Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Lục bát rơi ở xứ người!

    Thơ Du Tử Lê (1967-1972)

1.
đớn đau tôi ứa lệ trào
cây khô trên ngọn gốc hao dáng người
nằm co chân chạm ván đời
tay bưng ngực mỏng kéo hơi thở buồn
râu cùng tóc mọc, như gươm
rạch đâm ngang mặt những đường máu thâm
nhớ người rét buốt đêm câm
sương sa kính phẳng đã đầm đìa tuôn

2.
đến đây nắng cũng lạ người
chân đi dưới phố hồn ngồi tháp cao
tôi như quái vật chốn nào
ngu ngơ lỡ lạc bước vào cõi âm
rùng rùng những bóng dã nhân
đi qua, đi lại bước chân ngoài đời
bỗng thèm khát một tiếng thôi
bỏ tiền vào máy nghe lời chào ông

(San Francisco, 10-69)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHƯA BAO GIỜ LÒNG DÂN BẤT AN THẾ NÀY

Đào Tuấn - Mỗi một ngày, người dân lại phải vắt tay lên trán khi đọc trên báo hàng chục những cái tin:

Thiếu nữ bị cuồng dâm làm nhục 4 ngày đêm.

Nhảy cả xuống sông để thoát thân, nhưng vẫn bị lôi lên làm nhục tiếp.

Vợ tức chồng vì tư thế lạ, cho một nhát dao.

Côn đồ giết người xong giơ dao khoe máu tươi.

Vừa được đặc xá đã chém chết người.

Rồi Phó Thanh tra giơ cuốc bổ đầu dân.

Phó trưởng Công an “lau súng”, bạn gái vỡ đầu.


Còn Công an thì đập chết tươi một con người chỉ vì anh này không chịu nói tuổi.

Ngày nào cũng như ngày nào. 365 ngày/năm. Với “Tốc độ gia tăng tội phạm còn nhanh hơn cả dân số”.

Trong lĩnh vực quản lý kinh tế: Vừa Vinashin đã lại Vinalines. Chưa xong ACB đã đến Agribank.

Tất cả những khuôn mặt tư Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên…đều giống nhau ở chỗ hôm qua còn mũ cao áo dài mở miệng là nói đến quyết tâm, đến những lời lẽ tốt đẹp vốn không thể phân biệt .

Có một chi tiết cần được nói tới là khi tìm kiếm xác nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường trên sông Hồng, người ta đã phát hiện tới 6cái xác trôi sông. Trong chỉ chưa đầy hai tuần.


Hình như không ngẫu nhiên nhà ngoại cảm xuất hiện khắp nơi.

Hình như không ngẫu nhiên nhà chùa đông nghịt khách.

Lại càng không ngẫu nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng ngậm ngùi: “Trước tự hào ra ngõ gặp anh hùng thì giờ cử tri nói ra ngõ gặp tội phạm”.

Khi mà “Kẻ cướp mà thậm chí giờ nó còn vào từng nhà, sờ từng người để lấy trộm, lột tài sản, uy hiếp. Từ nông thôn đến thành thị, công sở, đến những nơi trang nghiêm như trường học, bệnh viện… đều có tội phạm cả”.

Và “Tôi giật mình khi nghe anh ấy nói hiện tượng của Dương Chí Dũng không phải là cá biệt”.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ nhiễu nhương, nơi tội phạm hoành hành từ phòng lạnh ra đường.

Từ phòng ngủ thiếu nữ đến những nơi cao cả thâm nghiêm như trường học bệnh viện.

Thật ra, cũng nên thông cảm cho ngành Công an khi mà “số bắt vào đã hơn số mình đặc xá”, trong khi có cố gắng cách mấy “nhưng nhà tù có phải mở ra mãi được đâu”.


Có người nói vì báo chí đưa cướp hiếp giết quá nhiều.

Xã hội sẽ bơn bớt bất an khi báo chí ngảnh mặt quay lưng với thực tế.

