Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Học gì từ cách chống tham nhũng của Singapore

TẢN MẠN CHUYỆN LIÊN XÔ,
TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM

Phạm Gia Minh
 
Phần 2: Trung Quốc cải cách

Những đặc thù Trung Hoa
Đối với Phương Tây nói riêng và người nước ngoài nói chung thì Trung Quốc trong lịch sử xa xưa không đơn thuần là một quốc gia mà đó là cả một thế giới riêng biệt, khó nắm bắt, khó tiên liệu, huyền bí và thực dụng… Thế giới đó ngày nay tuy đã cởi mở hơn nhưng có lẽ chưa “phẳng” như thế giới Phương Tây bên ngoài nên hẳn vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ.
Cũng bởi sự khác biệt với bên ngoài nên chính người TQ luôn nhấn mạnh tới những đặc thù mang “màu sắc Trung Hoa” của mình. Tuy vậy, nếu đánh giá theo “tháp nhu cầu” của Maslow (1) thì chắc họ cũng có những khát vọng rất con người như chúng ta và không phải ngẫu nhiên, trong những năm gần đây có tới 46% người giàu TQ mong muốn chuyển sang các quốc gia phát triển Phương Tây sinh sống (2).
Nét nổi bật nhất là người TQ có lối nghĩ và hành động nói chung là rất khác Phương Tây và sẽ là không quá lời nếu như đặt tên cho sự khác biệt đó là “phong cách Trung Hoa”.
 
Hình 1: Biểu đồ mô tả “Phong cách Trung Hoa”

Trung Hoa có Kinh Dịch, thuyết Âm-Dương, Ngũ hành (một số luận cứ cho rằng Hán tộc đã tiếp thu thuyết này từ Bách Việt trong quá trình thôn tính và đồng hóa Phương Nam) và binh pháp Tôn Tử là những công cụ tư duy độc đáo mang tính thực tiễn cao. Trải qua hàng ngàn năm được mài giũa, những công cụ đó đã góp phần hình thành nên một dạng “tiềm thức dân tộc” và văn hóa hành xử rất thâm thúy, luôn có tầm nhìn chiến lược, linh hoạt thích nghi nhưng cũng thực dụng không thua kém Tây phương.
TQ trong lịch sử hơn 5000 năm luôn là một xã hội thiếu vắng quyền tự do cá nhân theo cách hiểu của Phương Tây hoặc có thì rất hạn chế, và do vậy, TQ là hình mẫu kinh điển của một nhà nước toàn trị, chuyên quyền dẻo dai, nơi mà hệ thống đạo đức cá nhân Khổng giáo chẳng khác gì những sợi dây xích mạ vàng lóng lánh nhằm trói chặt mọi thần dân vào cỗ xe cai trị của các vị Hoàng đế - Thiên tử.
Nhà nước toàn trị đó lại chăm sóc các thần dân của mình bằng thứ dinh dưỡng tinh thần đặc biệt, đó là tư tưởng dân tộc Đại Hán - ta là trung tâm thiên hạ.

Các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường và công cuộc chuyển đổi kinh tế
Khác hẳn với nước Nga bắt đầu chuyển đổi kinh tế từ hệ thống kế hoạch hóa tập trung, phi thị trường sang nền kinh tế thị trường bằng một “ cú nổ lớn” (Big Bang) với chính sách tự do hóa triệt để giá cả và tư nhân hóa hàng loạt, TQ lại thận trọng từng bước vận dụng cơ chế thị trường, trước hết ở những vùng nông thôn rộng lớn và sau đó là ở các khu vực hộ gia đình ở thành phố, trong khi vẫn giữ nguyên sở hữu nhà nước trong các ngành then chốt. Không giống như chính quyền mới ở Nga xóa bỏ kiểm soát nhà nước đối với nền kinh tế ngay từ giai  đoạn đầu của quá trình chuyển đổi kinh tế, chính quyền TQ, vốn là chế độ kế hoạch hóa tập trung giống Nga tiếp tục lập kế hoạch cho các hoạt động kinh tế chủ yếu trong những năm đầu quá trình chuyển đổi. Việc kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ chỉ được từ bỏ vào giữa những năm 90 thế kỷ trước tức là 15 năm sau khi công cuộc chuyển đổi bắt đầu. Hiện nay chính quyền TQ vẫn nắm các doanh nghiệp nhà nước lớn sau hơn 30 năm cải cách (4).
Quá trình chuyển đổi kinh tế của TQ đã ngay lập tức dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao, trong khi quá trình tương tự ở Nga đã dẫn tới hậu quả suy thoái nghiêm trọng. Trong 10 năm từ 1990 tới 2000, GDP của TQ đã tăng với tốc độ bình quân 10,3%/năm, trong khi GDP của Nga lại giảm trung bình 4,8%/năm(3).
Khó có thể dùng các lý luận của trường phái kinh tế học Tân cổ điển để giải thích thỏa đáng quá trình chuyển đổi kinh tế từng bước thành công của TQ. Đúng là thông qua các biện pháp tự do hóa và tư nhân hóa triệt để, Nga đã tiến gần hơn tới một hệ thống thị trường tự do so với TQ. Tuy nhiên, nền kinh tế được tự do hóa từng phần của TQ lại hoạt động tốt hơn nhiều so với nền kinh tế được tự do hóa triệt để của Nga.
Theo phần tích ở Phần 1 – chuyện Liên Xô sụp đổ (2.1) việc kinh tế Nga sụt giảm nhanh chóng có lẽ sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta đánh giá đúng mức tầm quan trọng của các dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường trong nền kinh tế. Nói cách khác, lý thuyết chi phí giao dịch là chìa khóa để giải thích những vấn đề phức tạp của quá trình chuyển đổi kinh tế. Thị trường tự do không hoàn toàn “ tự do” và có những chi phí khổng lồ gắn với những trao đổi khách quan trên thị trường. Mức độ chuyên môn hóa và phân công lao động càng cao và các trao đổi càng phức tạp thì xã hội sẽ phải đối mặt với các chi phí giao dịch càng lớn. Như đã đề cập trong Phần 1 (2.1) các ngành dịch vụ giao dịch của nền kinh tế Mỹ, nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển cao nhất, chiếm tới hơn 50% GDP của Mỹ vào năm 1970.
Khi bắt đầu quá trình chuyển đổi, Liên Xô cũ đã đạt được trình độ phát triển công nghiệp ngang bằng với các nước Phương Tây có trình độ chuyên môn hóa cao. Tuy nhiên mức độ chuyên môn hóa cao cần phải có các hoạt động trao đổi hay nói rộng ra là khu vực dịch vụ giao dịch thị trường ở trình độ tương xứng. Trong hệ thống kế hoạch hóa tập trung, bộ máy hành chính cồng kềnh đã xử lý tất cả các trao đổi hoặc giao dịch giữa các công ty cũng như giữa các chủ thể kinh tế nhà nước với người tiêu dùng. Là một hệ thống phi thị trường, nền kinh tế Liên Xô chủ yếu dựa trên các lĩnh vực phi giao dịch và thiếu trầm trọng nhiều ngành dịch vụ giao dịch.
Rõ ràng độ “lệch” khá lớn giữa trình độ chuyên môn hóa cao của nền kinh tế Liên Xô với thực trạng phát triển yếu kém của các ngành dịch vụ giao dịch là một khó khăn lớn cho quá trình chuyển đổi ở Liên Xô trong những năm đầu. Chủ trương tự do hóa thị trường và tư nhân hóa theo kịch bản “ vụ nổ lớn” đã làm cho bộ máy kế hoạch từng điều phối tất cả các hoạt động sản xuất và trao đổi trong một nền kinh tế chuyên môn hóa cao đột ngột bị sửa đổi trong khi đó các ngành dịch vụ cần thiết cho một nền kinh tế thị trường hiện đại lại hầu như hoàn toàn thiếu vắng. Sự sụp đổ của bộ máy hành chính đã tạo ra một “khoảng trống thể chế” ở nước Nga dẫn đến sự ngưng trệ toàn bộ nền kinh tế công nghiệp hóa trình độ cao.
Sai lầm mang tính nhận thức chủ quan lớn nhất của các lãnh đạo Xô Viết thời “cải tổ- Perestroika” chính là họ đã không nhìn ra vai trò của khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường nên đã đồng loạt làm tê liệt hoặc giải tán các cơ cấu của ĐCS cùng với bộ máy hành chính đồng cấp trên bình diện ngành và lãnh thổ toàn Liên bang trong quá trình chuyển đổi kinh tế.
Về nguyên tắc, có thể giảm nhẹ đáng kể tấn bi kịch xã hội trong giai đoạn đầu chuyển đổi nếu bảo lưu có chọn lọc và từng bước trao thêm những chức năng điều hành kinh tế cho bộ máy hành chính sẵn có, tách vấn đề hệ tư tưởng và đảng phái chính trị ra khỏi kinh tế một cách ôn hòa, đồng thời nhanh chóng tạo dựng các ngành dịch vụ giao dịch thị trường.
Quá trình tự chuyển biến này có thể diễn ra êm thấm nếu xã hội dân sự (XHDS) ở Liên Xô đã đạt một trình độ phát triển thích hợp cho phép các tổ chức tự nguyện của người dân hỗ trợ và bổ sung cho những khiếm khuyết tạm thời của bộ máy hành chính.( Một ví dụ đáng nhớ tại nước Bỉ sau cuộc thỏa thuận bất thành ngày 13/6/2010, suốt 485 ngày đất nước này không có chính phủ nhưng mọi hoạt động diễn ra vẫn bình thường do XHDS ở đây đã đạt trình độ tự quản khá cao). Điều đáng tiếc là dưới thời Xô Viết XHDS đã bị hiểu sai và do đó không được tự do phát triển.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, di sản XHCN hơn 70 năm quá nặng nề của Liên Xô đã là vật cản lớn đối với tiến trình chuyển đổi ôn hòa và hiệu quả như mong muốn.
Ngược với Nga, trình độ phát triển ban đầu thấp của nền kinh tế TQ là một điều may mắn trên thực tế đối với việc chuyển đổi kinh tế của nước này. Ngoài ra, chính sự lựa chọn phương thức chuyển đổi từng bước, trước hết ở khu vực nông thôn có trình độ chuyên môn hóa thấp với các biện pháp tương đối mạnh bạo, sau đó tiến tới khu vực thành thị với các cải cách ôn hòa hơn và cơ bản vẫn giữ lại các hệ thống kế hoạch chủ yếu. Lợi ích lớn nhất của phương thức cải cách trên là giữ được sự liên tục của sản xuất ở khu vực thành thị có trình độ chuyên môn hóa cao trong khi bộ máy kế hoạch xử lý giao dịch hầu như không bị ảnh hưởng. Trong khi đó sản lượng ở nông thôn nơi chiếm 70% lực lượng lao động đã tăng lập tức vì các lực lượng thị trường dễ dàng tăng sản xuất ở kinh tế nông thôn, nơi cần ít dịch vụ giao dịch vì trình độ chuyên môn hóa thấp.
Việc tự do hóa sớm ở khu vực nông thôn kết hợp với chính sách mở cửa đã dẫn tới quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng các ngành kinh tế truyền thống nơi đây và tạo động lực lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế của TQ trong 20 năm đầu chuyển đổi.
Một nguyên nhân rất quan trọng giải thích sự thành công phát triển kinh tế TQ là việc nước này mở rộng quan hệ kinh tế với các nước tư bản phát triển rất đúng cách và bài bản nhờ vai trò trung gian của vùng lãnh thổ Hồng Kông. Mô hình chuyên môn hóa hướng vào xuất khẩu mà các nước công nghiệp mới nổi ở Đông Á áp dụng thành công cũng là nguồn thông tin định hướng có ích cho TQ với vị thế là người đi sau.
TQ đã biết tận dụng Hồng Kông như một địa điểm cung cấp các loại dịch vụ giao dịch quan trọng, vốn gần như không tồn tại trong nền kinh tế kế hoạch tập trung trước đây để giúp TQ tham gia thị trường thế giới. Theo nhà kinh tế học Milton Friedman, Hồng Kông là “hình mẫu hiện đại của thị trường tự do”, nơi mà quyền sở hữu được đảm bảo, xã hội dân sự cởi mở theo các chuẩn mực Anh – Mỹ, pháp luật quy định minh bạch, kinh doanh và thương mại tự do trong môi trường pháp trị . Nhờ có Hồng Kông, TQ đã học tập được hình mẫu cho việc phát triển ở Trung Quốc Đại lục các dịch vụ phụ trợ thương mại đa dạng như kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, cung cấp tài chính cho hoạt động thương mại, hậu cần Logistic và bảo hiểm phục vụ xuất khẩu …
Hồng Kông còn có vai trò quan trọng cho sự hình thành và phát triển các thị trường tài chính của TQ vốn không tồn tại dưới chế độ kế hoạch hóa tập trung.
Chính quyền TQ đã hướng tới Hồng Kông để có được kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm trong việc xây dựng các định chế tài chính, hình thành các thị trường chứng khoán, đề ra những nguyên tắc và quy ước kinh doanh trong ngành tài chính giúp điều phối hoạt động của các ngân hàng thương mại và các công ty quản lý quỹ ở TQ.
Hồng Kông cũng cung cấp nhiều loại dịch vụ giao dịch khác thông qua đầu tư trực tiếp vào TQ ví dụ như quảng cáo, phân phối bán buôn, bán lẻ,bảo hiểm, tư vấn luật và kế toán v.v…
Nếu như trình độ chuyên môn hóa lao động thấp ở nông thôn TQ là một điều kiện ban đầu thuận lợi, tạo đủ thời gian cho việc phát triển các dịch vụ giao dịch trong lĩnh vực công nghiệp của nền kinh tế TQ vốn dĩ gắn bó chặt chẽ với mô hình kế hoạch hóa tập trung, thì Hồng Kông đã thực sự chuyển các dịch vụ giao dịch tới nền kinh tế đại lục ở bất cứ nơi nào cần các dịch vụ này. Điều này là một yếu tố có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển của TQ trong tương lai(3).
Hơn thế nữa Hồng Kông còn là cửa ngõ để giới tư bản đại diện cho cộng đồng hơn 20 triệu người Hoa trên thế giới chuyển vốn, công nghệ và kỹ năng kinh doanh vào đại lục theo sự điều phối của quy luật “bàn tay vô hình” và tinh thần dân tộc mạnh mẽ.
Nhưng có lẽ điều kiện khách quan bên ngoài có tính chiến lược cho sự chuyển đổi thành công của TQ đó là sự ủng hộ hiệu quả của Hoa Kỳ. Sau cuộc gặp lịch sử năm 1972 với “thông cáo chung Thượng Hải”, Mỹ đã bắt tay với TQ để bao vây và làm suy yếu Liên Xô – một đối thủ ở ngay sát nách của TQ lại cùng theo hệ tư tưởng Mác- Lê trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo phong trào Cộng sản quốc tế. Đối với Mỹ thì Liên Xô là đối thủ đáng gờm nhất trong chiến tranh lạnh sau Thế chiến II.
Quan hệ nồng ấm ngoạn mục giữa hai cựu thù Mỹ - Trung là biểu hiện rõ nét chủ nghĩa thực dụng Hoa Kỳ, mặt khác nó cũng phản ánh trung thực lối suy nghĩ và hành động theo “phong cách Trung Hoa” rất uyển chuyển, mưu lược nhằm phục vụ tối đa cho lợi ích cốt lõi và bất biến của một thể chế toàn trị, chuyên chế dẻo dai mang tinh thần Đại Hán.
Quá trình chuyển đổi còn dang dở
Nền tảng tư tưởng cho quá trình chuyển đổi kinh tế ở TQ trong những năm qua được nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận là một hình thái của chủ nghĩa Tư bản nhà nước kiểu Lê nin (Corporate Leninism) (4), nó có nhiều điểm tương đồng với truyền thống toàn trị và chuyên chế Á Châu thời hiện đại.
Chính vì vậy, sau hơn 30 năm cải cách nền kinh tế TQ ngày càng trở thành một nền kinh tế thị trường “dựa vào quyền lực của chính quyền”. Cơ cấu của hệ thống kinh tế - chính trị hiện nay được xây dựng để bảo đảm ĐCS TQ sẽ luôn luôn là trung tâm chi phối, điều tiết mọi cơ hội trong tất cả các lĩnh vực. Tại TQ hiện nay nhà nước nắm giữ 10 lĩnh vực kinh tế trọng yếu như Tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, hạ tầng,Viễn thông …Trong số 2037 công ty niêm yết trên 2 thị trường chứng khoán ở TQ chỉ có 100 công ty tư nhân. Tuy khu vực nhà nước nắm giữ hơn 75% vốn đầu tư nhưng chỉ sản xuất dưới 50% GDP (4).
Việc duy trì doanh nghiệp nhà nước là hình thức sở hữu chủ đạo đối với tư liệu sản xuất đồng thời được ưu ái về cấp vốn, đất đai v.v… là không phù hợp với cơ chế khuyến khích “bàn tay vô hình” Adam Smith nhưng lại bảo đảm cho ĐCS TQ những công cụ quyền lực cần thiết.
Các doanh nghiệp tư nhân “có máu mặt” phần lớn là do các cựu quan chức hoặc người nhà của họ nắm giữ mặc dù cũng tồn tại những doanh nghiệp tư nhân “đích thực”. Tuy nhiên, thành công trong kinh doanh chủ yếu được quyết định bởi quan hệ của người chủ với các quan chức chính quyền trung ương và địa phương nói chung để có được những đặc ân và sự bảo trợ.Mặt khác, lợi nhuận của các công ty tư nhân phải chịu một hình thức chiếm đoạt dưới dạng những khoản thu khác nhau của chính quyền địa phương. Quan hệ tốt với địa phương sẽ giúp các công ty này không bị chiếm đoạt quá nhiều.
Khiếm khuyết chủ yếu của nền kinh tế thị trường “dựa trên quyền lực” là sự méo mó tiêu chuẩn phân phối thu nhập khiến những người có địa vị hoặc quan hệ cá nhân gần gũi với các quan chức chính quyền được hưởng lợi nhiều hơn.
Tình trạng này khuyến khích các hành vi tìm kiếm hối lộ hơn là nỗ lực cải tiến sản xuất kinh doanh theo quy luật tiến hóa Schumpeter và về lâu dài nó gây nên tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, hạn chế tăng trưởng, kìm hãm đổi mới và sáng tạo mang tính đột phá trong công nghệ, kinh doanh. Thậm chí nó còn nuôi dưỡng mầm mống bất ổn xã hội.
Trong những năm gần đây căng thẳng xã hội ở TQ ngày một gia tăng, trung bình hàng năm có hơn 10 vạn cuộc biểu tình. Điều này rất trùng hợp với hệ số phân hóa giàu-nghèo Gini ở TQ là khá cao – 0,47 (2).
Để duy trì chi phí sản xuất thấp nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và tăng lợi nhuận cho giới chủ doanh nghiệp, TQ đã áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc áp dụng chế độ hộ khẩu mang tính phân biệt và phó mặc việc phát triển mạng lưới an sinh – xã hội đối với người lao động. Hiện nay ước tính chỉ có khoảng 80 triệu lao động có chế độ an sinh – xã hội, còn lại hơn 70% tổng số lao động làm thuê có thu nhập thấp ước tính khoảng hơn 150 triệu (cũng có nguồn ước tính khoảng 260 triệu) “dân công “ (lao động đa số từ nông thôn lên thành thị) không những không được hưởng chế độ an sinh - xã hội mà còn không có quyền đình công theo quy định của Hiến pháp TQ và không được phép tự tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình một cách tập thể. Chênh lệch thu nhập có tính cả các khoản an sinh –xã hội giữa người có hộ khẩu và không có hộ khẩu có thể lên đến 6 lần (5).
Nếu như tại các nước Phương Tây mâu thuẫn chủ- thợ được giải quyết thông qua các tổ chức dân sự như các nghiệp đoàn ngành nghề v.v… thì tại TQ Luật lao động quy định không có thương lượng tập thể!
Trên thực tế, bạo loạn đã nổ ra khi người lao động quá bức xúc mà không có cách nào khác để thể hiện quyền lợi của mình. Phản ứng trước hành động này, nhà nước TQ đã tăng ngân sách cho ngành công an để củng cố sức mạnh đàn áp.Riêng ngân sách an ninh nội địa dành cho ngành công an năm 2011 đạt 90 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngân sách quốc phòng (5).
Rõ ràng sự ổn định chính trị đạt được bằng đàn áp không mang tính bền vững vì thiếu tính cơ cấu (6). Giải pháp toàn diện, ít tốn kém và bền vững hơn chính là xây dựng những tổ chức XHDS hoạt động trong khuôn khổ tôn trọng Hiến pháp nhằm giải tỏa một cách ôn hòa những mâu thuẫn xã hội và thể hiện trung thực ý nguyện của các nhóm dân khác nhau trong các cuộc đối thoại có tính xây dựng với chính quyền.  
Có lẽ vấn nạn lớn nhất trong nền kinh tế chuyển đổi còn dang dở ở TQ hiện nay là tham nhũng. Với việc chấp nhận sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường trong điều kiện đất đai và các tư liệu sản xuất, vốn đầu tư công vẫn thuộc sở hữu toàn dân nhưng lại được ủy thác và phân cấp cho các doanh nghiệp nhà nước cùng các địa phương quản lý, sử dụng đã tạo những “lỗ hổng thể chế” cho tham nhũng nở rộ. Khi mà hệ thống giám sát hành chính được hình thành thời kế hoạch hóa tập trung không theo kịp độ phức tạp và tinh vi của kinh tế thị trường thì các giám đốc doanh nghiệp nhà nước và người đứng đầu địa phương có muôn vàn cơ hội biến của chung thành tài sản cá nhân và giàu lên rất nhanh. Người chủ tài sản thực sự là nhân dân trên toàn quốc và cư dân ở các cộng đồng không có trong tay cơ chế bảo vệ quyền sở hữu của mình. Chính việc thiếu vắng các tổ chức XHDS giúp chính quyền giám sát việc ủy thác và phân cấp sở hữu toàn dân đã là một cơ hội bị bỏ lỡ khiến cuộc chiến chống tham nhũng sau nhiều năm vẫn kém hiệu quả.
Tuy nhiên, việc không tách rời chính quyền với việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước, nhất là nhiều doanh nghiệp chủ chốt đóng vai trò công cụ quyền lực của ĐCS và nhà nước đã không cho chính quyền đóng vai trò là một thực thể khách quan để đạt được các mục tiêu quản lý độc lập của mình. Chính vậy mà tham nhũng vẫn có đất phát triển.
Sự hình thành và phát triển khu vực dịch vụ giao dịch thị trường là yếu tố mang tính thể chế. Không phải ngẫu nhiên tại các nền kinh tế thị trường tiên tiến hàng đầu thế giới đều có các XHDS cởi mở với truyền thống lâu đời và khu vực dịch vụ giao dịch phát triển đa dạng, ngày càng tinh vi . Đây có lẽ là “tài sản thể chế” quý giá nhất trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển của các nền kinh tế phát triển trước.
Tuy TQ đã học hỏi hình mẫu khu vực dịch vụ giao dịch thị trường Hồng Kông ngay từ giai đoạn đầu quá trình chuyển đổi nhưng với bản chất cố hữu của nền kinh tế thị trường “dựa trên quyền lực” nhằm phục vụ một thể chế chuyên quyền toàn trị, nơi mà XHDS bị hạn chế và cấm đoán nên khu vực dịch vụ này tự thân nó không thể phát triển mạnh mẽ ở Đại lục. Ở đây chúng ta cần liên tưởng lại các điều kiện cần và đủ trong nền kinh tế Xô Viết được đề cập ở Phần 1 – chuyện Liên Xô sụp đổ (2.1)
Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 (kỳ 2) ĐCS TQ gần đây trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng những nguy cơ và thách thức của xã hội TQ đã đề ra những định hướng tiếp tục cải cách toàn diện và sâu rộng nền kinh tế TQ theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ yếu tố thị trường, cho nông dân nhiều quyền hạn hơn trong sở hữu đất đai …
Tuy nhiên vẫn còn bỏ ngỏ câu hỏi về tính mâu thuẫn giữa nguyên tắc thị trường tự do với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Nguyện vọng của hàng trăm triệu “dân công” về cải cách chế độ hộ khẩu vẫn chưa được thỏa mãn khiến tiến trình đô thị hóa và hiện đại hóa sẽ gặp chắc trở.
Mối quan tâm hàng đầu mà trước đây nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhiều lần khuyến cáo về sự cần thiết phải cải cách thể chế chính trị song hành với cải cách kinh tế hầu như vẫn chưa được quan tâm trong lần hội nghị quan trọng này.
Các nhà quan sát quốc tế đều có chung nhận định : TQ làm ra nhiều sản phẩm nhưng không phát minh ra cái mới mang tính đột phá do xã hội TQ không chấp nhận phê phán, phản biện.
Cảm nhận được sâu sắc nét đặc thù đó nên một nhà nghiên cứu đã viết :” TQ sẽ không theo một con đường quen thuộc hướng tới một điểm đến nhất định theo cách nghĩ của chúng ta chỉ vì các nhà quan sát Phương Tây quá lười biếng hoặc tự mãn về văn hóa để hình dung ra những khả năng khác nữa” (5).
Và phải chăng, đó cũng là điều phù hợp với “bản sắc” và “ phong cách Trung Hoa “ ?
(còn phần 3 tiếp theo và hết)

Thăng long- Hà nội 20/11/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sau lũ lụt miền trung:

Diễn ngôn
20-11-2013
Bình Lê
Địa hình miền trung dốc, các lòng chảo hẹp, dòng chảy xiết  vì thế việc xây dựng các công trình thủy lợi và thủy điện rất không phù hợp. Không phù hợp vì các  công trình này sẽ dẫn đến phá rừng (làm cho dòng chảy càng xiết do mất rừng), và rủi ro vỡ đập rất cao vì khi công trình được xây trên độ dốc lớn. Điều đơn giản này không phải học chuyên sâu mới biết được.

Nhưng tại sao các công trình thủy điện vừa và nhỏ vẫn được xây dựng tràn lan ở miền trung? Hậu quả là khi mưa lớn, thủy điện không “cắt lũ” được như trong dự án đệ trình, mà ngược lại xả lũ làm bá tánh làm than? Tình trạng người dân khắc khổ miền trung bơi trong lũ, hàng chục người chết và mất tích, nhà cửa tan hoang, hoa màu thối nát, dòng bùn đỏ do hồ chứa bị vỡ vì lũ tràn ngập thôn xóm nói lên điều gì? 
a

Ảnh: hồ chứa bùn titan bị lũ đánh vỡ tràn vào khu dân cư (nguồn: báo Tuổi Trẻ)
Trước tiên đó là sự hèn kém của đội ngũ trí thức thời đại ngày nay. Những người biết rất rõ hậu quả của việc xây dựng thủy điện ở miền trung nhưng không dám lên tiếng. Một số người phát biểu ở đâu đó, nhưng khi chính quyền không nghe thì cũng coi mình đã hoàn thành nghĩa vụ, không còn thấy áy náy gì. Những trí thức xả thân vì chính nghĩa, vì sự thật, vì trách nhiệm xã hội không còn nữa. Họ hài lòng ngồi trong phòng lạnh của những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minh, và nghĩ rằng “dân chết, môi trường hủy hoại ở đâu đó không hẳn vì trách nhiệm của mình”. 
Thứ đến là chính quyền, những người phê duyệt các quyết định đầu tư qua các giải trình lợi ích và chi phí do các nhà đầu tư tự lập. “Chúng ta cần năng lượng để phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh” là nguyên lý tối thượng nhấn chìm những rủi ro và thiệt hại khác. Những cánh rừng bị mất do phải dọn mặt bằng thi công, phải ngập nước làm thủy điện mang lại lợi ích ngay lập tức cho nhà đầu tư. Chưa cần biết làm thủy điện có lãi hay không, nhưng gỗ đã là một nguồn thu béo bở. Chính vì vậy, nhiều công trình bị bỏ dở vì thiếu vốn, nhà đầu tư bỏ chạy cùng các xe gỗ cuối cùng. Nhiều đê đập bị vỡ, hỏng khi mới đưa vào sử dụng . Không hiểu khi chính quyền phê duyệt các dự án này, động cơ của họ thực sự là gì? 
Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa chính là sự cấu kết của quyền lực kinh tế với quyền lực chính trị trong việc phê duyệt các dự án thủy điện này.  Điều này chỉ xảy ra ở trong những xã  hội quyền lực không được kiểm soát. Tất nhiên, những người dân đơn lẻ, bơi trong lũ, khóc trong mưa không thể kiểm soát quyền lực chính trị và kinh tế. Suy cho cùng, họ chỉ là những người nông dân lầm lũi sống sau lũy tre làng cầu mong mưa thuận gió hòa để cuộc sống bình yên. Sự thiếu hụt ở đây, chính là một xã hội dân sự độc lập và mạnh mẽ, có năng lực kỹ thuật và khả năng huy động người dân trong việc kiểm soát quyền lực. 
Khi người dân miền trung bơi trong lũ, không biết họ nghĩ gì về chính quyền của mình? Họ có hiểu những quả bom nước treo lơ lửng trên núi là đồng thuận giữa chính quyền của họ và các nhà đầu tư hay không? Nhiều khi, họ chỉ nghĩ đơn giản việc phá rừng xây thủy điện ở miền núi là việc ở miền núi, còn họ ở đồng bằng đâu có dính dáng gì? Những cộng đồng dân cư trên kia phải di rời, mất đất, mất rừng là chuyện của ai đó. Tiếc rằng, họ giờ đây là nạn nhân tiếp theo của các công trình thủy điện, và tất nhiên điều này sẽ không kết thúc ở đó, nếu họ tiếp tục kêu trời vì trời đã trút quá nhiều mưa. 
Thực tế phũ phàng là sự bất công không đứng ngoài căn nhà và mảnh vườn của người nông dân. Sự bất công không dừng lại trước tấm cửa kính văn phòng làm việc của người trí thức. Sự bất công khi được nuôi dưỡng nó sẽ lan tràn vượt qua tất cả biên giới, dù là hàng rào đơn sơ nơi thôn quê hay bức tường xi măng của các tòa  nhà cao ốc. Đó là lý do tại sao, bất công chỉ có thể ngăn chặn bởi các hành động tập thể. 
Người trí thức không dám lên tiếng vì họ thấy đơn độc. Người nông dân cầu mong yên lành vì họ thấy bất lực. Nhưng điều đó sẽ khác khi họ kết nối và cùng hành động tập thể. Khi con người, dù nhỏ bé và yếu đuối đến đâu tụ họp, lòng tự tin và sức mạnh của họ sẽ tăng lên gấp bội vì họ có công lý. Đó chính là chân lý của các cuộc cách mạng, các phong trào xã hội từ trước đến nay. 
Khi con người tụ họp, những thế lực đen tối sẽ lo sợ và chống đối vì quyền lực và lợi ích của họ bị đe dọa. Nhưng khi những người cùng khổ lên tiếng, họ sẽ nhận được sự ủng hộ của những người yêu công lý, sự thật và lẽ phải. Sức mạnh của quần chúng nhân dân không phải chỉ là vì số đông, mà vì trí tuệ và tâm huyết được kết nối với tất cả mọi người. 
Quốc hội Việt Nam và Đảng cộng sản gần đây đã lên tiếng rất nhiều về việc xây dựng bừa bãi thủy điện vừa và nhỏ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, hàng trăm dự án đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, những quyết định muộn màng thường nhắm đến việc giải quyết hậu quả  hơn là ngăn chặn sai lầm. Quốc hội và Đảng cần một xã hội dân sự độc lập và mạnh mẽ để có thể lắng nghe tiếng nói người dân và ý kiến trí thức về các vấn đề kinh tế, xã hội, và chính trị khi nó đang còn manh nha trong thời kỳ trứng nước. 
Suy cho cùng, xã hội dân sự phải bắt đầu từ người dân, và khởi xướng bởi người dân. Khi con người chung mục đích, chung nỗi lo và chung sứ mệnh phát triển họ sẽ tìm đến cùng nhau. Họ đến cùng nhau để những sai lầm như thủy điện xả lũ hại dân không còn xảy ra nữa. Họ đến cùng nhau để bùn đỏ titan không gây hại cho môi trường, sinh kế và sức khỏe của người dân nữa. Họ liên kết với nhau để chống lại sự cấu kết quyền lực, tham nhũng cũng như vi phạm quyền con người. Nếu ai sợ xã hội dân sự, ngăn chặn sự phát triển của nó, e rằng họ đang tự đồng nhất mình với những bất công và quốc nạn mà tập thể người Việt chúng ta đang hàng ngày phải đối mặt. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỂ TRỞ THÀNH...GIAI ĐỂU




Đây là phiên bản Việt của "How to be a Bad boy in 10 steps @WikiHow", em dịch ra để các cụ tham khảo và....bắt chước để tránh trường hợp ngửa mặt lên than: Tại sao em luôn là người.....đến sau hi hi
(nguồn: http://www.wikihow.com/Be-a-Bad-Boy)

Toàn bộ anh em đàn ông chúng ta đều nghe đến cụm từ Bad Boy, tạm dịch là "sát thủ tình trường". Thằng ku Sát thủ tình trường hay "giai đểu" có vẻ đã vợt hầu hết các loại gái xinh, gái ngoan và đa số giai ngoan, giai tử tế đều đi đến một chấp nhận là "đàn ông tử tế thường phải...đi đổ vỏ" cho tụi này. Nhưng trên thực tế, sự mô tả này tạo nên một suy nghĩ rất sai về thế nào là Badboy. Thực tế là lý do mà các anh em thuộc loại "giai ngoan" thất bại trong việc chinh phục phụ nữ không phải bởi sự tử tế của họ, mà bởi vì tất cả cái gì mà các cụ "tử tế" có chỉ là là sự an toàn và sự bình an. Rất nhiều các cụ thuộc phân loại "giai tốt" thường tỏ ra mình rất nhạy cảm, mong manh, dễ tổn thương và đồng cảm với mọi người. Họ đối xử với mọi người rất tốt, thậm chí với những người không tử tế với họ và bất nhất trong mối quan hệ giữa họ và người ấy. Họ cần mọi người thừa nhận rằng họ giống, họ theo phe của tất cả mọi người khác, và họ cố gắng đạt các mục đích trong cuộc sống bằng cách cố làm sao sống cho vừa lòng tất cả mọi người. Những giai ngoan này sẽ đối xử với những gái xinh một cách nhẹ nhàng, tình cảm nhưng họ thiếu đi một sự mạnh mẽ trong cá tính và thể hiện ra cho đối phương nhân diện họ là ai. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ con đường trở thành badboy, con đường trở thành sát thủ tình trường, và con đường trở thành bọn mà các cụ vẫn quen mồm gọi: BỌN ĐỂU

Bước 1: Hãy sống như một thằng đàn ông đích thực.


Để trở thành "Giai đểu" trước hết các cụ phải....sống như một thằng đàn ông đã  Các cụ có khoảng thời gian của các cụ, các cụ có các giấc mơ của chính mình, những kế hoạch cho chính mình và quan trọng nhất, khi đã định ra kế hoạch, các cụ hãy tuân thủ theo kế hoạch mà các cụ đã đặt ra. Nếu các cụ đóe thích một cái gì đó, đóe thích một ai đó thì cứ thản nhiên thể hiện và thản nhiên nói ra là: "Em đóe thích! Có sao không?". Các cụ không nhất thiết phải thay đổi bản thân mình chỉ vì các cụ sợ rằng phụ nữ họ không thích vậy. Có một thực tế là hầu hết đàn ông đều miệt mài chứng tỏ và cưa cẩm các gái xinh, gái ngoan mà quên mẹ đi bản thân họ. Lý do đóe nào hấp dẫn một gái xinh, gái ngoan về một thằng đàn ông mà chả có tí chính kiến, ý kiến và một điểm gì nổi bật? Các cụ phải tự tạo và duy trì cho mình một con người, một nhân dạng với cá tính mạnh mẽ. Hãy chấp nhận các điểm yếu, những điểm chưa hoàn hảo của mình để tập trung hoàn thiện mình tốt hơn. Làm đóe gì có ai hoàn hảo, và sẽ có vài thằng, vài con nó sẽ đóe thích cụ, đơn giản là nó đóe thích vậy thôi. Đây là một bước quan trọng trong vấn đề nhận thức, và một khi các cụ có thể kiểm soát và vượt lên việc này. Gái nó sẽ bu đến các cụ một cách rất tự nhiên.

Bước 2: Đặt bản thân và lợi ích cá nhân vào trung tâm




Để đặt mình vào trung tâm của thế giới của chính mình, các cụ phải đi đứng có mục đích, nói năng cũng phải có chủ đích đoàng hoàng, chậm dãi từ tốn để thực hiện cả bước đi trong đời. Đóe dễ đâu, vì dễ thì anh em nó thành mẹ giai đểu hết rồi, dưng điều này rất có ích trong suốt cả cuộc đời của các cụ. Chính các cụ phải đặt bản thân các cụ, cuộc đời các cụ và thời gian của các cụ là ưu tiên số một trên cuộc đời này. Bọn giai tử tế trên đời này thường coi nhẹ bản thân mình và thường đặt người khác cao hơn cả bản thân họ. Bọn họ thường có thói quen lượn lờ loanh quanh và làm vui lòng người này, hài lòng người kia, và đảm bảo rằng nguời khác vui vẻ; kể cả việc này làm chính bản thân họ tổn thương và đau đớn (kiểu dành hàng giờ ngồi khuyên con người yêu cũ đừng nên cãi nhau với thằng người yêu mới). Họ thường để cho một đứa con gái xinh xinh tin tin hoặc một thằng bạn bỏ mẹ nào đó hành hạ và đảo lộn cuộc sống của chính mình và tự gặm nhấm sự thất bại, thất vọng khi bị phản bội. Bọn giai tử tế thường luôn đặt mong muốn của người khác cao hơn, lớn hơn rất nhiều so với hạnh phúc của cá nhân họ. Lắm thằng rảnh đến mức còn cảm thấy có lỗi nếu bọn nó thấy ân hận và có lỗi khi đặt lợi ích mình lên trước người khác. Họ thể hiện ra là họ là những người rất tử tế và sống trong một hoài bão rằng rồi "ở hiền gặp lành" và rằng người khác sẽ nhận ra họ tốt và tử tế biết bao. Nhưng thực tế họ chỉ bị người khác lợi dụng và cuộc đời xô đẩy. Tử tế với bản thân mình thôi, vì các cụ, xứng đáng được hưởng điều đó!

Bước 3: Đóe cần thiết phải tỏ ra quá quan tâm.


Một trong những sai lầm lớn nhất của tất cả các loại giai tử tế trên thế giới này là họ quan tâm một cách thái quá. Họ quá rách việc trong việc quan tâm đến những việc như người khác nghĩ gì, không hiểu bọn con gái nó có thích họ hay không, không biết họ có làm cho người khác buồn không, hay đơn giản là ngồi ngẫm nghĩ xem mình có làm gì không phải. Quan tâm là tốt. nhưng nó chính là một loại virus nếu các cụ quan tâm trong một thời gian quá dài. Ở đây em khuyên các cụ là kệ mẹ nó, và đừng cố gắng bón thúc bằng mồm, đừng cố gắng sửa chữa những cái gì vượt quá tầm kiểm soát của các cụ. Kệ mẹ mọi người. Kệ mẹ bọn nó nghĩ gì và bọn nó muốn gì. Kệ mẹ cho bọn nó gây rối hoặc phạm sai lầm và tự đứng lên từ những sai lầm đấy (ví dụ con người yêu bảo, "anh không sang bây giờ là em sẽ nhịn ăn tối nay", hay "nếu anh không trả lời điện thoại, em sẽ ra khỏi đời anh vĩnh viễn". Kệ mẹ bọn nó. Cụ cứ ngồi nhậu tiếp, hoặc đi ngủ mẹ đi. Mai tính tiếp). Đừng có cố ôm đồm mọi việc về mình. Hãy học cách coi nhẹ mọi việc, bình tĩnh trước mọi thứ và giữ trên môi nụ cười. Em nói trước, cái này đóe dễ, giống như bước 2 trên, nhưng cái này là một "tiêu chuẩn" hết sức quan trọng để trở thành Giai đểu. Thực tế là gái xinh, gái đẹp, gái teen bọn chúng yêu lũ đàn ông, con trai giữ được bình tĩnh và thái độ bàng quang trước mọi việc. Đơn giản, hãy dành thời gian của cụ vào những việc cụ thực sự cần quan tâm trong cuộc đời, còn các việc khác, vứt mẹ nó đi!

Bước 4: Đóe phải xin xỏ hoặc chờ bật đèn xanh

Đa phần các chú giai tử tế, giai ngoan đều chờ đợi những tín hiệu và cái gật đầu để làm một việc gì đó. Chính điều này khiến họ trở nên bị động và rụt rè. Quan điểm của em là đóe bao giờ cần phải xin "giấy phép" để làm một điều gì đó (đặc biệt là với phụ nữ) và thản nhiên chờ đợi sự phán kháng để ứng biến một cách tự nhiên. Ngừng ngay việc ngó quanh để tìm sự đồng thuận hay những ánh mắt khuyến khích hay phản đối để xác định mình làm đúng hay làm sai. Nếu cụ thích hôn, hôn mẹ đi, đừng mất thời gian hỏi: "Em ơi, mình hôn nhau nhá". Cụ thích cấu mông gấu hoặc "sì tơ" gấu, múc mẹ luôn, khỏi cần phải làm mặt cầu cạnh và hỏi: "Này em, anh có được cấu mông em?". Cụ đừng báo giờ phải lo lắng xe phản ứng và sự đồng thuận của mọi người về cái mà nghĩ cụ cho rằng như thế là phải. Cụ cứ thản nhiên áp dụng nguyên tắc sau: "Cụ sẽ nhận ra rằng cụ luôn luôn có quyền làm bất cứ cái gì cụ muốn!"

Phải giữ được trong tâm thế mình là mình MUỐN gì chứ không bao giờ đặt mình trong hoàn cảnh phải xin ai cho phép mình làm cái thứ mà mình MUỐN

Bước 5: Một thủ lĩnh thực thụ


Đã là đàn ông, thì các cụ phải luôn luôn ở tư thế lãnh đạo, tư thế của một con đầu đàn. Đừng bao giờ chờ đợi ai nói xem cụ nên đi đâu hay nên làm cái gì. Hãy đứng lên và nhận trách nhiệm lãnh đạo. Để làm một thủ lĩnh, một cách rất tự nhiên, cụ phải bỏ qua việc việc lo lắng xem mọi người ra sao, và tập trung và quan tâm vào việc cụ đang đi đâu, đang làm cái việc gì mà cụ cho rằng phải làm. Đây không phải là ích kỷ, mà thực sự đây là cách mà cụ đang lo lắng và tập trung làm việc cho bản thân cuộc đời các cụ theo cách của chính mình.

Hãy trở thành thủ lĩnh trong cuộc đời các cụ trong mọi tình huống. Nếu cụ thấy cụ muốn nói chuyện với một em bé xinh xinh trước mặt, hay muốn nhận trách nhiệm làm một việc gì đó, thì cứ đứng lên và tiến tới chỗ đó. Hãy làm cái gì mà cụ cảm thấy đúng cho cuộc đời cụ, vì thực tế, sẽ đóe ai làm điều này cho cụ hay thay cụ cả. Can đảm lên!

Bước 6: Quyết đoán



Luôn luôn chắc chắn rằng cụ muốn gì, và làm thế nào để đạt được nó. Xác định được bản thân cụ muốn gì trong mọi tình huống, bất kể với gái hay việc gì trong cuộc đời nói chung. Khi đã xác định được mục tiêu, hãy theo đuổi nó đến cùng. Một cụ rón rén hay có bộ dạng không chắc chắn trông yếu đuối và nhục bỏ mẹ. Dám có ý kiến và sẵn sàng bảo vệ quan điểm của mình trong mọi vấn đề, mọi lúc, mọi nơi bất kể tại nhà hàng cụ đang ăn hay chỗ đi chơi tăng tiếp theo. Sẵn sàng theo đuổi và hành động theo cách các cụ muôn; điều này sẽ giải phóng cụ khỏi nỗi sợ hãi và lo lắng khi cụ quyết định theo đuổi một mục tiêu mà cụ thực sự muốn. Mình chỉ được sống một lần trong cuộc đời này và hãy đảm bảo rằng cụ sẽ đánh vô lăng để theo đuổi con đường sẽ làm cụ hạnh phúc.

Hãy nhớ rằng, nếu cụ không biết rằng cụ muốn cái gì thì làm sao cụ biết được bao giờ cụ có nó?????

Bước 7: Hãy chân thật với người khác đặc biệt với chính bản thân mình

Một điều đặc biệt đó là giai đểu thường rất tốt trong việc là một người trung thực và nhận trách nhiệm trong việc gì đó. Và điều này thường đối nghịch hoàn toàn với những gì giai ngoan thường làm. Nếu cụ giai đểu thích một bé gái nào đó, thường các cụ ý thể hiện mẹ luôn cho em gái đó là "anh kết em lòi mắt" trong khi đấy các cụ "giai tử tế" thường lại có xu hướng dấu đi cảm xúc thật của mình. Các cụ giai ngoan thường cố gắng trở thành người bạn tốt với những người con gái mà anh ta thích và không bao giờ thể hiện rằng họ thích cô gái đó, và cuối cùng, hành vi ngu xuấn này là đưa cụ này vào nhóm những người bạn bình thường của em gái kia. Nói thẳng mẹ cho nó vuông, đó là chị em phụ nữ thường nhạy cảm gấp mười mấy hai chục lần, thậm chí hàng trăm lần các cụ trong việc xác định thằng nào thích mình và khi nào chúng nó thích mình. Điều này chả ý nghĩa mẹ gì đối với giai đểu vì họ chả có vấn đề gì khi nói với các em "anh thích em" còn giai ngoan thì lại cố che dấu nó, thậm chí còn tỏ ra rằng: "tớ không quan tâm lắm". Do vậy một cách đơn giản, để trở thành giai đểu, các cụ phải sống thật và chân thành với phụ nữ, vì thực tế là họ đã đi guốc trong bụng cụ là cụ muốn cái gì rồi.

Cụ giai đểu có thể thản nhiên nhìn thẳng vào ngực của chị em phụ nữ còn trong khi đó các giai ngoan thì chỉ dám len lén nhòm mặc dù thích bỏ mẹ. Phụ nữ thường thích thú khi các cụ thể hiện cho cô ấy một cách vừa phải sở thích và thái độ của mình hơn là vờ vờ vệt vệt giấu đi cảm xúc thật của các cụ mặc dù vẫn dí mắt liếc theo cặp mông của họ khi họ vừa quay mặt đi.

Phần thứ hai của bước này là chân thật với bản thân mình, chân thật với con người của chính bản thân các cụ. Tất cả chúng ta đều có trong đầu mình một câu truyện để giải thích tôi là ai, tại sao tôi lại làm chuyện đó, tại sao đúng, tại sao sai và muôn và lý do cho mọi việc. Hãy học cách bỏ qua những câu truyện, những lý do bạn có trong đầu để lừa dối bản thân và che đi sự thật. Chả có gì và chả có ai hoàn hảo. Hãy cứ chân thật với cuộc đời, với mình!

Bước 8: Trưởng thành một cách độc lập




Hãy học cách tự hạnh phúc với chính bản thân mình và những thứ mình có. Các cụ sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, khi các cụ càng ít phụ thuộc vào người khác, thì càng nhiều người sẽ cần và sẽ tìm đến các cụ. Hãy luôn nhớ tạo ra những thú vui và những trò giải trí cho bản thân mình, tìm cho mình một niềm đam mê nào đó và tìm cho mình cho mình những thú vui mà các cụ sẽ muốn dành thời gian cho nó.

Cuộc đời chỉ vui vẻ và thú vị khi chính các cụ muốn có và tạo ra được một cuộc đời như vậy. Đừng bao giờ vì buồn mà đi tới một mối quan hệ, gắn bó với một người phụ nữ hay phải lệ thuộc vào một thú vui duy nhất nào đó. Đừng tìm kiếm những thứ giải khuây, đặc biệt là phụ nữ, để làm cho bản thân cụ hạnh phúc, vì thực sự cụ không cần nó. Đàn ông trên khắp thế giới này cứ mãi miết đi tìm hạnh phúc ở khắp mọi nơi khác mà họ quên đi tìm hạnh phúc từ bản thân mình. Khi các cụ học được cách tìm nguồn vui từ mình, lúc đó cụ sẽ có một hấp lực hút tất cả mọi thứ về mình và lúc đó, các cụ sẽ trở thành những người thực sự độc lập. Không có gì có thể hạ gục được cụ.

Giống như đừng biến OS hay OX là thú vui duy nhất của cụ để cụ sợ vãi cứt ra khi có thằng nào dọa ban nick  đừng biến con người yêu của mình là một người bạn duy nhất cụ tâm sự vì khi nó đi rồi, cụ sẽ hoảng loạn không biết bấu víu vào đâu. Hãy thản nhiên sống, thản nhiên cười và coi nhẹ mọi thứ. Hãy độc lập và hãy tự tạo cho mình những thứ vui

Bước 9: Biết tự trọng và nâng cao giá trị bản thân



Giai đểu thường bị coi là....đểu vì những cụ này thường biết rõ giá trị bản thân mình, quan tâm đến giá trị bản thân mình và biết tự mãn với giá trị bản thân một cách cân bằng và đáng tôn trọng. Điều này càng khiến bọn "giai ngoan" uất ức vì càng so mình với giai đểu càng thấy mình....kém. Một cụ được cho là giai đểu là người nhận ra hai thực tế rất quan trọng nhất đối với đời mình. Đó là, cụ biết rằng cụ ngon hơn bất cứ thằng nào khác, do vậy, quan điểm của cụ hiển nhiên sẽ đúng đắn hơn quan điểm khác và đóe có ai trên đời này ngon hơn, cao hơn cụ ả. Tất cả đưa đến việc cụ có tự trọng, và tôn trọng bản thân mình. Trước khi tìm kiếm được sự tôn trọng của người khác, đặc biệt là phụ nữ, lên mình thì trước hết cụ phải có tự trọng và tự tôn trọng bản thân mình đầu tiên.

Làm thế nào để cụ có được tự trọng? Trước hết, cụ phải tạo được ranh giới tiêu chuẩn nào cụ chấp nhận, tiêu chuẩn nào cụ không chấp nhận từ người khác và hãy dùng nó như một kim chỉ nam cho mình. Điều quan trọng nhất của phần xây dựng lòng tự trọng cho mình đó là đừng đặt mình ngang hàng với bất kể loại người nào thiếu tôn trọng cụ, gia đình của cụ và bạn bè của cụ
Vấn đề với các "giai ngoan" là họ quá tử tứ với tất cả mọi người, kể cả những người không tử tế ngược lại với họ. Chúng ta được dạy rằng phải đưa má trái ra khi bị tát vào má phải nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cách làm này chỉ khiến sự việc tồi tệ đị. Khi các cụ đối xử với những người coi cụ như cục cứt một cách tử tế; điều này chính là phần thưởng tưởng thưởng cho những hành vi tồi của họ. Hãy tôn trọng và tử tế với những người tốt bụng và đáng yêu. Tử tế với người khác không hề có nghĩa sẽ làm nguời ta quý mến cụ. Trên thế giới này thiếu đóe gì bọn khốn nạn, nhưng cũng có rất nhiều người tốt ở xung quanh cụ ở trên thế giới này. Hãy nhìn xung quanh và hãy tử tế, tôn trọng những người mà cụ cho rằng họ xứng đáng với điều đó.

Bước 10: Khỏe mạnh về thể chất, vững vàng về tinh thần

Là một người đàn ông, cụ phải có một thể trạng vững mạnh cho gia đình, bạn bè, người thân và đặc biệt là phụ nữ để họ có thể yên tâm dựa vào. Hãy sống để gạt bỏ những lời than vãn, kêu ca và rên rỉ đi. Các cụ đi ra đường và luôn nhìn thấy khắp nơi, khắp thể loại người đóe bao giờ biết làm gì ngoài việc than vãn hết thứ này đến thứ khác xảy ra cho bản thân họ. Con người hay giở cái trò than vãn và kêu khóc để chơi cái trò biến mình thành nạn nhân để nhận được lòng thương cảm và sự chú ý của mọi người (cái này, bọn kêu đường trên Facebook chơi suốt. Suốt ngày post ảnh trẻ con tàn tật hay các ông cụ bà cụ trên vỉa hè để câu view! Tởm đến lợm giọng).

Hãy nhận ra rằng, dù kêu ca nhiều đến thế nào thì các cụ cũng đóe thay đổi được tình hình thực tế. Đời đóe có chỗ cho sự công bằng, và nó luôn luôn là thế. Đàn ông đóe than phiền, đàn ông đóe bù lu bù loa lên. Cứ im lặng mà giải quyết nó. Khi có gì không đúng, các cụ xắn tay vào làm một cách tốt nhất để cải tạo nó. Trách nhiệm của đàn ông là đảm bảo những người quan trọng đối với cuộc đời các cụ được chăm sóc một cách cẩn thận nhất. Đương nhiên, khi một điều gì không hay xảy ra, chúng ta có thể suy sụp nhưng các cụ hãy nhớ, với vai trò của một thằng đàn ông, các cụ sẽ giải quyết được nó.
@ bản dịch của BLuôi, em anh.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

QUÁ TAM BA BẬN


      Truyện ngắn

Lần thứ hai mình vào quán của em. Một cái quán nhỏ, sâu hun hút, ẩm thấp, độ âm so với gương đường.
Vốn dĩ nó là cửa hàng photo coppy không ăn khách, em thuê lại. Lòng quán hẹp chỉ kê duy nhất một dãy ba cái bàn gỗ ép, chân bàn bằng sắt uốn, có thể gấp lại được. Ban ngày khoảng trống ấy dùng làm chỗ ngủ, những hôm em không có việc gì, đi đâu đó..
Một gian xép làm chỗ đun nấu, chỉ nhóm bếp lò đun than vào lúc xâm xẩm tối.
Quán như thế, không thể bán hàng ăn buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều vì không chứa được bao nhiêu khách.
Dĩ nhiên rồi.
 Em chỉ bán về đêm, cho những khách cơ nhỡ dọc đường. Như mình chẳng hạn. Hoặc cánh lái xe, người đi chợ đêm ngoài thành phố. Đông nhất là đám con bạc, kẻ ăn sương ( chỉ có giời mới biết là họ đang làm những gì )!
Em có vẻ mừng khi thấy mình đỗ xe trước cửa:
- Cứ tưởng không có khi nào còn được gặp nữa.. Em đang mong anh đây!

Mình sướng. Một gã như mình vẫn có người mong chờ, ngóng đợi nữa hay sao?
Chả cứ mình, trừ những thằng ngu ra, ai chả sướng khi có người khác quan tâm đến mình, còn bảo là “đợi” nữa? Người “mong” ấy lại là một cô nàng có bề ngoài khả ái, nom “đường được” như thế này?
Nhưng không biết chuyện gì mà em mong?
Mình không phải đợi lâu. Em pha cho mình cốc trà chanh nóng, đúng như sở thích của mình. Còn cẩn thận đưa cho mình cái khăn lạnh lau mặt. Cử chỉ này khiến mình nhớ đến cô vợ lành hiền chất phác ở quê của mình. ( Tất nhiên về mặt nhan sắc, vợ mình chả ăn thua con mẹ gì với cô chủ quán này đây ). Nói thế cho vui. Vợ bao giờ chả “Năm bờ oăn”? Gái đời có xinh bằng mười, cũng không thể hơn vợ quê của mình được!
( Ngàn đời nay, truyền thống gia đình Việt “vẫn là”, “mãi là” thế mà! )
Bởi vì vợ ngoài chữ “tình”, còn hơn cái “nghĩa” ở đời với nhau. “Bồ hay đến mấy, mãi chỉ là bồ”.
Mình thề!

Em dạo khúc đầu:
- Thật là ngại quá! Mới quen biết mà nhờ anh chuyện này em thấy áy náy thế nào í.. Nhưng vì gấp quá rồi, em cứ đánh bạo. Được thì được, không được thì thôi, anh đừng cười nhé?
- Gì mà cứ phải úp mở như thế?
- Còn một ngày nữa, em phải trả nốt số tiền cho người ta. Dạo này buôn bán ế ẩm quá, dự tính của em không thành công. Có hai triệu bạc mà khó như người ta cả trăm, cả tỷ.. Nếu anh có, cho em mượn tạm. Chỉ một tuần đổ lại em sẽ trả đầy đủ..
Không cần em nói, mình quá biết sự buôn, sự bán hiện thời như thế nào. Buôn thua bán lỗ đâu chỉ mình em?
Hàng trăm siêu thị, nhà hàng trong nam ngoài bắc có ngày không bán được đồng tiền hàng nào. Khách ra vào chủ yếu để “xem” và “ngắm”.
Tiền bạc như có trí khôn, và rất kỹ tính, cứ tìm cách chui vào két sắt các đại gia, các ông to bà lớn, chả thèm để ý đến cái ví lép xẹp của dân nghèo, đến người buôn bán phọt phẹt, công chức quèn như tôi với em.
Bạc tiền ở một đất nước không thiếu, bởi quê hương nền tảng của nó là: “rừng vàng biển bạc, rẽ cá mới thấy nước” hết chiến, hết loạn rồi, “đang phới phới đi lên”. Bảo hết tiền hết gạo là cớ làm sao?
Em một thân một mình. Ăn tiêu đáng bao nhiêu, để mang công mắc nợ?

-  Em hận cái thằng chồng cũ của em nên cố mua cái xe này ( Em chỉ cái xe tay ga hình như mua lại vì không được mới cho lắm ). Hơn ba chục vé đấy anh ạ. Cứ nghĩ thiếu một tý, dành dụm trả dần.
Lần đầu tiên mình thấy có người hỏi vay tiền khách qua đường là mình, như em!
Ít ra nó cũng phải “có quá trình”, “hình thành và phát triển”, cái gọi là tình củm một chút với nhau!
Chưa hề cầm tay, chưa hẹn hò, thề thốt, ai lại làm quả hỏi “vay đứng” như thế này?

Em bảo nếu không thể trả cả một lần, em sẽ trả làm mấy đợt.”mỗi đợt hai trăm”. Thật, mà lại không thật. Có chút gì ẩn ý, điêu điêu, kín hở ở trong?
Có lẽ là em hiểu sai mình. Mình đến không phải vì “chuyện ấy”, vì cách cho vay “kiểu ấy”! Nhưng dù sao thì vẫn ý tứ, tế nhị kín đáo hơn cách tiếp thị của kẻ chuyên nghiệp, không trắng trợn vì mới vào nghề.
Hai triệu bạc không phải số tiền to, nhưng cũng không nhỏ. Bằng cả tháng lương giáo viên tiểu học của đứa em dạy hợp đồng. Bằng cả vụ “nông nhàn” vất vả của chị gái anh ở quê. Và nữa, bằng bữa “ăn rượu” vô tư nhà hàng của bọn môi giới đủ hạng đãi nhau.. Bằng..và không bằng gì gì nữa? Chả cần quan tâm!
Rất may là mình có lý do chính đáng. “Đêm hôm nằm một mình ở chân cầu mang tiền theo làm gì?”
Em cười, tin là thật. Em biết thừa mình đang làm ở đội thi công cầu. Một cây cầu cách đây không xa. Cầu khởi công hơn ba năm rồi vẫn chưa xong. Không phải vì thiếu vật liệu. Vật liệu thời nay có thừa. Máy móc thiết bị cũng sẵn, chả thiếu thứ gì. Thời hội nhập, mở cửa ra với thế giới bên ngoài, máy móc thiết bị cần gì cũng có. Chỉ thiếu mỗi tiền..
Mà cũng chả giống ai. Cầu xây gần xong rồi, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong ở hai bên đầu cầu!
Đáng lẽ ra chuyện này phải “đi trước, đón đầu một bước”. Ban quản lý dự án “chơi theo kiểu du kích”, đánh tỉa. Tưởng đâu bớt được chút tiền đền bù.
Đâm ra thất cách.
Khi giải ngân lại mỗi nhà một giá, không làm đồng loạt, kẻ trước người sau. Người nhận sau lại đòi thêm một tý. Người sau nữa đòi lên một tý nữa..
Từ giá theo quy định chung, thành giá ảo.. Người dân vì vậy mà không nhận tiền đền bù, không biết đâu là giá “chuẩn”, đòi ngước mãi lên.. May mà chưa có kiện cáo nào xảy ra.

Chỉ tạm dừng công trình. Công ty tạm đưa người, máy móc, thiết bị làm công việc khác.
Giá như làm đồng loạt, sự thể đã không nên nỗi. Có phải “chiến thuật du kích”, cò con bất cứ lúc nào cũng áp dụng tốt được cả đâu?
Tiến độ thi công chậm, bên A “ách lại” không giải ngân!
Ông “Tổng”, ông “Giám” cong đít lên mà “chạy”, huy động nguồn vốn. Mà đồng tiền bấy giờ như có “tinh”, thấy chỗ mắc mớ, “có vấn đề”, vướng mắc một tý là nó liền thắt hầu bao lại. Trừ đi vay “sấp”, “tín dụng đen”. Nhưng đó là cái “lỗ đen” chết người. Các ông ấy còn do dự chưa dám “ vào chơi”.
Đã không ít nạn nhân chui vào cái lỗ này để rồi chả bao giờ có đường ra. Công ty chúng anh là không có dại, chả dám dây vào!

Để lại hai thằng anh ở lại trông nom thiết bị, với kho vật liệu đợi chờ.. Ăn vật, nằm vạ gần cả năm nay. Cứ như hai thằng tù lỏng, chỉ quanh quẩn hai bên đầu cầu, chả dám đi đâu xa.
Đến hàng của em như trường hợp này chỉ là việc hãn hữu.

Em có biết đâu lương bọn anh chậm cả hai tháng nay rồi, chưa nhận được đồng nào?

Vợ ở quê cứ liên chi hồ điệp gọi điện, nhắn tin. Nào là mua xe cho thằng anh lớn chuẩn bị đi làm. Nào là đóng học phí, tiền trọ cho con bé em đang học ở Hà Nội..
Từ lâu nhà nước đã “Xã hội hóa giáo dục và đào tạo”, quả bóng giáo dục đá hẳn sang sân ở phía người dân.
Sự học của con trẻ tất tần tật cha mẹ phải lo. Tiền đóng gạo góp như biết đường lên trời, mỗi ngày mỗi tăng!
Không như ngày xưa anh đi học chuyên nghiệp trung cấp. Tiền đã chả mất đồng nào, lại có thêm học bổng. Dù chỉ số ít, dưng mờ an tâm vô cùng em ạ!
Chỉ là tiền xà phòng đánh răng, tiền cơm hai bữa, nhưng mà đỡ khối. Không như bây giờ.
Ai chê thời bao cấp điểm nào thì chê. Chứ anh thì anh thấy thời ấy đi học khá thuận lợi, lại trong sáng, tử tế hơn bây giờ nhiều. Còn được nhà nước quan tâm.
Giờ khó thế đấy, theo được thì theo. Mặc!
Vợ chồng anh bóp mồm bóp miệng gửi hầu hết số tiền kiếm được của mình cho con. Em đâu có biết chuyện này? Đừng nghĩ bọn anh ở “Đội công trình số 4” tiền như nước sông, “Đông như quân Nguyên” mà lầm, em ạ!
Kể ra thì cũng không phải. Phái yếu, đang kỳ cơ nhỡ như em mở lời mà không giúp được, cũng cảm thấy ngượng, và áy náy thế nào trong lòng. Nhưng con người ta có phải điều gì muốn cũng làm được cả đâu?
Đêm nằm lại nghĩ. Chắc là em nói đùa thế, chứ em chả đến nỗi nào, hoặc là thấy cảnh nhếch nhác của bọn anh muốn đuổi khéo. Sợ anh ghi sổ nợ, ảnh hưởng đến quán của em.
( Nếu đúng thế, hẳn là em không biết. Giai cấp công nhân chúng anh bao giờ cũng mẫu mực, làm gì có chuyện nhố nhăng, chằng bửa? )
Hoặc em nghĩ: Không có gì chấm dứt nhanh, chấm dứt ngay được sự hiện diện của kẻ mình không thích dây dưa bằng cách hỏi vay tiền!
 Nhất là trong quan hệ của hai bên khác giới với nhau. Bảo “yêu”, bảo “mến” ư? Cứ thử hỏi vay tiền là biết ngay.
Cũng chẳng cứ quan hệ khác phái.
Ngay như bọn đực dựa với nhau, chơi bời, qua lại bao nhiêu năm giời.. Có lúc hứng lên nói như thể sẵn sàng cởi áo cho nhau mặc. Nhưng phép thử “Vay tiền” là biết hết!

Chung quy, bởi lòng tin giữa con người với con người. Hình như có điều gì đó không ổn. Đề cao lối sống vật chất, thổi nó lên to hơn cả con voi, trọng tiền bạc, đúng nó là khắc tinh của truyền thống tình nghĩa đời nay.
Mà đâu phải do khó khăn, bần hàn quá gây nên?
Dù sao so với ngày trước, còn chán vạn lần hơn, có khó cũng một trời, một vực. Có còn ai phải thèm ăn, thèm mặc, đói rách quá thể nữa đâu?
Tinh thần và vật chất đáng lý ra phải hài hòa, bỗng nhiên mâu thuẫn, thành con đường hai chiều, hai lối đi trái ngược hẳn với nhau.
Đỡ va chạm thật, dưng mờ buồn, lỏng lẻo hết cả chân tay!
**
Lần đầu mình đến quán của em là bởi do sếp.
Nếu “Giám” không đưa tới, mình cóc biết chỗ này là chỗ quái nào đâu? Một là không có “xiền”, hai là lo lắng công việc, chả dám đi đâu xa. Quanh quẩn ngày ngày bên hai chân cầu, sợ thằng nào vô phúc phá hoại, trộm cắp gì đó thì gay.
Công trình chưa hoàn thiện đã bàn giao được với “cơ quan chức năng” đâu? Trông coi chủ yếu vẫn hai thằng mình.
Chín giờ tối “giám” đột xuất đến! Đây là kiểu kiểm tra bất ngờ chưa từng có trong lịch sử quản lý nhân viên công ti mình.
May, mình lúc ấy đang soi đèn “kiểm tra kho bãi”. “Giám” có vẻ hài lòng. Lão ấy nói:
- Tinh thần các cậu thế là tốt. Tớ chả mang theo gì. Bây giờ hai cậu lên xe, ra quán thích gì tớ đãi một chầu!
Lão để tài xế ở lại trông lán thay mình, tự tay lái xe. Hai thằng lộc ngộc lên xe. Bấy giờ mình mới để ý đến cái xe của lão. Không phải “con” bóng mượt, long lanh trước kia. ( “Con ấy” mấy tỷ kia, chứ không ghẻ như con này! ). “Con” bây giờ như “xe bà già”, đời cũ lắm rồi. Có lẽ “giám” đã đổi xe để “xén” ra tý vốn?
Mình nghĩ thế nhưng không dám hỏi. Lão bực, điên lên chả hay ho gì vào lúc này. Người ta không nên gợi câu chuyện buồn những khi không phải lúc!
Dầu sao vẫn là đi “xế hộp”, không phải đi bộ là được rồi.
Mấy khi được sếp ưu ái, đãi ngộ như này?
Chả cứ công ty mình, chỗ quái nào cũng vậy. Phần nhiều nhân viên đãi sếp. Mấy khi sếp đãi nhân viên? Chả hóa ra là “đãi ngược” à? “Giám” đãi nhân viên như này là trời “để chân” ra ngoài!
Hiếm có lắm!
Thật là không may! Xe mới chạy được quãng, ạch ạch mấy cái rồi lịm hẳn. Thằng bảo vệ cùng cánh với mình có võ vẽ biết sửa xe một tý. Hắn vốn là lái xe đổi nghề. Mò mẫm mãi, hết cả pin điện thoại, cũng không biết nó là cái bệnh tội nợ gì?  Đành bó tay chấm than!

Sếp bảo cái tật của xe này chỉ tay lái xe nó biết. Thường vẫn xảy ra luôn. Chả biết tay ấy nó sờ sờ, mó mó thế nào lại chạy tốt?
Mình mới bảo:
- Thôi sếp cứ ngồi lên xe, bọn em đẩy về lán cho anh ấy sửa. Chả đi hôm này, đi hôm khác. Với lại bữa chiều bọn em vớ được con rắn ráo, thêm hai xị cũng khơ khớ rồi. Chẳng qua sếp bảo thì chúng em phải đi cùng cho vui thôi. “Điện” nạp đã đủ, sếp không phải lăn tăn!

Câu này mình thực tâm. Thỉnh thoảng mình với gã cùng làm “công tác bảo vệ” có kiếm thêm. Ở gần sông cũng phải biết “hưởng lợi” từ nguồn sông chứ? Cải thiện thêm “chất”, có sức khỏe để cống hiến lâu dài. Chiều nào cũng thả vài cái dọ tôm, nhờ tài lẻ từ hồi còn bé của mình, hôm nào cũng có đĩa tôm kho. Cứ đậu phụ mãi, nhạt miệng, chịu sao nổi?
Sếp không chịu. “Ai lại làm thế? Các cậu là công nhân viên nhà nước, với mình bình đẳng như nhau. Có phải quan hệ chủ tớ đâu để các cậu đẩy xe như thế? Phong kiến, lạc hậu bỏ mẹ!”
Câu này khiến mình rưng rưng cảm động. Mình nghĩ ra một cách:
- Hay là sếp cứ lên xe ngồi đây. Em chạy một lèo gọi lái xe ra?
Sếp không nói gì, nhìn quanh. Chợt thấy gần đó có ánh đèn, một quán ăn thì phải?
Ba thày trò đẩy xe đến trước cửa quán. Đúng ngay quán của em, mình đang kể trong câu chuyện này.
Quán nghèo, chả có gì vì em mới mở được nửa năm, chưa kịp “phát triển kinh doanh”. Mấy tháng trước còn có món chân gà nướng, nhưng giờ thì không.
Thiên hạ rỉ tai nhau, rồi truyền thông cũng đưa tin: “Chân gà nhập ngoại là thực phẩm không hợp vệ sinh, chứa nhiều độc tố của hóa chất bảo quản. Có khi đọng trong kho ba bốn năm mới sang đến nước mình”. Khách chê nên em cũng không nhập về nữa. Em bảo:
- Kể ra người mình cũng khôn các anh nhỉ?
Hỏi khôn làm sao?
- Không dùng thực phẩm bỏ đi, đầu thừa đuôi thẹo của nước ngoài kém phẩm chất. Ưu tiên dùng hàng Việt cho kinh tế Việt có cơ hội cạnh tranh với nước ngoài ngay sân nhà, mà lại an toàn thực phẩm. Em cho đó là giải pháp khôn ngoan!
Sếp không để ý đến lời em nói. Có lẽ mấy câu này ông nghe quen tai, nghe nhiều ở các hội nghị. Nhưng mình phục.
Tuổi em ý, lại quán khiêm tốn thế này, nghĩ được tầm “Vĩ mô” như thế không phải chủ quán nào cũng nghĩ được. Thậm chí chủ các nhà hàng to lớn, sang trọng chưa tất đã nghĩ ra. Chắc là em ấy có ăn học. Hoàn cảnh thế nào mới rẽ bước, sang ngang ?
Quả này là mình đã đoán không sai?
Chuyện được một lúc, chợt sếp của mình nhớ ra chuyện từng quen biết chồng em thời gian đã lâu, đã từng ăn cơm với vợ chồng em tại tư gia!
Chủ khách không nhận ra nhau, vì sếp không ngờ gặp em trong tình cảnh này.
Chồng em cũng là “giám” của một công ty đã tuyên bố phá sản cuối năm ngoái. Không biết giờ đang lưu lạc nơi đâu?
Em không tin người ta nói chồng em đang làm thợ xây bên Lào. Ngôi biệt thự của hai vợ chồng hiện nhà nước đang thông báo bán thanh lý nhưng chưa có người mua. Em là kế toán trưởng của công ty giờ chuyển sang dịch vụ “bán hàng ăn đêm” cho khách qua đường.
Món nhậu đã sơ sài thì chớ, vì chỉ có trứng vịt lộn ăn với lá dăm, thêm câu chuyện buồn nữa, rượu như nhạt hẳn đi.
Mình chả có số đào hoa, gặp toàn chuyện buồn là chuyện buồn.
Và bây giờ là lần gặp thứ hai!
**
Ba tháng sau.
Mình hỏi tình hình “cây cột cái” bây giờ ra sao rồi? Em lặng im không nói. Mắt rơm rớm lệ, em tảng lờ như không nghe thấy. Mình hẫng, ai lại vô duyên hỏi em như thế? Mình có là cái gì của em đâu mà đi sâu vào đời tư người ta?
Định đứng dậy ra về. Lúc ấy em mới bảo:
- Hôm qua quán em không có khách. Nồi cháo gần như còn nguyên, buồn hết cả chân tay anh ạ! Cũng bởi tại em mua cái xe này. Nhà em về bảo mang đi để lấy phương tiện làm ăn, em không cho. Thế là sinh sự. Hắn bảo viết đơn ly dị. Em bực, ly dị thì ly dị, em cóc cần. Không ngờ hắn làm thật. Đơn đã gửi ra tòa rồi, chỉ chờ ngày tòa gọi.. Anh bảo em nên làm sao bây giờ?
Thì ra không phải em khinh mình. Tôn trọng, tin cậy là đằng khác!
Sở dĩ không trả lời ngay câu mình hỏi là vì tâm trạng không được vui. Mình chả biết góp ý với em thế nào?
Xui người ta làm phúc, ai giục người làm tội bao giờ?
Chia rẽ vợ chồng người ta, các cụ ngày xưa bảo: “sau này xuống âm phủ bị tội cưa đầu xẻ tai”. Là một cái tội không nhỏ.
Nhưng bảo em cứ ràng buộc với người chồng không còn yêu thương mình nữa như em kể liệu có nên? Mà mình biết nội tình hai người ra sao mà góp với chả ý? Nhỡ chỉ là quá bức xúc nhất thời mà xung đột, mình thêm dầu vào lửa, là chuyện chẳng nên gì.
Mình nước đôi:
- Cái này phải là người trong cuộc mới tự quyết định được. Người ngoài dễ phiến, diện chủ quan lắm!
Em cười gượng:
- Anh nói cứ như nhà đài. Nói thế em còn hỏi anh làm gì?
Rồi em thêm:
- Thực ra em đâu có tiếc anh ấy? ( Em đổi cách gọi tên chồng, có lẽ để giữ ý ). Nhưng anh có biết bây giờ anh ấy thế nào không? Chán ở bên Lào chả mang được đồng nào về thì thôi chả nói làm gì.. Vợ chồng với nhau không phải thấy lúc xa cơ nhỡ bước mà chia lìa. Thôi thì cùng nhau làm lại từ đầu, no đói có vợ có chồng, mãi rồi cũng qua..
Hai tay em cứ đan vào nhau, nói như thể với mình chứ không phải cho người khác nghe: “Người ta nói mưa to, gió lớn mới biết cây cứng mềm. Thiếu gì người lên voi, xuống lợn cuối cùng cũng nên người? Đằng này vấp váp một tý đã hoang mang, chán nản. Tệ nhất sinh ảo tưởng hoang đường.. Phát mại tài sản còn một chút đầu tư vào chứng khoán. Em nói thực, người Việt mình còn lâu mới chơi được trò ghê gớm, đáo để này. Đấy là cách mấy anh giàu non học làm sang, mấy anh nữa chết đuối mơ vớ được cọc!  Lại thêm máu mê đỏ đen cờ bạc, số đề. Anh ấy bảo “ Giẫm phải gai phải lấy gai mới nhỉ được, cần cù ăn dè hà tiện biết đến bao giờ trả hết công nợ?” Chịu, không thể hiểu cái  kiểu tính toán, kiểu hy vọng của anh ấy. Vay mượn chả thiếu đâu. Hết chỗ mới tính cái xe của em.
Em nói cái xe này là em mua chịu, người ta cho trả dần. Không phải để làm sang, cốt lấy chân đi. Cốp xe rộng là nơi cất giấy tờ, vài thứ quan trọng khác không biết để đâu. “Anh tính quán xá thế này, tủ ỷ chả có, những thứ ấy cất vào đâu? Đã không thương vợ thì chớ, đến nước này còn dồn thêm, em chịu làm sao được?”
Không nói mình cũng biết. Từ đây ra chợ cũng khá xa. Không có xe máy hàng ngày em đi chợ bằng gì?
Trông cái dáng người có vẻ quý bà của em, nếu không biết chuyện, ngay đến mình cũng không thể biết em đang khổ sở đến cỡ nào?

Chuyện khủng hoảng suy thoái đâu phải là chuyện bên Tây, bên Tầu? Nó ở ngay trước mũi mình. Chính bản thân mình cũng đang là nạn nhân của nó?
Tình hình lúng túng này rồi sẽ ra sao? Đã lâu mình mù tịt, chả có thông tin gì. Có mỗi hai “nhân” thằng mình, công ty chả bố trí một cái ty vi. Báo chí cũng ù suông nốt.
Sống gần thành phố mà như chỗ không có con người, như trên cung trăng hay nơi hoang mạc..
Một kẻ như thế, không có tiền giúp cho em vay thì chớ, đến câu góp ý thỏa đáng trong trường hợp em cũng tịt luôn.
Có thằng mù nào chỉ dẫn được cho người sáng bao giờ không?
Quá tam ba bận. Đây là lần nữa đến quán em, toàn gặp những điều khó nói.
Đành âm thầm cầu chúc cho em chân cứng đá mềm, qua khỏi cái đận này!
Đừng trách nhau, mà tội nghiệp!

==========



Phần nhận xét hiển thị trên trang