Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Thăm thẳm đường về ( Chương 10 )



10.
 
 

T
ừ lâu gã không để ý đến gò cỏ tranh có cái tên là gò Đất đen. Khuất sau gò có một ngôi nhà kỳ quái không giống bất cứ ngôi nhà nào trong vùng. Mái nhà lợp cỏ, vách che cỏ đến cả lối đi cũng ngập cỏ lùng nhùng. Đó là ngôi nhà không mấy người trong làng qua lại vì tính quái đản của chủ nhà. Một người cao to, tay dài quá gối, lưng vượn. Gã có cái miệng lôi công, tiếng ngân nga như chuông đồng nhưng khi gã quát lác vợ con tiếng vang như lênh vỡ. Một thằng đánh giặc miệng mà hù hoạ được số đông đàn ông trai tráng trong làng. Không ai biết gã tên thực là gì, quê quán nơi đâu? Chỉ nghe gã bảo gã là một trong hàng ngàn thanh niên Thủ Đô đi tình nguyện khu kinh tế mới. Gã vất vưởng ở một nông trường trồng chè một thời gian. Ngày ngày xua đàn bò mấy trăm con lên đồi, tối đến lại lùa về. Gã chán nản. Gã không thể theo đời Tô Vũ chăn dê, gã đã thịt một con bò của nông trường lấy tiền về xuôi. ở thành phố gã không còn ai thân thích, không giấy tờ hộ khẩu, nên gã không thể sống yên ổn lâu dài. Gã theo một người tài xế lái xe làm lơ xe. Cuộc sống lang bạt nay đây mai đó cho đến khi gã gặp cô Là xuôi mảng về bán củi ở chợ tỉnh. Hàng bún ốc là nơi hai người gặp nhau. Cuộc tình tốn kém không đáng kể vì gã chỉ mời nàng ăn được đến bát thứ hai thì không sao ăn thêm được nữa. Cô Là nói mẹ cô sinh con một bề. Ruộng nương nhà cô làm không xểu nếu có người đàn ông chèo chống chả mấy nỗi trở lên giàu có. Gã từ bỏ cuộc sống nay đây mai đó theo cô Là về xóm này.
Đúng là mẹ cô Là sinh con một bề, nhưng bà là vợ lẽ một ông người dưới xuôi lên. Tầm gửi lấn cành. Bà vợ cả lần hồi thâu tóm hết ruộng nương, nhà cửa của bà hai. Khi con gái dẫn trai về nhà, đại gia đình ấy kịch liệt phản đối. Cuối cùng chấp nhận cho cô Là cái nhà bếp muốn dỡ đi đâu dựng thì dỡ. Gò mả cờ đèn là nơi vô thừa nhận từ bao năm nay. Gã dỡ cái nhà bếp về đấy dựng nhà. Quanh gò cỏ gianh là một con suối sâu cách biệt với xóm làng. Lối đi lại duy nhất là cây sung già đổ gẫy gập làm thành cái cầu tự nhiên.
Đêm đêm người ta bảo trên cây sung già có người đàn bà mặc quần áo trắng, tóc dài để xoã chấm gót, khi khóc khi cười rấm rứt trên ngọn cây. Thường thì đom đóm có mùa từ cuối xuân sang hè mới bay ra khi hết ngày sập tối. Nhưng chỗ gốc sung gần như nó lượn lờ quanh năm. Chỉ giảm hơn một chút vào mùa khô lạnh.
Không ai từ xưa tới giờ được nhìn thấy cảnh chôn người ở đây dù vẫn gọi là gò mả cờ đèn. Quân Lưu Vĩnh Phúc một thời đóng đồn trên gềnh " Ông tướng " cách chỗ này vài dặm. Người ta lưu truyền vì không hợp thổ nhưỡng cánh quân ấy trải qua một trận dịch tả kinh hoàng. Viên võ quan chỉ huy đã sai người mai táng quân số chết dịch trên gò. Khi đó gò đất mọc dày cây ba bét và cây dướng. Từ khi xuất hiện những nấm mộ, cây cối tự nhiên vàng úa chết khô. Giữa trưa nắng chang chang một trận mưa những hòn sét đỏ như sắt nung rơi xuống quả gò. Cây cối trên gò cháy trụi... Rồi từ đó mọc dày cỏ tranh. Không biết những mộ huyệt sau đó có được chuyển đi hay không? Nhưng cho đến giờ vẫn còn nhiều nấm đất to như ụ mối. Có thể vẫn là mộ bên dưới có bộ xương người. Cũng có thể nó đơn giản là một tổ mối lâu năm.
Chỉ riêng việc gã dựng nhà trên quả gò này, gã đã khác người rồi. Gã thường tự nhận mình là một tên vô chính phủ. Không có họ, không có tín ngưỡng, không có râu chỉ có mỗi cái tên là Quảng hoặc là Quảng Vô Mao.
Cô Là thường rời nhà từ lúc chưa rõ mặt người, cô đi đâu làm gì không ai rõ. Có ai hỏi cô bảo cô đi lấy củi, nhưng rất ít khi gặp cô xuôi mảng về chợ bán củi. Người ta kháo nhau cô thường rình mò các lán người ta dựng trên nương để nghỉ trưa vào lúc người ta lúi húi làm. Có thóc gạo, mắm muối gì cô vơ bằng kỹ. Hôm nào không kiếm được cô lần xuống khe suối. Cô không kiếm cá. Cô tìm những cối gạo giã bằng sức nước. ở đấy thường không ai trông coi. Sáng người ta đổ lúa vào, đến chiều hôm sau mới ra lấy gạo. Chỉ bằng những việc đại loại như thế, có nuôi được lão Quảng vô mao với một lũ con nhút nhít. Có ai hỏi đã nghèo sao lại đẻ đông con thế cô cười rúc rích: " Cứ đẻ hết trứng mới thôi. Trời sinh voi trời khác phải sinh cỏ". Lũ con cô Là đã biết đánh bẫy gà hàng xóm hoặc bới trộm khoai ngoài đồng.
Người ta rất ít khi bắt gặp lão Quảng ra đường. Ban ngày lão ngủ, chừng mười giờ đêm lão kéo nhị, hết hát chèo lại ca cải lương. Lão tự biên tự diễn phục vụ nội bộ vợ con lão nên lời ca tiếng hát của lão chẳng ai thèm quan tâm vì nó vô cùng quái gở. Không phải thứ ca nhạc của thiên thần, cũng không của ác quỷ, một thứ âm thanh u ám, hỗn độn, đểu cáng, dâm đãng hết chỗ nói.
Nhưng đột nhiên mấy ngày nay lão hay ra đường. Đầu chải mượt tay cầm một tờ báo cũ, miệng hút thuốc phì phèo. Giờ thì lão Quảng đang ngồi bên bờ sông ngay kế bến lâm sản. Dưới sông tốp người đang cởi trần đóng bè. Người ta kể như không có cái rét đang vờn lên da thịt đang tím tái của mình. Lão lơ đãng nhìn tốp người đóng bè, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn theo dòng sông chảy tít tắp về xuôi. Những đám mây xám đục trên đầu lão cũng không bận tâm. Đám người làm cho nhà Sinh béo nhìn lão dò xét. Không biết cái thằng cha kỳ quái này ra đây để làm gì? Chắc chắn lão ra đây ngồi không phải để ngắn cảnh. Lão cũng không có ai để chờ đợi ở bến sông này. Trong vùng người ta ghê lão như một con hủi, có ai chơi với lão để mà đợi chờ? Trong đám người làm có người chạy về báo với lão Sinh. Lão đang bận giở ván tổ tôm vội đứng ra đầu nhà nghe người kia thì thầm. Lão cũng chỉ nói nhỏ mấy câu đủ cho người kia nghe rồi lại ngồi vào đám tổ tôm.
Luôn mấy buổi như thế mà không xảy ra chuỵên gì. Người ta cho rằng lão Quảng vô mao tự nhiên dở tính. Ngủ ngày mãi cũng chán mắt. Lão ra sông hóng gió. Việc ai người ấy làm, chẳng ai để ý đến lão nữa.
Chỉ có gã ở gần nhà lão Chỉ là biết hành tung của lão Quảng vô mao. Buổi trưa, buổi tối đều thấy lão từ nhà lão Chỉ ra về, mặt mũi đỏ gay vì men rượu. Hai lão già kình địch nhau như lửa với nước mà giờ thân thiện quả là sự lạ!
Gã ngờ lão Chỉ đang có âm mưu gì đó mà lão Quảng là con bài. Biến một kẻ đối đầu với mình trở thành đồng đảng lão Chỉ thực cao tay. Tuy bất cần đời, hành tung khó hiểu, nhưng Quảng vô mao lại có điểm yếu thích được người ta tâng bốc và ưa được mời uống rượu. Cứ có rượu vào tốt có thể thành xấu, thù thành bạn bất kể mọi sự ở đời.
Lão Chỉ là con người tính toán, lão không cho không ai gì, và cũng không đãi không ai cái gì. Nhưng mục đích của sự lợi dụng này là gì thì gã không hiểu? Tâm trạng đang buồn, gã cũng không muốn quan tâm đến những việc xung quanh. Những việc không liên quan vướng mắc với mình. Nhất là từ hôm con bé theo mẹ nó về xuôi, căn nhà gã ngày thường đã vắng vẻ, giờ càng hiu quạnh.
Thằng con lão Đởm ở dưới quê lên gợi ý gã nên đào cái giếng. Nếu gã muốn nó sẽ cùng thằng bạn đi cùng. Chỉ đào năm buổi là có nước ăn đỡ phải ra sông gánh vất vả. Nó nói chỉ cần gã mua cho nó cuộn dây thừng, cái xẻng và cái xà beng là đủ dụng cụ. Nó có mang theo một cái thùng cuốn bằng lốp xe ôtô. Thứ đó dùng để kéo đất dưới giếng đưa lên không cần tới giành sọt gì cả. Nhưng gã nhìn thấy nó trắng bợt bạt, chân cẳng như cò hương, không tin lắm ở lời nó nói. Tạng người như nó sinh ra để đánh phấn, tô son trên sân khấu chứ không phải để làm công việc thổ mộc nặng nhọc. Thằng đi với nó trông vẻ có nghề hơn thân đậm, ngón tay quả chuối, bắp chân bắp tay cuộn cứng như bắp chuối. Hai đứa gọi nhau một là Thành cò, một là Tú lùn. Cũng có lúc Tú lùn gọi con lão  Đởm là " Thành sếu ". Cò hay sếu đều là giống yếu lả chân cao, đều thích hợp với ngoại hình và tính cách của con lão Đởm. Không biết nó bất mãn thế nào với bố mà bỏ lên đây? Nó thề không bao giờ về ngôi nhà của bố nó nữa.
Giếng thì gã rất muốn đào. Gã định nhờ người làm từ lâu mà chưa được. Nhìn hai thợ đào giếng này thì gã ngại. Thường chẳng có công việc nào kết thúc hay ho ở những con người như thế. Lão Chỉ lại không thế. Lão tính mét đào sâu trả tiền. Ngày cơm ba bữa lão nuôi không tính. Đang khi có chuyện buồn bực trong làm ăn, lão quay sang đào cái giếng gần nhà cho vợ con đỡ cực. Vậy là ngày hai bữa rượu không kể bữa sáng chỉ ăn dẹm. Lão nhớ ra còn có lão Quảng đang tồn tại ở đất này. Lão thân chinh đến tận nhà mời mọc ân cần và từ hôm đó bữa rượu nào cũng không thiếu lão Quảng. Hai thằng thợ đào giếng đã gần chục ngày mà vẫn chưa đến nước. Chúng kêu đất rắn pha nhiều đá quá, khó đào. Kỳ thực hai thằng đang rong công. Lão Chỉ biết nhưng không nói. Đầu óc lão còn đang bận rộn việc khác to tát hơn.
Từ khi lão Sinh béo đứng ra lập trạm thu mua lâm sản, nguồn thu nhà lão Chỉ sa sút hẳn. Lão mất chân độc quyền mua bán tre nứa, gỗ lạt ở quãng sông này. Mấy anh kiểm lâm cũng thưa dần rồi không đến nhà lão. Buôn bán lâm sản mà thiếu sự quan tâm trợ giúp của họ thì coi như đứt hẳn mối làm ăn. Mấy chuyến liền lão xuôi bè bị bắt, bị tịch thu, bị phạt mất cả gốc lẫn lãi. Nếu cứ tiếp tục, lão sẽ trắng tay, sẽ phải bán nhà trả nợ tiền vay vốn, lãi xuất rất cao.
Nguồn cơn cũng bởi từ cái trạm thu mua của lão Sinh mà ra. Sinh béo không ra tay, lộ mặt nhưng mọi đòn phép đều do lão bày đặt mà nên.
Lão Chỉ uất không chịu được. Cơ hồ lão phải trở lại chỗ đứng ban đầu ngày mới lên đây. Bao nhiêu cố gắng bấy nay trở thành công cốc. Lão lại như ngày nào không đồng xu trong túi, khó nhọc kiếm từng xu. Bao nhiêu năm là mối giao hảo, cùng làm cùng ăn không ngờ lão Sinh trở mặt như thế. Thế lực của Sinh béo rất gớm. Nếu lão cố tranh giành với Sinh béo, lão đo ván là cái chắc. Không khéo có ngày lão úp sọt, mượn tay chính quyền đẩy lão vào " Bẫu " cũng nên. Ai chứ lão Sinh hoàn toàn có thể làm được việc này. Với quan hệ hiện nay thì Sinh béo lo việc ấy nhẹ nhàng như thò tay vào túi.
Vậy phải làm cách khác. Lão phải nuốt nhục để đi tìm lão Quảng. Một thằng trắng trợn vồ con gái lão trên đồi lúc nó đi tìm trâu. Cũng chính nó đánh bẫy, ăn thịt con chó đực to như con bê của nhà lão. Lão biết hết, nhưng không đủ tang chứng để kiện nó ra chính quyền. Giờ đành phải coi những chuyện ấy chưa từng xảy ra. Nếu thằng Quảng nghe theo, lão sẽ đạt được hai mục đích. Giống như bắn một mũi tên mà được cả hai con chim. Vừa diệt được mối làm ăn của lão Sinh, vừa trừ được một thằng bất đẳng ở kế cận với mình. Nhưng lão phải làm thế nào để khi sự việc xảy ra, mình vẫn vô can. Lão rất khoái khi nghe Quảng vô mao nói rằng: " Đấu tranh kinh tế không có gì bằng diệt kinh tế. Làm cho nó lụi bại không ngóc đầu lên được. Chớ có dại mà ra mặt kình chống với nó. Cứ " Văn bẩn " mà nện thế nào nó cũng đổ " Phải tham khảo ý kiến của một thằng lưu manh là một chuyện bần cùng. Nhưng khi nó nói lão thấy nó có cái khôn của nó. ở đời không ai là hỏng cả. Nếu biết dùng một kẻ chẳng ra gì có khi còn được việc hơn là một người tử tế. Mà người tử tế ở trên đời phỏng có được bao nhiêu? Những chuyện đen tối như thế này, người ta nhất quyết không làm. Nghe Quảng nói thế lão rút trong bọc đưa cho ít tiền mua rượu uống chơi. Khi nào công việc xong xuôi lão hứa cho y hẳn con trâu đực sừng vừa bằng tai. Nếu làm sớm hơn thêm cả đôi lợn giống mua dưới xuôi lên. Giống lợn Đức khi xuất chuồng bằng con trâu be chứ không phải giống lợn ta nuôi hằng năm mới được ba bốn mươi cân. Quảng vô mao sướng, y đưa tay bắt rồi cầm dao chém một nhát sâu vào cột:
- Chơi quân tử đấy nhé. Đây không bao giờ nói mà không làm. Bên nào sai hợp đồng bên ấy chịu.
Nói thì nói mạnh mồm như thế. Nhưng làm không đơn giản. Y đã từng thuốn, đóng qua lỗ đít trâu để nó chảy máu trong, chương bụng ra mà chết mà chủ nhà không biết trâu chết vì bệnh gì. Rồi giã lá than mát lọc lấy nước cô đặc lại thả xuống ao cá. Cá phơi bụng chết hàng loạt mà chủ ao cá tìm mãi không ra dấu vết, mùi thuốc sâu. Nhưng đấy chỉ là những trò lặt vặt để trả thù cá nhân những đối thủ tầm thường. Một ai đó chửi bóng chửi gió nghi con gã ôm mất con gà đang ấp trứng. Hoặc một nhà nào đó có công việc mâm cao cỗ đầy mà không mời y tới dự. Ai cũng biết những việc ấy y làm nhưng không bao giờ tóm được y tận tay. Chửi lắm y còn giở nhiều trò khốn nạn hơn. Ném cứt vào nhà, quăng cóc chết, chuột chết vào bể nước ăn.
Không phải ngẫu nhiên mà lão Chỉ nhớ đến y. Trong việc chống trọi với lão Sinh béo này, Không nhờ đến Quảng vô mao không xong. Chỉ có y mới dám và mới biết cách làm.
Lão chỉ tin tưởng như thế, nhưng Quảng thì lo vô cùng. Đối tượng không dễ chơi chút nào. Sinh béo ở đất này không phải tay vừa. Bố con nó quyền cước, văn võ đủ cả. Tình huống như lão Chỉ còn phải e dè. Không cẩn thận nó cho uống no nước sông, không cũng sặc cứt ra miệng chứ chẳng chơi. Một thân một mình là không thể làm gì được. Một tay vỗ chẳng kêu, phải có đồng minh. Vậy thì tìm ai ở đất này bây giờ? Kẻ thật thà ngây ngô thì không được việc. Người sắc sảo khôn ngoan không ai chịu làm việc mờ ám - Có bần cùng phải dúng tay vào cũng đòi công cao ngất ngưởng. Vậy tìm đâu ra kẻ biết việc, dám làm không đòi hỏi quá cao? Quảng vô mao nghĩ đến gã. Một thằng mới ra tù, vô sản tuyệt đối, không tiền, không vợ, hắn là một kẻ chán đời. Một kẻ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền. Y nghĩ như thế và đi tìm gã. 
Gã nghĩ " Thiên hạ nhân, thiên hạ tài " và thiên hạ có những hạng người chẳng ra gì. Đó là mâu thuẫn nội tại của xã hội con người. Dù người ta có cố gắng thế nào cũng khó lòng thay đổi. Mong mỏi một thế giới toàn những con người tử tế, thiện tâm là điều không tưởng. Hàng ngàn năm trước đã như thế, ngàn năm sau cũng là như vậy. Ác thiện, tốt xấu như âm dương, như ngày đêm, như được mất.. luôn là như vậy. Dù con người có mong mỏi thế nào nó cũng chỉ có ý nghĩa hướng thiện, vươn tới cái đẹp mà thôi. Tận diệt cái ác, cái xấu xa chẳng khác nào tận diệt cái nguồn gốc tiềm ẩn của nhân loại trong cái vũ trụ quá mênh mông và tăm tối này. Cái đó thực không khác tìm đường lên trời vậy. Gã không lấy làm lạ khi trong làng có một người như lão Quảng. " ở đâu mà không có anh hùng? ở đâu không có những thằng khùng điên " Nhưng khi Quảng gợi ý, rủ gã tham gia kế hoạch triệt phá kinh tế nhà Sinh béo gã không khỏi ngạc nhiên trước lòng dạ con người. Con thú dùng nanh vuốt, cặp sừng, kể cả nọc độc để tàn hại nhau. Nhưng đó là cuộc cạnh tranh sinh tồn. Còn con người dùng thủ đoạn thì vì cái gì? Để làm gì. Cả Quảng vô mao và gã đều không cần thiết phải làm việc đó. Thực ra việc Sinh béo kinh doanh lâm sản chẳng ảnh hưởng gì đến mình. Vì một chút lợi nhỏ để làm hại người khác là điều gã không bao giờ làm. Có khi hai người không xong lại thiệt chính mình. Mà mình có oán thù gì với lão? Gã đã trả lời thẳng thừng, điều đó làm Quảng không hài lòng. Nhưng y không biểu hiện thái độ ra mặt. Quảng chỉ nói xa xôi:
- Hạnh phúc trên đời là cái chăn hẹp không chỉ trong chuyện ngụ ngôn. Nó có thật giữa đời. Kẻ này đủ ấm thì kẻ khác phải chịu giá lạnh. Anh chỉ muốn giúp chú có cơ hội kiếm được tiền. Chú không muốn cũng giữ kín cho. Đây là chuyện chết người chứ không phải đùa.
Y nói với giọng đe nẹt xa xôi. Gã cũng chẳng hơi đâu xía vào mớ bùng nhùng đó. Không phải gã sợ Quảng tìm cách hại mình mà cái chính là không thích dây dưa, chơi với kẻ ác không khác nào vào hang cá thối.
Cũng có thể Quảng nói ra câu chuỵên như thế để thử lòng mình, hoặc gã muốn tỏ ra vẻ nguy hiểm của bản thân nhằm hù doạ người khác.
Thế nào mặc lòng, gã nói:
- Anh thông cảm, em giờ chỉ muốn yên thân không thích chuyện rắc rối. Người khác có khi không sao, mình cái sảy nảy cái ung, em rất ngại.
Quảng không nói gì, ngồi chơi một lúc rồi về ngay.
Gã cứ tưởng Quảng sẽ bỏ cuộc vì không có người trợ thủ. Không ngờ đêm ấy y làm thật. Mũi bè vừa đóng xong chưa kịp rời bến bị đứt dây nao vào lúc nửa đêm. Đám thợ bè chiều hôm đó rượu khướt liên hoan, để ngày hôm sau khởi hành, ngủ say như chết. Bè cứ thế trôi trong đêm. Về đến Vật Bà bị nước xoáy xé ra từng mảnh. Bấy giờ đám người trên bè mới hoảng hồn thức dậy. Tiếng la hét, quát mắng, chửi bới nhau vang động một khúc sông vào lúc canh khuya. Đến hết ngày hôm sau người ta mới gom được những mảng tre nứa kết lại bè. Nhưng toàn bộ số gỗ nặng giấu dưới gầm bè bị cuốn chìm xuống lòng vực. Toàn đinh thối, vảy ốc và lát là thứ đắt tiền. Các loại gỗ này nặng như sắt, vĩnh viễn nằm dưới lòng sông. Sinh béo rũ ra như tàu lá héo. Lão Chỉ nghĩ đám thợ làm bè bất cẩn, không có ý nghi ngờ bị phá hoại ngầm. Lão tổ chức đi chuyến khác. Lần này lão cho chuẩn bị kỹ càng hơn. Bè được neo bằng sợi cáp thép buộc hẳn vào gốc cây to. Lại thêm mấy sợi neo phụ. Cho dù có bão cũng không sợ tuột neo nữa. Đêm nào lão cũng cho người soi đèn kiểm tra.
Bè đóng xong trước ngày nhổ cây lão cho người xem xét rất cẩn thận. Đêm đến đám thợ bè phải thay nhau thức canh chừng. Lần này bè không tuột neo nhưng gặp sự cố khác. Nửa đêm có một mảng nứa nhỏ trên chất đầy rơm rạ tẩm dầu trôi đến sát bè. Đám thợ chỉ chú ý soi đèn trên bờ chỗ thả cây không chú ý dưới sông. Bất ngờ phía đầu bè có tiếng nổ dữ dội. Rơm rạ trên mảng cháy ngút trời. Quả mìn không gây chết người, nhưng cả bọn bị một phen hú vía. Họ gọi nhau dùng sào chống đẩy đám cháy ra khỏi bè. Đòn khủng bố này chỉ làm trôi vài nẹp nứa không đáng kể, nhưng lão Sinh thực sự hoang mang. Lão biết đang có một âm mưu chống lại lão. Có kẻ nào đó không được ăn tính đạp đổ công việc làm ăn của lão? Nhưng kẻ đó là ai thì lão chưa nắm rõ. Lão giỏng tai lên nghe ngóng.
Lão Chỉ Đen bắn tin cho Sinh béo hiểu rằng: Thủ phạm phải là đứa cao tay, có học mới biết làm việc này. Phải là đứa vào tù ra tội mới dày dạn kinh nghiệm, mới có gan làm. Sinh béo nghe có lý. Thủ phạm rất tinh vi, chuẩn bị chu đáo để làm việc này. Nó lợi dụng sức nước chảy, thả mảng gắn mìn có dây cháy chậm từ phía thượng nguồn. Đến khi cây nhang cháy đến quả mìn vừa cập tới bè.
Gã là người Sinh béo nghi ngờ đầu tiên. Gã có thể làm được công việc đen tối ấy. Nhưng vì động cơ gì thì Sinh béo không hiểu. Không lẽ chỉ để chơi? Điều đó không phải. Con người từng trải như gã chắc không làm việc ấy. Hay có ai xúi bẩy xúi dục gã làm? Sinh béo phân vân, nhưng vẫn cho người theo dõi kín đáo. Điều này thì gã hoàn toàn không biết. Đêm đêm có tiếng động sau nhà gã lại nghĩ chắc bọn trẻ rình mò ăn trộm gói kẹo, bao thuốc của bà cụ. Thế nên gã xếp sắp gọn gàng hơn. Đêm dậy chỉ soi đèn chỗ để hàng. Gã không ngờ mình bị bí mật theo dõi. Tệ hơn Sinh béo báo cáo ngầm với công an xã. Một lần nữa, gã nằm trong vòng ngắm của chính quyền.

Ma quỷ thường có những trò dụ khị, cài đặt rất tinh vi khéo léo. Những sự việc rời rạc bề ngoài xem ra chẳng có ý nghĩa gì mà thực ra lại là có một kết cấu tinh xảo, khiến nhiều số phận không sao tránh khỏi một kết cục cay đắng.
Được hơn nửa năm gã sống yên ổn, không xảy ra chuyện gì. Hoặc chỉ là những chuyện vớ vẩn không đáng kể. Gã sống thu mình ít tiếp xúc với xung quanh. Coi đấy là cách giữ mình tốt nhất để khỏi bị lôi kéo vào những chuyện phiền phức, rắc rối. Phải cố gắng đến mức căng thẳng mới duy trì được cách sống ấy, vì con người là một sinh thể vừa yếu ớt lại vừa có nhiều yêu cầu sống phức tạp. Mà gã thì trẻ chưa qua, già chưa tới, sống như vậy không đơn giản chút nào. Gã cần tình yêu, một người đàn bà, hoặc ít ra là một vài người bạn để xẻ chia, an ủi. Cho cuộc sống thăng bằng giữa vật chất và tinh thần. Nhưng một người như thế ở đất này thật khó biết bao. Gã không sinh ra ở nơi này, không có bạn thủa chăn trâu cắt cỏ và cắp sách tới trường. Gã xuất hiện ở nơi đây với một hoàn cảnh thật oái oăm. Những con mắt xung quanh nhiều lúc sắc lạnh như cật nứa cứa vào gan ruột gã. Cần phải có thời gian mới thay đổi được cách nhìn cách nghĩ của nhiều người. Gã sống trong mối mâu thuẫn nội tâm giữa ý muốn mở rộng quan hệ để tìm sự cảm thông với cách thu mình gìn gữi để tránh tổn thương. Điều này luôn làm gã day dứt.
Cuối cùng gã đi đến chọn lựa cách sống tự nhiên. Cuộc sống không thể lúc nào cũng lên gân, lấy đà vượt dốc. ý nghĩ cầu an tự ty lúc đầu mất dần ý nghĩa. Gã nghĩ cuộc sống chỉ cốt yên thân thì cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì. Con người không thể tách ra khỏi sinh hoạt cộng đồng. Tồn tại tốt nhất là hoà nhập và chinh phục nó. Nhưng cũng lại chính lúc này mầm mống tai ương nảy nở mà gã hoàn toàn vô tâm không chú ý tới.
Sau mấy vụ xúi giục Quảng vô mao triệt phá công việc của Sinh béo, lão Chỉ thấy không ăn thua gì. Tuy nó có làm cho lão ta thiệt hại về tiền của nhưng cũng chỉ là vết sầy da chốc vảy. Sinh béo vẫn còn những nguồn tài chính tiềm tàng, không dễ gì đánh qụy hắn được. Lão thấy cần phải có một đòn quyết định. Muốn làm được việc đó phải là kẻ có gan, có máu mặt. Một tay miệng hùm gan sứa như Quảng vô mao thì không kham nổi việc này.
Thời gian này trên bãi vàng có một nhân vật nổi tiếng cùng quê với lão. Hắn nổi tiếng cướp bóc, trấn lột không gớm tay, coi mạng người như rơm rạ. Mọi người nhìn thấy hắn đều lánh mặt, nhưng hắn lại rất nể trọng gã từ những ngày ở trại. Một thằng vốn lành hiền, nhút nhát chỉ sau mấy năm tù thành anh chị, đầu gấu, nanh beo như một kiểu đột biến gen. Mấy lần hắn đến nhà rủ gã lên bãi vàng, gã nhất quyết không chịu đi. Hắn thôi không lôi kéo nữa, nhưng thỉnh thoảng vẫn đến chơi nhà.
Hôm nay hắn cùng Nhân đến vào lúc chập tối. Nhân nói đến để tạ lỗi, việc đem cắm cái xe đạp của gã mấy tháng trước. Hắn đưa cho gã chiếc áo Natô, thứ mà nhiều kẻ ao ước có được. Nhân còn xách theo một can ba lít rượu và bọc thịt gà đã chặt sẵn. từ ngày nổi bãi vàng, hàng quán trong vùng mọc như nấm. bán không thiếu thứ gì. Vậy là có khách mà gã gần như không phải sắm thứ gì. Cả bọn uống rượu chuyện trò mãi tới khuya. Nhân bảo ngoài việc đến chơi thăm nhà, còn nhờ gã một việc.
Công việc đào lò trên bộ xem ra vất vả mà hiệu quả không cao. Phải đào sâu xuống lòng đất. Đến khi đến lớp xỉ thì xúc đất đổ vào bao cho người chuyển lên bờ. Sau đó, dùng máy bơm đưa nước từ dưới sông lên, dẫn vào máng lọc. Qua rất nhiều công đoạn mới tới được máng lọc ra vàng. Công việc vừa nặng nhọc lại vừa nguy hiểm. Đã có những hầm bị sập chết người. Nhân là người đầu tiên nghĩ ra cách đào vàng dưới lòng sông. Vừa tiện nước, vừa đỡ nguy hiểm. Muốn thế phải làm một cái bè thật chắc chắn. Kết cấu thế nào để đặt tới đưa xẻng xúc xuống lòng sông. ở độ sâu ấy tương đương với độ sâu các lò đang đào trên bờ sông. Mở rộng tầng vỉa cũng đơn giản, lại không nguy hiểm. Công việc này phải tìm thợ đi bè nhiều kinh nghiệm, rồi tìm tre gỗ đóng bè...
Nghe Nhân nói xong gã bảo:
- Tưởng việc gì chứ việc ấy đơn giản. Tối nay hai ông cứ ở đây sớm mai tôi sẽ dẫn đi gặp một người. Người này đóng bè hết ý. Tre gỗ là nguồn ông ta thông thạo mà hiện thời đang bí đầu ra.
Nhân sốt sắng muốn đi ngay, nhưng Du kẻ cùng đi với Nhân bảo:
- Thôi cứ để sớm mai, ban ngày ban mặt. Việc làm ăn cứ phải đàng hoàng không đi đâu mà vội. Hơn nữa anh em lâu ngày mới gặp tao muốn ở đây một tối. Sáng mai thong thả sẽ bàn.
Gã cũng nói:
- Giờ cũng khuya rồi, sang nhà chắc lão đã đi ngủ. Nhanh chậm cũng không bao nhiêu, mai tôi đưa sang sớm.
Du nhắc lại lần gã đưa cho y mấy viên cờlôsít. Nếu không có mấy viên thuốc ấy có lẽ y mãi mãi ở lại bên kìa đèo Lũng Lô rồi. Chiếc xe cá đông lạnh do chết máy giữa đường bị lỡ hành trình. Cá chuyển lên đến trại đã có mùi. Mấy trăm con người bị tháo tỏng, chuyển sang kiết lỵ. Phạm chết ở trại chưa bao giờ đông đến thế. Ngày nào cũng bốn năm chuyến xe cải tiến chở quan tài ra nghĩa địa cây thị. Xưởng đóng quan tài hoạt động cả ngày lẫn đêm mới đủ số áo quan. Đó là mùa đông ảm đạm nhất trong đời mà Du và gã không bao giờ quên.
Bố Du là liệt sĩ thời chống Pháp, nếu không xảy ra vụ án mạng oan nghiệt ấy, Du đã đi học nước ngoài. Hồ sơ giấy tờ đã làm xong chỉ chờ ngày gọi nhập học thì có lệnh đình chỉ vì người ta nghi ngờ Du liên quan đến vụ án. Một anh chàng không dám cầm dao cắt tiết gà lại bị tình nghi là hung thủ.
ở tù ra Du thành con người khác hẳn. Y không về quê mình mà theo một người bạn được tha cùng ngày lang thang ngoài thành phố. Có lúc Du chịu đi làm lơ xe. Thất nghiệp, theo một bọn xuôi ngược trên tàu sống bằng nghề trộm cướp. Con người y chai sạn, trơ lỳ tự khi nào y cũng không biết nữa. Y đã quá quen với cảnh bị bắt bớ, giam cầm. Quá quen với việc đánh người và bị người đánh. Máu người rốt cuộc cũng chỉ là thứ chất lỏng có mùi tanh. Y không sợ máu mình đổ và làm đổ máu người khác. Tình người với y chỉ còn là thứ tình nghĩa quân tử theo lối luật rừng.
Nghe nói có bãi làm vàng rất có cơ hội đổi đời y bỏ Hà Nội tìm lên. Nhân đã gặp y và y trở thành thành viên của đội làm vàng của Nhân gồm hai chục con người. Nơi tứ chiếng giang hồ gặp nhau, Du trở thành chỗ dựa tin cậy của Nhân.
Nghe chuyện của Du gã thấy buồn. Cuộc đời Du thế là đã chuyển rất xa điểm xuất phát ban đầu. Hướng ấy đi về đâu, chỉ nghĩ đến gã đã thấy rùng mình. Không cần phải tưởng tượng, quá khứ những năm sống trong môi trường ấy đã có nhiều minh chứng. Một lời khuyên can lúc này chưa chắc đã có tác dụng gì. Nhưng sớm muộn gì mình cũng phải tác động để Du nhận ra, dừng lại khi chưa quá muộn. Gã nghĩ như vậy tuy chưa nói ra vào lúc này.
Nhân có ý thăm dò quan hệ của gã với em gái mình. Gã cũng thành thực nói quan hệ ấy cũng không có gì ngoài tình cảm anh em quen biết. Nhân bảo: " Bà cụ nhà tôi đi xem, thầy bảo con này cao số. Nó sinh vào ngày cuối năm nên số vất vả. Muốn nhân duyên bền vững phải làm lẽ người ta hoặc người chết vợ. Nó có vẻ quan tâm đến cậu, nhưng cậu vô tình đấy thôi... "
Gã cười như mếu:
- Ông bảo hoàn cảnh tôi lúc này làm gì dám nghĩ đến chuyện ấy. Nhất là lại đặt vấn đề với Thịnh.
Du cũng thêm vào:
- Ông cứ uống thuốc liều thử một phen xem nào. Có gì bọn này hỗ trợ.
Câu chuyện cứ lan man như thế cho đến lúc chợt có tiếng gà gáy sớm. Bên ngoài sương vẫn mù mịt, trời vẫn còn tối. Gã bảo cả bọn đi ngủ. Nhưng rồi lại rì rầm cho đến khi sáng bạch.
Nhà lão Chỉ đào đến cái giếng thứ hai vẫn chưa có nước. Cái thứ nhất gặp đá bàn. Viên đá dầy, lấy choòng đục xuống hai chục phân vẫn không thấu. Gõ thử vẫn nghe binh binh. Đá quá dày, đành phải bỏ. Đến cái thứ hai gặp chỗ đất xổng, bọn Thành cò đào lại hay lệch tâm, có chỗ thành lõm vào nên cứ lở ầm ầm. Được gần chục mét phải dừng lại không dám đào tiếp. Đất xô mạnh có khi vùi lấp người không kịp bới lên.
Lão ngao ngán không muốn tiếp tục công việc. Thành cò vì cần tiền vẫn năn nỉ lão cho đào chỗ khác. Lão Chỉ còn lưỡng lự.
Đúng lúc ấy thì cánh Du, Nhân đến nhờ lão giúp cho cái bè. Đang lúc bị Sinh béo chèn ép, lão Chỉ cũng đang bí chưa nghĩ ra việc gì. Cuộc trao đổi hai bên diễn ra nhanh chóng. Lão Chỉ nhận sẽ lên bãi vào ngày hôm sau. Tre, gỗ lão sẽ đặt cho bọn trong làng dùng trâu kéo đến tận nơi. Cánh đào vàng chỉ việc nhận bè rồi thanh toán tiền cho lão. Lão Chỉ đề nghị thêm một việc là bọn Nhân Du nhận cho thằng Thành cò và thắng chột con trai lão vào làm một chân.
Nhân nhận lời ngay vì y cũng đang thiếu người. Đang cho người đi đón thêm mà vẫn chưa được.
Du bảo không được, hắn chỉ nhận thằng con lão Chỉ. Còn Thành cò nếu muốn lên bãi vàng vào tổ khác, y không muốn " lằng nhằng ". Nhân gọi riêng Du ra hỏi. Du nói: " Nó là con lão Đởm, kẻ đã gieo tai họa cho tao, không đời nào tao quên để làm ăn với nó. Nhìn nó tao đã ngứa mắt lắm rồi. Nói gì đến việc ăn làm cùng nó... "
Nhân nhớ ra câu chuyện Du đã kể với mình, hắn nói:
- Mày thế mà ngu. Phải tao tao sẽ xử cách khác. Thôi cứ cho nó theo.
Có một điều, ngay lúc đó lão Chỉ chưa nói. Lão nhận giúp làm việc này còn vì một kế hoạch riêng của lão. Sinh béo đang là tảng đá cản đường trước mũi bè của lão. Trước sau gì lão cũng phải tìm cách đẩy đi. Phải nhờ bọn đầu gấu này mới được việc.
Đứa con lão Chỉ sau hôm đó, ngày nào cũng lên bãi vàng bán rượu bán thịt, ả quá quen với việc lôi kéo đàn ông. Có hôm ả ngủ lại lều của đám thợ đào vàng. Thằng Du say như điếu đổ. Lão Chỉ biết hết nhưng lờ đi như không có việc gì.

Gã tưởng mọi việc như vậy là xong. Lão Chỉ có mối làm ăn mới sẽ quên chuyện kèn cựa với Sinh béo. Theo gã thế cũng là phải lẽ. Sinh béo vừa có tiền vừa có thế lực, lại là người đa mưu túc trí. Y dựa vào thế lực Nhà nước, danh nghĩa là mua hàng cho công ty lâm sản, khép kín từ đầu vào đến đầu ra, làm sao lão Chỉ cạnh tranh được? Thời làm ăn tự phát, mưu mẹo vặt của lão đã hết. Giờ là lúc làm ăn mức độ quy mô, thủ tục phức tạp hơn, lão làm sao lo được? Người ta không cấp giấy tờ, không cho xuất bến thì lão phải bó tay. Nguồn lợi lớn từ rừng sẽ thôi không chảy vào nhà lão nữa. Nhưng biết đâu công việc đào vàng lại kiếm được? Chả thế mà mấy bố con lão rủ nhau lên ở hẳn trên bãi.
Gã không ngờ một tuần sau xảy ra một việc chưa từng có ở vùng này. Việc đó làm tình hình an ninh nóng bỏng khiến cả vùng xôn xao. Công an tỉnh, công an huyện tới tấp đi về. Người ta đồn rằng đây là một âm mưu phá hoại. Sẽ có nhiều người bị bắt sau đợt điều tra này.
ấy là hôm vào lúc gần sáng, đột ngột nghe tiếng nổ ran như pháo dội. Khu trung tâm xã lửa sáng rực trời. Tiếng hô hoán dậy đất. Người chạy rầm rập ngoài đường. Người  ta bảo cháy cửa hàng bách hoá của xã do lão Sinh phụ trách. Năm gian nhà gỗ lợp lá có xếp đầy hàng hoá cháy rụi. Đám cháy bùng lên từ gian chứa dầu hoả. Hàng trăm con người đổ vào cứu hoả chỉ kịp khiêng được hai cái tủ và mấy chục bao muối. Vải vóc chăn màn gần như bị cháy hầu hết. Thứ nào lôi ra được cũng bị cháy len nhem. Bây giờ thành phế phẩm không thể bán được nữa. Lão Sinh béo lúc đầu la lút đến khản cổ, sau lả đi. Người ta phải cáng lão vào trạm xá. Người ta thì thào với nhau không biết số phận lão sẽ ra sao? Lão sơ ý để hoả hoạn hay có kẻ nào phá hoại? Trận hoả hoạn này có thể làm lão trắng tay, có khi còn phải ngồi tù vì trách nhiệm. Tuy là đặt ở xã này nhưng nó cũng là trung tâm bách hoá của cả cụm mấy xã Thượng huyện. Giá trị kinh tế không nhỏ. Sáng hẳn đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Cũng may là người ta đã kịp cách ly, chặn lửa bằng cách dỡ mái mấy ngôi nhà gần đấy. Nếu không cả khu trạm xá miền và mấy ngôi nhà dân cũng bị lửa thiêu. Trên khu nền nhà cửa hàng bách hoá còn trơ ra đám cột cháy nham nhở. Những mảnh bát vỡ, mảnh thuỷ tinh vẫn đang nổ lách tách trong đám than tro còn nóng. Những người đến cứu hoả áo ướt đẫm, mặt đen nhẻm chỉ lộ hai con mắt. Người cháy áo, người trụi râu. Có cả người bị bỏng đang bước khập khễnh. Tất cả đã mệt nhoài, không ai nói gì vào lúc này. Lẳng lặng ai về nhà nấy.
Gã nhìn thấy Quảng vô mao đang đứng trên một gò mối. Lạ thay, lão vẫn quần áo tinh tươm, đầu chải mượt như chuẩn bị sắp đi đâu. Chân tay lão sạch sẽ như chả có liên quan gì đến vụ cháy vừa rồi.
Gã thấy Quảng nhìn mình với ánh mắt rất lạ. Hình như có ý nghi hoặc. Gã ném cho lão cái nhìn khinh bỉ. Không lẽ lão già quái đản này lại nghi ngờ mình có dính líu vào vụ cháy này? Những vụ việc trước Quảng làm gã đều biết cả. Gã không nói gì là vì không có tang chứng cụ thể. Còn việc Quảng rủ rê và bàn bạc với gã chỉ là khẩu thiệt vô bằng. Nhưng lúc này ánh mắt Quảng nhìn gã bực không chịu được. Gã có lợi ích gì để làm một việc động trời này? Lão Chỉ thù hận thế nào mặc lão gã không hơi đâu dây vào những việc đen tối, rắc rối này.
Khi gã quay trở về, lão Quảng liền đi theo, lão bảo:
- Anh tưởng chú mày khôn ngoan hoá ra không phải. Người ta bảo có ăn tìm đến, có việc tìm đi. Dại gì mà đâm đầu vào chỗ như thế này? Không khéo bị tình nghi oan mình là thủ phạm!
Rồi lão đưa hai bàn tay xoè ngửa ra trước mặt:
- Đây này. Anh lúc nào cũng hai bàn tay sạch. Chả dại gì nhúng vào than củi. Tội rơm vạ đá, có khỏi vạ má cũng sưng.
Đi ngang qua gò cỏ tranh lão cứ lôi kéo gã vào nhà mình. Gã kêu mệt muốn về nghỉ, lão nói rỗi:
- Hay mày khinh anh mày nghèo không thèm đến? Tao quý tao mới mời.
Gã đành phải vào. Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ gã chưa bao giờ thấy một ngôi nhà kỳ quặc đến thế. Trên mái có rất nhiều miếng ni lông xanh đỏ cái lẫn vào đám gianh có lẽ để chống mưa giột. Nền nhà xẻ rãnh như bàn cờ. Một con lợn bé chừng hai chét tay phóng ra từ đám chăn.
Quảng rót rượu ra hai cái bát sành sứt miệng. Gã chỉ nhấp lấy lệ không uống. Quảng đặt bát nhìn thẳng vào mặt gã:
- Có phải lão Chỉ thuê chú mày làm vụ này không?
 gã trừng mắt:
- Ai bảo ông thế.
Quảng đấu dịu:
- Là anh hỏi vậy. Không phải thì thôi. Thế thì lạ nhỉ, thằng nào làm?
Gã bực mình không nói gì, đứng dậy ra khỏi nhà. Một con rắn đen trùi suýt nữa gã dẫm phải. Nó phóng vội vào gò mối hay ngôi mộ gần đó. 
Gò cỏ gianh tự nhiên gió rờn rợn.







Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện vãn ngày xuân:

NHÀ VĂN LÊ LỰU  (và những câu chuyện cũ )

TRẦN MẠNH HẢO
Vừa rồi, tôi, kẻ viết bài này gọi điện thoại thăm nhà văn Lê Lựu, sau khi báo chí phỏng vấn ông, hỏi vì sao một nhà văn lớn như ông mà bị trượt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học năm 2012 mới công bố. Ông cười với nhà báo và cả cười với tôi : “Chuyện nhỏ, ông quan tâm làm gì, ở đâu, đến ngay làm vài li với tớ”. Khi biết tôi đang ở Sài Gòn, Lê Lựu bồn chồn, rằng “thời trẻ tụi mình nghèo kiết xác, cà lơ phất phơ cả với nhau mà vui quá ông nhỉ ?” 
Tôi biết Lê Lựu đang buồn, không phải buồn vì bệnh tật hay không được giải thưởng to cỡ 300.000.000 đ, mà buồn vì nhân tình thế thái, buồn vì đời nay tệ quá, tàn quá, xuống cấp quá, tha hóa quá, phi nhân quá. Hãy xem ông trả lời tờ báo An Ninh Thế giới số 1093 ra ngày 10-9-2011 của ông trung tướng công an Hữu Ước  theo blog Nguyễn Thông :
“Đọc mấy nhời của bác Lựu, giật mình, nghĩ sao mà tướng Hữu Ước dám cho đăng nhỉ, hay là bữa ấy đi công tác vắng, cấp dưới nó không báo cáo, xin phép. Mà cũng có lý, bởi giờ đây mình sợt tìm trên bản điện tử báo An ninh thế giới thì không có chữ nào, kết quả báo rằng không tìm thấy.
Sau đây là lời của bác Lựu:
altTrong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi và những người bạn tâm giao nói về những vấn đề của xã hội, nghĩ về nhân tình thế thái. Tôi không hiểu sao bây giờ con người không tốt với nhau. Trong chiến tranh hy sinh nhiều, cuộc sống khổ cực, nhưng lòng mình thanh thản, lòng dân vô tư lắm. Đi chiến trường hy sinh mà lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ thời bình không còn tiếng bom đạn nhưng tâm con người cứ lộn nhào hết cả. Không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không biết thế nào là lim (giới hạn-NV). Mỗi con người phải có một cái lim nhất định thì mới thành xã hội. Con người có nhiều tính cách thì cuộc sống mới phong phú và đa dạng. Nhưng mà phải có lim và có luật lệ.Trong chiến tranh, tâm tính con người ta hiền lành, không mưu mô xảo quyệt. Chứ thời nay, trong cơ chế thị trường này, luật lệ cũng lung tung. Xử lý công việc cũng lung tung. Sống nặng về vật chất, thực dụng, chụp giật. Bây giờ sáng ra đọc báo toàn những chuyện giật mình. Con kiện cha chỉ vì mười mét vuông chỗ ở. Một đứa trẻ chưa đến tuổi thành niên giết mấy mạng người không ghê tay. Một đứa trẻ khác chỉ vì thiếu tiền chơi game ra tay sát hại cả em mình, bà mình. Người ta thiếu tiền nên giết người chỉ vì vài trăm nghìn đồng. Trong làm ăn thì lừa đảo nhau nhiều lắm. Cứ lợi dụng nhau sơ hở vài chữ trong văn bản, thậm chí từ một cái dấu phẩy trong bản hợp đồng để lừa nhau hàng tỉ. Trong doanh nhân cũng nhiều người tốt, nhưng rồi cũng có rất nhiều người nhăm nhăm để lừa nhau.
Chính thời nay là thời loạn, chứ không phải chiến tranh là thời loạn
” ( hết trích).

http://thongcao55.blogspot.com/2011/09/nha-van-le-luu-lam-em-so-qua.html
Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến ông không được giải thưởng lớn vì tính nói thẳng nói thật của Lê Lựu chăng ? Thẳng thắn và trung thực như hai tác phẩm ( tiểu thuyết) lớn nhất của đời ông : “ Thời xa vắng” ( 1986) và “ Chuyện làng Cuội” ( 1991)
Nhớ tết năm 1976, cái tết đầu sau ngày thống nhất đất nước, tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội, rét quá, cứ dúm dúm dó dó dưới gốc táo sân sau tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Chợt Lê Lựu kéo tôi vào phòng, đưa bộ complê màu xám còn khá mới bảo : Hảo lấy mặc vào ngay cho ấm, mặc đến khi nào vào Sài Gòn đưa lại cho mình, mình trả lại nhà nước…  Mình và Nguyễn Khoa Điềm vừa được đi Bungari về, phải mượm áo quần dày dép của nhà nước…Mình đã báo cơm ở bếp ăn tập thể báo “Quân đội nhân dân” cho Hảo, cứ nhớ bữa trưa và chiều về ăn nhá”.
 Tôi quen Lê Lựu trong lúc xẻ cơm nhường áo này cách đây 36 năm. Vài năm sau, khi nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Lê Lựu vào Sài Gòn, tôi đã rủ hai bác này đến nhà tôi ở suốt gần ba tháng. Thực ra, tôi đã biết mặt, nhớ mặt nhà báo Lê Lựu, phóng viên báo “Quân khu Ba” mấy năm trước, khi ông đến sư đoàn 320 B, nơi tôi huấn luyện để phỏng vấn vì sao, có phải vì mới được học nghị quyết mà đồng chí đã đạt thành tích chạy nhanh nhất sư đoàn trong một cuộc thi chạy hay không ? Tôi thành thật trả lời nhà báo trẻ Lê Lựu :”Thưa bác nhà báo, không phải nghị quyết làm em chạy nhanh đâu ạ”.” Thế không phải do nghị quyết thì còn bởi gì ?”. “ Dạ, bởi bố em”. “Bố đồng chí dạy đồng chí chạy à ?”. “ Không, thưa bác nhà báo, bố em không dạy em chạy, mà ông chuyên cầm roi đuổi đánh em ngay từ khi em mới biết đi ạ”.” À ra thế, bố cầm roi đuổi đánh, cứ thế mà chạy như biến, chạy bán sống bán chết, chạy vắt giò lên cổ nên thành ra chạy nhanh ngang gió phải không ?” Dạ thưa bác nhà báo, quá đúng ạ”…
Sau cái buổi cho mượn bô Complê quốc doanh và báo cơm cho ăn tới bến của Lê Lựu bữa xa xưa ấy, tôi có nhắc lại kỷ niệm được anh nhà báo trẻ báo “Quân khu Ba” phỏng vấn vì thành tích thi chạy nhanh nhất sư đoàn của tôi, Lê Lựu cả cười nhớ ra bộ dạng thật thà của anh lính trẻ Trần Mạnh Hảo. Lê Lựu bảo : “ Tớ về viết bài báo rất hấp dẫn về cuộc phỏng vấn các nhân vật lính mới sau khóa huấn luyện đi B của sư B20B ở các khâu kỹ thuật : bắn súng giỏi nhất, chạy nhanh nhất, đâm lê tài nhất, ném lựu đạn tài nhất… đưa duyệt đăng, đến đoạn ông trả lời do bố đuổi đánh chạy quanh làng mãi nên thành chạy nhanh nhất sư đoàn, tổng biên tập báo của tớ cười sằng sặc, đoạn bảo :” Lựu viết thế này mà in lên thì bỏ mẹ báo ta mất, do bố đuổi đánh mãi thành ra chạy nhanh, láo, dù chuyện thật đúng trăm phần trăm như vậy cũng phải viết cho nó chính trị chứ ! Tôi chữa như sau : cậu lính mới tên Hảo này trả lời rằng đúng là em mới được học nghị quyết nên đầu óc thông sáng, khi tư tưởng đã thông thoáng thì tạo ra sức mạnh vật chất nghe chưa, nên cậu ta chạy nhanh vì vừa học nghị quyết đảng mới đúng chính trị. Lựu nên nhớ trong chế độ tốt đẹp gấp triệu lần tư bản của chúng ta, báo chí văn nghệ cho đến con người tuốt tuột đều là chính trị hết, nghe chưa ? Mao chủ tịch từng dạy : Chính trị là thống soái là gì ? Chế độ tốt đẹp của ta làm chó gì có cảnh bố đuổi đánh con chạy khắp làng, viết thế là nói xấu đảng ta, nói xấu chế độ tốt đẹp ta. Chỉ có trong chế độ Mỹ-ngụy thì các ông bố mới thi nhau cầm roi đuổi đánh con cái chạy khắp làng khắp phố nghe chưa ?”
Lê Lựu chiêu một ngụm trà, châm nước cho tôi, đoạn nói tiếp : “ Khi báo đăng, tớ xuống tìm ông để tặng tờ báo in chuyện ông chạy nhanh nhất sư đoàn vì vừa học nghị quyết chứ không phải do bị bố cầm roi đuổi đánh suốt tuổi thơ mà thành ra có thành tích chạy ngang gió thì ông đã đi B…”. Tôi góp chuyện : “ bác Lựu này, tôi nghĩ nếu không có hổ báo đuổi bắt ăn thịt, thì bọn huơu nai đã thành các chú rùa, chứ đâu có thể chạy nhanh đến như thế ?”
Ơ hay, thời gian và cuộc đời  hình như cũng là thứ hổ báo đuổi bắt chúng ta chạy như biến về tuổi U 70 như tôi, U 80 như bác Lựu ( Lê Lựu vừa nói với tôi qua điện thoại, năm 2012 này ông đã 75 tuổi chứ không phải 71 như tuổi trong giấy tờ vẫn ghi) ? Và chúng ta quá sợ hãi chạy nhanh như gió, như biến, chạy nhanh trên cả cấp sư đoàn, chạy như ma đuổi phải không bác Lựu ? Con ma cuộc đời, con ma thời gian, con ma thời thế đuổi theo chúng ta để bắt linh hồn, như con qủy Mephixto đuổi theo nhân vật Faust của đại thi hào Đức Wolfgang Goethe để gạ vị bác sĩ này bán linh hồn cho hắn đổi lấy sang giàu ?
Faust đã bán linh hồn cho qủy để đổi lấy vinh quang, còn Lê Lựu đã bán linh hồn cho ai, và sau khi bán linh hồn thì ông sống bằng gì hồi sau sẽ rõ. Nhưng này bác Lựu, mới đó, ngót 40 năm trước, những người viết trẻ chúng ta cứ đông vui và ồn ã như vịt, được ông chủ chăn vịt có tên thời gian, có tên cuộc đời cầm chiếc sào dài buộc mớ tàu chuối khô như giẻ rách và lùa chúng ta vào thời đại anh hùng chỉ toàn niềm vui, không có chỗ cho nỗi buồn cư trú, lùa chúng ta vào văn chương, thi phú, vào quan trường và vào những nhà thương điên ! Có những anh bạn văn nghệ cùng thời với chúng ta quả thực không tim, vẫn tìm cách bán một thứ linh hồn dỏm cho quyền lực để đổi lấy vinh quang, đổi lấy chức tước cùng các giải thưởng danh giá. Còn Lê Lựu, ông chỉ có một trái tim, một linh hồn đau đáu với văn chương, điên dại với chữ nghĩa, lăn lóc với giấy trắng, quằn quại với bút mực, hỏi rằng ông đã bán hay chưa ?
Lê Lựu có dáng vóc của người dân quê chân chất, hiền lành, không thể nói là xấu trai, là quê một cục, là bần cố nông như nhiều bài báo phóng đại về ông đã vẽ một thứ chân dung rất hoạt kê về ông rất không đúng để câu khách. Ngay Trần Đăng Khoa, một chú em tiền bối của chúng tôi còn phịa ra chi tiết Lê Lựu sang Mỹ cởi giày ra lấy tất ( vớ) ngửi ngửi như ngửa hoa ngửa quả thì thật là quá đáng. Lê Lựu không giận, mặc kệ các người, muốn vẽ chân dung ông là hủi cũng được, ông cứ đóng vai anh dân quê lên thành phố cho an toàn. Riết rồi ông cứ nhận mình rằng tớ dân nhà quê ấy mà, học hành chết gì đâu, đọc điếc cũng lười nhác, viết lách theo phong trào cho vui ấy mà…
Không, Lê Lựu không quê mùa chút nào. Ông đóng vai dân nhà quê để qua mặt thiên hạ, để dễ tiếp cận cuộc đời, trông thật thà như đếm thế này vào dân dân thích lắm, đến nhà quan quyền, quan quyền không thèm cảnh giác, rằng thằng này phi chính trị, không nguy hiểm, kệ bà nó phét lác cho vui. Lê Lựu, giống như nhân vật của ông là Giang Minh Sài cứ ấm ấm ớ ớ thế, giả bộ khật khưỡng, thủ vai ngô nghê mười rằm cũng ư mười tư cũng gật cho qua chuyện, vạ vật đâu cũng được, dế rách chổi cùn cũng chơi mà mâm son đũa ngà cũng tới…
Ngược lại với vẻ bề ngoài Lê Lựu có khi như tá điền, có khi lại như địa chủ kia lại là một anh trí thức có hạng đấy. Lê Lựu giấu biến sự học, sự đọc rất kinh của mình như mèo giấu vàng giấu ngọc, chẳng bao giờ thích làm thùng rỗng kêu to như bao ông đồng nghiệp giả dạng vào vai trí thức. Một trí thức thật không cốt ở bằng cấp, không lụy dáng vẻ, không hề biết khoe khoang như những anh trí thức hạng bét chuyên mang mặc cảm trí thức trong người. Tôi xin cá với bàn dân thiên hạ, sức đọc của Lê Lựu còn có thể gấp mấy lần chú em đồng hương của ông là thần đồng quá lứa Trần Đăng Khoa.
 Hồi đầu vào Sài Gòn cùng Nguyễn Khải ở nhà tôi gần ba tháng, Lê Lựu chỉ làm hai việc rất chân chính là tìm bồ và tìm mua sách. Gặp kho sách dịch Sài Gòn, Lê Lựu sướng ngất ngây, hệt chuột sa chĩnh gạo. Ông đọc triết tây triết đông qua các bản dịch của các linh mục dạy triết và các nhà Hán Nôm có hạng Sài Gòn. Ông đọc các tiểu thuyết phương Tây  mê man, hầu như có khi thức xuyên đêm. Bỏ mẹ, Lê Lựu và tôi rì rầm để cho ông anh Nguyễn Khải ngủ : thế này thì đúng là Sài Gòn nó giải phóng chúng ta chứ cóc phải ngược lại bác Lựu nhẩy. Chết ông be bé cái mồm cho tôi nhờ. Đâu phải cái đúng cái hay cái tốt bao giờ cũng thắng thế đâu. Man di thắng văn minh là thường mà. Các bộ tộc man rợ phương Bắc châu Âu từng chiến thắng văn minh La Mã là gì ? Kẻ dốt, kẻ cuồng tín, kẻ kiêu ngạo, kẻ ác thì làm gì có tự do…mà đòi…thôi thôi tai vách mạch rừng không nói nữa. Này, bác Lựu nghĩ mãi mà không nói được ra thì điên mẹ nó đấy. Đừng nghĩ nữa, nghĩ nhiều thì vào nhà tù mà nghĩ nghe chưa…Ba tháng trời Sài Gòn ở nhà tôi với Lê Lựu đêm nào cũng  quá ngắn, chưa đọc hết sách đã sáng banh cả mắt, rì rầm như hai con khỉ đi ăn trộm ấy. Đọc đến đoạn nào thích chí, Lê Lựu tàn nhẫn bấm tôi dậy để rì rầm đọc ri rỉ như dế cho nghe, đến độ làm bác Nguyễn Khải thức theo bảo : chúng mày tí tửng như gái ngồi phải cọc, mấy cuốn đó tao đọc rồi, hồi trước năm 1945, mà đọc bản Pháp văn. Tội nghiệp các em, có học mà như mù chữ. Thì cũng tại thế hệ chống Pháp các bố dạy chúng tôi chứ ai. Cứ để Tây đấy, đánh nó làm chó gì, để nó dạy chúng tôi như nó đã dạy các bố, thì hôm nay sao chúng tôi lại thành những kẻ có học mù chữ được ? Cứ cái màn nghĩ trộm, nói trộm, đọc trộm thế này có khi nguy…May mà gần ba tháng, hai bác nhà văn về Hà Nội, chứ cứ đêm nào cũng rầm rầm rì rì như dế trốn chui trốn nhủi thế này có khi ốm chết quách rồi, còn đâu nữa mà ngồi kể chuyện cũ. Sau này, chết rồi Nguyễn Khải mới dám tung tiểu luận “ Nghĩ Muộn” ra, coi như một lời sám hối muộn màng; còn hơn các anh ngậm miệng ăn giải thưởng đang cười nói sờ sờ ra mà quả thực, tâm hồn, nhân cách đã chết từ thời tám hoánh.
Lê Lựu không hề quê mùa chút nào.Ông rất tỉnh thành là đằng khác. Minh chứng là một mình ông đã xây dựng nên một công ty làm ăn rất phát đạt : “ Trung tâm văn hóa doanh nhân” từ năm 2002 đến nay. Bây giờ, chân Lê Lựu đi đứng đã không còn vững, có khi phải nhờ người dìu dắt, vậy mà trung tâm này của ông vẫn làm ăn tốt, hỏi một người quê mùa, thậm chí ngô nghê như nhiều bài báo đã viết, liệu có đủ tầm vóc, trí thức, uy tín, trình độ làm giám đốc công ty “văn hóa doanh nhân” này hay không ?
Trời cho Lê Lựu một trí thông minh hiếm có. Ông có thể đọc thuộc một chương tiểu thuyết của mình ngay trước mặt anh. Này, chú mày cầm cuốn “Thời xa vắng” lên, lật bất cứ trang nào, bảo tớ đọc thuộc lòng cho mà dò, không sai một dấu chấm phảy. Ông nhớ vanh vách các danh tác quốc tế và trong nước đã đọc, kể cả những cuốn dày như tủ lạnh của L. Tolstoy và F. Dostoyevski…
Lê Lựu hình như có máu trạng trong khoa ăn nói. Ông huyên thuyên chuyện con cà con kê, tán dóc lênh láng cả những hội trường hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dự thính mà thiên hạ vẫn há hốc mồm ra nghe như nghe cha cố giảng đạo. Hồi hưởng vinh quang sau tiểu thuyết lớn “Thời xa vắng”, Lê Lựu là nhà văn ViệtNamđầu tiên được  trung tâm William Joiner của ông Kevin Bowen mời sang thăm nước Mỹ. Sau ( hình như sáu tháng) chu du bên Mỹ, về nước Lê Lựu được hàng trăm cơ quan mời nói chuyện xem nước Mỹ nó đầu ngô mình sở ra sao, nó kinh khủng mức nào, nó giàu sang hợm hĩnh ra sao, nó giãy chết rung chuyển thế giới thế nào ? Người ta đi nghe lũ lượt, khen nước Mỹ thì ít mà khen Lê Lựu nói hay thì nhiều. Khiếp, làm như nước Mỹ nó không nằm trên bản đồ thế giới mà nó nằm trong bụng Lê Lựu vậy. Khiếp, làm như không phải Kha Luân bố đã phát hiện ra châu Mỹ, nước Mỹ mà chính là anh nhà văn quê ở huyện ta, huyện Khoái Châu ta ( oai oái như phủ Khoái xin cơm) đã phát hiện ra châu Mỹ và nước Mỹ vậy. Lê Lựu nói chuyện về Mỹ hay tới mức mà người ta đã kinh doanh ông, thu âm bài nói dài hàng hai ba tiếng đồng hồ của ông về nước Mỹ để bán đắt như tôm tươi. Người viết bài này đã nghe băng thu âm buổi nói chuyện về Mỹ của Lê Lựu và rất tiếc cho các vị làm công tác tổ chức đã bỏ lỡ một cơ hội bằng kim cương là không mời nhà thuyết khách Lê Lựu làm bộ trưởng bộ ngoại giao.
 Lê Lựu ca ngợi Mỹ tới mây xanh mà vẫn rất chính trị, mà vẫn không mất lòng đảng ta. Ông cũng nói xấu Mỹ tới tận cùng địa ngục mà Mỹ vẫn qúy hóa ông như giời, thế mới lạ. Ông chửi Mỹ rằng nước nó thế nào cũng loạn vì không có ban tổ chức trung ương, vì nó đa đảng nên bất cứ thằng dân nào cũng có thể lên báo chửi tổng thống, không còn quân tị quân nhậm gì, cá mè một lứa, dân cũng như quan, quan cũng như dân, ấm a ấm ớ, chẳng còn tôn ti trật tự gì cả. Ông chê nước Mỹ nó sạch như lau đến ruồi muỗi cũng nghỉ chơi mà bỏ đi. Sạch quá mức là mất vệ sinh nhất; vì trẻ em bị vô trùng từ lúc sinh ra nên nó dễ bị vi trùng tấn công. Nước với chả non, đi bất cứ chỗ nào cũng có rét -rum ( restroom), phí đất vô lối, sao không để đất mà xây trường học bệnh viện như ta, lại coi trọng nơi xin lỗi đi ỉa đến nhường ấy, đúng là Mỹ mới có ( vỗ tay)….Nước Liên Xô thiên đàng xã hội chủ nghĩa anh em ta, sang đó tôi tưởng là Mỹ mà sang Mỹ tôi tưởng đấy là Liên Xô. Ở Liên Xô người ta dùng đất để xây trường đảng, để xây trường học, để xây quảng trường cho quần chúng đến sung sướng vỗ tay, chứ có nhiều chỗ đi toilet phí phạm như bên Mỹ đâu. Lại vỗ tay… Người viết bài này đã mấy lần tí chết khi đi giữa đường phố Matxcova, mắc…quá tưởng đứt thở mà đi mãi không tìm ra nơi trút bầu tâm sự…Người viết bài này cũng từng đến một số thành phố Mỹ. Đúng như Lê Lựu nói, đi mấy bước lại thấy restroom, không mắc… cũng vào ngó qua xem nó sạch cỡ nào…mất hết cả thì giờ vàng ngọc.
Khoa nói của Lê Lựu còn phát huy tới tận mũi Cà Mau, tận địa đầu Móng Cái khi ông kết hợp với ông trạng thần đồng thần sắt Trần Đăng Khoa đăng đàn khắp nơi. Hai ông này đã biến nghề nói chuyện văn chương thành khả năng hốt bạc vô tiền khoáng hậu.
Một người quá thông minh, quá sắc sảo, đầy tài năng văn chương, nói năng như có bùa ngải như Lê Lựu tưởng giời đã cho hết mọi thứ. Hình như xưa nay, các nhà văn có tác phẩm để đời, mấy ai có số phận trơn tru, có gia cảnh ngon lành viên mãn trừ Goethe và Tagore ?
Gần đây, giới truyền thông trong nước đua nhau phỏng vấn Lê Lựu, cốt khai thác bi kịch cá nhân của đời tư nhà văn để câu khách mà ít chú ý đến khía cạnh quan trọng nhất của ông là văn học, lại quảng cáo rùm beng cho “ Trung tâm văn hóa doanh nhân” của ông quá mức. Lê Lựu dù làm kinh tế doanh nhân, đã rất thị thành, dẻo miệng ( “ Khi lưỡi ta không còn đắng chất thị thành”- Chế Lan Viên) nhưng tính vốn thật thà, báo nào hỏi ông chuyện bi kịch đời tư là ông kể tuốt tuồn tuột. Làm như cứ kể hết xót xa trong người sẽ hết xót xa, kể hết nỗi cô đơn kiếp người của mình ra sẽ hết cô đơn vậy ?
Năm 1986, nhờ cú “cởi trói cho văn nghệ sĩ trí thức” của ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Lê Lựu mới in được tiểu thuyết để đời của ông là “ Thời xa vắng”. Ông đã viết tác phẩm lớn này trước “mùa cởi trói” hai năm nhưng không in được. Tôi đã đọc một mạch suốt đêm tác phẩm lừng danh này của Lê Lựu trong sự hào sảng hiếm có. Tôi gọi điện thoại động viên ông, ông bảo : “ đánh đổi cả cuộc đời để lấy một cục gạch bằng giấy đó ông ơi”.
Giang Minh Sài nhân vật chính của “Thời xa vắng” vừa là hình ảnh của tác giả vừa là nhân vật hư cấu. Nó có tầm cỡ biễu đạt đa chiều, nhiều tầng nhiều vỉa, thực đấy mà hư đấy, bi đấy mà hài đấy, thông minh một cách ngớ ngẩn đấy và đạo đức tào lao chi khươn đấy. Giang Minh Sài “một nhân vật thời đại”, có một chút  phẩm tiết của Chú AQ Lỗ Tấn một tí, Chí Phèo Nam Cao một tí, Xuân Tóc Đỏ Vũ Trọng Phụng một tí, Don Quixote Servantes một tí…nhưng lại rất Lê Lựu. Giang Minh Sài bị sống chứ không phải được sống, bị yêu chứ không phải được yêu, bị sướng chứ không phải được sướng, bị khổ bị cô đơn chứ không phải được khổ được cô đơn. Giang Minh Sài như không phải là một cá nhân mà là một tập thể thu nhỏ thành một cá nhân trá hình. Anh ta bị tập thể hóa cả giấc mơ, bị chi đoàn, chi bộ, đơn vị, công đoàn, cơ quan… chi phối cả mọi bản năng sống; làm như sự tiêu hóa của dạ dày Giang Minh Sài cũng là do tập thể tiêu hóa, bộ phận bài tiết của anh cũng là của tập thể bài tiết, trái tim co bóp của anh cũng là trái tim tập thể co bóp, “con chim” của anh dùng để lấy vợ sinh con cũng là “con chim” của tập thể. Với “con chim” tập thể này anh đã hai lần lấy vợ nhưng đều thất bại thảm hại.
Người vợ đầu của Giang Minh Sài là cô Tuyết nhà quê với cuộc tảo hôn khốn khổ : lấy vợ vì gia đình dòng họ, cũng là lấy vợ cho tập thể chứ có được lấy vợ cho riêng mình đâu ? Người vợ thứ hai của anh Sài là cô Châu thị thành điệu nghệ…lấy cốt để khoe mẽ với thiên hạ rằng gái thị thành cỡ nào Sài ta cũng tán được, cốt để xóa mặc cảm nhà quê vốn dĩ. Nhưng sống với nhau rồi, Châu mới phát hiện ra anh chàng Sài không phải là một cá nhân thuần túy. Linh hồn chồng mình đã bị tập thể hóa, trái tim anh là một khu tập thể thu nhỏ. Anh không phải là một căn phòng riêng tư, mà là một hội trường hội họp, một ví dụ về con người hơn là con người, một ví dụ về “con chim” hơn là một “con chim” biết cách chiều chuộng đàn bà. Thế là để trả thù cái tập thể giả dạng cá nhân có tên là Giang Minh Sài, Châu tìm mọi cách hành hạ Sài cho bõ ghét.
 Trong một xã hội bị tập thể hóa đến cả ruồi muỗi cũng phải vào hợp tác xã, ai cho Giang Minh Sài làm một “con người chung chung”, làm một cá nhân thuần túy ? Khát vọng được làm con người lương thiện của anh Chí Phèo xưa hầu như vẫn còn là khát vọng của anh nhà quê lên tỉnh Giang Minh Sài trong thời đại thiên đường xã hội chủ nghĩa ?
Khát vọng tự do, khát vọng được làm một con người đúng nghĩa của nó, được làm chính mình chứ không phải kẻ khác trá hình mang tên mình là thông điệp Lê Lựu gửi chúng ta thông qua nhân vật Giang Minh Sài. Chừng như Lê Lựu đã bán linh hồn cho Giang Minh Sài để đổi lấy nỗi buồn mênh mông trần thế ? “Thời xa vắng” làm Giang Minh Sài bất tử đã cướp hết hồn vía tác giả, khiến Lê Lựu thành bơ vơ chăng ?
Sau khi “ Thời xa vắng” xuất hiện trên văn đàn như một hiện tượng văn học, kẻ viết bài này đã hỏi chuyện hai đàn anh là nhà văn Nguyễn Khải và nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cả hai ông anh này đều là người thực tài nên có sự liên tài, nghĩa là không bao giờ đố kị tài năng của người khác, nhất là những tài năng của thế hệ sau mình. Hai ông đều khen ngợi “ Thời xa vắng” của Lê Lựu hết lời, khẳng định tác phẩm này chính là cột mốc cho cuộc đổi mới văn chương ViệtNam. Anh Khải bảo tôi : “ Hảo này, cái thằng Lựu nó cứ tẩm ngẩm tầm ngầm mà kinh. Nó giấu anh, không hề khoe cuốn này, đến khi in xong mới đem tặng. Các tiểu thuyết của anh là tiểu thuyết thời vụ, qua thời này là vất vào sọt rác. “Thời xa vắng” của Lựu là tác phẩm để đời. Lựu đã vượt lên thứ văn chương minh họa của Khải và Châu, cả Ngọc nữa…Nó là nhà văn số một của thế hệ các ông em tức lứa chống Mỹ của Hảo đấy…”
Lê Lựu đã bán linh hồn cho các tiểu thuyết lớn của đời ông : “ Thời xa vắng”, “Chuyện làng cuội”, “ Sóng ở đáy sông”…để chúng sống mãi với nền văn học dân tộc như các tiểu thuyết gia hàng đầu tiền bối : Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng…hằng sống. Lê Lựu bán linh hồn cho Giang Minh Sài không phải để lấy tiền, mà để lấy nỗi cô đơn kiếp người đeo đẳng ông như số phận. Ông từng bị ma nhập một đời để lên đồng với chữ nghĩa, hạnh phúc với bút mực, ăn nằm với giấy trắng. Lúc tuổi xế chiều ông vẫn phải sống một mình một bóng để tu trọn kiếp trong ngôi chùa có tên là văn chương.,.
Sài Gòn ngày 18-04-2012
Trần Mạnh Hảo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông tổng..bí người Đức nói gì?


Nguyên tổng bí thư đảng cộng
sản Đức:"Chúng tôi đã quá chậm"
ĐT
Ông Egon Krenz, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), là vị tổng bí thư cuối cùng của đảng cộng sản ở CHDC Đức trước ngày thống nhất, cũng là chủ tịch Hội đồng nhà nước cuối cùng.
Mùa thu năm 1989, trong sự biến động chung của khối XHCN ở Đông Âu, CHDC Đức sa vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc và ngày một nghiêm trọng hơn, khi biểu tình nổ ra liên tiếp tại nhiều thành phố: Leipzig, Dresden, Karl-Marx-Stadt, Magdeburg, Plauen v.v. Hàng chục nghìn người xuống đường, đòi đổi mới đảng cầm quyền, minh bạch thông tin, truyền thông trung thực, mở cửa biên giới (tường Berlin) để người dân được quyền tự do đi lại… Trong bối cảnh ấy, những người cộng sản, như chính Egon Krenz sau này thừa nhận, đã không đánh giá đúng tình hình, “đánh mất cơ hội đổi mới triệt để”. Bản thân ông “cũng chỉ xắn tay can thiệp khi CHDC Đức đã sa vào khủng hoảng trầm trọng”, bằng việc lên thay thế Eric Honecker làm Tổng Bí thư đảng cầm quyền, chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Thế chỗ Eric Honecker vào ngày 18/10/1989, Egon Krenz tràn trề hy vọng tiến hành một cuộc đổi mới đảng, cải cách toàn diện đất nước, nhưng đã quá muộn. Ngày 6/12/1989, ông buộc phải từ chức. Nước Đức thống nhất, năm 1999, ông tổng bí thư 50 ngày bị tòa án của nước Đức thống nhất kết án tù 6,5 năm, tuy nhiên chỉ phải ngồi tù 4 năm. Dẫu sao tòa án cũng nêu rõ rằng, nhờ ông mà mùa thu 1989 ở nước Đức đã không có đổ máu, ngay cả vào những giờ phút căng thẳng nhất giữa dân chúng và cảnh sát, như trong những cuộc biểu tình hàng chục nghìn người hay thời điểm “sập tường Berlin”.
Egon Krenz từng nhiều lần sang thăm Việt Nam. Trên cương vị nguyên thủ quốc gia, ông từng diện kiến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Năm nay, ông tới Hà Nội trước kỳ đại lễ nghìn năm Thăng Long và đã có cuộc gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết – người bạn mà ông quen từ lần đầu sang Việt Nam, năm 1980. Ông cũng đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi thân mật, xoay quanh những thời khắc lịch sử của nước Đức năm 1989 (mà ông ghi lại trong hồi ký Mùa thu Đức 1989, vừa được phát hành ở Việt Nam).
=======
* Trong cuốn hồi ký (viết năm 1999), ông thể hiện mình là một người rất yêu nước Đức XHCN, rất ủng hộ CNXH: “Trong đời tôi không bao giờ phản bội quan điểm XHCN của mình. Tôi đã cố gắng, tiếc là đã quá muộn, góp sức xóa bỏ các biến dạng và sai phạm của chủ nghĩa xã hội, chứ không bao giờ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội”. Theo ông, trong 40 năm tồn tại của mình, nhà nước CHDC Đức đã làm được những gì cho người dân Đức?
Tôi có thể nói rằng trước thời điểm ra đời của CHDC, ở Đức diễn ra rất nhiều cuộc chiến tranh. 40 năm tồn tại đó là thời kỳ hòa bình của dân tộc Đức. CHDC Đức cũng đã chứng minh một thực tế là trên mảnh đất Đức có thể tồn tại một chế độ khác không phải CNTB. Bóc lột người và người bị xóa bỏ. CNTB gần như là nơi con người đối xử với con người như bầy sói, XHCN thì con người với con người như là bạn. Quyền được tự do học hành không phải đặc quyền của giới tư sản nữa mà mọi người dân đều được học hành, từ tiểu học tới đại học, tất cả đều miễn phí.
* Ông có thể giải thích ngắn gọn nguyên nhân sụp đổ của CHDC Đức? Có phải là do ban lãnh đạo đã chậm đổi mới, hay như ông đã nói - “quá muộn”?
Việc Đông Đức không còn tồn tại có rất nhiều nguyên nhân, nội tại và khách quan, trong nước và quốc tế. Suốt 40 năm, thế giới không có chiến tranh nóng nhưng lại có chiến tranh lạnh. Cá nhân tôi đánh giá nó giống như một đại chiến thế giới lần thứ ba. Lúc nào chúng ta cũng mấp mé bờ vực xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử. Vào thời điểm đó ông Gorbachev đã đưa ra chủ trương perestroika (cải tổ), đó là một ý tưởng tuyệt vời. Nhưng các chính trị gia của Mỹ cũng như CHLB Đức thì không hề có ý định từ bỏ Chiến tranh Lạnh. Họ vẫn tiếp tục chống phá. Và với cuộc chiến tranh lạnh đó thì họ tạo ra những hậu quả rất tiêu cực về kinh tế đối với các nước XHCN ở châu Âu.
Trong khi đó, vai trò lãnh đạo của Liên bang Xô Viết ngày càng yếu dần. Liên bang Xô Viết đã sụp đổ không phải vì những cuộc cách mạng, mà là sụp đổ từ bên trên, từ Gorbachev và những đồng chí của ông ta. Và chính là do nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô mà CHDC Đức sụp đổ, vì nói thẳng ra, CHDC Đức là đứa con của Liên bang Xô Viết. Không có Liên Xô thì CHDC Đức đã không ra đời. Rất tiếc là họ cũng đứng bên cỗ quan tài của CHDC Đức.
* Ông nghĩ có những điều gì mà ông muốn CHDC Đức năm 1989 đã làm khác đi?
Tôi nghĩ nếu có thể quay lại thời đó thì các chiến lược, sách lược của chúng tôi cần thay đổi để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị. Lẽ ra khi chúng tôi xây dựng nền kinh tế kế hoạch, chúng tôi cũng cần đưa vào đó những yếu tố của kinh tế thị trường, ngay từ thập niên 1960. Lẽ ra chúng tôi nên tạo cơ hội cho những gia đình có người thân ở Đông và Tây Đức được quyền thăm nhau, gặp gỡ nhau nhiều hơn. Tất nhiên việc hồi đó hai bên không được tự do xuất nhập cảnh cũng không hoàn toàn do lỗi ở phía chúng tôi, vì chính quyền Tây Đức hồi đó cũng không công nhận quốc tịch Đông Đức. Tuy vậy, lẽ ra chúng tôi đã phải tìm những biện pháp khác mạnh mẽ hơn để tạo cơ hội cho người dân hai bên được tự do đi lại hơn.
* Giả sử đảng cầm quyền ở CHDC Đức ngày ấy tiến hành cải cách đất nước thành công, như ông viết trong hồi ký là “minh bạch, công khai”, “mở rộng dân chủ”, ông có nghĩ tận cùng của sự cải cách ấy sẽ là một nước CHLB Đức thứ hai, một nước theo đường lối TBCN, kinh tế thị trường tự do?
Tôi nghĩ rằng không. Cũng giống như hiện nay Việt Nam đang tiến hành cải cách chẳng hạn, tôi không nghĩ vì cuộc cải cách ấy mà Việt Nam lại trở thành nước tư bản. Và tôi nghĩ định hướng XHCN, phong cách sống XHCN vẫn là yếu tố quyết định, dù chúng ta đã hội nhập, du nhập vào nhiều yếu tố của kinh tế thị trường.
Khi chúng tôi tiến hành cải cách, không phải chúng tôi xóa bỏ kinh tế kế hoạch, mà chúng tôi muốn cải tiến nó, đưa vào các yếu tố thị trường để nền kinh tế kế hoạch đó được thực hiện tốt hơn. Đồng thời với việc đó cũng là các cải cách về chính trị sao cho tinh thần dân chủ trở nên sống động hơn, khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào chính trị.
* Câu hỏi của báo Thanh Niên: Việt Nam cũng từng bị chia cắt và đã thống nhất sau một cuộc chiến khốc liệt, trong đó những người cộng sản là bên chiến thắng. Nhưng ở Đức thì khác. Ông có thể chia sẻ tâm thế của một người cộng sản trong tư thế người thua cuộc?
Đúng là chúng tôi đã thua một cuộc chiến. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và trong tương lai, có thể thế hệ trẻ sẽ tiếp tục chiến đấu. Cá nhân tôi cảm thấy rất đau lòng. Những người cộng sản cũ, những người hoàn toàn tin vào lý tưởng XHCN, cho tới giờ phút này, đến cuối cuộc đời mình đã phải thừa nhận họ không thể hiện thực hóa được lý tưởng đó. Việc khiến tôi đau lòng hơn cả là chính quyền Đức hiện nay luôn thể hiện trước công chúng rằng tất cả những điều Tây Đức mang lại là tốt đẹp, những điều Đông Đức mang lại là tội ác và nợ nần.
* Ông cho rằng Eric Honecker đã không đánh giá đúng tình hình, chậm tiến hành cải cách, nên bị sức ép phải mất chức. Khi lên thay, ông hy vọng tiến hành đổi mới nhưng cũng không kịp. Ông có nghĩ đổi mới cũng phải gắn với tốc độ?
Tôi nghĩ đúng như vậy. Thời điểm, thời gian là một yếu tố hết sức quan trọng. Và chắc chắn là khi chúng ta chủ động đối đầu với khó khăn thì sẽ tốt hơn là khi chúng ta chạy đuổi theo tình hình. Sự chuyển giao quyền lực từ Eric Honecker cho tôi đã đến quá chậm. Trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập CHDC Đức, Gorbachev đã nói một câu: “Ai chậm chân sẽ bị cuộc đời trừng phạt”. Sau này ông ấy có giải thích với tôi rằng khi nói câu ấy, không phải ông nhằm ám chỉ CHDC Đức, mà gần như là tự nói với chính mình vì bản thân ông cũng cảm thấy là ông đã bị chậm. Tôi tin là ông ấy nói thật.
=======
CHÚ THÍCH:
Egon Krenz sinh năm 1937, theo học tại Viện Sư phạm Putbus/Rugen, Trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Liên Xô tại Matxcơva năm 1964-1967. Là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Tự do Đức. Từ 1983 là Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), tức đảng cộng sản. Là Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Quốc phòng CHDC Đức từ 18/10 đến 6/12/1989. Bị tù từ 1999 tới 2003. Hiện sống tại thị trấn Dier Hagen thuộc miền đông nước Đức.
Tất cả chúng tôi, những người trong lãnh đạo đảng và nhà nước ngày đó và có ảnh hưởng quyết định đến các quan hệ chính trị, tất cả chúng tôi đều cùng phải gánh trách nhiệm chính trị về những hiện trạng xã hội trong đó sự đấu tranh phê phán với thực tế ngày càng thui chột. (…) Cùng các bạn hữu chính trị, tôi đã nỗ lực quá muộn để đem lại tình hình mới cho SED. Chúng tôi đã thất bại, có lẽ cũng vì chúng tôi không đủ dũng cảm chia tay với một chính sách đã làm biến dạng chủ nghĩa xã hội …” – trích hồi ký Mùa thu Đức 1989 của Egon Krenz.
"Nguyên nhân CHDC Đức sụp đổ (…) liên quan đến lịch sử chủ nghĩa xã hội và chính trị quốc tế, di sản của Stalin để lại, (…) Chiến tranh Lạnh và sự thù hằn giữa CHDC Đức và CHLB Đức, xuất phát điểm của CHDC Đức kém hơn về kinh tế (…) và cũng có cả nguyên nhân Liên bang Xô Viết thập kỷ 80 nằm hấp hối trên giường bệnh. Các sai lầm chủ quan của lãnh đạo CHDC Đức cùng sự thủ cựu và bất lực của chúng tôi khi không theo đuổi các áp lực khách quan đòi hỏi chỉnh sửa đã góp phần làm chủ nghĩa xã hội tàn lụi" – trích hồi ký Mùa thu Đức 1989 của Egon Krenz.


http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/www.phapluattp.vn/Nguyen-Tong-Bi-thu-Dang-Cong-san-Duc-Chung-toi-da-qua-cham/4914350.epi
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt hạnh phúc do... biết thân, biết phận???????????????????

Người Việt hạnh phúc do... biết thân, biết phận?

  
Một trong những lý do khiến đôi khi Việt Nam  được xếp hạng cao ở một vài bảng xếp hạng “cảm nhận hạnh phúc”, có lẽ do người Việt cũng “biết thân, biết phận” nên không đòi hỏi, kỳ vọng nhiều.
Tết đến, xuân về làm đất trời và lòng người đều xao xuyến. Đây là lúc người ta có thể bình tâm suy ngẫm về những sự việc đã diễn ra trong cả năm, thậm chí trong cả đời người. Một trong những điều được nghĩ đến nhiều nhất, đó là hai chữ “hạnh phúc”.
Hạnh phúc là niềm vui?
Trong bộ Tam đa “Phúc, Lộc, Thọ” thì ông Phúc tay bế đứa trẻ, bởi theo quan niệm xưa thì “đông con là nhà có phúc”. Nhưng đẻ nhiều mà không nuôi được, hoặc có con cái mà chúng hư đốn, gây họa thì bố mẹ bị người ta chê là “vô phúc”!
Ông Các Mác thì cho rằng "Hạnh phúc là đấu tranh" vì ông tìm thấy niềm vui và đam mê trong đấu tranh. Gần đây, trên tivi, một nhà khoa học nổi tiếng, đã nói một cách thẳng thắn và vui vẻ rằng người hạnh phúc nhất theo ông là “sống khỏe, chết nhanh, không của để dành, nhiều người thương nhớ”! (nhiều người tất nhiên là có “các nàng” rồi đấy)! 
Như vậy, hạnh phúc được nhìn nhận theo quan điểm sống và góc nhìn của mỗi người. Ngay cả khi gặp bất hạnh, người ta vẫn tìm cách an ủi: “Trong cái rủi có cái may”.
Tôi có người bạn làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học, thời gian và tâm trí dành cho công việc chuyên môn còn ít hơn là lo đối phó ‘vật lộn” với các quy định bất cập về tài chính, khi kiểm toán sắp sờ đến đề tài của mình, nên hạnh phúc đối với anh ấy đơn giản là biện luận sao cho thuyết phục để không bị “xuất toán’! 
Tết Giáp Ngọ năm nay hàng trăm ngàn lao động không có thưởng Tết, hơn 10 nghìn lao động vẫn còn bị nợ lương. Nhà nước vẫn còn phải hỗ trợ 12.322 tấn gạo cứu đói cho 16 tỉnh trong cả nước. Phải chăng hạnh phúc đối với phần lớn người dân nghèo đơn giản chỉ là câu chuyện muôn thuở “cơm áo, gạo tiền”!?
Hạnh phúc là một khái niệm rất tương đối. Đơn giản hạnh phúc là niềm vui. Đôi khi chỉ là khi ta nhận nhận một nụ cười, một ánh mắt thông cảm tin yêu, một sự chia sẻ của bạn bè, người thân và đồng nghiệp.
Có nhiều quan niệm khác nhau về hạnh phúc trong cuộc đời. Cách chung, người ta coi hạnh phúc như một cái gì bên ngoài mà mình phải có được: Tiền tài, danh lợi, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, uy thế, quyền lực…
Hạnh phúc không có mẫu số chung
Nhưng hạnh phúc còn là khái niệm trừu tượng. Nó tùy thuộc vào thời đại văn minh, trình độ sản xuất của cộng đồng dân tộc, lợi ích vật chất và tinh thần mà xã hội đương thời mang lại cho đa số (hơn 70%), mối quan hệ xã hội. Đó là nói về hạnh phúc dân tộc. Từ hạnh phúc dân tộc, có thể “ngộ” được hạnh phúc cá nhân.
Hạnh phúc không có mẫu số chung, nhưng có thể có những yếu tố trùng nhau. Anh có thể nói AQ của Lỗ Tấn là “thằng ngu”, "tự sướng", nhưng anh không thể nói AQ không có hạnh phúc.
Chữ HẠNH PHÚC liền theo tiêu đề ĐỘC LẬP - TỰ DO có nghĩa là nước không bị ngoại bang thôn tính, người dân được hưởng tự do (quyền được nói và quyền mưu cầu hạnh phúc) và các quyền dân chủ khác, trong đó quyền con người là tiêu chuẩn sơ đẳng và căn bản. Có như thế, công dân sống dưới chế độ ấy mới thật sự hạnh phúc.
Độc lập và tự do là 02 khái niệm có giá trị thời đại. Giá trị của hạnh phúc một quốc gia là do dân tộc cảm nhận, nhưng nó phải được quốc tế thừa nhận thì mới có giá trị phổ biến. Tức là phải được cộng hưởng cảm xúc. Có thể ví dụ như AQ ở Trung Quốc hạnh phúc thì chỉ có… Chí Phèo ở Việt Nam chia sẻ.
Người Việt chúng ta hiền lành, chất phác, sống nhường nhịn và cam chịu nên hạnh phúc thường là cảm xúc đơn giản, chịu nhiều ảnh hưởng  luân lý gia đình và Phật giáo. Đối với đời sống nông sản lúa nước thì rất phù hợp, nhưng khi đời sống xã hội công nghiệp tăng mạnh, các giá trị cống hiến, dấy thân hay phân thân sẽ vô cùng khác biệt. Quan niệm về hạnh phúc cũng sẽ được con người cảm nhận khác do môi trường và hoàn cảnh sống thay đổi.
Vậy bài toán là làm thế nào để hướng đạo cho tất cả mọi người tìm được vị trí đứng của họ, cảm thấy yên tâm với lời giải của mình và cảm giác tin cậy là hạnh phúc, là bài toán không hề đơn giản cho các nhà lãnh đạo và điều hành.  Công việc làm cân bằng nhau các giá trị văn hóa và kinh tế là một công việc vĩ đại.
Hạnh phúc là một nan đề, nhưng làm gì có hạnh phúc cho toàn thể loài người? Cho dù các nước Bắc Âu có phúc lợi xã hội cao nhất hiện nay, và nếu nói hạnh phúc thì có lẽ chỉ có các dân tộc ở các nước ấy đang có hạnh phúc. Ngay như ở Liên Xô trước đây, tuy có cuộc sống cào bằng, nhưng người dân họ có hạnh phúc không? Khi họ phải nai lưng ra làm để nuôi cả "thế giới cách mạng" mà có ra thành quả? Ngoại trừ tác động để giải phóng họ khỏi chế độ thực dân, nhưng vẫn chưa tìm ra hạnh phúc, mà kéo cả hệ thống XHCN sụp đổ thì là cái giá… quá đắt.
Ba tiêu chí hạnh phúc
Nếu lấy mức độ nhu cầu được đáp ứng làm một thước đo, có thể lấy “tháp nhu cầu của Maslow” thì cơ bản người Việt Nam ta vẫn mưu cầu cái cơ bản nhất mà ta hay gọi là “cơm, áo, gạo, tiền”. Và vẫn đang bị ám ảnh mạnh nhất bởi những cái này, một nỗi ám ảnh rất là Jack Lodon.
Có thể ta đang vẫn đang đặt nặng việc có “cơm ăn, áo mặc” mà chưa đề cao được những tiêu chuẩn sống cao hơn, văn minh hơn, đại loại như là “sống một cách có nhân phẩm”. Một trong những lý do khiến đôi khi Việt Nam  được xếp hạng cao ở một vài bảng xếp hạng “cảm nhận hạnh phúc”, có lẽ do người Việt cũng “biết thân, biết phận” nên không đòi hỏi, kỳ vọng nhiều.
Khái niệm hạnh phúc vốn rất rộng, nói không bao giờ hết, bàn không bao giờ đủ.  Cá nhân con người tự hài lòng với cái mình có, đấy chính là niềm hạnh phúc đơn giản và dễ có nhất.
Còn nhìn rộng ra, hạnh phúc của dân tộc, là một dân tộc được nghĩ điều mình nghĩ, được biết điều muốn biết và được nói điều muốn nói. Hồ Chí Minh đã giải thích "Nước có độc lập mà dân không được tự do thì độc lập ấy phỏng có lợi ích gì?" .
Cho nên tự do cho con người, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, là hạnh phúc cao nhất.
Những người lương thiện thường nghĩ rất đơn giản về hạnh phúc, bởi họ chẳng có mong muốn gì nhiều ngoài sự ấm no, xum vầy cho gia đình và sự bình an thịnh vượng cho đất nước. Người Việt vốn cần cù, tốt bụng và hiếu khách nên coi hạnh phúc của người khác, dân tộc khác cũng là hạnh phúc của mình, dân tộc mình.
Nếu có gì người dân làm chưa đúng, chưa tốt  thì cũng đừng vội trách là “dân trí kém” mà trước hết đáng trách là “quan trí”. Còn nhiều nhóm lợi ích đục khoét tài nguyên, ngân quỹ quốc gia, tức là còn nhiều quan tham sâu mọt chưa bị lộ, thì người dân Việt, vốn hiền lành, và quá tốt (như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) sẽ còn phải vất vả lắm mới có được niềm hạnh phúc đơn giản, mộc mạc vốn có của nó.
Theo TuanVietnam.net
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trạng Trình với những sấm truyền lịch sử

Bài 6: Trạng Trình với những sấm truyền lịch sử

Cho đến nay ở VN chưa có ai sánh được danh tiếng về tài tiên tri và những sấm ký lưu truyền theo dòng lịch sử của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông giúp đỡ không chỉ riêng chúa Nguyễn dựng nghiệp lớn với 9 đời chúa, 13 đời vua, mà vạch đường cho chúa Trịnh biết cách “thờ Phật ăn oản”, cho nhà Mạc chạy về “ẩn tại Cao Bằng”. Từ đâu Trạng Trình tiên đoán về thế sự và các vùng đất “ẩn long” hoặc sẽ “vạn đại dung thân” chính xác như thế?
Dang qua dau mua cung Phat_resize 1
Dâng quả cầu mùa cúng Phật tại một làng Đàng Trong
NHÀ TIÊN TRI BÊN SÔNG TUYẾT HÀN
Có thể nói, ngoài tài năng thiên phú “bất khả tư nghì” ra, ông còn được “đề dẫn” từ lúc trẻ bởi hai nhân vật lớn trong đời ông: người mẹ và người thầy của ông.
Về người mẹ, thân mẫu của Trạng là bà Nhữ Thị Thục (con gái của quan thượng thư Nhữ Văn Lan) là người tinh thông về khoa chiêm tinh và dịch lý, đã tự chấm lấy lá số tương lai và biết mình sẽ sinh quý tử. Nhưng muốn vậy, bà cần phải kết duyên với một người nào đó có cung mệnh tương ứng nên đợi chờ mãi đến ngưỡng cửa của tuổi 30 vẫn chưa lấy ai. Cuối cùng bà quyết định tự tìm đến ông đồ nho nhà nghèo Nguyễn Văn Định để kết duyên, vì bà đã nhìn ra nơi ông đồ ở chốn thôn dã này là người sẽ cùng bà sinh ra một nhân tài. Tương truyền trong đêm hợp hôn có trăng sáng, bà ra ngoài trời lấy một cây trúc cắm giữa sân và dặn ông Văn Định khi nào ánh trăng chiếu xuống không còn thấy bóng dưới gốc trúc nữa mới được vào phòng hoa chúc. Nhưng ông Văn Định không đợi được, đã vội vào ăn nằm với bà khi dưới gốc trúc vẫn còn một chút bóng soi, nên bà trách chồng và bảo nôn nóng như thế chỉ sinh được người con đỗ Trạng, chứ không gầy nên nghiệp đế. Người con đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, đỗ Trạng nguyên năm 1535 thời Mạc, làm quan đến Thượng thư Bộ Lại, Thái phó, là thầy dạy học của thái tử Mạc Phúc Hải, được phong tước Trình Tuyền hầu, Trình Quốc công, nên người đời thường gọi Trạng Trình và những tiên tri của ông được tập hợp với tựa: Trình Quốc công sấm ký…
Về người thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm theo học với Bảng nhãn Lương Đắc Bằng – là một vị quan lớn thanh liêm, chính trực, từ quan rời kinh đô Thăng Long về quê nhà Thanh Hóa mở trường dạy học, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng theo thầy về xứ Thanh. Thầy Lương Đắc Bằng nắm giữ bộThái ất thần kinh và đã truyền cho Nguyễn Bỉnh Khiêm yếu chỉ của bộ sách đó, cùng những ứng dụng trong lĩnh vực chiêm tinh và tiên đoán liên quan đến khoa địa lý và phong thủy. Sau này, khi biết trước sự nhiễu nhương của thời cuộc bên ngoài và đầu mối suy sụp trong nội tình nhà Mạc, Trạng Trình đã dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng hành nhưng vua Mạc không chấp thuận, ông treo mũ từ quan về quê, dựng am Bạch Vân bên bờ sông Tuyết Hàn. Chính ở đó, về sau các vua Mạc, chúa Trịnh và cả chúa Nguyễn đều lần lượt phái sứ giả đến yết kiến để xin cố vấn về các giải pháp trước mắt, hoặc tiên tri chỉ dẫn về những điều hệ trọng liên quan đến sự sống còn của họ trong tương lai…
_D7N9221_1_resize 2
Cảnh sinh hoạt của một nhóm người Đàng Trong
VÙNG ĐẤT VƯƠNG GIA NHƯ SẤM TRUYỀN
Nguyễn Hoàng là con trai của Nguyễn Kim. Nguyễn Kim là người có công lớn đã tập hợp quân tướng khởi nghĩa chống nhà Mạc cướp ngôi và giúp nhà Lê giành được đất Thanh Hóa, Nghệ An – lập nên triều Lê trung hưng. Sau Nguyễn Kim bị tướng nhà Mạc đầu độc chết, quyền hành về tay con rể là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm lo sợ các con trai của Nguyễn Kim (là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng) tranh mất quyền của mình nên đã tìm cách ám hại Nguyễn Uông trước. Thấy vậy Nguyễn Hoàng rất lo sợ, xem mình như chim cá trong lồng son, có ngày sẽ bị ám hại như anh mình (Nguyễn Uông). Vì thế Nguyễn Hoàng đã bí mật sai sứ giả tìm cách lặn lội ra ngoài Bắc, đến yết kiến Trạng Trình xin sấm giải. Trạng Trình dạy: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Vâng theo lời ấy, Nguyễn Hoàng nhờ chị ruột là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với Trịnh Kiểm cho mình vượt Hoành sơn vào trấn thủ vùng Thuận Hóa để tránh xa “dao thớt” của người anh rể họTrịnh.
Linh Dang Trong_resize 1
Lính Đàng Trong
Được Trịnh Kiểm đồng ý và vua Lê cho phép, Nguyễn Hoàng đem gia quyến rời Thanh Hóa năm 34 tuổi (Mậu Ngọ 1558) và cùng tùy tướng của mình chỉ huy hàng nghìn quân bản bộ vượt biển để lại dải Hoành sơn phía sau, tiến về phương Nam ở phía trước, vào thẳng cửa Yên Việt, đóng dinh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương, thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị ngày nay. Những thập niên đầu trên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng ra sức khai hoang lập ấp, ổn định dân tình, giữ quan hệ thuận thảo với vua Lê, chúa Trịnh ngoài Bắc, được vua Lê sắc phong làm Thái phó và giao toàn quyền quyết định mọi việc ở vùng Thuận Hóa, định lệ nộp thuế 400 cân vàng bạc và 500 tấn lúa hằng năm. Nguyễn Hoàng mất năm Quý Sửu 1613, thọ 89 tuổi, trấn thủ đất Thuận Hóa – Quảng Nam trong 56 năm (được truy tôn: Thái tổ Gia dụ hoàng đế), có 10 người con trai, trước khi mất dặn lại con cháu phải hết sức giữ gìn đất Thuận Quảng. Vì đó là nơi phía Bắc có Hoành Sơn với thế núi chắn ngang che chở, phía Nam có Hải Vân hùng vĩ là yết hầu đưa sinh khí vào “vùng đất vương gia” (tức kinh thành Phú Xuân- Huế sau này). Có giữ vững Thuận Quảng mới mong dựng nên cơ nghiệp muôn đời như sấm ký của Trạng Trình truyền lại “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Theo các nhà viết sử có uy tín như Trần Trọng Kim “núi Hoành sơn tức núi Đèo Ngang ở Quảng Bình” vốn là một nhánh của dãy Trường Sơn đột nhiên kéo đâm ra sát biển. Đứng từ đỉnh cao nhất của Hoành Sơn (khoảng 250m) nhìn bao quát sẽ thấy hiện lên dưới tầm mắt màu xanh ngút ngàn của rừng núi phía Tây, biển rộng mênh mông trải dài như tấm thảm xanh về phía Đông, thấp thoáng những hòn đảo nhỏ nhô lên mặt nước như đang chầu về “sơn lâm”. Con đường xuyên Đèo Ngang thời trước nằm trên đường thiên lý, cách Đồng Hới khoảng 80 cây số, chạy ngoằn ngoèo qua các sườn đồi cheo leo, men theo vực sâu, đưa người hành trình theo chiều dọc từ hướng Bắc vào Nam. Nhìn dưới góc độ phong thủy, Hoành Sơn đi vào các tài liệu nghiên cứu về địa lý xưa và cả thời nay. Ngay các tác giả người nước ngoài như học giả Léopold Cadière, chủ bút tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue, khi luận về các chi tiết phong thủy ứng dụng xây kinh thành Huế đã nhắc đến “Hoành Sơn che chở” từ xa đối với nhà Nguyễn. Những nhà sử học, địa lý học khi viết đến lịch sử triều Nguyễn đều nhắc “Hoành Sơn” thời khởi nghiệp.
Vui choi da cau tai mot lang Dang Trong_resize 1
Cảnh sinh hoạt vui chơi ( đá cầu) tại một làng Đàng Trong
Nhà phong thủy học Cao Trung khi luận về long mạch trong Tả Ao địa lý toàn thư đã đưa “Hoành Sơn” vào nội dung phân tích và nêu rõ hai phần trong khoa địa lý gồm: Loan đầu và Lý khí. Phần Loan đầu  là những gì mắt ta nhìn thấy trên đất đai của toàn thể một cuộc đất kết, hoặc một dòng nước thuận nghịch, một thế núi quanh co. Nếu cơ nghiệp chúa Trịnh mở đầu với mối liên hệ về một cuộc đất thuộc vùng “thủy” (nước), thì cơ nghiệp chúa Nguyễn mở đầu với mối liên hệ thuộc vùng “sơn” (núi). Nói về “sơn”, cụ Tả Ao diễn giải nếu thấy núi hình thành theo dạng “một vòng bọc lại” (nhất trùng bão khóa)  rồi “một vòng mở ra” (nhất trùng khai) thì ở đó có đất  công hầu. Nếu lại thấy một dạng núi “vòng ôm” (nhất sơn loan bão) rồi “ngoảnh lại” (nhất sơn cố) là ở đó có đất công khanh. Trong tập Địa lý gia truyền, cụ Tả Ao cũng chỉ rõ nếu thấy núi cao bao quanh một vùng thì hãy tìm huyệt ở chỗ thấp (chúng sơn cao tầm đê) – còn chung quanh đều thấp thì hãy tầm huyệt ở chỗ cao (chúng sơn đê tầm cao). Đối chiếu và liên tưởng tới trường hợp “Hoành Sơn”, những chỉ dẫn phong thủy và địa lý nêu tổng quát ở trên cũng cho ta thấy qua phần “loan đầu” (có thể nhìn trực tiếp bằng mắt để đoán định), sau đó đến phần “lý khí” (liên quan đến lý học, thiên văn) chắc hẳn những gì nêu trong Thái ất thần kinh đã được vận dụng bởi nhà văn hóa, nhà tiên tri lừng danh nhất trong lịch sử Việt Nam: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhờ vậy, cộng với khả năng thiên phú, Trạng Trình đã chỉ đúng con đường phải đi cho chúa Nguyễn.
Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Tư liệu Trần Đình Sơn
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Như kiểu con nít làm!

Tháng 12.2013, người đàn ông quyền lực thứ hai Triều Tiên - chú dượng của Kim Jong Un - Jang Song Thaek đã bị xóa sạch tất cả thông tin, tư liệu và hình ảnh có liên quan. Theo tờ Guardian, biện pháp cực đoan này là hành động xóa bỏ một nhân vật ra khỏi lịch sử lớn nhất mà Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA và báo Rodong Sinmun đã làm. 
Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo chính trị bị xóa bỏ thông tin, hình ảnh ra khỏi lịch sử. Hãy cùng điểm lại một số nhân vật bị xóa bỏ hình ảnh khỏi lịch sử vì những sai phạm nghiêm trọng của họ.
Jang Song Thaek cố vấn quan trọng của lãnh tụ Kim Jong Un
Hình ảnh Jang Song Thaek đã bị xóa bỏ trong bức ảnh bên phải - Ảnh: BBC.
Theo Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA, ông Jang Song Thaek - cố vấn quan trọng của lãnh tụ trẻ Kim Jong Un và là nhân vật chủ chốt của Đảng Lao động Triều Tiên từ thời Kim Jong Il đã bị cáo buộc hàng loạt tội danh như âm mưu lật đổ chế độ, tham nhũng, quan hệ lăng nhăng với phụ nữ và sử dụng thuốc phiện.
Triều Tiên đã xóa sạch tất cả thông tin, tư liệu, hình ảnh về Tướng Jang Song-Thaek khỏi lịch sử Triều Tiên. Theo đó, tất cả những bài viết, tin tức về viên tướng này đều bị xóa bỏ khỏi trang mạng của hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên.
Ngay cả hình ảnh trong những cuốn phim tài liệu được đài truyền hình Triều Tiên chiếu lại cho dân chúng xem, hình ảnh của Tướng Jang cũng bị loại bỏ. Các cảnh quay có ông Jang trong phim tài liệu “The Great Comrade” (Người đồng đội vĩ đại) chiếu trên kênh truyền hình quốc gia Triều Tiên KCTV, ca ngợi lãnh tụ trẻ Kim Jong Un cũng bị thay thế, chỉnh sửa để loại bỏ hình ảnh của ông Jang.

Nikolai Yezhov, người đứng đầu cảnh sát mật của Joseph Stalin
Nikolai Ivanovich Yezhov sinh ngày 1.5.1895, là một cảnh sát mật của Liên Xô dưới thời lãnh tụ Joseph Stalin. Yezhov là người đứng đầu tổ chức NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ) là tiền thân của tổ chức KGB trong những năm 1936-1938.
Sau khi bị hành quyết trong cuộc thanh trừng lớn của Stalin, hình ảnh của Yezhov đã bị xóa bỏ - Ảnh: Youtube. 
Năm 1938, Yezhov bị bắt giữ và bị cáo buộc tổ chức một loạt các hoạt động chống đối Stalin cùng với Nikolai Bukharin, Alexei Rykov, Nikolai Krestinsky, Christian Rakovsky và Lev Davidovich Trotsky.
Sau khi bị hành quyết trong cuộc thanh trừng lớn của Stalin, hình ảnh của ông đã bị xóa khỏi các phương tiện truyền thông. Yezhov là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của báo chí Liên Xô trong việc làm "biến mất" một người ra khỏi lịch sử.

Paul Joseph Goebbels - Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã

Goebbels (thứ hai từ bên phải) xuất hiện với Adolf Hitler tại nhà của nhà làm phim Leni Riefenstahl năm 1937. Sau đó, hình ảnh của ông đã bị xóa bỏ - Ảnh: Youtube. 
Paul Joseph Goebbels (1897-1945) là Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, cánh tay mặt của Adolf Hitler về tuyên truyền và vận động. Sau khi Hitler tự sát, ông giữ chức Thủ tướng Đức trong một ngày, chấp thuận việc hạ sát sáu đứa con của mình rồi tự sát.
Goebbels là người vô cùng tin cậy với Hitler vì sự nhiệt tình, ý ​​tưởng tuyệt vời, và là người ủng hộ chủ nghĩa bài Do Thái. Hitler đã hoàn toàn tin tưởng Goebbels trong việc tuyên truyền để thiết lập sự hiện diện của Đức Quốc xã và thúc đẩy tinh thần trong chiến tranh trên khắp nước Đức. Goebbels có ảnh hưởng tới mức được giao nhiệm vụ là người hỏa thiêu Hitler sau khi ông tự sát.

Tuy nhiên những hình ảnh của Goebbels đã được Hitler chỉ đạo xóa bỏ khỏi phương tiện truyền thông từ năm 1937. Cho đến nay vẫn chưa biết được những gì Goebbels đã làm để dẫn đến việc bị xóa bỏ hình ảnh này bởi Hitler.

Leon Trotsky, nhà lý luận cách mạng Nga
Trotsky xuất hiện trong một bài phát biểu của Lenin. Sau khi Lenin mất vào năm 1924,Trotsky đã bị loại bỏ khỏi các bức ảnh bởi Stalin - Ảnh: Wikipedia.
Lev Davidovich Trotsky (1879-1940) là một nhà lý luận cách mạng Bolshevik và là nhân vật có ảnh hưởng trong những ngày đầu lịch sử Liên Xô. Trotsky là một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chỉ sau Lenin. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Bộ chính trị.
Sau khi lãnh đạo một cuộc đấu tranh thất bại của Cánh Tả Đối lập chống lại các chính sách của Joseph Stalin trong thập niên 1920, Trotsky bị đưa ra khỏi Đảng Cộng sản và trục xuất khỏi Liên Xô. Sau khi Vladimir Lenin mất vào năm 1924, Trotsky đã bị loại bỏ khỏi các bức ảnh dưới sự chỉ đạo của Stalin.
Bo Gu - lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc:
Bo Gu (ngoài cùng bên trái) xuất hiện trong bức ảnh với Mao Trạch Đông - Ảnh: Flickr.
Qin Bangxian hay còn gọi là Bo Gu được coi là "người chịu trách nhiệm chung của Đảng Cộng sản Trung Quốc" dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông. 

Tuy nhiên, sau một số hiểu lầm về chiến thuật phòng thủ quân sự tại Hội nghị Zunyi, Bo Gu bị chỉ trích vì “những sai lầm chính trị nghiêm trọng" và bị thay thế chỉ huy của Zhang Wentian vào năm 1935. 

Các hiểu lầm này được lưu truyền khác nhau trong hầu hết các tài liệu lịch sử, nhưng đó có thể là những gì đã dẫn đến việc loại bỏ hình ảnh của Bo Gu trong các hình ảnh lịch sử.
Grigoriy Nelyubov, phi hành gia Liên Xô
Grigoriy Nelyubov bị loại bỏ hình ảnh từ hồ sơ của chương trình không gian Liên Xô - Ảnh:Youtube.
Grigoriy Nelyubov là 1 trong 6 ứng viên phi công trẻ tiềm năng nhất được chọn để tham gia các lớp huấn luyện đặc biệt để thực hiện cho nhiệm vụ Vostok-1 vào tháng 3.1960.
Ông là thành viên sáng lập của nhóm không gian được gọi là Sochi 6, là người thứ ba hoặc thứ tư bay vào không gian trước khi bị trục xuất khỏi chương trình không gian của Liên Xô vì những hành vi sai trái liên quan đến rượu. Điều này dẫn đến việc ông bị loại bỏ hình ảnh từ hồ sơ của chương trình không gian này.
Long Hải (tổng hợp từ Business Insider, Wikipedia)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tôi thích đọc . I love to read: Thánh dạy: Vào tuổi bốn mươi không lầm lẫn nữa

Tôi thích đọc . I love to read: Thánh dạy: Vào tuổi bốn mươi không lầm lẫn nữa: Thánh dạy: Vào tuổi bốn mươi không lầm lẫn nữa (Tử viết: Tứ nhập nhi bất hoặc子曰:四什而不惑) Trần Gia Ninh Bốn thập kỷ hết đánh nhau, Ngẫ... Phần nhận xét hiển thị trên trang