(Phần II – Hành trình vào hỗn mang)
– Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Tôi nằm lặng một mình trong những đêm dài hôn mê. Tâm hồn tôi lang thang lạc về những xứ sở hoang sơ kỳ ảo. Đêm chẳng phải đêm! Ngày chẳng ra ngày! Âm ti chăng? Thiên đường chăng? Cội nguồn chăng? Vũ trụ chăng?
Sự sống leo lét vẫn còn đủ như con đom đóm lập loè tâm tưởng, rọi ánh sáng mờ vào miền thẳm hỗn mang.
Tôi khát! Tôi khát!
Chao ôi là nóng!
Cơn nóng trong tôi lúc âm ỉ, lúc bừng bừng lửa đốt. Nó soi đuốc gọi thẳm đêm về hợp giao cùng hoang tưởng, để làm sống lại những kỉ niệm đã bị chôn vùi trong nghĩa địa âm u sọ não.
Những mơ ước cháy bỏng nhất, những hình ảnh hoang sơ nhất, những kí ức tái tê nhất hoặc vui đến nổ trời, những bóng ma bị quên lãng đã nắm tay tôi dẫn vào vũ hội, để nhảy những điệu nhảy Hỗn mang. Tiếng hò hét cuồng nộ kéo ta vào những cơn mê cuồng, vui đến rơi nước mắt. Khúc nhạc buồn héo hắt làm chân ta lãng đãng. Ta bủn nhủn nghe tiếng thầm thì, rủ ta về hoà lẫn vào Hỗn mang.
Có nhiều người, cũng như tôi, đã bất hạnh hay may mắn được hành trình vào xứ Hỗn mang. Rất nhiều kẻ vì sợ hãi hay buồn phiền đã úp tay vào mặt, cố ý kéo màn che ký ức. Nhiều người khác không may đã bị bóng tối của Hỗn mang kéo tụt vào đêm đen vô tận. Hiếm người thoát hiểm! Vì thế, nhiều cuốn hồi ký Hỗn mang đã chẳng được khai sinh. Tôi thuộc số người may mắn đã thoát khỏi Hỗn mang trở về. Tôi vội vã ghi chép lại sự tự nghiệm kỳ lạ, cố giữ lại cái hơi thở hoang sơ nguyên thuỷ, và những xúc cảm cuồng nộ đầy mê đắm của nó.
I. Con vật huyền thoại
Ngày đầu tiên, tôi nằm dài hôn mê. Mắt nhắm nghiền. Thở thoi thóp. Chân tay thẳng dẵng. Bất động. Tai chẳng nghe thấy gì nữa. Cảm giác nhẹ nhàng bâng khâng của một ly rượu. Hết nóng, hết lạnh, hết đau đớn, hết suy nghĩ…
Khi bóng tối ập xuống, trạng thái kỳ lạ ấy bỗng được chuyển sang trạng thái khác. Nếu gọi trạng thái trước là mấp mé bờ chết, thì trạng thái thứ hai này là mấp mé bờ sống. Có thể cái mầm sống trong tôi đã thoi thóp, nay cố gắng rãy rụa chăng? Nó bám vào bờ sống nhưng không đủ sức ngoi lên. Đã mang máng nghe thấy hình như có tiếng người. Ai khóc đấy? Có phải tiếng sụt sùi của vợ tôi? Có phải tiếng tấm tức của thằng con út. Có phải tiếng đều đều an ủi của thằng Linh?
Tôi thấy buồn buồn nơi bàn tay. Phải chăng bàn tay ấy muốn giơ lên, muốn vẫy gọi, hay muốn đặt nhẹ lên mớ tóc của đứa con yêu. Không xác định nổi đấy là phản ứng của sự sợ hãi, hay phản ứng của tình thương. Nhưng, bàn tay vẫn nằm yên, không nhúc nhích. Tiếp đó là sự bằng lặng của một giấc ngủ êm, nhưng mong manh. Tất cả lại chìm trong màn sương trắng. Như có một chuỗi mây bồng bềnh trôi qua; lúc mây dày thì mắt ta nằm trong màu sữa; lúc mây mỏng thì lại trông thấy một ngọn đèn dầu lạc, úa nhoè nhoà; lúc mây quá nặng, thì ta như chui bên trong một chiếc chăn dày kín mít.
Kìa! Một làn mây quá mỏng! Ta lại chợt nhìn thấy thế gian qua một tấm kính mờ. Chợt thấy rõ không phải ngọn đèn dầu lạc, mà là một chiếc bóng điện. Trước mắt ta, lay động một trái dừa … một quả bưởi … những quả bóng … kỳ lạ vậy? à … Đó là những đầu người. Chắc là vợ ta, con ta, bạn bè ta đang ngồi kế cận giường ta. Có tiếng rì rào … tiếng thì thầm của những rặng tre. Ta hiểu rồi, họ đang trò chuyện.
Chợt một nỗi buồn thăm thẳm toát ra từ xương tuỷ. Cái ý thức le lói trong ta chợt bùng lên. Ta buồn vì biết rằng mình đang chết. Một đám mây lướt qua mi mắt chợt làm tôi rùng mình; ta sợ một bàn tay nào đó đặt lên mắt ta, và vuốt nhẹ; như thế tức là chiếc cửa sổ tâm hồn được khép kín, vĩnh viễn khép kín. Tâm hồn chập chờn, le lói của ta chợt rung lên; đôi mi mắt cố rướn lên, cố mở to ra; nhưng sao đôi mi mắt quá nhỏ bé mà lại nặng nề đến thế; tưởng như những tấm cửa lim ngăn cách. Tâm hồn tôi gào to:
-Chưa! Chưa phải là hết!
Nhưng buồn thay! Từ miệng ta chẳng có âm thanh nào lọt ra. Giọt nước mắt bất lực, phải chăng giọt nước mắt cuối cùng của đời ta chợt ứa ra, từ từ lăn trên gò má. Nhưng tiếc thay! Chẳng ai để ý đến những giọt nước mắt bơ vơ đó. Vợ ta, con ta, bạn bè ta đều không nhìn thấy nó. Ta biết chắc vậy, vì chẳng có ai cầm khăn thấm nó; nó cô đơn chậm chạp bò dần trên đôi gò má khô héo, nóng bừng; nó âm thầm rơi xuống gối; ta đoan chắc là nghe thấy tiếng rơi của nó.
Lạ chưa! Tai ta đã phân biệt được âm thanh. Tiếng rì rào bỗng hoá tiếng người: Giọng ồ ồ là của Hợi, giọng thanh thanh là của thằng út, giọng ngập ngừng là tiếng nói vợ ta giọng trầm dều tiếng của thằng Linh, giọng phẫn khích là của chú Lân.
Ta nghe lõm bõm. Âm thanh lúc xa, lúc gần, lúc tỏ, lúc mờ, lúc liên tục, lúc đứt quãng…
“Lợn…lợn…”
Hay thật! Họ lại vẫn bàn chuyện lợn bên cạnh giường người đang chết.
“Bò…bò…hổ…hổ…khổng lồ…tạ, tấn…”
Chắc là họ đang bàn đến những con lợn Bò, lợn Hổ, những con lợn nặng hàng tấn thịt. Giọng ồ ồ lên bổng, xuống trầm. Chỉ nghe thấy giai điệu, nhịp điệu, sắc điệu của âm thanh chứ không nghe thấy rõ ràng lời nói, nhưng ta biết đó là giọng của Hợi, ông chủ lò. Chợt vụt hiện trong óc một chuỗi hình ảnh mà một lần ta đã gặp…Một người đàn ông lực lưỡng, cởi trần, chân đi ủng cao su, đứng giữa một đàn lợn khổng lồ. Tay anh ta cầm một vòi nước chảy xiết và phun vào lũ lợn. Đàn lợn rú gầm chạy tán loạn; chạy mãi, chạy mãi, để rồi cuối cùng kiệt sức nép vào nhau, run rẩy đứng ở xó chuồng. Người lực lưỡng cởi trần, lúc này, cầm một con dao điện trong tay. Hắn dí điện vào gáy từng con lợn. Lũ lợn khổng lồ lăn ra rãy rụa. Rồi sau đó, người lực lưỡng cầm con dao lá lúa mà sọc mà đâm một cách rất chính xác. Con lợn nào cũng bị lưỡi dao phóng trúng cổ, trúng tim. Máu lợn phun ra òng ọc, lênh láng. Người đồ tể nghệ sỹ đâm như múa, càng đâm càng nhanh, càng chính xác, càng đâm bàn tay càng dẻo … Cuối cùng anh giơ con dao lá lúa lên, đứng giữa ao máu mà cười…Nụ cười hân hoan đón nhận tràng vỗ tay của đám đông khán giả cũng đang say sưa như anh.
À…Hiểu rồi! Nhớ ra rồi! Thảo nào thấy âm sắc của giọng Hợi quá quen thuộc. Thì ra, Hợi đang kể cho mọi người nghe cách giết lợn hiện đại, cách giết lợn hàng loạt, cách giết những con lợn khổng lồ bằng dao điện. Chính mắt tôi đã được dự cuộc biểu diễn đồ tể hiện đại ấy mà Hợi là người thao tác mẫu, cách đây mấy tháng, tại lò lợn.
Những bóng mờ trước mắt bỗng tan biến. Qua màn sương ngăn cách, tôi chỉ còn thấy bóng đèn vàng hiu hắt, và một bóng hình mờ mờ nào đó. Chắc mọi người đã ra về, và chỉ còn một người ở lại chăm sóc tôi.
Sao lúc này im lặng đến vậy? Im lặng đến nỗi tôi nghe rõ cả tiếng tim mình đập. Tôi muốn kêu lên: ”Các người đi hết rồi ư?”. Chỉ còn ta hấp hối với đêm dài lặng lẽ. Cái bóng ngồi kia là ai vậy? Vợ ta, hay con ta? Hãy đến mà nói với ta, mà nắm tay ta. Sao lại im lặng? Lại ngủ rồi ư? Chỉ còn một mình kẻ hấp hối này là thức thôi ư? Kẻ sống thì ngủ, kẻ chết thì thức. Sự trái ngược ấy càng làm cho nỗi cô đơn thêm rợn. Ta muốn khóc nức nở, nhưng nước mắt ta lại cạn kiệt hay sao?
Có tiếng gì rờn rợn, lạ lùng ở xa vời. Tiếng đó làm sởn gai ốc…Ta hồi hộp lắng nghe. Biết rồi! Tiếng mèo! Con mèo gào trong không gian khuya và tối đen. Mỗi lúc tiếng gào lại mỗi gần. Một phản xạ như muốn chạy trốn mà không trốn nổi. Ta cũng biết rồi. Chắc là con mèo đen; con mèo mặc áo choàng đen, đi tuần du trong bóng tối như gã canh ngục thất. Nó lượn lờ quanh nhà ta ở. Tiếng mèo u oa nức nở. Đồ quỉ! Nó bỗng gào lên như tiếng trẻ con bị bóp cổ. Giống mèo đêm đêm thường đi tìm những linh hồn bơ vơ. Mèo bơ vơ, mèo hoang đi tìm những giống người bơ vơ, giống người hoang … Kẻ bơ vơ là người hấp hối … Tiếng mèo chợt rú như bị chọc tiết; tâm hồn tôi chợt cũng co quắp, rúm ró theo…ôi…Lạnh toát đến tận đáy hộp sọ. Tôi muốn kêu cứu, nhưng đã mất âm thanh. Tôi muốn chống đỡ, nhưng chân tay tê liệt.
Đang lúc nguy cấp, khốn cùng như vậy, thì chợt thấy hơi thở ấm áp bên tai. Một tiếng thì thầm:
-Hoàng! Đừng có sợ. Còn có tôi đây.
-Ai vậy?
-Tám đây! Hoàng chẳng nhận ra sao?
-Ôi anh Tám! – Tôi vui mừng – Sao anh đến chậm vậy?
Tiếng thở dài:
-Bạn bè chỉ giúp nhau hơi ấm. Cái chính là ở anh.
-Anh cứu tôi với! – Tôi năn nỉ.
-Hoàng sợ gì?
-Sợ tiếng mèo.
-Tôi hiểu rồi. Chắc anh nghĩ đến con mèo đen nhảy qua người anh. Và anh sẽ biến thành quỉ nhập tràng?
-Ôi chao! Đúng là điều tôi sợ vậy. Anh Tám đuổi con mèo ấy đi. Tôi không muốn biến thành quỉ.
-Giống quỉ bao giờ cũng muốn mọi người đều biến thành quỉ như mình. Anh sợ cũng phải. Nhưng tôi biết làm thế nào bây giờ?
-Anh Tám giúp tôi với. Cho tôi một liều thuốc…cho tôi khỏi bệnh.
-Poóc xi nô ma ni? Làm gì có thuốc.
-Vậy là tôi chẳng còn gì hy vọng? Tôi sẽ nằm dài hấp hối. Và cuối cùng tất cả sẽ nhỏ dần…mờ dần…để đi đến kết thúc?
-Có hai cách kết thúc. – Tám lặng lẽ trả lời – Một là anh cứ nằm yên ở đây một đêm, hai đêm, ba đêm…Và đêm nào tiếng mèo cũng rú lên đe doạ anh, làm mất của anh một phần tinh lực. Rồi toàn bộ tinh lực của anh sẽ dần dần bị phung phí, tiêu hao vào nỗi sợ hãi…Một kết thúc như vậy chẳng đáng buồn lắm sao! Hai là, anh cố đi về phía bờ sống. Cảm giác là mấp mé bờ sống; nhưng thực ra khoảng cách đó rất xa. Đừng chọn nẻo đường gần; đường gần hiếm khi tới đích. Đường tới bờ sống đích thực là con đường hun hút và khúc khuỷu.
Tôi thở dài:
-Tức là anh khuyên tôi nên quay lưng lại với con đường gần. Và chọn hướng bước đi vào nẻo đường xa vời mà bóng chân trời chỉ là một vết mờ?
-Đúng – Tám gật đầu thở dài - Đó là đường qua thế giới Hỗn mang. Nó hun hút và đen ngòm. Doạ đấy! Thực thực hư hư…Đầy hiểm hoạ song cũng đầy hấp dẫn…Phải tỉnh táo qua đó mới hòng tìm tới bến bờ thực sự.
Điều kỳ lạ là khi hướng về phía con đường hun hút ấy thì chân tôi lại đứng lên nổi. Nỗi cô đơn đã làm sức tôi kiệt, nhưng hơi ấm bạn bè lại tiếp sức cho tôi.
Tôi một mình đi vào xứ Hỗn mang, cố tìm về bờ sống. Con đường xa lạ, nhưng có cảm giác như một lần ta đã đặt chân đến rồi. Đen ngòm, và chẳng thấy lối mòn. Chỉ biết nhằm phía xa xa, nơi có ánh sáng leo lét mờ mờ, mà đi tới.
Ta bỏ lại nhân gian sau lưng để đi tìm con đường về với nhân gian. Hết ngọn đèn vàng hiu hắt, ngọn đèn nơi ta nằm chờ chết. Hết những bóng hình mờ ảo thân quen. Hết những tiếng nói thường hằng mà ta biết rõ từng âm sắc.
Ánh sáng tỏ dần, ta nhận ra mình đang đứng trong xứ sở mây mù. Mây nối đuôi nhau trôi dài. Mây trắng dày đặc, thu ngắn tầm mắt ta vươn xa. Ta chẳng hề biết sau biển mây mù ấy là cái gì.
Còn đang tần ngần, chẳng biết đi về hướng nào, bỗng một tiếng cười như sấm vang rền, tiếp sau đó một tiếng hỏi:
-Anh đi đâu?
Tôi căng mắt nhìn về phía tiếng nói, và chợt nhận ra một bóng trắng khổng lồ, thường dễ cao đến vài chục mét. Đó là một con quái vật mà tôi chưa rõ hình thù. Tôi hỏi:
-Người là ai?
Tiếng sấm rền từ cao vọng xuống, đe doạ:
-Ta canh giữ ải hoang. Và ta chỉ cho đi qua những kẻ nào trả lời được câu ta hỏi.
Tôi nhìn con quái trắng ngồi chồm hỗm, và chợt rùng mình nhớ đến chuyện xưa. Phải chăng đó là con nhân sư thời thượng cổ? Con nhân sư bí hiểm đã đưa ra câu đố mà người đời không giảng nổi. Đã bao kẻ bất hạnh vì không trả lời được câu hỏi mà bị chui vào dạ dày của nó. Chỉ có một mình Ơ đíp, người Hi lạp xưa, đã giải nổi. Con quái vật đã tức giận chịu thua trí tuệ con người nên đã nhảy tùm xuống biển sâu, và đã bao đời nay không xuất hiện. Đến nay, nó lại ló mặt ra đời tác quái. Bụng thì lo, nhưng tôi vẫn phải ra vẻ đĩnh đạc cất giọng:
-Hỡi nhân sư! Đừng khoe trò bịp. Ngươi không biết xấu hổ sao? Câu hỏi của ngươi, Ơ đíp đã giải từ mấy ngàn năm về trước rồi. Sách cổ còn ghi chép rành rành; nay ngươi còn tiếc rẻ gì nơi trần thế, mà lại điên đảo trở về tác quái?
Quái trắng cười sằng sặc. Lúc này tôi mới nhìn rõ cái đầu người lắc lư trên thân hình thú vật của nó. Quái trắng trả lời:
-Ngươi nhầm rồi. Hãy nhìn cho kỹ. Ta đâu có phải giống nhân sư.
-Lấp liếm làm gì, hỡi giống đầu người mình thú.
-Chớ láo xược. Ta đây chính là con vật huyền thoại hiện đại.
-Vật huyền thoại hiện đại!
Tôi cố căng mắt nhìn cho rõ, rồi cười to:
-Chà! Cái tên kêu quá! Tưởng lá ngọc cành vàng, hoá ra chỉ là cái đầu người chắp vào mình con lợn. Ha, ha … Ta biết rồi. Ngươi là giống Nhân – Trư.
Con quái vật gầm lên tức giận làm những đám mây trắng sợ hãi cuống quít, vội bay nhanh.
-Tên kia! Chớ bẻm mép! Hãy nghe kỹ lời ta hỏi. Nếu không trả lời đúng, đừng trách ta ác độc. Này, hãy nghe cho kỹ: ”Con vật gì buổi sáng ăn thịt người, buổi trưa nằm nghỉ ngơi, buổi tối lại ăn thịt người?”.
Tôi ngẫm nghĩ: Câu đố có vẻ hao hao giống câu đố mà xưa kia Nhân sư đã hỏi Ơ đíp…Nhưng sao lại có chuyện ăn thịt người ở đây?
Con quái trắng thấy tôi tư lự, suy nghĩ, liền cười to khoái trá. Nó tìm cách làm tôi rối trí:
-Ta đếm từ một đến mười. Nếu không trả lời nổi sau mười phút, thì ta buộc lòng phải ăn thịt ngươi. Một phút…hai phút…Cố nghĩ cho kỹ, trông ngươi quá gày còm, kể cũng đáng thương. Ba phút…bốn phút…Ngươi chỉ có da bọc xương, ăn chả bõ tanh miệng. Năm phút…Hay nếu ngươi không trả lời nổi, thì hãy quỳ xuống lạy. Ta sẽ tha mạng, và cho ngươi quay trở lại…Thôi, hãy quì xuống ngay đi, hỡi anh học trò bẻm mép…Sĩ diện hão làm gì…à, nếu quay trở lại, thì ngươi sẽ chết hẳn…Hay là ngươi sợ chết? Nếu vậy, hãy quì lạy ta, và rập đầu xuống đất ba lần. Ta sẽ tha bổng cho ngươi…sẽ cho ngươi sống lại…trở về cõi nhân gian…với vợ, với con, với bạn bè, với ly rượu say.
Con quái trắng sỉ nhục tôi như vậy, làm đầu óc tôi sưng tấy căm giận. Nhưng cũng nhờ thế nên óc tôi làm việc mạnh và chợt loé sáng. Tôi đã nghĩ ra câu trả lời:
-Hỡi chú lợn quỉ! Hãy bình tĩnh vểnh tai lên nghe ta giải: Con vật, buổi sáng ăn thịt người…chính là con người lúc khai thiên lập địa. Con người nguyên thuỷ sống trong mông muội, ăn thịt lẫn nhau.
…Buổi trưa nằm nghỉ ngơi…tức là con người khoảng vài ngàn năm nay. Con người đã ý thức được nhân phẩm. Tệ ăn thịt người đã bị loại bỏ. Buổi tối lại ăn thịt người…Ta hiểu ngươi định ám chỉ con người hiện đại lại quay trở về Mông muội. Nhưng ta biết ngươi đã nghĩ sai.
Quái trắng cười to ha hả:
-Khá khen thay ngươi biết trả lời. Nhưng ngươi còn muốn cưỡng lại Định mệnh. Ta cần nhắc lại, đến như Ơ đíp mà cũng không cưỡng lại nổi Định mệnh.
-Ta không tin Định mệnh!
-Nguỵ biện làm gì? Mông – Muội – Mới chính là tên gọi của thời nay. Xấu hổ mà làm gì? Loài người lúc nào mồm chả nhoe nhoét máu. Chối cãi mà làm gì? Ta biết điều đó chẳng hay ho, nhưng nó là sự thực.
-Ngươi nói làm ta lợm giọng. Ta thấy cả vị tanh tưởi của lời nói ấy chẹn ứ lấp họng ta. Ta biết ngươi thích nhấm nháp thịt người. Ta biết sự thực có con đường Mông – Muội – Mới; nhưng ta biết cũng vẫn còn một ngả đường khác.
-Hề, hề…Cãi mà làm gì? Bởi vì ta là con vật huyền thoại hiện đại. Hiện đại ở chỗ, trong óc, trong bụng ta có những bộ máy tính diện tử tinh vi nhất. Các nhà bác học đã làm nhiều phép tính và đã tìm ra được nhiều đáp số. Nhưng kết luận cuối cùng: đáp số hàm ẩn, mà ta vừa nói đối với câu hỏi của ta, vẫn là đáp số tối ưu.
-Nói xong, con Nhân Trư sờ tay vào ngực, bấm nút. Hai chiếc cánh giấu kín trong người nó chợt xoè ra. Rồi một tiếng nổ bùng… Con quái trắng chợt bay tít lên cao, như một quả tên lửa. Tiếng cười của nó như sấm rền. Nó nhỏ dần và biến mất, chỉ còn để lại một vệt trắng trong không gian mây mù…
II. Xứ đợi chờ
Tôi quyết định chui vào lò gió nóng hỗn mang. Thất thểu, sờ sợ, nhưng thích thú. Đầu bốc lửa rừng rực. Khát. Cổ khô cháy. Một cảm giác phấp phỏng bứt rứt trong tôi. Ta chờ đợi cái gì nhỉ? Phải chăng một làn gió mát? Đừng nói dối! Làm gì có gió mát ở đây. Thú thật tôi đang chờ một cơn gió Lào nóng rẫy. Thật khỉ! Người nóng lại thèm gió nóng. Điều đó thật mâu thuẫn, nhưng có lẽ không ai biết rằng cái nóng khi đi đến tột cùng của nó sẽ dẫn ta đến một bến bờ đê mê, đi đến một giới hạn. Chính ở giới hạn ấy, biết bao điều lạ lùng được vén tỏ. Ta sẽ tự nghiệm được cái trống rỗng và cái vô tận.
Phải chăng đó là hương vị của cái chết? Mày cứ đến đi. Đến đi! Ta đương thèm nhấm nháp – Tôi run rẩy tự nhủ – Có thể ý nghĩ đó là phi nhân, là độc ác. Nhưng, xin lỗi, mọi người hết thảy đều độc ác như vậy.
Cái không gian lò thiêu ấy mầu hồng hồng … Mệt ơi là mệt. Mi mắt trĩu nặng. Ta ngủ đây. Ta ngủ trong không gian hồng lửa. Chập chờn. Ngủ mà chẳng phải ngủ. Ai thì thầm trong óc ta:
-Hãy lạc về một thời gian xa xưa nhất, quên lãng nhất.
-Anh Tám đấy ư?
-Tôi đây.
-Tôi đang ở đâu?
-Xứ đợi chờ.
-Tôi không thích đợi chờ.
-Đừng nói dối. Đã là người, ai chẳng đợi chờ. Hãy quay về với những kỉ niệm mà ta muốn che dấu. Chúng là những chứng liệu hùng hồn nhất.
1. Hội làng
Quê ngoại tôi ở làng Ném, Bắc ninh. Tết nào cũng vậy, tôi về quê với bà ngoại cho đến hết tháng giêng, hết tháng hội hè.
Hàng năm, sau tết, tổng Ném mở hội linh đình. Bẩy làng Ném phải chuẩn bị dự hội. Mỗi làng phải có một con lợn thật to để cúng thần, mà nhân dân vẫn gọi là “Ông ỉ”. Khoảng đến giữa năm, hội đồng kỳ mục từng làng đã đi chọn lợn. Họ đến một số nhà đã được chỉ định nuôi lợn để xem con lợn nào có khả năng dự thi. Khi chọn xong con nào, cả làng phải thay phiên nhau mang gạo ngon, cám tốt đến phục vụ ”Ông ỉ”.
Năm ấy nhà bà ngoại tôi được chấm lợn thờ. Lúc đó, tôi chừng bẩy, tám tuổi. Tôi còn nhớ, bà ngoại vừa vui, lại vừa lo lắng. Bà tôi gầy sút hẳn đi vì hầu hạ “Ông ỉ”. Bà suốt ngày lo dọn chuồng, thái bèo, nấu cám, tắm rửa cho chú lợn thờ. Lợn đói lúc nào được ăn lúc ấy. Gia đình khá tốn kém vì gạo, cám mà làng đóng góp tuy hậu hĩ nhưng không đủ. Ông Lý, ông Hương hàng tháng lại đến thăm nom ”Ông ỉ”. Những ngày thăm nom ấy, bà tôi, dù túng bấn, cũng phải mua chai rượu, cái chân giò, để ông Lý khám lợn xong còn nhấm nháp một chút. Thiếu cái khoản ấy là không xong, các ông ấy lập tức hạnh hoẹ. May mắn thay, ”Ông ỉ” nhà tôi không ốm đau và lớn nhanh như thổi. Ông ăn đủ của ngon vật lạ: nào cháo gạo nếp, nào bột ngô, nào cá mè, nào rau muống non. ”Ông ỉ” to như con bê, nặng gần hai tạ. Mặt ông béo sị, nhăn nheo, mắt híp gần như nhắm tịt. Bụng ông to như cái trống đại. Người ông thưa thớt lông và bóng nhẫy. Ông đi không nổi nữa. Ăn đấy, ngủ đấy, ỉa đái đấy.
Ngày hội làng đầu năm sắp đến.
Tôi phấp phỏng đợi chờ. Nhiều đêm cứ mơ thấy cờ quạt, đàn sáo tưng bừng. Không khí chuẩn bị ngày hội càng thêm háo hức, khi đội khiêng kiệu tập múa, tập đi đứng trên cái sân mênh mông nhà cụ Chánh tổng cựu. Ông quản kiệu, là người có chức sắc chữ nghĩa, lại làm quản kiệu lâu năm; ông có cả một quyển sách giấy bản ghi lại đội hình quân kiệu ở từng giai đoạn cuộc tế lễ. Ông quản kiệu chọn toàn những cô gái đẹp tuổi mười bẩy, mười tám vào làm quân. Ông cầm chiếc trống khẩu đánh tong tong theo một nhịp điệu rắc rối. Những cô gái nõn nà, miệng tươi cười cầm chiếc quạt, lúc che miệng, lúc xoè ra, lúc cụp vào; các cô đi đứng nhún nhẩy, rón rén, lúc quay trái, lúc quay phải nhịp nhàng theo hiệu trống tong tong. Tối nào tôi cũng đi xem tập. Và đêm nào tôi cũng mơ về ngày hội.
Nỗi phấp phỏng chờ đợi trong tôi càng gia tăng, khi xong ba ngày tết. Từ mồng năm trở ra, ngày nào ông Lý, ông Hương, ông Trưởng bạ, ông Phó hội, cụ Tiên chỉ … cũng đến nhà để ngắm nghía “Ông ỉ”. Ngày nào, “Ông ỉ” cũng ăn cháo cá mè. Ông chán của ngon vật lạ đến nỗi bê chậu cháo đến mồm ông cũng không thèm húp.
Nỗi đợi chờ trong tôi càng nhức nhối vào hôm trước ngày hội. Tôi bắt bà ngoại kể chi tiết về ngày hội. Bà tôi tả đội khiêng kiệu: Cô mặc áo hồng thì chít khăn xanh, cô mặc áo xanh thì chiết khăn vàng, cô mặc áo tím thì chiết khăn lam…Ngang lưng, cô nào cũng thắt một dải lụa đào. Khi thánh thần nhập kiệu, các cô khiêng nặng thế mà chạy như bay, chân không chấm đất. Ra đến đình, trước khi tế lễ, đội khiêng kiệu còn múa quạt rồi mới yên vị...Tôi bắt bà kể nữa nhưng bà ngừng lại và chỉ nói: ”Con cứ chờ. Xem rồi khắc biết. Ngày hội còn nhiều điều rất lạ.”. Như vậy, là vẫn còn một cái gì đấy mà bà tôi không biết kể hoặc không muốn kể. Chính vì thế nên nỗi đợi chờ của tôi càng tăng thêm khát khao.
Tôi đợi chờ một sự kỳ lạ. Cái gì kỳ lạ? Phải chăng là múa, là rước kiệu, là đánh vật,…Không! Chắc chắn sẽ xảy ra một cái gì ghê gớm hơn, phi thường hơn…Tôi linh cảm như vậy, bởi vì cứ nghĩ đến ngày hội là tim tôi lại rộn ràng đập.
Sáng sớm ngày hội.
Bốn anh trai làng lực lưỡng khiêng một chiếc cũi sơn son thiếp vàng, theo ông Tiên chỉ bước vào nhà tôi.
Người ta vất vả lắm mới lùa được “Ông ỉ” chui vào cái cũi vàng son ấy. Sau đó, họ lấy giây thừng nhuộm phẩm đỏ chói quàng vào và dùng hai cây tre đực để khiêng. Ngoài cổng đã chờ sẵn lọng xanh lọng tía. Có cả phường bát âm, và trống cái, trống con thanh la chũm choẹ. Ông Tiên chỉ dẫn đầu. Theo sau ông là cái cũi vàng son, hai bên che hai cái lọng. Tiếp đến là trống cái, trống con, và phường bát âm.
Tiếng tùng rinh náo động cả luỹ tre làng. Đàn bà trẻ con xô đẩy nhau đi theo đám rước. Cùng đi với tâm hồn họ là tiếng réo rắt hoan hỉ của tiếng nhị, tiếng sáo, tiếng đàn.
Lúc này, tôi mới chú ý đến một người mặc quần áo đen, chiết khăn đỏ, vác mã tấu đi oai nghiêm bên cạnh cũi. Tôi đồ chừng đó là chàng vệ sĩ của thần lợn.
Hội đồng chấm thi gồm toàn những người chức tước cao nhất hàng tổng: các cụ Tiên chỉ, những Ông chánh, phó tổng đương và cựu, những Ông chánh hương hội, một vị quan hàng tỉnh về chí sĩ.
Lạ chưa! Cuộc rước sách tế lễ tuy lạ lùng, kích thích, nhưng đối với tôi hình như lại chẳng có gì mới mẻ. Tôi chợ đợi cái khác cơ. Từ lúc đến sân đình, tôi vội sán ngay đến gần bẩy chiếc cũi sơn son thiếp vàng xếp hàng ngang rực rỡ ngay trước hiên đình.
Các cụ chức sắc đã bắt đầu chấm thi bẩy “Ông ỉ”. Người ta bình rất kỹ lưỡng. Bình mông, vai, bụng. Xem đuôi, xem mõm, xem móng. Ngắm hình, ngắm dáng, ngắm nước da. Đo ngực, đo chiều dài, cân trọng lượng.
Năm ấy, “Ông ỉ” làng tôi được giải nhất. Bà ngoại tôi run rẩy quì xuống nhận phần thưởng là tấm vải điều được trao từ tay ông Tiên chỉ.
Trống chiêng vang lừng. Ông vệ sĩ mặc đồ đen đứng dạng chân, tay trái chống nạnh, tay phải cầm mã tấu đặt trên vai, đầu hếch lên một chút. Người ta hò reo vang lên như sấm động.
Tiếng trống đang ròn vui bỗng chuyển thành trống ngũ liên. Đột nhiên bãi đình làng bỗng im phăng phắc. Tim tôi bỗng đập thình thình. Chắc là phút đợi chờ đã đến đây rồi. Ông đô lực sĩ bỗng nhảy ra phía trước chiếc cũi vàng son. Ông múa thanh mã tấu, nhảy nhót và biểu diễn một bài mã tấu cổ truyền. Thanh mã tấu quẹt xuống những viên gạch Bát tràng trên sân đình làm bắn ra những tia lửa. Ông vừa múa vừa hét to:
“Trảm! Trảm!”
Mặt ông đô lực sĩ đỏ rực. Và trái tim tôi như co thắt lại. Có ai nói bên tai tôi:
“Làng Ném, chém lợn!”
“Làng Ném, chém lợn!”
À, thì ra cuối cùng là một cuộc hành quyết. Người ta nuôi lợn, chăm chút nó như thờ phụng một ông vua, một vị thần, để cuối cùng mang đi xử tử. Tôi chợt như thoáng buồn. Nhưng nỗi buồn ấy chợt tan biến ngay vì tiếng trống và tiếng hò la ”Ra đi! Ra đi!”. Người ta hét vang để đuổi “Ông ỉ” ra khỏi chiếc cũi sơn son thiếp vàng lúc này đã được mở cửa. Trẻ con cũng hò vang trên sân đình:
“Trảm! Trảm!”
Tiếng trống tùng bi li rên xiết. “Ông ỉ” đột nhiên co rúm lại, không chịu nhúc nhích. Mấy người khiêng cũi lấy dáo đâm vào mông ông để xua ông ra.
Ông đô lực sĩ mặc quần áo đen, mặt đằng đằng sát khí, giơ mã tấu, đứng chảo mã tấn, ở tư thế chuẩn bị. Trước cũi, trải một tấm nhiễu đỏ rất rộng; sát cửa cũi là cái thớt lim khổng lồ.
Dân Tổng Ném lúc này hoàn toàn im phăng phắc. Bãi pháp trường sân đình chỉ còn vang lên tiếng tùng bi li khiếp đảm.
Toàn thể mọi người đều long lanh con mắt, nín thở…Những gương mặt hoặc đỏ ửng lên, hoặc tái ngoét đi vì sợ hãi và thích thú. Cả những cô gái nhu mì nhất cũng cố rướn cao cổ lên mà chờ đợi cái phút kỳ diệu ấy.
Mũi mác, cuối cùng, phải chọc thẳng vào hậu môn “Ông ỉ”. Thường ngày, “Ông ỉ” không bao giờ nhích người nổi. Lúc này, ông bỗng rống lên và phóng mình chạy ra thớt.
Đầu con vật thờ phụng vừa ra đúng giữa thớt thì lưỡi mã tấu sáng loáng đã phạt ngay xuống. Lưỡi đao ngọt sớt chặt phăng cái đầu lâu “Ông ỉ”. Nó chạm vào chiếc thớt lim và phát lên một tiếng cộc khô khốc.
Máu từ cổ họng “Ông ỉ” chảy ồ ra như suối, chảy lênh láng trên tấm vải điều.
Toàn thể dân Ném bỗng nhảy cỡn lên và hò la điên cuồng. Người ta đổ xô đến tấm vải điều. Người nào cũng cố nhúng tay vào máu con lợn thờ phụng ấy để lấy may, lấy phước.
Tôi lau những giọt mồ hôi vã ra trên trán. Và kỳ lạ thay! Một cảm giác rất mâu thuẫn bỗng xuất hiện; một thoáng buồn tái tê và một nỗi hân hoan nhẹ nhõm bỗng tràn ngập lòng tôi.
Phải chăng, đã bõ cái công phấp phỏng đợi chờ từ bấy nhiêu ngày.
2. Người khổng lồ vác nặng
Người bạn tôi tên là Vinh, một anh lính già thất thế về vườn. Vinh là một cậu tú; anh đỗ tú tài toán xong thì cuộc Cách mạng tháng tám bùng nổ.
Con người lý tưởng chủ nghĩa ấy xếp ngay bút nghiên lên đường đánh giặc. Anh đi bộ đội, đã trải qua nhiều chiến trường, nhiều khó khăn gian khổ. Chín năm đánh Pháp ấy đã hằn dấu trên con người anh. Anh gày một cách kỳ lạ, gày nhom, gày giơ xương sườn; khuôn mặt dài chỉ nhìn thấy đôi gò má cao toàn xương, chiếc cằm nhọn, vầng trán nhô ra làm cặp mắt sáng càng thêm sâu. Nước da anh vàng sạm, đôi môi thâm xịt. Mới trên năm mươi, mà trông anh xọm như ông lão bảy mươi.
Sở dĩ Vinh phải về hưu trước tuổi vì anh luôn đấu tranh với ông vụ trưởng của mình. Vinh bảo tôi:
-Nói cho đúng, đầu tiên mình ghét hắn ta, vì hắn béo, béo phây, béo mỡ màng. Mình nghĩ, một con người cứ béo phị ra trong khi toàn dân đều gày gò, ắt hẳn con người đó không thể là con người tốt. Ta hãy suy luận theo một lô gich toán học: Tại sao anh béo? Khi anh béo, chắc chắn anh phải ăn ngon và làm việc ít. Đã là người cách mạng, chắc chắn lương anh ít. Vậy, anh lấy đâu ra tiền để ăn ngon mặc đẹp. Tất nhiên, sự phè phỡn ấy phải do xoay sở. Hơn nữa, khi đã quá no đủ, con người sẽ dâm dật. Một hệ luận có thể suy ra: anh ta tất nhiên phải suy đồi về đạo lý. Một người như thế sẽ nịnh bợ cấp trên, đàn áp kẻ dưới. Từ cách suy luận lô gích ấy, tôi đi tìm cứ liệu để chứng minh cho giả thuyết đặt ra. Quả nhiên, tôi đã không lầm: ông vụ trưởng của tôi đã tham ô, đã dùng quyền lực ép buộc để ngủ với cô thư ký và cô phục vụ tạp dịch. Hàng tuần, hắn vẫn xum xoe đến nhà thứ trưởng…Thế là tôi đấu tranh. Phải đấu tranh, vì tôi nghĩ đi làm cách mạng, một mục đích là tiêu diệt những mẫu người như vậy. Thế mà, mẫu người đó lại chồm chỗm trên đầu trên cổ mọi người. Điều đó không được phép tồn tại.
Tôi cười vang:
-Cái lô gích phán xét theo kiểu béo – gầy như của anh thật là kỳ. Theo anh, có lẽ một cuộc cách mạng chân chính nhất sẽ chỉ còn toàn những con người gày gò như anh.
-Không hẳn thế. Tôi nghĩ cách mạng là để toàn thể mọi người trong xã hội đều béo. Nhưng khi cách mạng nghèo, ai béo người ấy là kẻ có tội.
-Anh có ghen tức không?
-Thề trên lương tâm, tôi không bao giờ biết ghen tức. Điều đó xa lạ với tâm hồn tôi. Nếu cấp trên của tôi là một con người chân chính, tôi sẽ trung thành tuyệt đối với anh ta. Nếu anh ta cần tôi nhảy vào lửa, tôi sẽ nhảy vào lửa.
-Anh có khắt khe quá không?
-Cách mạng là sắt thép. Tôi phải khắt khe.
-Anh có ngây thơ quá không?
-Cách mạng cần sự ngây thơ, vì ngây thơ là trong trắng. Nếu hết sự trong trắng, cách mạng sẽ tàn lụi.
Khi nói về sự ngây thơ, mắt anh bỗng sáng lên và đầu anh lắc lư. Giọng nói của anh trở lên hùng hồn:
-Thời cổ, vua Hùng vương biết đi cày với dân; con gái vua, vợ vua biết chăn tằm dệt vải. Ngày hội, vua quan cùng nhảy múa với dân. Đó là thời kỳ ngây thơ thịnh trị ngày xưa. Cách mạng của chúng ta cũng có những ngày ngây thơ tuyệt đẹp; đó là những ngày đầu đánh Pháp Ngày đó quan và lính cùng chia nhau củ khoai củ sắn, cùng mặc chung một manh quần rách, cùng hò hát với nhau những đêm liên hoan, cùng theo nhau xông vào đồn giặc … Đó là những ngày ngây thơ vàng son cách mạng. Ngày nay những điều đó hết rồi; chúng chỉ còn là những kỉ niệm ấu thơ … Nhưng chẳng lẽ lại vậy ư? … Tôi tin rằng cách mạng sẽ thanh xuân hoá trở lại. Sẽ có ngày chúng ta lại ” Ngây thơ ” như xưa…nghĩa là…rồi ta sẽ có ngày rất đẹp.
-Anh chờ đợi?
-Vâng, tôi chờ đợi.
Vinh chờ đợi bằng cách nuôi lợn.
Một người bạn khá giả nhượng lại cho anh một mảnh đất nhỏ ở một xóm ven nội. Vinh dựng lên ở đó một túp lều. Anh thả nhờ Hợp tác xã nông nghiệp một vạt bèo; anh trồng trước lều ba luống rau. Anh mua một đôi lợn nhỏ xíu, trông xinh xinh dễ thương. Và anh bắt đầu hi vọng, chờ đợi đôi lợn lớn lên. Hàng tuần, tôi được chứng kiến nỗi vui mừng của anh. Anh luôn khoe cùng tôi:
-Tuần này con lợn đen của tôi dài thêm ra 1 cm.
-Anh xem, con lợn trắng của tôi lớn có nhanh không? ăn phệ bụng. Bụng to cóc ra.
-Tháng này tôi cân kiểm tra. Mỗi con tăng ba cân.
Tôi thương hại, nhìn anh bạn thơ ngây ấy vui một nỗi vui quá ư hồn hậu. Tăng ba cân một tháng, đối với nghề nuôi lợn, tức là lỗ vốn. Nhưng bạn tôi lại vui. Biết nói sao đây? Vạch ra sự thật ư? Tôi không nỡ tàn nhẫn xoá đi một nỗi vui cỏn con hiếm có của người bạn nghèo ấy. Thực ra, vì bạn tôi nghèo, thức ăn kém, giống lợn xấu, nên đôi lợn ấy quá còi cọc. Bốn tháng ròng chăm sóc mà mỗi con lợn chỉ được ngót ngét mười lăm cân.
Rồi một hôm, tôi đến chơi, thấy Vinh ngồi im de bên bàn nước. Tôi hỏi:
-Có chuyện gì mà buồn thế?
-Đôi lợn chết rồi anh ạ.
-Sao? – Tôi nghe tin như sét đánh.
-Chúng bị tụ huyết trùng. Tôi định đem đi vứt. Người hàng xóm thương tình đem bán giúp. Được ngót trăm bạc.
Tôi im lặng, chẳng biết nói sao. Tôi nhớ, tháng trước Vinh đã dự kiến với tôi, nếu bán đôi lợn được năm trăm bạc, anh sẽ mua cho cháu Phượng một chiếc áo pha ni lông màu da trời. Thế là những hi vọng đợi chờ trong bốn tháng qua đã sụp đổ.
Tôi liếc nhìn cháu Phượng ngồi bên cửa sổ đan len. Cái kiểu người ngồi bên cửa sổ nghĩ cũng cổ lỗ. Thấy nó xưa xưa. Ngày xưa, chị Vinh khi còn sống cũng hay ngồi bên cửa sổ như cháu Phượng. Có lẽ chị là người cuối cùng còn sót lại của cái thời ba mươi – bốn lăm. Song trước kia anh Vinh thích vợ mình ngồi như thế, và bây giờ anh lại thích con mình ngồi như thế. Hình như, đó là biểu hiện của một sự ” nề nếp ” mà anh cố giữ.
Phượng suốt ngày ngồi bên cửa sổ đan len. Cô bé mười sáu tuổi ấy lúc nào cũng mang một khuôn mặt đăm đăm. Phượng mồ côi mẹ từ lúc còn nhỏ. Có thể nói, cô bé là bản sao chép về tâm tình của ông bố. Cô bé ham đọc sách. Cô thích những câu chuyện bâng khuâng của một nhà văn Nga, với những bông tuyết rơi, với những giọt mưa lách rách, với tiếng đàn pianô làm nức nở tim người, với những anh lính Hồng quân lịch thiệp và tốt bụng, với những cô gái thuỷ chung và mơ mộng. Có một lần tôi thấy cháu Phượng long lanh nước mắt. Tôi hỏi:
-Sao cháu khóc?
-Cháu đọc chuyện: ”Cô gái mù và con cánh cam”.
-À …
-Con cánh cam đã bay đi. Và hạnh phúc đã không bao giờ đến với cô gái mù loà … Chú Hoàng ơi! Có thật thế không hả chú?
Tôi biết cô cháu gái đang đặt ra câu hỏi về hạnh phúc của con người. Hạnh phúc có thật hay không? Và nếu có, bao giờ nó sẽ đến? Biết nói thế nào với cháu tôi nhỉ? Bởi vì chính bản thân cuộc sống là hạnh phúc. Chỉ cần ta biết sống. Phượng ngồi đan len bên cửa sổ. Cháu tôi cũng như bố cháu đang đợi chờ hạnh phúc. Có thể một ngày nào đó, có một chàng trai, một anh Hồng quân Việt nam, hoặc một anh sinh viên đi qua khung cửa sổ, và hạnh phúc của cháu tôi chợt loé hiện. Và cũng có thể chẳng bao giờ hạnh phúc sẽ đi qua cửa sổ. Phượng ạ, cửa sổ nhà cháu ở một nơi quá hẻo lánh. Có thể vì thế mà hạnh phúc ít ngang qua.
Này…hay là cháu rời bỏ khung cửa sổ ấy, mà lên đường. Hãy đi dạo phố, vào một xưởng máy, đến một chợ đông…Hạnh phúc có thể tìm thấy ở giữa chợ cũng nên.
Nhưng, ý nghĩ của tôi quá lông bông so với những quan niệm cứng rắn, nghiêm túc của Vinh. Vì lẽ đó, nên tôi chẳng nói gì. Tôi chỉ biết khuyên cháu tôi bằng những lời nói chung chung…
Dù sao chuyện đôi lợn cũng chỉ là một chuyện nhỏ. Nó chỉ làm Vinh buồn đi mất vài ngày, sau đó anh quên ngay. Bởi vì nỗi đợi chờ của bạn tôi tolớn hơn nhiều. Sự quan tâm của anh là đối với cả dân tộc, đối với cả loài người. Một hôm anh tiên đoán với tôi:
-Tôi tin chắc rằng, chẳng bao lâu nữa, ta sẽ gắn bó chặt chẽ với Liên xô. Tôi tin ở nước Nga, bởi vì đó là quê hương gốc rễ của cách mạng. Nước Nga sẽ giúp ta làm thay đổi triệt để gương mặt Việt nam.
Có lúc anh lý thuyết một cách biện chứng:
-Trăng khuyết rồi tròn. Hết suy đến thịnh. Lúc này đất nước đang gặp nguy khốn. Đói khát, tham nhũng, trộm cướp hoành hành…Nhưng, chính phải đến nước ấy mới thức tỉnh được đầu óc mọi người. Bây giờ ai ai cũng nghĩ được việc cần thay đổi một cách cách mạng. Chính đó là mầm mống cho cái tốt nảy sinh ồ ạt…
Tôi im lặng, không bàn cãi.
Và bạn tôi cứ chờ đợi, cứ mơ mộng chờ đợi một sự tái sinh. Đã bao nhiêu biến cố đã xảy ra…và sự tái sinh vẫn chẳng thấy bao giờ ló bóng…
Hai cha con kiên nhẫn chờ đợi. Mỗi người chờ đợi một điều riêng. Nhưng, một hôm, cháu Phượng đã phá lệ. Cháu đã tự tìm ra lối đi riêng. Cháu không chờ đợi nữa. Cháu đã lên đường, ra phố, đi vào giữa chợ đông.
Một hôm tôi đến, Vinh buồn rầu tâm sự với tôi:
-Cháu Phượng hỏng mất rồi anh ạ.
-Sao?
-Nó hư. Nó đã đưa về nhà một thằng bé đầu tóc bu xù, ăn mặc lố lăng, và giới thiệu là người yêu của nó. Tôi đã điên lên và đuổi thẳng cổ thằng ma cà bông ra khỏi nhà.
-Sợ rằng anh nóng quá.
-Sao lại nóng? Và anh, anh cũng chấp nhận được điều đó sao? Cách mạng mà lại thế ư? Con gái tôi mà lại lấy một thằng chồng như thế sao? Anh đứng về phía nó? Thật là đảo điên, đảo điên…
Tôi lựa lời, nhẹ nhàng:
-Tôi nghĩ nếu anh không bằng lòng, thì cũng nên từ từ.
-Sao lại từ từ? Phải dứt khoát. Phải minh bạch.
Đầu Vinh lắc lư, mắt Vinh đau khổ. Anh ôm cái ngực lép kẹp rồi ho. Anh rũ rượi ho cho đén lúc nước mắt ràn rụa và đôi môi nhợt nhạt. Rứt cơn ho, anh nằm dài trên giường hổn hển. Tôi rót cho anh cốc nước lạnh. Và hai chúng tôi đều im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Tôi biết Vinh có nhiều ước vọng cho con gái. Cuộc sống của anh là một sự chờ đợi những điều tốt đẹp, trong đó con gái anh là một phần của ước vọng ấy. Anh yêu con bằng một tình yêu lặng lẽ. Anh chăm chút nó rất cẩn thận từ lúc bé. không bao giờ thấy anh nói nặng với con một lời. Anh thường ngày dạy thêm cho con. Nhiều lúc anh khoe:
-Con bé rất giống tôi. Nó giỏi toán lắm anh ạ.
Vinh định bụng sẽ cho con gái thi vào khoa toán trường Đại học tổng hợp. Nhưng vừa bước vào lớp mười, cô gái đã từ giã cha và dấn thân vào chợ đời. Vinh giảng giải, mắng mỏ con gái suốt mấy ngày liền; Phượng chỉ khóc. Vinh hỏi:
-Thế nó làm nghề gì?
-Anh ấy làm…bụi đời.
-Trời ơi! Bụi đời!
Vinh nghiến răng lại rồi ho.
Phượng cũng bướng bỉnh chẳng kém gì bố. Cô khăng khăng theo ý mình. Cô bé đã trông thấy con cánh cam tím biếc của mình bay trên bầu trời, và cô đã chạy đuổi theo nó. Phượng bỏ nhà đi theo người yêu.
Thế là một mảng của hi vọng bị sụp đổ. Vinh gần như chết nửa người. Từ khi con đi, Vinh đóng kín chiếc cửa sổ mà con anh vẫn hàng ngày ngồi bên đan len. Anh chỉ còn hé mở cánh cửa sổ nhìn ra hồ nước sau nhà.
Hồ rộng. Đó cả là một hế giới … Bên kia hồ là rặng tre, ở đó có đôi cuốc suốt ngày ra rả. Đàn vịt bầu nhà hàng xóm thường rúc mồi ở đám khoai nước gần đấy. Đám bèo Nhật bản hoa tím trông mát mắt. Anh suốt ngày ngồi bên cánh cửa hé mở ấy mà im lặng tư lự. Ngồi cho đến đêm, cho đến lúc trăng lên, ngồi để xem cá đớp trăng …
Vinh càng ngày càng gày. Thực ra anh chỉ còn là một bộ xương có tấm da bọc nhăn nheo, có lẽ vì anh ăn uống quá ít và cả vì buồn não nữa Da mặt anh tái ngoét gần chuyển sang mầu chì. Tôi cứ nghĩ rằng, khi bị một cú đòn choáng như vậy, chắc Vinh thể nào cũng gục. Nhưng, Vinh vẫn sống, anh vẫn hi vọng chờ đợi. Có thể sự hi vọng tạo ra năng lượng sống cho con người. Vinh nói chuyện với tôi bằng một giọng còn bốc lửa hơn xưa, còn thâm trầm hơn xưa:
-Tôi nghĩ ra rồi anh ạ. Cuộc cách mạng của chúng ta mới chỉ làm được công việc phá vỡ xong cái vỏ. Thoát khỏi ách đế quốc mới chỉ là thoát cái vỏ nô lệ. Còn cái cốt lõi của sự nô lệ, nó nằm trong tâm hồn ta, trong suy nghĩ và việc làm của ta, trong nếp sống hàng ngày, trong không khí ta thở, trong miếng cơm ta ăn…Đập tan sự nô lệ bên trong ta mới là công việc cực kì khó khăn và hệ trọng. Và quá trình rối loạn, tan rã trong xã hội hiện nay chính là quá trình đập vỡ sự nô lệ bên trong ta, để cho những mầm mới nảy sinh.
Tôi buồn rầu:
-Anh nghĩ đến những điều đó làm gì nhỉ? Có lẽ ta nghĩ chút ít về thân ta. Ta cũng nên thương cái ”bản thân ta ” một chút chứ.
-Chẳng hạn, tôi nên nghĩ về cái gì?
-Ví dụ, về cháu Phượng. Hôm nọ, tôi vừa gặp cháu.
-Nó sống ra sao?
-Tôi gặp nó ngoài phố; cháu mời tôi về nhà chơi. Vợ chồng nó ở ngõ chợ Khâm Thiên. Sống cũng tàm tạm. Cháu hỏi nhiều về anh. Nó khóc anh Vinh ạ. Nó bảo: Chú xin với bố cháu, cho cháu được trở về, đi lại thăm nom.
-Tôi không cần sự thăm nom của nó. Tôi không thể cho phép nó bước chân vào túp lều của tôi, bởi vì đó là nguyên tắc. Xoá bỏ nguyên tắc, tức là tôi tự xoá bỏ tất cả đời tôi, tự xoá bỏ những suy nghĩ và niềm tin của tôi. Tôi tin ở sự tinh khiết, sự trong sáng. Tôi vẫn tin nó là viên ngọc của đời tôi; tôi vẫn hi vọng nó là niềm an ủi của đời tôi. Bây giờ những điều đó đã tan biến đi. Thì cứ để cho nó tan biến. Níu lại làm gì? Vá víu làm gì? Tôi không biết nhân nhượng, thoả hiệp. Tôi chỉ có thể tha thứ cho nó khi nào nó biến đổi. ừ nó có thể phục sinh được lắm chứ.
Xúc động quá, đầu Vinh lắc lư, và anh lại ho. Dạo này Vinh ho nhiều. Tôi lo lắng nghe tiếng ho khan xé phổi. Tôi lẩm bẩm:
-Có lẽ nào…
Túp lều của Vinh ít lâu nay lại loé lên một niềm hi vọng mới. Sau ngày giải phóng Miền Nam vài năm, Vinh bỗng nhận được lá thư của người chị gái đã thất lạc mấy chục năm.
Dạo này, Vinh ốm nặng. Trong những bãi đờm đã có những vệt máu hồng. Lồng ngực anh lúc nào cũng đau âm ỉ. Anh lại gày thêm đi. Vinh không đi khám bệnh, anh không tin ở thuốc nữa. Anh cho rằng nếu đủ tiền ăn uống, bệnh anh sẽ khỏi. Khi nhận được thư, Vinh vui vẻ hẳn lên. Anh nói với tôi:
-Bây giờ mình lại ham sống rồi. Bà chị mình khá giả. Chắc chắn bà sẽ gửi cho mình chút quà. Nghe tin mình ốm, có thể bà còn gửi thuốc. Mình cần phải lấy lại sức khoẻ. Có thể mình sẽ vô Sài gòn, cái xứ đầy nắng…và người dân thì cởi mở…
Vinh viết một lá thư thắm thiết gửi cho chị gái. Rồi sau đó anh lại chờ đợi. Chiếc cửa sổ của Phượng bị đóng kín từ mấy năm, nay lại được mở toang để đón nắng và chờ tin vui. Phải nói rằng tình cảnh của Vinh rất bi đát. Ba chục bạc trợ cấp hàng tháng làm sao nuôi nổi một bệnh nhân phổi. Anh bán dần mọi thứ đi để sống. Gia tài của anh cuối cùng chỉ còn lại mấy chiếc nồi nhôm bẹp, hai bộ quần áo vá, một cái gường mọt và chồng sách nát. Con người ọp ẹp ấy hàng ngày vẫn nằm dài đọc sách, thỉnh thoảng lại ngó nhìn cửa sổ để chờ một tin vui từ cái xứ Sài gòn đầy nắng tới.
Cuối cùng tin vui đến thật.
Người phát thư, một hôm, dắt xe đạp vào nhà. Anh ta hô to:
-Ông Nguyễn văn Vinh. Ra nhận giấy báo có quà từ Miền nam.
Giấy báo ông Nguyễn văn Vinh có một bưu kiện do bà Nguyễn thị Ninh gửi từ Sài gòn. Một tờ giấy rất nhỏ đã mang lại niềm vui và sự sống. Cả đêm hôm đó, Vinh toàn nghĩ đến sự vui. Đêm đó, anh hết ho và không chợp mắt nổi, tuy nhiên sáng hôm sau anh vẫn tươi tỉnh.
Sáng sớm, anh đến trạm bưu điện phải chờ mãi mới đến giờ làm việc. Dĩ nhiên, anh là người nhận bưu kiện đầu tiên. Anh run run cầm trong tay một gói nhỏ dẹp đựng trong bìa cứng. Hình dáng gói như một quyển sách. Vinh không mở gói hàng tại chỗ, anh mang về nhà. Anh muốn tận hưởng cảm giác vui sường mà từ lâu anh đã mất thói quen. Đi đường anh thầm đoán:
-Có thể đây là gói thuốc quí. Chị Ninh khi nghe tin ta mắc bệnh nên vội vàng gửi thuốc cho ta. Xem thư, chắc chị hiểu là ta bị bệnh trần trọng. Xưa kia, hồi bé, hai chị em hay cãi nhau. Ta vẫn nghĩ rằng chị Ninh không yêu ta. Thật oan. Bây giờ mới hiểu tấm lòng của chị.
Về đến nhà, Vinh đóng chặt hết các cửa lại, đặt chiếc hộp lên giường và bắt đầu mở. Gói quà buộc rất kĩ. Ngoài là giấy xi măng, rồi đến lớp giấy báo, tiếp đó là túi ni lông, cuối cùng là một hộp các tông.
Vinh run run, từ từ mở nắp hộp … Bỗng nhiên lòng anh nặng trĩu. Thì ra đây không phải là gói quà. Đó là một sưu tập những tấm ảnh cỡ lớn. Đủ các kiểu ảnh về gia đình bà Ninh. Toàn ảnh mầu đẹp. Đây là ảnh vợ chồng bà Ninh đứng bên ô tô riêng; đây là ảnh cậu con trai lớn chụp tại một trường đại học bên Mỹ; đây là ảnh cô cháu gái đeo kính mầu tay ôm con chó Nhật nhỏ síu; đây là ảnh toàn thể gia đình chụp trên bãi biển Nha trang …
Vinh toát mồ hôi. Anh vừa được xem một cuốn phim về một gia đình giầu có. Người đó chắc vô tình, nhưng muốn khoe cuộc sống tươi đẹp phồn vinh với anh.
Đột nhiên, Vinh thấy tủi hổ. Trong lá thư gửi cho bà Ninh, anh không trực tiếp xin xỏ gì; nhưng anh đã nói đến bệnh tình và cuộc sống đạm bạc của mình. Nói cho cùng, hàm nghĩa của việc mô tả ấy là sự xin sỏ, xin mà không dám nói ra. Người được xin cũng không trả lời trực tiếp, nhưng lại bày biện sự giầu sang của mình ra trước mặt kẻ ăn mày.
“Trời ơi! Ta có cái tâm thế của một kẻ ăn mày. Vinh ơi! Mày ti tiện đến thế sao? Mày đã tự hạ trước sự giầu sang. Mày đã ngẩng đầu từ bao lâu nay, để rồi đến cuối cuộc đời lại đi đến còng lưng vô xỉ. Có thực tâm mày trong sáng không? Có thực mày đang đợi chờ một cái gì đẹp đẽ không? Hay chỉ là sự đợi chờ một bát cơm, một manh áo, một của bố thí.
Vinh đờ người chết lặng. Anh cảm thấy quá ư xấu hổ và tự xỉ vả mình như vậy. Anh ngồi như thế đến hàng tiếng đồng hồ, cho đến lúc cơn sốt ùa đến rừng rực. Lúc đó anh mới nằm lăn ra giường, vớ chiếc chăn trùm kín người.
Anh sốt nằm đấy hai hôm liền, không ngụm cháo, không thuốc thang.
Sáng hôm ấy, tôi đến chơi, thấy anh mê man bất tỉnh.
Tôi vội vã đi gọi cháu Phượng về. Hai ngày đêm liền, cô con gái luôn túc trực bên giường bệnh. Cô bé không khóc, mà cũng chẳng nói. Những lúc có tôi thay thế, Phượng lại lẳng lặng ra ngồi bên cạnh chiếc cửa sổ khi xưa.
Khi Vinh tỉnh lại, tôi lo lắng muốn ra hiệu cho cháu Phượng lánh đi nơi khác. Tôi sợ Vinh lại nổi cơn giận giữ rất nguy hại cho sức khoẻ. Nhưng không kịp nữa, vì Vinh đã nhìn ra phía cửa sổ. Tôi ngạc nhiên thấy Vinh rất bình tĩnh. Anh hất hàm, hỏi tôi:
-Nó đã về?
-Nghe tin anh mệt, nó về ngay.
Phượng tiến lại gần bố, đầu cúi xuống. Anh ra hiệu cho con đến gần hơn. Hình như anh đã linh cảm thấy một điều gì đó trên gương mặt con gái. Anh thều thào:
-Con sống ra sao?
Cô gái trả lời bằng một câu khác:
-Anh ấy…đi tù rồi.
Tôi giật mình, nhưng Vinh lặng lẽ, hình như anh chẳng chút ngạc nhiên. Cứ như thể điều đó anh đã biết từ lâu. Vinh cầm tay con gái:
-Thôi, cũng được. Con đau khổ…Con tôi còn nhỏ bé quá. Hãy cố mà chịu đựng…Đau khổ…tức là con có thể phục sinh. Cha tha thứ cho con.
Khuôn mặt của anh bỗng trở nên hiền hậu, trong trẻo hơn bao giờ hết. Đôi con mắt đã hết ước vọng; và cũng hết cả sự đanh thép, những thù hận. Đôi con mắt hiền hậu ấy đang nhìn vào một cõi miền sâu thẳm và xa vời. Anh lẩm bẩm:
-Con trong trẻo của ta. Con cứ ngồi bên chiếc cửa sổ ấy là rất phải. Cứ đợi chờ con ạ. Cái gì rất đẹp ấy … rồi nó sẽ đến.
Nói xong, Vinh nhắm mắt. Khuôn mặt đợi chờ của cả một đời người vẫn còn đọng lại những nét mệt mỏi.
Sót thương, kính phục, giận giữ…đó là những tình cảm cùng nhen lên trong tôi một lúc. Chờ đợi vài giây, vài phút, vài giờ đối với trái tim con người đã là căng thẳng. Đằng này, anh đã chờ đợi cả một kiếp sống; anh đã trải hàng muôn triệu những phút căng thẳng của đời người.
Thôi! Xin vĩnh biệt con người thần thánh đã chết vì sự trong trắng.
Anh đã khuân trên vai cả một hành lý khổng lồ của nhân loại. Cái hành lý trong trắng ấy là câu hỏi mà con người đã biết bao lần băn khoăn.
Đám ma của con người khổng lồ vác nặng ấy chỉ có hai người đi đưa: tôi và cháu Phượng. Hành lý của anh nặng nề thế mà túi anh chẳng có một xu nhỏ.
Đám ma nghèo, không kèn, không trống, không hoa, không tiếng khóc, không điếu tang, không cúng vái … không tất cả. Nhưng không khí đám tang sầu nặng vô cùng.
Mưa. Mưa rơi ào ào. Cả vũ trụ đi đưa anh.
Người lái xe, một con người hàng ngày vẫn nhận được đút lót của những chủ tang, hôm nay chẳng nhận được chút gì. Nhưng anh ta chẳng phàn nàn một câu. Khuôn mặt anh ta cũng chẳng hề cáu kỉnh. Thậm chí anh còn lái xe rất khéo, rất nhẹ nhàng. Anh nói:
“Để cho vong linh ông ấy được yên ả lúc chết”.
Anh lái xe thì thầm với tôi lúc hạ huyệt:
-Tôi chưa thấy đám ma nào buồn như đám ma này. Thưa ông, đây mới thật là đám ma.
Tôi đứng trước mộ Vinh chào anh lần cuối. Tôi nói:
-Thôi! Vĩnh biệt con người chờ đợi.
(Còn tiếp)
Phần nhận xét hiển thị trên trang