Phê bình văn học-Diện mạo của một thời
Tôi tạm gọi những nhà phê bình văn học chuyên tâm vào vấn đề chính trị khi phê bình một hiện tượng văn học là những nhà phê bình chính trị. Xin không nhầm lẫn với những nhà bình luận chính trị trên báo chí, vì đối tượng của những người cầm bút này là những vấn đề chính trị.
1.CƠ SỞ XUẤT PHÁT
Từ đâu xuất hiện những nhà phê bình chính trị? Và nhiệm vụ của họ là gì?
Những nhà phê bình chính trị, phê bình trên lập trường ý thức hệ Marxist ở Việt Nam đã xuất hiện từ những năm 1930-1945. Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong Lược khảo văn học tập III (1968) ở Sài Gòn cho biết:
“Ngay từ hồi 1933-1935 đã có những nhà phê bình Việt Nam đặt những vấn đề lý luận văn học và phê bình văn học theo quan điểm Mácxít. Nhất là vào thời kỳ Mặt trận Bình dân, Đảng Cộng sản được tương đối tự do hoạt động, một số tờ báo do Đảng lãnh đạo chủ trương đường lối phê bình Mácxít một cách công khai với những người như Hải Triều, Hải Thanh, Bùi Công Trừng…Trong cuộc tranh luận Văn học vị nghệ thuật hay vị nhân sinh hồi 1935, Hải Triều công khai đứng trên lập trường Mác xít để bài bác những quan điểm của Thiếu Sơn, Phan Khội, Hoài Thanh…”
…”Phê bình Mác xít trở thành trội bật, quyến rũ với những tác phẩm của Nguyễn Bách Khoa hồi 1940-1945. Từ 1945 đến 1954 và nhất là từ 1954 đến bây giờ, một nửa nước Việt Nam coi quan điểm Mác xít là quan điểm phê bình chính thức và độc tôn. Nỗ lực áp dụng phương pháp phê bình duy vật vào văn học…” (sđd, tr.190)
Trong báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948), đồng chí Trường Chinh nói rõ:
“Chúng tôi thành thật trông chờ những cây bút phê bình chân chính trong văn nghệ Việt Nam.
…Phê bình chúng tôi đề nghị đây là phê bình đúng nguyên tắc, phê bình trong kỷ luật dân chủ, không phải ‘tư do phê bình’. Có thể có những kẻ manh tâm muốn phê bình để gieo rắc sự chia rẽ, nghi ngờ trong hàng ngũ dân tộc, để cung cấp tài liệu cho địch hại ta. Những kẻ đó không phải là phê bình mà là quấy rối, không phải thật tâm cầu tiến bộ mà là khiêu khích, địa vị của chúng không ở trên đàn văn nghệ của một nước dân chủ, mà phải ở trong nhà tù của chính quyền nhân dân!
Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch. Cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được. Kẻ thù đem tư tưởng bi quan hưởng lạc ra nhồi sọ thanh niên ta trong vùng chúng kiểm soát; chúng mê hoặc quần chúng bằng những quan điểm ích kỷ, duy tâm; chúng truyền bá nghệ thuật suy đồi, thối tha của chúng; chúng đầu độc tinh thần nhân dân ta một cách vô cùng thâm độc. Ta đã theo dõi để vạch mặt chúng chưa? Đuy-ha-men (Duhamel) sang Đông Dương lớn tiếng bênh vực chính sách ăn cướp của lũ thực dân; ai là người trong giới văn nghệ chúng ta đã đứng ra trả lời cho hắn một cách đích đáng? Trong chiến tranh chống thực dân xâm lược này, cuộc đấu tranh về tư tưởng không thể thiếu được!
Chúng tôi sốt ruột trông chờ những kiện tướng phê bình văn hóa đế quốc nói chung và văn hóa thực dân Pháp nói riêng. Chúng ta không nên quên rằng tư tưởng văn nghệ đồi trụy của thực dân Pháp, những học thuyết nguy hiểm của chúng đã ít nhiều thấm vào tâm hồn thanh niên, trí thức và thế hệ văn nghệ sĩ nước ta ngày nay. Bởi vậy, phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa.”[1]
Trong đoạn trích trên, hai lần Trường Chinh nói rằng: “Chúng tôi thành thật trông chờ những cây bút phê bình chân chính trong văn nghệ Việt Nam.”; “Chúng tôi sốt ruột trông chờ những kiện tướng phê bình...”. Nghĩa là trong cuộc đấu tranh chống xâm lược đòi buộc phải có đội ngũ những nhà phê bình chân chính, những kiện tướng phê bình. Vì “Trong chiến tranh chống thực dân xâm lược này, cuộc đấu tranh về tư tưởng không thể thiếu được”
Trong đoạn văn trên, Trường Chinh cũng xác lập rõ đối tượng phê bình là: “Không phải chỉ cần phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch”.
Hoạt động phê bình còn có một mục tiêu khác nữa là: “Bởi vậy, phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”
Như vậy “phê bình chính trị” không chỉ đơn thuần là phê bình văn học nghệ thuật, mà nhà phê bình thực hiện nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh về văn hóa-tư tưởng mà “Cuộc đấu tranh về văn hóa và tư tưởng không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự và kinh tế được”, nghĩa là đang làm nhiệm vụ của một chiến sĩ trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật, trong cuôc đấu tranh chung của dân tộc. Vai trò này có thẩm quyền lớn hơn vai trò của một nhà phê bình văn học nghệ thuật đơn thuần. Họ có chỗ đứng chân chính trên diễn đàn văn nghệ. Ngoài nhiệm vụ phê bình “những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch” họ còn góp phần “cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”.
Những nội dung trên còn được nhắc lại trong các nghị quyết của Đảng về văn học nghê thuật:
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VIII, ngày 16.07.1998 nhận định:
“Đời sống văn học, nghệ thuật còn những mặt bất cập. Rất ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành quả đổi mới. Trong sáng tác và lý luận, phê bình, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan. Một vài tác phẩm viết về kháng chiến đã không phân biệt chiến tranh chính nghĩa vói chiến tranh phi nghĩa. Xu hướng “thương mại hoá”, chiều theo những thị hiếu thấp kém, làm cho chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học, nghệ thuật bị suy giảm.
Và đề ra nhiệm vụ:
Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.”
Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.”
Nghị quyết 23 của Bộ chính trị ngày 16/6/2008 cũng nhận định:
“hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt. Lý luận văn học chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó...
Quan điểm chỉ đạo:
- Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hoá của các thế lực thù địch
Các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò, nhiệm vụ của nhà phê bình chính trị nói riêng và tất cả các nhà phê bình văn học nghệ thuật trong Hội Nhà văn Việt Nam nói chung. Vì thế ta hiểu vì sao tiếng nói của nhà phê bình chính trị có “uy quyền” hơn những nhà phê bình nghệ thuật đơn thuần.
2. PHÊ BÌNH CHÍNH TRỊ DỰA TRÊN NHỮNG TIÊU CHÍ NÀO?
Thực ra khuynh hướng phê bình chính trị đã trở thành khuynh hướng độc tôn suốt mấy chục năm qua ở Việt Nam trước giai đoạn đổi mới. Trong nhà trường, giảng Văn là giảng chính trị. Đọc tác phẩm văn chương, tiêu chí đầu tiên đánh giá tác phẩm là tiêu chí chính trị. Các hoạt động văn học nghệ thuật đều hướng đến phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị. Hội Nhà Văn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội- nghề nghiệp của người viết văn, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ đến sau đổi mới (1986) các khuynh hướng phê bình khác mới được phép tìm tòi thử nghiệm. Cùng với sự tiếp thu các lý thuyết phê bình đương đại, khuynh hướng phê bình chính trị mới có tính “đối thoại” hơn đối với Cái Khác. Nhưng tiếng nói “quyền uy” của phê bình chính trị vẫn còn nguyên giá trị.
Nhà phê bình chính trị thường xem xét tác phẩm văn chương ở những tiêu chí như, tác phẩm có phản ánh chân thực hiện thực cách mạng không; trong khi phản ánh hiện thực, tác giả có theo đúng quan điểm đường lối của Đảng không, có nhiệt tình phục vụ cách mạng không; tác phẩm thực hiện chức năng giáo dục, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong mặt trận văn hóa tư tưởng như thế nào... Nói gọn lại là, tác phẩm có được viết bằng phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa như Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã đề ra hay không. Và tùy vào mức độ “giác ngộ chính trị” và vị trí công tác, thì nhà phê bình chính trị có thể có cái nhìn khác với quần chúng về một tác phẩm hay một hiện tượng văn học, và do đó, có “thẩm quyền” khác nhau, gây ra những ảnh hưởng khác nhau..
Thực tế là ở những nhận định, đánh giá một tác phẩm, một hiện tượng văn học những cấp có thẩm quyền cao (như Tuyên giáo tỉnh, Tuyên giáo trung ương, Hội đồng Lý luận và Phê bình VHNT trung ương) luôn có ý nghĩa chỉ đạo cho cấp dưới trong hệ thống chính trị. Chẳng hạn khi một tác phẩm bị cấp địa phương phê phán, nếu cấp trung ương và công luận lên tiếng bảo vệ thì sự phê phán sẽ có thể được bỏ qua. Trường hợp truyện ngắn Cánh đồng bất tận (2006) của Nguyễn Ngọc Tư, và bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân của Đàm Chu Văn 2012. Ngược lại nếu cấp có thẩm quyền đánh giá là “có vấn đề” thì tác phẩm có thể bị thu hồi.
Đúng là “quyền uy” của nhà phê bình chính trị tỷ lệ thuận với nhân thân và chỗ dựa chính trị để lập luận. Xin đọc nhận định của Vũ Hạnh (2007) về việc tái bản các tập truyện của Dương Nghiễm Mậu, một tác giả miền Nam trước 1975:
“Những tác phẩm này giá trị ra sao đa số bạn đọc sống ở miền Nam trong thời chống Mỹ đều đã biết rõ. Bởi lẽ những quyển sách này không chỉ là các sản phẩm văn hóa mà vốn là những vũ khí độc hại về mặt tinh thần.
Chúng ta đều biết phản động và đồi trụy là những đặc điểm nổi bật mà chế độ cũ vận dụng để làm tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược. Nếu nhiều quyển sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động thì sách Lê Xuyên là tính đồi trụy. Phải nhìn nhận rằng thời chế độ cũ không ai quan niệm sách của Lê Xuyên thuộc loại văn chương bởi sự dễ dãi về mặt bút pháp và sự tồi tệ về mặt nội dung. “
Vũ Hạnh quy kết tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu là “phản động”, nằm trong văn hóa đồi trụy và phản động của chế độ cũ ở miền Nam trước 1975. Để củng cố kết luận ấy, Vũ Hạnh đã đứng trên lập trường “văn học là vũ khí tinh thần” trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong chế độ cũ, đã đem Cách mạng và sự nghiệp giải phóng đất nước làm chỗ dựa chính trị để lập luận, đồng thời lại mượn tất cả người đọc ở miền Nam thời chế độ cũ để phủ định giá trị của tác phẩm Dương Nghiễm Mậu. Vũ Hạnh nói như thế thì ai cãi được. Có điều Vũ Hạnh đã không chỉ ra cụ thể trong những cuốn sách tái bản của Dương Nghiễm Mậu đâu là phản động, và mối quan hệ của chúng trong chính sách văn hóa của chế độ cũ ở miền Nam, thành ra người đọc chỉ thấy đó là những nhận định quy chụp hẹp hòi và đã cũ so với thời đại đổi mới.
Và đây là “đối thoại” của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người viết lời giới thiệu cho các tập truyện tái bản của Dương Nghiễm Mậu:
“Gửi ông Vũ Hạnh
Tôi đã đọc bài viết “Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của ông (Sài Gòn Giải phóng 22/4/2007) về việc nhà xuất bản Văn nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp xuất bản một số tác phẩm viết và in tại Sài Gòn trước 1975 của Lê Xuyên và Dương Nghiễm Mậu. Cuối bài ông có nhắc đến sự “giật mình” của nhiều người (trong đó có ông không?) khi đọc bài “Truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu” của tôi (Thể thao & Văn hóa 13/4/2007). Tôi không có ý bình luận hay trao đổi gì với ông về bài viết đó. Nhưng nhân có nó tôi muốn kể lại chuyện này có lẽ ông đã biết rồi nhưng nghe lại để nhớ lại.
Cách đây gần mười lăm năm tôi nêu lên yêu cầu phải nghiên cứu bộ phận văn học miền Nam (Sài Gòn) giai đoạn 1954-1975 để hình dung một bức tranh văn học dân tộc đầy đủ của thế kỷ XX. Riêng về thơ tôi đã nêu lại nhóm Sáng Tạo và vai trò của Thanh Tâm Tuyền trong sự vận động đổi mới thơ Việt sau 1945. Đề xuất của tôi vấp phải những phản ứng quyết liệt gay gắt của một số người mà tựu trung lý lẽ của họ cũng như ông bây giờ: nhân thân tác giả là “ngụy” và nội dung tác phẩm là “phản động đồi trụy”. Ông Trần Mạnh Hảo đã có hơn một bài phê phán trực tiếp tôi về chuyện này và liên quan đến thơ Thanh Tâm Tuyền ông ấy đã cho tôi là “giật lá cờ máu trong tay thơ ca kháng chiến trao về phía bên kia”.
Thời gian cứ trôi thơ Thanh Tâm Tuyền (cũng như các tác phẩm văn học có giá trị khác của một nửa đất nước thời 1954-1975)) vẫn “âm thầm chảy” để đến năm 2006 khi nhà thơ này qua đời ở Mỹ thì tại Hà Nội tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam do chính ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội và là bí thư ban cán sự Đảng của Hội làm tổng biên tập đã in lại 4 bài thơ của Thanh Tâm Tuyền “để tưởng nhớ một tài năng có nhiều tâm huyết đóng góp cho quá trình hiện đại hóa thơ”. Điều này tôi đã viết trong ý kiến “Một đính chính cho Hoàng Ngọc-Tuấn”.
Liệu tôi và độc giả rộng rãi có phải chờ mười lăm năm nữa để lại được đọc những dòng như trên đây của báo Văn nghệ (thay cho tạp chí Thơ) viết về Dương Nghiễm Mậu hay không thưa ông Vũ Hạnh tác giả của “Bút máu” một truyện ngắn hay đăng công khai ở Sài Gòn trước 1975?
Trong khi đó tôi lại muốn mách ông biết: trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới 2005) Dương Nghiễm Mậu đã được đưa vào với tư cách một tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam (tr. 358 - 360). Cuốn từ điển này đã được đánh giá cao thời gian qua. Ở bìa bốn của bốn tập truyện ngắn vừa in lại của Dương Nghiễm Mậu đều có trích các nhận định từ mục từ này. Vậy thưa ông Vũ Hạnh khi một nhà văn đã được đưa vào từ điển khẳng định từ điển đã được phát hành rộng rãi và được thừa nhận giá trị thì việc cục xuất bản cấp giấy phép và nhà xuất bản in sách của nhà văn đó có gì là sai trái là phạm luật? Ông có nhắc đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác sống ở Mỹ và bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ viết về Nguyễn Huệ được in lại trong nước. Nhưng bây giờ nếu ông Nguyễn Mộng Giác xin phép cũng in lại trong nước bộ tiểu thuyết trường thiên khác của ông ấy là Mùa biển động viết về hiện thực cuộc chiến tại miền Nam trong thời gian 1963-1975 mà không được cấp phép thì ông nói sao thưa ông Vũ Hạnh?
Phạm Xuân Nguyên đã đưa một người có nhân thân và vị trí chính trị cao hơn Vũ Hạnh để làm chỗ dựa lập luận cho mình, đó là nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời đưa thêm một “thực thể chính trị” có uy tín học thuật và pháp lý là Hội đồng soạn thảo Tự điển văn học (bộ mới 2005). Tác giả của bộ Tự điển này là 58 chuyên gia, cùng với sự cộng tác của 48 chuyên gia khác, trong đó có nhiều Giáo sư-Tiến sĩ có uy tín như Phong Lê, Trần Đình Sử, Trần Hữu Tá, Lê Ngọc Trà, Đỗ Lai Thúy, Phương Lựu, Trương Đăng Dung…Tất nhiên nhân thân và uy tín của Vũ Hạnh không là gì cả so với tập thể hơn 100 chuyên gia sọan Tự điển văn học. Phạm Xuân Nguyên đã vận dụng những tư tưởng đổi mới về văn nghệ của Đảng (lập trường dân tộc và sự đổi mới văn học) để bảo vệ “uy tín chính trị” của mình. Lập luận của Phạm Xuân Nguyên tỏ ra “mới” hơn nhiều. Vũ Hạnh đã là “người của quá khứ”.
3. NHỮNG LẦN “QUẤT ROI” PHÊ BÌNH
Khi một tác phẩm, một hiện tượng được coi là vấn đề chính trị thì nhà phê bình chính trị có cơ hội phát huy hết sức mạnh “ngọn roi phê bình” của mình. Xin đơn cử hai trường hợp.
Tham luận của PGS-NGND Trần Thanh Đạm trong Hội nghị lý luận, phê bình VHNT toàn quốc tại Hà Nội tháng 3. 2006 đã phê phán trực tiếp cái gọi là lý luận “văn học tự vấn” của Nguyên Ngọc. Ông viết:
“…Im lặng một thời gian, nhà văn Nguyên Ngọc trong một số bài có tính chất bình luận công bố ở trong nước và trong các bài phỏng vấn của một số tờ báo lá cải ở “hải ngoại“, để minh hoạ cho công lao khởi xướng “đổi mới“ trong văn học từ dạo làm Tổng biên tập báo Văn nghệ với phát hiện “Tướng về hưu“ của Nguyễn Huy Thiệp, rồi đây lại phát hiện “Bóng đè“ của Đỗ Hoàng Diệu, lại cổ súy cho cái gọi là “văn học tự vấn“ mà anh cho rằng mình đã phát hiện ra trong xu thế phát triển đương đại của văn học ta. Đại khái theo ý kiến của nhà văn không sáng tác mà đi vào bình luận văn học với tham vọng làm người tiên phong hướng đạo cho văn học đổi mới này, thì các thứ văn học chuyên miêu tả cái ác, cái xấu, thậm chí cái tục tĩu, thô bỉ trong đời sống và cả trong lịch sử của chúng ta đều được xếp vào dòng “văn học tự vấn“. Đại khái xã hội ta, dân tộc ta (và trong thâm ý không dám nói ra của nhà bình luận này - cách mạng ta) vốn mắc nhiều tội lỗi, sai lầm, bê bối… cần bằng văn học, qua văn học mà “tự vấn“ lương tâm về những sai lầm của mình.
Thực ra, cái “lý luận“ về “văn học tự vấn“ này cũng chưa hề được triển khai cho thật minh bạch, thẳng thắn; nó chỉ “thò lò hai mặt“ lấp lửng nửa nạc, nửa mỡ, nửa trắng, nửa đen cùng một dạng với các thủ đoạn chiến tranh tâm lý mà bọn thù địch của chúng ta ở nước ngoài trước nay vốn vẫn sử dụng, bây giờ lại “chuyển giao kỹ thuật“ cho một số kẻ cơ hội và manh tâm ở trong nước.
