Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

BI KỊCH HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG


Ngô Minh
Từ rất nhiều năm nay tôi rất muốn bày tỏ đôi điều về những bi kịch cuộc đời mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) từng chịu đựng và trăn trở, từng nén vào lòng để sống và sáng tác suốt hơn mấy chục năm qua. Vì tôi gần gủi vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường- Lâm Thị Mỹ Dạ hàng ngày, nên tôi được nghe kể nhiều lần từng sự việc một. Sau Tết Mậu Tý , kỷ niệm 40 năm Mậu Thân vừa qua, một lần nữa Hoàng Phủ lại rất bức xúc, khi nhà báo Thanh Tùng ( báo Tiền Phong) tìm đến phỏng vấn anh về những chuyện buồn Mậu Thân ấy. Bài phỏng vấn đó có tựa đề là :” Cái hoạ của người nổi tiếng”. Anh kể về cuộc phỏng vấn cho tôi nghe. Vậy bi kịch của Hòang Phủ là gì ? Đó là chuyện một số hoạt động của anh trong chiến dịch Mậu Thân bị một số người cố tình hiểu sai, vu khống tàn tệ trên báo, trên mạng, trong dư luận cộng đồng người Việt hải ngoại. Thêm nữa, chính thể nhà nước mà anh đã lựa chọn dấn thân cũng không hiểu anh, không mấy mặn mà với anh, một nhà văn đã sống hết mình, viết hết mình vì nhân dân, đất nước.
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng hàng đầu và có uy tín và được người đọc mến mộ nhất hiện nay ở Việt Nam .Văn chương Hoàng Phủ thấm đẫm tình thương yêu và trí tuệ, là thứ văn chương tri âm tri kỷ, làm nhiều thế hệ độc giả say mê, tìm đọc. Được người đọc mến mộ vì văn chương HPNT không phải là thứ văn chương “phải đạo” ( chữ của Hoàng Ngọc Hiến), xưng tụng một chiều,”ta thắng địch thua”, mà đó là thứ văn chương thật, có chính kiến rạch ròi, mạnh mẽ, là sự dấn thân để xây dựng một nền dân chủ và nhân văn cao cả. Không giống một số nhà văn xu thời nghĩ khác, viết khác, sống khác, viết khác, luôn đeo mặt nạ ngăn cách mình với xã hội, HPNT sống như viết, nói như viết, nghĩ như viết. Anh viết đến tận cùng của vấn đề mà không sợ sự suy diễn, quy chụp, vì anh viết và nói bằng trái tim đỏ thắm tình người và tình yêu Tổ Quốc. Chỉ đọc những bài nhàn đàm bàn chuyện thế sự hàng ngày hay đọc bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông hay Rừng hồi , ai cũng nhận ra chân dung Hoàng Phủ. Đó là một cây bút luôn dấn thân vì lẽ phải, vì Tổ Quốc quê hương . Từ sau 30-4-1975 đến nay, HPNT đã in trên 16 đầu sách bút ký, nhàn đàm, thơ, trong đó có Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm 4 tập với 2000 trang in, là những trang viết làm nao lòng người đọc cả nước. Có lẽ HPNT là nhà văn đông đảo người hâm mộ nhất trong nước từ mấy chục năm nay. Không chỉ văn chương mà trong cuộc sống ngày thường, Hoàng Phủ luôn đau đáu nỗi người. HPNT bị trọng bệnh nằm một chỗ, xem ti vi thấy cảnh nghèo đói, bần cùng của người dân nghèo, anh đã nhiêù lần rưng rưng nước mắt. Càng sắc sảo tài hoa trong văn chương bao nhiêu, anh càng quên mất bản thân mình trong cuộc sống đời thường bây nhiêu. Anh sống hồn nhiên như một đứa trẻ, không hề biết đến, không hề bận tâm đến những giả trá lọc lừa chung quanh mình…Văn là người. Một người như thế, một nhà văn đồng hành cùng nhân dân như thế không thể có chuyện cầm súng giết người, phản nhân dân, hay phản Tổ Quốc được. Thế mà bi kịch vẫn cứ xảy ra…
Năm 1966 , hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên chống chế độ Mỹ-Thiệu, bị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế truy lùng, HPNT đã lên “rừng” theo kháng chiến. Đó là sự lựa chọn của anh theo tiếng gọi của trái tim yêu nước, trước tình cảnh quân Mỹ ngập tràn miền Nam. Lúc này Hoàng Phủ là giáo sư dạy môn siêu hình học ở Trường Quốc Học Huế. Anh có viết báo làm thơ và làm chủ bút một số tờ báo của lực lượng học sinh sinh viên đấu tranh, nhưng về văn học thì chưa có tác phẩm nào nổi tiếng. Cùng tham gia “xuống đường” đấu tranh với HPNT lúc đó có Hoàng Phủ Ngọc Phan ( em trai), Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Trần Quang Long, giáo sư Lê Văn Hảo, Phương Thảo.v.v..Năm 1966, HPNT “lên xanh” làm cán bộ, rồi viết báo ở Ban Tuyến Huấn Thành uỷ Huế, chẳng có chức vụ gì cả. Trong “Tổng tấn công” Tết Mậu Thân 1968, trong khi chiến trận đang hồi ác liệt tại Huế, thì một tổ chức mới ra đời gọi là Liên Minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Thành phố Huế ( gọi tắt là Liên Minh Huế) ra đời. Hoàng Phủ Ngọc Tường , là Tổng thư ký, giáo sư Lê Văn Hảo, chủ tịch, bà Nguyễn Đình Chi và Hoà thượng Thích Đôn Hậu là phó chủ tịch . Đây là tổ chức mặt trận để kêu gọi tập hợp quần chúng đứng lên “chống Mỹ”, chứ không có bất cứ một quyền hành gì trong điều hành chỉ huy chiến trận cả. Những ngày nổ ra “Tổng tiến công”, cả Chủ tịch, 2 phó chủ tịch và Tổng thư ký của Liên Minh đều ở “xanh” . Riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường sau khi soạn xong “Lời hiệu triệu” kêu gọi quần chúng nổi dậy, thu băng tiếng nói, rồi được gửi về phát đi khắp các nẻo đường, phố phường ở Huế trong Tết Mậu Thân sau khi quân Giải phóng chiếm được thành phố . Sau khi viết lời “Lời hiệu triệu” ấy, HPNT và Lê Văn Hảo có tên chính thức tham gia chiến dịch Mậu Thân, đều có mặt ở Chỉ huy sở Tiền Phương của Mặt trận Huế ở núi Kim Phụng, phía Tây Huế. Bộ tư lệnh bảo chờ sáng mai sẽ về Huế, khi tình hình đã ổn định. Nhưng rồi tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, nên hai người chỉ ngồi trong phòng Chỉ huy Sở. Ngồi như là ngồi chờ giao việc và sau đó không bao giờ trở lại thành phố Huế nữa cho đến năm 1972 được điều ra làm Trưởng Ty Văn hoá tỉnh Quảng Trị ( vùng mới giải phóng của Mặt trận giải phóng). Mà thực ra trong suốt những năm lên “Xanh” ở A Lưới, HPNT không được phân công về thành phố hay đồng bằng một chuyến nào cả. Điều đó có rất nhiều nhà văn như Tô Nhuận Vỹ, Xuân Thiều, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khoa Điềm biết rõ.
Thế mà từ gần 20 năm nay, một số cây bút ở hải ngoại không biết do thù oán gì,hay do ganh tỵ tiếng tăm với Hoàng Phủ khi anh đã nổi tiếng ở trong nước, đã viết bài đổ tội cho HPNT, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân với những lời lẽ vô cùng đao búa như gọi là “đồ tể giết 2000 người Huế trong Tết Mậu Thân”, “thủ phạm chính của cuộc tàn sát”,” “các hung thần can dự tới bữa tiệc máu”. Năm 1997, Thuỵ Khuê, đài RFI ( Pháp) đã phỏng vấn HPNT về vụ Mậu Thân này . Trong bài trả lời phỏng vấn đó, HPNT đã nói rất rõ ràng là mình không hề có mặt ở Huế trong suốt trận chiến đó. Buổi phát thanh này đã được tiếp sóng qua Đài phát thanh Little Saigon ở quận Cam mà nhiều Việt Kiều đã nghe trực tiếp. Bài phỏng vấn đó cũng được in lại trên Tạp chí Hợp Lưu, do Khánh Trường làm Tổng biên tập. Thế mà không hiểu sao nhiều người cứ cố tình nói sai sự thật. Ngày 1-1-2005, trên websitehttp://ngothelinh.tripod.com ( trùng với tên ông Ngô Thế Linh, một đại tá quân dội Sài Gòn tử trận trong Mậu Thân ở Huế) lại có bài viết “Hoàng Phủ Ngọc Tường, kẻ hái phù du sau thảm sát Tết Mậu Thân 1968 tại Huế “. Tác giả bài viết cho rằng tập thơ “ Người hái phù dung” của HPNT là sự ăn năn, sám hối về tội “phản quốc” và “sát nhân” của mình . Thật là một sự phán xét sai lệch rất nhẫn tâm về tập thơ trữ tình rất thâm sâu được nhiều người yêu thích ấy. Gần đây thôi, đầu tháng 1-2008, trên bloghttp://vanchuong.vnweblgs.com do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chủ trương, có in bài “ Chuyện vui về Hoàng Phủ Ngọc Tường”, trong phần comment có người xưng là Dân Huế đã nói khống lên rằng :” Chính hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan cầm súng bắn máy bay Mỹ trong khu hẽm nhà tôi ở Huế ( Phường Phú Cát)”. Thật là nói lấy được ! Những người như Tường là cán bộ dân sự, đi kháng chiến bằng ngòi bút, chứ không bao giờ cầm súng cả. Lại có người comment trênhttp://vanchuong.vnweblgs.com ngày 15-1-2008 cho rằng:” ÔngTường quả có dính vào vụ Mậu Thân Huế, nhìn hoàn toàn theo khía cạnh khách quan. Ông ta không thực sự nhúng tay vào vụ Mậu Thân, nhưng về mặt tinh thần, ông chính là linh hồn của vụ đánh chiếm Huế qua tiếng tăm của ông, do tài năng của ông và do ảnh hưởng của ông tới những người đàn em, học trò”. Nói cho thật công bằng, tiếng tăm của Tường lúc đó chưa có gì nhiều, chưa như bây giờ. Tường chỉ là một cán bộ tuyên huấn bình thường, làm sao lại bảo ông là “linh hồn của vụ đánh chiếm Huế” ? Hơn nữa trong học thuyết “giai cấp” của các nước theo CNXH, “công-nông-binh” là lực lượng chủ lực, từng lớp trí thức là ăn theo, chưa bao giờ được tôn trọng, mà được coi là từng lớp tiểu tư sản, hay chao đảo lập trường tư tưởng thường xuyên phải học tập cải tạo, nên không đáng tin cậy ! Cứ xem lịch sử đối xử tàn bạo với trí thức của Stalin, của Mao Trạch Đông trong “Cách mạng Văn hoá”… thì rõ.
Nghe tôi nhắc có những bài vở, ý kiến trên mạng về vụ Mậu Thân ấy, HPNT thốt lên :” Không hiểu sao đến giờ vẫn có những kẻ xấu miệng cứ tìm cách buộc chặt tôi vào “vụ” Mậu Thân Huế. Đúng Mậu Thân đã trở thành một bi kịch đời tôi !” Anh bực bội :” Tôi đành xem họ như những kẻ vu khống bẩn thỉu, thế thôi !”
Tôi nghĩ có lẽ sự hiểu nhầm, hiểu sai rất oan ức này là do cái “Lời hiệu triệu” với giọng đọc của HPNT thu thanh từ trước, phát đi khắp các nẻo đường Huế sau khi nổ ra Chiến dịch, làm cho ai cũng tưởng HPNT đang ở Huế. Thứ nữa là tập ký sự “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” mang tên tác giả là Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về những người giữ cờ trên Phu Văn Lâu Huế. Không tham gia đánh trận trực tiếp làm sao mà viết về cuộc chiến với những chi tiết cụ thể như thế ? Sự thật thì không phải vậy. HPNT bảo rằng, đây là một tập sách “viết chưa đạt”. Vì thế trong 4 tập của Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (NXB Trẻ và Công ty Phương Nam hợp tác ấn hành, 2002), tập ký này không được chọn trang nào cả. Tường kể :” Đây là cuốn sách tôi viết từ một tư liệu ghi chép thực tế “những người giữ cờ” ở Huế của Nguyên Đắc Xuân. Tôi nhớ bản thảo ấy cũng chỉ độ 5 đến 7 trang. Tôi đã hư cấu thêm theo sự cho phép của thể loại ký và theo suy nghĩ của tôi- chứ tôi đâu có mặt ở Huế vào thời điểm ấy. Viết xong gửi đi tôi ghi tên cả hai người cùng viết. Một hôm tôi đang làm rẫy ở trong rừng thì nhận được một cuốn sách của NXB Giải Phóng. Không hiểu vì sao bản này khi in thành sách tên tác giả lại chỉ có mình tôi. Thế là tôi trở thành thằng “hớt tay trên” của bạn. Tôi đã viết thư gửi ra Hà Nội phản ứng với Giám đốc NXB Giải phóng lúc đó là anh Khương Minh Ngọc. Nhưng sau đó tôi được anh Bảo Định Giang, lúc này chức vụ lớn hơn, nhưng đang phụ trách Tiểu ban Văn nghệ Miền Nam can ngăn; bảo rằng làm như thế sẽ “có lợi” cho cách mạng hơn !Không biết có lợi là lợi gì ?Lúc đó tôi đã kể cho anh Nguyễn Đắc Xuân nghe tất cả chuyện oái oăm này…”
Tiện đây, tôi cũng xin nói đôi lời về cái gọi là “vụ tàn sát Mậu Thân” ở Huế. Không một quân đội nào dạy cho binh lính mình giết người dân cả. Dân là chỗ dựa của quân đội. “Nâng thuyền cũng dân, lật thuyền cũng dân”( Nguyễn Trãi). Nhưng chết nhiều người trong Mậu Thân là sự thật rất đau lòng. Trong chiến tranh khốc liệt, người chết do nhiều nguyên nhân: Hai bên bắn nhau, tên rơi đạn lạc. Những ngày Mậu Thân suốt tháng trời đó, máy bay Mỹ dội bom, quân đội Sài Gòn bắn pháo dữ dội suốt tháng trời khắp các nẻo đường Quân giải phóng đột nhập Huế, dội pháo vào Thành Nội, và thành phố Huế. Quân giải phóng cũng chống trả quyết liệt. Bom pháo, súng đạn đó không biết cách phân biệt “Việt Cộng” hay người dân, tất cả đều bị chìm trong khói lửa. Quân Giải phóng mà đa phần là bộ đội trẻ từ miền Bắc vào chết rất nhiều. Rồi chuyện lợi dụng chiến tranh để thanh toán tư thù. Cả hai bên đều tìm cách diệt những người là tay chân thân tín của bên kia để trừ hậu hoạ.v.v.. Vì thế, không thể đổ việc nhiều người chết cho một bên nào được. Tạp chí Sông Hương số Xuân Mậu Tý ( 2-2008) có in bài “Me Mỹ” kể chuyện Huế sau Tết Mậu Thân”, trích đăng hồi ký của bà Nguyễn Thị Thanh Sung, người An Cựu Huế là vợ của ông Bill Fleming, cố vấn An Ninh tại Toà lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế lúc đó, gọi theo lối dân gian bà là “Me Mỹ”, hiện đang định cư ở Potomac, bang Maryland. Bà Thanh Sung đã kể chuyện sau Mậu Thân, bố bà là ông Nguyễn Đăng Hiếu bị cảnh sát chính quyền Huế bắt giam vì đã có tên trong quyển Sổ Vàng, khi cuốn “Sổ vàng của Việt Cộng” lọt vào tay họ . Cuốn sổ vàng đó ghi tên những người đóng góp tiền của giúp Cách mạng trong chiến dịch Mậu Thân . Mấy ngày sau đó có thông báo gửi cho mẹ bà Thanh Sung “ Bà và người nhà lên đường rầy xe hoả gần nhà ga để nhận xác chồng bà. Khi nhận ra nhớ đem về chôn cất ngay lập tức”.., ”qua khỏi nhà Ga, đi theo đường rày về phía núi, từ đằng xa nhìn tới, chúng tôi đã bắt đầu thấy những xác chết nằm la liệt hai bên đường rày”. (Theohttp://www.tapchisonghuong.com.vn) . Có bao nhiêu ngàn người bị chính quyền Huế trả thù “chết la liệt” như ở đường rày Ga Huế ?
HPNT là bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tường đã viết một cuốn bút ký rát hay về Trịnh “ Cây đàn lia và hoàng tử bé”, đã từng viết thư cho Hội đồng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT, đề nghị phải tặng cho Trinh Công Sơn một giải thưởng lớn về những đóng góp của nhạc sĩ cho Tổ quốc và dân tộc. Thế mà ở Hải ngoại có người đã vu cho Tường làm Chủ tịch Hội văn nghệ đã đày đoạ Trịnh đi tăng gia cuốc đất trồng khoai sắn ở những vùng heo hút ,khó khăn. Những ngày sau 1975, những sai lầm về kinh tế xảy ra như cải tạo công thương ở miền Nam, rồi đất nước bị cấm vận, chính quyền các cấp chỉ làm được một việc là hô hào cán bộ, công chức, quân đội, dân chúng tăng gia cứu đói. Đó là lệnh trên, ai cũng phải đi, chứ đâu phải lệnh của ông phó chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Hoàng Phủ Ngọc Tường! Bản thân Tường gầy gò, nhỏ bé, chân cò tay nhện cũng phải cầm cuốc cuốc đất trồng sắn đến chảy máu tay …
Sau năm 1975, HPNT là một trí thức đi theo kháng chiến lặn lội rừng núi suốt 10 năm, cho đến ngày toàn thắng. Từ năm 1972 đến 1976, anh lao mình vào công cuộc xây dựng ngành văn hoá văn nghệ tỉnh Quảng Trị. Khi ba tỉnh Bình Trị Thiên nhập một, anh vào Huế hoạt động trong Hội Văn học nghệ Thuật. Thời gian làm Phó Chủ tịch hội VHNT Bình Trị Thiên anh đã có công trong việc làm cho công chúng hiểu đúng hơn về nhạc tiền chiến, mà nhiều nhạc sĩ ở Bắc vào, công chúng là cán bộ tập kết miền Bắc về lại quê thường gọi là nhạc vàng” độc hại”, “ru ngủ” cách mạng, nên kiến quyết tẩy chay. Cả những ca khúc tuyệt vời của Trịnh Công Sơn cũng bị cho là nhạc vàng. Họ cho căng biểu ngữ trước trường Đại học Sư phạm phản đối nhạc Trịnh. Với tư cách Tổng Thư ký Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tổ chức một số buổi hội thảo về “nhạc tiền chiến”, mời các ca sĩ giỏi ở Huế đến hát các bài hát Đêm tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Hồn Vọng Phu ( 1,2,3) của Lê Thương, Thiên Thai của Văn Cao.v.v..cho mọi người nghe. Rồi mời mọi người đánh giá . Kết quả người nghe ai cũng vỗ tay tán thưởng . Từ đó hai chữ “nhạc vàng” cứ lui dần, người Huế lại hát nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn.
HPNT chí cốt với con đường mình đã chọn đến mức anh phải kiên nhẫn đến 17 năm đối tượng đảng. Đến khi vào được đảng thì mấy năm sau bị tai nạn nên xin thôi. Sở dĩ Tường đứng chân “đối tượng” lâu như thế vì HPNT là người “cấp tiến” có tư tưởng dân chủ mới mẻ, không được cấp trên tin tưởng lắm. Vì Tường biết tiếng Anh, tiếng Pháp, hay đi dọc phố nói “tiếng Tây” với mấy người ngoại quốc, Việt Kiều về nước, những người khách Tây thường đến thăm nhà Tường, nên không ít người cho rằng, Tường đang làm việc hai mang. Nghi ngờ đó kéo dài rất lâu.
Tường kể :” Sau giải phóng có lần ông được giới thiệu ra ứng cứ Đại biểu Quốc Hội, thì không hiểu tại sao trong dân gian lập tức lan truyền rằng : Lan- đính – Chính -Tường / Bốn tên phản động tìm đường mà đi.( Lan- Lê Mậu Lan, giám sốc nhà máy xi măng Long Thọ, Đính-Nguyễn Hữu Đính, kỹ sư nông lâm yêu nước, thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Chính- Ngô Thế Chính, Phó tiến sĩ sử học, hiệu trường Đồng Khánh (Trường Hai Bà Trưng ) ngày mới giải phóng, ) . Ai phản động ? Tại sao bảo tôi là phản động ? Tôi dám thách bất cứ ai có thể đưa ra một bằng chứng nhỏ chứng tỏ rằng tôi là kẻ phản động. Các người chỉ giỏi bôi nhọ người khác để được việc mình !”. Có lần Tường được mời sang dự hội thảo văn hoá ở nước Đức, vé máy bay đã mua đút túi rồi, nhưng sắp đến giờ bay thì có người đến thu hồi vé máy bay của Tường .Thế là chuyến đi bị huỷ. Có lẽ vì nhà nước không hiểu bản chất con người Tường, nên sợ Tường đi xuất ngoại rồi ở luôn bên đó “với địch”. Một lần khác Tường lại được mời đi Pháp, lần này lại gặp rắc rối cản trở trong chuyện kê khai thủ tục, may nhờ một sĩ quan công an người Quảng Trị đồng hương giúp đỡ, anh mới lên máy bay được.
Người ta không tin tưởng Tường vì tại diễn đàn các Đại hội Nhà văn Việt Nam, nhất là Đại hội 4,5, Tường là một người phát biểu chính kiến rất mạnh mẽ, anh đòi “cởi trói”,đòi tự do sáng tạo cho văn nghệ sĩ, anh đòi thực thi việc tạo ra cơ chế “đối trọng” trong xã hội.Đó là những đòi hỏi chính đáng mà các “nhà văn nhà nước” không bao giờ dám nói. Tại Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ V, ông Đỗ Mười, lúc đó là Tổng Bí thư Đảng, đã mời riêng từng người là Tường và Bùi Minh Quốc đến Văn phòng Tổng Bí Thư để “chấn chỉnh” việc đòi “đối trọng” ấy! Từ năm 1990-1992,chia lại tỉnh, Tường là Tổng Biên tập Tạp Chí Cửa Việt. Tuy là Tạp chí văn nghệ của một tỉnh lẻ nơi miền Trung heo hút, thế mà Tường đã biến nó thành một tạp chí được độc giả mến mộ, tìm đọc nhất trong nước lúc đó. Vì Tạp chí đã thể hiện được một quan điểm sáng tác mới mẻ theo ý tưởng tự do sáng tạo, nói thẳng nói thật vì sự tiến bộ xã hội, vì văn minh đất nước. Rất nhiều những cây bút cấp tiến có tên tuổi từ Hà Nội, Sài Gòn, Paris… như Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Cầm, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Thị Hoàng, Lữ Phương, Trần Độ, Lê Bá Đảng, Bùi Minh Quốc, Phùng Quán.v.v.. đã gửi bài đăng tạp chí. Mới 17 số, tạp chí Cửa Việt đã trở thành “cái gai” trong mắt những người quản lý Văn nghệ. Thế là tạp chí bị đình bản ! Đó là một bi kịch, một cú xốc lớn của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Một lần nữa anh lại bị chính thể chặn đường ! Vì những lý do đó mà việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưỏng Nhà nước về Văn học nghệ thuật diễn ra lần đầu từ năm 1997, nhưng HPNT không được xét. Mãi đến năm 2007, Nhà nước mới trao Giải thưởng Nhà nước cho HPNT. Tôi nghĩ Văn chương và nhân cách của Hoàng Phủ ảnh hưởng đến các thế hệ người Việt Nam lớn hơn rất nhiều so với một số nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh . Khi nói về chuyện này, Tường lại bảo:” Giải thưởng không quan trọng. Quan trọng nhất là người đọc đọc mến mộ mình!”
Bi kịch đến từ nhiều phía thế mà HPNT vẫn cặm cụi viết hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Nhắc đến chuyện “bi kịch” anh cười :”Nhưng tôi vẫn làn việc vui vẻ “Bất đắc chí độc hành kỳ đạo”- Mạnh Tử đã nói như thế. Sống ở đời một người tri thức cũng có một cái giá phải trả cho việc mà người khác cứ tưởng là mình được tín nhiệm…
Phần nhận xét hiển thị trên trang

CUỘC SỐNG CỦA TÔI Ở TRUNG QUỐC


 

Trên toàn cõi Trung Quốc, ít ai có thể chạy nhanh bằng, nhảy cao bằng, hay bắt được nhiều con hươu (mà những con hươu ấy cũng có thể chạy nhanh hay nhảy cao) bằng bà nội tôi. Nhờ bà nội tôi mà cả làng mới có miếng ăn trong mùa đông.
Bà bạn thân nhất của bà nội tôi có tên là Gerry. Bà Gerry đã từng có thời là một thợ săn kiệt xuất. Thời đó, vào mùa hè, bà Gerry thích lang thang trên những bình nguyên, tìm những con nai chà để bắn. Vào mùa đông, bà Garry thích trượt ski trên những dốc núi ở Thượng Hải. Nhưng một tai nạn xe lửa đã chấm dứt những ngày săn bắn và trượt ski của bà Garry. Người lái xe lửa có tên là Bo.
Anh trai của ông Bo, là ông Bob, chế tạo xe vận tải để kiếm sống. Chiếc xe ô-tô của ông Bob là một chiếc Pontiac GTO được độ lại để trông cho nháng lửa với bộ bánh xe to nhất trên toàn cõi Trung Quốc. Ông Bob, ông Carlos và ông Jimbo thường lái chiếc xe này lên Bắc Kinh trong những ngày cuối tuần để chạy đua trong những trận đua xe bất hợp pháp trên đường phố. Có một lần, ông Jimbo mua được một bộ mâm bánh xe đúc bằng kẽm loại đặc chế thứ thiệt từ một bà tên là Velma với giá cực rẻ — nguyên một bộ chỉ có 4 đô. Bà Velma chuyên buôn bán mâm bánh xe và các loại da và lông thú hảo hạng.
Em họ của bà Velma tên là Artie thì chơi trong một ban tam tấu nhạc jazz với các bạn Mort và Sid. Sid chơi đại hồ cầm và hắn tìm được cơ hội để ban tam tấu đến chơi trong một buổi trình diễn ngoài trời ở Đài Sơn. Buổi trình diễn bị hủy bỏ vì trời mưa. Ông bầu của buổi trình diễn, tên là Al, đã gặp Suzie tại một quán rượu trong đêm đó.
Suzie là một nường mướt mát, có ngoại hình rất bắt mắt. Nường là một con mái chân dài, vú bự thuộc loại hàng cao cấp, đang tìm những gã đàn ông thẳng thừng, không vờ vĩnh.
Nường hỏi Al, “Anh tên gì?”
Al nói, “Tên anh là Suzie.”
Suzie nói, “Rất vui khi gặp anh, anh Suzie.”
Bọn họ đi đến một nhà nghỉ và bọn họ mần cái chuyện đó suốt đêm. Đó là lần đầu tiên Suzie mần cái chuyện đó với một gã đàn ông có cùng tên với nường.
Nhân vật nữ mang tên Suzie hiện nay sắp được thủ diễn bởi Dick Sargent, một nam diễn viên có lẽ được biết tiếng nhiều nhất khi đóng vai nhân vật Darrin trong phim Bewitched. Dick thực sự hồ hởi về vai diễn mới nhất của mình. Ông sẽ áp dụng tất cả tài nghệ mà ông đã thủ đắc qua cả sự nghiệp thành công của ông trên truyền hình. Ông dự định sẽ làm nổi bật phần tính cách tham vọng của Suzie và đồng thời tạo điều kiện cho một chút vẻ khả tín của nường tương tác với những sự nhẹ dạ của các nhân vật khác.
Một năm sau đó, Suzie — Suzie đây tức là ông Al, chứ chẳng ai khác — đã dời xuống miền nam của Trung Quốc và làm nghề lái ghe giã cào. Clarence, thằng nhỏ phụ việc trong buồng lái, luôn luôn nói rằng cá thì có mùi giống thịt rắn hơn thịt nai. Thằng Clarence đã trốn theo chiếc ghe giã cào này để thoát ra khỏi Đài Loan.
Rốt cuộc thì lúc nào tôi cũng gặp mặt thằng Clarence. Hiện thời, nó là người gần gũi nhất của tôi và chính là cha của tôi.
Tôi chưa bao giờ đến cái làng nơi người ta phải nhờ bà nội tôi thì mới có miếng ăn trong mùa đông. Tuy nhiên, ít có ai trên toàn cõi Trung Quốc — bà nội tôi ở trong số ít đó — mà có thể chạy nhanh bằng, nhảy cao bằng, hay bắt được nhiều con hươu (mà những con hươu ấy cũng có thể chạy nhanh hay nhảy cao) bằng tôi.


------------
Dịch từ nguyên tác Anh ngữ “My Life in China” của Tom Cho, trích trong tập truyện ngắn Look Who’s Morphing(Artarmon, NSW: Giramondo Publishing, 2009) 111-113.
 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những nhập nhằng của Bắc Kinh và hiểu lầm của thế giới về Trung Quốc...

NXN

Với dư luận thế giới, Trung Quốc là cường quốc đã có ảnh hưởng quốc tế trong cả ngàn năm, sau thế kỷ lụn bại chỉ bằng chớp mắt, nay đang chiếm lại ngôi vị truyền thống. Cho nên các chiến lược gia đều thấy sự thật này trong cách xử trí với một quốc gia từng là trung tâm thế giới hay thiên hạ, như tên gọi của Trung Quốc. Khốn nỗi, sự thật này chỉ là một huyền thoại.
Sự thật là Trung Quốc chưa từng là trung tâm của thế giới, dù chỉ là thế giới của đại lục Âu-Á. Và ngàn năm qua, Hán tộc đã từng bị các sắc tộc khác thống trị trong nhiều thế kỷ. Bài này sẽ nói về giai đoạn đầu của "ngàn năm Trung Quốc", từ năm 960 với Đế chế của nhà Đại Tống cho đến năm 1911 khi Đế chế nhà Đại Thanh sụp đổ, chấm dứt luôn sự cai trị của các Hoàng đế Trung Hoa, khởi đầu từ Tần Thủy Hoàng Đế vào năm 221 trước Công nguyên.
Sau ngàn năm đó là "trăm năm huy hoàng" của Hán tộc, từ 1912 đến 2013 - một chuỗi huyền thoại cận đại mình sẽ xét sau....
Thế giới ngoài Châu Á, là Âu Châu hay "Tây phương", có thể đã lần đầu tiên biết về Trung Quốc dưới cái tên là CATHAY, hình như là do lầm lẫn của Marco Polo khi kể lại chuyện Trung Quốc thời nhà Nguyên với cái tên phổ biến KHITAN tại Tây Á và Trung Á của Đế quốc Khất Đan hay Khiết Đan.
Khác với nhiều quốc gia mà tên nước phản ảnh chủ quyền của một sắc tộc chính (Đại Việt là một thí dụ, Afghanistan là một thí dụ khác, đất của người Afghan), Trung Quốc có tên nước khá trung hoà, chung chung, là "quốc gia trung tâm". Bên trong có nhiều sắc tộc khác nhau, nhưng Hán tộc giữ vai trò chính - hoặc làm như là đã từng giữ vai trò chính. Đấy là huyền thoại đầu tiên, một sai lầm cứ lưu truyền như chân lý. Ngày nay, khi tiếp tục dùng chữ "Trung" như Bắc Kinh hay con vẹt Hà Nội, chúng ta lưu truyền sự sai lầm đó. Vô tình hay cố ý thì xin cứ chọn!
Trong ngàn năm Trung Quốc, từ 960 đến 1911, Hán tộc đã nằm dưới, hoặc bị các dị tộc bợp tai đá đít trong nhiều thế kỷ, khoảng hai phần ba thời gian đằng đẵng này.
Trước hết, sử sách lười biếng - và kẻ đọc sử theo tinh thần bị Hán hoá, là không dùng óc phê phán - thường ghi rằng nhà Đại Tống khởi nghiệp nhờ Triệu Khuông Dận vào năm 960 sau 70 năm loạn lạc của thời "ngũ đại thập quốc" ("năm đời 10 nước"), và kết thúc vào năm 1279. Ngàn năm qua, đấy là triều đại của Hán tộc có thiên mệnh lâu nhất, dài hơn ba thế kỷ (319 năm).
Sự thật lại không hẳn như vậy. Trước hết là về nhà Đại Tống.
ĐẠI TỐNG 960-1279
Sự thật là nhà Tống có nhiều thành tựu chói lọi về văn chương hay kỹ thuật, nhưng là thời "đa nguyên" khi chính quyền trung ương suy yếu nhất trong các triều đại của Hán tộc. Lý do là một sự thật khác: lãnh thổ Trung Quốc tuột khỏi tầm kiểm soát của Hán tộc vì bị các triều Khất Đan, Tây Hạ và nhà Kim cai trị trong cả thế kỷ. Xin hãy đọc lại:
Từ năm 960 đến 1279, nhà Đại Tống bị mất đất 1) cho Khất Đan từ năm 916 (Triệu Khuông Dận chưa thống nhất tất cả như thiên hạ thường nghĩ) đến năm 1125; 2) cho Tây Hạ (thuộc tộc Tangut, Thông Cổ Tư, có họ với dân Tây Tạng) từ 982 đến 1227; 3) cho nhà Kim, thuộc sắc tộc Nữ Chân, có họ với dân Khất Đan và Mãn tộc sau này, từ năm 1115 đến 1234.
Không chỉ mất đất, nhà Tống còn bị chia hai. Sau trăm năm đầu thì Bắc Tống bị tộc Liêu uy hiếp và bị nhà Kim tiêu diệt năm 1127. Còn Nam Tống thoi thóp đến năm 1279 là tiêu vong.
Trong 319 năm đó, sự thật ai oán là nhà Đại Tống của Hán tộc chịu phận chư hầu, phải triều cống cho Khất Đan từ năm 1004 và cho Tây Hạ từ năm 1044. Năm 1207, Hoàng đế Nam Tống là Ninh Tông Triệu Khoách còn tăng mức triều cống và tự xưng cháu, "Hoàng điệt", với "Hoàng thúc" nhà Kim. Chúng ta kính trọng các anh hùng của họ, như Nhạc Phi hay Văn Thiên Tường, nhưng, khi thấy Hán tộc coi thường các sắc tộc họ gọi là tứ di thì đừng quên sự thật: trong hơn ba thế kỷ của nhà Tống, có hai thế kỷ là bị "man di" khuất phục. Ta nhớ lại các anh hùng dân tộc của ta đã đánh bại quân Tống, như Lê Đại Hành năm 981 hay Lý Thường Kiệt năm 1075....

NGUYÊN MÔNG 1279-1368

Sau đó là thời của cháu nội Thành Cát Tư Hãn, là Hốt Tất Liệt, người lập ra nhà Nguyên của sắc tộc Mông Cổ trên một lãnh thổ bát ngát.
Sau khi Thành Cát Tư Hản lấn đất cắm dùi từ năm 1207 thì Mông Cổ hoàn toàn làm chủ Trung Quốc từ năm 1279 đến 1368. Hán tộc là dân thứ cấp, hạng dưới, của người Mông Cổ. Dù có thi đỗ để ra làm quan từ năm 1315 trở về sau cho triều Nguyên Mông thì sĩ phu Hán tộc chỉ được nhậm chức ở địa phương. Triều đình trung ương thuộc các Đại Hãn. Họ kết nạp trí thức Tây Á, Trung Á, Á Rập, thậm chí Âu Châu (Marco Polo là thí dụ).
Đây là một thời "đa nguyên" khác vì tầng lớp ưu tú xuất phát từ nhiều sắc tộc, thuộc các tôn giáo hay văn hóa như Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo, Cảnh giáo hay Mani giáo ("Minh giáo" theo cái hiểu thông tục nhờ truyện võ hiệp Kim Dung).... Tư tưởng Khổng Nho và cả chữ Hán có được sử dụng, nhưng chỉ là phương tiện cai trị thực tiễn ở dưới. Và trí thức Hán tộc có hai ngả giải thoát là văn chương, và.... lại luyện thuốc trường sinh theo Đạo giáo.

ĐẠI MINH 1368-1644

Sau trăm năm dưới ách Nguyên Mông (1279-1368) Hán tộc có cơ hội quật khởi khi Chu Nguyên Chương sáng lập ra một triều đại kéo dài từ 1368 đến 1644.
Trải ngàn năm của Trung Quốc nếu có một thời kỳ mà Hán tộc thật sự thi thố tài năng hoặc nguyện ước "bình thiên hạ" thì đấy là vào nhà Minh, ít ra trong nửa đầu của 276 năm cai trị, là hơn một thế kỷ. Kết luận là không có gì sáng láng!
Tính trung bình thì trong 276 năm, mỗi năm lại có một cuộc chiến (con số chính xác của Alastair Johnson, một học giả Harvard, là 1,12!) Ngoài chuyện loạn lạc triền miên với hơn 300 vụ xung đột giải quyết bằng quân sự, những điểm nổi bật nhất của nhà Minh của tộc Hán là:
Thứ nhất, mở rộng và củng cố Vạn lý Trường thành, một kỳ tích của sự sợ hãi có thể thấy được từ mặt trăng. Thứ hai và đấy là lý do, vì khu vực Trung Nguyên của Hán tộc thường bị các dị tộc Mông, Mãn tấn công. Thứ ba, nhà Minh quay đầu vào núi, giữ thể thủ để tồn tại: sau bảy chuyến hải hành từ 1405 đến 1433 của Tam bảo Thái giám Trịnh Hoà, một Đô đốc Hồi giáo, thì Hán tộc ra lệnh "hải cấm". Nhường đại dương cho thế giới. Thứ tư, nhà Minh trở lại lý luận tinh thuần của Khổng Nho, không tranh đua buôn bán với thiên hạ.
Một lý do quan trọng không kém của kỳ tích tự cô lập này là kinh tế: công khố bị kiệt quệ.
Mười năm chiếm đóng (1407-1418) và thu vét tài nguyên của Đại Việt lại ộc ra hết và lỗ vốn vì 10 năm kháng chiến của Lê Lợi từ 1418 đến 1427! Xin đặt lại "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi vào bối cảnh "geopolitics"....
Và dù đã nâng cao mở rộng Vạn lý Trường thành, Hán tộc dưới đời Minh vẫn không ngăn nổi thác lũ từ Đông Bắc, họ lại bị dị tộc khuất phục sau khi gặp cảnh tham ô và động loạn liên miên từ trước đời Sùng Trinh 1611-1644.
Kết luận thì lãnh thổ Trung Quốc thời Nguyên Mông rộng lớn chừng nào thì co cụm dúm dó chừng đó vào thời nhà Minh của Hán tộc. Rồi chỉ mở rộng là nhờ dị tộc Mãn Thanh.

ĐẠI THANH 1644-1911

Mối duyên, hay cái nợ, của Hán tộc với các sắc tộc Nữ Chân, Khất Đan hay Liêu Kim không kết thúc với nhà Nguyên hoặc được Trường thành Liêu Đông của nhà Minh ngăn trở. Các sắc tộc thiểu số trên vùng Đông Bắc đã tranh đua với nhau, thoát khỏi ách Nguyên Mông và quật khởi. Đó là Mãn Tộc, tự xưng nhà Hậu Kim rồi đổi thành nhà Thanh. Họ vượt trường thành vào làm chủ Trung Quốc từ năm 1644.
Ngẫm lại thì thế giới bên ngoài biết quá ít về các sắc tộc hay bộ lạc như Mông Cổ, Tây Hạ hay Thông Cổ Tư, hoặc Mạt Hạt, Nữ Chân, Khất Đan, Cao Ly hay Mãn Châu, v.v.... Có lẽ Hán tộc cũng tránh nói đến cái phần kém vinh quang của họ trên những khu vực hoang vu cằn cỗi nơi "quan ngoại", ngoài Vạn lý Trường thành. Cho đến khi bàng hoàng vì bị một sắc dân thiểu số từ đó bước vào cai trị trong 267 năm.
Các sắc dân này cũng có đại anh hùng, như Đại Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích và con trai là Hoàng Thái Cực, hai người sáng lập nhà Đại Thanh. Họ là tổ phụ của những Khang Hy và Càn Long nổi tiếng trên thế giới và góp phần nhân đôi diện tích của Trung Quốc vào đời Minh!
Quả thật là nhà Đại Thanh đã là đại cường Đông Á trong thời kỳ đầu, với các cuộc viễn chinh mở rộng bờ cõi nhờ các chiến công quân sự tại Tân Cương, Tây Tạng, Nepal và Miến Điện. (Trường hợp nước ta với Quang Trung Nguyễn Huệ là ngoại lệ tê tái, y như các chiến công đời Trần).
Thế giới khi ấy chỉ có ba Đế quốc xứng tài là Đế quốc Ottoman theo Hồi giáo, Đế quốc Moghul của văn hóa Ba Tư và Đế quốc Đại Thanh của Mãn tộc.
Dưới triều Mãn Thanh, Hán tộc lại là loại công dân hạng nhì, thắt bím nằm im dưới các sắc tộc thiểu số. Trong tổ chức quân sự và dân sự, là "bát kỳ", dưới tám lá cờ, các tộc Mãn và Mông vẫn lãnh đạo ở trên, Hán tộc là nô bộc chỉ được tham dự về sau, và ở cấp thấp. Trong sinh hoạt trị quốc, chữ Hán có được dùng, nhưng chỉ là phương tiện điều hành cho cấp dưới, chứ các văn từ quan trọng nhất đều viết bằng tiếng Mãn. Việc Hán tộc đã "Hán hóa" của dị tộc cũng là một huyền thoại khác. Nhà Thanh áp dụng tư tưởng Khổng Nho vì có lợi cho bộ máy thống trị - và cũng khiến xứ sở lụn bại dần - chứ vẫn khinh thường người Hán. Chỉ những ai đã nhiều đời phục vụ các tộc Nữ Chân, Kim Liêu về trước hay Mông Mãn về sau mới được trọng dụng. Họ là thành phần bị gọi là "Hán gian"....
Chính là sự miệt thị này mới giải thích phản ứng dội ngược của Hán tộc trong cuộc cách mạng gọi là "Dân Quốc" vào năm 1911 - và những thảm kịch về sau. Chuyện về sau, khi sẽ nói sau....
Khi điểm lại "ngàn năm Trung Quốc", từ 960 đến 1911, ta thấy ra quy luật của sự nhập nhằng, lồng trong mặc cảm tự ti được che giấu bằng tinh thần tự tôn nhờ chiến công của người khác.
Trong 319 của nhà Tống, có hơn 200 năm bị ngoại thuộc từng phần rồi toàn phần. Cộng với gần trăm năm thống trị của Mông Cổ và 267 năm của Mãn Thanh, Trung Quốc thực tế bị ngoại tộc khuất phục trong khoảng 600 năm. Xin viết lại cho dễ nhớ: 600 năm cúi đầu trong 950 của Đế chế Trung Quốc.
Nói cách khác, đa số các Hoàng đế Trung Quốc không phải là người Hán. Hai phần ba thời gian vinh quang của Trung Quốc ngàn năm là một chuỗi dài nhục nhã cho Hán tộc.
Khi các dị tộc man rợ này cai trị thiên triều thì họ mở cơ hội cho nhiều sắc tộc khác tham gia. Khi Hán tộc có thể một mình một chợ thi thố tài năng thì chủ nghĩa duy chủng thắng thế, Hán tộc là nhất. Trung Quốc có sự "ổn định" huy hoàng - trăm năm đầu của nhà Tống và nhà Minh. Sau đó là nội loạn, ngoại xâm và lụn bại.
Ngày nay, khi lãnh đạo Trung Quốc lấy chiến công chinh phục của dị tộc để nói về chủ quyền của họ, từ vùng Mãn Châu qua Nội Mông, Tân Cương hay Tây Tạng, họ nhập nhằng với lịch sử. Và với địa dư. Những vùng đất nằm ngoài Vạn lý Trường thành, dù là xây vào đời Chiến Quốc, hay Tần, hay mở rộng vào đời Minh, không thể là lãnh thổ của Trung Quốc.
Lãnh đạo Bắc Kinh còn nhập nhằng với các sắc tộc khác khi lại đề cao Hán tộc và coi thường những sắc tộc đã bị đồng hóa lần mòn, mà vẫn chưa thấy yên tâm trong bụng.... Nếu hiểu ra tâm lý đó, ta có thể hiểu được những động thái ngày nay của Bắc Kinh, rất hung hăng với bên ngoài, để che giấu mối lo ở bên trong.
Đặt vào bối cảnh địa dư chiến lược của trường kỳ, ta mới thấy sự kiêu hùng của Đại Việt từ các chiến công lẫy lừng vào đời Tống, đời Nguyên, đời Minh đến thời Thanh làm Càn Long phải tâm phục.... Còn đâu cái nét kiêu hùng?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giang hồ



Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với ... giặt đồ


Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gợi tình
Gối trang sách cũ nằm gối bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa bưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cũng liêu xiêu

Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì phải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông, biển hoá rừng
Chân sẵn dép giày, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta khóc mới hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

Phạm Hữu Quang,
Tháng 5/1991


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cây Ven Đường: TRINH NỮ HẬN

Cây Ven Đường: TRINH NỮ HẬN: Đường tình cứ như con lộ lắm khúc quẹo .Ông thầy xem chỉ tay bảo đường tình yêu trên bàn tay của em sắc nét nhưng zích zắc, sẽ phải lận... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngố 180': Những Hình Ảnh Hài Hước Chỉ Có Ở Việt Nam

Ngố 180': Những Hình Ảnh Hài Hước Chỉ Có Ở Việt Nam: Phần nhận xét hiển thị trên trang Phần nhận xét hiển thị trên trang

TỄU - BLOG: KHÔNG ĐỀ 72 - Thơ Nguyễn Trọng Tạo

TỄU - BLOG: KHÔNG ĐỀ 72 - Thơ Nguyễn Trọng Tạo:   KHÔNG ĐỀ 72 Nguyễn Trọng Tạo Tôi cần mua nghị định 72   Để bán không cho những nhà hiền triết   Đọc bể cái đầu không bao giờ h... Phần nhận xét hiển thị trên trang