Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Truyện thứ sáu:


MIÊN MIÊN
                           
Bây giờ, khó có ai hình dung ra được nhà hàng kỳ lạ ấy nữa. Người ta mở rộng thêm đường, cả dãy nhà lùi sâu vào phía bên trong. Chỗ quán nước, quán ăn, chỗ cho thuê trọ đã thành mặt đường. Phía sâu bên trong là ngôi biệt thự xây theo kiểu Thái, vòm mái cầu kỳ.. Bên ngoài dựng hàng rào gang đúc, cánh cửa theo kiểu pháo đài.
Đôi vợ chồng trẻ bán hàng ngày trước giờ không biết đã lưu lạc nơi đâu? Chủ nhân mới của khu đất này nghe nói đã về tay người khác. Một tay cai đầu dài, giờ gọi khác đi thành “Giám đốc công ty TNHH”. Nghe nói của “Khánh Mũi Đỏ”, một tay trùm của ngành xây dựng cầu đường của tỉnh biên cương này, một nhà thơ có một không hai thuộc khu vực “Miền núi phía bắc” về tính cách độc đáo. Giờ đã ra người của muôn năm cũ, người ta chỉ nhớ khi có ai đó đọc những vần thơ tha thiết một thời..Đi ngang qua đây, giờ này, hắn chỉ thoáng nghĩ thế thôi, chứ thực tình hắn không mấy bận tâm. Hắn nhớ lại câu chuyện khác.. Chuyện của năm hai ngàn, cách nay vừa tròn con giáp.. Đó là một đêm rất đặc biệt trong cuộc đời. Hắn, kẻ từng lưu lạc không thiếu đâu, nhưng bước chân tới đây lần đầu vào đúng đêm bản lề giữa hai kỷ nguyên nhiều ấn tượng và cũng nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ này..Đâu đâu người ta cũng bàn tán xôn xao về “cải cách mở cửa”, “những việc cần làm ngay”, cả câu chuyện về “ngày tận thế” theo như lịch của thiên chúa giáo. Có nơi trên hành tinh, người ta mổ hết bò, ngựa, ăn tiêu thả dàn cho bữa tiệc cuối cùng! Nếu không có thay đổi nào, đêm này sẽ là đêm nhiều đô thành khắp thế giới bắn pháo hoa chào mừng thế kỷ mới.. Tâm thế của người đương thời không nhiều thì ít có chút thấp thỏm, lo âu. Sau này mới biết đó chỉ là cái lo hão huyền bởi những đồn đại huyễn hoặc.
Cái giá rét kinh người của những ngày qua, câu chuyện vô tình đọc được qua mạng Intenet nói về lời tiên tri có từ nền văn hóa Maya, dự báo số phận hành tinh cuối năm con rồng sắp tới.. Rốt cuộc, lời đồn đại vẫn chỉ là lời đồn đại. Trái đất vẫn xuay quanh mặt trời, năm nào cũng tiết này là mưa dầm, gió bấc.  Và hắn vẫn như ngày nào, vui buồn sướng khổ, tâm trạng mê tơi không biết đâu là bến bờ..Chỉ có những sự kiện xảy ra trong đời là không bao giờ lặp lại. Cô gái hắn gặp tình cờ vào đêm cuối cùng của thế kỷ hai mươi ấy không biết bây giờ nàng đi đâu? Ở đâu?

**
Chiều hôm ấy hắn ra chợ mua cái áo khoác. Khi từ Hà Nội lên đây, trời còn nóng bức, thoắt cái nhiệt độ xuống dưới mười độ. Nếu ở Nga, ở Séc nhiệt độ ấy chả là gì, người ta vẫn sinh hoạt bình thường. Nhưng ở đây, thời tiết như vậy rất bất thường. Rét tê cóng chân tay, rét nẻ môi, nẻ mũi. Hơi thở ra như là hơi khói bốc ra từ lỗ miệng, lỗ mũi..
Công việc vẫn không đâu vào đâu, có khi còn phải ở thêm vài ngày chờ đợi mới xong được. Hắn lại không ai quen biết ở thị xã này, một chỗ nghỉ chân không đơn giản, mà trời đất lại như vậy. Mua cái áo và tìm chỗ trọ qua đêm là “Việc cần làm ngay” với hắn lúc này.
Chợ xây theo mốt “Thương nghiệp XHCN” mang tính kinh điển tập trung cao, độc nhất một khu nhà rộng chia làm hai tầng. Tầng dưới đủ thứ hầm bà lằn, tầng trên dành riêng một góc cho hàng may mặc và vải vóc. Lúc hắn từ tầng dưới đi lên, gặp cô gái trẻ mặc cái áo khoác đỏ như lửa, trong tay xách một túi cam, những quả cam lăn ra vì túi bị thủng. Hắn lấy chân chặn lại mấy quả đang rơi dọc cầu thang về phía mình. Cô gái nhận lại cam, mặt ngẩn ra, không một lời cảm ơn. Những việc như thế.. ngày nay quả thật đối với hắn quá đỗi bình thường. Nhiều việc to tát, lớn lao hơn được người khác giúp vẫn thường bị người ta lờ đi như không, không có một lời cảm ơn.. Nhặt giúp trái cam rơi có gì mà ghê gớm? Văn hóa “Cảm ơn” vẫn là cái gì xa lạ đối với nhiều người. Cũng có thể cô gái trẻ này cả thẹn, chưa quen tiếp xúc với người lạ trên đường? Cũng có thể cô ngờ ngợ mình với một ai đó? vv.. Hắn chỉ thoáng nghĩ qua thế thôi, chứ không để tâm. Hờn giận một người qua đường là một chuyện hết sức vớ vẩn, và để làm gì kia chứ?
Quầy hàng rộng, giờ này vắng ngắt. Hắn đi dạo một vòng. Toàn hàng hóa từ bên kia mang tới, mẫu mã chả khác hồi cách mạng văn hóa ở bên ấy bao nhiêu. Không biết bằng cách nào người ta bán với giá rẻ như vậy? Có phải của rẻ là của ôi không? Hay còn có ngụ ý gì? Muốn sao thì sao, cần thì cứ mua một chiếc. Đó là chiếc bludon lỗi mốt, đằng sau ngắn hơn đằng trước. Mấy cái sau tình hình vẫn thế, không khá hơn. Đổi đi đổi lại vài lần. Cuối cùng hắn đành chấp nhận. Thôi thì cho qua đêm lạnh lẽo này. Nếu ngày mai giải quyết xong công việc hắn sẽ về, cái áo không mặc nữa có thể cho bà cô họ ở gần nhà ngồi bán hàng. Bà lão đâu có cần xấu đẹp? Có cái mặc ấm này chả mừng rối lên ấy chứ?!
Hắn trở về nhà trọ, hết sức ngạc nhiên: Cô gái mặc áo khoác bằng len đỏ đang ngồi ở đó, trong tay chẳng có hành lý gì ngoài túi cam hắn nhìn thấy khi nãy, hình như có vợi bớt đi một số quả.
Bên cạnh quầy nước kê bằng cái bàn thấp có đốt một đống lửa, có đến chục người ngồi quây xung quanh. Tất cả đều chăm chú nhìn vào màn hình là cái ti vi màu đặt bên trong quầy. Đêm nay là một đêm khá đặc biệt, ngày mai là ngày đầu tiên của thế kỷ khác rồi. Người ta quan tâm đến tin tức xa gần là điều tất nhiên. Không ai để ý đến hắn. Chỉ riêng cô né chút nhường chỗ cho hắn, vẻ thân thiện:
-         Chú ngồi xuống đây, hơ cho đỡ giá!
Hắn suýt buột miệng “ Thế mà lúc nãy tôi tưởng cô không biết nói!” Nhưng hắn kìm được ngay, lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh cô ta. Có lẽ do đi lâu ngoài trời lạnh, gặp lửa thực ấm áp. Càng ấm hơn khi gần một cô gái trẻ, áo đỏ như thế này. Tự nhiên hắn đỏ bừng mặt, định xê dịch ra một tý. Không hẳn hắn vờ vĩnh như thế, chỉ là thói quen theo phản xạ tự nhiên. Gái lạ bao giờ cũng làm hắn lúng túng..
**
Quả nhiên cô áo đỏ ngờ ngợ hắn với một ai đó thật, khi cô cứ nhìn trộm hắn mỗi lúc hắn quay sang trò chuyện với người bên cạnh. Ông này là một phế binh, cụt nửa ống chân, có cái chân giả tự làm lấy trông rất kỳ cục. Không ai hỏi, tự dưng ông nói nhà nước có cấp cho ông bên chân bằng nhựa, nhưng không thích hợp với miền rừng. Cứ dăm bữa nửa tháng lại bị vỡ. Ông tự đẽo lấy khúc chân này bằng gỗ sung, vừa nhẹ, bền và chắc. Bây giờ ngồi đây, khúc chân ấy được tháo ra, dây rợ lằng nhằng đặt ngay bên cạnh. Có mùi hoại tử bốc ra nặng mùi, nhưng vì tế nhị không ai lấy làm khó chịu. Người ta đã hy sinh một phần thân thể để giữ vững biên cương tổ quốc, có gì mà đáng cười, đáng khó chịu cơ chứ? Hỏi- Ông bảo nhà ông cách đây mươi chục cây số. Lâu lâu ra tỉnh chơi thăm bạn đồng ngũ vài ngày. Sao không ở nhà bạn để bạn tiếp đãi? Nói: Thích phong trần, chỗ đông vui, nghe được nhiều chuyện – Tao ở vùng sâu vùng xa mà! Thế nhưng chỉ mình ông nói cho thiên hạ nghe là nhiều. Lạ lắm, chuyện của ông cứ như tiếu lâm thời đổi mới, vừa bi vừa hài. Cả những chuyện tục tĩu, chuyện cười, người viết to gan mấy cũng không dám kể lại. Con người mất mát thiệt thòi ấy cười nói như không. Làm như mình vẫn bình thường, chả mất mát, thua thiệt gì. Vẻ nhiên hậu của người thương binh lây sang hắn, tự dưng hắn cảm thấy vui lây. Còn có bao nhiêu người trên thế gian này khó khăn, khổ sở hơn hắn gấp trăm lần, người ta vẫn vui vẻ sống, hồi hộp như đêm ba mươi tết, có vấn đề gì đâu? Cái tai ách nhỏ của hắn có là cái gì?
Chợt, cú va chạm nhẹ của áo đỏ làm hắn chú ý. Rõ ràng là cô ta cố tình! Hắn bắt đầu để ý nhìn cô kỹ hơn. Hàng cúc giả kim của cô bắt ánh lửa làm hắn chú ý đến đầu tiên. Hình như tất cả có năm cái thì phải. Hắn chỉ nhìn rõ ba cái phía trên, còn hai cái nữa, hắn đoán thế, gấp khuất vào trong lòng lúc cô ngồi. hắn chưa từng thấy bộ khuy áo nào kì dị như thế. Có thể là vuông. Là tròn. Là bầu dục..Chứ chưa thấy kiểu này bao giờ. Bộ cúc giả kim nom như vàng thật, dập hình con bướm, nổi u lên ở giữa. Áo đỏ bắt gặp cái nhìn của hắn, bạo dạn:
- Nhìn chú quen quá..
