Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

UBND TP HÀ NỘI ĐÃ KÝ LỆNH HÀNH QUYẾT 1.300 CÂY CỔ THỤ



Hơn 1.300 cây xanh trước giờ 'khai tử' ở Hà Nội

VietNamnet
01/06/2017 03:10 GMT+7

Hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng sẽ phải di dời, chặt hạ để thi công dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long do BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) làm chủ đầu tư.


Theo kế hoạch, để thi công tuyến đường này, hơn 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long thuộc diện phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ trước ngày 30/9.
.
Hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng sẽ bị chặt hạ, di chuyển

Ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, cho biết vào ngày 18, 19, 20/4, đơn vị này cùng các cơ quan hữu quan tiến hành khảo sát, đánh giá dãy cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

"Trong số hơn 1.300 cây xanh trong diện di chuyển, chặt hạ, cắt tỉa có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m; 38 cây sấu; 65 cây hoa sữa; 11 cây phượng.

.
Hàng cây hiện tại trên đường Phạm Văn Đồng trước khi bị chặt hạ

Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu trước 30/9 sẽ hoàn thành việc di chuyển, chặt hạ hơn 1.300 cây trước ngày 30/9. Tuy nhiên, hiện nay chủ đầu tư vẫn chưa thể di chuyển, chặt hạ được.



Nhị Tiến

Xem ra, Nguyễn Thế Thảo hay Nguyễn Đức Chung thì cũng thế! Chỉ thích trảm thôi, có yêu gì màu xanh thiên nhiên?!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người giữ nước ở Iraq


Trần Nguyên

TTTG - Ở Iraq cũng có một Ngu Công thời nay, Nabil Musa không biết chuyện Ngu Công, nhưng anh đang làm chuyện cứu sông Tigris giống chuyện đào núi của ông ấy.

“Iraq không chỉ là tên một cuộc chiến, đó còn là nơi có những di sản văn hoá thế giới, và là nơi có con sông chứa đầy ắp tuổi thơ của tôi. Tiếc là những con sông đang bị ô nhiễm, mà mọi người lại quá bận những việc khác nên tôi xin làm người đi giữ lại những ký ức đẹp về con sông cho con cháu mình…”, Nabil Musa, người được truyền thông quốc tế gọi là Water Keeper, nghĩa đen nghĩa là Người Giữ Nước, đã tâm sự như vậy trong phim truyền hình về mình.

Nabil Musa là một nhà hoạt động vì môi trường ở Iraq và anh làm việc suốt sáu năm qua tại đất nước này với một sứ mệnh duy nhất: làm cho con sông Tigris nơi anh lớn lên có thể trở lại với ba chức năng: bơi lội được, đánh bắt cá được và uống được. Anh mong muốn điều này sẽ giúp cho những thế hệ con cháu của mình vẫn có được một con sông trong lành và có một tuổi thơ tắm mát như mình đã từng có.

Ở vùng đất của tranh chấp, chiến tranh và đủ mọi vấn đề xã hội khác nhau, chẳng mấy ai quan tâm đến những con sông đang dần chết đi. Nabil đi thuyết phục những nhà máy đang xả thải ra sông, đi nói chuyện với những cư dân hai bên bờ vẫn đang ngày đêm xả rác xuống nước. Mọi người cười ngạo anh chàng làm những điều viển vông, bởi con sông đã quá ô nhiễm, còn cứu được gì nữa.

Anh không nản chí, mà vẫn tiếp tục hành trình của mình. Giống như câu chuyện trong sách Cổ học tinh hoa của nhà giáo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân thuật chuyện Mặc Tử thời Xuân Thu chiến quốc bị bạn cũ chê sao cứ làm việc nghĩa khi mà ai cũng chạy theo lợi danh. Mặc Tử nói: “Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế”. Nabil không biết chuyện Mặc Tử, nhưng anh biết cuộc đời mình sinh ra để dành cho công việc này, nên cứ vững tâm mà đến trường học để rủ rê giáo viên, học sinh cùng mình đi giữ con sông, vững tâm đi cùng những nhà môi trường học từ khắp nơi trên thế giới làm những nghiên cứu, những phương thức khác nhau để dần hồi sinh con sông của mình.

Hiệu ứng dần được lan rộng ra, khi mà những tổ chức quốc tế đầu tiên ủng hộ anh tổ chức cuộc marathon vừa bơi vừa chèo ván dọc con sông. Những người đăng ký tham gia đông dần lên theo từng năm, và ai cũng muốn chung tay cho một câu chuyện tuy nhỏ nhưng góp phần làm dịu đi những căng thẳng của một vùng đất dữ. Con sông được mô tả “là nơi khởi nguồn của văn minh cả vùng đất” đã thực sự trở thành “bơi lội được” và đang dần tiến đến “đánh cá được” để chạm đến mốc “uống được”.

Chuyện của chàng thủ lĩnh cộng đồng dân cư địa phương Nabil này, bất ngờ được cư dân mạng truyền tai nhau trong những ngày đầu tháng 6, khi mà ông chủ của Facebook thực hiện bài nói chuyện lịch sử của mình tại trường đại học Harvard. Mark nói: “Điều quan trọng nhất mà thế hệ chúng ta cần làm, là có một sống với mục đích sống rõ ràng. Không chỉ có mục đích sống cho bản thân mình, mà còn phải tạo ra mục đích sống cho những người xung quanh mình nữa”. Mark kể chuyện khi Tổng thống Mỹ Kennedy tới NASA, thấy một chuyên viên đang vác một cây chổi điện, bèn hỏi ông ấy đang làm gì. Người đó trả lời: “Tôi đang giúp đưa con người lên mặt trăng”.

Nabil không đưa ai lên mặt trăng cả, nhưng anh đang trả lại con sông cho con cháu mình. Và anh là đại diện của một thế hệ mới mà chàng trai Facebook nhấn mạnh: “Những người tạo ra thế giới tốt đẹp hơn”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nợ công Việt Nam có thể đạt đỉnh vào năm nay


Minh Thái (Tổng hợp

























Đất Việt - Năm 2017-2018 được dự báo sẽ là đỉnh của nợ công Việt Nam với mức nợ có thể tiến sát ngưỡng 65% GDP.

Đây là con số vừa được ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý rủi ro, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nói tới trong buổi họp báo chiều 31/5.

Theo ông, mức nợ công tới thời điểm cuối năm 2016 của Việt Nam ở mức 63,7% GDP trong đó nợ Chính phủ là 52,6%. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức cao nhất trong giai đoạn năm 2016-2020.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017-2018 và có thể giảm dần trong những năm sau đó. Cụ thể, với giả định mức tăng trưởng kinh tế là 6,7%-7% thì nợ công vào năm 2017 sẽ lên tới 64,8% GDP. Tới năm 2018, mức nợ công vẫn ở ngưỡng cao là 64,7% GDP. Sau đó, tới năm 2020, nợ công có thể lùi về mức 63,7% GDP.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là kết quả dựa trên giả định còn mức cụ thể sẽ tùy tình hình kinh tế của từng năm mà có thể thay đổi.

Trả lời cho lo lắng về việc nợ công liệu có vượt trần, ông Nghĩa khẳng định, Bộ Tài chính và Chính phủ sẽ có các biện pháp để tái cơ cấu ngân sách, nợ công để đảm bảo nợ công tất cả các năm không vượt quá 65% GDP.

Trong một diễn biến khác, theo quy định của luật hiện hành và dự án Luật Nợ công (sửa đổi), nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Như vậy, nợ của DNNN sẽ theo cơ chế tự vay tự trả, doanh nghiệp là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khăn về việc không tính nợ DNNN vào nợ công.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc gạt toàn bộ số nợ DNNN ra khỏi nợ công là không ổn.

Theo ông Nghĩa, nếu tính luôn số nợ của DNNN vào nợ công thì nợ công sẽ lên đến 431 tỷ USD, bằng 210% GDP chứ không phải 63,9% GDP như cách tính hiện nay.

ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn ra số nợ của DNNN năm 2016 là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Con số này còn cao hơn cả số nợ mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác đang nợ.

“Tuy chúng ta cắt nợ của DNNN ra khỏi nợ công, cho rằng đó là trách nhiệm hữu hạn thì đó là do luật quy định thôi. Ở nhiều nước, nợ DNNN thì nhà nước vẫn phải chịu”.

Từ lập luận này, ĐB Trương Trọng Nghĩa tính toán, nếu cộng cả nợ Chính phủ và nợ DNNN (sau khi trừ phần nợ Chính phủ bảo lãnh trùng lắp) thì tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, bằng 210% GDP.

ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng cho rằng, cần cân nhắc tính toán lại về bỏ nợ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đơn vị công lập, Ngân hàng Chính sách Xã hội ra khỏi phạm vi nợ công.

Ông Kiên cho biết, khoản vay hơn 600 triệu USD của Vinashin từ năm 2007-2008 dù theo cơ chế "tự vay, tự trả" nhưng sau đó Nhà nước lại phải trả. Hay một trường hợp khác là Xi măng Cẩm Phả cũng không trả được nợ phải chuyển cho Viettel trả.

"Vấn đề nói là vậy nhưng trong thực tế chưa có khoản nợ nào của DNNN mà Nhà nước không phải trả", vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quá khứ đa đoan của người phụ nữ đẹp nhất nhì Việt Nam


VNN - Đổ vỡ một cuộc hôn nhân, bỏ đất Bắc đến với phương Nam, cuộc đời Thuỷ Hương rẽ sang những trang mới mà với chị: Quay lại thì không, ngoảnh lại thì có.

Nếu bạn hỏi người đẹp nào thực sự không tuổi và nhan sắc nào đẹp nhất Việt Nam, chắc chắn câu trả lời là Thủy Hương.

Nhìn vào Thủy Hương hôm nay với một hiện tại sung mãn, ít ai có thể nghĩ chị đã bỏ lại những gì trong một chặng hành trình quá khứ để rồi chính chị phải thốt lên: Quay lại thì không, ngoảnh lại thì có.

Từng là một giáo viên dạy văn giỏi ở một trường cao đẳng và những tưởng yên ổn với cuộc sống công chức bình thường; từng bán cơm bình dân, làm tóc để làm tròn vai trò của một người vợ đảm, dâu đảm trong một gia đình lễ nghi đất Bắc…

Đổ vỡ một cuộc hôn nhân, bỏ đất Bắc đến với phương Nam, cuộc đời Thủy Hương rẽ sang những trang mới.

Những cú sốc tuổi trẻ

Con một gia đình thanh thế lại được giáo dục theo lối phong kiến; đỗ đại học từ cái thời đại học vẫn còn là những ước mơ xa vời của biết bao người; là giáo viên giỏi của một trường cao đẳng; rồi sở hữu một sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Có phải cái vế cuối cùng trong những điều tôi vừa đề cập, chính là nguyên nhân để tất cả các vế còn lại ở trên không “ngồi yên” được để rồi Thủy Hương dẫu có muốn cũng không là công chức an phận?

Không. Tôi thích an phận, xây dựng gia đình rồi có công ăn việc làm ổn định, chứ không quan tâm hình thức mình đẹp hay không đẹp. Dù hồi nhỏ tôi từng là người mẫu ảnh, nhưng tôi thích sự thành công từ học vấn vì tôi học cũng rất giỏi. Nhưng việc không an phận công chức như anh hỏi, là do tôi bị “đẩy ra đường”.

Khi đó tốt nghiệp đại học, tôi đã dạy Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang được sáu năm. Nào ngờ, năm 1987 với cơ chế giảm biên chế. 30 giáo viên thì có đến 20 giáo viên phải nghỉ việc, trong đó có tôi dù lúc đó tôi là một giáo viên giỏi. Tôi như kẻ bị mất phương hướng. Áp lực tâm lý của một người làm mẹ của hai đứa con, của công việc, của sự gây dựng ngày một đè nặng.

Nó kéo dài đến ba năm, tôi như người không thoát ra khỏi sự khủng hoảng. Lúc đó, tôi chỉ ước có phép màu nào đó có thể thay đổi được hoàn cảnh sở tại. Và hy vọng, hy vọng vẫn có khả năng đi làm trở lại, bằng văn chương. Vì thực tế, tôi yêu nghề, và vẫn còn mơ mộng với văn chương nhiều lắm. Nhưng tìm đâu được việc làm, khi biên chế đâu đâu cũng giảm?

Và chị tìm “cơm áo” như thế nào trong khoảng thời gian chờ đợi một điều gì đó sáng sủa hơn từ phía… văn chương?

Tôi phụ gia đình chồng ra chợ thị xã Tuyên Quang mở tiệm bán cơm phở. Nhà cũng có một cửa hàng làm tóc gần đó. Hết bán cơm, bán phở thì chạy sang phụ làm đầu. Xong mọi công việc ở chợ thì về nhà nuôi lợn.

Tôi làm những việc đó rất nhẹ nhàng, vì làm gì không quan trọng, miễn là trong sạch và nuôi sống gia đình. Dĩ nhiên trong lòng vẫn hy vọng nhiều ở nghề giáo viên hoặc ít ra muốn làm việc gì đó tốt hơn là nuôi lợn, làm đầu và bán cơm.

Một phụ nữ đẹp, sắc sảo sống trong bao nỗi khủng hoảng như vậy, hẳn không thể tránh được những gièm pha của miệng lưỡi thế gian. Tôi cũng có nghe trong thời gian đó, chị cũng là nạn nhân của những điều này?

Trước đó, chứ không phải là khi đó. Ngay sau ngày cưới của tôi, trên trang báo địa phương có bài báo viết về vi phạm nếp sống mới. Rồi những trang châm biếm, thơ ca hò vè thôi thì đủ cả, không ngừng cười đắc chí về việc này.

Gia đình tôi thuộc diện điệu đà quan cách, nên không đồng ý cưới theo nếp sống mới mà thách cưới cao lên và ra điều kiện, cưới xong tôi phải được đi học cao học chứ không phải là việc ngồi chăm chỉ làm dâu một cách ngoan ngoãn như nhà người khác. Và có nhiều điểm hai bên bất đồng, nhưng cuối cùng đám cưới vẫn diễn ra.

21 tuổi, đó là một cú sốc lớn, một cú sốc đầu đời. Mối tình đầu của mình vừa thành, lại thành trò mỉa mai châm biếm cho thiên hạ. Có những câu vè giờ đây tôi vẫn còn nhớ, với những lời lẽ cay độc. Tôi làm hồ sơ đi học nhưng sở văn hóa không xét duyệt chỉ vì bài báo mỉa mai chuyện cưới xin. Tôi học được một sự chấp nhận, không phản ứng gì cả.

Như chị nói, thời gian đó áp lực tâm lý người mẹ của hai đứa con, rồi áp lực gây dựng sự nghiệp đè nặng. Vậy, chồng của chị đi đâu, ít nhất cũng dành cho vợ sự chia sẻ về tinh thần?

Vâng. Nếu như chồng tôi cũng đồng cảm thì hẳn đã không có những chuyện sau này...

Đổ vỡ trong hoàn cảnh đó là chuyện sẽ phải xảy ra. Có thể tạm hiểu một người đàn ông để mất vợ thường là do bất tài, ghen tuông mù quáng hoặc đầu óc có vấn đề. Nhưng ngược lại, không giữ được gia đình nhiều khi phần lỗi cũng không chỉ thuộc về người đàn ông?

Về phía tôi, tôi chỉ thấy mình khi đó không đủ lớn, không đủ kinh nghiệm để chấp nhận nhiều hơn một cuộc sống như thế, hay nói đúng hơn, mình không thể hoàn hảo hơn để lái cho hoàn cảnh tốt lên, mà lại chấp nhận sự khác đi.

Tôi không đến nỗi là người mất tự tin, và dù thích an phận nhưng không phải là mẫu người có khả năng chịu đựng cao và dễ đầu hàng. Tôi đã xin về công tác tại thư viện Đại học Quốc gia, nhưng lại một lần nữa, con đường sự nghiệp của tôi lại chẳng suôn sẻ.

Có thể chia tay sẽ kết thúc một cuộc hôn nhân, nhưng chưa hẳn đã kết thúc một tình yêu. Về phía chị lúc đó, chia tay khi tình yêu đã hết, hay vẫn còn?

Hết. Đúng hơn là nó hết khi mục đích tối thượng của hôn nhân không đạt được. Tôi không có người chia sẻ. Và dần thì mình trở thành người mất đi cảm xúc. Không muốn nói, không muốn cãi. Nó lạnh. Nếu để kéo dài sẽ dễ tầm thường hóa các mối quan hệ, như vậy lại tự xúc phạm chính mình.

Đành rằng có những cuộc chia tay vẫn còn tình yêu nhưng với tôi thì chia tay khi tình yêu đã hết. Và chia tay để mà giữ được nhiều hơn những suy nghĩ tốt đẹp về nhau, hơn là tiếp tục sống chung. Rồi mình thấy nhẹ nhàng để làm những việc khác cho mình.

Đôi khi, hối tiếc về cuộc tình không trọn vẹn

Tuy nhiên, dù cuộc sống có cuốn nhanh đến cỡ nào thì tôi nghĩ, một người nhạy cảm như chị không thể không nhìn lại. Tôi muốn quay trở lại câu chuyện với người chồng cũ. Khi vợ trên chuyến xe cuộc đời đã lăn bánh về một hướng khác, hẳn người đàn ông đó sẽ chạy theo níu kéo nhưng… bất lực?

Chồng tôi thuộc tuýp người tự tin và dĩ nhiên vì sự tự tin đó mà không thành kẻ níu kéo. Tuy nhiên, anh tự tin đến mức tôi sẽ quay về với anh, đó là điều mà anh ấy không hiểu tôi. Một người đàn ông chỉ hy vọng vợ mình quay lại theo suy nghĩ của anh ta mà không tìm cách thay đổi mình để chờ đợi sự trở lại đó.

Khi còn tuổi trẻ, mỗi thứ còn có cơ hội thay đổi. Nhưng bây giờ thì đã muộn, tôi nghĩ, anh ấy không thay đổi được. Cũng có thể có những điều không hay người ta sẽ chấp nhận được do tình yêu lớn quá. Hay, tình yêu của tôi với anh ấy không đủ lớn?

Chị nói vậy cũng có nghĩa là chị cũng muốn anh ta thay đổi. Vậy, dù đã ra đi, chị có lúc vẫn muốn quay trở lại để làm lại?

Nghĩ về sự quay lại, thì cũng có lúc như thế đấy. Chỉ tiếc một điều nó như bát nước đổ đi rồi và đi thì dễ, về thì khó. Dù mất một thời gian rất dài, rất lâu tôi không quên được mối tình đầu này và không đến với ai cả. Tôi đã từng hy vọng anh thay đổi, đúng vậy.

Nhưng rồi tôi thấy câu nói của một ai đó như thế này rất đúng: nếu bạn không muốn thất vọng về một điều gì đó thì đừng hy vọng ở nó nữa. Tôi muốn, rất muốn nhưng không phải cứ muốn là làm được. Tôi tập nói “không” với vấn đề này.

Thôi thì số phận đã vậy rồi, chấp nhận và cảm ơn nó. Nên tôi không chọn quay lại mà chọn ngoảnh lại. Ngoảnh lại để luôn là những người bạn tốt. Thực tế, sau khi chia tay chúng tôi là bạn và cùng chăm sóc con cái rất tốt. Điều đó liệu có được nếu cứ sống cùng nhau như xưa?

Vậy với cuộc ra đi hơn 20 năm rồi, với cuộc hôn nhân này, có điều gì làm chị cảm thấy hối tiếc không?

Có đôi khi. Hối tiếc về một cuộc tình không trọn vẹn, không cùng nhau đi đến cuối con đường. Dù luôn cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn, nhưng ngoảnh lại để thấy giá mà mọi thứ hoàn hảo hơn.

Nhưng thôi, nếu không có trải nghiệm của một cuộc gãy đổ, thì sẽ đâu thấy cuộc sống có muôn màu thú vị. Xét cho cùng, ước muốn chung của con người luôn được là chính mình, thì tôi đã được như vậy.

Sự thay đổi hoàn hảo

Vậy cũng có thể hiểu, chị vào Nam là do không còn sự lựa chọn nào khác?

Lúc đó mọi việc đã xong xuôi vì chúng tôi đã chia tay. Ba tôi là dân tập kết nên vẫn có nhà trong này, tôi không phải Nam tiến để tìm một cái gì mới mẻ hay phải lựa chọn một điều gì mới cho mình mà đơn giản chỉ là một sự thay đổi môi trường.

Thực lòng tôi cũng tính sẽ dừng chân ở Hà Nội, có một việc để làm vì mục tiêu của tôi là ổn định cuộc sống, nhưng nghĩ, vào Nam mình có gia đình mình, sao lại không vào? Tôi quyết định cũng rất nhanh, và lên đường cùng với con gái nhỏ. Còn cậu con trai, tạm để lại Hà Nội với đằng nội.

Câu chuyện thăng bằng với nơi đến mới ra sao, trong khi chị đang trong tâm trạng của một cô giáo thất nghiệp và một người phụ nữ thất bại trong hôn nhân?

Tôi phải nói lời tri ân với Sài Gòn, nơi chứa được những tâm hồn cô đơn nhất và cho con người ta cách nhập cuộc. Tôi được làm nhiều, được học nhiều và không có thời gian để sống với nỗi day dứt của mình. Ban ngày tôi đi làm ở trung tâm Thông tin triển lãm thành phố rồi phụ trách người mẫu ở nhà hát Hòa Bình. Thiếu người mẫu, tôi nhảy ra diễn luôn. Có ngày làm đến 16 giờ tôi vẫn thấy thích thú.

Còn ban đêm tôi học thêm vi tính và Anh văn. Thấy mình thiếu gì thì học nấy, tôi không bao giờ ngại học, chỉ ngại mình dốt thôi. Tôi học ngoại ngữ từ việc mê văn chương, thích đọc các tác phẩm văn học nước ngoài bằng nguyên tác. Phần nữa tôi cũng sớm nhìn ra cái lợi của ngoại ngữ ở một thành phố tốc độ phát triển nhanh như Sài Gòn. Và cứ thế, công việc đã làm tôi lấy lại thăng bằng rất nhanh.

Và rồi một cô giáo “đoan trang”, một người phụ nữ thích an phận “bỗng dưng” thành người mẫu nổi tiếng, chiếm lĩnh trong các bộ ảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia về đề tài sắc đẹp Việt Nam…

Nếu nhìn nhận, tôi nghĩ nó như một ngọn lửa từ bên trong, chờ lúc nó cháy ra, dù cho đến lúc này tôi vẫn khẳng định nghề người mẫu với tôi chỉ là nghề tay trái. Hồi bé tôi là người điệu đàng, lại mơ mộng, nhạy cảm theo kiểu dân học chuyên văn. Nên việc đến với nghệ thuật cũng là một lẽ bình thường. Nó không đến nỗi trái khoáy vì một cô giáo dạy văn cũng đâu có cứng nhắc lắm để mà không trình diễn được. Nghĩ thế nên tôi đi trên sàn một cách tự nhiên, thanh thản.

Cũng có thể hiểu nó như một duyên cớ. Khi hai nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan và Dương Minh Long làm một loạt ảnh trên báo Người Lao Động, cũng là lúc cái tên Thủy Hương ở lĩnh vực nghệ thuật bắt đầu định hình. Rồi chị Minh Hạnh mời tôi làm người mẫu áo dài cho chị. Và thế rồi mọi thứ cuốn tôi đi…

Sự “lôi kéo” của nghệ thuật với một nhan sắc, vinh quang có nhưng phiền toái không thể nói là không. Chị có ý thức rằng theo nó, mình sẽ chấp nhận một sự trả giá để tuổi trẻ mình có cái mà giữ lại?

Tôi không bị phiền toái gì với nghệ thuật cả. Tôi biết, người mẫu tuy mang lại những hào quang, nhưng nó chưa phải là một nghề. Tôi không chỉ trình diễn mà tham gia quá trình sáng tạo trong các dự án nghệ thuật. Rồi tôi có những dự án kinh doanh của mình.

Còn sự nổi tiếng, có chăng thì như một lẽ tự nhiên, đừng nghĩ nặng nề hóa nó bằng việc đánh đổi hay trả giá gì cả. Tôi hoạt động nghệ thuật như một lẽ bình thường, một công việc bình thường của một người bình thường. Và nếu chăng, thì tôi là người may mắn khi không phải đánh đổi hay trả giá như anh đề cập?

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

(Trích sách 'Thân phận và Hào quang' của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phá tổ chức sản xuất và buôn bán ma túy lớn nhất nước


SƠN BÌNH - HẢI HIẾU

TTO - Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) vừa phá một chuyên án ma túy mà theo đánh giá của Ban giám đốc Công an TP.HCM là đường dây tổ chức, sản xuất, mua bán thuốc lắc lớn nhất cả nước từ trước đến nay.

Chiều 1-6, Công an Q.Bình Thạnh cho biết đã phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan, phá chuyên án ma túy do Trần Ngọc Hiếu (còn gọi Hoàng béo, 36 tuổi, ngụ TP.Hà Nội, tạm trú Q.1 TP.HCM) cầm đầu.

Theo Công an Q.Bình Thạnh, khoảng tháng 3-2016, qua công tác trinh sát nắm địa bàn, công an phát hiện một loại thuốc lắc mới (một dạng ma túy tổng hợp) xuất hiện trên thị trường.

Tiến hành điều tra, công an xác định nguồn ma túy là từ Nguyễn Văn Sơn (34 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng, tạm trú Q.10) bán ra. Sơn thuê khách sạn trên địa bàn Q.Bình Thạnh làm nơi lưu trú để mua bán lẻ thuốc lắc.

Làm rõ nguồn ma túy của Sơn, trinh sát phát hiện đường dây “cấp trên” của Sơn có quy mô mua bán đến hàng chục ngàn viên thuốc lắc.


Nhận định đây là đường dây mua bán ma túy cực lớn, tháng 5-2016, Công an Q.Bình Thạnh xin chỉ đạo lập chuyên án 516E nhằm làm rõ quy mô, tổ chức của đường dây tội phạm này.

Sản xuất, mua bán chuyên nghiệp

Ban chuyên án phát hiện đây không phải là một tổ chức ma túy đơn thuần mà là một tổ chức khép kín từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ do “ông trùm” Trần Ngọc Hiếu cầm đầu.

Đường dây tổ chức chặt chẽ, có yếu tố nước ngoài, khép kín từ mua nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển đến mua bán với những phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, có sử dụng hệ thống công nghệ, máy móc tự động mà cơ quan chức năng rất khó phát hiện.

Cụ thể, Hiếu không trực tiếp tham gia bất kì khâu nào mà chỉ điều hành toàn bộ đường dây qua mạng xã hội và quản lý từ xa bằng hệ thống camera quan sát 24/24.

Thỉnh thoảng Hiếu đến các xưởng sản xuất ma túy tại nhiều điểm trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai để kiểm tra tiến độ vận hành máy móc trước khi đưa vào sản xuất chính thức.

Tổ chức này không đặt xưởng sản xuất cố định mà di chuyển liên tục sau mỗi “mẻ” ma túy, lô hàng thuốc lắc được sản xuất ra để tránh động.

Nơi sản xuất ma túy luôn có địa hình hẻo lánh, dễ phát hiện người lạ. Các xưởng sản xuất và kho hóa chất thường không đặt chung một chỗ mà luôn được đặt cách xa nhau hàng chục km.

Cách thức vận chuyển cũng hết sức tinh vi, thường thì trong mỗi lần di chuyển kho xưởng và ma túy, băng nhóm sẽ đi từ 2-3 ôtô. Trong đó, một xe đi trước dò đường, tránh công an để cho các xe chở hàng phía sau. Nhằm đánh lạc hướng các trinh sát, các xe thường đổi hàng cho nhau ở giữa đường cao tốc.

Ngoài ra, việc vứt rác thải sau sản xuất cũng được tiến hành cẩn trọng. Băng nhóm thường bỏ rác, bao bì hóa chất dùng trong sản xuất thuốc lắc trên các xe bán tải rồi chở đi đổ tại các điểm vắng người lúc nửa đêm.

Vị trí đổ rác cũng thay đổi liên tục, khi thì bãi rác, lúc thì giữa sông hay ruộng vườn hẻo lánh ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp…

Quản lý từ xa

Hiếu sử dụng Nguyễn Đức Kỳ Nam (anh họ, 49 tuổi, ngụ TP Hà Nội, tạm trú Q.9) làm người trực tiếp sản xuất ma túy, giữ vai trò quan trọng trong tổ chức.

Nam là kỹ sư cơ khí, có hiểu biết về hóa chất. Nam là người trực tiếp sản xuất, điều chế ma túy ra “bán thành phẩm”, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ quản lý các xưởng sản xuất ma túy.

Trong quá trình sản xuất, Hiếu quan sát theo dõi và quản lý từ xa qua hệ thống camera trong xưởng. Nhờ đó “ông trùm” này giám sát rất sát sao từng viên thuốc lắc ra lò, không để thất thoát, đồng thời tránh để “đàn em” lén đem thuốc ra ngoài bán.

Hỗ trợ cho Nam còn có Lê Văn Mang (30 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau). Sau khi lượng ma túy “bán thành phẩm” được Nam sản xuất thành dạng bột, Mang vận chuyển về một số căn nhà, biệt thự trên địa bàn TP.HCM để tẩy sạch, sấy khô.

Mang đồng thời hỗ trợ Nam lái xe chở đồ trong suốt quá trình di dời xưởng và sản xuất ma túy.

Sấy khô xong, Mang tiếp tục chuyển hàng về cho Phạm Bảo Quân (34 tuổi, ngụ TP Hà Nội, tạm trú Q.1) để dập thành từng viên và đóng gói thành phẩm. Tại đây, thuốc lắc sẽ được ngụy trang dưới dạng những gói cà phê có trọng lượng 1kg.

Cuối cùng, số thuốc lắc thành phẩm được chuyển về nhà của Hiếu tại Q.1 cất giữ. Hiếu có bạn gái là Vũ Hoàng Anh Ngọc (còn gọi Miu, 23 tuổi, ngụ Q.3). Tại nhà của Ngọc cũng thường xuyên cất giữ 10.000-15.000 viên thuốc lắc để tiện bán sỉ và lẻ cho khách hàng.

Việc giao dịch với khách hàng tại TP.HCM do Nguyễn Thu Huyền (29 tuổi, ngụ TP Hà Nội, tạm trú Q.10) phụ trách. Khi có khách đặt mua hàng, Huyền báo lại cho “ông trùm” Hiếu để xuất hàng.

Số hàng này sẽ giao lại cho Nguyễn Đắc Huy (còn gọi Tin, 29 tuổi, ngụ TP Hà Nội, tạm trú Q.10) trực tiếp đi giao cho khách.

Huy chỉ phụ trách nhiệm vụ giao hàng, ngoài ra không hề biết bất kì thông tin gì liên quan đến đường dây. Khi giao hàng xong, Huy không nhận tiền mà số tiền được chuyển khoản hoặc giao trực tiếp cho Huyền, Huyền nhận và giao tiền cho Hiếu.

Tương tự Huyền, một “chân rết” khác là Lê Hương Giang (29 tuổi, ngụ TP Hà Nội) sẽ phụ trách giao dịch tại khu vực phía Bắc.

Hiếu sử dụng Nguyễn Bá Thành (anh họ, 43 tuổi, ngụ TP Hà Nội) để mua các hóa chất từ Hà Nội chuyển vào TP.HCM giao cho Hiếu. Hóa chất sẽ được vận chuyển bằng xe tải qua đường bộ từ Bắc vào Nam.

Hiếu chỉ tin dùng những người trong gia đình và người quen để phân nhiệm vụ. Nhờ đó, hoạt động đường dây theo tổ chức phối hợp nhịp nhàng ăn ý và đảm bảo an toàn, bí mật.

Thuốc lắc thường được vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội trong các vali. Mỗi vali chứa khoảng hơn 50kg (1kg khoảng 5.000 viên).

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, tổ chức này đã cho ra lò 4 mẻ thuốc lắc tại nhiều xưởng khác nhau với tổng số lượng lên đến gần 300kg ma túy.


Hành trình phá án

Để phá án thành công, Ban chuyên án chia thành hai giai đoạn, các trinh sát phải vất vả suốt gần một năm ròng rã, giám sát 24/24 các đối tượng. 

Giai đoạn 1 (tháng 5 đến tháng 12-2016) là “cắt” đường dây sản xuất, mua bán ma túy của Sơn, được xem là đường dây “cấp dưới” của Hiếu.

Theo đó, khoảng 23h30 ngày 17-12-2016, các trinh sát phát hiện Sơn điều khiển ôtô trên đường đi giao ma túy. Xe đi đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) thì bị lực lượng công an chặn bắt quả tang và thu giữ gần 100 viên thuốc lắc.

Qua khai thác Sơn, lực lượng công an tiếp tục khám xét kho xưởng sản xuất ma túy trong băng nhóm của Sơn trên địa bàn TP.HCM, thu giữ thêm rất nhiều ma túy và tang vật liên quan. Sơn cùng 4 đồng phạm liên quan bị bắt khẩn cấp một cách bí mật khiến đường dây “cấp trên” của “ông trùm” Hiếu không biết.

Giai đoạn 2 (tháng 12-2016 đến tháng 4-2017), Ban chuyên án chuẩn bị rất đông lực lượng mật phục, quyết tâm tóm trọn băng nhóm của “ông trùm” Hiếu.

Ngày 5-4, được tin Hiếu mua vé máy bay vào TP.HCM, tất cả lực lượng nhận lệnh tập trung để phá án nhưng đến phút cuối, Hiếu thay đổi kế hoạch, không bay vào như dự kiến.

Khoảng 15h ngày 6-4, các trinh sát phát hiện Quân đang chuẩn bị vận chuyển hàng về kho trên địa bàn Q.7 thì bị công an bắt quả tang.

Qua khai thác, Quân khai nhận toàn bộ sự việc. Cùng lúc đó, khoảng 15h15 cùng ngày, tại sân bay Tân Sơn Nhất, một tổ trinh sát đón bắt “ông trùm” Hiếu khi vừa bước xuống máy bay.

Ban chuyên án đồng loạt khám xét tại 13 điểm, bao gồm xưởng sản xuất ma túy và nhà ở của đồng phạm với Hiếu tại TP.HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa và TP Hà Nội để bắt giữ những người liên quan.

Ban chuyên án đã bắt 15 đối tượng. Với những chứng cứ thuyết phục, các đối tượng đều cúi đầu nhận tội.

Số tang vật ma túy được thu giữ trong chuyên án này là hơn 200kg thuốc lắc, 35kg ma túy “đá”. Ngoài ra, công an còn thu giữ hơn 10 tỉ đồng, 7 chiếc xe (trong đó có 1 siêu xe trị giá khoảng 25 tỉ đồng) cùng hàng chục trang thiết bị, máy móc, hóa chất dùng trong sản xuất thuốc lắc và nhiều tang vật liên quan...

Ông trùm Trần Ngọc Hiếu là ai?

Trần  Ngọc Hiếu tên thật là Văn Kính Dương, từng có tiền án 6 năm tù giam về tội tàng trữ trái phép chất ma túy vào năm 2008 tại tỉnh Thanh Hóa. Không lâu sau đó, Dương đã trốn trại và bị phát lệnh truy nã.

Dương biết bị truy nã nên đã làm giả giấy tờ, đổi tên thành Trần Ngọc Hiếu. Trở về con đường cũ, Dương móc nối các đường dây và tự lập ra những xưởng riêng, chuyên sản xuất thuốc lắc và cung ứng, mua bán ma túy cho các chân rết khác với quy mô cực lớn.







Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cố tình "làm khó" báo chí có thể bị cách chức


PHAN ANH thực hiện
(NLĐO) - Người cung cấp thông tin sai thì phải chịu trách nhiêm chứ không phải nhà báo và cơ quan báo chí

Sáng 1-6, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông, về việc thực hiện Nghị định 09/2017 ngày 9-2-2017 quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Nghị định 09 có hiệu từ ngày 30-3-2017.

Phóng viên: Thưa ông, UBND TP HCM có quy định ít nhất 3 tháng 1 lần tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí. Thế nhưng hiện nay, nhiều đơn vị không thực hiện và không bị chế tài. Vậy có ổn?

Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại: Tất nhiên sẽ bị chế tài về mặt công vụ, anh làm không tốt thì sẽ bị xử lý bình thường. Luật đã quy định việc cung cấp thông tin cho báo chí là trách nhiệm công vụ của cơ quan nhà nước. Nếu đơn vị nào không thực hiện thì chịu trách nhiệm về mặt hành chính. Phóng viên có tin rất hay mà không đưa. Đó là sở A, sở B 3 tháng không tổ chức họp báo. Nếu có việc này thì giám đốc mấy sở đó sẽ bị chế tài, xử lý, phê bình. Bởi vì báo chí không đưa tin, phản ánh nên người ta không biết để chế tài.

Ông có thể nói rõ hơn chế tài như thế nào?

Chế tài đó là xử lý kỷ luật. Chế tài nặng nhất là người đứng đầu đơn vị đó sẽ bị cách chức, nhẹ thì phê bình. Chế tài theo quy định pháp luật nó là như thế.

Cụ thể trường hợp nào bị cách chức, thưa ông?

Đó là cố tình không thực hiện theo Nghị định 09 - tức không thực hiện quy định của pháp luật, yêu cầu làm mà anh không làm, nhắc rồi không làm.

Nếu có đơn vị nào đó từ chối phát ngôn trái luật, báo chí nên đưa thông tin. Mức độ chế tài sẽ tùy trường hợp cụ thể mà xử lý đúng người, đúng tội. Đơn vị nào cố tình 1 lần thì nhắc nhở, phê bình, lần thứ 2 thứ 3 và chây ì không làm thì xử thôi. Vấn đề là báo chí mình trước giờ ít giám sát chuyện này. Đơn vị nào không thực hiện theo Nghị định 09 thì sẽ xử lý.

Trường hợp phóng viên gọi điện, nhắn tin trong giờ hành chính nhưng không được cơ quan chức năng hồi âm, "rơi vào im lặng"?

Nếu gặp trường hợp này, phóng viên đến trực tiếp văn phòng đơn vị đó đăng ký làm việc. Lúc đó, xem đơn vị đó xử lý như thế nào. Lúc bấy giờ người ta không tiếp mình mới xử lý, chứ nhiều khi gọi điện người ta nói nghẽn mạng là thua rồi, quên điện thoại ở nhà cũng thua.

Khi người phát ngôn hoặc người cung cấp thông tin sai, báo chí đưa thông tin đó lên mặt báo thì báo chí có phải chịu trách nhiệm không?

Báo chí không phải chịu trách nhiệm nếu đăng đúng lời người phát ngôn hoặc người cung cấp thông tin. Người nào cung cấp thông tin sai thì người đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải nhà báo. Nhà báo có ghi âm, ghi hình, nói đúng tinh thần như người cung cấp thông tin thì không phải chịu trách nhiệm.
***

Đừng ngại gặp gỡ báo chí

Người phát ngôn của UBND TP HCM, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, khẳng định ở một TP hơn 10 triệu dân như TP HCM, chính quyền TP làm tốt công tác báo chí tức là đã chủ động làm tốt công tác định hướng dư luận, nhiều vấn đề nóng của TP nhờ kênh thông tin báo chí để làm cho người dân hiểu hơn, thấy rõ hơn trách nhiệm của người dân TP trong việc xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ông Hoan cũng cho rằng các cơ quan nhà nước đừng ngại gặp gỡ, tiếp xúc với báo chí, mà phải gặp gỡ thường xuyên như là một người bạn của các cơ quan nhà nước, như là cánh tay nối dài để hệ thống chính quyền TP đưa những thông tin của TP đến với người dân. "Từ đó chúng ta hiểu được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, những băn khoăn vướng mắc của nhân dân TP để chúng ta có những giải pháp khắc phục tốt hơn, để mọi người dân TP ngày càng có cuộc sống tốt hơn"- ông Hoan nói.

N.Phan

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thông cáo chung về đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam


(Do Tòa Bạch Ốc gởi ra)
01/06/2017 - Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả của các cuộc đối thoại thẳng thắn, xây dựng về nhân quyền, đặc biệt là đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 21 vừa diễn ra tại Hà Nội vào Tháng Năm, nhằm thu hẹp khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm hồi hương những người Việt Nam có lệnh trục xuất, dựa trên Hiệp Ước Mỹ-Việt năm 2008, chấp nhận hồi hương công dân Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thành lập nhóm làm việc để trao đổi về vấn đề này.

Tổng Thống Donald Trump đón Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc
tại Tòa Bạch Ốc (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images).
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc hôm nay (31 Tháng Năm), để đưa ra một nghị trình cho quan hệ Mỹ-Việt, tạo ra động lực tích cực cho hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Là một cường quốc Thái Bình Dương, với quyền lợi trải rộng và cam kết khắp Châu Á-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ chia sẻ nhiều quyền lợi quan trọng với Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng có nhiều cơ hội phía trước trong quan hệ Mỹ-Việt, bao gồm gia tăng quan hệ chính trị, kỹ thuật, quốc phòng và an ninh, giáo dục, trao đổi giữa người dân hai nước, nhân đạo, và các vấn đề di sản chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên quan tâm. Hai nhà lãnh đạo quyết tâm theo đuổi các cơ hội này, theo tinh thần đối tác toàn diện, dựa trên sự tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật quốc tế, sự độc lập của nhau, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và hệ thống chính trị của mỗi bên.

Hai phía cũng hứa sẽ tiếp tục liên lạc cấp cao và trao đổi các phái đoàn, bao gồm qua các đối thoại thường xuyên giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Việt Nam để thảo luận các phương cách gia tăng đối tác toàn diện. Hai nhà lãnh đạo cũng quyết tâm gia tăng hình thức đối thoại hiện nay, bao gồm liên lạc giữa hai phía. Tổng thống Trump bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Việt Nam trong việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, và cho biết ông mong đợi thăm Việt Nam và dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC vào Tháng Mười Một.

Hai nhà lãnh đạo hứa đẩy mạnh lợi ích song phương và gia tăng quan hệ kinh tế mạnh hơn bao giờ hết để mang lại thịnh vượng cho cả hai quốc gia. Họ cũng nhấn mạnh sự ủng hộ cho hợp tác phát triển đang tiếp tục. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận rằng Việt Nam sẽ theo đuổi liên tục chính sách cải tổ kinh tế và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty ngoại quốc, bao gồm các công ty Mỹ, để làm ăn và đầu tư tại Việt Nam; bảo vệ và thực hiện sở hữu trí tuệ; và thực hiện luật lao động đúng với lời hứa của Việt Nam với quốc tế.



Hai quốc gia cũng xác định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh thương mại song phương và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của cả hai phía, nhất là qua cách sử dụng hiệu quả Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư để giải quyết các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Việt với phong cách xây dựng. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ giải pháp liên quan đến nhiều ưu tiên trong các vấn đề thương mại, bao gồm dịch vụ chuyển vùng (roaming) điện thoại di động và thuốc thú y, và họ cũng cam kết tiếp tục làm việc cùng nhau một cách xây dựng để tìm giải pháp cho các vấn đề ưu tiên khác của mỗi quốc gia, bao gồm sở hữu trí tuệ, dịch vụ quảng cáo và tài chánh, sản phẩm an ninh thông tin, nội tạng trắng (lòng heo, bò), bột bã ngô, cá da trơn, tôm, xoài, và các vấn đề khác. Phía Hoa Kỳ ghi nhận quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường và hai bên đồng ý tiếp tục tham khảo một cách hợp tác và toàn diện thông qua việc đẩy mạnh nhóm làm việc song phương. Hai bên hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá hơn $8 tỷ.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý tăng cường quan hệ quốc phòng song phương trên cơ sở bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về quyết định vừa qua của Chính phủ Hoa Kỳ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các biện pháp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như hợp tác nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh và an ninh biển. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về chuyện hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có thể thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc ký bản ghi nhớ về việc thành lập nhóm làm việc liên quan đến sáng kiến hợp tác lưu trữ sản phẩm y tế và hợp tác nhân đạo và đồng ý sẽ mau chóng triển khai thỏa thuận này.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý tăng cường hợp tác an ninh và tình báo. Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết hợp tác chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm trên mạng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và mong muốn Hoa Kỳ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, trong đó có việc cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ sự tham gia của binh sĩ Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Hai nhà lãnh đạo đồng ý mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, không gian, đổi mới sáng tạo. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ đối với hiệp định khung về hợp tác sử dụng khoảng không trong không gian vì mục đích hòa bình, cũng như các cuộc trao đổi song phương và các diễn đàn về khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự phát triển của mối quan hệ giữa người dân hai nước, đặc biệt thông qua các chương trình trao đổi học thuật và chuyên môn. Hai bên ghi nhận sự đóng góp quan trọng đối với quan hệ hai nước của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ và gần 4,000 cựu sinh viên trong các chương trình trao đổi giáo dục. Hai bên cũng cho rằng, với hơn 21,000 sinh viên Việt Nam đang học trong các đại học tại Hoa Kỳ, mối quan hệ học thuật giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ và sẽ được gia tăng qua việc Việt Nam hỗ trợ khai trương Trường đại học Fulbright tại Sài Gòn. Phía Hoa Kỳ hoan nghênh ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam tới học tại Hoa Kỳ và duy trì cam kết cấp visa nhanh chóng, bao gồm visa cho sinh viên, dựa theo luật pháp Hoa Kỳ. Hai bên cũng hoan nghênh việc thành lập chương trình Đoàn Hòa bình (Peace Corps) để gia tăng việc học tiếng Anh tại Việt Nam.

Hai bên cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có rà phá bom mìn, tẩy chất độc dioxin; ghi nhận những tiến triển trong hợp tác tẩy chất độc tại phi trường Đà Nẵng, cũng như sẽ thảo luận về các bước phối hợp tiếp theo về việc tẩy chất độc tại phi trường Biên Hòa. Tổng thống Trump đánh giá cao sự hợp tác liên tục của Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo nhằm tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, và cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm tin tức của bộ đội Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm hồi hương những người Việt Nam có lệnh trục xuất, dựa trên Hiệp Ước Mỹ-Việt năm 2008, chấp nhận hồi hương công dân Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ thành lập nhóm làm việc để trao đổi về vấn đề này.

Hai bên đồng ý cùng nhau tích cực làm việc để hoàn tất thỏa thuận về việc chọn vị trí đất phù hợp và thỏa thuận thuê đất đối với trụ sở mới của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam mua trụ sở mới cho các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Tổng Thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh kết quả của các cuộc đối thoại thẳng thắn, xây dựng về nhân quyền, đặc biệt là đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 21 vừa diễn ra tại Hà Nội vào Tháng Năm, nhằm thu hẹp khác biệt và tiếp tục xây dựng lòng tin. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật, được hưởng đầy đủ quyền con người. Hoa Kỳ hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền cho mọi người dân.

Trong các vấn đề khu vực, hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại đối với các vụ thử nguyên tử và hỏa tiễn của Bắc Hàn, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc phi nguyên tử hóa trên bán đảo Triều Tiên, và thúc giục tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Biển Đông là tuyến đường hàng hải có tầm quan trọng chiến lược đối với cộng đồng quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác; bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đồng thời kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ pháp lý quốc tế trong tiến trình giải quyết tranh chấp. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kềm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tổng thống Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay di chuyển và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Hai bên khẳng định tiếp tục thực hiện các nguyên tắc chung mà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã đồng thuận, thúc đẩy các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, ủng hộ các nỗ lực chung xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ; ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Hai nước cam kết tiếp tục hợp tác nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có bảo vệ môi trường, y tế toàn cầu, an ninh y tế toàn cầu, chống buôn bán người và động vật hoang dã. Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam xây dựng một phòng thí nghiệm quốc gia để tăng cường năng lực phát hiện nguy cơ các bệnh mới xuất hiện trong khu vực. Hai nước khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA) nhằm ngăn ngừa, phát hiện và đối phó với các đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm. Hai nước cũng khẳng định quan hệ đối tác lâu dài trong khuôn khổ kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống về phòng, chống HIV/AIDS. Với tư cách là đối tác phát triển của Ủy hội Mekong, và là thành viên sáng lập của Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong, Hoa Kỳ tái khẳng định ủng hộ hợp tác giữa các thành viên của Ủy hội, cũng như giữa các thành viên Ủy hội với các cơ chế khu vực khác trong việc sử dụng, quản trị, và phát triển hiệu quả, bền vững các nguồn nước xuyên biên giới. Hoa Kỳ khẳng định hỗ trợ Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng cụ thể.

Hai nhà lãnh đạo đã mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ đối tác toàn diện được gia tăng; đồng ý thúc đẩy mối quan hệ này sâu hơn, thực chất hơn, và hiệu quả hơn, vì lợi ích của người dân hai nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Đ.D.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/thong-cao-chung-ve-doi-tac-toan-dien-giua-va-viet-nam/


Phần nhận xét hiển thị trên trang