(Tin tức pháp luật) – Vụ bác sỹ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang thi thể nạn nhân xuống sông Hồng: theo Tiến sỹ khoa học Phan Văn Quýnh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Bản đồ Viễn Thám, giảng viên cao cấp ĐHQGHN, phương pháp khoa học mà giáo sư Bằng đang thể hiện chỉ là trò “lừa dối trắng trợn”.
Chiếc máy có một không hai trên thế giới?
Từ ngày 2/12/2013 đến nay, giáo sư Vũ Văn Bằng đã tham gia cùng đoàn tìm kiếm nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Vị giáo sư này mang đến một phương pháp mới cho đoàn tìm kiếm dựa theo khoa học: máy đo địa bức xạ.
Theo giáo sư Bằng, phương pháp này dựa trên cơ sở khoa học là nguyên lý bức xạ từ của mọi vật thể tồn tại trong lòng một vật thể khác. Riêng đối với hài cốt người, ngoài tính chất bức xạ từ như mọi vật chất nêu trên còn là một lưỡng cực từ với lực hấp dẫn mạnh.
Cũng với phương pháp này trong 10 năm, ông đã giúp gần 200 gia đình tìm thấy thân nhân là liệt sỹ, đồng thời tìm thấy 3000 hài cốt liệt sỹ trên khắp chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia năm xưa. Ngoài ra còn tham gia tìm kiếm thi thể trong các thảm họa, thiên tai ít nhất 5 lần cả trên cạn lẫn dưới sông, biển.
Giáo sư Bằng chia sẻ, trong việc tìm kiếm lần này, giáo sư Bằng đã sử dụng các loại máy như Máy định vị vệ tinh GPS, máy đo địa từ (Geomagneticmeter) – BPT-2010 - nhập từ Đức, máy đo bức xạ từ (Magneticradiation) – BXT13 (tự chế tạo). Đặc biệt, trên thế giới chưa hề có ứng dụng nào về “tia địa bức xạ”.
“Thậm chí người Mỹ đi tìm hài cốt binh lính ở Việt Nam, hay sóng thần ở Nhật Bản, họ chỉ biết tìm mò mà không hề có phương pháp như của tôi” – giáo sư Bằng nhận định.
Giáo sư Vũ Văn Bằng cùng với thiết bị của mình trên thuyền tìm kiếm nạn nhân |
Thủ thuật nhỏ: Máy xoay báo tín hiệu do lắc cổ tay
Tuy nhiên, chia sẻ trên báo Người đưa tin, theo TSKH Phan Văn Quýnh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Bản đồ Viễn Thám, giảng viên cao cấp ĐHQGHN, thì đây là "những lời quảng cáo dối trá trắng trợn".
Máy bức xạ nhiệt mà GS Bằng sử dụng được chế tạo bởi anh hùng lao động Nguyễn Tử Ánh và kỹ sư Nguyễn Văn Hào thuộc xí nghiệp ĐVL, Liên đoàn ĐVL.
Ngày 7/12/2013, tại một địa điểm ở Hà Nội, TSKH Phan Văn Quýnh đã mục sở thị kỹ sư Nguyễn Văn Hào thao diễn máy bức xạ nhiệt mà ông đã chế tạo cho GS Bằng.
Trước câu hỏi máy bức xạ nhiệt đo từ dư, cường độ từ trường hay sóng điện từ, nó cho ta dữ liệu gì, dải từ có thể đo được là bao nhiêu, độ dung sai Gradient… kỹ sư Hào trả lời: "Không có gì cả. Máy không có sensor thu nhận dữ liệu bức xạ điện từ".
Khi được hỏi về nguyên lý hoạt động của máy thì kỹ sư Nguyễn Văn Hào trả lời: "Không có nguyên lý nào cả. Nó có hoạt động đâu mà nguyên lý. Máy quay hay không là do nghệ thuật lắc cổ tay. Điều này tôi học được ở ông Bằng”.
Tiến sỹ Quýnh nhận định thêm, có thể ông Bằng đã cài thêm những cảm ứng, bộ lọc để tính được vòng quay, tốc độ quay. Ngoài ra chả có thêm chức năng gì nữa cả.
Tiến sỹ Phan Văn Quýnh cho rằng giáo sư Bằng đang lừa dối |
TSKH Phan Văn Quýnh cũng cho biết máy đo từ (magnetometer) hiện nay trên thế giới có nhiều kiểu, nhiều chủng loại và thực tế cũng chưa có máy nào tìm được xác chết. Bức xạ điện từ của xác chết là quá yếu và nó lẫn vào các bức xạ của các vật thể khác nên rất khó khăn khi dùng chỉ tiêu này để tìm thi hài.
"Trong quá trình tham gia tìm kiếm nhiều thứ, nhiều nơi, GS Bằng không phải không tìm được một số thứ, nhưng điều đó không có nghĩa là máy bức xạ từ thu nhận được bức xạ sóng điện từ của xác chết. Nếu máy bức xạ từ này hay như vậy sao không đăng ký bằng sáng chế phát minh, nhận Danh hiệu nhân tài đất Việt, sản xuất để xuất khẩu", TSKH Phan Văn Quýnh.
Cũng cùng quan điểm với Tiến sỹ Quýnh, Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết: “Trên thế giới chẳng có tia nào gọi là tia đất cả. Nếu tìm thấy cái tia tuyệt diệu như vậy thì ông Bằng nên đăng ký nhận giải Nobel”.
Đồng thời, tiến sỹ Nguyễn Văn Khải cho rằng khi người đã chết thì chẳng còn có thể phát ra bất kỳ bức xạ nào để mà đo đạc, bởi không còn sự lưu thông của máu hay là hoạt động của các ion âm, ion dương trong cơ thể.
Diễn biến mới nhất của vụ việc, giáo sư Vũ Văn Bằng đã kết luận có 11 điểm cần tìm kiếm trên sông Hồng, và sáng ngày 17/12/2013 sẽ đưa báo cáo lên cơ quan điều tra và lập kế hoạch khai quật đáy sông tìm xương cốt của nạn nhân.
Tuấn Phong/ Baodatviet
Tìm thi thể nạn nhân vụ TMV Cát Tường: Kền kền săn xác chết
Dân Việt - "Cha đẻ" của máy BXT - đã được dùng để tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân vụ TMV Cát Tường - lên tiếng về công dụng của chiếc máy này.
>> Sự thật tin chôn trộm nạn nhân TMV Cát Tường ở nghĩa trang Đặng Xá
>> Ngừng tìm thi thể nạn nhân TMV Cát Tường bằng phương pháp khoa học
>> Gia đình chị Huyền cùng nhà khoa học sẽ tìm kiếm thi thể ở cầu Yên Lệnh
Theo TSKH Phan Văn Quýnh (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Bản đồ viễn thám, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội): Trong những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện một hiện tượng không bình thường, đó là săn lùng hài cốt như kền kền săn xác chết, không có chỉ giới giới hạn về đạo đức, không quy tắc nghề nghiệp, không đếm xỉa gì đến xã hội, sự đau thương của các nạn nhân. Để rộng đường dư luận, Dân Việt xin đăng toàn văn bài viết của TSKH Phan Văn Quýnh về vấn đề này.
Người Việt Nam có truyền thống tôn thờ người đã khuất, đặc biệt kính trọng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước. Nhà nước cũng có chính sách chiêu tập để các anh hùng liệt sĩ có mồ yên mả đẹp. Song một số người vì lợi ích riêng của mình đã không từ một thủ đoạn nào, một biện pháp nào để đạt mục đích, xúc phạm đến vong linh người đã khuất, lừa dối người đang sống. Sự việc đặc biệt trở nên nghiêm trọng khi những người đó nhân danh là nhà khoa học để hành động.