- Cô gặp tôi ở đâu, bao giờ?
-  Hồi bố cháu còn sống, có một ông khách thường hay đến nhà cháu chơi, rất giống chú..
- Người giống người mà.. Nhưng nom tôi già lắm hay sao mà xưng chú ngọt sớt như thế?
- Dạ.. Cháu quen miệng..
- Đấy lại cháu rồi.. Nói thì nói vậy, gọi sao cũng được. Bằng chú, cô cũng đâu thiệt gì? Vậy cô đi đâu đến đây?
Tự dưng cô đổi cách xưng hô:
- Em đang tìm một người quen. Người mà ban nãy cứ ngờ ngợ với ..với..chú.. à anh ấy. Chú í  nghe nói đang làm giám đốc công ty ở trên này..
 “À thì ra thế, cái mặt hãm tài của mình cũng có vẻ giống một tay giám đốc nào cơ đấy, bố khỉ”. Hắn tự rủa mình như thế. Mả nhà hắn còn lâu mới thành giám đốc được. Còn phải học hỏi đường tu thêm mấy kiếp. Tò mò, hắn hỏi:
- Sao người quen lại không nhớ? Lại đi tìm vu vơ thế này?
Áo đỏ bẽn lẽn:
- Mấy năm trước cháu còn bé. Khách chơi nhà lại đông. Các bác các chú đến nhà, nhiều người cháu cũng không để ý. Trẻ con mà. Bây giờ mẹ cháu bảo có một chú đang ở trên này, điều kiện lắm, cháu muốn tìm lên xin việc làm..
- Quan hệ của ông ấy với nhà ta?
- Chú ấy nhận bố cháu là anh em kết nghĩa mà. Với cả, bố cháu và chú ấy mê thơ lắm! Bố cháu làm kiến trúc, học cùng trường nhưng khác khoa với chú ấy mà. Chỉ từ ngày bố cháu mất, chú ấy mới ít đến. Mấy năm gần đây chú ấy chuyển lên trên này, mẹ cháu mới được  người ta cho biết tin..
Hắn định hỏi vì sao bố áo đỏ mất? Nghĩ lại, thôi không hỏi. Ai lại tò mò như vậy làm gì chứ?  Chuyện không vui của người ta, nếu người ta không muốn nhắc đến, đừng nên hỏi làm gì. Một thằng như mình chả nhẽ việc tối thiểu ấy không rõ sao? Hắn nghĩ thế. Hỏi sang việc khác:
- Đã cơm nước gì chưa?
Áo đỏ cúi xuống, không nói gì, cầm một mẩu củi vứt vào đống lửa đang cháy. Lúc này bụng hắn cũng đang cộn cạo, nhắc hắn cần phải bỏ vào cái chỗ thân thiết, sâu kín nhất ấy của lòng người thứ gì đó, nếu không bất ổn.
- Hay là ta kiếm cái gì, tôi cũng chưa ăn, cô có biết quán nào gần đây không?
- Ở quán này cũng có, nhưng chỉ có mì tôm thôi. Buổi sáng mới có phở. Nếu muốn cơm phải đi cách đây một quãng.
- Vậy ta đi.
Áo đỏ không nói không rằng, lặng lẽ đi theo hắn. Hai người đi qua con phố rộng, rẽ vào phố nhỏ, chỗ có cái trụ của đài truyền hình bắc qua hai bên, đứng như người dạng háng. Kỳ cục, chả rõ thằng ma toi nào lại có kiểu thiết kế công trình tục tĩu nhường này?
***
Chủ quán mặt lợn, da nhơn nhớt, lông mày nhẵn thịn đang ngồi đọc nhật báo. Thấy khách, mặt lợn đon đả. Chào. Mời.. Giờ này quán vắng, lão rảnh. Gọi là “quán ăn dân tộc”, nhưng rất ít món. Chỉ có thịt kho Tàu, cá và măng sào. Hắn cũng không cần gì hơn. Vậy là tốt rồi. Mặt lợn ngoài cái miệng dẻo, khả năng thao tác khá nhanh. Cá sông Lô, măng sào và canh bí đao nhoáng cái đã có đủ, bốc hơi nghi ngút.
Hắn ngồi uống bia, thứ bia chai của nước láng giềng không lấy gì làm ngon. Loại bia thường dân phía bên kia biên giới tự chế tạo. Áo đỏ không uống. Nàng xới cơm ăn ngon lành. Hẳn là cô nàng đã đói khá lâu. Không biết nàng thuộc giai tầng nào trong xã hội? Vẫn phảng phất dáng học trò lại có vẻ thành thạo không chút e dè trước người lạ? Kiểu người rất khó đoán qua dáng vẻ bề ngoài. Nhưng nét mặt, cái miệng, đôi mắt chắc chắn là con nhà lành, hoặc ít ra từng là con nhà lành.
Có mấy người mới đến lố nhố trước cửa. Áo đỏ tự nhiên đặt đũa, chạy vội vào toa let. Hắn cho rằng nàng ăn phải thứ gì, hoặc thức ăn có vấn đề? Gần đây tình trạng ngộ độc thực phẩm thường hay xảy ra. Nhất là ở những nhà hàng vắng vẻ như thế này.Thức ăn để lâu, giam mãi trong tủ lạnh, hoặc dùng thuốc hãm, dễ biến chất, trở nên độc.
Không biết áo đỏ làm gì trong đó khá lâu. Mấy người mới đến hình như tìm kiếm một ai đó. Họ hỏi câu gì đó với chủ quán. Hai bên nói nhỏ vừa đủ cho nhau nghe. Nhưng Hắn đoán có chuyện gì đó không bình thường đang xảy ra. Trong số mấy người đó có một tên đầu trọc, cao lớn, vạm vỡ, chân khuỳnh khuỳnh. Tên này có vẻ ráo riết nhất trong cả đám. Y nhìn trước nhìn sau, vào cả toa lét, mặt cau có. Không thấy gì. Cả bọn bỏ đi.
Hắn hỏi. Mặt lợn nói “Tìm người”, lão tỏ vẻ vô can, không thích dính vào những việc rắc rối không đâu. Thấy vậy hắn thôi không hỏi nữa, nhưng trong bụng ngờ ngợ hiểu ra phần nào..
Bấy giờ áo đỏ mới ra, nét mặt như vừa trải qua một việc hãi hùng. Từ lúc ấy, cô ngồi ăn không còn thấy vẻ ngon lành như lúc ban đầu.
Hắn hối hận vì đã mua chai bia có in hình con rồng xanh ngoài vỏ. Cũng không muốn đổi thứ khác. Áo đỏ đã xong, mắt chốc chốc ngó ra ngoài cửa. Rồi như không thể chờ hơn được nữa, nàng nói;
- Em có việc ra ngoài một tí. Anh về sau, lát nữa gặp lại ở nhà trọ ban nãy nhá!
Thoắt cái, áo đỏ đã khuất bóng. Cô ta chả đả động gì đến chuyện tiền nong trả nhà hàng. Hoặc ít ra cũng phải có lời nhờ mình trả giúp. Con nhà lành chẳng ai xử sự như thế cả. Giả dụ cô có ở lại đợi hắn cùng về, đương nhiên trong trường hợp này hắn không thể để cô phải thanh toán cơ mà? Có cái gì nghiễm nhiên, khó hiểu qua cách xử trí của cô vừa rồi. Từ lúc bắt chuyện, ngồi cùng bàn, đến bây giờ hắn chưa kịp hỏi tên cô là gì?  Ít ra cũng phải biết lấy cái tên tối thiểu làm quen chứ? Ấy vậy lại ra vẻ thân thiết, ăn, ngồi cùng nhau..Chả nhẽ mình lại là kẻ dễ dãi, hoặc nói trắng ra là dại gái? Cũng may là cuộc hội ngộ ngắn ngủi, kéo dài sẽ đi tới đâu?  Hắn chỉ thoáng nghĩ và hơi phân vân một chút. Coi như là có bạn cùng ngồi bàn cho vui, không nhẽ ngồi ăn một mình?
Trả tiền. Hắn lững thững đi về nhà trọ. Không biết hôm ở nhà ra đi bước chân nào ra cửa trước? Toàn những việc vớ vẩn không đâu vào đâu, mà trời càng mỗi lúc mỗi buốt, giá.
Chẳng lẽ đêm cuối của thế kỷ này, lạnh lẽo và vơ vẩn như thế này sao? Còn ngày mai nữa, chả biết công việc chầu trực mấy ngày nay liệu có kết quả gì không?
****
Lão cụt giờ này ngồi im. Đống lửa đã gần lụi. Cái điếu đổ nghiêng bên cạnh. Sái thuốc lào vẫn chưa xì ra khỏi nõ điếu ục. Không phải lão hết chuyện. Giằng co cương thổ gần chục năm trời, biết bao nhiêu chuyện, máu và nước mắt, kể đến bao giờ nguôi? Bao giờ hết? Nhưng kể mà không có người nghe ai còn muốn kể? Phần cái lạnh thấu xương, không ai còn muốn ngồi vỉa hè, phần người đương thời đang hồi hộp chờ đón điều gì đó mơ hồ khoảnh khắc giao thời của hai kỷ nguyên có khi còn cần thiết hơn. Phần vì gió lạnh. Chỉ còn con người phế binh này không coi những thứ xung quanh quan trọng nữa. Lão tựa lên đầu gối bên chân còn lành của mình mà ngủ. Tiếng ngáy ò ò thật vô tư. Con người của chủ nghĩa lạc quan, chả coi cái khổ, cái rét buốt ra gì.
Hắn lặng lẽ ngồi bên cạnh lão, sợ lão thức giấc. Thì ngủ đi người ơi, ngủ để quên, hoặc là ngủ để nhớ.. Tâm trạng hắn rỗng rễnh như chẳng có gì. Con người thường có những khi như thế, không hẳn cố tình. Một lúc hắn đứng dậy, hỏi cô chủ nhà có phòng nào còn chỗ?
Cô bảo còn một phòng áp mái. Chỗ có kê một cái thùng phuy đựng nước. Bên trên dây phơi lủng lẳng quần áo, thoạt nhìn giật cả mình. Nom như dãy dài những hình người treo cổ. Chỗ này bụi bặm, lâu không có ai ở, nhưng được cái thoáng. Có một khoảng sân hẹp, đứng đó có thể ngó ra bên ngoài. Nhờ cái áo ấm may lỗi mốt của người Trung Hoa hắn có thể đứng đó ngắm phố phường một lát..
Mà đâu có gì nhiều để ngắm, để nhìn?  Con đường lở lói dưới vỉa hè bên hiên dãy nhà manh mún, tạm bợ. Bến xe đỗ có vài ba chiếc. Toàn xe cũ nát, ọp ẹp. Cảnh tượng chả khác mấy hồi còn chiến tranh, dưới ánh đèn đường yếu đuối, đỏ quành quạch. Chiến tranh với bộ cánh của thần chết mới chỉ vừa rời khỏi vùng này mấy năm, còn để lại dấu vết rất dễ nhận ra của đời sống hàng ngày. Hắn chán nản định quay trở vào. Chợt hắn nhận ra áo đỏ đang đứng ở dưới đường chờ mua bắp nướng. Hồi chiều cô vội vã bỏ đi, ý hẳn còn đói bụng. Hắn cứ nghĩ sẽ không gặp cô nữa, vậy mà cô lại xuất hiện ở đây? Hay cô cũng trọ cùng chỗ này nhỉ?  Cái nhà trọ bé như lỗ mũi này đã chật kín người, đâu có còn chỗ nào? Mà cô ta đi đâu về đâu có bận gì đến mình? Chẳng qua gặp gỡ trên đường. Đến cái tên còn chưa biết.. Cuộc hôn nhân vội vàng của hắn vừa chấm dứt hơn năm nay, khiến hắn cảnh giác. Làm gì có chuyện tình yêu sét đánh? Chẳng qua bọn nhà thơ dở người cứ véo von lên như vậy. Tình yêu là cả một công trình, một kiến trúc phải có sự hiểu biết, xây dựng và chăm bẵm lâu dài. Chỉ qua cảm tính vội vàng nảy sinh tình cảm là điều rất không nên. Lâu lắm rồi, hắn nghĩ và làm như thế. Không hẳn là thờ ơ, lãnh đạm, chỉ là không quá sốt sắng mặn mà những gặp gỡ ngẫu nhiên.
Nếu ngày mai lên công sở công việc trì trẫm vẫn như vậy, hắn sẽ về. Có thể mãi mãi không lên đây nữa. Có thể lời giới thiệu của người bạn muốn giúp hắn chỉ là lời xã giao. Đúng là ở đây đang thiếu người thật. Nơi sơn cùng thủy tận này, tìm được người như hắn hẳn không dễ. Ác cái là mình chẳng quen biết ai. Thời bây giờ đâu phải là thời vác gươm ngêu ngao hát ngang đường để minh chủ biết đến mình? Xã hội nhiều năm cào bằng, san phẳng đã để lại nếp quen thờ ơ tất cả. Nhiệt tình, thành tâm chả biết đang tránh rét ở rừng xanh, núi đỏ nào?
****
Hắn không biết em chui vào chăn của mình tự lúc nào? Bằng cách nào? Gọi cho đúng tên của sự vật nó chưa hẳn là cái chăn, chỉ là cái ruột chăn, không có vỏ. Rất có thể khi ngủ dậy đầu tóc, quần áo hắn sẽ dính đầy sợi bông vụn vụn dây ra từ cái ruột chăn rẻ tiền này. Hắn định chỉ ngả lưng một chút, chờ đến lúc giao thừa của năm dương lịch xem bắn pháo hoa và nghe ngài chủ tịch đọc quốc thư đón chào năm mới. Để rồi xem năm nay liệu có thay đổi gì? Hay lại cũng như mọi năm, sung sướng, hồi hộp rồi nhạt dần đi? Nhưng mệt, hắn thiếp đi khi nào không biết. Hooc môn sinh dục trong thằng đàn ông đã lâu không gần gũi đàn bà chi phối giấc mơ của hắn. Hắn đang mơ lại giấc mơ của nhiều năm trước. Hồi hắn còn là chàng sinh viên mới ra trường. Hôm đó cũng vào dịp tháng ba âm lịch như thế này. Hắn cùng con người yêu đi hội chùa Thày. Một quả núi đứng lẻ loi giữa vùng đồng bằng sông Hồng quê hương hắn. Hai đứa mải chơi, mãi đến lúc xẩm tối mới về. Xe cộ ngoài đường đã vãn. Chờ mãi không có chuyến nào để về Hà Nội. May mà có nhà người quen của con bồ. Nàng đã từng về đây thực tập nghề gõ đầu trẻ của nàng. Chủ nhà cho mượn chiếc xe đạp và cây đèn pin. Trời mỗi lúc mỗi tối đen. Mưa phùn mỗi lúc mỗi dầy. Ánh đèn pin chỉ đủ soi sáng một quãng rất ngắn trước mặt. Chỉ thấy những gốc cây nhớt nhát hai ven đường và mặt đường ướt sũng. Lạnh và rét. Đom đóm ở đâu bay ra rất nhiều. Có con to như thông phong đèn, lập lòe xanh lạnh như ánh lân tinh. Người ta cho rằng đó là những oan hồn chưa siêu thoát, đang lần mò lối lên thiên đàng trong đêm tối. Cõi âm rất kị ánh thái dương, ban ngày đâu có dám xuất hiện? Hắn thoáng nghĩ như thế, không nói sợ nàng sợ hãi. Ấn tượng về chuyến đi này sẽ bị xóa hết bởi câu nói vô duyên của mình vào lúc này. Không biết nàng có cùng suy nghĩ như thế hay không? Nàng có vẻ sợ hãi thật sự, cứ ôm riết lấy hắn. Ôm chặt đến nỗi hắn rất khó điều khiển xe mỗi lúc cần tránh cái ổ gà. Tự dưng rầm một cái. Hình như xe bị gãy vành hay cổ phốt văng ra ngoài. Hắn cảm thấy đau cứng vùng bụng dưới..và tỉnh hẳn người.
Thực và mơ vừa có cuộc giao hoan, trộn vào nhau. Hắn bàng hoàng chưa kịp nhớ đây là chỗ nào. Lại nghe giọng nói quen quen.. mới quen. Đúng là áo đỏ rồi. Cô ta đi đâu từ tối đến giờ, bây giờ lại tự nhiên “Như người Hà Nội” chui vào chăn của mình thế này?
- Anh ngủ đi, bên ngoài lạnh quá. Em chỉ nằm ghé bên cạnh anh thôi. Sáng ra em sẽ đi sớm, không để anh bị nhà chủ rầy rà đâu..
Hắn lúng túng chưa biết xử trí như thế nào. Hắn đã từng yêu, từng có vợ, từng gần gụi đàn bà nhưng tình huống này là lần đầu tiên xảy ra trong đời đối với hắn. Từ chối cô ta ư? Đồng ý như vậy nghĩa là như thế nào? Cho dù mình không chủ định, nhưng mặc nhiên vẫn có cái gì hèn hèn. Bản tính lại không thích bất cứ thứ gì thụ động, kể cả “Tình cho không biếu không”. Nhất là thời buổi ngày nay bệnh họa quá nhiều. Bất cứ việc tắc trách, qua loa nào cũng mang lại hậu quả khôn lường. Song, con quỷ nằm phía dưới thân thể hắn hình như cãi lại. Nó bảo “ Đừng có mà sĩ hão. Thằng đàn ông nào lại từ chối nếu ở địa vị của mày? Mày có ép buộc cô ta đâu. Tự nhiên mang đến cứ việc hưởng. Còn bệnh họa, chết chóc có số cả con ạ. Nom ra xinh tươi thế kia chắc chả việc gì đâu..”. Con quỷ nói, rồi cười sằng sặc. Hình như tiếng cười của nó chỉ mình hắn nghe được. Dưới ánh sáng của ngọn đèn ngủ, hắn tuyệt nhiên không thấy biến đổi gì trên nét mặt người vừa cùng chăn với hắn chui ra. Có lẽ con quỷ đó có giọng âm vi ba, người bình thường như nàng khó mà nghe thấy.. Áo đỏ không có biểu hiện gì là sự đương nhiên..
Em bảo tên em là “Miên Miên”, khi hắn hỏi. Chẳng biết khi đặt tên này cho em, mẹ có ý gì? Hắn luận không ra. Một cái tên như trạng thái mơ hồ nào đó, rất khó cắt nghĩa. Miễn là “có” để gọi, còn hơn nói trống không. Hắn nghĩ thế..
- Em làm cách nào để vào được đây?
- Cửa này rất dễ mở. Chỉ người không có hành lý đáng giá mới ngủ ở đây và thường chỗ này bỏ không. Mấy đêm trước ngày nào vào giờ này em cũng vào đây mà chủ nhà không hay biết. Hôm nay không ngờ lại có khách là anh thuê chỗ này nên mới mò lên..
- Ngủ lén à?
- Cũng gần như thế, bần cùng thôi anh ạ!
Nàng lặng đi một lúc.
Miên miên kể: “ Em ra trường, chạy mãi không có việc làm vì thiếu một số tiền, chưa biết xoay bằng cách nào? Vừa hay có người đến. Bà này có Shoop hàng bán hoa quả bên Trung Quốc muốn thuê người bán hàng. Lương tháng rất cao so với ở Việt Nam. Bà nói nếu đồng ý bà sẽ ứng trước cho ba tháng lương ( bằng số tiền cả nhà em vất vả cả năm trời). Mẹ em lúc đầu còn ngần ngừ, về sau đồng ý. Còn em cũng muốn bay nhảy một chuyến xem sao. Chuyện qua lại biên giới hai nước chắc không cần kể lại. Tương đối đơn giản. Em theo bà ấy đến một thị trấn. Ngày cũng như đêm treo rất nhiều đèn lồng. Trên tường các ngôi nhà dán đầy các bảng quảng cáo nền đỏ. Lạ một cái có rất nhiều người bưng những cái tộ to tướng vừa đi vừa ăn, vừa nói chuyện hay mua bán thứ gì đó. Cảnh tượng này ở bên mình không nơi nào có. Đêm đầu tiên em ngủ cùng bốn năm đứa chạc tuổi đều là con gái. Sáng hôm sau có xe đến đón mỗi đứa đi một nơi. Bà chủ nói đấy là các cơ sở của bà, công ty bà rất nhiều cơ sở. Bà cộng tác với người Hoa cho dễ làm ăn. Thấy họ im lặng hoặc chỉ nói tiếng Quan Hỏa em nghĩ bà nói thực, không nghi ngờ gì. Người đàn ông dẫn đường cho em chừng ngoài năm mươi. Suốt dọc đường ông ta chỉ ra hiệu, không ra lời. Ông ta không rời em nửa bước.. Đi thêm bốn giờ xe chạy nữa thì đến nơi. Chả thấy cửa hàng cửa hiệu đâu cả..” Miên Miên thụt thịt khóc. Vẻ hồn nhiên thơ ngây của cô biến mất.. Nghe đến đây, chừng hắn hiểu. Hắn bảo thôi đừng kể nữa. Tò mò vào nỗi đau của người khác là hành hạ người ta. Hắn không thích thế. Áo đỏ hình như cũng không muốn kể thêm. Kể làm gì cái đoạn ba bố con người đàn ông kia chung nhau một người vợ mới mua về?  Có lẽ trên khắp hành tinh này không đâu có kiểu hôn nhân như thế. Một đất nước vĩ đại, có nền văn hóa năm ngàn năm chói lọi, sao lại có kiểu quần hôn như súc vật rất lạ đời?  Hiện tại, ăn ở xưng hô thế nào? Thế hệ cái con truyền đời ra sao? Sẽ ra sao khi cha con, vợ chồng loạn luân, phi nhân như thế?
Hắn đã nghe nhiều chuyện tương tự, nhưng gặp “người trong cuộc” thì nay là lần đầu tiên.
- Bây giờ anh hiểu vì sao em trốn chui lủi và phải ngủ lén như thế này rồi chứ?
- Sao không về quê?
- Anh hỏi lạ! Về được đến đây được em đâu còn đồng nào? Em không có gì để bán ngoài bản thân. Nếu anh mua ngay bây giờ em cũng bán? – Miên miên cười như mếu.
- Tôi không còn tiền. Nếu có tôi cũng không mua. Tình là cái không nên mua bằng tiền..
Tự nhiên Cô gái cười sằng sặc. Hắn vội bưng miệng cô lại. Có thể, điều hắn vừa nói là điều cô không tin. Hết thế kỷ cũ rồi, còn bao nhiêu người nghĩ như hắn?
*****
Có người nào đó nói với hắn rằng: “ Bây giờ đang là thời âm thịnh, dương suy”. Hắn không tin. Bằng chứng là rất nhiều nữ nhân tài sắc vẹn toàn, đức độ, tử tế, hẳn hoi hắn được biết, rút cục số phận và cuộc sống chẳng ra gì. Cuộc gặp gỡ Miên Miên tình cờ, duy nhất một lần, cứ ám ảnh hắn. Hơn mười năm qua đi, hình bóng của nàng phai dần trong trí nhớ đã bắt đầu trở nên tệ của hắn. Hắn không ngờ có lần gặp lại nàng vào sáng nay, một buổi sáng của thập kỷ thứ hai, thế kỷ 21 này.
Phó sở vừa đỗ xe trước cổng cơ quan. Quý bà mơn mởn, đài các và lịch sự. Sau khi hắn đề đạt dự án của mình, quý bà cứ nhìn hắn chăm chăm. Bà nói:
- Tỉnh rất hoan nghênh các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học có công trình về bãi đá cổ. Nhưng cho đến nay, chưa có công trình nào thực sự khoa học, thực sự sâu sắc về tính chất, ý nghĩa của những di sản còn tồn lưu đến bây giờ. Phần nhiều vẫn nằm ở dạng giả định, khái niệm và phỏng đoán chưa đủ sức thuyết phục. Dù rằng UNETCO đã công nhận đó là di sản văn hóa thế giới, các tài liệu về bãi đá cổ của ta vẫn chưa thực sự xứng tầm với nó..
Hắn biết với giọng điệu này, công trình của hắn chả còn hy vọng gì. Tìm một sự hỗ trợ về tài chính chỉ là điều không tưởng! Hơn nữa hắn là người ngoài tỉnh, việc đó lại càng khó khăn hơn nhiều. Bao giờ người ta cũng dành ưu ái cho các tác giả địa phương hơn. Hắn buồn bã và lịch sự cáo từ. Bước ra tới cửa, đột nhiên quý bà kêu hắn dừng bước. Hắn nghĩ có thể hắn bỏ quên thứ gì đó, nhưng không phải..
- Xin lỗi, hình như ta gặp nhau ở đâu rồi?
Ngay từ lúc đầu hắn đã ngờ ngợ nhưng không dám hỏi. Bà ta có nét quen quen.. rất có thể là Miên Miên, hoặc là chị em của nàng. Nhưng cảnh ngộ hai người một trời một vực, hắn không dám nghĩ  hai người là một, đang hiện diện ngay trước mắt mình.
- Ở đây là cơ quan, chuyện riêng nói không tiện. Nếu anh còn lưu lại thành phố này, chiều nay mời anh đến..
Hắn không tin ở tai mình nữa khi quý bà nói địa chỉ và quý danh của mình. Thật không thể tin được địa chỉ ấy lại chính là chỗ có cái nhà hàng và quán trọ năm nào. Không trách trái đất tròn là phải!

*****
Ngồi trong ngôi biệt thự của nàng bên dòng sông bắt nguồn từ phía bắc chảy về, hắn thừ ra. Lúc lâu hắn mới thốt ra như không phải nói với nàng, mà tự nói với mình:
- Cuộc đời chẳng biết sao mà nói.. Sau cái đêm ấy một tháng, anh có quay trở lên đây tìm, nhưng không ai biết em là ai, ở đâu cả. Có hàng trăm cô áo đỏ từng qua thành phố này. Cả cái tên Miên Miên cũng là một cái tên họ chưa nghe bao giờ. Cứ như tên của một bài thơ, hay là tên của lời nguyền vậy . Cuối cùng anh đành trở về.
Nàng cười chua chát. Hẳn nàng không tin lời của hắn vừa rồi. Ai hơi đâu tìm bóng dáng của cuộc tình thoảng qua một đêm kia chứ? Nhưng đó là sự thật. Nàng tin hay không là quyền của nàng. Nhưng phần sau câu chuyện nàng chưa nói khúc quanh của nó ở đâu?
“Đấy là đêm trăng sáng lắm. Em quanh quẩn dọc bờ sông. Bụng đói có thể ăn được bất cứ thứ gì để sống người. Thỉnh thoảng cũng có hàng quán hai bên đường, nhưng tiền không có một xu. Cái ý định sẽ gặp may nếu cứ dọc đường mò về quê tiêu tan dần. Thỉnh thoảng cũng có vài tên trai lơ đỗ xe máy dọc đường trêu chòng nhưng em không nói gì. Giằng co không được chúng lầu bầu chửi tục rồi bỏ đi. Trời gần khuya, trước mắt em đổ những vòng tròn man dại.. Không còn ánh trăng. Không còn tiếng người, tiếng xe.. Tự nhiên cảm thấy người nhẹ hẫng, không còn trọng lượng..”
 Người ta bảo với nhau: “Cô gái này tự tử vì tình”; “ Người như cô ấy thiếu gì thằng theo, chết chi cho uổng?”. Nhưng đâu có phải như vậy.. Chỉ là em hụt chân, ngay trước đền Thác Cái. Đúng là đền này thiêng. Phải chỗ khác em đã mất mạng rồi. Cứu em chính là ông Khánh Mũi Đỏ, người cả tỉnh này biết. Thiên hạ nói thế nào thì nói, với em ông ấy là một con người tuyệt vời.. Em về công ty ông ấy làm mấy năm rồi các anh trên này xin em, cất nhắc từ bấy đến nay..”
Hóa ra hắn biết Khánh Mũi Đỏ chừng ấy năm giời, từng có lúc lên công ty Khánh nằm vạ vật hàng tháng trời, mà sao không biết chuyện này? Vậy mà mình cứ nghĩ Khánh  ruột để ngoài ra, biết hết rồi về Khánh, mà thực ra không phải.
Con bệnh quái ác đã mang nhà thơ trẻ ấy đi năm năm nay rồi! Nhiều người quen thân với anh ta cũng còn chẳng mấy người còn nhớ đến. Ngay chính mình đây nếu không có chuyện liên quan, mình cũng quên luôn huống chi người khác? Một sự lãng quên đáng phải áy náy và ân hận.
Có lẽ dự án, dự iếc không nên nói ra vào lúc này, nếu không mình sẽ tự xấu hổ vì nói ra không đúng lúc, chút nào đó mang tính lợi dụng quan hệ cá nhân. Miên Miên bảo:
- Đêm nay anh ở đây. Coi như em trả ơn cái đêm nào anh cho em ngủ cùng..- Nàng ngước nhìn hắn, ánh mắt nài nỉ.
Hắn bảo : “Thế sao tiện?” Ý chừng ngại chủ nhân chính thức của ngôi biệt thự này. Nàng hiểu ý hắn “ Người ấy chính là anh Khánh đấy, anh không nhìn ra bức ảnh kia sao?”. Hắn nhìn lên tường. Đúng là Khánh thật rồi.. Khánh mũi đỏ đầu chải rất mượt, ngồi im trên ban thờ, ánh mắt như cười cười, cảm thông, khuyến khích. Tự nhiên hắn thấy lòng hoang mang, hay một trạng thái tương tự nào đấy mà lúc này hắn chưa kịp nhận ra và gọi tên nó là gì?

*****

Tin

‘MÙA XUÂN Ả RẬP’ VÀ MÙA XUÂN MYANMAR

Nguồn: Tuần Việt Nam,
đăng ngày 2/1/2013, truy cập đường link gốc tại đây  
1 Cùng thuộc về một làn sóng dân chủ hóa trên thế giới, nhưng “Mùa xuân Ả rập” để lại những vết thương sâu sắc chưa hứa hẹn ngày lành, thì Mùa xuân Myanmar cũng chính là quá trình làm lành vết thương của thời kỳ độc tài.
Mùa xuân bão táp ở Ả rập
Một loạt chế độ tại Ả rập – từng ưỡn ngực với sự “đặc thù” của văn hóa Hồi giáo mà từ chối nền dân chủ – đã đồng loạt đi đến hồi kết. Tất cả được châm mồi với chỉ một đốm lửa ở Tunisia hai năm trước.

…Trong Mùa xuân Ả rập, cựu Tổng thống Yemen Ali Saleh đã ra đi theo một cách êm ả nhất có thể: ông từ chức sau 33 năm cầm quyền và sang Mỹ đổi lại quyền miễn tố, để lại một Yemen kiệt quệ và đối mặt với các cuộc nổi dậy và nội chiến.

Hầu hết trong số đó đều tiếp tục nhiệm kỳ của mình sau các cuộc “bầu cử” không có ứng cử viên đối lập và chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu cực cao. Nhưng sự “tín nhiệm cao” đó không che giấu được những vấn đề trầm trọng của dân chúng và khối tài sản kếch xù của những nhà cầm quyền.
Và những cuộc nổi dậy của “Mùa xuân Ả rập” đã lột tả bản chất của sự “tín nhiệm cao” chính là sự sợ hãi của dân chúng, chứ không phải vì đó là chính quyền của nhân dân như các nhà độc tài vẫn tự xưng.
Nhưng sự cai trị bằng nỗi sợ hãi của dân chúng cũng tạo ra sự căm phẫn âm ỉ, và nó sẽ bùng lên khi tích tụ đủ mạnh và có một mồi lửa ném vào.
Cái giá mà đất nước họ phải trả còn lớn hơn thế. Là sự kiệt quệ của dân chúng do sự bòn rút của họ. Là sự hèn đụt và tính thụ động của dân chúng do sự đe dọa của họ. Là sự khủng hoảng lòng tin và đạo đức của dân chúng, do sự cai trị vô đạo đức và chia rẽ dân chúng của họ. Và cuộc nổi dậy như một vết thương được làm loét thêm, do tâm lý trả thù không chỉ nhằm vào nhà độc tài mà còn hướng cả vào những người từng tham gia hệ thống ấy, và những người được lợi nhờ hệ thống ấy, tạo ra một xã hội bị chia rẽ.
Mùa xuân ấm áp với Myanmar
Myanmar, giành độc lập năm 1948, bị hết thống tướng này đến thống tướng khác cai trị sau cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Trong ngôn ngữ của chính trị học, đó là chế độ Qủa đầu (độc tài nhóm), một hình thức tinh vi hơn của độc tài cá nhân.
1
Dù tinh vi tới đâu thì bản chất của mọi chế độ độc tài đều là cai trị đất nước để phục vụ cho quyền lợi của những kẻ cai trị, thay vì để phụng sự nhân dân và đất nước. Đó là nguyên nhân Myanmar từ vị thế là một đất nước phát triển hàng đầu châu Á đầu thập kỷ 1960 đã tụt hậu và kiệt quệ thành một nước lạc hậu nhất ở Đông Nam Á những năm qua.
Đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc vào cường quốc láng giềng, giới lãnh đạo Myanmar đã có những thay đổi kịp thời và ngoạn mục.
Cuộc bầu cử dân sự năm 2010 tưởng như chỉ là mang tính hình thức để hợp thức hóa sự cai trị của những tướng lĩnh cũ, mà Tổng thống được bầu vào Mùa xuân 2011 Thein Sein nằm trong số này. Lần đầu tiên nắm quyền cao nhất ở Myanmar, vị tướng cũ đã từ bỏ đường lối cai trị độc tài, bằng cách chấm dứt những dự án của cường quốc láng giềng gây nguy hại cho Myanmar, công nhận đảng đối lập và tổ chức cuộc bầu cử bổ sung tự do vào Mùa xuân 2012, phóng thích hàng loạt tù nhân lương tâm, và cho phép tự do báo chí.
Myanmar còn có một nhân vật vĩ đại nữa làm biểu tượng cho quá trình dân chủ hóa: Aung San Suu Kyi, người đã để lại gia đình của mình ở nước Anh để trở về nước vận động dân chủ năm 1988 bất chấp bị đàn áp, đe dọa, bắt bớ, cấm tranh cử, rồi bị giam lỏng trong thời gian bầu cử năm 1990. Kết quả: bà chiến thắng áp đảo cùng Đảng của mình (82% số phiếu) nhưng bị từ chối chuyển giao quyền lực và tiếp tục bị giam lỏng, và bà từ chối rời khỏi đất nước để tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ. Ngày đó đã đến như mong mỏi của bà và nhân dân Myanmar, cho dù Đảng của bà chỉ tranh cử ở cuộc bầu cử bổ sung 45/664 ghế.
Một người từ bỏ quyền lực độc tài để đưa đất nước đến với dân chủ, và ca ngợi đối thủ từng bị phe mình giam giữ. Một người đã chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ nhưng chấp nhận sự cai trị của chính phe phái từng tước đoạt quyền lực của mình, thậm chí vận động quốc tế xóa bỏ cấm vận với chính quyền đương nhiệm, để tìm kiếm sự khởi đầu mới cho quá trình dân chủ hóa đất nước. Qúa trình dân chủ hóa của Myanmar, nhờ vậy, đồng thời là quá trình hòa giải dân tộc, giúp Myanmar không chỉ giữ được hòa bình mà còn giảm nguy cơ bị chia rẽ.
Đó là lý do cả hai được xếp hàng đầu trong danh sách 100 nhà tư tưởng của thế giới năm 2012 do Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) lựa chọn. Riêng Thein Sein được tờ Straits Time (Singapore) bình chọn là Nhân vật châu Á của năm 2012. Vì từ bỏ độc tài quyền lực để trả quyền lực về cho nhân dân luôn là lựa chọn vô cùng khó khăn của mọi chế độ độc tài trong lịch sử.
Nhưng đó là lối thoát duy nhất cho một quốc gia muốn phát triển, và ngay lập tức đầu tư nước ngoài đã xếp hàng vào Myanmar. Và cũng là lối thoát duy nhất cho nhà độc tài để tránh bị xét xử hay bị giết hại khi dân chúng nổi dậy và trả thù, như đã diễn ra với “Mùa xuân Ả rập”.
Ba ngàn năm trước, nhà tư tưởng chính trị Khương Tử Nha đã thấu hiểu điều đó khi nhắc nhở Chu Văn Vương rằng: Thiên hạ không của riêng ai, thiên hạ là của cả thiên hạ, chung lợi ích với thiên hạ thì được thiên hạ, đoạt lợi ích của thiên hạ thì mất thiên hạ. Nhờ tư tưởng đó, nhà Chu tồn tại tới tám trăm năm, và là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất về tư tưởng, triết học, binh pháp, kỹ thuật của Trung Quốc cổ và trung đại.
Ngày nay, không cần phải thông thái như Khương Tử Nha cũng biết điều đó. Quá nửa quốc gia trên thế giới là những nền dân chủ, thể chế buộc chính quyền phải chung lợi ích với thiên hạ, thay vì chờ đợi chính quyền tự nguyện như triều đại nhà Chu. Nhờ thế, những quốc gia thịnh vượng nhất, văn minh nhất đều là những nền dân chủ.

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Chuyên đề

Một cái nhìn về thực tiễn văn chương hậu hiện đại


Phùng Gia Thế  mới nhập cuộc với phê bình, nhưng các bài viết của anh đã toát lộ một cách tư duy mới mẻ về diễn tiến của văn chương Việt 
Nam giai đoạn sau 1986. Đọc Phùng Gia Thế, có thể thấy rõ quan niệm: phê bình văn học phải được nảy ra trên nền tảng của nghiên cứu, lí luận. Nhìn từ góc độ này, chúng tôi thấy Phùng Gia Thế đã thực sự quan tâm tới văn chương hậu hiện đại, và anh cũng đã thao tác hoá, cụ thể hoá một số bình diện lí luận của chủ nghĩa hậu hiện đại thành một cách diễn giải những cách tân, thử nghiệm của nhiều cây bút trên văn đàn hiện nay.
- Theo anh, tinh thần hậu hiện đại đang phảng phất đâu đó trong thực tiễn văn học Việt Nam hay đã trở thành một khuynh hướng sáng tác nổi bật? Dấu hiệu nào cho ta thấy điều đó?
Phùng Gia Thế: Theo tôi, hậu hiện đại trong thực tiễn sáng tác, giờ không còn là chuyện “có hay không?” nữa, mà vấn đề là ở chỗ: ta nhìn nhận, đánh giá nó như thế nào. Nhìn từ hôm nay, tôi cho là, chúng ta đã có một khuynh hướng hậu hiện đại trong văn chương đương đại. Khuynh hướng này phản ánh một qui luật phát triển khách quan của văn học gần đây. Dấu hiệu nổi bật của nó là sự in đậm của “cảm quan hậu hiện đại” trong sáng tác của nhiều nghệ sĩ, và sự xuất hiện ở tần số cao hàng loạt các thủ pháp kĩ thuật, các nguyên tắc cấu trúc văn bản, tổ chức trần thuật, cách cấu trúc hình tượng... tiêu biểu của văn chương hậu hiện đại… Hiển nhiên, ai cũng biết: xu hướng và thành tựumới và chất lượng cao không phải bao giờ cũng là bạn đồng hành.
- Vậy sự xuất hiện của khuynh hướng hậu hiện đại có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn học đương đại nước ta?
Phùng Gia Thế: Từ nửa sau thế kỉ XX, chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một trào lưu văn hoá mang tính toàn cầu. Văn học hậu hiện đại thế giới cũng đã đạt được những thành tựu rất phong phú. Theo tôi, sự xuất hiện của khuynh hướng hậu hiện đại trong văn chương Việt Nam gần đây thể hiện một qui luật bình thường trong giao lưu văn hoá nhưng lại ghi một dấu ấn quan trọng đối với sự tiến triển của văn chương. Nó chứng tỏ tinh thần hội nhập mạnh mẽ và thuận chiều của văn chương nước ta với tiến trình văn chương thế giới. Khuynh hướng hậu hiện đại trên thực tế đã góp phần làm phong phú thêm diện mạo thi pháp văn học dân tộc, thay đổi tư duy văn học, cách đọc và thị hiếu thẩm mĩ của công chúng. Thử nghiệm theo khuynh hướng hậu hiện đại đáp ứng được đòi hỏi phát triển của bản thân văn chương, và trước hết nó giúp cho các nghệ sĩ thoả mãn nhu cầu với cái mới, cũng là để mở rộng chân trời sáng tạo của mình…
Tôi hiểu, đây là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi sự phân tích công phu. Như anh biết đấy, chúng ta đang xét hậu hiện đại ở Việt Nam chủ yếu qua cái nhìn của học giả phương Tây. Đó là thuận lợi, nhưng cũng là “trở ngại” trước tiên, khi nghiên cứu. Lí thuyết hậu hiện đại phương Tây, dầu bề bộn, phức tạp, song được khái quát từ thực tiễn văn hoá - nghệ thuật rất sinh động, cả chín muồi nữa, của họ. Còn, “hậu hiện đại” ở ta, dù có một khuynh hướng thì cũng chưa phải một trào lưu. Hệ quả theo đây là, thường có những “sai trật” khi vận dụng các phạm trù lí luận hậu hiện đại vào nghiên cứu thực tiễn. Những tranh luận hậu hiện đại gay gắt gần đây cũng phản ánh một phần tính phức tạp của vấn đề này.
- Nghiên cứu văn học hậu hiện đại tất yếu phải chú ý tới phạm trù “cảm quan hậu hiện đại”. Vậy, anh có nhận xét gì về những biểu hiện của cảm quan hậu hiện đại trong văn học Việt Nam?
Phùng Gia Thế: “Cảm quan hậu hiện đại” là một phạm trù then chốt của hậu hiện đại. Có thể nhận ra trong văn chương nước ta gần đây những dấu ấn có tính chất “loại hình” của kiểu cảm quan này. Biểu hiện của nó khá phức tạp. Trên nét lớn, đó là sự ghi dấu đậm cơn khủng hoảng niềm tin của con người. Lí tưởng và các thang bảng giá trị đời sống đổ vỡ, trở thành “kẻ vắng mặt” kinh niên. Bài ca cuộc sống bị “vặn cổ”. Đời sống, xã hội hỗn loạn. Con người méo mó, đáng thương, mất sức đề kháng, thậm chí tê liệt. Trạng huống bi - hài trở nên phổ biến. Cái đẹp thưa vắng, mà, nếu có thì cũng yếu ớt, mong manh, lạc lõng, chẳng cứu vớt được ai... Cũng là “tinh thần phê phán”, song, nếu chủ nghĩa hiện thực cổ điển khát khao mãnh liệt một trật tự đời sống mới (cái cần phải có), để thay thế cho cái hiện tồn; chủ nghĩa hiện đại muốn tạo ra trật tự từ việc điều chỉnh cái hỗn độn của đời sống; thì ở đây, cảm quan phổ biến của nhà văn là: không còn tin vào cái gì tốt đẹp, nền tảng; không tin vào cái lí tưởng ở cả ba thì: quá khứ, hiện tại, tương lai. Đành rằng trong sâu thẳm, nghệ sĩ chân chính không bao giờ hết ước mơ. Song, cũng phải thừa nhận tinh thần hoài nghi, hư vô chủ nghĩa trong đây là có thật. Nhà văn dường như chỉ còn lại niềm tin sau cùng: tin rằng cuộc đời vốn không thể khác
Cảm quan hậu hiện đại, xét ở phương diện chung nhất, là như thế. Còn, trong thực tiễn sáng tác của mỗi nghệ sĩ, sự biểu hiện cảm quan này lại có những nét đặc thù. Chẳng hạn như, ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là tứ truyện bao trùm về sự vô nghĩa trớ trêu của cuộc đời, sự bê tha nhếch nhác thảm hại của con người, sự bơ vơ lạc loài của cái đẹp, và cả bóng dáng của chủ nghĩa hư vô (Tướng về hưu, Không có vua, Con gái thuỷ thần, Muối của rừng, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết...). Trong sáng tác của Phạm Thị Hoài, dễ tìm thấy những thế giới vô hồn, vắng bóng dấu vết của sự sống mang tính người, tình người, và những cuộc chia tay (Thiên sứ, Ám thị, Chín bỏ làm mười...). Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương ám ảnh bởi sự khủng hoảng niềm tin của con người, của nhà văn vào cuộc đời, sự đổ vỡ của những trật tự xã hội và gia đình, sự ngắc ngoải ngưng đọng của đời sống, tình trạng bất an, sự đánh mất bản ngã, phương hướng, sự băng hoại đạo đức, sự bơ vơ của kiếp người… (Thoạt kì thuỷ, Người đi vắng, Ngồi). Sáng tác của Nguyễn Việt Hà thể hiện một cái nhìn hoang mang về thời cuộc (Cơ hội của Chúa), đồng thời là ý thức xâm nhập mạnh mẽ vào sự tha hoá của con người, sự hỗn loạn của xã hội - cái được xem như là một tồn tại an nhiên (Khải huyền muộn). Văn chương Tạ Duy Anh là nỗi khắc khoải truy tìm bản ngã, tìm một giá trị thật sự trên cái đời sống đổ nát, đầy thù hận, là sự loay hoay lí giải, hoá giải những nỗi đau khổ đầy đoạ con người từ tiền kiếp (Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối). Tiểu thuyết Hồ Anh Thái xem đời sống như những mảnh vỡ, thể hiện tinh vi nỗi hoang mang của con người về con người và cái lộn xộn, phi lí, nhố nhăng của thời buổi (Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm). Paris 11 tháng 8, T. mất tích của Thuận là một diễn dịch mới về tình trạng bất an, vong bản, bị kết án “mất tích”, một nỗi niềm kinh hãi “rằng có ai đó đang vẽ kiểu cho cuộc sống của mình”...
Như thế, cảm quan hậu hiện đại trong văn chương không chỉ thể hiện ở chỗ nhà văn tái hiện sự hỗn loạn của đời sống, mà quan trọng hơn, chính là một nguyên tắc nhìn đời sống của nhà văn: đời sống như là một sự hỗn độn, không còn tiêu chuẩn giá trị và định hướng có ý nghĩa nào. Nhà văn xem bản chất thế giới là hỗn mang, anh ta chấp nhận sự hỗn độn như là một sự kiện… Và theo đây, sự dịch chuyển về tâm thức hậu hiện đại trong văn chương của ta còn thể hiện ở chỗ: trước cái hỗn loạn, đổ vỡ, tai biến của hiện thực, thay vì “khóc than”, “đề kháng”, hay “nỗ lực chữa trị”, nhà văn lại “xâm nhập vào nó bằng một tình cảm mật thiết”, thậm chí, anh ta còn “chơi cùng cái hỗn loạn”... Đọc Người đi vắngNgồi của Nguyễn Bình Phương, Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái... có thể thấy khá rõ điều này.
Trong thơ, cảm thức hậu hiện đại khó xác nhận hơn trong văn bản hình tượng song lại thể hiện đậm nét qua thái độ của nhà thơ với thơ và cách hành ngôn thơ. Người làm thơ theo khuynh hướng hậu hiện đại ở ta quan tâm nhiều đến việc làm mới chữ, mới âm, đến tính chất trò diễn của ngôn từ. Có thể thấy điều này trong nhiều sáng tác của Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Từ Huy, Đặng Thân, Như Huy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, nhóm Mở Miệng...
Cảm quan hậu hiện đại là một dấu hiệu văn hoá của văn chương, ghi nhận kịp thời một hiện trạng tinh thần của con người thời đại. Điều này trước hết bộc lộ tự nhiên trong các sáng tác, không chờ nhà văn tuyên bố hay tự giác viết để thể hiện cảm quan đó. Tất nhiên, nếu có được điều này, nhất là ở các nhà văn tài năng, thì ta đã có tác gia hậu hiện đại, theo ý nghĩa đầy đủ của từ này rồi.
- Theo anh, ta có thể tìm thấy cảm quan hậu hiện đại trong văn học Việt Nam từ giai đoạn nào và với tác giả nào?
Phùng Gia Thế: Nghiên cứu văn chương hậu hiện đại tất phải xét tới “cảm quan hậu hiện đại”. Song, “cảm quan hậu hiện đại” nếu được hiểu như là sự mất niềm tin vào cái chính thống, là thái độ chống lại sự áp đặt của cái chính thống, thì, xét kĩ ra, văn chương thời nào cũng có. Và, đấy cũng là khi người ta hiểu hậu hiện đại theo nghĩa rộng nhất của từ này. Cách hiểu này, khiến chúng ta phải đối mặt với những câu hỏi, đại loại: Thế thì, ai hậu hiện đại? Nghệ sĩ dân gian cũng hậu hiện đại sao? Hồ Xuân Hương, Bút Tre (Đặng Văn Đăng)... có hậu hiện đại không? Nếu cách hiểu này được chấp nhận, thì ta không nên nhất mực rằng phương Tây hậu hiện đại trước! Con người cá nhân hậu hiện đại, khi đó, sẽ có trước trào lưu văn hoá hậu hiện đại.
Nói thì vậy, còn trên thực tế, vấn đề lại không đơn giản. Kết luận về một hiện tượng mà chỉ xem xét đơn lẻ từ một yếu tố tất sẽ dẫn đến những hậu quả. Nguy cơ “cả làng hậu hiện đại” trong đây là có thật. Vậy nên, trong nghiên cứu văn chương hậu hiện đại, việc nhìn nhận các yếu tố trong tương quan và tổng thể luôn rất cần thiết. Theo đây, lại có thể thấy, ở ta, sự mất niềm tin và tinh thần chống sự áp đặt của cái chính thống đúng là sự thật ở mọi thời. Nhưng, nếu trước 1986, nó đơn lẻ, chưa mang tính cộng đồng loại hình, nói giản dị hơn, nó chưa thành “cơn”; thì, sau 1986, thành “cơn”. Đấy là một tâm thức hệ phổ biến, được sinh ra cấu trúc lịch sử - xã hội và văn hoá đặc thù của thời đại. Kiểu tâm thức này thực tế đã manh nha từ sau 1975. Biểu hiện trong văn chương là tinh thần “phản sử thi”, xu hướng “giải trung tâm”, “giải cấu trúc” có trong một số sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu,... Từ sau 1986 (sau đổi mới), nó trở thành một kiểu tâm thức phổ biến của thời đại. Thái độ bất tín, nhại, nhạo, không còn thấy cái gì thiêng liêng nữa đã tạo thành “tính cộng đồng loại hình” về thế giới quan ở hàng loạt nghệ sĩ. Ở các mức độ khác nhau, có thể tìm thấy điều này trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, và gần đây, đậm đặc hơn với Đặng Thân, Lê Anh Hoài, nhóm Mở Miệng... Tâm thức hậu hiện đại xuất hiện, song vẫn chưa tạo ra được một trào lưu văn hoá. Lí do là: xã hội chưa đi hết hiện đại, vẫn có thể hậu hiện đại, song thật khó tận cùng, triệt để. Điều kiện lịch sử nước ta lại có những điểm đặc thù. Do thế, tâm thức hậu hiện đại của chúng ta, cũng chẳng thể giống y phương Tây được. Và cũng không cần thiết phải như thế.
Tóm lại, ý tôi là, một cách hiệu quả nhất, chỉ có thể tìm cảm quan hậu hiện đại trong văn học Việt Nam, về giai đoạn: từ sau 1986; về tác giả: bắt đầu từ Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Sau đấy thì nó đã phong phú rồi.
- Với cảm quan đặc thù như vậy, theo anh, liệu các nhà văn sáng tác theo khuynh hướng hậu hiện đại có khám phá được điều gì mới mẻ về đời sống không?
Phùng Gia Thế: Tôi cho là, sự khủng hoảng, thiếu vắng niềm tin... không ngăn trở nghệ sĩ hậu hiện đại tiếp tục một hành trình muôn thuở của văn chương: nghiền ngẫm nỗi niềm nhân tâm thế sự. Từ góc nhìn mới, những khám phá đã trở nên đa dạng và sâu sắc hơn, ở những chân trời khác. Giã từ đám đông, con người được đặt vào các trạng huống phức tạp mới của cuộc đời: trong đời sống hiện thực phồn tạp, trong đời sống bản năng và trong đời sống tâm linh. Cái ít có điều kiện để nói tới trước đây, nay được công nhiên mổ xẻ, khơi sâu. Hiện thực tâm lí ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Trong thơ, các yếu tố vô thức, nhục thể, dục tính, sự trống vắng, vong thân... trở thành tiêu điểm. Có thể xem một số sáng tác của Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Lê Thị Thấm Vân... là những thí dụ cụ thể. Trong văn xuôi, cần ghi nhận sự xuất hiện ở tần số cao của nhiều kiểu nhân vật mới: dị biệt, bản năng, tha hoá, người điên, kẻ lạc loài, những đám đông bất thường, ô hợp, thậm chí, trong một vài trường hợp, nhân vật chỉ còn là “những bóng ma”... Nhìn chung, kiểu nhân vật tầm thường thay thế các hình mẫu lí tưởng. Sự “giải nhân cách hoá” hậu hiện đại đã dẫn tới tình trạng thiếu vắng tính cách trong văn chương như một qui luật. Các tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương... rất tiêu biểu cho nhận xét này.
Trường nhìn thay đổi tạo cơ hội cho nghệ sĩ tự do sáng tạo. Tuy nhiên, một số trường hợp đôi khi đã trở nên cực đoan, quá đà. Thiếu sự nghiền ngẫm, tác phẩm tự nó trở thành tiếng nói loanh quanh. Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh là một thí dụ. Rồi sự quá tải của sex, như Bóng đè chẳng hạn. Nhóm Mở Miệng ghi dấu ấn bằng những tuyên ngôn và một cách hành xử mới với thơ. Song, tác phẩm của họ chủ yếu chỉ thể hiện được một kiểu thái độ, một kiểu phát ngôn, đến nay chưa có khám phá gì thực sự quan trọng.
- Anh sẽ giải thích thế nào khi có người cho rằng các thủ pháp kĩ thuật thường xuất hiện trong văn học hậu hiện đại như nhại, trần thuật phi tuyến... cũng là điều có thể tìm thấy trong các sáng tác văn học trước đó?
Phùng Gia Thế: Theo tôi, khi nghiên cứu các thủ pháp kĩ thuật của văn chương hậu hiện đại, phải luôn đặt chúng trong tương quan với thế giới quan nghệ sĩ, như là hình thức của thế giới quan. Việc xem xét tách rời các yếu tố này với thế giới quan, rộng hơn là với “tính cộng đồng thế giới quan” của nghệ sĩ dựa trên cơ sở lịch sử văn hoá thời đại, thực tế, đã dẫn tới những kết luận thiếu thuyết phục. Nguy cơ cả làng hậu hiện đại, theo đây, thêm một lần nữa xuất hiện. Thi pháp hậu hiện đại cho phép nghệ sĩ tự do khai thác, sử dụng các biện pháp, thủ pháp nghệ thuật của các kiểu sáng tác trước đó. Vậy nên, sự xuất hiện các thủ pháp kĩ thuật của truyền thống trong văn chương hậu hiện đại cũng là chuyện bình thường thôi. Ta đừng khu biệt hoá nó. Tuy nhiên, gắn với cảm quan mới, vẫn có thể tìm thấy những “yếu tính” trong diện mạo thi pháp của nghệ thuật hậu hiện đại. Giễu nhại, lắp ghép, liên văn bản, trần thuật đoản mạch, ý thức hỗn dung thể loại... đều không phải là sự trú chân mà đã trở thành hình thức tiêu biểu của cái nhìn, trở thành một “nguyên tắc” tổ chức văn bản. Có thể lấy nhiều ví dụ trong văn chương ở ta gần đây. Chẳng hạn ở truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đó là sự vận dụng “thủ pháp trần thuật mang tính lập thể”, sự khai thác bình đẳng các phát ngôn trong hệ thống điểm nhìn, sự đa dạng và dịch chuyển liên tục của các điểm nhìn trần thuật, sự vặn gẫy vai xã hội và vai tính cách truyền thống trong hình tượng, vô số các hình tượng nhại, nhiều kết thúc, xen kẽ, có thể “tháo dỡ” được (Tướng về hưu, Không có vua, Con gái thuỷ thần, Chút thoáng Xuân Hương, Muối của rừng, Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, Mưa Nhã Nam,...). Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn biểu hiện một cuộc “chơi" thể loại, với nhiều kiểu thử nghiệm độc đáo làm xáo trộn, đứt gẫy những giới hạn thể loại truyền thống: truyện ngắn - tư liệu (Thương cả cho đời bạc), truyện ngắn - nhật kí (Mưa), truyện ngắn - dòng chảy ý thức (Không khóc ở California), truyện ngắn - chân dung (Chút thoáng Xuân Hương), truyện ngắn - phóng sự (Tội ác và hình phạt)... Rồi hiện tượng sơ đồ hoá, đồ vật hoá, lố bịch hoá con người, lạ hoá nhân vật bằng cách xoá bỏ các dấu hiệu nhận biết nó trong Thiên sứ, Ám thị,... của Phạm Thị Hoài. Lại có thể nhận ra trong Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh sự chồng xếp tinh tế và phức tạp các kiểu thời gian, điểm nhìn, sự xuất hiện của siêu hư cấu và lối trần thuật đoản mạch, phi tuyến,... Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương luôn có nhiều tuyến chạy ngược - xuôi theo lối kết cấu song hành xoắn vặn, nhiều tuyến chuyện, nhiều nhân vật bị cố ý “bỏ rơi” (Những đứa trẻ chết già, Thoạt kì thuỷ, Người đi vắng, Ngồi); rồi lối kể nhảy cóc (Những đứa trẻ chết già, Thoạt kì thuỷ); sự sáng tạo các điểm nhìn dị biệt (Thoạt kì thuỷ); sự dung hợp nhiều thủ pháp hội hoạ, âm nhạc và điện ảnh, sự làm nhoà cái tinh tuyển và cái bình dân trong ngôn từ tiểu thuyết, sự vênh lệch, trật khớp, phi lí trong đối thoại (Thoạt kì thuỷNgồi)... Đọc Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, thấy các nhân vật chính ở đây đều có khả năng thế chỗ nhà văn trong việc kể chuyện; mỗi cá nhân như một “nguyên tử” được đặt ở vô số các giao điểm. Nó tự kể chuyện mình, kể về cái nhìn của mình với người khác. Khải huyền muộn lại là lối truyện của nhiều chuyện, văn bản của nhiều văn bản. Nó đề cao tính phân mảnh của chủ thể, trần thuật theo lối phi trung tâm. Nhà văn cố ý lộ rõ sự can thiệp của tác giả vào câu chuyện, biến tiểu thuyết thành một trò chơi ngôn từ, một sự thăm dò, thử nghiệm của nghệ thuật. Rồi chất “umua đen”, nghịch dị và nhại được sử dụng như một nguyên tắc tổ chức tác phẩm… Chống lại sự đơn điệu, nhại trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của ChúaKhải huyền muộn), cái hài, cái nghịch dị trong sáng tác của Hồ Anh Thái (Tự sự 265 ngàyMười lẻ một đêm),... vừa “lột tả” được bản chất đối tượng, vừa dung hợp được cái bác học của suy tư với cái suồng sã của văn hoá bình dân, một sức mạnh của trào tiếu dân gian. Và, với lối tự nhại (Khải huyền muộn), văn chương chẳng những là sự hoài nghi về các trật tự đời sống mà còn là sự nghi ngờ chính những khả năng, sứ mệnh mà người ta thường đặt ra cho nó. Đọc tiểu thuyết của Tạ Duy Anh (Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối), có thể nhận thấy trong đây sự khai thác đa dạng các điểm nhìn trần thuật, sự chồng xếp các lớp thời gian, sự kiện, sự soi chiếu từ nhiều góc nhìn khác nhau các môtíp chủ đề, nhân vật. Paris 11 tháng 8, T. mất tích của Thuận lại là sự thể hiện những mảnh vỡ tâm trạng trong một mê lộ ngôn từ nhiều mờ ảo, tuỳ hứng, đầy nhịp điệu... Trong thơ Lí Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy đó là tính phỏng nhại, cắt dán, là sự thông tục hoá phi thẩm mĩ ngôn từ...
- Anh có thể nói đôi điều về “hoàn cảnh hậu hiện đại” của văn chương Việt Nam?
Phùng Gia Thế: Lyotard nói hoàn cảnh hậu hiện đại” trong cuốn sách của ông là “hoàn cảnh của tri thức trong các xã hội phát triển nhất”. Hậu hiện đại, “theo cách giản dị nhất - ông viết - là sự hoài nghi các siêu tự sự” của hiện đại, tức sự hoài nghi các hệ thống lí luận đóng vai trò như là các “hệ thống giải thích” đảm bảo cho sự hợp thức hoá tri thức, hiểu rộng hơn là hợp thức hoá xã hội, bởi chúng không còn đáng tin nữa.
Câu hỏi đặt ra là: chúng ta có “hoàn cảnh hậu hiện đại” không? Theo quan sát của tôi thì có.
“Hoàn cảnh” này xuất hiện trên cơ sở một tổng thể các nguyên nhân ở “bên ngoài” và “bên trong" văn học. Các nguyên nhân bên ngoài, đáng chú ý nhất là: sự thay đổi cấu trúc xã hội từ sau 1986 gắn với tinh thần đổi mới và những cảm trạng mới; xu thế quốc tế hoá như một qui luật phát triển khách quan của thế giới gần đây; sự bùng nổ của internet vừa với tư cách một phương tiện kết nối cá nhân với tinh thần thế giới, vừa là một phương tiện xuất bản mới; rồi đây đó còn là kiểu tâm lí dị ứng với cái hiện đại, thái độ hư vô chủ nghĩa có từ bản chất nông dân, kiểu tư duy nguyên hợp... Nguyên nhân bên trong cũng nhiều, chẳng hạn: sự khủng hoảng và cạn kiệt của các hình thức văn chương truyền thống; sự mất thiêng, tha hoá của ngôn từ; khát vọng hội nhập của nhà văn; các kiểu tư duy nghệ thuật và thủ pháp nghệ thuật truyền thống gần gũi với sự thể hiện tinh thần hậu hiện đại như giễu nhại, sự hỗn dung thể loại, hình thức huyền thoại...  
- Trong một cuộc tranh luận cách đây chưa xa, có ý kiến cho rằng, ở nước ta chưa có hậu hiện đại, vì chúng ta chưa đi qua hiện đại. Rõ ràng, theo cách hiểu này, thì hậu hiện đại chỉ ra đời sau hiện đại, và tất yếu sẽ nảy sinh vấn đề về cách ứng xử của hậu hiện đại với hiện đại. Quan điểm của anh về vấn đề này ra sao?
Phùng Gia Thế: Theo tôi, “hậu hiện đại”, hiểu theo nghĩa rộng nhất, như là một “thái độ” thì không hẳn đã phụ thuộc vào cái hiện đại. Lyotard nói, đại ý: mọi thứ đều hậu hiện đại trước khi trở thành hiện đại. Còn, “chủ nghĩa hậu hiện đại”, hiểu như một trào lưu văn hoá, thì dĩ nhiên phải ra đời sau “thời hiện đại” và “chủ nghĩa hiện đại” rồi. Theo đây, mọi cách hiểu về hậu hiện đại, sẽ phụ thuộc vào cách hiểu hiện đại.
Ta chưa đi qua hiện đại, có thể hậu hiện đại được không? Tôi cho là có. Những “điều kiện hậu hiện đại của văn chương”, tôi đã nói trên rồi. Dấu hiệu của nó thực tiễn cũng cho thấy rồi. Có điều, để dấy lên thành một trào lưu thì chắc… còn xa. Anh thấy đó, ta ít khi triệt để với cái gì. Với nghệ thuật cũng thế thôi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, ở ta, chỉ có thể vừa tiếp thu chủ nghĩa hiện đại, vừa tiếp thu chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo tôi, với chúng ta, một “phép ứng xử” kiểu như vậy, thực ra cần ở mọi thời.
“Thời hiện đại” và “chủ nghĩa hiện đại” là những khái niệm khác nhau. Ta không thể đánh đồng “hiện đại” với “những giá trị của hiện đại”. “Tinh thần hậu hiện đại” thể hiện trước hết ngay ở thái độ phê phán hiện đại, cụ thể hơn là phê phán những hạn chế và ảo tưởng của hiện đại. Trong văn chương chúng ta, cảm quan có ý nghĩa triết học này, dù được ý thức tự giác ở mức độ chưa cao, song dấu hiệu của nó vẫn có thể tìm thấy trong cấu trúc văn bản tác phẩm của hàng loạt nhà văn. Tính đoản mạch, đứt đoạn, phi tuyến tính trong trần thuật như một đối ứng với tính mạch lạc, ổn định, trật tự, duy lí; tính phân mảnh của chủ thể như một phản ứng với tính thống nhất phổ quát; sự đa nguyên cái nhìn như một khước từ với nguyên tắc nền tảng luận; tính thông tục, tính bên lề của ngôn ngữ như một phản ứng với tính trong sáng, cao sang;... Những đặc điểm này có thể được bộc lộ trong hệ thống sáng tác của một nhà văn, của một nhóm tác giả; trong một tác phẩm; và thậm chí, sẽ có cái gọi là “chất hậu hiện đại” trong một tác phẩm. Có thể tìm thấy bằng cớ trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Thực đơn chủ nhậtChín bỏ làm mườiThiên sứÁm thịNăm ngàyHành trình của những con số của Phạm Thị Hoài, Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Cơ hội của ChúaKhải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Cõi người rung chuông tận thếMười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái, Thoạt kì thuỷ,Người đi vắngNgồiTrí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương, Người ăn gió của Nhật Chiêu, Manet của Đặng Thân, Chuyện tình mùa tạp kĩ của Lê Anh Hoài, thơ của nhóm Mở Miệng…
Còn nữa, nghiên cứu văn chương hậu hiện đại, cũng phải quan tâm tới dấu nối giữa hậu hiện đại và hiện đại. Chỉ chăm chú tìm sự khác biệt giữa chúng có thể sẽ rơi vào một cực đoan khác. Tâm thức hậu hiện đại, trên thực tế còn thể hiện ở việc bảo vệ những “giá trị của hiện đại” (chẳng hạn như là sự tự do và khai phóng cá nhân). Theo Lyotard thì “Hậu hiện đại không phải là sự cáo chung của Hiện đại […] mà là một quan hệ khác với Hiện đại”. Có hậu hiện đại rồi không có nghĩa là hiện đại sẽ chết. Thời hiện đại kết thúc, nhưng những giá trị của hiện đại thì còn mãi.
- Theo anh, diễn biến và xu hướng của hậu hiện đại ở ta hiện nay ra sao?
Phùng Gia Thế: Hậu hiện đại ở ta chưa phải một trào lưu. Diễn biến của nó còn đương phức tạp. Tôi tạm hình dung ra ba chặng như thế này. Giai đoạn thứ nhất gắn với tên tuổi của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài với vai trò như những người khơi mở. Cấu trúc văn bản của họ đã có những chuyển hướng về hậu hiện đại, song cảm trạng thời đại có phần nổi trội hơn, nhất là ở Nguyễn Huy Thiệp. Giai đoạn hai là sự tiếp nối của một thế hệ nhà văn ít bận tâm hơn về chính trị, thời cuộc, thực tế đã đẩy cuộc chơi nghệ thuật đi xa hơn. Họ gồm Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương một số người khác. Giai đoạn thứ ba là thế hệ “phá cách” gần đây với Inrasara, Đặng Thân, Lê Anh Hoài, Phan Huyền Thư, Nguyễn Thuý Hằng, nhóm Mở Miệng...
Cảm nhận của tôi là, theo thời gian, ý thức chuyển hướng về hậu hiện đại ngày càng đậm nét hơn trước, song thành tựu lại có phần hạn chế hơn. Hậu hiện đại, đương nhiên tự bản thân nó chẳng có tội tình gì. Ta cũng không thể đem “hậu hiện đại” ra để làm tiêu chí đánh giá chất lượng của mọi thử nghiệm. Anh thấy đó, văn chương theo khuynh hướng hậu hiện đại gần đây khá ồn ào. Mà thành tựu thì chẳng lệ thuộc gì vào sự ồn ào cả. Thậm chí, có thể gọi đó là một sự khủng hoảng được chăng? Trong văn xuôi, hiện tượng văn bản “rỗng nghĩa”, hỗn loạn tự thân - không biểu hiện thế giới quan, mà là biểu hiện của sự bất lực xuất hiện nhiều. Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh là một thí dụ. Không thể nhân hoá cõi tù mù của khách thể, tác giả đã dùng lối văn tù mù, loanh quanh để diễn đạt nó. Rồi, trong thơ, sự bành trướng của quá nhiều chữ “phi văn chương” dẫn đến tình trạng “loạn ngôn”, vượt rất xa “ngưỡng tiếp nhận”, thậm chí “ngưỡng chịu đựng” của bạn đọc, cũng không thiếu. Nhiều bài thơ của nhóm Mở Miệng cho thấy điều này. Ai cũng biết, tính tiêu dùng, tính thông tục, thậm chí việc làm “rỗng nghĩa” văn bản cũng là một đặc điểm của hậu hiện đại. Song sự quá trớn vô lối lại là một chuyện khác. Đành rằng, chúng ta không thể đánh giá văn học ngày hôm nay chỉ bằng những “tiêu chuẩn” của ngày hôm qua. Song, sáng tạo nghệ thuật chân chính trước sau thù địch với thói tuỳ tiện. Theo tôi, “tiêu chuẩn thẩm mĩ” không bất biến, nhưng nó cũng có những giá trị tương đối vững bền. Để thay đổi thị hiếu thẩm mĩ của công chúng theo chiều hướng tích cực, chỉ có một “món đặt cược” duy nhất là các nghệ sĩ tài năng.
Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cho rằng, những cây bút lớn của ta gần đây đều có “phong thái cổ điển”. Tôi thấy điều đó đúng. Như Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn. Ông là cây bút lớn. Ông mới chớm bước vào hậu hiện đại. Ông còn khá nhiều vướng bận với truyền thống. Đấy là lí do mà có người đã gọi ông là “nhà văn hậu hiện đại - tân cổ điển”.
- Theo quan sát của anh các tác giả trẻ của ta đã tiếp nhận hậu hiện đại ra sao? Có trường hợp nào đã “thuần hậu hiện đại” chưa?
Phùng Gia Thế: Chủ nghĩa hậu hiện đại với chúng ta hôm nay đã không còn là một “người lạ”. Tài liệu về nó, từ nhiều nguồn khác nhau, rất phong phú. Các nhà văn trẻ lại sinh ra trong hoàn cảnh văn hoá mới, nhiều người còn trực tiếp sống trong “không khí hậu hiện đại". Do thế, việc tiếp thu văn hoá, văn học hậu hiện đại của họ rất thuận lợi. Trong văn chương, các cuộc thử nghiệm có phần quyết liệt hơn. Thành tựu có, song sự vồ vập, quá khích cũng khó tránh. Sáng tác của một số trong đây rơi vào tuỳ tiện. Danh xưng “hậu hiện đại”, khi đó, bị lạm dụng ít nhiều. Người ta hiểu nhầm về hậu hiện đại cũng từ đây. Hậu hiện đại đâu phải chuyện chửi bậy, làm tình! Nếu ta không đồng nhất hiện đại với những giá trị của hiện đại, thì cũng thế: ta không thể lẫn lộn thời hậu hiện đại với những giá trị đích thực của văn hoá hậu hiện đại. Tôi nghĩ, mọi cách tân, thử nghiệm đều có ích, song điều quan trọng là nó có đưa ra được sản phẩm là văn chương, theo đúng nghĩa hay không.
Nhân danh cái mới, nhưng không tự hỏi đó là cái mới nào thì nhiều khi nguy hiểm.
Còn, về trường hợp nhà văn trẻ “thuần hậu hiện đại” ư? Tôi tin là chưa có. Chưa: vì ngay ở các nhà văn “hậu hiện đại” nhất, thì cũng chủ yếu là thuần thục kĩ thuật. Họ thừa kĩ thuật mới nhưng lại thiếu những suy tư lớn, thiếu vắng một cảm quan mang tính triết học sâu sắc. Chưa: vì nhiều nhà văn có tài không nhiệt tình nhập cuộc với hậu hiện đại. Họ dùng dằng giữa cái mới và cái truyền thống. Họ thà viết ra tác phẩm đọc được, chứ không mạo hiểm thăm dò hậu hiện đại triệt để. Chưa: nhưng đấy là chưa thuần hậu hiện đại theo kiểu phương Tây. Nghĩa là chưa như Italo Calivino, Umberto Eco, John Barth, Thomas Pynchon, hay Nabokov...
Còn, “hậu hiện đại theo kiểu Việt Nam”, thì biết đâu đấy. Lại nhiều.
Một số nhà phê bình đang cổ suý khá mạnh mẽ cho sáng tác của các nhà thơ, nhà văn trẻ với danh xưng hậu hiện đại. Nhưng theo tôi biết thì các nhà nghiên cứu hậu hiện đại người Việt có uy tín nhất lại chưa bao giờ nhắc đến tên các nhà văn trẻ này.
Đây mới là cuộc thử nghiệm, phải vậy chăng?
Một thực tế khác trong nghiên cứu hậu hiện đại gần đây là, thay vì xem xét nhiều mặt, phân tích khách quan từng bước ở một quãng cách cần thiết để kết luận, thì đây đó, một số người đã bốc đồng nói quá lên về hậu hiện đại; và kia: lại có người khăng khăng muốn xổ toẹt nó. Thiếu sự bình tĩnh, tranh luận hậu hiện đại đôi khi dư thừa báng bổ, khẩu khí vừa bác học vừa thô lỗ bình dân, giọng điệu giễu nhại trở thành chủ âm, nói chung, rất hậu - hậu hiện đại.
Mà, hiểu rộng chữ “hậu hiện đại” ra để cho mọi người cùng hậu hiện đại cho vui. Điều đó, có khi cũng tốt chứ sao!
Như là làm một công tác phong trào! (cười)
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Trần Thiện Khanh thực hiện