Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Tôi không tin!


Những cái chết tức tưởi của nhà văn, chuyện bây giờ mới kể [Kỳ 1]

Thái Doãn Hiểu
 

Cách mạng Văn hóa ở Trung quốc thực chất là một cuộc thanh trừng phe phái khốc liệt chưa từng có nếu đem so với Tần Thủy hoàng. Mười triệu nạn nhân đã chết thảm dưới tay “người cầm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông. Theo trưng cầu dân ý toàn Trung Quốc thì ông ta có 7 phần tội 3 phần công. Lấy Tần Thủy hoàng làm thần tượng, Mao đã thống nhất được Trung nguyên, nhưng xài tốn xương máu Dân Trung Hoa đến 60 triệu nhân mạng, trong đó chưa kể đến 39 triệu người chết đói trong phong trào đại nhảy vọt cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. 

Có hai cái chết thương tâm nhất là của Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và Nhà văn lớn Lão Xá. Tôi có theo dõi rất sát và kỹ những ngày tận số của hai ông.

Ông Lưu Thiếu Kỳ và phu nhân bà Trương Quang Mỹ là người cách mạng chân chính, nhân hậu theo đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sang thăm Việt Nam và được nhân dân ta tôn kính. Ông bị Mao Trạch đông chụp cho cái mũ “tên lãnh đạo cao cấp chủ trương đi con đường tư bản chủ nghĩa trong đảng”. Ông Lưu bị hành hạ đấu tố, tra tấn, bỏ đói hàng mấy tháng trời, thân bại danh liệt. Còn tác giả Tường Lạc đà Lão Xá người về sau được tặng giải Nobel nhưng Hội đồng Hàn lâm viện Hoàng gia Thụy Điển rút lại vì giải chỉ thưởng cho người còn sống. Lão Xá bị bọn thanh niên choai choai mặc sắc phục Hồng vệ binh xông vào nhà riêng đập ông chết tươi trên bàn làm việc. Chúng hè nhau vứt thi thể ông xuống hồ. Chưa đã, khi thấy xác ông nổi lên, chúng dùng câu móc vào thắt lưng ông kéo lên bờ đánh, đạp phũ phàng. Mao Trạch Đông đã thanh toán sạch những đối thủ chính trị đáng gờm của mình, những người có nguy cơ làm cho cái ghế hoàng đế của ông ta lung lay kể từ “người bạn chiến đấu thân mật của người” là Lâm Bưu, “tướng bọc đường” Bành Đức Hoài, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Bành Chân…

Ở nước ta, một số các nhà văn, nhà văn hóa Việt Nam cũng có những cái chết bất đắc kỳ tử, mờ ám. Tôi cho rằng những kiểu chết của các vị dưới đây là không minh bạch, vô cùng bất công, cần được công luận minh oan, chiêu tuyết cho những oan hồn:

 Tôn Nữ Thu Hồng hay Thu Hồng (1922-1948), là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến.

Tôn Nữ Thu Hồng, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1922 tại Tourane (Đà Nẵng), nhưng quê quán gốc là làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế).
Bà thuộc dòng dõi Hoàng tộc nhà Nguyễn, trước học ở Tourane, sau vào học tại trường Đồng Khánh (Huế).
Năm 18 tuổi (1940), bà cho xuất bản tập thơ đầu tiên (và cũng là duy nhất):Sóng thơ. Tập thơ in đẹp (chưa rõ tên nhà xuất bản), có tựa của Đạm Phương nữ sĩ, và tranh vẽ bìa của nữ họa sĩ Mộng Hoa.

 Giới thiệu Thu Hồng, trong quyển Thi nhân Việt Nam có đoạn viết:“… người có cái ý rất đáng quý là diễn đúng hình dáng riêng của hồn mình. Có thể vì thế mà giọng nói của người có vẻ ngọng nghịu rất ít có trong thơ ta....Thực ra, Thu Hồng cũng chỉ là trẻ con ở cái giọng, khi người ta muốn sống hoài trong thời thơ ấu…(vì) người thiếu nữ ấy đã biết tình yêu là "mầm chán nản" và người ước ao:

Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu,
Chớ len vào sớm quá, tội em mà!
Em nghe như thời ấy vẫn còn xa,
Em chầm chậm để mong còn xa mãi,
Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,
Hòa nồng hương mà trái lắm khi chua.

Thật là ngây thơ trong trắng :

Kìa trăng vỡ trong hồ khi nước động,
Sóng lao xao lấp loáng, ánh xa ngời.
Và búp hoa nghểnh dậy đón hương trời,
Cây tuôn bóng, lửng lơ, đò chẳng lướt!
Cảnh đẹp cứ dàn thêm bước bước,
Lời ngợi khen mỗi phút lại thay thay.
Tơ lòng với đẹp đêm nay
Rộn ràng thổn thức vì say nhiệm màu.
                             (Sóng thơ - Tơ lòng với đẹp)

Lúc ấy chỉ ngoài 20 tuổi, nữ sĩ đã bắt đầu nhận thức được cái kiếp ngắn ngủi và buồn tẻ của con người.

Lịch trên tường mỗi ban mai tay xé,
Xé dần, đem vứt xuống giỏ mây đan.
Phải đây là xác chết của thời gian?
Mỗi tờ xuống, một ngày đi biệt tích?
Tay ngần ngại cũng thôi đành vô ích,
Vì hôm nay không dính dáng ngày mai.
Lúc bình minh trong sương sớm chưa phai
Là giấy biết thân mình không thể gắng
Người đâu khác dẫu trăm ngàn cay đắng,
Vói tay dài mong níu lại ngày đi
Ý điên rồ người đeo đuổi làm chi,
Tờ mỏng quá, khác đâu ngày qua chóng!
Tình lưu luyến khiến âu sầu phấp phỏng
Lịch cùng ta nào có khác chi nhau?
Lịch hàng năm đem thay đổi một màu
Người một tuổi chớ mơ mòng lui lại
Lịch còn mãi, đời đâu dài được mãi?
Tờ rã tan ra tro bụi chôn vùi...
                                                     (Lịch)

Một gịong thơ tinh tế sâu đằm. Năm 1941, bà và thơ của bà được Hoài Thanh-Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942).
Năm 1968, bà lại được Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng giới thiệu trong bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển trung), xuất bản tại Sài Gòn. Và theo sách này, thì nữ sĩ Tôn Nữ Thu Hồng đã chết trong một trường hợp bi đát.

Thu Hồng là trí thức nói tiếng Pháp thành thạo, nhà cô thường tụ tập các thanh niên trí thức. Cô bị nghi ngờ làm gián điệp cho Tây, bị công an bắt, giam giữ và tra khảo mấy tháng trời, không lấy được cung. Cuối cùng, giết nhầm còn hơn bỏ sót, cô bị thủ tiêu giữa rừng Thừa Thiên. Kể lại chuyện đau lòng này, ông Đào Hữu Thiết cán bộ an ninh người chứng kiến vẫn nhớ như in vóc dạc cao to như gấu, khuôn mặt dữ dằn, rậm râu sâu mắt của tên sát nhân Trừng. Trên đường giải cô lên Ty công An Thừa Thiên - Huế, hắn đã bắn lén cô từ đằng sau lưng. Tiếng súng chát chúa vẫn còn lộng óc khi ông Hoài Nam (bút danh của Đào Hữu Thiết) đã vào tuổi 87. Ông sĩ quan an ninh ngồi viết tiểu thuyết tình báo trong dàn dụa nước mắt. Ông cũng bị nghi ngờ, bắt giam nhốt cùng Thu Hồng. Ông bảo cô ấy dịu dàng nết na, đẹp lắm, tôi yêu cố ấy. Hai người có làm thơ tặng nhau. Thu Hồng bảo Hoài Nam :

Bên bờ cát trắng phau phau ấy
Ai hiểu lòng mình ? Anh hiểu không ?

Nàng thơ ra đi ở tuổi 26. Năm đó là tháng chạp năm 1948.



*

Ngô Tất Tố (1894 – 1954) là một nhà văn, nhà báo, nhà Nho học và nghiên cứu có ảnh hưởng ở Việt Nam giai đoạn trước 1954.). Ngô Tất Tố là đại diện tiêu biểu cho những thay đổi của một lớp người trí thức trong giai đoạn giao thời, sự dung hòa tương thích giữa nền văn hóa mới và cũ.

Ngô Tất Tố sinh năm 1893 mất năm 1954 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ SơnBắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông AnhHà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì, ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.

Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Ông viết cho tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì thiếu tiền, tờ báo này phải tự đình bản, Ngô Tất Tố cùng với Tản Đà đã vào Sài Gòn. Mặc dù không thật sự thành công trong cuộc thử sức ởNam Kỳ, nhưng tại đây, Ngô Tất Tố đã có cơ hội tiếp cận với tri thức và văn hóa thế giới ở vùng đất khi đó là thuộc địa chính thức của Pháp cũng như theo đuổi nghề báo để chuẩn bị sau này trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Trong thời kỳ này, ông viết với các bút danh Bắc Hà, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Tân Thôn Dân...

 Sau gần ba năm ở Sài Gòn, Ngô Tất Tố trở ra Hà Nội. Ông tiếp tục sinh sống bằng cách viết bài cho các báo: An Nam tạp chí, Thần chung, Phổ thông, Đông Dương, Hải Phòng tuần báo, Thực nghiệp, Con ong, Việt nữ,Tiểu thuyết thứ ba, Tương lai, Công dân, Đông Pháp thời báo, Thời vụ, Hà Nội tân văn... với 29 bút danh khác nhau như : Thục Điểu, Lộc Hà, Lộc Đình, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhơn, Thuyết Hải, Xuân Trào, Hy Cừ... Trong thời gian những năm 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm chỉ trích quan lại tham nhũng phong kiến. Hà Văn Đức, trong bài viết Ngô Tất Tố - Nhà văn tin cậy của nông dân (báo Nhân dân, ngày 10 tháng 6 năm 1997), cho biết năm 1935, Ngô Tất Tố từng bị chánh sở mật thám Hà Nội gọi lên "để mua chuộc", nhưng ông từ chối. Ngoài ra, nhiều lần Ngô Tất Tố bị cấm viết báo và bị trục xuất khỏi Hà NộiHải PhòngNam Định. Năm 1939, chính quyền thuộc địa ra lệnh cấm tác phẩm Tắt đèn. Nhà Ngô Tất Tố ở Bắc Ninh bị nhà chức trách khám xét và ông bị bắt giam ở Hà Nội vài tháng.

Về sự nghiệp báo chí, người ta tìm thấy 1.350 tác phẩm (gần 4.500 trang) đã đăng báo của Ngô Tất Tố với 59 bút danh khác nhau. Năm 2005, tại hội thảo Những phát hiện mới về thân thế và tư cách nhà văn hóa của Ngô Tất Tố, một thống kê khác được công bố cho biết trong 28 năm làm báo, Ngô Tất Tố đã viết gần 1.500 bài (mới tìm thấy 1.360 bài) cho 27 tờ báo và tạp chí với 29 bút danh. Di sản báo chí của Ngô Tất Tố trở thành những tư liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toán diện và trung thực xã hộiViệt Nam đầu thế kỷ XX.
Các tác giả trong đề tài nghiên cứu nói trên kết luận rằng tiểu phẩm báo chí của Ngô Tất Tố đạt được năm thành tựu cơ bản: thuyết phục, truyền cảm, điển hình hóa mà không hư cấu; nghệ thuật trào lộng, đả kích và phong cách đậm đà bản sắc dân tộc. Về thái độ làm báo, Ngô Tất Tố được đánh giá là một nhà báo có dũng khí, trung thực, thẳng thắn, nhạy bén và cập nhật tình hình khẩn cấp
Với tư cách là nhà nghiên cứu , Ngô Tất Tố nghiên cứu rất nhiều thể loại khác nhau ông rất giỏi về nghiên cứu các thể loại văn thơ

Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố tham gia vào ủy ban giải phóng ở xã Lộc Hà quê ông. Năm 1946, Ông gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này, Ngô Tất Tố đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng chi hội văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc khu XII,Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc trung ương... Ngoài ra, ông còn viết văn. Ngô Tất Tố được bầu vào vị trí ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam tại đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948).

Ngô Tất Tố được coi là nhà văn hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phánở Việt Nam trước 1945 với các tác phẩm tiêu biểu như Tắt đènViệc làng,Tập án cái đình.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) từng khen ngợi Tắt đèn là "một tiểu thuyết có luận đề xã hội hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tùng lai chưa từng thấy". Phong Lê, trên Tạp chí Sông Hươngtháng 12 năm 2003, gọi những tác phẩm viết về nông thôn của Ngô Tất Tố là "một nhận thức toàn diện và sâu sắc, đầy trăn trở và xúc động về cảnh ngộ và số phận người nông dân Việt Nam" đạt đến "sự xúc động sâu xa và bền vững"

Từ một góc nhìn khác, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, trong bài Ngô Tất Tố và một cách thích ứng trước thời cuộc trích từ cuốn Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa (Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2005), viết Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết "rất xúc động" khiến người đọc có thể "nhiều phen ứa nước mắt".
Còn thiên phóng sự Việc làng được coi là một trong những tác phẩm báo chí toàn diện và chi tiết nhất về bộ mặt nông thôn Việt Nam trước năm 1945. Phong Lê, trong bài đã dẫn, cho rằng Việc làng phản ánh "tận chiều sâu những cội rễ của cả hai mặt phong tục và hủ tục, nó tồn tại dai dẳng đến thế, không chỉ đến thời Ngô Tất Tố viết Việc làng, mà cả cho đến hôm nay".

Tính chất giao thời trong ngòi bút của Ngô Tất Tố thể hiện rõ nét trong tác phẩm Lều chõng
Lều chõng ghi lại một thiên phóng sự tiểu thuyết về chế độ giáo dục và khoa cử phong kiến trong những ngày cuối cùng, dưới triều Nguyễn, miêu tả tấn bi kịch của những nhà nho có tài trong xã hội phong kiến và được coi là lời chỉ trích sâu sắc những tồn tại của nền văn hóa cũ.

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét về sự thay đổi ở Ngô Tất Tố: "ông vào số những nhà Hán học đã chịu ảnh hưởng văn học Âu Tây và được người ta kể vào hạng nhà nho có óc phê bình, có trí xét đoán có tư tưởng mới" (Nhà văn hiện đại)

Tác phẩm của Ngô Tất Tố : Ngô Việt Xuân Thu (dịch, 1929); Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929); Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (truyện ký lịch sử, 1935); Đề Thám (truyện ký lịch sử, viết chung, 1935); Tắt đèn (tiểu thuyết, báo Việt nữ, 1937), (Mai Lĩnh xuất bản, 1939); Lều chõng (phóng sự tiểu thuyết, báo Thời vụ, 1939-1944), (Mai Lĩnh xuất bản, 1952); Tập án cái đình (Phóng sự,1939); Thơ và tình (dịch thơ Trung Quốc, 1940); Đường thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940); Việc làng (phóng sự, báo Hà Nội tân văn, 1940-1941), (Mai Lĩnh xuất bản, 1941); Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu, 1941); Văn học đời Lý (tập I) và Văn học đời Trần (tập II) (trong bộ Việt Nam văn học) (nghiên cứu, giới thiệu, 1942); Lão Tử (biên soạn chung, 1942);Mặc Tử (biên soạn, 1942); Hoàng Lê nhất thống chí (dịch, tiểu thuyết lịch sử, báo Đông Pháp, 1942); Suối thép (dịch, tiểu thuyết, 1946); Trước lửa chiếnđấu (dịch, truyện vừa, 1946); Trời hửng (dịch, truyện ngắn, 1946); Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946); Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn, 1946-1954); Địa dư các nước châu Âu (biên soạn chung với Văn Tân, 1948); Địa dư các nước châu Á, châu Phi (biên soạn chung với Văn Tân, 1949); Địa dư Việt Nam (biên soạn, 1951); Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (kịch bản chèo, 1951);Đóng góp (kịch, 1951); Kinh dịch (chú giải, 1953); Ngô Tất Tố và tác phẩm (tuyển tập, 2 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1971, 1976); Ngô Tất Tố - Toàn tập (5 tập, Nhà xuất bản Văn học, 1996); Ngô Tất Tố - Toàn tập, bộ mới (dự kiến 30 tập, Nhà xuất bản Hội nhà văn - Công ty văn hóa Phương Nam, 2005).

Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).

Gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Văn nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng. Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào tận chân tường. Tác giả Lều chõng và Việc làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì ? Và, Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 bằng thắt cổ tại nhà riêng ởYên ThếBắc Giang. Cái sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn.

*
 Nhượng Tống (1904-1949), tên thật là Hoàng Phạm Trân, vì bút danh Nhượng Tống nên còn được gọi là Hoàng Nhượng Tống. Ông là nhà vănnhà báo, dịch giả tài hoa số 1 của Việt Nam và là nhà cách mạng Việt Nam. Ông là người làng Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Thời gian ông viết và dịch sung sức nhất là khoảng thập niên 1940 với những truyện dịch cũng như trứ tác khác.
Tháng 10 năm 1927Nguyễn Thái Học tham gia Nam Đồng thư xã và thành lập chi bộ để tiến tới thành một đảng cách mạng. Song khác với Phạm Tuấn TàiPhạm Tuấn LâmNguyễn Thái Học... Nhượng Tống chủ trương "hòa bình cách mạng", tức không ủng hộ tư tưởng "bạo lực cách mạng", dùng "sắt và máu để giành lại độc lập dân tộc."

Ngày 25 tháng 12 năm 1927, Nhượng Tống cùng với các đồng chí thành lậpViệt Nam Quốc dân Đảng tại làng Thể Giao, Hà Nội. Ông là ủy viên trong Trung ương Đảng bộ với vai trò trọng yếu trong việc biên soạn văn thư tuyên truyền và huấn luyện đảng viên.

 Năm 1929, theo kế hoạch của Nguyễn Thái Học, Nhượng Tống vào Huếgặp Phan Bội Châu, nhưng khi trở ra khi thì bị Pháp đón bắt. Hội đồng đề hình tuyên án ông 10 năm tù rồi đày ra Côn Đảo mãi đến năm 1936 mới được tha, nhưng vẫn chịu sự quản thúc tại quê nhà.
Khi ông đang ở nhà lao Côn Đảo, thì các đồng chí của ông tổ chức cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930), nhưng bị thực dân Pháp đàn áp và khủng bố.

