Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

TRUNG QUỐC - CON SỐ 5 GIỮA HÀ ĐỒ - Kỳ 1


 * BÙI VĂN BỒNG 
1-     QUỐC GIA “GIỮA GẦM TRỜI”
Mới đây, thêm một tên tướng diều hâu Fan Changlong, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, phát biểu trong chuyến thanh tra một đơn vị hải quân ở tỉnh Quảng Đông, kêu gọi Hải quân Trung Quốc cần được khẩn trương hùng mạnh hóa, từ gia tăng tàu chiến đến nâng cấp kỹ thuật, hầu đẩy mạnh việc sẵn sàng ứng phó với tình hình đầy phức tạp và khó khăn, nắm vững điểm mạnh, điểm yếu gia tăng mọi mặt để chuẩn bị chiến đấu và chiến thắng trên Biển Đông và Hoa Đông.
Trung Quốc đã nhiều lần hứa hẹn những giải pháp hòa bình về tranh chấp biển đảo trong cuộc họp với Hiệp hội các quốc gia trong khối ASEAN, nhưng hành động và lời nói Trung Quốc không đi đôi. Những hành động côn đồ, ngang ngược của TQ nhằm xác lập chủ quyền Biển Đông, mang đầy tính hiếu chiến hăm dọa. Nhưng, các nước trong khu vực vẫn giữ lập trường kiên quyết giữ thái độ lạnh nhạt đối với TQ..
Thực tế, các nước láng giềng nhược tiểu của TQ, yếu hơn về tiềm lực kinh tế và sức mạnh chính trị và quân sự, nên việc chống lại chủ nghĩa bành trướng, bá quyền của TQ là điều bất khả thi. Điển hình là việc Philippines đưa ra tranh chấp Biển Đông lên Tòa án Quốc Tế, ngay Tòa án Quốc Tế về luật biển cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức vì TQ liên tục từ chối tham gia vụ kiện và luật quốc tế về vấn đề này, vẫn thiếu cơ chế thi hành luật. Nếu các nước khu vực, nhất là VN phản ứng một cách khôn ngoan, tính toán kỹ càng với thái độ lạnh nhạt thì có thể đạt được nhiều lợi thế trong việc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC, không ai thích một kẻ hay bắt nạt hăm dọa và lấn lướt kẻ khác.
Phân tách sự trỗi dậy của TQ, nhiều chuyên gia nhận định, đó lý do khiến Mỹ xoay trục sang khu vực Châu Á-TB. VN và các quốc gia khác không nên bị kích động vì những tuyên bố hung hăng của TQ. Không chỉ các nước trong khu vực Biển Đông mà cả thế giới đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của TQ và hy vọng sẽ có chuyển biến tốt đẹp.
Nguyên nhân dẫn đến vụ kiện là việc TQ ngang nhiên chiếm hữu và duy trì thường trực ba tàu tại Bãi Cạn Scarborough/ Hoàng Nham, đuổi ngư dânPhilippines ta khỏi ngư trường truyền thống của mình. Hơn nữa, TQ còn thường xuyên tổ chức các hoạt động quân sự, ra oai, khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông, không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên Biển Đông, TQ còn tự ý cho rằng cả không phận vùng biển này cũng là của TC.
GS Carlyle A. Thayer nhận định: “TQ sẽ còn gây áp lực ở hậu trường đối với các nước ASEAN để họ vận động Philippines từ bỏ vụ kiện ở Tòa án trọng tài về Luật Biển của LHQ, đổi lại TQ sẽ nối lại các đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC. Nhưng từ giữa tháng 5 tới đầu tháng 8, khi TQ đơn phương áp đặt lệnh đánh bắt cá, hải quân và các tàu hải giám, ngư chính của nước nầy sẽ tăng cường hoạt động để làm rõ hơn hành động mà họ gọi là “thực thi pháp luật và khẳng định chủ quyền.” Và dưới cái nhìn của các hãng thông tấn thế giới TRUNG QUỐC TỎ RA CỰC KỲ NGẠO MẠN ĐỐI VỚI VN. Biển Đông đã và đang ngày càng trở nên hỗn loạn do những tuyên bố chủ quyền phi pháp và quá đà của TC đối với toàn bộ khu vực. Những hành động hung hăng hiếu chiến của TC ở Biển Đông làm cho nhiều quốc gia trên thế giới bất bình.
Chủ nghĩa bành trướng của Đại Hán không những ở Biển Đông và Hoa Đông gây áp lực thường xuyên đối với các nước Philippines, Việt Nam, Mã Lai và Nhật Bản mà còn mở rộng đến Himalaya, khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Hoa Lục. Chính điều nầy đã khiến Ấn Độ nhập cuộc ở Biển Đông. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – ẤN ĐỘ tại New Delhi vào tháng 12/2012. Ấn Độ đã tuyên bố lập trường của mình đối với Biển Đông là phù hợp với quan điểm chung của cộng đồng thế giới và khẳng định Biển Đông cần phải duy trì TỰ DO HÀNG HẢI theo các công ước của LHQ về Luật Biển-UNCLOS 1982. Các nước Đông Nam Á nhiệt liệt hoan nghinh và họ coi Mỹ & Ấn Độ là yếu tố giữ cân bằng cán cân quân sự tại khu vực, chống lại chủ nghĩa bành trướng, bá quyền của TQ tại Biển Đông.
Hiện nay, TQ đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng quân đội để trở thành cường quốc quân sự số 1 Châu Á – TBD, nhưng họ không có đồng minh và nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài. Hải quân TC không có khả năng phát động cuộc chiến tranh cách bờ chỉ 300 dặm (482 km), thậm chí còn không có khả năng sống còn nếu ra xa bờ biển Hoa Lục khoảng 500km.
TQ đang ra sức vơ vét các tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quá nóng, hơn 90% nhiên liệu và khoáng sản phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tình trạng nầy cho thấy nền kinh tế này có thể bị đánh sập bất cứ lúc nào nếu các tuyến đường vân chuyển trên biển bị phong tỏa và eo biển Malacca bị bóp nghẹt? Bọn lãnh đạo Bắc Kinh sẽ vùng vẫy như thế nào trong tình huống đó.
                                              *     *      *
         Tên gọi "Trung Quốc" - nghĩa ban đầu theo cách viết tượng hình Hoa phồn thể và Hoa giản thể đều có một nét gạch dọc nằm giữa hình chữ nhật (quan niệm trời tròn đất vuông) được biểu thị là "vùng đất ở giữa"; nghĩa bóng là "quốc gia ở giữa gầm trời", là con số 5 trong Hà Đồ, ý nói Trung Quốc là Trung tâm thế giới và các nước chung quanh kém văn minh phải chịu ràng buộc.
Tục truyền đời vua Phục Hi có con Long Mã, hiện ra nơi sông Mạnh Hà, trên lưng có mang một hình đồ, và vì vậy gọi là Hà Đồ. Hà Đồ nguyên thuỷ có 55 điểm đen trắng. Hà Đồ, và Lạc Thư đều bàn về lẽ sinh thành của vũ trụ quần sinh, đều tuân theo quy luật vận hóa tụ-tán, tức là "cái lẽ tự nhiên": Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể, và Nhất Thể tán vạn thù, Vạn thù qui Nhất Thể, đều chủ trương Vạn vật phát xuất từ một Tâm Điểm, phóng phát ra ngoài, rồi cuối cùng lại qui hướng về Tâm Điểm ấy. Hà Đồ sinh Tiên Thiên Bát Quái, đi theo chiều thuận. Lạc Thư sinh Hậu Thiên Bát Quái, đi theo chiều nghịch. Thuận là Thuận chiều kim đồng hồ, Âm Dương không bao giờ chống đối lẫn nhau, lấy Tình thương yêu, nhân nghĩa làm tiêu chuẩn. Nghịch là ngược chiều kim đồng hồ, lấy mâu thuẫn, ghen ghét kình chống nhau làm căn bản. Bản nghĩa của Hà Đồ, Lạc Thư là thế, nhưng giới lãnh đạo Trung Nam Hải từ lâu chỉ chăm chắm một ý tưởng về con số 5 muốn bá chủ thiên hạ, hung hăng bành trướng, bá quyền, coi thiên hạ đều là hạng "chầu rìa". Trung Quốc tự vôc ngực là Ngũ Hoàng Thổ...
            Theo truyền thuyết Trung Quốc, vua Phục Hi, nhân đó tạo ra Tiên thiên Bát quái và Lục thập Tứ quái. Lạc Thư, theo Kinh Thư, thời sau khi vua Đại Võ trị thuỷ thành công đã được Trời ban Lạc Thư cho, và nhân đó vua sáng chế ra “Hồng phạm Cửu trù”  tức là phép cai trị xã hội nhân quần. Văn Vương nhân đó tạo ra Hậu thiên Bát quái. Sau này các Đạo Gia nghiên cứu thêm và cho rằng Lạc Thư cũng còn dạy lẽ “Qui nguyên Phản bản” (gần nghĩa với hậu kết “trở về trời” mà dựa theo đó Trung Nam Hải tự mệnh danh là Thiên triều). 
Cấu trúc Hà Đồ
              Trung Quốc gọi số 5 là số Trung ương (cờ có 1 sao lớn, 4 sao nhỏ chầu - 4 dân tộc chầu dân tộc Hán, 4 phương chầu quanh Trung Quốc). Trong Hà Đồ, dãy 9 chữ số thì số 5 ở giữa, cộng dọc, ngang, cộng chéo đều bằng 15, con số thành hội tụ âm-dương (như sắp xếp dãy số trên bàn phím điện thoại là "Hà đồ thuận thiên", thứ tự 9 ô, từ 1-9; theo chiều kim đồng hồ, quan niệm số 0 là không khí, nằm ngoài. Sau này sinh ra nhiều dạng thức khác chung tụ là "Hà đồ biến thiên" ). Số 5 là cố định, là cái trụ, 8 số còn lại xoay vần theo luật Hậu thiên Bát Quái và Tiên thiên Bát quái. Các nhà nghiên cứu Đông-Tây kim cổ, âm-dương ngũ hành, nhất là những chuyên gia khảo cứu Chu dịch, Kinh dịch, kể cả "số học vận hóa" theo Hy Lạp, La Mã cổ đại đều khẳng định Trung Quốc từ bao đời nay vẫn tự coi họ là con số 5 giữa Hà Đồ. 
              Trung Quốc là Hoàng đế, Thiên triều, các nước chung quanh chỉ là chư hầu, chỉ được xưng thần. Ban đầu, tên gọi Trung Quốc có nghĩa hẹp hơn, như một nước đứng giữa, vị trí trung tâm, như chư “điền”, vùng đất chung quanh có bao bọc. Nhưng với lòng tham mở rộng cương thổ quốc gia “không ngừng rộng lớn”, Trung Quốc ngày nay mang nghĩa rộng hơn để chỉ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Ngày xưa, lãnh thổ Trung Quốc chủ yếu là vùng đất, Đại Lục. Lãnh thổ Trung Quốc theo bản đồ nhà Thanh chỉ đến cực Nam của đảo Hải Nam, hoàn toàn không có Hoàng Sa, Trường Sa, cũng không có cái “lưỡi bò” kỳ quái nằm chình ình trên Biển Đông như hiện nay.
       Trong suốt lịch sử từ khi thế lực đế quốc Đại Hán đi chinh phạt, thôn tính, xâm lược các nước láng giềng, Trung Quốc ngày càng lộ rõ lòng tham vô đáy, cậy quyền cậy thế, sự lừa lọc để vụ lợi nổi tiếng trên thế giới. Trung Quốc" cũng nhanh chóng chiếm các vùng đất phía Nam vượt qua các con sông lớn bao gồm Dương Tử Giang và Châu Giang, thành một thực thể văn hóa và chính trị (có lẽ không hợp lý khi gọi nó là một "nước" hay "quốc gia" theo nghĩa hiện đại); và đến thời nhà Đường nó còn thâu tóm cả các chế độ dã man như Hung Nô, Tiên Ti. 
            Ngày nay CHNDTH quản lý Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng, còn Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) hiện nay cũng được coi là một bộ phận không thể tách khỏi của Trung Quốc, mặc dù việc chấp nhận hay phản đối vẫn còn là vấn đề chính trị gây tranh cãi, đặc biệt khi Trung Quốc đồng nghĩa với CHNDTH.
      Nhà sử học Vương Nhĩ Mẫn, Viện Hán học đã tìm ra năm nghĩa của chữ Trung Quốc trong các văn tự cổ từ thời nhà Hán trở về trước, theo đó Trung Quốc có ba nghĩa rõ rệt nhất là:
- Khu vực bao quanh thành phố chính, hay kinh thành. Khái niệm này đã được định nghĩa rất minh bạch trong Kinh Thi.  
- Vùng đất dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà cầm quyền trung ương. Sử ký Tư Mã Thiên có ghi: "Có tám ngọn núi nổi tiếng trong đế chế. Ba ngọn thuộc về các rợ Man và Di. Năm ngọn nằm ở Trung Quốc".
- Khu vực ngày nay gọi là Bình nguyên Hoa Bắc. Tam quốc chí có ghi lại câu sau: "Nếu chúng ta có thể minh dẫn được những biểu hiện quân Ngô và Việt (thuộc khu vực phía nam Giang Tô - (sử ghi khi đó thuộc đất Văn Lang của Vua Hùng - Việt Nam) - và bắc Triết Giang để đối đầu với Trung Quốc, thì chúng ta nên sớm cắt đứt quan hệ với họ".  Theo nghĩa này thì nó đồng nghĩa với vùng đất của người Hoa hay Hạ (thường goi chung là Hoa Hạ).
Hai nghĩa còn lại là: nước nằm ở giữa; các nước vai ngang nhau, để chỉ các nước thời Chiến Quốc.
Vào thời các nước phân tranh sau khi nhà Hán sụp đổ, tên gọi Trung Quốc thay đổi ý nghĩa khi các sắc dân du mục ở biên giới phía bắc trỗi dậy và chiếm được lưu vực sông Hoàng Hà, cái nôi của văn minh Trung Quốc. Chẳng hạn như người Tiên Ti gọi chế độ Bắc Ngụy (Man - phá ngang, giả dối - trong từ "man trá") của họ là Trung Quốc, để phân biệt với Nam Triều, mà họ gọi là "Di", nghĩa là "mọi rợ". Nam Triều, về phía họ, sau khi tách khỏi phía bắc thì gọi Bắc Ngụy là "Lỗ", nghĩa là "tội phạm" hay "tù binh". Theo nghĩa này, Trung Quốc được dùng để thể hiện tính hợp pháp chính trị. Nó được các triều đại tranh giành nhau là LiêuTấn và Tống dùng theo nghĩa này từ thế kỷ thứ 20 trở đi. Tên gọi Trung Quốc từ đó cũng được dùng để chỉ một thực thể địa lý, văn hóa và chính trị mà không nói đến nguồn gốc sắc tộc nữa.
          Trung Hoa Dân Quốc thời Tôn Trung Sơn (THDQ) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), khi quản lý đại lục Trung Hoa, đều sử dụng tên gọi Trung Quốc như là một thực thể tồn tại trên lý thuyết để chỉ tất cả các vùng đất và con người nằm trong (kể cả bên ngoài) tầm kiểm soát chính trị của nó. Trung Hoa Dân quốc thời Tưởng Giới Thạch sau năm 1949 thường dùng từ Trung Quốc là để chỉ THDQ thời Tôn Trung Sơn bao gồm cả Đại Lục và quần đảo Đài Loan, Hải Nam (gọi Đài Loan là để nói riêng về đảo quốc này). Ngày nay CHNDTH chính thức công nhận có 56 dân tộc và gọi chung là “Trung Quốc nhân", tức "người Trung Quốc". Và lịch sử của các dân tộc này hợp chung lại gọi là lịch sử Trung Quốc.
Trong các ngôn ngữ Tây phương, tên gọi Trung Quốc theo tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác cùng ngữ hệ dùng tên China (tiền tố Sino-…), mà nhiều người coi là tên xuất phát từ tên nhà Tần (Qin) là triều đại lần đầu tiên đã thống nhất Trung Quốc, mặc dù vẫn còn nhiều chi tiết cần làm rõ thậm chí nguồn gốc của nó còn nhiều tranh cãi. Mặc dù thực tế nhà Tần chỉ tồn tại rất ngắn và thường bị coi là cực kỳ tàn bạo, nhưng nó đã xác lập một kiểu chữ viết tượng hình thống nhất tại Trung Quốc và gọi người nắm quyền tối cao của Trung Quốc là "Hoàng đế". Kể từ thời nhà Tần trở đi, những thương nhân trên "con đường tơ lụa đã sử dụng tên gọi "China". Ngoài ra còn nhiều thuyết khác về nguồn gốc từ này.
Trong bất kể trường hợp nào, từ China đã đi vào nhiều ngôn ngữ dọc theo “con đường tơ lụa” trước khi nó truyền tới chấu Âu và Anh quốc. Từ China của phương Tây đã được người Nhật chuyển tự thành Chi Na từ thế kỷ 19, và trở thành một từ có tính chất đàm biếm trong tiếng Nhật.
Tên gọi China theo nghĩa hẹp chỉ Trung Quốc bản bộ, hoặc Trung Quốc bản bộ cùng Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng, và Tân Cương, một kết hợp đồng nghĩa với thực thể chính trị Trung Quốc vào thế kỷ 20 đến nay; biên giới giữa các khu vực này cũng thay đổi theo “thâu tóm chinh phạt, xâm lấn”. Bình thường, trong văn cảnh kinh tế hay kinh doanh  thường dùng "Đại Trung Hoa địa khu" (như cái lưỡi sói) để chỉ Đại Lục Trung Quốc, thêm bao gồm cả Hồng Công, Áo Môn và Đài Loan. 
Các nhà Trung Quốc học thường dùng Chinese theo một nghĩa hẹp gần với cách dùng kinh điển của Trung Quốc, hoặc để chỉ sắc dân "Hán", là sắc dân chiếm đại đa số tại Đại Lục Trung Quốc.
Trong một số trường hợp thì tên gọi "Trung Quốc đại lục" rất thích hợp để chỉ Trung Quốc, đặc biệt khi để phân biệt với các khu vực có thể chế chính trị khác biệt như Hồng Công, Ma Cao, và các lãnh thổ do  chính quyền Đài Loan quản lý....
BVB
(còn tiếp)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những bản án oan đình đám từ trước tới nay


 - Có người đã phải chôn vùi tuổi thanh xuân, có người gia đình ly tán, mất hết tài sản vì 1, 2… thậm chí là 10 năm ngồi tù vì một bản án sai. Ai cũng hiểu tiền hay những lời xin lỗi khó có thể bù đắp được thiệt hại cho các nạn nhân trong những bản án oan khuất này.
Người tù 10 năm kêu oan
D luận đang xôn xao trước vụ việc bị cáo Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giangư) vừa được tạm tha sau 10 năm ngồi tù.
Ông Chấn bị buộc tội giết người vào đêm 15/8/2003 để cướp tài sản trong khi hung thủ thực sự của vụ án lại là kẻ khác. 
Án oan, ngồi tù, tự do, bồi thường, thiệt hại, tù oan
Ông Chấn trong vòng vây của gia đình, hàng xóm ngày được tha tù sau 10 năm lĩnh án chung thân.
Vụ án này gây xôn xao dư luận bởi suốt thời gian 10 năm qua, khi ông Chấn phải thụ án ở trại giam Vĩnh Quang, gia đình ông đã kêu oan khắp nơi, mong tìm được sự thật nhưng bất lực.
Và kể từ khi người đàn ông này bị bắt, cuộc sống gia đình ông đảo lộn, kinh tế gia đình vốn đã nghèo lại càng khó khăn do ông là lao động chính. 
Con cái trong nhà đã phải nghỉ học giữa chừng và cả gia đình phải sống suốt trong 10 năm với điều tiếng là “nhà có chồng/cha giết người”.
23 năm mới được "giải oan"
Đang đương chức Phó phòng Nông nghiệp huyện, ông Nguyễn Thành Trung (SN 1952, trú tại TP.Vị Thanh, Hậu Giang) bỗng nhiên bị bắt tạm giam với những tội danh không có thực. 
Án oan, ngồi tù, tự do, bồi thường, thiệt hại, tù oan
Ông nói:“Chuyện của đời tôi dài lắm, như một cuốn phim buồn..."
 (Ảnh: VietNamNet)
Ngày 28/4/1988, ông bị cơ quan CSĐT ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng. Đến ngày 25/7/1988, ông được hưởng tại ngoại để phục vụ điều tra.
Suốt thời gian này, ông Trung đã làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng sớm làm rõ việc Viện kiểm sát truy tố ông.
Nhưng mãi đến 23 năm sau, Viện KSND tỉnh Hậu Giang mới chính thức có quyết định giải oan cho ông. 
Kể về quãng thời gian cay đắng, tủi nhục, mất hết mọi thứ trong xã hội, cuộc sống, ông nói: “Chuyện của đời tôi dài lắm, như một cuốn phim buồn...".
“Kỳ án vườn điều”
Đây là một vụ oan gây chấn động dư luận bởi nó khiến cả một gia đình rơi vào vòng lao lý.
Kỳ án này kéo dài từ năm 1993, nhưng cơ quan điều tra không tìm ra được chứng cứ để buộc tội 5 người trong gia đình bà Lâm giết chết Dương Thị Mỹ. Vụ án đã qua 4 lần xét xử. Tại phiên xét xử thứ tư, Tòa phúc thẩm - Tòa án Nhân dân Tối cao đã phải tuyên hủy án sơ thẩm, đề nghị Cơ quan điều tra - Bộ Công an vào cuộc.
Án oan, ngồi tù, tự do, bồi thường, thiệt hại, tù oan
Phiên tòa xét xử Huỳnh Văn Nén trong "Kỳ án vườn điều" (Ảnh: Pháp luật & xã hội)
Bốn công dân gồm bà Nguyễn Thị Lâm và ba người con ruột của bà là Nguyễn Thị Tiến, Nguyễn Văn Tiền và Nguyễn Văn Châu đã bị kết án oan tổng cộng gần 24 năm tù.
Ngày 8.1.2006, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra 5 mẹ con bà Nguyễn Thị Lâm. Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thỏa thuận bồi thường theo Nghị quyết 388 cho 5 người trong gia đình bà Lâm với số tiền là 935 triệu đồng.
Ngồi tù oan 2 năm, nam sinh đòi bồi thường hơn nửa tỷ
Một vụ án tương tự là câu chuyện của cậu sinh viên ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) bị kết án oan dẫn đến hủy bỏ kết quả của nhiều năm học và mất đi nhiều cơ hội của tuổi trẻ.
Theo hồ sơ, ngày 9/8/2007, Trương Hoàng Hiếu (SN 1983, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) sinh viên đang học năm thứ 4, Trường ĐH Kinh tế Nha Trang, bị Công an huyện Mỹ Tú bắt tạm giam về tội Cố ý gây thương tích. Về hành vi này, Hiếu phải nhận 5 năm tù.
Tuy nhiên, kết quả điều tra và sau nhiều lần xét xử không chứng minh được Hiếu phạm tội và Hiếu đã phải ngồi tù oan suốt 844 ngày. 
Án oan, ngồi tù, tự do, bồi thường, thiệt hại, tù oan
Bố mẹ Hiếu kiệt sức trước những ngày tháng đi kêu oan cho con (Ảnh: VietNamNet)
Trao đổi với VietNamNet, Trương Hoàng Hiếu nói: “Tôi đang là một sinh viên năm thứ 4, sắp thi tốt nghiệp ĐH thì bị bắt giam, oan trái gần 900 ngày và 327 ngày tại ngoại. Bao công sức cha mẹ nuôi tôi ăn học, bị bắt giam giữ nhiều năm trời, tôi mất hết mọi thứ…”.
Đầu năm 2011, TAND huyện Mỹ Tú bồi thường oan sai cho Hiếu 128,2 triệu đồng. Không đồng ý, thanh niên này khởi kiện yêu cầu tòa án bồi thường hơn 530 triệu đồng (gồm tiền tổn thất tinh thần, thuê luật sư, học phí đại học....)
Ra bản án oan, TAND tỉnh Thái Bình bị buộc bồi thường 21,4 tỉ đồng
Một vụ án oan khác cũng khiến dư luận xôn xao bởi chi phí bồi thường cho nạn nhân lên tới hàng chục tỷ đồng. 
Vụ án được tóm tắt như sau: Cuối tháng 4/1998, Cơ quan CSĐT- CA tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với ông Lương Ngọc Phi - GĐ Cty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hoà Bình- về hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”.
Tháng 5/1998 ông Phi bị bắt giam, vài tháng sau, toàn bộ tài sản của ông Phi và Cty đã được Cơ quan CSĐT- CA tỉnh phát mại với giá hết sức rẻ mạt.  Sau đó, TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt ông Phi 17 năm tù.
Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, ngày 12/12/2003, Viện KSND tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi.  Từ khi bị bắt giam đến khi được trả tự do, ông Phi đã bị giam oan 35 tháng. 
Về vụ việc này, HĐXX tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Lương Ngọc Phi số tiền trên 21 tỉ đồng vì đã ra bản án oan, gây thiệt hại về tài sản quá lớn cho ông.
Được minh oan sau 2 lần nhận án tử
Tháng 6.2003, anh Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, trú ấp Tân Tiến, Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh) bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố bắt tạm giam về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên Hùng tử hình. Đến năm 2006, án sơ thẩm lần hai của TAND tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình nhưng Tòa phúc thẩm TAND Tối cao lại tiếp tục hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.
Do sau hơn 14 tháng điều tra lại vẫn không bổ sung được chứng cứ, ngày 11.6.2008, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh đã đình chỉ điều tra. Ngày 13.6.2008 Viện KSND tỉnh đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng.
Nguyễn Minh Hùng được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 19.11.2008 và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm UBPL của QH: “Kháng nghị và xét xử tái thẩm là sai”

Theo Lao động 
Ông Vũ Đức Khiển
Trả lời PV Báo Lao Động, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm UBPL của QH - cho biết: “Tôi khẳng định, Viện KSND Tối cao kháng nghị tái thẩm và TAND Tối cao đưa vụ án ra xét xử tái thẩm là sai.
Vì việc chứng minh bị can có tội, sau đó kết tội là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều tra sai, kết tội sai thì bây giờ phải minh oan cho người ta, tức là phải giám đốc thẩm để tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm, tuyên bố người ta vô tội, chứ không phải vì một kẻ ra đầu thú nhận tội mà coi đó là tình tiết mới.
Tôi khẳng định chắc chắn rằng, đây không phải tình tiết mới, vì tình tiết mới chỉ được xác định là do khách quan mang lại và việc xử tái thẩm là sự tiếp diễn của việc xét xử vụ án... Ở đây, rõ ràng vụ án đối với ông Chấn đã kết thúc, ông Chấn đã đi tù, cơ quan tiến hành tố tụng đã làm oan người ta nên không thể là tình tiết mới.

Ông Nguyễn Thanh Chấn được đình chỉ thi hành án sau khi đã thi hành án tù chung thân được 10 năm.
Việc kẻ ra đầu thú hoàn toàn là một vụ án độc lập, chứ không thể nhập hai việc này vào một để cho rằng đó là tình tiết mới để tái thẩm. Vì vậy, đúng ra Viện KSND Tối cao phải kháng nghị giám đốc thẩm và TAND Tối cao phải xử giám đốc thẩm để minh oan và bồi thường cho ông Chấn.

Còn nếu đưa ra tái thẩm là các cơ quan tố tụng đang cố tình lấp liếm đi cái sai của mình trước đó, dễ bề phủi trách nhiệm đã gây oan cho ông Chấn”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Nỗi bồn chồn Lê Đạt

???????????????????????????????


thủ bút Lê Đạt 
Chiều muộn hôm đó, chàng tuổi trẻ gọi tôi: bác Lê Đạt mất rồi em ạ. Hai đứa lang bang ngồi không trong bóng tối  đặc dần quán cafe Bách Khoa sạch, mỗi đứa một li cafe đen, rồi lại ngồi uống bia hơi lạc rang buồn vô trọng lượng Tạ Quang Bửu… 
Nghĩ về Lê Đạt, tôi thường hay bồn chồn, cái bồn chồn của kẻ suốt đời lỡ hẹn những yêu đương. Cứ mỗi khi tôi kịp nhận ra một thứ tình nặng nặng đã trong tim, thì cũng là khi tôi chỉ còn có thể đối diện với sự trống không vô vọng của những kết nối. 
tác phẩm Lê Đạt in sau "phục hồi"
tác phẩm Lê Đạt in sau “phục hồi”
1
Lê Đạt trong tôi trước hết là một nhà thơ thân thiện. Thân thiện với môi trường – người, đã đành, nụ cười của ông đã nhiều giai thoại, nhưng hơn hết là thân thiện với môi trường – chữ. Không chỉ bởi cách ông lựa chọn đoản ngôn hay haikâu để chống lãng phí chữ hay thực hiện mùa khem, mà quan trọng hơn là bởi, tôi cảm nhận, chữ nghĩa của ông hầu như không, hay rất ít khi, hục hặc gây sự lẫn nhau. Thơ Lê Đạt như một ngôi nhà luôn rộng cửa cho gió, cho những vị khách vô hình, cho những bước chân vô ý, cho cả sự thanh vắng trống không gõ cửa. Thơ Lê Đạt thường không tự đến với tôi mỗi khi tôi tha thiết một an ủi thơ ca. Nhưng khi đủ thư thả cho một thưởng ngoạn, đủ lặng lẽ cho một sự dạo chơi quạnh vắng, đủ điềm tĩnh cho một ngẫm ngợi riêng lẻ thì tôi có thể tự tìm đến thơ ông, như tìm đến một chốn thanh thơi xanh mát chữ nghĩa:
Nắng tạnh heo mày hoa lạnh
Mimoza chiều khép cánh mi môi xa
(Mimôza – Bóng chữ)
Cả khi thơ ông làm tôi thoáng rùng mình ớn lạnh, thì bù lại, cái cảm giác thơ bé gọi về, buổi đêm một mình qua nghĩa trang, vừa đi vừa run vừa hát trong gió rười rượi cũng có thể trở thành một sự thưởng thức:
“Một mình huýt gió nghĩa trang khuya”
(Thương – U75 Từ tình)
Sự hiện diện như đợi chờ [người đọc] thưởng thức, với tôi, làm nên cái đẹp của thơ Lê Đạt. Một cái đẹp đồng thời là cái đẹp đạo đức, hay nói khác đi, ông dường như ý thức nghiêm ngặt về đạo đức của sự lựa chọn mĩ học.
Hệ luỵ của cái đẹp đạo đức là nó có thể ngăn trở lòng đồng cảm. Tôi hiểu khả năng khơi cảm của thơ ca không tách rời việc xác lập và trình diễn các quan hệ tương tác lẫn nhau: quan hệ của thi sĩ với thơ ca của họ, của thơ ca với người đọc. Sự chung sống của thi sĩ với thơ hiện diện trước chúng ta ra sao? Ta cảm nhận sự hiện diện đó như thế nào? Tôi không nghĩ Lê Đạt ít độc giả, nhưng tôi không hình dung người ta dễ dàng bị thơ Lê Đạt làm cho choáng ngợp hay ngây ngất. Ít nhất với tôi: suốt nhiều năm, tôi chưa bao giờ nghĩ mình yêu thơ Lê Đạt, như một “nhà thơ của tôi”, và vẫn cứ đinh ninh rằng, sự đồng cảm xôn xao lúc đây lúc đó mà tôi dành cho thơ ông chỉ là sự xôn xao của tôi khi chạm vào thơ ca nói chung, khi thưởng thức một cái đẹp “má má môi mà mỗi mỗi xa” mà thôi. Các nhà thơ giãi bày và các thi sĩ phất cờ tiền phong có thể dễ quyến rũ ta hơn. Ở Lê Đạt, sự trình diễn cái tôi thi sĩ dường như cứ muốn giấu mãi giấu mãi sau con chữ và nhà thơ dường như cam kết chung tình với lựa chọn đó. Người đọc đi tìm thơ hầu như khó gặp người. Đôi khi đọc Lê Đạt, tôi cứ như lạc vào một cõi Đường thi hiện đại, dẫu không có mây dày thăm thẳm tứ bề, không có vị thiền sư đắc đạo nào thì người thơ vẫn cứ ở đâu đó lơ lắc. Một thứ thơ phi-tôi? Đúng hơn, tôi tưởng tượng, Lê Đạt tự mình lặn dần trong sự chơi với chữ, nơi quá trình phi-tôi diễn ra không cần xúc tác, chỉ cần sự thí nghiệm công phu và nặng tình: cảm xúc khởi sinh bài thơ có thể cứ được lọc đi lọc lại qua những thí nghiệm chữ kì khu và dần bay hết những sắc màu trần thế, rút cục đồng nhất làm một với con chữ trong dạng thức tinh khiết, kết đọng nhất. Cái tôi Lê Đạt trong những bài thơ, do đó, có thể là một cái tôi đã được edit liên tục, được thanh lọc, ở độ kĩ lưỡng đôi khi đến hoàn hảo và trong vắt đến mức hầu như người đọc khó có cơ may được diện kiến sự xù xì thô tháp (thuở ban đầu, nếu có) của nó. Làm thơ, với Lê Đạt dường như là một quá trình thanh-lọc chữ liên tục, một cuộc thí nghiệm kiên nhẫn và đam mê như người mài đá đã nhìn thấy vẻ ngọc thấp thoáng ngay kia.
“Tuổi lú lẫn ngược nhầm ga trẻ dại
Hay u ơ quên mất lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba”
(Lú lẫn – U75-từ tình)
2
Tôi vẫn nghĩ rằng, cách Lê Đạt tự hoạ chân dung mình, khá rõ ràng trong các tiểu luận, các phát biểu về thơ, như một phu chữ, một kẻ chống tài tử, một kẻ cam kết gắn mình với (việc dụng) chữ dễ bị hiểu lầm, thậm chí làm những người đọc ưa dạo chơi lang bang ái ngại: ông hẳn là nặng nhọc, thực tế và đặc tuyển. Nhưng chưa biết chừng, Lê Đạt lại chỉ đơn giản là một kẻ mộng, đã sinh ra chính từ những cơn mộng chữ của mình: những con chữ ủ, ấp, sinh, thành không nghỉ, tạo thành một “lối bìa da mộng phủ”. “Bóng chữ” là phần chập chờn tỉnh mê của cơn mộng đang say ấy: “Bóng chữ có thể coi là phần tiền kiếp không được hoá giải của chữ. Nó như bóng con thuyền Trương Chi thiếu nợ hò khoan mãi lòng chén nước Mỵ Nương” (Vân Chữ). Luỵ tình chữ, cho nên, như lời Lê Đạt, “hành trình vô dụng lần tìm vô thức thông qua việc giải phóng ngôn ngữ” có thể được hiểu như một cuộc chơi nghiêm túc lần tìm những tiền kiếp của chữ. 
Lần tìm cơ chế sinh sôi chữ-nghĩa, hay cách tạo “bóng chữ” của Lê Đạt, tôi không thấy những cuộc đụng độ bùng nổ giữa các chữ, kiểu như đôi khi va phải chữ Trần Dần. Hầu như là những va chạm chủ ý hoà bình, cộng hưởng chứ không phá hoại nhau. Sự cộng hưởng này làm suy yếu hay thậm chí triệt tiêu khả năng quy chiếu tới sự vật đồng thời thăm dò năng lượng mở nghĩa của ngôn ngữ thơ. Câu thơ Lê Đạt do đó, có thể sống những đời hư cấu tự do trong mỗi người đọc nó. Thực tế nó cũng từ chối tương thích với cách đọc diễn giải và quy về hình dung rõ nghĩa. Những nỗ lực cắt – ghép nghĩa thơ ông, nỗ lực phân tích các thi pháp, thủ pháp câu từ Lê Đạt luôn đồng thời phô ra giới hạn của diễn đạt, của “kinh nghiệm văn xuôi”, của thi ca diễn nghĩa. Sự viết phi quy chiếu, thậm chí đôi khi như thể chỉ bày những vật thể “tự nó” của Lê Đạt có thể làm nảy nở những tưởng tượng và niềm đam mê tưởng tượng bất tận.
“Người đẹp lẩn khe hai dòng chữ tối
Thủ thư mù
lần lẻ một lối mê”
(Borges – Ngó lời)
Có khoảnh khắc đọc thơ may mắn, tôi hân hưởng cảm giác nôn nao say chữ. Đó là khi tôi đọc được nỗi bồn chồn Lê Đạt. Là lúc Lê Đạt dường buông chứ không thắt, tài tử hơn là thợ thồ. Bồn chồn nhất là những bài tình, nhưng đúng hơn, là những tình chữ bồn chồn. Cái dục tình nồng nàn trong thơ Lê Đạt khó mà phân biệt được là tình trai gái hay tình chữ, khó mà phân biệt tình trai gái làm nên chữ hay ngược lại.
Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó
Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đường cốm đồi thon ngõ nhỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió
Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao
(Thu nhà em – Bóng chữ)
Bài Thu nhà em này, với tôi, không chỉ là một bức tranh trừu tượng đẹp lạ lùng, mà còn là một bài tình chữ nôn nao.
Nắng rũ áo mộng đò neo bến nhổ
Lá bỏ cành trời rứt én xanh lìa cây
Chiều ngậm mãi một nỗi chim rời tổ
Ga Vọng
thu khuya ai xổ một hồi còi
(Anh ở lại – Bóng chữ)
Tôi không muốn lạm dụng cảm xúc của mình khi đọc thơ, mà vẫn đau nỗi lá lìa cành, thấy màu xanh rớt từng hột phiêu bồng trước mặt, thấy chữ nghĩa liên tục bị biến dạng bởi ánh sáng đổi chiều hay chao đảo khi gió xoay hướng…
Có nhiều khi tôi thấy rõ: Lê Đạt trìu mến ngôn ngữ hơn là trìu mến người yêu. Trú ngụ trong thiên nhiên và chữ nghĩa, cả anh, cả em dường như quen nết Đào Nguyên mà quên nỗi bận bịu con người. Vẫn có gì nơi tình yêu đi vắng mãi. Cũng bởi thế đôi khi tôi xa cách. Thậm chí hơi khó chịu. Và tôi hoài nghi: tôi không tin một thứ tình quá chừng đinh ninh và ít thương tổn. Lê Đạt có dỗi hờn, cũng là dỗi hờn với chữ “Chữ nhất tâm nghĩa lại nhị tình”. Và thi sĩ thì ngoan cố, không phải với tình yêu, mà với cách yêu của mình, một sự lạc quan ngoan cố:
Ngoan cố thất tình xuân vẫn mải
Khờ biết bao giờ hết dại yêu
(Dại yêu – U75 Từ tình)
Cũng bởi cái ngoan cố ấy, dường như Lê Đạt không phải tạng người du mục. Ông lúc nào cũng mải mê canh tác vùng đất của mình, chăm bẵm miệt mài thứ đặc sản mà ông đã tìm thấy hạt giống trên hoang đảo. Và bởi vì lựa chọn gieo trồng chỉ một thứ đặc sản, kiên định, nhiệt thành, bất chấp, nên cả khi đã được “chính thống hoá”, truyền tụng rộng rãi, thứ thơ đặc sản của ông vẫn cứ kén chọn người thưởng thức. Cũng nhiều khi, ngoan cố một hành trình chủ động chơi với chữ nghĩa, nên chữ của Lê Đạt ít có cơ hội cợt đùa phản trắc lại người thơ. Tôi đã xem bản thảo viết tay của ông, những chữ (có lẽ chực phản trắc) đã bị gạch xoá, bôi đen, tôi băn khoăn không biết chúng sẽ tái sinh nơi nào. Không ít bài thơ tình của ông, những sự kĩ lưỡng quá mức làm cái nông nỗi bồn chồn dường như cũng “tự kiểm soát” khắt khe hơn.
3
Làm sao tôi thoát được việc đọc thơ tìm người? Làm sao tôi thoát được nỗi băn khoăn về “kiếp nhân văn” khi đọc thơ Lê Đạt?
Lê Đạt của 36 Bài Tình, in chung với Dương Tường, của Lê Đạt – Sao Mai, in chung với Sao Mai, thậm chí của Bóng Chữ, Ngó Lời chủ yếu là một Lê Đạt “phi chính trị”. Tôi hình dung, đó có thể là một cách giữ mình. Tôi tưởng tượng những cuộc nói chuyện riêng tư, rì rào, nôn nao, bất tận của những lá vàng, những đèo nắng, của những tiếng chim dị hình, của gió mưa, của sương… từ chỗ như một niềm an ủi nương náu đã trở thành bạn đồng hành thân thiết và luôn trìu mến người thơ suốt một chặng đường dài.
Trang vắng mưa đêm về sớm
Heo may rải đồng giấy non
Anh vực tay em
Be bé nét đòng
Ai có biết lòng mẫu tự?
(Thuở đầu dòng- Bóng chữ)
Tâm thái phi chính trị nơi Lê Đạt, gắn với thời điểm chiến tranh, dường như là một lựa chọn kiên định đứng về phía thơ ca. Lê Đạt viết về Trường Sơn, tôi không khỏi nghĩ tới một đứa bé nhìn đoàn xe:
Bom bi bom bi
Bom bi
Bi bom
Xe đi
Xe đi
Cầu mở phao sông
Phà à à sóng
Bom bi
bi bom
Xe đi
xe đi
Bom bom
bom bom
Dáng xoan một con
(Trường Sơn – Lê Đạt – Sao Mai)
Thơ về chiến tranh của Lê Đạt mang ít nhiều bi kịch của người cảm nhận được nỗi tan nát của cái đẹp, chỉ có thể được viết với tâm thế của kẻ ít nhiều (bị) đứng ngoài, tách bạch với những yêu cầu tuyên truyền cho cuộc chiến:
Hầm cỏ Nguyễn Du
trời tên lửa
Bia hồ liêu liễu mới Đường thi
(Hà nội B.52 Bóng chữ)

Hình dung tâm thế “phi chính trị” xuyên suốt trong thơ Lê Đạt, tôi lại thấy bớt khó chịu với từ “tuyên truyền”: hẳn là ít hay nhiều chúng ta đã tự/bị tuyên truyền. Trường ca Bác của Lê Đạt hẳn là một bài thơ tuyên truyền có chủ ý, có thể là lần duy nhất của đời thơ ông (?): trong lời bạt, Khương Hữu Dụng viết “Lê Đạt viết bài trường ca từ sau ngày Bác mất (1969) cho đến tháng 5/1970 để kịp giỗ đầu Bác trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về tinh thần và gian truân về vật chất”. Lời bạt viết năm 1989, cuốn sách ra đời năm 1990, ngủ hai mươi năm mới dậy, một bản thơ tuyên truyền ca ngợi Hồ Chí Minh vẫn có thể mang số phận “một bản trường ca lận đận”. Tôi không biết có bí mật lịch sử nào lẩn khuất quanh tập thơ này, nhưng sự ra đời lận đận của nó tôi nghĩ cần được tính đến để nhìn cả hành trình thơ Lê Đạt.
Vì bị đẩy ra ngoài lề, Lê Đạt đã có cơ may “phi chính trị” với các vấn đề thời sự, nhưng còn quá khứ Nhân Văn? Có người nói Lê Đạt “quên” vì nhìn bề ngoài, dường như thơ Lê Đạt không đeo mang số phận đời Lê Đạt, ngoài những đường nối mỏng manh. Nụ cười bất chấp của “ông Di Lặc” có thể gây khó hiểu, bởi nó không vừa với diễn giải thông thường của chúng ta về một kẻ chịu nạn. Hay thơ Lê Đạt đã tự tạo nên một số phận khác của ông? Mà cả khi cho rằng thơ và đời là chuyện tách bạch, có thể chúng ta vẫn không hết ngạc nhiên: chữ-nghĩa có ái lực đến thế nào để cái số phận đời mà ta tưởng phải trùm phủ thơ ca, rút cục lại như thể nằm ngoài thơ ca, hay chỉ còn là cái bóng vương vất như một trận gió xám xoà qua không đủ làm xạm mặt người? Ở điểm này, tôi muốn đề xuất một biện minh cho thơ. Dẫu không mang định kiến về sự đoạ đày trong đời phải hằn khắc trong thơ, tôi không nghĩ ông xem khinh trọng lượng của bất hạnh. Ai dám chắc mình hiểu được gánh nặng của kẻ tự mang? Dấu vết những tháng ngày Nhân Văn còn xót đắng ẩn trong chữ.
Vườn nắng mắt gió bay mùa hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại đắng cay
(Phả Lại – Ngó lời)
Tôi không biết có cần phải hiểu đời Lê Đạt để hiểu những câu thơ này và nhiều câu thơ Lão Núi. Tôi không biết nếu tôi hiểu biết ít nhiều về đời Lê Đạt thì việc nhìn thơ ông sẽ rộng rãi hơn hay sẽ hẹp hòi đi.  Người ta có thể minh oan, minh bạch tiểu sử một con người, nhưng chữ nghĩa thì vẫn còn lại đó, không thể minh oan hay tự giải oan, ngoài việc đợi chờ người đọc tìm đến. Mà người đọc thì, tôi cảm thấy, thường dễ rộng lượng với lỗi lầm lịch sử mà ít kiên nhẫn rộng lượng với thơ ca. Sự đọc và đọc lại lịch sử, hành xử của con người và sự đọc lại thơ ca dường như đòi hỏi những liều lượng nghiêm khắc hay rộng rãi không thể đánh đồng, mà ta lại thật dễ đánh đồng. Dẫu thế nào, thơ ca vẫn phải tự nhận về mình sự tổn thương riêng lẻ của nó chăng?
Mọi tham vọng diễn giải một cách khái quát về lịch sử thường không động tới được, hay luôn xét đoán vội vàng lịch sử của một cá nhân, nơi những điều nhỏ bé mới là thiết yếu. Chúng ta không có cơ hội đọc một hồi kí Nhân Văn của Lê Đạt, nhưng trước hết, ông đã chọn một cách giải trình đẹp, một lựa chọn mà người đọc thơ khó có thể nào đành lòng phán xét, bởi nó có cái lí – tình không bao giờ có thể thấu suốt, minh giải. Tôi không nghĩ rằng nó không chứa nhiều thương tổn, nhưng cũng như quá trình thanh lọc chữ, đó có thể là kết quả một hành trình tu tâm và dưỡng chữ mà đôi khi, cái hiện diện trước mắt ta dường như chặn đường mọi giải mã, vì nó đã huỷ quy chiếu.
Tim gió táp mảnh thuyền thương sóng rạt
Phơi tình ven vạt cát giải trình trăng
(Giải trình – U75 Từ tình)
4
Ai cũng có thể làm thơ. Nhưng dường như người ta phải lựa chọn để làm nhà thơ.
Ai cũng có thể đọc thơ. Nhưng dường như phải đến lúc nào đó, ta mới bị vướng víu bởi một nhà thơ. Tôi có ý hướng tuyên truyền cho việc đọc thơ như là một gặp gỡ làm ta ngẫm ngợi, một giao tiếp hết mực riêng tư, một va chạm phần nhiều không chủ ý. Nó nằm ngoài những phán xét hay dở, những xếp loại nhất nhì. Người ta không ai biết mình lúc nào yêu hay ghét bỏ thơ, và không ai biết lúc nào thơ bỏ ta.
Thư đài lửa nước sông Hồng buông mát
Chữ tro bềnh tình siêu thoát nổi chăng
(Siêu thoát – Ngó lời)
Lê Đạt có nhiều fan chìm nổi, tôi không có ý tranh quyền tỏ lòng yêu của những bạn đọc thực sự đã yêu ông, những người lưu giữ bản thảo thơ, chép tay những bản thơ ông đánh mất. Nhờ một cơ may run rủi mà tôi có dịp ngồi đọc và đọc lại phần nào Lê Đạt, sau rất nhiều năm thờ ơ. Tôi biết mình không thuộc vào những người trẻ làm thơ cứ đeo đẳng gánh nặng của những cái bóng lớn trong quá khứ, cũng không bị ám ảnh bởi quá khứ những thi sĩ ấy đã đeo mang. Nhưng lúc này, tôi cảm kích lựa chọn của ông: một lựa chọn khó có thể so đo sự thiệt thòi phần đời khi lầm lũi khai quang nẻo vắng của thơ, thậm chí tôi nghĩ, một người duy mĩ như ông đã vì cái đẹp của thơ mà chấp nhận trả giá, chấp nhận cả những điều tiếng không đẹp.
Có những lúc, một câu thơ nào đó chợt đến, khi lòng tĩnh vắng, khi nỗi bồn chồn của tình yêu hay sự thất tình đã được lọc và lắng xuống, để chỉ còn là vẻ đẹp hơn là nỗi đau, là trìu mến hơn là nôn nao đòi hỏi, là cô quạnh bình yên hơn là chuếnh choáng say, khi đó tôi có thể nằm dưới gốc thông mà đùa chơi với việc minh bạch hay diễn xuôi Lê Đạt:
Không tận xanh thơ thở trắng trời
(Lý Bạch – Bóng chữ)
Những bài thơ sổ bụi đã an nhiên thở mấy chục năm, có lúc người đọc vô tâm tưởng đã không còn (phải) vướng bận cả nỗi đau cát bụi.           
28.8.2013
Nhã Thuyên


Phần nhận xét hiển thị trên trang