Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Cân bằng lại nội tâm bằng sự hiểu biết

Vô Ưu..

Nền văn minh sẽ qua, nền văn minh từ năm 2012 trở về trước, xã hội con người đã tiến bộ không ngừng do sự hiểu biết của con người ngày càng nâng cao. Từ lâu xa, nhân loại thực sự đã phát triển tiến lên văn minh, hiện đại dựa vào những bất ổn nội tại có trong lòng nhân loại. Sự bất ổn nội tại khởi nguồn từ trong tư duy, nhận thức, ý thức của cá nhân mỗi con người. Thực sự trong mỗi con người luôn tồn tại sự nổi loạn cho dù người đó là ai và bạn cũng không là ngoại lệ.
Về  vật chất, từ thời nguyên thủy con người luôn tìm kiếm, tạo ra và cả việc giành giật, trộm cướp mang về phần hơn cho bản thân, gia đình, dòng tộc, đất nước. Khởi nguồn cho sự nổi loạn chỉ khởi đầu ở vài cá nhân với mục đích mang lại lợi ích cá nhân và gia đình. Về sau, con người hiểu biết hơn, họ đã tranh giành nhằm mang về lợi ích cho dòng tộc và đất nước. Việc tranh giành đã nâng lên thành xâm lược, cướp bóc, chiến tranh. Việc tạo ra sản phẩm, hàng hóa cũng từ việc con người không bằng lòng với những gì đang có mà con người đã tìm tòi, sáng tạo, sản xuất ra lượng vật chất mới cho nhân loại.
Bạn hãy dừng lặng, đừng chấp chặt vào ngôn ngữ. Việc không chấp nhận hiện tại, ý thức tạo ra những cái mới hơn có khác biệt với sự nổi loạn không?
Cũng chính nhờ sự nổi loạn từ bên trong của mỗi con người mà nhân loại phát triển tiến lên. Nhưng sự nổi loạn nội tại cũng tự có khiếm khuyết. Bởi lẽ có sự nổi loạn nội tại giúp cho sự phát triển xã hội và có sự nổi loạn làm tha hóa giá trị con người, làm băng hoại xã hội. Xã hội hiện nay có dân số đông đảo với nhận thức chênh lệch, sự hiểu biết không đúng mực con người đã và đang sống thực dụng, ích kỷ thì sự nổi loạn nội tại có thiên hướng xấu đang nhấn chìm sự tiến bộ của loài người. Chiến tranh, hận thù, tàn phá thiên nhiên, tăng dân số, tệ nạn xã hội,… đều có xuất phát điểm từ sự nổi loạn nội tại tệ hại, không cần thiết của nhân loại.
Về  tinh thần tâm linh, thời sơ khai con người sống bằng việc săn bắt và hái lượm. Ngày ngày, con người lo tìm kiếm cái ăn, cái mặc có đâu thảnh thơi mà nghĩ đến vấn đề tinh thần tâm linh. Khi xã hội loài người lớn mạnh có thêm nhiều hiểu biết việc giành giật, cướp bóc, giết hại đồng loại khiến tinh thần con người không an. Kết hợp với việc tiếp xúc mơ hồ với những người đã khuất dần dần hình thành các hình thức tín ngưỡng tâm linh. Đây là nền tảng cho sự ra đời và phát triển các loại hình tôn giáo của nhân loại. Có những thời điểm sự tàn ác khiến cho người được lợi lẫn kẻ bị hại đều rơi vào khủng hoảng nội tâm và những vị giáo chủ các tôn giáo đã ra đời. Họ đã trấn an thế giới tâm linh trong mỗi con người và làm cân bằng nội tâm nhân loại. Nhưng do sự thiếu hiểu biết sáng rõ, con người đắm chìm trong thế giới tâm linh, từ bỏ lao động khiến nhân loại đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Chủ nghĩa vô thần, duy vật đã hình thành giúp nhân loại tồn tại và phát triển tiến lên nền kinh tế hàng hóa. Do sự chủ quan, thiếu hiểu biết về thế giới tâm linh ý thức hệ mới của nhân loại đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Lẽ ra nhân loại cần dung hòa cân bằng hài hòa thế giới vật chất và tinh thần thì con người lại đi xóa bỏ, triệt tiêu thế giới tâm linh.
Việc làm chủ quan, kém hiểu biết của con người tất yếu xảy ra sự khủng hoảng nội tâm ở mỗi con người. Chủ nghĩa thực dụng man trá, tàn khốc ra đời lan tỏa rộng khắp là dấu hiệu để nhận biết giai đoạn khủng hoảng nội tâm sâu sắc, trầm trọng trong nhân loại. Sự rối loạn nội tâm đã khiến con người quay về nương tựa vào tôn giáo với sự hiểu biết mơ hồ về thế giới tâm linh - Kết quả của việc xóa bỏ, triệt tiêu chủ nghĩa duy tâm mà không có sự khách quan, hiểu biết. Niềm tin là điều mà các tôn giáo trói nhận thức, tư duy con người ở thời điểm khủng hoảng hiện tại.
Tin vào điều gì? Thực ra ngay cả những vị giáo chủ, những nhà lãnh đạo tinh thần cũng không rõ biết là phải “Tin vào điều gì?”. Bởi lẽ dù thành tín nguyện cầu họ cũng không nhận được một thông điệp cụ thể, rõ ràng từ Phật, các Đấng quyền năng,… Vì lẽ đó họ không thể có câu trả lời thỏa đáng, đúng mực cho sự mong chờ khắc khoải của các tín đồ thuần tín. Không có lối thoát cho việc giải tỏa bế tắc nội tâm, nhân loại đang khao khát một phép lạ, một Phật Di Lặc, một Thánh Massiah,…
Phải chăng nhân loại đã mặc định tin rằng “Phật Thích Ca Mâu Ni, Thánh Ala, Chúa Jesus,… là người của ngày hôm qua”?
Những điều tôi vừa trình bày để nhận biết sự nổi loạn trong nhân loại về tinh thần cũng không kém phần khốc liệt và sai lạc.
Nhân loại nên chăng nhìn nhận mọi vấn đề ở cả  thế giới vật chất và tâm linh với góc nhìn tổng thể, khách quan, sáng rõ?
Khi hiểu biết sáng rõ thì tự khắc sẽ có giải pháp cân bằng cho sự nổi loạn nội tâm trong mỗi con người. Đừng trông chờ kỳ vọng vào sự xuất hiện của Phật Di Lặc, Thánh Massiah,… Vì lẽ những thành phần cơ hội luôn tồn tại, họ sẽ tạo dựng lên những vị giáo chủ mới mà bạn tôn thờ nhằm đánh cắp niềm tin, tài sản, gia đình, cuộc sống của bạn.
Hơn nữa, bạn chính thật là phép màu, là Phật Di Lặc, là Thánh Massiah,… chứ không là một ai khác.
Hoa ưu đàm 3000 năm mới hé nở một lần. Mỗi khi hoa ưu đàm nở, Thánh Vương sẽ xuất thế. Đó là những câu từ có thật ẩn trong kinh sách cổ. Nhân loại đang chờ đợi Thánh Vương xuất thế. Nhưng từ cái thật có trong kinh sách đã có cái không thật ở hiện tại. Hoa ưu đàm đã nở khắp mọi nơi, ai là người sống hơn 3000 năm? Hình ảnh hoa ưu đàm được miêu tả hay lưu giữ hơn 3000 năm ở nơi đâu để con người nhận biết “Hiện nay hoa ưu đàm đã nở”?
Tôi không “Đánh mất” niềm tin của bạn. Bạn đã có niềm tin “Hoa ưu đàm đã nở khắp mọi nơi”. Việc đó đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều, rất nhiều Thánh Vương xuất thế và chỉ khi đó thì trái đất mới được tịnh hóa tinh sạch, tươi mới. Vì thế bạn hãy là phép màu, là Thánh Vương!
Trước  đây, tôi hay nhìn nhận mọi việc ở sự tuyệt đối, sự hoàn hảo. Về sau, tôi nhận ra không có bất cứ điều gì là tuyệt đối hoàn hảo. Tôi đã từng thất vọng cho đến khi chấp nhận sự thật “Không có bất kỳ sự vật, hiện tượng nào chứa đựng sự hoàn hảo tuyệt đối”. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra “Mọi sự vật, hiện tượng đều tuyệt đối hoàn hảo”.

