Đọc sách Suối Nguồn (*)
“Số lượng người” không thể thay cho chân lý
"Đây là cuốn sách đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do Báo The New York Times công bố theo bình chọn của độc giả", một biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu khi chuyển cho tôi xem bản dịch tiểu thuyết Suối nguồn (Fountainhead) trước khi nó được in.
Tôi không tin mấy vào những lời giới thiệu nghe "quen quen" như vậy, nhưng khi đọc cuốn sách, tôi bị cuốn hút, từ trang đầu cho đến trang cuối, đến mức vừa đọc vừa mong cho cuốn sách tiếp tục dài ra, mặc dù nó đã dài đến gần... 1.200 trang.
Howard Roard, nhân vật chính của tiểu thuyết, là một kiến trúc sư chưa bao giờ có bằng cấp. Một giáo sư khi nhìn bản đồ án của chàng sinh viên 22 tuổi này đã phải thốt lên "đây là một thiên tài", nhưng anh đã bị đuổi học một năm trước khi tốt nghiệp, vì anh không chấp nhận việc "lấy số lượng người thay cho nội dung chân lý". Nhà trường tuyên bố: "Mỗi phong cách thiết kế của quá khứ là một mỏ vàng. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn từ những gì các nhà thiết kế vĩ đại đã nghĩ ra. Chúng ta là ai mà dám đòi cải tiến?". Còn anh thì: "em muốn trở thành một kiến trúc sư, chứ không phải một nhà khảo cổ". Anh chấp nhận bị đuổi học, ở đó không còn gì để cho anh học nữa.
Với một niềm tin sắt đá vào chính bản thân mình, anh đã bước vào đời để chống chọi với số đông những kẻ "thứ sinh", dù họ nổi tiếng và có quyền lực đến đâu, dù họ đông đến bao nhiêu anh cũng không lùi bước.
Người đọc hồi hộp, bất lực, đau đớn rồi hào sảng theo từng bước đi của Roard. Với tài năng bẩm sinh, anh có thừa khả năng để dễ dàng thành đạt, nhưng anh đã vào đời bằng "cửa hẹp". Henry Cameron, một kiến trúc sư vĩ đại, sự vĩ đại mới mẻ mà nước Mỹ non trẻ vừa bắt đầu chấp nhận, rồi "không dùng" ông nữa. Ông không còn việc làm, sống nát rượu, nhưng ông dứt khoát không thỏa hiệp, không "bán" tài năng của mình. Roard đã tìm đến ông để lập nghiệp. Cameron vừa nhìn thấy tài năng của Roard đã lập tức tuyên bố sa thải anh. Sa thải để cứu anh, để anh không phải lâm vào cảnh thân tàn ma dại như ông. Ông khuyên Roard thỏa hiệp, khuyên Roard "bán" tài năng của mình cho "bọn họ": "Sẽ có rất nhiều người nổi tiếng sẵn sàng nhận cậu, dù cậu có bị đuổi học hay không". Nhưng Roard quả quyết: "Nếu vào lúc cuối đời, tôi trở thành người như ông vào lúc này, tại đây, trong văn phòng này, thì tôi sẽ coi nó như một vinh dự mà tôi lẽ ra không xứng đáng". Cameron chết trong thất bại.
Roard vẫn không lùi bước. Anh tự mình mở văn phòng. Một vài người biết anh, giao việc cho anh, những người riêng lẻ đó thích công trình của anh, nhưng số đông thì không. Có lúc anh đã phải đi làm công nhân mỏ đá chứ không thỏa hiệp, dù là thỏa hiệp nhỏ để nhận một công trình lớn.
Người ta nhân danh số đông, nhân danh lòng từ thiện, nhân danh "sống vì người khác" để đè bẹp anh, đè bẹp những “cái tôi” sáng tạo. Không để cho người khác can thiệp vào sự sáng tạo của mình, anh đã phải ra tòa và thua cuộc. "Người ta căm thù sự đam mê, bất kỳ sự đam mê vĩ đại nào". Cameron đã đấu tranh, ông thất bại vì ông không còn thời gian. Roard thì không cam chịu. Cao điểm của sự không lùi bước đó là việc Roard đã phá hủy một công trình khi nó được xây lên không giống như anh thiết kế. Nó đã bị biến dạng theo ý kiến của “đa số”, của “tập thể”, của “hội đồng” mà không một cá nhân cụ thể nào chịu trách nhiệm. Anh bị truy tố ra tòa.
… “Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm được cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này. Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất".
..."Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại - những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế - đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng".
... "Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trước khi có những người hưởng lợi từ sự sáng tạo. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh - những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công".
... "Loài người đã được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp cho người khác bớt khổ đau. Nhưng khổ đau là một căn bệnh. Chỉ khi có người bị bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau đớn. Còn nếu chúng ta biến việc giảm khổ đau thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ - để người ta có thể trở thành người đức hạnh... Trong khi đó, người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của người sáng tạo lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, cả bệnh tật của thể xác lẫn bệnh tật của tâm hồn"...
Anh không cần luật sư. Đó là những lời tự bào chữa của anh trước tòa. Người đọc còn tìm thấy trong cuốn sách một nhà báo như Ellsworth Toohey. Ông ta uyên bác nhưng đạo đức giả "toàn tòng", mỗi bài viết của ông ta đều được người ta nghiền ngẫm đến từng dấu phẩy, bởi ông ta tạo được cho mình một quyền lực điều khiển công chúng, đến mức có thể "đẻ ra" các kiến trúc sư nếu ông ta muốn. Ngoài ông nhà báo thấy "quen quen" đó, người đọc còn biết đến một Gail Wynand, điển hình của một chủ báo Mỹ lừng danh...
Cuốn sách như một bản anh hùng ca tôn vinh con người, nhưng con người mà tác giả cuốn sách - nữ văn sĩ kiêm triết gia người Mỹ gốc Nga Ayn Rand (1905-1982) - hướng tới là những người sáng tạo, những người "xoay chuyển thế giới và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống". Dường như cuốn sách không đứng về phía số đông, nhưng mỗi một người trong số đông đó đều có thể thấy mình được tôn vinh, được chia sẻ. Bởi mỗi một người trong chúng ta đều từng là, đang là hoặc sẽ là thiểu số trong những nỗ lực tự khẳng định bản thân mình để làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.
HOÀNG HẢI VÂN
(Bài đăng trên Thanh Niên, 19-12-2007)
_____________________
(*) Suối nguồn, NXB Trẻ, 12.2007
"Đây là cuốn sách đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do Báo The New York Times công bố theo bình chọn của độc giả", một biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu khi chuyển cho tôi xem bản dịch tiểu thuyết Suối nguồn (Fountainhead) trước khi nó được in.
Tôi không tin mấy vào những lời giới thiệu nghe "quen quen" như vậy, nhưng khi đọc cuốn sách, tôi bị cuốn hút, từ trang đầu cho đến trang cuối, đến mức vừa đọc vừa mong cho cuốn sách tiếp tục dài ra, mặc dù nó đã dài đến gần... 1.200 trang.
Howard Roard, nhân vật chính của tiểu thuyết, là một kiến trúc sư chưa bao giờ có bằng cấp. Một giáo sư khi nhìn bản đồ án của chàng sinh viên 22 tuổi này đã phải thốt lên "đây là một thiên tài", nhưng anh đã bị đuổi học một năm trước khi tốt nghiệp, vì anh không chấp nhận việc "lấy số lượng người thay cho nội dung chân lý". Nhà trường tuyên bố: "Mỗi phong cách thiết kế của quá khứ là một mỏ vàng. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn từ những gì các nhà thiết kế vĩ đại đã nghĩ ra. Chúng ta là ai mà dám đòi cải tiến?". Còn anh thì: "em muốn trở thành một kiến trúc sư, chứ không phải một nhà khảo cổ". Anh chấp nhận bị đuổi học, ở đó không còn gì để cho anh học nữa.
Với một niềm tin sắt đá vào chính bản thân mình, anh đã bước vào đời để chống chọi với số đông những kẻ "thứ sinh", dù họ nổi tiếng và có quyền lực đến đâu, dù họ đông đến bao nhiêu anh cũng không lùi bước.
Người đọc hồi hộp, bất lực, đau đớn rồi hào sảng theo từng bước đi của Roard. Với tài năng bẩm sinh, anh có thừa khả năng để dễ dàng thành đạt, nhưng anh đã vào đời bằng "cửa hẹp". Henry Cameron, một kiến trúc sư vĩ đại, sự vĩ đại mới mẻ mà nước Mỹ non trẻ vừa bắt đầu chấp nhận, rồi "không dùng" ông nữa. Ông không còn việc làm, sống nát rượu, nhưng ông dứt khoát không thỏa hiệp, không "bán" tài năng của mình. Roard đã tìm đến ông để lập nghiệp. Cameron vừa nhìn thấy tài năng của Roard đã lập tức tuyên bố sa thải anh. Sa thải để cứu anh, để anh không phải lâm vào cảnh thân tàn ma dại như ông. Ông khuyên Roard thỏa hiệp, khuyên Roard "bán" tài năng của mình cho "bọn họ": "Sẽ có rất nhiều người nổi tiếng sẵn sàng nhận cậu, dù cậu có bị đuổi học hay không". Nhưng Roard quả quyết: "Nếu vào lúc cuối đời, tôi trở thành người như ông vào lúc này, tại đây, trong văn phòng này, thì tôi sẽ coi nó như một vinh dự mà tôi lẽ ra không xứng đáng". Cameron chết trong thất bại.
Roard vẫn không lùi bước. Anh tự mình mở văn phòng. Một vài người biết anh, giao việc cho anh, những người riêng lẻ đó thích công trình của anh, nhưng số đông thì không. Có lúc anh đã phải đi làm công nhân mỏ đá chứ không thỏa hiệp, dù là thỏa hiệp nhỏ để nhận một công trình lớn.
Người ta nhân danh số đông, nhân danh lòng từ thiện, nhân danh "sống vì người khác" để đè bẹp anh, đè bẹp những “cái tôi” sáng tạo. Không để cho người khác can thiệp vào sự sáng tạo của mình, anh đã phải ra tòa và thua cuộc. "Người ta căm thù sự đam mê, bất kỳ sự đam mê vĩ đại nào". Cameron đã đấu tranh, ông thất bại vì ông không còn thời gian. Roard thì không cam chịu. Cao điểm của sự không lùi bước đó là việc Roard đã phá hủy một công trình khi nó được xây lên không giống như anh thiết kế. Nó đã bị biến dạng theo ý kiến của “đa số”, của “tập thể”, của “hội đồng” mà không một cá nhân cụ thể nào chịu trách nhiệm. Anh bị truy tố ra tòa.
… “Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm được cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này. Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất".
..."Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại - những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế - đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng".
... "Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trước khi có những người hưởng lợi từ sự sáng tạo. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh - những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công".
... "Loài người đã được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp cho người khác bớt khổ đau. Nhưng khổ đau là một căn bệnh. Chỉ khi có người bị bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau đớn. Còn nếu chúng ta biến việc giảm khổ đau thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ - để người ta có thể trở thành người đức hạnh... Trong khi đó, người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của người sáng tạo lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, cả bệnh tật của thể xác lẫn bệnh tật của tâm hồn"...
Anh không cần luật sư. Đó là những lời tự bào chữa của anh trước tòa. Người đọc còn tìm thấy trong cuốn sách một nhà báo như Ellsworth Toohey. Ông ta uyên bác nhưng đạo đức giả "toàn tòng", mỗi bài viết của ông ta đều được người ta nghiền ngẫm đến từng dấu phẩy, bởi ông ta tạo được cho mình một quyền lực điều khiển công chúng, đến mức có thể "đẻ ra" các kiến trúc sư nếu ông ta muốn. Ngoài ông nhà báo thấy "quen quen" đó, người đọc còn biết đến một Gail Wynand, điển hình của một chủ báo Mỹ lừng danh...
Cuốn sách như một bản anh hùng ca tôn vinh con người, nhưng con người mà tác giả cuốn sách - nữ văn sĩ kiêm triết gia người Mỹ gốc Nga Ayn Rand (1905-1982) - hướng tới là những người sáng tạo, những người "xoay chuyển thế giới và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống". Dường như cuốn sách không đứng về phía số đông, nhưng mỗi một người trong số đông đó đều có thể thấy mình được tôn vinh, được chia sẻ. Bởi mỗi một người trong chúng ta đều từng là, đang là hoặc sẽ là thiểu số trong những nỗ lực tự khẳng định bản thân mình để làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.
HOÀNG HẢI VÂN
(Bài đăng trên Thanh Niên, 19-12-2007)
_____________________
(*) Suối nguồn, NXB Trẻ, 12.2007
Phần nhận xét hiển thị trên trang