Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Học giả Phạm Quỳnh bị giết 3 lần


Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi”
Họ bị trói và đưa xuống đò. Người chèo đò kể: đi quanh đi quất trên sông Bồ, gần một giờ sáng thì táp vào bờ, đến gần hai bụi tre thì giết ba người. Người chèo đò không được lên bờ, chỉ nghe thấy tiếng thét lớn bằng giọng Bắc “Quân sát nhân!” sau đó là ba phát súng. (Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân đều nói giọng đặc Huế). “Một người nấp trong bụi cây gần đấy thấy Phạm Quỳnh bị đánh vào đầu bằng xẻng hoặc cuốc rồi mới bị bắn ba phát. Ngô Đình Khôi không bị đánh chỉ bị bắn ba phát. Ngô Đình Huân hoảng sợ vùng chạy, bị bắt lại, rồi bị bắn ngay vào đầu. “Cả ba bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất”. Phạm Quỳnh ở dưới cùng, đầu hướng về phía núi, Khôi và Huân nằm đè lên, đầu hướng về phía sông. Khi cải táng, ông Phạm Tuân thấy sọ của thân phụ có một vết nứt ngang như vết cuốc, xẻng đánh mạnh vào
Phạm Quỳnh (1892 – 1945)
Nguyễn Ngọc Lanh - Vì sao ông bị bắt?
Vì các vị lãnh đạo cướp chính quyền ở Huế đặt Phạm Quỳnh ở vị trí số 1 trong danh sách Việt gian do các vị lập ra. Sau này, mỗi khi có dịp nói về Phạm Quỳnh, các vị thấy gọi “Việt gian” chưa đủ, còn phải thêm các tính từ, như “đầu sỏ”, “nguy hiểm”, “đại bợm”… mới thỏa lòng căm ghét. Một cuộc cướp chính quyền có biết bao việc phải làm, nhưng việc bắt giam Phạm Quỳnh được các vị coi là một trong những việc quan trọng nhất. Có nguyên nhân.


Hẳn là các vị đinh ninh rằng: a) Tên này có thể cầm đầu nhóm chống lại cuộc khởi nghĩa. b) Có khả năng Nhật (hoặc nếu Pháp quay lại) sẽ dựng tên Việt gian này thành một ngọn cờ tập hợp các lực lượng chống đối. Mà đây lại là cuộc cướp chính quyền trung ương, đầu não và thân Nhật, trong khi có 5000 quân Nhật đang đóng ở Huế – tuy đã đầu hàng phe Đồng Minh, nhưng không đầu hàng Việt Minh. Trong dự kiến, các vị lãnh đạo có cả suy luận, rằng… tuy từ 5 tháng nay Phạm Quỳnh không còn tham chính nữa, nhưng có thể hắn vẫn mong người Pháp quay lại (và suy tiếp rằng) hiện hắn đang “nằm im chờ thời cơ”… Quả vậy, sau khi cướp xong chính quyền, Thông Báo của Ủy Ban khởi nghĩa đã ghi rõ: “…nhiều triệu chứng chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta“. Chuyện Phạm Quỳnh giấu vũ khi ở tư gia cũng là “suy luận”. Chính do vậy, để bắt giam Phạm Quỳnh, những việc đã làm để đề phòng sự chống đối là khá tỉ mỉ, gồm: 1) trinh sát nhà riêng từ hôm trước; 2) hôm sau, ngoài số người đi bắt, còn có thêm 1 tiểu đội lính bảo an; 3) người đi bắt mặc áo dài (dân sự) để che quân phục bên trong; 3) súng được dấu kín; 4) dùng “giấy mời” thay cho lệnh bắt; 5) bắt xong, đưa ngay vào nhà lao Thừa Phủ; 6) giam xong, báo ngay cho Ủy Ban khởi nghĩa biết, để bắt đầu khai mạc buổi mit tinh quần chúng ở sân vận động Huế.
Thực tế diễn ra thế nào?
