Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Trannhuong.com : giải thưởng độc lập đầu tiên ở Việt Nam dành cho văn xuôi

Trong Thanh
Ông Trần Nhương (thứ ba trái), ông Hoàng Quốc Hải (giữa), ông Hoàng Minh Tường trong lễ trao giải, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Hà Nội, 26/9/2011 (Ảnh : Nguyễn Xuân Diện-blog)
Ông Trần Nhương (thứ ba trái), ông Hoàng Quốc Hải (giữa), ông Hoàng Minh Tường trong lễ trao giải, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Hà Nội, 26/9/2011 (Ảnh : Nguyễn Xuân Diện-blogTrọng Thành
Trong giới văn chương ở Việt Nam có một sự kiện đáng chú ý. Đó là sự xuất hiện của trannhuong.com - giải thưởng tư nhân đầu tiên dành cho các tác phẩm văn xuôi. Vì sao giải trannhuong.com tháng 9/2011 lại được trao cho hai tác phẩm « Bão táp triều Trần » và «Thời của thánh thần » ? Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn học Việt Nam hiện nay ?
Đối với các quốc gia hiện đại, giải thưởng văn học do tư nhân tổ chức là chuyện rất phổ biến, tuy nhiên, ở Việt Nam, chí ít kể từ sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên cả nước cho đến những năm rất gần đây, các giải thưởng như vậy hoàn toàn vắng bóng trong sinh hoạt văn chương.
Giải thưởng mang tên trang web trannhuong.com, do nhà văn Trần Nhương tổ chức, đã được trao cho hai nhà viết truyện, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả bộ tiểu thuyết dài 6 tập « Bão táp triều Trần » và nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả cuốn « Thời của thánh thần ».
« Cái quan trọng là được người đọc yêu mến ! »
Trả lời phỏng vấn RFI, nhà văn Trần Nhương - người tổ chức giải - chia sẻ một số suy nghĩ của ông về lý do của việc ông lập nên giải thưởng văn học độc lập trannhuong.com và kể lại những điều khiến ông tâm đắc trong sự kiện này :
« Trần Nhương Tôi nghĩ rằng, mình đặt cái giải đó để vinh danh các tác giả mà mình yêu mến. Cái quan trọng là người đọc người ta yêu mến ! Hôm đó, ngày 28/9, rất mừng là, các bạn bè, các văn nghệ sĩ và các trí thức lớn của Hà Nội cũng đều có mặt : Văn Như Cương, Phạm Toàn, Huệ Chi, Trần Văn Thủy, ... và rất nhiều nhà văn có tên tuổi : Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào, … cũng đến tham gia lễ trao giải của chúng tôi. Điều ấy là một phần thưởng rất quý cho trannhuong.com.
Nhưng cái quý hơn nữa là, các tác giả như Hoàng Quốc Hải và Hoàng Minh Tường, họ đã chấp thuận cái giải này, mà họ chấp nhận một cách vui vẻ, rất chân thành, và thậm chí họ sung sướng nữa. Họ kéo cả bà con, con cháu đến để cùng dự.Tôi nghĩ, đấy là một điều rất mừng cho mình. Mình đã làm được một cái gì đó được cộng đồng, một số người ở cộng đồng hưởng ứng, thì mình cảm thấy đó là một điều vinh dự, vui cho mình, vừa là với trang web, vừa là với việc mình muốn tôn vinh theo nghĩa là người đọc đón nhận tác phẩm này, chứ không phải là do ai định đoạt. Có những giải hoặc có những tác phẩm tưởng là ghê, nhưng người đọc không đọc thì cũng là thất bại. Vậy, cuối cùng nhà văn chỉ trông vào bạn đọc.
RFI : Thưa anh, trong giải thưởng này, anh – nhà văn Trần Nhương – là người tổ chức, cũng chính là bạn đọc « đầu tiên » … anh có thể giải thích, vì sao anh lại chọn hai tác phẩm này để trao giải không ạ ?
« Trần Nhương : Cái thứ nhất là hai ông nhà văn này là hai ông rất đáng trọng. Họ có cốt cách của họ. Rồi họ viết hai cái tác phẩm « Bão táp triều Trần » và « Thời của thánh thần » ở mỗi thời điểm khác nhau, nhưng họ đều nói đến một tính cách Việt, nhân cách Việt.
Anh biết triều Trần là một triều rất oanh liệt của đất nước chúng ta. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết tới sáu tập với gần 4.000 trang sách. Thì tôi nghĩ đấy là một công trình mà ông ấy đã bỏ ra một tâm huyết rất lớn. Ngoài cái đó, vẫn phải căn cứ vào lượng bạn đọc. Đây là một quyển sách có kỷ lục về tái bản.
Hai là, cuốn « Thời của thánh thần » chỉ in được 1.000 bản thì nhà nước tạm dừng, chưa cho tái bản vội. Trong khi đó, các đầu nậu – những người in lậu, họ đã in đến hàng chục vạn bản, chứ không phải một vạn. Hai thống kê này cho thấy, hai tác phẩm được bạn đọc yêu mến nhất.
Cho nên, tôi đã tổ chức một buổi trao giải, có thể nói là cũng khác thường so với ở Việt Nam, rất giản dị, trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, cây cối rất đẹp. Bạn đọc đánh giá, đây là một giải sang trọng, mà cách tổ chức rất gọn nhẹ. »
Giải thưởng của bạn đọc mang lại một cảm giác ngạc nhiên, thú vị ... 
Về giải thưởng trannhuong.com, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết lý do vì sao, giải thưởng này là một hiện tượng đáng chú ý trong đời sống văn học tại Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh các giải thưởng thuộc hệ thống chính thống của Nhà nước hầu hết rơi vào tình trạng bê bối và mất uy tín :
« Lai Nguyên Ân Tôi nghĩ cái giải thưởng, đặt tên là trannhuong.com, do một nhà văn, là nhà văn Trần Nhương chủ trì, nó gây một cảm giác thú vị, và một cái gì ngạc nhiên. Nó có một yếu tố hơi có một cái gì đó trái khoáy một chút. Có lẽ là vì, cái giải đó không hề có hội đồng chấm giải gì cả, mà là người chủ trang blog điện tử, tự anh ấy chọn và quyết định trao. Anh ấy cho biết là, giải đó được trao không căn cứ vào các đánh giá chính thống, hay thậm chí của giới phê bình, dù là của chính thống hay dư luận của một giới hẹp nào đó, mà anh ấy căn cứ vào sự yêu mến của bạn đọc đối với các tác phẩm đó. Một nét nữa là giá trị của giải thưởng cực kỳ là tượng trưng (tức là chỉ một đồng tiền 1.000 VND).
Đặt [hiện tượng này] vào không khí của Việt Nam hiện nay, theo tôi, điều thú vị ở chỗ là : giải này nằm trong một loạt các giải mang tính cá nhân, hay tập thể, mà không thuộc về hệ thống của nhà nước. Ví dụ như, ở Việt Nam có những giải thưởng thơ mang tên Lá Trầu, có những giải thưởng mang tên Bách Việt, rồi có những giải thưởng khác,… Đó là một loạt các giải thưởng mà người ta gọi là « xã hội hóa », có nghĩa là của « dân sự », của ngoài xã hội đánh giá lẫn nhau. Cái hệ thống này tồn tại bên cạnh một hệ thống của các giải thưởng chính thống, trên thực tế đều sử dụng ngân sách của nhà nước, tức là tiền thuế của dân để trao giải.
Những năm gần đây, việc xét các giải [chính thống] đó, nó đang bộc lộ những điều có thể nói là gây dư luận hết sức là không tốt. Người ta thấy là, những người đáng trao giải lại không được đưa vào xét trao giải. Thế rồi, trong việc trao giải, tưởng như là những dịp để vinh danh một cách xứng đáng các văn nghệ sĩ có những đóng góp cho nền văn học, thì nổi lên trong quá trình trao giải lại là cái quyền của bộ máy quan liêu, thao túng cái đời sống văn hóa, văn nghệ. Những cái giải đó, ngay trong khi đang xét, cho thấy là cái bộ máy quan liêu đó lên mặt cửa quyền hơn hẳn, thậm chí át hẳn vai trò của các văn nghệ sĩ xứng đáng được nhận các giải đó.
Có không ít các văn nghệ sĩ đã nhẫn nhục, bởi vì những giải đó cũng có một khoản tiền kha khá, mà có khi người ta phải lao động trong một vài năm, hoặc vài ba năm mới có được, cho nên người ta nhẫn nại để cho mọi thứ nó qua, để được một cái giải. Nhưng cũng có những người đã bực mình và đã từ chối, bởi vì không chịu được mặt thiếu tôn trọng và tỏ ra bất công rõ ràng, cho thấy quyền uy quá đáng, vô lý của bộ máy quan liêu tham gia xét giải thưởng.
Thành ra, đặt trong không khí ấy, thì những giải thưởng, như kiểu giải thưởng Trần Nhương, có một sức kích thích, để cho dư luận thấy là : Nên nhìn như thế nào về vấn đề giải thưởng đối với các hoạt động nghệ thuật. »
Trannhuong.com là giải thưởng "lành mạnh", "độc đáo" và thể hiện "sự công tâm hơn của công chúng"
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả bộ tiểu thuyết 6 tập « Bão táp triều Trần », một trong hai người nhận giải thưởng trannhuong.com cho biết cảm nghĩ của ông :
« Hoàng Quốc Hải : Giải thưởng trangnhuong.com là một giải hết sức độc đáo, lần đầu tiên có ở Việt Nam. Nó là giải phi lợi nhuận và là giải mà độc giả trao cho tác giả. Nói một cách khác, độc giả tri ân tác giả. Về phía người viết, thì theo tôi, chiếm được cảm tình của người đọc không phải là dễ. Khi người đọc, đọc rồi, quay trở lại tri ân với tác giả, thì cái này nó là một vinh dự cho tác giả. Nó có tác dụng khuyến khích tác giả làm việc nghiêm túc hơn, và làm sao để có được những tác phẩm được công chúng đón nhận hơn.
Một cái tốt hơn nữa là, cái giải thưởng này khi nó ra đời, đã được các văn hữu hết sức nồng nhiệt hưởng ứng. Hiện nay, trên các trang mạng và trên các báo, tôi không thấy có phản ứng trái chiều nào cả. Tôi nghĩ rằng, việc đó có lẽ nó thuận nhất trong lúc này. Như anh biết, ở Việt Nam, bây giờ đang đi theo cơ chế thị trường, dường như trong nhiều việc, người ta nghĩ đến lợi nhuận đầu tiên, nhưng giải văn chương này không hề dính líu gì đến cái lợi nhuận cả. Hôm trao giải cũng thế. Tất cả mọi người đến đều rất ngạc nhiên, vì buổi trao giải rất đơn giản, đơn giản mà thân mật. Theo tôi, việc làm này là một sinh hoạt văn chương hết sức lành mạnh và độc đáo ở Việt Nam, và hình thức này theo tôi, nếu có thể được, nên khuyến khích ».
Cũng giống như người tổ chức giải và người đồng nhận giải, nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả « Thời của thánh thần », nhận thấy sự đón nhận từ phía độc giả đối với người sáng tác là điều có giá trị đặc biệt, mà giải thưởng này mang lại. Ông tâm sự :
« Hoàng Minh Tường : Tôi rất vui mừng, vì như vậy, không khí văn chương thực sự cởi mở. Đây là lần đầu tiên một giải văn học tư nhân, được trao cho hai tác giả. Nó làm cho không khí văn chương được dân chủ hơn. Chúng tôi cảm thấy là, lâu lắm rồi … Không phải là giải văn chương của nhà nước, của quốc gia gì nó mới là to lớn. …
Trang mạng trannhuong.com là một trang mạng có rất nhiều người đọc. Tôi nghĩ, mỗi ngày có hàng vạn lượt người truy cập, nên sức lan tỏa và có những ảnh hưởng xã hội nhất định. Đây là sự ghi nhận của giới văn chương nói riêng. Trang mạng trannhuong.com được các văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam và hải ngoại [chú ý]. Tôi đã từng sang Paris, sang Thụy Điển và sang Canada, và thấy rằng, rất nhiều Việt kiều đã vào trang mạng này.Tôi cảm thấy rằng, đây là một sự đánh giá công tâm hơn của công chúng đối với những người viết như chúng tôi, và cũng là một sự khích lệ lớn cho những người sáng tác ».
Những giải thưởng như thế hết sức tốt cho văn học !
Nhà thơ Thanh Thảo, người chưa đọc hai tác phẩm được trao giải, cũng thừa nhận giá trị của giải văn chương trannhuong.com. Bởi, điều cốt yếu nhất, theo ông là, một giải thưởng như vậy sẽ khuyến khích độc giả tìm đến sách :
« Thanh Thảo : Thứ nhất là khó tiếp cận được văn bản, thứ hai là ít thờ giờ đọc sách. Việc đọc tiểu thuyết bây giờ rất khó khăn, chứ không dễ dàng gì. Vì thế, tôi nghĩ rằng, những tôn vinh như thế là để cho người đọc, người ta chịu khó đọc hơn các tác phẩm như thế. Những tác phẩm dày về số trang, không phải ai cũng có thời giờ để đọc, nhất là cái phong trào đọc sách ở Việt Nam bây giờ nó xuống thấp lắm, nói thật là như thế !
Tôi nghĩ, sắp tới sẽ có thể có thêm những trang web mang tính cá nhân đứng lên trao các giải thưởng mà họ tự chọn, hoặc họ tín nhiệm một hội đồng nào đó tuyển chọn giúp họ. Mọi cái cổ vũ cho văn học đều rất đáng quý, đều rất cần thiết. Vì những lý do như thế mà việc trannhuong.com trao giải cho những tác phẩm như thế, về mặt nào đó, cũng đánh động được người đọc. Với cách trao giải thưởng rất tượng trưng, rất vui vẻ như thế, người đọc có thể quan tâm hơn đến các tác phẩm đó. Điều đó hết sức tốt cho văn học !
Thêm được một người đọc sách là một điều rất quý. »
Không né tránh điều "kiêng kỵ", văn học phi chính thống đang cựa mình
Giải thưởng văn học độc lập đầu tiên do một cá nhân dành cho các tác phẩm văn xuôi đặt sự yêu mến của các độc giả lên hàng cao nhất. Như chúng ta biết, cả hai tác phẩm kể trên đều có ấn bản rất cao. Điều đáng chú ý là, bên cạnh số lượng độc giả cao, giá trị thực sự của các tác phẩm còn phải bắt nguồn từ những gì độc đáo. Chúng tôi đặt câu hỏi với nhà văn Hoàng Quốc Hải về tác phẩm « Thời của Thánh Thần », bởi số phận éo le của cuốn sách, bị thu hồi ngay trong lần xuất bản đầu tiên năm 2008 :
RFI : Anh có thể cho biết, cái nét gì là tiêu biểu nhất trong tác phẩm ‘‘Thời của Thánh thần’’ ?
« Hoàng Quốc Hải : Cái tiêu biểu thì không thể quy vào một điểm được, bởi vì chủ đề của tác phẩm là rất lớn, mà lại trải dài trong một thời kỳ lịch sử, non một thế kỷ. Cho nên có rất nhiều cái mốc của lịch sử.
Có những cái thuộc phạm vi kiêng kỵ, mà tác giả Hoàng Minh Tường đã không kiêng kỵ, mà dám … ngòi bút của mình vào, mà phơi trần nó ra một cách thiện chí. Tôi lấy ví dụ, như là cải cách ruộng đất, rồi cái thời kỳ mà đồng bào ta phải di tản. Cái sự cay đắng xót xa, thậm chí đau đớn của những người phải bỏ nước ra đi. Rồi tất cả những gì thuộc phạm trù mà xưa vẫn kiêng không nói đến, các tác giả khác không nói đến, hoặc đề cập đến một cách nửa vời.
Thì bây giờ, trên tất cả các bình diện ấy, nhà văn Hoàng Minh Tường đều đi sâu vào phân tích một cách hết sức có lý. Nếu ta đi vào từng giai đoạn lịch sử một, thì nhà văn Hoàng Minh Tường đều đề cập đến một cách thỏa đáng, mà theo tôi, không có phương hại gì đến cho cái gọi là cái « mỹ học » cả.
Và, ở đây cái tính nhân văn hoàn toàn được đề cao, tính hiện thực không bị trốn tránh, dù là những hiện thực đau đớn. Thì, tôi nghĩ rằng, ở đây phải tính đến sự dũng cảm của ngòi bút này. Đây là một ngòi bút hoàn toàn tiến bộ. [Hiện thực được thể hiện trong tác phẩm] là một cái hiện thực, mà tôi muốn nói, là đôi khi hết sức đau đớn, phải cầm dao mà mổ xẻ cái vết thương của chính mình, tác giả cũng không né tránh. Mà cái việc đó, ở Việt Nam, không phải nhà văn nào cũng làm được đâu ! » [Nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu một bài phân tích được đánh giá là rất tốt về tác phẩm "Thời của thánh thần" của nhà văn Đặng Văn Sinh, mang tựa đề "Thời của thánh thần dưới góc nhìn phản biện xã hội"]. 
Giải thưởng văn chương trannhuong.com là một hiện tượng độc đáo trong đời sống văn học tại Việt Nam hiện nay. Giải thưởng này đã dựa vào sự yêu mến của độc giả để tôn vinh những người sáng tác, và giải đã chọn ra được hai tác phẩm giá trị, trong đó đặc biệt phải nói đến «Thời của thánh thần ». Đây là tác phẩm đã dũng cảm đi vào các vùng hiện thực « kiêng kỵ », như nhà văn Hoàng Quốc Hải ghi nhận.
Trannhuong.com là một dấu hiệu cho thấy một bộ phận văn đàn tại Việt Nam đã bắt đầu khẳng định được tiếng nói độc lập của mình. Tuy nhiên, tương lai của sự độc lập này sẽ ra sao, trong một xã hội vốn vẫn còn bị một ý thức hệ độc đoán đè nặng ?
Sau đây là một số nhận xét của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. 
  RFI : Thưa anh, anh nghĩ tương lai của những hình thức trao giải thưởng như vậy sẽ như thế nào ? Có một số ý kiến cho rằng, việc các giải thưởng tư nhân hay của một nhóm nhỏ kiểu như vậy vẫn còn có vẻ nhỏ bé quá, phản ánh một xã hội dân sự ở Việt Nam vẫn còn ở tầm rất bị co hẹp, anh nghĩ gì điều này, thưa anh ?
« Lại Nguyên Ân : Vâng, tôi nghĩ rằng, cái khu vực mà người ta gọi là khu vực nhân dân, cái khu vực ngoài nhà nước đó, thì ở Việt Nam, cho đến bây giờ vẫn rất là teo tóp, hoạt động một cách rất là khó khăn. Cho nên, nó [các giải thưởng như thế] nay xuất hiện ở dạng này, mai có thể sẽ không còn như thế được nữa, do lực nó kém, thậm chí nếu nó khỏe, nó cũng sẽ bị ngăn chặn.
Thành thử ra là, những giải thưởng ở khu vực dân sự đã và vẫn đang [tồn tại] theo kiểu teo tóp. Tôi lấy ví dụ, cách đây mấy năm, có giải thưởng Lá trầu, trao cho các bạn làm thơ, nhưng cho đến bây giờ không còn nữa. Hay là giải thưởng Bách Việt, nhưng mà nó cũng lúc có, lúc không, và một số giải khác … cũng rất được chăng hay chớ.
Tôi cũng không nghĩ là những giải thưởng, như giải trannhuong.com có thể tồn tại được dài. Nhưng mà tôi nghĩ là, đó là biểu hiện của những sự cựa quậy của cái phương diện xã hội dân sự ở trong đời sống văn hóa văn nghệ. Thế còn, thật ra, đây là một khu vực cho đến bây giờ vẫn đang rất là yếu. Và, ví dụ như nếu nó khỏe lên, thì tôi nghĩ là nó có thể là đối diện với cái sự đe dọa mà người ta cũng chưa biết rằng, nó sẽ lộ diện ra như thế nào. Thành thử ra, cũng hơi khó nói về cái độ bền vững của những giải thưởng thuộc khu vực « Nhân dân », thuộc khu vực ngoài con đường chính thống.
Nhưng mà, có thể nói, không dưới dạng này, thì dưới dạng khác, những hoạt động như vậy đã và còn sẽ xuất hiện. Tôi nghĩ là nó sẽ nhiều hơn, mặc dù nó không hẳn chính cống là giải thưởng trannhuong.com này, mà là dưới các dạng khác. »

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện từ năm trước xứ Miến đã thế rồi:


Miến Điện đón làn gió tự do sáng tác

Một cuộc triển lãm trong khuôn khổ Liên hoan Văn học Irrawaddy tại Rangoon. Ảnh chụp ngày 01/02/2013.
Một cuộc triển lãm trong khuôn khổ Liên hoan Văn học Irrawaddy tại Rangoon. Ảnh chụp ngày 01/02/2013.
Reuters

Thanh Phương
Hàng chục nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của thế giới và của Miến Điện tham gia vào liên hoan văn học quốc tế đầu tiên tại nước này, diễn ra tại một khách sạn lớn ở Rangun. Khai mạc hôm nay 01/02/2013 và kéo dài trong ba ngày, Liên hoan Văn học Irrawaddy được coi là một bước đột phá trong lĩnh vực sáng tác ở Miến Điện, sau nhiều năm các tác giả ở nước này bị kiểm duyệt gắt gao dưới chế độ quân sự.

Theo lời trưởng ban tổ chức, bà Jane Heyn, phu nhân đại sứ Anh quốc tại Miến Điện, mục đích chính của Liên hoan văn học Irrawaddy là tạo điều kiện để các nhà văn, nhà thơ trao đổi ý tưởng, trao đổi các tác phẩm và thảo luận với nhau.
Tại Liên hoan, khách tham quan có thể lật xem những cuốn sách của nhà đối lập Aung San Suu Kyi, được trưng bày cùng với nhiều tác phẩm văn học khác, điều mà trước đây, dưới thời chế độ phân phiệt, không ai dám nghĩ tới. Bản thân bà Aung San Suu Kyi cũng rất ủng hộ việc tổ chức sự kiện văn hóa này.
Nhà đối lập Miến Điện ngày mai sẽ tham gia điều hành một cuộc hội thảo với nhà văn Ấn Độ Vikram Seth, sử gia người Anh William Dalrymple và nhà văn Trung Quốc Trương Nhung.
Trong chương trình hôm nay tại Liên hoan Văn học Irrwaddy đã có một cuộc hội thảo về tương lai của quyền tự do ngôn luận tại Miến Điện, với sự điều hành của diễn viên-nhà thơ nổi tiếng Zarganar ( từng bị giam từ 2008 đến 2011 ) và tác giả ly khai Pe Myint.
Trả lời hãng tin AFP hôm nay, Pe Myint thổ lộ : « Trong nhiều năm, chúng tôi đã không có cơ may được hợp tác như thế này. Chúng tôi chưa từng đón tiếp một liên hoan quốc tế như thế. »
Từng ngồi tù do viết một bài thơ châm biếm chế độ quân sự Miến Điện, nhà thơ Saw Wai nói : « Trước đây không có chút tự do nào. Do chế độ kiểm duyệt đã được bãi bỏ, nên chúng tôi được tự do hơn, cởi mở hơn ». Saw Wai cho biết là ở Miến Điện các bài thơ và các biếm họa ngày châm chọc mạnh dạn hơn.
Trong suốt nhiều thập niên, ở Miến Điện, các nhà kiểm duyệt soi mói mọi bài báo, bản thảo, hình ảnh, bức vẽ, trước khi ấn hành, cắt bỏ tất cả những gì bị xem là gây hại cho chế độ quân sự.
Nhưng kể từ khi chính quyền dân sự lên thay thế cầm quyền đầu năm 2011, họ đã bãi bỏ chế độ kiểm duyệt trực tiếp, theo chiều hướng dân chủ hóa chính trị tại nước này.
Chính vì vậy mà khi công bố bảng xếp hạng về tự do báo chí thế giới năm 2013, tổ chức Phóng viên không biên giới, ngày 30/01 vừa qua đã khen Miến Điện có tiến bộ về tự do báo chí.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Miến Điện đã tăng 18 hạng và được xếp thứ 151 trên tổng số 179 quốc gia, trong khi đó nhiều quốc gia châu Á khác, hoặc là sụt hạng hoặc là vẫn ở thứ hạng cũ, như trường hợp của Việt Nam, vẫn bị xếp hạng 172, gần chót bảng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lệ Chi Viên đâu là án cũ? Bút của thời nay chớ dây vào!


Một tác phẩm về vụ án "Lệ Chi Viên" bị đình chỉ xuất bản

Nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả của hai quyển "Nguyên Khí" và "Thời của Thánh Thần" (DR)
Nhà văn Hoàng Minh Tường, tác giả của hai quyển "Nguyên Khí" và "Thời của Thánh Thần" (DR)

Trọng Thành
Cuối năm 2013, một tác phẩm mới hoàn thành của nhà văn Hoàng Minh Tường, mang tên « Nguyên Khí », bị cơ quan quản lý xuất bản Việt Nam ra lệnh đình chỉ xuất bản. Nhà văn Hoàng Minh Tường nổi tiếng với tiểu thuyết « Thời của thánh thần » bị thu hồi năm 2008, ngay sau khi sách được phát hành. Nếu như « Thời của thánh thần » nói về giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội Việt Nam đương đại với hai cuộc chiến tàn khốc, thì « Nguyên Khí » phục dựng một trong những giai đoạn bi thảm nhất của lịch sử cận đại Việt Nam, với vụ án Lệ Chi Viên.

Tác phẩm « Nguyên Khí » gồm 19 chương. Trong khi chờ đợi sách ra mắt, quý độc giả quan tâm có thể tìm đọc chương thứ 16 được tác giả trích ra để giới thiệu trước trên một số trang mạng. Nội dung của « Nguyên Khí » là gì và vì sao tác phẩm bị đình chỉ xuất bản ? Sau đây xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của RFI Việt ngữ với nhà văn Hoàng Minh Tường (Hà Nội).

Nhà văn Hoàng Minh Tường (Hà Nội)
04/01/2014
RFI : Xin chào nhà văn Hoàng Minh Tường. Vừa rồi, chúng tôi được tin tác phẩm « Nguyên khí » gặp sự cố trong quá trình xuất bản. Xin nhà văn cho biết tình trạng hiện nay. 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Mấy hôm nay, có rất nhiều bạn bè gọi điện thoại đến hỏi tôi. Cuốn tiểu thuyết lịch sử « Nguyên Khí » lấy bối cảnh 27 ngày trước ngày mất của hai cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Tôi muốn dựng lại bối cảnh trước khi cụ bị cái án oan.
Cuối tháng 11 đưa vào nhà in, có thể cuối tháng 12 này sách sẽ ra. Nhưng khi đưa vào nhà in rồi, tôi được nghe nhà xuất bản Trí thức thông báo là cuốn sách bị an ninh đọc và họ đề nghị Cục xuất bản không cho in. Tôi cũng hỏi xem lý do làm sao. Các anh ở nhà xuất bản Trí thức nói là có hai nguyên nhân. Thứ nhất, nghe các anh ấy nói là đã đưa đến một số nhà xuất bản, bị các nhà xuất bản ấy từ chối không in. Điều này họ nói không đúng, vì tôi chỉ đưa đến một nhà xuất bản, thực ra là mấy người bạn của tôi ở nhà xuất bản Dân trí, nhưng các anh ấy không nhận vì ngại nếu không được in sẽ có thể bị thu hồi giấy phép và bị thiệt hại về kinh tế. Tôi đưa đến nhà xuất bản Trí thức. Các anh ấy bảo là nhà xuất bản không có chức năng là tiểu thuyết, nhưng nếu thấy không phải là tiểu thuyết thì có thể in được. Tôi nói với các anh ấy, cuốn sách này hiểu là tiểu thuyết cũng được, hiểu là một cuốn khảo luận lịch sử hay tiểu thuyết dã sử đều được.
Nguyên nhân thứ hai là, bên Cục xuất bản, theo sự thuật lại của nhà xuất bản Trí thức, sau khi biết sự việc này cho rằng nhà xuất bản Trí thức không có chức năng in tiểu thuyết. Do đó mà nhà xuất bản Trí thức phải chịu.
Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết là sẽ đưa in ở đâu. Có thể tôi sẽ đưa một nhà xuất bản nào đó, ví dụ nhà xuất bản Hội nhà văn. Nhưng tôi nghĩ cũng rất khó, vì trong 70 nhà xuất bản ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng phải có Tổng biên tập, Giám đốc có bản lãnh, dám phản biện, dám tranh biện lại Cục xuất bản. Chứ còn quyển sách này, nếu in ra thì nhiều người sẽ bảo rất kinh ngạc là tại sao một cuốn sách như vậy lại có thể bị cấm. Vì tôi nghĩ rằng tôi không phạm một điều gì của luật Xuất bản cả.
Và tôi cũng có một ý nghĩ khác. Vì tôi không gặp Cục xuất bản, nhưng cũng có thể các anh ấy sẽ giới thiệu tôi in ở một nhà xuất bản khác chăng ? Tôi cũng đang hy vọng vào điều đó.
RFI : Thưa nhà văn, ông có tìm kiếm con đường tiếp xúc hay tác động nào với cơ quan phụ trách xuất bản ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Tôi cũng đang có ý định như vậy. Vì là một nhà văn, khi đã viết ra một cuốn sách, tức là anh đã đau đáu suy nghĩ.
Một trong những vấn đề tôi trăn trở là tôi muốn viết một cuốn sách về giới trí thức. Tôi đã suy ngẫm rất nhiều về câu chuyện của cụ Nguyễn Trãi và cụ Nguyễn Thị Lộ và cái chết thảm khốc của hai nhân vật mà tôi nghĩ là vĩ đại trong lịch sử. Lâu này rất nhiều người đã viết về chủ đề này, nhưng mà tôi nghĩ rằng chưa giải mã được câu chuyện lịch sử này một cách thấu đáo. Một trong những điều mà cụ Nguyễn Trãi làm mà, lâu nay các nhà sử học và các nhà xã hội học chưa phát hiện ra, mà cũng chưa khẳng định : Đó là cái vai trò của cụ Nguyễn Trãi trong việc chấn hưng triều Lê, nhất là thời của Lê Thái Tông. Nguyễn Trãi là tác giả của bộ luật lớn nhất từ trước đến này : Bộ luật Hồng Đức.
Bộ luật Hồng đức đến thời Lê Thánh Tông mới công bố năm 1464, nhưng khi vua Lê Thánh Tông minh oan Nguyễn Trãi, thì bộ luật đó đã hoàn thành. Tôi có liên hệ với ngày nay : Bây giờ là thời kỳ « trị nước », thời kỳ rất cần đến chất xám, cần đến trí thức, cần đến sự phản biện của trí thức.
RFI : Thưa nhà văn, một cuốn tiểu thuyết - hiểu theo nghĩa thông thường là có sự hư cấu -, nếu các nhà sử học đọc cuốn Nguyên khí, thì họ sẽ thẩm định như thế nào : Đâu là phần lịch sử, đâu là phần hư cấu ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Vâng, tôi cũng muốn nhân cuốn sách này ra đời, tôi sẽ được tranh biện với các nhà sử học.
Cái thời này các nhà sử học tập trung nghiên cứu rất nhiều. Chính sử thì đã nghiên cứu hết rồi. Chủ yếu là "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, rồi "Thông sử" của Lê Quý Đôn… Rồi một số dã sử khác. Gần đây có một số tư liệu, nhất là các gia phả của một số dòng họ Lê, họ Đinh, họ Nguyễn… Tất nhiên, gia phả có nhiều điều đáng tin cậy, nhưng trong gia phả cũng có nhiều chi tiết mang tính dã sử. Các nhà sử học không có quyền được hư cấu các sự kiện, các biến cố, các thời đoạn lịch sử, nhưng nhà văn từ những diễn biến lịch sử, thì có quyền ráp nối lại và đưa ra những kiến giải, để mà giải thích lịch sử một cách lô- gíc. Tôi nghĩ nhà văn không có quyền hư cấu ngoài [trái với ?] các cứ liệu lịch sử.
Trong cuốn sách này, đối với tất cả các nhân vật lịch sử có tên, thì tôi đều hết sức tôn trọng các sự kiện. Nhưng mà tôi không tôn trọng một cách mù quáng, không tôn trọng bằng cách thừa nhận mặc nhiên. Tôi nghiên cứu ngay cả đoạn Ngô Sĩ Liên viết về cụ Nguyễn Trãi, về cái chết của cụ và nhận định về Nguyễn Thị Lộ. Tôi nghĩ rằng, chính Ngô Sĩ Liên là người không dám công tâm, không dám nhìn nhận về lịch sử mà viết về những điều đó.
Chính đó là điều mà lâu nay các nhà sử học bị đánh lừa, trong các nhận định của Ngô Sĩ Liên về Nguyễn Thị Lộ. Ví dụ Nguyễn Thị Lộ đã ngủ với vua, và vì Nguyễn Thị Lộ mà vua bị chết. Thì chính điều này bây giờ tôi phản bác lại.
Tôi cho rằng Ngô Sĩ Liên là một nhà sử học vĩ đại, nhưng ông cũng có những sai lầm. Có những phần mà ông viết hoàn toàn không đúng.
RFI : Thưa ông, khi ông viết về lịch sử của một thời kỳ cách đây 600 năm, thì ông có phối hợp với một số nhà nghiên cứu lịch sử hay dựa vào một số công trình nghiên cứu nào mà theo ông là đích đáng để hiểu rõ và đúng về thời kỳ này ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Tất nhiên để viết tiểu thuyết lịch sử, thì người viết phải am hiểu về thời kỳ đó. Am hiểu một cách tường tận. Phải có nhiều phương án/variant để phân tích. Anh phải đọc sử như một nhà triết học, một nhà xã hội học. Phải phân tích được từng nhân vật, từng sự cố, sự biến. Trong quá trình viết tôi đã tham khảo rất nhiều nhà viết sử, bạn bè, cũng như các nhà văn đi trước. Nhưng cái lớn hơn và quan trọng hơn là tôi đã tìm đọc hầu như tất cả các tư liệu có liên quan đến thời kỳ này. Tôi đã đi điền dã về Khuyến Lương, về Nhị Khê, về Côn Sơn… tất cả những nơi mà Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đặt chân…. Bằng linh cảm, cảm quan, mình đến để tìm thấy một cái hồn vía, hồn cốt của một thời 600 năm rồi… Mình đắm chìm để chiêm nghiệm… Ví dụ tôi tìm thấy một địa danh, xã Nhân Đạo ở Chí Linh…chính đây là nơi Trần Khánh Dư đã đóng quân và nơi này mang tên ông từ đó… Hoặc là những chùa, những đền… gợi nên cho mình những ý niệm. Từ đó bằng lô-gíc, bằng tâm linh, bằng sự nhạy cảm, mình móc nối lại… Nếu người viết mà chịu khó tìm tòi, chịu khó móc nối suy ngẫm, thì sẽ tìm ra ánh sáng cho nhân vật của mình… Tôi nghĩ, nếu người viết, nếu đắm chìm trong không khí lịch sử và hiểu thấu, thì lịch sử sẽ dẫn dắt anh và có những khám phá mới.
RFI : Nhà văn có biết vở cải lương « Đêm trước ngày hoàng đạo » (tác giả Võ Tử Uyên, công diễn cuối tháng 4/2013), cũng có nhân vật chính là sử thần Ngô Sĩ Liên bị chất vấn về vụ án Lệ Chi Viên ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Tôi chưa xem tác phẩm đó. Viết về giai đoạn đó có nhiều tác phẩm, tôi không xem được hết. Giữa tác phẩm của các nhà văn, có thể có những điểm giống nhau.
RFI : Xin trở về cái tên của cuốn sách, cuốn tiểu thuyết hay khảo luận này. Vì sao ông lại đặt tên là Nguyên khí ?
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Có một câu nói của cụ Thân Nhân Trung (1409-1499), tiến sĩ và đồng thời là Phó súy của Tao đàn thời Lê Thánh Tông. Cụ Thân Nhân Trung có viết một câu, hiện vẫn còn trong Quốc Tử Giám : Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Khi cụ viết về vai trò của trí thức, của kẻ sĩ mọi thời, thì có viết câu trên trong phần mở đầu văn bia tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442).
Từ xưa đến nay, trí thức là một tầng lớp, một giai tầng rất nhỏ, nếu dân trí là một hình tháp nhọn, thì giới trí thức tinh hoa ở phần tháp nhọn. Trí thức ở đây không chỉ là những người làm văn chương, giáo viên, giáo chức, mà trí thức là tinh hoa, tinh túy của nhân loại. Tinh túy ấy có cả ở nông thôn, hang cùng ngõ hẻm. Nếu một quốc gia biết sử dụng tất cả những nguyên khí đó, những tài năng hoặc lộ diện, hoặc không lộ diện, thì sẽ giúp ích được rất nhiều cho việc xây dựng đất nước…. giống như thời Trần, với Hội nghị Diên hồng… Thời nào nguyên khí cũng rất quan trọng, huống chi ở Việt Nam hiện nay, sau khi đã thống nhất đất nước… nguyên khí phải được tích tụ, trí thức phải được trọng dụng.
Tôi muốn dùng hình ảnh đấy để nói về thời cụ Nguyễn Trãi. Khi cái phần nguyên khí, cái tinh hoa nhất bị chính quyền Nguyễn Thị Anh tiêu diệt, thì cả một thời kỳ sau đó, đất nước bị kiệt quệ hơn nhiều…. Đại Việt sử ký toàn thư nói thời kỳ này trộm cắp như rươi… trí thức bị khinh bỉ…
Dùng chữ Nguyên khí để đặt tên cuốn sách, tôi muốn nói đến vai trò của trí thức, vai trò của tài năng, vai trò của hiền tài trong cuộc kiến quốc ở mọi thời đại.
RFI : Thưa ông, một số người quan tâm đến triết học cổ trung đại có nhận xét rằng « nguyên khí » là một khái niệm của một học thuyết tân Nho giáo thời trung đại, mang mầu sắc đạo gia, được dùng làm ngọn cờ nhằm quy tụ một tầng lớp « trí thức cận thần » phục vụ cho nền quân chủ Khổng giáo trước đây. Nhà văn nghĩ thế nào về nhận xét này ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Tôi không nghĩ « nguyên khí » để chỉ giới cận thần, mà tôi nghĩ nguyên khí là trí thức. Tức là khí thiêng của sông núi, của đất nước. Bởi khí thiêng thì tập hợp ở giới trí thức. Giới trí thức bao giờ cũng là nguyên khí quốc gia. Ngay cả cái thời cụ Thân Nhân Trung cũng nói về cái đó, cũng giải mã cái đó…. Nếu thời đại không có nguyên khí, không có giới trí thức, không có những cái giới tinh nhạy nhất, tinh hoa nhất của dân tộc, thì đó là một cái thời mạt vận. Nguyên khí luôn luôn là ánh sáng của dân tộc. Như cái râu của con ốc sên, là cái dẫn đường. Nó có một sự thính nhậy vô cùng… Ngay cả khi hồi xưa cụ Hồ sở dĩ dẫn dắt thành công là khi cụ tập hợp tất cả các lớp trí thức tinh hoa… Ông Lê Lợi sử dụng Nguyễn Trãi là sử dụng nguyên khí đấy… Khi đánh mất cái nguyên khí, cái tinh hoa nhất của dân tộc. Khi đánh mất cái đó, chúng ta phải xem lại nhà cầm quyền. Nếu nhà cầm quyền bỏ rơi cái đó, hoặc đối xử tệ bạc, thì không còn tư cách là người dẫn dắt cuộc chấn hưng dân tộc.
RFI : Thưa ông, cuốn tiểu thuyết của ông hiện chưa được xuất bản. Nhưng chương 16 ông đã công bố và sau khi được xem, ắt hẳn người xem sẽ bị ấn tượng bởi nhân vật Ngô Sĩ Liên. Nếu đọc những chi tiết được mô tả trong chương này, thì có thể nói rằng Ngô Sĩ Liên như ông mô tả, có thể nói là người đã bán linh hồn cho người cầm quyền, có đúng không ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Đúng. Trong chương đó, cũng có một phần thôi, vì Ngô Sĩ Liên là một nhân vật được xuất hiện trong cả tác phẩm. (…)
Đại Việt sử ký toàn thư là của một tập thể tác giả, trong đó Ngô Sĩ Liên có vai trò chính. Nhưng cuốn Tam triều bản kỷ bị mất (về Lê Lợi/Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông), tôi đồ rằng tác giả chính là Ngô Sĩ Liên. Nếu còn cuốn này, thì chúng ta có thể đối chiếu các đoạn viết về vụ án Lệ Chi Viên. Lúc vua Lê Thái Tông đi tuần miền đông, thì có Ngô Sĩ Liên đi theo, sử đã viết. Vua Lê Thái Tông đưa tất cả đội ngũ trí thức – tức là những người vừa thi đỗ cách đó ba tháng – đi theo. Tôi dựng lại như vậy. Trong đó vai trò của Ngô Sĩ Liên rất lớn. Phần đầu tôi viết là, qua chuyến đi Ngô Sĩ Liên thấy có ba nhân vật vĩ đại : Vua Lê, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Ngô Sĩ Liên đã bị cảm hóa hoàn toàn bởi ba nhân vật đó. Vì thế mới có việc, các tiến sĩ mới bày ra việc tụ họp tại nhà Ngô Sĩ Liên để bàn cách cứu Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Ban đầu là các ông ấy rất tốt. Tất cả các trí thức đều rất tốt. Thế nhưng mà trong một không khí như thế…
Đấy là chương mà tôi tập trung vào để tôi khắc họa một sự cố, đồng thời khắc họa một bước ngoặt trong cuộc đời của Ngô Sĩ Liên, trong không khí từ ngày mùng 4 tháng 8 cho đến ngày 16 tháng 8. Chỉ trong 12 ngày. Đó là một không khí khủng khiếp của kinh thành Thăng Long. Vì (Hoàng hậu) Nguyễn Thị Anh (vợ vua Lê Thái Tông, mẹ Lê Nhân Tông) lúc ấy bằng mọi giá phải tiêu diệt Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Không giết hai người này, thì mẹ con Nguyễn Thị Anh không thể tồn tại. Đó là thời kỳ độc tài khủng khiếp. Nó không kém gì cái vụ Kim Jong-un cho chó ăn thịt ông chú vừa rồi chúng ta biết, tôi nghĩ như thế.
Trong cái bối cảnh như thế, tất cả kẻ sĩ, chứ không phải chỉ Ngô Sĩ Liên, đều rúm ró lại, khi Nguyễn Thị Anh phát hiện ra các trí thức tụ tập tại nhà Ngô Sĩ Liên [để tìm cách cứu Nguyễn Trãi]. Và Nguyễn Thị Anh cho quân đến, dọa thôi, thế là tất cả đám trí thức đang ăn uống lập tức rúm ró lại. Đó là cú đòn đánh vào Ngô Sĩ Liên.
Nguyễn Thị Anh có cái cao thủ hơn là không làm gì Ngô Sĩ Liên cả, mà mời Ngô Sĩ Liên đến, để cho biết rằng bà đã biết việc đó rồi, và chứng tỏ niềm tin vào Ngô Sĩ Liên, hơn cả các trạng nguyên, bảng nhãn khác… Nguyễn Thị Anh muốn dùng Ngô Sĩ Liên để trị tất cả các kẻ sĩ khác, bằng cách hứa hẹn sẽ cho ông làm chức rất lớn : Liệt triều đại phu, tức là nhà viết sử của thời đại này. Và chính vì cái đó, giữa cái sống và cái chết, giữa quyền lực và mất tất cả, hoặc bị tù tội, thì lúc đó con người Ngô Sĩ Liên, con người trí thức nói chung bộc lộ ra. Trí thức không làm cách mạng được, mà trí thức chỉ có thể theo cách mạng, và đi phụ họa cho cách mạng thôi. Cái người làm chính trị khác lắm, còn bản tính người trí thức rất nhạy cảm. Họ sẵn sàng chết vì nghĩa khí, nhưng mà cũng sẵn sàng đầu hàng tất cả.
RFI : Khi nhà văn nói đến Ngô Sĩ Liên, như là một nhân vật tượng trưng cho thân phận của giới trí thức mọi thời đại, đặc biệt trong quan hệ với người cầm quyền. Ở đây có thể có người thắc mắc là phải chăng như thế ông đã đưa cái mô hình trí thức, theo kiểu Nho giáo, trở thành một mô hình phổ quát, trong khi đó ở những nơi khác (quốc gia khác, thời đại khác) có những người trí thức lại đồng thời là nhà chính trị. Và những người này có vị trí độc lập rất lớn, so với những người nắm quyền đương thời. Phải chăng mô hình trí thức duy nhất này trong Nguyên khí là một giới hạn mà tự tác giả đặt ra ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Không, vì người đọc chưa đọc hết tác phẩm, nên chưa hiểu được. Nhưng khi đọc hiểu, thì sẽ thấy rằng, cụ Ngô Sĩ Liên, sử thần Ngô Sĩ Liên chỉ là một nhân vật trong cả cái nguyên khí của đất nước…. Khi mà nhà cầm quyền hiểu thấu cái nguyên khí mà đưa nó lên, cùng cho nó thăng hoa, để mà dẫn dắt dân tộc, thì cái nguyên khí nó trở thành cái tinh hoa, còn khi mà cái nguyên khí bị nhà cầm quyền chà đạp, thậm chí dùng quyền lực của mình để giết nó, thì một là nó chết, hai là nó trở thành cái gọi là « giới trí thức cận thần », rất hèn mạt. Vì cái tính mạng, vì cuộc sống hàng ngày, mà anh có thể cúi mình, bẻ cong ngòi bút, để phụng sự cho một thể chế.
RFI : Thưa nhà văn, ngoài hai khả năng, hoặc bị tiêu diệt, hoặc trở thành trí thức cận thần, thì liệu có thể có thêm một khả năng thứ ba cho người trí thức, tức là họ trở thành một lực lượng lãnh đạo mới ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Đấy tức là khả năng hoàn thiện hơn. Hoặc là họ như cụ Nguyễn Thiếp (1723-1804) hồi xưa, vào ở ẩn trong núi, đến khi gặp Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) ra mời, thì mời lại tham gia vào chấn hưng một vòng cuộc khác. Có nhiều phương án lắm. Trí thức có lúc thúc thủ, có lúc nó đợi thời. Và cái người trí thức không bao giờ giết chết người ta đâu, mà nó như cái mầm ở trong tuyết, trong tro. Nó ủ, nó tạo lập một năng lượng mới, để cho đến một thời nào đó, sẽ góp phần. Vì người trí thức không phải bỗng một sớm một chiều mà thối chí đâu. Ngay cái thời cụ Nguyễn Trãi, nếu chính quyền Nguyễn Thị Anh hiểu biết được, dung nạp Nguyễn Trãi, thì nó lại khác rồi… Giới trí thức – tinh hoa dân tộc - ở thời này, thời kia, lúc này lúc khác, có thể bị bóp chết, có thể bị đàn áp chà đạp, nhưng cái mầm sống luôn luôn lẩn khuất ở đâu đó, ấp ủ ở đâu đó. Nó âm ỉ để chờ một buổi bình minh mới.
RFI : Thưa nhà văn, dường như ở văn hóa Việt Nam, trong xã hội Việt Nam, sự chờ đợi của người trí thức có vẻ như mang nhiều tính thụ động ? Điều này khác với các nước Châu Âu thời cận hiện đại, khi phải sống dưới một chính thể độc tài, người trí thức nhiều khi tìm đến một xã hội khác, một đất nước khác, để phát triển được năng lực của mình, rồi có thể là để từ đó quay trở lại thay đổi cái xã hội sở tại. Thưa ông, dường như ở Việt Nam không có mô hình trí thức này ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Tôi nghĩ rằng, tại vì chúng ta đang ở trong một thời đoạn ngắn, chúng ta không thấy được…. Ngay thời đại của cha con, ông cháu Kim Jong-il ở Triều Tiên là kéo dài 60, 70 năm, nhưng có thể đến mai kia… không biết thế nào… lịch sử có những bước đi mình không thể hiểu. Nhà văn không giải mã bài toán đó. Nhà văn chỉ cảnh báo rằng : Giới trí thức, có thể nó là cận thần lúc này, vì nó hèn, nhưng mà đến lúc nào đó, cũng như con giun xéo mãi cũng quằn… Bởi trong người trí thức luôn chứa đựng tinh hoa của dân tộc, đấy là trí thức thực sự, chứ không kể trí thức giả cầy, nhà văn bồi bút thì không nói…Với những người đau đáu với vận mệnh dân tộc, thì lúc nào họ cũng thế. Ngay cả Nguyễn Trãi ngày xưa cũng từng vào tù. Lê Lợi từng tống Nguyễn Trãi vào lao một năm rồi chứ. Thế nhưng ông ấy lúc nào cũng tâm huyết. Và cuối đời ông ấy về Côn Sơn, để phục bút, làm một chấn hưng mới…
RFI : Liệu ông có nghĩ đến việc xuất bản tác phẩm này ở một quốc gia khác để tác phẩm sớm đến tay độc giả ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Hiện nay một số bạn bè của tôi cũng gợi ý, ví dụ xuất bản trên e-book. Tôi cũng đang suy nghĩ. Tôi nghĩ rằng kể ra một cuốn như Nguyên khí in được trong nhà xuất bản của mình, mình vẫn quen thuộc. Vì từ xưa tôi vẫn chưa có một cuốn sách nào khó khăn, vì tôi viết bằng tất cả cái tâm của tôi. Tôi nghĩ rằng, chẳng có cuốn sách nào có thể nguy hại, mà nhà cầm quyền có thể cấm được. Tôi nghĩ, có lẽ họ chưa hiểu.
Cho nên, tôi kỳ vọng trong một thời gian ngắn sắp tới đây, có thể một nhà xuất bản nào đó. Bên Cục xuất bản bảo là không in ở nhà xuất bản Tri thức vì nhà xuất bản này không có chức năng, thì tôi có thể in ở một nhà xuất bản khác chăng ?
Thứ hai là, nếu một nhà xuất bản nào ở nước ngoài muốn in bằng e-book, thì tôi cũng sẵn sàng, vấn đề là cuốn sách đến tay được bạn đọc.
RFI : Thưa nhà văn, nhà văn Hoàng Minh Tường, được biết đến với cuốn tiểu thuyết « Thời của Thánh Thần ». Cuốn này được in tại Việt Nam, nhưng ngay sau khi xuất bản, đã gặp trắc trở, tức là bị thu hồi. Hành trình của một người sáng tác như ông rõ ràng không phải là dễ dàng trong xã hội Việt Nam. Khi ông gặp một bất công như thế, ông có nghĩ rằng, mình có thể có những khiếu nại để bảo đảm quyền tác phẩm được xuất bản theo đúng pháp luật, theo đúng tinh thần của quyền con người ? Nhiều tác phẩm khác ở Việt Nam cũng chịu chung số phận. Vậy ông nghĩ gì về tình trạng bất công này đối với riêng ông và với một số nhà văn Việt Nam khác ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Tôi nghĩ rằng, riêng ở Việt Nam, việc xuất bản quá là nhiêu khê, nhiều cái không giống ở nơi nào. Thậm chí ngay trong tiểu thuyết Nguyên khí, khi viết về Mạc Ngôn, tôi nói rằng, nếu ở đất nước Trung Quốc, họ cũng như ta, khó khăn, cắt xén.., thì Mạc Ngôn cũng không xuất bản được những tác phẩm, như ông ấy được giải Nobel.
RFI : Thưa nhà văn, tại sao lại có nhân vật Mạc Ngôn trong cuốn Nguyên khí ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Tôi bắt được một tác phẩm cũ, nói về vụ án này : « Long thành tạp ký ». Cái tác phẩm này tôi phải nhờ dịch từ tiếng nôm ra. Tôi mới đưa cho cụ giáo sư Hoàng Ngôn, người đã dịch Mạc Ngôn, để dịch. Nên khi làm truyện, thì mới bàn đến Mạc Ngôn trong đó. Đấy là cách riêng của tiểu thuyết Nguyên khí. Câu chuyện này đan xen với thời hiện tại. Trong đó có 19 chương, thì có 4 chương viết về thời hiện đại bây giờ, còn 15 chương về lịch sử. Trong các chương hiện đại, người ta bình luận về lịch sử, ví dụ về Lê Thái Tông thế nào…, về Nguyễn Thị Anh thế nào…, trong đó có nhận định cả về thế giới Đông Tây, cả Mạc Ngôn nữa… Đó là cuốn sách tôi pha trộn giữa cái ảo và cái thực, cái đương đại và lịch sử…
Đọc Mạc Ngôn, tôi thấy rằng, đó là gương mặt của đất nước Trung Hoa đương đại hiện lên rõ rệt, nhất là trong « Rừng Xanh lá đỏ » hay « Phong nhũ phì đồn ». Nước Trung Hoa hiện đại nó ghê gớm, khủng khiếp quá. Sách của chúng tôi ở đây nó có thấm thía gì. (…)
Có lẽ quan niệm của những người quản lý xuất bản, nhìn chung họ quá là khắt khe. Đến một lúc nào đó, có lẽ họ sẽ phải ân hận. Nó đang lặp lại giai đoạn, thời kỳ nhà thơ Hoàng Cầm bị cấm xuất bản cuốn « Về Kinh Bắc ». Mà chính gần đây, Hoàng Cầm lại được giải thưởng Nhà nước về chính tập thơ đó này.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng của chúng tôi, vừa nói một bài, giới trí thức đang bình luận rất nhiều. Ông ấy nói là « người dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ». Thế thì tôi là nhà văn, tôi cũng là một công dân. Tôi có quyền viết những gì mà pháp luật không cấm. Tôi có quyền bảo vệ văn quyền, quyền sáng tác của mình. Nhưng mà ở đây, tôi cũng muốn nói là, « được vạ, má cũng sưng ». Mà ngay cả quyết định cấm, họ cũng không dám viết bằng văn bản. Hiện nay, hoàn toàn là chỉ thị miệng, những lệnh từ bóng tối phát ra. (…)
Cho nên, rất khó, rất khổ cho các nhà văn Việt Nam là không biết kêu ai cả. Chúng tôi bây giờ rất bi quan.
RFI : Ở đây có thể nói là phải chăng có một sự an phận trong tâm thế của rất nhiều nhà văn Việt Nam như ông, những người khát khao có các tác phẩm « lớn », theo mong mỏi của mình ? 
Nhà văn Hoàng Minh Tường : Điều buồn cười là tác phẩm của tôi bị… đúng ngày 28/12, ngày có cuộc hội thảo khoa học lớn ở Sài Gòn (Hội nghị do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương ĐCSVN tổ chức). Ban lý luận trung ương và ban tư tưởng trung ương có cuộc thảo luận : « Làm thế nào để có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại ? ». Nhưng ngay trong khi người ta kêu gọi như vậy, thì việc xuất bản các tác phẩm luôn luôn bị bóp nghẹt, thì làm sao mà nhà văn muốn viết nữa. Viết hết mình, thì sách hoặc bị cắt xén đi, hoặc không được xuất bản. Đây là một tâm trạng phổ biến của nhiều nhà văn (…).
Đây là điều mà nhà văn chúng tôi vẫn thầm than thở với nhau thôi, chứ còn chẳng biết nói thế nào được. Cái tư tưởng của nhà văn mà nó không được giải phóng, nhà văn luôn luôn viết dưới áp lực mà tự kiểm duyệt mình, thì làm sao mà có tác phẩm hay.
RFI xin chân thành cảm ơn nhà văn Hoàng Minh Tường đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tập Cận Bình và Shinzo Abe: Kỳ phùng địch thủ!