"Săn" thi thể nạn nhân TMV Cát Tường bị thả trôi sông
Nhân danh các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, thuyết phục được đội công an tìm kiếm, họ vừa tiến hành tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân bị ông Nguyễn Mạnh Tường thả trôi sông - trong 3 ngày trên sông Hồng bằng máy BXT, mà theo họ dùng máy này có thể tìm thấy xác chết trong vòng bán kính 2km. TS B cho rằng tín hiệu đã về máy chính xác 100% và xác định 50 điểm có xác chết.
Máy đo từ trường MagMapper sản xuất tại Mỹ (G-858), hiện có tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, có thể đo được dải từ 18.000-95.000 nT(g). Từ trái sang: Cửa sổ điều khiển chính; Bộ dây đeo và các thiết bị điều khiển máy, nguồn nuôi; Ảnh chụp toàn cảnh khi sử dụng máy đo G858 trên hiện trường.
Những ngày tiếp theo họ tìm trên bờ, với tín hiệu máy quay họ đã xác định điểm cách cầu 300m và điểm 700m, trong đó điểm thứ hai đã lặn kiểm tra song không thành công. TS B còn biểu diễn cảm ứng của máy với mẩu xương và cá sống ở trên bờ.
Theo họ, đây là những cái máy tuyệt vời nhất thế giới, không có nước nào có được loại máy như vậy. Dưới mặt đất từ khoảng cách xa 3 đến 5km và trên không ở độ cao 12km máy có thể phát hiện được các dị thường trong lòng đất, như đứt gãy kiến tạo sâu, mỏ than, khí, vàng, bạc, đồng, nhôm…, thậm chí các khoáng sản phi kim như đá quý, caolin…, các công trình ngầm…, không có gì là không tìm được. Bằng máy này, họ đã tìm ra 3.000 bộ hài cốt.
Sau đây, chúng ta sẽ thấy đó là những lời quảng cáo dối trá hết sức trắng trợn.
Đi tìm người chế tạo máy BXT
Máy được mệnh danh là máy của TS B, nhưng thực tế được chế tạo bởi nhà chế tạo máy Nguyễn Tử Ánh - Anh hùng Lao động, bởi kỹ sư Nguyễn Văn Hào thuộc Xí nghiệp Địa vật lý, Liên đoàn Địa vật lý.
Anh hùng Lao động Nguyễn Tử Ánh (trái) và TS địa vật lý Nguyễn Trọng Nga.
Ngày 7.12, tại một địa điểm ở Hà Nội, tôi đã được sờ nắn và xem kỹ sư Nguyễn Văn Hào thao diễn máy BXT mà ông đã chế tạo cho TS B.
Khi được hỏi máy BXT đo cường độ từ trường hay sóng điện từ..., nó cho ta dữ liệu gì, dải từ nT (g) có thể đo được là bao nhiêu, độ dung sai Gradient…, kỹ sư Hào trả lời: "Không có gì cả. Máy không có sensor thu nhận dữ liệu bức xạ điện từ. Cũng cần phải ghi nhận rằng các ông nông dân miền Trung từ lâu đã chế máy để dò sắt phế liệu, tân tiến và hiện đại thì bên quân đội có máy dò mìn. Nhưng đó là dựa vào đặc tính của nam châm và sắt thép".
"Thế nguyên lý hoạt động của máy là gì, ví dụ như máy MagMapper đo từ trường của Mỹ là chùm hơi Cesium tách ra và tự dao động?". Trả lời: "Không có nguyên lý nào cả, nó có hoạt động đâu mà nguyên lý. Máy quay hay không là do nghệ thuật lắc cổ tay, điều này tôi học được ở ông B (xem hình ông Hào lắc cho máy quay). Anh xem đây, tôi đã cài thêm phần mềm để tính vòng quay, tốc độ quay. Ngoài ra chả có thêm chức năng gì nữa cả".
"Thế nói tín hiệu về máy là nói dối". Trả lời: "Đúng thế".
Tôi rủ đem máy đến gần các nhà xác bệnh viện hay vào nhà tang lễ xem nó quay thế nào? Trả lời: "Không phải đi, đã thử rồi, quay hay không là do tay người cầm máy".
"Thế nói máy BXT đo được bức xạ thứ cấp và xác định được xác chết trong vòng 200 mét là lừa đảo?". Trả lời: "Đúng thế. Cần chú ý rằng, điều khiển máy quay chỉ có ông B, sao ông không đưa cho PV cầm thử? Người khác cầm nó không quay, trừ trường hợp học được mẹo lắc cổ tay như ông Nguyễn Văn Hào. Việc lừa đảo nằm ở mẹo lắc cổ tay. Máy đo từ (magnetometer) hiện nay trên thế giới có nhiều kiểu, nhiều chủng loại và thực tế cũng chưa có máy nào tìm được xác chết. Bức xạ điện từ của xác chết là quá yếu và nó lẫn vào muôn vàn các bức xạ của các vật thể khác, rất khó khăn khi dùng chỉ tiêu này để tìm thi hài".
Kỹ sư Nguyễn Văn Hào đang biểu diễn máy BXT.
Người viết bài này rất cảm kích sự trung thực, khoa học của Anh hùng Lao động Nguyễn Tử Ánh và kỹ sư Nguyễn Anh Hào khi mô tả máy BXT mà mình chế tạo. Việc TS B đem cái gọi là máy BXT đi đo từ để tìm thi thể chị Huyền là hết sức thiếu trung thực, nếu không muốn nói là lừa đảo, thực tế nó không thu nhận được một dữ liệu nào cả.
Cũng nên nhớ rằng cách đây khoảng 10 năm, trong tiết mục "Người đương thời" của nhà báo Tạ Bích Loan, TS B nói rằng máy của ông hoạt động theo nguyên tắc rađa, còn bây giờ lại đi đo từ. Ở đây cần phải nói, gia đình nạn nhân đã vô cùng đau đớn, xin đừng lừa họ hơn nữa. Ông Nguyễn Tử Ánh và ông Nguyễn Văn Hào cũng không muốn các cái máy mà mình chế tạo bị lợi dụng. Chẳng thể là ông đồng bà cốt đi một nhẽ, đằng này lại là TS.
Trong quá trình tham gia tìm kiếm nhiều thứ, nhiều nơi, ông B không phải không tìm được một số thứ, nhưng điều đó không có nghĩa là máy BXT thu nhận được bức xạ sóng điện từ của xác chết, thậm chí còn cách xa máy đến 200m.
Các thông tin máy BXT tìm thấy 3.000 hài cốt liệt sĩ, tìm thấy 600 hài cốt ở Dakrong, 50 hài cốt ở Ba Lòng (Quảng Trị, báo An ninh Thế giới, 7.12.2013) đều là các thông tin không kiểm chứng, bởi vì cái gọi là máy BXT không có khả năng thu nhận tín hiệu bức xạ điện từ của người chết.
Thực sự máy BXT hay như vậy sao không đăng ký bằng sáng chế phát minh, nhận danh hiệu "Nhân tài đất Việt", sản xuất để xuất khẩu.
Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm thi hài thân nhân liệt sĩ quá cao ở Việt Nam, các nhà ngoại cảm được chống lưng bởi các nhà khoa học thoái hóa đã lao vào cuộc săn lùng như kền kền săn xác chết không có một tí nhân tính nào.
Bài viết này hy vọng để mọi người cảnh giác, đừng để mình biến thành nạn nhân của các kẻ lừa đảo.
TSKH Phan Văn Quýnh
Phần nhận xét hiển thị trên trang