Nhưng có báo chí nào xui người ta đâm chém nhau.

Có báo chí nào ngụy tạo ra những vụ tham nhũng hàng chục, hàng trăm tỷ.

Và có bất an nào có thể được che dấu bằng việc chụp cái mũ xuống tai và mắt thì nhắm lại.

Vị ĐBQH tên Dũng, khi nhắc tới Dương Chí Dũng, đến câu chuyện “ra ngõ gặp tội phạm” đã nói trúng nỗi lòng của người dân, bằng hai chữ “bất an”: "Chưa bao giờ lòng dân bất an như thế này".


Cái sự bất an không phải ở chỗ người ta phải thòng thêm một sợi dây xích mỗi khi muốn nghe điện thoại trên vỉa hè Sài Gòn, (ngay cả thế cũng dễ mất tay như chơi) không phải ở việc một cái liếc ngang cũng có thể bị coi là nhìn đều và bọn ngáo đá, ngay lập tức, cho đi thẳng vào nhà xác.

Sự bất an còn ở chỗ một người thầy cũng có thể trở thành một tên hiếp dâm.

Một bác sĩ có thể một sát nhân danh y.

Ngay sau sắc áo của những người giữ gìn trật tự, bảo đảm an toàn cho dân chúng, cũng có thể là một kẻ sát nhân.

Còn những người giữ thuế, ai cũng tiềm ẩn nguy cơ “bộ phận không nhỏ”, dù chẳng ai biết cái bộ phận đó nó là ai, ở đâu.

Ông Bùi Đặng Dũng băn khoăn rằng: Không biết có phải do kinh tế khủng hoảng, cùng đường sinh thủy họa đạo tặc hay không mà tội phạm lại nổi lên như vậy?..

Nhân dân, nạn nhân muôn đời của đạo tặc, đành chịu chứ biết trả lời sao?..


Không lẽ lại chụp cái mũ xuống tai và mắt thì nhắm lại?..

Không lẽ phải xây thêm nhà tù để xác nhận một thực tế rằng nơi nào càng nhiều nhà tù, nơi đó càng bất an?..
----------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh đã đăng tải trên mạng xã hội, chỉ mang tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà thơ đểu nhỉ, khi mừng Putin mấy bài thơ..?

Mừng tổng thống Nga PUTINThơ Trần Mạnh Hảo

Nhân Ngày 12-11-2013 Ngài tổng thống Nga Putin sang thăm Việt Nam, Trần Mạnh Hảo xin gửi đăng 3 bài thơ : “Chơi với con lật đật”  và hai bài thơ 4 câu viết tại thủ đô nước Nga 25 năm trước :
 .
CHƠI VỚI CON LẬT ĐẬT
Con lật đật Xô Viết
Kính coong xoay đủ trò
Chẳng cần ăn gì hết
Mà bụng tròn vo vo...
.
Dễ thương thay người Việt
Mê con lật đật Nga
Tìm mua cho bằng hết
Bán lại lời gấp ba
.
Qua hải quan hớt hải
Bộ trưởng tới dân quê
Dù va li quá tải
Vẫn tha lật đật về
.
Tổ Quốc tôi xa khuất
Sau con khật khưỡng này
Ai vừa làm trái đất
Thành con lật đật xoay ?
Matxcơva tháng 9 -1988
------
TƯỢNG ĐÀI Ở MATXCƠVA
.
Trên tượng đài các nhà lãnh tụ đứng uy nghi, lãng mạn
Họ ngước tới mênh mông, tay phác thảo các chân trời
Còn các nhà thơ như Puskin chẳng hạn
Lại cúi xuống mặt đất buồn đau tìm số phận mỗi con người
.
T.M.H.
.
CHIM BỒ CÂU NGA CỦA CHIẾN TRANH ?
.
Có mấy đôi chim bồ câu Nga đánh nhau xơ cánh
Qụa đứng xem rồi mổ tuyết trên cành
Kìa ai đó ném ra vài mẩu bánh
Nuôi các biểu tượng của hòa bình đang mở cuộc chiến tranh ! ?
.
Matxcơva - Tháng 10-1988

Phần nhận xét hiển thị trên trang

sao lại cười?

NHỚ LẠI ĐỂ CƯỜI          

TẠ DUY ANH
Nhà văn Tạ Duy Anh
Nhà văn Tạ Duy Anh
Cách đây hơn chục năm, nếu không nhầm thì đó là vào dịp Tết năm 2002, tôi xuýt nữa thì gặp “nạn văn chương” chỉ vì một cái truyện ngắn tên là Người khác, in ở số tết năm 2002 của báo Gia đình và xã hội. Đó là cả một câu chuyện khôi hài có lẽ chỉ xảy ra ở nước ta. Nguyên do là thế này. Tôi có một truyện thiếu nhi được đưa vào giảng dậy chính thức ở trường phổ thông, sách ngữ văn lớp sáu, chương trình cải cách. Để phục vụ mục đích giảng dạy, Bộ giáo dục chủ trương làm bộ ảnh chân dung cỡ lớn những tác giả có tác phẩm trong sách giáo khoa, kèm theo tiểu sử in ở một tờ áp phích riêng. Lần ấy có Tố Hữu, Đoàn Giỏi, Nguyễn Tuân, Trần Đăng Khoa, Đích-ken, A. Đô-đê…và tôi, khoảng trên dưới chục người. Ảnh thì có người đến tận nhà chụp. Tiểu sử thì do một ông tiến sỹ được thuê viết tóm tắt từng người, kèm theo ít tác phẩm. Vì cẩn thận nên những người thực hiện bèn đưa bản in thử lại cho tôi kiểm tra giúp lần cuối xem có sai sót gì không. Chính vì thế mà tôi phát hiện ra họ ghi sai tên thật của tôi. Tên bố mẹ đặt cho tôi là Tạ Viết Đãng, thì trong phần tiểu sử ghi là Tạ Viết Dũng. Hóa ra do họ lấy theo Kỷ yếu Hội nhà văn. Tôi bèn lấy bút sửa lại, coi đó như cơ hội đính chính tên mình. Người của Bộ giáo dục cảm ơn tôi, rối rít bảo nếu không có tôi thì họ lại làm sai theo quyển Kỷ yếu, tức là sai lần thứ hai. Nhưng chỉ vài hôm sau thì chính ông ta, lần này có thêm người nữa, quay lại, mặt phiền muộn bảo với tôi:
“Chúng tôi nghĩ kỹ rồi, không thể sửa được, anh đành mang tên thật là Dũng thôi”. Tôi hỏi: “Sao lại kỳ thế?”. Ông ta giải thích: “Kỷ yếu của Hội nhà văn in là Dũng, mọi người đều nghĩ tên anh là Dũng, nay nếu chúng tôi sửa thành Đãng, thì họ không nghĩ Hội nhà văn sai, mà nghĩ chúng tôi làm ẩu, chỉ có việc chép lại cái tên cũng không xong. Chắc chắn họ sẽ nghĩ như vậy mà chúng tôi thì không thanh minh được”. Tôi nghe xong thì muốn cười phá lên. Tôi bảo bằng giọng vui đùa: “Thế chả lẽ tôi không được mang chính cái tên bố mẹ đặt cho, mà phải mang tên của người khác ư”. Ông của Bộ Giáo dục bảo: “Chính chúng tôi cũng thấy buồn cười nhưng không có cách nào, đành phải thế vậy, anh đành tạm làngười khác vậy”. Tôi chỉ có thể thông cảm chứ không thể chấp nhận. Cuối cùng, nghĩ mãi, tôi đưa cho họ một giải pháp là không cần ghi tên thật, chỉ ghi bút danh thôi. Họ chấp nhận như một lối thoát khả dĩ nhất. Thế là trong tư liệu Bộ giáo dục dùng làm giáo cụ trực quan gửi cho tất cả các trường Trung học cơ sở, tôi chỉ có tên Tạ Duy Anh.
Khi người của Bộ Giáo dục về rồi, tôi cứ ngẫm mãi về chuyện đó, vừa buồn cười vừa bực mình. Và tôi nảy ngay ra tứ truyện với cái tên Người khác. Có một người đàn ông, vì sự lầm lẫn của đám đông mà vô tình trở thành người có lý lịch và gốc gác hoàn toàn khác, khác rất xa so với nguồn gốc xuất thân của anh ta. Lúc đầu anh ta chỉ nghĩ đó như một sự cố. Nhưng sống dưới cái lý lịch của người khác (do đám đông tưởng tượng ra rồi gán cho), anh ta được hưởng không biết bao nhiêu là sự trọng vọng, trở thành người của công chúng, thần tượng của hàng triệu người trẻ tuổi với hàng loạt việc làm phi thường cũng do đám đông tưởng tượng ra rồi gán cho anh ta. Rồi anh ta thấy mình là chính con người khác ấy từ khi nào không biết. Mọi chuyện cứ thế cuốn anh ta ngày một xa gốc gác thật của mình. Anh ta mất dần cơ hội thanh minh anh ta không phải là cái người mà đám đông tưởng tượng. Mỗi khi định làm điều đó, thì có vô số lý do, cả từ bản thân lẫn bên ngoài ngăn cản, không cho anh ta đi đến cùng. Thậm chí mọi người lại coi ngay cái ý định “thành thật” ấy của anh là trò mà chỉ ai là thiên tài rồi mới thích tự nhạo báng mình một cách đáng yêu như vậy. Nhưng rồi một sự cố xảy ra với người bạn thân một thời…khiến lương tâm anh ta bị phán xét nghiêm khắc. Anh ta quyết định cách cuối cùng để trở về là mình: viết cuốn hồi ký. Trong cuốn hồi ký đó anh ta kể lại toàn bộ sự thật, rằng bố anh ta chẳng phải là ông tai to mặt lớn nào cả, mà chỉ là ông dân cày. Bản thân anh ta cũng chẳng có tí tài cán nào như mọi người vẫn nghĩ. Viết xong anh ta quyết định đem đến một nhà xuất bản có tay giám đốc là chỗ quen biết. Ông giám đốc lúc đầu tưởng anh ta sắp có tác phẩm mới, đón tiếp nồng hậu với ý định sẽ in số lượng cực lớn. Nhưng khi biết nội dung là bản thú nhận về nguồn gốc thật của anh ta, thì tay giám đốc không dám in vì không thể trở thành kẻ đồng phạm làm sụp đổ trước mắt đám đông một thần tượng lớn. Ông giám đốc van xin anh ta tha cho ông, sau khi nói rõ sự tình như vậy. Rằng ông ta không muốn bị nguyền rủa hoặc ăn trứng thối vì đã bôi nhọ thần tượng của hàng triệu người. Đám đông sẽ không tha cho ông ta. Nghe xong, anh ta lên cơn khùng điên và đấm ông giám đốc đến chết ngất vì không cho anh ta cơ hội cuối cùng để trở về là chính anh ta…
Đại loại truyện có nội dung như vậy. Những gì tôi gán ghép cho nhân vật phần lớn lấy từ chính bản thân tôi. Khi viết tôi chỉ nghĩ đến mình, nhất là tình tiết nhập học muộn và bị thêu dệt là con ông lớn. Những hành động của nhân vật cũng lấy từ chính những việc tôi làm trong thời gian học ở trường trung cấp Nghiệp vụ và Kỹ thuật tại phố Thia, Hòa Bình.
Nói tóm lại, truyện ngắn Người khác là hình thức tôi tự nhại chính mình.
Hồi đó báo Gia đình và xã hội là tờ mới nổi, có một số lượng độc giả khá đông, thuộc tờ báo hót (đó là lý do tôi chọn báo GĐvà XH in truyện và còn vì nhuận bút ở đó cũng thuộc vào loại cao). Vì thế khi báo ra, chỉ vài tiếng đồng hồ sau đã ồn lên tin đồn tôi viết truyện ám chỉ một nhân vật cỡ bự, có lý lịch y hệt với lý lịch nhân vật của tôi, giống tới 90%-như lời một cán bộ ngành Văn hóa tư tưởng-nhất là chi tiết trồng sắn, vì nhân vật cỡ bự kia xuất thân từ nghề lâm nghiệp. Tổng biên tập báo là nhà thơ Trần Quang Quý, có tên trong đoàn đi thăm quan Hoa Kỳ với tôi, nửa đêm gọi cho tôi, giọng lo lắng cứ hỏi xem khi viết có nghĩ tí gì đến nhân vật bự nào không. Tôi bật cười bảo rằng, của đáng tội tôi chỉ nghĩ đến đàn bà thôi. Ông tổng biên tập sau đó bỏ chuyến đi Hoa Kỳ theo lời khuyên của lãnh đạo Bộ, vì sợ ở nhà có chuyện gì không ai lo nổi. Trong khi đó, qua một số người làm nhiệm vụ bắn tin, thì cơ quan chức năng sẽ “Quyết không tha cho TDA lần này”. Ai nói, nói trong hoàn cảnh nào thì tôi không biết. Nhưng tôi biết đã có ý kiến nghiêm túc đề nghị truy tố tôi vì tội lợi dụng tự do sáng tác để bôi nhọ lãnh đạo. Họ còn nói tên cụ thể của người đưa ra đề nghị đó. Tôi nghe và biết vậy, không bợn lên chút lo sợ nào. Nhưng buồn cười nhất là một buổi Sáng tôi đang ngồi viết thì Vũ Hữu Sự gọi điện, thoại và khi nghe tôi trả lời, ông vẫn hốt hoảng hỏi lại: “Có đúng là tiên sinh đấy không?” Tôi đáp: Không là tôi thì là ai, tiên sinh đang gọi cho tôi hay gọi ai? “ Tôi gọi cho ông, nhưng ông vẫn đang ngồi ở nhà đấy chứ?” Tôi bật cười khiến Vũ Hữu Sự thanh minh: “Vì tôi đang đi trên đường thì ông T.B.H gọi giật lại bảo TDA vừa bị bắt, chính ông ta trông thấy. Tôi bảo với T.B.H là lúc đầu buổi sáng nay tôi còn thấy TDA đưa con đi học, làm gì có chuyện ấy. T.B.H cả quyết: Vừa bắt rồi, bằng xe Ba-đờ-sốc, tin tôi đi. Ông ấy bảo ông bị bắt vì truyện ngắn Người khác”.
Vũ Hữu Sự nói xong thì thở phào.
Giờ đây nhớ lại chuyện này, lần nào tôi cũng không nhịn được cười phá lên. Mới thấy chơi văn chương cũng… nguy hiểm như chơi dao vậy!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tội chết ở nước bạn Triều Tiên:

Triều Tiên công khai tử hình 80 người vì xem phim Hàn Quốc

Phan Yến
Theo Tiền Phong 
 Kim Jong Un thị sát một rạp hát ngoài trời ở Wonsan.

Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc hôm nay, 11/11 đưa tin, Triều Tiên đã tử hình công khai 80 người vì tội xem phim truyền hình Hàn Quốc.


Theo tờ báo này, vụ tử hình diễn ra vào ngày 3/11 tại 7 thành phố của Triều Tiên. Tại Wonsan, các nhà chức trách triệu tập 10.000 người vào một sân vận động để chứng kiến vụ tử hình 8 trong số 80 người này, theo một nhân chứng.

Đa số tử tù bị buộc tội xem phim truyền hình Hàn Quốc bất hợp pháp, số khác bị kết tội mua bán dâm.

Một số thành phố bao gồm Wonsan và Pyongsong được chỉ định là khu kinh tế đặc biệt nhằm thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế còn nhiều khó khăn của Triều Tiên.

Tuy nhiên, trang web tin tức có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc là Daily NK, trang chuyên về tin tức Triều Tiên cho biết họ không nhận được thông tin nào về vụ tử hình này.

Trong khi đó, một trang tin khác là North Korea Intellectual Solidarity cho biết, các nguồn tin của trang này từng báo cáo vài tháng trước đây về kế hoạch tử hình công khai của Triều Tiên.

“Triều Tiên rõ ràng là sợ thay đổi trong tư duy của người dân và đang thực hiện những biện pháp răn đe trước tiên”, theo trang web này.

Xem truyền hình hoặc phim nước ngoài không kiểm duyệt, đặc biệt là phim của Hàn Quốc là một hành vi phạm tội nghiêm trọng ở Triều Tiên.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không lẽ lại như thế sao? Bác sĩ HH có nhầm lẫn gì không đấy?:Quê Choa: Bi kịch của kẻ sĩ giữa đám bần nông


Quê Choa: Bi kịch của kẻ sĩ giữa đám bần nông: Bs Hồ Hải Theo blog HH   NQL:Hi hi hay là bi kịch của đám bần nông khoác áo kẻ sĩ?   Tôi hầu như không ca ngợi hay khen ai ở chế... Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Độc giả tốt sẽ trở thành nhà tư tưởng tốt"



VNQĐ online: Ngày 4/11/2013, Trung tâm dành cho độc giả trẻ của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã tổ chức buổi lễ vinh danh tác giả ăn khách James Patterson cho những nỗ vì cộng đồng của ông.


Những năm gần đây, James Patterson (ảnh) luôn bày tỏ sự quan tâm của ông đối với văn học dành cho trẻ em. Ông đặc biệt chú trọng việc phát triển tình yêu đối với những cuốn sách cho các em bé từ khi còn nhỏ.
Hồi đầu tháng Mười Một vừa qua, ông đã gây chú ý khi quyên góp một triệu USD cho các hiệu sách độc lập có quầy sách cho trẻ em. Vị tác giả giàu có bậc nhất giới văn chương cũng khuyên các bậc cha mẹ phải là người làm gương cho con cái họ trong việc phát triển lòng ham mê đối với việc đọc sách.
Nhờ những hoạt động tích cực vì cộng đồng ấy, Patterson đã được Trung tâm dành cho độc giả trẻ tuổi của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ trao tặng danh hiệu "nhà vô địch trong công tác xóa mù chữ".

"Độc giả tốt sẽ trở thành nhà tư tưởng tốt"

 Trước khi tới Thư viện Quốc hội, Patterson đã ủng hộ 4000 cuốn sách cho toàn bộ các trường trung học thuộc thủ đô Washinton, DC. Hành động đó đã được thị trưởng Vincent Gray đánh giá cao bằng cách tuyên bố ngày 4/11 là ngày James Patterson trên lãnh thổ toàn bang.
"Tôi ở đây ngày hôm nay để cứu rỗi một vài cuộc sống. Cuộc sống của những trẻ em trên khắp đất nước chúng ta. Độc giả tốt sẽ trở thành nhà tư tưởng tốt. Nếu lũ trẻ không phải là những độc giả tích cực thì cơ hội để chúng học hết cấp ba sẽ giảm xuống cho đến con số không" – ông nói trong bài phát biểu chiến thắng.
Một lần nữa, Patterson nhấn mạnh rằng bước tiến quan trọng giúp cải thiện tình trạng nhận thức nằm ở cha mẹ, ông bà và những người có thẩm quyền trong việc khuyến khích con em họ đọc sách như một phần trách nhiệm. "Điều đó cũng quan trọng như việc thuyết phục chúng ngồi vào bàn ăn vậy", ông dí dỏm so sánh.
Đối với những nhà bán lẻ sách độc lập, Patterson đã khuyến khích bằng họ bằng cách tạo ra những miếng giấy dán ghi: "Chúng tôi đọc sách tại nhà", đồng thời khuyến khích mỗi gia đình triệt để áp dụng triết lý đó.
"Các bậc cha mẹ sẽ không bao giờ mong muốn con cái họ gặp nhiều bất lợi trong tương lai. Tuy nhiên, không khuyến khích chúng đọc sớm thì chính họ đang làm như vậy" – Patterson nói.
Và ông cho rằng thách thức quan trọng nhất chính là để trẻ em tiếp cận được với những cuốn sách phù hợp. "Chúng ta chỉ có thể tạo ra được một độc giả tiềm năng khi kích thích họ một cách đúng đắn. Người là cha làm mẹ cần phải lưu ý đến sở thích đọc của con cái họ. Quan trọng là làm thế nào để chúng không mất hứng".
Trong những tác phẩm của mình, Patterson luôn tập trung vào hình thức kể truyện và sự hài hước. Bằng kinh nghiệm của mình, ông nhấn mạnh tiêu chí đó như kim chỉ nam dành cho các tác giả và nhà xuất bản để thu hút được nhiều độc giả nhỏ tuổi hơn trong tương lai.
"Tôi thích ý tưởng tiếp cận được với lũ trẻ bằng sự hài hước. Cần có sự hài hước trong cuộc sống, và chắc chắn là cả trong những cuốn sách" – ông nói.

Muốn có độc giả trung thành cần sách tốt

Là một nhà văn có được nhiều thành công đáng mơ ước trong sự nghiệp, James Patterson nổi tiếng quan tâm tới công tác quảng bá và sự hợp tác với nhiều tác giả để làm tăng thêm tính hấp dẫn cho các tác phẩm của ông. Nhưng, dường như "bậc thầy của quảng cáo" đã nhìn thấy một hướng đi quan trọng hơn trong tương lai cho ngành công nghiệp sách, đó là phải tạo ra những độc giả tiềm năng.
"Quá nhiều trẻ em không thể tìm thấy một cuốn sách khiến chúng thích mê. Chúng ta cần phải tiếp cận lũ trẻ và trao cho chúng những cuốn sách mà chúng phải đọc nghiến ngấu. Phải mất ít nhất một cuốn sách hay để có được một độc giả trung thành" – ông nói.
Trong vai trò mới của mình, Patterson bày tỏ mong muốn sẽ tiến xa hơn nữa trong những hoạt động thúc đẩy tình yêu đọc sách của trẻ em. Ông hạnh phúc khi nhớ lại những lần giao lưu với các độc giả trẻ và nghe họ chia sẻ tác phẩm của ông đã khiến họ yêu thích việc đọc sách. Điều đó thôi thúc ông.
"Tôi muốn làm nhiều hơn nữa. Trẻ em có quyền đến các thư viện trong các trường học và quyền được tiếp cận với những cuốn sách khiến chúng thấy thích thú. Tôi muốn phát triển thêm những gì đã có và làm tốt hơn thế" – ông hào hứng.
Thư viện quốc hội Hoa Kỳ là một trong những thư viện có quy mô lớn nhất thế giới. Đó là nơi lưu trữ khối lượng sách khổng lồ khoảng 30 triệu cuốn cũng như nhiều tài liệu tham khảo quan trọng. Trung tâm dành cho độc giả trẻ thực ra chỉ là một phòng đọc trực thuộc thư viện. Tuy nhiên khác với các phòng đọc còn lại yêu cầu phải có thẻ thư viện và giới hạn độ tuổi, trung tâm này mở cửa cho cộng đồng.
Những chia sẻ trên đây của Patterson không chỉ hữu ích đối với một đất nước có ngành công nghiệp sách phát triển như Hoa Kỳ mà còn đáng để cho mọi quốc gia noi theo.
M.T.C theo Publishersweekly


Phần nhận xét hiển thị trên trang