      

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng được chọn làm nhân vật châu Á trong năm (RFI /Reuters)
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng được chọn làm nhân vật châu Á trong năm (RFI /Reuters)

Th.M
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là hai đối thủ  cùng lao vào một cuộc chiến tranh ngoại giao trực diện căng thẳng. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, hai kỳ phùng địch thủ này lại có nhiều điểm tương đồng trong sự nghiệp.

Cho dù sống trong hai chế độ hoàn toàn khác biệt nhau, một bên dân chủ còn bên kia độc tài độc đảng, cả hai đều là « con ông cháu cha », đều phải chịu đựng nhiều thăng trầm trong cuộc sống riêng tư hay trong sự nghiệp, và có cùng tầm nhìn vĩ mô về tương lai. Tập Cận Bình 60 tuổi, còn ông Shinzo Abe 59 tuổi.
Mỗi người đều hứa hẹn một sự phục sinh cho đất nước mình – nền kinh tế đứng thứ nhì và thứ ba trên thế giới – nhờ những cải cách đầy tham vọng.
Hai nhà lãnh đạo này cùng lên cầm quyền vào cuối năm 2012. Họ chỉ gặp gỡ nhau có hai lần ngắn ngủi, trong vòng 15 tháng gần đây.
Ông Lâm Hòa Lập (Willy Lam), chuyên gia chính trị học trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nhấn mạnh : « Cá tính và quá trình tương đồng như thế rất quan trọng, vì đối với cả Tập Cận Bình lẫn Shinzo Abe, dân tộc chủ nghĩa là một hướng đi hết sức thuận lợi mà họ khai thác để củng cố vị trí của mình ».
Trong những tuần lễ gần đây, hai nước láng giềng càng thêm căng thẳng trước quyết định của Bắc Kinh - đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không bao trùm lên Biển Hoa Đông, kể cả khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc nhất quyết đòi hỏi chủ quyền.
Tình hình lại càng xấu đi sau chuyến viếng thăm đền Yasukuni ở Tokyo của ông Shinzo Abe. Đối với Bắc Kinh, ngôi đền này là biểu tượng cho quân phiệt Nhật, đã tấn công và chiếm đóng Trung Quốc trong thời Đệ nhị Thế chiến.
Ông Abe, sinh ra sau cuộc chiến kết thúc bằng sự đầu hàng của nước Nhật, là người thừa kế của một dòng họ danh giá thuộc phe hữu Nhật Bản. Ông nội của ông từng là Bộ trưởng trong chính phủ đã tung ra trận tấn công Trân Châu cảng năm 1941, sau đó bị bắt vì bị coi là tội phạm chiến tranh rồi được thả ra không xét xử, và trở thành Thủ tướng Nhật vào cuối thập niên 50. Cha ông là cựu Ngoại trưởng Nhật Bản.
Tập Cận Bình, ra đời sau khi chế độ cộng sản đã được thành lập năm 1949, là con của một trong những nhà lão thành cách mạng, bị Mao Trạch Đông thanh trừng và sau đó được phục hồi danh dự. Ông Tập Trọng Huân đã phải chịu đựng nhiều năm tháng tù đày rồi phải đi lao động tại nhà máy trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976).
Hai nhà lãnh đạo đều ra sức tăng cường năng lực quân sự của nước mình. Ông Abe thậm chí nhân ngày đầu năm mới hôm thứ Tư 01/01/2014 còn tuyên bố bản Hiến pháp hòa bình của Nhật sẽ được sửa đổi từ nay cho đến năm 2020.
Bóng ma quá khứ
Việc ông Shinzo Abe đến viếng đền Yasukuni trùng hợp với sự kiện Tập Cận Bình viếng lăng Mao Trạch Đông, nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Mao 26/12.
Theo Katsuhiko Meshino, cây bút bình luận của tờ báo Nikkei, thì hai chuyến viếng thăm này là cơ hội để đưa vào một cách nhìn thiếu khách quan đối với quá khứ. Ông viết : « Cả hai ông Abe và ông Tập đều cố thủ trong ngõ cụt về một số chương bị chỉ trích trong lịch sử nước mình. Cả hai nhà lãnh đạo có vẻ muốn theo chân bóng ma quá khứ, thay vì vạch ra một con đường mới cho đất nước ».
Trung Quốc sau Hội nghị trung ương 3 của Đảng Cộng sản đã loan báo một kế hoạch cải cách kinh tế rộng rãi, tạo điều kiện cho lãnh vực tư nhân. Đại hội này cũng đã giúp củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã đưa « giấc mộng Trung Hoa » lên làm khẩu hiệu nền tảng cho chính sách.
Về phía Thủ tướng Nhật Bản, thì hứa hẹn sẽ đưa nước Nhật ra khỏi nạn giảm phát, đặt lại nền kinh tế vào đường ray tăng trưởng, nhờ chính sách tái thúc đẩy nay được mệnh danh là « Abenomics ». « Diều hâu » này nói rằng sẽ nỗ lực cho « một nước Nhật mới ».
Theo ông Lâm Hòa Lập, rất có thể là nhờ trọng tâm đặt vào lãnh vực kinh tế, và quan hệ thương mại hết sức quan trọng giữa hai quốc gia láng giềng, đã giúp cho tình hình không xấu thêm đi.
Còn giáo sư David Zweig của trường đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông nhấn mạnh : Hai ông Shinzo Abe và Tập Cận Bình đều phải đối đầu với những thử thách tương tự như nhau.
Ông nói : « Về mặt sức mạnh, Trung Quốc đang cất cánh, nhưng về đạo lý thì đang suy đồi. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy Tập Cận Bình cố gắng áp đặt một nền đạo đức mới, một đạo đức mao-ít, chống tham nhũng.
Ông Abe thì rõ ràng đang cố chấm dứt 22 năm trường kinh tế liên tục xuống dốc. Và có lẽ ông hình dung rằng để đạt được mục tiêu, cần phải củng cố chủ nghĩa dân tộc, viết lại quá khứ, mang lại cho người dân một hình ảnh tích cực hơn với tư cách là công dân nước Nhật, với việc tăng cường cho quân đội, và ít thụ động hơn trong quan hệ ngoại giao ».

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tử Cấm Thành Trung Quốc do người Việt Nam thiết kế, chỉ huy xây dựng !


Trong phim Tử Cấm Thành, các nhà làm phim Đức ca ngợi, khẳng định đây là công trình do người Viêt chỉ huy làm nhưng TQ cho là hoàn toàn do người TQ làm.
Nguyễn An, một tù binh chiến tranh người Việt Nam, đã được Vĩnh Lạc, hoàng đế nhà Minh, giao trọng trách thiết kế và tổng chỉ huy việc xây dựng Tử Cấm Thành Bắc Kinh. Ngoài ra, ông còn làm tổng công trình sư nhiều công trình quan trọng khác ở Trung Hoa.

Có thể dùng PC "burn" vào DVD tất cả 6 phần của phim TỬ CẤM THÀNH. Đây là tài liệu lịch sử rất quý giá trong kho tàng văn hóa VN mà người Tàu đã dấu diếm trên 600 năm bây giờ mới được "phanh phui" ra.

Trong một bộ phim do đài truyền hình Đức thực hiện và được phụ đề Việt ngữ vì nội dung của cuốn phim nhằm ca ngợi công trình kiến trúc tuyệt vời của một người Việt Nam, mà người Tàu cầm nhầm hàng mấy trăm năm qua, nay đã bị thế giới phanh phui.


TRẺ VIỆT ÂU CHÂU PHỤ ĐỀ VIỆT NGỮ CHO PHIM ĐỨC CA NGỢI NGƯỜI VIỆT XÂY TỬ CẤM THÀNH BẮC KINH

Trên các diễn đàn Internet vừa xuất hiện một bộ phim do đài truyền hình Đức thực hiện và được phụ đề Việt ngữ vì nội dung của cuốn phim nhằm ca ngợi công trình kiến trúc tuyệt vời của một người Việt Nam. Kiến trúc này đã được người Tàu cầm nhầm hàng mấy trăm năm qua, nay đã bị thế giới phanh phui.