Nếu nhìn ra nước ngoài, thì thứ lý luận này ở một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây vốn được gọi là “văn học tự thú“, “văn học sám hối“, “văn học phản tư“. Ở ta, hồi mới bắt đầu đổi mới cũng có một vài kẻ bắt chước nước ngoài, kêu gọi văn học ta và không chỉ văn học ta, phải “sám hối“, “tự thú“, “nhận tội“ là đã làm cách mạng, đã chiến đấu, hi sinh chống thực dân, đế quốc, nhất là đã lỡ chiến thắng chúng để đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, đã mở đường tiến lên phục hưng dân tộc, đổi mới đất nước. Cái mưu đồ đằng sau cái thứ “lý luận văn học“đó dù thường được che đậy một cách giảo quyệt vẫn không khó gì mà không nhận ra. Tuy vậy, nó vẫn có thể lừa bịp, dụ dỗ được một số người…
…Cứ nhìn xem những ai là kẻ phụ họa nó, khuyến khích, cổ vũ nó, thì có thể thấy ngay nó đến từ đâu và phục vụ cho ai. Thực sự thì nó không hề che dấu cái động cơ và mục tiêu chính trị của nó, khi tự nguyện làm một bè trong dàn đồng ca phản cách mạng, phản dân tộc, trong ngoài hô ứng lẫn nhau…”[3]
Qua văn bản trên, Trần Thanh Đạm vừa trực tiếp vừa gián tiếp quy kết Nguyên Ngọc là một kẻ cơ hội và manh tâm, sử dụng “thủ đoạn chiến tranh tâm lý của bọn thù địch ở nước ngoài”. “Động cơ và mục tiêu chính trị là phản cách mạng, phản dân tộc”. Để dẫn đến kết luận ấy, Trần Thanh Đạm suy diễn: Nguyên Ngọc “bắt chước nước ngoài, kêu gọi văn học ta và không chỉ văn học ta, phải “sám hối“, “tự thú“, “nhận tội“ là đã làm cách mạng, đã chiến đấu, hi sinh chống thực dân, đế quốc, nhất là đã lỡ chiến thắng chúng để đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho nước nhà, đã mở đường tiến lên phục hưng dân tộc, đổi mới đất nước. Cái mưu đồ đằng sau cái thứ “lý luận văn học“đó dù thường được che đậy một cách giảo quyệt vẫn không khó gì mà không nhận ra”
Thực ra đây không phải là phê bình văn học, mà là “đánh” trực diện vào nhân thân và con người chính trị của nhà văn Nguyên Ngọc. Những suy diễn của Trần Thanh Đạm là hoàn toàn chủ quan, và có mục đích chính trị, như thể đây là một bản kết tội của một viện kiểm sát. Nếu những ý kiến của Nguyên Ngọc là một thứ lý luận văn học thì nhất thiết phải đối thoại bằng những lý thuyêt lý luận văn học có tính thuyết phục cao hơn. Không thể không đối thoại, không phân tích mà đã kết luận ngay một người là phản cách mạng, phản dân tộc. Trước tòa án, bị cáo còn có quyền tự bào chữa (Điều 322 luật Tố tụng hình sự 2015). Và không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Luật Dân sự cũng quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. » (Điều 37, Luật Dân sự 2005)
Ngọn roi thứ hai là của nhà phê bình Chu Giang.
Luận văn “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng” của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) năm 2010, do PGS-TS Nguyễn Thị Bình ĐHSP Hà Nội hướng dẫn. Luận văn này đạt điểm tuyệt đối. Hội đồng chấm Luận văn gồm có: Chủ tịch Hội đồng: PGS.TS Nguyễn Văn Long. Phản biện và thư ký: PGS.TS Ngô Văn Giá, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, TS. Chu Văn Sơn, TS. Nguyễn Phượng.
Vấn đề của Luận văn này được đặt ra trong Ở Hội nghị Lý luận và phê bình văn học lần III (2013). Giáo sư Phong Lê lên tiếng: Ai làm luận văn xúc phạm lãnh tụ, hãy truy đến tận gốc xem hội đồng thạc sĩ ai chấm, ai lập hội đồng. Không thể chấp nhận được. Cần phải lên tiếng. Nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đặt thẳng vấn đề với các đồng nghiệp, thực ra là “đánh “thẳng vào nhân thân chính trị của những người có liên quan đến việc chấm luận văn của Đỗ Thị Thoan.
Ông viết :” Chúng tôi muốn góp ý với các đồng nghiệp là nhà văn Nguyễn Đăng Điệp-Viện trưởng Viện Văn học, và nhà văn Văn Giá- Trưởng khoa Lý luận-Phê bình Văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa), hai thành viên hội đồng chấm luận án và Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên-người đã đọc bản thảo Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên- rằng các bạn nên giữ sự trung thực cho ngòi bút của mình, nên tự trọng về nhân cách. Các bạn có thể xin ra khỏi Đảng, tự nguyện trả lại các chức danh và học vị mà thể chế này-do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập- đã phong tặng cho các bạn rồi làm một nhà văn tự do thì hay hơn là lập lờ hai mặt như vị thầy của các bạn: vẫn ca ngợi kính phục Dương Thu Hương: Người phụ nữ một mình chống lại cả một Nhà nước- nhưng mà giải thưởng, chức danh Nhà nước ấy trao cho vẫn vui vẻ nhận, lại còn thắp hương khấn vái xin cho được nữa. Cũng mong ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng để Đại học Sư phạm Hà Nội thành ra một trung tâm hài hước như thế “ (22)
Nguyễn Văn Lưu dùng cách nói ám chỉ để nói điều này: Các PGS-TS trong hội đồng chấm Luận văn Nhã Thuyên là những người không trung thực, không tự trọng, vì các vị ấy được chế độ do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập phong tặng học vị, chức danh, nay các vị phản bội, lập lờ hai mặt, vừa hưởng mọi quyền lợi bổng lộc địa vị của Nhà nước, vừa chống lại Nhà nước. Đặt vấn đề như thế, tức là vấn đề chính trị.
Luận văn của Đỗ Thị Thoan sau đó bị thu hồi. Chu Giang đã làm được nhiệm vụ: “Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.”(Nghị quyết TW 5 khóa VIII), và “cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”(đd). Có thể coi Chu Giang là “kiện tướng phê bình” như mong mỏi của đồng chí Trường Chinh trong Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1984). Ông “tả xung hữu đột” trong trường Văn trận bút. Bài viết của ông tập trung trong các cuốn Luận chiến văn chương I, II, III. Cuốn Luận chiến văn chương III được giải của Hội đồng lý luận và phê bình VHNT trung ương năm 2015.
Không chỉ có các nhà phê bình chính trị tên tuổi như Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm, Chu Giang- Nguyễn Văn Lưu, Đông La…mà có thể nhận thấy sự hiện diện của nhà phê bình chính trị ở khắp nơi trong đời sống văn học nghệ thuật. Đó là những người làm công tác biên tập ở các nhà xuất bản, các tổng biên tập các báo; đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở Đại học, ở các Viện; các thầy cô giáo dạy Văn ở Phổng thông; các cán bộ Tuyên giáo khắp các tỉnh, huyện trong cả nước. Có cả những nhà phê bình chính trị trong mỗi nhà văn nữa…Họ được học tập chính trị thường xuyên nên nắm vững quan điểm đường lối của Đảng, họ “nhạy cảm” với các vấn đề chính trị, và ở cương vị quyền lực, họ có thể xử lý vấn đề ngay.
Tuy vậy, trong lĩnh vực tư tưởng, họ không dễ “đổi mới” nhận thức, quan điểm lý thuyết văn học trong một sớm một chiều, thành ra, nhiều khi họ trở thành lực cản của đổi mới. Sự xuất hiện của truyện ngắn Cánh đồng bất tận (2006) của Nguyễn Ngọc Tư làm xuất hiện những luồng dư luận trái chiều là một ví dụ. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã có gần 20 năm, song nhiều vấn đề lý luận văn nghệ mới phát sinh vẫn chưa được nhìn nhận theo những quan điểm mới của Đảng. Vẫn còn đó quan điểm văn nghệ phục vụ trực tiếp nhiệm vụ cách mạng, quan điểm văn học phải phản ánh hiện thực cách mạng như trong thời kháng chiến. Lý luận văn học được giảng dạy trong nhà trường vẫn theo sách giáo khoa cũ…
Tôi đã định kết thúc bài viết ở đây, nhưng thấy lòng băn khoăn mãi.
Đành rằng, nhiệm vụ của nhà phê bình chính trị là: “Tiếp tục đấu tranh chống các khuynh hướng trái với đường lối văn nghệ của Đảng.”; “kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hoá của các thế lực thù địch”; “phê bình tư tưởng phản động và văn học, nghệ thuật đồi trụy của thực dân Pháp còn là một cách cải tạo tư tưởng của giới trí thức và văn nghệ sĩ nước ta nữa”(đd), nhưng điều làm tôi băn khoăn là thái độ, ngôn ngữ và văn hóa phê bình của người viết. Tôi có cảm giác rằng, trong cách nhìn của Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm, Chu Giang, hình như các vị ấy coi đồng chí, đồng nghiệp của mình là kẻ thù, gọi họ là những kẻ phản cách mạng, phản dân tộc, và vì thế các vị ấy ra sức tố cáo, quy kết và chụp mũ chính trị lên bản thân những người mà các vị ấy phê bình (tôi buộc phải hoài nghi về động cơ diễn ngôn của các vị!).
Lẽ ra, dù là phê bình có nội dung chính trị, thì phê bình văn học vẫn phải dựa trên các lý thuyết văn học để đối thoại. Tôi đã đọc các bài Hải Triều đối thoại với Hoài Thanh, Thiếu sơn,[4] thì tính thuyết phục của ngòi bút của Hải Triều là ở lý luận, ở nền tảng tư tưởng Marxist khi ông phân tích vấn đề, và mặc dù phê phán rất thẳng thắn, nhưng Hải Triều vẫn giữ vững sự tương kính và những phẩm chất văn hóa, văn chương của mình. Ngược lại, Vũ Hạnh, Trần Thanh Đạm và Chu Giang (đã trích dẫn ở trên) đã không đưa ra được lý thuyết triết học, văn học nào làm bệ đỡ cho lập luận của mình, ngoài một mớ ngôn từ chính trị đã thuộc lòng. Điều này khiến cho những người muốn đối thoại với các nhà phê bình chính trị rất e ngại, nếu không nói rằng họ không thể đối thoại.
Hội đồng lý luận và phê bình VHNT trung ương đã có nhiều hoạt động tích cực giúp cho những người làm công tác lý luận phê bình văn học ở cơ sở (nhà phê bình chính trị phong trào) theo kịp với quan điểm đổi mới của Đảng, uốn nắn lại văn hóa phê bình, tạo một đời sống văn chương lành mạnh, thúc đẩy văn học chảy về phía trước hội nhập toàn cầu hóa.
Tháng 2. 2017
Nguồn: Bùi Công Thuấn-Lý luận và phê bình văn học, Diện mạo của một thời.
__________________
[1] Trường Chinh-Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam. Nxb Sự Thật Hà Nội 1975. Trang 95-96
[2] Đâu là tiêu chí của người xuất bản? SGGP:: Cập nhật ngày 22/04/2007
[3] Talawas 15.03.2006-Trích Tham luận hội nghị lý luận phê bình văn học nghệ thuật toàn quốc của Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT trung ương tại Hà Nội tháng 3. 2006, (tài liệu sử dụng nội bộ) trang 162-165.
[4] Hải Triều-Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh; Kép Tư Bền- một tác phẩm thuộc về cái triều lưu “Nghệ thuật vị nhân sinh” ở nước ta…[ Hải Triều, Về văn học nghệ thuật, Hồng Chương sưu tầm và biên soạn, Nxb Văn Học, Hà Nội 1965, tái bản lần thứ nhất 1969]
Đọc thêm: Thư trả lời ông H (1925) của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phần nhận xét hiển thị trên trang