Tuy nhiên, cũng chính do sự cầu toàn mà tôi không chấp nhận “Việc thay đổi một điều không thật bằng một sự giả tạo”. Cho dù mục đích của việc làm đó có chứa đựng ý nghĩa, mục đích cao khiết, thánh thiện - Làm cho nhân loại tốt đẹp hơn, giúp nhân loại quay về, nhận ra giá trị con người và sự sống. Nhưng mọi việc sẽ ra sao khi nhân loại nhận ra “Bạn đang cố đánh cắp niềm tin và hy vọng của họ”?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái bẫy người:

MẬT VỤ TIỆP KHẮC

Tabea Rossol
Phan Ba dịch
Một nhân viên của mật vụ StB, giả trang là một người Mỹ đang phỏng vấn công dân Tiệp Khắc Jaroslav Hakr. Theo một ghi chú ở mặt sau, hình này được dùng làm bằng chứng trước tòa. Hình: abscr.cz
Người được cho là điệp viên của Hoa Kỳ với bí danh “Johnny” nhất định không chịu thua. Ông cố thuyết phục Jan và Jirina Prosvic. Ông có thể bí mật đưa đôi vợ chồng người Tiệp qua biên giới sang Tây Đức an toàn, bảo đảm. Nhưng đó là một lời nói dối: “Johnny” không phải là điệp viên Mỹ. Ông ta tên thật là Josef Janousek. Và nhiệm vụ của ông không phải là mang vợ chồng Prosvic qua biên giới, mà là vào tù.
Xuân 1948: Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (KPT) đã nắm lấy quyền kiểm soát chính trị qua lần lật đổ vào tháng Hai và đang thanh toán các đối thủ chính trị. Để làm việc đó thì với họ bất kể phương kế nào đều tốt. Lấy ý tưởng từ những biện pháp của Xô viết và Quốc Xã, cơ quan mật vụ Statni Bezpecnost (StB – An ninh Quốc gia) đã tiến hành một mưu kế: Chiến dịch “Cột mốc biên giới”.
Người của mật vụ StB cố tình gọi điện thoại tới những người bị tình nghi là đối lập. Lấy cớ  là được Counter Intelligence Corps (CIC), một cơ quan tình báo của Lục quân Mỹ gởi tới, họ hứa sẽ giúp những người kia vượt biên bỏ trốn. Điều phi lý ở đây: nhiều người bị tình nghi hoàn toàn không thuộc giới đối lập và họ vẫn được thuyết phục bỏ trốn. Hàng trăm người đã rơi vào cái bẫy xảo trá này từ 1948 cho tới 1951.
Thuyết phục bỏ trốn – vào trong cạm bẫy

Doanh nhân Jan Proscvic và vợ Jirina là các nạn nhân được ghi nhận đầu tiên của chiến dịch “Cột mốc biên giới”. Hình: abscr.cz
Pavel Bret gọi vụ việc này là “đốm trắng” trong lịch sử của Tiệp Khắc. Bret là người lãnh đạo Phòng Điều tra Tội phạm Cộng sản trong Bộ Nội vụ của Praha. Hơn một năm nay, phòng này hoạt động để xem xét lại các tội ác của cơ quan mật vụ thuộc Đảng Cộng sản, những cái đã được ghi nhận rất chi tiết trên 10.000 trang hồ sơ. Mới đây, những cuộc điều tra hình sự về các nghi phạm lần đầu tiên đã được tiến hành. Qua đó, lần đầu tiên ánh sáng đã soi rọi tới những cạm bẫy xảo trá này của StB.
Theo hồ sơ, gia đình Prosvic nằm trong số những nạn nhân đầu tiên của An ninh Quốc gia Tiệp. Vợ chồng này không hoạt động chống lại sự thống trị của Cộng sản, cũng không muốn rời bỏ đất nước ra đi. Jan và Jirina Prosvic đã có hai con gái nên việc sống tạm bợ trong trại tỵ nạn và phải bắt đầu cuộc sống ở nơi lưu vong là một việc không thể được. Thế nhưng Janousek không bỏ cuộc: “Vì tôi biết là sẽ nhận được nhiều tiền nên tôi đã cố thuyết phục họ”, ông ta khai báo sau này.
Ông cũng không dừng lại ở những cố gắng thuyết phục vợ chồng Prosvic nhận những cú điện thoại nặc danh, cảnh báo họ trước là họ có thể bị bắt giam. Do áp lực này, Jan Prosvic cuối cùng đã nhượng bộ. Cùng với vợ con, ông để cho Janousek chở tới Kdyne, một thành phố nhỏ gần biên giới. Từ đó, một người trung gian tháp tùng họ tới biên giới, sau khi Prosvic trả một khoản tiền.
Một trạm biên giới giả được ngụy trang toàn hảo
Họ phải dừng lại ở nhiều chốt chặn, những nơi họ đi qua mà không gặp vấn đề gì. Vợ chồng Prosvic có ấn tượng mạnh tính cách chủ động của người dẫn đường: “Ông ấy lúc nào cũng biết rõ là phải nói những gì”, Prosvic khai báo sau này. Lúc đó đêm đã khuya và người của StB dẫn họ đi xuyên qua rừng tới nơi được cho là biên giới. Biên giới thật cách đó 50 kilômét nữa về phía Tây.
Trong ngôi nhà nhỏ được cho là trạm biên giới, “người Mỹ” Tony lộ rõ vẻ hồi hộp, tên thật của anh ta là Amon Tomasoff, đón họ với thuốc lá phương Tây, Lucky Strike. Cũng có cả sôcôla Thụy Sĩ. Căn phòng được trang bị một lá cờ Mỹ và chân dung tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Truman, tạo một phông cảnh giống như thật. Cơ quan mật vụ còn đưa ra một chai Whiskey nữa.
Mặc dù vậy, Proscvic vẫn nghi ngờ, khi Tomasoff hỏi quan điểm của ông về chủ nghĩa cộng sản và mối liên hệ với những người hoạt động bí mật, và cuối cùng ông phải ký tên vào một biên bản – “Guestionaire”. Và Prosvic đã kí tên mình trên tờ giấy đó. Khi ông ngửng lên, Tomasoff rút khẩu súng ngắn của hắn ra và nói: “Chúng tôi không quan tâm tới người Tiệp cộng sản”. Trạm biên giới, “Johnny” hảo tâm giúp đỡ, các cuộc gọi nặc danh – tất cả đều là lừa dối. Với chữ ký của mình, Prosvic đã tự định đoạt số phận của ông: với biên bản có chữ ký đó, sau này quan tòa đã có cơ sở kết tội về một lần bỏ trốn.
Vô tình phản bội bạn bè và gia đình

Oldrich Malac bị tuyên án 15 năm lao động cưỡng bức sau lần bị dụ dỗ bỏ trốn. Hình: abscr.cz
Ân mưu lập ra biên giới giả tạo là việc gian dối hiểm độc nhất mà ông đã từng gặp trong công việc xét định các tội phạm cộng sản, trưởng phòng Bret nói. Công cuộc điều tra được sử gia người Séc Igor Lukas khởi xướng, sau khi ông tình cờ quen biết với một trong những nạn nhân thời đó. Ông bắt đầu điều tra và phát hiện ra rằng hai nghi phạm vẫn còn sống, “Đó là một tương phản lớn với sự khốn cùng của những nạn nhân trước đây của họ – vì vậy mà tôi đã nộp đơn tố cáo”.
Thế nhưng nhiều nạn nhân cho tới nay vẫn không dám nói về các tội phạm này. Thời đó, nhiều người chạy trốn đã trả lời tỉ mỉ tất cả các câu hỏi của nhân viên biên phòng và qua đó đã vô tình phản bội bạn bè, gia đình. Ví dụ như họ được hỏi rằng, trong trường hợp xấu nhất thì ai trong số những người họ quen biết sẽ giúp người Mỹ lật đổ chế độ cộng sản. Những người chạy trốn tưởng rằng với thông tin của họ, họ đã giúp cho những người được nêu danh. Thế nhưng tất cả những người được nêu tên sau đó đều đã bị theo dõi, bị bắt và bị kết án, Bret xác nhận.
Những nạn nhân khác không bao giờ biết được sự thật về những gì đã xảy ra với họ. Sau khi ký tên vào bản câu hỏi, nhân viên StB ngụy trang yêu cầu những người chạy trốn tiếp tục đi về hướng Tây: “Anh bây giờ đang ở trong một đất nước tự do, chúng tôi không tháp tùng theo anh nữa. Anh hãy đi 200 mét về hướng này, ở đó anh sẽ thấy một ngôi nhà và cảnh sát Đức, họ sẽ tiếp tục giúp đỡ anh.” Họ đi được một vài mét thì bị cảnh sát Tiệp bắt giữ lại. Phần lớn đều tin rằng họ bị bắt cóc từ đất Đức.
Phản đối yếu ớt từ nước ngoài
Việc các nạn nhân hoàn toàn không hề hay biết còn bị lạm dụng ở một hình thức khác. Những người được cho là nhân viên biên phòng Mỹ từ chối đơn xin tỵ nạn của những người chạy trốn và trực tiếp bàn giao họ cho cảnh sát Tiệp Khắc. Tin tức này từ nhà tù lọt ra ngoài, và tạo nên hiệu ứng như chính quyền mong muốn: cam chịu. Việc Hoa Kỳ dường như khước từ những người bỏ trốn đã bóp ngẹt tia hy vọng cuối cùng về tự do và trốn thoát.
Do chiến dịch “Cột mốc biên giới” hoạt động tốt nên StB tiếp tục dựng biên giới giả, trang bị thanh chắn và bảng báo. Chúng có ở gần Cheb (Eger), Marianske Lazne (Marienbad), Svaty Kriz (từ 1960 Chodsky Ujezd, Heiligenkreuz) và Domazlice (Taus). Khi Hoa Kỳ biết được, họ đã chính thức phản đối việc lạm dụng quân phục và quốc huy Mỹ. Chính phủ Tiệp Khắc phản bác lời lên án đó. Họ khẳng định một cách bất chấp rằng, một cuộc điều tra hết sức kỹ lưỡng đã không tìm thấy “bất cứ một dấu vết hay sự nghi ngờ nào cho thấy có sự lạm dụng quốc huy hay hình ảnh chính khách Mỹ”.
Chiến dịch “Cột mốc biên giới” hoạt động ba năm, từ 1948 cho tới 1951. Bẫy này theo ước lượng của các sử gia đã dẫn tới 300 án tù. 16 người chạy trốn bị xử tử hình. Nhiều người đã tự tử.
Jan Prosvic bị tòa án xử phải đi lao động cưỡng bức. Ngày nay, sử gia Igor Lukas phỏng đoán là ĐCS Tiệp Khắc đã nhắm vào ngôi biệt thự của gia đình Prosvic khi tiến hành hoạt động này. Prosvic là một doanh nhân thành đạt trước đó và tài sản của ông bị chính quyền cộng sản quốc hữu hóa. Nhưng gia đình ông vẫn còn căn hộ ở Praha và một biệt thự lớn ở ngoại ô. Sau khi StB đẩy gia đình Prosvic vào tù, Antonin Zapotocky đã dọn tới đó ở. Người hưởng lợi từ tội phạm này là một nhân vật cao cấp của ĐCS Tiệp, trở thành chủ tịch CSSR năm 1953.
Tabea Rossol
Phan Ba dịch từ Spiegel Online

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhân sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc

TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN

Xét rằng: Sự công nhận nhân phẩm của tất cả con người trong đại gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Xét rằng: Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng sự tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được tuyên xưng như là ước vọng cao nhất của con người.
Xét rằng: Nhân Quyền cần phải được bảo vệ bằng luật pháp, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức.
Xét rằng: Mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia cần được khuyến khích và mở rộng.
Xét rằng: Trong Hiến Chương, các dân tộc của cộng đồng Liên Hiệp Quốc đã lại một lần nữa xác định niềm tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị con người, vào quyền bình đẳng nam nữ và cũng đã quyết định cổ vũ cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn.
Xét rằng: Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.
Xét rằng: Sự hiểu biết chung về nhân quyền và tự do là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên.
Do đó, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc long trọng công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như là một khuôn mẫu chung cần đạt tới của mọi dân tộc và quốc gia, nhằm giúp cho mọi cá nhân và thành phần của xã hội luôn luôn theo sát tinh thần của Bản Tuyên Ngôn, dùng sự truyền đạt và giáo dục, để nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này.
Mặt khác, bằng những phương thức tiến bộ trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, phải bảo đảm sự thừa nhận và tuân hành Bản Tuyên Ngôn một cách có hiệu lực, trong các dân tộc của các nước thành viên, và ngay cả trong những người dân sống trên các phần đất thuộc quyền cai quản của các nước đó.
Ðiều 1:
Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm và vì thế phải đối xử với nhau trên tinh thần bác ái.
Ðiều 2:
Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong Bản Tuyên Ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác. Hơn nữa, cũng không được có sự phân biệt nào đối với con người sống trên một quốc gia hay trên một lãnh thổ, căn cứ trên cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó. Cho dù quốc gia hay lãnh thổ này độc lập hay dưới sự bảo hộ, không được tự trị hay ở trong tình trạng bị hạn chế về chủ quyền.
Ðiều 3:
Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân.
Ðiều 4:
Không ai bị cưỡng bức làm nô lệ hay tôi đòi. Chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm.
Ðiều 5:
Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính cách lăng nhục.
Ðiều 6:
Ở bất cứ nơi nào, mỗi người đều có quyền được công nhận tư cách con người của mình trước pháp luật.
Ðiều 7:
Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Tất cả đều được quyền bảo vệ ngang nhau, chống lại mọi kỳ thị vi phạm Bản Tuyên Ngôn này, cũng như chống lại mọi kích động dẫn đến kỳ thị như vậy.
Ðiều 8:
Mọi người đều có quyền được bảo vệ và bênh vực bởi các cơ quan tư pháp quốc gia có thẩm quyền về các hành vi vi phạm các quyền căn bản, do Hiến Pháp và Luật Pháp quy định.
Ðiều 9:
Không một ai bị bắt bớ, cầm tù hay lưu đày một cách độc đoán.
Ðiều 10:
Mọi người đều có bằng nhau quyền được phân xử công khai và công bằng, trước một tòa án độc lập và vô tư, để được phán quyết về các quyền lợi và nhiệm vụ của mình, hay về những tội phạm mà mình bị cáo buộc.
Ðiều 11:
1.   Khi truy tố trước pháp luật, mọi người được xem là vô tội, cho đến khi pháp luật chứng minh là có tội, trong một phiên tòa công khai và tòa án này phải cung ứng tất cả mọi bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ của đương sự.
2.   Không ai có thể bị kết án khi có những hành động hay sơ suất xảy ra vào lúc mà luật pháp của quốc gia hay quốc tế không qui định đó là một hành vi phạm pháp. Tương tự như vậy, không được áp đặt một hình phạt nào nặng hơn hình phạt được ấn định vào lúc hành vi phạm pháp xảy ra.
Ðiều 12:
Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy.
Ðiều 13:
1.   Mọi người có quyền tự do di chuyển và cư trú, trong phạm vi biên giới của quốc gia.
2.   Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở.
Ðiều 14:
1.   Trước sự ngược đãi, mọi người đều có quyền tị nạn và tìm sự dung thân tại các quốc gia khác.
2.   Quyền này không được kể đến, trong trường hợp bị truy nã thật sự vì các tội phạm không có tính chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
Ðiều 15:
1.   Mọi người đều có quyền có quốc tịch.
2.   Không một ai bị tước bỏ quốc tịch, hay bị từ chối quyền thay đổi quốc tịch, một cách độc đoán.
Ðiều 16:
1.   Nam và nữ trong tuổi trưởng thành có quyền kết hôn và lập gia đình, mà không bị hạn chế về lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Nam nữ đều có quyền bình đẳng lúc kết hôn, trong đời sống vợ chồng và lúc ly hôn.
2.   Hôn nhân chỉ có thể tiến hành khi cả hai đều được tự do quyết định và đồng ý thật sự.
3.   Gia đình phải được xem là một đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và được quyền bảo vệ của xã hội và quốc gia.
Ðiều 17:
1.   Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cá nhân cũng như tập thể.
2.   Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.
Ðiều 18:
Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo.
Ðiều 19:
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan điểm mà không bị xen vào quấy rầy và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới.
Ðiều 20:
1.   Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa.
2.   Không một ai có thể bị cưỡng bách gia nhập vào một đoàn thể.
Ðiều 21:
1.   Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do.
2.   Mọi người đều có quyền đón nhận những dịch vụ công cộng của quốc gia một cách bình đẳng.
3.   Ý muốn của người dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, bằng phiếu kín, qua phương thức phổ thông và bình đẳng đầu phiếu, hay các phương thức tương đương của bầu cử tự do.
Ðiều 22:
Vì là thành viên của xã hội, mỗi người đều có quyền an ninh xã hội, qua các cố gắng của quốc gia và hợp tác quốc tế, dựa theo phương cách tổ chức và tài nguyên của mỗi nước. Quyền này được đặt trên căn bản của sự thụ hưởng những quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa, cần thiết cho nhân phẩm và sự phát triển tự do của mỗi cá nhân.
Ðiều 23:
1.   Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc chính đáng và thuận lợi đối với công việc, và quyền được bảo vệ chống thất nghiệp.
2.   Mọi người, không vì lý do kỳ thị nào, đều có quyền được hưởng lương bổng như nhau cho cùng một công việc.
3.   Mọi người làm việc đều được quyền hưởng thù lao một cách công bằng và thích hợp, khả dĩ bảo đảm cho bản thân và gia đình mình một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm, cũng như được trợ giúp nếu cần, qua các phương thức bảo vệ xã hội khác.
4.   Mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn, để bảo vệ quyền lợi của mình.
Ðiều 24:
Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, kể cả việc hạn chế hợp lý số giờ làm việc, và các ngày nghỉ định kỳ có trả lương.
Ðiều 25:
1.   Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khỏe và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, quyền an sinh trong lúc thất nghiệp, đau ốm, tàn tật, góa bụa, tuổi già hay các tình huống thiếu thốn khác do các hoàn cảnh ngoài khả năng kiểm soát của mình.
2.   Các bà mẹ và trẻ con phải được hưởng sự chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ con, sinh có hôn thú hay không, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng.
Ðiều 26:
1.   Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí, ít nhất là ở bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải bắt buộc. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được mở rộng và giáo dục đại học phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người, trên căn bản tài năng xứng đáng.
2.   Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ nhân cách, và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục phải nhằm cổ vũ sự cảm thông, lòng khoan dung, và tình hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình.
3.   Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa phương cách giáo dục dành cho con cái mình.
Ðiều 27:
1.   Mọi người đều có quyền tự do tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thưởng thức các bộ môn nghệ thuật, và cùng chia sẻ các tiến bộ khoa học cũng như các lợi ích của khoa học.
2.   Mọi người đều có quyền được bảo vệ về tác quyền, trên bình diện tinh thần cũng như quyền lợi vật chất, đối với các tác phẩm khoa học, văn chương, hay nghệ thuật.
Ðiều 28:
Mọi người đều có quyền đòi hỏi được sống trong một trật tự xã hội và trật tự quốc tế, trong đó các quyền và các tự do được đề cập trong Bản Tuyên Ngôn này có thể được thể hiện đầy đủ.
Ðiều 29:
1.   Mọi người đều có bổn phận đối với cộng đồng nào mà chỉ trong đó mới có thể phát triển toàn vẹn và tự do nhân cách của mình.
2.   Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ.
3.   Trong bất cứ trường hợp nào, nhân quyền và những quyền tự do này cũng không được hành xử trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.
Ðiều 30:
Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này được hiểu và hàm ý cho phép một nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm hủy diệt nhân quyền và tự do được thừa nhận trong bản Tuyên Ngôn này.
Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"THÁI SƯ TRẦN THỦ ĐỘ" - PHIM VỚI ẢNH, CHÁN MỚ ĐỜI !





Lạm bàn về phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ
Trần Kim Anh

Thấy đầu phim có dòng: Lịch sử phụ thuộc vào cách nhìn, nên mình cố xem và cố không định kiến, nhưng không thể nuốt nổi. Phim với ảnh chán mớ đời. Lúc xem quảng cáo, hy vọng không đến nỗi tệ. Nhưng mà nó tệ quá. Kịch bản vẫn nguyên kiểu NMT, rối rắm lằng nhằng, thiếu hấp dẫn, lời thoại vẫn ngô nghê, cổ chẳng ra cổ kim chẳng ra kim. Dàn diễn viên vừa xấu vừa èo uột, diễn thì như tuồng. Chỉ đỡ hơn các phim khác về phục trang và thiết kế mỹ thuạt là nhờ ở chỗ phim này nhiều tiền hơn. Thấy diễn viên toàn NSND, NSƯT và nghe nói Nhà văn NMT là người viết kịch bản phim lịch sử giỏi nhất hiện nay mới hiểu là, người ta đã dốc toàn lực cho phim này rồi, nhưng vì sức chỉ đến vậy nên nó chỉ được vậy thôi. Cho nên mới bàn rằng, ngành ĐA phải được thay máu. Nhà nước phải đầu tư lớn, tuyển chọn một thế hệ mới cho đi Mỹ, Trung quốc học cẩn thận từ biên kịch đạo diễn diễn viên, quay phim… thì may ra mới khác đi được, nếu không thì cho dù đầu tư bao nhiêu tiền đi nữa thì với lực lượng như vậy, phim ảnh VN cũng sẽ chẳng khá hơn được bao nhiêu, chỉ phí tiền dân.
________________

Tễu: 

Phim "Thái sư Trần Thủ Độ" là phim được Thành phố HN "vẽ" ra để chiếu trong dịp Đại lễ Thăng Long. Ngu ơi là ngu! Một ngàn năm Thăng Long là dịp tôn vinh triều Lý rực rỡ võ công văn trị, ca ngợi tầm nhìn viễn kiến của cuộc dời đô lịch sử. Vậy mà làm ngay cái phim về ông Thái sư Trần Thủ Độ là một người mưu mô lật đổ nhà Lý, dựng lên nhà Trần. Tận diệt con cháu nhà Lý, Trần Thủ Độ sai bày tiệc mời bà con hoàng tộc nhà Lý đến đánh chén rồi kéo sập bẫy giết đi. Tàn ác đến thế là cùng. (Xem ở đây).

Vậy mà Thành ủy Hà Nội, UBND TP, lãnh đạo Sở Văn hóa toàn các bậc khoa bảng về Triết, về Sử, về Văn...mà lại nhắm mắt phê duyệt việc làm phim như thế! 

Phim này, vì thế không chiếu được trong Đại lễ năm 2010, giờ đem ra chiếu. Chiếu lúc nào thì chiếu, cứ đem ra chiếu, xem là phải chửi, chửi để lần sau không ngu nữa! Tiền thì cứ đút túi, nhưng ngu cũng vừa vừa thì dân mới chịu được!

Đúng như Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết:

Ngồi buồn cởi cúc xem chim
Còn hơn vào rạp xem phim nước mình!


Mời chư vị xem lại hồ sơ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trông người mà ngẫm tới ta

Từ chủ quyền ngôi đền Preah- Vihear của Cambodia đến 
chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam - AFR Dân Nguyễn
Binh sĩ Campuchia đứng gác tại lối vào ngôi đền Preah Vihear.
Bản tin thời sự VTV, đài truyền hình VN, hôm trước đưa tin Tòa án Quốc tế La-Hay (Hà Lan), tuyên bản án, qua đó GIAO QUYỀN QUẢN LÝ ngôi đền cổ có tuổi đời hàng ngàn năm cho nhà nước Cambodia- ngôi đền PREAH- VIHEAR.Điều đó đồng nghĩa với việc Quốc tế công nhận Quyền sở hữu ngôi đền, là tài sản, là phần lãnh thổ của Cambodia.
Chúng ta biết ngôi đền cổ này từng xảy ra tranh chấp giữa Thailand và Cambodia nhiều năm qua. Xung đột từng xảy ra ác liệt giữa quân đội hai nước. Đây là ngôi đền cổ có giá trị lớn về mặt kiến trúc, là tuyệt phẩm được xếp hạng di sản văn hóa nhân loại bởi UNESCO. Dĩ nhiên, nguồn lợi mà nó đem lại từ nguồn thu du lịch là không hề nhỏ.
Thế nên xảy ra tranh chấp là điều dễ hiểu.
Ngôi đền có vị trí nằm trên biên giới giữa hai nước Thailand và Cambodia.
Về lối kiến trúc, nhất là kiến trúc các ngôi đền chùa trên lãnh thổ hai nước, khó mà phân biệt được một ranh giới rõ ràng
Nếu như sự việc chỉ được giải quyết song phương, sẽ chẳng ai nghi ngờ phần thắng (Kể cả trên lĩnh vực quân sự, kinh tế lẫn ngoại giao) không thuộc về Thailand.
Nhưng giờ đây, ngôi đền cổ rất có giá trị này đã được trả lại cho chủ nhân đích thực của nó-Nhà nước Cambodia.
Nhìn vào thế và lực của mình; Nhìn vào vị trí của ngôi đền trên sát biên giới hai nước; Nhìn vào lối kiến trúc…có lẽ đã có lúc người dân Cambodia không khỏi nản lòng buông xuôi!?
Vậy mà họ đã vừa được ăn mừng chào đón tin thắng lợi bởi sự phán quyết của Quốc tế dành cho họ.
Điều đáng nói nữa là sau phán quyết của Tòa án La-Hay, thủ tướng Thailand đã tuyên bố chấp thuận phán quyết quốc tế, cam kết thực thi phán quyết của Tòa.
Thủ tướng Cambodia, ông Hun-sen có lời phát biểu ngắn gọn, có giá trị thiết thực ngay sau sự kiện này: Ông yêu cầu quân đội hai phía đang đóng trên địa bàn phải bảo vệ an ninh, tránh xung đột…
Trên thế giới, sự tranh chấp lãnh thổ xảy ra nhiều nơi, với mức độ phức tạp khác nhau, kéo dài, và nhiều khi đi vào bế tắc.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN là một trong những sự kiện tranh chấp lãnh thổ kể trên.
Nếu xét về bằng chứng, thì VN chứng minh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của mình, xem ra không nan giải như Chính phủ Cambodia từng gặp với sự kiện ngôi đền tranh chấp PREAH-VIHEAR.
Cho tới trước năm 1974, Hoàng Sa vẫn thuộc về VN, được cai quản bởi Quân đội của nhà nước phong kiến, và sau này là chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Bằng chứng là sự hy sinh anh dũng của các sỹ quan và binh lính Việt Nam cộng hòa trong cuộc hải chiến đẫm máu, chống lại quân đội cộng sản Trung Quốc xâm lăng tháng 1 năm 1974.
Xác những người lính Việt Nam cộng hòa; Xác những con tàu Nhật Tảo, Lý Thường Kiệt có thể không còn.
Nhưng sự kiện hy sinh anh dũng của anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội của anh chống giặc  thì mãi còn đó, không chỉ đóng ấn trong trái tim người Việt, mà còn có trong hồ sơ cần tìm, cần lưu trữ của Quốc Tế.
Và gần đây là những bản đồ cổ được tư nhân (Chứ không phải nhà nước VN) sưu tầm và đưa ra trưng bày. Đó là những tấm bản đồ rất có giá trị khẳng định Trung Quốc phong kiến thời Nhà Thanh và Trung Quốc  thời cận đại chưa bao giờ là chủ nhân của Hoàng Sa.
Có cần phải “Cắp ca-táp” sang Cambodia để học hỏi kinh nghiệm của họ trong việc đòi hỏi cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình?
Nên lắm, nếu ta không kiêu ngạo, nếu “Ta” thực sự nóng lòng sốt ruột đòi lại Hoàng Sa…
Nhưng trước khi cắp cặp đi, thiết nghĩ “Ta” phải từ bỏ tư duy kẻ xâm lược cưỡng chiếm Hoàng Sa thân yêu của ta là mạnh hơn ta nhiều lắm. (Nó đã bao giờ yếu hơn ta trong hàng ngàn năm qua?). Thay vào đó phải là niềm tự hào ta đánh nó và thắng nó nhiều lắm rồi, còn làm ơn tha mạng cho ông cha chúng nữa.
Đó là trước đây cả ngàn năm, cả trăm năm, khi ta chỉ có ta, khi ra trận, dù là trận địa ngoại giao hay trận chiến nơi chiến địa, chỉ có một chọi một, chỉ ta với địch.
Vậy mà ta đã thắng.
Huống hồ ngày nay còn có Liên Hợp Quốc, còn có Hoa Kỳ và Tây phương văn minh. Dễ gì cá lớn muốn nuốt cá bé là nuốt được ngay, là trôi ngay…
Ít nhất thì cũng nên từ bỏ ngay tư tưởng giải quyết song phương,
Cambodia là nước nhỏ, đang rất nghèo do hậu quả của cuộc diệt chủng  Căm Pu Chia- bọn Khơ me đỏ gây ra.
Họ không cần phải mua sắm tàu ngầmHọ không cần xác định Thailand là bạn bốn tốt.
Nhưng họ vẫn đòi lại được PREAH-VIHEAR từ tay kẻ mạnh hơn.
Hãy học hỏi Cambodia 
Hãy xây dựng một quan hệ Quốc tế thật sự trong sáng.
Biết dựa vào cộng đồng Quốc tế khi lẽ phải thuộc về mình.

Nov/13rd/2013

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
http://bolapquechoa.blogspot.ch/2013/11/trong-nguoi-ma-ngam-toi-ta.html#more


( Xin lỗi tác giả vì đã lược bớt một số câu gây phản ứng chưa cần thiết )
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin quá buồn: Bộ trưởng giáo dục bị học trò lôi ra tòa

Mấy hôm nay trên mạng có tin này, không biết có thật không, nếu đúng thì kể cũng thương cho bác Luận. Mình nghĩ với 1/3 luận án đi chép của người đã bảo vệ trước đó thì ông Quế bị thu hồi bằng TS là đúng. Đáng buồn là ở xã hội dễ dàng đổi đen thành trắng của ta, khi bị phát hiện đến khi bị kết luận sao chép, đối tượng hoàn toàn có thể chạy tội bằng cách đưa ra một bản luận văn khác (thuê viết lại một luận án chỉ sau 1 đêm là có). Hành vi chạy tội này còn được tiếp tay bằng một loạt quan chức cao cấp vì đã "lỡ" tham gia chấm và nghiệm thu công trình nghiên cứu của ông Quế. Khi một bộ trưởng Giáo dục bị chính thuộc cấp, học sinh của mình lôi ra tòa thì nền giáo dục ấy là gì ? Truyền thống tôn sư trọng đạo để đâu ? Có phải thế mà bác Thiện Nhân đành ngậm ngùi bỏ cuộc để về Mặt trận Tổ quốc dưỡng già ?

BỘ TRƯỞNG PHẠM VŨ LUẬN SẮP "HẦU TÒA"
Một nguồn tin từ Toà án Nhân dân TP Hà Nội vừa phát đi cho thấy vụ kiện hành chính nhằm chống lại bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận chính thức được thụ lý.
Trong thông báo thụ lý vụ án, thẩm phán Hoàng Chí Nguyện nói rằng đã thông báo cho Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội và bộ trưởng Phạm Vũ Luận biết cơ quan này đã thụ lý vụ án và yêu cầu bộ trưởng cho biết ý kiến về vụ kiện và các tài liệu liên quan đến vụ án trong vòng 15 ngày kể từ ngày 30/10.
'Nếu hết thời hạn nói trên, người bị kiện là bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và những người có nghĩa vụ liên quan không thực hiện thủ tục như Toà án yêu cầu thì phải chịu hâu quả pháp lý theo quy định của pháp luật', thông báo nêu rõ.

Như đã đưa tin, bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận bị ông Hoàng Xuân Quế, phó viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân khởi kiện do Bộ ra quyết định thu hồi bằng tiến sỹ của Bộ này.

Quyết định trên gặp những phản ứng dữ dội của nhóm nhà khoa học trong hội đồng bảo vệ luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế năm 2003. Những cụm từ như 'chúng tôi kịch liệt phản đối Bộ Giáo dục' được các nhà khoa học này nhắc lại khi tư lệnh ngành này táo bạo ra quyết định bất chấp ý kiến của họ, những người được xem là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về tài chính, ngân hàng.

Như vậy, bộ trưởng Giáo dục là tư lệnh ngành hiếm hoi bị một thuộc cấp, giảng viên đại học khởi kiện ra Toà án vì quyết định hành chính của mình.

Trong số những nhà khoa học phản bác Bộ Giáo dục có tiến sỹ Dương Thu Hương, cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cựu phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội.

Phần nhận xét hiển thị trên trang