Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

VÌ SAO ÔNG GIÓNG VỀ GIỜI?

 Mai Tiến Nghị

Truyện này đã đăng từ năm ngoái... nhưng hôm nay đăng lại một tí tì tị cho vui.
 
Truyền thuyết "Thánh Gióng" thì ai cũng biết rồi nhưng muốn kể lại cho vui. Dùng lối viết nôm, ít dùng từ Hán Việt nên có vẻ thô thô. Hư cấu hư véo thêm tí cho có mầu chuyện kể. 
Ngày xửa ngày xưa…
Đời Hùng Vương thứ sáu. Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Lúc bấy giờ, dân nước ta đang thuở sơ khai. Chữ Hán cũng chưa vào nước ta được bao nhiêu, đạo Khổng chưa ra đời, thế giới không bị ràng buộc bởi quân sư phụ… Người dân sống bởi cái tình là chính, còn cái lý cũng rất mực giản đơn: “Nói đúng cái thúng phải nghe”. Nói chuyện với nhau chả kể gì quan tước, vai trên vai dưới… gọi nhau vẫn “mày tao” như dân nước ngoài thời hiện đại.
(Sở dĩ phải giải thích như vậy để mọi người đừng trách người kể chuyện hay nói bậy nói bạ mà không theo phép tắc.)


Kỳ 1/ Ở làng Gióng thuộc bộ Vũ Ninh có một đôi vợ chồng đã già, sống lương thiện mà vẫn chưa có con nối dõi. Hai ông bà rất lấy làm buồn phiền.

Giời thấy vậy thì thương. Nhân có một tướng nhà giời mắc lỗi, Giời bèn trừng phạt bằng cách cho xuống trần đầu thai nhà ấy để sau này lập công chuộc tội.

Người vợ già một hôm ra vườn cà thấy có dấu chân to bằng mười dấu chân người thường. Lạ quá! Sao lại có người to thế? Bà ta bèn cho chân mình vào ướm thử.
Khi đặt bàn chân mình vào cái dấu chân to đùng kia chợt thấy trong người rạo rực, lòng xuân lai láng như thuở còn mười tám đôi mươi.

Bà ta vội vàng về nhà, thấy ông chồng già đang ngồi ngoài sân cởi trần, dạng chân đan rổ, khố dây lỏng lẻo vắt sang một bên, bà lão càng rạo rực bội phần… Vội lôi thốc ông chồng vào buồng, cởi bỏ xống áo của mình, giật cái khố dây của ông lão… rồi vòng tay ghì riết…
Lúc thỏa mãn cơn dục tình, buông tay ra thì ông lão đã ngoẹo cổ, sùi bọt mép…

Bà không dám khóc to. Bảo rằng ông bị phải gió. Làng xóm xót thương giúp đỡ chôn cất ông chồng chu đáo.

Cũng từ hôm ấy bà lão có thai. Chín tháng mười ngày vẫn không thấy đẻ. Mọi người bảo là chửa trâu. Rồi đến mười hai tháng thì bà đẻ được một con giai đặt tên là Muộn.

Muộn đẻ ra mà không biết khóc. Rồi ba tháng, năm tháng, mười tháng không biết cười… hơn năm giời cũng chẳng u ơ lấy một tiếng, mọi người bảo là câm. Suốt ngày chỉ nằm mút tay, chân khua loạn xạ.

Bà già mải đi làm, để thằng bé Muộn nằm một mình ở nhà. Mũi rãi nhoe nhoét, ruồi nhặng bu đầy mặt.

Lúc bấy giờ giặc Ân phương Bắc lăm le xâm lược nước ta. Vua Hùng hoảng sợ bèn gọi các tướng lại họp bàn. Nhưng khổ một nỗi các tướng (lúc bấy giờ gọi là Lạc tướng) toàn con ông cháu cha chỉ giỏi đội mũ đeo râu ra oai với thiên hạ, chứ nghe đến đánh trận thì mặt xanh như đít ngóe. Vả lại lúc đó tướng nhiều hơn quân. Tất cả các tướng đồng thanh rằng phải án binh bất động.

Vua lại gọi các quan (gọi là Lạc hầu) đến hiến kế, các quan thảy đều lo sợ nếu đánh giặc thì nhà cao cửa rộng của mình tan hoang, đất cát tiền bạc mất hết, việc mua quan bán tước bị đình hoãn… Vậy nên đồng lòng tâu vua xin hòa để giữ ghế, để tiếp tục tham nhũng sách nhiễu dân lành.

Vua nghe theo quan tướng, cho người đem lễ vật sang triều đình nhà Ân xin làm chư hầu để được phong vương. Bọn giặc Ân được thể càng lộng hành. Nó sang giả vờ thuê đất thuê rừng, lấn biển… đưa người của nó vào làm rồi bóc lột thẳng tay người Văn Lang. Nham hiểm hơn bọn giặc còn đưa người khai khoáng mỏ vàng, mỏ bạc… bọn này dụ dỗ con gái Văn Lang nhẹ dạ, giả vờ lấy làm vợ để đồng hóa người nước ta và dễ bề vơ vét của cải. Hàng đoàn người ngựa kìn kìn chở vàng về phương Bắc mà vẫn không hết của. Bọn giặc lại bí mật đào hầm chôn giấu vàng bạc rồi dụ dỗ mua các thiếu nữ đồng trinh chôn sống làm thần giữ của đợi đời sau con cháu sang lấy. Dân Văn Lang biết hết, họ đã trình báo lên các quan nhưng bọn quan tướng Văn Lang chỉ biết giương mắt ếch ra nhìn mà không dám ho he phản đối dù chỉ một nhời…


Dân tình vô cùng bực bội. Các bậc kỳ mục trong làng ngoài xã tập hợp từng đoàn phản đối. Vua nhà Ân bắt vua ta và các quan tướng phải thẳng tay bắt bớ đánh dẹp. Rồi còn bắt vua loan báo rằng việc chống giặc là việc của triều đình. Cấm chỉ dân đen manh động. Đứa nào làm trái thì bắt chém.

Đã vậy triều đình còn bắt dân nay phải mở lễ hội mừng vua, mai phải mở tế lễ các thánh thần phương Bắc. Dân lại phải bỏ việc đồng áng để tập trung rước sách rất là vất vả. Người già cũng chẳng được tha.


Bà mẹ cậu bé Muộn mặc dù đã già vẫn phải đi làm nghĩa vụ với vua, với vua Ân đất Bắc. Cậu bé Muộn thường bị bỏ đói. Muộn ta nằm một mình đập chân thình thịch xuống chõng tre, rồi tự dưng mở miệng u ơ hét váng cả nhà. Chợt có một con nhặng vo ve bay đến đậu vào mang tai bảo:
- Mày khôn hồn thì nằm im. Mày mà nói bây giờ là mày phải chết đấy!

Thì ra Muộn biết nói chứ không phải là câm như mọi người thường nghĩ. Còn con nhặng chính là Thổ thần.

Cậu bé Muộn đành thì thầm chỉ đủ cho con nhặng nghe thấy:
- Sao tao lại không được nói!
- Mày nằm ở đây không biết. Mấy người đòi chống giặc, nhà vua bắt hết rồi. Mày mà nói ra, vua nó sai người đến cho một nhát thì xuống âm phủ, rồi thì không có cơ hội lập công chuộc tội với giời đâu. Cứ nằm im đấy mà đợi.
- Vậy lúc nào mới được nói?
Thổ thần nói:
- Bao giờ tao bảo mới được nói.
Muộn lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Rồi lại hỏi:
- Vậy nhỡ giặc nó đánh ngay sang đây thì sao.
Thổ thần bảo:
- Từ thuở Lộc Tục Kinh Dương Vương đến nay, giữ được nước giữ được đất là nhờ dân. Nay bọn vua quan triều đình bảo để chúng nó lo. Có mà lo được cứt! Cái lũ hèn này chỉ giỏi bắt nạt dân lành.... Mày cứ nằm im đấy đã, để chúng nó biết thân. Rồi chúng nó sẽ trắng mắt ra. Lúc bấy giờ mình đứng dậy cũng chưa muộn. Nhớ nhá! Cứ nằm im. Tức mấy cũng không được nói.

Thổ thần dặn vậy rồi bay đi. Muộn ta lại nằm mút tay ngẫm ngợi. Từ đấy giở đi không u ơ gì nữa. Mọi người vẫn bảo là câm.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Chảy máu chất gái.."



Cô dâu Trung Quốc (ảnh minh họa)
Chi phí đám cưới ở Việt Nam được cho là rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc
Kênh truyền hình tiếng Anh ở Trung Quốc, BON, vừa có phóng sự về Bấmthị trường "nhập khẩu" cô dâu Việt Nam trong mục Góc người tiêu dùng.
Cái giá để cưới một cô dâu Việt Nam là rẻ mạt đối với đàn ông Trung Quốc so với cưới một cô dâu cùng quốc tịch, kênh này nhận định.

Chưa thấy giới chức Việt Nam có phản ứng gì về phóng sự nhìn nhận các cô dâu như hàng hóa này.Phóng sự của Đài BON, tức Blue Ocean Network, cũng cho rằng phụ nữ Việt giúp đàn ông Trung Quốc tìm lại giá trị của bản thân.

‘Ế ẩm’

Phóng sự có độ dài 4’30" với tựa đề ‘Đàn ông Trung Quốc nhập khẩu cô dâu Việt Nam’ được phát vào thứ Sáu ngày 9/8 trong chương trình ‘Góc người tiêu dùng’ của kênh BON, tự nhận là kênh tiếng Anh tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc.
Theo BON, hiện nay Trung Quốc có đến 11 triệu đàn ông chưa lấy vợ trong độ tuổi từ 30 đến 39.
Những người thuộc dạng này được xã hội Trung Quốc gọi là ‘độc thân ế ẩm’ (leftover singles).
Do sức ép từ gia đình phải lấy vợ, những người đàn ông 'ế ẩm' này phải ra nước ngoài để tìm cô dâu, đặc biệt là ở Việt Nam, Đài BON nhấn mạnh.
Lý do Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu cô dâu được đàn ông Trung Quốc ưa chuộng là vì ở đây ‘cứ 3 đàn ông thì có đến 5 phụ nữ’, theo phóng sự.
"Chỉ cần bỏ số tiền mua vài chiếc Iphone là có thể mua được cô dâu Việt. Các nhà môi giới này thậm chí còn cung cấp dịch vụ hậu mãi phòng khi cô dâu bỏ trốn. Quá hời."
Công dân mạng Trung Quốc
Tuy nhiên, lý do chính là ‘chênh lệnh giá quá lớn’ giữa cô dâu Việt Nam và cô dâu Trung Quốc.
Theo đó, chi phí để cưới vợ ở Trung Quốc có thể lên đến hơn 300.000 Mỹ kim, tức gần 6 tỷ đồng Việt Nam, trong khi để cưới một cô dâu Việt thông qua môi giới, đàn ông Trung Quốc chỉ cần bỏ ra chưa tới 5.000 Mỹ kim, tức khoảng 100 triệu đồng.
Một số cư dân mạng Trung Quốc mỉa mai về điều này, phóng sự của BON dẫn.
Một người viết: “Chỉ cần bỏ số tiền mua vài chiếc Iphone là có thể mua được cô dâu Việt. Các nhà môi giới này thậm chí còn cung cấp dịch vụ hậu mãi phòng khi cô dâu bỏ trốn. Quá hời.”
Một người khác bình luận: “Khi có con thì đứa trẻ này có thể nói được ngoại ngữ miễn phí. Thậm chí đi học ngoại ngữ còn đắt hơn (chi phí cưới cô dâu Việt).”

‘Tự tin hơn’

Đàn ông Trung Quốc
Đàn ông Trung Quốc khó lấy vợ ở quê nhà do chi phí đắt đỏ
Phóng sự giới thiệu trường hợp một người thợ hồ ở Trùng Khánh, thành phố lớn nhất ở miền Tây Trung Quốc, vốn đang làm passport để sang Việt Nam tìm vợ.
Người đàn ông không rõ tên họ này cho biết anh ta không đủ tiền để cưới vợ ở các thành phố lớn của Trung Quốc vì anh ta đến từ nông thôn.
“Tôi nghĩ con gái Trung Quốc bây giờ quá say mê vật chất,” anh nói, “Tôi cảm thấy mặc cảm khi đi chơi với con gái thành thị.”
“Tôi muốn có một người vợ Việt Nam trẻ đẹp. Con gái Việt Nam sẽ giúp tôi cảm thấy tự tin hơn.”
Chi phí để cưới một cô dâu Việt – bao gồm tiền đám cưới, tiền trả cho nhà gái và lệ phí nộp cho nhà môi giới – tất cả cộng lại vẫn quá rẻ, BON cho biết.
Theo đó, trước đám cưới, chú rể Trung Quốc sẽ trả cho nhà gái khoảng vài trăm đô la.
Còn tiệc cưới ở Việt Nam chỉ tốn khoản 2.000 đô la. Đám cưới xong, chú rể được phép đưa cô dâu về Trung Quốc.
Một công dân mạng bình luận: “Tôi nghe nói nhiều gia đình ở Việt Nam chỉ đòi có 100 đô la. Mặc dù vậy, 100 đô đã là một số tiền lớn đối với họ.”
"Hôn nhân là phải có tình yêu. Hai vợ chồng sẽ phải ăn đời ở kiếp với nhau. Đằng này là sự kết hợp không có tình yêu giữa những người thậm chí còn không nói chuyện được với nhau."
Công dân mạng Trung Quốc
“Đám cưới ở Việt Nam trên thực tế cũng giống như ở Trung Quốc. Khác biệt duy nhất là mức sống ở Việt Nam thấp hơn, còn ở Trung Quốc con gái chỉ đòi nhà đòi xe.”

Buôn người?

Chỉ riêng tại thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến, trong những năm vừa qua đã tiếp nhận trên 2.000 cô dâu Việt, phóng sự cho biết.
Những cô dâu được các nhà môi giới chọn chỉ trong độ tuổi từ 18 đến 25. Các nhà môi giới dạng này nhan nhản ở trên mạng và ngoài thị trường.
Đa phần các cô dâu Việt này một chữ tiếng Hoa bẻ đôi cũng không biết.
Cũng theo BON, tỷ lệ cô dâu Việt bỏ trốn lên đến 25%. Những cô dâu nào vẫn gắn bó với chồng thì phải ở cùng chồng ở Trung Quốc ít nhất 5 năm thì mới được xem xét quyền cư trú lâu dài, còn không hàng năm phải đi xin lại thị thực.
Nhiều người dùng Internet thì nhận ra rằng các cuộc hôn nhân xuyên biên giới này thực chất là hành động ‘buôn người’.
Một người nhận định: “Hôn nhân là phải có tình yêu. Hai vợ chồng sẽ phải ăn đời ở kiếp với nhau. Đằng này là sự kết hợp không có tình yêu giữa những người thậm chí còn không nói chuyện được với nhau.”

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có lẽ máy đểu nên ảnh chộp văn nhân như mất sổ gạo cả lượt!

ẢNH CHỘP VĂN NHÂN

Hồi mới chơi máy ảnh mình rất thích chụp chân dung, đặc biệt chân dung các nhà văn. Hiện đã có hẳn mấy folde cất riêng, thậm chí còn có ý định sẽ... triển lãm chân dung nhà văn. Ôi sao cái ý định ngây thơ mà nó lại lãng sờ mạn thế. Nhưng quả là loạt ảnh chân dung hồi ấy đẹp, vì mình còn run rẩy với... máy ảnh.

Giờ lười, toàn ngồi một chỗ rồi bóp cò (từ của Dương Minh Long gọi động tác chụp ảnh), hôm nay đổ ảnh thấy một loạt chân dung văn nhân mới bóp cò đợt rồi nó thế này (chưa cắt cúp xử lý):


Nguyễn Quang Thiều

Trung Trung Đỉnh

Phan Trọng Thưởng

Nguyễn Trí Huân

Nguyễn Thị Thu Huệ

Trần Nhương chấm com

Ngô Thảo

Lê Quang Sinh

Lê Phương Liên

Trần Đình Sử

Nguyễn Hoàng Sơn

Và Nguyên bạc với tớ...


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sư tử đá Tàu tràn lan nơi thờ tự Việt


- “Sự lai căng về văn hóa ngày càng rõ nét, đặc biệt là việc sử dụng sư tử đá tràn lan mang dáng dấp Tây, Tàu lẫn lộn” - PGS.TS Tống Trung Tín phát biểu.
Ngày 9/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn"Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa”.
Đã có rất  nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa còn chậm chưa theo kịp những yêu cầu. Sự lai căng về văn hóa ngày càng rõ nét, đặc biệt là việc sử dụng sư tử đá tràn lan mang dáng dấp Tây, Tàu lẫn lộn.
Cuộc xâm lăng của sư tử đá
Nhiều đại biểu cho rằng, văn hóa ngoại lai đang xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Điển hình là việc ở rất nhiều đình chùa, miếu mạo từ nông thôn ra thành phố, từ cơ quan doanh nghiệp cho tới nhà dân, nhiều hình ảnh sư tử đá Trung Quốc xuất hiện chình ình.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, người Việt Nam hiện nay có xu hướng sử dụng sư tử đá nhiều nhưng lại không có nghiên cứu và định hướng. Hình cặp sư tử đá ở Tử cấm thành của Bắc Kinh có từ thời Minh-Thanh có hình dáng dữ dằn. Tư thế nổi bật của sư tử đá Trung Quốc là to lớn, gân guốc, nhe nanh giơ vuốt đe dọa.
Trong khi sư tử đá ở Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, nó là một linh vật biểu trưng cho sức mạnh phật giáo. Nó đã tồn tại và phát triển theo một cách riêng rất đẹp. Cũng là biểu trưng cho sức mạnh nhưng sư tử đá của Việt Nam có tạo hình vẫn rất nuột nà, trang trí cực kỳ tinh mỹ.
Hình tượng sư tử trong văn hóa Việt mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân, là những con sư tử dạng cách điệu chứ không phải dạng sư tử cụ thể đang được sao chép từ phim ảnh, văn hóa Tàu lai căng như hiện nay.

Sư tử đá có cách đây 3000 năm. Trung Quốc không phải là nước đầu tiên có sư tử đá, Trung Quốc chỉ lấy lại rồi biến sư tử đá thành di vật biểu trưng. Đôi sư tử đá trước điện Thái Hòa là biểu tượng cho quyền uy của các vua chúa Minh – Thanh. Nhưng đó chỉ là trường hợp hãn hữu, còn lại đa phần dùng làm linh vật để canh mộ.
di sản, lai căng 
“Chính vì thế, nói sư tử biểu trưng cho sự thành đạt, vị thế của các doanh nghiệp, cơ quan là không chính xác. Nếu phát tài phát lộc thì cho 5 tỷ người trên thế giới mỗi nhà một con để lấy lộc lấy tài, để giàu hết đi khỏi phải đói khổ, khỏi có chiến tranh", ông Tín khẳng định.
Ông Tín nhấn mạnh:“Việc sử dụng sư tử đá vô tội vạ như hiện nay vô hình chung tuyên truyền cho văn hóa ngoại lai. Cần phải có tuyên truyền sâu rộng ngay từ cấp cơ sở”.
Không thể dùng linh vật nước ngoài vào thờ tự
“Đài liệt sĩ ở Trường Sa chưa xây xong đã thấy hai con sư tử đá chình ình ở cổng. Tôi hỏi ở đâu ra? Người ta nói cấp trên tặng. Tôi bảo, một là các anh đem trả lại, hai là vứt xuống biển. Các chùa chiền Bái Đính (Ninh Bình), Đền Đô (Bắc Ninh), Thiền Viện Giác Lâm Trúc Lâm (Quảng Ninh)…cũng nhan nhản sư tử đá nhưng là sư tử lai căng, Tây Tàu lẫn lộn” - nhà sử học Dương Trung Quốc bức xúc.
Chia sẻ với phóng viên, ông Quốc cho rằng, cá nhân có thể sử dụng sư tử đá nhưng rõ ràng là rất mất mỹ quan bởi sự kềnh càng, đó là chưa kể đa phần chất lượng nghệ thuật của các “tác phẩm” đó kém.
Việc đặt sư tử tùy tiện theo (kiểu đất nhà tôi, tôi làm gì chả được) vô hình chung dẫn tới việc làm nô lệ cho văn hóa ngoại lai. Thể hiện sự thiếu kiến thức của người sử dụng.
“Đã đến lúc tôi khẩn thiết mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chấn chỉnh lại việc này, tại sao nó tràn lan như vậy mà không ai lên tiếng. Đã đến lúc cơ quan chức năng chấn chỉnh cuộc xâm lăng của bầy sư tử lai căng”, ông Quốc nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết, Ủy ban sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra cơ quan, khuyến nghị các cơ sở thờ tự hoặc chùa chiền có những con sư tử đá đó nên có hình thức bỏ.
“Không thể dùng linh vật nước ngoài vào thờ tự ở Việt Nam được. Chúng tôi sẽ có những kiến nghị như thế với cơ quan chức năng, các cơ quan thanh tra kiểm tra của ngành văn hóa”, ông Tiến nói.
Hòa thượng Thích Quảng Nghiêm: (Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
Con cháu chúng ta đang bị lai căng văn hóa, lịch sử dân tộc không hề biết. Tin nhắn toàn bằng ký tự, ngôn ngữ Tây ta lẫn lộn, nếu trong trường học không uốn nắn kịp thời, một lúc nào đó tiếng Việt dần sẽ mất. Ngay cả những quảng cáo trên ti vi, nhiều cái mất cả tiếng Việt.
Sư tử của Phật giáo thì thường ở nơi các vị sư thuyết pháp, gọi là tòa sư tử. Vì trong kinh điển, Phật thuyết pháp như tiếng rống sư tử. Nghĩa nói là các điều mạnh để làm điều xấu bị át đi, làm những điều lành cho mọi người. Các thí chủ muốn đặt sư tử vào nơi linh thiêng để đạt được ý nguyện của họ, cứ tưởng thế là tốt. Nhưng ngay cả các chùa cũng không ý thức được việc này.
  Tình Lê

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn học Việt Nam..


writer-thien-son
Nhà văn Thiên Sơn, tác giả "Đại Gia"


Hành xử vô pháp luật

Trong khi câu chuyện luận văn của Nhã Thuyên vẫn còn âm ỉ trên cả hai lề báo chính thống và mạng xã hội thì vụ cấm cuốn tiều thuyết "Đại Gia" của nhà văn Thiên Sơn như một gáo dầu tạt vào đám lửa đang cháy. Rất nhiều câu hỏi đặt ra trước động thái này của Cục Xuất bản, nơi đang chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối của mình trong việc sinh sát các tác phẩm được ấp ủ và cưu mang của nhiều nhà văn mà ý tuởng của họ là cố tìm cho ra cái mới, cái khác lạ để đóng góp vào dòng văn học nước nhà.
Văn học phê bình từ rất lâu đã tỏ ra thiếu sức sống nhưng lại thừa những cây bút rất sinh động trong ngôn ngữ tấn công. Những bài viết cao giọng kêu gọi cả hệ thống trừng phạt một phụ nữ mang nghiệp giảng dạy văn học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa vì chị trót tin và đặt cuợc cả sự nghiệp của mình vào một luận văn mang tính khoa học, khảo luận về tính chất bên lề của những người đi theo khuynh hướng hậu hiện đại.
Bài luận văn bị xỉ vả nặng lời vì những người viết các bài viết ấy tuởng họ đều là Thẩm phán của Tòa án Văn học, trong khi vị trí thật của họ chỉ là người chạy công văn chưa bao giờ hiểu cặn kẽ phê bình văn học là gì.
Giống như thế, tiểu thuyết "Đại Gia" của nhà văn Thiên Sơn đang nằm trong ngăn kéo của nhà xuất bản Lao Động mặc dù đã được in ra và được phép xuất bản nhưng trong khi chờ lưu chiểu thì Cục Xuất bản cấm phát hành vì cho là có vấn đề.
Tờ Thanh Niên Online loan tin: ngày 31 tháng 7 vừa qua Cục Xuất bản đã có công văn yêu cầu nhà xuất bản Lao Động, nơi in tác phẩm Đại Gia, đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết này gồm 2 tập, tập 1: Tam giác ngầm, tập 2: Quyền lực đen. Giống như tình trạng của luận văn Nhã Thuyên, Cục Xuất bản còn đề xuất lập hội đồng thẩm định và phương án xử lý với cuốn sách. Lý do: “Cuốn sách viết về đề tài nhạy cảm, cường điệu, có những nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc”.
Nhà văn Thiên Sơn tác giả Đại Gia cho biết chi tiết hơn về đứa con tinh thần chết non của ông:
-Cuốn sách này đựơc chấp nhận kế hoạch xuất bản. Nhà xuất bản Lao Động được Cục Xuất bản chấp nhận và đã in ra nhưng theo luật Việt Nam thì khi in ra cần phải có thời gian để nộp lưu chiểu cho người ta xem xét lại mới được phát hành. Quyển sách này mới ở giai đoạn vừa in ra thôi và nguời ta yêu cầu dừng lại để muốn lập một hội đồng để thẩm định lại để xem nó được phát hành hay giữ nó lại. Hiện thời nội dung nó mới dừng lại ở đấy.
Công văn này là một bằng chứng sinh động cho thấy cách hành xử vô pháp luật trong hoạt động xuất bản. Cục Xuất bản đã làm việc theo một quy trình ngược khi cho phép nhà xuất bản in trước khi nhận giấy phép phát hành tác phẩm.
Tôi đã viết cuốn sách này bằng tất cả khát khao chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn gốc sâu xa luôn bị che đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đang đến với xã hội và số phận mỗi con người. Để rồi cuối cùng chúng ta hiểu ra những vận động sai lạc, lệch hướng đã đưa con người đến đau khổ như thế nào?
Nhà văn Thiên Sơn
Đáng lẽ bản thảo phải được nhà xuất bản xem xét nội dung và nếu cảm thấy bạn đọc thích thú thì bản thảo này sẽ đựơc gửi cho Cục Xuất bản thẩm định. Sau khi xem xét, Cục Xuất bản gửi lại cho Nhà xuất bản để biên tập và khi hoàn chỉnh sẽ gửi lại cho Cục lần thứ hai xem có sự thay đổi quan trọng nào cần phải được duyệt xét hay không. Bước thứ ba, khi Cục Xuất bản đã chấp thuận thì nhà xuất bản tiến hành in và nộp lưu chiểu cho Cục căn cứ theo bản thảo đã được duyệt xét. Nếu tác phẩm không sửa sang hay thay đổi gì quan trọng thì Cục Xuất bản không được quyền ngăn cấm quyền phát hành của nó.
Nhà văn Thiên Sơn cho biết về việc này:
-Theo luật xuất bản của Việt Nam thì không có kiểm duyệt lúc ban đầu. Việc kiểm duyệt do nhà xuất bản quyết định nhưng cuối cùng sau khi in ra thì tùy vào sự cho là có vấn đề gì thì có thể phía bên trên sẽ có ý kiến. Trong trường hợp này thì ý kiến từ Cục Xuất bản, riêng vê phía nhà xuất bản thì từ trước tới nay mọi chuyện đã xong hết và toàn bộ đều hợp pháp.
Một lần nữa chế độ tập quyền lộ rõ sự quan liêu và tùy tiện trong việc xét duyệt một tác phầm thông qua cảm tính và nhận thức mơ hồ về chính trị. Mỗi một Cục truởng có toàn quyền ban phát cho hay không cho đối với sự ra đời của cuốn sách qua một từ duy nhất là “nhạy cảm”.

Tai hoạ của quốc gia là điều "nhạy cảm"?

Tiểu thuyết "Đại Gia" nhạy cảm ở chỗ nào? dâm ô, bạo lực hay chống phá cách mạng như cách mà nhà nước thường kết luận cho những tác phẩm văn học ngoài luồng? Đìêu đáng ngạc nhiên là tác phẩm này chỉ viết về những gì đang xảy ra trong xã hội cộng với những hư cấu bình thường mà bất cứ tiểu thuyết nào viết theo motif hiện thực cũng đều áp dụng.
Vấn đề thao túng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng là vấn đề nóng hổi, đang đặt ra đầy thách thức đối với đất nước ta. Việc các đại gia sử dụng tiền bạc, gái đẹp làm tha hóa cán bộ cũng là chuyện diễn ra hàng ngày, được nói đến trên báo chí rất nhiều,
Nhà văn Thiên Sơn
Nhà văn Thiên Sơn viết trên bìa cuốn sách: “Tôi đã viết cuốn sách này bằng tất cả khát khao chỉ ra cái hiện thực hiểm nghèo, vạch trần nguồn gốc sâu xa luôn bị che đậy và cảnh báo những điều nguy hiểm đang đến với xã hội và số phận mỗi con người. Để rồi cuối cùng chúng ta hiểu ra những vận động sai lạc, lệch hướng đã đưa con người đến đau khổ như thế nào? Mong muốn lớn nhất của tôi là cuốn sách sẽ được bạn đọc thấu hiểu, sẻ chia và chúng ta sẽ cùng nhau đi đến nhận thức cũng như hành động chung nhằm mang lại những gì tươi sáng hơn cho tương lai”.
Cách nhìn tác phẩm của quan chức văn hóa thật sự đang tàn phá cả nền văn học. Giống như sự khủng bố đối với Nhã Thuyên, nhà văn Thiên Sơn bị dồn vào bóng tối do sự thao túng quyền lực để tính toán lại sự phí phạm thời gian, công sức của mình vào tác phẩm và cuối cùng nhận một phán xét của bà bán rau trong một phiên chợ ế.
-Tôi thấy tác phẩm văn học thì nên nhìn nó ở khía cạnh văn học. Không biết công văn đó nhận định thế nào nhưng quan điểm của tôi thì văn học cần phải nhìn ở góc độ nghệ thuật mà không nên nhìn dưới góc độ xã hội học. Tức là soi chiếu tác phẩm ấy xem tác phẩm ấy nó có bê nguyên hiện thực hay không hay nó như thế nào? Quan điểm của tôi thì đó là cách nhìn mà tôi cho là chưa sát hay hợp với cách xem xét một tác phẩm văn học.
Sự “nhạy cảm” mà công văn ghi nhận không xa lạ trong đời sống hiện nay. Bao nhiêu thứ được gọi là “nhạy cảm” đang biến khuôn mặt xã hội Việt Nam nhăn nhúm như bị đắp một lớp vữa rẻ tiền cố che những khe nứt rồng rắn trên mặt bằng chính trị. Lớp vữa kém phẩm chất ấy được quan chức sử dụng một cách phung phí để đắp lên điều mà nhà văn Thiên Sơn đã cố hết sức mình kêu gọi sự chú ý của người đọc, trong một cuộc phỏng vấn ông cho biết:
“Cuốn sách viết trong 30 tháng liên tục từ tháng 12 năm 2008 và kết thúc vào tháng 6 năm 2011. Khó khăn khi viết cuốn sách này là phải nắm được bức tranh toàn cảnh của cuộc đại khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước vốn là bối cảnh chính của cuốn sách. Sau đó, là tập trung vào nhận diện những mặt cơ bản nhất của cuộc khủng hoảng và những thủ đoạn thao túng của một số đại gia không chỉ làm tha hóa cán bộ mà còn gây thêm những rối ren cho nền kinh tế để mưu lợi cho riêng mình. Tôi đã làm việc miệt mài, xử lý một lượng thông tin khổng lồ và phân tích một cách sâu sắc có hệ thống toàn bộ những biến thái của cuộc khủng hoảng để cuối cùng, tìm ra những khía cạnh bản chất. Ngoài ra, những khó khăn muôn thuở của nghề văn trong việc dựng nhân vật, tạo các mối quan hệ, kịch tính, chọn chi tiết đắt… đặt ra những thách thức ngặt nghèo. Việc xuất bản cuốn này cũng là một khó khăn lớn, cuốn sách đã trôi nổi qua hơn 10 nhà xuất bản, may sao cuối cùng nó cũng đến tay bạn đọc.
Vấn đề thao túng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng là vấn đề nóng hổi, đang đặt ra đầy thách thức đối với đất nước ta. Việc các đại gia sử dụng tiền bạc, gái đẹp làm tha hóa cán bộ cũng là chuyện diễn ra hàng ngày, được nói đến trên báo chí rất nhiều, nhưng vì những khó khăn trong xuất bản, vì gai góc, vì khó thâm nhập sâu vào hệ thống tư liệu chăng, mà các nhà văn của ta ít đụng bút đến.”

Hành vi "nhơ nhớp" của lãnh đạo văn hoá

Những vấn đề thao túng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng mà tác giả muốn truyền đi chính là cái được gắn cái tên mỹ miều “nhạy cảm”. Ba mươi tháng liên tục bỏ ra cho cuốn sách đối với quan chức văn hóa chỉ đáng giá một tiệc nhậu vì người ta vẫn quen xem sự sáng tạo trong văn chương phải được phép mới có thể lưu hành. Giống như Cảnh sát giao thông, Cục Xuất bản tự cho mình quyền thổi còi bất cứ nhà văn nào vốn coi quyền sáng tác là hiển nhiên đối với người cầm bút.
Nhà văn muốn tránh sự áp đặt chính trị sẽ gặp những diễn giải đáng ngạc nhiên từ quan chức văn hóa khi viết về hiện thực cùng những nhơ nhớp của nó. Công văn ghi: “Cuốn sách viết về đề tài nhạy cảm, cường điệu, có những nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc” không khác gì một tấm chăn rách cố che sự thất bại của ngôn ngữ. Người đọc trở thành trẻ con, bệnh tật nên rất cần một cô giáo mầm non trông nom để tránh xa “cường điệu, chủ quan và không có lợi”.
-Thực ra thì không có nhà văn nào thoát khỏi hiện thực. Hiện thực bao giờ nó cũng là điểm khởi đầu và cũng là hướng đến của văn học thôi. Nhà văn nói chung khi sáng tác không ai đứng ngoài hiện thực cả. Thực ra một tác phẩm hiện thực được đưa vào văn học thì nó đưa khía cạnh bản chất của nó và nó đã đựơc hư cấu tái tạo rồi. Trong cái hiện thực xã hội nó cũng có những vấn đề như vậy. Còn người ta nói nhạy cảm thì tôi nghĩ rằng chúng là những hiện thực đã đựơc phổ biến và công khai hết rồi, mọi người đều nhìn thấy rồi.
Cái này chưa nên đặt vần đề gì vê nhà nuớc bởi vì đây có thể là một vài người nào đó đọc và họ thấy là cần phải xem xét lại chứ chưa có một kết luận nào. Tôi chỉ có ý kiến là nên xem xét tác phẩm văn học đúng như sự tồn tại của nó, tức là một tác phẩm hư cầu và không nên làm cho mọi thứ nó khác đi. Tôi nghĩ nếu nhìn văn học đối với một tác phẩm hư cấu và hãy nhìn nó với giá trị thẩm mỹ đó ở những kỹ thuật sáng tạo văn chương đó thì cuốn sách rất thoải mái. Còn nếu chúng ta nhìn nó dưới góc độ xã hội học thì nó không hay và nếu như vậy thì soi mói quá làm cho nhà văn khó khăn và làm cho sự sáng tạo văn học không được thoải mái vì bản chất của sáng tạo là tự do.
Cứ mỗi một cuốn sách bị cấm vì soi mói thì vết lăn của bánh xe văn học càng cạn cợt. Chiếc xe vốn đã nhẹ tênh nay bị vứt xuống đất những tác phẩm mang tính văn học, trong đó có "Đại Gia", đìều này cảnh báo rằng độc giả, khách đón xe cũng sẽ chọn một thái độ khác cho nhu cầu đọc sách của họ: đón chiếc xe văn học trên mạng Internet, nơi mà cánh tay cầm búa của Cục Xuất bản sẽ khó mà gõ được tiếng động có tên “nhạy cảm, cường điệu, chủ quan và không có lợi”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Mọi điều bạn tưởng bạn biết về Trung Quốc là sai lầm


china sphere
(Có phải chúng ta quá bị ám ảnh về sự trỗi dậy của TQ trong khi lẽ ra chúng ta phải lo lắng về sự suy sụp của nó)
Minxin PeiForeign Policy, 29-8-2012
Trần Ngọc Cư dịch
Trong 40 năm qua, người Mỹ thường chậm chạp trong việc nhận ra vận nước đang đi xuống của các đối thủ bên ngoài. Trong thập niên 1970 họ coi Liên Xô cao hơn họ một cái đầu – đang ở thế đi lên, mặc dù nạn tham nhũng và tình trạng thiếu hiệu năng đang phá hủy những cơ quan trọng yếu của một chế độ cộng sản đang suy tàn. Vào cuối thập niên 1980, người Mỹ sợ Nhật Bản đang qua mặt Hoa Kỳ về sức mạnh kinh tế. Nhưng chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism), cơn điên đầu cơ, và nạn lạm quyền chính trị biểu hiện suốt thập niên 1980 đã dẫn đến sự suy sụp của kinh tế Nhật Bản năm 1991.
Có thể người Mỹ đang mang một bệnh tưởng tương tự khi nghĩ đến Trung Quốc hiện nay chăng? Những tin tức gần đây nhất từ Bắc Kinh cho thấy sự suy yếu của Trung Quốc (TQ): tăng trưởng kinh tế liên tục chậm lại, hàng hóa ứ đọng vì sản xuất ra mà không bán được, số nợ xấu ngân hàng đang gia tăng, bong bóng đầu tư bất động sản đang theo nhau nổ, và một cuộc tranh giành quyền lực thô bạo đang diễn ở chóp bu, cùng với những xì-căng-đan chính trị xảy ra gần như bất tận. Nhiều yếu tố từng thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc, như lợi thế dân số, thái độ coi thường môi trường, lao động siêu rẻ, và khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài gần như bất tận, hoặc đang thu hẹp hoặc đang biến mất.
Nhưng ngay cả các giới chóp bu Mỹ cũng không ghi nhận được thế đi xuống của  Trung Quốc, nói chi đến công chúng Mỹ. Chiến lược “xoay trục qua châu Á” (pivot to Asia) của Tổng thống Barack Obama, được công bố vào tháng 11 năm ngoái và thường được đề cao, xây dựng trên tiền đề là Trung Quốc liên tục đi lên. Lầu Năm góc tuyên bố rằng vào trước năm 2020 khoảng 60% hạm đội của Hải quân Mỹ sẽ được đóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Washington cũng đang cân nhắc triển khai các hệ thống hải vận chống tên lửa (sea-borne anti-missile sytems) tại Đông Á, một động thái phản ánh những lo lắng của Mỹ về các lực lượng tên lửa đang gia tăng của Trung Quốc.
Trong cuộc vận động dẫn đến ngày bầu cử Tổng thống, 6 tháng 11 sắp đến, cả phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa đều nhấn mạnh sức mạnh bên ngoài của TQ vì những lý do vừa nhân danh an ninh quốc gia vừa tùy tiện chính trị. Phe Dân chủ dùng sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc để kêu gọi Chính phủ đầu tư thêm nữa vào giáo dục và công nghệ môi trường. Vào cuối tháng Tám, Trung tâm Vì tiến bộ Mỹ (the Center for American Progress) và Trung tâm Vì thế hệ mai sau (the Center for the Next Generation), hai cơ quan nghiên cứu chính sách tả khuynh, đã đưa ra một báo cáo tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ có 200 triệu người có trình độ đại học trước năm 2030. Bản báo cáo (cũng dự đoán tiến bộ của Ấn Độ trong việc tạo vốn con người/human capital) đã vẽ một bức tranh ảm đạm về sự suy yếu của Mỹ và đòi hỏi những hành động cương quyết. Phe Cộng hòa thì bênh vực cho việc gia tăng ngân sách quốc phòng trong một thời kỳ mà những con số thâm thủng đã cao ngất trời, một phần bằng cách trích dẫn những tiên đoán cho rằng các khả năng quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng khi kinh tế nước này bành trướng. Chương trình tranh cử 2012 của Đảng Cộng hòa, được đưa ra vào cuối tháng 8 tại Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa, nói: “Đối diện với việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng các lực lượng quân sự, Mỹ và đồng minh phải duy trì các khả năng quân sự thích ứng để ngăn cản hành vi xâm lược và o ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng”.
Sự không ăn nhập (disconnect) vẫn tiếp tục tồn tại, giữa một bên là những rối loạn đang sôi sục tại Trung Quốc và bên kia là cảm thức có vẻ chắc nịch của Mỹ về sức mạnh TQ, mặc dù các phương tiện truyền thông Mỹ mô tả tình hình TQ rất chính xác, nhất là về những suy yếu nội lực của nước này. Một lối giải thích cho sự không ăn nhập này là, giới tinh anh cũng như người dân bình thường tại Mỹ không được thông tin đầy đủ về Trung Quốc và về bản chất của những thách thức kinh tế mà TQ sẽ gặp phải trong những thập kỷ tới. Những tệ nạn kinh tế của Trung Quốc có gốc rễ sâu xa hơn thế nữa: đó là một nhà nước đồ sộ đang phung phí tiền vốn và đang chèn ép để đẩy khu vực tư ra ngoài sinh hoạt kinh tế, đó là sự thiếu hiệu năng và thiếu sáng kiến có tính hệ thống, đó là một giai cấp thống trị ở chóp bu tham lam vô độ chỉ biết vinh thân phì gia và duy trì đặc quyền đặc lợi, đó là một khu vực tài chính kém phát triển đến thảm hại, và đó là những sức ép môi trường và dân số chồng chất lên nhau. Nhưng ngay cả những người có theo dõi tình hình Trung Quốc, tư duy nổi bật vẫn là, mặc dù Trung Quốc đã đi vào một giai đoạn gập ghềnh, những yếu tố kinh tế cơ bản vẫn còn mạnh.
Những cảm thức của người Mỹ về tình hình trong nước mình đã ảnh hưởng cách nhìn của họ đối với các địch thủ bên ngoài. Chẳng phải là một sự trùng hợp tình cờ mà giai đoạn thuộc thập niên 1970 và thập niên 1980, khi người Mỹ không nhận ra những dấu hiệu suy yếu của các nước thù địch, cũng là giai đoạn mà dân Mỹ rất bất mãn với các thành tích của nước mình (chẳng hạn được phản ánh trong “bài diễn văn về căn bệnh của Mỹ” của Tổng thống Jimmy Carter, năm 1979). Ngày nay, một Trung Quốc có mức tăng trưởng kinh tế giảm sút từ 10% xuống 8% một năm (như hiện nay) vẫn còn trông sáng sủa so với một nước Mỹ có mức tăng trưởng èo uột dưới 2% và tỉ số thất nghiệp trên 8%. Trong con mắt của người Mỹ, mặc dù tình hình bên kia có thể xấu đi, nhưng tình hình ở đây còn tồi tệ hơn nhiều.
Sở dĩ những cảm thức về một Trung Quốc hùng cường và hãnh tiến vẫn tồn tại là do các hành vi hiện nay của Bắc Kinh. Cầm quyền tiếp tục khai thác những tình cảm dân tộc chủ nghĩa để nâng cao uy tín của mình như là những chiến sĩ bảo vệ danh dự Tổ quốc. Báo đài nhà nước và sách giáo khoa môn lịch sử đã nhồi nhét vào đầu óc thế hệ trẻ một món ăn tinh thần gồm những sự kiện bị bóp méo nhằm đề cao niềm tự hào dân tộc, những láo khoét trắng trợn, và những huyền thoại về lòng yêu nước, dễ dàng kích động những tình cảm bài phương Tây và bài Nhật. Thậm chí đáng lo ngại hơn nữa là lập trường không khoan nhượng của Bắc Kinh về các tranh chấp lãnh thổ với các đồng minh chính của Mỹ tại châu Á, như Nhật Bản và Philippines. Một cuộc tranh chấp lãnh hải, đặc biệt tại Biển Đông Việt Nam, có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Đây là một mối nguy đã thực sự khiến nhiều người Mỹ tin rằng họ không thể để mất cảnh giác đối với Trung Quốc.
Điều đáng tiếc là, sự chênh lệch giữa cảm thức của người Mỹ về sức mạnh TQ và hiện thực yếu kém của TQ có những hậu quả tai hại trên thực tế. Bắc Kinh sẽ lợi dụng những luận điệu bài Trung Quốc và sự tăng cường thế phòng thủ của Mỹ tại Đông Á như một bằng chứng hùng hồn về thái độ thù nghịch của Washington. Trung Quoc sẽ đổ lỗi cho Mỹ về những khó khăn kinh tế và thất bại ngoại giao của họ. Óc bài ngoại có thể trở thành một lợi khí cho một chế độ đang vùng vẫy để sống còn trong thời kỳ khó khăn. Nhiều người TQ đã quy trách nhiệm cho Mỹ về những hành động leo thang gần đây trong cuộc tranh chấp Biển Đông, và họ đã cho rằng Mỹ đã xúi giục Hà Nội và Manila lao vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Hậu quả nghiêm trọng nhất của tình trạng sai biệt giữa cảm thức và thực tế này là việc Mỹ mất một cơ hội để duyệt xét lại chính sách đối với Trung Quốc và để chuẩn bị cho khả năng, theo đó hướng đi lên của TQ có thể bị gián đoạn trong vòng hai thập niên tới. Cột trụ chính trong chính sách TQ của Washington là duy trì nguyên trạng (the status quo), một thế giới trong đó sự cai trị  được giả định là sẽ tồn tại hàng chục năm. Những giả định tương tự đã làm cơ sở cho các chính sách của Washington đối với Liên Xô cũ, với Indonesia dưới thời Suharto, và gần đây với Ai Cập dưới thời Hosni Mubarak và Libya dưới thời Muammar al-Qaddafi. Thái độ coi thường khả năng thay đổi chế độ tại các nước độc tài bề ngoài có vẻ ổn định đã trở thành một lề thói ăn sâu vào não trạng của các quan chức tại Washington.
Mỹ phải đánh giá lại những tiền đề cơ bản trong chính sách Trung Quốc của mình và nghiêm chỉnh cân nhắc một chiến lược thay thế, một chiến lược đặt cơ sở trên giả định về sự suy yếu của Trung Quốc và khả năng ngày một gia tăng về một cuộc chuyển đổi dân chủ bất ngờ trong vòng hai thập niên tới. Nếu một sự thay đổi như thế diễn ra, quan cảnh địa chính trị châu Á sẽ biến chuyển đến mức không thể nhận ra. Chế độ Bắc Triều Tiên sẽ sụp đổ một sớm một chiều, và Bản đảo Triều Tiên sẽ được thống nhất. Một làn sóng gồm những chuyển biến dân chủ sẽ cuốn qua khu vực, lật nhào các chế độ tại các nước châu Á. Nhưng, ẩn số lớn nhất và quan trọng nhất có liên quan tới bản thân Trung Quốc: Liệu một nước suy yếu hay đang suy yếu với dân số 1,3 tỉ người có thể quản lý một chuyển đổi hoà bình sang chế độ dân chủ hay không?
Hẳn nhiên, vẫn còn quá sớm để ta loại bỏ khả năng thích nghi và đổi mới của Trung Quốc cũng có thể phục hồi mạnh mẽ trong vài năm tới, và Mỹ không nên coi thường khả năng này. Nhưng sự sụp đổ cũng là một khả năng không thể loại trừ, và những dấu hiệu bất ổn hiện nay tại Trung Quốc đang cung cấp những chỉ dấu vô giá về một biến chuyển long trời lở đất rất có thể xảy ra. Những nhà hoạch định chính sách Mỹ chắc chắn sẽ phạm thêm một sai lầm chiến lược có tầm vóc lịch sử nếu họ không đọc được hoặc đọc sai những dấu hiệu này
Nguồn : khoahocnet.com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thanh đại đao 500 năm tuổi của Mạc Đăng Dung


long dao mac dang dung 3
Đại long đao lúc còn ở Nam Định
Thanh long đao của Mạc Thái Tổ (còn được gọi là Định nam đao) được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ ở Việt Nam khẳng định là binh khí duy nhất của một danh tướng cũng như một vị vua dưới thời phong kiến Việt Nam vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Năm 2010, thanh long đao này đã được con cháu họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định đưa về lưu thờ và trưng bày ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (nơi là trung tâm của Dương Kinh thời Mạc ở thế kỷ 16). Trải qua hơn 500 năm tuổi và 90 năm bị ăn mòn do chôn giấu dưới lòng đất nhưng cơ bản thanh long đao vẫn giữ được hình dạng và kích thước không khác mấy lúc ban đầu dù bị sứt mẻ và gỉ sét ở nhiều chỗ.
Nhiều chuyên gia về binh khí cổ ở Việt Nam cho rằng thanh long đao (Định nam đao của Mạc Thái Tổ) lúc ban đầu khi chưa bị gỉ sét có thể cân nặng không dưới 30 kg. Thanh đại đao này cũng được xem là một trong hai thanh long đao của một vị quân vương ở châu Á còn tồn tại đến nay và được lưu thờ là vật thái bảo. Thanh long đao còn lại là của Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn), vua sáng lập ra nhà Bắc Tống. Cũng có nhiều đánh giá khẳng định thanh Định nam đao của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) nặng hơn hai thanh long đao của Triệu Khuông Dẫn và của Ngô Tam Quế (hiện được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Vân Nam ở thành phố Côn Minh của Trung Quốc) đồng thời cân nặng không kém mấy so với thanh long đao yển nguyệt của Quan Vũ thời Tam Quốc (theo tác giả La Quán Trung trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa thì long đao yển nguyệt của Quan Vũ cân nặng 82 cân thời Hán tức là khoảng 37 kg thời nay).
long dao mac dang dung 1
long dao mac dang dung 2
Mạc Đăng Dung (1483-1541) là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kim Môn, trấn Hải Dương (nay là làng Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng). Ông sinh ra ở vùng biển, làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, đại long đao đã từng giúp Mạc Đăng Dung đoạt chức vô địch trong cuộc thi tuyển dũng sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long thời Lê Sơ. Ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân (Võ Trạng nguyên), được sung quân Túc vệ.
Với thanh đại long đao, Mạc Đăng Dung đã xông pha trận mạc và bách chiến bách thắng trong các cuộc dẹp loạn: Cù Khắc Xương, Trần Công Vụ, Lê Quảng Độ, rồi Trần Thăng (ở Thái Nguyên, Lạng Sơn), Nguyễn Hoằng Dụ (Thanh Hóa). Do lập nhiều công lớn, dẹp loạn các phe phái, bảo vệ triều đình, nên được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương, đức trí bậc nhất triều đình.
Triều Lê Sơ suy tàn, nên năm 1527, Hoàng đế Lê Cung Hoàng đã hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư Mạc Đăng Dung.
Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập ra triều Mạc, lấy niên hiệu Minh Đức. Trị vì đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả Mạc Đăng Doanh. Ông về nơi sinh thành là làng Cổ Trai xây dựng Dương Kinh, là kinh đô thứ 2 của triều Mạc, đô thị ven biển đầu tiên của Việt Nam. Tại đây, có thương cảng sầm uất, quân đội hùng mạnh, thậm chí có cả trường Quốc gia học, tương đương với Quốc Tử Giám ở Thăng Long.
Khi Mạc Thái Tổ băng hà, đại long đao được đem về thờ ở lăng miếu làng Cổ Trai. Năm 1592, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, Mạc Đăng Thận (cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung), là người coi giữ lăng miếu, đã giả làm nhà buôn, mang theo long đao của Tiên đế xuống thuyền rời Đồ Sơn.
Đoàn thuyền tiến về phía Nam, vào vùng cửa sông Hồng, đến cửa Lạn Môn thì dừng lại, tìm đến đất Kiên Lao (Nam Định) định cư. Nghe lời Quốc công Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông cùng gia quyến đổi sang họ Phạm để tránh bị nhà Trịnh truy sát diệt vong. Ông đổi họ Mạc thành họ Phạm, song vẫn giữ lại bộ thảo đầu của chữ “Mạc” để con cháu đời sau ghi nhớ tín hiệu nhận ra nhau.
Trải 4 đời ở vùng Kiên Lao, dòng họ Phạm gốc Mạc có sự phân chi. Ông Phạm Công Úc được giao mang đại long đao về định cư ở vùng Ngọc Tỉnh và thờ ở từ đường chi họ Phạm gốc Mạc.
Trải bao biến cố thăng trầm, theo gia phả dòng họ, thời vua Lê Dụ Tông, hai người con trai Phạm Công Úc là Phạm Công Dục và Phạm Công Dắt lên kinh đô thi võ. Hai ông đã xin vua cha cho phép làm lễ rước thanh long đao của Mạc Thái Tổ, cầu xin anh linh Tiên đế và linh khí bảo đao phù trợ. Khoa thi ấy, cả hai ông đều đỗ võ quan, được triều đình tuyển dụng.
Ông Phạm Công Dục theo vua Lê đi dẹp loạn, sau được thăng tới chức Đô thống phủ Tả Đô đốc Lê triều Kiệt trung tướng quân, tước Dục Trung hầu. Ông Phạm Công Dắt được phong chức Quản Hữu chấn cơ Tín nghĩa Đô úy, tước Phạm sứ hầu. Từ bấy, linh ứng bảo đao của Mạc Thái Tổ độ trì cho con cháu hậu duệ nhiều đời sau đỗ đạt.
Triều vua Minh Mệnh (1821), Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình, muốn dùng long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên chiến địa. Họ Phạm ở Ngọc Tỉnh đã kịp thời chôn giấu đại đao, không để mất long đao của Tiên đế. Nhiều năm trôi qua, dấu tích nơi chôn giấu không còn, long đao bị thất lạc.
Theo truyền thuyết, thời đó, gò đất phía đông nam từ đường họ Phạm làng Ngọc Tỉnh bỗng nhiên “phát hỏa”. Lửa tự nhiên bốc cháy, phút chốc lại tắt. Nhiều lần lửa bốc lên, cháy cả vào rơm rạ, quần áo của dân làng. Vì thế, dân trong vùng gọi gò đất này là “Gò Con Hỏa”.
Năm 1938, họ Phạm làng Ngọc Tỉnh tiến hành trùng tu từ đường, đào hồ bán nguyệt, đã tìm thấy đại long đao dưới lòng đất sau hơn 90 năm thất lạc. Lúc này, đại long đao đã bị gỉ sét ăn mòn như hiện trạng bây giờ. Họ Phạm đã rước về từ đường thờ phụng bảo quản trong lớp mỡ bò. Theo lời đồn, kể từ khi tìm lại được đại đao, Gò Con Hỏa không còn phát hỏa nữa.
Đúng ngày 22-9-2010, chi họ Phạm gốc Mạc ở làng Ngọc Tỉnh (Xuân Trường, Nam Định), cùng con cháu dòng tộc, nhân dân địa phương, đã nghinh rước báu vật của Thái Tổ Mạc Đăng Dung về Thái miếu, thuộc Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, ở xã Ngũ Đoan.
Năm 1986, nhà sử học Lê Xuân Quang (người Nam Trực, Nam Định), hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong quá trình tìm hiểu về hậu duệ vương triều Mạc trên đất Hà Nam Ninh cũng là nhà nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam tìm hiểu chi tiết về thanh long đao. Ông đã xin phép con cháu họ Phạm gốc Mạc được trực tiếp cân đong, đo đếm một cách tỉ mẩn thanh long đao và ghi lại trong bản báo cáo như sau:
“Thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, lưỡi đao dài 0,95m, cán đao bằng sắt rỗng dài 1,60m. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao (trông như thể đầu rồng đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao), chỗ hình đầu rồng có “cá” chốt chặt lưỡi đao vào cán đao”.
long dao mac dang dung 4
Lễ cung nghinh long đao của vua Mạc từ Nam Định về Hải Phòng
long dao mac dang dung 5
Cán bộ, nhân dân con cháu họ Mạc đưa thanh Định Nam đao của Mạc Thái tổ về Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc
dai dao ngo tam que
Đại đao của Ngô Tam Quế ở bảo tàng Vân Nam, cán gỗ, nặng khoảng 20 kg


Phần nhận xét hiển thị trên trang