Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Truyền hình Trung Quốc phô trương thành tích tấn công tàu Việt Nam ở vùng Hoàng Sa

Trọng Nghĩa

Tàu hải giám Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong một phim tài liệu mới phát hành trên mạng vào hôm qua, 04/01/2014, kênh CCTV 4 thuộc Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã kể lại chi tiết một sự cố nghiêm trọng giữa tàu Hải giám Trung Quốc và tàu Hải quân Việt Nam gần khu vực Hoàng Sa vào cuối tháng 06/2007. 

Đây không phải là lần đầu tiên mà truyền hình Trung Quốc tiết lộ các đoạn phim mà hải quân nước này quay được vào lúc diễn ra sự kiện, với mục tiêu quảng bá cho chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông.
Tài liệu dài gần năm phút (4.46), rất đáng chú ý ở những đoạn video quay ngay tại hiện trường cho thấy rõ diễn tiến cuộc chạm trán giữa một đội tàu hải giám Trung Quốc rất hùng hậu, với ít nhất là hai tàu hải quân Việt Nam vào ngày 29/06/2007 tại một khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đặt tên là Tây Sa (Xisha).
Phóng sự nêu rõ bối cảnh vụ chạm trán – dĩ nhiên là theo quan điểm Trung Quốc : Ngày 26/06/2007, một chiếc tàu thăm dò dầu khí của tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC được phái đến hoạt động tại một khu vực ở phía tây Hoàng Sa. Nhưng chưa đến được nơi thì chiếc tàu này đã bị « tàu võ trang nước ngoài thô bạo cản đường » và bị buộc phải lùi bước.
Dù không nêu đích danh đó là tàu của Việt Nam, nhưng phóng sự lại nêu bật lời cảnh cáo của đối phương đối với tàu Trung Quốc : « Nếu không rời nơi này, chúng tôi sẽ có biện pháp chiếu theo luật của Việt Nam ». Theo phóng sự thì vào lúc ấy có khoảng 30 tàu lạ trong khu vực, một số đã chiếm lĩnh vùng mà phia Trung Quốc định thăm dò.
Trước tình hình đó, theo bài phóng sự của CCTV, chính quyền Trung Quốc đã quyết định dùng biện pháp mạnh theo tinh thần luật về thực thi luật pháp của Trung Quốc.
Ngày 29 tháng 6, hai chiếc Hải giám 83 và 51 của Trung Quốc đến hiện trường để hộ tống tàu nghiên cứu Trung Quốc trở lại vùng hoạt động. Khi đến nơi, phía Trung Quốc đã phát loa cảnh cáo tàu Việt Nam là phải đình chỉ việc cản trở hoạt động của tàu Trung Quốc trong trong vùng biển của Trung Quốc.
Phía Việt Nam không tuân theo, và được cho là cứ sáp lại gần chiếc tàu nghiên cứu Trung Quốc là cho chiếc này không thể thả cáp thăm dò xuống biển. Đến chiều, khi lực lượng tăng viện đến nơi, tàu Trung Quốc bắt đầu lập vòng tròn bảo vệ tàu nghiên cứu của họ, đồng thời tìm cách đuổi tàu Việt Nam ra khỏi khu vực này.
Tàu Trung Quốc đã được lệnh đâm thẳng vào tàu Việt Nam, và phóng sự nêu cụ thể sự kiện 3 chiếc Hải giám 74, 71 và 72 tấn công vào chiếc DN 35 của Việt Nam, rồi sau đó, khi một chiếc tàu khác của Việt Nam mang ký hiệu DN29 lao đến cứu, thì đã bị chiếc Hải giám 51 ra ngăn chặn.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc cho công bố những đoạn video phô trương thành tích của lực lượng hải giám của họ. Gần đây nhất là vào tháng 7/2012, chương trình Anh ngữ của đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng cho thấy cảnh một đoàn tàu Hải giám Trung quốc chặn đuổi một tàu Hải quân Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa.
Mục tiêu tuyên truyền cho chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông được thấy rõ qua việc các đoạn video nói trên, hoặc được phát bằng tiếng Anh, hoặc được phụ đề tiếng Anh như trong tài liệu công bố hôm qua.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngư dân Việt bí mật chụp ảnh về Hoàng Sa năm 2011 ( Khổ thật! )


Một thế giới (*)
22:39 05-01-2014 
Minh Sơn
.
1

Những tấm ảnh hiếm hoi, duy nhất về một hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa sau năm 1974 được con trai và con rể của ngư dân Mai Phụng Lưu (**) chụp vào tháng 8.2011.

Trung tuần tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2011 chúng tôi liên tục ra Lý Sơn 5 chuyến. Chương trình Cùng ngư dân bám biển của đồng nghiệp báo Sài Gòn Tiếp Thị khởi động tháng 5. Ngày 28.6.2011 chương trình Hội hàng Việt đồng hành cùng ngư dân bám biển diễn ra tại thành phố Qui Nhơn. Thông qua chương trình, Ngân hàng Đông Á tài trợ tín dụng cho ngư dân Mai Phụng Lưu 300 triệu đồng để mua một con tàu khác sau 4 lần bị Trung Quốc bắt giam, xử phạt tại ngư trường Hoàng Sa phải bán tàu trả nợ.

Ngư trường truyền thống

Suốt tháng 5 đến tháng 8.2011 không có tuần nào các phóng viên không có mặt ở Lý Sơn. Nhà nghỉ Hoa Biển trở thành nhà ở, vợ chồng ông chủ nấu cơm, cho thuê xe máy và đặt vé tàu về đất liền và người dân nơi đây trở thành quen thuộc.

2 
Ngư dân Mai Phụng Lưu lượm trứng chim trên lao Ông Già thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo lời kể của các nhân chứng Hoàng Sa và ngư dân Lý Sơn, các đảo ở Hoàng Sa trứng chim và chim non nằm trên cỏ nhiều vô kể. 

Ngày 6.8.2011, anh Tâm Chánh, lúc đó là Tổng biên tập SGTT nhân được điện thoại của ngư dân Mai Phụng Lưu: “Ngày mai anh tranh thủ ra Lý Sơn để ngày mốt em ra Hoàng Sa trở lại”.

Hoàng Sa đối với ngư dân Mai Phụng Lưu và những ngư dân Lý Sơn là ngư trường truyền thống. Đời cha, đời ông, tổ tiên của những người Lý Sơn sinh nhai ở ngư trường này nhưng đến đời của họ thì Hoàng Sa trở thành nơi rơi lệ.

Ngư dân Mai Phụng Lưu nói, khi bị bắt và bịt mắt đưa lên đảo Phú Lâm, được tháo băng ra đã thấy hình ảnh của ông dán trên đảo giống như lệnh truy nã. Nhiều ngư dân Lý Sơn, Bình Sơn chuyên đánh bắt ở Hoàng Sa cũng đều bị liệt vào dạng nguy hiểm như vậy.

Bốn lần bị Trung Quốc bắt, hai lần bị tịch thu tàu, một lần bị giam cầm tra tấn, khi trở về, một nhà báo Nhật Bản hỏi: Ông có gửi gắm gì không? Mai Phụng Lưu trả lời: Hoàng Sa là của ông bà chúng tôi, sau này bị Trung Quốc chiếm. Nếu không trả lại cho chúng tôi thì phải để chúng tôi tự do làm ăn ở đó chứ!

Sự thật, những ngư dân Lý Sơn hành nghề ở Hoàng Sa luôn nơm nớp với tàu hải giám và tàu tuần tra của Trung Quốc. Mỗi chuyến đi đánh cá, câu mực, lặn hải sâm, vớt rong biển ở Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn luôn đối mặt với nguy cơ bị bắt, đánh đập và tịch thu dụng cụ.

Năm 2010, sau lần bị bắt và giam cầm trên đảo Phú Lâm một tháng, Mai Phụng Lưu trở về tay trắng. Nhà cửa đã đem thế chấp ngân hàng, tài sản cầm cố và gia cảnh kiệt quệ.  

Chúng tôi trở lại Lý Sơn vào ngày 7.8.2011. Buổi sáng giữa hè trời xanh mây trắng nôn nao. Khi tàu cập cảng mặt trời đã gác trên ngọn núi lửa Thới Lới.

Giữa rừng cờ tổ quốc của các con tàu đánh cá, nhà báo Phạm Anh (nay là phóng viên báo Thanh Niên) chỉ một lá cờ xa xa: “Đó là tàu của anh Lưu!”.

Hạt cát Hoàng Sa           
                                                                                             
Chỉ hơn một tháng, với sự hỗ trợ tín dụng của chương trình Cùng ngư dân bám biển của báoSGTT phối hợp với Ngân hàng Đông Á, ngư dân Mai Phụng Lưu đã có trở lại một con tàu nhỏ để trở lại ra khơi.

Buổi chiều, chúng tôi trèo lên thúng chai bơi ra thăm tàu. Thủy thủ đoàn của “sói biển” Mai Phụng Lưu ngày mai đi Hoàng Sa trở lại là ông thông gia, con trai và con rễ đã chuẩn bị lễ cúng tàu sẵn sàng.
.
3 
Vạn lý Hoàng Sa… bãi cát vàng trong tim người Việt. Trong ảnh: Hai cha con ngư dân Mai Phụng Lưu đang lấy cát Hoàng Sa. Theo tín ngưỡng, bát nhang trên bàn thờ ông bà tổ tiên và các binh phu ở Hoàng Sa phải có loại cát vàng này. 

Hoàng Sa qua lời kể của ngư dân Mai Phụng Lưu là những hòn đảo nhỏ trắng xóa trứng chim biển, những rạn san hô đầy hải sâm, những ngôi mộ người Việt trên lao Ông Già và tấm bia chủ quyền phai mờ sương gió nay biết có còn không?

Trong cuộc đời đi biển của mình, ngư dân Mai Phụng Lưu có bốn lần ăn tết trên lao Ông Già ở quần đảo Hoàng Sa.

Ngư dân Lý Sơn đạt tên cho một hòn đảo nhỏ bằng đảo Bé ở Hoàng Sa là lao Ông Già vì trên đảo có một ông già Trung Quốc sống một mình bí ẩn.

“Ông già rất hiền. Những lúc không có lính Trung Quốc đi tuần, tàu cá ngư dân Lý Sơn ghé đảo được ông chỉ dẫn những ngôi mộ người Việt để thắp hương, chỉ bia chủ quyền và chỉ cách lượm trứng chim ngon trên cỏ để ăn” – Mai Phụng Lưu kể.

Cách đây hơn 10 năm, ông già hình như đã chết. Hai cặp vợ chồng Trung Quốc khác ra đảo sinh sống, ngư dân Lý Sơn thỉnh thoảng vẫn ghé vào nhưng bị theo dõi nghiêm ngặt.

Sau câu chuyện kể của ngư dân Mai Phụng Lưu, buổi tối anh Tâm Chánh nhờ Văn Minh và Hưng Ròm ở Ban truyền hình lấy thẻ nhớ từ trong máy ảnh copy dữ liệu vào máy tính.

Trong bữa rượu chia tay lúc khuya ở nhà thông gia ngư dân Mai Phụng Lưu, anh Tâm Chánh đã tặng cho con trai Mai Phụng Lưu chiếc máy ảnh Panasonic Lumix DMC LX2 của anh. Chúng tôi “huấn luyện” cách sử dụng máy ảnh cấp tốc ngay trong bữa rượu.

Sau chuyến đi Hoàng Sa đầu tiên trở về, chúng tôi đã nhìn thấy cận cảnh lao Ông Già nằm trong quần đảo Hoàng Sa do con trai của ngư dân Mai Phụng Lưu chụp. Sau đó, nhiều nhà báo đã đến xin và đăng những tấm ảnh này. Đó là những tấm hình duy nhất mà mọi người được nhìn thấy Hoàng Sa qua ảnh chụp sau năm 1974.

Một tháng sau, chúng tôi nhận được điện thoại của Phạm Anh báo “anh Lưu gửi tặng mấy anh một bao cát Hoàng Sa” anh Lưu lấy trong chuyến đi biển tiếp theo. Đó là cát mà ngư dân ở Lý Sơn vẫn lấy về để trong nồi hương thờ ông bà và những binh phu Hoàng Sa ngày Tết.

Chỉ một thời gian ngắn sau, tờ báo SGTT “có biến”. Chương trình Cùng ngư dân bám biểnngưng trệ và chúng tôi ít có dịp gặp những ngư dân ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống tại Lý Sơn nữa.

Hoàng Sa như cụ Võ Hiển Đạt – người trông coi Âm Linh Tự thờ binh phu và những người đã bỏ mạng giữa biển khơi đối với người dân Lý Sơn nó “ở gần như đảo Bé của Lý Sơn”.

Trong tim chúng tôi, Hoàng Sa cũng rất gần nhưng xa xôi biết mấy!

* Tựa của bài gốc: Người Việt bí mật chụp ảnh về Hoàng Sa năm 2011.
** Đọc thêm một trong rất nhiều bài về ngư dân Mai Phụng Lưu:  “Sói biển” Mai Phụng Lưu làm giám đốc (Tuổi trẻ).
Nguồn: Một Thế Giới
GẶP GỠ SÓI BIỂN MAI PHỤNG LƯU TẠI HÀ NỘI 
Hà Nội 14.12.2012 

Sáng nay, lần đầu tiên được gặp Sói Biển Mai Phụng Lưu tại Hà Nội. Anh là một ngư dân của thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ra Hà Nội có chút công việc. Nhờ bác Gốc Sậy liên hệ trước, mọi người đã kéo đến gặp gỡ Mai Phụng Lưu.

45 tuổi đời, 25 năm bám biển Hoàng Sa; 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, bắt tàu, tịch thu ngư cụ làm tán gia bại sản nhưng Mai Phụng Lưu vẫn kiên cường bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa. Anh là một cột mốc sống chủ quyền Việt Nam trên biển Đông  và là một nhân chứng tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Hãy đọc những dòng tâm sự của Anh:


Cát Hoàng Sa do Mai Phụng Lưu đưa về, đã có mặt trên bàn viết của NXD từ năm 2011
 Mai Phụng Lưu mang một ít cá biển đánh bắt được tại HOÀNG SA để biếu mọi người.
Giờ đây, về nhà rồi, ngồi nhìn khúc cá mà Sói Biển cho, tôi đang rưng rưng khóc!


  ________________________________________________________


Phần nhận xét hiển thị trên trang

ý nghĩa cuộc đời - phiếm đàm

Cuộc đời có ý nghĩa thật không? Nếu có thì ý nghĩa đó là gì. Câu hỏi này đã được hỏi suốt mấy ngàn năm nay. Ai cũng mong muốn được trả lời thỏa đáng. Nhưng xem ra nó nằm ở chân lý tuyệt đối, mà theo quan niệm triết học, ta chỉ có thể tiệm cận mà thôi. Sau đây là một số tiệm cận đề cập đến ý nghĩa sự sống của sinh vật nói chung và loài người nói riệng.

1. Cuộc sống, thực ra, chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng con người là động vật biết tư duy và sợ sự vô nghĩa, cho nên con người đã gán cho sự tồn tại của mình vô số ý nghĩa như là một sự an ủi hay giải thích cho tính hợp lý của cái gọi là tồn tại người. 
2. Cuộc sống vô nghĩa vì con người ra đời bất chấp ý chí tự do của họ. Họ chấp nhận nó như món quà hay hình phạt tùy hoàn cảnh sống. Dù họ không quyết định được điểm đầu nhưng họ có thể quyết định điểm cuối bằng cách rút ngắn nó lại. Những người này cho tồn tại người có phần phi lý. Nghe có vẻ hiện sinh nhỉ?
3. Cuộc sống là vô nghĩa vì các kết cục của nó là bị tiêu diệt. Nó quá hữu hạn và yếu đuối nên trong cuộc chiến đấu với cái chết bao giờ nó cũng là kẻ chiến bại.
4. Cuộc sống là vô nghĩa vì thế gian chỉ là quán trọ. Là nơi xấu xa, bụi bặm (trần = bụi, gian = nhà) Con người tạm trú mưa ở đây để chờ ngày trở về nhà. "Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời."
5. Cuộc sống vô nghĩa hay nói đúng ra không có ý nghĩa lớn lao gì lắm vì nó quá đa nghĩa. Người ta có thể vin vào bất cứ cái gì để có một sự gán ghép hữu lý. (tôi sống vì người tôi yêu, vì gia đình tôi, vì nghệ thuật, vì những hoài niệm xa xôi...)
6. Cuộc sống có ý nghĩa vì nó là một cuộc chiến đấu, chạy đua, cạnh tranh khốc liệt với kẻ thù lớn nhất là thời gian. Ý nghĩa quý giá của nó nằm ở đây. Con người quý trọng cuộc sống vì sự hữu hạn của nó, vì tính duy nhất của lượt tồn tại, ngay cả cho dù nó có khả năng được tái sinh.
7. Cuộc sống có ý nghĩa vì nó giúp con người nếm trải cảm giác, kinh qua thất tình, ý nghĩa tồn tại người chẳng qua là ý nghĩa của các cảm giác không hơn không kém. 
8. Cuộc sống có ý nghĩa vì mỗi người có quyền và có thể tìm thấy lý do tồn tại của mình từ kẻ giàu sang tới người nghèo hèn, từ kẻ khôn ngoan tới người đần độn, từ kẻ hạnh phúc tới người bất hạnh.
9. Cuộc sống có ý nghĩa nhưng là ý nghĩa thần bí, nằm ngoài tầm nhận thức của loài người. Mỗi cá nhân khi ra đời đã được cung cấp một lực sống. Chính lực này gây ra chuyển động, con người sống như là quán tính, (không cưỡng lại được, không băn khoăn, không thắc mắc nếu như không học hành, đọc sách quá nhiều) cho tới khi tiêu hao hết năng lượng hay gặp lực cản.
10. Cuộc sống có ý nghĩa vì nó là một giai đoạn trong quá trình tiến hóa bất tận của tồn tại người với tư cách là linh hồn bất tử có tiến hóa nhờ học tập, rèn luyện và tu dưỡng qua các kiếp.
11. Cuộc sống là tặng phẩm kỳ diệu của tạo hóa dù nó hữu hạn hay vĩnh hằng, nó là sự kết hợp kỳ diệu của tinh thần và vật chất và năng lượng theo một cách bí ẩn nào đó mà loài người bản thân nó chưa thể tạo ra và hy vọng là không bao giờ tạo ra. Vì một khi loài người nắm được bí quyết sự sống nhân loại không còn gì để nghiên cứu và khám phá nữa thành ra họ phải tuyệt diệt.
12. Sự sống có ý nghĩa vì nó là một phần của quá trình khám phá và tìm hiểu vũ trụ. Sự sống là bất tử cho toàn thể nhân loại với tư cách một loài sinh vật, và chỉ hữu hạn ở mối người với tư cách là cá thể.
13. Sự sống có ý nghĩa vì nó là một sản phẩm duy nhất trong vũ trụ cho tới nay, theo sự hiểu biết tốt nhất của loại người. Chỉ cần thay đổi một số điều kiện nhất định sự sống sẽ bị tổn thương hay hủy diệt. Sự sống rất mong mong, hãy bảo về nó.
14. Ý nghĩa của sự sống, nếu có, chảng qua là một đoạn chương trình đã được lập sẵn bởi cỗ máy vũ trụ. Các sinh vật khác thì tuân thủ môt cách nghiêm ngặt. Riêng loại người do có tư duy có thể thay đổi chút ít.
15. Gạt bỏ một bên các yếu tố sinh học ý nghĩa cuộc sống loài người là hưởng thụ và/hoặc tạo ra các giá trị văn hóa. Tồn tại người là tồn tại văn hóa với nghĩa rộng của nó là các giá trị tinh thần và vật chất do loài người kiến tạo nên.
16. Ý nghĩa tồn tại người là bất khả tri, do khả năng tự nhận thức bao giờ cũng thấp hơn khả năng nhận thức.

RIÊNG BẠN CÓ KIỂN GIẢI NHƯ THẾ NÀO?
Ng.Q

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khám mờ chả phá được gì!

Những căn nhà kì dị ở Hà Nội
Đoạn đường chỉ dài 500 mét nhưng có tới hàng chục ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, nhiều hình thù mọc lên, lem nhem hướng nhà ra mặt phố.
Tuyến đường Vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Hà Nội) được mệnh danh là “con đường đắt nhất hành tinh” vừa được thông xe ngày 31/12/2013. Tuy nhiên trên tuyến đường này, những căn nhà đã và đang xây với đủ mọi hình thù, siêu mỏng, siêu méo mọc lên, có những căn nhà mặt tiền chỉ 1,2m hay mặt tiền 4m -5 m nhưng chiều sâu chỉ hơn 1m.

Được mệnh danh là con đường “đắt nhất hành tinh” vì đoạn đường Vành đai 1 (qua Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) dài hơn 500m, rộng 50m, với tổng mức đầu tư lúc đó là 642 tỷ đồng (trong đó tiền chi cho giải phóng mặt bằng là 527 tỷ đồng, xây lắp 50 tỷ đồng)

Sau thời gian “đắp chiếu”, đến đầu năm 2013, UBND quận Đống Đa cho biết, chỉ riêng 477 phương án đền bù cho các chủ đất nằm trên tuyến đường này đã lên tới 743,5 tỷ đồng

Sau khi được thông xe, trên tuyến đường lộ ra khá nhiều ngôi nhà kì dị. Ngôi nhà này mặt tiền và chiều sâu gần như bằng nhau (chỉ hơn 1m).

Mặt tiền siêu nhỏ nhưng căn nhà này được xây rất nhiều tầng

Chiều sâu của ngôi nhà này hơn 1m nhưng tầng 2 đã được xây nới ra ngoài vỉa hè rất nhiều, rất chênh vênh

Ngôi nhà này được xây dựng không theo một hình thù gì

Hàng quán mọc lên nhưng không theo một khuôn mẫu nào

Đây là một ngôi nhà cũng khá kì dị, ngôi nhà nhưng mặt tiền được chia ra làm 3, mỗi phần chỉ hơn 1m

Những ngôi nhà nhìn không khác gì tổ chim ở ngay mặt đường

Đặc biệt ngôi nhà này có đến 4 mặt tiền nằm giữa ngã nằm chềnh ềnh ở ngã 7 đê La Thành - Khâm Thiên - Xã Đàn


Mặc dù Hà Nội đã có chính sách xóa nhà siêu mỏng, siêu méo nhưng những ngôi nhà này vẫn vô tư mọc lên

Về cơ bản, mặt đường đã gần hoàn thành nhưng hai bên đường vẫn còn nhiều ngôi nhà xắp sập nhưng không được dỡ bỏ gây nguy hiểm cho người dân khi đi qua đây

Một lô đất được chia nhỏ bằng gạch lem mhem

Theo một số người dân ở đây, trước đây khu này toàn là dân lao động sống. Khi đường được mở, những nhà có tiền thì gấp rút xây nhà mới còn những hộ không có tiền đành giữ nguyên ngôi nhà cũ dù trước mặt tiền là con đường rộng lớn.

Nhiều người đi qua đoạn đường này phải ngoái nhìn những ngôi nhà siêu kì dị

Nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn đang được gấp rút hoàn thiện trên tuyến đường đắt "nhất hành tinh" này

Hồng Phú (Khampha.vn)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Linh thú

Nguyễn Hưng Trinh, Ngựa, sơn dầu trên bố, 2014

Đêm Giao Thừa 2013-2014, vào phút đất trời tương giao, cây sinh quả, hạt nẩy mầm, con Linh Thú Nhân Mã dị thường của Nguyễn Hưng Trinh ra đời. Đây là một bức tranh ngựa mà ông vẽ để chào mừng năm mới — năm Giáp Ngọ. Ông cắt nghĩa:
“Khi sáng tác bức tranh, tôi lấy ý tưởng từ lời dạy của Đức Phật Thích Ca - trong Tứ Diệu Đế. Năm đầu người biểu tượng cho Ngũ Uẩn (Sắc - Thọ - Tưởng - Hành - Thức) và bốn đầu ngựa biểu trưng cho Tứ Vô Lượng Tâm (Từ - Bi - Hỉ - Xả). Năm cũ đã qua, chúng ta hãy để bầu trời u ám ở lại, đó là: Tham lam mê muội - tư dục quá độ - hận thù và ganh ghét. Năm mới: Hướng về trời mới - đó là lòng Từ Tâm - Yêu Thương, và đón nhận ân phúc mà Trời Đất ban cho, trong tâm hồn an lạc - hạnh phúc.”
Từ một góc nhìn khác, tôi cảm nhận bức tranh được thực hiện dưới dạng siêu thực và như một câu chuyện kể về một con linh thú lạ kỳ đến từ những giấc mơ quái dị của con người. Càn khôn, vũ trụ, cái ác, tâm lành, nhân cách, bản ngã cũng như sự hỗn loạn, biến đổi của cuộc đời hoà trộn, đan quyện vào nhau, phết nên, để tạo thành tác phẩm. Thoảng nhìn dường như là hiện thân một con ngựa người có cánh trong tác phẩm hiện thực huyền ảo của một nhà văn người Ba Tây. Đúng thế, nó làm tôi liên tưởng tới con Nhân Mã trong tác phẩm The Centaur in the Garden của Moacyr Scliar.
Con linh thú ấy với bốn cái đầu trong một sắp đặt từ thấp đến cao trong tư thế sửa soạn cất cánh tung vó bay vào không trung như để thực hiện cái hoài bão tự do của mình vậy. Chiếc đầu trên cùng ngẩng nhìn bầu trời cao rộng, tựa như mong, tựa như hận, tựa như vùng vẫy khỏi sự kìm hãm, dồn nén ẩn tàng, tựa như sắp khạc ra lửa. Khối gamme màu cam, vàng phẫn nộ phía sau rực đỏ, tương phản với nền trời đen, phía trước pha trắng, tác giả đã bắt vào mắt nhìn người xem một xúc cảm dữ dội. Ta có thể ví khối lửa ấy như lửa tam muội đến từ tâm của tham lam, si, hận, thù ghét, giận hờn trùng trùng, lớp lớp kiếp vô minh. Những con mắt người, nhìn mười phương tám hướng, tượng trưng cho những nhân cách khác biệt, tư duy mỗi người một phía của loài người. Và những chấm đỏ luân lưu như dòng chảy đằng sau thân ngựa làm ta có thể hình dung đến dòng chảy của cuộc đời đã lôi con người trôi theo, chìm đắm trong cuộc bể dâu. Hai mươi bốn tiếng mỗi ngày, đầu tắt mặt tối, ăn ngủ, đi làm, lo cho gia đình, con cái, bè bạn, học hành, việc nhà, việc sở, bạn có bao giờ dừng lại một phút tự hỏi mình có từng nghĩ đến bản thân và chăm lo trau chuốt cho phần tâm hồn mình bao giờ chưa? Mình để cuộc sống lôi đi hệt như con linh thú trong tranh mắc kẹt trong dòng đời lưu chảy vậy.
Bạn có bao giờ nghĩ chúng ta là hiện thân của con linh thú trong tranh không? Những con người khác thường, mẫn cảm, hành động ra ngoài sự tiên liệu thông thường của con người. Những nhân vật có hành động kỳ bí, những thông minh tuyệt chúng, lập dị, những móng vuốt, sắc lẻm, lóng lánh, linh hoạt hơn người khác. Những tâm lý quái lạ, lưỡng cực, vật vờ như mơ như mộng, dễ dao động, dễ chạm, dễ vỡ và cả những bề ngoài không giống ai. Tất cả đều có thể là những con nhân mã dị thường. Những người đội lốt linh thú đầy mâu thuẫn này có thể bị kỳ thị, khinh khi, ghét bỏ. Họ cần cặp cánh phượng hoàng để vẫy đập và bay lên, vùng thoát vào bầu trời tự do như một uớc nguyện thiêng liêng, như một khát vọng cần thực hiện đầu năm mới.
Đầu năm 2014, tôi xin mượn bức tranh của Nguyễn Hưng Trinh như lời chúc lành của tác giả đến tất cả độc giả.
 Thanh Thủy


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khi ‘chân dài’ thành thước đo địa vị


Từ khi nào mà xã hội cúi đầu thán phục và khuất phục trước những sự ngang nhiên cặp kè giữa quyền – tiền – gái, không thấy có gì kỳ quặc chăng?
Tạm phác ra khung cảnh thế này. Một buổi tối ở một nhà hàng tao nhã. Một người đàn ông cứng tuổi, lịch lãm cùng cô gái trẻ bước vào.

Người tò mò nhìn trang phục và cử chỉ, đoán ngay được địa vị xã hội của cả hai người. Bước vào nhà hàng, nhưng người đàn ông trang phục và tác phong vẫn đĩnh đạc và trầm tĩnh như dự hội nghị. Đích thị ông ấy gốc gác từ các vùng miền Bắc và đang là công chức. Cô gái ngược lại rất khó đoán là người miền nào.

Nhưng trang phục, cử chỉ thì đúng cung cách một “chân dài”, thời thượng và cao cấp. Dù ở đâu thì mọi sự quan tâm của cô ấy chỉ dừng lại ở đúng nhan sắc của chính mình. Cặp ấy đi bên nhau, tận hưởng giá trị của chính bản thân, dưới ánh nhìn của xã hội.

Xã hội đang nhìn họ. Hầu hết là những cái nhìn ngưỡng mộ. Có thể những người đàn ông khác đánh giá được giá trị của nhân vật kia qua “chân dài”. Những người phụ nữ thì nhìn “độ dài của chân” và hàng hiệu trên người cô gái trẻ để đoán địa vị của người đàn ông.

Hình như không ai nhớ ra chuyện tự hỏi mình: Thời nay xã hội quay cuồng đến đâu mà “chân dài” ngang nhiên ra giữa thanh thiên bạch nhật để chứng thực cho sự “thành đạt” của một người đàn ông?

Từ khi nào mà xã hội cúi đầu thán phục và khuất phục trước những sự ngang nhiên cặp kè giữa quyền – tiền – gái, không thấy có gì kỳ quặc chăng? Nếu có ai thắc mắc về sự “xấu hổ” ở đây, hẳn sẽ bị át ngay, hoặc là dở hơi, không thức thời, hoặc là ganh tỵ!

Chính vì xã hội đã rất lệch lạc, đã sẵn sàng tôn vinh và chấp nhận những lệch lạc về giá trị thì chúng ta mới phải tham dự hết đại án này đến đại án khác, mà đại án nào cũng chỉ xoay quanh cái vòng quyền lực – tiền bạc – phụ nữ.

Hàng ngàn tỷ đồng từ tiền thuế do dân đóng tiêu tan, khi thi hành án, những “đại gia” ngày nào không còn một xu để khắc phục hậu quả nhằm bày tỏ sự ân hận về tội lỗi mình trót gây ra. Đã vậy xã hội vẫn còn nhắc lại để tiếc nuối cho gia đình kẻ tội phạm từng là gia đình danh giá bậc nhất vùng này, vùng khác.

Toàn bộ đại án kinh tế Vinalines đã cho ta thấy sự tiến thân của nhân vật chính: Trong vòng 10 năm, từ một người thất nghiệp, không bằng cấp, chỉ nhờ là con ông cháu cha mà đã đi qua những lớp đại học tại chức, rồi đến tiến sĩ kinh tế và ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT một Tổng công ty nhà nước, một chữ ký có thể làm tiêu tan hàng trăm tỷ đồng. Sự tiến thân đó có gì đáng hãnh diện ngoài sự chi phối trơ tráo của đồng tiền và quyền lực?

Như vậy mà dư luận vẫn cứ ôn lại quá khứ, tôn vinh gia đình ấy danh giá, làm cho xã hội chấp nhận cái tiêu chuẩn danh giá là “có chức quyền sóng đôi với đồng tiền”, mà cố tình quên đi thực trạng chạy chức chạy quyền như một căn bệnh dịch hạch làm yếu kém nền hành chính, chao đảo nền kinh tế và xã hội thì ngập trong dối trá và tôn vinh sức mạnh của đồng tiền.

Tội phạm đã ra trước vành móng ngựa. Bi kịch gia đình cũng đã phơi bày. Nhưng dường như chẳng có mấy người trong cuộc tỏ chút ân hận. Họ quyết giữ những đồng tiền cướp được ngay cả khi người thân đã ra vành móng ngựa. Thậm chí người vợ còn đứng ra nhận “tiền chồng mua nhà cho bồ nhí là tiền của tôi”.

Một người đàn bà cũng là công chức, nếu chiếu theo những ràng buộc quy định tại Pháp lệnh Cán bộ, công chức thì không thể có cơ hội kiếm được 10 tỷ đồng tiền mặt. Vậy pháp luật rõ ràng và nghiêm minh đến đâu mà một công chức dám ra tòa nói nhẹ bỗng “đó là tiền của cá nhân tôi”, chẳng phải lo đến chuyện chứng minh nguồn gốc tiền “sạch”.

tiền bạc, chân dài, đại án, đại gia, tiền sạch, tiền bẩn

Một lần trong resort 5 sao, bên bể bơi bỗng nghe tiếng hát “Hò kéo pháo”. Một cụ ông đang đùa giỡn với cháu dưới nước và hát cho chúng nghe bài hát năm xưa, chắc ông còn nhớ rất rõ thủa mặc áo lính ở chiến trường Điện Biên.

Có thể ông là một cựu chiến binh, và con cháu ông là những người danh giá. Họ đủ tiền để đi nghỉ ở resort có giá phòng mỗi đêm đến 400 USD/người cho đại gia đình đông đúc, cho cả người giúp việc đi theo giữ trẻ và phục vụ.

Họ đang tiêu tiền rất hào phóng trước con mắt khâm phục của người qua kẻ lại nhìn ngắm sự danh giá, giàu sang. Không thấy ai hỏi: “Giá bao nhiêu thì mua được danh?”. Và cũng bỗng nhớ đến câu chuyện một nữ doanh nhân kể: Có lần chị được người bạn mời qua nhà hàng bên khu Phú Mỹ Hưng ăn vịt Bắc Kinh.

Con vịt ấy có giá hơn 2 triệu đồng. Khi nghe giá món ăn, chị thấy miếng thịt đắng ngắt, khó nuốt. Vậy nhưng ai dám bảo chị ấy không thành đạt, không danh giá, khi từ một người làm nghề dệt chị đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng, với công ty là thương hiệu dệt may thành công trong lĩnh vực xuất khẩu.

Thế mới biết, chẳng ai cần tạo danh khi họ có đồng tiền “sạch”.

HỒNG BÍCH/THEO DOANH NHÂN SÀI GÒN
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bất bình tắc minh

Hàn Dũ - nhà văn , nhà thơ, nhà triết học đời Đường đã đưa ra một luận điểm mà hầu như ai cũng đồng tình : " bất đắc kỳ bình tắc minh " . Luận điểm nầy có thể hiểu là  :

 - Vật không được bình yên thì kêu lên
 - Vật không được thế quân bình thì phát ra tiếng kêu
   Luận điểm nầy có thể được chứng minh bằng nhiều phương diện : chính trị xã hội , sáng tác văn chương , triết học tôn giáo .

  Trước hết về phương diện chính trị xã hội :  Một chế độ chính trị không đem lại an bình thịnh trị cho dân chúng sẽ nẩy sinh ra những phản động lực . Một xã hội bất công sẽ âm ỉ những tiếng kêu than của những con người thấp cổ bé miệng . Hàng triệu triệu những tiếng kêu đó hợp lực lại thành một tiếng nổ lớn có thể lất đổ cả một chế độ . Bằng chứng là chế độ quân chủ chuyên chế của Pháp bị lật đổ bởi cuộc cách mạng 1789 . Cuộc cách mạng 1789 nổ ra do sự bất công giữa giai cấp quý tộc , tu sĩ với giới bình dân . Mức sống giũa giai cấp quý tộc , tu sĩ so với giới bình dân có một sự chênh lệch quá lớn . Giai cấp quý tộc thì xa hoa phung phí , giai cấp tu sĩ thì hưởng quá nhiều đặc qyền đặc lợi ; trong khi đó thì giới bình dân thì nai lưng ra làm việc mà chẳng hưởng được gì . Sự mất cân bằng nầy làm nẩy sinh ra những tiếng kêu không những của người dân mà còn  cả đến các nhà triết học , các bậc thức giả như Voltaire , Montesquieu , J.J. Rousseau, ...Tư tưởng của các vị nầy về sau có ảnh hưởng rất lớn đến nền đân chủ của nhiều nước trên thế giới .
 Cuộc cách mạng Nga 1917 nổ ra do mâu thuẩn giữa các chủ nhân ông và giai cấp thợ thuyền , giữa địa chủ và nông dân . Các chủ nhà máy  xí nghiệp bóc lột công nhân , các chủ đất áp bức tá điền và " ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh "  
Tiếng kêu lớn của Lénin : " Giai cấp vô sản trên toàn thế giới hãy đoàn kết lại "  cũng đã dấy lên phong trào cách mạng vô sản ở một số nước ...
Trên đây là tiếng kêu phát ra do sự  bất bình trong đời sống chính trị xã hội . Dưới đây là những tiếng kêu phát ra trong lãnh vực sáng tác văn chương . Hàn Dũ cho rằng con người ta vì bất đắc dĩ mới viết văn , làm thơ . Lịch sử văn học đã chứng minh rằng  trong những thời kỳ đen tối nhất , những giai đoạn lịch sử rối ren nhất  đã xuất hiện những tác phẩm có giá trị nhất . Trong thời kỳ vua Lê , Chúa Trịnh , Đàng Trong , Đàng Ngoài , chiến tranh xảy ra liên miên  đã tạo ra một xã hội mục ruỗng , thối nát ; người dân đã phải gánh chịu những nỗi khổ đau cùng cực . Nói như nhà thơ Pháp Alfred de  Musset : " Không có gì làm cho ta trở nên cao đại  bằng một sự đau đớn lớn nhất " ( Nul ne nous rend si grand qu'une grande douleur ) .
Nỗi đau đớn  cùng cực đã phát ra những tiếng kêu . Tiếng kêu đó phải chăng là những  tiếng thơ của Nguyễn Du , của Nguyễn Gia Thiều , của Đoàn thị Điểm , ...Truyện Kiều của Nguyễn Du là tiếng kêu than của một người con gái tài sắc hiếu hạnh bị vùi dập xuống tận bùn đen . Đã bao lần Kiều muốn thoát ra vươn lên nhưng rồi bị thế lực của các nhà quan nhà chứa ấn dúi xuống sâu hơn ...Những ông quan , kể cả những bà quan hùa nhau  xô đẩy Thúy Kiều vào con đường cùng buộc nàng pải bật lên  : "Oan nầy còn một kêu trời nhưng xa " 
   Chinh phụ ngâm là tiếng kêu than của người chinh phụ tiển chồng đi chiến trận   : " Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi "  
  Cung oán ngâm khúc là tiếng kêu than của người cung nữ nơi cung cấm khi thì được vua yêu quý thi thì bị thất sủng . Ngoài ra những cuộc tình éo le bi đát , oái oăm và ngang trái đã để lại cho đời những thiên tình sử  như "  Sơ kính tân trang " của Phạm Thái , " Hồn bướm mơ tiên " của Khái Hưng , ...
Nỗi đau của những người vợ mất chồng , người chồng mất vợ cũng là những nỗi bất bình phát ra tiếng kêu thương . Đó là Ai Tư Vãn của Ngọc Hân công chúa  , Giọt mưa thu của Tương Phố  , Linh Phượng của Đông Hồ  , Màu tím hoa sim của Hữu Loan ,...
 Bất bình tắc minh còn được chứng minh trong lãnh vực triết học tôn giáo : Bất cứ triết gia nào cũng ít nhiều trầm tư về lẽ sống chết chẳng hạn như " tại sao ta sinh ra  ? tại sao ta chết đi ? " ...Đó là những thắc mắc siêu hình muôn đời là vấn nạn . Trong nhà thiền , liễu sinh tử là động cơ , là nguyên động lực của việc tu thiền . Giáo chủ của đạo Phật là Tất Đạt Đa xưa vì ý thức được nỗi khổ đau của sinh lão bệnh tử nên mới xuất gia cầu đạo . Rõ ràng sự bất bình về cái chết là nguyên động lực đưa con người đến với tôn giáo .

 Suy cho cùng , bất bình tắc minh không chỉ đơn thuần là luận điểm mà còn là đại luật của vũ trụ . Phàm vật gì không cân bằng tất nhiên phải phát ra tiếng kêu ; phàm con người không được bình yên thì tất nhiên phải  cất  tiếng kêu than . Vậy vấn đề là làm thế nào để hạn chế những tiếng kêu than ấy ? Phải chăng  một trong những thuộc tính của nhà hiền triết lãnh đạo là sự hòa hợp tiết độ ( température ),  là  mẫu mực cho sự điều hòa và quân bình ( không bất cập , không thái quá ) .Hiện nay người ta có thói quen sợ hãi về những điều bất cập mà không ai lo lắng về những cái thái quá đang diễn ra tràn lan trong nhiều lãnh vực như thói ham hư vinh , thích chơi trội , lễ nghi quá đà ,...


     Cần thiết phải lắng nghe những tiếng kêu nhỏ và làm quân bình  êm dịu chúng ; nếu không nó hợp lực thành tiếng nổ lớn .Cũng như đám cháy nào cũng bắt đầu từ một que diêm !
Ph.H

Phần nhận xét hiển thị trên trang