Công việc phụ đề Việt ngữ cho bộ phim lịch sử này do 3 người trẻ ở Âu châu khởi xướng và thực hiện. Thoạt tiên do cô Phương Thùy (Finland) giới thiệu và Xuân Trường cùng Cẩm Vân (Germany) bắt tay thực hiện và hoàn tất vào giữa tháng 9, 2009.


Mọi người có thể download và xem thoải mái trên YouTube hoặc vào trang nhà www.vnlibraryonline.com (trong phần Phim-Hình, chọn “Phim Video” để xem).

Bộ phim “Tử Cấm Thành : Bản Di Chúc Của Một Bạo Chúa” được phát hình rộng rãi từ tháng 11 năm 2008. Nội dung phim xoay quanh bạo chúa Tàu triều Minh, Thành Tổ Vĩnh Lạc, tức Chu Đệ, con thứ tư của vua khai sáng triều Minh Chu Nguyên Chương. Từ bé, Chu Đệ được đánh giá là người đa mưu, túc trí. Khi mới 9 tuổi đầu, Chu Đệ đã một mình, không cần tùy tùng, có thể tự mưu sinh được trong rừng sâu núi thẳm. Sau khi dấy binh cướp ngôi vua từ tay ấu chúa vốn là cháu của mình, Chu Đệ đã ra tay tàn sát tất cả triều thần cũ để trừ hậu hoạn và thay vào đó, ông trọng dụng thái giám. Trong đám thái giám cận thần, có Nguyễn An, nguyên là tù binh từ Việt Nam, được Chu Đệ giao cho việc vẽ kiểu và chỉ huy hàng triệu nhân công để xây dựng cung đình, nội phủ cho Minh triều.

Phim có đoạn mở đầu thật hay : 

“Tử Cấm Thành giữa trung tâm Bắc Kinh, một thời là nơi ngự triều của những hoàng đế Trung Hoa hùng mạnh, ngày nay vẫn là cung điện lớn nhất trên thế giới. Lịch sử của nó gắn với hoài bão của một con người. Tên ông ta là: Chu Đệ.

“Chu Đệ là một kẻ tiếm ngôi, ông đã dùng bạo lực để dành quyền thống trị Trung Hoa. Chu Đệ đày đọa tất cả những ai cản trở tham vọng quyền lực tuyệt đối của mình. Biểu tượng quyền lực của vị hoàng đế này là Tử Cấm Thành, một thế giới đầy bí ẩn với những nghi lễ duy trì từ đời này sang đời khác.

“Viên thái giám Nguyễn An là kiến trúc sư trưởng của công trình này. Thiết kế bậc thầy của ông dựa trên những chuẩn mực lâu đời. Không có chi tiết nào được phát thảo một cách ngẫu nhiên, mà tất cả đều mang một ý nghĩa biểu trưng nào đó.

“Làm thế nào mà Nguyễn An lại có thể xây dựng một cung điện đồ sộ như thế chỉ trong có 3 năm ?

“Tham vọng xây dựng một cung điện sánh ngang với đất trời của Chu Đệ đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên công trình để đời của ông lại chứa đựng sẵn trong nó mầm mống của sự suy tàn...”

Thế mà suốt trong 600 năm liền, người Tàu dấu nhẹm tác giả công trình xây dựng Tử Cấm Thành, niềm hãnh diện của dân tộc và đất nước Trung Hoa. Nay thì đã có các công trình soi sáng lịch sử, đưa sự thật ra công luận.

Đầu tiên là đại học Cambridge, Hoa Kỳ, vào năm 1986, ghi thuật chi tiết việc kiến trúc Tử Cấm Thành vào thời Minh Thành Tổ, do kiến trúc sư Nguyễn An, người Việt Nam đảm trách.

Tháng 9 năm 2008, Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam tại Little Saigon, California, cho xuất bản tác phẩm Việt Nam: Suối Nguồn Văn Minh Phương Đông của tác giả Du Miên. Đề tài người Việt Nam vẽ kiểu và xây Tử Cấm Thành Bắc Kinh chiếm ¼ nội dung tác phẩm.

Tháng 11 năm 2008, đài truyền hình ZDF Dokukanal (Germany) thực hiện bộ phim Tử Cấm Thành Bắc Kinh : Bản Di Chúc Của Một Bạo Chúa, một lần nữa làm sáng tỏ thêm về tác giả công trình kiến trúc đồ sộ bậc nhất thế giới này : Nguyễn An, một tù binh Việt Nam.

Gần đây, Trung Cộng được thế giới để ý nhiều trên cả 2 mặt xấu và tốt. Sự phát triển kinh tế và bành trướng sức mạnh quân sự của TQ đã được ví von là ngang ngửa với siêu cường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, thế giới đã thận trọng với những gì liên quan đến nhãn “Made in China”, thường là hàng nhái, kém phẩm chất và đôi khi đầy chất độc hại.

Tại các nước láng giềng, TQ càng củng cố quyết tâm đồng hóa Tây Tạng ; kiềm tỏa Miến Điện, Bắc Hàn và chứng tỏ vai thiên tử và chư hầu giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Mối bang giao “hữu hảo” giữa TQ và VN ngày càng hé lộ nhiều âm mưu toan tính thâm độc đã khiến cho người Việt khắp nơi trên thế giới đặc biệt quan tâm.


http://tranhuythuan.wordpress.com/2012/02/22/phim-d%E1%BB%A9c-ca-ng%E1%BB%A3i-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t-xay-t%E1%BB%AD-c%E1%BA%A5m-thanh-b%E1%BA%AFc-kinh/

Mời xem bộ phim Tử Cấm Thành :
Part 1

http://www.youtube.com/watch?v=m1gAancTixQ
Part2

http://www.youtube.com/watch?v=uq51ZeHuI38&feature=related
Part3

http://www.youtube.com/watch?v=gZBd0ZepeNM&feature=related
Part 4

http://www.youtube.com/watch?v=N2IQhPMNHQQ&feature=related
Part 5

http://www.youtube.com/watch?v=K2z0jtohTp4&feature=related
Part 6

http://www.youtube.com/watch?v=6ESJMIAtbRk&feature=related

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xem phim "Tử Cấm Thành

Trong Quan khí và Quan gia có nhiều sự kiện diễn ra trong Tử Cấm Thành - Trung Nam Hải. Đã đọc 2 tiểu thuyết này thì cũng nên xem bộ phim Tử Cấm Thành. 

"Tử Cấm Thành - Di chúc của một bạo chúa"








Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đẹp mặt chưa!


Thế là sáng nay các báo đồng loạt đăng bài về chuyện "không may" của ông cựu Bí thư Thừa Thiên Huế. Đành rằng cái gì đến thì sẽ đến nhưng cái lỗ hỏng "đúng quy trình" một lần nữa được đưa ra bàn cãi... 

Khi đương chức, đương quyền, thành tích và danh hiệu của ông này gặt hái được phơi phới, chẳng có vật cản nào ngăn nổi bước tiến vinh quang của ông ta.
Giá như, câu chuyện "cô tiếp viên buộc phải tát tai kẻ ăn nhậu vô lối" khiến dư luận cũng như các cơ quan hữu trách để ý đến từ đầu thì cái "thành tích và đạo đức" cao quý ấy sẽ được soi xét thận trọng ngay từ cơ sở thì đâu đến nổi phải ê chề đến mức độ thế này. Ê chề cho người được "trao" và cả người có quyền trao.

Đây là cái giá phải trả cho những kẻ háo danh dối trá. Nhưng cũng là câu chuyện "quen tai" khi được chất vấn "sơ sơ" thì quan nào cũng đáp là "đúng quy trình", nhưng nếu chịu khó lội ngược dòng cái "đúng quy trình" ấy thì cơ man nào là lỗi hệ thống.
Những thành tích và danh hiệu cao quý ấy, xin hãy cẩn thận nếu như không muốn gây hậu quả ngược, gây mất niềm tin nghiêm trọng đối với cần lao và cùng đinh.
Mất niềm tin là mất tất cả!

MP


Thế là ông Hồ Xuân Mãn, nguyên ủy viên Trung ương, nguyên Bí thư
tỉnh Thừa Thiên Huế về hưu chưa nóng đít thì đã bị thu hồi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, mà từ cái thời ổng Bí thư, ổng mần hồ sơ, ổng đưa tới đâu cũng ký, ký ào ào, vừa ký vừa gật " anh quá xứng đáng", và bây giờ, chính những chữ ký ấy lại tiếp ký xác nhận ông Mãn man trá thành tích, man trá tới mức có 21 thành tích thì 18 thành tích man trá, 2 thành tích tự vu khống lấy thành tích. Ông này bị tước danh hiệu vì nhóm cựu chiến binh một thời chiến đấu cũng ông này tố cáo và đã tố cáo đúng. Tước danh hiệu ông này thì phải tước cho hết chức một dây ký vì nịnh, vì bợ, vì cơ, vì hội để tất cả làm thành dây gian dối đánh lừa Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương. Tước danh hiệu thì nên tước luôn tư cách đảng viên. Chuyện xấu hổ này ầm ỉ cả năm rồi. Thế mà hôm tiệc rượu sau vở diễn về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mình thấy ông này còn ngồi mâm trên, vẫn lọt vô ti vi khi xem kịch, đúng là trơ một cách "anh hùng", nhỉ?
....

Dấu hiệu chiến thắng của loại bò.

Cuvinh 

Phần nhận xét hiển thị trên trang