Sau Cách mạng tháng Tám, vào tháng 12 năm 1945, ba đảng phái là: Việt Nam Quốc dân ĐảngĐại Việt Dân chính ĐảngĐại Việt Quốc dân Đảng liên minh thành Mặt trận quốc dân đảng Việt Nam, rồi cùng tham gia vào Chính phủ Liên hiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 1946, Pháp tái chiếm liên bang Đông Dương, thì Chính phủ Liên hiệp Việt Nam tan vỡ.
Năm 1947, hết thời gian bị quản thúc, Nhượng Tống trở lại Hà Nội (1947), rồi cùng với một số đồng chí tái tổ chức lại hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng tại một số vùng do quân Pháp kiểm soát.
Ngày 17 tháng 2 năm 1947, Việt Nam Quốc dân đảng tham gia Mặt trận Quốc gia Thống nhất Toàn quốc, chống lại chính quyền Việt Minh và ủng hộ giải pháp Bảo Đại, thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam. Ông làm cố vấn cho Tổng trấn Bắc phần Nghiêm Xuân Thiện. Nhưng rồi vì những mâu thuẫn trong giới chính khách Hà Nội, trong nội bộ Việt Nam Quốc dân Đảng, nên đầu năm 1949, ông lặng lẽ trở về hành nghề thầy thuốc Bắc tại 128 phố Chợ Hôm, Hà Nội.
Ngày 8 tháng 11 năm 1949, Nhượng Tống bị công an mật Việt Minh ám sát tại Hà Nội vì bị cho là phản quốc.

Tác phẩm dịch c ủa Nhượng Tống :
Trang tửNam Hoa kinh, Hà Nội: Tân Việt, 1945 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt, 1962; tái bản sau 1975: Văn học, 2001); Khuất NguyênLy tao, 1944 (in lại trong: Khuất Nguyên, Sở từ, Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch, Hà Nội, Nxb Văn học, 1974); Thơ Đỗ Phủ, Hà Nội: Tân Việt, 1944 (tái bản sau 1975: 1996); Sử ký Tư Mã Thiên, Hà Nội: Tân Việt, 1944; Vương Thực PhủMái Tây (Tây sương ký), Hà Nội: Tân Việt, 1944 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt; in lần 3: Sài Gòn: Tân Việt, 1963; sau 1975: Văn học, 1992); Tào Tuyết CầnHồng lâu mộng, 1945; Lão tử, Đạo đức kinh, 1945; Khổng tử, Kinh Thư, Sài Gòn: Tân Việt, 1963; Văn dịch ký bút danh Mạc Bảo Thần: Ngô Sĩ LiênĐại Việt sử ký toàn thư, Hà Nội: Tân Việt, 1945 (tái bản: Sài Gòn: Tân Việt, 1964); Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục, Tân Việt, 1945 (in lần 2: Sài Gòn: Tân Việt, 1949; lần 3: Sài Gòn: Tân Việt, 1956).

(Còn hai kỳ nữa)…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NÓI CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN NHẬT TIẾN



                                                                        Sapa 2004

      Th Kh: - Anh là mgười tha thiết, muốn thực hiện giao lưu văn hóa bằng thực chất của vấn đề.  Nghĩa là muốn các tác phẩm viết ở hải ngoại được in ở trong nước và ngược lại những tác phẩm viết trong nước được in ở hải ngoại.  Anh đã làm việc đó với họa sĩ Khánh Trường và một số bạn văn khác. Xin anh kể lại quá trình của công việc ấy.

Nhật Tiến: Gần ba năm trước đây, họa sĩ Khánh Trường đã hoàn tất một công trình rất có ý nghĩa. Đó là mời được sự tham dự của 35 nhà văn, nhà thơ hải ngoại, ở cả Mỹ, Úc, Canada và Âu châu trong một tuyển tãp thơ văn hải ngoại dự định sẽ ấn hành công khai ở trong nước. Vấn đề còn lại là tìm được một nhà xuất bản trong nước đồng ý ấn hành cuốn sách đó. Trong lần về nước lần thứ hai, khoảng cuối năm 1991, tôi đã cùng một số bạn văn ở trong nước vận động thành công để có được sự hợp tác xuất bản tuyển tập nói trên giữa hai nhà xuất bản : nhà xuất bản Văn Học ở trong nước  và nhà xuất bản Tân Thư của họa sĩ Khánh trường  ở hải ngoại.  Mọi  công việc chuẩn bị đã hoàn tất kể cả bản thảo đã lay-out, mẫu bìa, cùng bài tựa ký tên chung có sự thỏa thuận của cả hai phía…Tôi tưởng rằng cuốn sách có thể ra mắt  độc giả vào khoảng giữa năm 1992, nhưng không ngờ nó bị giới bảo thủ trong nước ngăn cản lại và kìm giữ vô thời hạn, đến nỗi họa sĩ Khánh Trường đã phải đơn phương xin hủy hợp đồng xuất bản vào cuối năm 1993 vì không thể chờ đợi lâu hơn nữa.

      Tôi nghĩ rằng đó là một trường hợp đáng tiếc, nhưng không thể làm khác hơn được.

      Đó là trường hợp những cố gắng giới thiệu một cách công khai một số văn  thơ hái ngoại đến với các độc giả trong nước. Còn tác phẩm ở trong nước đem in lại ở nước ngoài thì rất nhiều, đi tới tình trạng cẩu thả. Vì sách trong nước vốn đã in trên giấy xấu, mực lại mờ, nhiều nhà xuất bản ở ngoài này cứ để nguyên tình trạng như thế đem chụp và in lại, cho nên phẩm chất của cuốn sách vốn đã không khá, khi in xong lại càng trở nên nhem nhuốc hơn. Và bừa bãi: vì là sách in không chọn lọc, do đó có nhiều tác phẩm ít giá trị văn chương cũng vẫn được phố biến rộng rãi. Mặt khác, một vài cuốn có giá trị cao thì lại được ba, bốn, có khi năm nhà xuất bản in lại cùng một lúc. Hơn thế nữa, mỗi nhà xuất bản lại tự ý sửa chữa, cắt xén tùy tiện để tránh né áp lực chống đối ở bên ngoài. Chuyện cắt xén này bầy giờ có đỡ hơn , chứ hai ba năm trước đây thì rất đáng phàn nàn. Sau cùng là vấn đề trách nhiệm đối với tác giả có sách được tái bản. Hầu như rất ít nhà văn ở trong nước nhận được tác quyền do những lần tái bản ở ngoài. Điều này thật là bất công đối với những mgười đã bỏ tim óc vào công cuộc sáng tạo tác phẩm. Trong tình trạng ấy, cũng có một vài nhà xuất bản thể hiện đứng đắn cung cách làm ăn của mình. Chẳng hạn nhà xuất bản Tân Thư, nhà xuất bản Trăm Hoa, hay một hai nhà xuất bản hiếm hoi khác. Việc in lại các tác phẩm trong nước, qua những nhà xuất bản này đã được thực hiện trên những tiêu chuẩn:

      - Một là chọn lựa những tác phẩm có giá trị.

      - Hai là không cắt xén, sửa chữa nguyên bản

      - Ba là tìm cách gởi nhuận bút về cho tác giả. Trừ những trường hợp bất khả kháng.

      Mặt khác, trong thời gian gần đây, tôi đã thấy có hiện tượng đáng mừng hơn nữa, là ở hải ngoại không chỉ in lại sách trong nước mà còn ấn hành sách mới, từ bản thảo trong nước gởi ra. Thí dụ Trong Cõi của Trần Quốc Vượng,  Tuyển Tập Nguyễn Kiến Giang của nhà Trăm Hoa; Tác phẩm Từ Man Nương Đến AK Và Những Tiểu Luận Khác của tạp chí Hợp Lưu, tập truyện Thằng bắt qủy của Cung Tích Biền, Bài thơ của một người yêu nước mình của nhà thơ Trần Vàng Sao của nhà Tần Thư... Tôi nghĩ rằng trong một tương lai rất gần, sẽ còn nhiều tác phẩm loại đó ra đời và chúng tôi hết sức hỗ trợ cho công việc này. Bởi vì, không một tác giả nào lại không mong muốn cho tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi ở cả trong lẫn ngoài nước. Đó là một nguyện vọng hết sức chính đáng, một nhu cầu hết sức khẩn thiết không thể ai nhân danh bất cứ một lý do gì đi ngược lại được, nhất là trong tình hình thế giới đã thay đổi như hiện nay.

      Trong nhận thức đó, tôi có thể khẳng định rằng thời kỳ bưng bít ở trong nước như hiện nay rồi sẽ mau chóng bi vượt qua, không có cách gì ngăn cản được.

      Th Kh- Xin anh trình bày rõ ràng hơn về trường hợp của nhà văn Cung Tích Biền và các nhà văn có bản thảo được in lần đầu ở hải  ngoại. Việc dó có ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh của họ không?

Nhật Tiến: - Tất nhiên, khi ấn hành một tác phàm ở trong nước, việc trước tiên mà chúng tôi quan tâm đến là vấn đề an toàn của tác giá. Nếu sách đã được in ở trong nước rồi thì việc tái bản ở hải ngoại không gây phiền hà gì cho người viết cả, bởi vì, nhiều khi, chính tác giả cũng không hề hay biết việc tác phẩm của mình đã được hay bị in lại ở hải ngoại . Riêng đối với những cuốn mới chỉ in lần đầu tiên, không do một nhà xuất bản trong nước mà lại từ hải ngoại, thì điều kiện tiên quyết là phải có sự đồng ý của tác giả. Và một khi tác giả sẵn sàng chấp nhận hậu quả xảy ra cho mình, chừng đó, vấn đề trách nhiệm không còn thuộc về nhà xuất bản nữa. Ngoài ra, tôi nhận thấy, có nhiều tài liệu được phổ biến ra nước ngoài, nội dung chỉ trích mạnh mẽ giới lãnh đạo ở trong nước, hoặc ngay cả những bài nghiên cứu chĩa thẳng vào thành trì lý luận của cbủ nghĩa Mác-Lê, vậy mà tác giả của những bài ấy vẫn ngang nhiên để lên thật, có khi ghi cả địa chỉ và số điện thoại của mình nữa. Điều đó đã nói lên một cách cụ thể rằng đã tới lúc giới trí thức ở trong nước bắt đầu nhận thức được một cách sâu xa về vai trò của mình trước những vấn đề sôi bỏng của đất nước và họ đã bắt đầu có thái độ dõng dạc, can đảm trong việc hành xử vai trò cũng như trách nhiệm của mình. Cho nên, tôi vẫn muốn nhắc lại rằng, thời kỳ u tối của những sự bưng bít giả trá rồi ra sẽ phải qua đi, không có cách gì ngăn cản được.

Th Kh: - Công việc các anh làm được dư luận hải ngoại đón tiếp ra sao ?

Nhật Tiến: - Ba năm trước đây, đề xuất ý kiến gọi là giao lưu văn hóa thì kể là qua sớm và mới mẻ. Do đó chúng tôi không thể tránh khỏi nhiều ngộ nhận, và chúng tôi vẫn cho rằng mình bị ngộ nhận nhiều hơn là bị chống đối, mặc dù sự chống đối ồn ào vốn có trên báo chí hải ngoại cũng vẫn còn đang tiếp tục. Đến nay, thời điểm 1994 này, sau vụ bỏ cấm vận và hai nước có triển vọng bang giao, chúng tôi thấy công việc chúng tôi theo đuổi có nhiều thuận lợi hơn trước. Nói một cách cụ thể hơn, trước đây, khi phổ biến một tác phẩm hay một bài viết ở trong nước trong cao trào mà chúng tôi gọi là cao trào văn chương phản kháng, thì chúng tôi đã bị dư luận hải ngoại chổng đối dữ dội. Nhưng bây giờ, nhiều tờ báo trước kia đã từng chống đối , thì nay lại cũng trích đăng những bài viết xuất xứ từ trong nước. Có những ngòi bút trước đây phê phán rất mạnh mẽ nay lại chính những ngòi bút ấy đã viết bài góp ý, phê phán, nhận định một cách xây dựng và nghiêm chỉnh các bài viết gửi ra từ trong nước. Đó là một dấu hiệu tiến bộ rất đáng mừng . Thành ra việc gì cũng đòi hỏi có cái thời gian của nó phải không chị Thụy Khuê?

Th Kh: - Trong các chuyến về nước, sự vận động của anh mang lại kết quả gì ?

Nhật Tiến - Không có gì cụ thể ngoài việc kết hợp hai nhà xuất bản Tân Thư ở nước ngoài và nhà xuất bản Văn Học ở trong nước mà tương lai có thế có nhiều điều hợp tác thực hiện được. Tuy nhiên về mặt cảm thông, chia xẻ ước mơ thì rất nhiều. Tất cả những anh chị em văn nghệ sĩ trong nước mà tôi có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện thì ai cũng mong muốn một hoàn cảnh sáng tác và xuất bản thuận lợi hơn, để mọi mgười đều có thể tự do phát biểu ý kiến của mình, mọi tác phẩm văn chương không phân biệt xuất xứ đều có thể lưu hành một cách công khai và rộng rãi ở cả trong lẫn ngoài nước. Về phía chính quyền, tôi nghĩ là có sự dè dặt hơn, chẳng hạn một vài nhân vật có thẩm quyền về văn hóa, văn nghệ thì cho rằng mọi sự đều có thể xẩy ra, nhưng phải từ từ, không thể vội vã ngay được. Tôi cho rằng đó cũng là những dấu hiệu tốt nếu đem so với sự kiện sẵn sàng sổ toẹt một cách thẳng thừng mọi ý kiến khác biệt, như đã từng xảy ra ở những thập niên trước.

Th Kh: - Hiện nay có một vài quyển văn thơ của các tác giả ngoài nước in ở trong nước. Nhưng phải thành thật mà nói sự cắt xén vốn còn. Riêng đối với công việc của anh, đây là một sự thất bại. Chúng ta hiểu như thế  nào về cái thật bại này?

Nhật Tiến: - Việc một vài cơ quan chính thức, chẳng bạn như Ban Việt Kiều Trung Ương, cho in lại một số tác phẩm ở hải ngoại có sự cắt xén, tôi cho đó là việc của riêng họ, không liên hệ gì đến thành bại của chúng tôi cả. Khi thời điểm chưa được chín mùi thì sự cắt xén là điều có thể hiểu được, mặc dù không thể chấp nhận được. Và nó đã xảy ra ở cả hai phía. Tôi cũng đã thấy nhiều tác phẩm ở trong nước, khi in lại ở bên này cũng đã bị cắt xén tàn bạo. Tôi cho rằng những người thò tay vào làm việc cắt xén đó là họ đã làm chính trị nhiều hơn là làm văn hóa. Tôi chủ trương những công tác về văn hóa thì phải do chính những người làm vãn hóa thực hiện. Tôi tin rằng điều đó rồi cũng sẽ xẩy tới.

 Th Kh: - Trong tương lai, anh còn tiếp tục công việc này nữa không, thư a anh ?

Nhật Tiến: - Làm sao bỏ được. Những công việc vừa qua mới chỉ là những bước nho nhỏ khởi đầu. Và chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục đi tới. Tập san Đối Thoại vừa ra mắt đầu tháng 2. l994 là một trong những nỗ lực mới của anh em, bên cạnh tờ Hợp Lưu đã có từ nhiều năm qua. Mặt khác, riêng bản thân tôi, tôi cũng đang nỗ lực thực hiện một công việc mà tôi cho là nhiều ý nghĩa. Đó là việc tôi cùng hợp tác với một nhà văn ở trong nước, chuẩn bị cho ra mắt vào cuối năm nay một tác phẩm đứng tên chung hai mgười. Nếu dự tính của chúng tôi thành hình và không bị nhà nước cản trở, thì tác phẩm này sẽ được in và phát hành công khai đầu tiên ở trong nước. Hãy khoan chưa nói đến giá trị nội dung tác phẩm, chỉ riêng về tính cách, tôi cho rằng tác phàm này chuyên chở được nhiều ý nghĩa, trong đó sâu xa nhất là ý hướng mong đạt tới sự xóa bỏ được lằn ranh trong, ngoài, trong lãnh vực văn học nghệ thuật, để từ đó tiến tới việc xóa luôn những dị biệt, những quá khứ, những quan điểm hay lập trường chính trị. Nói rộng ra, quê hương ta đã đau khố quá nhiều trong quá khứ rồi, đã đến lúc phải biết đoạn tuyệt với quá khứ dù mất mát, thiệt thòi thế nào, để chỉ nhìn về tương lai, và vun trồng cho đất nước ngày một khá hơn lên. Một dân tộc cứ ôm chặt lấy dĩ vãng để nỉ non hay hận thù là một dân tộc, theo tôi, tự đào thải chính mình.

Th Kh: - Anh nghĩ sao về vai trò của các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước ở thời điểm hiện tại?

Nhật Tiến: - Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tình hình đất nước có nhiều biến chuyển thuận lợi để người cầm bút có thể nói lên một cách trung thực những sự suy nghĩ của mình, để góp phần thúc đẩy tiến trình tự do dân chủ ở trong nước sớm được thực hiện. Năm 1987, phải nhờ ông Nguyễn Văn Linh cởi trói thì văn nghệ sĩ ở trong nước mới viết lên được những tác phẩm đi gần với tâm tư và nguyện vọng của quần chúng. Đó là do sức ép của nền chuyên chính vô sản còn quá nặng nề. Năm nay, 1994, cánh cửa của thế giới đã rộng mở để đón chào một thành viên mới là nước Việt Nam. Tôi mong mỏi rằng đây là cơ hội để anh chị em văn nghệ sĩ ở trong nước sẽ khôi phục lại cái đà sung mãn của mình lúc trước mà không cần phải chờ cho ai cởi trói, trừ phi mình tự trói chính mình. Tình hình vãn hóa, vãn nghệ nhờ những nỗ lực mới đó, chắc chắn sẽ thay đổi rất nhiều và góp phần lớn lao vào tiến trình xây dựng tự do dân chủ ở Việt Nam.   

Th Kh - Cảm ơn nhà văn Nhật Tiến.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thời Mà Nàng Còn Điên





     

Tr
ân Sa



Chiều nay tôi điện thoại cho Phiêu. Giọng nàng trong điện thoại sắc lạnh, xa cách. Nàng hỏi có gì không Hoài? Tôi nói, không có gì, chỉ gọi nói chuyện chơi, Phiêu bận hả? Ừ Phiêu cũng đang bận lặt vặt, đang chuẩn bị giặt đồ, tổng vệ sinh nhà cửa.Tôi nói, thôi để bữa khác Hoài gọi lại.
     Đặt máy điện thoại xuống, tôi ngồi im, thấy buồn buồn. Chiều xuống từ bao giờ. Màu trời sẫm, nặng nề.
     Lẽ ra tôi phải mừng cho Phiêu chứ. Phiêu đã bình thường trở lại. Bình thường. Như mọi định nghĩa về bình thường của thiên hạ. Phiêu đã đi làm việc. Một việc làm ổn định, lương cao, cấp điều hành, thuộc Bộ Nhân Dụng của chính phủ.
     Cuối tuần trước gặp Phiêu ở quán ăn Anh Đào, Phiêu trông lạ hẳn. Nàng mặc bộ đầm màu cam nhạt, áo khoác đen. Tất cả đều là thời trang mới nhất. Nàng trang điểm kỹ lưỡng, khéo léo.
     Màu mắt nâu trên nền hồng bạc, môi thoa son màu cam tươi hợp với bộ áo. Nàng ăn uống chậm rãi, nói chuyện dè dặt chừng mực, hơi có vẻ khó chịu với khói thuốc bay ra từ môi tôi. Nàng nói, Phiêu bỏ thuốc lá hơn tháng nay rồi! Tự nhiên bỏ được? Tôi hỏi. Phiêu cười, rùn vai nhẹ nhàng. " À há. Tự nhiên bỏ. Không thích hút thuốc nữa."
     Phiêu không hút thuốc nữa, tôi mừng cho Phiêu. Lúc gần đây, tôi đã bắt đầu nhận được những dấu hiệu đe dọa từ cổ họng. Những buổi sáng thức dậy với cảm giác hâm hấp sốt và cuống họng đau rát thường trực. Tôi ho thường xuyên. Đàm bắn ra từng viên tròn xoay, nhỏ xíu, mầu nâu nhạt. Một người bạn hành nghề y khoa bảo, coi chừng viêm cuống phổi kinh niên, nhưng nếu thế thì vẫn còn đỡ, khi ung thư phổi thì không cách nào đảo ngược lại tình thế. Tôi ừ ừ. Có lẽ khi tôi quyết định bỏ thuốc lá thì hơi muộn.
     Tôi mừng Phiêu bỏ thuốc lá.
     Quen Phiêu mấy năm rồi, lúc nào tôi cũng thấy Phiêu cầm trên tay điếu thuốc lá. Mái tóc ngắn biếng chải và điếu thuốc lá. Là Phiêu. Vẽ Phiêu, chỉ cần vẽ một khuôn mặt trái xoan, mái tóc ngắn bờm xờm và một điếu thuốc lá trên những ngón tay thuôn dài là đủ, tôi nói đùa với Phiêu như thế.
     Nhưng tôi vẽ Phiêu cẩn thận hơn thế nhiều. Những ngày nàng còn điên, tôi không thể nào không yêu Phiêu. Những ngày đó đã đi lùi về phía sau.
    
     Buổi sáng dọn đến nhà tôi Phiêu uống cà phê đen bỏ thật nhiều đường. Phiêu vừa uống cà phê vừa hút thuốc lá. Mái tóc Phiêu cắt ngắn, vuốt ngược lên bằng gel. Lâu lâu, Phiêu cảm thấy ghét sự lộn xộn của mái tóc nàng, nàng lại vuốt ngược lên như vậy.
    Phiêu bảo:
    - Để mặc những cái thùng quần áo ấy trong phòng em. Khi nào em rảnh sẽ soạn ra từ từ. Này, căn nhà đối diện hình như vừa mới được sơn màu xanh da trời!
     Nàng ngồi nơi cái bàn ăn kê gần cửa sổ và nhìn ra đường, mắt đuổi theo dòng xe cộ chạy qua lại như mắc cửi.
    - Biết bao giờ mình mới lại nhìn thấy một con chuồn chuồn nhỉ?
     Tôi đã hơi quen với vận tốc chuyển phương hướng suy nghĩ của Phiêu rồi nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên cả. Tí xíu nữa thôi, chỉ trong vài giây, nàng sẽ không nhớ gì về cái mái hiên màu xanh da trời của căn nhà đối diện, những chiếc xe chạy vội vã như bị ma rượt ngoài đường và những con chuồn chuồn trong trí nhớ. Tôi cũng quen cách ăn nói của Phiêu nữa, cách ăn nói kỳ quái đã từng làm bạn tôi hoặc trố mắt ngạc nhiên, hoặc khó chịu hiểu lầm. Có lần, một người bạn của tôi hỏi về học vấn của Phiêu, nàng trả lời "lớp ba, lớp bốn gì đó", với vẻ nghiêm trang, không cười. Sau đó nàng nhăn trán như đang suy nghĩ gì lung lắm, "Thật sự, tôi nghĩ rằng tôi chưa từng học hành gì cả. Trong đầu tôi sao mà trống rỗng tàn bạo. Những chữ, những số, những hình vẽ đã chui vào đầu tôi trong những lúc nào đó cũng đã chui ra khỏi đầu tôi trong những lúc nào đó như một phép lạ. Bây giờ đừng ai hỏi tôi bất cứ một câu hỏi công dân sử địa vạn vật toán văn chương triết học nào cả. Tôi sẽ không thể nhớ được cái gì cả." Người bạn ấy hỏi nhỏ với tôi, "Cô ấy nói thật hay là ba xạo chơi?" Tôi trả lời, "Cô ấy nói thật đấy." "Thật là chỉ mới học lớp ba lớp bốn?" Người bạn có vẻ không tin nổi. Tôi cười, "Có lúc cô ấy bảo cô đã sáu mươi tuổi rồi, có khi lại cho mình mới ba tuổi thôi, và khi nào cô ấy cũng nói thật cả. Nếu mày hỏi lăng nhăng tiếp, cô ấy sẽ bảo cô học đại học năm thứ ba mươi đấy!" Không phải người bạn nào của tôi cũng thông minh cả. Người không thông minh thì bảo Phiêu khùng. Người thông minh hơn thì nói Phiêu điên.
     Tôi vốn là người hòa hoãn, nên đôi khi cũng nói "Phiêu điên quá đi" với sự âu yếm. Chữ "điên" là chữ của thiên hạ, sự âu yếm là của tôi. Đấy là một sự dung hòa.
     Thời mà Phiêu còn điên, nàng không thỏa hiệp, không hòa giải được với đời sống. Nàng phẫn nộ đau đớn, cũng thường trực như đam mê nồng nàn, với đời sống. Đề nghị Phiêu về với tôi, tôi tưởng tình yêu tôi dành cho nàng sẽ giúp nàng quân bình hơn. Những ngày đầu tiên, Phiêu có vẻ vui và bận rộn. Nàng sắp đặt trang hoàng phòng riêng của nàng. Rèm cửa xanh biển đậm.Thảm lót dưới sàn có màu trắng và nâu. Hoa chưng trên bàn làm việc. Tranh Ai Cập trên giấy bồi đóng khung gỗ treo tường. Tôi ngắm Phiêu đi lui đi tới, áo thun đen sát nách ngắn ngủn và quần jean xanh bạc bó hai đùi thon, có khi ngậm một cái đinh trên môi và cái búa trên tay, ngoẹo cổ ngắm nghía tìm một chỗ vừa ý để treo tranh. Phiêu gọi tôi ơi ới, bắt tôi chuyển cái bàn này qua phía kia, cái kệ sách này vào góc nọ, nhắc đem thịt bò ra để sẵn trên bàn tí nữa Phiêu sẽ xào với rau cần ta. Sách vở Phiêu mang tới cộng với sách của tôi có thể tạo thành một thư viện nho nhỏ. Phiêu có nhiều sách về tâm lý, xã hội, triết học và văn chương. Tôi có những sách chính trị, lịch sử, khoa học. Một sự bổ túc đẹp đẽ.
     Phiêu nghỉ việc đã được vài tháng. Nàng quyết định nghỉ việc vào một ngày đẹp trời mùa Hạ. Nàng kể. " Có những buổi sáng thức dậy không muốn đi làm một chút nào. Nhưng mà em phải đi. Phải đi. Giống như hồi nhỏ và lúc mới sang đây em phải đi học. Lúc đó cũng có những buổi sáng thức dậy không muốn đi học. Nhưng rồi cũng phải đi. Phải đi. Nếu không thì bây giờ em không biết chữ không có văn bằng gì cả. Nhưng mà biết chữ và có văn bằng thì cũng phải đi làm công việc của người biết chữ và có văn bằng. Sáng hôm đó em nghĩ. Có cái gì bất ổn ở chữ phải. Phải xa quê hương. Phải rời xa mẹ. Phải bỏ người yêu. Phải bỏ thuốc lá. Phải sống đàng hoàng. Những cái phải làm em khổ sở, không thấy hạnh phúc. Trong khi lẽ ra, em phải được hạnh phúc như là một phần thưởng cho cái nghị lực đã đi theo những cái phải ấy. Ô, đời sống chỉ toàn những cái phải! Và em phải chọn lựa những cái phải trong số những cái phải. Em không được làm trái đi những cái phải mặc dù em ao ước được làm trái đi những cái đang làm. Vậy, em nào có tự do? Suốt đời em nào có tự do? Từ bé đến lớn! Một con người luôn luôn phải làm những cái phải là người mất tự do. Nó tự nhủ nếu theo được những cái phải ấy nó sẽ được yên ổn - nhưng nó luôn luôn có những tư tưởng phản kháng chống đối lại cái yên ổn ấy, rốt cuộc nó chẳng bao giờ yên ổn cả.
     Em đánh mất đi sự yên ổn để đạt được sự yên ổn. Vì thế sáng hôm ấy em điện thoại vào sở và nói với giám đốc, tôi nghỉ việc! Nói xong, em thấy mình nhẹ nhõm như có thể bay lên được vậy. Nhưng mà đó chỉ là một phần nhỏ tự do tìm thấy thôi..."
     Phiêu quyết định bỏ ra vài tháng để không làm gì cả, tuyệt đối không làm gì mình không thích. Những tuần đầu tiên tôi được ăn biết bao nhiêu là món ngon vật lạ. Phiêu tỏ ra thích làm bếp, và nàng rất khéo trong việc làm bếp. Nhìn dáng điệu bề ngoài Phiêu, người ta có thể không ngờ đến điều ấy.
    Những tuần đầu tiên cũng là thời gian duy nhất tôi được gần gũi Phiêu. Nàng làm tôi kinh ngạc vì sự cuồng nhiệt đam mê trong khi ân ái của nàng. Kinh ngạc và hạnh phúc đến mê đắm, dĩ nhiên. Nàng lùa tay vào tóc tôi ghì tôi xuống. Nàng hôn rất nồng nàn. Nàng biết vuốt ve. Nàng có chủ động. Không lần yêu nhau nào nàng không cùng tôi đạt đến điểm cao nhất của khoái cảm. Tôi yêu tiếng thở ra rất mạnh, người nàng cong lên và duỗi ra lại rất nhanh, và nụ cười mỉm trên môi nàng, khi nàng "tới". Sau đó nàng vùi đầu vào ngực tôi, cánh tay ôm quàng trên cổ tôi và ngủ như trẻ thơ.
     Nhưng mà có một lần hai đứa đang yêu nhau, tôi nhìn thấy nước mắt nàng ứa ra, và đôi môi xinh đẹp mịn màng của nàng thoát ra một cái tên. Một cái tên khác. Không phải là Hoài. Tiếng kêu rất nhỏ, như hơi gió, như một tiếng lá lay động. Nhưng đủ làm những sợi thần kinh trong óc tôi tê điếng. Không phải vì ghen.
     Khi Phiêu kể cho tôi nghe về người nọ, tôi hỏi.
    - Phiêu còn yêu người ta sao?
    - Khi đã yêu thật thì làm sao còn yêu hay hết yêu được. Câu hỏi ấy chỉ dành cho sự đam mê.
    - Phiêu có yêu Hoài không?
    - Có. Nhưng không bằng Phiêu yêu người kia đâu. Nhưng mà thôi, dẹp những câu hỏi yêu hay không yêu đi. Đừng nói tới chữ yêu nữa. Nó làm em nhức đầu. Có khi nó làm em hoang mang, nghĩ nó không có thật, nó chỉ là danh từ, chỉ là động từ. Nghĩa là từ ngữ.
    - Tụi mình cưới nhau đi. Phiêu sinh cho Hoài một đứa con đi."
     Nàng im lặng. Nàng cắn móng tay im lặng, bứt rứt.
     Đó là khởi đầu của cơn động đất. Những ngày hôm sau, đi làm về, tôi không nhìn thấy Phiêu đang đứng loay hoay nấu bếp hoặc tưới những chậu kiểng trong nhà nữa. Căn nhà vắng tanh, lạnh toát không có Phiêu. Tôi vào phòng Phiêu, nhìn sự ngổn ngang của mọi thứ. Đóa hoa cắm trong lọ đã héo, sách báo quăng đầy sàn, quần áo ném bừa bãi trên giường, và trên bàn Phiêu, chiếc gạt tàn đầy ngập. Phiêu chép trên một tờ giấy một đoạn trong cuốn sách nàng đang đọc.
    -" Tôi quá ớn sự đầy đủ, bởi chúng đưa lại sự yên bình khiến người ta dễ dàng thiếp đi trong sự bình yên đó. Tôi yêu quý cuộc đời, đủ để cố gắng sống một cách tỉnh táo, cho dù đó là tất cả những gì quý giá nhất của tôi. Tôi ốm ấp ý thức về cái mong manh, bởi chính nó đã kích thích tôi, hoặc ít nhất là khuất động cuộc sống của tôi. (1)
    (Anré Gide )
    
