Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Lời cho củ cải:

Cáp treo Sa Pa : Thảm họa cho du lịch bền vững tại « Nóc nhà Đông Dương »

Bài đăng : Thứ năm 07 Tháng Mười Một 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 07 Tháng Mười Một 2013 
Vào ngày 02/11/2013 dự án cáp treo từ Sa Pa đến thung lũng Mường Hoa và lên đỉnh Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương đã được khởi công với số vốn 4.400 tỉ đồng Việt Nam, tương đương khoảng 208 triệu đô la Mỹ.

Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, và theo chủ đầu tư là công ty Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan-Sapa thuộc tập đoàn Sun Group, thì đây là hệ thống cáp treo ba dây « dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới » lần đầu tiên có tại Châu Á. Song song với hệ thống cáp treo là « khu nghỉ dưỡng cao cấp » gồm khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi, mua sắm, sân gôn v.v…

Tin bất ngờ này đã gây choáng váng cho những người làm du lịch, sợ rằng đây sẽ là thảm họa cho du lịch bền vững tại một trong những môi trường sinh thái độc đáo hiếm hoi còn sót lại ở nơi được mệnh danh là « Nóc nhà Đông Dương ».


Ông Nguyễn Văn Mỹ - TP Hồ Chí Minh - 07/11/2013
(19:38)
RFI Việt ngữ đã trao đổi về sự kiện này với ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh.

RFI : Thân chào ông Nguyễn Văn Mỹ, chắc ông có biết tin về dự án cáp treo Sa Pa ?

Ông Nguyễn Văn Mỹ : Có thể nói là còn hơn cả bất ngờ. Thứ Sáu tuần rồi tôi tình cờ đi ngang bàn làm việc của một em nhân viên, thấy em ấy đang đọc tin về Fansipan. Tôi không biết đã chính thức hay chưa, nhưng tối đó về nhà kiểm tra lại, tôi không tin được và có thể nói là bị sốc thật sự - phải dùng từ là « choáng váng ». Chưa có sự kiện nào ám ảnh tôi như thế, và tôi hoàn toàn không tài nào hiểu được.

Bởi vì trước đây tôi có nghe đồn phong phanh là Fansipan sẽ có cáp treo, mình cũng tưởng là thiên hạ « ngứa miệng đồn chơi » vì ở Việt Nam thì chỗ nào chẳng làm cáp treo – thích là làm, chẳng có quy hoạch gì cả. Tôi tin rằng lãnh đạo ngành du lịch và kể cả những nhà khoa học sẽ bảo vệ Fansipan.

Nhưng bây giờ thì cái chuyện còn hơn cả « Những người thích đùa »  dự án cáp treo đã được tỉnh Lào Cai phê duyệt. Mà tôi càng bị sốc hơn nữa khi biết đây là một dự án không chỉ có cáp treo mà còn cả một khu liên hợp gồm có sân gôn 18 lỗ, các resort cao cấp và nhiều khu vui chơi giải trí khác. Dự án này được triển khai ngay tại núi Fansipan là ngọn núi cao nhất Đông Dương hiện nay, và nằm ngay tại Vườn quốc gia Hoàng Liên. Không có một chính phủ nào lại triển khai một dự án du lịch tầm cỡ trong Vườn quốc gia như vậy.

Ở đây không bàn tới chuyện « bị ảnh hưởng », mà chắc chắn khi triển khai xong, Vườn quốc gia và cảnh quan của Fansipan sẽ bị phá vỡ, hoàn toàn bị xóa sổ. Anh em chúng tôi khi nghe tin như vậy đã gọi điện cho nhau, vò đầu bứt tai và thảng thốt kêu lên rằng : « Thôi rồi, Fansipan ! »

RFI : Công ty ông đã từng tổ chức du lịch đến đây chưa và ông nhận xét khu này như thế nào ?

Một trong những tiêu chí rèn luyện của nhân viên Lửa Việt khi vào làm trong công ty là tất cả phải leo lên đỉnh Fansipan. Tự thân tôi có đưa một đoàn 63 người, có cả người nước ngoài leo lên đó, phải nói là vất vả. Cảnh quan còn hơn cả tuyệt vời !

Có mấy đặc trưng : Fansipan trời rất lạnh. Ở Sa Pa thì lạnh quanh năm, nhưng lên Fansipan thì còn lạnh hơn nữa. Các mỏm núi trên đó rất hẹp, kể cả trên đỉnh Fansipan cũng không có cũng không có những bãi đất trống mênh mông rộng cả hecta. Thứ hai là rừng chập chùng - có những khu rừng đã bị phá. Đặc biệt trong Vườn quốc gia Hoàng Liên có những vườn chè cổ thụ ước tính đã hàng ngàn năm tuổi.

Có rất nhiều loại kỳ hoa dị thảo, đặc biệt là nhiều loại côn trùng. Hôm trước chúng tôi đi, tôi chưa bao giờ trông thấy con giun nào như ở đó - to bằng cỡ ngón tay cái, dài chừng nửa mét, tôi tưởng là con rắn chứ ! Hoặc con nòng nọc to bằng ngón tay, mình tưởng là con cá thòi lòi như ở miền Tây. Rất nhiều điều ngạc nhiên !

Chương trình đó nằm trong chương trình huấn luyện của Lửa Việt. Sau khi các em hoàn tất chương trình cực kỳ vất vả này, khi làm bài thu hoạch thì các em nói một câu thế này : Mình giỏi hơn mình tưởng rất nhiều. Và các em bảo khi vượt qua được Fansipan thì không có việc gì trên đời này không thể vượt qua.

Như vậy đó là một địa điểm outdoor training cực kỳ lý tưởng, không ở đâu có như thế cả. Khí hậu rất thuận tiện, cảnh quan môi trường còn giữ được, đó là điểm thu hút không chỉ lớp trẻ mà cả những người thích thử thách, rèn luyện. Bởi vì đó là nơi rèn ý chí, bản lĩnh, nghị lực, tinh thần đồng đội và nhiều thứ khác, không cần một trường huấn luyện nào. Nếu bây giờ làm cáp treo thì chả ai đi khi trên đầu mình người ta lố nhố, sức đâu mà mình leo. Rồi có người còn lý giải rằng cáp treo chỉ lên tới 2.800 m thôi, từ đó sẽ « bò » lên 3.100 m.

Xin thưa rằng leo núi chứ không phải ngồi mà tán phét theo kiểu « đi tắt đón đầu » - vì « đi tắt đón đầu » cho nên đất nước mới như thế này đây, chứ đi đàng hoàng thì đâu đến nỗi ! Và leo núi thì phải leo từ dưới đất, làm quen với những thử thách và thay đổi nhiệt độ cũng như áp suất không khí, chứ bây giờ tự nhiên một phát leo lên đỉnh là phi lý.

Một điểm nữa, tôi không tài nào tưởng tượng được - những người đã từng lên Fansipan bảo đảm đều có cách nghĩ như tôi – cáp treo đó công suất mỗi giờ hai nghìn khách. Như vậy mỗi ngày có thể vận tải được hai chục ngàn khách, trong khi một ngàn khách là đã không có chỗ chứa rồi ! Như vậy họ sẽ phải phá rừng dựng cáp, phá rừng để dựng những nhà này nhà kia. Chuyện đó thì tôi nhắc lại, về mặt luật pháp họ vi phạm những quy định về Vườn quốc gia, về bảo vệ thiên nhiên rồi.

Càng suy nghĩ càng bức xúc, càng thấy khó hiểu vì sao một dự án lớn như vậy lại không hỏi ai một tiếng, đùng một phát đặt mọi người vào chuyện đã rồi.

Nhà đầu tư lý giải rằng nhờ công trình này lượng khách sẽ tăng lên. Chủ đầu tư công trình này là công ty cáp treo Fansipan-Sapa mà công ty mẹ đã làm cáp treo Bà Nà, và các quan chức viện dẫn rằng nhờ cáp treo mà Bà Nà tăng được 30% khách mỗi năm. Tôi xin lấy sinh mạng ra mà cá là năm năm tới, hậu quả của Bà Nà hiện nay là nhãn tiền.

RFI : Vì sao, thưa ông ?

Có mấy điểm. Thứ nhất, hiện nay khách Tây không lên Bà Nà, họ đi Bạch Mã, mặc dù Bà Nà hồi xưa là một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cực kỳ của họ. Thứ hai, khách lên Bà Nà đông là vì người ta tò mò. Lên xong người ta thấy ngột ngạt bê tông, vì diện tích của Bà Nà cũng hẹp, cho nên khi về họ thất vọng. Tôi nghĩ người ta không lên Bà Nà lần thứ hai đâu. Như vậy có thể vài năm đầu vì tò mò lượng khách sẽ tăng, nhưng cái giá phải trả về lâu dài thì nhãn tiền.

Tiếp theo, ở Đà Nẵng khí hậu nóng, người ta lên Bà Nà cho mát mát một chút thì còn được. Tôi đã lên Bà Nà hàng chục lần, gần đây là năm ngoái. Khách ai muốn đi thì đưa đi nhưng lên đó làm chi, chẳng có gì đặc sắc cả, vui chơi thì có khi ở thành phố còn gần gũi hơn. Tôi cứ tiếc nuối phong cảnh của Bà Nà cách đây khoảng mười mấy năm khi còn hoang sơ, buổi tối ngủ trên đó nghe gió hú, nhìn về Đà Nẵng đẹp lắm ! Bây giờ xi măng, bê tông bít hết. Như vậy tôi xin nhắc lại, Bà Nà trước mắt chỉ có một số số liệu đánh lừa người ta chứ còn về lâu dài cảnh quan môi trường bị phá vỡ, sau này khách sẽ bỏ đi.

Với Sa Pa thì càng không tưởng bởi vì Sa Pa đã lạnh rồi, không ai lên trên Fansipan cho nó cóng lại cả. Năm 2012 khách lên Sa Pa gần một triệu, trong đó chỉ có 30% là khách nước ngoài thôi. Tỉ lệ nghịch tăng trưởng giữa khách trong và ngoài nước đã là một hồi chuông báo động : càng ngày cảnh quan thiên nhiên, chân quê mộc mạc của Sa Pa càng biến mất.

Cho nên khách Tây càng ít lên. Bây giờ nếu làm dự án này, tôi đảm bảo đó là một cách đuổi khách Tây, họ vốn thích thiên nhiên gần gũi.

Tại sao Hà Giang hiện nay là điểm nóng du lịch ? Mặc dù đường đi hiểm trở - chỉ có xe 16 chỗ mới đi được, dịch vụ thì thiếu thốn – chỉ có nhà nghỉ thôi chứ khách sạn chưa có, nhưng mà khách vẫn rất đông. Bởi vì đi về người ta nói với nhau, nhanh chân lên Hà Giang, vì mai mốt không khéo cảnh quan sẽ bị phá vỡ.

Lên Hà Giang bây giờ giống như lên Sa Pa 30 năm trước, giống như lên Đà Lạt cách đây 60 năm. Không khéo Sa Pa sẽ dẫm vào vết chân Đà Lạt, chỉ còn khách nội địa. Và khách nội địa thì lên rồi về, không ở lâu, họ không chi tiêu tiền như khách nước ngoài. Tại sao chúng ta không làm một cách làm khôn ngoan hơn ?

RFI : Ông đã đi nhiều nước, những nơi có cảnh quan tương tự họ tổ chức du lịch như thế nào ?

Tôi muốn dẫn chứng ngọn núi cao nhất Đông Nam Á là Kinabalu. Tôi cũng đã leo lên Kinabalu rồi, phải nói rằng họ làm quá sức đơn giản và tuyệt vời, mà hoàn toàn chúng ta có thể học được. Kinabalu chỉ cho phép mỗi ngày 120 người leo lên thôi, như vậy muốn leo thì phải đăng ký trước năm, bảy tháng, sắp hàng chờ lượt. Mà việc sắp hàng đó cũng làm tăng giá trị thương hiệu của Kinabalu lên.

Khi mình bắt đầu leo núi, họ kiểm tra sức khỏe lại – mặc dù mình có giấy chứng nhận nhưng họ vẫn kiểm tra. Dọc đường đi họ quy định rất là ngặt nghèo : vật dụng mang theo những gì, quy định hướng dẫn đi theo như thế nào, chỗ nào thì dừng để chụp ảnh, để đi vệ sinh…Có cả trực y tế, trực cứu hộ. Trạm nghỉ của họ đơn giản mà tiện nghi, có giường tầng, nệm ấm, có nước nóng, đồ ăn nóng. Và khi kết thúc thì họ trao cho mỗi người một giấy chứng nhận, huy hiệu cực kỳ trang trọng.

Dân du lịch chuyên nghiệp mang những thứ đó về như một niềm tự hào : mình đã chinh phục ngọn núi cao nhất Đông Nam Á. Mặc dù cảnh quan mỗi nơi có khác nhau nhưng tôi nghĩ rằng không phong phú và đa dạng như Fansipan. Họ chỉ đi có hai ngày một đêm thôi dù núi cao hơn.

Còn bên mình, bây giờ xem lại Fansipan : nhếch nhác, ai muốn đi bao nhiêu thì tùy hỉ. Có ngày không có ai, có ngày vài người, có ngày lên gần cả ngàn người. Nhà vệ sinh đâu có, toàn là « tự xử ». Rồi phải khiêng máy phát điện lên, đem bếp lên. Dọc đường mà có chuyện gì là chết giấc, khiêng xuống dưới mất cả ngày đường là chết queo rồi !

Đoàn tôi đi 63 người có 9 bác sĩ đi theo. Họ vừa đảm nhận khâu y tế, vừa như một thành viên để tham gia một đợt huấn luyện đặc biệt như thế luôn.

Tai nạn từng xảy ra rất nhiều ở Fansipan. Gần đây là một sinh viên tự đi và mất tích, đến bây giờ không tìm thấy được. Hỏi ra, chả ai biết. Vườn quốc gia mà vào không đăng ký, một Vườn quốc gia như vậy mà như đi chợ ai muốn vô, ra cũng chẳng biết được. Độ an toàn của đường đi cần phải làm kỹ hơn nữa, bảng chỉ đường thì có cái chỉ ngược lên trời chẳng ai sửa lại. Bản đồ lộ trình ở trạm dưới chân núi thì bạc phếch, anh em phải lấy bút Bic chú thích lại.

Thì tại sao mình không lo làm lại cho đàng hoàng. Vừa có thể sánh vai với Kinabalu như một điểm nhấn của cả Đông Dương về chương trình vượt qua chính mình, như một dấu ấn rèn luyện, thử thách bản thân ; thứ đến là phát triển du lịch bền vững được. Ở đó không cần sân gôn ! Nếu làm resort 4 – 5 sao nên dạt ra vùng khác của Sa Pa. Và quan trọng là làm sao đường bộ cho ngon lành, đường xe lửa cho an toàn.

Dĩ nhiên chúng ta không bỏ quên khách nội địa, nhưng hiện nay Sa Pa hút khách Tây thì mình nên làm sao giữ được nguồn khách này. Nếu không, với cách suy nghĩ giản đơn, thiển cận - và tôi nghi ngờ đằng sau dự án này có những vấn đề về lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm - thì xin thưa, du lịch Việt Nam cứ mãi mãi lẹt đẹt đứng đầu tốp cuối Đông Nam Á !

Malaysia họ đâu cần những kỷ lục như là cáp treo dài nhất, phức tạp nhất, hiện đại nhất ; nhưng du lịch của họ bền vững hơn, đứng đầu Đông Nam Á. Họ chỉ có ba di sản thế giới thôi, trong khi Việt Nam có mười bảy di sản thế giới. Nhưng lượng khách của Malaysia gần gấp năm lần, lợi nhuận từ du lịch gấp sáu lần của mình.

Là một người làm du lịch cũng lâu năm, có ít nhiều kinh nghiệm thực tiễn, gắn bó với nghề, tới giờ phút này tôi vẫn bàng hoàng. Không thể nào tưởng tượng được.

RFI : Chắc cũng có không ít người có cùng suy nghĩ với ông ?

Chiều nay tôi vừa dạy ở trường đại học Sư phạm, có một lớp chuyên về du lịch. Tôi hỏi các em điều gì quan tâm nhất, thì các em đều trả lời là dự án cáp treo. Hỏi các em nghĩ sao ? Mười phát biểu thì chỉ có hai em nghĩ là có cáp treo, lâu nay không đi được thì bây giờ mình cũng leo lên được, thế thôi. Chứ còn lại các em đều phản đối, mặc dù chưa có dịp đi nhiều.

Với tư cách là công dân, tôi có đề nghị Tổng cục Du lịch nên kiến nghị với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Thủ tướng Chính phủ - chứ không là Phó thủ tướng nữa, vì đã lên trên đó dự khai trương rồi – xem xét lại dự án một cách nghiêm túc. Các hiệp hội du lịch cũng cần phải có tiếng nói, có trách nhiệm của mình.

Được đầu tư, phát triển thì ai chẳng mừng bởi vì mình đang nghèo, thiếu. Nhưng đầu tư thế nào, đầu tư chỗ nào, kẻo lợi bất cập hại. Tôi tin rằng với áp lực dư luận, cũng có thể dự án được xem xét lại.

Trước đây khi tôi đến Vườn quốc gia Cát Tiên, các anh ở ban quản lý cũng đang rất bức xúc vì dự án thủy điện 6A sẽ sử dụng một diện tích khá lớn của Vườn quốc gia. Khi đó các anh có đề nghị mỗi người một tiếng nói tác động để dừng dự án này lại. Trước áp lực của dư luận, của các nhà khoa học, dù đã bỏ ra một số tiền khá lớn nhưng dự án thủy điện Đồng Nai 6A buộc phải dừng lại theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo môi trường và phát triển sinh thái bền vững.

Tôi nghĩ rằng 6A (làm thiệt hại) một thì thảm họa của dự án khu liên hợp cáp treo rồi du lịch giải trí…ở Fansipan còn gấp ba, gấp bốn, chứ không dừng lại ở quy mô như thủy điện 6A sông Đồng Nai – chỉ gây tác hại một phần vườn quốc gia Cát Tiên.

RFI : Dạ nhưng 6A Đồng Nai chỉ mới là dự án, còn Sa Pa đã khởi công luôn rồi ?

Khởi công thì vẫn có thể dừng, muộn còn hơn không, thậm chí xây nửa chừng vẫn có thể ngưng lại ! Tôi cho rằng những nhà đầu tư và kể cả những người có trách nhiệm hết sức xem thường dư luận. Một dự án hoành tráng như vậy, tại sao không tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các đơn vị làm du lịch, các nhà quản lý những Vườn quốc gia ?

RFI : Chắc người ta chỉ quan tâm đến khía cạnh rút ngắn thời gian hai ngày đêm chinh phục Fansipan xuống còn 15 phút ?

Hoàn toàn không nên như thế ! Những người ủng hộ vì lâu nay họ không leo núi - có nhiều lý do : không chịu rèn luyện, không có sức khỏe, không muốn chịu thử thách…Họ muốn leo một phát lên núi thì thật ra chẳng có gì sai cả, nhưng nếu không leo được thì thôi, hoặc mình làm khinh khí cầu, hoặc trực thăng. Cho họ thuê trực thăng leo lên đỉnh, tuy mắc tiền một chút cũng được. Chứ còn phải giữ môi trường như thế và để còn có điểm nhấn cho loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch rèn luyện…

Cứ chỗ nào được được là làm cáp treo, thì bây giờ thanh niên còn chỗ nào để thử thách, để xả bớt calori, còn chỗ nào để tự hào với nhau là « tớ vừa lên Fansipan về » như một « idol » về ý chí, về nghị lực vượt qua chính mình. Nếu còn một điểm duy nhất mà dẹp mất thì còn đâu nữa.

Tôi đang băn khoăn là Đà Lạt bây giờ cũng có xe jeep lên tới nơi rồi. Bà Rá, rồi chỗ nào có núi…chưa kể tôi nghe nói trong dự án đó sẽ làm một « khu tâm linh ». Bây giờ chỗ nào cũng tâm linh, cũng ngoại cảm, dân càng ngày càng hoang mang.

RFI : Ở Việt Nam đã có những chỗ nào có cáp treo rồi thưa ông ?

Cáp treo thì hiện nay hầu như ở tất cả các núi, đầu tiên là ở Bà Đen. Đây là một phương tiện du lịch rất tốt, chẳng có gì sai cả nhưng cũng đừng lạm dụng quá. Trà Cú từ khi có cáp treo người ta không đi đường bộ nữa. Chúng tôi đi trở lại đường bộ, bị bỏ lâu quá lại phát sinh nhiều thứ khác, mà đó là con đường lên cũng rất đẹp.

Tôi không phản đối dự án cáp treo, nhưng không phải chỗ nào cũng làm, và riêng Vườn quốc gia thì không nên đụng tới. Không làm chùa gì trên đó hết, cứ để tự nhiên như hiện nay. Chỉ cần làm đường lại, đảm bảo các trạm cứu hộ, trạm y tế cho an toàn và tổ chức sao cho chu đáo. Có thể lấy tiền vé vào cửa mắc lên một chút cũng được nhưng phải chu đáo và an toàn chứ không thể bát nháo như hiện nay.

…Yên Tử có cáp treo, rồi bất cứ chỗ nào có độ cao là làm cáp treo. Người ta bảo văn hóa của người Việt bây giờ cứ một bước là leo lên xe – xe hơi rồi xe Honda, cứ hai bước là leo lên cáp treo. Không chịu đi bộ, không chịu rèn luyện. Như thế sẽ yếu về thể lực, hèn về ý chí và nhụt về tinh thần.

Và khi khởi công chắc chắn con đường sẽ không còn như cũ, việc leo núi sẽ giảm liền. Người ta sẽ đi leo chỗ khác, sắp hàng qua Malaysia leo. Ở đây nếu làm tốt tôi nghĩ mình sẽ không kém cạnh Kinabalu của Malaysia, và mấy ông quản lý Fansipan cũng nên đi qua bên đó một lần cho biết. Kinabalu còn làm du lịch biển rất hay, chúng tôi đi về tâm phục khẩu phục. Họ cũng là người Đông Nam Á và tiềm năng tự nhiên chưa chắc đã hơn mình, mà cách làm lại hơn hẳn.

Tự trong thâm tâm tôi vẫn có niềm tin là dự án này sẽ được xem xét lại, còn hỏi tại sao thì tôi không biết.

RFI : Tóm lại sau khi Đà Lạt không còn nên thơ như trước, Bà Nà không còn cái vẻ hoang sơ của nó, đến lượt Sa Pa có nguy cơ không còn du lịch bền vững nữa ?

Vừa rồi chúng tôi có đón một đoàn khách Hàn Quốc. Họ dùng một từ rất lạ là « du lịch cộng đồng », và đi tới đâu họ cũng chê. Họ bảo muốn tới những chỗ còn tự nhiên chứ không phải giả tạo, chỗ đó không được xâm hại thiên nhiên, không được hành hạ súc vật.

Chỗ tát mương bắt cá, họ bảo hồi xưa người ta đâu có tát bằng cái rổ nhựa, xô nhựa đâu. Họ đòi tát bằng dụng cụ hồi xưa, đi tìm mửa mật không có ! Quần áo mặc họ bảo không giống hồi xưa. Còn khách của mình thì sao cũng được, cho nó vui thôi.

Đi vô những chỗ có câu cá sấu, họ bảo chỗ này hành hạ súc vật nên không vô ! Những chỗ làm cao rắn rồi cao khỉ họ cũng không chịu vô. Mấy chỗ hát đờn ca tài tử, họ bảo cái này là diễn cho người ta coi. Kể cả du lịch mà họ gọi là homestay cũng thế, họ cần trải nghiệm tự nhiên, ở với người dân thật sự chứ không phải ở trong một cái nhà cho thuê.

Những điều này người làm du lịch phải suy nghĩ, có nhiều loại cho khách lựa chọn, có nhiều loại khách để mình chọn lựa, nhưng phải biết chọn cái nào chính.

Tôi xin nhắc lại, điều cần cho Sa Pa là đường xe lửa an toàn hơn – thỉnh thoảng nó vẫn trục trặc. Đường bộ vẫn chưa tốt, sân bay nếu chưa có được thì phải lo đường bộ và xe lửa. Sa Pa theo tôi biết điện đóm vẫn chập chờn - ở Việt Nam, ngay Sài Gòn này điện vẫn chập chờn. Nếu điện như thế và đường vẫn cà rịch cà tàng, tắc nghẽn, hỗn loạn thì đầu tư không thể phát huy hiệu quả được.

RFI : Chúng tôi xin rất cảm ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty dã ngoại Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngoại cảm - ô hô




PHẠM LƯU VŨ
(Bàn thêm 1 lần chót rồi thôi.)
Tôi biết trong “Liên hiệp các hội KHKT VN” có cái gọi là: “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người”.
Trong “Trung tâm” này có 1 cái gọi là “Bộ môn Cận tâm lý”.
Một số nhà “ngoại cảm” (trong đó có PTBH) làm việc ở đây.

Nay bàn từ dưới lên trên vậy. 

Không biết từ lúc nào, và ai đã đưa ra cái “thuật ngữ” thậm ngu ngốc, thậm vô nghĩa là “ngoại cảm” để chỉ những người có ít nhiều khả năng liên lạc trực tiếp với 1 cõi giới khác ngoài cõi phàm trần (ví dụ PTBH). Bởi khả năng “chứng” được các cõi giới khác là hoàn toàn liên quan đến cái gọi là “tâm” của mỗi con người (chính xác là khai mở được từ thức thứ 7 – Mạt na thức hoặc tới thức thứ 8 – A lại da thức…). Theo đó, dù là sự kiện nằm ở cõi giới nào đi nữa, thì cũng không nằm trong, đồng thời cũng không nằm ngoài cái gọi là “tâm” ấy cả. Và một khi những “thức” ấy được khai mở, thì sự khai mở đó sẽ tạo nên 1 cảnh giới, một cơ duyên để người được khai mở có thể “chứng” được 1 hay nhiều cõi giới khác cùng lúc, chứ không chỉ là “cảm” như cách hiểu của người bình thường. Hơn nữa, cảnh giới “chứng”, cơ bản là 1 cảnh giới không thể nghĩ bàn. Vì thế, (thực tế) những người có khả năng này rất khó hoặc không thể chia sẻ điều đó với những người bình thường khác như kiểu người bình thường chia sẻ với nhau cảm nhận về 1 cảnh đẹp hay 1 bản nhạc hay được. Xét về mặt tri giác, thì “chứng” và “cảm” không những khác hẳn nhau về bản chất, mà còn cách xa nhau về “đẳng cấp”. “Cảm” không thể so sánh với “chứng” được. Vậy đã không phải là “cảm”, lại không có “trong”, hay “ngoài” ở đây, thì cái gì gọi là “ngoại cảm”? Rõ ràng “thuật ngữ” đó không chỉ vô nghĩa, mà còn hỏng cả về phần “lý”, lẫn phần “sự”. Mọi sai lầm sẽ bắt đầu từ đây.

Có cái gọi là “ngoại cảm” rồi, mới sinh ra cái gọi là “cận tâm lý”. Đây chắc lại do 1 bậc “sính chữ”, thích dùng chữ mặc dù bản thân vị đó cũng… chẳng hiểu gì nghĩ ra. Cái gì gọi là “cận tâm lý”? Lại có chữ “tâm” ở đây. Cái chữ “tâm” này đối với các vị, chắc chắn là do có “cảm” mà sinh ra. Oái oăm thay, cái sự “cảm” sinh ra “tâm lý” ấy có ở… tất cả mọi người bình thường, không trừ bất cứ ai. Đó là những hoạt động hằng ngày, hằng giờ của 6 “thức” đầu tiên, từ “nhãn thức”; “nhĩ thức”… cho đến “ý thức”. Sáu “thức” này do duyên với tiền trần (thông qua 6 căn) mà có. Nên cái “tâm” do nó sinh ra Đức Phật gọi là “tâm phan duyên”, chính là cái tâm giả, tâm sinh diệt mà từ vô thỉ đến nay, chúng sinh nhận lầm nó là tâm mình, là chính mình nên mới trôi lăn mãi trong lục đạo luân hồi. Với ý đồ “nghiên cứu” khả năng “trên mức bình thường” của con người (gọi là “ngoại cảm”), mà chỉ dừng ở vị trí “cận”, nghĩa là ở ranh giới cái tâm giả, cái tâm phan duyên có ở tất cả mọi người bình thường thì có phải lại 1 sự vô nghĩa nữa hay không? Và cái gọi là “cận tâm lý” ấy, rõ ràng cũng hỏng nốt cả phần “lý”, lẫn phần “sự”. Sai lầm đã được nâng lên 1 bậc cao hơn.

Gom “ngoại cảm” lại thành “cận tâm lý”, rồi ra hẳn 1 cái gọi là “trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người”. Lại một danh xưng đại ngôn vô duyên vô bổ bất chấp cả “lý” lẫn “sự” nữa. “Tiềm năng con người” là gì các vị có biết không? Chẳng nhẽ nó chỉ nằm ở trong 6 “thức” đầu tiên? Vậy thì cần gì các vị phải “nghiên cứu” cái mà ai cũng biết. Tiềm năng (chính xác phải gọi là “quyền năng”) của con người là Phật (giác ngộ), là “Như Lai tạng”, là “diệu”, là “minh”… đấy. Đó là những cái không phải để cho các vị có thể “nghiên cứu” mà được đâu. Đó là cả một quá trình tiến hóa về mặt trí tuệ, quá trình giác ngộ tiến tới “tri kiến Phật”, để có thể giải thoát từng phần cho đến giải thoát hoàn toàn.Mà sự “giác ngộ” chỉ có thể diễn ra do tự thân mỗi chúng sinh, không ai (kể cả Phật) có thể làm thay được. Vậy thì cái gọi là  “trung tâm” ấy, rõ ràng sẽ chỉ gồm những ông thày bói mù, sờ soạng “con voi” Phật tính vốn có trong mỗi con người, trong mỗi chúng sinh mà thôi.

Vậy là sai ngay từ cách gọi tên, sai từ khái niệm, dẫn đến sai lầm về bản chất. Sai lầm nối tiếp sai lầm thành… tiếp tục mê lầm. Đây là điểm yếu chí tử, là “gót chân A – Sin” để, không chỉ những kẻ xấu xa bám vào đó, lợi dụng danh nghĩa đó để lừa bịp thiên hạ, mà còn để cho các loài “Ma” nhắm vào đó mà tìm cách sổ toẹt…
29/10/2013

Nguồn: Blog Nguyễn Trọng Tạo
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tác phẩm của nhà văng Phọt Phẹt giới thiệu nhà văn Hồ Anh Thái, quý mời khớn giả thưởng thức:

BÀ GIÀ & PHI CÔNG MẤT LÁI



Tôi vắng nhà mấy hôm nên dán cái truyện dài của con thợ văn Hồ Anh Thái lên đây cho các anh gãi d. Tít dài lắm, tôi tút gọn và đặt tên mới là BÀ GIÀ & PHI CÔNG MẤT LÁI. 

Mẹ càng đến tuổi về hưu thì bao nhiêu duyên lặn vào đang lặn vào trong bong hết ra ngòai, thóang nhìn lại tưởng người đàn bà hồi xuân tuổi bốn mươi. Trong nhà xưa nay duy trì một không khí cực kỳ dân chủ. Như mọi gia đình không có trụ cột đàn ông. Em gái tôi thông thạo tiếng Anh bảo là mẹ charming & attractive, ngày càng hấp dẫn và quyến rũ. Mẹ bảo cô nịnh thế chứ nịnh nữa thì con cô cứ phải đi nhà trẻ cho nó cứng cáp, xã hội hóa cho nó từ bé đi, tôi chẳng làm vú em bế con cho cô đâu, không nghe dân gian người ta nói à, càng già càng dẻo càng dai, bế cháu kêu nặng cõng trai trèo tường.

Tôi thì không nịnh mẹ. Dứt khóat không. Đơn giản vì tôi chưa con, còn lâu mới lấy vợ. Tôi phòng không, ngang hàng với mẹ.

Một đời mẹ vất vả. Tôi chắc thế. Hăm hai tuổi lấy chồng, hăm lăm tuổi chồng mất. Sinh được hai anh em tôi. Gái một con trông mòn con mắt, gái hai con mòn axít. Muốn ở yên mà nuôi con cũng chẳng xong. Tem phiếu bao cấp gạo nước không đủ. Tường đông ong bướm bay về. Vo ve. Nhặng xị cả lên. Có hẳn mấy anh trai tơ, mê lăn mê lóc. Anh hung hãn nhất dọa không lấy tôi, tôi xin tý tiết cả đôi ta, thế là em thủ tiết mà tôi khí tiết. Anh yểu tướng nhất thì thức suốt ba đêm bên giường trông tôi sốt li bì, đến mức mẹ đã mến lòng gật đầu cho xong. Đàn ông dễ thành công bằng chiến thuật thương con ăn mòn lòng mẹ. Chàng trai tân sắp đạt được mục đích với góa phụ, chàng cúi xuống định hôn nàng thì món ăn quá nhiều tỏi hôm ấy hại chàng. Hồi đó chưa có sing-gum với cun-e như bây giờ. Bị mẹ từ chối, chàng quay ra đòi uống thuốc ngủ tự tử, chàng không hung hăng bặm trợn, chàng yếu đuối chọn cách chết êm.

Rồi chẳng chàng nào chết. Mấy chàng trai tân ngày ấy về sau cũng lấy vợ, không đẹp lắm, con cũng không khôn lắm, nhà cửa chẳng biết làm sao mà bây giờ đều rơi vào một khuôn công thức, thành một đám ngũ tuần chuyên gia đi hát karaoke đọat giải Bàn tay vàng. Tôi bình luận ngày ấy mẹ lấy họ chắc bây giờ khổ nữa. Mẹ cười, biết đâu họ lấy được mẹ, bây giờ họ nên người.

Phụ nữ đẹp, lại thêm họat bát, thường có chút tự tin hoang tưởng. Chút hoang tưởng ở người đẹp khiến họ dễ quên cay đắng. Nó cũng là một thứ nội gián của đàn ông ở ngay trong lòng đàn bà. Tấn công một pháo đài hoang tưởng chỉ cần ranh mãnh một chút, thậm chí pháo đài thất thủ mà mà vẫn không tự biết. Mẹ rốt cục thất thủ trước một người đàn ông ra dáng đàn ông. Một kiểu đàn ông bất cứ người đàn bà nào cũng mơ ước. Chàng đưa nàng vi vu đi đó đi đây.

Chàng đưa đón anh em chúng tôi đi học, kèm cặp bài vở cho cả hai đứa. Sửa từ cái bếp dầu cho đến cái mái nhà mưa dột. Các lọai châu chấu ma, cào cào ma lượn lờ quanh nàng, chàng làm một bữa rượu mời tất. Mấy bồ âm mưu, mấy bồ dục vọng được dịp thổ lộ trút bỏ, rượu vào ôm nhau khóc bây giờ mày mới hiểu tao, bây giờ em mới hiểu anh. Xong rồi tan hết mỗi người một phương.

Chàng và nàng đang mặn nồng thì một hôm vợ chàng xồng xộc xông đến cơ quan nàng. Bà thợ dệt kiện tướng đứng mấy chục cái máy dệt, chẳng nói chẳng ràng, chồm vào cô kiều mảnh mai lả lướt, hai tay tát vun vút như thoi đưa. Đòn ghen kết thúc bằng một chưởng độc: bà vợ túm tóc nàng dúi xuống. Nàng cũng quờ quạng theo bản năng, túm được tóc tai đối phương. Hai cái đầu chúi xuống gần sát đất, hai cái phao câu chổng lên trời. Hai đối thủ trùng trục trong hội chọi trâu ở Đồ Sơn, ngoắc sừng ghìm đầu nhau xuống, biểu diễn miễn phí cho cả cơ quan nàng đứng xem.

Mọi cuộc đánh ghen đều kết thúc bằng sự can thiệp của đàn ông. Người can thiệp là một đồng nghiệp của nàng, biệt danh Đại dương, không phải vì yêu biển lớn mà có nghĩa là một con dê to. Ông dê to đi vòng ra sau cái phao câu đang chổng lên của bà Họan Thư, thò tay vào giữa hai chân bà ta, thành thạo làm động tác móc lốp. Bà kia trúng hiểm giật mình đánh thót, rú lên ối giời ơi thằng khốn nạn. Buông ngay tình địch ra. Ông Dê To đắc ý lắm với miếng võ cứu người đẹp. Ngày thường, ông Dê to vẫn bị coi là bệnh họan, các nữ đồng nghiệp ai cũng bị ông lợi dụng sờ mó, động chạm. Nhưng sau cú ngăn chặn có hiệu quả trận đánh ghen, ông Dê to được cánh đàn ông trong công ty học hỏi, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm.

Những vết thâm tím trên mặt mẹ chưa kịp tan hết thì người tình của mẹ bị bắt. Chàng cho vợ uống một bát thuốc bắc sắc cùng bả chuột. Tất nhiên là chết đứ đừ. Chàng nàng bị điệu ra tòa. Nàng có nhân chứng, bằng chứng ngọai phạm. Nàng cũng chẳng biết tí gì về âm mưu thanh tóan vợ của chàng. Tuyệt nhiên không. Chàng một mình đi tù.

Nàng từ đấy thề độc, không bao giờ yêu đương lả lơi nữa.

Được gần hai chục năm cho đến bây giờ. Càng già càng duyên. Lại tường đông ong bướm bay về. Lại các ứng cử viên nô nức đến nhà. Đối tượng của mẹ toàn mầm non công ty nghĩa trang hoàn vũ, đa số là hội viên bể bơi người cao tuổi, sân vận động tình nghĩa. Các bậc phụ huynh càng cao tuổi, càng kiễng chân tươi duyên, rướn cổ tình tứ, gồng mình lãng mạn. Mẹ xiêu lòng, thầm xóa bỏ lời nguyền. Tôi cũng xiêu lòng theo, con chăm cha không bằng bà chăm ông, con chăm mẹ không bằng ông ké chăm bà già. Tôi gật đầu bật đèn xanh. Từ nay mẹ được phép mở cuộc kén rể. Trong khuôn viên gia đình có cây hoàng lan từ thời ông ngọai tôi. Tôi đặt dưới gốc cây bộ bàn ghế mây kiểu Louis XIV.

Địa điểm: dưới gốc hoàng lan
Thời gian: một ngày cuối tháng
Đối tượng: mỗi tháng một người
Nội dung: chuyện đời tôi
Tên chương trình: chân dung cuối tháng

Mỗi đối tượng được mời đều phải theo quy định kể chuyện đời mình trước. Mẹ có nhiệm vụ lắng nghe truyền đạt lại cho tôi.

Câu chuyện thứ nhất …
Chân dung thứ nhất,




Ông tên là A. Tên thật. Không phải tôi sợ phiền viết tắt. Tên ông như một tiếng reo ngạc nhiên bất ngờ vỡ lẽ. Sáu mươi hai tuổi. Ly dị vợ. Con cái đều đã có gia đình không tróc nã gì ông. Nghĩa là nếu mẹ về theo ông thì con cái ông không đứa nào đến ăn theo, quấy phá, đòi chia tài sản vân vân. Chân dung A đến đấy là hết. Đơn giản.

Nhưng ngay tối hôm đó, mẹ vừa kể chuyện xong cho tôi biết cái chân dung đầu tiên thì ông A gọi điện. Đã khuya. Hai mẹ con tôi nháy nhau, cầu hôn gì mà vội vàng thế, đánh nhanh thắng nhanh thế. Mẹ hỏi có chuyện gì vậy anh? Tôi nhận thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên rằng cô và tôi có cùng chung quan điểm hòai bão lý tưởng, cùng chung sở thích, chung gu, chung thú vui. Em đâu dám. Không, tôi nói thật, có cái này tôi viết nhờ cảm hứng sau buổi gặp gỡ duyên số chiều nay, tôi đọc cô nghe. Thôi anh ơi, tâm trạng em lúc này chưa sẵn sàng đọc thơ, anh để cho khi khác.

Không gì uy hiếp mẹ bằng dọa đọc thơ cho bà nghe. Mấy ông nhà thơ bạn mẹ hai giờ sáng gọi điện thọai, tôi vừa làm bài thơ trong cơn xuất thần, tôi đọc nhé. Mẹ gà gật ôm máy ừ hứ à há như Tây. Mọi thứ thơ lang thang trong vườn cảm xúc, có thể nổ máy bất kỳ từ đâu, có thể dừng lại hái hoa bắt bướm ở bất kỳ đâu cũng được. Mẹ mơ màng chìm đắm một lát, giật mình tỉnh dậy, xong rồi hả anh. Xong rồi, bây giờ để tôi đọc cô nghe bài này, bài này hay hơn bài trước. Hết bài thứ hai, ông bảo còn bài nữa, bài này mới thật là hay. Bài thứ tư ông bảo hay một cách độc đáo. Bài thứ năm thì tuyệt đỉnh. Bài thứ sáu thì tuyệt vời. Cứ thế, ông tranh thủ xuất bản miệng. Một thời gian sau xuất bản phôtôcopi, tự trình bày vẽ minh họa chim lá cá gái. Công đọan cuối cùng là bỏ ra năm bảy triệu in thành tập, vừa biếu vừa cho cũng đắt hàng. Một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm thơ cả họ bơ phờ. Mẹ dặn tôi hễ thấy mấy ông thơ gọi điện đến thì phải nói mẹ vắng nhà. Mẹ dạy tôi nói dối kể từ ngày ấy.

Bây giờ nghe ông A đòi đọc, mẹ hoảng lắm. Ông A bị từ chối phũ phàng thì hung hẳn lên. Ông dám nói những lời một người ngày đầu ra mắt chưa dám nói. Cô điên à, thơ thẩn đồng nát nào ở đây, thơ nào so sánh được. Mẹ giật mình. Tò mò nổi lên. Thế là ông chớp thời cơ đọc luôn.

Bản kiến nghị dài của một con người tâm huyết luôn ưu tư trước tình hình đất nước gửi lãnh đạo Đảng và chính phủ. Ông chê tất, chẳng còn gì mà không chê, từ quản lý kinh tế cho đến quản lý đô thị, từ truyền hình văn hóa tầm thường bình dân cho đến giáo dục tùy tiện, từ y tế không nhân cho đến giao thông hốn lọan nhân chi chít. Mẹ ôm cái điện thọai không dây chạy khắp nhà một lúc, vừa nghe vừa bật bếp ga hâm lại đồ ăn cho tôi đi học tại chức bằng hai về muộn, sau vướng víu quá, mẹ đưa phắt điện thọai cho tôi nghe tiếp. Tôi áp ống tay vào nghe, cũng chạy khắp nhà, việc mình mình làm. Lúc này đã sang chương phê phán lối sống tiêu thụ thiếu lý tưởng của thanh niên thời đại. Tôi mà không làm xong bài tập trên màn hình vi tính hôm nay thì ngày mai tôi cũng xa rời lý tưởng. Thế mà thỉnh thỏang cũng phải đệm thêm mấy âm thanh như thể mẹ đang nghe.

Định ừ hứ giọng bass nam trầm mới giật mình nhớ ra, phải đổi giọng à há cho ra vẻ soprano nữ cao.

Một tháng liền ông đến luôn luôn. Ôm theo một cặp giấy tờ những kiến nghị tâm huyết. Xuất trình cho mẹ những giấy biên nhận của các cơ quan chức năng hứa sẽ nghiên cứu trả lời. Trước khi ra về, ông tặng mẹ một cái chén uống trà ma-de-in Ý Đại lợi. Sao không tặng cả bộ mà chỉ tặng một chiếc? Mẹ tự giải thích là chàng muốn nàng chỉ uống trà một mình mà vò võ đợi chàng.

Vài ngày sau, ông lại đến. Lần này là đơn kiện ông thứ trường cơ quan ông. Bốn năm trước ông đã biết tay này lợi dụng chức quyền đưa một đống bà con đồng hương vào bộ, tay này ôm gọn cô trà nước tạp vụ, tay này có biểu hiện vọng ngọai diễn biến hòa bình, nhưng lúc ấy ông mũ ni che tai mồm lẩm nhẩm mình còn hai năm nữa hạ cánh an toàn. Sợ người ta moi ra mình khai bớt tuổi trì hõan về hưu. Bây giờ cái dằm cũ trong da thịt mới nhức nhối, tái phát. Bây giờ ông mới thực sự là chiến sĩ đấu tranh cho công lý. Hăng hái, dồn dập, bền bỉ, mạnh mẽ, không khoan nhượng. Trước khi ra về, ông tặng thêm một cái chén uống trà. Mẹ giải thích đấy là ông muốn nàng chỉ được phép uống trà với con trai nàng.

Đến cái chén thứ ba thì mẹ bảo chàng gửi gắm thông điệp mong muốn được trở thành thành viên thứ ba trong gia đình ngồi uống trà cùng với mẹ con tôi. Lần này ông xuất trình một đơn kiện nữa. Nghe nói cả cơ quan đang tang gia bối rối như đưa đám, lao đao lảo đảo như xơi quả nốc ao.

Mẹ con tôi chờ đến cái chén thứ tư. Nhưng ông không đến mà gọi điện. Trong đống giấy tờ hôm qua tôi để lại nhà cô có cái thư kiến nghị bổ sung, hôm nay cô cầm lên đưa cho tay vụ trưởng chuyển giúp tôi. Đêm qua tôi thức cả đêm thảo kiến nghị mới, bây giờ đau đầu quá không đi được. Cực chẳng đã, mẹ đi chuyển thư theo lời ông. Nhận là em gái chuyển thư giúp anh.

Ông vụ trường nhận thư, chân tình bảo, chị là em gái chị nên khuyên anh ấy. về hưu rồi ờ nhà nghỉ ngơi cho nó khỏe, chơi với cháu, đi dưỡng sinh, đi du lịch. Thiếu gì việc làm, mò đến cơ quan cũ làm gì. Anh em tiếp chuyện được vài hôm là sợ, thóang thấy bóng ông A là bỏ chạy hết như chạy giặc. Đùn đẩy nhau ra tiếp. Không phải tiếp mà phải hầu. Hầu chuyện. Toàn dạy bảo với chê bai thời thế. Cơ quan họp, ông cũng nhảy vào họp cùng,thủ trưởng mới nói một, ông là thủ trưởng cũ đế vào hai ba, ông không còn là vua nhưng cứ làm thái thượng hoàng bố vua.

Nhờ chị nói với anh ấy, giả sử không có chuyện gì làm, buồn chân buồn tay thì yêu đi. Già yêu mới đằm thắm, sẽ không còn hậm hực tức tối nữa.

Nói đến chuyện yêu đúng là đề tài ưa thích của mẹ. Mẹ long lanh ngôn ngữ đưa đẩy một lát thì chợt nhận ra cái chén trà đang cầm trên tay giống một cái gì đó. Súyt nữa nông nổi đường đột kêu nhà em cũng có ba cái giống hệt như thế này. Kịp nhớ ra người ta bảo gái đẹp không biết giữ mồm. Mẹ trầm ngâm uốn luỡi bảy lần rồi mới khen cái chén đẹp thật. Ông vụ trưởng bảo cơ quan có cả bộ sáu chiếc, một cán bộ đi Ý, công tác mang về, gần đây rơi vỡ mất đi đâu mất ba chiếc. Mẹ ngậm tăm im thin thít rồi chào ra về.

Nếu câu chuyện tiến diễn biết đâu nhà tôi sẽ có đủ bộ chén. Thói tắt mắt Kiều Trinh, kều được cái gì là kều được của ông A sẽ làm lợi cho người đẹp ngũ tuần. Nhưng mẹ đã mệt với đống giấy tờ bề bộn của ông. Lại cũng gần hết tháng thứ nhất. Giờ thì ông phải nhường chỗ cho chân dung cuối tháng thứ hai….

Ông đại tá về hưu…
Chân dung cuối tháng thứ hai…




Ông tên là Bê. Tên thật. Không phải tôi sợ phiền viết tắt. Đại tá về hưu. Vợ chết. Hai đứa con, đứa học phổ thông, đứa học đại học năm thứ ba. Nghe thế, tôi đã bảo mẹ không đủ lực chăm nom ăn học cho chúng nó đâu, cũng không thể theo được cho đến khi dựng vợ gả chồng cho chúng nó. Đấy là chưa kể ông ấy chết trước, chúng nó đòi nhà đuổi mẹ ra đường.

Lính tráng, má văn công, mông bộ đội, thấy cô văn công đong đưa lẳng lơ bao giờ cũng rạo rực hơn một cô hát nghiêm trang. Một nữ văn nghệ sĩ lúng liếng đưa đẩy họat ngôn một tý là đọat giải của lính. Thành ra mẹ lọt ngay vào tầm ngắm ông chỉ huy của lính.

Hôm đầu theo đúng quy định trần thuật chuyện đời tôi. Hôm thứ hai ông kể chuyện tình yêu của lính, tranh thủ tạt qua nhà ba ngày lấy được vợ, ở với vợ một đêm cũng có con. Lính thì đái vào gốc chuối, chuối phải chửa. Kể xong lại bảo biết hát, ngày xưa đọat giải trung đoàn. Hát quan họ luyến láy ới a, đàn ông hát quan họ lại còn nhắm mắt, lắc người, trai lơ đĩ thế nào. Bướm lượn là bướm ối a nó bay. Mẹ buộc miệng sao hát bậy thế. Ông phật ý không hát nữa, có thế em đã kêu bậy, em làm người nhà của lính thế nào được.

Lần thứ ba ông đến sinh nhật mẹ. Tôi đứng bên cửa sổ tầng hai nhìn xuống đường thấy ông đi xe máy tới. Ngồi xe máy hai chân khùynh khoàng, bẻ tõe ra hai bên đón gió muôn phương. Hai ống quần pho màu quân phục, kéo xếch lên tận đầu gối, hở một đọan bắp chân, trước khi cổ chân mất hút vào trong đôi bít tất cũng màu quân phục. Đến gần nhà tôi, ông xuống xe dựng chân chống xuống rồi quay lưng ra đường, người ốp sát vào gốc cây. A, ngày xưa lính trẻ đái gốc chuối, bây giờ suy thận, đi thăm người yêu tiểu tiện gốc xà cừ. Xin đố bạn đọc khi quay lại trên người ông có thêm vật gì? Nghe đố, sao cũng có người bảo tôi sắp sửa nói bậy. Thực sự là ông đứng ốp vào gốc cây để không có ai nhìn thấy ông thắt cà vạt trước khi vào nhà người đẹp. Một cái cà vạt màu xanh lá cây thẫm.

Ông vào nhà, bê hộp bánh ga tô to như cái quả đi ăn hỏi cho ai. Cái bánh ga tô trang trí các lọai dây leo khá là diêm dúa. Thằng con đứa em gái tôi trèo lên để đánh vần dòng chữ sô cô la trên chiếc bánh. Mừng sinh nhật, 1949- 2002. Nó hỏi hai con số này là gì hả bà? Con vẹt ghi âm trong tay nó léo nhéo theo, hai con số này là gì hả bà? Mẹ ré lên sao lại ghi số má giống năm sinh, năm mất thế này? Năm sinh của em là 1950 chứ? Anh tặng thêm cho em một tuổi, anh chỉ muốn em già. Con vẹt léo nhéo, anh chỉ muốn em già, anh chỉ muốn em già. Ông Bê tặc lưỡi, hàng bánh chúng nó nhầm đấy. Mẹ đối đáp, anh phải bảo nó chứ. Con vẹt lại eo éo, anh phải bảo nó chứ, anh phải bảo nó chứ.

Ông Bê chỉ còn biết nhìn con vẹt máy trừng trừng.

Hôm sau mẹ theo ông đi sinh họat Hội EM YÊU CHIẾN SĨ. Nghe tên tưởng Đội đoàn Thanh thiếu nhi. Đến nơi mới thấy toàn em gái ngấp nghé tuổi lục tuần, toàn văn công về hưu. Đầu tiên đồng diễn thể dục. Một em gái quay sang bảo mẹ, con kia nó xoay được bàn tay quanh cổ tay, rồi khóac rộng ra sau lưng là phải thôi, ngày xưa nó là diễn viên múa, báu bở gì một lũ đào già kép ế. Rồi em quay sang chỉ em gái bộ áo nâu sồng nhà chùa, đang hô một hai ba sang sảng, giọng nó lanh lảnh chuông đồng vì ngày xưa nó là diễn viên ca, thất tình chán đời nó đi tu, các sư ưu ái, các vãi căm hờn. Hờn ghen vì giọng nó thâm niên luyện thanh mấy chục năm, bây giờ đọc kinh, giảng kinh, phát âm nhả chữ điêu luyện truyền cảm. Nó vẫn đi tu nhưng không bỏ buổi sinh họat nào của EM YÊU CHIẾN SĨ. Đi tu rồi mà vẫn tham như mõ, nó giữ tiền quỹ hội, đi thăm hội viên ốm, mua cam táo hai chục nó khai ba chục.

Tiết lộ đầu ngọn cuối ngành các lọai lý lịch đàn bà xong, em gái này chuyển sang đề tài thế giới đàn ông. Em chỉ đúng ông Bê cho lên thớt đầu tiên, vô tư không biết chàng là người dẫn mẹ đến đây. Ở quê, anh chàng tên là Nguyễn Họan, tên đặt theo cái nghề gia truyền của gia đình, có biệt tài tịnh thân, biến tất cả các lọai lợn thành họan quan công công, đồng cô ái này ái nọ. Nghề vận vào thân, đẻ mãi không được mụn con trai chống gậy, phải cầu tự xin con giời, bây giờ con giai lớn rồi vẫn phấp phỏng, giời thương giời để, giời không thương giời xin lại bất cứ lúc nào. Nhưng chàng đâu có theo nghề gia đình, đến bây giờ bà mẹ chàng vẫn trách chàng không nối nghiệp gia đình.

Mới đây chàng về quê, bà mẹ chín mươi tư tuổi bảo chàng, con ơi làm thượng thọ đi, tuổi mụ năm nay sáu chín rồi, con vay một tuổi mà làm, mẹ cho con lợn một tạ mà làm. Chàng lễ phép kính thưa mẹ, mẹ còn đó con làm thượng thọ hàng xóm bảo con chơi trèo bất hiếu. Con vay một tuổi thì đầy thất tuần nhưng con vẫn thỉnh giảng trường bồi dưỡng, nhiều gái non vẫn tay bắt mặt mừng nhờ con hướng dẫn tốt nghiệp, nhiều giai non giai già viết bài phê bình bảo vệ giá trị chú Tễu đồng ruộng truyền thống.

Kể đến đây, em gái chuyển sang giọng, một phần kín, chín phần hở, này tớ nói cho ấy biết, chàng này toàn chọn con xinh rồi mới hướng dẫn luận văn, ngồi cạnh nữ sinh, tai bốc bải tưng tưng như gảy đàn, ban đầu bốc tay, sau bốc linh tinh một số thứ. Chả làm được gì nữa đâu, chỉ mở ra rồi lại đậy vào, thì thế, nhưng vẫn muốn nhìn xem trong nồi có gì cho bõ công.

Sau đồng diễn thể dục kiếm côn quyền là thi bơi. Sau thi bơi là thi chạy. Sau thi chạy là đốt lửa trại. Tất cả các em mặc quân phục tựa vào nhau, đung đưa như lúa mà hát. Em đi lên rừng cây xanh mở lối, em đi lên núi núi ngả cúi đầu, em đi bắc những nhịp cầu.
Nhưng họat động sau đó của hội, mẹ không biết nữa, đã hết tháng thứ hai...
Rồi cây hoàng lan, có biến thành cây si?

Chân dung cuối tháng lần này là ông Xê. Tên thật, không phải tôi sợ phiền viết tắt. Vợ bỏ đi làm ăn với ở Đông Âu với đứa con trai cũng đã hơn mười năm.
Hôm đầu ông đến, cứ đứng mãi bên gốc cây hoàng lan. Cái cây có tội tình gì đâu, chỉ vì ông cứ si tình đứng mãi như vậy, mời ngồi mấy lần vẫn đứng, mà cây hoàng lan hóa thành cây si. Si thật. Mái tóc nhuộm, tóc đen nhánh đáng ngờ như thế gọi là mốt đảo ngói. Rốt cuộc, ông cũng ngồi. Đèo thêm một câu rất triết học: đời tôi đâu có thiếu chỗ ngồi, chỉ thiếu một chỗ đứng.

Một câu nói như vậy có thể khiến khối kẻ ngu ngơ nửa mừng nửa lo.

Ông kể hơn ba chục năm nhà ông đã trải qua mấy lần bị kiểm tra hành chính. Tư thương buôn bán vàng bạc. Có lần vừa mới bê mâm cơm lên thì công an tới, ông nhanh trí trút hết chỗ vàng bạc vào nồi canh. Cơm xới cho mỗi người một bát rồi vùi đồ trang sức xuống đáy nồi. Người ta sục sạo khắp nơi, đào cả vườn lên mà không tìm được gì. Lần khác, ông ném được mấy túi tài sản xuống cái hồ gần đó. Lần khác, vợ ông mang đồ đi tẩu tán. Ngày ấy, Hà nội chưa có xe máy, bà đã sở hữu một cái xe tay ga 103 của Pháp. Nữ anh hùng xa lộ phóng xe vèo vèo qua cầu Long Biên.

Báo đăng hẳn hoi câu chuyện phá án: thấy thị ích xì i dét chạy ra khỏi nhà, trinh sát ta bí mật bám theo. Y thị (đại từ nhân xưng báo công an hay dùng) đi ngoắt ngoéo cố tình cắt đuôi, nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Sang đến bên kia cầu, y thị rẽ vào ba nhà quen biết, nhà biếu cân cam, nhà gói bánh, gói mứt tết. Tất cả chỉ là động tác giả. Tại điểm cuối cùng y thị bị bắt với đầy đủ tang vật trị giá hàng trăm cây vàng... ông bảo mỗi lần như vậy là chết nửa con người, sau đó phải gượng dậy, tập đi đứng, tập làm ăn lại từ đầu. Sang thời làm ăn được khuyến khích mở cửa, vợ con ông hồi sinh kéo nhau đi nước ngoài. Ba đứa ở trong nước đều đã có gia đình, mỗi đứa cho ông một cái nhà và vốn liếng làm ăn. Số tiền còn lại đủ cho ông sống đời vui hạnh phúc lên tiên.

Tôi thiếu là thiếu một chỗ đứng trong tim em. Ông nói nốt cái vế sau. Nói năng kiểu ấy thanh niên ngày nay đều ngượng mồm, chỉ có ông mới xuất khẩu ra thành khẩu được. Mẹ xem ra bắt đầu ngả nghiêng. Một đời mẹ lận đận quá rồi, bây giờ sáng suốt nhất là lấy chồng giàu một tý. Yêu đương gì cái tuổi này nữa, chẳng qua dựa vào nhau khi tắt lửa tối đèn, khi hắt hơi sổ mũi. Tôi cảnh cáo, mẹ tính toán khéo thế mà lấy phải ông đang khỏe như vâm bỗng quay qua nằm liệt giường, có mà hầu ông đến chết. Mẹ bảo người ta mà kỹ tính người ta chẳng lấy mình làm vợ, có câu đố rồi đấy thôi, con gì ăn ít nói nhiều, mau già lâu chết miệng kêu tiền tiền? Đàn ông đang yên lành, báu bở gì tự dưng rước một con như vậy.

Lấy ông thì mẹ được nhờ. Đi thăm con cháu phải có quà mới ra người bà người mẹ đàng hoàng. Muốn đàng hoàng phải nhờ chồng giàu. Muốn yên tâm tuổi già ốm đau bệnh viện phải nhờ chồng giàu. Muốn thuê người giúp việc chăm nom người ốm cũng phải chồng giàu.

Nhưng ông có giàu thật không nhỉ? Ba đứa con ông đứa nào cũng bảo bố cháu còn nhiều tiền lắm. Vẫn còn vàng chôn dưới nền nhà. Vẫn còn vàng kiểm tra giấu trong đệm xa lông. Vẫn còn vàng giấu trong thân cây cổ thụ ngòai vườn. Ba đứa con đều mê mẹ, mê lăn mê lóc. Cô về với bố cháu đi, chúng cháu không đến quấy phá, ám quẻ gì đâu, không đòi chia của cải gì đâu. Hay cô ngại gần họ hàng nhà cháu phiền phức thì hai cụ dắt nhau vào Sài gòn mua nhà mà ở trong ấy.

Mẹ không muốn đi xa. Chàng nàng dắt díu nhau đi mua căn hộ đảo Linh Đàm. Đi đăng ký. Tôi bảo đăng ký làm gì, các cụ thích nhau thì về ở với nhau, ai nói sao. Mẹ không chịu. Đi du lịch, vào khách sạn, chúng nó nhìn mình cứ như trốn vợ trốn chồng, như bọn thuê phòng choai choai lần đầu thuê phòng thử mùi trái cấm.

Nhà mua rồi, đăng ký rồi. Về ở với nhau rồi. Lúc này mẹ mới nghe người ta nói giữ vàng trong nhà độc lắm. Thằng con ông ở BaLan lái xe chở hàng bị xe khách tông phải, bây giờ liệt nửa người, đẹp giai như tượng, chưa vợ, chưa biết mùi đời mà phải chung thân ngồi xe đẩy. Bà mẹ phải kè kè bên đấy, bà cạch mặt ông không bao giờ về nữa. Một đứa con gái ông, ba lần đẻ ra quái thai, đêm nào cũng thấy một thằng bé người Tàu mặc bộ đồ trắng ngồi ở đầu giường. Nó bảo cô ta phải chuyển tiệm vàng ra khỏi nhà rồi mới đẻ được.
Mẹ có sợ cũng chẳng kịp. Mẹ đã vượt qua tuyến phòng thủ, chẳng còn đường rút. Nhà tôi, ông Xê không đến trồng cây si nữa thì cây hoàng lan trở lại là cây hoàng lan như dạo trước ...




Tôi cứ tưởng chương trình chân dung cuối tháng đã hạ màn được rồi. Được nửa năm thì mẹ quay về. Ở Linh Đàm chỉ có căn hộ ba phòng trống không. Bảo ông Xê đi mua sắm đồ đạc, ông chỉ ừ hữ lảng tráng. Giục ông đào vàng lên, moi vàng trong nệm xa lông ra, móc vàng trên cây cổ thụ ông chỉ cuời sằng sặc. Sao cô lại đi nghe mồm lũ trẻ ranh ấy, mấy lần khám nhà chỉ có tôi đương đầu, chúng nó lại vanh vách biết hơn tôi à?

Rồi bao nhiêu uất hận tuôn ra bằng hết. Ngày trước, có lần công an đến, ông phải cạy mồm lũ trẻ ra, bắt mỗi đứa nuốt một cái nhẫn. Mỗi đứa phải hực hực mấy cái mới nuốt nổi. Nuốt được rồi thì con mình phất phơ đi lại trong nhà như ma vàng, mặt đần như ngỗng ỉa, đờ đẫn, lơ ngơ, người trong suốt nhìn qua được. Bị khám nhà xong, ông bắt lũ con ngồi dàn ngang đại tiện trước mặt mình, gẩy tung tóe cả lên mà chẳng tìm lại được nhẫn vàng. Ôi trời đất ơi, vàng đã tan vào máu con mình, từ đó con mình mà mình chẳng nhận ra được nữa. Cả tiệm vàng lũ con bàn nhau khoáng sạch, tráo vào đó bằng hàng mỹ ký mạ vàng. Mãi đến lần khách đến mua đem quẳng lại đồ rởm có hẳn hoi con dấu tiệm vàng, ông giật mình xem lại mới biết tất cả đã bị đánh tráo bằng hết.

Bà mẹ là đầu trò, lũ con tiểu yêu thi hành. Cũng chẳng phải con ông gian dối, ma vàng làm cả đấy. Bây giờ xong hết rồi, chúng nó mưu mẹo bẩy ông ra khỏi nhà, xóa sạch dấu vết, ông là dấu vết cuối cùng, chúng nó trở về với cõi âm.

Mẹ khóc sụt sùi cho một số phận éo le, có đầy hỉ nộ ai lạc, lại được mạ thêm màu liêu trai ma mị. Một câu chuyện cải lương có thể lấy được nước mắt nhưng không ngăn được mẹ đùng đùng đòi tôi giúp mẹ đi làm thủ tục ly dị. Hơi thở nặng mùi khiếp lên được, ghê hơn cả chàng trai tân ăn tỏi nặng mùi ngày xưa. Sau chuyến đi này, mẹ sẽ phục thù đi tìm cho bằng được một tay giàu có thật sự, một nhà tài phiệt thời đổi mới có thể đi karaoke ôm ấp gái non nhưng về nhà vẫn cần một bàn tay chăm chút hiểu biết.

Nhưng rồi mọi sự đảo lộn hết. Lần này người đến vườn nhà tôi là một người cũ. Chính là chàng. Kẻ một mình đi tù vì tội đầu độc vợ ngày xưa. Chàng sáu mươi rồi. Đi tù về vóc dáng vẫn vạm vỡ điềm đạm như ngày nào. Người như thế thì không thể nào đầu độc vợ. Bà Họan Thư ghen quá, điên quá, nghĩ ra cách hại mình, hại chồng. Bà cho bả chuột vào niêu thuốc bắc, kêu mệt, đòi chồng rót thuốc, bê bát đến, cầm bát cho bà uống. Dấu tay ông còn đó, trên niêu thuốc bắc, trên bát thuốc. Nhiều người biết ông vô tội nhưng chứng cứ chống lại ông.

Chàng trở về vào dịp áp Tết. Mẹ con tôi mất hết Tết vì chàng ngã bệnh ngay. Viêm phổi cấp. Mẹ quẳng hết mọi thứ. Đâm bổ vào bệnh viện. Một mình mẹ đi đi về về từ hai đầu, nhà và bệnh viện. Đêm đêm thức trắng ngồi trông bên giường bệnh. Đến cả tôi cũng bị cuốn vào. Thỉnh thỏang, người về từ ký ức, từ cõi sống chết giành giựt, lại mở mắt. Cái nhìn như hỏi, em có tin ngày xưa tôi không thể là người làm việc ấy? Nàng nắm tay chàng, nắm tay như vậy thì dù chàng có ở gần cõi chết lắm rồi, cũng phải cố chống chọi mà tìm về.


Tôi không dám nhìn hai người.

Tự hỏi chẳng lẽ mai kia chàng trở về thì cây hoàng lan trong vườn nhà lại phải hóa thành cây si vĩnh viễn mãi sao?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người bị tù oan 10 năm kể về đòn hiểm ép cung



NGUYENTHANHCHAN-TOAAN

Người ngồi tù OAN 10 năm vì tội giết người: Ơn Đảng, Chính phủ!

Quay lén, đánh lén, ăn bẩn lén và nói dối… công khai

Tên Voi Hămđi ở Bắc Giang


Theo ông Nguyễn Thanh Chấn, trong quá trình lấy lời khai, các điều tra viên đã từng dùng búa, kiếm để dọa dẫm, ép ông Chấn phải nhận tội. Gần 4.000 ngày ngồi tù oan trái, ông vẫn nhớ rõ những điều tra viên đã ép cung mình.
Theo như lời kể của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng như trong đơn thư kêu oan gửi Thanh tra Bộ Công an, ông Chấn đã khẳng định mình bị ép cung, ép nhận tội.
Các điều tra viên mà đến nay, ông Chấn vẫn không thể quên được, đó là: Nguyễn H.T., Trần N.L., Ngô Đ.D.
Án oan; tù oan; Nguyễn Thanh Chấn;
Ông Chấn vẫn còn nhớ như in những lần bị ép cung như thế nào
Theo như lời kể của ông Chấn, trong quá trình lấy lời khai, các điều tra viên này đã cầm dao, búa bắt ông Chấn nhận tội.
“Điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe doạ: “Mày có khai không, tao cho mày chết”. Riêng điều tra viên D. đánh tôi, bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường” – ông Chấn khẳng định.
Từ trong tù, ông Chấn đã gửi đơn kêu oan đề gửi Thanh tra Bộ Công an. Trong đơn này, ông Chấn nói rõ: “Ngày 30-8-2003, tôi nhận được “giấy mời lần 1” về Công an huyện Việt Yên để gặp và làm việc. Cụ thể là lấy dấu chân và dấu vân tay của tôi, đồng thời hỏi tôi có biết gì về cái chết của cô Hoan (Nguyễn Thị Hoan – nạn nhân bị sát hại – PV) không? Tôi trả lời không biết gì cả.
Đến 20-9-2003, tôi lại nhận được giấy triệu tập lần 2. Tôi lên để gặp làm việc và tiếp tục lấy dấu vân tay, dấu chân nhiều lần. Tôi vẫn trả lời không biết gì về cái chết của cô Hoan cả.
Sáng hôm sau, tôi đến theo hẹn thì cán bộ Nguyễn H.T. lại lấy dấu chân, dấu tay của tôi nhiều lần rồi tra hỏi, đánh tôi rất đau.
Các cán bộ: Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L thay nhau túc trực tôi suốt ngày đêm này sang đêm khác không cho tôi về và không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc bắt tôi.
Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28-9-2003. Thế là đến chiều chuyển tôi về trại Kế – Bắc Giang”.
Trong thời gian bị tạm giam ở Trại Kế, có đêm ông Chấn bị chuyển 3-4 buồng.
“Có lần vào buồng của phạm nhân Phạm Duy Hồng – thì có 1 mình phạm nhân ấy với tôi. Vừa vào đã bị đánh, dùng dép đánh vào 2 mang tai sau đó bắt hát. Bị bắt từ ngày 20 đến ngày 28 hầu như tôi không được ngủ, đầu óc quay cuồng, lâng lâng” – ông Chấn nấc lên rồi lại lấy tay ôm mặt.
“Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho 1 tù nhân giả làm cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo. Làm đi làm lại để cho đúng ý của họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim”.
Án oan; tù oan; Nguyễn Thanh Chấn;
Đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn
Cũng theo ông Chấn, trong quá trình ở trại giam, kiểm sát viên Đặng T.V nói đã nhiều lần mang hồ sơ bắt ông phải ký.
“Tôi không ký ông ấy còn định đánh tôi” – ông Chấn cho hay.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, sau 10 năm, các điều tra viên trong vụ án này đã chuyển nhiều vị trí công tác.
Một số điều tra viên mà ông Nguyễn Thanh Chấn có nhắc tên trong đơn kêu oan hiện vẫn đảm nhiệm một số cương vị trong ngành công an ở tỉnh Bắc Giang.
Sẽ làm rõ việc xâm phạm tư pháp
Trước đó, như VietNamNet đã đưa, sáng 5/11, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã có buổi họp báo, cung cấp các thông tin liên quan đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn.
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 3 (Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự) VKSND TC cho hay, ngay từ năm 2004, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, Viện KSNDTC có nhận được đơn kêu oan của ông Chấn và đến năm 2005 đã cử cán bộ xác minh theo đúng quy trình.
Tuy nhiên, thời điểm sau đó, bản án phúc thẩm bị hủy để xem xét lại phần bồi thường dân sự của Nguyễn Thanh Chấn nên hồ sơ vụ án được chuyển lại cấp sơ thẩm.
Đến tháng 3/2005, có bản án về bồi thường dân sự.
Đến năm 2006, ông Chấn tiếp tục có đơn kêu oan từ trong trại và bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) có đơn gửi nhưng đơn lại không chuyển tới VKSND TC hay TANDTC– những nơi xem xét thủ tục tái thẩm, giám đốc thẩm mà gửi đến cơ quan khác.
Đó là lý do mà 10 năm, đơn của ông Chấn mới được giải quyết. Sau khi nhận được đơn, chỉ sau 1 tuần, cơ quan chức năng đã ra được các quyết định tố tụng.
Đối với vấn đề ép cung, bức cung, ông Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Điều tra VKSND TC cho hay, sẽ làm rõ có hay không việc xâm phạm tư pháp.
Cũng theo lời ông Khoa, CQĐT – VKSNDTC sẽ chuyển hồ sơ đến CQĐT, Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền.
Ngày hôm nay (6/11), Tòa án nhân dân tối cao sẽ mở phiên tòa xét xử tái thẩm.

THEO VIETNAMNET

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cách bước đi của người Nhật cổ

http://www.youtube.com/v/G5EYdbV2eCw?version=3&autohide=1&autoplay=1&showinfo=1&attribution_tag=o7VbNb1BWrBeRH3G8fBD-A&feature=share&autohide=1 Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đời người lắm chuyện:

Lang Vượng

 Phần 1. 

 Anh Vượng chơi với tôi khá thân, anh hơn tôi 14 tuổi. Bố anh là cụ lang Liễu.Cụ Liễu làm thuốc nam gia truyền ở rià làng, chả tiếng tăm mẹ gì. Khách hàng toàn hạng lìu tùi, họ tìm đến cụ khi đau bão, sổ mũi,hay ỉa chảy. Cụ không thu tiền, tùy tâm khách trả bao nhiêu cũng được nên dĩ nhiên là cụ nghèo.Từ ngày cụ Lang Liễu khuất núi thì anh Vượng điềm nhiên lên chức Lang Vượng. Do học được chân truyền của bố nên anh cũng chả tiếng tăm mẹ gì. Khách hàng cũng vẫn hạng lìu tìu chỉ đủ cho anh ra vào đồng rau đồng cháo.


Tôi thường sang nhà anh chơi. Nhà anh có sân rộng nên tôi biến sân nhà anh thành nơi tôi luyện võ. Tôi treo bao cát và mang cái tạ xi măng vứt ở góc vườn rồi chiều chiều gánh tạ thì thụp, đấm đá vào bao hùng hục. Anh Vượng không mê võ, anh bảo: tao làm châm cứu nên tay phải mềm mại, tập như mày nhỡ gẫy xương thì đi ăn mày.Ngoài 30 tuổi anh vẫn chưa có người yêu. Tôi giới thiệu cho anh vài mối nhưng anh dát quá nên chẳng đi tới đâu. Một hôm, xem tôi đi mấy bài quyền thì anh tỏ ra thích thú anh bảo: chú day anh nhé, Múa thế này anh ưng.Thế là từ đó anh theo tôi học múa quyền. Tôi dạy anh được ba tháng thì rắc rối xảy ra. Hôm đó chị Liên mặt ngựa đến châm cứu. Chị này ế chồng, người to cao, mặt dài ngoãng. Khi anh rút kim ra thì chị ú ớ, mắt trợn ngược. Anh hoảng quá chạy ra sân gọi tôi. Lúc tôi lao vào thì thấy chị Liên giật đùng đùng, áo tốc cả lên. Giật thêm dăm phát nữa thì chị thăng. Anh Vượng đi tù vì tội ngộ sát.Chục năm sau thì anh ra tù, anh bán nhà rồi âm thầm rời làng. Lúc đó tôi cũng mải nam bắc kiếm ăn nên anh có sang chào mà không biết…. 

Phần 2 

Chuyện của sư huynh:

 Tôi có sư huynh làm cán bộ ở Lào cai. Mỗi lần về HN công tác anh thường ới lũ sư đệ chúng tôi đi uống rượu. Những câu chuyện trong bàn rượu thường xoay quanh chủ đề võ nghệ. Anh mặc dù là bậc trên nhưng không bao giờ tham gia vào chủ đề này. Anh chỉ nheo mắt nhìn lũ chúng tôi đỏ mặt tía tai tranh cãi, từ tốn nhấp rượu và mỉm cười lắc đầu mỗi khi chúng tôi lôi anh ra làm trọng tài hoặc hỏi ý kiến. Một lần, sau khi nghe chúng tôi tranh cãi ỏm tỏi về tương lai của võ cổ truyền anh có vẻ khó chịu và lần đầu lên tiếng. Anh nói:Các chú học võ thể thao nên chưa từng biết đến một nền võ học đích thực của tiền nhân để lại. Nền võ học đó đang dần thất truyền và những cao nhân thật sự của nền võ học đó chỉ còn rất ít. Phần lớn các võ sư ngày nay hoàn toàn không biết rằng phần quan trọng nhất của nền võ thuật đích thực ấy đã bị dấu đi, do vậy các võ sư ấy chỉ biết được cái vỏ của chiêu thức mà không biết đuọc cái lõi. Nó giống như viên đạn mà bên trong cát tút không có thuốc súng. Các chú nên nhớ vạn vật đều không qua khỏi thuyết âm dương.Tất cả mọi chiêu thức sẽ trở thành múa may đơn thuần khi thiếu nó. Tôi hỏi: vậy các bị dấu đi là cái gì vậy sư huynh? Chả lẽ là yếu quyết luyện khí thiến con mẹ nó hồng xiêm đi như tịch tà kiếm phổ??Nghe tôi hỏi xỏ xiên anh trợn mắt văng tục:Tao không biết tả cho chúng mài hiểu chính xác nó là cái đéo gì  nhưng dcm, võ thuật chân chính phải có nó. Nó làm cho cú búng tay của mày cũng đủ đánh ngã môt đối thủ to cao, nó làm cho mày có thể khinh thân chạy vùn vụt lên đỉnh núi tai mèo. Nó làm cho thân thể mày khang kiện chống lại tuổi tác. Nó làm cho………..nước bọt anh văng tứ tung.  


Nghe anh ba hoa tôi phát cáu vặc lại: có cặc ý, Những cái anh kể nhẽ chỉ trong phim chưởng. Ngày nay mà có những nhân vật đó thì lại chả lên ti vi từ tám hoánh. Anh nhìn tôi chòng chọc và bất thần hạ giọng. tao cũng có ý nghĩ ấy, nhưng kể từ khi gặp ngài thì mọi quan điểm về võ thuật của tao hóa ra chỉ là ếch ngồi đáy giếng. Và anh bắt đầu câu chuyện về một nhân vật huyền bí đã làm thay đổi thế giới quan võ thuật của anh ấy.  Anh nói:

Tao thường để ý đến một ông già bán thuốc nam ở phiên chợ Bắc hà. Ông khoảng 80 tuổi, tóc bạc trắng dài ngang vai, da mặt nhăn nheo đen sạm và cặp mắt thì sáng quắc. Người ông nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn. Cái làm tao chú ý đến ổng là kiểu đi cùng tay cùng chân kỳ lạ, nếu chân phải ổng bước lên thì tay phải ổng oánh lên. Đó chính là kiểu bộ hành đã thất truyền của các cao thủ võ lâm ngày xưa. Nhìn ổng đi vùn vụt mà tao thấy tò mò đéo chịu được. Thế rồi tao lân la mua thuốc làm quen.


Vụ làm quen của tao thất bại thảm hại, ông cụ có lẽ dị ứng với bộ sắc phục nên không chịu bắt chuyện, thế là tao đành phải lên phường điều tra lí lịch . Hóa ra cụ là người kinh, năm nay 81 tuổi lên đây lập nghiệp được 2 năm rồi. Cụ trồng thuốc nam và hành nghề y học dân tộc. Tay đồn trưởng khuyên tao tìm thằng khu vực, Thằng này thân với ông cụ từ khi ông cụ chữa khỏi bệnh liệt cho vợ hắn. Thế là tao gọi tay khu vục đi uống rượu và hắn kể: 


Chuyện anh khu vực 

Hôm đó bọn em bắt quả tang được tay móc túi khách tây ở phiên chợ. Em lao vào khống chế thì nó vùng ra chạy mất. Khi nó chạy qua chỗ ông cụ thì bỗng nhiên người nó bật tung lên rồi ngã lộn mấy vòng và nằm im bất động. Chả thấy ông cụ động thủ động cước mà tay lưu manh gẫy cả chân. Biết ông cụ là cao thủ võ lâm em để ý tìm hiểu. Một hôm nhân dịp bầu cử em mang thẻ cử tri mò đến nhà ông cụ. Trèo núi suốt hai tiếng đồng hồ mỏi rã chân mới tới nơi. Ông cụ đi nương thuốc chưa về em bèn ngồi chờ. Đến nhập nhoạng tối đột nhiên em nghe tiếng hú như rồng ngâm sau nhà, em chạy ra thì thấy xa xa ông cụ đang khinh thân đạp lên những ngọn cây cổ thụ bay vun vút xuống núi. Hóa ra, còn có những cao nhân ẩn dật đấy anh ạ. 

Phần 3:  

Nghe tay khu vực kể tao càng tò mò, tao hẹn nó hôm sau dẫn tao lên nhà ông cụ chơi. Tiện thể thử công lực ông cụ xem lời đồn có thật hay không. Sáng sớm hôm sau, chúng tao lên đường, leo núi vòng vèo mãi cũng mò đến nhà ông cụ. Trong nhà tiếng ngáy như sấm phát ra,  đoán ông cụ đang ngủ, bọn tao đẩy cửa bước vào. Căn buồng tối mờ, cảnh tượng trong ngôi nhà làm tao đứng tim. Ông cụ đang ngủ nhưng không nằm trên giường mà đang nằm lơ lửng giữa nhà. Hai thằng bọn tao đứng ngây ra nhìn. Bỗng nhiên, tiếng ngáy im bặt rồi giọng ông cụ cất lên nhỏ nhẹ: Hai chú ra ngoài chờ lão. Bọn tao lao ra ngoài như bị ma đuổi, tim vẫn đập thình thịch trước cảnh tượng ma mị vừa rồi, trời rét mà mồ hôi tao túa ra đầy mặt. Lúc sau thì ông cụ bước ra, Ông bê theo ấm trà và mời chúng tao ra vườn uống nước. Tao thay đổi ý định thử công lực ông cụ bởi những gì vừa chứng kiến vượt quá trí tưởng tượng của con người. Tao lạy lục xin ông cụ nhận làm đệ tử. Ông cụ cười và đồng ý. Cụ nói, tao và cụ có cơ duyên.


 Hai tháng tiếp theo, tuần nào tao cũng trèo núi lên nhà ông cụ luyện tập. Hóa ra còn có một nguyên lý khác của võ thuật mà nhờ cụ giảng giải tao mới biết. Nguyên lý đó là quyền cước hay bất cứ cử động nào đều do hệ thần kinh chỉ đạo. Nếu tấn công địch thủ vào hệ thần kinh thì sẽ đạt hiệu quả tối đa. Để tấn công vào hệ thần kinh không thể dùng quyền cước thông thường mà cần phải luyện được vô hình chưởng, đó là xung điện của mình phát ra phá vỡ hệ điều khiển của đối thủ. Nghe sư huynh tôi kể tào lao tôi bật ngay: Em ngồi đây, anh phát vô hình chưởng đi. Nếu nó công hiệu em bán nhà theo anh lên núi bái sư ngay. Sư huynh tôi trầm ngâm trả lời: Tao mới học được nửa năm, Thân thể có khang kiện hơn nhưng chưa luyện được món đó. Tuy nhiên tao đã được lĩnh vô hình chưởng của sư phụ rồi. Mới có nửa thành công lực mà chân tay tao đã rũ liệt, cả ngày nằm trên gường không dậy nổi. Chúng mày cứ chờ đó, lần sau về HN tao sẽ cho chúng mày xem. Mai tao phải về rồi, tay chủ tịch huyện nghe tao kể ông cụ có bài phản lão hoàn đồng thì hắn cũng muốn lên bái sư để học món đó. Tao phải dẫn hắn lên, gì thì gì, hắn cũng là chỗ quen biết. 




Phần cuối: 


Câu chuyện của sư huynh tôi có kết thúc buồn. Anh và ông bạn chủ tịch huyện theo ông cụ luyện phản lão hoàn đồng. Kết quả tu luyện sau sáu tháng thật đáng kinh ngạc, ông cụ trẻ ra đến 10 tuổi còn sư huynh tôi và ông bạn chủ tịch thì già đi trông thấy. Dưới sự hối thúc của hai đệ tử, Ông cụ đành phải lên đường sang Tây tạng tìm bí phương thần dược để giúp đệ tử hành công. Ông cụ từ biệt hai đệ tử vào một sáng mùa đông rét mướt, từ đó đến nay, gần năm năm trôi qua mà ông cụ vẫn chưa trở về. Sư huynh tôi mỗi lần nhắc lại là rưng rưng nước mắt, tiếc cho sở học dang dở thì ít mà thương ông cụ thì nhiều. Anh thường bảo tôi: Cụ có lẽ vì già yếu mà bỏ xác quê người.  



Chuyện anh Vượng 


Tôi tình cờ gặp lại anh Vượng trên bến đò Kênh vàng. Anh là người nhận ra tôi trước, còn tôi thì nhìn mãi mới nhớ ra anh. Trông anh béo tốt, nhưng già trước tuổi vớ cái đầu hói bóng. Ánh mắt anh thì khác hẳn ngày xưa, nó cứ đảo sùng sục và giảo hoạt khác hẳn với vẻ nhẫn nại và hiền lành của anh mà tôi còn lưu trong ký ức. Anh mời tôi về nhà chơi để anh em hàn huyên sau hơn hai chục năm xa cách. Tôi nhận lời ngay. Từ Kênh vàng đi dăm phút xe máy là tới. Nhà anh rộng rãi, có vườn cây ao cá và giữa nhà là một cái điện thờ to đùng. Một cô gái trẻ đang lau dọn, anh hất hàm: vợ tao đấy, kém tao 30 tuổi, nó bị câm. Rồi anh bảo: tao thôi đéo làm thầy lang nữa, tao chuyển nghề thầy cúng rồi. Vợ anh bắt gà làm cơm để anh em tôi uống rượu hàn huyên. Sau vài tuần rượu anh bắt đầu kể: Sau khi ra tù tao bán nhà đi buôn hàng cấm. Bị bắt, tao khai tông tốc đồng bọn để giữ mạng sống. Nhờ đó tao chỉ bị năm năm. Ra tù, tao ngậm tăm trốn biệt lên miền núi. Không trốn nhanh bọn nó cắt cổ. Cuộc sống lao tù làm tao già sọm, tao bèn lấy chứng minh và giấy tờ của bố tao để trốn tránh quá khứ tù tội. Cũng may, hồi đó tao chưa làm giấy khai tử cho ông cụ. Gom ít tiền, tao thuê lại nương thuốc trên Bắc hà hành nghề y để làm kế sinh nhai. Một tia sáng bỗng lóe lên trong đầu tôi: Ông cụ 80, Thầy lang, Bắc hà….Bỏ mẹ rồi, …Tôi nhìn thẳng vào mắt anh Vượng hỏi: Có một lần, trong phiên chợ, một thằng móc túi bị công an đuổi chạy gần đến anh rồi đột nhiên ngã sấp. Vụ đó anh biết không? Anh Vượng há hốc mồm ngạc nhiên. Anh trợn mắt nhìn tôi hỏi lại: Sao mày biết vụ đó? Thế là tôi kể lại câu chuyện cuả sư huynh tôi về vị cao nhân kỳ bí nọ. Câu chuyện kể xong thì anh Vượng ngã lăn ra đất cười sằng sặc: Ông cụ đó là tao đấy. Tao có định lừa đảo chúng nó đâu. Chúng nó cứ nhất mực bái tao làm sư phụ…….ặc ặc. Cái vụ thằng móc túi là do nó đá phải cái đòn gánh của tao nên ngã lộn cổ. Vụ đó tao cũng sợ lôi thôi nên chuồn gấp. Chuyện sư huynh của mày kể chả có chi tiết nào sai. Chỉ có điều…hà hà ..cũng chả có chi tiết nào đúng. Ví như bay trên ngọn cây, khinh công cái mẹ gì, tao chăng sợ dây cáp qua khe núi để tụt xuống cho nhanh, đi vòng xa bỏ mẹ. 

Tôi hỏi tiếp: Còn ngủ lơ lửng giữa nhà khiến đệ tử vãi đái là sao? Anh Vượng lại cười khà khà. Cái đó thú thật với mày là hơi có tí lừa đảo, Tao nhìn thấy chúng nó dưới chân núi, biết ngay là chúng nó lên xin học võ. Tao  bèn vào nhà xoắn cái võng lại rồi chân quấn vào đầu kia, hai tay nắm đầu dây còn lại rồi giả vờ ngáy vang. Nhà tối âm u nên bọn nó quáng gà nhìn không ra. Tôi hỏi tiếp: Thế còn vụ phát chưởng làm đệ tử liệt gường? Anh Vượng hấp háy nhìn tôi, đôi mắt ánh lên giảo hoạt. Thằng sư huynh mày định tỉ võ với tao. Nó to thế đấm phát thì bỏ mẹ, nên  tao đành phải cho nó uống bột giảo mã, uống cái đó vào nhũn mẹ tay chân ngay. Thấy tôi máy mồm định hỏi tiếp, anh chặn ngay. Chắc mày còn lấn cấn vụ phản lão hoàn đồng? Có gì đâu: Tao cứ gà tần thuốc bắc, hà thủ ô chén đều. Tiền đã có chúng nó cấp, không trẻ ra mới là lạ. Chúng nó thấy tao trẻ ra nhanh quá nên cứ sôi sùng sục. Rồi khi nghe tao phét lác chuyện linh đơn bên Tây tạng, chúng nó ấn vào tay tao mớ tiền tướng rồi bắt tao đi tìm tiên dược cho bằng được. Biết tìm đéo đâu ra bây giờ nên tao chuồn con mẹ nó vể đây, mua nhà, cưới vợ. Tôi dọa: Em biết nhà anh rồi, lần sau em dẫn sư huynh em lên chơi với sư phụ cho vui. Anh Vượng cười khà khà: Dẫn nó lên đây. Tao đang muốn dạy nốt nó tuyệt chiêu đánh vào tâm lý. 

Tôi dắt xe ra về, anh tiễn tôi ra tận ngoài đường cái, kiểu đi cùng tay cùng chân của anh của anh làm tôi lại phải hỏi câu cuối: Anh đi kiểu đéo gì mà lạ thế? Anh trả lời gọn lỏn: 15 năm trong tù, tay bị còng trước bụng, đi lâu thành quen đéo bỏ được. Hết.

của cu Mahoc!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thân tặng nhà thơ Đinh Công ( Gọi là đánh trống qua cửa nhà sấm )

Mươi ngày cơm no rượu say
Lâm Đồng ở lại
chia tay
tôi về!
Đà lạt lưu luyến người đi
Muôn năm chuyện cũ
Chia ly lẽ thường
Thông reo vô vọng cho rừng
Ai người than thở
đã từng Xuân Hương?
Vạn lý.. xa hết ngại ngùng
Bắc nam giờ đã chung cùng màu mây
Trường Sơn trắng núi
xanh cây
Người về nẻo bắc
Chim bay xa mù..
Bao giờ? bao giờ gặp bạn xưa?
Hẹn nhau chén tạc chén thù chung vui!
Người về để nhớ cho tôi
Lang bi Ang nhớ bóng người
đã xa!


Phần nhận xét hiển thị trên trang