Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Để hiểu thêm TỐ HỮU

Vương Trí Nhàn

Trước mắt tôi là sưu tập Văn Nghệ số 40 ra 3-1953. Lúc này cơ quan Hội văn nghệ đang đóng ở rừng Việt Bắc. Nhân cái chết của Stalin, tạp chí của Hội ra một số đặc biệt, không chỉ Tố Hữu mà nhiều tác giả khác có bài liên quan tới sự kiện này.


Về thơ 
Chế Lan Viên có Stalin không chết, mở đầu bằng mấy câu
Stalin mất rồi
Đồng chí Stalin đã mất!
Thế giới không cha nặng tiếng thở dài 

Ở đoạn dưới
Mẹ hiền ta ơi 
Em bé ta ơi
Đồng chí Stalin không bao giờ chết

Triệu triệu mẹ già em dại
Đều là súng Stalin để lại ( VTN gạch dưới)*
Giữ lấy hòa bình thế giới
Tiếng nổ ca vang dội thấu mặt trời

Các bài tiếp theo:
Trước bài Đời đời nhớ Ông của Tố Hữu là bài Nhớ đồng chí Sta lin của Huy Cận
Tiếp đó các bài của Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn.
Xuân Diệu có bài Thương tiếc Đại nguyên soái Stalin:
Nghe tin mất mới thấy lòng quyến luyến
Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương
Tiếng khóc đây là tất cả can trường 
Thấy Người thật là bát cơm miếng bánh 
Người gắn với chúng con trong vận mệnh

Về phần văn xuôi.
Phan Khôi có bài Một vị học giả mác-xít thiên tài. Trước khi viết kỹ về cuốn Chủ nghĩa Mác và vấn đề ngôn ngữ, Phan Khôi có đoạn dạo đầu ngắn:

Đối với cái chết của Đại nguyên soái Stalin, vấn đề đề ra trước mắt những người đang sống là: Chúng ta phải học tập Stalin, học tập đạo đức cách mạng và trí tuệ của ông, được cả càng hay, không thì được phần nào cũng hay phần ấy, đó là một đảm bảo vững chắc cho cuộc thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của Chủ nghĩa tân dân chủ.
Lê Đạt thì xuất hiện như một phóng viên, ghi lại không khí một nhà máy trong rừng khi nghe tin Stalin mất. Bài viết khoảng 3.000 chữ này kể chuyện cái chết của Stalin đã gợi lên niềm xúc động to lớn, từ đó đánh thức tinh thần lao động sáng tạo của cả một tập thể công nhân gang thép.

Xin phép mở một dấu ngoặc.
Ngoài các bài Liễu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Tế Hanh còn có bài thơ ngắn sau đây, viết trong đợt thăm Trung quốc 1962. Tôi vẫn thường nhẩm lại mỗi khi nhớ tới đời sống tinh thần của chúng tôi những năm 1965 về trước.
Hồ Nam xe chạy không dừng bước 
Dãy núi cao liền dãy núi cao
Quê hương lãnh tụ mây thêu nắng
Thấy mặt trời lên nhớ bác Mao
Tôi muốn thầm nói với Tế Hanh: Anh không việc gì phải xấu hổ cả. Hồi ấy, bao nhiêu người nghĩ thế, chứ đâu phải riêng anh!

Trở lại chuyện Tố Hữu.
Nếu có ai hỏi tôi thích bài nào của Tố Hữu nhất, tôi sẽ nói rằng đó là cụm mấy bài ông làm hồi đi tù, in trong phần Xiềng xích của tập Từ ấy.
Bài Nhớ đồng 
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ 
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò
Bài Tiếng hát đi đầy
Hỡi những anh đầu đi trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đầy
Những bài thơ này có cái giọng mà sau này không bao giờ Tố Hữu có nữa. Nhà thơ bơ vơ trong cảnh đơn độc ở núi rừng. Phải làm thơ, phải lấy thơ để tự khẳng định, thơ cất lên không để cho ai mà trước tiên để cho mình .
Những bài thơ viết khi người ta không biết mình sẽ sống hay chết như thế này,
tôi còn gặp một lần nữa trong thơ VN về sau, đó là tập Ánh sáng và phù sa. 
Khi soạn tập thơ (1960), Chế Lan Viên chưa chuyển sang giai đoạn lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa , như Xuân Sách sẽ viết .

Sinh thời, Tố Hữu hay nói, đại ý hãy coi ông là nhà cách mạng, sau đó mới là nhà thơ.
Như thế tức là ông cũng đã biết chỗ đứng của mình trong lịch sử.
Có điều không phải luôn luôn người ta làm được đúng như những điều người ta tự xác định.
Là một người hết sức nhạy cảm và sẵn có cả chất mệ của quê hương, ông thừa biết nhiều khi dân văn nghệ ca ngợi thơ ông vì ông là quan chức phụ trách người ta, nắm sinh mệnh của người ta.
Song nếu đủ sáng suốt để từ chối những lời nịnh bợ thường trực thì ông đã không còn là ông nữa.
Lẽ đời là vậy, lúc được được quá cái đáng được, thì lúc mất cũng mất quá cái đáng mất.
Nhưng về phần chúng ta, mỗi lần đả động đến ông, tôi nghĩ nên phân biệt đang nói về ông như một quan chức cao cấp hay nói về ông như một nhà thơ.

Khoảng năm 1973, Hà Nội có một triển lãm điêu khắc với ngôn ngữ khá hiện đại của Nguyễn Hải và Lê Công Thành. Chính Tố Hữu cũng rất thích -- sang Hội nhà văn nghe ngóng về, Nguyễn Khải báo cho tôi biết tin vui đó. Nhưng rồi hóa ra chúng tôi mừng hụt. Mấy vị to hơn tới xem cho là không được. Và người ta lại thấy Tố Hữu cho truyền đi nhận định không thể tìm tòi kiểu ấy, mà hãy trở lại với thứ điêu khắc mô phỏng đời thường, kiểu Trần Văn Lắm!
Tức là cũng như chúng ta, Tố Hữu cũng có lúc phải làm ngược điều mình nghĩ.
Trước đó năm 1965, Nguyễn Thành Long bị nạn với bút ký Cái gốc. Bài ký cũng chẳng có chuyện gì đen tối lắm, chỉ tả phụ nữ trong chiến tranh quá nhếch nhác, nên bị Đảng đoàn Hội phụ nữ kêu.Theo chỗ tôi nhớ, lúc đầu Nguyễn Thành Long rất tự tin, vì Tố Hữu đã nhắn xuống tỏ ý bênh, “họ có Đảng đoàn thì mình cũng có Đảng đoàn chứ “( ý nói Đảng đoàn phụ nữ và Đảng đoàn văn nghệ-- hai cấp tương đương nhau ). Thế nhưng bên phụ nữ kiện lên trên và cuối cùng văn nghệ thua, Cái gốc chung số phận với Tình rừng. 

Nguyễn Khải kể khoảng năm 1963, có lần được dự một cuộc họp cùng bí thư tỉnh ủy các tỉnh đồng bằng do Tố Hữu chủ trì, chắc là bàn về công tác tuyên huấn. Trong lúc nghe mọi người thảo luận, bỗng Nguyễn Khải thấy Tố Hữu đang đi quanh thì dừng lại, ghé vào tai mình nói nhỏ:
-- Chăc nhà văn nhìn cảnh này như một trò hề?!
Rồi ông lảng ngay, lên bàn chủ tịch, tiếp tục lo nốt các việc đang làm dở.

Cái lạ của các nhà văn sau 1945 là khi tính viết con người thời nay, chỉ hay viết về nhân vật quần chúng công nông. Còn những người kéo quần chúng đi, vẽ ra cái mẫu điển hình để quần chúng sống theo và nói chung chỉ có vai trò đơn giản là…lèo lái toàn bộ đời sống – những nhân vật quan chức nhân vật cán bộ kiểu ấy lại chả ai viết bao giờ.

Tôi đã phác qua một vài nét về Tố Hữu hồi ở Việt Bắc trong ghi chép về Nguyễn Đình Nghi. 
Nhị Ca kể với tôi cái tình tiết sau đây: trong rừng, cạnh cơ quan, thường có những quán cà phê, anh em hay ra đấy đấu láo. Đang vui thì Tố Hữu đến. Thế là mọi người không ai bảo ai rút lui hết. Chỉ còn một người bao giờ cũng ngồi với Tố Hữu đến cùng. Là Hoài Thanh.
Cái công của Tố Hữu hồi ấy là giữ cho được anh em đi theo kháng chiến đến cùng không để họ trở về thành.

Những năm chiến tranh, thỉnh thoảng một số anh em viết trẻ chúng tôi cũng được gọi đi nghe Tố Hữu nói chuyện. Có một câu ông nói khiến tôi nhớ nhất và phải nói thực sợ nhất, đó là cái ý ông bảo sang nước ngoài thấy đời sống họ lạnh lùng lắm, về nước thấy đồng bào mình sống với nhau, ấm cúng hơn hẳn.
Ông cũng thường nói là nổi tiếng ở nước ngoài thì dễ, nổi tiếng ở trong nước mới khó .
Lại có lần khuyến khích lớp trẻ, ông bảo phải biết đấu tranh cho chân lý, khi cần phải cắn xé(!). May mà bọn tôi đã nghe nhiều về tính đồng bóng của ông, nên chẳng mấy cảm động, nhớ đâu hình như chính Xuân Quỳnh bảo rằng có mà ông cho ghè gẫy răng.

Tố Hữu quản cán bộ cấp dưới thế nào? Nguyễn Khải nhận xét có vẻ như càng những người bất tài và có khuyết điểm ông lại càng thích dùng. Những ông A ông B từng bị Tố Hữu mắng như tát nước vào mặt lại rất vững vàng trong vị trí của mình. Vì ông thừa biết loại đó bảo thế nào họ cũng phải nghe.
Bảo Định Giang, người phụ trách Hội liên hiệp những năm ấy thường kể với mọi người ông Lành dọa sẽ lấy đầu nếu BĐG để một vài văn nghệ sĩ tiêu biểu lơ mơ ở Hà Nội rồi dính bom đạn.

Một lần, khoảng những năm trước 1980, tôi ngồi với Nguyễn Khải, Xuân Sách, cùng giở một số báo Tết. Khi ấy Tố Hữu đã đi phụ trách kinh tế, nhưng các số báo tết vẫn có bài của ông. Nguyễn Khải sát hạch tôi:
-- Thằng Nhàn hãy thử bình một câu xem nào.
Tôi lúc đầu cũng chỉ biết nói như mọi người:
-- Thế là được một nhà kinh tế mà mất một nhà thơ.
Nguyễn Khải gạt phắt đi:
-- Không được.
Trong cơn bí, tôi phụt ra một ý mà trước đó tôi không hề nghĩ:
-- Người làm ra những bài thơ như thế này thì chắc làm kinh tế cũng không ra gì!
Bấy giờ Nguyễn Khải mới cười, bảo ra tôi cũng bắt đầu biết rồi đấy.

Kim Lân có lần rủ rỉ bảo tôi chính Tố Hữu đã kể với tác giả Vợ nhặt rằng hồi nhỏ ông mắc bệnh mộng du. Có lần chui lên cả bàn thờ họ mà làm một giấc ngủ trưa

Tố Hữu & một nền văn nghệ phục vụ cách mạng 
Bài viết trên Thể thao& văn hóa,
ngày Tố Hữu mất 

Trước nay đã vậy mà vào dịp Tố Hữu qua đời cũng vậy, tác giả Từ ấy thường được biết tới như một tiếng thơ hùng tráng, nhà thơ mang tiếng nói của cách mạng, người mà sinh thời, mọi sáng tác được truyền tụng rộng rãi đến mức chưa một nhà thơ nào trong lịch sử dân tộc biết tới.
Nhưng trên cái nền rộng rãi của lịch sử đất nước nửa cuối thế kỷ XX, Tố Hữu còn nổi bật trong một vai trò lớn lao khác: ông chính là một thứ tổng công trình sư đảm nhiệm vai trò thiết kế, một thứ tổng đạo diễn, suốt đời gắn bó với mọi hoạt động của nền văn nghệ mới.

Hà Nội đầu 1946. Cách mạng thành công đã được mấy tháng, nhưng nhiều văn nghệ sĩ còn đứng ngoài, một người như Nguyễn Tuân sau này cũng kể là ông còn “ ngủng ngoẳng chưa thật sự muốn theo Việt Minh “. Một lần, nghe Hoài Thanh nói rằng có một nhà thơ cách mạng muốn gặp, ông “ nắn gân “ bằng cách hẹn ngay ở Thuỷ Tạ Bờ Hồ ( lúc bấy giờ là một nơi ăn chơi phức tạp ! ). Nhưng nhà thơ kém Nguyễn Tuân đúng chục tuổi kia không ngán, mà vẫn tới, thuyết phục Nguyễn Tuân tham gia đoàn văn nghệ sĩ đi mặt trận. Nhà thơ đó là Tố Hữu.
Hạ Hoà, Phú Thọ, mùa đông 1948. Hội văn nghệ Việt Nam đã được thành lập, song còn lúng túng trong phương hướng sáng tác, nói theo chữ của Xuân Diệu là các ông còn “ mơ màng tìm kiếm những sáng choang bóng lộn thơm phức tận đâu đâu...” Một lần, trên mặt trận đưa về một bài thơ là bài Viếng bạn của Hoàng Lộc. Đọc xong, Xuân Diệu phát biểu thành thật “ Chẳng thấy hay”. Lúc ấy có một nhà thơ khác “đã rất bầu bạn làm trạng sư cho bài thơ “. Theo chính lời kể của Xuân Diệu, “ anh chăm chăm bình lại từng đoạn một, giúp tôi cảm xúc cái tình cảm của bài thơ đặng cho tôi thành bà con rồi ruột thịt của nó. Từ đêm hôm ấy, tôi vỡ lẽ ra dần, dần dần chuyển cách thức ăn nếm của mình “. Nhà thơ đó cũng là Tố Hữu.
Hai mẩu chuyện trên đây đã tóm tắt khá đầy đủ hai phương diện còn ít được nói tới trong đóng góp của Tố Hữu đối với lịch sử văn học. Đó là, một mặt tập hợp đội ngũ sáng tác, tổ chức họ thành một binh đoàn hùng mạnh trong lực lượng cách mạng; mặt khác, dần dần từng chút một, làm thay đổi cả cách hiểu cũ về văn học, hình thành nên một cảm quan văn chương mới và thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là thông qua hệ thống nhà trường được phổ cập rộng rãi, nhân rộng mãi nó ra, biến nó thành cảm quan của thời đại.
Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp phát hiện cho người ta thấy hình ảnh một Tố Hữu như là một nhà cách mạng bẩm sinh : ông dám bắt đầu một công việc từ chỗ gần như chỉ có hai bàn tay trắng.Thành công của ông giữa núi rừng Việt Bắc là thu hút được những tên tuổi nổi tiếng (từng được xem như niềm tự hào của kháng chiến ) từ Ngô Tất Tố tới Phan Khôi, từ Nguyễn Tuân tới Thế Lữ, từ Hoài Thanh tới Đoàn Phú Tứ... trong một tổ chức gọn gàng là Hội văn nghệ, quản lý họ, lôi cuốn họ vào công việc, cùng với họ ra báo dịch sách và đưa họ đi tham gia các chiến dịch cho đến ngày theo chân các đoàn quân về giải phóng thủ đô 10 / 1954.
Mặc dù về sau còn được giao phó nhiều trọng trách khác trên các lĩnh vực tư tưởng và có khi cả kinh tế, song không bao giờ Tố Hữu rời bỏ công tác văn nghệ, mảnh đất đã giúp ông xây dựng sự nghiệp chính trị. Với ông những câu “ văn nghệ phục vụ chính trị “ hoặc “ văn nghệ cũng là một mặt trận “ không chỉ là khẩu hiệu mà là quan niệm có thể và cần phải được hiện thực hoá hàng ngày.
Sau kháng chiến chống Pháp, ông kiên định trong việc chỉ đạo từ vụ Nhân văn giai phẩm tới các cuộc chống xét lại cũng như giáo điều trước chiến tranh, để rồi tiếp tục huy động một cách rất thành công sự đóng góp của giới văn nghệ trong những năm chống Mỹ.
Tình thương mến, tình nghĩa, thuỷ chung... là những điều thường được ông nhắc lại nhiều hơn cả khi tiếp xúc với những con người làm việc trên lĩnh vực nhạy cảm này. Ông hiểu rất rõ chỗ mạnh chỗ yếu của họ. Khi nâng niu trân trọng lúc yêu cầu se sắt gắt gao, ông biết cách làm cho mỗi người trong họ có được kết quả cụ thể trong công việc.
Với sự nhạy cảm tuyệt vời của một nghệ sĩ, ông hình thành được một đội ngũ những người cộng sự trung thành, từ Nguyễn Đình Thi tới Chế Lan Viên, từ Hà Xuân Trường tới Bảo Định Giang... và nhờ thế có tiếng nói quyết định trong các vấn đề trọng yếu của văn nghệ ngay cả khi đã quá bận bịu vì những công việc to lớn khác.
Tinh thần cách mạng, tinh thần sáng nghiệp sử ( khai phá một con đường đi mới dám làm những việc xưa nay chưa ai từng làm ) cũng được Tố Hữu quán xuyến trong khâu xây dựng một quan niệm mới về văn nghệ. Cách mạng cần động viên tinh thần chiến đấu của công nhân nông dân ? Thì ông lo đào tạo những người sáng tác xuất thân từ công nông và nhất là lo có những tác phẩm giản dị, tự nhiên mà công nông có thể hiểu được. Những chuẩn mực của nền văn nghệ cũ tỏ ra không thích hợp với yêu cầu cấp bách của cách mạng ? Thì chúng phải bị gạt bỏ để thay thế bằng những chuẩn mực mới. Điểm xuất phát của những chuẩn mực vừa hình thành này là dễ làm nhiều người có thể làm, dễ hiểu và không ai có thể hiểu sai, bởi đây là một nền văn nghệ thuộc về nhân dân lao động.
Câu chuyện về thị hiếu về cái gout mà trên đây Xuân Diệu đã kể nhân bài thơ Viếng bạn của Hoàng Lộc mang một tinh thần như vậy. Có thể nói Tố Hữu đã làm những việc này với một niềm tin kỳ lạ. Ông không truy tìm những công việc có ý nghĩa lý luận thuần tuý. Những đúc kết của ông là đơn giản thiết thực dễ kiểm tra dễ theo dõi xem nó đã được quán triệt đến đâu, do đó nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Những chuẩn mực mới này cố nhiên cũng là điều được Tố Hữu theo đuổi trong sáng tác thơ ( một việc mà gần như không bao giờ ông có điều kiện dành toàn bộ công sức song cũng không bao giờ xao nhãng ). Ở đây có thể nói tới một sự gặp gỡ tự nhiên giữa kiểu tài năng thơ ở ông và những gì ông tin theo và muốn mọi người cùng tin theo.
(Tôi vẫn nhớ một ý của Lê Đình Kỵ đánh giá Ba mươi năm đời ta có Đảng: Đó là một kiệt tác của thể diễn ca)*
Một điều có thể chắc chắn, chẳng những thơ Tố Hữu mãi mãi là bằng chứng của một thời đại trong văn nghệ mà cái cơ chế văn nghệ do ông thiết kế còn tồn tại dai dẳng và những tư tưởng lý luận của ông còn tiếp tục chi phối đời sống văn nghệ trong những năm sau khi ông đã qua đời.Chúng ta có thể chán nó, chê trách nó, muốn thoát khỏi nó, nhưng không thể phủ nhận là đã có nó, nó có lúc là một bộ phận trong gia tài tinh thần của mỗi người làm văn chương nghệ thuật thời nay.
Theo nghĩa ấy, tất cả chúng tôi không ít thì nhiều đều là trong bàn tay nhào nặn của Tố Hữu. Và đến lượt mình, chính ông cũng chỉ là một công cụ của lịch sử.*

Viết lần đầu 12-2002
 *Những doạn nhấn mạnh mới bổ sung 4-10-2010


HAI BÀI THƠ TỐ HỮU 

Sau đây là hai bài thơ Tố Hữu viết về Triều Tiên, bọn học sinh cấp II ( trung học cơ sở ) chúng tôi được học trong chương trình chính khóa mấy năm 1956-57 ở Hà Nội, nhưng lại không thấy in trong các tập thơ của tác giả. Tôi ghi theo trí nhớ, nên có thể có khiếm khuyết, mong được lượng thứ. 


Em bé Triều Tiên
Em bé Triều Tiên ơi
Mẹ của em đâu rồi ?

Có ai đây mà hỏi
Giặc bốn bề lửa khói 

Mẹ của em đấy ư ?
Cái thân trắng lắc lư 
Đầu dây treo lủng lẳng

Cha của em đấy ư?
Cái đầu lâu rũ tóc 
Máu chảy dài thân cọc

Không, không phải em ơi
Mẹ của em đây rồi 
Mẹ em đây 
Người dân công tải đạn
Mẹ em đây người nữ cứu thương 

Cha em đây giữa chiến trường 
Mặt đen khói đạn chặn đường giặc lui.

Anh Chí nguyện 
Con Bác Mao đã đến 
Anh đã đến
Với cha em giết hết loài man rợ 
Cho mẹ em xây lại tổ mềm
Cho em sướng cho em ca múa
Trên đồng hoa bãi lúa
Nhịp sống vui muôn thuở của Triều Tiên

Bé em ơi, giữa súng rền
Ngày mai tươi mát hát trên đất Triều!

Việt Nam – Triều Tiên
Việt Nam với Triều Tiên
Ta là hai anh em
Sinh đôi cùng một mẹ
Thương nhau từ thuở bé
Nay đều khỏe lớn lên

Việt Nam với Triều Tiên 
Ta thành hai đồng chí 
Ta thành hai anh hùng 
Ta thành hai chiến lũy
Cùng bảo vệ hòa bình 
Kim Nhật Thành—Hồ Chí Minh
Hai chúng ta là một
Qua Trung Hoa ta như liền khúc ruột
Với Liên xô ta chung một mái nhà

Bây giờ ta đến thăm ta
Nhìn nhau khóe mắt mầu da thân tình

Cây thông xanh Triều Tiên cháy xém 
Thương cây tre Việt Nam giặc chém
Cây thông xanh nhựa chẩy ròng ròng 
Thương cây tre đứt ruột đứt lòng

Nhưng chúng ta quyết không khuất phục
Chúng ta không một lúc cúi đầu

Chúng ta chiến đấu bên nhau
Tâm giao một tổ trước sau một đường

Ta quyết giữ quê hương Triều Việt 
Cho chúng ta cho cả loài người
Quang vinh Việt Bắc Tháp Mười
Quang vinh Trường Bạch đỉnh đồi Thượng Cam 

Triều Tiên với Việt Nam anh dũng 
Đất nước ta dù im tiếng súng 
Đường bạn còn đi tới Tế Châu
Đường chúng tôi còn tới Cà Mâu 
Ta lại bước bên nhau lại bước
Như giông tố không thể nào ngăn được.

Bây giờ ta với ta đây 
Triều Tiên với Việt Nam anh dũng 
Hôm nay hãy hôn đôi bàn tay
Hôm nay hãy hôn đôi nòng súng 
Giữ hòa bình Tổ quốc chúng ta 
Và ngàn năm Triều Việt một nhà.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ở Việt Nam, có tài sản thì khỏi cần… tài

Tác giả: Ngô Đồng Thu

KDĐọc bài này, mình nhớ đến cách ít năm, một nữ nhà báo Nga trong một bài tham luận tại một hội thảo, đã chứng minh sự  khác nhau giữa các đại gia Việt (còn trẻ) ở nước ngoài về vốn đầu tư. Đó là các đại gia người Việt, tiền đầu tư cho kinh doanh ở nước ngoài hầu hết đều là tiền từ VN chuyển sang. Trong khi các đại gia “bản địa” phải tích cóp mồ hôi nước mắt của họ, mới nên.
Nếu không thay đổi các chính sách thuế cho phù hợp, nhà nước không điều tiết được công bằng về cơ hội, dân sẽ có chỗ giàu, chỗ nghèo, nhưng chỗ nào cũng thiếu động lực.
Đất đai – chuyện nước Mỹ và Việt Nam
Năm ngoái, dư luận Việt Nam xôn xao trước tin doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua được cả một thị trấn của Mỹ với giá chỉ khoảng 900.000 USD.
Người viết bài này cũng từng có dịp đi nghiên cứu tại Mỹ, thấy nhà cửa, đất đai rẻ quá, nổi máu “tư hữu”, cũng định mua chơi. Nghiên cứu lại luật Mỹ, hoảng, bỏ của chạy lấy người.
Một người lười, từ bất cứ nơi nào, sang Mỹ nếu có tài sản bắt buộc phải chăm chỉ trở lại, không phải vì chuyển biến về đạo đức mà chỉ đơn giản là vì… thuế. Kể từ ngày có tài sản, người chủ sẽ phải nai lưng ra làm việc để nộp thuế cho ngân khố quốc gia, nếu không sẽ lại phải chuyển nhượng cho người khác hoặc phá sản.
Thuế bất động sản, thuế môi trường và nhiều, rất nhiều phiền toái, nghĩa vụ khác khi có nhà “của mình”. Có thừa nhà, không ở, mà không có ai thuê thì còn lo hơn nhiều, vì thuế đánh vào nhà bỏ hoang cao hơn nhà có người ở.
Những tỷ phú Mỹ sở hữu các vùng đất rộng lớn thật là những người yêu đất nước vì đã phải thay chính phủ quản lý, duy trì phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường và nộp thuế đầy đủ. Không phải ai cũng có đủ tiềm lực kinh tế và dũng khí để gánh vác.
So sánh mới thấy, ở Mỹ, đất đai, nhà cửa mua rẻ, nhưng chi phí sử dụng đắt. Còn ở Việt Nam, ngược lại, do chi phí sử dụng quá rẻ (không thuế hoặc thuế quá thấp) nên lại phải mua đắt.
Dân Mỹ càng không thích giá bất động sản cao, cơ hội có nhà càng xa vời, cơ hội phá sản lại hiện hữu. Còn đầu cơ thì có lúc thắng lúc thua nhưng lúc nào cũng “béo” nhà nước, ai cũng ngại.
Còn ở Việt Nam, nếu có tài sản thì không cần phải tài, không phải chăm chỉ nữa. Mở mắt ra là có tiền. Đóng góp vào ngân khố hầu như bằng không, thậm chí còn muốn “véo” vào ngân sách, muốn thêm nhiều ưu đãi, nhiều hơn nữa để nuôi tài sản cho mình!
Do đó, nếu không thay đổi các chính sách thuế cho phù hợp, nhà nước không điều tiết được công bằng về cơ hội, dân sẽ có chỗ giàu, chỗ nghèo, nhưng chỗ nào cũng thiếu động lực. Vì người giàu thì lười, người nghèo thì chán, nước sẽ không mạnh còn quốc gia cứ nghèo, nghèo mãi.
đất đai, luật đất đai, trưng thu, trưng mua, biệt thự, tỷ phú, đại gia, Hiến pháp, quyền định đoạt
Đất đai ở VN mua đắt, phí sử dụng rẻ. Ảnh minh họa
Hệ lụy từ thiếu minh bạch
Trên thế giới, đất đai công thổ là chuyện đương nhiên, ghi danh thế nào thì cũng cùng một nguyên tắc. Chủ đất (tư hữu hay công hữu), dù gọi bằng tên gì, về chủ quyền (quản lý, sở hữu hay sử dụng) cũng phải tuân thủ luật pháp mà bảo tồn cương vực, lãnh thổ quốc gia, không có tổ chức cá nhân nào được tùy tiện bán, cho, chuyển nhượng sang quốc gia khác, vì đó là tội phản quốc.
Xem xét một cách công bằng, quyền sử dụng đất của ta đã tương đương với các quyền sở hữu tài sản (quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất)[1] theo nghĩa phổ biến tại các quốc gia khác.
Riêng quyền định đoạt thì ở quốc gia nào cũng chỉ có nghĩa tượng trưng, không ở đâu người dân lại có quyền tùy ý muốn làm gì thì làm. Các nước đều có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do nhà nước phê duyệt.
Thủ tục quy hoạch ở các nước tiên tiến (cộng hòa, dân chủ) còn chặt chẽ hơn ở ta vì ngay chính quyền cũng không được tùy thích làm theo ý mình mà chỉ cộng đồng mới có quyền quyết định có hay không.
Việc thu hồi, đền bù, giá đất, khiếu kiện, cùng những hệ lụy khác ở Việt Nam tiếc thay không phải từ chuyện sở hữu toàn dân hay đa sở hữu, mà ở chuyện khác.
Hiện tượng lạm quyền, thiếu minh bạch, thiếu công khai, dân chủ (hay còn gọi là dân chủ cho có); Chất lượng quy hoạch thấp, thiếu luận cứ, thiếu thực tiễn, duy ý chí, tùy tiện áp đặt theo ý kiến chủ quan của một số cá nhân có chức có quyền, xa dân mới là nguyên nhân chủ yếu.
Trong xu thế hiện đại hóa nông nghiệp, càng ngày số lao động dành cho nông nghiệp sẽ giảm dần. Tại Đông Âu, đã có hiện tượng phổ biến là đất đai nông nghiệp bỏ hoang, nông thôn không có người ở, giới trẻ bỏ ra thành phố hết. Đất đai nông nghiệp, nông thôn muốn cho muốn tặng cũng không ai mặn mà.
Tại Hoa Kỳ, hiện có khoảng 83 % dân số sống trong 361 vùng đô thị và nền nông nghiệp nước này sử dụng chưa đến 1% số lao động của cả nước.
Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa vào năm 2010 là 30,4%; năm 2025 dự báo là 40,5%; đến năm 2050 là 59,0%, tức gần gấp đôi sau 40 năm [2].
Trong xu thế chung về hiện đại hóa nông nghiệp, lượng lao động nông nghiệp sẽ được giải phóng, trong vòng 40 năm tới phải tạo ra tối thiểu khoảng 30 triệu chỗ ở trong đô thị, 15 triệu việc làm phi nông nghiệp. Như vậy, mỗi năm cần khoảng 1 triệu chỗ ở đô thị và khoảng 500 ngàn việc làm phi nông nghiệp. Đô thị hóa, công nghiệp hóa là đương nhiên.
Đây là một thách thức song cũng là một thực tế phát triển. Không thể lảng tránh việc sẽ phải trưng thu, trưng dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Phát triển, song phải làm sao dân có hạnh phúc, “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì ngay trong Hiến pháp và luật đất đai đã phải thể hiện được điều này.
Giải pháp nào cho vấn đề đất đai?
Những đề xuất mà chúng tôi nêu ra ở đây trên cơ sở tham khảo các bản hiến pháp của các nước trong “Tuyển tập hiến pháp một số nước trên thế giới” – Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội. Kế thừa và tiếp nhận những kỹ thuật viết hiến pháp cho phù hợp, trong các nội dung về tài nguyên đất đai cần chú ý ba nội dung sau đây:
Một là: Hiến pháp đã khẳng định việc sở hữu toàn dân thì trong việc thể hiện tương ứng các quyền định đoạt (thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), quyền có cơ hội tiếp cận, giám sát việc sử dụng đất đai của (chủ nhân) toàn dân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, công khai và minh bạch;
Hai là: Nhà nước có thể trưng thu, trưng dụng đất đai trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. (Chúng tôi dùng cụm từ “trưng thu”, “trưng dụng” thay cho “thu hồi”, đảo lại mệnh đề, đưa cụm từ “vì lợi ích quốc gia”, “công cộng” làm chủ thể tối thượng);
Ba là: Sau khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, cần phải bổ sung các đạo luật về thuế tài nguyên, thuế tài sản, thuế bất động sản theo thông lệ quốc tế để đảm bảo sự công bằng, chống đầu cơ, khuyến khích người dân chăm chỉ làm việc, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu chủ đạo, tăng cường sức mạnh quốc gia bền vững, dài lâu.
———–

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gót chân Asin của Trung Quốc ở Đông Nam Á


Ease Asia Forum 
Tác giả: Benjamin Schreer, ASPI
Người dịch: Huỳnh Phan
01-11-2013
Bình luận gần đây về việc Tổng thống Barack Obama hủy bỏ vào phút cuối chuyến đi của ông đến cuộc họp APEC tại Bali và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei phản ánh áp đảo lối suy nghĩ cổ điển ‘tổng bằng không’. Dư luận chung là tính đáng tin của việc Mỹ ‘xoay trục’ đã bị xói mòn nhiều thêm nữa, và rằng Trung Quốc đã sử dụng sự vắng mặt của Obama để củng cố vị trí của mình với các quốc gia ASEAN.
Tuy nhiên, chính trị quốc tế hầu như không theo động lực nhị phân như vậy. Trên thực tế, vì nhiều lý do, mục tiêu của Bắc Kinh nhằm tăng cường vị thế của mình trong khu vực Đông Nam Á với cái giá mà Washington phải chịu rất có nhiều khả năng thất bại. Thứ nhất, các nhà lãnh đạo khu vực đều hiểu rất rõ rằng chuyến đi Đông Nam Á của Tổng thống bị hủy không đồng nghĩa với một sự thay đổi trong chiến lược châu Á của Hoa Kỳ. Các cường quốc khu vực chính như Malaysia và Indonesia thừa nhận việc Obama ở nhà là chuyện bắt buộc. Thay vào đó, Ngoại trưởng John Kerry đã tham dự cả hai cuộc họp và đã đưa ra thông điệp chính mà các nước Đông Nam Á muốn nghe: Mỹ hy vọng Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông một cách hòa bình.
Thứ hai, thông điệp này làm lộ gót chân Asin của Trung Quốc ở Đông Nam Á: trong khi các nước ASEAN có tranh chấp đang mong muốn đàm phán, Bắc Kinh lại không sẵn sàng thỏa hiệp về chủ quyền lãnh thổ quá đáng của nước này ở Biển Đông. Tại Brunei, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không những lặp lại rằng Bắc Kinh có ‘các quyền không thể tranh cãi’ bên trong đường ‘chín đoạn’ mà ông còn cảnh báo các nước không trực tiếp có dính dáng, kể cả Úc và Nhật Bản, phải đứng ngoài các tranh chấp này. Như vậy, Trung Quốc không đạt được nhiều tiến bộ trong việc thuyết phục các nước Đông Nam Á về thiện ý của mình. Nói một cách đơn giản, hành vi quyết đoán của họ trong Biển Đông đã gây ra hao hụt hầu như khó khôi phục về lòng tin giữa Bắc Kinh và các nước ASEAN. Nó cũng mở ra một con đường cho các đấu thủ bên ngoài như Ấn Độ và Nhật Bản tăng cường vai trò an ninh ở Đông Nam Á. 
Thứ ba, kết quả là một số quốc gia Đông Nam Á tỏ dấu hiệu về hành vi ‘cân bằng bên trong’ và ‘bên ngoài’ chống lại Trung Quốc. Với hậu thuẫn chủ yếu của Nga, Việt Nam đang phát triển các thành phần khả năng ‘chống tiếp cận/ từ chối khu vực’ (anti-access/area-denial – A2/AD) để bù vào việc tăng cường lực lượng biển trong khu vực của Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ lo lắng về vấn đề an ninh nội bộ, Philippines đang cố gắng xây dựng một vị thế ‘phòng thủ đáng tin tối thiểu’ chống Trung Quốc. Những nước khác rõ ràng đang tìm cách che chắn khả năng có căng thẳng nhiều hơn ở Biển Đông. Chẳng hạn, Singapore mời Mỹ triển khai bốn tàu chiến ven biển. Họ cũng có khả năng chọn máy bay Joint Strike Fighter làm máy bay chiến đấu kế tiếp của mình, điều này sẽ tăng cường việc hợp tác quân sự với Mỹ. 
Thứ tư, các diễn giải cho rằng sự vắng mặt của Obama là bằng chứng cho sự thiếu chuyên tâm về tái cân bằng là có vấn đề. Có hai lập luận chính thường được đưa ra. Một là Washington đang quá bận rộn với Trung Đông và hai là Hoa Kỳ không còn tiền để tài trợ cho việc chuyển trục về châu Á – Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc. Lập luận đầu không nhận thấy được rằng Mỹ vẫn còn là một cường quốc toàn cầu với trách nhiệm toàn cầu – đơn giản là vì phát biểu gần đây của ông Obama trước Đại hội đồng LHQ đề cập quá ít về châu Á – Thái Bình Dương so với Trung Đông không có nghĩa là Mỹ đột nhiên thiếu quan tâm đối với châu Á. 
Lập luận thứ hai cũng không thuyết phục. Mặc dù có sức ép lên ngân sách quốc phòng của Mỹ, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục chuyển các hệ thống quân sự quan trọng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hồi đầu tháng 10, các quan chức Mỹ đã thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ triển khai máy bay dọ thám không người lái Global Hawk đến Nhật Bản vào đầu năm 2014. Và vào năm 2017 thủy quân lục chiến sẽ bắt đầu triển khai F – 35B tới Nhật Bản, đánh dấu sự triển khai máy bay chiến đấu Joint Strike lần đầu bên ngoài nước Mỹ. Ngoài ra, Thủy quân Lục chiến Mỹ đang xây dựng một căn cứ chỉ huy cao cấp mới trên đảo Palawan ở Philippines để giám sát Biển Đông. Đường băng trên đảo sẽ được nâng cấp để có thể phục vụ việc không vận chiến lược của Mỹ (và có khả năng cho máy bay chiến đấu). Nói cách khác, Philippines là bước mới nhất trong chiến lược của Mỹ để tăng cường sự hiện diện luân phiên của thủy quân lục chiến trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, làm phức tạp đáng kể kế hoạch hoạt động quân sự của Trung Quốc. 
Cuối cùng, các đồng minh của Mỹ có vẻ sẵn sàng gánh vác nhiều hơn để hậu thuẫn việc xoay trục của Mỹ. Úc là một ví dụ. Thủ tướng Abbott vừa công bố quyết định của Chính phủ Úc chia sẻ chi phí tài chính cho sự hiện diện tăng cường của Thuỷ quân Lục chiến Mỹ ở Bắc Úc. Đồng thời, cách tiếp cận nồng nhiệt của ông với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản – đồng minh châu Á quan trọng khác của Mỹ – tại hội nghị thượng đỉnh, bao gồm việc thừa nhận rằng Tokyo cần phải đóng vai trò an ninh khu vực tích cực hơn, đã làm ông nhận lãnh nhiều nhận xét gay gắt tại Bắc Kinh. 
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Úc, các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của Mỹ hiện nay đang trong tiến trình chống Trung Quốc. Nhưng họ có một lợi ích cốt lõi trong việc duy trì sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và có nhận thức sâu sắc về thời điểm bước vào vị trí. Trung Quốc còn quá xa mới tới chỗ làm suy sụp vị thế của Mỹ ở Đông Nam Á.
Benjamin Schreer là một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI). 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Khi ‘đất nước’ lười đọc




Thiện Ngộ - Nguyễn Quốc Bữu
Thị trường sách Việt đang phát triển như vũ bão với nhiều đầu sách ra trong một tháng. Sách là kho tàng tri thức mà ở đó, thông qua ngòi bút, tác giả muốn truyền tải một thông điệp nào đó đến với người đọc.

Văn hóa đọc sách trong nước

Ngày xưa, đọc sách là một cái thú. Với người xưa, đọc sách chính là thưởng thức, cả về nội dung lẫn hình thức. Bởi trước kia, kỹ thuật in ấn còn hạn chế, mỗi cuốn sách được ra đời là cả một công trình tâm huyết. Chính vì việc ra sách khó khăn nên các tác giả càng chăm chút nội dung, người làm sách cũng cẩn thận trong công việc của mình, đặc biệt là khâu biên tập. Còn ngày nay, sách ra nhan nhản, đến độ những người làm trong ngành kiểm định xuất bản cũng không thể nào nhớ hết số lượng sách được cấp phép trong một tháng.

Việc cấp phép xuất bản ngày nay đơn giản hơn, điều đó có cả lợi lẫn hại. Điểm lợi là các tác giả dễ dàng đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Hại là đã có không ít cuốn sách có những nội dung phản cảm, nhảm nhí, khi ra thị trường thì độc giả mới tá hỏa về nội dung lẫn hình thức. Nhiều cuốn sách chỉ mới ra thị trường được vài tháng rồi bị đình chỉ phát hành, thu hồi cũng vì vậy.

Thường thì độc giả chọn sách theo sở thích của mình. Nhưng chẳng mấy ai có đủ thời gian để dạo các nhà sách, đọc thử và tìm một cuốn sách phù hợp. Do đó, hầu như việc mua sách đều dựa những bài review (phê bình) sách trên báo chí.

Ở Việt Nam ngày nay, người ta thích đọc báo hơn đọc sách. Nhất là trong những năm trở lại đây, người ta chuộng báo mạng hơn báo giấy. Và dù vô tình hay hữu ý thì chuyên trang văn hóa – văn nghệ của các tờ báo chính là trang điểm sách dành cho những người thích đọc.

Tôi để ý thấy các tựa sách bán chạy trên thị trường đều là những cuốn sách được chăm chút kỹ về truyền thông, nói theo thuật ngữ chuyên ngành là PR. Những cuốn sách ấy được hậu thuẫn bởi các công ty sách, được quảng bá ầm ĩ, thậm chí có không ít scandal đi kèm. Tin bài về văn hóa – văn nghệ của mỗi tờ báo trong một số đều có hạn mức nhất định, mà các tin bài có “dấu hiệu” PR kia thì rất nhiều, khiến cho các bài review sách chân chính càng ít đi.

Tôi thấy không thiếu những cuốn sách về khoa học, khảo cứu, lịch sử, văn hóa, học làm người… được xuất bản nhưng tin bài về những cuốn sách như thế thường vắng bóng trên các báo, hoặc nếu có cũng chỉ xuất hiện dưới dạng tin ngắn.

Những người từ trung niên trở lên thường bận bịu với công việc và gia đình, có nhiều người còn kém thị lực nên họ cũng ít đọc dần theo độ tuổi. Báo chí lại càng ít giới thiệu các tựa sách mới thuộc thể loại họ quan tâm, nên lớp độc giả này càng ngày càng ít đi. Còn giới thanh niên hiện nay, tôi thấy họ chuộng các loại sách ngôn tình, diễm tình… Có lẽ loại sách này phù hợp với lứa tuổi họ. Tuy nhiên, sở thích này theo tôi cũng bị ảnh hưởng không ít bởi việc truyền thông quá tập trung về loại sách này.

Thanh niên chính là đối tượng có sức đọc mạnh nhất. Việc truyền thông quá tập trung vào một loại sách nào đó đã vô tình định hướng thói quen đọc sách của họ. Bởi trong văn hóa đọc, người ta cũng nên đa chiều, đọc nhiều loại sách để mở mang kiến thức, mà theo tôi truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn người đọc.

Đến các cây bút cũng lười đọc!

Việt Nam được xem là một xứ thơ, bởi đa số những người có một vốn chữ nghĩa nhất định đều có thể làm thơ, đặc biệt hơn vì nước ta là nơi xuất phát của thể thơ lục bát. Nhưng tôi để ý thấy nhiều cây bút rất lười đọc. Thường thì họ chỉ lo viết. Còn việc mua sách để đọc thì càng ít hơn. Họa may, năm ba dịp, khi bạn bè xuất bản tập thơ hay tập truyện mang tặng thì họ mới dành thời gian để đọc.

Tôi có nhiều người bạn nước ngoài, họ rất chú trọng vào việc đọc sách. Họ thường mang theo sách bên mình và khi có thời gian là đọc. Đối với họ, đọc sách là một thói quen, và họ rất coi trọng thói quen này. Bởi theo họ, càng đọc nhiều thì càng biết nhiều, càng mở mang kiến thức.

Quay lại các cây bút trong nước, việc ít đọc mà chỉ tập trung sáng tác theo tôi có một cái hại. Đó là họ sẽ bị bó cứng trong tư tưởng của mình, lâu dần sẽ dẫn đến thói bảo thủ trong cách viết, cách nghĩ. Thật ra, vừa viết vừa đọc mới là điều tốt cho các tác giả. Điều này khiến họ đón nhận được nhiều tư tưởng khác biệt, học hỏi thêm nhiều kỹ năng viết, nảy sinh nhiều ý tưởng hay.

Như các bạn bè trong giới văn nghệ, tôi cũng sáng tác. Nhưng tôi cũng thường có thói quen review sách trên trang facebook cá nhân của mình. Tức là mỗi khi đọc xong một cuốn sách hay thì tôi sẽ viết một bài để giới thiệu về cuốn sách đó. Nếu nhiều người cũng làm việc này thì sẽ góp một phần không nhỏ cho việc tiếp cận sách hay của độc giả thêm dễ dàng.

Khi xã hội ngày càng phát triển, con người càng có ít thời gian để đọc, thì báo chí chính là nơi cần có những bài viết review sách chuyên nghiệp với đa dạng các thể loại để độc giả dễ dàng tiếp cận hơn.

Một khi văn hóa đọc của mỗi cá nhân, suy rộng ra là của toàn dân tộc, càng phát triển thì văn hóa của dân tộc mới phát triển vững chắc được. Bởi càng đọc, người ta càng suy nghĩ chín chắn hơn, càng quyết định kỹ càng hơn trong công việc cũng như cuộc sống.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Làn sóng sám hối về Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc

Nhằm nhắc nhở thế hệ trẻ không được quên bài học lịch sử, nhiều cựu Hồng vệ binh ở Trung Quốc đã công khai xin lỗi về thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976).
Vào một buổi sáng tháng 10.2013, Trần Tiểu Lỗ, con trai út của Nguyên soái Trung Quốc Trần Nghị, tổ chức cuộc gặp gỡ với 8 giáo viên và 14 bạn học cũ. Không giống những buổi họp lớp thường tràn ngập niềm vui pha lẫn cảm xúc bồi hồi về những ngày tháng xưa, cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí u sầu và ảm đạm. Đó là cuộc gặp của sự ăn năn và tha thứ.

Nước mắt Hồng vệ binh



Tổn thất của Cách mạng Văn hóa
Theo một bài báo năm 2008 của tờ Học Tập thời báo, ấn phẩm của Trường Đảng trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, biến loạn Cách mạng Văn hóa khiến 2,3 triệu quan chức bị điều tra, gây ra cái chết cho một số lãnh đạo hàng đầu như Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và Nguyên soái Bành Đức Hoài. Phong trào cũng gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 500 tỉ nhân dân tệ (81,9 tỉ USD). Theo Hoàn Cầu thời báo, dư luận Trung Quốc hiện vẫn còn chia rẽ về thời kỳ này - một số người ca ngợi Cách mạng Văn hóa trong khi số khác lên án.

Với tư cách Chủ tịch Hội Cựu học sinh giai đoạn 1966 -1968 tại Trường trung học Bắc Kinh số 8, Trần Tiểu Lỗ (67 tuổi) đứng dậy, cúi đầu và đại diện cho các học sinh nói lời xin lỗi vì làm nhục và đánh đập thầy cô giáo trong thời Cách mạng Văn hóa. Các cựu học sinh khác cũng làm theo Trần. Những lời nói hối hận hòa lẫn với ngôn từ an ủi và nước mắt tuôn tràn trên các khuôn mặt. Theo tờChina Daily, trước khi tổ chức cuộc gặp, Trần đã đăng tải lời xin lỗi trên trang blog của nhóm cựu học sinh vì “trách nhiệm trực tiếp trong việc lên án và đưa nhiều người đến trại cải tạo”. Theo ông Trần, lời xin lỗi tận đáy lòng của ông với các thầy cô và bạn cũ “dù muộn nhưng cần thiết”.

Ngày 8.8.1966, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông quyết định phát động cuộc Cách mạng Văn hóa (tên gọi chính thức là Đại cách mạng văn hóa giai cấp vô sản), một phong trào trên toàn quốc đã mang lại khổ đau về tinh thần và thể xác cho hàng triệu người. Là con trai của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trần Nghị, Trần Tiểu Lỗ từng làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng của Trường trung học Bắc Kinh số 8, ngôi trường dành cho con cái của các lãnh đạo cao cấp.

Phong trào tại trường của Trần đã khiến hai giáo viên tự tử và một người bị tàn tật. Trần Tiểu Lỗ kể rằng do sợ bị quy kết phản cách mạng, ông đã “tích cực tham gia” trong giai đoạn đầu và “không đủ can đảm để dừng những hành động phi nhân” khi mọi thứ bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát. “Đó là khoảng thời gian khủng khiếp. Lời xin lỗi chính thức của tôi đến quá muộn nhưng đó là điều tôi phải làm vì sự thanh thản tâm hồn, sự phát triển của xã hội và tương lai đất nước”, tờ China Daily dẫn lời ông Trần.

Trần Tiểu Lỗ không phải là Hồng vệ binh duy nhất bày tỏ sự ăn năn về thời Cách mạng Văn hóa mặc dù thân thế ông bảo chứng cho sự quan tâm của truyền thông nhà nước ở Trung Quốc. Vào tháng 6, Lưu Bá Cần, cựu quan chức văn hóa ở thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông, châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt về Cách mạng Văn hóa trên internet khi công khai xin lỗi về vụ vây ráp nhà một người bạn học vào năm 1966. Việc bị cuốn đi bởi không khí Cách mạng Văn hóa không thể biện hộ cho “các hành động xấu xa” mà tôi là “một cá nhân chịu trách nhiệm”, Lưu viết trên tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu. Một tháng sau, một cựu Hồng vệ binh khác tên Trương Hồng Binh (67 tuổi) công khai bày tỏ sự ăn năn về cái chết của mẹ mình, người bị xử bắn vì nói xấu Mao Trạch Đông ở nhà. Chính Trương cùng cha mình đã tố cáo việc này với nhà chức trách. “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho mình”, Trương nói.



Hồng vệ binh
Hồng vệ binh là những thanh thiếu niên ở Trung Quốc tôn sùng tư tưởng Mao Trạch Đông, được sử dụng để thanh trừng bè phái, tra tấn và bức hại những quan chức và dân thường tỏ ra thiếu tin tưởng vào Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa. Đơn vị Hồng vệ binh đầu tiên được thành lập tại Đại học Thanh Hoa vào tháng 5.1966. Các Hồng vệ binh được kêu gọi đứng lên đả phá những giáo viên trong trường. Toàn bộ trường học ở Trung Quốc bị các đơn vị Hồng vệ binh đóng cửa và phong trào nhanh chóng lan từ các lớp học ra đường phố. Sau này, những người Trung Quốc ở tuổi 15 đến 25 trong thời Cách mạng Văn hóa thường được gọi là “Thế hệ bỏ đi” vì học hành dang dở.

Đánh giá lại Cách mạng Văn hóa
Tranh cãi về việc xét lại toàn diện Cách mạng Văn hóa cũng được xới lại vào tháng 4, khi một cụ già họ Khâu ngoài 80 tuổi bị tòa án ở tỉnh Chiết Giang kết án 3 năm rưỡi tù giam vì tội giết một bác sĩ năm 1967. Khi cáo trạng được đưa ra vào thập niên 1980, Khâu đã bỏ trốn và mới bị bắt hồi năm ngoái. Vụ xử án làm dấy lên các phản ứng trái chiều tại Trung Quốc. “Việc quy trách nhiệm cho các cá nhân trong giai đoạn khi hệ thống pháp lý gần như không hiện hữu là không đúng. Cả thủ phạm và nạn nhân đã bị hy sinh bởi các phe phái chính trị trong thời kỳ đó”, ông Vương Thuận An, Trưởng khoa Tội phạm học thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc nói với tờ Hoàn Cầu thời báo.

Vào năm 1981, đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức công nhận Cách mạng Văn hóa là một sai lầm, một thời kỳ “hỗn loạn đặt ra thử thách cam go với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc”. Dù thừa nhận trách nhiệm của Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng phong trào “bị thao túng bởi những bè lũ phản cách mạng Lâm Bưu và Giang Thanh”. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa đưa ra kết luận cặn kẽ và thấu đáo về phong trào và hiếm khi có các phát biểu chính thức về thời kỳ này, theo tờ Hoàn Cầu thời báo.
Dẫu vậy, trong cuộc họp báo cuối cùng trước khi về hưu vào tháng 3 năm ngoái, nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo những ảnh hưởng còn sót lại của Cách mạng Văn hóa vẫn hiện hữu và các bi kịch lịch sử tương tự có thể tái diễn nếu đất nước không hướng đến cải cách chính trị. Phát biểu của ông Ôn Gia Bảo được cho là ám chỉ đến những nỗ lực khôi phục “văn hóa đỏ” của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người vừa bị tuyên án chung thân hồi cuối tháng 9 về tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm quyền. Theo ông Lưu Sơn Ưng, nhà nghiên cứu chính trị tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, sự đồng thuận về Cách mạng Văn hóa mà các lãnh đạo Trung Quốc đạt được từ thập niên 1980 vẫn được áp dụng đến nay. Lịch sử, nếu được ghi lại một cách trung thực, sẽ luôn có tác dụng như bài học răn đe, tờ China Daily dẫn lời Lưu.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sợ sụp đổ, lãnh đạo Trung Quốc đọc sách về Liên Xô



Lê Trí



Để thể hiện một hình ảnh “gần dân” hơn nữa của các nhà lãnh đạo quốc gia, mới đây trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã quyết định cho công bố danh sách những cuốn sách mà những người đứng đầu bộ máy chính quyền nước này quan tâm nhất và tìm đọc nhiều nhất.


“Thế giới phẳng” của Thomas Friendman là cuốn sách duy nhất có tác giả là người nước ngoài lọt vào top 10 cuốn sách được giới lãnh đạo Trung Quốc ưa thích.



Nhìn vào bản danh sách những cuốn sách “phổ biến nhất”, người ta có thể phát hiện ra một số điểm thú vị. Trước hết, đó là thói quen đọc các cuốn sách về thành tựu trong quá khứ của Trung Quốc và các đảng Cộng sản khác trên thế giới. Đặc biệt, cuốn sách mà cả Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhiều nhà lãnh đạo Đảng, chính phủ Trung Quốc khác đều đọc rất kỹ và được coi là cuốn sách “đối đầu giường” có tên: Sự trỗi dậy và diệt vong của một siêu cường. Đây là cuốn sách trình bày khá chi tiết về lịch sử phát triển, thời kỳ thịnh vượng kèm theo những nguyên nhân, quá trình sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Đối chiếu với những sự bất ổn của xã hội và kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua, và sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với cuốn sách này, có thể thấy Trung Quốc đặc biệt cảnh giác trước nguy cơ suy thoái, mất ổn định hay cải cách “chệch hướng” dẫn đến sự sụp đổ như Liên Xô trước kia.

Cũng được cho là nằm trong mối quan tâm này, và là một trong 2 cuốn sách không liên quan đến các chủ đề kinh tế, chính trị, lịch sử được các lãnh đạo Trung Quốc tìm đọc nhiều nhất là cuốn “Thế giới phẳng” của nhà báo Thomas Friendman – tác giả nổi tiếng với những bài viết và cuốn sách về đề tài toàn cầu hóa của tờ The New York Times. Đây cũng chính là cuốn sách duy nhất có tác giả là người nước ngoài lọt vào top 10 cuốn sách được giới lãnh đạo Trung Quốc ưa thích.


Cuốn "Sự trỗi dậy và diệt vong của một siêu cường" được giới lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt quan tâm.



Có thể thấy, mặc dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng giới lãnh đạo nước này vẫn đặc biệt quan tâm đến các tác động của quá trình toàn cầu hóa vào sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Cũng theo tác giả của bản báo cáo, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn đặc biệt quan tâm đến cuốn sách viết về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa có tiêu đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3” do nhà kinh tế học người Mỹ Jeremy Rifkin  viết. Tài liệu được công bố còn cho biết, ông Lý quan tâm đến cuốn sách này đến nỗi quyết không đọc bản dịch tiếng Trung mà yêu cầu các trợ lý phải tìm cho ông cuốn sách bằng tiếng Anh nguyên gốc để ông đọc và nghiên cứu.

Tuy nhiên, “Thế giới phẳng” và “Sự trỗi dậy và diệt vong của một siêu cường” chỉ là những cuốn đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5 trong số 10 cuốn sách được những người đứng đầu chính phru Trung Quốc đọc nhiều nhất. Đứng đầu danh sách là cuốn “Nỗi đau và vinh quang” của tác giả Kim Nhất Nam, Thiếu tướng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Đại học Quốc phòng Trung Quốc biên soạn, viết về lịch sử đấu tranh và nắm chính quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đứng thứ 2 là cuốn “Lịch sử 30 năm” của tác giả Wu Xiaobo, viết về các chương trình cải cách kinh tế do cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình khởi xướng và thứ ba là cuốn sách lịch sử có tên “Tăng Quốc Phiên” của tác giả Tang Haoming, nói về cuộc đời của một viên quan nổi tiếng triều Mãn Thanh...


Kể từ sau Đại hội Đảng cộng sản lần thứ 18 đến nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề cải cách đất nước trong tình hình mới.

Văn hóa đọc được xem là một phần rất quan trọng trong lịch sử ĐCS Trung Quốc. Trong những năm đầu cầm quyền, Mao Trạch Đông từng cho công bố một danh sách những tác phẩm hữu ích với người cách mạng. Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo được cho là đã đọc cuốn “Sự suy ngẫm” viết vế đề chế La Mã thời Marcus Aurelius tới hơn 100 lần và cũng nhờ sự gợi ý của ông này mà cuốn sách sau đó đã trở thành hiện tượng bán chạy nhất (best-seller) ở Trung Quốc.

Các cuốn sách còn lại trong danh sách này còn có "Cuộc đời đọc sách của Mao Trạch Đông", "Những bình luận về kinh tế Trung Quốc", "Lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc 1949 - 1978" tập 2, "Cú sốc Trung Quốc: Sự trỗi dậy của một đất nước văn minh", "Lối mòn của lịch sử: Tại sao đảng Cộng sản Trung Quốc có thể thành công".

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gửi người yêu và tin

T.H
Gửi anh,
Em sắp mất anh thật rồi. Còn có thể nói gì với anh đây?
Chủ nhật vừa rồi em đi dạo trên đúng con đường chúng ta vẫn thường đi mỗi khi anh ghé qua đây. Hoa mận vẫn trắng nguyên màu trắng ấy như hồi ta bên nhau, màu trắng dường như được mặc định để không bao giờ thay đổi. Lúc đi bên cạnh anh em không thể nào ngờ được lại sẽ có một ngày như hôm nay, em viết thư cho anh là để nói những chuyện như thế này.
Hôm qua em đọc được trên facebook một đoạn này, của một blogger vô danh, hình như anh ấy cũng là giáo viên:
Đừng sợ làm họ đau. Nếu không đau thì làm sao họ có thể thức tỉnh? Những lời ve vuốt đường mật chỉ khiến họ chìm sâu hơn vào giấc ngủ mà thôi. Và nếu tất cả chúng ta cứ chìm mãi trong giấc ngủ mụ mị thì nhắm mắt cũng nhìn thấy các hậu quả. Chẳng phải mọi vấn nạn hiện nay đều là hậu quả của giấc ngủ mê mệt của tất cả chúng ta hay sao?
Đừng sợ làm họ đau. Dù rằng khi họ đau họ cũng sẽ tìm cách làm ta đau. Nhưng việc họ làm ta đau có thấm gì, chẳng phải trước khi bị họ làm cho đau, ta đã đau một hay nhiều nỗi đau còn lớn hơn thế sao? Chẳng phải ta buộc phải làm họ đau vì chính ta đã đau cả nỗi đau của họ sao? Chẳng phải chính ta đang cảm nhận nỗi đau chung của tất cả chúng ta sao?
Đừng sợ làm họ đau. Dù rằng khi đau họ sẽ trừng phạt ta, bằng đủ mọi cách. Khi trừng phạt ta, có thể một vài trong số họ cũng cảm thấy đau. Bởi nếu không tất cả chúng ta đã chết từ lâu rồi. Đừng sợ đau, nếu không ta sẽ không thể nào tỉnh dậy được.
Anh ấy viết trên blog như vậy. Trong khi đồng nghiệp của anh muốn mọi người thức tỉnh thì anh lại bắt đầu chìm vào giấc ngủ thế kia. Mà có vẻ anh sẽ ngủ rất sâu và rất lâu. Rồi trong giấc ngủ anh lại sẽ mơ đúng những giấc mơ mà chỉ một thời gian ngắn trước đây anh từng phủ nhận. Nhưng rồi thì đó có thể sẽ chẳng còn là những giấc mơ trong lúc ngủ, mà sẽ là những ảo mộng trong đời sống tỉnh thức.
Em còn đọc thấy trên facebook một entry khác của một bạn trẻ, nhìn avatar thấy bạn ấy còn rất trẻ. Một cô gái có khuôn mặt bầu, da rám nắng. Em chép lại đây cho anh luôn, bởi em có cảm giác anh sẽ càng ngày càng xa dần cái thế giới vốn trước đây là của anh:
Những vị giáo sư đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy sản xuất ra hàng đống sách mà đố tìm thấy dòng nào trong đó chuyển tải một cái gì là của riêng họ. Theo dòng tăng lương, tăng chức vụ và danh vị, họ đều đều sản xuất ra những bài báo, những giáo trình xào đi xào lại mớ chữ cũ rích, rách nát hình hài và xác xơ chất liệu, cằn cỗi nội dung, áp đặt tinh thần nô lệ lên những đầu óc non trẻ của sinh viên. Nếu họ còn một chút xấu hổ hẳn họ đã ngừng viết từ lâu. Nhưng liêm sỉ thì teo dần teo dần cùng với trí não, và dạ dày thì càng phình to phình to cũng với hỗn hợp sệt trộn lẫn sợ hãi và lòng tham, tham sống, tham vật chất, tham tình, tham quyền lực, tham danh vọng.
Em có linh cảm buồn là rồi đây anh sẽ thuộc về tầng lớp những vị giáo sư như vậy đó.
Ông bác sĩ của anh... Ông ấy nhân danh việc tôn trọng sự khác biệt để chấp nhận mọi thứ xấu xa tồi tệ xung quanh, để khỏi phải nhìn thấy mình cũng tham gia vào cái công cuộc đốn mạt làm cho con người trở nên hèn hạ, để khỏi phải thấy chính sự hèn hạ của mình. Ông ấy dẫn trường hợp Aliosa, mà ông ấy cho là người không bao giờ phán xét ai, như một vật đảm bảo, để khỏi phải phán xét những người xung quanh và khỏi phải phán xét chính mình. Ông ấy quên hay cố tình quên mất chính Aliosa đã đòi giết, đòi kẻ giết người phải chết, đã sẵn sàng vi phạm pháp luật để cứu người vô tội, nghĩa là ông ấy cố tình quên rằng Aliosa đã phán xét bằng chính hành động của mình.
Aliosa, chàng trai có trái tim trong trắng và tâm hồn thánh thiện ấy, đã đòi bắn. Anh không nhớ sao? Anh có cuốn Anh em nhà Karamazov ở trên giá, em biết rõ mà, lẽ ra anh phải kiểm tra trước khi tin một cách vô điều kiện vào ông bác sĩ của anh. Anh còn nhớ đoạn đối thoại giữa hai anh em Ivan và Aliosa không? Em không thể nào quên đoạn văn ấy, lúc Ivan đòi Aliosa phải cho biết thái độ của mình trước một sự việc. Ivan kể câu chuyện về đứa bé làm què chân một con chó của một vị tướng cao ngạo và khinh người. Ông ta đã bắt lột truồng nó trong một buổi chiều rét mướt, xua nó chạy và cho đàn chó săn đuổi theo nó, cắn xé nó tan xác trước mắt người mẹ tội nghiệp của nó. Và viên tướng đó chỉ bị giám hộ mà thôi. Ivan đã hỏi dồn Aliosa: “Chứ... còn biết bắt ông ta đền tội thế nào nữa? Xử bắn ư? Để thỏa mãn tình cảm đạo đức, phải xử bắn ư? Nói đi, Alisosa!” Và Aliosa trả lời không một chút đắn đo: “-Bắn! Aliosa khẽ thốt lên, môi tái nhợt méo xệch đi trong một nụ cười, ngước mắt nhìn anh.
Aliosa đã phán xét như vậy đó. Không chỉ phán xét, còn đòi xử tử. Đối với Aliosa, một kẻ như thế không đáng được sống. Cũng Aliosa đó đến cuối truyện đã giúp anh trai mình vượt ngục, bởi, dù không chứng minh được, chàng cũng biết rằng anh trai mình không phạm tội, rằng tòa án đã hủy diệt công lý khi kết tội Dmit’ri. Chỉ còn cách vi phạm pháp luật để đòi lại công lý. Và Aliosa đã không ngại làm việc đó. Đấy không phải là phán xét thì là gì?
Ôi Dostoievski vĩ đại, làm sao ông có thể ngờ rằng người ta sẽ dùng thuyết phức điệu của ông để nguỵ trang cho sự hèn hạ và tội lỗi. Làm sao ông có thể ngờ rằng người ta sẽ dựa vào ông và nhân vật của ông để biện minh cho tội lỗi và để tìm kiếm sự thanh thản, sự thanh thản mà nhân vật của ông không biết đến. Cứ theo lý thuyết của ông bác sĩ của anh, thì anh sẽ phải yêu quý cả một vị sếp như viên tướng đó, viên tướng đã xua cả đàn chó cắn xé một đứa trẻ bị lột trần truồng, viên tướng mà Aliosa đã đòi xử bắn. Anh sẽ yêu mến viên tướng đó chứ, và sẽ làm cho hắn yêu mến anh chứ? Viên tướng đó giết một đứa trẻ. Còn nhiều đồng nghiệp của anh, dù họ có ý thức được hay không, có thể đã làm băng hoại trí tuệ và tinh thần của nhiều thế hệ.
Anh còn có thể nói cho em biết anh ghét gì không? Hay đã đến lúc anh yêu hết mọi thứ rồi? Đã đến lúc sự giả dối, bất công, tàn bạo không còn làm anh day dứt nữa? Mà có thể rồi anh còn yêu cả những thứ đó chăng? Không những thế, vượt quá giới hạn vô cảm thì anh sẽ lấn sang một ranh giới khác, ranh giới của những gì đã được Gorki miêu tả: “tất cả những gì mang tính thú vật đều được chính phủ cổ vũ”, “tất cả những gì có tính người đều bị truy bức”. Em thấy rằng, bằng công cuộc “chữa bệnh” này, anh đang truy bức tất cả những gì thuộc về tính người ở trong anh. Để làm gì vậy, để tránh cho chính phủ khỏi phải truy bức anh nay mai ư?
Có vẻ như em trích dẫn người khác hơi nhiều trong thư này. Có lẽ em chỉ muốn nói rằng anh vẫn có “mọi người” xung quanh, anh vẫn có một cộng đồng xung quanh, dù ít ỏi, chứ đâu phải có một mình. Nhưng anh trên đường từ bỏ cộng đồng thiểu số đó để đến với cái cộng đồng đang là số đông và đang hưởng lợi trên sự ngủ vùi của chính họ, ngủ thật hoặc vờ như đang ngủ, bất chấp việc lợi ích mà họ hưởng thụ ngày hôm nay cũng chính là vực thẳm đen tối sẽ mở ra trong tương lai cho con cháu họ.
Và em có linh cảm xấu rằng cái cộng đồng ít ỏi kia, cái cộng đồng đang nỗ lực trong tuyệt vọng để cứu vãn sự lụn bại của đất nước anh sẽ bị cản trở bởi chính những người như cái con người mà anh sắp trở thành. Có thể bạo lực không làm những người đang đấu tranh lùi bước, đàn áp và tù tội không làm họ giảm ý chí, nhưng chính cái cộng đồng mà anh sắp gia nhập lại là trở lực lớn nhất đối với họ, bẻ gãy họ, vô hiệu hóa họ và làm họ tổn thương một cách sâu sắc. Đó chính là điều mà ông bác sĩ đang làm đối với anh hiện nay. Và chẳng khó khăn gì để hình dung rằng anh sẽ tiếp tục làm như thế với những người khác trong nay mai. Con người mà anh sắp trở thành đó, con người ấy mới thực sự là nguy hiểm đối với dân tộc của anh. Bởi người ta sẽ nhìn thấy rõ những kẻ bán nước, những kẻ tham lam và tàn bạo, nhưng người ta sẽ nhầm lẫn, sẽ bị lừa bởi những kẻ giả dối, những kẻ biết nâng sự lừa đảo lên thành nghệ thuật, những vị giáo sư, những nhà khoa học, những nhà văn, những trí thức, những nhà giáo dục... thuộc loại đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy.
Rồi anh sẽ thuộc về số những người đi hàng hai, bởi trí tuệ của anh vẫn buộc anh phải nhìn ra một số thứ bất chấp anh có giả vờ mông muội đến mức độ nào, nên anh sẽ phải vừa đi bên này vừa đi bên kia. Mỗi bước chạng hảng của anh sẽ đè nặng lên đầu người dân xứ anh và khiến họ chìm đắm sâu hơn nữa. Anh sẽ nhận tiền bạc và những cái vuốt ve của chính quyền để viết những diễn ngôn nhừa nhựa, những phát ngôn đúng muôn thuở, nhưng cũng sẽ chẳng có một tác động nào đối với nhận thức, chính là vì chúng không bao giờ sai, và vì chúng luôn ở giới hạn được phép. Chẳng phải anh đã nói trường học nào cũng dán lên tường câu khẩu hiệu: “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, khẩu hiệu đó đúng muốn thuở, không bao giờ sai, nhưng đó cũng là những đức tính mà nhà trường xứ anh không thể dạy được cho học sinh, chẳng phải như vậy sao?
Rồi đây, anh sẽ viết và diễn thuyết về lòng trung thực và can đảm, trên mọi tờ báo và khắp mọi diễn đàn, nhưng những người đọc anh và nghe anh sẽ chẳng bao giờ học được những đức tính đó, chẳng bao giờ tự hình thành cho mình những đức tính đó. Trái lại họ sẽ học được sự khôn ngoan. Bởi hành động của anh sẽ chứng tỏ anh thừa khôn ngoan và thiếu cả can đảm lẫn trung thực. Đó là điều đã giúp anh thành công. Người học cũng muốn thành công như anh, và họ sẽ học đúng cái thứ mà họ thấy rõ là đã giúp anh thành công: sự khôn ngoan.
Bây giờ em lại ước rằng giá như anh đừng quay trở lại. Nếu anh không trở về thì ít nhất anh còn cứu được chính mình. Và khi anh cứu được chính mình anh sẽ không tàn hại những người khác.
Con người sẽ không thoát khỏi bị phán xét. Dưới hình thức này hay hình thức khác. Bởi người này hoặc bởi người khác. Bởi Chúa hay Quỷ.
Nhưng con người có thể thoát khỏi sự phán xét của chính nó. Mọi bi kịch và tội lỗi sẽ bắt đầu từ đó, từ lúc con người đánh mất khả năng tự phán xét chính mình.
Anh đừng ngạc nhiên khi tới đây không còn nhận được thư trả lời của em. Nếu em không muốn nói dối thì tốt nhất em sẽ không nói gì cả. Hơn nữa, giờ đây dù em có nói gì, mọi điều cũng dường như đều vô ích đối với anh.
Xin anh dừng trị liệu.

Một ngày cuối thu, lá không còn vàng hơn được nữa


Phần nhận xét hiển thị trên trang