Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

BẮC THUỘC VÀ CHỐNG BẮC THUỘC: NHỮNG DẤU TÍCH VĂN HÓA VẬT CHẤT


Nguyễn Quang Ngọc
                          ( Bài tham luận tại Hội thảo Khảo cổ học Đức -Việt  ngày  1-2/3/2012 )
I. KHÁI QUÁT 10 THẾ KỶ BẮC THUỘC VÀ CHỐNG BẮC THUỘC
Năm 179 TCN, thành Cổ Loa thất thủ trước cuộc tiến công xâm lược của Triệu Đà, Âu Lạc bước vào đêm trường Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm.
Triệu Đà chia Âu Lạc ra làm hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân và sát nhập vào nước Nam Việt. Quận Giao Chỉ tương đương với khu vực Bắc Bộ và quận Cửu Chân tương đương với các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại đây, chính quyền Nam Việt cắt đặt 2 viên sứ thần coi giữ và trong thực tế mới chỉ cai trị một cách lỏng lẻo thông qua hình thức thu nộp cống vật.
Năm 111 TCN, Nam Việt bị Tây Hán thôn tính. Trên lãnh thổ Nam Việt cũ, Tây Hán chia ra làm 9 quận là Đam Nhĩ, Châu Nhai (thuộc đảo Hải Nam), Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô (đều thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (tương đương với vùng từ Quảng Bình đến Quảng Nam). Đến năm 106 TCN, nhà Tây Hán đặt châu Giao Chỉ thống suất 7 quận lục địa (trừ Châu Nhai và Đam Nhĩ) và đặt Châu trị tại quận Giao Chỉ. Bộ máy cai trị của nhà Tây Hán tại Giao Chỉ được thiết lập chặt chẽ hơn so với nhà Triệu. Thứ sử đứng đầu châu và đóng trị sở tại Mê Linh (Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội), dưới cấp quận có Thái thú coi quản việc dân sự và Đô uý coi việc quân sự. Bên dưới cấp huyện, Tây Hán vẫn tiếp tục cho Lạc tướng được trị dân theo chế độ cha truyền con nối.
Từ thế kỷ II TCN cho đến đầu Công nguyên, dưới chính sách cai trị lỏng lẻo của nhà Triệu và nhà Hán, cơ cấu tổ chức truyền thống của Âu Lạc mặc dù chịu sự kiềm chế, kiểm soát của chính quyền đô hộ, song về cơ bản không bị xáo trộn nhiều. Nền văn minh Việt cổ dựa trên mô hình kinh tế văn hoá nông nghiệp lúa nước vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển. Đây là nền tảng quan trọng, là sức sống nội tại để người Việt vượt qua những thử thách của các chính sách nô dịch và đồng hoá ngày càng có quy mô, hệ thống của các chính quyền đô hộ trong những giai đoạn sau.
Năm 43, sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhà Đông Hán đã thắt chặt chính sách cai trị tại Giao Chỉ. Về tổ chức bộ máy đô hộ, nhà Đông Hán vẫn đặt chức Thứ sử đứng đầu châu Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Dưới cấp quận, viên quan đứng đầu vẫn là Thái thú. Tuy nhiên, lúc này Thái thú kiêm coi cả việc dân sự và việc quân sự của một quận. Chức Đô uý chuyên trách việc quân sự trước đây không còn nữa. Ngoài ra, để giúp việc cho Thái thú, một số chức quan chuyên trách các phần việc cụ thể cũng được đặt ra.
Đặc biệt, chính quyền Đông Hán là chính quyền đô hộ đầu tiên đã cố sức vươn xuống cai quản cấp huyện. Danh hiệu Lạc tướng bị xoá bỏ, thay vào đó, mỗi huyện do một viên Lệnh trưởng được chính quyền Đông Hán bổ nhiệm trực tiếp cai quản. Để thuận lợi hơn cho Lệnh trưởng cai trị các huyện đồng thời triệt tiêu dần quyền lực của các Lạc tướng cũ của người Việt trên đất bản bộ của mình, nhà Đông Hán đã tiến hành điều chỉnh lại địa giới hành chính, chia tách và đặt thêm một số huyện mới. Mã Viện sau khi đánh bại Trưng Vương đã quyết định chia cắt huyện Tây Vu cũ thành 3 huyện mới là Tây Vu, Phong Khê, Vọng Hải và cắt bớt diện tích huyện Mê Linh...
Ách cai trị thắt chặt của nhà Đông Hán còn thể hiện rõ qua việc tăng cường các chính sách bóc lột, nô dịch và đẩy mạnh hàng loạt biện pháp đồng hoá có hệ thống với quy mô ngày càng lớn. Bên cạnh việc vơ vét tài nguyên, của ngon vật lạ để cống nạp về triều đình trung ương, các quan lại tại Giao Châu còn ra sức bóc lột người dân bằng nhiều loại tô thuế và lao dịch. Nhiều diện tích đất đai của công xã người Việt ở Giao Chỉ đã bị các nhóm địa chủ, quan lại, sĩ phu từ phương Bắc di cư xuống chiếm đoạt để lập trang trại, đồn điền. Chính quyền cai trị nắm độc quyền nhiều ngành sản xuất như rèn sắt, mua bán muối... Nhà Đông Hán cũng ra sức áp dụng luật Hán trên đất Việt, bắt nhân dân ta phải tuân theo lễ giáo phong kiến Hán, đồng thời cố gắng xóa bỏ tận gốc truyền thống “dùng tục cũ mà cai trị” của người Việt. 
Cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ III, nhà Đông Hán suy yếu rồi sụp đổ, Trung Quốc liên tục trong tình trạng hỗn chiến, loạn lạc. Nhiều triều đại được lập lên, tồn tại trong một thời gian ngắn rồi lại sụp đổ. Chịu tác động của những biến động đó, từ đầu thế kỷ III đến giữa thế kỷ VI, Giao Châu lần lượt phụ thuộc một cách lỏng lẻo vào các thế lực phong kiến Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần (giai đoạn nội thuộc Lục triều).
Năm 264, nhà Ngô cũng tiến hành chia cắt lại địa giới hành chính tại Giao Châu. Ba quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm đặt làm Quảng Châu, tách hẳn khỏi Giao Châu trở thành Trung Quốc nội địa. Tại Giao Châu, nhà Ngô lại tiến hành chia đặt nhiều quận, huyện nhỏ. Quận Giao Chỉ được tách ra thành 3 quận nhỏ là Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình; quận Cửu Chân được chia thành 2 quận là Cửu Đức và Cửu Chân. Lúc này, trên địa bàn 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trước đây đã bao gồm 6 quận nhỏ và 45 huyện. Các huyện cũng được chia lại với diện tích nhỏ hơn so với quy mô huyện dưới thời Đông Hán. Các chính quyền đô hộ Lục triều về sau vẫn cơ bản giữ nguyên cách chia đặt quận, huyện như dưới triều Ngô, chỉ tiến hành điều chỉnh nhỏ tại các huyện, như bỏ hoặc đặt thêm một số huyện mới, đổi tên huyện…
Chính sách cai trị thực thi từ thời Đông Hán tiếp tục được các chính quyền đô hộ Lục triều đẩy mạnh. Sản vật quý, của ngon vật lạ từ khắp mọi miền đất nước đều bị vơ vét, thu gom về phương Bắc. Việc thu gom cống phẩm không theo quy định mà được tiến hành hết sức tùy tiện, vô hạn độ càng làm dân ta khốn khổ. Dưới thời Ngô, hàng vạn người Việt còn bị bắt bổ sung vào quân đội để tham gia vào các cuộc hỗn chiến phong kiến, hàng nghìn thợ thủ công tài hoa cũng bị bắt sang xây dựng các công trình tại Trung Quốc.
Hoạt động chiếm đất lập trang trại đồn điền của địa chủ, quan lại gốc Hán ngày càng phổ biến khiến nhiều thành viên công xã người Việt phá sản, không còn tư liệu sản xuất và trở thành nô tì, nông dân lệ thuộc của giới địa chủ quan lại. Chính sách di dân, đồng hoá cũng được đẩy mạnh thông qua biện pháp thâm độc là di dân người Hán sang ở lẫn với người Việt. Quân lính trong các đội quân chinh phạt Giao Châu, tù binh khổ sai người Hán hay đội ngũ quan lại, địa chủ vì loạn lạc đã chạy sang định cư lập nghiệp tại Giao Châu, họ ở lẫn với người Việt, góp phần đẩy mạnh thêm xu hướng Hán hoá đang gia tăng trong lòng cơ cấu kinh tế xã hội cổ truyền của người Việt.
Nhìn chung, từ cuối thời Đông Hán đến Lục triều, mặc dù các chính quyền đô hộ đã ra sức đẩy mạnh hàng loạt chính sách bóc lột, nô dịch và đồng hoá nhân dân ta, song trên thực tế các chính sách này chỉ được thực thi tại các khu vực trung tâm - trị sở cai trị hay những địa điểm đóng quân đồn trú của chính quyền đô hộ. Còn tại các miền xa xôi, các vùng nông thôn, chúng chỉ mới dừng lại ở mức độ “ràng buộc” lỏng lẻo.
Đầu thế kỷ thứ VII, Giao Châu bị nhà Tuỳ cai trị trong một thời gian ngắn và sau đó rơi vào ách thống trị của nhà Đường cho đến đầu thế kỷ thứ X. Bộ máy cai trị nhà Đường có nhiều khác biệt so với các chính quyền đô hộ trước đó. Nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản phủ để thống suất 10 châu là Giao Châu, Phong Châu, Ái Châu, Tiên Châu, Diên Châu, Tống Châu, Từ Châu, Hiểm Châu, Đạo Châu và Long Châu - tức bao gồm toàn bộ Bắc Bộ hiện nay cho đến Đèo Ngang. Năm 622, Giao Châu đại tổng quản phủ được đổi thành Giao Châu đô hộ phủ, rồi An Nam đô hộ phủ vào năm 679. Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là một viên Đô hộ hoặc Kinh lược sứ; đứng đầu các châu là chức quan Thứ sử.
Tiến xa hơn một bước so với các chính quyền đô hộ trước đó, nhà Đường đã tìm mọi cách thiết lập hệ thống cai trị xuống tận các xóm làng của người Việt. Giao Châu đại tổng quản đầu tiên của nhà Đường là Khâu Hoà đã tiến hành cải cách chia đặt các vùng nông thôn thành các tiểu hương, đại hương, tiểu xã, đại xã với quy định cụ thể về số hộ cho từng cấp nhằm phục vụ cho công việc tổ chức quản lý hành chính cấp cơ sở. Đối với miền núi, nhà Đường đặt các châu ki mi do tù trưởng cai quản. Tổng cộng An Nam đô hộ phủ cai quản 41 châu.
Chính quyền đô hộ nhà Đường đã thực thi tại An Nam các hình thức và thủ đoạn cai trị hà khắc, thâm độc. Nhân dân An Nam phải chịu thuế má, lao dịch rất nặng nề. Phương thức bóc lột chủ yếu của nhà Đường tại đây là bóc lột thông qua các hình thức tô thuế. Bên cạnh đó, phương thức bóc lột bằng cống nạp vẫn được duy trì. Các châu quận tại An Nam hàng năm phải tiến cống những sản vật địa phương, lâm thổ sản quý, sản phẩm thủ công… Ngoài việc bị bóc lột tô thuế, chịu lao dịch để khai thác sản vật làm cống phẩm cho triều đình, người dân An Nam còn phải đóng rất nhiều phú liễm khác… khiến tình cảnh của họ đã khốn khổ lại càng cùng quẫn hơn. Hiện tượng bần cùng hoá gia tăng nhanh chóng với quy mô ngày càng lớn. Mâu thuẫn giữa người Việt và chính quyền đô hộ ngày càng gay gắt và đã bùng lên thành nhiều phong trào đấu tranh lớn của dân chúng vào thế kỷ VIII-IX, làm cơ sở đi đến công cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập hoàn toàn vào đầu thế kỷ X.
Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, chính sách cai trị của các triều đại phong kiến và quá trình giao lưu tiếp xúc Việt - Hoa theo cả hai hình thức cưỡng bức và ôn hoà đã tạo nên những chuyển biến lớn trong cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hoá của người Việt.
Khu vực hạ châu thổ sông Hồng đã mở rộng vươn xa về phía biển. Người Việt đã không ngừng khai hoang lập ấp, biến hầu như toàn bộ vùng châu thổ thành đồng ruộng và xóm làng. Diện tích đất canh tác được mở rộng, hệ thống đê điều ngăn lụt đã xuất hiện tại nhiều nơi. Toàn bộ vùng châu thổ đã trở thành những cánh đồng chuyên canh trồng lúa và hoa màu. Từ đầu Công nguyên, đồ sắt đã bắt đầu được sử dụng phổ biến, cày cuốc đã trở thành phương thức canh tác chủ yếu thay cho phương thức “hoả canh”, “thủy nậu”. Kỹ thuật dùng cày và bón phân, thâm canh tăng vụ đã thúc đẩy năng suất cây trồng tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh trồng lúa nước truyền thống, người Việt đã đa dạng hoá cơ cấu cây trồng. Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển. Cây đay, bông, gai cũng được trồng phổ biến để làm nguyên liệu dệt vải. Nghề làm vườn cũng không ngừng được đẩy mạnh. Chăn nuôi cũng phát triển với nhiều giống gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, ngỗng, vịt, chim bồ câu…
Quá trình tiếp xúc văn hoá Hoa - Việt lâu dài đã đem đến những thay đổi quan trọng trong ngành thủ công nghiệp. Bên cạnh những nghề truyền thống, người Việt đã phát triển những nghề thủ công học từ người Hán như rèn sắt, làm gốm, làm gạch ngói, làm đường, làm giấy, chế tạo thủy tinh, sản xuất đồ mỹ nghệ, thuộc da, sơn then… Trong từng nghề, người Việt tiếp thu không chỉ kỹ thuật mà cả phong cách nghệ thuật Hán. Đồ gốm làm ra trong thời kỳ này đã thấy xuất hiện nhiều loại hoa văn Hán rất đặc thù. Người Việt từ sản xuất các loại gốm thô đã tiến tới làm ra các sản phẩm gốm tráng men. Nghề làm vật liệu xây dựng đặc biệt phát triển nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc thành quách, chùa tháp, mộ táng… của chính quyền cai trị. Nghề làm giấy học được từ Trung Quốc cũng có những tiến bộ đáng kể; nghề chế tạo thủy tinh cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng với nhiều loại sản phẩm thuỷ tinh có nhiều màu, tinh xảo.
Trong thời kỳ này, chủ yếu có hai luồng giao thương buôn bán là hàng hoá, tiền đồng từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam và nguồn nông, lâm, thổ, hải sản, sản phẩm thủ công từ Việt Nam chuyển sang Trung Quốc. Hệ thống thuyền buôn Trung Quốc hoạt động mạnh đã nối kết Việt Nam với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Hệ thống giao thông, giao thương đã phát triển, nối liền các địa phương trong một huyện, quận và nối thông cả 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.
Về văn hoá xã hội, dưới tác động của chính sách đồng hoá, các yếu tố văn hóa Hán ngày càng ảnh hưởng sâu đậm tại nước ta. Xen kẽ và hoà cùng với các xóm làng người Việt ở châu thổ sông Hồng, lúc này cũng bắt đầu xuất hiện một số thị trấn, xóm làng của người Hoa và đồn điền, trại ấp của quan lại, địa chủ gốc Hán. Trải qua quá trình cộng sinh lâu đời, nhiều người Hoa đã dần dần Việt hoá và trở thành một bộ phận trong cộng đồng người Việt.
Với việc xoá bỏ chế độ Lạc tướng và cơ cấu bộ lạc, nhiều truyền thống của công xã, bộ lạc người Việt đã bị phá vỡ, phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc hơn với những mối quan hệ xã hội mới ra đời. Tầng lớp hào trưởng người Việt ngày càng có vai trò to lớn trong xã hội, trong khi đó họ lại bị quan lại đô hộ chèn ép và phân biệt đối xử về cả kinh tế và chính trị nên mâu thuẫn giữa họ với chính quyền đô hộ càng ngày càng trở nên sâu sắc. Họ dần trở thành thủ lĩnh đại diện cho phong trào đấu tranh chống lại ách nô dịch và đồng hoá của chính quyền đô hộ.
Văn hoá, luật tục và thiết chế cổ truyền của người Việt dần dần bị xoá bỏ và bị cải tổ theo phong hoá Hán. Thậm chí tên họ người Việt đến đây cũng đã được thống nhất đặt theo cách gọi chung của người Hán. Tuy nhiên nhiều truyền thống vẫn được bảo tồn bền bỉ như tục thờ cúng tổ tiên, anh hùng có công với cộng đồng, tục xăm mình, nhuộm răng đen hay các hình thức tín ngưỡng dân gian khác của cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ đã đưa đến sự du nhập của các luồng tư tưởng, tôn giáo lớn như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo… Nho giáo vào Việt Nam cùng với chính sách nô dịch, đồng hoá của chính quyền cai trị nên ít có điều kiện đi sâu vào đời sống dân chúng, mà dường như mới chỉ dừng lại ảnh hưởng ở những tầng lớp trên trong xã hội. Trái lại, Phật giáo ngay khi mới vào Việt Nam đã có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa một cách tự nhiên. Đây là tôn giáo phát triển nhanh nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại nước ta trong thời Bắc thuộc. Sự phát triển mạnh của tôn giáo này đã dẫn đến sự hình thành trung tâm Phật giáo Dâu - Luy Lâu phồn thịnh ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Một tôn giáo khác cũng theo bước chân người Hán du nhập vào nước ta là Đạo giáo. Khoảng cuối thế kỷ II, Đạo giáo đã chính thức được truyền bá và vượt xa Nho giáo về mức độ ảnh hưởng trong dân chúng. Với tinh thần xuất thế, vô vi, thoát tục, thuận theo tự nhiên, Đạo giáo đã được người Việt đón nhận nhanh chóng. Sự xuất hiện và phát triển đồng thời của nhiều tư tưởng, tôn giáo đã tạo nên sắc thái đa nguyên hỗn hợp trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của người Việt. 
Như vậy, mặc dù phải chịu đựng ách cai trị tàn bạo và chính sách đồng hoá khốc liệt của các triều đại phong kiến phương Bắc, nhưng người Việt đã biết tiếp thu, học hỏi những yếu tố tiến bộ trong văn hoá Hán, tạo nên những chuyển biến to lớn trong nền kinh tế, xã hội, văn hoá. Lối sống và văn hoá Việt tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với văn hoá Hán, đã diễn tiến dưới ảnh hưởng của văn hoá Hán và dần dần biến đổi từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang mô thức mới: Việt - Hán.
Các chính quyền phong kiến phương Bắc, mặc dù đã cố gắng tìm mọi cách để đồng hoá người Việt, song về căn bản trong suốt thời Bắc thuộc vẫn không thể nào trực tiếp với tay tới và can thiệp làm biến đổi được cơ cấu xóm làng cổ truyền của người Việt. Các xóm làng dựa trên cơ sở công xã nông thôn vẫn tồn tại như thế giới riêng của người Việt, là nơi nuôi dưỡng và phát huy những tinh hoa của văn hoá truyền thống làm cơ sở cho cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hoá.
Trong dọc dài 1000 năm Bắc thuộc, hầu hết các vùng miền của lãnh thổ Âu Lạc cũ đều có những chuyển biến sâu sắc, trong đó khu vực nội thành Hà Nội trở thành trung tâm chính trị lớn nhất, sào huyệt của các chính quyền đô hộ Tuỳ - Đường, và vì thế cũng là địa bàn tập hợp, quy tụ sức quật khởi của cả nước, chứng kiến đầy đủ và tiêu biểu nhất các cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hoá, không ngừng không nghỉ, lúc âm thầm, sâu lắng, lúc bùng lên dữ dội như các cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713-722), khởi nghĩa Phùng Hưng (791), khởi nghĩa Dương Thanh (819-820), các cuộc đấu tranh giành khôi phục quyền tự chủ của họ Khúc, họ Dương… và cuối cùng là cuộc trung hưng vĩ đại của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền năm 938.

2. DẤU TÍCH VĂN HÓA VẬT CHẤT CỦA 10 THẾ KỶ CHUYỂN ĐỔI
Chúng tôi vẫn theo quan niệm truyền thống chia toàn bộ thời kỳ Bắc thuộc ra thành 3 giai đoạn là Bắc thuộc lần thứ nhất (từ sau thất bại của An Dương Vương đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chính quyền Trưng Vương); Bắc thuộc lần thứ hai (từ sau thất bại của Trưng Vương đến khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân) và Bắc thuộc lần thứ ba (từ sau thất bại của nhà nước Vạn Xuân đến chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền). Sự phân chia giai đoạn như thế này này là hết sức tương đối và còn phải tiếp tục nghiên cứu, tuy nhiên nó vẫn phản ánh được diễn trình lịch sử - văn hóa của hơn mười thế kỷ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong mỗi thời kỳ, chúng tôi chỉ chọn giới thiệu một vài dấu tích văn hóa vật chất tiêu biểu và được xem là đặc trưng cho diễn trình văn hóa của giai đoạn lịch sử đó.

2.1. Bắc thuộc lần thứ nhất: Vai trò chủ đạo của văn hóa Đông Sơn cổ truyền
Âu Lạc rơi vào ách thống trị của Nam Việt trong bối cảnh hóa Đông Sơn đang phát triển đến đỉnh cao, tiêu biểu là trống đồng Cổ Loa (loại I) bên trong có gần 200 hiện vật đồng gồm vũ khí (giáo, lao, mũi tên đồng, rìu xéo), công cụ sản xuất (lưỡi cày đồng, dao nhỏ); khuôn đúc mũi tên 3 cạnh và hàng vạn mũi tên đồng... tìm được trong lòng đất Cổ Loa. Thời kỳ này văn hóa Đông Sơn vẫn phát triển và giữ vai trò chủ đạo trong dòng chẩy văn hóa trên địa bàn Âu Lạc cũ, tuy nhiên cũng đã có sự tiếp xúc với văn hóa Hán và cũng bắt đầu có sự dung hợp văn hóa Hán - Việt.
Trong một số ngôi mộ Đông Sơn, các nhà khảo cổ học đã nhận ra bên cạnh đồ đồng “kiểu Đông Sơn” đã có một ít đồ đồng kiểu Hán. Mộ thuyền Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) ngoài những đồ đồng dáng vẻ Đông Sơn như trống đồng loại I, rìu lưỡi xéo… là một số đồ đồng Trung Quốc như đỉnh đồng, chuông đồng nhỏ có chữ triện. Đáng chú ý là ở Thiệu Dương, Đông Sơn (Thanh Hóa), Châu Can (Phú Xuyên, Hà Nội) có nhiều ngôi mộ cổ thuộc thời kỳ cuối Tây Hán, đầu Đông Hán được khai quật có nhiều công cụ và vũ khí bằng đồng, gương đồng, tiền Ngũ Thù… về hình loại có nhiều nét tương tự như các đồ đồng phát hiện được trong các mộ cổ quách gỗ tại Quảng Châu (Trung Quốc). Bên cạnh đồ đồng ở các di chỉ Đông Sơn và Thiệu Dương, khảo cổ học còn tìm được một số đồ sắt như rìu, dao, kiếm. Những đồ sắt này có thể do người Trung Quốc mang sang, do mua bán, trao đổi, nhưng chắc chắn không ít trong đó là được chế tạo tại chỗ mà chứng tích còn có thể tìm thấy ở các địa điểm thuộc văn hóa Đường Cồ như Gò Chiền Vậy, Cổ Loa… Kỹ thuật rèn đúc sắt bắt đầu phát triển đánh dấu một bước chuyển biến rất quan trọng của nền văn hóa vật chất và kinh tế vùng Giao Chỉ, Cửu Chân.
Tư liệu khảo cổ học cho phép hình dung trong hơn hai thế kỷ Bắc thuộc lần thứ nhất trên đất Âu Lạc cũ, bên cạnh những xóm làng của người Việt là những nhà sàn dựng dọc theo bờ một con sông hay cụm lại ở khu vực ngã ba sông cổ còn có thành quách với nhà cửa, giếng nước, bếp lò, chuồng trại của người Hán. Bên cạnh những mộ đất, mộ quan tài hình thuyền với những đồ tùy táng thuộc loại hình văn hóa Đông Sơn và những mộ đất, mộ quách gỗ với những hiện vật chôn theo thuộc văn hóa Hán hoặc mang những nét đặc trưng của văn hóa phương Bắc. Các công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí trong các mộ Việt như đồ gốm Đường Cồ, Đông Sơn, rìu lưỡi xéo, trống đồng và trong các mộ Hán như đỉnh, bình miệng vuông, kiếm, dao, sắt, cốc đốt trầm, móc đai lưng, gương đồng, các hiện vật thuộc văn hóa Hán được chôn cùng với các hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn trong mộ Việt và các hiện vật Đông Sơn hay mang kiểu dáng đặc trưng Đông Sơn trong mộ Hán… không chỉ xác nhận sự tồn tại song song của hai lối sống, hai phương thức sinh hoạt, mà bước đầu đã có sự thâm nhập và chuyển hóa lẫn nhau giữa hai khu vực Việt - Hán. Như thế lúc này trên cơ tầng văn hóa Việt đã vận hành một cơ chế Hán, trong đó lối sống và văn hóa Việt do tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với văn hóa Hán đã diễn tiến dưới ảnh hưởng của văn hóa Hán và đang biến đổi từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang mô thức mới Việt - Hán.
Trong khi đó trên địa bàn duyên hải miền Trung từ Quảng Bình kéo vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, khảo cổ học cũng phát hiện được một số hiện vật như đồ sắt mô phỏng đồ sắt, đồ đồng Tây Hán, tiền Ngũ Thù ở Hội An, Duy Xuyên, gương đồng và bộ đồ nghi lễ bằng đồng Tây Hán ở Quế Sơn, Duy Xuyên... Đây là chính là hình ảnh của sự tiếp xúc, giao lưu, ảnh hưởng văn hóa Sa Huỳnh - Hán trong những thế kỷ trước, sau Công nguyên[1]. Tuy nhiên sự ảnh hưởng này còn hết sức mờ nhạt, thậm chí còn mờ nhạt hơn khu vực phía Bắc, vì trong thực tế từ sau năm 111 trước Công nguyên cả 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đều bị đặt dưới ách đô hộ của nhà Tây Hán, nhưng Nhật Nam xa xôi và cách trở hơn nên mức độ ảnh hưởng của văn hóa Hán không ngang bằng khu vực các quận Giao Chỉ và Cửu Chân[2].
Nhìn một cách tổng thể thời kỳ từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên cho đến đầu Công nguyên vẫn là thời kỳ tồn tại của cơ cấu văn minh Đông Sơn với mô thức kinh tế-văn hóa nông nghiệp lúa nước cổ truyền sơ kỳ thời đại đồ Sắt Việt Nam. Nền văn minh Việt cổ vẫn thể hiện đầy đủ sức sống mãnh liệt của nó và là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cuộc đồng khởi toàn dân do Hai Bà Trưng lãnh đạo vào mùa xuân năm 40, kết thúc 2 thế kỷ đô hộ của phương Bắc, “rửa sạch nước thù”, “nối lại nghiệp xưa họ Hùng”.  
Tuy nhiên, không đầy 3 năm sau, năm 43, trước sức tấn công của quân đội nhà Hán do Mã Viện chỉ huy, Hai Bà Trưng thất thủ, đất nước lại rơi vào ách cai trị của Đông Hán, mở đầu giai đọan Bắc thuộc lần thứ hai.

2.2. Bắc thuộc lần thứ hai: Mô thức văn hóa Việt - Hán
Sau khi đánh bại khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện tiến hành chia cắt lại địa giới hành chính một số huyện, thay thế hoàn toàn tầng lớp Lạc tướng, cử các Lệnh trưởng thay mặt cho chính quyền đô hộ trực tiếp đứng đầu cai quản các huyện. Tại mỗi huyện, hệ thống thành luỹ được xây dựng làm nơi đóng trị sở của Lệnh trưởng. Huyện thành Phong Khê (Kiển Thành) được xây dựng ngay trên thành đô của An Dương Vương, mà nhiều người tin đấy chính là vòng thành Nội của thành Cổ Loa hiện nay[3]. Điều có thể dễ dàng nhận thấy là cấu trúc của vòng thành này giống thành Trung Quốc, chu vi 1.650 m, với nhiều hoả hồi cân xứng, có tử giác, khác với cấu trúc uốn lượn tự do của hai vòng thành Trung và thành Ngoại. Tại khu vực bên trong thành Nội đã khai quật được rất nhiều di vật đặc trưng văn hoá Hán như giếng gạch, tiền Ngũ thù, đồ gốm trang trí hoa văn ô vuông, trám lồng, văn thừng, xương cá… được coi là các loại hoa văn điển hình của thời Đông Hán. Ở Cổ Loa và khu vực lân cận khảo cổ học đã khai quật được một số lượng lớn mộ gạch Hán[4]. Sự xuất hiện những ngôi mộ gạch ở khu thành này chứng tỏ từ thời Đông Hán, quan lại người Hán đã sống và trực tiếp cai quản vùng đất bản bộ của vua Thục xưa.
Quận trị Giao Chỉ vẫn đặt tại Luy Lâu. Thành Luy Lâu được khởi đắp từ thời Hán, nhưng tòa thành 2 vòng khép kín (thành ngoài hình chữ nhật, chu vi 1848 m; thành trong hình vuông chu vi 454 m) tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) còn lại đến ngày nay chủ yếu là dấu vết thời kỳ này. Đây là tòa thành quy mô và kiên cố nhất trong quận. Đô thị Luy Lâu tiếp tục phát triển không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, mà còn là trung tâm văn hóa lớn nhất.
Thái thú Sĩ Nhiếp “có học vấn sâu rộng lại thông hiểu về chính trị” mở trường dạy học và đẩy mạnh truyền bá Nho giáo ở Luy Lâu. Ngôi trường dạy học của ông ở trong thành Luy Lâu sau này trở thành đền thờ Nam Giao học tổ (ông tổ Nho học của nước Nam). Bên cạnh Nho giáo, Đạo giáo từ Trung Quốc (mà chủ yếu là đạo Dân gian - đạo Phù thủy) cũng được truyền sang khu vực Luy Lâu từ khoảng cuối thế kỷ thứ II. Đặc biệt Phật giáo từ Ấn Độ được truyền bá trực tiếp vào Luy Lâu (sau đó lại từ Trung Quốc truyền dội sang vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên). Ngay từ khi mới vào Luy Lâu, Phật giáo đã có sự kết hợp một cách tự nhiên và hài hòa với tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa, hình thành Phật tổ Man Nương chùa Tổ (làng Mãn Xá) và Tứ pháp: Pháp Vân (chùa Bà Dâu), Pháp Vũ (chùa Bà Đậu), Pháp Lôi (chùa Bà Giàn) và Pháp Điện (chùa Bà Tướng) nay vẫn còn tại khu vực xung quanh thành Luy Lâu.
Nhìn chung dù là Nho, Phật hay Đạo được truyền vào Luy Lâu bằng con đường nào, trong hoàn cảnh nào thì khuynh hướng thích nghi và hòa nhập với tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt vẫn là khuynh hướng chủ đạo. Khuynh hướng này đã tạo nên săc thái đa nguyên và hỗn hợp trong cuộc sống tôn giáo và tín ngưỡng ở Luy Lâu và ở Giao Châu. Đây cũng chính là hình ảnh thể hiện sự dung hợp và xác lập mô thức Việt - Hán.
Suốt mấy thế kỷ liên tục tính từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hầu như­ không có thế kỷ nào là không có khởi nghĩa của nhân dân. Phong trào đấu tranh của dân chúng Giao Châu, nhìn một cách tổng thể, đang chuyển dần vai trò lãnh đạo từ các quý tộc bộ lạc cũ sang các hào tr­ưởng. Vào giữa thế kỷ thứ VI, phong trào đã tiến lên đỉnh cao, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Lý Bí và sự thành lập Nhà n­ước Vạn Xuân.
Lý Bí xuất thân từ một hào tr­ưởng địa phư­ơng ở huyện Thái Bình, trong một gia đình tổ tiên người gốc phương Bắc, nhưng qua nhiều đời định cư ở phương Nam và trở thành người Nam. Ông là người có tài văn võ, đã từng nhận một chức quan nhỏ của nhà Lương ở Cửu Đức. Bất bình với chính quyền đô hộ, Lý Bí trở về quê phối hợp với Tinh Thiều (đại diện của trí thức bản địa) m­ưu tính việc khởi nghĩa. Mùa xuân năm 542, cuộc khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí lãnh đạo đã bùng nổ và không đầy 3 tháng sau đã giành được thắng lợi. Lý Bí còn tổ chức lực lượng đánh tan các cuộc tấn công của quân Lương và quân Lâm Ấp, nắm quyền làm chủ đất nước. Vào đầu năm 544, ông tuyên bố dựng n­ước Vạn Xuân, lên ngôi Hoàng đế (Nam Việt Đế), phế bỏ niên hiệu của nhà Lư­ơng, đặt niên hiệu mới là Thiên Đức, tự coi mình ngang hàng với các Hoàng đế phương Bắc. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận ra vị trí trung tâm bờ cõi của vùng đất Hà Nội và chọn làm đất đóng đô. Tại đây ông cho dựng điện Vạn Thọ, xây đài Vạn Xuân làm nơi văn võ bá quan triều hội[5] và chùa Khai Quốc là trung tâm Phật giáo quốc gia, bệ đỡ tư tưởng của Vương triều[6].
Đây là lần đầu tiên ng­ười Việt phương Nam tự xây dựng cho mình một cơ cấu nhà nư­ớc mới theo chế độ tập quyền trung ương. Tuy đang còn là một sự thể nghiệm, nhưng triều đình Vạn Xuân là thành quả của một nửa thiên niên kỷ dung hợp văn hóa Việt - Hán, đã đánh dấu một bước trưởng thành mới của cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hóa.

2.3. Bắc thuộc lần thứ ba: Phục hưng văn hóa Việt
Năm 602, nhà nước Vạn Xuân bị Lưu Phương nhà Tùy đánh bại. Năm 607, nhà Tùy tiến hành chia đặt lại quận huyện và chuyển trị sở quận Giao Chỉ về Tống Bình. Từ đây, miền đất trung tâm Hà Nội chính thức trở thành thủ phủ của chính quyền đô hộ phương Bắc. Hơn một thập kỷ sau, nhà Đường thay thế nhà Tùy, lập Giao Châu đô hộ phủ rồi sau đó đổi thành An Nam đô hộ phủ. Trị sở của An Nam đô hộ phủ vẫn đóng tại Tống Bình.   
Nhà Đường đã liên tiếp cho xây dựng tại Tống Bình nhiều thành luỹ để làm lỵ sở của chính quyền cai trị. Toà thành đầu tiên do Khâu Hoà xây dựng với tên gọi Tử thành. Năm 767, Trương Bá Nghi cho đắp La Thành là toà thành quân sự kiên cố có quy mô lớn đầu tiên được xây dựng tại trung tâm nội thành Hà Nội. Trong những năm 791 và 801, Triệu Xương, Bùi Thái đều tiến hành sửa đắp La ThànhNăm 808, Trương Châu sửa lại thành Đại La và gọi tên là An Nam La Thành. Năm 824, Lý Nguyên Hỷ cho đắp một thành mới bên bờ sông Tô Lịch, cũng gọi là La Thành. Các năm 843, 858 Vũ Hồn và Vương Thức cho sửa đắp lại phủ thành. Năm 866, Cao Biền tổ chức đắp lại La Thành chu vi 1980 trượng 5 thước, cao 2 trượng 6 thước, chân rộng 2 trượng 6 thước, xây nữ tường cao 5 thước 5 tấc, dựng 55 địch lâu, 5 môn lâu, 6 ủng môn, đào 3 đường nước, đắp 34 đạp đạo, ngoài đắp đê bao quanh dài 2125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, chân rộng 3 trượng, dựng hơn 5.000 gian nhà.
Như vậy, có nhiều toà thành khác nhau của An Nam đô hộ phủ thời Đường cùng được gọi là La Thành hay thành Đại La. Những toà thành này vào các đời sau đã nhiều lần được cải tạo, thay đổi nên hầu như không còn để lại dấu tích trên mặt đất khiến cho các nhà nghiên cứu thật khó có thể xác định được số lượng cũng như cấu tạo của hệ thống thành luỹ đã từng được dựng lên trong thời thuộc Đường tại trung tâm Hà Nội. Những dấu tích mới phát hiện tại 18 Hoàng Diệu và khu khuôn viên xây dựng Hội trường Ba Đình từ năm 2002 đến nay không chỉ có giá trị kiểm chứng các nguồn tư liệu thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam mà còn cho phép có những nhìn nhận cụ thể, chính xác hình ảnh của khu trung tâm Đại La Thành. Đó là những móng trụ kiến trúc, bó nền nhà, nhiều viên gạch có in nổi ba chữ “Giang Tây Quân”, dấu tích kiến trúc, nhà cửa, giếng nước, cống thoát nước, một số đồ gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc và Tây Á… có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX nằm ở lớp cuối cùng của di tích. 
Trong hơn 3 thế kỷ thuộc Đường, chính quyền đô hộ phải liên tiếp cho xây dựng, gia cố thành luỹ vì chúng luôn phải đối phó với những cuộc nổi dậy quy mô ngày càng lớn của dân chúng.   
Mai Thúc Loan khởi nghĩa ở Hoan Châu xây dựng lũy Vạn An dọc theo bờ sông Lam rồi kéo đại quân đánh thẳng vào sào huyệt của chính quyền đô hộ ở thành Tống Bình.
Phùng Hưng là người hào trưởng đất Đường Lâm nổi dậy làm chủ quê hương rồi tiến quân bao vây, đánh chiếm phủ thành Tống Bình, tổ chức việc cai trị. Khu vực nội thành Hà Nội và phụ cận có đền thờ và lăng Phùng Hưng ở Triều Khúc, Phùng Khoang, Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Quảng Bá (quận Tây Hồ), Kim Mã, Hào Nam (quận Đống Đa) là phản ánh hoạt động của Phùng Hưng ở đây. Làng Đường Lâm vốn có truyền thống rất lâu đời, nhưng chỉ đến Phùng Hưng mới thực sự trở thành làng quê tiêu biểu nhất của lịch sử chống Bắc thuộc, chống đồng hóa của Việt Nam.
Đầu thế kỷ thứ X, nhân cơ hội chính quyền trung ương nhà Đ­ường đang đứng tr­ước nguy cơ sụp đổ, Khúc Thừa Dụ, hào trưởng đất Hồng Châu nổi dậy đánh chiếm La Thành, lật đổ chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng chính quyền tự chủ. 
Năm 907 Khúc Thừa Dụ qua đời, con trai cả là Khúc Hạo nối nghiệp, tiếp tục đóng đô ở La Thành, thi hành nhiều cải cách quan trọng để cải thiện đời sống nhân dân và chăm lo xây dựng nền độc lập dân tộc. Khúc Hạo qua đời, con trai là Khúc Thừa Mỹ lên thay đã hoàn toàn thất bại trước cuộc tấn công tái xâm lược của nhà Nam Hán. Đất nước lại bị rơi vào ách đô hộ của phương Bắc.
Năm 931, Dư­ơng Đình Nghệ, tư­ớng cũ của họ Khúc, đem quân từ vùng châu Ái (Thanh Hóa) tiến ra đánh chiếm thành Đại La và đánh tan đoàn quân tiếp viện của Nam Hán, một lần nữa giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của phương Bắc. Dư­ơng Đình Nghệ vẫn đóng đô ở thành Đại La, cắt đặt tướng lĩnh nắm giữ các vùng trọng yếu, chăm lo củng cố chính quyền, tiếp tục công cuộc tự chủ của họ Khúc. 
Đầu năm 937, ông bị viên thuộc tư­ớng phản bội là Kiều Công Tiễn giết chết. Ở khắp mọi nơi, dân chúng dư­ới sự lãnh đạo của các t­ướng lĩnh cũ của D­ương Đình Nghệ đã liên tục nổi dậy chống lại Kiều Công Tiễn và tập hợp xung quanh Ngô Quyền.
Cuối tháng 10 năm 938, nhận thấy nguy cơ xâm lư­ợc của quân Nam Hán đã đến gần, Ngô Quyền từ vùng châu Ái đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn, củng cố thành Đại La và kéo đại quân ra cửa biển Bạch Đằng chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền của quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông vư­ợt biển tiến vào cửa biển Bạch Đằng. Ngô Quyền cho quân khiêu chiến để dụ quân Nam Hán tiến nhanh vào phía trong hàng cọc đã được bố trí sẵn. “Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nư­ớc triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu”[7]. Quân Nam Hán ở trư­ớc mặt, sau lư­ng, d­ưới nước, trên bờ đều bị đánh quyết liệt. Số lớn thuyền chiến của địch đã bị cọc sắt đâm thủng, bị va vào nhau mà chìm đắm. Chủ tư­ớng địch là Hoằng Tháo đã bị bắt sống và giết tại trận.  
Trong khí thế chiến thắng, đầu mùa xuân năm sau, năm 939, Ngô Quyền xư­ng Vư­ơng, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) khẳng định tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nư­ớc đời Hùng Vư­ơng - An Dư­ơng V­ương. Ông kiên quyết cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc đối với n­ước ngoài, xây dựng một vư­ơng quốc độc lập đàng hoàng.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là một vũ công hiển hách, đời đời bất diệt, một cột mốc bản lề chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phư­ơng Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của Việt Nam. Nhà yêu nước Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX đã gọi Ngô Quyền là vị Tổ Trung hưng của nước Việt Nam ta, chỉ đứng sau Thủy tổ dựng nước là Hùng Vương. Khẳng định này đồng nghĩa với việc xác nhận sự nghiệp của Ngô Quyền là kết tinh sức mạnh phục hưng kỳ diệu của văn hóa Việt.


           



[1] Lâm Mỹ Dung, Yếu tố Hán ở miền Trung Việt Nam những thế kỷ trước, sau Công nguyên trongMột chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995-2000), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 59-75.
[2] Cuộc đấu tranh chống Hán hóa ở đây diễn ra chậm hơn ở khu vực phía Bắc, nhưng từ đầu thế kỷ thứ II cũng đã phát triển mạnh, làm cơ sở cho sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp độc lập ở huyện Tượng Lâm vào thập kỷ cuối của thế kỷ thứ II. Chính quyền đô hộ phương Bắc nhièu lần tổ chức lực lượng đàn áp, nhưng Lâm Ấp đã biết dựa vào địa thế xa xôi, hiểm trở này mà đã bảo vệ thành công nhà nước non trẻ của cư dân và văn hóa Sa Huỳnh, là tiền thân của vương quốc Chămpa  độc lập sau này.
[3]Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề Kiển Thành, song phần lớn các ý kiến đều cho rằng toà thành do Mã Viện xây dựng ở vào vị trí Loa Thành cũ của An Dương Vương. Trương Hoàng Châu trong bàiChung quanh vấn đề toà thành cổ trên đất Cổ Loa, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 128, năm 1969 viết: “Toà thành đất hiện nay tồn tại ở khu vực Cổ Loa được xây dựng bắt đầu từ thời Mã Viện sang nước ta”; Đào Duy Anh trong Đất nước Việt Nam qua các đời lại cho rằng Mã Viện bị quân Hai Bà Trưng tại thành Cổ Loa chống cự quyết liệt nên sau khi chiến thắng đã chia nhỏ huyện Tây Vu, đồng thời nhân thành cũ của An Dương Vương mà xây thêm và đặt tên mới để giữ huyện Phong Khê mới lập; Đỗ Văn Ninh trong Thành cổ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1983 khẳng định: “Vòng thành trong Cổ Loa là kiến trúc thuộc Hán, nói rõ hơn đây là Kiển Thành do Mã Viện cho đắp sau khi lập huyện Phong Khê và cũng là trị sở huyện Phong Khê”.
[4] Những ngôi mộ này có niên đại từ Đông Hán đến Đường như mộ gạch ở cánh đồng Trung Thôn (Tiên Hội) khoảng thế kỷ I-III, mộ gạch tại gò Đống Mây, Đống Trọc, Đống Trong Đường (Dục Tú) khoảng từ thế kỷ III-VI; mộ gạch tại Bãi Mèn niên đại Đông Hán; mộ gạch tại Mạch Tràng có những viên gạch ghi niên đại Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị thái (năm 99) hay Vĩnh Sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên(năm 111); mộ gạch tại Trại Xóm Vang (Cổ Loa) khoảng thế kỷ II-III…
[5] Dựa vào những kết quả khảo sát và nghiên cứu mới hiện nay, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để xác định kinh đô Vạn Xuân của Lý Nam Đế được xây dựng trên vùng đất Hà Nội cổ.
[6] Chùa Khai Quốc do vua Lý Nam Đế cho xây dựng ở khu vực thôn Yên Trì, phía bãi sông Hồng, ngoài đê Yên Phụ, Hà Nội. Chùa sau này trở thành trung tâm Phật giáo và Phật học lớn, có nhiều nhà sư nổi tiếng trụ trì. Năm 1615, vì bãi sông Hồng sụt lở, dân phường Yên Hoa (Yên Phụ) dời chùa vào phía trong đê, tức là chùa Trấn Quốc hiện nay.
[7] Đại Việt sử ký toàn th­ư, Q. V-19b-20a, bản dịch Sđd, T. I, tr. 203-204.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Doanh nhân Trung Quốc thuê người tẩm hóa chất vào sầu riêng


TT - Công an tỉnh Tiền Giang vừa phát hiện và xử lý tám đối tượng người Thái Lan được các ông chủ người Trung Quốc thuê mướn đến địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tuyển chọn, gom mặt hàng sầu riêng để xuất đi Trung Quốc và Indonesia.
Những người Thái Lan tuyển lựa sầu riêng để 
xuất đi cho ông chủ Trung Quốc Ảnh: Thành Bắc
Nhóm người nước ngoài nói trên đến thu mua nông sản, thủy sản với nhiều hình thức khác nhau. Họ dùng nhiều thủ đoạn hòng qua mặt cơ quan chức năng để mua hàng nông sản đưa đi Trung Quốc.
Tuyển lựa sầu riêng, nhúng thuốc, dán tem...

Nghe tin người Thái Lan xuất hiện và có dấu hiệu thu mua sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy, chúng tôi lân la nhiều ngày để xác minh địa chỉ cụ thể, số lượng người và mục đích của họ khi vào VN. 

Chúng tôi đến cơ sở thu mua sầu riêng của Công ty TNHH thương mại Thái Lan (gọi tắt là Công ty Thái Lan, trụ sở chính ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) có vựa thu mua trái cây tại chợ trái cây Long Trung đóng trên địa bàn xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. 

Lúc này cơ sở có trên 20 công nhân nam nữ người VN và hai người Thái Lan đang thực hiện các công đoạn chuyển sầu riêng từ trên xe xuống rồi đem đến cho một nhóm người Thái Lan tuyển chọn, mang vào nhúng thuốc, dán chữ Trung Quốc lên cuống, xếp vào thùng giấy có dán chữ Trung Quốc và đóng thùng mang vào kho chờ đem lên xe đưa đi xuất khẩu.

Phì phà điếu thuốc trên miệng, một người Thái Lan dùng cây roi mây có quấn lớp nhựa ở phần đầu gõ từng trái sầu riêng. Khi chọn được trái ngon, đạt tiêu chuẩn, người này cho qua giỏ và ra dấu kêu người VN mang vào trong nhúng thuốc, dán tem và đóng thùng. 

Một nhân công nữ đang dán tem chữ Trung Quốc vào sầu riêng cho biết những người Thái Lan chỉ việc gom và tuyển chọn sầu riêng, còn các công đoạn khác họ hướng dẫn để người địa phương làm.

Trong cơ sở của Công ty Thái Lan, các công đoạn thu mua, tuyển chọn sầu riêng đều nằm ở phía ngoài và có thể dễ dàng tiếp cận. 

Riêng khu pha chế thuốc để nhúng sầu riêng tách biệt và có cửa đóng cẩn thận. Một người có quốc tịch Thái Lan đi vào khu pha chế thuốc rất lâu, một thời gian sau hai người VN ì ạch bưng ra một cái xô lớn thuốc dạng nước màu vàng sậm và thực hiện công đoạn nhúng từng trái sầu riêng vào. 

Các nhân công ở đây cho biết mỗi thùng trên 40 lít thuốc có thể nhúng được 700 trái sầu riêng lớn, nhỏ. Mỗi ngày cơ sở này sử dụng khoảng 10 thùng thuốc do người Thái Lan pha chế.

Thâm nhập khu pha chế thuốc, chúng tôi thấy một người Thái Lan bơm nước lọc vào phuy khoảng 30 lít rồi cho bột màu vàng, thuốc màu xanh dạng lỏng, một ít thuốc màu vàng dạng lỏng, cùng những hóa chất khác rồi khuấy đều. 

Khi phát hiện sự có mặt của chúng tôi, một người Thái Lan tỏ vẻ giận dữ và ra dấu đuổi chúng tôi ra khỏi nơi pha chế thuốc. Một công nhân nam đang nhúng sầu riêng vào thuốc cho biết khi nhúng thuốc thì trái sầu riêng bảo quản được lâu, chín đều và kiểm soát được thời gian chín.

Thu mua nông sản trái phép

Qua nhiều ngày trinh sát, sáng 6-12, Công an Tiền Giang phối hợp với Công an huyện Cai Lậy đã ập vào kiểm tra hành chính cơ sở trái cây của Công ty Thái Lan và cơ sở trái cây Sang Hương.

Tại đây, cơ quan công an phát hiện tám đối tượng có quốc tịch Thái Lan nhập cảnh, hành nghề tuyển lựa, gom trái cây tại VN trái pháp luật.

Làm việc với cơ quan công an, các đối tượng người Thái Lan khai tên Siriruang, Sursing, Aumsuepchue (làm việc tại cơ sở của Công ty Thái Lan) và Phaeyai, Phuangkan, Srikanmsuk, Kiadthawiphong, Sutham (làm việc ở cơ sở trái cây Sang Hương).

Các đối tượng này khai nhập cảnh vào VN hơn một tháng với hộ chiếu du lịch và lưu trú lại hai cơ sở trên, nhưng thực chất nhằm hoạt động gom và tuyển lựa sầu riêng đạt chất lượng để những cơ sở này xuất khẩu đi Trung Quốc và Indonesia.

Những người Thái Lan cũng khai họ được các ông chủ bên phía Trung Quốc và Indonesia cử sang VN chọn lựa những trái sầu riêng ngon, chất lượng để xuất sang bên đó.

Riêng công đoạn nhúng sầu riêng vào hóa chất thì họ hướng dẫn và để người địa phương làm. Nhóm người nước ngoài này thừa nhận với cơ quan công an rằng những loại thuốc, hóa chất do họ đem từ Trung Quốc sang.

Vựa trái cây Sang Hương do ông Khổng Minh Sang làm chủ. Ông Sang đã khai với cơ quan công an rằng cơ sở của ông đứng ra thu mua sầu riêng của nhà vườn và xuất khẩu sang Công ty Quốc Chính (Trung Quốc) qua cửa khẩu Tân Thanh. Xuất hàng qua đến nơi thì phía Công ty Quốc Chính sẽ chuyển khoản tiền về mà không có hợp đồng.

Hơn một tháng nay, Công ty Quốc Chính có cử năm người Thái Lan nhập cảnh vào VN với tư cách là du lịch để đến cơ sở của ông chọn lựa, kiểm tra sầu riêng theo yêu cầu của ông chủ Trung Quốc, trước khi xuất khẩu.

Ông Sang còn cho biết ông chỉ lo chỗ ăn ở, còn tiền công những người Thái Lan này đều do Công ty Quốc Chính chi trả. Sau khi những người Thái Lan đến lưu trú thì ông có khai báo với chính quyền địa phương nhưng không được hướng dẫn, đến khi công an kiểm tra ông mới biết việc lưu trú của những người nước ngoài này là vi phạm pháp luật.

Ông Sang cũng thừa nhận những loại thuốc mà người Thái Lan đem qua từ Trung Quốc là để nhúng sầu riêng vào nhằm thúc chín đúng thời điểm và bảo quản được lâu.

Còn bà Trần Thị Thu Thanh, phó giám đốc Công ty Thái Lan, cho biết việc thu mua sầu riêng tại địa phương là để xuất đi Indonesia. Trong sáu tháng nay, cơ sở của bà xuất đi Indonesia bốn container, mỗi container từ 400-850 thùng, mỗi thùng 18-18,5kg. Riêng đối với ba người Thái Lan có nhiệm vụ tuyển lựa và gom sầu riêng cho đạt chất lượng để bà xuất khẩu.

Theo cơ quan công an, hành vi vi phạm của những người Thái Lan có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng và chủ cơ sở cũng có thể bị xử phạt hành chính.

Tại hai cơ sở thu mua trái cây này, cơ quan công an lập biên bản thu giữ, niêm phong sáu mẫu thuốc không rõ nguồn gốc gồm một bịch bột màu vàng, một bình có chứa hóa chất dạng lỏng màu vàng, một chai thuốc lớn dạng nước màu xanh, một chai thuốc có chứa chất lỏng đặc màu trắng... của cơ sở thu mua trái cây của Công ty Thái Lan.

Cơ quan chức năng cũng niêm phong, thu giữ hai mẫu “thuốc” có chất lỏng đặc màu trắng tại cơ sở thu mua trái cây Sang Hương. Tất cả loại thuốc này đều không có nhãn mác và được những người Thái Lan mang từ Trung Quốc qua.

Sai quy định


TS Nguyễn Văn Hòa - viện phó Viện Cây ăn quả miền Nam - nói: “Một số loại trái cây xuất khẩu đi các nước, thỉnh thoảng nông dân cũng có sử dụng một số loại thuốc để xử lý cho chín đồng đều và bảo quản được lâu hơn. Tuy nhiên, các ngành chức năng quy định các loại thuốc này phải nằm trong danh mục cho phép và đều có nhãn mác rõ ràng. Việc những người nước ngoài mang thuốc không rõ nguồn gốc và không nhãn mác để sử dụng cho việc nhúng trái sầu riêng là sai quy định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tiến hành kiểm tra xem những sản phẩm này là gì và mục đích của họ sử dụng các loại thuốc trên”.

Tháng 1-2013, Công an Tiền Giang phát hiện ông Chen Si Leng, quốc tịch Trung Quốc, thu mua sầu riêng trái phép trên địa bàn huyện Cai Lậy. Công an xử phạt đối tượng này 15 triệu đồng và trục xuất về nước.

Ngày 16-4-2013, Công an Tiền Giang phát hiện Zang Wen Bin và Gao Rong có quốc tịch Trung Quốc đến thu mua khóm tại địa bàn xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước và đã xử lý, trục xuất về nước.

Tháng 7-2013, Công an Tiền Giang tiếp tục phát hiện ba người Trung Quốc đến Công ty TNHH Minh Thắng, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông thu mua mực tươi vận chuyển về Trung Quốc trái phép và đã xử lý theo pháp luật.


THÀNH BẮC - HOÀI THƯƠNG
(Tuổi trẻ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Văn Học cạn vốn hay phá sản?


  HỮU LÝ PHỎNG VẤN NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

 .PV: Chào Nguyễn Hoàng Đức “nhà chung cư”. Không rõ tôi nên gọi anh bằng nhà gì?
N H Đ: Gọi tên hay chức danh của người khác là phản ánh trình độ của người gọi. Còn người được gọi chẳng có gì thêm vào sự thật cả.
PV: Vậy tôi xin được gọi anh là nhà lý luận phê bình, như thế nó cũng phù hợp hơn với chủ đề của cuộc nói chuyện này. Thưa anh, sự việc Tạp chí Nhà Văn của Hội Nhà văn đóng cửa. Nó nói lên điều gì?
N H Đ: Đó là tấm bình phong ở thượng tầng đã rớt xuống làm phơi ra tất cả!
P V: Anh có thể lý giải rõ hơn không?
NHĐ: Dân bóng đá có câu “tỉ số nói lên tất cả”. Dân buôn có cách nghĩ “phá sản là cái chết hết chuyện”. Còn trong triết học, người ta bảo “hiện tượng phơi bày bản chất bên trong”. Đây không phải hiện tượng ở ngón tay ngón chân, mà là hiện tượng ở trên đầu. Nó phản ánh bộ não hay kiến trúc thượng tầng được bao cấp về tinh thần lẫn tài chính của của văn học mậu dịch Việt Nam đã phá sản. Hơn cả thế nó phơi ra cái lý do tồn tại của Tạp chí Nhà Văn là không hề có thực hay có nhu cầu.
PV: Tại sao lý do tồn tại lại không có thực?
NHĐ: Vì tạp chí là nơi sinh hoạt tinh thần, nơi trao đổi về học thuật, tư tưởng hay bút pháp. Nhưng các nhà văn của ta luôn lẩn trốn việc sinh hoạt tư tưởng, bằng chứng là, có nhiều nhà văn yêu cầu báo Văn Nghệ mở một trang lý luận phê bình, nhưng báo Văn Nghệ cố tình trì hoãn cách thường trực. Văn học Việt Nam nhẹ cân như thứ cỏ dại hoa lác vớ vẩn được sáng tác bằng những cảm xúc bồng bột tùy tiện, không hề phân định nổi gianh giới giữa làng xã, huyện, tỉnh hay trung ương… vì thế mà người ta rất sợ trang lý luận phê bình như mặt trời soi chiếu sẽ làm héo đám cỏ dại đó. Có một câu rất hay trong Kinh Phúc Âm “họ như đám cỏ dại trên nóc nhà sẽ cháy khô trước khi bị nhổ”. Mấy bài thơ lèo tèo, mấy truyện ngắn “quần cộc” lại háo danh leo lên vũ trường nghệ thuật chẳng khác gì cỏ hoa leo lên mái nhà, lấy làm đắc chí. Nhưng rồi chúng sẽ héo khô mà chẳng cần ai nhổ cả. Sự kiện đóng cửa Tạp Chí Nhà Văn chính là một dấu chứng rõ ràng mười mươi về điều đó.
PV: Anh nói có vẻ chắc như đinh đóng cột vậy?
NHĐ: Tôi là người luôn suy xét vạn vật theo nguyên lý mà.
PV: Nghe nói đó là do vấn đề tài chính. Chẳng hạn, như người ta chỉ ưu tiên rót vốn vào báo Văn Nghệ, rồi bù lỗ cho nó. Còn tạp chí thì bị bỏ rơi?
NHĐ: Bản chất chẳng thể hiện gì khác hơn ngoài hiện tượng. Việc bỏ rơi tạp chí, có nghĩa, người ta không quan tâm đến tạp chí vì không đủ trình độ cũng như xây dựng thói quen tư duy giành cho văn học. Vì không sống bằng tư duy nên người ta sợ sệt và lảng tránh tư duy giống như những con dán sợ ánh sáng vậy. Một nền văn học mà không có tư tưởng, tức không có cái đầu là hệ lập trình thì làm sao có thể tồn tại?! Tạp chí Nhà Văn đóng cửa, còn tờ Văn Nghệ cũng đang hấp hối từ lâu rồi.
PV: Tờ Văn Nghệ là sân chơi chính thống của văn học Việt Nam, nếu nó tiêu vong chẳng lẽ văn học Việt Nam cũng xóa sổ chăng?
NHĐ: Ở Việt Nam vẫn đang tồn tại một sự thật, có nhiều doanh nghiệp đã phá sản rồi nhưng người ta không công bố, tại sao? Vì ở châu Á có tư duy “nước một ngày không thể không có vua”. Do nền chính trị yếu ớt độc tài đầy thù hằn đố kỵ ám toán lẫn nhau, nên vua chết rồi người ta không dám cho phát tang, sợ sinh biến. Trái lại, ở châu Âu do tạo ra được nền chính trị có cơ cấu hợp lý lành mạnh, người ta có thể vắng vua cả tháng không sao cả, và ai cũng có thể điều hành, nên người ta không phải bôi phết lên những duy trì phá sản làm bình phong để trộ người đời. Ông Nguyễn Chí Huân Tổng biên tập báo Văn Nghệ cách đây ít tháng có trả lời trên truyền hình rằng: báo Văn Nghệ ngày nay sụt ti-ra, xuống cấp vì các nhà văn, nhà thơ tài ba của “hệ thống” (tức mậu dịch) không chịu gửi bài nữa. Theo tôi đây là cách nói sàng xê tháu cáy. Chúng ta phải nói thẳng thế này: Báo Văn Nghệ xuống cấp là vì các nhà văn, nhà thơ đã cạn sạch vốn liếng rồi. Không thể nào gượng nổi! Hãy điểm danh các khuôn mặt thì rõ. Phải nhìn kỹ hơn xuống móng nhà thì thấy: văn học mậu dịch không còn vỉa quặng tiềm năng nào cả. Tất cả đã là mỏ lộ thiên khai quật hết từ lâu, sẽ chẳng có gì để bất ngờ nữa. Tất cả tài năng như cá mè đã nổi hết trên mặt báo, không còn cá ăn dưới đáy nữa. Làm sao trong đàn cá mè đó lại xuất hiện một con cá voi cho được? Có câu Phúc Âm rằng “con phải là muối để ướp cho người khác mặn”. Nhà thơ ở ta là muối đã hết vị mặn, làm sao có thể ướp thành món ăn cho được?! Có một nhà văn miêu tả thế này: thuốc bắc có thể nấu ba nước. Nhà văn Việt Nam trong ngần ấy năm trời  đun lấy sáu bảy chục nước, nó tạo ra mùi lờ lợ thum thủm còn không bổ bằng nước lã. Vì nước lã có thể giải khát. Còn cái nước lờ lợ kia ai dám uống?
PV: Thế còn những cây bút trẻ thì sao? Nghe nói họ viết hậu hiện đại lắm?
NHĐ: Có câu nói rằng “Hậu hiện đại không phải chiếc túi đồng nát đựng những trò phá sản”. Đừng tưởng ba cái văn học viết ở bến đợi xe, hay cấp tốc trên điện thoại sẽ trở thành giấc mơ hậu hiện đại. Ở đời không có vinh quang nào không trả giá. Người Việt nói “thầy già, con hát trẻ”. Nhà văn là thứ thầy đời đừng có ảo tưởng về độ tuổi măng non của mình?
PV: Nhân đây xin hỏi anh một việc, nhiều lần khi ngồi bên nhau, chúng tôi cứ xuýt xoa rằng các nhà thơ của ta tài lắm, bằng chứng là các nhà thơ giữ chức lãnh đạo hiều hơn hẳn các nhà văn?
NHĐ: Tôi xin đáp lại bằng một câu chuyện có thực. Nguyễn Đình Thi luôn luôn nhận mình là một nhà thơ, và tất nhiên ông là một nhà thơ cũng thành công bậc nhất về đường quan lại. Trong sổ tay của ông, có lẽ câu chuyện mà ông khâm phục nhất là chuyện ông đến khuyên nhà văn Nguyên Hồng hãy ở lại Hội Nhà văn. Nhưng Nguyên Hồng rũ áo ra đi trong một buổi chiều qua một sớm mai. Nguyễn Đình Thi đã hạ một thán từ khâm phục “Nhà văn thì phải thế!” Đó là một sự khâm phục cả đời Nguyễn Đình Thi không làm được mà chỉ khao khát! Những người yếu đuối họ thường muốn cộng thêm chức vụ vào tài năng của mình, để “kiễng chân” trên chiếc ghế bảo hiểm. Các nhà thơ khôn ngoan ư? Một chức trung ương ủy viên thôi họ đã chạm ngón chân vào chưa hay bị rớt ngay vòng loại. Họ được phân chức cao chính vì là thứ đầu sai dễ bảo an toàn. Còn một điều này nữa, không ít nhà thơ tự giới thiệu nâng cấp mình thành “nhà văn”, thì có phải chứng tỏ chính họ thấy danh nhà thơ là kém cỏi hơn danh nhà văn không?
PV: Tại sao các nhà thơ không trúng ủy viên trung ương cho dù rất muốn?
NHĐ: Vì họ đâu có hiểu các lãnh tụ chính trị coi thường họ đến thế nào. Chính trị chỉ coi văn thơ không có tư tưởng là chậu hoa cây cảnh tuyên truyền làm dáng cho thể chế. Trong quân đội và công an người ta không cho lái xe lâu năm quân hàm chức đại tá, vì anh là lái xe, chứ là cái thá gì để lên cấp tướng. Còn các nhà văn nhà thơ bao cấp cũng vậy, anh là thứ chậu hoa cây cảnh anh lên trung ương làm gì?! Có nhà lãnh đạo kia đã nói thẳng về cánh văn sĩ Việt Nam rằng không có hiền sĩ lớn, rặt một cánh học hành nửa vời, nửa chữ tác nửa chữ tộ, dăm câu ba điều thơ phú… Trình độ chậu hoa cây cảnh có khôn thì cũng chỉ là thứ khôn ứng xử vụn vặt, đáng gì mà khoe ?!
PV: Có nhiều lần, chúng tôi hỏi nhau, tại sao có nhiều nhà văn, nhà thơ của Nga tự tử, còn ở ta thì không? Đó có phải do trình độ của lương tâm không?
NHĐ: Nhà văn chúng ta đâu có hình thành lý tưởng để mà tuyệt vọng. Một khi không với tới lý tưởng của mình, người ta mới tuyệt vọng. Một con lạc đà muốn băng qua sa mạc đi tìm con đường tơ lụa chẳng hạn, khi thất bại nó mới tự tử. Đằng này con vịt lạch bạch từ ao lên vườn, lại từ vườn xuống ao. Chân trời của nó là viền ao, khát nước cúi cổ xuống uống. Làm sao nó có thể có được cảm giác thất bại về cuộc hành trình băng sa mạc. Hầu hết nhà thơ ở ta là bồng bột đột xuất làm thơ tài tử giống mấy ông hưu trí làm thơ mua vui vậy. Trong họ đâu có hình thành bất cứ cái gì gọi là “sứ mệnh” phải viết văn. Chẳng hạn như Văn hào Lỗ Tấn trở thành cha đẻ của văn học hiện đại Trung Quốc, mới đầu ông hành nghề y, sau ông nghĩ, nếu theo nghề y, giỏi lắm ông cứu được nghìn người, nhưng theo nghiệp văn học ông sẽ cứu được cả vạn tâm hồn. Và ông đã theo đuổi nghề văn như một sứ mệnh.
PV: Này, có lẽ chúng ta dừng ở đây. Có người nói, anh có vẻ cay nghiệt với nền văn học mậu dịch, vì anh không được dùng?
NHĐ: Tôi không được dùng! Cảm ơn đó là ý kiến xác đáng tự bạn đã nói lên. Còn cay nghiệt ư? Tại sao bạn không nghĩ rằng tôi đang nói sự thật? Sự thật dù nó ngọt hay cay, thì cũng đều là sự thật mà. Còn bạn đánh giá tài năng văn học của tôi thế nào?
PV: Tôi biết anh đã ném rất nhiều găng về lý luận, về thơ, cả triết học nữa, cho đến giờ vẫn chưa có người bắt găng chính thức, nếu có chỉ là vài cái comments ẩn tên. Có nhiều người nói “dù sao anh cũng có bóng dáng của một cây bút lớn cả lý luận, cả văn, và thơ. Còn ở những người khác chúng ta vẫn phải đang thắp đuốc đi tìm”.
NHĐ: Vậy thì bạn nên nghĩ tôi là một người bao dung, bởi vì cho đến nay, tôi cũng chưa một lần có được cơ hội đăng một bài thơ trên báo Văn Nghệ, trong khi đó tất cả những người có thơ chọn để đăng trên đó, thậm chí có rất nhiều giải thưởng nữa lại đang biến báo Văn Nghệ thành sọt rác hấp hối bởi chính thứ văn thơ công-nông-binh viết văn bằng cảm xúc tay trái.
PV: Xin hẹn gặp anh lần sau. Chúng ta sẽ bàn thẳng vào bút pháp và tư tưởng của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.
NHĐ: Tôi rất sẵn sàng. Cám ơn!
Hữu Lý thực hiện 24/11/2012


Văn chương…chợ

"Gánh Văn đi bán chợ Trời"
Tản Đà

"Cơ chế thị trường" : Văn chương ra Chợ
Siêu thị - Vỉa hè mọc như nấm bán/mua
Dân thương lái : lũ con "Fe", đầu nậu
Cánh Văn nhân -Thi sĩ há miệng chờ...

" Văn thơ cổ" mua bổ sung Thư viện
Ai nhớ cội nguồn đến đọc ngâm nga ;
"Thời bao cấp"- dựng film "Ngõ lỗ thủng"
Cánh "Cán bộ ăn lương" hồi tưởng xót xa...

"Văn cách mạng" vào Bảo Tàng bày đẹp
In sách Giáo khoa dạy trẻ thơ ngây ;
"Hồi ký Cụ Mạnh", "Trư cuồng"... giấu vào Internet
"Nỗi buồn chiến tranh" tuyển "dịch" bán cho Tây.

Ai hồi tố đọc " Nhân Văn Giai Phẩm"
Thích Sex ư ?- tìm thơ Vi Thùy Linh
"Lề bên trái"-thơ tân kỳ Chính + Chát (1)
Giỏi "đạo văn" mấy bác "Viện" biến hình...

Văn "Mậu dịch" - cách tân ,đang chờ Trên " định hướng"
ngọng líu lô , câu cú chẳng cần " hàng " ?
Toàn dân Việt xem chừng sai " mẹo tiếng" ?
Để mấy Nhà "Cải Cách" mãi bàn ngang...

Văn chương chợ đang gặp thời bùng phát
Sách văn thơ sản xuất vượt hàng Tầu !
Ra ngõ là gặp "Nhà Thơ" đông  bát ngát
Thơ cho không...In là để tặng nhau .

Văn chương chợ-Nhà Văn vui Hội - Chợ
Để " bốc thơm" - tặng giải ... để chửi nhau ;
Ghế "Hội trưởng" bao anh "mơ" - tưởng bở
"Cơ cấu " rồi...chỉ định cứ mà "bầu"...

Văn chương chợ theo cung/cầu bức thiết
Giỏi cạnh tranh ra "thương hiệu" để Đời
Sẽ ăn khách như Mạc Ngôn , Marquez...
Nhà văn ta sắm biệt thự - xe hơi...

Buổi khởi đầu cứ viết - sống cầm hơi...
 Nguyễn Khôi

---(1)Nguyễn Đình Chính + Bùi Chát

Góc Thành Nam - Hà Nội 1-8-2010
Viết nhân dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Stalin (2)

Stalin (2)

Hoa được đặt trước căn nhà nơi Stalin sinh ra ở Gori ngày 05/03/2013.

Đến ba giờ sáng, tức hơn 20 tiếng đồng hồ sau khi Stalin bị tai biến, Beria và Malenkov mới đến nơi. Ông ta có vẻ như đang ngủ, những tiếng thở dốc của ông có thể bị lầm tưởng là tiếng ngáy. Đến nỗi Beria ngỡ (hay làm ra vẻ như thế) là người ta đã quấy nhiễu ông ta vô ích. Beria quát mắng các cận vệ đang nài nỉ gọi bác sĩ…và bỏ đi, với Malenkov vạm vỡ luôn theo chân.

Có thể Beria đã hiểu rằng chúa tể của Liên bang Xô Viết sẽ không qua khỏi nếu không được chạy chữa. Nhưng nếu không cố gắng cứu chữa cho Stalin thì vẫn hơn. Quyền lực đang bỏ trống, và tốt nhất nên nắm lấy. 

Trong những ngày tiếp theo, Beria và ba ủy viên “Bộ Chính trị cơ động”  tranh luận gay gắt để phân chia quyền hành, củng cố vị trí mình và giữ cho các đối thủ tiềm năng phải đứng ngoài cuộc. Do có bốn con cá sấu trong cùng một đầm nước thì cũng đã quá đủ, các cận vệ và người hầu cận ở Kountsevo nhận lệnh không được tiết lộ những gì đã xảy ra…và để cho đồng chí Stalin yên ngủ.


Thế nên Lozgatchev và các vệ sĩ còn lại phải đơn độc bên cạnh ông chủ đang hấp hối. Thêm một ngày nữa trôi qua, mà không có bác sĩ nào được mời đến. Cuối cùng, các nhân viên của MGB và Maria Boutouzova, càng lúc càng lo lắng, cố gắng liên lạc lần nữa với Malenkov. Ông này xiêu lòng, bèn gọi cho Beria và Khrouchtchev, hai người này đùn đẩy sang Bộ trưởng Y tế Tratiakov. Rốt cuộc ông Bộ trưởng cho gởi đến một toán y bác sĩ do giáo sư Loukomski dẫn đầu. Họ đến nơi vào lúc 7 giờ sáng ngày 03/03, tức 48 giờ sau khi Stalin gặp nạn.

Trước sự hiện diện của Bộ tứ, và cả Molotov, Mikoian, Kaganovitch, Vorochilov rồi sau đó là Svetlana cùng với Vassili – con gái và con trai của Stalin – các bác sĩ, run rẩy vì sợ hãi, bắt tay vào công việc. Họ cởi quần áo bệnh nhân, gỡ bộ răng giả ra và chẩn đoán. Nhịp tim và huyết áp thấp, nửa người bên phải bị liệt, nửa người trái bị những cơn co giật. 

Từ lúc đó, tiên lượng tỏ ra bi quan: Stalin bị xuất huyết não trái, nặng cho đến nỗi có thể chắc chắn rằng ông ta không bao giờ còn làm việc được nữa. Các bác sĩ kê toa sulphate magnésium (để rửa) và đặt những con đỉa sau tai trái. Rồi đáng sợ thay, đội ngũ hùng hậu ra đi, để lại một bác sĩ thần kinh, một bác sĩ đa khoa, một nữ y tá. Người bệnh được chỉ định là phải…nghỉ ngơi và ăn kiêng.

Vào cuối ngày, các thành viên Bộ Chính trị trở về điện Kremli. Beria cảm thấy đang mọc cánh và bắt đầu với tay về phía vương trượng của “Sa hoàng đỏ”. Trong buổi chiều, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng Bộ trưởng và Xô-viết Tối cao họp lại để giải quyết vấn đề người kế vị. Như vậy là có ba trăm người được thông báo về tình hình thực tế. Vị lãnh tụ già nua được giải phóng khỏi nhiệm vụ Tổng bí thư và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Người ta không dám gạch tên Stalin khỏi danh sách các ủy viên Bộ Chính trị. 

Việc điều hành tạm thời được giao cho Malenkov, với Molotov (trở lại một cách huy hoàng), Boulganine và Kaganovitch làm phó. Vị trí người đứng đầu an ninh nội chính của Beria càng vững chắc hơn. Cùng với Malenkov và Khrouchtchev, ông ta còn được giao trách nhiệm « sắp xếp » các giấy tờ của Stalin. 

Ba người này lập tức bắt tay vào công việc, mở các rương giấy tờ bí mật nhất và hủy đi tất cả những gì tố cáo họ có tham gia các vụ thanh trừng trong quá khứ và hiện tại. Việc « phi Stalin hóa » như vậy đã bắt đầu ngay từ khi Stalin vẫn còn thở.

Nếu kể từ sáng 04/03 các đài phát thanh đã có thể công bố « căn bệnh » của Stalin, thì mức độ báo động đã được tăng lên : từ sáng sớm 05/03 radio loan báo mạng sống của Stalin đang « lâm nguy».

Tại Kountsevo, Stalin dường như vẫn luôn ngủ trên chiếc ghế sofa, đôi khi có mở mắt, phát ra được đôi ba tiếng động nhưng không thể nào trả lời những câu nói được người ta thầm thì bên tai.

Liệu có lúc nào đó ông ta cảm nhận được những gì đang diễn ra, giữa hai cuộc họp ở Kremli ? Sau này con gái ông cho biết : « Có lúc ông bỗng mở mắt ra, nhìn bao quát những ai đang đứng xung quanh. Đó là một cái nhìn khủng khiếp, hoảng loạn và giận dữ, chứa đầy nỗi kinh hoàng trước tử thần và khuôn mặt của các thầy thuốc không quen biết bao quanh. Ánh mắt ấy bao trùm lấy chúng tôi trong một chớp mắt. Rồi ông giơ bàn tay trái lên – có thể là ông chỉ cho chúng tôi điều gì đó trên cao, hoặc là ông đe dọa tất cả mọi người. Hành động này khó thể hiểu được ».


Lời kể của các nhân chứng cũng làm cho Vassili Stalin lo ngại. Là tướng không quân và có tiếng là nghiện rượu, anh ta hoàn toàn mất tự chủ và lên án Bộ tứ đã « sát hại » cha mình. Cần phải nhờ đến sự quyết đoán của Vorochilov và những cử chỉ thân thiện của Krouchtchev để trấn an được anh ta.

Từ sự tuyệt vọng của người con trai không được sủng ái cho đến lời tuyên bố sau đó của một cận vệ tuy - không thấy gì nhưng khoe là biết tất cả, và đơn giản là cái chết của Stalin làm thỏa mãn được nhiều người, nảy sinh giả thiết nhà độc tài bị ám sát. Điều này khó thể chứng minh.

Đương nhiên là người ta lên án Beria, người đã được lãnh tụ giới thiệu với Roosevelt và nói rằng : « Đây là Himmler của chúng tôi ». Nhưng thủ lãnh cơ quan an ninh nội chính, bị Stalin cho giám sát từ nhiều năm, khó thể có khả năng xúi giục một vụ khủng bố, nhất là hoàn toàn không có ảnh hưởng gì lên MGB và các gia nhân ở Kountsevo. Ngay cả nếu ông ta reo lên trước các nhân chứng là : « Tôi đã thắng được ông ấy ! », vẫn không có gì làm căn cứ cho giả thiết nào khác, ngoài trách nhiệm trong việc đã để mặc cho sự việc diễn ra một cách tự nhiên, khi trì hoãn việc cứu cấp bệnh nhân.

Giải phẫu tử thi cho thấy cơn xuất huyết não ồ ạt đã trầm trọng thêm do thể trạng của Stalin : ông ta bị chứng xơ cứng tiểu động mạch não (đã được giữ bí mật trong nhiều năm). Với trình độ khoa học của năm 1953, ông khó thể qua khỏi một cuộc giải phẫu. Trong mọi trường hợp, sự nghiệp chính trị của Stalin như thế đã kết thúc.

Diễu hành nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của Stalin, 05/03/2013.
Vào buổi sáng 05/03/1953, Stalin dần bước vào cõi u minh : buồn nôn, khó thở, ói ra máu, trụy tim mạch liên tục, biến chứng ở tim và ngộp thở. Chính là trước một cử tọa đông đảo – gia đình, các nhà quý tộc đỏ, các nhân viên MGB, gia nhân và y bác sĩ, mà người « cha già dân tộc » rốt cuộc đã chịu trút hơi thở cuối cùng.

Lúc đó là 9 giờ 50 phút. Các đồng chí và các con ông hôn lên khuôn mặt đã tím ngắt. Beria quỳ xuống để hôn lên tay Stalin.

Thế giới biết tin về cái chết của Stalin vào sáng hôm sau. Làn sóng xúc cảm, những tiếng kêu khóc vật vã, những lời tán tụng mà cái tin ấy gây nên, ngày nay khó thể hiểu nổi.

Tại Pháp, Hạ viện dành một phút mặc niệm. Jacques Duclos, Quyền Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp kêu gọi các nhà máy ngưng hoạt động, tập hợp tại Vélodrome d’hiver nhằm « để tang » ! Tờ Le Monde bình luận trang trọng về « Cái chết của Thống chế Stalin », trong khi tựa chính của tờ báo cộng sản L’Humanité dài đến ba dòng nói về « CÁI TANG CỦA TẤT CẢ CÁC DÂN TỘC khi tưởng niệm đã biểu lộ tình cảm sâu sắc ĐỐI VỚI STALIN VĨ ĐẠI ». Vài hôm sau, trang nhất của tạp chí Văn chương Pháp đăng chân dung của người quá cố do Picasso vẽ, tạo ra một cuộc tranh cãi dữ dội và giám đốc tạp chí là Louis Aragon phải xấu hổ tự kiểm điểm.

Tại Liên Xô, nếu chỉ nói là sững sờ và đau buồn bao phủ lên 200 triệu con người từ nay bị mất đi lãnh tụ, thì hãy còn quá nhẹ. Sự xúc động còn có thể cảm thấy ở các gulắc, không chỉ vì cái tin này gợi lên hy vọng nơi những người tù. Hàng chục ngàn người khóc sướt mướt diễu qua trước cái xác ướp đặt tại đại sảnh của trụ sở các nghiệp đoàn ở Matxcơva, nơi từng diễn ra các phiên xử quan trọng.

Ngày 09/03, sau vụ chen lấn hỗn loạn trên đường phố gây ra hàng trăm nạn nhân, xác của Joseph Stalin được trọng thể đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng : lăng mộ tại Quảng trường đỏ. Ông ta được đặt cạnh Lênin – từ hơn ba chục năm qua Stalin vẫn được xem là « người nối nghiệp thiên tài của Lênin. Hệ thống tuyên truyền xô-viết loan báo hôm ấy có 5 triệu người khóc lóc tiễn đưa Stalin trên các đường phố. Con số được thổi phồng này tuy vậy không làm giảm đi sự long trọng của đám đông tham dự tang lễ.

Vào tháng 3/1953, hiếm ai biết được hay thậm chí nghi ngờ về mặt trái các tác phẩm của Stalin. Ông ta đã để lại phía sau nhiều máu và nước mắt nhất trong lịch sử. Không kể Đệ nhị Thế chiến, Stalin đã làm cho ít nhất 20 triệu người chết do bị lưu đày, thanh trừng, ám sát cá nhân hay tàn sát tập thể, nạn đói. Những người chân thành khóc thương « người hướng đạo », « cha già dân tộc », « người bạn lớn nhất của trẻ em », « người mạnh nhất và sáng suốt nhất » chỉ thấy nơi ông ta người lãnh đạo một cuộc cách mạng đã đưa nước Nga ra khỏi thời Trung cổ, và thắng được phát-xít với một cái giá bằng máu chóng mặt.

Chiếc khăn voan che đậy những tội ác của « con quỷ đỏ » chỉ được vén lên từ từ. Nhưng cho dù nhiều tù nhân được trả tự do (trong đó có các chiếc « áo choàng trắng »), việc trừ khử Beria một cách thô bạo (tháng 12/1953), báo cáo của Khrouchtchev (tháng 2/1956), sự trình diễn ngắn ngủi của một chủ nghĩa bôn-sê-vich cởi mở và việc đưa xác ướp ra khỏi lăng (ngày 31/10/1961), Liên Xô và nước Nga vẫn chưa chấm dứt được với Joseph Stalin.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Stalin...

 bài viết của Thierry Lentz, giám đốc Quỹ Napoléon trong tập sách “Những ngày cuối cùng của các nhà độc tài” do nhà sử học tên tuổi Diane Ducret và nhà báo Emmanuel Hecht của tuần báo L’Express chủ biên, xuất bản tại Paris tháng 10/2012. Bài viết mang tựa đề “Chiếc trường kỷ của quỷ sứ - Năm ngày hấp hối của Joseph Stalin”.

Độc đoán, tàn bạo và xảo quyệt, nhà độc tài của đất nước xô-viết chết đi trong cô độc, như ông ta đã sống. Đây là sự trả thù của số phận cho những tội ác khủng khiếp mà ông ta đã gây ra.

Stalin luôn đi ngủ rất muộn, và không có ai dám đánh thức ông dậy trước khi chính ông ta quyết định là ngủ như thế đã no nê. Từ các vệ sĩ, những người giúp việc cho đến quản gia, không ai có quyền bước vào phòng nếu không được gọi. Ông thường ngủ đến tận 10 hay 11 giờ sáng. Cũng như tất cả những gì liên quan đến ông ta, giấc ngủ của đồng chí Stalin là bất khả xâm phạm.


Ở tuổi 73, vojd (người hướng đạo, lãnh tụ) vẫn làm việc 15 đến 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Là Tổng bí thư đảng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông lãnh đạo Liên bang Xô viết với bàn tay sắt, trong không khí thanh trừng thường trực. Ông nắm mọi thứ, muốn biết tất cả, đọc và ghi chú một lượng báo cáo khổng lồ, dự vô số cuộc họp, thảo ra các thông cáo, chỉnh sửa các bài báo, viết lại các sách về lịch sử và tiếp tục soạn thảo các lý luận chính trị. Stalin chỉ đạo cách xử sự, những quyết định của các đại sứ cũng như lãnh đạo các đảng anh em, và những ai không chịu nghe lời “tư vấn” của ông thì hãy coi chừng!

Tổng bí thư Tiệp Khắc Rudolf Slansky và hai người phó của ông đã bị treo cổ trước đó vài tháng vì đã quên điều ấy. Một chiến dịch tương tự cũng diễn ra ở Ba Lan, nhắm vào các phụ tá người Do Thái của Tổng bí thư Boleslaw Bierut. Xa hơn về phương Nam, những tay bắn tỉa của Stalin chuẩn bị ám sát Thống chế Tito, nhà lãnh đạo Nam Tư dám vùng vẫy để thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Matxcơva.

Giữa bấy nhiêu âu lo và “dự án”, trong cái đế quốc mênh mông và bấy nhiêu nhiệm vụ, đôi khi Stalin cũng dành chút thì giờ cho những vấn đề nhỏ nhặt. Có khi chính tay ông viết thư trả lời cho một nhà giáo bất mãn với cấp trên, hay một công nhân đang cần một lời khuyên.

Theo thói quen thời trẻ và chủ trương đạm bạc của chính quyền bôn-sê-vích, dù tự cho phép mình nhận vô số danh hiệu và huy chương, mang chức vụ Thống chế và sự tôn sùng lãnh tụ tột đỉnh, Stalin vẫn ăn mặc rất giản dị, với những bộ quần áo đơn sơ, chiếc nón kết cũ và đôi giày bốt đã sờn. Đôi khi ông mặc nguyên quần áo, ngủ quên suốt đêm trên chiếc ghế sofa. Tuy vậy ông không hề từ chối các nghi thức và đội ngũ cận vệ hùng hậu. Bởi vì đồng chí Stalin mắc bệnh hoang tưởng. Ông rất sợ hãi cái chết.

Ngay cả trong hành lang điện Kremli, ông ta chỉ di chuyển khi có cả một đội ngũ cận vệ đi phía trước và phía sau hộ vệ. Khi đi ra ngoài, ông sử dụng ba chiếc xe hơi, trong đó có hai chiếc nhằm đánh lạc hướng. Chỉ có những đầu bếp trung thành mới được nấu ăn cho ông, và các chai rượu đặt trên bàn phải còn nguyên nắp. Văn phòng của ông trong dinh thự chính phủ được coi như nhà ở thực thụ, một datcha (nhà nghỉ) rộng mênh mông và tiện nghi ở Kountsevo là những ngôi đền thánh được giám sát chặt chẽ, được bảo vệ bởi những cận vệ đã qua chọn lựa gắt gao, và chỉ nhận lệnh trực tiếp từ Stalin.

Nếu vào cuối ngày Stalin muốn giải trí một chút ở nhà hát Bolchoi hay trong phòng chiếu phim của điện Kremli, thì luôn có những người tâm đầu ý hợp trong chính phủ đi kèm. Bây giờ là Beria, Malenkov, Khrouchtchev và Boulganine, sau khi đã xa rời Molotov, Mikoian hay Kaganovitch. Nhóm này tạo thành một thứ “Bộ Chính trị cơ động”, sau khi những phiên họp toàn thể của Bộ Chính trị - thường gồm khoảng hai chục thành viên - ngày càng thưa thớt dần.

Trong một "datcha" trước đây của Stalin
Những buổi tối như thế nhất thiết phải kết thúc tại Kountsevo, cách điện Kremli nửa tiếng đồng hồ. Từ đầu Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, lãnh tụ hiếm khi ăn tối và ngủ ở nơi nào khác, trừ những lúc đi nghỉ ở Sotchi. Về khuya, khi các vị khách đã quay về Matx cơva, Stalin nghỉ ngơi đôi khi ở một trong những căn phòng của mình, đôi khi trên chiếc ghế dài ở một trong những phòng khách.

Tối thứ Bảy 28/02/1953, hoạt cảnh bất di bất dịch ấy lại tái diễn. Suốt cả ngày tại datcha, Stalin đọc các báo cáo, nói chuyện với các cận vệ, đi dạo trong khu vườn tuyết phủ rồi thư giãn bằng cách tắm hơi.

Nổi tiếng là người lực lưỡng và dẻo dai, thực ra các mạch máu ông đã lão hóa và bắt đầu cảm nhận được hậu quả. Tất cả những người thân cận ghi nhận là ông bỗng già hẳn đi từ khi chiến tranh chấm dứt. Tuy nhiên ít ai biết được là Stalin đôi khi ngất xỉu vì lao lực, ông bị thấp khớp và trầm trọng hơn là một chứng bệnh ở não đã ảnh hưởng đến tính tình của ông (vốn ngày càng tồi tệ hơn), gây ra những giây phút lú lẫn. Việc chẩn đoán này và lời khuyên của các bác sĩ là nên nghỉ ngơi, đã gây một tác động bất ngờ nơi vị lãnh tụ già nua: các y bác sĩ giờ đây bị nằm trong tầm ngắm của Stalin.

Vào cuối buổi chiều, Stalin đến điện Kremli và gặp bốn đồng chí quen thuộc, trong đó có thêm Thống chế Vorochilov - một trong số hiếm hoi những lãnh đạo quân đội còn được ông ưu ái, chứ không dám nói là cảm tình. Một cuộc họp khoảng hai mươi người chấm dứt hoạt động chuyên môn trong ngày. Sau đó sáu lãnh đạo cao cấp xem phim: Stalin tự cho là một chuyên gia về nghệ thuật thứ bảy, và ưa thích một bộ phim mà mọi người buộc phải khen ngợi.

Vào khoảng 23 giờ, Vorochilov trở về nhà trong khi những người khác đi đến Kountsevo, nơi một bữa ăn tối tuyệt vời với rượu vang ngon từ Gruzia đang chờ đợi họ.

Danh sách 346 "kẻ thù của nhân dân" bị Stalin ký lệnh hành quyết năm  1940.
Như thường lệ, đó là một buổi tối nghiêm túc và vui nhộn. Vị “Sa hoàng đỏ” muốn có không khí vui tươi trong nhà, cho dù lúc đó có những ưu tư gì đi nữa. Người ta đề cập một ít về kinh tế, và nhiều hơn một tí về chiến tranh Triều Tiên. Nhưng chủ đề chính, giống như nhiều tuần qua, là một “âm mưu phản loạn” mới mà thủ lãnh không ngần ngại đấu tranh một cách cố chấp, hiệu quả như thói quen xưa nay. Một vụ thanh trừng mới đã được lên kế hoạch.

Lần này, “vụ mưu phản” được cho là một băng nhóm bác sĩ cầm đầu – nhóm “phản động” này là cánh tay vũ trang của “bọn vận động hậu trường quốc tế người Do Thái” được Hoa Kỳ giật dây. Và vì Stalin chưa bao giờ hà tiện về danh sách “bọn nổi dậy”, “kẻ phản bội” và những “con chó dại” khác mà việc trừ khử theo ông ta là cần thiết, số phận tệ hại nhất đang chờ đợi những nghi can chủ chốt. Tuy họ đều xuất thân từ những gia đình xô-viết gương mẫu, nhưng có thể những “kẻ giật dây” người Mỹ gốc Do Thái đã thuyết phục được họ trở mặt, đầu độc những nhân vật ưu tú của cuộc cách mạng – mà theo điệp khúc của chính quyền thì đang trên đường chiến thắng.

Sau những vụ bắt giữ và hỏi cung đầu tiên, người ta chuẩn bị một phiên tòa công khai mới mà ai cũng biết sẽ diễn ra như thế nào. Các “thủ phạm” sẽ thú tội trước mặt mọi người, tiếp theo là màn luận tội mà các bị can đều xin được tha thứ. Và để trả giá cho tội lỗi: một viên đạn bắn vào ót đối với kẻ cầm đầu, lao động khổ sai cho những tên hạng hai, vợ con, anh em ruột, anh chị em họ và bạn bè của họ. Thống chế kiêm Tổng tư lệnh quân đội Boulganine phải chuẩn bị đưa đi đày hàng loạt người…và có thể đưa một phần lớn người Do Thái ở Liên Xô đi Kazachzstan, Uzbekistan hay đối với những người “nguy hiểm” nhất, tống đi Xibêri.

Người ta nêu ra kế hoạch này vào đêm 28/02 rạng01/03/1953 hôm ấy, với ly rượu trên tay. Đối với bốn khách mời của Stalin, chủ đề khá là tế nhị. Họ phản đối chương trình trên không phải vì nhân đạo, mà vì lo sợ chính mình sẽ bị thất sủng. Thường là đồng lõa, họ thừa biết động cơ những vụ thanh trừng của Stalin: luôn nhằm trừ khử - theo nghĩa đen - những người bị lãnh tụ cho là kẻ cạnh tranh với mình.

Molotov và Stalin 
Beria và Khrouchthchev rất có thể sẽ trở thành các nạn nhân liên đới của vụ “áo choàng trắng”, theo chân Molotov - vợ ông này đã bị tra tấn trong một căn hầm ở Loubianka. Đương nhiên là đêm đó cũng như những đêm khác, họ không dám nói trái ý ông chủ. Thời kỳ các hội nghị Bộ Chính trị trong đó người ta có thể nói tương đối khác ý Stalin, đã qua lâu rồi. Từ nay, thậm chí họ còn không dám phiêu lưu ngay cả trong những cuộc chè chén hàng ngày ở Kountsevo - mà các khách mời biết rất rõ là lãnh tụ thường thay rượu vodka trong ly mình bằng nước lã, để có thể đánh giá ngôn từ của các người khách.

Vào khoảng 4 giờ sáng, Stalin tiễn chân các khách mời đến tận những chiếc Limousine của họ. Ông ta nhìn họ khuất dần, rồi trở về căn phòng ấm cúng, cho các cận vệ đi nghỉ, rồi thả người trên chiếc ghế sofa trong phòng ăn. Người ta đóng cửa lại. Ánh sáng trong ngôi nhà nghỉ lần lượt được tắt đi.

Mặt trời đã lên cao vào sáng ngày 01/03, nhưng datcha vẫn chìm trong im lặng. Các cận vệ chờ đợi được gọi vào. Thời gian trôi qua, nhưng không ai lo lắng cả. Lãnh tụ có thể đã thức dậy làm việc trong đêm, hoặc đang tập trung vào mớ hồ sơ. Ông có đầy đủ đồ ăn thức uống trong phòng. Có thể là ông không muốn ai làm phiền.

Tuy vậy đến chiều, tâm trạng lo ngại mơ hồ có thể cảm thấy  nơi những cận vệ và phía người quản gia. Bất chợt vào khoảng 18 giờ, các nhân viên nhận thấy một chiếc đèn ngủ trong phòng ăn vừa được bật sáng. Họ sẵn sàng chờ đợi nhận lệnh. Nhưng mệnh lệnh vẫn chưa hề được ban ra.

Khoảng 22 giờ, một chiếc xe hơi của điện Kremli mang đến các thư từ và hồ sơ. Trưởng đội cận vệ trực hôm ấy, Lozgatchev, vẫn còn do dự nhưng rốt cuộc quyết định bước vào gian phòng ăn nhỏ. Khi cánh cửa được dè dặt mở ra (lãnh tụ rất ghét bị trông thấy đang mặc đồ lót), anh hiểu vì sao đã không được triệu đến trong ngày: Stalin nằm dài trên thảm trải sàn, mặc chiếc áo lót mình, còn chiếc quần pyjama thì ướt đẫm nước tiểu. Lozgatchev vội chạy đến và nhận ra Stalin vẫn còn sống, nhưng không nói được nữa. Đại tá Starotsine và quản gia Boutouzova được vời đến. Người ta đưa bệnh nhân lên chiếc ghế sofa, rồi chuyển sang một chiếc ghế dài khác trong phòng ăn lớn, thoáng khí hơn.

Chúng ta đang ở Liên Xô vào thời kỳ Stalin. Ngay cả trong thời điểm khẩn cấp như vậy, không có vấn đề đưa ra ý kiến cá nhân, ngay cả để làm những gì mà tất cả những người bình thường phải làm trong trường hợp tương tự.

Đó là lý do vì sao thay vì gọi một bác sĩ – một việc có thể gây hậu quả xấu trong thời điểm bị cho là có vụ âm mưu phản loạn “áo choàng trắng” – trước tiên Lozgatchev gọi điện thoại cho thủ trưởng trực tiếp là người đứng đầu ngành an ninh quốc gia (MGB), Ignatiev. Ông này cũng tỏ ra thận trọng: trong khi Starotchine gọi điện cho Beria và Malenkov, bản thân Ignatiev muốn núp bóng Krouchtchev. Đến lượt Malenkov và Krouchtchev liên lạc với Boulganine. Cả ba muốn đá trái banh qua Beria, nhưng không gọi được cho ông này – có thể ông ta đang ở bên một trong những cô bồ nhí. Cuối cùng, đến một tiếng đồng hồ sau đó Beria mới ra lệnh: đừng làm gì cả trước khi ông ta đến Kountsevo.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự nguy hiểm khi Nhật đối phó một mình lâu với TQ


(Quan hệ quốc tế) - Trung Quốc - Nhật Bản là 2 cường quốc hùng mạnh nhất nhì khu vực chứ không phải 2 sắc tộc, bộ lạc nào để Mỹ hay tổ chức nào trên thế giới có thể dùng áp lực ngăn cản, kiểm soát khi cuộc chiến giữa họ xảy ra. Lúc đó, thì Mỹ chỉ có một lựa chọn duy nhất là trực tiếp vào cuộc chứ không còn cách nào khác.
Tại khu vực châu Á-TBD, tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc với một loạt quốc gia đã tạo ra những điểm nóng tiềm ẩn khả năng xung đột quân sự cao, khó kiểm soát.
Mỹ, một mặt tỏ ra trung lập để giữ mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, mặt khác lại triển khai một loạt các hoạt động quân sự để bao vây, kiềm chế Trung Quốc.
Chính cách hành xử hai mặt của Mỹ đã khiến Trung Quốc khai thác triệt để, họ cậy mạnh, hành động ngày càng quyết liệt, quyết đoán và hung hăng trong tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khu vực châu Á-TBD.
Trên biển Hoa Đông, tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư căng thẳng đã leo thang đến nấc thang cuối cùng kề bên miệng hố chiến tranh.
Còn nhớ trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, lúc đầu Mỹ không tham gia vì muốn “ngư ông đắc lợi”. Nhưng khi bị cú như trời giáng Trân Châu cảng, lúc đó Mỹ mới buộc phải nhảy vào vòng chiến tranh. Vậy thì liệu cuộc chiến Trung-Nhật có xảy ra hay không? Và khi đó Mỹ có sự lựa chọn nào khác? Hậu họa khôn lường ở đây là gì?
 Tranh biếm họa: Mỹ: Chỉ chỏ thỏa mái nhưng không được oánh nhau
Tranh biếm họa: Mỹ: Chỉ trỏ thoải mái nhưng không được oánh nhau
Nước cờ tuyệt hay của Nhật Bản
Nhật Bản tuyên bố nếu UAV của Trung Quốc xâm phạm không phận Senkaku là bị bắn hạ tức khắc. Trung Quốc tuyên bố, nếu bắn hạ UAV của Trung Quốc là hành động chiến tranh, Trung Quốc sẵn sàng đáp trả.
Như vậy có nghĩa là nếu như Nhật Bản bắn hạ UAV của Trung Quốc thì chiến tranh giữa 2 nước sẽ nổ ra.
Nên nhớ đây là tuyên bố của cấp chính phủ, cấp nhà nước của cả hai bên chứ không phải tuyên bố của những kẻ quá khích nào, cho nên, đây không phải là tuyên bố chơi theo kiểu “hỏa lực mồm”…mà lời tuyên bố được bảo đảm chắc chắn sẽ thực thi nghiêm túc bằng hành động.
Vấn đề là sau 2 tuyên bố này, UAV của Trung Quốc có bay vào nơi mà Nhật Bản gọi là không phận của họ hay không mà thôi.
Có thể nói Nhật Bản đã “chuyền bóng” vào chân Trung Quốc, buộc Trung Quốc xử lý, lựa chọn cực kỳ khó khăn một điều tối quan trọng một mất một còn tầm quốc gia.
Nếu Trung Quốc cho UAV bay vào đó có nghĩa là Trung Quốc chấp nhận một cuộc chiến với Nhật Bản mà Mỹ dứt khoát phải buộc vào cuộc.
Mỹ có thể không can thiệp vào Senkaku nhưng rất tiếc cuộc chiến Trung-Nhật lại không chỉ dừng ở đó. Tiến hành một cuộc chiến tay đôi với Nhật Bản đã khó thắng, thế thì có cả Mỹ tham gia liệu Trung Quốc có thắng không, hay là “lời nguyền Nhật Bản” không thể phá giải?
Nhưng nếu không muốn chiến tranh với Nhật Bản lúc này thì có nghĩa là đừng cho UAV bay vào đó, không phận của Senkaku và điều này cũng có nghĩa là Nhật Bản đã bảo vệ được chủ quyền của mình.
Chắc chắn hiện giờ, Trung Quốc chưa muốn chiến tranh với Nhật Bản có Mỹ tham gia trực tiếp, do đó, Trung Quốc sẽ không dám cho UAV bay đến Senkaku để thử xem Nhật Bản có dám bắn hạ hay không.
Để tăng độ rắn cho tuyên bố bắn hạ UAV, Nhật Bản tiến hành một động thái rất hung hăng, dùng máy bay, khu trục hạm, xông thẳng vào cuộc diễn tập “Cơ động-5” của Trung Quốc khiến Trung Quốc tức lộn ruột và buộc phải thay đổi kế hoạch diễn tập.
Đây chẳng phải là nước cờ tuyệt hay đó sao. Nhật Bản vừa dùng áp lực để buộc Trung Quốc phải bỏ ngay trò dùng UAV phục vụ mục đích tranh chấp chủ quyền, vừa gửi đến Mỹ một thông điệp ngắn “Anh hoặc là đi cùng thuyền với tôi hoặc tôi tự do đi một mình”.
Lựa chọn khó khăn của Mỹ
Trước tình hình đó, Mỹ đã tỏ ra hốt hoảng lo lắng đến “lợi ích quốc gia” sẽ bị thiệt hại. Rõ ràng là Mỹ đã nhận thức được là không thể áp đặt lối chơi thực dụng của mình. Chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ Mike Howe cho rằng, Mỹ không nên để một mình Nhật Bản đối phó với Trung Quốc bởi nếu điều này diễn ra sẽ hậu họa khôn lường.
Mỹ sợ rằng nếu để Nhật Bản một mình thì bị Trung Quốc “ăn tươi nuốt sống ư? Không phải, Mỹ hiểu Trung Quốc có gì, Trung Quốc chưa đủ bản lĩnh và khả năng làm điều đó. Vấn đề là Mỹ đã nhận thấy thời gian “một mình” với Trung Quốc của Nhật Bản không dài nhưng đủ để Nhật Bản “trưởng thành”.
Trong khi Mỹ lại không muốn Nhật Bản quá mạnh, sức mạnh vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Mỹ, lúc đó, chưa nói việc Nhật Bản sẽ tranh ngôi vị với Mỹ mà Nhật Bản sẽ tự mình làm mọi thứ cần thiết để chơi rắn với Trung Quốc, làm đảo lộn các mối quan hệ trong khu vực gây thiệt hại lớn cho lợi ích của Mỹ.
Một thực tế là Trung Quốc càng hung hăng bao nhiêu thì Nhật Bản càng trỗi dậy, càng cố “phá tan xiềng xích” để trở thành cường quốc quân sự, chính trị bấy nhiêu.
Điều lo ngại cho Trung Quốc và kể cả Mỹ là để trở thành một cường quốc như thế, Nhật Bản chỉ vướng bởi cơ chế (xiềng xích) nhưng không thành vấn đề về mặt kỹ thuật.
Trung Quốc, Mỹ và thời thế xô đẩy…Nhật Bản sẽ đi theo con đường riêng của mình, sẽ là quốc gia tiên phong chống sự bành trướng của Trung Quốc theo cách của mình mà không cần Mỹ.
Để Nhật Bản một mình đối phó với Trung Quốc quá lâu thì Mỹ phải hối hận.
Đó là sự nguy hiểm cho Mỹ khi Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật Bản sẽ không có lý do gì mà tồn tại, bị người Nhật hủy làm ảnh hưởng đến sự tồn tại quân sự của Mỹ ở châu Á-TBD mà cả an ninh nước Mỹ.
Chưa hết, điều gì sẽ xảy ra  nếu như Nhật Bản và Nga bắt tay nhau chẳng hạn…Lúc đó, Mỹ sẽ mất quyền độc tôn ở khu vực châu Á-TBD và phải chăng cái gọi là hậu họa khôn lường như ngài Chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ Mike Howe cảnh báo là vậy.
Chắc chắn trong tương lai gần Mỹ sẽ không đánh đổi mối quan hệ với Nhật Bản để có mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc. Mỹ không thế vừa muốn ăn con vịt quay vừa muốn ăn trứng nó đẻ ra hàng ngày.
  Chiêm ngưỡng dàn khu trục hạm Aegis của Nhật Bản
Lê Ngọc Thống
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lý do nào khiến Kim Jong-un vào doanh trại náu mình?


– Sau khi phế truất người chú của mình là Jang Song-thaek, lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên, Kim Jong-un đã gần như biến mất tại một căn cứ quân sự gần Trung Quốc.

Lãnh đạo Triều Tiên đi ở ẩn?
 
Sau khi cơ quan tình báo Hàn Quốc đưa thông tin người chú quyền lực Jang Song-thaek của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị phế truất, nhà lãnh đạo này dường như đã rút khỏi Bình Nhưỡng để “náu mình”.
 
Lần gần đây nhất ông Kim Jong-un xuất hiện trước công chúng là tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Ryanggang hôm 29/11. Hôm 30/11, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin về chuyến thăm của ông Kim đến tỉnh này, tuy nhiên từ đó đến nay không thấy bất cứ tin tức nào về hành tung của ông Kim.
 
KCNA cho hay ông Kim đã gửi điện chúc mừng tới nước Lào hôm 1/12, và có một bài diễn văn động viên các công nhân Triều Tiên vào ngày 5/12, tuy nhiên họ không đăng bất cứ bức ảnh nào của ông Kim như thường lệ. Một số chuyên gia phân tích Hàn Quốc tin rằng hiện ông Kim đang ẩn mình tại tỉnh Ryanggang giáp biên giới với Trung Quốc.
 
Ông Kim Jong-un tới thăm doanh trại quân đội ở Ryanggang hôm 29/11
Ông Kim Jong-un tới thăm doanh trại quân đội ở Ryanggang hôm 29/11
 
Tình báo Hàn Quốc cho rằng nhiều khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rời khỏi Bình Nhưỡng đúng thời gian hai phụ tá thân cận của ông Jang Song-thaek bị xử bắn công khai. Các quan chức tình báo Hàn Quốc nhận định ông Kim đã được các quan chức an ninh cấp cao hộ tống rời khỏi Bình Nhưỡng.
 
Chuyên gia Chung Sung-jang thuộc Viện nghiên cứu Sejong Hàn Quốc cho hay hai phụ tá bị xử tử này là Ri Yong-ha và Jang Soo-kil, những quan chức cao cấp trong đảng Lao động Triều Tiên, và nhiều khả năng họ đã bị điều tra với tội danh phá hoại đảng. Theo chuyên gia này, ông Ri Yong-ha đã bị kết tội lạm dụng chức vụ quyền hạn, trong khi Jang Soo-kil bị kết tội tìm cách gây dựng một đảng phái mới và chống lại chế độ hiện nay.
 
Một diễn biến khác, một trong những thư ký của ông Jang Song-thaek đã trốn khỏi quốc gia và xin tị nạn tại Hàn Quốc. Hiện người thư ký này đang bị Triều Tiên truy nã, và được sự bảo vệ của các nhân viên tình báo Hàn Quốc và được giấu tên trước truyền thông.
 
Quan chức tình báo cho biết, viên thư ký này hiện đang lẩn trốn tại Trung Quốc và sẽ sớm có mặt trên đất Hàn Quốc. Nếu thông tin này có thật, đây sẽ là vụ đào tẩu tệ hại nhất của Triều Tiên trong hơn 15 năm qua.
 
Như vậy, cũng cùng lúc thanh tẩy những người thân cận của ông Jang Song-taek, Kim Jong-un cũng không có mặt tại Bình Nhưỡng, nơi mà xung quanh là binh lính của Quân ủy Trung ương Triều Tiên, nơi mà người chú đã từng làm Phó Chủ tịch Quân ủy.
 
Ông Jang Song-thaek khi còn tại vị
Ông Jang Song-thaek khi còn tại vị
 
Điều gì khiến Kim Jong-un xuất thành?
 
Động thái lạ không xuất hiện trước công chúng của Kim Jong-un được giới phân tích cho rằng, vị lãnh đạo trẻ tuổi này đã có sự đề phòng rất chu toàn khi quyết định rời Bình Nhưỡng lắm thị phi, nơi mọi việc có thể xảy ra để đến một căn cứ quân sự, nơi có những tướng sỹ thân cận và trung thành, đồng thời cách không xa biên giới Trung Quốc để náu mình.
 
Có thể nói, người chú Jang Song-thaek mà Kim Jong-un vừa miễn nhiệm và thu hồi quyền lực là một người đàn ông có vai vế trong chính quyền Triều Tiên. Trước khi bị bãi miễn, Jang Song-taek đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Triều Tiên.
 
Đây có thể coi sự kiện đánh dấu một sự biến động chính trị quan trọng nhất của Triều Tiên kể từ khi tân lãnh đạo Kim Jong-Un lên nắm quyền hồi tháng 12/2011. 
 
Ông Jang Song-thaek được cho là có một sự nghiệp thăng tiến nhanh tới chóng mặt. Năm 1972, ông kết hôn với bà Kim Kyong Hui (67 tuổi) - cô em gái mà cố chủ tịch Kim Jong-Il sinh thời yêu quý và tin tưởng hết mực, đồng thời bà cũng là người phụ nữ quyền lực bậc nhất Triều Tiên. 
 
Ngày 25/12/2011, ông Jang Song-thaek khiến báo giới đặc biệt quan tâm khi lần đầu xuất hiện trong bộ quân phục đại tướng, đứng hàng đầu trong nhóm các tướng lĩnh quân sự cấp cao cùng tân lãnh đạo Kim Jong-un tại lễ tang nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il.
 
Ông Jang và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Ông Jang và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
 
Có thể nhận thấy, sau khi Kim Jong-il qua đời, Jang Song-thaek đã được phong hàm đại tướng và nắm giữ một chức vụ quan trọng trong quân đội, cũng như giá trị trong việc bảo vệ “ngôi vị” của tân lãnh đạo trẻ tuổi, sẵn sàng đối phó với những mối nguy hiểm, bất phục.
 
Lúc này, rất có thể Jang Song-thaek là một trong những vệ sĩ thân cận trong quá trình chuyển giao quyền lực của Kim Jong-un.
 
Tuy nhiên sau đó 2 năm, Kim Jong-un đã tiến hành từng bước một những cuộc thanh trừng để chắc chắn cho chiếc ghế quyền lực của mình. Dấu hiệu rõ ràng nhất là bà vợ thứ 4 của cố lãnh đạo Kim Jong-il, Kim Ok, đã bị chính Kim Jong-un bãi nhiệm, tước bỏ toàn bộ quyền lực, và những người thân cận của Kim Ok cũng chịu chung số phận.
 
Tuy nhiên, Jang Song-thaek không phải là một nhân vật tầm thường, ông ta là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, trong những năm nắm quyền, Jang Song-thaek như tướng quân nắm giữ đội “cấm vệ quân” ngay sát chân “thiên tử”. Một khi vị tướng quân bị khép tội, việc xảy ra bạo động hoặc đảo chính tại Bình Nhưỡng là rất có khả năng.
 
Điều này biểu hiện ở chỗ ngay khi Hàn Quốc nhận được thông tin Jang Song-thaek bị tước quyền lực, Tình báo Trung ương nước này và hàng loạt các cơ quan khác ngay lập tức tiến hành điều tra diễn biến vụ việc, thậm chí quân đội Hàn Quốc đã phải chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu bởi lẽ không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra ở quốc gia láng giềng.
 
Tuy nhiên, nước cờ của Kim Jong-un là cao tay. Một người trẻ, nhưng đã từng bước loại được những nhân vật tầm cỡ, đủ thấy được vì sao cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đặt niềm tin và quyền lực vào tay người con trai này.
 
Đỗ Minh Tú (Tổng hợp)


Phần nhận xét hiển thị trên trang