Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

TRƯ CUỒNG

(Tiếp theo – Phần 4) – Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh


Đồ  tể
   Tìm từ nguyên của từ ”đồ tể” thấy gồm hai thành tố: tiền tố đồ và hậu tố tể.
    Riêng hậu tố ”tể” chỉ thấy hiện diện trong hai từ khác: chúa tể và tể tướng. Hoá ra anh làm nghề giết lợn lại có họ hàng gần với những bậc chí cao: ông vua và quan đại thần tột bậc. Họ gần gũi nhau ở điểm gì? Xét cả ba nghề làm vua, làm quan, giết lợn, thì thấy cả ba giống nhau ở chỗ đều có quyền giết chóc kẻ khác. Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ tể có quyền giết lợn. Giết người là một quyền uy to lớn nhất, tối cao nhất trong mọi quyền. Suy cho cùng, có thể nói nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể; chỉ có khác, đối tượng giết ở đây là con người.
    Thế mà nghề đồ tể lại bị khinh rẻ. Ngày xưa, nhà Mạnh Tử ở gần nhà đồ tể, Mạnh Tử bắt chiếc chọc tiết lợn; mẹ Mạnh Tử là hiền mẫu, không muốn con tập nhiễm thú tính, bà liền dời nhà đi nơi khác. Xã hội khinh rẻ kẻ chém giết lợn, cho là kẻ thất đức nên trước chữ tể đặt thêm chữ đồ. Đồ lưu manh, đồ ăn cướp trong hai từ ấy, tiền tố đồ dùng để chỉ sự khinh miệt. Người ta khinh kẻ giết lợn, nhưng lại trọng kẻ giết người. Trong thiên hạ, ai cũng ham ngôi chúa tể, ngôi tể tuớng. Than ôi! Một thang giá trị đảo điên!
     Riêng tôi, tôi vẫn giữ lại trong ký ức hình ảnh người đồ tể thời xưa. Đó là một con người to lớn, vạm vỡ, mặc bộ quần áo nâu cứng đờ vì vấy máu. Xóm tôi ở gần Lò lợn, mà mẹ tôi không phải là một hiền mẫu như mẹ Mạnh Tử, nên hình ảnh người đồ tể xưa in rất đậm nét trong bộ óc thời thơ ấu của tôi. Một điều ta dễ thấy là anh đồ tể nào cũng hay uống rượu. Anh đồ tể của tôi thường đi chệnh choạng trên hè phố, mặt lầm lỳ, mắt đỏ ngầu, tay xách cái bị rủng roẻng những dao nhọn. Gặp người say, trẻ con thường hay chòng ghẹo, riêng đối với anh đồ tể, dù anh ta say khướt cũng chẳng đứa trẻ nào dám lơ mơ, ho he. Tôi còn nhớ rất rõ, cứ mỗi khi thấy bóng anh ta ở đầu phố, là lũ trẻ con lảng xa ngay. Anh đồ tể bước ngang qua cửa nhà tôi, đôi mắt vằn tia đỏ của anh nhìn thẳng vào mặt tôi, tôi vội vàng run rẩy cúi xuống. Chợt nhớ tới câu thơ xưa của Hàn  mặc Tử:
      …Run như run thần tử thấy long nhan 
     Ngày xưa, khi nhà vua du hành qua, thì người dân ai cũng phải quì rạp xuống, cúi đầu xuống, không được phép nhìn. Nhìn Vua là mắc tội khi quân. Anh đồ tể cũng có phong khí một ông Vua, nên ai ai cũng phải run sợ khi thấy anh ta.
     Có lẽ dần dần con người đã nhận ra được cái quyền uy đặc biệt ấy ở nghề đồ tể, nên con người hiện đại đã thay đổi cách nhìn đối với nghề giết lợn. Cũng có thể, tính chất đồ tể của xã hội hiện đại ngày càng mạnh, nên người ta không những không ghét, mà trái lại người thời nay quay trở ngược lại thích thú nghề giết lợn. Cũng có thể, vì ai ai cũng thích làm Vua, làm quan, nhưng ngôi vị Vua, quan lại quá ít, mà người thèm khát ngôi vị ấy lại quá nhiều, nên con người đã vô thức chuyển di sự thèm khát của mình sang nghề đồ tể. Như ta đã biết cả ba nghề ấy đều có quyền chém giết như nhau, song nghề Vua quan dù sao cũng phải chém giết một cách lịch sự, một cách gián tiếp, giết thế cũng hả đấy nhưng không được nhìn thấy dòng máu đỏ phụt ra … Còn nghề đồ tể thì lại khác, anh đồ tể ngày nào cũng được giết, mà lại giết một cách trực tiếp. Những xung động hung hãn nguyên thuỷ như thể chắc được thoả mãn hơn, kẻ đồ tể chắc thấy ”đã” hơn anh quan, anh Vua. Vì dù sao thì cũng là máu, máu người, máu lợn đều đỏ như nhau …

   Cái chất Trư Bát Giới hiện đại đang được xổng xích. Dục vọng hiện đại đang sôi như bão lốc. Nhưng có điều phải tinh ý, anh đồ tể hiện đại rất khó phân biệt với người thường. Phải nhớ, anh ta không mặc bộ quần áo nâu cứng máu như thời xưa, và mắt không lờ đờ vằn tia đỏ như ngày xưa. Tôi đã được hân hạnh dự một cuộc liên hoan ngoài Lò lợn gần đây.. Những chàng đồ tể hiện đại trông như những thư sinh, thân thể thon thả trong những bộ trang phục đắt tiền nhất, hợp thời trang nhất … Họ biết uyển chuyển nhẩy những điệu vũ rất uốn éo và cũng biết cầm cả những cây ghi ta xanh đỏ để hát những bản tình ca mùi mẫn …
    Mà cứ gì anh đồ tể. Chúng ta hãy tự lặng lẽ suy ngẫm về mình. Tại sao ta chẳng nói rằng bất cứ ai cũng có thể là anh đồ tể. Con người hiện đại yêu cuồng dại, mà căm thù cũng cuồng dại, vì thế trong tim ai cũng đều lấp ló một anh đồ tể.

*
*   *

    Thực ra, anh bạn Tám của tôi đã viết một bài nghiên cứu có tính xã hội học. Đọc xong bài viết, cứ thấy nhức nhối trong lòng. Cứ nhớ mãi câu kết: ”Trong tim ai cũng đều lấp ló một anh đồ tể.” Tôi chợt cảm thấy một nỗi buồn thấm thía. Ân hận chăng? Té ra tôi là một anh đồ tể, tôi đã chọc tiết tâm hồn vợ con tôi. Tôi biết mấy đêm nay vợ tôi vẫn khóc thầm khi tôi ngủ. Đêm nay, tôi chợt giật mình thức giấc giữa đêm khuya. Có một tiếng động gì tấm tức bên tai. Tôi lắng nghe và hiểu ra, tôi nằm lặng, cứng đờ. Đằng sau lưng tôi người đàn bà đang nức nở … Có thể sự xấu hổ, sự tự ái đã bắt tôi nín lặng. Có thể tôi không đủ trơ trẽn để tự cho mình là cao thượng, để làm lành với nàng. Cũng có thể tôi không đủ đạo đức giả để tin mình là không độc ác, để cho rằng sự giận hờn, sự nghi ngờ đã tan biến trong tôi.
     Tôi nằm im bên tiếng tấm tức với nỗi sầu muộn, với sự sợ hãi và không phải là không có niềm thương xót. Và cuối cùng không chịu nổi tiếng tấm tức ấy, tôi ngập ngừng quay lại, giơ tai đặt lên mặt nàng. Có lẽ đêm tối làm bàn tay run rẩy của tôi quên xấu hổ, nó nhẹ nhàng xoa khô những giọt nước mắt trên má người đàn bà, rồi lặng lẽ nhẹ nhàng trườn lên mí mắt, và bò xuống vành tai, cái vành tai đầy đặn, cái vành tai đẹp, cái vành tai quí tướng mà nàng vẫn thường khoe và vẫn thường thích tôi mơn man nhẹ nhàng trên đó.
    Người đàn bà lặng im để yên cho tôi ve vuốt khuôn mặt. Nàng đã thôi khóc. Khi bàn tay mơn man đến vành tai thì có lẽ sự thờ ơ, sự xấu hổ trong nàng cũng tan biến. Cái thân thể nóng hổi của nguời đàn bà chợt run rẩy trong tay tôi.
     Thân xác con người đôn hậu hơn tâm hồn. Nó rộng lượng hơn và bao giờ nó cũng đi đầu trong những cuộc làm lành. Nó là người thợ hoá trang rất tài tình, nó biết khâu lại xoa kín đi, những rách nát đời người. Nó là nhà ngoại giao uyển chuyển có thể làm xích lại, thoả hiệp những xung đột tưởng chừng như không hoà giải. Một nhà ngoại giao không cần lời nói, nhà ngoại giao của những bàn tay và những làn da.
      Nàng có một làn da rất đẹp, một làn da trắng mịn ngọc ngà, một làn da mát mẻ đầm ấm, một làn da mà tôi quên lãng bao lâu. Nàng có một hốc nách ngai ngái, cái hốc nách mà tôi vẫn chúi mũi vào để khơi gợi cái khao khát trong nàng thức dậy. Người đàn bà giang rộng vòng tay đón nhận tôi. Tôi lặng lẽ đi vào bên trong thẳm sâu nàng. Tôi đi vào một cách vụng về, không háo hức. Hình như than xác tôi còn mơ ngủ, mới chỉ nửa chừng thức dậy. Còn nàng nàng đã tha thứ hết. Tôi hiểu vậy, làn da nàng nói như vậy, thân xác run rẩy của nàng nói như vậy. Nàng đằm thắm gọi hồn tôi về nhập vào cuộc giao hoan. Tôi ra sức chiều nàng, cố đáp ứng lại nàng … song … lạ chưa! Tôi vẫn như kẻ mộng du trong cơn ân ái. Sự cố sức ấy chẳng thể đánh thức nỗi khoái cảm thức dậy trong tôi. Tôi âu lo … còn nàng thì ngỡ ngàng. Tôi úp mặt vào đôi vú tròn trịa và thở dài … Bỗng dưng nàng chợt hiểu … có thể nọc độc của những hờn căm dai dẳng đã làm tê liệt những cảm xúc rất người trong tôi. Có thể ở một góc tối nào của tâm hồn tôi còn bị che phủ mờ, nó vẫn còn chối bỏ sự xoa dịu. Một con vật thầm kín nào đó thức dậy trong tôi, nhưng cũng có một con vật thầm kín nào khác còn ngủ lịm trong tôi. Một cuộc giao hoan thảm thương!
     Tôi nằm lặng song song bên nàng, mắt nhìn trân trân vào bóng tối. Còn nàng bỗng dưng nức nở. Nàng ôm lấy tôi và nức nở. Tủi hận vì cho mà chẳng được nhận chăng? Lo sợ một cái gì khủng khiếp đã xảy ra trong thân xác tôi chăng? Thương chăng? Giận chăng? Tôi lặng lẽ vuốt ve làn da trắng mịn. Làn da run lên khi gặp tay tôi. Làn da ngọc ngà cũng biết đắng cay. Sự thương xót bỗng dâng lên tràn ngập. Tôi vuốt ve, vuốt ve và thì thầm: Nín đi em! Nín đi em!
                                
Ngày … tháng …
    Lợn Bò định âm mưu gì? Nó lầm lầm lì lì. Tôi đứng bên chuồng lợn ngắm nghía nó hàng tiếng. Mới chỉ lơi quan sát ít lâu, mà có cái gì đó khác lạ xảy ra với nó. Mọi khi thoáng thấy bóng tôi là nó đã chồm ngay lên, bám hai chân trước vào dóng tre và rống lên đòi ăn. Hôm nay, nó không làm thế, nó chỉ đứng lặng lẽ gườm gườm nhìn tôi như muốn nói “Tại sao ngươi cứ rình mò ta? Sao ngươi không để ta yên. Đây là chuồng lợn, hãy nhớ đây là chuồng lợn chứ không phải chiếc ghế bành cà khổ bên bàn trà để ngươi ngồi tư lự”.

Ngày … tháng …
     Vợ tôi lặng lẽ. Cuộc gặp gỡ thân xác đêm xưa vẫn không xoá nổi nỗi buồn phiền. Cô ta hiểu im lặng lúc này là cần thiết. Cái kỷ niệm đêm hôm ấy thật quá ngỡ ngàng, thật không tương hợp với những đổ vỡ quá ư to lớn trong đời sống vợ chồng. Giá như từ điểm xuất phát đêm xưa, tôi cố từ từ xích lại … đằng này tôi cũng chỉ im lặng. Có lẽ vì vậy nên sự lặng lẽ của vợ tôi là đúng. Bắt đầu là im lặng, tiếp theo là lẩn tránh. Cả hai chúng tôi đều ít muốn đối diện với nhau. Lắm lúc, tôi cứ tự hỏi tại sao tôi lại im lặng. Có lẽ tôi lặng lẽ vì thân xác tôi muốn tôi lặng lẽ. Sự bất lực đêm xưa là một tín hiệu, một ngôn ngữ ẩn ngầm. Gượng ép để làm gì? Giả dối để làm gì? Thân xác tôi nói vậy. Tôi để mặc cho nọc độc hờn oán trong từng tế bào li ti của tôi dần phai nhạt để biến thành nỗi phiền muộn ưu uất. Ước mong một ngày kia nó sẽ thăng hoa thành niềm thương xót … Cũng có thể sự lặng lẽ ấy là dư âm của những nghi ngờ, dư âm của một mơ ước bị lăng nhục … Cũng có thể nó là khởi đầu của sự dày vò hối hận, của sự tự trừng phạt của một linh hồn nhạy cảm … Nào ai có thể hiểu cặn kẽ cội nguồn của nó.
     Cậu con trai của tôi cũng lặng lẽ. Nó bị lây nhiễm vì không gian lặng lẽ. Cứ ở trường đại học về nhà, là nó lại trèo lên gác xép, chúi đầu vào đọc Trang Tử. Ô hô! Cái ông già Trang Tử, khi vợ chết, đem mâm ra gõ, mang nồi ra gõ, rồi cầm đàn vừa gẩy vừa hát nghêu ngao, hoá ra cũng có chỗ đúng trong cái mùi sặc sụa, mùi lợn này sao?
     Cả đến con lợn Bò cũng im lặng. Chúng ta im lặng còn có lý. Còn ngươi sao ngươi im lặng? Đúng là ngươi vẫn đang âm mưu một cái gì.
    Tám bách khoa đến chơi; anh chàng hình như đánh hơi thấy cái mùi lặng lẽ của nhà tôi. Anh chàng gàn ấy sộc ngay ra chuồng lợn, ngắm nghía chú lợn Bò, sau đó quan sát căn nhà tôi ở, rồi thốt lên khúc láy quái gở:
     -Ô nhiễm! Ô nhiễm!
    Tiếp đó, Tám thốt lên một từ ngữ la tinh khoa học gì đó nghe rất kỳ dị. Anh ta nói lầm bầm nên tôi chỉ nghe ra một thứ âm ”nô nô ni ni”  rất lạ tai. Tôi hỏi :
      -Anh nói ”nô nô ni ni” là cái gì?
     Tám không trả lời. Hình như anh không nghe thấy lời tôi hỏi. Hay có thể nói, Tám đang bận tư lự một điều gì đó rất quan trọng. Tôi mời nước, Tám cũng không nghe thấy tiếng tôi mời. Tôi nhìn bạn, thương hại. Tôi thầm nghĩ: chắc Tám ốm. Hôm trước, tôi đến chơi, thấy Tám nằm đắp chăn trên giường; cửa đóng kín mít; nhà tối như hũ nút.
- Anh không đi dạy học hôm nay?
- Tôi xin nghỉ một tuần.
- Sao?
- Còn sao nữa? Chúng ta là một lũ lợn. Anh còn định bắt tôi dạy học sao? Tôi … rất thương lũ trẻ.
   Tôi ôn tồn:
- Tám ơi! Anh ốm rồi đấy. Anh cần nghỉ ngơi. Có lẽ anh nên xuống ở với tôi. Anh ở đây một mình lỡ ra ốm to, ai chăm sóc cho anh?
- Cám ơn! Tôi không ốm. Mà tôi cũng không thể nào xa căn phòng này được. Sống ở ngôi nhà lạ, tôi thấy bối rối, khó chịu. Cứ để tôi ở đây …
      Có mấy người bạn đã cho tôi hay về những hành vi khác thường ở Tám. Từ ít lâu nay người ta bảo Tám đến lớp rất rộng rãi với học trò. Học sinh thích điểm nào, Tám cho ngay điểm ấy.
- Em xin thầy điểm bảy.           
Đó là yêu cầu của một học sinh biết điều.
- Em xin thầy diểm chín.           
Một học sinh kém lại yêu cầu Tám cao đến thế.
- Em thích điểm mười tôi cũng cho – Tám lầm bầm – Cho em điểm mười, tôi cũng chẳng mất cái gì, và em cũng chẳng được cái gì. Một khi tai hoạ đang đổ xuống đầu chúng ta thì keo kiệt một vài điểm với các em cũng chẳng ích gì.
      Lũ trẻ ngạc nhiên:
- Thưa thầy, tai hoạ gì ạ?
- Khốn khổ! Các em thì ngây thơ, còn tai hoạ thì … tràn lan. Thật khủng khiếp!
      Chính vì vậy, nên khi Tám xin nghỉ, ông hiệu trưởng chấp thuận ngay. Ông còn giục Tám đi khám bệnh, song Tám không đi. Anh chỉ nằm dài suốt ngày trong phòng, đóng kín cửa lại và ăn bánh mì, uống nước trắng.
      Tôi ngồi xuống bên Tám:
- Có lẽ anh nên ngừng viết.
- Anh bảo sao?
- Tôi cho rằng anh nên tạm ngừng viết cuốn Bách Khoa Lợn. Tôi sợ rằng … anh nghĩ ngợi quá nhiều đâm sinh bệnh.
- Anh thật ngớ ngẩn, ngốc nghếch. Có bao giờ ai viết sách lại sinh ốm đâu. Anh nên hiểu: viết sách sẽ khỏi bệnh. Người suy nghĩ, nếu không viết, chữ nghĩa sẽ bề bộn trong óc, gây cho ta phát sốt hoặc chí ít gây ra mệt mỏi. Nhưng nếu chữ được tuôn ra trên trang giấy, óc có chỗ thoát, ta sẽ được vơi nhẹ. Tất là khỏi bệnh.
- Nghe ông nói, cứ tưởng như ngôn ngữ có thể trị bệnh.
- Chứ sao! Viết là một phương pháp trị bệnh: ngôn ngữ liệu pháp.
- Nói xong Tám mỉm cười. Chẳng còn biết anh nói đùa hay nói thật. Còn tôi thì lắc đầu.:
- Ông điên rồi. Ông chỉ bịa ra những lý thuyết quái quỉ.
       Sau hôm gặp ấy, tôi cho rằng Tám đang bị rối tinh thần. Tôi đi đến một quyết định: có lẽ không nên tranh cãi với Tám, và cũng không nên để cho Tám nói nhiều. Chính vì vậy, hôm nay tôi im lặng, mặc dù tôi rất muốn hỏi ra cái chữ ”nô nô ni ni” quái quỉ của Tám.
      Tôi im lặng nhìn bạn; còn Tám cũng ngồi im lặng. Ông khách lạ lùng ấy không thèm nhìn chủ nhà, cũng không thèm gợi chuyện chủ nhà. Như một người điên, Tám đăm đăm nhìn vào một cõi xa vời. Dáng trầm ngâm của anh làm tôi bối rối, chẳng biết phải nên đối xử ra sao. Rồi, bất thình lình, Tám đứng dậy, chụp cái mũ len xuống kín mít đầu. Qua khoảng hở của chiếc mũ, đôi mắt long lanh của anh nhìn tôi chằm chằm, và môi anh lẩm bẩm. Đôi mắt ấy, đôi môi ấy đang tiên tri một điều gì đó qua câu thần chú khó hiểu:
      …Nô nô.
      …Ni ni.          

Ngày … tháng …    
      Tôi và Lân đến thăm Tám. Bạn tôi khoá trái cửa, anh nói vọng từ trong phòng ra:
- Các cậu về đi. Tuần này, tôi không thể tiếp bất cứ ai.
- Ông giận chúng tôi sao?
- Tôi chẳng giận ai. Xin để tôi yên. Một tuần lễ nữa, tôi sẽ tiếp các cậu.
-  Có chuyện gì vậy? – Chúng tôi lo lắng.
- Chẳng có chuyện gì cả. Tôi chỉ cần yên tĩnh một thời gian. Có thế thôi.
      Chúng tôi trở về với tâm trạng vô cùng lo ngại. Hay là …hay là …Tám đã bắt đầu điên?

Ngày … tháng …
      Ngừoi hàng xóm của Tám bảo đã ba hôm nay Tám không hề ló mặt ra đường, vì vậy nỗi lo ngại của tôi và Lân lại càng tăng. Tám ốm, lại không ra đường, vậy ba hôm vừa rồi Tám ăn uống ra sao? Có thể anh ấy đã ốm nặng. Chúng tôi cương quyết gõ cửa phòng Tám, nhưng chẳng thấy tiếng trả lời. Nỗi lo ngại càng tăng, chúng tôi gõ cửa mạnh hơn, rồi thậm chí xô đập cửa, rồi đấm cửa thình thình. Và chúng tôi gọi to:”Tám! Tám”. Vẫn cứ lặng như tờ. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Lân bảo:
- Chắc đã xảy ra chuyện gì.
- Hay là … ta phá cửa.
- Tôi giơ chân đạp mạnh. Đến lúc ấy mới thấy tiếng nói của Tám.
- Này hai anh bạn. Đừng làm ồn ĩ như thế.
      Chúng tôi van vỉ:
- Tám đấy ư? Cậu ốm nặng đấy. Hãy mở cửa cho bọn mình.
Bên trong, một tiếng cười ngặt nghẽo của Tám:
- Rõ vớ vẩn! Tớ vẫn khoẻ như vâm. Chẳng sao cả.
- Cậu nói dối. Chúng tớ van cậu … Hãy mở cửa ra … Cậu rất cần bác sĩ lúc này.
- Thôi đi! Quấy rầy! Quá đủ rồi – Tám cáu kỉnh - Đã bảo người ta chẳng làm sao cả.
- Chả sao mà lại nằm lì, đóng cửa phòng ba hôm.
- Người ta cần yên tĩnh. Yên tĩnh! Hiểu chưa?
- Thế … ăn uống ra sao?
- Rất ngon lành. Tớ đã có ba cân bánh mì tẩm đường, sấy khô, và một gánh nước. Lại cả bếp dầu … Lại cả chiếc bô vệ sinh … Tám nói xong cười rúc rích.
      Chúng tôi nhìn nhau. Đúng là giọng Tám vẫn sang sảng. Và cũng chẳng thấy dấu hiệu gì là mất trí khôn trong cách đối đáp của anh ta. Tám không ốm thật. Chúng tôi thở phào. Tuy nhiên riêng tôi vẫn nghĩ thầm: ”Tay này chưa điên đâu, nhưng ít nhất cũng đang lên cơn gàn, tức là đang mấp mé bên bờ vực của những cơn rồ dại.” Chúng tôi lặng lẽ ra về; trước khi đi chúng tôi còn dặn dò nhờ người hàng xóm trông chừng anh bạn của chúng tôi, và nếu có điều gì khác lạ thì phải báo cho chúng tôi ngay.

Ngày … tháng …  
       Một sự việc quan trọng đã xảy ra trong chuồng lợn của tôi. Có thể nói, một cuộc cách mạng đang xảy ra ở đấy.
       Sự việc đầu đuôi như sau: Hôm nay, nhà tôi có ba chiếc đầu cá mè. Vợ tôi mua được ba cân cá phiếu. Khúc giữa và khúc đuôi dành để người ăn, còn khúc đầu dành phần cho lợn. Bỏ ba chiếc đầu cá mè vào, nồi cám lợn bỗng thơm ngon khác hẳn mọi ngày. Có váng mỡ nổi lềnh bềnh, thậm chí có mùi thơm phức.
       Khi tôi đổ cám vào máng, con lợn Bò liền xông ra trước tiên. Nó đã có vóc dáng khoảng chừng bốn chục cân. Nó đã to ềnh, còn lũ ỉn thì đang còn choai choai chỉ khoảng trên hai chục cân mỗi con. Hôm nay có cám ngon, đột nhiên con lợn Bò thay đổi hẳn tính nết. Nó mới ăn được vài miếng thì ba con ỉn mới bắt đầu sục mõm vào máng. Bò ta tức thì hất băng con ỉn lang đứng cạnh, sau đó quay mặt sang phía bên kia để cắn vào tai con ỉn trắng còn đang mải miết ăn. Con lợn trắng kêu ré lên thảm thiết. Lần đầu tiên, con lợn Bò có hành vi hung bạo đến thế. Lũ ỉn bị tấn công bất ngờ, cả ba con thoạt đầu còn ngơ ngác, nhưng chỉ một lát sau cả ba con ỉn đều nhất loạt xông vào đánh lại. Hình như con lợn Bò đã chuẩn bị sẵn trước. Nó đứng lùi vào một góc chuồng để tránh bị tập hậu. Như một võ sĩ nhà nghề đã quen chiến trận, nó nhằm vào con ỉn lang, con ỉn đầu đàn, rồi lao đến như một quả trái phá, cắn vào bụng. Con lợn ỉn ngã chổng bốn vó lên trời. Thế là con lợn Bò thả sức nào cắn, nào nhay, nào húc … Con ỉn lang cuống cuồng đứng dậy chạy trốn. Con lợn Bò chồm hai chân cưỡi lên lưng con lợn lang, đè bẹp đối thủ, bắt nó phải quị xuống dưới sức nặng của mình. Con Bò cắn gáy con Lang. Con Lang đau quá rít lên rồi rống lên thê thảm như đang bị cắt tiết. Hai con lợn ỉn kia sợ hãi, rúm ró đứng ở xó chuồng cứt đái. Cuối cùng con ỉn Lang, con ỉn đầu đàn cũng thoát được khỏi nanh vuốt con lợn Bò, nó chạy đến bên lũ bạn và run cầm cập.
       Đến lúc ấy, Bò ta đĩnh đạc đường hoàng đến bên máng ăn và chén một mình. Nó ăn phè phỡn, thật no thật chán, đến lúc cái bụng căng phình mới đủng đỉnh đến chỗ cái tải khô và nằm xuống, lim dim con mắt.
       Lẽ dĩ nhiên con lợn Bò không thể ăn hết cám, bởi vì sức chứa của bụng nó chỉ có giới hạn. Nhưng rõ ràng phần cám của ba con lợn ỉn đã bị con lợn Bò ăn lẹm vào; vì vậy bữa này, sau khi con lợn Bò đã ngủ, ba chú ỉn mới dám lân la đến máng ăn, vừa ăn vừa run và ăn xong thì bụng còn đói.
      Tôi sang nhà Lân, thông báo tình hình mới xảy ra trong chuồng lợn. Mắt Lân sáng lên:
- Có thế chứ. Chẳng lẽ con lợn Bò của anh lại là giống hèn hạ. Hèn nào vừa qua, tôi cứ ngờ ngợ.
      Rồi Lân sang ngay nhà tôi, anh ra chuồng lợn và tỏ vẻ hỉ hả:
- Thì ra mày là giống tinh ma. Biết trường kỳ mai phục. Giỏi! To xác thế mà thâm. Mày học được cái sách nhẫn nhục của Hàn Tín. Ha ha … biết nằm gai nếm mật. Biết nằm chỗ hôi thối để chờ thời, để chờ cho sức mình đủ mạnh. Và cuối cùng đã choảng cho bọn đối thủ một trận tơi bời …
      Tôi lặng lẽ mỉm cười nghe Lân khoái trá đọc bài diễn văn hùng hồn đó. Rồi anh vội vã quay về nhà mình, mang sang một bó rau muống. Anh gật gù:
- Phải thưởng cho nó Hoàng ạ. Nó có liêm sỉ …
- Liêm sỉ? Tôi hỏi nhưng Lân không trả lời, anh vẫn tiếp tục dòng suy nghĩ của riêng anh.
- Rau muống tươi là món ăn ngon nhất có phải không? Nào! Bò vét đĩa! Lại đây tao thưởng. Rau rất non vợ tao mới mua.
      Lân tung những ngọn rau xanh muốt lên sàn chuồng xi măng, rồi sáng mắt khoan khoái nhìn con lợn lông vàng xô tới nhai ngấu nghiến nhai rau gau gáu. Lũ lợn ỉn cũng đứng dậy theo, mắt thèm thuồng nhìn những ngọn rau, song chúng vẫn chưa hết sợ, nên chỉ biết đứng thèm thuồng nhìn con lợn Bò đang vênh vang chén bữa tiệc rau.

Ngày … tháng …
      Cuộc chiến tranh lần thứ hai lại xảy ra trong chuồng lợn của tôi. Lũ ỉn không cam chịu. Chúng cố sức đánh trả hòng chiếm lại những đặc quyền đã bị con lợn Bò nổi loạn chiếm mất. Cuộc chiến diễn ra suốt ngày, suốt đêm. Thỉnh thoảng lại vang lên tiếng chí choé. Sau đó lại hưu chiến, lại im lặng. Tôi gan lì ngồi trong chiếc ghế bành, hút thuốc lào vặt. Tôi lại áp dụng cách giải quyết lần trước, nghĩa là cứ để mặc cho chúng hục hặc với nhau, để rồi rốt cuộc sẽ tiến tới sự cân bằng. Sẽ có một bên thắng, và một bên chịu lép vế; hoặc nếu sức mạnh đôi bên đồng cân đồng lạng thì sẽ có sự chung sống bình đẳng.
      Nghe tiếng lợn ẩu chiến kể cũng buốt ruột, nhưng biết làm sao được. Nhà chật và không có tiền, nên không thể có một chuồng lợn thứ hai để tách đôi chúng ra.
Ngày … tháng …
      Đầu, mõm, tai, thân thể của ba con lợn ỉn đều sây sát rớm máu, nhưng chúng vẫn không chịu thua. Chúng vẫn tuyệt vọng chiến đấu. Và đến lúc này thì chẳng còn cần đến những luật chơi nữa. Mọi trò quân tử hão, anh hùng hảo hán, hay chơi đẹp đều bị vứt bỏ tuốt tuột. Lũ ỉn đánh mọi lúc, chơi bẩn, cắn trộm, đánh khi ăn, cắn khi ngủ. Cũng vì vậy nên sự hằn thù của đôi bên đã trở nên rồ dại. Con lợn Bò đến lượt mình cũng quẳng nốt luật chơi … Chính vì vậy nên đến ngày hôm nay, có thể nói, cuộc chiến đã trở nên quyết liệt.
      Tôi vẫn ngồi lì bên bàn nước. Cũng đã nhiều lúc tôi định rời bỏ cái lô cốt của mình để ra can ngăn lũ lợn, nhưng rồi tôi lại tự dằn mình ngồi yên. Tôi ngồi yên với hy vọng rằng chiến tranh đến lúc cao điểm nhất tức là đã đến gần doạn chót nhất.
      Đến chiều, khi vợ tôi có mặt ở nhà, nghe lợn kêu, cô ta cũng ngồi lì, song đến khi lũ lợn ẩu đả nhau rát quá, cô ta ngơ ngác nhìn tôi, rồi nhấp nhổm định chạy ra chuồng lợn. Ở ngoài, đấy là chiến tranh nóng, còn giữa chúng tôi chắc là chiến tranh lạnh. Tôi đâu phải là gỗ đá; thú thật, tôi buốt ruột vô cùng, nhưng không hiểu có một sức mạnh nào đó đã ngăn cản làm cho tôi bỗng trở nên gan lì. Lúc trước, hoàn toàn do cách lý luận chăn nuôi nên tôi đã ngồi yên. Tôi muốn bằng cách tự nhiên để cho đàn lợn tự thích ứng với nhau đi đến chỗ cân bằng. Còn bây giờ lại là chuyện khác.khi có cái nhìn của vợ tôi xen vào, lúc này lại thêm yếu tố tâm lý. Lúc cầm bút viết những dòng chữ này tôi thấy thái độ của tôi lúc đó thật kỳ quái, thật không thể hiểu nổi. Thế mà tôi đã sử sự như thế đấy. Có ai có thể tin rằng khi vợ tôi bịt tai lại để khỏi nghe tiếng lợn đánh nhau, rồi cô ta nhăn mặt đứng dậy, rồi đùng đùng dắt xe ra cửa, thì lúc ấy lòng tôi chợt thấy hả hê không? Thế mà chuyện đó đã xảy ra rồi đấy. Khi tôi rít điếu thuốc lào ròn tan thì lòng tôi chợt chùng ngay xuống. Khi không còn nhìn thấy khuôn mặt của vợ tôi đối diện nữa thì lòng tôi lại thấy buồn tênh. Chao ôi! Thật là nẫu ruột.

Ngày … tháng …
      Đêm nay ấm trời. Có lẽ vì vậy nên cuộc chiến trong đàn lợn của tôi dịu đi. Chỉ thấy vài tiếng chí choé không đáng kể. Có thể lũ lợn đã mệt nhoài sau mấy đêm ngày ẩu đả, thấy cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức. Và nhân đêm ấm trời, chúng tranh thủ ngủ.
      Trời ấm, lòng tôi cũng dịu đi. Tôi ngồi trên chiếc ghế bành cà khổ và lại rơi vào trạng thái miên man suy nghĩ. Tôi chợt thấy thèm viết. Tôi vẫn thường trốn lủi khỏi cuộc sống bằng cách ngồi trước trang giấy. Vợ tôi vẫn bảo: ”Anh viết làm gì? Nên vương nên tướng gì? Cũng chẳng ra cơm, ra gạo. Chỉ là hạt cát bụi thôi.” Thì tôi đâu có cãi. Đúng, tôi chỉ là cát bụi. Thậm chí ngòi bút của tôi đã đem lại cho tôi bao oan trái. Tôi hiểu thân tôi là kiếp dã tràng. Nhưng tôi không thể baogiờ cưỡng lại nổi cái ham muốn ngồi trước trang giấy đó. Tôi vặn ngọn đèn dầu cho to lên. Tôi đang làm một công việc kép: Vừa trón chạy cái eo óc thường nhật, vừa mổ xẻ phanh phui nó ra; cho cái ảo tan loãng vào cái thật; cho những thù hận được thăng hoa thành những hạt châu lóng lánh, cho kiếp nhân sinh bèo bọt phải trở thành linh thánh.
      Đêm nay tôi viết một truyện ngắn.

Truyện Hồ Ly

      Có một lần, sau một ngày bị hỏi cung, tôi buồn bã đạp xe lên Tây Hồ. Tôi muốn khuây khoả. Tôi muốn gió hồ làm dịu đi những cay đắng, lo sợ, phiền muộn, thù hận đã tích tụ nhiều ngày. Tôi đi qua mặt nhiều người mà chẳng rõ mặt ai. Tôi chọn một chiếc ghế đá ở một chỗ ngồi vắng vẻ nhất. Tôi ngòi đấy hút thuốc, đầu óc vẫn nghĩ miên man. Lo đối phó với cuộc hỏi cung ngày mai, đoán định những cái bẫy, những ẩn ý trong những câu hỏi mà người sĩ quan an ninh đeo kính đã đặt ra cho tôi ngày hôm ấy.
      Tôi buồn, tôi buồn lắm. Cô đơn nữa. Chẳng có ai để mà tâm sự giãi bầy. Nỗi cô đơn đến mức tuyệt vọng như một hoang đảo đang bị tàn phá mà không một bóng người đến cứu. Tôi biết những người an ninh muốn dẫn tâm hồn tôi đến tình trạng như vậy. Sự cô đơn của người bị hỏi cung là một vũ khí của người làm công việc an ninh. Cái tâm thế của kẻ bị vây hãm, lẻ loi tuyệt vọng, khi đến một giới hạn sẽ là sự đầu hàng vô điều kiện. Thêm vào đó là sự sợ hãi là những đe doạ. Sáng nào cũng phải trả lời một tập hợp điệp khúc mở đầu:
- Tối qua về, anh có gặp ai không?           
- Có thông báo với ai về những nội dung tội lỗi của mình không?
- Đêm qua đã suy nghĩ kĩ thêm về những hành vi tội lỗi của mình như thế nào?
      Tôi hút thuốc lá liên miên cho đến lúc trời chạng vạng.
- Kìa, anh Hoàng! – Tiếng một người đàn bà nào đó gọi tôi. Tôi quay lại - Đó là một cô giáo, một người bạn quen đã từ lâu. Tên cô là Ly, một cái tên rất âm nhạc. Mới trông thấy tôi Ly đã cười.
- Gớm! Hôm nay mơ mộng thế. Ngồi Hồ Tây một mình.
      Cám ơn trời đã ban cho cô gái đó cái tiếng cười tuyệt diệu. Ở chỗ vắng vẻ thì tiếng cười nở rộ ra như những tiếng chuông pha lê. Nó mời mọc tâm hồn ta thư dãn, nó gọi những nụ cười còn lẩn tránh trong ta phải xuất hiện trên đôi môi. ở chỗ đông người, thì tiếng cười đó kết tinh lại thành một mỉm cười, để lộ ra một hàm răng ngọc ngà đều đặn; và tiếng cười vì không thành tiếng, nên đã phải thoát ra bằng những tia mắt long lanh ấm áp.
      Tôi thầm cám ơn cái mát mẻ dịu dàng đầy ơn phước toả ra lung linh từ con người cô. Chắc cô chẳng biết chuyện tôi, nên cô chẳng an ủi, nhưng lòng tôi chợt dịu lại. Cô ngồi xuống cạnh, líu lo bằng một giọng nói có nhạc điệu lúc đầy lúc vơi:
- Có anh chàng hỏi em từ đâu tới? Anh chàng nịnh em rất khéo. Không nói ra, nhưng ý muốn bảo em là tiên đấy … Từ trên trời bay xuống mà …
      Nói xong Ly cười rồi hỏi tôi:
- Đố anh Hoàng biết em từ đâu tới nào?
- Xin chịu – Tôi lắc đầu.
      Cô ta thì thầm nho nhỏ:
- Em là con Hồ Ly đấy. Con Hồ Ly chín đuôi sống ở Tây Hồ anh có biết không? Chắc anh đọc sách cổ nên biết em ở đằng kia kìa … Có một hòn núi đất, ở đó có cái hang của con cáo chín đuôi. Con Hồ Ly tu luyện nhiều năm, thường biến thành người đàn bà đẹp, giao duyên cùng các văn nhân tài tử …
- Tôi nhớ rồi … - Tôi cũng bắt đầu nhập cuộc chơi. Dùng ngôn ngữ ẩn, những điển tích, để tạo ra một không khí mờ ảo, cái không khí rất cần cho một kiếp người mà đời sống thường nhật quá xô bồ, quá rõ nét. Không biết cô Ly có tâm sự gì không, hay chẳng qua chỉ là một chút xót thương, một cảm nhận những nét ưu phiền trên gương mặt nhàu nát của tôi? Và bằng sự nhạy cảm bản năng của người đàn bà, cô hiểu cái ma lực của sự bâng khâng mờ ảo, của một lung linh siêu việt; cô đã dùng cái mờ ảo ấy để an ủi tôi chăng.
- Tôi nhớ ra rồi … Tôi biết rồi. Cô Hồ Ly chín đuôi hàng vạn năm đã tu luyện tại đây. Sống trên một chiếc hồ đầy sương mù nên cô ta cũng sinh ra mơ mộng. Cô ta hoá thành người, yêu một anh học trò. Người con trai có khuôn mặt đẹp đẽ ấy lại là con người tồi tệ. Anh ta đã đánh cắp viên ngọc của cô gái Hồ Ly. Công tu luyện hàng vạn năm phút chốc đã trở thành mây khói. Cô gái đã mất hết phép mầu và trở về kiếp cáo …
      Cô gái cười và ngắt lời tôi:
- Anh chưa biết đoạn cuối.
- Sao? Làm gì còn đoạn cuối.
- Có chứ! Đoạn cuối hay hơn.
- Lại thế nữa.
- Hay hơn vì con cáo ấy đã mất thêm một ngàn năm nữa để tu luyện lại và lại đắc đạo lần thứ hai. Con cáo lại có thể biến thành cô gái đẹp … để đi dạo bên Hồ Tây … và để tiếp tục những mối tình huyền ảo.
      Tôi cười:
- Chắc lần này cô Hồ Ly ấy khôn ngoan hơn, không để mất đi viên ngọc lần thứ hai.
- Không đâu. Cô ta vẫn chẳng khôn ngoan hơn chút nào. Bởi vì khi trở thành cô gái, thì con cáo kia lại đam mê.
- Và nếu cô ta lại mất ngọc?
- Thì cô ta sẽ tu luyện lại lần thứ ba. Em tin chắc là thế.
- Thực ư?
      Cô gái nhìn tôi với nụ cười kỳ ảo. Còn tôi lặng lẽ cúi đầu. Không biết cô gái có tiếng cười pha lê ấy muốn nói gì với tôi bằng cái ngôn ngữ huyền hoặc đầy hàm nghĩa ấy? Nhưng tôi chợt thấy vững tin ở mình hơn. Tôi im lặng quay trở về với những suy nghĩ trong cuộc hỏi cung hôm nay. Đâu còn là hỏi cung. Phần kết đấy. Một sự dụ dỗ đấy. Người sĩ quan an ninh đeo kính trắng, trong căn buồng trắng thủ thỉ với tôi.
- Chúng tôi đã xem kỹ lưỡng lý lịch của anh. Chẳng có dính líu gì với quá khứ với phong kiến đế quốc. Anh bản chất tốt. Anh phải giúp chúng tôi.
- Nghĩa là thế nào?
- Anh là văn nghệ, anh quen giới văn nghệ … chắc anh hiểu tôi muốn nói gì . Anh lại có khả năng viết. Nếu anh giúp chúng tôi, chúng tôi sẽ giúp lại anh. Anh lại có thể in sách in báo … Còn nếu không … chắc anh cũng hiểu đấy.
      Tôi lặng lẽ cầm tay cô gái. Cô Hồ Ly xinh đẹp ơi. Xin cám ơn cô về một huyền thoạt đẹp. Cô gái dắt tay tôi đứng dậy:
- Anh ưu phiền  mà làm gì?
      Trong giọng nói run run cảm động ấy, tôi chợt hiểu cô gái đã biết rõ về tôi hơn là tôi nghĩ. Cô mỉm cười khi tôi nắm hai tay cô và nhìn vào đôi mắt trong trẻo của cô.
- Hình như anh định xin em một cái gì?
- ???
Tôi lặng lẽ nhìn cô không đáp.
- Em cho anh đấy. Nhưng khẽ nhẹ thôi. Anh hôn vào vành tai em ấy.
      Tôi ngơ ngác … rồi khẽ cúi xuống hôn thầm vào mái tóc người con gái. Cô gỡ tay tôi ra, bước đi.

*
*   *
                                              
      Đáng lẽ ra, tôi phải có phần tiếp nối về cô Hồ Ly xinh đẹp ấy. Nhưng tôi đâu có khả năng. Sự sống của tôi như đã cạn kiệt. Cạn kiệt cả khả năng yêu thương. Cô Hồ Ly ấy thực hay là ảo. Hay là tôi đã ngoại tình với những giấc mơ. Tô vẽ chăng? Đời thực chăng? Cô Hồ Ly ấy đã đi đâu? Có còn ở bên động Tây Hồ, hay đã ở một chân trời xa nào đó? Nụ cười của cô còn chất pha lê huyền ảo của con cáo chín đuôi bên Tây Hồ, hay đã tàn úa đi vì một hạnh phúc ngộ nhận nào đó. Đêm nay tôi đã trốn đàn lợn, trốn cái thường nhật khủng khiếp để cám ơn cô về nụ hôn thầm mà cô đã ban cho trong chuỗi ngày lưu đầy. Nó như một tia nắng ấm, trói buộc linh hồn tôi vào một cái gì đẹp đẽ mà tôi biết cần phải giữ lấy.
      Tôi đã thức gần trọn đêm để mơ mộng và viết câu chuyện này. Tôi đã ngủ trên chiếc ghế bành cũ kỹ. Có lẽ những trang viết đã giúp lòng tôi thanh thản lại.

Ngày … tháng …
      Vầng hào quang của câu chuyện Hồ Ly ấy cũng chỉ đủ để nuôi tâm hồn tôi trong những đêm dài thao thức. Còn ban ngày, anh trốn đi đâu? Và cả ban đêm nữa, đêm dù tịch mịch nhưng cũng không đủ tĩnh lặng để thoả mãn nhu cầu cô đơn của con người. Vẫn còn những ngọn gió đông lang thang trên những lùm cây, đem cái rét về, đánh thức đàn lợn của tôi trở dậy để thù hận lẫn nhau, tranh cướp lẫn nhau. Khoảng nửa đêm, khi đợt gió lạnh rít lên mạnh nhất, khi cái rét được gió gia tốc đâm vào thịt da ta buốt nhói nhất, thì cuộc chiến tranh trong chuồng lợn của tôi cũng kịch liệt nhất. Con lợn Bò quyết tranh lấy tải, tranh lấy chỗ nằm ấm. Lũ lợn ỉn nằm lên lưng con Bò. Con lợn lông vàng rống lên hồng hộc; ba con ỉn rứt tai cắn đuôi, đâm vào bụng con lợn Bò, bắt buộc nó phải trở về chỗ ngoài cùng rét mướt. Con Bò chồm lên, hất lũ ỉn bắn ra xa, nó xông vào con ỉn lang đầu đàn; nó nhay tai con này đến vãi máu ra; nó định xé bụng con Lang; nó dúi đẩy con Lang, ấn đầu vào xó chuồng thối tha ẩm ướt. Nó khống chế con Lang đứng sững tại đấy, không cho chạy. Nó cắn xé hung dữ quá, đến nỗi con Lang chỉ còn có thể nằm chổng vó lên mà thét to, mà kêu thê thảm, thảm hơn cả một con lợn bị chọc tiết, bởi vì lợn chọc tiết người ta buộc mõm lại. Đằng này, chẳng gì trói buộc, con lợn đã kêu váng trời. Tiếng kêu như dựng giường, dựng chiếu. Không ai có thể nằm yên với tiếng kêu hình như đang dãy chết đó. Đến cả vợ tôi, người đàn bà lạnh lùng chả thèm nói với tôi nửa lời hàng tháng nay, cũng không thể nằm yên Sót ruột quá, cô ta ngồi dậy và thét tôi:
- Anh còn ngồi ỳ ra sao? Tôi xin anh. Chạy mau ra chuồng lợn. Mau lên không chúng cắn xé nhau đến chết mất.
      Tôi lật đật cầm chiếc đèn dầu hoả chạy ra sau nhà. Tôi cầm chiếc chổi tre, quật túi bụi con lợn Bò, quật mạnh và liên hồi cho đén lúc nó phải buông tha con lợn Lang.
      Qua ánh sáng vàng khè, nhợt nhạt, lúc này tôi thấy ba con ỉn đều run lên cầm cập đứng ở xó chuồng tối tăm bẩn thỉu. Nhìn lũ ỉn, tôi chán ngấy cái dáng thảm hại run rẩy của chúng. Chợt nhớ lại hồi thời gian đầu, lúc chúng hành hạ con lợn bò, sao lúc đó chúng vênh vang đường bệ, chúng phè phỡn tươi tỉnh. Còn bây giờ trông chúng ti tiện đến lợm giọng. Những bộ mặt hơn hớn ngậy mỡ, lúc này trở nên ngây ngô đần độn.
      Than ôi vương triều lợn ỉn đang sụp đổ! Này, lũ ỉn! Các người hãy mạnh dạn lên tí chút! Mất hồn rồi hay sao? Sợ hãi đến mê man rồi chắc? Tại sao đứng ì ở cái xó chuồng chất đầy phân rác hôi thối ấy? Hãy ra đây! Ra đây! Chuồng lợn của ta có bốn góc: Một góc ấm nhất và một góc bẩn nhất, nhưng vẫn còn hai góc nữa chứ; hai góc ấy tuy không tiện nghi lắm, nhưng ít ra vẫn còn sạch sẽ hơn, khô ráo hơn, ấm áp hơn cái góc ỉa đái bẩn thỉu ấy. Chuồng lợn của ta tuy bé, nhưng còn đủ không gian khả thể sống cho các ngươi. Bây giờ, ta ném chiếc tải vào góc này … Nào! Hãy lại đây! Mau lên! Tôi dỗ dành, nhưng lũ ỉn vẫn không nhúc nhích, chúng đứng ì ra run rẩy. Tôi phát cáu:
- Thật không ngờ! Trước kia, lúc cưỡi đầu cưỡi cổ con Bò, chúng mày vênh váo thế. Mà nay, chúng mày hèn hạ đến thế.
      Tôi bắt buộc phải vào chuồng, dùng tay xua đuổi lũ lợn ỉn đến góc mà tôi vừa mới vứt chiếc tải vào. Cái mùi lợn ti tiện làm tôi phát buồn nôn.

Ngày … tháng …
      Thật sốt ruột!  Đợt chiến tranh lợn lần này vẫn lai rai tiếp diễn, tuy mức độ ác liệt có giảm đi và số lần tác chiến có giảm đi.
      Tôi còn đang sốt ruột vì lợn, hôm nay thằng Linh lại làm tôi nẫu ruột thêm. Buổi sáng, khi hai cha con ngồi uống nước trà với nhau, Linh bảo:
- Bố ạ … có lẽ … con xin thôi học.
- Xin thôi học?
- Vâng.
      Tôi im lặng, tay cầm chén nước trà và lòng run rẩy. Tôi chưa nói gì. Tôi còn đang nhớ lại những câu chuyện mà con tôi đã kể về cái trường đại học của nó. Những chiếc giường hai tầng … Những bữa cơm quay trở về nguyên thủy, không bát, không đũa. Tất cả đổ lộn vào một cái chậu và sáu anh con trai lúc ăn bốc, lúc cầm thìa xúc … Những chàng trí thức tương lai ăn cắp, uống rượu, bụi đời … Những ông thầy nhân danh ”mô đéc” ăn đút ăn lót của học trò … Những cậu học trò thê thảm! Và những ông thầy cũng thê thảm thế!…
      Tôi thở dài hỏi Linh:
- Tại sao con muốn thế?
- Bố hỏi con làm gì câu hỏi ấy?
- Hay anh định ”vào đời” … định … chuẩn bị để cầm bút như tôi. Tôi khuyên anh: đừng. Anh nên xem gương tôi.
- Cả nghề viết văn của bố con cũng chán.
- Hay tại cuộc sống nhà trường? ồ! Đấy chỉ là những vấp váp bước đầu. Thất vọng ấy thực quá nhỏ nhoi. Con nên tập làm quen với đời thật …
      Con tôi rì rầm tâm sự
- Nhiều đêm, thắp chiếc đèn lên, nhìn vào trang giấy, nhưng óc con trống rỗng. Chữ không vào.  Con cứ tự hỏi: ”Mình học làm gì nhỉ? Cuộc sống thì quái dị, thối nát. Mình học; liệu học có làm cho cuộc sống ấy thay đổi đi chút nào không?”
- Sao con già sớm thế? Nói đến sự chán ngán thì chính bố phải chán ngán hơn con mới đúng. Cả tuổi trẻ của tôi đã phung phí để phụng sự cho cuộc sống này … Thế mà … Nhưng không sao cả. Tôi vẫn thấy vui sống.
- Vui sống?
- Chứ sao! Chính cuộc sống ti tiện, đau đớn, kỳ quái thế nên mới đáng sống. Vàng son, nhung lụa, ngọt ngào, thô bỉ, ghềnh thác, đau sót, tàn nhẫn, phản trắc … bất cứ phút đời nào ta cũng sống cho hết, cho thấm đến tận thớ thịt, cho cạn đến đáy ly rượu …
- Sống một cách tổng thể như bố nói, hay đấy nhưng khó lắm. Sống như thế phải có sức mạnh nghị lực. Con sợ rằng …
- Thế mày định nhẽo ra à? … Thượt ra à? …Buông tay à …
       Con tôi cúi đầu và buồn rầu:
- Nói thực, lắm lúc … con cũng thấy tự tởm lợm mình.
      Tôi im lặng một lát, lòng dâng lên một nỗi phiền muộn khó tả. Cứ như thấy mình tự thương mình. Một phần máu thịt của tôi đấy. Nếu nay mai tôi chết, thì một phần đời của tôi còn sót lại trên thế gian này chính là nó đấy. Tôi chợt có mặc cảm tội lỗi. Phải chăng đấy là phần di sản buồn thảm của tôi đã truyền lại cho nó. Phải chăng phần khắc khoải siêu linh của tôi đã truyền thông trong không gian ở, mà con tôi là cái máy thu siêu nhạy, ở ngay cận kề đã bắt lấy. Phải chăng đấy là sản phẩm của một không gian ô nhiễm? Hay là, từ một thời kỳ nào đó, tổ tông ta đã mắc phải một tội lỗi gớm ghiếc nào đó, cho nên đến nay nhiều thế hệ của chúng ta phải chịu cái hậu quả đáng nguyền rủa này. Tôi như kẻ đắm đò ôm đứa con đỏ trong tay, tôi dùng hết tàn lực dâng đứa con lên khỏi mặt nước, để cho ánh mặt trời và làn không khí mát rượi tiêm truyền cho nó cái sinh khí nóng bỏng của sự sống. Có thể hai cha con sẽ lại chìm nghỉm đi dưới làn nước xoáy. Nhưng còn chút lực tàn nào thì cũng phải đem hết ra mà nâng nó lên.
- Đừng phó mặc con ơi. Hôm nay ta có cái gì nắm chắc trong tay; ta hãy sống bằng hết trái tim, khối óc của ta cho cái trong tay ấy. Khi ta đã sống hết sức rồi, thì dù kết quả ra sao, đối với ta thế cũng là mãn nguyện. Sống như thế thu nhập được nhiều con ạ. Cách sống ấy giầu có nhất … hạnh phúc nhất …
      Tôi nhìn con tôi đang ngồi im lặng. Nó không hé miệng, không phản ứng. Nó có nghe tôi nói không nhỉ, hay tâm hồn nó đương lạc về một xứ sở lạ lẫm nào đó mà tôi không hiểu? Thế hệ của con tôi hình như đã chán ngấy những ngôn từ. Ngôn ngữ đã biến thành những xác chết. Trong bãi tha ma ngôn ngữ, đã chồng đống những lời cao đẹp. Ngôn ngữ đã mất đi bộ áo lộng lẫy và khoác vào những bộ áo tang xám ngoét. Nó trở thành một hàng rào ngăn cách giữa cha con. Tôi đứng bên này, con tôi đứng bên kia, chúng tôi chỉ nhìn thấy cử động của những vành môi, còn tai chúng tôi thì điếc đặc. Điếc thì hãy giơ tay mà vẫy, mà làm hiệu. Con ơi! Linh ơi! Bố đang vẫy con đây. Bố đang cố sức phá rào để tìm đến với con đây. Đừng suôi tay, đừng phó mặc con nhé. Không biết con tôi có hiểu được những tiếng nói thầm của tôi không nhỉ? …

Ngày … tháng …
      Hôm nay, có điều gì mà con tôi vui. Linh hí hửng bước vào nhà và nói:
- Chú Hợi trả con hai cân tóp mỡ. Con lại mua cút rượu cho bố. Con tính hôm nay nhà ta nên ăn nửa cân tóp mỡ cho tươi. Bố uống rượu này; còn mẹ thì chưng mắm tôm với tóp mỡ để ăn với khế, đó là món mẹ ưa thích …
      Nhìn con, tôi vui và cảm động – Tôi hiểu con trai tôi đang cố hàn gắn lại sứt mẻ gia đình, cố tìm cách cho bố mẹ làm lành với nhau. Vợ tôi không nói một lời, không tỏ một thái độ nào trên khuôn mặt, nhưng cô ấy đã đi làm những món ăn đúng như con tôi muốn.
      Bữa ăn ít nói, nhưng vui. Đã lâu nay, ít có bữa ăn vui trong lòng như vậy. Tôi chợt thoáng nghĩ tới cuộc nói chuyện với con tôi hôm trước … Tôi tợp một hớp rượu, nhai một miếng tóp mỡ ròn tan, và lặng im lắng nghe câu chuyện giữa hai mẹ con. Mẹ hỏi:
- Linh ạ, dạo này cậu đi thực tập, không dạy thêm được cho con chú hợi; vậy cậu lấy đâu ra tóp mỡ?
- Thế mà vẫn có mới tài mẹ ạ.                      
- Hay là cái Cúc nó mua hộ. – Vợ tôi cười.
- Không phải. Tóp mỡ này chú Hợi cho con, vì con đã giúp chú ấy một việc.
- Việc gì?
- Con không nói được … Có lẽ nói ra bố con chả bằng lòng … Sau này mẹ sẽ rõ.
       Tôi im lặng không hỏi Linh.
      Bọn lợn đêm nay không đánh nhau.
      Con tôi cầm cây ghi ta dạo một giai điệu rất đẹp, một khúc mục ca Tây Ban Nha thì phải. Lâu lắm, trong mái nhà tôi, mới lại vang lên tiếng đàn. Con tôi đã dạo sang một khúc tình ca. Tiếng đàn trầm buồn kéo tôi đi vào một giấc ngủ. Một thoáng buồn dễ chịu bao giờ cũng gợi nhớ tới một cội nguồn sâu thẳm nào đó trong ta. Tôi tắt lặng mọi suy nghĩ, để tiếng đàn thấm đượm vào từng tế bào. Tôi tự đánh lạc mình vào một mầu đen trong veo, ở đó có tiếng thì thầm:
- Ngủ đi! Ngủ đi! Để ngày mai con lại tinh khôi trắng muốt.

Ngày … tháng …
      Hôm nay, Tám mở cửa phòng anh ở. Ngày hôm qua, khi tôi và Lân đến thăm, Tám vẫn nói vọng từ trong buồng ra:
- Sáng mai, tôi mở cửa, mời các anh đến chơi.
      Hôm nay, hồi tám giờ sáng, khi chúng tôi đến nơi, vừa mới khẽ gõ cộc cộc, cánh cửa đã mở toang ra ngay. Cứ như thể Tám đã đứng chờ sẵn ở đấy để mở cửa đón chúng tôi.
      Trái ngược với tuần lễ vừa qua, hôm nay mọi cửa sổ đều được mở hết. Ánh sáng sớm, lọc qua lùm cây mới trổ lá vàng lụa trước nhà, tràn vào căn phòng; một thứ ánh sáng mật ong đầm ấm dịu dàng. Căn phòng nhỏ đầy sách của Tám hôm nay lại có cả hoa. Tám chỉ lọ hoa hồng nhung đặt trên thành cửa sổ:
- Tôi vừa ra chợ Hôm mua năm đồng hoa về đấy.
- Sang nhỉ?
- Vì đối với tôi, hôm nay là một ngày vui.
      Tôi ngạc nhiên nghe giọng nói nghiêm trang và trong trẻo của Tám. Qua tuần lễ cấm cung, Tám có gày đi đôi chút; da anh hình như trắng ra; đặc biệt, đôi mắt anh sáng quắc, sáng một cách kỳ dị, sắc sảo; chợt có cảm giác đôi mắt ấy có thể nhìn thấu suốt vào trái tim ta.
      Tám có trà ngon, có cả bánh ngọt để mời chúng tôi ăn. Lân ngồi ngửa mình thoải mái trong chiếc ghế bành độn rơm cà khổ, nhưng rất ấm áp. Anh nói bâng quơ:
- Mình mừng. Thế là cậu khỏi bệnh.
- Tớ có ốm đâu.
- Cái hồi ở Tây Nguyên, cậu bị thương, bỏ anh em trốn vào rừng hơn một tuần; dạo ấy, cậu làm bọn chúng tớ nhốn nháo lo lắng.
- Dạo ấy, mình đang nghiên cứu một thứ lá chữa vết thương. Mình muốn thử nghiệm nó trên chính bản thân mình trước đã.
- Cậu là một thằng gàn.
- Gàn ư?
- Đúng, gàn. Cậu đi tìm một thứ lá có dược tính diệt trùng cực mạnh như pê nê xi lin, mà lại không độc hại, để cứu chữa anh em bị thương. Rồi cậu đòi hỏi con người phải tốt đẹp như phật bồ đề và phải trong trẻo như pha lê. Làm gì có thứ lá và con người kì diệu thế. Nói chung, cậu đi săn tìm những thứ tuyệt đối ở cõi đời này, chính vì thế tớ nói cậu gàn. Nhưng dù thế nào, tớ cũng yêu cậu; có thể ngày mai, bệnh gàn của cậu tiến triển thành bệnh điên, tớ cũng vẫn yêu cậu … Mà thôi, gác chuyện cũ lại; hôm nay cậu hãy nói cho chúng mình nghe, tuần vừa qua cậu lại làm một cái trò kỳ dị nào đó phải không?
- Chẳng một chút kỳ dị. Tớ đóng cửa lại chỉ cốt tĩnh lặng để nghiên cứu một vấn đề.
- Vấn đề gì?
      Tám nghiêm trang đứng dậy. Cứ cảm giác như anh sắp thực hiện một nghi lễ. Lúc nãy, khi Lân nói, đôi mắt anh mơ màng chìm đắm nhưng vẫn là đôi mắt trong trạng thái bình thường. Còn lúc này, đôi mắt ấy đột nhiên sáng quắc; hình như có một năng lượng siêu nhiên nào đó bỗng đột khởi trong anh để đôi mắt anh như phát ra một luồng ánh sáng. Đó là đôi mắt của người điên, hoặc con mắt của một con người dị thường. Chúng tôi im lặng nhìn Tám, anh như đang tập trung và bị kích thích. Anh bước những bước hình như hơi run run ra phía tủ sách. Rồi lấy ra một cuốn vở. Lúc này thì đôi bàn tay anh run run thực sự. Anh lật giở từng trang giấy rồi khe khẽ nói:
Poóc xi nô ma ni.
      Lân hỏi lại:
- Cái gì?
Lần này, Tám nói dõng dạc, to và chậm rãi từng âm để chúng tôi nghe được rõ ràng:
Poóc-xi-nô-ma-ni.
      Tôi chợt nhớ lại cái âm nô nô ni ni, mà một lần nào đó, Tám đã nói ở nhà tôi. Thì ra đó là chữ: ”Pooc-xi-nô-ma-ni”.
      Tám đứng đấy, mắt rực rỡ nhìn cuốn sách trong tay. Anh nói đi, nói lại nhiều lần chữ Poóc-xi-nô-ma-ni. Tayanh run, giọng anh cũng run. Đôi mắt sáng nhưng lúc này đầm ấm lạ thường. Cái dáng gày gò, gù gù của anh khiêm nhường và hiền hậu. Dáng anh lúc đó phảng phất như dáng một người chịu khổ nạn; cái dáng khổ ải nhưng tràn đầy tinh lực, cái dáng của gánh nặng đau thương. Tôi bỗng chợt hiểu, suốt tuần qua, Tám đã đóng cửa lại, không tiếp xúc với mọi người, anh đã dùng toàn bộ tâm lực để viết cho đời biết một điều bổ ích. Người ta bảo anh là điên, nhưng có lẽ anh là một nhà tiên tri. Anh đứng đấy mà lắp bắp: ”Pooc xi nô ma ni“. Tám chẳng giải thích gì, nhưng chúng tôi như bị thần lực của toàn thể con người anh cuốn hút. Và qua giọng nói lắp bắp của anh, cái tiếng kỳ lạ ấy bỗng làm chúng tôi rung động, chúng tôi hiểu anh đang muốn rao truyền cho chúng tôi một điều gì đó cực kì quan trọng và rất người. Chúng tôi muốn Tám cho mượn đọc những trang sách anh mới viết. Song anh lắc đầu, anh bảo sẽ có lúc cho chúng tôi đọc.
      Cái phút linh thiêng ấy, Tám đã dùng thần cảm để nói với chúng tôi; anh đã nói với chúng tôi bằng một ngôn ngữ kì bí, nói bằng những âm sắc run rẩy, nói bằng đôi tay dang rộng đôn hậu, nói bằng con mắt chói loà tình yêu, nói bằng cái tổng thể người đầm ấm. Và ý nghĩa của cái chữ hầu như là thần chú đó chợt tràn vào từng thớ thịt, từng đường gân, từng tế bào trong tôi. Lòng tôi chói loà những cảm giác: buồn và vui, đau đớn và hạnh phúc. Tổng thể con người Tám như muốn nói cùng tôi: ”Bạn ơi! Chao ôi! Sao mà đau như xé ruột … Nhưng … chẳng lo. Hãy chịu đựng … Tất cả rồi sẽ qua đi … Một cái gì đó đẹp đẽ, viên mãn đang nhoi nhói trong ta …”
      Có phải đó là một tình cảm tôn giáo? Nếu gọi sự giao cảm thần bí giữa con người như vậy là tôn giáo, thì thú thực lúc đó, tôi là một con người tín ngưỡng.
      Có lẽ Lân cũng có những cảm xúc như tôi; anh đã thôi không nói bằng cái giọng đùa bỡn như lúc mới đến. Lân im lặng, kính cẩn.
      Còn Tám, sau khi nói, có lẽ anh đã đột nhiên xử dụng tinh lực của anh quá nhiều, nên anh có vẻ mệt. Tám thả người ngồi dãn ra trong chiếc ghế bành. Anh uống một cốc nước, tôi thấy bàn tay anh vẫn run run.
      Và cả ba chúng tôi cứ ngồi với nhau lặng lẽ như thế, chỉ thỉnh thoảng nói với nhau bằng những câu ngắn ngủi.
- Cậu khoẻ hẳn ra đấy.
- Mình khoẻ!
- Và vui!
- Và điềm tĩnh!
      Lân vốn hay nói dài, nói mạnh, lúc này bỗng đổi hẳn kiểu nói. Khi Tám hỏi anh về lợn, Lân chỉ trả lời:
- Tốt! Tốt!
      Lân nói xong, lại ngửa người trong chiếc ghế bành lim dim suy nghĩ. Anh vừa nhắm mắt vừa nói:
- Mấy hôm nữa, cậu phải xuống mình chơi.
- Mình xuống chứ.
- Ta sẽ uống rượu.
- Rượu!
      Có lẽ cái cảnh tiên tri xúc động ấy, đã phút chốc có thể làm biến đổi sự sống chung quanh. Tôi nghĩ như vậy. Chúng tôi chợt thấy thoải mái, chợt thấy mình tốt đẹp, dễ chịu. Chúng tôi cứ muốn kéo dài ngồi bên nhau. Cho đến khi hết bánh, cạn trà, tôi với Lân tần ngần đứng dậy. Hai thằng cáo từ ra về. Tám không tiễn khách. Anh vẫn ngồi lặng yên. Cánh cửa ra vào vẫn mở sau lưng chúng tôi. Tôi ngoái đầu lại vẫn thấy Tám ngồi trong ghế bành, không nhúc nhích. Chúng tôi nhẹ nhàng bước xuống thang gác ra đường.
      Lân kể cho tôi nghe thêm về Tám:
- Một thằng cha gàn đặc biệt. Từ lúc còn đi học, bạn bè đã gán cho hắn cái tên: ”Tám gàn”. Gàn nhưng rất hiền. Chả biết đánh nhau bao giờ. Và cái đức quí bạn của hắn thì vô cùng. Hắn có thể cho anh những cái gì mà hắn có, nếu anh cần. Bạn bè còn gọi hắn ”thằng gàn đáng yêu.”
      Tám đang học năm thứ ba khoa sinh vật trường Đại học tổng hợp thì chúng tôi được gọi nhập ngũ. Năm ấy là năm 1967; chúng tôi vào Nam chiến đấu. Người ta phân chúng tôi vào một đơn vị đặc công. ”Tám gàn” bây giờ lại được bớt dấu huyền để trở thành ”Tám gan”. Cái tính gan lì mà trước kia chúng tôi không phát hiện ra có lẽ chính là một hệ quả của đức tính yêu quí mọi người của Tám. Một trận đánh, sau khi chúng tôi rút lui nhanh ra khỏi địa bàn tác chiến, mới phát hiện ra còn thiếu một thương binh. Cái lệ đánh nhau với Mỹ là sau khi đánh, ta phải rút thật nhanh gọn; bởi vì chỉ vài phút sau, pháo binh Mỹ có thể lập tức nã cấp tập vào vùng xảy ra chiến sự. Chính trong lúc pháo binh địch bắn như mưa như thế, Tám quay vào tìm thương binh. Suốt đêm hôm ấy, không thấy Tám về. Cả ngày hôm sau nữa, cũng không thấy Tám về. Mãi ba ngày sau, mới thấy Tám cõng thương binh trở về đơn vị. Hắn cõng bạn trên lưng, bò trong mưa pháo; rồi hắn lạc trong rừng ba hôm. Trong ba ngày đó, Tám tìm lá rừng đắp lên vết thương cho bạn, tìm quả rừng nhai mớm cho người bạn sắp chết đó. Nhờ Tám, anh lính đó còn sống. 
      Giỏi nhất của Tám là tài trèo cây. Có những cây rừng cao chót vót vài ba chục mét, gốc to chừng vài người ôm, nhưng nếu có một cuộn dây thừng trong tay, Tám có thể leo rất nhanh đến ngọn. Có bận, Mỹ đóng quân ngay dưới cây đại thụ như vậy, mà Tám vẫn gan lì nằm trên một cành cao của chính cây ấy, để quan sát địch.
      Năm 1970, Tám bị thương vào đầu được giải ngũ, quay trở về hậu phương. Thời gian đứt đoạn xa cách ấy tôi không được rõ chi tiết về đời Tám, nhưng đại thể biết được Tám đã học xong trường Tổng hợp, và trải qua nhiều khúc gay go.
      Hình như Tám đã trải qua một mối tình lớn, một mối tình đầy bất hạnh và lắm ngọt bùi. Có thể vì thế nên khi người đàn bà của anh chết đi, anh đã đóng đinh hình bóng người đàn bà ấy vào tâm tưởng mình. Vì thế anh không thể yêu nổi một người đàn bà nào khác. Chúng tôi đã nhiều lần giới thiệu vợ cho anh, nhưng Tám không nói gì, anh chỉ buồn bã lắc đầu.
      Hình như Tám đã có lúc làm thơ…
      Hình như Tám có dạo lang thang ở các quán bia rượu Hà Nội…     
      Hình như Tám đã gặp oan trái, anh cũng đã trải qua tù tội … (và hình như đã có lần nào đó, Tám là một nhân vật trong một cuốn sách của tôi …)
      Cái đoạn đời đầy sóng gió ấy, không bao giờ Tám kể lại cho ai …

Ngày… tháng…
      Chắc chắn rằng cuộc giao cảm giữa chúng tôi và Tám hôm ấy đã để lại cho tâm hồn tôi một ấn tượng mạnh, nên suốt mấy hôm liền, cả đêm và ngày tôi như kẻ mộng du lạc lõng vào những miền đất hoang vu đầy trăn trở.
      Có đêm, nỗi chán nản không manh mối chợt dâng lên trong tôi. Tôi nằm cứng đờ cứ tưởng như mình đang chết. Tôi thèm nhắm mắt, nhưng giấc ngủ không đến. Tôi mở mắt trân trân nhìn vào những miền bóng tối. Tai tôi hình như điếc đặc; tiếng kêu, tiếng chí choé của những lợn Bò, lợn ỉn chợt bặt lặng trong tôi. Chỉ còn nghe thấy một âm thanh ri ri …đều đều, bất tận; có lẽ là bản đồng ca của lũ dế quanh nhà. Có cảm giác những tiếng dế đó không phải phát ra từ những hang hốc, những lùm cỏ dại bên bờ ao, mà ở ngay trong óc tôi cất lên. Cái âm thanh siêu thực ấy rỉ rả và không một phút ngừng. Nó được sinh ra từ đáy tâm hồn tôi tạo ra một nỗi âu lo vô hình. Cái tiếng đều đặn buồn buồn ấy nửa như ru tôi ngủ, nửa lại đánh thức tôi dậy, cuối cùng tạo ra cho tôi một trạng thái nửa thức nửa ngủ, trạng thái của những mộng mị, liên tưởng, của những ảo ảnh không ngừng chuyển động, của những suy nghĩ vụt hiện, của những tra hỏi cũ càng nhưng khôn nguôi cứ gặp dịp là dày vò trăn trở.
      “Làm gì?”
      Ta phải làm gì đây. Câu hỏi ám ảnh rất xưa lại chợt hiện về với căn phòng thẩm vấn trắng toát và lạnh lẽo. Người sĩ quan an ninh đứng tuổi hôm nào bỗng bỏ chiếc kính trắng ra, nhìn tôi chăm chú như nhìn một con vật lạ bị nhốt trong cũi sắt ở vườn bách thú. Và đột nhiên anh ta cười. Trong những cuộc hỏi cung tôi, lần đầu tiên anh ta cười và cũng là lần độc nhất.
      Đó là tiếng cười độc ác nhất mà tôi gặp trong đời. Tiếng cười đắc thắng của một kẻ cầm vũ khí, dồn đối thủ tay không đến chân tường. Tiếng cười khoái trá của một con đực bạo dâm, lột truồng người đàn bà nằm tênh hênh trước mặt mình, người đàn bà không còn cách gì chống cự chỉ còn biết giơ hai bàn tay ôm lấy mặt. Tiếng cười ngắn thôi nhưng ròn và vang. Tôi thầm nghĩ: ”Nỗi vui của con người bất hạnh.” Trong khi đó, anh ta long lanh con mắt và hùng hồn nói với tôi:
- Làm gì ư? Sao anh cứ quanh co? Anh không nói toạc ra những ẩn ý. Các anh muốn tổ chức chống đối – Anh ta nói dằn mạnh – Tổ chức và chống đối, đó là điểm mấu chốt.
      Sau đó anh ta tiếp tục cười, nhưng không lơi quan sát xem tôi lúng túng đến mức nào.
      Biết giải thích về những hàm nghĩa của câu tra vấn muôn đời này thế nào nhỉ? Chúng tôi đang đứng ở những tầng ngữ nghĩa khác nhau. Chúng tôi đang độc thoại trước mặt nhau. Anh ta cần những nghĩa rõ ràng đơn giản. Anh ta cần sự buộc tội …
      Tiếng cười của con người đeo kính trắng đã hết cao trào, nó tắt dần đi bằng những âm thanh khục khục trong cổ họng. Nó đem lại cho tôi sự kinh tởm, sự chán nản, sự căm giận, sự bất cần. Ừ! Ta chẳng cần gì nữa. Các người muốn đem ta ra mà băm vằm cắt chặt, thế nào cũng được. Ta bất cần … Ta bất cần …
Tiếng cười đó thỉnh thoảng lại hiện về trong giấc ngủ của tôi. Nó hiện về để nhắc nhở, để đe doạ tôi chăng. Tôi như kẻ bị giam cầm, mà tiếng cười đó là tên cai ngục.
      Đêm nay, tiếng cười đó lại hiện về như một bóng ma ám ảnh. Nó muốn xoá đi những âm hưởng của cuộc giao cảm giữa tôi và Tám. Nó hiện hình để bôi nhoà đi cái ánh sáng nhân hậu mà tôi vừa nhận được trong lời Tám nói. Tôi thầm nhắc lại: Poóc-xi-nô-ma-ni.               
      Âm hưởng của cuộc giao cảm ấy còn theo tôi đi trong cuộc lang thang trên đường phố Hà Nội. Tôi đi dưới những vòm cây. Tôi đi giữa rừng Hà Nội. Những cây bàng, cây me cây sấu, cây phượng còn mang nặng những kỉ niệm thời ấu thơ, thời trai trẻ. Tôi dừng lại dưới gốc cây lộc vừng hồ gươm, cây lộc vừng chín gốc toả bóng xuống hồ, một cái bóng duyên dáng, kín đáo. Ô hay! Cái cây quê mùa ấy cũng có mặt ở chốn thị thành này sao.
      Nhìn cây, lại nhớ tới quê. Cái làng quê ven đô của tôi như hình con rết. Con đường cái chạy giữa làng, toả dọc hai bên là những ngõ. Ngõ quê tôi có nhiều tên rất ngồ ngộ. Gần một trăm cái ngõ, nên người ta không thể đặt những tên sang trọng. Cũng như nhiều quê khác, chúng tôi có ngõ Điếm, ngõ Giếng, ngõ Chùa, ngõ Đình. Nhưng riêng quê tôi còn có ngõ Lên (lên dốc), ngõ Ngang (bằng phẳng), ngõ Dọc (song song với đường chính). Chúng tôi còn có nhiều ngõ mang những tên rất vui: ngõ Chó Đá, ngõ Bà thắt Cổ, ngõ Cô Hồn. Riêng tôi, tôi rất thích những ngõ mang tên cây cối: ngõ Si, ngõ Đề, ngõ Hoàng Lan, ngõ Dứa, …và ngõ cây Lộc Vừng. Ôi! Ngõ cây Lộc Vừng! Chính cái ngõ đó là nơi vợ tôi sinh ra.
      Năm 1954, khi tôi đi bộ đội trở về quê, tôi, cái anh chàng đô thị ấy đã ngỡ ngàng trước một tên ngõ quê, gợi lên những âm hưởng rất kỳ lạ trong tâm hồn. Một cái tên tôi chưa bao giờ nghe thấy, một cái cây tôi chưa trông thấy bao giờ, một cái ngõ quê hun hút hàng tre           
Tôi lững thững đi trong ngõ, sung sướng vì một hồn quê rung động. Một cô bé, quần ngắn cũn cỡn, tóc kẹp sau lưng, lễ phép chào anh bộ đội … Mấy năm sau, cô bé ấy đã trở thành vợ tôi. Khi chị gái tôi giới thiệu tên cô bé ở trong cái ngõ Lộc Vừng đó, tôi chưa hề biết mặt cô. Nhưng nghe cái tên ngõ, không hiểu sao lòng tôi đã tin cậy. Tôi gặp cô, và một tuần lễ sau, cưới cô.
      Tôi đã mang cây lộc vừng quê nhà ra Hà Nội, và cây lộc vừng bị tách khỏi quê hương ấy đã hơn hai chục năm nay chịu khốn khổ cùng với kiếp lưu đầy của tôi. Một người đàn bà lấy phải một người chồng lúc nào cũng ngay ngáy những theo dõi, thẩm vấn, những đe doạ tù đầy! Tôi chịu ơn cô ta; tôi chịu ơn sự thuỷ chung lầm lụi, tôi chịu ơn sự khiêm nhường gánh chịu, tôi chịu ơn sự đói khát tha thủi…
      Có thể trong tôi đã dấy lên sự phản ứng vô ơn. Có thể tôi muốn trả thù sự chịu ơn đó; một phản ứng vô thức để xoá sạch những ân huệ đó chăng? Tôi đã phóng chiếu sự bất lực, sự căm giận, sự giả dối vào nàng, để qua đó mà trốn chạy gánh nặng lương tâm; để qua đó mà rũ nợ với nàng; để qua đó mà hả hê trả thù những gì mà mình không trả thù nổi; để nhờ đó mà tạo nên một màng che giả dối, một chỗ chốn lủi, một an ủi cho những thất vọng của đời mình.
      Những ý nghĩ buồn bã và ray rứt đó có thể chưa đúng lắm, nhưng có thể là một sám hối. Lương tâm lên tiếng để tạo ra một đối trọng, để cân bằng những bi quan u uất trong tôi. Dù sao, đó cũng là một sám hối.
      Khi đêm đã khuya, tôi từ giã cuộc lang thang trở về nhà. Giá như đêm ấy tôi gặp nàng, có lẽ tôi trở nên một người chồng nồng thắm để tạ cái ơn gánh chịu. Có lẽ từ một kẻ sám hối, từ một kẻ biết ơn, tôi có thể trở thành một người tình của vợ tôi cũng nên. Nhưng đêm hôm ấy, vợ tôi vắng nhà. Xí nghiệp của vợ tôi phải dệt vội một tấm thảm hoa cho một chính phủ nước ngoài sắp đến kỳ đại hội.
      Tôi ngồi trên chiếc ghế bành cà khổ, uống rượu liên miên và nghĩ tới những bông hoa sặc sỡ mà vợ tôi đang cắm cúi cài trên tấm thảm …

Ngày … tháng …  
      Những suy ngẫm của tôi rốt cuộc cũng vẫn chỉ là những suy ngẫm. Nó vẫn không phá nổi những hàng rào ngăn cách trong gia đình tôi. Không khí gia đình bình lặng nhưng thực chất lạnh lẽo; trong khi đó cuộc chiến tranh lợn vẫn tiếp diễn. Con lợn ỉn lang vẫn chống trả lại con lợn Bò một cách mãnh liệt; mình mẩy nó đầy vết thâm tím. Vợ tôi đã bắt đầu nói chuyện với tôi. Cô ấy đã bình tĩnh hơn. Chúng tôi nói chuyện với nhau từ tốn và lịch sự. Chúng tôi đều cố gắng lùi lại, dùng cái áo giáp lịch sự để tránh những ngôn ngữ thô bạo đụng độ lẫn nhau, vì sự đụng độ ngôn ngữ sẽ tạo ra những vết thương nhớ đời, không bao giờ có thể hàn gắn nổi.
- Có lẽ, ông nên bán con lợn Bò đi.
- Con lợn ấy lớn rất nhanh. Bán đi thì tiếc. Chỉ hai tháng nữa là nó đẫy tạ…
- Nhưng nó hung dữ quá … Thấy nó cắn con lợn Lang mà sót sa lòng dạ.
      Tôi cúi đầu xuống nói nhỏ:
- Biết làm sao được … Nó chóng lớn … Mà gia đình thì cần tiền…
      Vợ tôi cũng cúi đầu xuống, lầm lũi bỏ đi.

Ngày …tháng …
      Cả ngày tôi chẳng nói nửa lời. Tôi lặng lẽ làm những công việc không tên: hết vớt bèo lại đến băm bèo, hết rửa chuồng lợn lại đến đi mua bã đậu, hết đun cám lại đến giờ cho lợn ăn …
      Tôi chán ngán những cuộc giao tiếp, tôi chẳng muốn nhìn mặt ai nữa. Suốt ngày, tôi ở bên chuồng lợn để chăm sóc và quan sát chúng. Tôi như một kẻ mắc bệnh tâm thần ngộ nhận về niềm say mê của mình. Cũng có thể chẳng phải ngộ nhận mà đó là niềm vui thực sự của tôi. Tôi quan sát lũ lợn một cách tỉ mỉ như người viết văn quan sát cuộc đời …
      Thì ra giống lợn ỉn cũng đê tiện chẳng kém giống lợn Bò. Cuộc chiến tranh lợn đã đến giai đoạn kết thúc thực sự. Đã phân biệt rõ kẻ thắng người thua. Chứng cứ: hôm nay đã thấy con ỉn út ve vãn lợn Bò. Ỉn út là một cô lợn cái hay ăn và vẫn chịu lép vế nhất trong đàn lợn ỉn. Tuy tính nó hiền, nhưng trước kia, khi đàn lợn ỉn còn nắm quyền thống trị, thỉnh thoảng cô út cũng vẫn dùng mõm thoi vào bụng con lợn Bò. Khi con Bò vùng lên, cô út vẫn đi theo hai con ỉn đàn anh, dẹp loạn lợn Bò, nhưng cô ta chỉ đàn áp con lợn Bò bằng cách hò la ồn ĩ.
      Hôm nay, khi thấy con ỉn Lang mình mẩy thâm tím, và cứ lùi chạy mỗi khi con Bò xông tới, cô hiểu ngay phe ỉn của cô thua là phần chắc. Và cô tìm cách đổi cờ. Buổi trưa, khi lợn Bò nằm ngủ, cô ỉn út đã lân la đến bên nó và đánh hơi khịt khịt. Ái chà! Ve vãn đấy! Ve ông chủ mới đấy. Ông lợn Bò nhà ta mở mắt ra và hắt hơi, cô ỉn út lùi ngay lại xó chuồng đối diện, vừa ịt ịt khe khẽ vừa run rẩy như van xin:
- Em xin ông mà … Đúng là chúng nó … chứ em … có bụng dạ nào dám đánh lại ông.
      Con Bò cũng tỏ vẻ quân tử, khi nghe thấy cái giọng ịt ịt thảm hại ấy, nó liền nhắm mắt lại. Và khi con ỉn út, lần thứ hai, mon men đến gần, nó vẫn nằm im lìm, giả vờ ngủ. Đúng hắn giả vờ ngủ, tôi quan sát thấy cái mũi hắn còn ngo ngoe có vẻ khoái chí. Có lẽ hắn phổng mũi, bởi vì cái giọng ịt ịt của con ỉn út nghe cũng êm tai, dễ thương.

Ngày … tháng …
      Trong mọi cuộc chiến tranh đều có ngày hưu chiến. Thường thường, hai bên quân đội đối địch đều nêu nên tính chất nhân đạo của mình, và đề nghị đối phương ngừng đánh vào những ngày hội hè truyền thống để cho binh lính được hưởng những phút hoà bình cổ truyền của một cộng đồng hay một bộ tộc nào đó.
      Chuồng lợn của tôi cũng đã xảy ra một ngày hưu chiến như vậy. Hôm nay, suốt từ sáng đến giờ không hề nghe thấy một tiếng chí choé nào; hai bên đã ngừng đánh nhau. Tôi ngồi hút thuốc lào vặt trong nhà, chợt lấy làm lạ vì sự im ắng ngoài chuồng lợn, mặc dù trời sáng đã từ lâu. Tôi nghĩ bụng: có khi đã lập lại hoà bình hoàn toàn rồi cũng nên.
      Trời mưa. Tôi đội nón bước ra ngoài chuồng lợn. Thì ra chưa phải hoà bình, mà mới chỉ là hưu chiến; bởi vì chú lợn Bò đang nằm thượt; giang chân giang tay, hỉ hả trên chiếc tải, còn ba chú ỉn thì ngồi chồm hỗm ở góc chuồng khác, mắt vẫn nhìn sang con Bò với vẻ hậm hực.
      Tôi thầm mừng và cả thầm lo; mừng vì một cuộc hưu chiến tạm thời cũng có thể tiến diễn tốt đẹp và trở thành một hoà bình lâu dài; còn lo vì thông thường sau cuộc hưu chiến, hình như hai bên đều được nạp lại cái năng lượng riêng của cộng đồng mình, nên họ sẽ thù địch, sẽ căm ghét nhau hơn, họ sẽ cắn xé nhau dữ dội hơn.
      Tôi khôn ngoan nghĩ bụng: ”Chính ta sẽ là người đứng giữa.” Nhiều khi vai trò của người thứ ba hoà giải rất quan trọng; nếu khôn khéo tìm ra được những lợi ích chung của cả đôi bên, thì người đứng giữa sẽ có thể làm cho hai đối thủ trở nên biết điều hơn, biết chấp nhận những điều khoản chung một cách phải chăng, để đi tới chỗ thoả hiệp với nhau và tiến tới hoà bình thực sự.
      Nghĩ về vai trò đứng giữa của mình như vậy, nên tôi khuyên nhủ hai phe lợn:
- Các cậu ngốc lắm! Tranh dành với nhau ngôi bá chủ để làm gì ? Cái chuồng lợn của tớ bé tẹo, vả lại cư dân chỉ có bốn mống. Hãy thử nghĩ xem, một ông vua lại chỉ cai trị ba người dân thôi sao? Tớ thấy cuộc tranh dành này lố bịch lắm. Mà tranh dành nhau cái gì? Miếng ăn ư? Đằng nào cũng chỉ cần đủ no. Vả lại miếng ăn no hay đói đều do tớ cả cơ mà. Tớ xin đảm bảo cho các cậu đủ no. Ngừng hẳn đánh nhau lại nhé.
      Con lợn Bò mắt tít đi, ti hí, như cười cợt và như muốn nói:
- Đến ông mà cũng không hiểu quy luật đó ư? Bất cứ ở đâu, hễ đã có hai người trở lên là phải có ngay một người chỉ huy và một người theo lệnh. Hai vợ chồng cũng phải có kẻ xướng người tuỳ, hoặc chồng nắm quyền, hoặc vợ nắm quyền. Không chấp nhận điều đó, thì vợ chồng cũng phải tan vỡ. Đó là qui luật của cuộc sống bầy đàn, sống cộng đồng, muốn tránh cũng không được. Vì vậy bốn người ở đây, ắt phải có người cầm đầu. Người cầm đầu đó ta gọi là trưởng, là thủ lĩnh, là tướng, là chủ, là chúa, hay là vua … tuỳ theo mức độ quyền lực. Thường người ta thích làm vua hơn cả, bởi vì vua có quyền tuyệt đối, tuyệt đối ở mọi lĩnh vực. Người nào nắm quyền tuyệt đối nhiều nhất, kẻ ấy là vua, dù cái tên gọi tuỳ theo thời đại có thể khác đi. Ông vua có quyền hưởng thụ vật chất và cả tinh thần nhiều nhất. Nói thật với ông, tôi thích làm vua, dù là vua trong chuồng lợn; bởi vì trong cái chuồng lợn dù nhỏ bé này, tôi sẽ được ăn nhiều hơn, và ba thằng ỉn kia sẽ là những tôi tớ hèn hạ của tôi. Tôi nói gì chúng cũng phải nghe, tôi muốn gì chúng cũng phải chiều. Tôi sẽ là kẻ sung sướng nhiều nhất, tự do nhiều nhất. Còn quyền hạn của lũ ỉn kia chỉ là biết vâng lời, biết ăn ít, biết nói ít, biết hầu hạ nhiều. Kẻ nào không nghe, chống lại thì phải đánh cho đến lúc câm miệng, hoặc cần thiết, đánh cho đến chết …
      Tôi phá cười lên rồi gật gù:
- Chà chà! Một bài luận văn xã hội học của loài lợn. Nghe có vẻ sâu sắc đấy! Hùng biện đấy! … Nhưng thôi! Bàn cãi làm gì … Hôm nay trời mưa, rét, buồn … Và có lẽ là ngày tết của loài lợn. Đúng! Chắc là tết nên các cậu mới hưu chiến. Nghỉ đánh nhau là tốt. Hãy ăn tết cho vui. Hôm nay, tôi sẽ tăng khẩu phần tóp mỡ gấp đôi cho các cậu, tăng lượng mì gấp rưỡi, thay bèo bằng rau muống, còn ít nước cá kho tớ cũng đổ nốt vào nồi cám. Thấy chưa! Chỉ mới nói các món ăn thôi, các cậu đã sều bọt mép. Hoan hô ngày tết lợn! Rất tuyệt! – Tôi bắt đầu bốc – Này, tớ sẽ cho các cậu lơ mơ một chút rượu nữa. Thế nào? Nghe được chứ?
      Cả bốn chú lợn đều chồm lên dóng tre mà ủn ỉn. Chúng đã đồng ý.
      Hôm nay tôi khôn ngoan thật. Tôi hứa cho bọn lợn uống rượu, và tôi thực hiện điều đó ngay. Khi cho ăn, toi đổ cám chia làm hai máng. Lợn Bò ăn riêng mình một máng, và ba con ỉn ăn riêng mình một máng. Tôi đứng đấy, tay cầm roi tre, tay cầm chén rượu. Bọn lợn lao vào máng ăn không kịp thở. Tôi ngậm rượu trong mồm, rồi phun phì phì vào đàn lợn. Hơi rượu thơm lừng. Đàn lợn bỗng trở nên mơ màng, dịu dàng. Lạ chưa! Lợn cũng biết say. ăn xong, đôi bên rút luôn vào chỗ nghỉ, và chỉ một phút sau, chúng đã ngáy pho pho.           
      Đàn lợn say, và ta cũng say. Ta ngửa mặt lên trời, một mình cười ha hả. Ôi! Ta vui vui quá, vui đến chảy nước mắt ra đây. Ôi chao! Ta quá mệt mỏi vì cuộc chiến tranh của lợn Ta cho chúng uống rượu chỉ cốt đi tìm một ngày nghỉ ngơi. Ta muốn uống be đầy be vơi cho đầu óc quay cuồng rồi nằm lăn, chết lịm.
      Mưa rơi! Mưa rơi!
      Mưa thối đất thối cát, làm cái ngõ nghèo của ta trở thành một vũng bùn lầy lụa. Ta và đàn lợn của ta nằm giữa cái ao bùn mênh mông đó.
      Mưa rơi! Mưa rơi!
      Mưa rót đàn buồn vào trong tâm tưởng, làm ta nẫu ruột nẫu gan. Con ta ư? Vợ ta ư? Bạn bè ta ư? Các người thương ta mà sao nỡ bỏ ta một mình trên cái ốc đảo bơ vơ và lầy lụa này.
      Tám ơi! Người ta bảo anh điên, nhưng thực ra anh điên hay là tôi điên?
      Nghĩ đến Tám, tôi bỗng sờ tay lên ngực. Hôm qua, anh vừa trao cho tôi một trang của Bách Khoa Lợn.
      Trong cái nửa tỉnh nửa say, trong tiếng mưa rơi, tôi mơ màng đọc…

(Còn tiếp)

Phần nhận xét hiển thị trên trang