Thực tế cho thấy, gọi là “Việt gian đầu sỏ” nhưng Phạm Quỳnh hiền như đất; chẳng nguy hiểm gì hết. Thực tế, Phạm Quỳnh đã tự chấm dứt con đường chính trị, trở lại con đường văn chương, khảo cứu. Cả hai bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo (một bài vừa tìm thấy năm nay – 2015), Phạm Quỳnh đều khẳng định như vậy. Thực tế, sau 5 tháng dời khỏi chính quyền, Phạm Quỳnh viết được khá nhiều, toàn khảo cứu, dịch thơ Đường (gần đây đã được xuất bản). Trước khi đi bắt, các vị lãnh đạo còn dự kiến Phạm Quỳnh cất dấu nhiều vũ khi trong nhà, nhưng thực tế chỉ có khẩu súng săn vứt lăn lóc. Khi bị bắt, Phạm Quỳnh từ tốn mặc áo dài, điềm nhiên ra xe; trong khi đó con trai ông đi dự mit tinh do Ủy Ban khởi nghĩa tổ chức ở sân vận động Huế; sau đó vợ con ông vẫn ngủ tại nhà, tất nhiên là hồi hộp chờ đợi Phạm Quỳnh về. Đó là những mô tả lại của cụ Phan Hàm, người trực tiếp đi bắt Phạm Quỳnh. Ấy thế mà chỉ một năm sau (8-1946), khi cụ Tố Hữu (người ký lệnh bắt) mô tả chuyện này, cứ làm như chính mình đi bắt Việt Gian; cứ sưng sưng bịa thêm chi tiết để tội Phạm Quỳnh thêm nặng. Ví dụ, “run sợ” (mặc cảm có tội), hoặc “bị điệu ra xe” (đúng là có tội rồi)… Đây là câu nguyên văn: Ngó thấy cái miệng súng sáu, lão biến sắc, run đứng lên không được. Lão bị điệu ra xe, chở đi. Ngay lập tức vợ con lão được mời xuống đường cái. Bao nhiêu đồ đạc trong gia đình niêm phong hết lại. Và cách mạng quân bắt đầu gác” (Tố Hữu). 
Chú thích. Đoạn văn trên lẽ ra chỉ nên đưa vào chú thích, nhưng đây là những phát ngôn lịch sử của “người làm nên lịch sử”, xứng đáng là tư liệu lịch sử thể hiện não trạng của giới trí thức yêu nước bằng bạo lực. Do vậy, đây cũng là lối văn rất đặc trưng khi cách mạng vô sản nói về kẻ thù. Thường là chúng “hoang mang, giao động”; hoặc chúng phản ứng “điên cuồng”, rồi “run sợ”, “hèn nhát”… Còn chuyện niêm phong đồ đạc, đuổi vợ con Việt gian ra đường… để còn xem có thật hay không. Thực tế, vợ con Việt gian sau này được mang mọi của cải (nếu đủ sức mang theo), ra sống ở Hà Nội, với sự giúp đỡ của cụ Hoàng Hữu Nam, cán bộ cao cấp ở Phủ chủ tịch. Có chứng cứ để nói rằng Hà Nội không tán thành giết hại Phạm Quỳnh, nhưng không kịp can thiệp.
Vì sao Phạm Quỳnh bị dẫn giải ra khỏi Huế
Từ lúc bị bắt tới khi chết, chỉ có nửa tháng. Ba-bốn tháng sau, những tin tức bịa đặt trên báo Quyết Chiến khiến người đọc tưởng rằng học giả này sống thêm ít lâu nữa. Lúc đầu, Phạm Quỳnh bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, sau đó bị áp giải ra khỏi Huế. Chuyện đưa ông ra khỏi Huế có hai giả thuyết:
  1. a) Để cách ly, vì người ta cảnh giác “thế lực thù địch ngoại bang” có thể lợi dụng. Nỗi lo này xuất phát từ ý nghĩ coi ông vẫn còn ý đồ (ngoan cố) làm Việt gian. Trong khi đó, Nhật có vài hành động gây rắc rối, lại có tin biệt kích Pháp nhảy dù can thiệp. Phạm Quỳnh bị bắt cùng Ngô Đình Khôi (tổng đốc – quan đầu tỉnh) và Ngô Đình Huân. Trong tháng 8 năm 1945, rất nhiều quan tổng đốc bị tử hình với cáo buộc “tay sai cho thực dân, phát xít”, mà Phạm Quỳnh còn nguy hiểm hơn. Trong danh sách cần bắt, ông đứng đầu, cho nên chuyện di chuyển là dễ hiểu.
  2. b) Một giả thuyết yếu hơn: Người ta đưa ông ra Hà Nội theo chỉ thị của trung ương. Tuy nhiên, 70 năm đã trôi qua, chẳng có bất cứ bằng chứng nào cho giả thuyết này. Điều chắc chắn là không có sự chuẩn bị nào để chiếc ô tô cọc cạch có thể đi xa về hướng Hà Nội. Nhóm áp giải chỉ ra khỏi Huế 20 km đã quay về nơi xuất phát, sự bàn giao rất sơ sài, tắc trách… còn bên nhận người là “dân quân địa phương”. Không ai biết nội dung bàn giao, nhưng ngay sau đó cả 3 người bị giết rất tàn bạo và ám muội. Mặt khác, chính bản tin của Ủy Ban khởi nghĩa (đăng trên báo Quyết Chiến và Quyết thắng, tháng 12-1945) cũng phủ nhận giả thuyết này.
Hoàn cảnh, tình hình khi Phạm Quỳnh bị giết
Nói chung, nhiều điều chưa rõ hoặc vĩnh viễn không rõ. Theo các tư liệu hiện có (không khó thu thập trên mạng), nếu loại bỏ những gì chưa khả tín, hoặc rõ là suy diễn, thì “toán 3 Việt gian” bị dẫn độ tới làng Hiền Sĩ là dừng lại. Nhóm áp giải giao 3 người cho “dân quân địa phương” rồi quay về Huế. Không có biên bản bàn giao. Cũng lúc này, một toán biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Tình cờ, hai toán trú trong hai ngôi nhà liền kề và toán biệt kích lộ ý muốn tìm Phạm Quỳnh. Hai bên chưa có thông tin gì về nhau, chưa gặp nhau, toán biệt kích đã bị bắt gọn; còn toán Việt Gian thì ngay sau đó bị dẫn giải vào rừng và bị giết rất dã man. Đó là căn cứ vào tình trạng xương cốt (sọ Phạm Quỳnh bị nứt) và tư thế chồng chất của ba bộ hài cốt. Kẻ giết người có thể do vội vã mà làm như vậy, nhưng cần gì phải đập vỡ sọ nạn nhân trước khi bắn chết?.
Tìm được nơi vùi lấp. Lưu lại lời nói cuối cùng
Con-cháu nhà học giả đã làm được tối đa việc này. Ở đây nhắc lại với mục đích khác. Đó là khu rừng có tên Hắc Thú, khá xa địa điểm Hiền Sĩ. Ba người bị giết, bị hất xuống một đoạn mương cạn, rồi lấp đất lên. Tới năm 1956, từ Quảng Trị trở vào thuộc miền Nam, tổng thống đương nhiệm là Ngô Đình Diệm, em ruột nạn nhân Ngô Đình Khôi. Nhờ vậy, việc tìm kiếm hài cốt mới thuận lợi. Nhiều người dân đã cung cấp thông tin, nhờ vậy mới tìm được nơi chôn lấp, đồng thời có thêm một số chi tiết về giờ phút cuối cùng của 3 nạn nhân. Ví dụ, họ được ăn cơm trước khi bị giải tới địa điểm hành hình; cơm “khó nuốt” phải xin nước lã để chan; bị trói, có đoạn đi bằng thuyền; rồi lên bộ (rừng) để chịu hành hình…
Phạm Quỳnh bị giết đầu tiên, chỉ kịp quát lên 3 tiềng “quân sát nhân” khi bị đập vào đầu (gây nứt xương sọ), sau đó nhận 3 viên đạn. Vậy, đây là lời cuối cùng của vị học giả, mang tính phán xét và kết luận – mà hậu thế biết và lưu lại.
Chú thích. Tốt nhất là đọc cả bài Tôi đi cải táng thầy tôi. Nếu ngại dài, có thể đọc đoạn trích và tóm tắt như sau: “Tháng 2-1956, gia đình Ngô Đình Diệm cho người đi tìm và cải táng cha con Ngô Đình Khôi, ông Phạm Tuân, con út và bà chị là Phạm Thị Hảo đi theo để nhận di hài cha, đã biết thêm nhiều điều, do gặp nhiều nhân chứng còn sống. Nơi giam giữ cuối cùng là xưởng ép dầu tràm của bác sĩ Viên Đệ ở Cổ Bi cách làng Văn Xá 5km về phía Tây. Làng này lại cách thành phố Huế 15km, về phía Bắc trên đường đi Quảng Trị. Đó là một nơi xa xôi, khó đi lại. Chính quyền Sài Gòn phải huy động công binh phát quang, san ủi đất làm đường, bắc cầu… trên 15 km cho xe hơi đi và điều động binh sĩ giữ an ninh quanh vùng. Người canh gác xưởng kể: một đêm đầu tháng tám ta, trăng lưỡi liềm, khoảng mười một giờ, có người xưng là cấp trên đến bảo đưa ba người bị giam ra, cho ăn cơm. Khó ăn, ba người xin ít nước mưa chan cho dễ nuốt. Sau đó, họ bị trói và đưa xuống đò. Người chèo đò kể: đi quanh đi quất trên sông Bồ, gần một giờ sáng thì táp vào bờ, đến gần hai bụi tre thì giết ba người. Người chèo đò không được lên bờ, chỉ nghe thấy tiếng thét lớn bằng giọng Bắc “Quân sát nhân!” sau đó là ba phát súng. (Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân đều nói giọng đặc Huế). “Một người nấp trong bụi cây gần đấy thấy Phạm Quỳnh bị đánh vào đầu bằng xẻng hoặc cuốc rồi mới bị bắn ba phát. Ngô Đình Khôi không bị đánh chỉ bị bắn ba phát. Ngô Đình Huân hoảng sợ vùng chạy, bị bắt lại, rồi bị bắn ngay vào đầu. “Cả ba bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất”. Phạm Quỳnh ở dưới cùng, đầu hướng về phía núi, Khôi và Huân nằm đè lên, đầu hướng về phía sông. Khi cải táng, ông Phạm Tuân thấy sọ của thân phụ có một vết nứt ngang như vết cuốc, xẻng đánh mạnh vào, “ba bộ hài cốt nằm chồng chất lên nhau…Hài cốt của Thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh tôi nhận ra được đôi mắt kính cận”. Theo Phạm Tuân: Sống lại với kí ức thuở ngày xưa (báo Ngày Nay, số 385, ngày 30/6/2005, tiểu bangMinesota và tạp chí Việt Học Tạp Chí Phổ Thông số 2, tháng 6/2005, Nam California, Mỹ). “Theo các nhân chứng chứng kiến vụ sát hại thì sự việc diễn ra vào đêm trăng non mồng một tháng tám năm Ất Dậu, tức rạng sáng ngày 6/9/1945…
Tại sao giết Phạm Quỳnh?
Hành vi giết hại 3 tù nhân rất ám muội, cả về giờ giấc, địa điểm và người thực hiện. Đúng là một cuộc thủ tiêu, muốn xóa dấu vết – nói lên bọn sát nhân mang mặc cảm tội lỗi. Về sau, có một cụ thân quen gia đình, đã đoan chắc với con-cháu Phạm Quỳnh rằng đây là sự trả thù riêng của gia đình cụ Nguyễn Hữu Bài (bị mất chức thượng thư, cho là do Phạm Quỳnh tranh mất). Điều này cắt nghĩa sự tàn bạo của đao phủ đối với riêng Phạm Quỳnh. Còn nhiều giả thuyết khác, ví dụ những người áp giải lo bị Pháp cướp mất tù nhân (có tiếng máy bay rất gần) nên đã xử sự như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng đây là “điều đáng tiếc”, “việc đã lỡ”, ví dụ do sự manh động của mấy ông dân quân. Tóm lại một câu: Cái chết của 3 nạn nhân không phải do chủ trương của Ủy Ban khởi nghĩa (Tố Hữu) và Ủy Ban cách mạng (Tôn Quang Phiệt). Đang có trên blog phamquynh.wordpress một bài tổng hợp rất công phu nêu lên đầy đủ nhưng giả thuyết khác nhau, do chính gia đình nạn nhân thu thập được.
Chú thích. Tuy nhiên, bài tổng hợp nói trên vẫn còn thiếu một cách cắt nghĩa quan trọng nhất. Đó là chính cụ Tố Hữu và cụ Tôn Quang Phiệt tự nhận và đưa lên 2 tờ báo ở Huế rằng: Đã kết án tử hình và đã cho thi hành án. Đây không phải là sự nhận lỗi. Giết kịp thời những tên Việt gian đầu sỏ, nguy hiểm, đại bơm… là công, không phải là tội.
Giết Phạm Quỳnh lần 2 để dẹp dư luận
Vị học giả bị giết lần 1 theo cách thủ tiêu, đưa đến cái chết sinh học. Còn đây là giết lần 2 với hai mục đích: a) giết về thanh danh, và b) để dẹp dư luận thể hiện sự thương tiếc bên này, chê trách bên kia. Chính vì lần 2 vẫn không giết nổi, mới có lần 3 – hiện nay.
Khởi nghĩa ở Huế trên đại thể diễn ra thuận lợi, ổn thỏa; triều đình chấp nhận mọi yêu cầu của các vị lãnh đạo khởi nghĩa. Khí thế hừng hực và tình trạng bát nháo rồi cũng trở về yên ắng để mà làm ăn. Chính sự yên tĩnh đời thường khiến dư luận cứ xôn xao, lan truyền về việc giết một học giả – sự chê bai chĩa vào Ủy Ban khởi nghĩa. Bởi vì, sau mấy tháng vẫn chẳng có bằng chứng nào đủ thuyết phục để nói ba nạn nhân là “Việt gian” hay “Việt ngay” và họ đang nung nấu “âm mưu nguy hiểm” gì. Nếu giết để gây sợ hãi cho những ai rắp tâm theo Việt gian thì cần gì giết kiểu thủ tiêu? Trong số 5 vị thượng thư, bốn vị được yên thân, thậm chí còn được mời tham gia công tác, cụ Bùi Bằng Đoàn còn được trọng dụng. Lúc này cụ Bùi đã được Việt Minh rất trọng vọng. Vậy mà, chỉ riêng một vị, xứng đáng học giả, nổi tiếng uyên bác, thì “được mời đi họp rồi… biệt tích”.
Thời nay, mọi người mới rõ vị thượng thư này bị thủ tiêu rất tàn bạo, chứ năm 1945, trong tình hình rối chính các cụ Tố Hữu và Tôn Quang Phiệt (cũng như tất thảy ban lãnh đạo) cũng mù tịt tin tức về cái chết của cụ Phạm (nói “mù tịt” là để giữ gìn nhân cách cho các vị lãnh đạo thời đó; ngược lại, nếu cho rằng các vị biết rõ các nạn nhân đã bị thủ tiêu mà các vị vẫn bịa ra “tòa án” – ra cái điều xét xử công minh – thì nhân cách còn gì). Do vậy, các vị cứ hồn nhiên bịa ra “tin” để dẹp dư luận. Đó là cái tin mà Ủy ban khởi nghĩa cho đăng lên báo Quyết Chiến và Quyết Thắng (xem dưới).
Chú thích. Có thể, một “tập thể lãnh đạo” đã bàn bạc và lập danh sách “Việt gian”; còn cụ Tố Hữu cứ theo đó mà ra lệnh bắt. Nhưng đó là chuyện nội bộ lãnh đạo. Còn về pháp lý, cụ Tố Hữu với cương vị Chủ tịch UB khởi nghĩa, là người ký lệnh bắt và giam Phạm Quỳnh, cụ phải chịu mọi trách nhiệm “đúng, sai” trước cấp trên, trước dân và trước Lịch Sử. Nếu quả thật đây là tên Việt gian “nguy hiểm” – như lời kết tội (nghĩa là, nếu để hắn sống thêm vài tuần, hắn có khả năng làm thất bại cuộc khởi nghĩa) – thì việc tử hình kịp thời là “đúng”, công của cụ Tố Hữu rất lớn. Chuyện áp giải Phạm Quỳnh đi khỏi Huế – bất kể vì lý do gì – cũng phải có lệnh của cụ Tố Hữu, dù ai đó ký thay thì trách nhiệm vẫn thuộc về cụ. Nói khác, một Quyết Định lịch sử, thì Đúng hay Sai, Công hay Tội, cần sáng tỏ trước Lịch Sử.
Mở đầu chiến dịch giết Phạm Quỳnh lần 2
Có thể lúc đầu chưa có chủ đích như vậy, nhưng hai cái tin trên hai tờ báo lưu hành ở Huế đã thật có vai trò mở đầu chiến dịch. Khi tin loang ra Hà Nội, chiến dịch mới thật sự rầm rộ, kéo dài tới cuối năm 1946, khi Pháp xâm lược Việt Nam lần nữa,
Tới ba hay bốn tháng saukể từ ngày bắt giam Phạm Quỳnh, rồi chết tức tưởi, dư luận ở Huế xôn xao, khiến tờ nhật báo Quyết Chiến ra ngày 5/12/1945 đã phải đưa cái tin rất vô duyên (vì quá muộn), chỉ vì muốn dẹp dư luận: “Ba tên Việt Gian tối nguy hiểm Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân đã bị Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kết án tử hình và bị bắn ngay trong thời kỳ thiết quân luật. Tài sản và vật dụng của ba tên phản quốc ấy đều bị tịch thu và quốc hữu hóa”. Đọc tin này, thì ra cái Ủy Ban của cụ Tố Hữu “có quyền kết án tử hình? Trách nào, từ đó về sau cụ cứ khăng khăng rằng Việt gian Phạm Quỳnh “chết đáng đời”. Tin trên cũng cho thấy ngày mất của cụ Phạm không thể quá sớm (6-9-1945), mà phải sau đó khá lâu. Ngay bốn ngày sau đó, tờ báo Quyết Thắng (cơ quan của Việt Minh Trung bộ, ra ngày 9/12/1945 cũng viết: “Cả ba tên Việt Gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23/8 và đã bị Ủy ban Khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”. Khổ nỗi, theo các cụ cao niên, cuộc trao chính quyền ở Huế diễn ra êm thấm, không hỗn loạn, dường như không đỏ máu, do vậy chẳng cần, chẳng có chuyện “thiết quân luật” nào hết. Dẫu sao, nếu chưa tin vào trí nhớ các cụ sống lâu, cần phải tìm cho ra (nếu có) cái văn bản ra lệnh thiết quân luật ở Huế: ngày nào, ai ký…. Còn ở Hà Nội: các cụ cao niên bảo “không có chuyện thiết quân luật” nào hết. Khắp nơi, người dân vui chơi, ca hát ngày đêm…
– Khi gia đình Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi khiếu nại chuyện “mất tích” của người nhà, các vị có trách nhiệm đưa cho họ xem cái bản thông báotrong đó chốt lại hai ý: “giết rồi”, và “đúng người, đúng tội”. Xong.
Chú thíchBản thông báo nêu tội trạng của Phạm Quỳnh như sau: “Phạm Quỳnh, một tay cộng sự của Pháp ở Đông Dương, đã bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng Việt Nam. Với cái nghề mại quốc cầu vinh, Phạm Quỳnh đã từ một tên viết báo nhảy lên một địa vị cao nhất trong hàng quan lại Nam triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột, vơ vét tài sản của quốc dân. Mặc dầu chính quyền của giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chính 9-3-1945, nhiều triệu chứng chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân Pháp đến làm cho diệt nước chúng ta“.
Khách quan, Bản Thông Báo này (và nội đung của nó) xứng đáng là tư liệu lịch sử, cần lưu giữ mãi mãi, để hậu thế tham khảo về sự trung thực lịch sử của một thời.
– Dư luận tại Hà Nội còn xôn xao hơn, vì danh tiếng học giả Phạm Quỳnh ở đây đã có từ 25-30 năm trước; nay vẫn còn sâu đậm. Hai cái tin của báo Quyết Chiến và Quyết Thắng từ Huế loang ra, được mấy tờ báo ở Hà Nội đăng lại, nhưng thêm những mô tả “như thật” và những lời bàn luận tới trời, khiến dư luận càng loang rộng. Từ cái “tin” đơn giản, nay các tác giả lại muốn biến thành “bài báo” (câu view) do vậy mà phải thêm mắm muối hoàn toàn bịa đặt, nên rất lố bịch chỉ lòe được người ít học. Ví dụ, tờ Tuần báo Tân thế kỷ, ngày 26-12-1945 đăng bài “Để trả lời những ai thương tiếc Phạm Quỳnh”. Cái tên bài báo cho thấy ra dư luận “thương tiếc” cụ Phạm, còn nội dung bài lại muốn biến dư luận từ “thương tiếc” thành “căm ghét”. Khó thế! Mở đầu, bài báo viết: “Ủy ban Nhân dân Trung Bộ mới thông cáo cho quốc dân biết rằng Tòa án Quân sự Thuận Hóa họp ngay sau khi thành lập chính quyền nhân dân, đã khép Phạm Quỳnh vào tội phản quốc và kết án tử hình. Bản án ấy đã thi hành trong thời kỳ thiết quân luật”. 
Bài trên báo Tân Thế kỷ (26-12-1945), nhan đề Để trả lời những ai còn thương tiếc PHẠM QUỲNH. Minh họa Phạm Quỳnh mang kính (học giả), đội mũ cánh chuồn (làm quan).    
Có thể nêu một số bài khác, vẫn là đăng lại tin từ Huế truyền ra, vẫn là bịa đặt thêm cho đủ độ dài. Tất cả, đều là chuyện cuối năm 1945, người ta muốn khẳng định rằng cái chết của Phạm Quỳnh là đúng tội và minh bạch. Tuy nhiên, vẫn không dẹp được dư luận, do vậy, sang tới năm 1946 – nhân kỷ niệm một năm ngày khởi nghĩa, nhiều bài tiếp tục khẳng định về “cái chết đáng đời” của Phạm Quỳnh.
Đích thân cụ Tố Hữu phải lên tiếng, tất nhiên cụ chọn lên tiếng ở tờ báo quan trọng nhất, nhiều bạn đọc nhất, số báo cũng quan trọng nhất: báo Cứu Quốc; số Đặc San, tháng 8-1946, lại còn phải nhờ cụ Tô Hoài (văn cực hay, nắm đúng ý người kể) ghi lại cho. Đó là bài Chiếm thành Huế (thành được trao lập tức, có cần “chiếm” gì đâu). Tên bài báo như vậy, thì chẳng cần bắt giam Phạm Quỳnh hay cho tại ngoại, cụ vẫn thu được thành Huế vào tay mình. Nhưng cụ cứ phải nói về bắt Phạm Quỳnh, và tự ý thêm tình tiết để ai cũng hiểu là Phạm Quỳnh nguy hiểm dường nào! Để khỏi dài dòng, lần này – cho tới cuối đời, cụ Tố Hữu vẫn “trước sau như một” – khẳng định rằng Việt gian Phạm Quỳnh chết đáng đời.
Chú thích. Theo cụ Nguyễn Huệ Chi (khi viết lời dẫn cho một bài nghiên cứu) cho biết: Tận cuối đời mình, khi đã từ lâu thôi mọi chức vụ, cụ Tố Hữu vẫn cản trở (và thành công) một cuộc Hội thảo về Tạp Chí Nam PhongĐây là tờ báo do Phạm Quỳnh sáng lập và chủ bút rất lâu năm.
Còn những bài khác ở Hà Nội cũng rùm beng không kém, nếu đo bằng mức độ bịa đặt cùng cách bình luận lâm ly, gân cốt. Thú vị hơn nữa, là chúng chửi nhau. Có bài nói: Phạm Quỳnh khi ra pháp trường vẫn “tuyên bố” này, nọ… nhưng có bài lại bảo: Hắn co rúm, không nói được câu nào… Chỉ xin trích 1/5 bài Phạm Quỳnh trên bàn mồđăng ở nhật báo Cứu Quốc, ngày 18 tháng 7 năm 1946. Bài rất điển hình về văn phong; tác giả là cụ Văn Tân, nhà sử học bách khoa của đảng CS, hoạt động yêu nước trước 1945, coi phong trào Tây Sơn là “cách mạng”, coi yêu nước bằng sử dụng bạo lực là duy nhất đúng.
Để bạn đọc khỏi có một nhận định sai lầm về thái độ Phạm Quỳnh, khi tên Việt gian số 1 này bị điệu ra trường bắn, trước hết tôi phải nói rằng ông Hồng Lam trong “Hà Nội Mới” đã lầm khi ổng viết: “Khi ra pháp trường, Phạm Quỳnh đã tuyên bố: tôi vẫn tin tưởng rằng nước Việt Nam phải có một nước như nước Pháp dìu dắt thì mới có thể đi tới văn minh và độc lập được”. Sự thực, Phạm Quỳnh trước khi nhận mấy viên đạn kết liễu cái đời phản quốc, đã co rúm người lại không nói được một câu nào. Theo chỗ chúng tôi biết, trong những ngày bị giam, một vài lần Quỳnh có nói với những người ở bên cạnh y rằng: “Tôi vẫn tưởng rằng phải có nước Pháp thì nước Việt Nam mới tiến tới độc lập được. Tôi thật không ngờ nước Việt Nam lại có ngày nay”….
Quỳnh là đại biểu cho cái tàn lực của đẳng cấp phong kiến Việt Nam. Đẳng cấp này ngay từ cuối đời Lê, Trịnh đã trình bày ra những dấu hiệu đổ nát rồi. Đến khi chế độ thực dân đặt chân lên đất Việt Nam, đẳng cấp ấy, trước sự quyền lợi bị xâm phạm, thu hết lực lượng cũng chỉ khởi được một cuộc kháng chiến lưng chừng rồi kết cục đi từ chỗ hạ khí giới đến chỗ ôm chân kẻ địch. Phong trào giải phóng tổ quốc do đại chúng chủ trương càng lên cao, đẳng cấp ấy lại càng bám riết lấy kẻ thù hôm trước để hòng kéo dài những ngày tàn tạ.
Và thực dân cũng sẵn sàng vuốt ve, nâng nỡ bọn phong kiến để mượn tay bọn này đàn áp và đục khoét dân chúng Việt Nam. Thôi, xin đủ!
Có bài còn táo tợn đặt tên là “Vụ án Phạm Quỳnh” (cứ làm như có “vụ án”, kỳ thực là thủ tiêu) đăng báo Hà Nội mới, số 6-1946: “Một buổi sáng mùa đông về tháng 11 năm 1945, giời mới tinh sương, gầm giời rất thấp, phong cảnh sông Hương núi Ngự mà Quỳnh đã dùng ngọn bút tài hoa của mình bao lâu ca ngợi cái vẻ đẹp thiên nhiên êm dịu, hôm đó dường như rất lãnh đạm nghiêm khắc với y. Quỳnh bị giải từ nhà lao ra pháp trường, một bãi cỏ trên bờ sông Hương… Sau một loạt súng xé tan cảnh tịch mịch buổi sáng, Quỳnh đã ngã gục đầu, nhưng vẫn quỳ trên bãi cỏ, tóc rũ rượi, mắt nhắm nghiền… Sau khi chết, Quỳnh vẫn cúi đầu chịu tội trước quốc dân trong mấy phút rồi thi thể mới được mang đi. Tác giả mô tả quá cụ thể, cứ như chính mình là Phạm Quỳnh!
Tiếp đó, dư luận vẫn chưa dứt, nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng chiến dịch nói trên tiếp tục bằng cách bôi nhọ Phạm Quỳnh (và Nguyễn Văn Vĩnh) trong sách giáo khoa Lịch Sử, dạy học sinh cả nước. 
Chú thích. Loạt bài “giết Phạm Quỳnh lần 2” cùng một giọng điệu, khiến người thời nay tưởng rằng cái gọi là “vụ án Phạm Quỳnh” là có thật. Theo bài “vụ án Phạm Quỳnh” (nói trên), tới tháng 11 Phạm Quỳnh mới bị đưa ra “pháp trường” (ngay bên bờ sông Hương), nghĩa là trước đó đủ thời gian lập “tòa án” hẳn hoi; bị cáo được tự bào chữa một cách “đàng hoàng” (và ra pháp trường vẫn còn “tuyên bố”), có bản án “công minh”… Loạt bài này cũng khiến người thời nay nhớ tới “chiến dịch đàn áp nhóm Nhân Văn” mà cụ Tố Hữu là tư lệnh.
Cụ Tố Hữu – ở cái thời làm trưởng ban Tuyên Huấn trung ương; do vậy là thống soái hô hét đàn áp văn nghệ sĩ và trí thức tham gia phong trào Nhân Văn. Ai không dính dáng, hoặc chỉ dính dáng ít với nhóm Nhân Văn, nếu muốn an toàn đều phải tự mình viết bài chửi bới thậm tệ nhóm này. Có lẽ có tới nửa ngàn bài loại này, được đăng tất. Con cháu chúng ta chỉ cần đọc vài chục bài là đủ để kết luận rằng “tội” của nhóm Nhân Văn là có thật, nặng thật. Cụ Thụy An bị gọi là Việt gian, cụ Phan Khôi và nhiều vị khác là “phản động”, việc xử trí “chúng” lại rất khoan hồng. Nay thì rõ: Họ là nạn nhân, bị đánh hội đồng không cho đỡ, bị xử lý tàn nhẫn, cấm viết 30 hoặc 40 năm. Sau 40 năm, nhiều tác phẩm của họ được tái bản… nhưng chưa đâu nhận sai lầm. Cho nên dễ hiểu, những bài “hồi tưởng” (hồi ký) của các cụ Tố Hữu, Tôn Quang Phiệt (và các cụ khác – từng lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế) đều cùng một giọng điệu khi nhận định về Phạm Quỳnh. Chỉ vì cái mẩu tin bịa đặt trên báo Quyết Chiến và Quyết Thắng, mà các cụ đã đâm lao cứ phải theo lao, cho tới tận cuối đời.
Dứt khoát, các cụ không phải là công nhân
Các cụ lãnh đạo cướp chính quyền ở Huế là đáng viên cộng sản – nghĩa là yêu nước theo đường lối Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc; tồn tại song song với đường lối Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Trường… Chuyện bạo lực – ôn hòa và độc lập – canh tân đặt ra từ thời cụ Nguyễn Trường Tộ, qua 6-7 thế hệ đến nay vẫn thành vấn đề, chưa ngã ngũ. 
Các cụ lãnh đạo cướp chính quyền ở Huế (kể cả ở nơi khác) là những trí thức cách mạng, dù tự nhận “mang tư tưởng công nhân”, cứ cho đó là thật bụng, cũng chỉ do cuồng tín mà nhận vơ cái không tồn tại. Lao động chân tay là chủ lực của các hành động cách mạng, còn tư tưởng cách mạng là do trí thức sáng tạo, để hướng dẫn lao động chân tay hành động.
Khi Pháp đã tạo được bộ máy cai trị ổn định và vững chắc trên đất nước này, người Việt nếu tự biết không thể chống lại, chỉ còn 3 cách xử sự liên quan với chế độ đương thời: 1) Kiếm sống bằng những công việc mà bất kỳ chính quyền nào cũng cần có người làm. Ví dụ, làm thầy giáo công, làm thầy thuốc công, nhà báo công, nhân viên công sở dân sự… tức là công chức do Pháp trả lương; 2) Đấu tranh ôn hòa, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Số này có thể là công chức (cụ Bùi Quang Chiêu, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác…); hoặc không phải công chức (cụ Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Bạch Thái Bưởi…). 3) Làm tay sai cho Pháp (làm hại đồng bào) – loại này cần trừng trị; không cần bàn. Cần bàn là những trí thức yêu nước kiểu bạo động thường coi loại 2 cũng là loại 3. Có nguyên nhân. Trong khi phái ôn hòa có cuộc sống dễ dàng, có điều kiện trau dồi học vấn, thì phái bạo lực phải hoạt động bí mật (trốn tránh), dễ bị bắt bớ, tù đày… Điều hiện hữu sờ sờ từ 200 năm nay – khi nền dân chủ ở châu Âu đã hoàn thiện đáng kể – thì việc lên nắm chính quyền chỉ duy nhất bằng tranh cử hợp pháp. Pháp luật không chấp nhận việc “cướp chính quyền”. Thực dân Pháp ở nước ta tất nhiên muốn áp dụng điều này, do vậy trừng trị những trí thức yêu nước qua bạo động. Cũng do vậy, càng về sau, phái bạo động càng kỳ thị và căm ghét phái ôn hòa; trước hết là những người làm công chức cho Pháp (bị coi là tay sai). Sau khi giành lại chính quyền, phải bạo lực (có công lớn) đã đối xử rất khe khắt với phái ôn hòa, trước hết là những người được Pháp trả lương và những người tuổi tác (có thâm niên “tay sai”). Điều may là do cao tuổi, họ đã từ trần rất nhiều trước 1945. Những người “không may” (sống dai) có số phận rất oan trái lúc cuối đới. Phạm Quỳnh bị đối xử khe khắt hơn Phan Khôi, dù cùng cao tuổi, nhưng Phạm Quỳnh được Pháp trả lương. Rất nhiều vị đấu tranh ôn hòa ở Nam Bộ, khi tra cứu tiểu sử ở Wikipedia, ta thấy họ kết thúc cuộc đời vào năm 1945. Họ bị thủ tiêu. Khó tìm ra thủ phạm cụ thể, nhưng thủ phạm chung chính là cách đấu tranh bạo lực, có trước năm 1930, nhưng cao nhất từ năm 1930 – khi phải bạo lực gặp gỡ chủ nghĩa Lenin.
Khi hết kẻ thù ngoại bang, phái bạo lực dùng bạo lực với chính đồng bào. Điều này liên quan với bi kịch của cụ Nguyễn Ái Quốc.
https://nghiencuulichsu.com/2015/11/02/tu-nguyen-truong-to-toi-bo-ngu-vinh-quynh-ton-to-khoi-bai-10/


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét