Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Tham khảo văn chương hải ngoại:


Bông Hồng Vàng Và
Cái Cùm Sắt.


Thi sĩ THẾ DŨNG
Đói thoại văn chương với nhà văn VŨ THƯ HIÊN!

---------------------
LNVLXQ : Lang thang trên mạng, tình cờ đọc được bài này (lưu trên google), gặp được 2 ông bạn : Một người (Thế Dũng) kém tôi 1 con giáp (1942 - 1954), ỏ cùng thành phố Berlin. Người kia - "Đại ca văn chương - Vũ Thư Hiên ) hơn tôi gần con giáp (1933 - 1942) , ở Paris hoa lệ, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau. Bài PV này đi trên gio-o.com tư 16 năm trược (1997). Thấy nội dung vẫn còn tươi rói chất thời sự, tính chính luận và tràn đầy chất nghệ thuật - văn chương... tôi quyết định cho đăng lại trên trang của mình để bạn bè thưởng thức !
xxx 
Thế Dũng (TD)
Cảm ơn Thời Gian đã cho tôi gặp anh. Tôi đã mến mộ anh từ lúc tôi chưa kịp 18 tuổi. Cũng cảm ơn anh rất nhiều vì từ thuở ấy anh đã là người môi giới không thay thế được cho cuộc hạnh ngộ tinh thần của tôi với "Bông Hồng Vàng" của K. Paustốpsky qua bản dịch tuyệt vời của anh. Giờ đây, vào lúc giữa đời nhìn lại, anh thấy thế nào? Liệu những gì anh từng nếm trải đã đủ để tạo tác ra một bông hồng hạnh phúc cho chính mình?
Vũ Thư Hiên (VTH)
Nếu bạn giữ mãi được trong lòng tình yêu với một Bông Hồng Vàng mộng mơ của Paustốpsky lận đận, như tôi cảm thấy qua câu hỏi, thì dù tóc đã điểm sương nhà thơ vẫn còn trẻ lắm, qua câu hỏi thì biết. Biết trả lời câu hỏi của bạn thế nào đây? Tôi đã ở bên kia cái dốc của cuộc đời, nói theo cách của Nam Cao, đáng tiếc là như vậy. Còn đáng tiếc hơn là ngoảnh lại vẫn thấy mình trắng tay.
Cái thời sung sức nhất đã qua rồi, mà qua đi một cách lãng nhách. Làm gì có được một bông hồng vàng kỳ diệu mang đến cho mình hạnh phúc! Lấy đâu ra? Một cánh của nó cũng không, Thế Dũng ạ... Không phải riêng tôi, cả thế hệ tôi là như thế. Nói vậy thôi, chứ tôi không phàn nàn. Tôi có hạnh phúc theo cách riêng của tôi, như bất cứ ai, do số phận đem lại hơn là do mình tạo ra - một gia đình đầm ấm, tình yêu của những người ruột thịt, và rất nhiều bạn tốt, trong đó có những bạn đọc tuyệt vời mà không phải người cầm bút nào cũng có được.
TD: Bông Hồng Vàng của chàng Samét, theo tôi hiểu, là tượng trưng cho kiếp Người Đi Tìm Cái Đẹp. Vào thuở dịch "Bông Hồng Vàng" chắc anh chẳng thể có linh cảm rằng rồi đây văn nghiệp của mình lại ràng rịt với 9 năm tù không biết tội gì, sống trong những điều kiện không dành cho con người, để rồi cuối cùng được thả ra với tội danh kỳ cục: "phản động, chống chế độ". Mà anh đã cùng với thế hệ cha anh của mình xây dựng cái chế độ đó từ khi còn là đứa trẻ, như chúng tôi được biết qua tiểu sử của anh.
VTH: Chẳng ai biết trước được những khúc quanh ngoắt nghoéo của đời mình đâu, bạn ạ, kể cả Nostradamus bất tử. Có điều tôi phải nói ngay để tránh mọi hiểu lầm. Chắc hẳn với câu hỏi này Thế Dũng muốn nhắc tới những điều oan trái mà tôi từng nếm trải? Oan trái thì có đấy. Nhưng, nói cho công bằng - nó là thế, mà cũng không hẳn là thế, nhìn từ phía khác. Khi Đảng cộng sản nhốt tôi vào tù, gọi tôi là tên "phản động chống chế độ", cái đảng này hành xử đúng như nó phải làm. Nhưng thôi, nói chuyện chính trị làm gì! Ngán lắm.
TD: Anh bắt đầu văn nghiệp như một người viết kịch, viết truyện ngắn, như một dịch giả... Từ năm 1985, sau 9 năm sống bên ngoài nhà tù, anh lại lặng lẽ viết dưới nhiều bút danh khác nhau. Như vậy là 9 năm tù chưa đủ làm cho anh buông bút?
VTH: Viết văn, nó như cái nghiệp. Khó dứt ra lắm. Cũng như nhiều người cầm bút khác, tôi viết vì thèm có cuộc đối thoại với những người vô hình tên là bạn đọc. Chỉ với họ, và chỉ với họ mà thôi, mình mới có chỗ san sẻ tâm tình. Thế Dũng biết nhà thơ Nguyễn Chí Thiện chứ? Anh ấy ở tù dài hơn tôi nhiều - trên 27 năm, tức là gấp ba lần tôi. Vậy mà anh ấy có buông bút đâu. Trong tù anh ấy làm thơ. Ra tù, làm thơ. Bị bắt lại, vẫn làm thơ. Tập thơ đầu tiên được in ở ngoài nước khi anh còn ở trong xà lim Hỏa Lò, lúc 42 tuổi. Đến năm 57 tuổi mới được cầm trong tay tập thơ của mình lần đầu. Những người có hệ số thông minh không cao cứ tưởng rằng cái sự giam lâu sẽ làm cho con người nhụt chí. Họ mới lầm làm sao!
TD: Năm 1989, anh được nhận giải thưởng loại A, cao nhất, của Hội Nhà văn Việt Nam, với cuốn "Miền Thơ ấu". Có thể nói đó là giải thưởng quốc gia cũng được, vì ngoài nó ra không có giải thưởng nào khác cho cái sự làm chữ nghĩa trong một thời gian dài trước đó. Cũng trong giai đoạn này, anh cho ra "Khúc Quân Hành Lặng Lẽ", "Luật Rừng", "Vụ Aán Viên Đạn Lạc" và nhiều truyện ngắn đăng rải rác trên các báo. Nhà cầm quyền tỏ ra khoan dung, không cấm anh viết nữa, hay là thời thế đã làm cho họ không còn cấm được?
VTH: Vào thời gian đó (bắt đầu từ năm 1985) ở Liên Xô đã có Gorbachov với khẩu hiệu Glasnost (Công khai) và Perestroika (thường được dịch là Cải tổ, đúng ra phải dịch là Xây dựng lại mới sát nghĩa). Không có Gorbachov này sẽ có Gorbachov khác, nhưng không có đúng cái ông Mikhail Gorbachov quê ở Privôlnôiê vùng Stavrôpôl này chắc chắn lịch sử thế giới sẽ khác với cái hôm nay ta thấy. Đúng là mọi sự đổi thay ở điện Kremli đều ảnh hưởng đến khu Ba Đình. Nhưng Việt Nam là Việt Nam, với những khe khắt thôn xóm của nó. Tuy nhiên, nhờ có làn gió mới từ Liên Xô thổi đến, trong đời sống tinh thần ở nước ta đã có một thời gian dễ thở với những khẩu hiệu nghe sướng tai: "Cởi trói", "Bung ra", "Nói thẳng, nói thật", do Nguyễn Văn Linh khởi xướng. Tiếc rằng thời gian ấy không dài. Nhưng ngắn thì ngắn, nó đã đủ để những tác phẩm tiếng tăm vang dội của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phùng Gia Lộc... ra đời.
Về chuyện tại sao tôi vẫn được in thì nó như thế này. Sau khi ra tù tôi có đến toà soạn báo ảnh "Việt Nam", nơi tôi làm việc cũ, để thăm dò xem họ có chịu nhận lại tôi không. Họ nói không. Bởi vì có một chỉ thị mật của Trung ương Đảng cấm in những tên "xét lại" và cấm sử dụng bọn "xét lại" trong các cơ quan báo chí và xuất bản. Chỉ thị này, họ cho biết, ra sau cái chỉ thị đàn anh nó cấm in những tên "Nhân Văn-Giai Phẩm" khoảng chục năm. Đảng cấm chứ không phải nhà nước cấm, tôi cần phải nói rõ ra như thế để cho những ai quen với nền dân chủ phương Tây biết, kẻo họ đòi nói có sách mách có chứng rồi lại phản bác lôi thôi. Ơở nước ta, tội thay, hai cái đó - Đảng và Nhà nước - là một. Nhưng cả cái chỉ thị quái đản nọ cũng lại chỉ là chuyện văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, chính mắt tôi chưa thấy nó bao giờ. Mà cũng chẳng ai thấy. Rất có thể chẳng hề có một chỉ thị như thế, tức là, tôi muốn nói, một chỉ thị thành văn. Những chỉ thị miệng nhiều lắm, không thể đếm xuể. Miệng quan trôn trẻ mà. Một lời của các vị phát ra cứ thế tồn tại mãi, có hiệu lực mãi, kể cả khi nó đã lỗi thời, đã không còn lý do để tồn tại. Mà cũng có thể còn một nguyên nhân khác, từ phía những công bộc mẫn cán. Đám này mỗi năm một đông, tỷ lệ thuận với tình cảnh khốn cùng trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do đảng lãnh đạo. Chúng luôn ngước mắt lên trên, mũi phập phồng ánh hơi, tai ve vẩy nghe ngóng. Khi đoán được "trên" không ưa cái gì là cấm liền. Cho chắc ăn. Chuyện này đã xảy ra với thể loại "cải lương" ở Nam Bộ trong thời gian kháng chiến chống Pháp, với cái gọi là "nhạc vàng" sau khi hòa bình lập lại năm 1954. Với bọn "xét lại" chúng tôi, hồi ấy nhà cầm quyền vẫn còn để ý lắm. Chả là vụ án vừa mới qua chưa được bao lâu, còn rất "thời sự". Anh Hoàng Minh Chính vẫn còn ngồi tù, đợt thứ hai (sau này còn có đợt ba nữa). Đã có những dấu hiệu cho thấy người ta dần dần nương nhẹ với anh em "Nhân Văn-Giai Phẩm", nhưng với chúng tôi thì không, hay là chưa, nói cho công bằng. Những "cái đuôi" cần mẫn vẫn lẽo đẽo theo chúng tôi hàng ngày để có những báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo đặc biệt... Vẫn có những tin bắn đến tai chúng tôi:"Hãy coi chừng, đừng có khỏi vòng cong đuôi!"
TD: Nhưng dù sao thì sách của anh vẫn được in? Anh đánh giá những tác phẩm được in trong thời kỳ ấy thế nào? Một thứ văn chương thỏa hiệp?
VTH: Tôi được in có điều kiện: với bút danh khác. Tên thật thì không, dứt khoát không cho. Viên cục trưởng Cục Chính trị Bộ Nội vụ hồi ấy, tôi quên mất tên anh ta là gì, nói thẳng với tôi như vậy. Trong chuyện tôi được in, nói rằng có một thỏa thuận ngầm cũng được. Thỏa thuận vô tư. Không có chuyện đút lót. Với lại, đến như bây giờ, khi tham nhũng đã được gọi là quốc nạn, người ta cũng chẳng thèm ăn đút của mấy anh cầm bút rớt mồng tơi. Tôi quá ngứa nghề, chắc hẳn người ta rộng lượng nghĩ thế, thôi thì để cho hắn viết, miễn là đừng viết chống Đảng, viết những cái vô thưởng vô phạt cũng không sao. Họ thừa biết tôi là tác giả "Khúc Quân Hành Lặng Lẽ", nhưng họ quay mặt đi. "Khúc Quân Hành Lặng Lẽ" là truyện tình báo, chuyện về cuộc chiến đấu đã qua, không có vấn đề dính dáng với cái hiện tại đang làm cho những nhà lãnh đạo ngồi không yên trên ghế. Thà để tôi viết cái đó còn hơn. Vả lại, để in được "Khúc Quân Hành Lặng Lẽ" tôi ký tên chung với một người bạn, là cán bộ công an cỡ không xoàng, một con người tốt bụng và khá uyên bác, hơn hẳn những cán bộ công an mà tôi biết. Anh này đến thời gian ấy đã không còn sợ trên như trước. Trước kia anh ta sợ lắm. "Khúc Quân Hành Lặng Lẽ" được những người khó tính đánh giá tốt về văn chương. Thực ra, nó là kịch bản văn học, theo cách của tôi. Còn những cái khác? Kịch bản "Vụ Án Viên Đạn Lạc" là một kịch bản tầm phào, tôi thậm chí chưa một lần xem bộ phim được thực hiện theo kịch bản ấy. "Luật Rừng" khá hơn, nhưng không xưởng phim nào dám làm, không có kinh phí. Những truyện ngắn rải rác có cái được, có cái thường, tạm được, theo tôi tự đánh giá. Nói chung, khi người cầm bút không có tự do, khó có một cái gì thật sự làm cho anh ta hài lòng. Có một kịch bản bị cấm, là kịch bản cho phim hoạt hình "Chuyện Phiêu Lưu Của Nàng Liberta Qua Ba Nước: Nước Mặt Nạ, Nước Cùm Vàng Và Nước Mề Đay". Liberta thì ai cũng hiểu là Tự Do, Nàng Tự Do. Viên cục trưởng Điện ảnh liền ra lệnh cấm làm phim theo kịch bản đó. Tư tưởng kịch bản "không trong sáng", anh ta nói thế. Cái anh này tên gì tôi cũng lại quên mất rồi. Trí nhớ tôi rất tồi. Nó chẳng bao giờ chịu ghi lại tên tuổi những lâu la. Nói tóm lại, không có văn chương thỏa hiệp đâu, mà có văn chương tránh né. Văn chương tránh né là văn chương chấp nhận được. Bị bó tay bó chân thật, nhưng không đến nỗi quá khó chịu. Trường hợp "Miền thơ ấu" là đặc biệt - tôi viết nó trong xà lim Bất Bạt, một trại giam nằm giữa vùng đồi trung du, viết vụng trộm trong hoàn cảnh tự do nội tâm, viết để đấy, không bao giờ nghĩ tới chuyện nó sẽ được in. Một anh bạn tôi tình cờ được đọc nó trong đống bản thảo đã úa vàng của một thời chữ nghĩa đã đem tới cho Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh.Nó được in trước hết là nhờ lòng dũng cảm của nhà văn Hà Mậu Nhai đã quá cố, lúc bấy giờ là giám đốc nhà xuất bản. Ở các nhà xuất bản khác người ta không ghét bỏ gì tôi, nhưng người ta sợ. "Miền thơ ấu" là cuốn sách duy nhất được in dưới tên thật của tôi. Anh Hà Mậu Nhai là người duy nhất tuyên bố chống lại những chỉ thị miệng: "Hãy đặt lên bàn tôi quyết định của tòa án về án hình của Vũ Thư Hiên, trong đó có điều khoản cấm in sách của anh ấy. Bằng không, tôi cứ in". Anh mất sớm, khi tôi còn ở trong nước. Tôi tiếc Hà Mậu Nhai sống ngắn quá. Nhưng chẳng cần sống đến "thất thập", Hà Mậu Nhai vẫn là người "cổ lai hy".
TD: Sau khi phiêu bạt từ Hà Nội tới Moscow, rồi từ Moscow qua Warsaw, tới Paris... trong những năm 1992-1997, anh âm thầm viết "Đêm Giữa Ban Ngày". Rồi nó trở thành sự kiện văn chương - chính trị đáng ghi nhớ trong đời sống của người đọc Việt Nam, ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Chắc hẳn "Đêm Giữa Ban Ngày" chưa phải là cơn bão cuối cùng trong cuộc chơi sinh tử với bút mực của đời anh?
VTH: Nói gì mà ghê vậy, Thế Dũng? "Đêm Giữa Ban Ngày" đối với tôi chẳng qua chỉ là bầu tâm sự cần phải nói ra, không nói không được, bằng phương tiện bút mực. Thế thôi. Tôi có kinh nghiệm sống trong cái mô hình xã hội được gọi là xã hội chủ nghĩa, trong đó con người bị tước đoạt bản ngã một cách trọn vẹn, nếu có giữ lại được chút gì là của mình thì cũng trầy trật, tôi không thể không chia sẻ với đồng bào cái kinh nghiệm xương máu ấy. Với tôi, "Đêm Giữa Ban Ngày" không phải là cuộc chơi, lại càng không phải cuộc chơi sinh tử. Nếu Thế Dũng muốn nói trong cuốn sách ấy có máu thì đúng đấy, theo nghĩa đen nữa kia. Tôi vẫn thầm mang ơn những tên cướp giả danh đã không đâm chết tôi trong lần chúng xông vào căn hộ của tôi ở Moscow để đoạt bản thảo cuốn sách. Có lẽ cấp trên của chúng chưa ra lệnh cho chúng làm điều đó, e ngại vụ giết người sẽ trở thành rùm beng ở nơi tôi có nhiều bạn bè trong giới trí thức và văn nghệ sĩ. Mà cũng có thể họ cũng chưa biết nội dung cuốn sách tôi viết ra sao, chỉ mới nghe cấp dưới báo cáo loáng thoáng về nó mà thôi. Tất nhiên, chẳng cần thông minh họ cũng đoán được: nó không phải cuốn sách ca ngợi họ.
TD: Dường như, do tác động của cái thế sự dung dưỡng mình, và rất có thể, của cả tiền kiếp nữa, chúng ta thường tự bỏ tù mình, một cách êm ái và vô thức, vào một vương quốc tinh thần nào đó. Rồi đến một thời khắc nào đó, một biến cố lịch sử nào đó, nó xảy đến như một tai họa, như một bước ngoặt nổ bùng, làm đảo lộn cả đời ta, khiến ta phải đảo chính tâm hồn ta, buộc ta phải làm một cuộc du hành vào tận cùng bản ngã để đối diện với ngoại giới và với chính mình, để cho ta, sau hết, khám phá và phát hiện cái thế giới của riêng ta, phát hiện chính ta. Phải chăng từ thời điểm 1967, khi người ta đẩy anh vào xà lim, đã bắt đầu một quá trình như thế, nó kéo dài cho tới năm 1997, thời điểm "Đêm Giữa Ban Ngày" hoàn thành, và trong cuộc hành trình tinh thần bi tráng ấy của Con Người Sinh Học, Con Người Nhà Văn, Con Người Công Dân, Vũ Thư Hiên đã tự đảo chính mình để trở thành một Vũ Thư Hiên khác?
VTH: Tôi không tự bỏ tù mình bao giờ, vào bất cứ vương quốc tinh thần nào. Sự dốt nát của tôi bỏ tù tôi thì có. Thoát ra khỏi sự dốt nát thật không dễ dàng, đó là kinh nghiệm của tôi. Phải có ý chí để thoát ra. Cái mà bạn gọi là sự tự đảo chính, Marx gọi là tự phủ định. Nên luôn tự phủ định để khẳng định cái ta mới. Phủ định cái bên ngoài ta khó nhưng không khó bao nhiêu. Tự phủ định là khó nhất. Nhưng kết quả của nó thường là cái có thể làm ta vui. Vẫn là ta đấy, nhưng đã là một ta khác. Trong sự biến đổi đó, một biến cố, hoặc nhiều biến cố liên tiếp, có giá trị như một nhiệt lượng cuối cùng thêm vào làm nước biến thành hơi. Trong cái tôi u mê của sự tự bỏ tù vào một vương quốc tinh thần, nói theo cách của Thế Dũng, hay trong cái tôi điên khùng của "cuộc lên đồng vĩ đại", như tôi từng thú nhận, vẫn có sẵn một "cái tôi" khác, là cái sẽ phủ định "cái tôi" trước. Nếu không có sẵn một "cái tôi" như thế, thì sự phủ định cũng bằng không.

Thế Dũng, Vũ Thư Hiên, Paris 09-1998

TD: Tôi coi "Đêm Giữa Ban Ngày" là một tác phẩm văn chương. Nhưng anh lại nói trong phần Tự Bạch: "Trong cuốn sách này chỉ có sự thật. Hình thức văn học trong cuốn sách chỉ được tác giả sử dụng vừa đủ cho bức tranh sự kiện không thành quá tẻ nhạt. Văn học đích thực không có chỗ nơi đây". Như thế, chắc hẳn trong quan niệm của anh về văn học đích thực có những tiêu chí khác người?
VTH: Cả hai chúng ta đều không phải là nhà phê bình văn học, vậy ta miễn cho nhau việc xác định về mặt lý thuyết những tiêu chí văn học nhé, được không? Bàn về những tiêu chí văn học bây giờ e ta sẽ sa đà vào một câu chuyện khá dông dài. Nhận xét của Thế Dũng rằng "Đêm Giữa Ban Ngày" là một tác phẩm văn chương là một lời khen. Nó làm tôi đỏ mặt. Và sướng nữa. Nhưng tôi không thể nhận điều không có. Khi viết Đêm Giữa Ban Ngày tôi không hề có ý định làm văn. Sự thật là như vậy. Khi không định làm văn thì cái văn "tự có" thường là nghèo lắm. Nhưng tôi không buồn. Tôi viết do sự thôi thúc từ bên trong, do ý thức trách nhiệm, có thể nói như thế, và vì lời hứa với những người đã khuất. Nếu tôi bịa thêm một ít trong những gì tôi kịp kể trong Đêm Giữa Ban Ngày thì cuốn sách hẳn sẽ có màu sắc văn học hơn. Trong trường hợp cụ thể này, tôi cho rằng trong tôi đã xảy ra hiện tượng cái "vô ngã" (no ego) thắng cái "ngã" (ego). Đơn giản là thế - tôi không nghĩ đến "cái tôi" thì làm gì có cái văn chương "của tôi". Cái mà bạn thấy là văn chương có lẽ là cái bóng, cái dấu ấn của cái "ngã", một nét riêng cho sự phân biệt với hằng hà sa số "ngã" khác. Khi tôi cố kể cho thật đúng những gì tôi nếm trải nhằm một mục đích không phải cho tôi thì cái văn chương "của tôi" phải ra đi nhường chỗ cho cái khác, cho sự thật, được nổi lên. Trong Đêm Giữa Ban Ngày, nói của đáng tội, đôi khi tôi có tự cho phép mình đặt ra vài giả thuyết (rất có thể sai lầm) để giải thích sự việc này hay sự việc nọ. Trong cái ức đoán đó, tôi phải thú nhận rằng "cái tôi" của tôi lộ ra một cách tồi tệ, tức là, ý tôi muốn nói: trong khi say viết tôi đã lãng đi mà rời khỏi chỗ của người kể chuyện lúc nào không biết. Nhưng đó lại là chuyện khác, là sự sa đà vào lĩnh vực không phải của mình, chính luận chẳng hạn...
TD: Về chuyện anh sa đà vào lĩnh vực không phải của mình, như anh vừa nói, tôi lại nghĩ khác. Nhân vật tự sự của anh - Cái Tôi Nạn Nhân, Cái Tôi Nhân Chứng, Cái Tôi Nhà Văn - trong "Đêm Giữa Ban Ngày" luôn bộc lộ một sức mạnh lý trí, một khả năng phân tích sắc sảo trong việc miêu tả cái mô hình xã hội bịa đặt, hoang tưởng, có tên là xã hội xã hội chủ nghĩa, nó làm cho tập hồi ký của anh rõ ràng có một dáng vẻ chính luận. Thật vậy, tôi có cảm giác những năm giam cầm không triệt hạ nổi Con Người-Nhà Văn trong anh, mà ngược lại, làm cho nó thăng hoa để giờ đây nó được cộng thêm một con người nữa - Con Người Chính Khách. Anh có nghĩ rằng một lúc nào đó anh sẽ làm chính trị không?
VTH: Lạy Chúa tôi! Xin đừng cho chuyện ấy xảy ra.
TD: Anh cho rằng trong thế kỷ của chúng ta Con Người Nhà Văn có thể tách rời Con Người Chính Trị sao?
VTH: Nỗi bất hạnh là ở chỗ đó - Con Người Nhà Văn không thể tách rời Con Người Chính Trị. Chính trị xông vào mọi ngõ ngách của đời sống mà không cần xin phép ai. Nó trói buộc tất cả. Nó cưỡng hiếp tất cả. Vì thế mà có "Đêm Giữa Ban Ngày". Xét cho cùng, chính trị, bản thân nó không xấu, nhưng trong thời đại chúng ta, ở nước ta nữa, chính trị đã làm quá nhiều điều bỉ ổi, nó làm cho ta ghê tởm nó, không muốn dây với nó, như thể bất cứ sự đụng chạm nào với nó cũng sẽ làm cho mình bị vấy bẩn. Tôi sẵn sàng làm chính trị, nếu tôi thuyết phục được tôi rằng tôi làm chính trị tốt hơn so với làm văn chẳng hạn, cho tôi và cho mọi người. Khốn nỗi, tôi không thuyết phục được tôi như thế. Còn nếu tôi có quyền lựa chọn giữa việc viết về tình yêu và viết về chính trị thì Thế Dũng hãy tin rằng tôi bao giờ cũng chọn đề tài tình yêu. Tác phẩm hay nhất mà tôi thích là chuyện tình của "Tristan và Iseult". Tôi đã khóc, mà không phải một lần đâu, trên những trang sách kể lại câu chuyện tình bi thảm từ thế kỷ thứ 13 ấy.
TD: Từ khi số phận anh gắn bó với bút mực, phải chăng văn chương đã và đang là người vệ sĩ đáng tin cậy của anh trên đường đời?
VTH: Với tôi, văn chương vĩnh viễn là bạn đồng hành chung thủy. Đôi khi nó còn là cái nạng để ta vịn vào mà đi trên đường đời gập ghềnh và quá nhiều bất trắc. Nhiều khi mình ngã rục xuống như một cái cây bị đốn, tưởng chừng không thể nào dậy nổi, thế mà văn chương đã đỡ mình đứng dậy, bằng lời an ủi, bằng câu khuyến khích, và bằng cả cái nhìn trách móc nữa...
TD: Cuộc sống ly hương có đè nặng lên tâm hồn anh không? Và cảm giác đối với lần đi xa này có khác lắm với một lần xê dịch luôn hiện diện trong đời anh không?
VTH: Tôi có gì khác với mọi người? Cái cây bị bứng khỏi đất mẹ đem đi trồng ở một vùng đất xa lạ thường không cho quả. Cái đáng sợ là ở chỗ đó, Thế Dũng ạ. Kuprin, Bunin - hai nhà văn Nga ở đầu thế kỷ này mà tôi rất thích - đã gần như phải gác bút trong cuộc sống lưu vong bắt buộc. Đất mẹ không chỉ nuôi dưỡng ta, đất mẹ còn cho ta sức sống, cho ta cảm hứng. Nỗi nhớ cũng là một thứ cảm hứng, nhưng không dài. Tôi không cho cuộc đi này là một lần xê dịch. Tôi đi để làm cái việc tôi phải làm. Đêm đến, tôi đi cùng giấc mơ về nơi tôi nhớ ban ngày.
TD: Anh có dự định gì trong tương lai? Tôi muốn nói: những dự định trong văn học?
VTH: Tôi chưa bao giờ coi viết văn là một nghề. Khi là một nghề, nó dễ làm ta hư hỏng lắm. Ta sẽ viết theo sự quen tay, như một người thợ. Ta sẽ lệ thuộc các nhà xuất bản, vốn không phải bao giờ cũng tôn trọng văn học. Ta sẽ tính đếm những trang viết như đếm tiền, và sẽ tiếc rẻ không dám quẳng đi những trang viết tồi. Văn tốt nhất là một người tình, không nên là người vợ. Để ta có thể hồi hộp, có thể e ấp trong mỗi lần gặp gỡ. Cuộc tình nào cũng đẹp cho tới hôn nhân. Tại sao ta lại cùng Nàng Văn, Nàng Thơ chắt chiu từng đồng nhuận bút để xây một tổ kén, nơi có chỗ nằm êm ấm. Chính vì lẽ đó mà trong tôi chẳng bao giờ có được một dự định sáng tác mà tôi có thể tin chắc rằng nó sẽ được thực hiện, trong một tương lai gần cũng như trong một tương lai xa. Hồi chưa đi khỏi nước tôi đã làm một số phác thảo cho một cuốn sách tương lai. Nó sẽ là một phòng tranh chân dung những người cùng thời với tôi. Trong hình dung của tôi, nó phải là một cuốn sách thú vị bởi vẻ đa dạng, đa màu của nó - từ người ăn mày, bạn của tôi, cho tới nhà lãnh đạo, kẻ thù tự xưng của tôi. Nhưng dự định là dự định. Nếu tin vào dự định của những nhà văn, nhà thơ thì công suất của cả nền công nghiệp giấy thế giới hôm nay cũng chẳng làm ra đủ giấy mà in tác phẩm của họ.
TD: Anh nghĩ gì về nền văn học hải ngoại?
VTH: Tôi biết gì về nền văn học hải ngoại để mà nói? Tôi mới ra ngoài này, còn có biết bao nhiêu việc phải làm, lấy đâu ra thời gian để đọc. Vài truyện ngắn rải rác trên các báo, đôi ba cuốn tiểu thuyết, đó là tất cả những gì tôi biết. Mà có thật một nền văn học hải ngoại sao?
TD: Dù nhiều năm sau nữa hay ngay bây giờ, khi cần có một cái nhìn toàn cảnh chân thực về nền văn học Việt Nam, người ta không thể không đề cập tới một dòng văn học hải ngoại đã, đang và sẽ có... Dòng văn học này do rất nhiều nhà văn, nhà thơ cũng lận đận với Bông Hồng Vàng tạo ra. Theo anh, nó sẽ đóng góp được gì cho nền văn học tương lai của một nước Việt Nam dân chủ và tự do?
VTH: Có thể tôi nghĩ sai, nhưng những nhà văn nhà thơ của chúng ta, dù họ ở đâu, cũng chỉ thuộc về một nền văn học duy nhất gọi là văn học Việt Nam. ở vị trí con cháu chúng ta mà nhìn, một trăm năm nữa thôi, sẽ chỉ có một nền văn học Việt Nam duy nhất, nền văn học được vun đắp bởi tất cả các nhà thơ nhà văn Việt Nam - trong hình ảnh những gì còn lại sau sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian.
TD: Câu hỏi cuối cùng: cái gì sẽ cứu chúng ta trong hành trình về tương lai trong cái thế giới bấp bênh hôm nay?
VTH: Cái Đẹp.
Thế Dũng thực hiện
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quá liều lĩnh và cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ ngu xuẩn:



Quảng Ninh đề xuất cho đầu tư Trung Quốc thuê đất 120 năm Cập nhật lúc 16-11-2013 23:16:30 (GMT+1) Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: songmoi.vn)   Báo Songmoi.vn  có đăng bài với tựa đề "Quảng Ninh quá mạo hiểm với đề xuất cho thuê đất 120 năm!". Bài báo nghi ngại cho việc các nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất dài hạn. Liệu đề xuất của tỉnh Quảng Ninh có được trung ương chấp nhận không? Theo bài báo đề xuất đã được các bộ, ngành đồng thuận. Tác giả của bài báo cho rằng "120 năm quả thật quá mạo hiểm và chưa từng có trong lịch sử bảo vệ biên giới, lãnh thổ của nước ta." Ngay sau khi đề nghị với Trung ương để phát triển Móng Cái, Vân Đồn thành đặc khu kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục đề xuất đặc cách cho phép các doanh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ được phép thuê quyền sử dụng đất lên tới 120 năm. Theo Bí thư Thành ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể thuê quyền sử dụng đất tới 120 năm khi trả tiền một lần. Trong một số dự án kinh doanh đô thị hiện đại, thời gian sử dụng đất có thể lên đến 99 năm, ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê quyền sử dụng đất trong 70 năm được phép thế chấp để vay vốn đầu tư. Một số đối tượng người nước ngoài còn được đề xuất có quyền mua và sở hữu nhà ở dưới nhiều hình thức khác nhau. Ông Chính cho biết, trước hết tỉnh Quảng Ninh sẽ đề nghị được áp dụng những chính sách này thí điểm ở Vân Đồn. Đi kèm với chính sách ưu đãi về đất đai ở Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh còn đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc biệt về thuế như miễn 15 năm thuế nhập doanh nghiệp với dự án công nghệ cao; 20 năm với dự án dịch vụ; giảm 70% thuế thu nhập cá nhân trong 15 năm cho bất kể ai làm việc ở đây; miễn 100% thuế đối với các khoản thưởng hằng năm với lao động có trình độ cao…   Có thể thấy, so với những chính sách về miễn giảm thuế hiện nay thì những đề xuất của Quảng Ninh thể hiện một sự ưu ái chưa từng có trong lịch sử mời gọi đầu tư của các tỉnh. Ông Bí thư Thành ủy cũng khẳng định rõ ràng, mục tiêu chính là để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, giảm thiểu sự can thiệp của chính quyền vào thị trường. Được biết, các đề xuất của Quảng Ninh đang nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành.   Những đề xuất về hai đặc khu kinh tế của Quảng Ninh ở Móng Cái và Vân Đồn cộng với hàng loạt các chính sách ưu đãi tối đa về đất đai và thuế được đưa ra song song với chuyến thăm và làm việc tại Quảng Đông, Trung Quốc của bà Phó Bí thư Thường trực Đỗ Thị Hoàng với mục đích giới thiệu môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh cho thấy, Quảng Ninh đang hướng về các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện một thái độ thiếu thiện chí trên Biển Đông nhằm chiếm đoạt các vùng lãnh hải hợp pháp của Việt nam. Không chỉ có vậy, thương lái Trung Quốc luôn để lại tai tiếng qua các hoạt động thương mại mang tính phá hoại đối với hàng nông lâm hải sản ở khắp các tỉnh thành của nước ta. Còn các nhà thầu xây dựng Trung Quốc cũng quá “nổi tiếng” với kiểu làm ăn bát nháo, bỏ của chạy lấy người. Liệu có thể tin tưởng được những nhà đầu tư kiểu như vậy khi vào Móng Cái hoặc Vân Đồn sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, xã hội của Việt Nam?   Với vị trí giáp ranh với Trung Quốc của Vân Đồn và Móng Cái, đề xuất mở toang cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài – mà cận kề nhất là người Trung Quốc tới làm ăn của Quảng Ninh khiến nhiều người lo lắng.  Với những nơi tiền tiêu trọng yếu này, việc rước người nước ngoài vào “trấn giữ” 120 năm quả thật quá mạo hiểm và chưa từng có trong lịch sử bảo vệ biên giới, lãnh thổ của nước ta. Nguồn: Trường Giang, songmoi.vn (vietinfo.eu)

Cám ơn bạn đã truyền bá nội dung bài vở của chúng tôi. Ngoại trừ mục đích cá nhân, khi sử dụng lại thông tin, xin các bạn không quên ghi rõ tên tác giả, tên nguồn và vietinfo.eu.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dành cho nàng thích chông Tây!



Ám ảnh hàng đêm khi 'lên giường' với chồng Tây Cập nhật lúc 17-11-2013 19:46:42 (GMT+1) Hình tượng trưng   Đọc bài tâm sự "Đừng bao giờ lấy đàn ông Việt làm chồng" tôi rất đồng cảm với nỗi khổ tâm của những người phụ nữ Việt. Thế nhưng tôi lại không đồng tình với quan điểm tẩy chay đàn ông Việt của người viết. Ông bà ta nói rất đúng "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn".  > Đừng bao giờ lấy đàn ông Việt làm chồng! Tôi nghĩ, dù là thời đại nào thì gái Việt chỉ hợp với trai Việt.Trước đây, tôi cũng từng có suy nghĩ như người viết bài "Đừng bao giờ lấy đàn ông Việt làm chồng". Tôi đã từng chứng kiến cảnh bố ngược đãi, giở thói gia trưởng, độc đoán hành hạ mẹ lúc tôi còn bé. Bởi thế, nên khi lớn lên, học hành đỗ đạt, tôi quyết làm chủ cuộc đời mình, kiên quyết không lấy đàn ông Việt làm chồng. Thế nhưng, 8 tháng sống trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc với chồng Tây, tôi nhận ra rằng mình đã sai và thật sự hối hận vì xem thường đàn ông Việt. Tôi không phủ nhận đàn ông Việt có vô số thói xấu, vô số những điều khó chấp nhận, tha thứ. Tuy nhiên, nếu nhìn với con mắt bớt cực đoan hơn thì họ so với đàn ông Tây vẫn hơn gấp vạn lần. Tôi lớn lên mang theo những ám ảnh tuổi thơ và những lời căn dặn của mẹ về đức tính nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, hi sinh tất cả cho chồng con để làm một người phụ nữ đảm của gia đình. Nhưng tôi đã không làm như thế, tôi quyết tâm thay đổi số phận vì tôi không muốn giống cuộc đời mà mẹ đang sống. Bởi vậy mà, trong chuyện tình cảm tôi luôn đề phòng và không bao giờ cho phép mình được rung động trước các chàng trai Việt. Người chồng tôi mơ ước là một anh Tây chính hiệu. Chỉ có lấy chồng Tây tôi mới thoát khỏi gông cùm của thói độc tài, ích kỉ - tật xấu ăn sâu trong tiềm thức của cánh đàn ông Việt Nam. Tôi nghĩ những người đàn ông Tây phương sẽ tiến bộ, văn minh hơn, biết chiều, quý trọng phụ nữ hơn. Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, tôi xin vào làm việc tại một công ty của người nước ngoài đóng tại Việt Nam. Đó là môi trường tốt để giúp tôi dễ dàng đạt được mong ước của mình. Thông qua lời giới thiệu của một đồng nghiệp, tôi đã quen và yêu một anh Tây hơn tôi đúng một giáp. Trước đây, Toni - người yêu tôi đã từng trải qua vài ba mối tình. Nhưng với tôi, quá khứ như thế nào không quan trọng, miễn sao hiện tại và tương lai anh ấy chỉ yêu một mình tôi là đủ. Gái Việt nên lấy trai Việt làm chồng là hợp nhất (Ảnh minh họa) Lúc mới yêu, cũng có đôi lần sự sòng phẳng thái quá của anh ấy khiến tôi hụt hẫng. Mỗi lần cùng nhau đi ăn uống Toni đều đề nghị chia đôi số tiền phải trả. Chuyện đó, lâu dần tôi cũng thành quen. Trong mọi chuyện, chúng tôi đều khá hợp nhau nhưng chỉ riêng "chuyện ấy" là chúng tôi hay tranh cãi, bất đồng. Toni nghĩ về sex rất thoáng. Với anh ấy, tình dục và tình yêu không đi liền với nhau. Thích, hợp thì lên giường và ngay sau đó trở thành 2 người xa lạ cũng chẳng sao. Anh ấy ngạc nhiên khi bị tôi từ chối và không tán thành khi tôi giải thích rằng "trinh tiết để dành cho đêm tân hôn".  Anh ấy bảo tôi quá lạc hậu, cổ hủ. Tuy có vài điểm không tương đồng, nhưng rồi duyên số vẫn gắn bó hai chúng tôi thành vợ chồng. Khi về sống một mái nhà, tôi mới vỡ lẽ ra được nhiều điều mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Trong chuyện tiền bạc, anh ta chẳng phóng khoáng mà ngược lại chi li hơn cả đàn ông Việt. Vì chưa có nhà nên chúng tôi thuê căn hộ riêng để ở. Tiền nhà và mọi khoản chi tiêu anh ta đều cộng gộp và chia đôi, mỗi người phải trả một nửa số chi phí đó. Anh ấy chỉ đưa cho tôi 1 khoản nhỏ để mua thực phẩm, ăn uống, còn đâu là anh ấy cất dành để chi tiêu riêng. Anh ấy bảo: "Chúng ta là vợ chồng nhưng phải độc lập về tài chính để nếu có li dị thì không phải chia chác tài sản". Sống với Toni, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh ta không bao giờ xem tôi là người đàn bà duy nhất. Thậm chí, anh ấy còn cười ngặt nghẽo khi nghe tôi nói điều đó ra. Việc nhà cửa, cơm nước thì anh ta khoán trắng cho vợ.  Anh ấy bảo không quen vào bếp, chỉ quen đi ăn hàng nên nếu tôi không nấu ăn được thì cả hai đi ăn tiệm. Vì xót tiền nên tôi lại phải lăn vào bếp. Là con rể nhưng anh ấy chỉ về thăm quê vợ được 2 lần. Anh ấy thấy khó chịu với lối sinh hoạt ở quê và luôn mồm chê mất vệ sinh. Là đàn ông nhưng anh ta chẳng biết gì ngoài việc ôm ti vi hay máy vi tính. Từ treo cái dây móc quần áo đến đồ điện hỏng đều do tôi tự xoay xở. Trước khi cưới, Toni bảo rằng chưa muốn tôi sinh con. Anh ta bảo, cứ sống thử với nhau một thời gian, nếu thấy gắn bó, hợp thì hẵng sinh con. Chứ nhỡ quan hệ vợ chồng rạn nứt lại vướng con cái rất khó giải quyết. Tôi nghe mà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong bởi có phân tích thì anh cũng chẳng thèm nghe. Mỗi lần, anh ấy bay về nước thăm nhà hoặc cùng bạn bè đi du lịch thì chẳng bao giờ rủ tôi đi cùng. Anh ấy bảo tôi đi sẽ làm vướng chân anh ấy.  Tôi biết Toni cố tình nói thế để dễ dàng quan hệ với những cô gái khác mà không sợ bị tôi phát hiện. Biết chồng trăng hoa với các cô gái khác nhưng tôi vẫn phải im lặng, cam chịu. Điều khiến tôi khổ tâm nhất là quan hệ vợ chồng. Mỗi lần anh ấy đòi hỏi đều khiến tôi kinh hãi. Toni có ham muốn tình dục quá cao nên mỗi lúc ân ái đều khiến tôi kiệt sức.  Ngày nào, anh ta cũng bắt tôi chiều chuộng và xem tôi như một nô lệ tình dục chứ không phải là một người vợ. Tính cho đến thời điểm này, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã kéo dài 8 tháng mà với tôi tưởng như nó đã kéo dài 8 năm. Làm một người vợ nhưng nhìn lại tôi chẳng có gì. Tiền của, nhà cửa, tình yêu, con cái.... đối với tôi chỉ là một số không tròn trĩnh. Thậm chí, một ước mơ, mong muốn cũng không dám nghĩ đến vì như anh ấy bảo sống ngày nào biết ngày đó, không tính trước được tương lai. Tôi thấy vô cùng chán nản và nhận ra rằng sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình là gắn bó cả đời với một người chồng Tây, khác màu da , khác dòng máu, khác về tất cả mọi cái. Đàn ông Việt tuy ích kỉ, nhỏ nhen, hẹp hòi nhưng suy cho cùng họ vẫn là người Việt, vẫn dễ dàng thấu hiểu đồng cảm với nhau hơn. Đừng dại dột đặt niềm tin mù quáng vào chồng Tây để rồi phải chịu bao thiệt thòi, đau khổ giống như tôi! Nguồn: Megafun.vn (vietinfo.eu)

Cám ơn bạn đã truyền bá nội dung bài vở của chúng tôi. Ngoại trừ mục đích cá nhân, khi sử dụng lại thông tin, xin các bạn không quên ghi rõ tên tác giả, tên nguồn và vietinfo.eu.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cho quên ngày buồn!


Cảm ơn nhà thơ LCN đã thực hiện ảnh này! ( Mềnh ngồi gần ông có cái m. giống TTS! )
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao các nước không thiện cảm với người Việt?







Cận cảnh vườn trồng cần sa của người Việt ở Jihlava Cập nhật lúc 22-11-2013 15:00:00 (GMT+1)   Cảnh sát Séc vừa phát hiện ra một vườn trồng cần sa mới ở Jihlava. Người Việt Nam thuê nhà để bán hàng hoa quả, nhưng bên trên lại dùng để trồng cần sa. Mặc dù người trồng cần sa đã bị bắt một lần rồi, nhưng dường như anh ta không sợ hay không còn con đường nào khác. Nếu như việc thi hành án tại Việt Nam bắt đầu thực hiện thì những người này có thể sẽ trở thành một nguồn ngoại tệ không nhỏ cho các nhà giam tại Việt Nam. Thứ hai tuần này cảnh sát hình sự ở Třešt, Jihlava đã khám phá ra một vườn trồng cần sa trong nhà và bắt giữ một người Việt Nam mà nhiều báo chỉ nhắc đến là nước ngoài. Vườn trồng cần sa được giấu trong tầng hai của ngôi nhà bán hoa quả. Cửa hàng bán hoa quả chỉ là một hình thức che đậy. Cảnh sát đã vây bắt ngôi nhà vào lúc tám giờ sáng. "Khi kiểm tra ngôi nhà, cảnh sát hình sự đã phát hiện ra hơn năm trăm cây cần sa" cảnh sát hình sự Pavel Krčál cho biết. Theo cảnh sát, vườn cần sa đã được trang bị  công nghệ khá cẩn thận để sản xuất được cần sa có chất lượng cao. Chẳng hạn như hệ thống quạt điện, tự động tưới nước, đèn đặt giờ và nhiệt kế. Cảnh sát đã bắt được một người Việt Nam 23 tuổi, sinh năm 1990. Người này đã bị bắt đưa vào trại giam để truy tố. Nghi phạm có thể bị phạt từ 2 đến 10 năm tù. Một điều đáng chú ý là thanh niên này đã vi phạm lần thứ hai. Năm ngoái, trong một vụ truy quét ở Praha khi cảnh sát ập đến nghi phạm đã chạy trốn nhưng bị ngã từ ban công xuống vỡ đầu, phải nằm viện 2 tháng và nhờ thế được truy tố tại ngoại sau khi bị tạm giam 2 tháng. Tại vườn trồng cần sa, anh ta có đủ bếp nhỏ để nấu nướng và chỗ ăn ngủ. "Người coi vườn được lệnh của cấp trên không được ra khỏi ngôi nhà, chỉ được một tháng một lần đi ra ngoài như đến Praha", ông  Pavel Krčál cho biết thêm. Cảnh sát đã  theo dõi vụ này từ giữa năm nay. Họ không loại trừ khả năng có nhiều người khác sẽ bị truy tố cùng. Đây là vườn cần sa lớn nhất trong năm được phát hiện tại vùng Jihlavsko. Tổng hợp: NM (vietinfo.eu) (vietinfo.eu)

Cám ơn bạn đã truyền bá nội dung bài vở của chúng tôi. Ngoại trừ mục đích cá nhân, khi sử dụng lại thông tin, xin các bạn không quên ghi rõ tên tác giả, tên nguồn và vietinfo.eu.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Càng đông càng vui!

GIA LAI CÀ KÊ 4

Té ra với người Tây Nguyên, chết không phải là hết, mà chết là sự bắt đầu, nó sẽ tái sinh ở cõi A tâu. Nên mọi người rất hay tự tử, chả có lý do gì cũng tự tử. Bởi họ tin sẽ sang bên kia, có lẽ công bằng, có hạnh phúc, có những thứ mà ở cuộc đời này không có...

Mình thì nghĩ là, họ sống ở cuộc đời này khổ quá, chết có khi sướng hơn. Ngay bây giờ thôi, động tí là họ tự tử.

Trở lại cái anh chết tự tử kia.

Mọi người để anh nằm đấy và ăn uống nhảy múa, rất vui vẻ. Thi thoảng có người cầm miếng thức ăn đến quẹt vào miệng anh ta, ý là cho anh ăn.

Là bởi họ nghĩ anh ấy mới nằm đấy nghỉ ngơi, chứ chưa chết. Phải đến khi làm lễ bỏ ma thì mới chết hẳn, mới sang thế giới người âm. Vì thế, bây giờ và ba bốn năm nữa, anh này vẫn thường xuyên được "thăm nuôi", hàng ngày mọi người vẫn mang cơm nước ra mộ bón cho anh ta ăn, qua 1 cái lỗ thông hơi trên miệng quan tài. Ngoài ra khi mang đi chôn, anh ta vẫn được chia của cải, tất nhiên những đồ được chia, vì nó là của người chết, nên được làm cho hỏng đi, như chiêng, ghè thì đục thủng, các thứ khác cũng làm cho méo cho dẹp đi...

Lẽ ra thì anh này "được nằm" cả tuần kia, cho dân làng ăn uống no say càng lâu càng tốt, nhưng có đoàn công tác nên xã vận động gia đình chôn sớm. Và gia đình chấp thuận.

Anh này được đưa ra khu nhà mồ, chọn cái mộ của gia đình, là một cây gỗ đã đục bộng bên trong. Người ta mở nắp cái quan tài nguyên cây rất to ấy ra, và... bên trong đã có 3 xác, có một xác mới chôn mấy tháng.

Tôi suýt nôn tại chỗ vì cái mùi xộc ra từ quan tài. Lùi ra mấy bước tôi lấy khăn mùi xoa nhúng vào nước rượu cần rồi khéo léo kẹp vào tay che mũi, và lại xán vào, bởi tôi biết, sẽ hiếm khi nào được chứng kiến lại, và đây chính là cách để tôi tiếp cận Tây Nguyên, là cách mình nuôi vốn sống. Tiếc là hồi ấy chưa có máy ảnh.

Họ đặt anh này vào, nhưng không đủ chỗ vì thế anh ta cứ vồng lên trên quan tài. Lại lôi ra rồi 2 người nhảy vào quan tài... nhún. Nước từ cái thi thể mới chôn phòi ra, xẹp bớt đi, và người ta lại cố gắng nhét anh này vào. Và sau nhiều loay hoay thì anh ta cũng nằm trọn vẹn được trong ấy. Như thế là trong cái quan tài ấy hiện có 4 xác người cùng huyết thống hoặc trong cùng gia đình, chắc là đầy rồi, sẽ không bỏ thêm ai nữa, chỉ chờ bỏ ma (pơ thi) thôi. Nhưng không phải, sau tôi hỏi chuyện một người già, ông ta bảo: để thời gian nó xẹp đi, mình lại cho thêm người mới vào được mà! Càng đông càng vui mà. Ra thế.

Và tôi để ý, những người vừa khiêng vác, vừa nhét người vào quan tài kia, họ lại tiếp tục bốc thức ăn ăn, như chưa từng làm việc ấy. Không chỉ thế, họ còn bốc đút cho người khác. Và không ai được nhè ra. Sau này tôi có quen một ông người Giẻ Triêng, lãnh đạo rất to, ông này cũng hay nhậu tê tê rồi bốc thức ăn bỏ vào mồm khách, bắt ăn bằng được. Có ông ọe ngay tại chỗ vì miếng thức ăn to quá, trong khi ông quan niệm, miếng càng to càng quý khách. Hôm rồi ngồi với ông anh Đỗ Quang Hoàn, nhà báo mới về hưu, nhắc lại, ông Hoàn kể rất nhiều người, toàn tây học, trí thức, hàm vụ trưởng thứ trưởng... sửng cồ với ông này khi bị nhét thức ăn như thế. Nhưng thực ra đấy là phong tục hiếu khách của người Tây Nguyên. Ông này có tật vừa ăn vừa xỉ mũi, có khi vừa lấy tay vắt mũi lại thò tay bốc thức ăn cho vào miệng khách. Vì ăn bốc từ nhỏ, nên người Tây nguyên bốc rất khéo, và nhét vào mồm cũng rất khéo, chứ cánh ta, bốc cái gì cũng lòa xòa, trừ 1 thứ, hehe...

Thì ở đây tôi cũng xơi mấy nắm thức ăn, có cơm, có thịt, có lá mì, đầy mồm. Tôi ngậm một lúc rồi tìm chỗ... nhả, tất nhiên nước thì nó đã kịp vào bụng mình rồi. Đồng bào có vài món chín, còn lại là những món rất khó ăn, như thịt bạc nhạc băm nhuyễn rồi trộn với phân, tiết... thành một thứ lệt xệt như ta dùng để nhồi vào nhồi ấy, nhưng ta thì luộc, xong rồi còn nướng hoặc rán, đây đồng bào để thế và... bốc ăn. hay những miếng thịt gói vào lá gì ấy, rồi vùi trong tro ấm, chỉ tro ấm chứ không than, khi mở ra miếng thịt chỉ hơn âm ấm, và cũng ăn.

Một thời, tôi đã lăn lộn dưới làng, ăn như thế, uống như thế, và cái hay là, không đau ốm gì. Tất nhiên trong túi luôn có Tetraciline hoặc cloxit, loại kháng sinh thời ấy, đắng đến nôn ọe. Thế mà một lần tôi dã cứu 1 cháu bé 7 ngày tuổi bằng chính cloxit  ấy, nếu không có viên thuộc tôi nghiền nhỏ rồi vắt sữa mẹ nó vào dốc cho nó lúc nửa đêm ở cái làng biên giới xa xôi ấy, đứa bé chắc chắn chết vì mất nước, vì cứ 5 phút nó lại xoẹt một lần, tôi nằm mà xót ruột, và sau khi hội ý với mấy sư phụ Tô Ngọc Thanh, Phạm Hùng Thoan...  tôi đã dậy cho cháu uống như thế, và như một phép tiên, nó cầm đi ỉa, và sáng sau ngủ như chó con... Té ra đồng bào ít dùng thuốc, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, nên mình cho thuốc gì cũng rất dễ khỏi. Tôi đã nhiều lần làm bác sĩ và đã thành công là vì thế...

Cũng chuyến đi ấy, lần đầu tiên tôi biết cách ông Núp đánh chông thò, biết chỗ ông ngồi rình để... bắn Pháp chảy máu...

Bận quá các bác ạ, mỗi ngày nhà cháu gõ ít chữ, cố gắng hết năm thì... hết luôn. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Bộ trưởng lấy đá ghè chân mình'!

Đọc bài này thấy thông cảm với những tâm sự, bức xúc của bác Vinh quá. Bác bảo có nói cũng chẳng ai nghe: "Tôi đã báo cáo trước Chính phủ. Thế rồi sang bên kia cứ gọt dần, ra trung ương gọt thêm nữa, đến Quốc hội thì không có lời tôi nói, hoặc có thì có một tí thôi"... Đến Bộ trưởng còn bị coi như thế thì ý của dân được coi ra gì ? Tôi không tán thànhphần lớn các phân tích trong bài này của bác: Điểm 1 bác nhấn mạnh quá nhiều vào đầu tư, coi không có đầu tư là không có tăng trưởng; đoạn bác nói các nước Pháp, Đức đã xây dựng cơ sở hạ tầng từ hàng nghìn năm là hơi buồn cười; thực ra chủ yếu từ đầu thế kỷ XX, nhất là từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 thôi, chứ trước họ cũng còn nghèo lắm. Điểm 2 bác nói về cải cách thể chế kinh tế, tạo ra môi trường cho tất cả mọi thành phần kinh tế để người ta có điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tất cả những gì trong khả năng người ta có thể làm được. Điều này đúng, ai cũng nói nhưng cụ thể thế nào thì chẳng ai nói; Hiến pháp sắp sửa đổi có thấy đổi mới gì đâu; mặt khác những phân tích, ví dụ của bác trong bài xem ra không thuyết phục. Xem thêm bài: 'Bộ trưởng lấy đá ghè chân mình'

Phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại buổi thảo luận tổ – Quốc hội 24-10-2013
Tôi muốn nói để các đại biểu Quốc hội nắm sâu các con số.
Chúng ta nói rằng đầu tư cho phát triển năm 2014 là 163.000 tỷ, nhưng trong đó có 36.000 tỷ dự kiến thu từ đất nhưng thị trường bất động sản đang trầm lắng nên cũng không chắc là có đủ số này. Cho nên, con số chi thật thấp lắm. Nếu mà căn cứ vào Luật ngân sách và nghị quyết của trung ương thì lẽ ra phải bố trí 260.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Nhưng bây giờ chỉ bố trí có 163.000, mà trong đó đã dự kiến 36.000 từ đất. Do vậy con số thực thấp lắm.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh
Hôm qua trình ra QH thì nhiều đồng chí rất vui vẻ ủng hộ bội chi 5,3% và nói rằng để chi cho đầu tư phát triển tăng lên. Nhưng thực tế thì chúng ta thấy rằng chi đầu tư phát triển đang giảm một cách mạnh mẽ, năm nay là năm giảm nhất trong lịch sử VN về chi đầu tư phát triển mặc dù trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ có viết rằng cố gắng đảm bảo chi đầu tư phát triển 2014 cơ bản không thấp hơn năm 2013.

Tôi làm Bộ trưởng kế hoạch là người chịu rất nhiều sức ép khi mà có nhiều dự án địa phương rất hiệu quả, rất quan trọng. Có hai cái mảng, một cái mảng dự án đầu tư từ những năm trước để lại thì suốt nhiệm kỳ của tôi gánh vác cũng không hết. Không bố trí thêm mà chỉ cắt đi. Các đồng chí nói cái 1792 rất nhiều chủ tịch tâm sự riêng với tôi nói rằng may mà Chính phủ ra ngay lập tức từ đầu nhiệm kỳ cái chỉ thị quyết liệt như vậy nên các chủ tịch tỉnh mới chùn tay không ký, không dám ký. Không có tiền là không được ký, không có thẩm định của trung ương là không được ký. Còn nếu cứ để theo cái phong trào như cách đây ba, bốn năm thì không biết hôm nay sẽ vỡ nợ như thế nào. Tôi có thể nói là đất nước này vỡ nợ do xây dựng cơ bản tràn lan.

Nhưng đến nay cơ bản là đã khống chế được trong xây dựng cơ bản của nhà nước. Tôi có thể khẳng định chúng ta kiểm soát được các dự án đầu tư trong kế hoạch. Hiện nay cái nợ không lớn, chỉ khoảng hơn 50.000 tỷ thôi. Nhưng tổng các khoản nợ khác thì có thể hơn, vì ông cứ đi vay làm, rồi tạm ứng kho bạc trước, ông cứ nói với doanh nghiệp là anh đi vay về làm đi rồi tôi tìm cách trả nhưng không có tiền trả. Đấy là những cái ngoài kế hoạch, còn trong kế hoạch thì không nợ nhiều thế. Chỉ trừ bộ Giao thông, vì Bộ giao thông thì lúc nào cũng nợ. Ông ấy cứ ứng xong rồi nợ, Chính phủ nợ chứ ông ấy có nợ đâu mà. Thì cái đấy ông ấy làm đường quốc gia thì mình chịu.

Trong tổng số 163.000 thì có 16.500 là vốn nước ngoài. Chúng tôi phải ép vốn nước ngoài xuống thấp, như tôi đã báo cáo trước là vốn nước ngoài năm nay chắc chắn sẽ đạt vào khoảng 31.000-35.000 tỷ, nhưng chúng tôi chỉ lấy một nửa để đưa vào kế hoạch. Vì các tỉnh, các bộ tìm vốn ngân sách khác để làm đối ứng thôi. Còn vốn nước ngoài đang có 24.000 tỷ còn treo ở các dự án cơ mà. Cho nên con số này trừ đi 16.500. Cân đối cho các địa phương là 86.000, HĐND các địa phương tự quyết định. Chỉ còn 77.000 của trung ương thôi, và phần này trừ đi 16.500 thì còn có 60.500 tỷ mà trong số này chúng tôi lại cân đối hỗ trợ địa phương 37.000 tỷ và cuối cùng ngân sách trung ương còn 39.000 ngàn, để làm gì? để bộ giao thông làm đường, bộ nông nghiệp làm thủy lợi nhỏ. Nhiều người nói thôi cân đối khó thì không hỗ trợ địa phương nữa. Tôi nói thật là có nhiều dự án bây giờ không có tiền là không xong. Chỉ cái đường vào nhà máy lọc dầu mà tôi cũng phải bàn với các anh ấy suốt cả buổi chiều, không giải quyết nổi. Nguồn ít quá, cái tối thiểu cũng không giải quyết được. Bây giờ không hỗ trợ các địa phương thì họ lấy tiền đâu ra mà đầu tư.

Chỉ có điều là không cho làm mới. Muốn làm mới phải báo cáo và thủ tướng đồng ý mới được làm. Bây giờ chặt đến mức ấy. Và chúng ta đã dẹp bớt được gánh nặng khổng lồ của đầu tư dàn trải.

Nếu cứ nghiêm túc thế này thì đến năm 2015 tình trạng dàn trải cơ bản sẽ cơ bản được giải quyết, những cái dở dang trước đây sẽ cơ bản được hoàn thành. Nhưng rõ ràng mất một nhiệm kỳ không có làm mới được cái gì. Và đó là sự gánh chịu rất nặng nề và cũng rất kiên quyết của Chính phủ.


Vì vậy, nếu có không bố trí được cho các đồng chí thì cũng vì hai mặt: một là ngân sách đang thâm hụt một cách nghiêm trọng, chưa từng có. Trước đây, tổng chi đầu tư phát triển trong vòng 5 năm trước, 2006-2010 bình quân là khoảng 35-37%, thậm chí năm đầu 40%, có những năm lên tới 42% so với GDP. Ví dụ GDP năm nay của chúng ta là 4,2 triệu tỷ, thì tổng đầu tư toàn xã hội vào cỡ 1,7-1,8 triệu tỷ. Nhưng nó cứ tụt dần, tụt dần. Nó tụt cái chi đầu tư của nhà nước thì còn có lý chứ tụt tổng chi đầu tư toàn xã hội là có vấn đề vì đất nước ta đang phát triển. 


Có nhiều người mang cái này ra so sánh với Pháp, với Đức bảo là ở họ bố trí có mấy phần trăm, rất ít, sao VN nhiều thế. Tôi sang làm việc với Đức, Pháp họ bảo là sao các ngài lại so sánh thế được nhỉ, chúng tôi đã có mấy nghìn năm xây dựng rồi, cách đây hàng trăm năm chúng tôi đã có cơ sở vật chất tốt hơn VN hiện nay, đường cao tốc, quốc lộ, đường ngang ngõ xóm của chúng tôi xong từ bao giở bao giờ nên chúng tôi không phải làm thêm gì nữa. Tức là người ta đã đầu tư hoàn chỉnh rồi, không cần đầu tư thêm về hạ tầng nữa. Còn chúng ta, một đất nước mà đường không ra đường, chỗ nào cũng thiếu, thủy lợi chưa đủ… So sánh khập khiễng.

Đến bây giờ, năm 2013 chỉ còn 29,1% tổng đầu tư toàn xã hội, tức là mọi nguồn vốn huy động của dân, tư nhân, nhà nước, đầu tư nước ngoài chỉ có được như thế. Năm 2014 chúng tôi xây dựng trình Thủ tướng là hai năm còn lại phải đạt mức trên 6% GDP, nhưng tình hình thực tế nó xấu hơn như vậy nên chúng tôi phải tính hai mức: mức một là 5,8%, mức 2 là 6%, bàn trong Chính phủ nói thôi lấy mức thấp. Nhưng ngay cả mức 5,8% thì cũng chỉ đạt trong điều kiện tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt từ 30% trở lên. Muốn có trên 30% thì vốn ngân sách nhà nước mà Thủ tướng đã thông báo theo kế hoạch trung hạn cho các địa phương của năm 2014 là 234.000 tỷ đồng. Vậy mà bây giờ nó tụt một nhát xuống còn có 163.000. Tức là giảm rất nhiều so với kế hoạch. Và như vậy dự báo tổng mức đầu tư toàn xã hội chỉ còn 26-27% thôi. Nếu như vậy thì không bao giờ chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng 5,8%. Chúng tôi đã tính ra là cố gắng lắm thì chỉ đạt được 5%. Tôi đã cảnh báo, đã làm văn bản khẩn cấp gửi Thủ tướng là không thể vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng 5,8 mà lại tùy tiện cắt đi tất cả các đầu tư.

Hiện nay, năng suất lao động tác động đến tăng trưởng thường thì từ 19-21%. Vốn đầu tư tác động vào tăng trưởng từ 57-60%. Năng suất tổng hợp gồm ba yếu tố: vai trò khoa học kỹ thuật, mức độ áp dụng KHKT; thứ hai là trình độ quản lý; thứ ba là năng suất lao động thì chúng ta chỉ đạt có 28% (trong khi có nước tiên tiến nó chiếm tới 60%).

Nền kinh tế của chúng ta chưa thể thay đổi được. Gọi là tái cơ cấu nhưng đã làm được gì đâu mà tái cơ cấu, mới loe hoe thôi. Tái cơ cấu khó lắm, là cả quá trình dài nhưng không thể nói hôm nay ngày mai làm sao được. Giống như gia đình, đang nghèo như vậy bảo tái cơ cấu ngay sao được, nhà cửa đập đi xây lại thì phải tiêu tiền chứ. Cho nên, nếu không giữ được mức độ đầu tư hợp lý thì chúng ta sẽ không có tăng trưởng. Mà không có tăng trưởng thì nó lại quay trở về vòng xoáy là hụt thu ngân sách, hụt thu thì lại phải cắt giảm các thứ, cắt giảm an sinh xã hội, nghĩa là rơi vào vòng luẩn quẩn.

Như vậy thì đòi hỏi phải tìm ra đột phá. Các nước khi gặp suy thoái họ có các gói kích cầu. Nhưng kích cầu phải theo cách của nó. Năm 2009 chúng ta đưa ra gói kích cầu 145.000 tỷ thực sự chưa hiệu quả. Mà nó chính là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát, bất ổn của nền kinh tế như hôm nay. Chúng ta cứ ào ạt là không được, phải rất chặt chẽ.

Cho nên tôi mới nói rằng tại sao chúng ta hôm nay phát hành trái phiếu, là bởi vì trái phiếu thì sẽ không phải in thêm tiền, không phải gây lạm phát trực tiếp. Tức là chúng ta có tiền nhưng không phải in thêm tiền. Nó vẫn là đồng tiền đang lưu hành trong chúng ta, khi Chính phủ phát hành trái phiếu thì nhân dân mua, doanh nghiệp mua, ngân hàng mua. Tiền của ngân hàng là tiền dân gửi tiết kiệm, đáng lẽ mang ra đầu tư cho sản xuất, thì ông ấy dành một phần mua trái phiếu Chính phủ. Nhưng tất nhiên nó cũng có tác động gián tiếp đến giá cả, giá cả có thể tăng lên. Trái phiếu này chỉ dành để nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần tăng trưởng. Bởi vì 1.400 công trình đang dở dang của các bộ, ngành, địa phương, là đường quốc lộ, thủy lợi đang dở dang chỉ còn thiếu một ít thôi, bây giờ nếu không cho nữa thì tất cả khoản tiền đổ vào trước đó sẽ vứt đi. Vậy thì phải cho nó hoàn thành nốt đi, chứ không phải cho làm mới. 


Từ lúc tôi lên bộ trưởng là không có danh mục nào mới cả, toàn là đi chữa cháy cái cũ đang làm dở. Hôm qua tôi tính chỉ cần 14.000 tỷ thôi thì có thể hoàn thành 668 công trình đang dở dang nằm ở các địa phương và các bộ. Công trình đã bỏ vào đó 1.000 tỷ rồi, bây giờ cần 100 nữa để hoàn thành thì chúng ta phải cho hoàn thành nốt đi chứ. Bây giờ bảo thôi, không phát hành nữa, thì cái 1.000 tỷ kia là vô nghĩa. Thứ hai là ODA có khoản người ta cho vay 40 năm, 60 năm, thế thì chúng ta đã ký kết rồi, đã ký kết bao năm nay rồi, bây giờ mỗi năm cần 7.000-8.000 tỷ tiền vốn đối ứng nhưng ngân sách không còn tiền. Làm được cái này, tức là bỏ ra 20-30 vốn đối ứng thì chúng ta có thể dải ngân được 16-17 tỷ USD. Mà đây là những công trình gì? Đó là cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Long Thành… Những công trình khổng lồ, nếu không làm thì bỏ phí nguồn lực vô cùng lớn, đất nước không phát triển được. Cho nên cân nhắc mãi, lẽ ra ngân sách bỏ ra, nhưng cuối cùng khó quá thì Chính phủ đề nghị để trái phiếu giúp, Chính phủ lo vay thì Chính phủ trả.

Tôi phân tích như vậy để thấy rằng đầu tư từ ngân sách năm nay là vô cùng nhỏ bé.

Vừa rồi cần 200 tỷ cho vùng dân tộc Trà Vinh. Không kiếm đâu ra, nhưng Thủ tướng bảo đây là nhiệm vụ chính trị phải làm. Tôi bàn với anh Ninh mãi, cuối cùng anh NInh cắt của bốn bộ, như Bộ Quốc phòng, giao thông mỗi bộ 50 tỷ. Đất, đất nước nó khó khăn thế, không tìm ra được nguồn vào.

Tôi nghĩ rằng phát hành vốn trái phiếu Chính phủ không phải là để kích cầu nhưng để giải quyết cái tồn tại và những cái thực sự đem lại hiệu quả. Cả đất nước có mỗi cái đường Quốc lộ 1 và quốc lộ 14 nói mãi mà không làm được. Thật ra đến hôm nay phải xong rồi. Các đồng chí cứ nhớ lại xem năm ngoái lúc chúng tôi trình nghị quyết là trái phiếu Chính phủ, đến khi Quốc hội thông qua chả hiểu thế nào nó lại thành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Tôi trình, anh Giàu trình, tôi bảo anh Giàu là ông đọc thế nào mà nó lại sửa mẹ nó thành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Hai cái khác nhau hoàn toàn. Trái phiếu Chính phủ là Chính phủ phát hành, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là doanh nghiệp phát hành Chính phủ bảo lãnh. Mà doanh nghiệp bây giờ khó khăn, chết hết rồi, có phát hành được đâu, trong nước không mua, nước ngoài không mua, cuối cùng một năm trôi qua rồi có phát hành được gì đâu, lãng phí bao nhiêu tiền của. Vậy mà Quốc hội thống nhất 90% chả mấy ai phản đối. Nếu mà có tiền thì Quốc lộ 1 thông xong xe nó thoát đi, Quốc lộ 14 xe đi ngon lành, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Nếu tình hình vốn đầu tư như thế này thì năm sau chưa chắc tăng trưởng 5,8% được đâu. Nhưng Thủ tướng bảo tôi là thôi dần dần sẽ tìm cách rồi sẽ đủ cái tổng ấy, ông cứ để con số ấy, bây giờ nghị quyết Bộ chính trị thông rồi, trung ương thông rồi mà ông bảo nó còn có 5,1-5,2 thì ông chết. Nhưng tôi cứ báo trước cho các đại biểu trong tổ với nhau biết là nếu không có những nguồn huy động thêm thì năm sau kinh tế khó khăn. Nó đang hồng lên nhưng có khi nó cũng đang xám lại.

Vấn đề thứ hai tôi muốn nói là vấn đề đổi mới, cách cách chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ hơn. Ba cái đột phá chúng ta nói nhiều quá nhưng làm không nhiều, nếu như không muốn nói là làm ít. Một trong những vấn đề gây trở ngại. Quốc tế người ta đánh giá, theo nhiều tổ chức quốc tế, mà mới đây nhất là bài viết của Lý Quang Diệu vô cùng sâu sắc. Lý Quang Diệu là người bạn rất thân thiết với VN, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước VN luôn mời, tham khảo ý kiến của ông ấy. Đó là con người tài giỏi và chân thành với VN. Ông nhận xét rằng VN những năm vừa qua là được rồi, nhưng hướng tới nếu cứ đi như thế này thì không ổn.

Chúng ta phải đổi mới căn bản, triệt để thể chế kinh tế của chúng ta. Phải tiếp tục thị trường hóa thị trường một cách mạnh mẽ, làm cho đất nước năng động. Ông Diệu nói rằng nếu cứ để thế này chắc chắn kinh tế VN đi xuống, không phải đi ngang, rơi vào bẫy thu nhập trung bình đâu. Chúng ta sẽ tụt hậu rất nhanh so với các nước bên cạnh. Chúng ta còn đang lo lắng là chúng ta tụt hậu so với những nước mà trước đây, bây giờ không dám so với Thái Lan, indonexia, Malaysia đâu, tôi đang lo rằng là cả với những nước Campuchia, Lào – những nước trước đây quá lạc hậu so với chúng ta.

Một trong những vấn đề rất hệ trọng, trung ương đã ghi rõ vào nghị quyết rồi, ba đột phá: đột phá thứ nhất là về thể chế kinh tế; đột phá thứ hai là về nguồn nhân lực; đột phá thứ ba là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tôi chỉ nói theo Đảng thôi chứ chưa nói gì ngoài. Nhưng trong thể chế kinh tế là vấn đề trọng tâm, quyết định mọi thứ khác. Thể chế kinh tế ở đây là gì, là tạo ra môi trường cho tất cả mọi thành phần kinh tế để người ta có điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tất cả những gì trong khả năng người ta có thể làm được, để cho mỗi một chủ thể kinh tế mang toàn bộ tài năng, tâm huyết của mình ra làm cho đất nước phát triển. Nôm na là như vậy.

Hiện nay thể chế của chúng ta, chúng ta nói rằng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Không sai. Nhưng bây giờ rạch ròi ra, thị trường là thế nào và định hướng XHCN là thế nào? Không phải là chúng ta có một mô hình kinh tế thị trường riêng biệt so với thế giới. Bởi kinh tế thị trường là cái thứ tinh hoa của nhân loại rồi, nó là cái chung. Còn định hướng XHCN là vai trò của nhà nước tham gia định hướng, điều tiết thị trường đó. Nếu chúng ta khái quát rõ ràng như vậy thì nó sẽ tách bạch ra được, đỡ mắc. Phải nói rằng chúng ta phải kinh tế thị trường, phải thị trường hơn nữa nhưng nhà nước có vai trò ở đây. 


Ví dụ giá điện, suốt bao năm nay ngành điện kêu lỗ, vì chúng ta đưa ra cái giá mà nói rằng để dân đỡ kêu. Giá điện của ta chỉ bằng khoảng 70% giá thế giới, thậm chí bán dưới giá thành. Vậy thì sản xuất ra một sản phẩm bán dưới giá thành thì ai chịu được. Bình thường một doanh nghiệp thì vỡ nợ mà chết. Thế nhưng chúng ta đang duy trì cơ chế đó và có người cho rằng đó là xhcn đấy. Hậu quả là gì? Lỗ. Mà lỗ thì không mở rộng đầu tư sản xuất được. Muốn mở rộng thì ngân sách nhà nước phải bỏ vào, mà ngân sách lại không có thu. Ở nước ngoài đầu tư sản xuất điện là do nhà đầu tư người ta bỏ tiền ra, đâu phải do nhà nước. Làm gì có chuyện một hàng hóa mà ai ai cũng phải dùng nhưng chúng ta lại bao cấp, không có thị trường gì cả. Kết quả là doanh nghiệp người ta không dám nhảy vào, để cho ông doanh nghiệp nhà nước ôm hết. Nhà đầu tư nước ngoài không muốn vào đầu tư sản xuất điện. Không có người đầu tư nhưng những ngành sản xuất nhờ vào điện như xi măng, thép nó nhảy vào ào ạt, không cản được. Đây là hai cái thằng mà tỷ trọng giá điện trong giá thành rất lớn. Tại sao họ nhảy vào? Là vì họ ăn trong cái giá điện của chúng ta chỉ bằng 70% của thế giới. Cho nên nhà máy xi măng đang thừa mứa, nhưng tới đây lại có thêm những nhà máy xi măng được khởi công. Thép cũng vậy, họ mua phôi về sản xuất ra thép để bán và ăn lời trong cái giá điện. Nhà nước bù cho điện thì doanh nghiệp nước ngoài và trong nước lấy tất. Nhân dân không được gì, nhà nước thì mất đơn mất kép. Vậy thì phải làm thế nào? Chúng ta phải nâng lên, theo cơ chế thị trường, ít nhất giá cả phải bằng giá thành cộng với lãi hợp lý. Bán đúng giá như vậy thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào đầu tư vào điện.

Vậy xã hội chủ nghĩa ở đâu? Chính việc nâng giá như vậy để những người có tiền, những doanh nghiệp phải dùng đúng giá, chúng ta sẽ lấy tiền nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, người có công với cách mạng, vì làm như vậy sẽ có một nguồn tiền khổng lồ (không phải bỏ ngân sách đầu tư, lại thu được thuế). Đấy là chủ nghĩa xã hội. Người nghèo, người có công dùng 100 số được nhà nước trả tiền thay, rất rõ ràng. Còn bây giờ mình cứ bảo để giá như vậy thì họ cũng không rõ là nhà nước cho hay không, cho bao nhiêu.

Tôi chỉ lấy ví dụ như vậy để nói rõ rằng đâu là kinh tế thị trường, đâu là quản lý nhà nước. Hội đồng lý luận cứ tranh luận mãi, cứ muốn tìm ra mô hình kinh tế thị trường xhcn khác cái kia thế nào, cứ loay hoay mãi mà có tìm ra đâu.

Đấy, đổi mới thể chế kinh tế là như vậy. Còn rất nhiều vấn đề nữa. Trong cái báo cáo bộ trình ra Chính phủ là có đầy đủ lời tôi nói. Tôi gay gắt, đúng như hôm nay tôi đang nói.

Trong y tế, bác sỹ giỏi như vậy, ngang với Singapore, sang Sinh khám mất mấy nghìn, nhưng ta thì bắt bác sỹ thế, lương chỉ được vậy thôi, để nó khó khăn nên phải lấy phong bì. Ông bác sỹ có thể được 30 triệu tháng. Các nước lương rất cao, còn ta lại rất thấp. Còn hỗ trợ dân nghèo phải bằng cách mua thẻ bảo hiểm y tế, để họ trả ít tiền thôi. Còn lương cao như tôi và các anh, những người còn cao hơn chúng ta nữa, phải trả giá cao hơn.

Chẳng ở đâu mà 1,8-2 triệu người trong đơn vị sự nghiệp được nuôi tất. Bây giờ họ còn bảo thủ hơn. Họ bảo thôi, cái phần nhà nước chừng này, còn phần mình làm thêm thì mình đút túi. Trường đại học cũng vậy. Tại sao cho con đi nước ngoài tốn cả triệu đô la, mà người ta sang đây mở trường lại không cho lấy phí cao. Trường đại học mà không tự chủ gì cả, như một đơn vị thụ động hành chính sự nghiệp. Tiền dạy thêm làm thêm thì đút hết vào túi chúng nó, còn cân đối bắt nhà nước chịu.

Một nền kinh tế như thế thì không bao giờ có thể phát triển được. Cho nên thể chế là cái quyết định.

Vừa rồi tôi sang WB thuyết trình, người ta bảo lâu lắm rồi mới có ông bộ trưởng VN sang đây, các nước lãnh đạo sang thường xuyên. Tôi nói về 25 năm đổi mới ở VN và bài học rút ra. Họ đến dự rất đông, hỏi rất nhiều câu hóc búa. Tôi nói thẳng những điều như hôm nay. Họ nói rằng nếu làm được như vậy thì VN sẽ tiến lên.

VN phải đổi mới, không đổi mới thì không tiến lên được. Tôi đã báo cáo trước Chính phủ. Thế rồi sang bên kia cứ gọt dần, ra trung ương gọt thêm nữa, đến Quốc hội thì không có lời tôi nói, hoặc có thì có một tí thôi.

Trong kinh tế thị trường không thể có chuyện muốn đi đường tốt mà không chịu nộp phí, khám chữa bệnh chất lượng cao lại không mất tiền, không thể có chất lượng giáo dục tốt mà lại không có tiền.

Không phải chỉ có chúng ta XHCN mới lo cho dân. Thằng Obama nó chấp nhận đóng cửa Chính phủ vì nó thiếu tiền. Mỹ nó nâng trần nợ công cả trăm lần rồi. Cái chính là nó muốn phản đối Obama chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho dân nghèo. Đấy người ta lo cho dân nghèo như vậy, đâu chỉ có mình lo cho dân nghèo.

Đổi mới, chắc chắn phải tiến hành mạnh mẽ hơn, thì chúng ta mới thoát ra khỏi nghèo đói được. Thôi nhiệm kỳ này không làm được gì thì phải chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới.

Lý Quang Diệu nói nhiều về VN, cả cái xấu, và ông kết rằng người VN rất thông minh, rất giỏi, và tôi tin rằng họ sẽ sớm nhận ra cái sai của họ, họ sẽ thay đổi.

Tôi xin nói một điều cuối cùng, tài nguyên lớn nhất của VN không phải là khoáng sản, dầu khí. Tôi nói thật 5 năm nữa hết dầu khí là không còn cái gì để thu. Chúng ta đào bới tài nguyên thô đi bán hết rồi. Dầu khí từ 18 triệu tấn, xuống dần 17, 15, 14 rồi 1 triệu và cuối cùng là đóng cửa. Và chúng ta sẽ tụt hậu. Nhưng tài nguyên lớn nhất của VN là con người. Người VN rất thông minh, nhưng chúng ta đã khai thác tài nguyên này thế nào? Tôi hỏi các đồng chí, tôi là bộ trưởng, tôi muốn nhận một cháu học tiến sỹ giỏi về có được không. KHông nhận được. Tôi muốn loại mấy đứa kém ra, nó sẽ kiện tôi mất chức bộ trưởng. Tôi muốn nhận kỹ sư tin học giỏi, đang làm bên ngoài 50 triệu/tháng, tôi nghĩ về đó cậu ấy sẽ làm thay được việc của nhiều người khác. Nhưng tôi không nhận được, vì không trả lương như vậy được. Bộ máy nhà nước xây dựng chính sách mà dốt thì làm sao có chính sách tốt được. Vậy thì làm sao mà thu hút và sử dụng nhân tài.

Cái nữa là vai trò cá nhân không có. Cái gì cũng tập thể. Sợ không dám làm. Bây giờ đòi bỏ phiếu tín nhiệm các bộ trưởng. Thể chế thì một đảng, học lại theo kiểu phương tây đa đảng. Thưa các đồng chí nếu trao quyền cho tôt quyết tất thì tôi thừa sức chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Và một ngày làm không được tôi xin từ chức ngay. Mình có quyết được cái quái gì. Mình đề xuất bao nhiêu chế độ, chính sách nhằm đổi mới đất nước, cuối cùng chả thấy đâu. Vậy thì quyết cái gì? Làm sao mà chịu được, làm sao mà đổi mới được.
Chúng ta cần thay đổi thể chế để quyền đi đôi với trách nhiệm. Không làm được thì từ chức, không từ chức thì tôi gạch tên ông. Phải thế mới được. Còn bây giờ thì tốt xấu lẫn lộn, thành tích cũng chẳng biết của ông nào, sai cũng chẳng biết của ông nào.

Nhiều thứ lộn xộn, mệt mỏi lắm, nên tôi nói các đồng chí là nếu chúng ta không đổi mới thì chúng sẽ chết thôi, chúng ta sẽ củ mài ăn xuống thôi.

Người ta cứ kể câu chuyện rằng vứt một thằng VN xuống hố thì nó lên được, nhưng vứt ba thằng xuống thì chúng nó chết hết vì chúng kéo nhau xuống, còn bỏ 3 thằng Trung Quốc xuống thì cả 3 chúng nó đều lên được. Người VN chỉ cá nhân, không làm việc được cùng nhau. Nếu thế thì chỉ có chết.

Phần nhận xét hiển thị trên trang