Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Sao tiêu cực, tiêu hao thế bác Thông?

Vua và triều đình

Nước Nam ta khi xưa, dưới thời phong kiến, ở chế độ quân chủ chuyên chế, thì cao nhất là vua, rồi mới tới quan và thứ dân.

Vua tự xưng thiên tử, con trời, thay trời trị dân (ấy, vua cứ nhận xằng như thế nhưng bọn vua có gươm đao nên dân phải chấp nhận thứ lý luận ấy). Có được vua sáng thì dân và nước hưởng phúc, nếu gặp phải vua ngu hèn thì dân nước tàn mạt.

Nhưng chỉ mình vua không thể cai trị nổi dân nước. Vua phải dựa vào triều đình. Đó là tập hợp những quan lại cao cấp giúp vua thực hiện quyền cai trị. Nhiều khi vua, nhất là mấy anh vua tầm thường kém cỏi, chỉ có nhiệm vụ gật, chuẩn tấu, còn vai trò của triều đình mới quan trọng, quyết định đường đi nước bước, tiến hay lùi, ngẩng đầu hoặc cúi đầu của cả dân tộc. Triều đình có được những vị quan tài giỏi, ngay chính, sáng suốt, vua có những kẻ bầy tôi xuất chúng, cứng cỏi, trí lự hơn người thì dân nước cũng có phận nhờ, xã hội thịnh trị, yên ổn. Triều đình mà chỉ tập hợp những kẻ gian nịnh, hèn hạ, luồn cúi, ngu đục thì việc nước việc đời đều hỏng.

Nay nước ta thực hiện chế độ dân chủ nên triều đình được thay bằng quốc hội. Vua tuy không còn nhưng đảng chẳng khác gì vua. Nhận xét về vua về triều đình thời nay thế nào là tùy góc độ, quan điểm, cảm nhận của mỗi người. Tôi chỉ nói rằng trong triều đình mà nhan nhản các quan như Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Văn Thể, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Thiện Nhân... (sao họ Nguyễn nhà tôi nhiều quá) thì việc nước hư hỏng là điều không tránh khỏi.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: