có thực sự muốn có tình cảm với cái người đang nâng cốc kia không? Loại tình cảm đòi hỏi người khác phải chứng minh là loại rác rưởi gì vậy? Và làm sao họ biết cái gì là tốt cho bản thân EM?
Nếu em quên, thì anh lại nhắc: chỉ có em biết cái gì là tốt cho bản thân em. Nếu em nhận ra việc gì là xấu, ngừng nó lại. Có quá nhiều cách để em có thể sống là chính em, sống thư giãn và hưng phấn, sống vui vẻ và tràn đầy tình cảm, mà không bị ép buộc, cũng không nhờ chất kích thích. Muốn thế, trước tiên em phải tách mình khỏi đám đông và hiểu cho rõ chính bản thân mình. Bởi để thực sự sống, mỗi chúng ta bắt buộc phải tự tìm lấy cách sống riêng. Không còn cách nào khác đâu em.
Và đừng sợ: con đường đi tìm bản thân dù không dễ nhưng cũng không cô đơn và khó khăn như em tưởng. Chúng ta là bạn đồng hành. Nếu em thực sự muốn lên đường, anh sẽ uống với em một ly.
Em hãy tự chọn uống hết, hoặc không.

Phần nhận xét hiển thị trên trang