     Tôi kêu lên, "rác rưởi!" với sự giận dữ lẫn tuyệt vọng. Mấy ngày hôm nay, Phiêu đã lạnh lùng, đã nóng nảy, đã gây sự không phải chỉ với riêng tôi mà với bất cứ ai đến nhà tôi. Nàng đã gây gỗ khi vài người bạn tôi vô ý đùa nghịch.
     "Từ ngày Phiêu về đây, nhà Hoài đẹp hẳn ra. Hoài cũng vui hẳn lên, dù có gầy đi đấy. Nhà có đóa hoa biết nói thế này, Hoài đâu có cần ăn uống gì, chỉ ngắm hoa suốt ngày suốt đêm cũng đủ no rồi."
     Hôm đó tôi có gọi điện thoại về sớm, nhờ Phiêu làm giùm thức ăn cho vài người, một số bạn muốn đến nhà chơi. Phiêu làm thức ăn đầy đủ. Canh chua, thịt kho, cá chiên, những món tôi thích.
     Phiêu dọn thức ăn lên bàn, khi đi ngang người bạn vừa nói câu ban nãy, nàng cười nhạt.
    - Vừa rồi, anh nói mấy câu hơi vô ý thức. Tôi không phải là một đóa hoa. Ví đàn bà như một đóa hoa cho đàn ông ngắm là một lối ví von trịch thượng. Nếu anh thích ví von, nên ví von đàn bà như hoa trên bàn thờ Phật nếu anh là Phật tử, hoặc hoa trên bàn thờ Chúa nếu anh theo đạo Thiên Chúa. Như vậy cũng tỏ ra được chút kính trọng đối với người mẹ đẻ ra anh!"
     Tôi la lên, không dằn được sự bực tức.
    - Phiêu, tại sao ăn nói như vậy? Anh ấy chỉ đùa thôi mà!"
    - Tôi cũng đùa thôi mà. Tại sao anh ta có thể đùa với tôi được mà tôi không đùa lại với anh ta được? Còn Hoài la lên như thế, tôi sẽ la lại Hoài đấy nhé! Nên nhớ tất cả chúng ta đều bình đẳng với nhau trên trái đất này, đó là câu Hoài vẫn thường nói đấy.
     Rồi Phiêu bỏ đi. Lúc nàng về, chỉ có mình tôi ngồi ở bàn ăn, với những vỏ bia không và chai rượu đã cạn. Nàng đứng tựa lưng vào tường, nhìn tôi lạnh lẽo.
    Tôi nói.
    - Phiêu ngang bướng. Phiêu...
    Nàng ngắt lời.
    - Lúc nào tôi mệt, tôi không nghe lời ai cả. Tôi sẽ bịt mắt bịt tai và ưa ngồi một mình. Lúc đó tôi rất yêu tự do. Hãy để tôi làm con chuồn chuồn cánh mỏng bay trên cánh đồng tuyết trắng đi tìm những bông hoa huệ.
     Nàng bỏ vào phòng, khóa kín cửa lại. Tôi đập cửa. Nàng vẫn im lặng. Ngày hôm sau, khi tôi đi làm, Phiêu vẫn còn ngủ, khi tôi về, Phiêu đã ra ngoài, khi tôi đã ngủ, Phiêu mới trở về.
     Tôi ngồi lì ở phòng nàng, nhất định chờ nàng về. Tôi nhặt những tờ nhật báo nàng đã đọc lên xem, và hốt hoảng thấy nàng khoanh vòng xanh đỏ trên những mẩu rao cho thuê nhà. Tôi đã làm lỗi gì? Không phải hai đứa đã hạnh phúc vô cùng những ngày qua hay sao? Tôi chấp nhận mọi điều Phiêu làm, mọi tính khí bất thường của Phiêu. Chuyện hôm kỉa hôm kia là chuyện nhỏ nhặt, tôi cũng đâu có phản ứng gì quá đáng. Tôi cũng sẽ xin lỗi như mọi lần.
     Quá nửa đêm khi tôi gần thiếp ngủ thì Phiêu về. Nàng cởi áo khoác móc vào tủ áo rồi ngồi xuống ghế.
    - Hoài ăn tối chưa?
    - Chưa.
    Nàng cười khẽ.
    - Hơn mười hai giờ đêm mà chưa ăn tối?
    - Chưa. Còn Phiêu?
    - Phiêu ăn rồi. Bún thịt nướng nem chua.
    - Ăn một mình?
    - Ừ.
    - Suốt ngày Phiêu đi đâu vậy? Không phải tra hỏi đâu nhé. Hỏi vậy thôi. Tò mò. Phiêu không phải trả lời nếu không thích.
     Phiêu mỉm cười. Nét mặt nàng thanh thản.
    - Dĩ nhiên. Phiêu đi xem một căn apartment đang cho mướn. Phiêu đặt cọc tiền mướn nhà rồi, cuối tháng Phiêu dọn. Sau đó đi xem một phim ở Revue. Scattered Sky. Phim khá mạnh. Có những đoạn quay trên sa mạc. Bão cát. Một cuộc hành trình mà có người chết không về, có người về tơi tả từ những hỗn loạn của hoan lạc, đau đớn, sống chết gắn liền... Sau đó Phiêu đi ăn.Về. Hết.
    - Sao không rủ Hoài đi với.
    Nàng im lặng. Tôi mồi một điếu thuốc đưa nàng. Nàng lắc đầu.
    - Tại sao Phiêu phải dọn đi?.
    - Phiêu thích dọn đi. Không phải là phải dọn đi. Phiêu không giận gì Hoài cả.
     Tôi thấy nhói ở ngực. Tôi nhớ Phiêu rồi. Tôi nhớ cả tiếng xưng em của Phiêu mà tôi vừa mất.
    - Tại sao Phiêu dọn đi?
     Nàng lại cười.
    - Phiêu là con chuồn chuồn mà Hoài. Hoài có biết vì sao Phiêu về ở với Hoài không?
    - Không phải vì yêu Hoài sao?
    - Phiêu không yêu Hoài nhiều đến thế đâu. Mà vì Phiêu điên đấy. Phiêu điên lắm, Hoài cũng bảo thế mà. Phiêu điên đến nỗi Phiêu đi tìm một người để quên một người. Điên đến nỗi đau khổ đến thế vì một con người trong một thế giới đầy nghẹt người. Điên đến nỗi vì một người không yêu mình mà tưởng cả thế giới cũng muốn xa lánh mình. Điên đến nỗi - Hoài mệt chưa - mà từng yêu luôn cái điên của mình, xem như nó là một cá tính hoặc bản sắc của mình. Phiêu quyết định không điên nữa. Quyết định giết chết cái hình bóng mà Phiêu đã tưởng tượng, đã tô phết lên cho đẹp đẽ để mà yêu. Thật sự, có lẽ không có gì đẹp đến như thế đâu. Phiêu không chạy theo cái đẹp từ chính sự tưởng tượng của mình nữa. Phiêu đi tìm sự bình thản đây. Đó là cái tự do kế tiếp của Phiêu.
    - Còn Hoài thì sao đây?
    - Đừng có điên như Phiêu đã điên, Hoài ơi. Và đừng giận Phiêu. Tha thứ cho cơn điên của Phiêu."
    
     Thời mà nàng còn điên. Ôi sao mà tôi nhớ. Đó là thời tôi có nàng, dù nàng vì yêu người khác mà đến với tôi. Khi nàng không còn yêu người ấy, nàng cũng chẳng còn yêu tôi nữa.
     Tôi có gặp người ấy một lần. Đó là một người cũng bình thường như bao người khác. Y chẳng có gì đặc biệt cả, ngoài đôi mắt rất đẹp và buồn. Tôi nhớ đến lời nàng nói, "Phiêu đã tưởng tượng, đã tô phết lên cho đẹp đẽ để mà yêu", và cũng cố tưởng tượng, tô phết thử lên con người của y, nhưng không thấy có gì đẹp đẽ và đáng yêu cả.
     Ô. Hóa ra hành động điên của nàng là hành động biến cái tầm thường thành điều đẹp đẽ. Chỉ tiếc rằng nàng là một thượng đế đã chết chính vì những phép lạ của mình mà hồi sinh lại trong thân xác và trí óc bình thường của một con người.
   

Tr
ần Sa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Hoàng Cầm ở “Xà lim Bộ”

Hoàng Cầm kể, Hoàng Hưng ghi


Nhiều năm trước khi anh Hoàng Cầm qua đời, lần nào đến chơi với anh trên cái chuồng cu nhà 43 Lý Quốc Sư tôi cũng giục anh tập trung thời gian kể lại chuyện đời mình cho bạn bè nghe, và từ đó sẽ làm thành một cuốn hồi ký. Kẻo muộn, bạn già như sợi chỉ manh! Anh lười, khất lần, nhưng tôi ép tới, nên cuối cùng anh phải nghe. (Tôi cũng thường giục anh Lê Đạt như thế, nhưng anh cứ bảo: “Chưa đến lúc, tớ còn sống lâu chán!”).Từng đoạn, từng mảnh đời Hoàng Cầm được nhớ lại, kể lại như thế… Rồi cái nào hợp tai “chính thống” thì anh viết ra, cho đăng báo, kiếm tiền đi lại với… nàng tiên. Còn những cái nghịch tai? Thì cứ để đấy, sớm muộn cũng có lúc… Hôm nay, nhân kỷ niệm 30 năm vụ án “Về Kinh Bắc”, tôi xin kể lại một đoạn mà anh đã kể về những ngày ở “xà lim bộ”.
“Thế là lời mấy người CA xét hỏi của HN hứa cho mình về trước Tết (1983) thành ra xuông[1]. Ngày 5 Tết mình được lệnh chuyển trại. Ngoài “nội vụ” (tức toàn bộ tư trang của tù nhân, chủ yếu là mấy bộ quần áo cũ – HH), còn cái túi quà Tết bị nhận muộn, trong có cái bánh chưng thiu, miếng giò mỏng cũng thiu, gói kẹo và gói muồi vừng đã chảy nước… Anh CA tên H., một con người khá là thâm, vuốt ve: “Lên trại giam của bộ mong anh thành khẩn thêm để sớm được về với gia đình, anh nên tin ở tương lai tốt đẹp”. Anh T. trẻ tuổi, tử tế, dễ mến, thì chạy đi mua “làm quà cho bác” bốn gói thuốc lào.
Thế là xa Hỏa Lò. Sáu tháng ở trong đó bây giờ đi thấy nhớ mới chết chứ! Nhớ những người cùng bị giam, cùng chia ngọt sẻ bùi. Nhất là cậu H.M.T con trai một ông cấp cao bị bố hạ lệnh tống giam cho bớt láo lếu, trong hơn một tháng ở chung buồng giam cậu ấy săn sóc mình rất ân cần. Chính cậu ấy cho mình biết cái tên “xà lim bộ” tức Trung tâm Thẩm vấn của Bộ Nội vụ, nơi “giam cứu” (giam giữ để nghiên cứu? – HH) các can phạm do cấp Bộ xử lý. Nghe hai chữ “xà lim” là mình ngại ngùng lắm. “Xà lim” tức là cellule, tiếng Pháp chỉ buồng biệt giam. Đang ở chỗ giam chung, giữa trung tâm HN, dù sao cũng vui! Bây giờ đến chỗ xa lạ, lại giam riêng, thì buồn chết!
Xe chạy ra ngoại thành, men sông Tô Lịch, qua làng Lủ (Kim Lũ), làng này mình đã từng sống lao động suốt hai năm. Rồi rẽ vào một nơi cảnh rất đẹp, có vẻ dinh cơ của một quan lớn ngày xưa[2]. Qua khỏi khu nhà cổ, đến dãy “xà lim” xây sau 1954, thực ra là những dãy nhà thấp, chia thành nhiều phòng. Mỗi phòng dài rộng khoảng 3m, có cái bệ xi măng có thể ngủ được năm người, quá thoải mái so với Hỏa Lò, nhưng mình lại thấy như bị ném vào giữa sa mạc, nhất là thấy hình như chỉ có mỗi mình mình trong cả dãy xà lim! Anh tù “tự giác” (tù nhân, thường là thân thuộc của CA, được trại giam trao nhiệm vụ lo mọi sinh hoạt của các tù nhân khác – HH) đưa cho mình một cái chiếu và một cái bô, nói một câu vẻ đùa đùa: “Ôi giời! Bác già thế này còn vào xà lim làm gì chứ?”
Bữa cơm đầu tiên ở “Xà lim bộ” anh tự giác đưa vào có một bát ô tô cơm (sới ra được ba lưng bát ăn), một bát rau muống có nước vị đậm, có thể gọi là canh. Chất và lượng đều hơn hẳn Hỏa Lò (sau này đi cung, cán bộ điều tra cho biết mình được hưởng chế độ “cán bộ trung cấp”).
Ngày làm việc đầu tiên, anh CA xưng tên là C. thuộc Cục Điều tra xét hỏi. Thấy anh có vẻ vui vẻ, thoải mái, lại nhớ ra cậu T. có cho mấy gói thuốc lào, mình bèn hỏi xin tờ báo cũ. Anh hỏi: “Chắc bác mang về để quấn thuốc lào?” và cho mình tờ báo, lại cho luôn cả bao diêm. Về sau có hôm anh mang cả điếu cày cho hút. Anh C. này hòa nhã, có học, biết nói chuyện thơ, chuyện lý luận văn học, biết cả thơ Maia… Mình có cảm tình với anh này, cũng như với anh T. ở Hỏa Lò.
Công việc hàng ngày của mình là “làm việc” với anh C. Lại khai lại từ đầu mọi sự, người ta đặc biệt tìm hiểu quá trình chuyển thơ ra nước ngoài, quan hệ với cô Cần Thơ bên Pháp ra sao[3]. Những điều này mình đã khai hết ở Hoả Lò, nay lại khai lại, chẳng có gì mới. Sau khoảng ba tháng thì coi như khai hết chuyện. Từ lúc ấy, anh C. xuống thưa dần, có khi bẵng cả tháng chẳng thấy ai hỏi đến. Mình đâm nhớ, mong được gọi ra, vì thuốc lào thì hết, mà một mình giữa cảnh vắng lặng trời ơi là cô tịch!
Nằm một mình mãi chẳng biết làm gì, mình bắt đầu quan sát kỹ luỡng buồng giam. Đầu tiên là bốn bức tường. Chi chít chữ, viết bút chì, phấn, cả bằng mảnh ngói, mảnh gạch. Lạ một cái là có những câu như liên hệ đến mình, hình như họ gọi mình là “đại tướng năm sao”, có câu như ca dao đại ý nói “đừng có dại dột mà khai… tù dài chung thân”, có câu “Bên kia sông?” (hay là họ nhắc đến bài “Bên kia sông Đuống”?). Lại có nguyên một bức thư tình gửi đúng tên mình mới lạ chứ: “Anh Việt ơi! Về với em!”[4]
Những đêm sau đó, mình bắt đầu có tâm trạng hết sức lạ lùng. Đêm đêm, có những khi mất điện, anh tự giác đem lại một chiếc đèn Hoa Kỳ, bắc ghế leo lên đặt ngọn đèn vào cái khe tường buồng giam, cái khe rất cao mình không với lên được. Đang nằm thiu thiu thì chợt nghe một tiếng súng chói tai. Giật mình tỉnh dậy giữa căn phòng tối mờ mờ, chẳng biết mấy giờ đêm. Lại nghe tiếng chó sủa, một lúc thì có tiếng chạy rầm rầm ngoài hành lang, một lúc lại nghe như có hai người trò chuyện ở ngoài đường. Mình nghe rõ ràng họ nói về mình, như nói đến “xe bánh vuông”, thì đúng là câu thơ mình viết về Đặng Đình Hưng “Lỗ chỗ chín chậu nắng tóe mắt võng rách tụt cân đai yên ngựa què kéo đen ngòm cỗ xe bánh vuông (không thấy mui) sa lầy sông thu bùn lũ ngược vẫy sen tàn…”.
Suốt mấy hôm thần kinh mệt mỏi thế nào đó, cứ thức thức ngủ ngủ. Có hôm ngủ dậy thì trời đã sáng, có hôm thì tối hù, đèn điện không có đèn dầu cũng không, mà cảnh bên ngoài cứ luôn biến động, có những tiếng nói ở đâu đấy như ám chỉ mình, cứ thế suốt ngày đêm trừ khi ngủ chợp đi. Có hôm đang ngủ lại nghe rõ ràng phòng bên cạnh náo nhiệt như chợ Hôm hay chợ Đồng Xuân, rào rào không rõ tiếng gì, bỗng có tiếng hét lên: “Ông Việt ơi! Ông Hoàng Cầm ơi! Ông định chết ở trong này hay sao?” Có khi lại gọi cả những bút danh khác của mình như Lê Kỳ Anh: “Ông Lê Kỳ Anh! Ông định chết ở trong này, không về với vợ con à?” (Lê Kỳ Anh là bút danh mình lấy khi xuất bản tập thơ dịch từ tiếng Pháp cho NXB Văn học của anh Lý Hải Châu). Lại có hôm giữa trưa mình nằm ngủ trên sàn xi măng, chợt nghe bên tai giọng nữ giống như giọng bà Yến vợ mình, giọng tâm sự như giữa hai vợ chồng đang nằm bên nhau ban đêm, thầm thì: “Anh coi còn gì thì khai hết đi, giấu giếm cái gì nữa!”.
Lòng mình rất nhộn nhạo vì những âm thanh như vậy. Còn thêm tiếng tắc kè giữa trưa, ngay ở tường bên cạnh, nó kêu liền 7, 8 tiếng “tắc kè, tắc kè” chỉ cách chừng 1m, mà mình tìm mãi chẳng thấy có con tắc kè nào; hay con thạch sùng nào cứ “zạc, zạc, zạc” ngay trên trần, mà nhìn lên nào thấy? Về sau, thậm chí những lúc ra sân tắm, mình cũng nghe thấy đủ thứ âm thanh gần bên tai như thế. Mình đâm nghi họ giấu cái máy phát âm thanh đâu đó để tác động lên tâm lý mình. Thế là mình săm soi từng cái lỗ trên tường, nơi có ổ dây điện chui vào, rồi gõ gõ mặt sàn mà mình ngờ rằng phía dưới rỗng…
Đến nỗi này thì mình muốn chết quách. Nhưng lại sợ đập đầu vào tường chưa chắc đã chết, chỉ tổ đau, lẩn thẩn tự hỏi người xưa đập thế nào mà có thể vỡ óc, chắc là phải lao hết sức mạnh? Có hôm mình nghĩ đến cái cạp quần còn dai, mới xé nó ra, chờ ngày đi tắm ra sân tự do, mình sẽ buộc chặt hai chân lại rồi tự dìm đầu vào bể nước cho chết ngạt! Mình làm thật. Nhưng đến lúc uống vài ngụm nước, sắp ngạt thở thì bản năng sinh tồn lại khiến mình vội nhấc đầu ra, kết quả là rét run, vội chạy vào đắp hết áo sống lên người, run cầm cập! Hay là viết thư về nhà xin thứ thuốc gì đó mà uống vào sinh ra phù thận, phù mà không chịu đi chữa mặc cho nó chết. Nhưng cán bộ trại kiểm tra đồ nhà gửi vào kỹ lưỡng lắm, nếu thấy số lượng thuốc nhiều họ sinh nghi thế nào cũng đưa bác sĩ đến xét nghiệm. V.v… Một thời gian dài cứ nghĩ vơ vẩn thế.
Chết không xong, thì kiếm cách gì cho qua ngày đoạn tháng? Mình nhìn ra cửa, để ý thấy có cái khe hở. Khom mình cúi nhìn qua khe, thấy hành lang dãy xà lim, thế là cứ lom khom suốt mà nhìn. Hành lang thường có người qua lại, khi thì anh quản giáo, lúc thì con chó, mà chó berger hẳn hoi. Có hôm thấy một ông già râu dài, hom hem, khoảng 70, mà lại có đứa bé gái 13-14 tuổi ăn mặc kiểu nhà quê đi theo. Ông bảo nó: “Mày đứng đây chờ người ta đem cơm đến thì đưa vào cho tao nhá!”, nói rồi đi vào trong xà lim. Có hôm giữa trưa, ngay phòng bên tay phải có tiếng phụ nữ hát bài ru con Nam Bộ quen thuộc thường phát trên đài, giọng rất trẻ, chỉ trên 20, nghe rất buồn. Thế là mình lấy một mảnh ngói gõ vào tường ba tiếng “cạch, cạch, cạch”. Bên kia đáp lại ngay ba tiếng. Mình gõ tiếp năm tiếng, thì cũng đáp đúng năm tiếng. À, thế là bên kia có phụ nữ. Nghĩ đến phụ nữ là mình phấn chấn lên một chút. Xong tiếp ngay đấy lại có một giọng đàn ông, mà cũng từ phòng đấy mới lạ. Người này ngâm một bài thơ Đường, mình nghe rõ câu “thương nữ bất tri vong quốc hận, cách giang… xướng Hậu đình hoa”. Dăm hôm sau, nhìn qua khe thấy hai cô độ ngoài 20, cũng nửa quê nửa tỉnh, cô thì quần đen áo phin, cô thì cái áo len xanh cộc tay. Hai cô lấy cơm rồi mang vào phòng cười khúc khích. Đến chiều thì không thấy nữa. Rồi cũng hết cả tiếng hát ru, hết cả cảnh hai ông cháu. Mình tiếc ngẩn tiếc ngơ, thèm được thấy, thèm được nghe những cái nó đưa mình về gần với cuộc sống như thế. Thèm lắm, trời ơi!
Mình sợ cái im lặng ở đây quá. Rõ ràng mình đang là người bị chôn sống. Mình thèm được đi hỏi cung, thèm được ai đó nói với mình một tiếng, dù là anh CA nào đó gọi mình xách mé bằng tên tục, bằng thằng cũng được!
Vào khoảng ngày Phật Đản tháng tư âm lịch, ngay buổi sáng dậy đã nhớ con gái quá. Theo mình tính nhẩm thì hôm nay chắc là ngày giỗ đầu của nó[5]. Đang nhớ như thế thì thấy có một con bướm trắng nhỏ bò trong góc buồng. Nó không bay, chỉ hơi đập cánh và bò, thỉnh thoảng lại xòe cánh ra vỗ nhè nhẹ và bò về phía mình. Mình vốn hay tin nhũng chuyện thần bí. Như lúc ở nhà, khi con gái chết được 35 ngày, thì nó hiện về trong một con bướm màu hoàng yến bay vào giường ngủ của mình. Mình liền ra thắp hương, rồi nó bay không biết bao nhiêu vòng. Bây giờ nó lại vào đây thăm mình trong tù. Trời ơi! Mình xúc động quá! Nó bò lên tay mình nằm ở lòng bàn tay, thế là mình nâng niu. Mình đặt bàn tay xuống bệ xi măng thì nó chạy ra nhưng cứ quanh quẩn trên mặt bàn không đi đâu hết. Cả ngày mình làm bạn với con bướm, nhớ con gái quá, mình khóc và buồn bã lắm. Đến đêm con bướm vẫn ở đó, rổi mình ngủ thiếp đi lúc nào không biết…

[1] Các sĩ quan xét hỏi của CAHN ở Hỏa Lò thường dỗ dành HC “thành khẩn khai báo” để được về sớm. Thi sĩ yếu đuối và cả tin đã nhanh chóng nhận tuốt tội nói xấu chế độ trong tập “Về KB”, và họ hứa sẽ đề xuất thả ông về trước Tết.
[2] Gần đây, bạn Bùi Xuân Bách ở Mỹ cho tôi biết đó dường như là dinh cơ của họ Bùi, có thời từng là nơi tụ họp văn nhân Hà Thành làm báo…
[3] Những năm trước đó, có một cô xưng là bác sĩ bên Pháp nhờ người quen ở VN gửi quà cho HC (thường là thuốc tây để bán lấy tiền) và xin thơ của ông. Những bài ông cho, trong đó đặc biệt chùm Cây (tam cúc), Lá (diêu bông), Quả (vườn ổi) bị CA coi là “phản động”, nói xấu chế độ.
[4] Tên khai sinh của HC là Bùi Tằng Việt
[5] Con gái là Hoàng Yến diễn viên kịch chết năm 1982.
Nguồn: Bản tác giả gửi http://phebinhvanhoc.com.vn. Copyright © 2012 - PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đối Thoại

- Giấc mơ của người mù lấp lánh ra sao?
- Thử tưởng tượng đi xuyên qua bầu trời lắp đầy kính.
Cô bạn đầy quyền năng, mỉm cười bảo thế.
 
- Có thể xoá đi ký ức đau thương của dân tộc?
- Vô ích thôi! Vết thương chiến tranh mau lành,
Còn bóng ma tổ tiên cứ đêm đêm hiện về trách mắng.
 
- Cách thế nào thoát ra, biến mất?
- Cần một phép mầu và cơn vô thức mộng du...
 
 
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang