Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Sang 2017: Gom tiền mua ô tô đại hạ giá 01/01/2017


 Chưa có khi nào thị trường ô tô lại giảm giá liên tục và giảm giá sâu như hiện nay. Nhiều mẫu xe giá giảm cả trăm triệu đồng, báo hiệu thời kỳ đại hạ giá xe đã đến.
Giá giảm chóng mặt, kéo dài cả năm
Ngay từ giữa tháng 2/2016, tức là sau Tết nguyên đán Bính Thân, giá nhiều mẫu ô tô thuộc phân khúc bình dân, có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, đã giảm cả chục triệu đồng. Các mẫu xe như Toyota Vios, Yaris, Hyundai i10, Kia Morning, Ford Fiesta,... giảm từ 15-30 triệu đồng so với giá công bố.
Từ tháng 3 kéo dài đến tháng 6, hầu hết mọi mẫu xe thuộc phân khúc bình dân, có dung tích xi lanh từ 2.5L trở xuống, tiếp tục rủ nhau giảm đồng loạt.
Cụ thể, Hyundai Accent và i20 Active giảm giá tới 30 triệu đồng/xe. Hyundai i10 cũng được các đại lý đang giảm giá cho khách hàng thêm khoảng 10-15 triệu đồng/xe. Kia Morning cũng giảm thêm 15 triệu đồng nữa. Cùng với đó, các mẫu Chevrlet Spark, Honda City, Ford Fiesta, Eco Sport,... cũng có giá bán thấp hơn giá công bố từ 15 đến 40 triệu đồng.
Sang 2017: Gom tiền mua ô tô đại hạ giá
Các mẫu xe mới cũng giảm giá mạnh khiến người mua choáng váng (ảnh Lê Anh Dũng)
Những mẫu xe có dung tích xi lanh trên 1.5L như Toyota Altis, Camry, Ford Focus, Mazda 3, Mazda 6,... không thuộc diện được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm giá mạnh cho khách hàng từ 30-50 triệu đồng.
Theo tính toán, với mức giảm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt, thì từ 1/7, giá những mẫu xe này có thể bớt 500-1.000 USD/xe tùy loại. Nhưng mới tới tháng 5, mức giảm trên thị trường đã tương đương, thậm chí một số mẫu còn giảm sâu hơn. Mẫu giảm mạnh nhất là Ford Focus Ecoobst 1.5L, giá công bố là 899 triệu nhưng vào tháng 3/2016 các đại lý bán xe đã giảm giá bán tới 100 triệu đồng.
Từ ngày 1/7, thị trường ô tô bước vào giai đoạn giảm giá sâu. Các doanh nghiệp phá giá cạnh tranh, khiến nhiều mẫu xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.5L giảm cả trăm triệu đồng.
Toyota Việt Nam đã giảm giá mạnh với mẫu xe Altis, tới 59 triệu đồng với bản 2.0AT (còn 933 triệu đồng); giảm 48 triệu với bản 1.8MT (còn 747 triệu đồng) và 51 triệu với bản 1.8AT (còn 797 triệu đồng). Tuy nhiên, trên thị trường giá bán còn giảm mạnh hơn. Các đại lý của Toyota Việt Nam tiếp tục giảm giá cho 3 phiên bản của mẫu này từ 25-30 triệu đồng nữa. Tính ra, mua xe Altis khách hàng được giảm từ 70-90 triệu đồng.
Tương tự, mẫu xe Camry dù Toyota Việt Nam không giảm giá bán, thì các đại lý cũng bớt tới 60 triệu đồng cho 2 phiên bản động cơ 2.5L và 50 triệu đồng cho phiên bản động cơ 2.0L.
Với mẫu Focus 1.5L Ecoboost giá tiếp tục giảm rất mạnh, vào giữa tháng 7 còn 760 triệu đồng, tức là giảm tới 139 triệu so với giá công bố.
Sang tháng 8, trùng với thời điểm tháng ngâu, nhu cầu về ô tô thấp nên một số thương hiệu như Mazda, Kia, Hyundai, Ford,... lại tiếp tục giảm giá, tung các chương trình khuyến mãi để thu hút khách mua xe, tuy nhiên mức giảm không nhiều.
Tiếp đến tháng 11, các doanh nghiệp lại mạnh tay hạ giá xe một lần nữa, một số mẫu xe sau khi đã giảm cả trăm triệu nay tiếp tục giảm 30-40 triệu đồng, tùy mẫu.
Sang tháng 12 lại hạ giá, khuyến mãi nữa. Tính đến giữa tháng 12, nhiều mẫu xe trong năm 2016 đã giảm giá từ 100-170 triệu đồng. Chẳng hạn, các mẫu xe Camry phiên bản cũ giá giảm từ 120-150 triệu đồng, Mazda 6 giảm 170 triệu đồng, Kia Optima giảm 130 triệu đồng,... Toyota Altis giảm 80-100 triệu đồng. Những mẫu xe nhỏ hơn như Ford Eco Sport, Fiesta, Toyota Vios,... giá cũng giảm từ 40-80 triệu đồng, tùy mẫu.
Sang 2017: Gom tiền mua ô tô đại hạ giá
Năm 2017 sẽ có nhiều mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam
Động lực giảm giá: Xe nhập?
Một số doanh nghiệp ô tô cho biết, chiến lược của họ hiện nay là lấy doanh số bù lợi nhuận, vì thế khi quy mô sản xuất càng tăng, doanh nghiệp càng có cơ sở giảm giá bán. Giá xe giảm, doanh số tăng, sẽ thúc đẩy sản xuất tăng hơn nữa.
Còn theo các đại lý, họ phải giảm giá bán nhiều mẫu xe xuống thấp hơn giá công bố hàng chục triệu đồng là do đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong việc giành và giữ thị phần. Bên cạnh đó là nhờ được "bật đèn xanh" từ nhà cung cấp, với lời hứa sẽ thưởng nếu đạt doanh số bán cao.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho biết giá xe giảm là do từ 1/1/2017 sẽ thực hiện tiêu chuẩn khí thải Euro 4, nhiều sản phẩm mới ra đời, vì vậy các DN vội vã bán nhanh phiên bản cũ.
Bên cạnh đó, cũng từ năm 2017 thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống mức 30%. Vì vậy càng gần đến thời điểm này, các DN phải đại hạ giá để kích cầu, thu hút khách hàng và chuẩn bị cạnh tranh với xe nhập. Theo ý kiến từ giới chuyên môn, với thuế suất thuế nhập khẩu từ ASEAN về giảm còn 30% thì giá xe nhập khẩu nguyên chiếc đã gần "ngang ngửa" giá xe lắp ráp trong nước.
Một số ý kiến không tin xe nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam, bởi bị kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới, vì vậy giá khó giảm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại cho rằng, khó có thể ngăn cản xe nhập khẩu chính hãng của các DN như Toyota, Honda, Ford,... từ Thái Lan, Indonesia. Bởi, một số mẫu xe lắp ráp trong nước, có sản lượng lớn như Toyota Fortuner, Honda Civic từ 1/1/2017 cũng chuyển sang nhập khẩu.
Do vậy, năm 2017 sẽ có nhiều mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam hơn. Khi thuế suất giảm thì giá sẽ giảm và cạnh tranh với xe trong nước. Chỉ cần có giá bán ngang bằng xe lắp ráp trong nước, thì xe nhập khẩu đã chiếm lợi thế, vì vậy xe trong nước khó duy trì giá bán cao.
Trần Thủy
Phần nhận xét hiển thị trên trang

không còn đề cập đến nội dung cấm người mẫu, người đẹp đoạt danh hiệu chụp và phổ biến ảnh khỏa thân trên mạng viễn thông.

Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực đầu năm mới 2017

Dân trí Từ đầu năm 2017, hàng loạt chính sách quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh chính thức có hiệu lực như: Cho phép chuyển đổi giới tính; Tăng lương tối thiểu vùng; Quy định mới về lệ phí đăng ký, cấp biển ô tô, xe máy; Xử phạt xe không chính chủ…
 >> Infographics - Hôm nay (1/1/2017), lương tối thiểu tăng thêm từ 180.000 - 250.000 đồng

Thu lệ phí trước bạ ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống
Nghị định 140 về lệ phí trước bạ có hiệu lực từ 1/1/2017. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ 2% được áp dụng với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự. Riêng, ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%.
Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.
Với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%
Lệ phí cấp mới thẻ Căn cước công dân 30.000 đồng
Thông tư số 256 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân có hiệu lực từ 1/1/2017. Cụ thể, mức thu lệ phí cấp mới, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau: Công dân từ 16 tuổi trở lên làm thủ tục cấp mới thẻ Căn cước công dân; đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi; chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân, mức thu 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu, mức thu 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam mức phí 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.
Mức lương tối thiểu vùng
Từ ngày 1/1/2017, Nghị định số 153 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 như sau: Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-250.000 đồng/tháng.
Đối tượng áp dụng Nghị định 153 bao gồm: Người lao động làm việc có hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp…
Mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ 1/1/2017
Mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ 1/1/2017
Xử phạt xe không chính chủ
Từ ngày 1/1/2017, cảnh sát giao thông xử phạt xe không chính chủ theo điều 30 Nghị định 46. Cụ thể, cảnh sát giao thông phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình) khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông, hay qua công tác quản lý hồ sơ. Đối với ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, bị phạt từ 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng nếu vi phạm nỗi này.
Việc này áp dụng cả với diện “được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản”.
Bỏ quy định cấm người đẹp đoạt danh hiệu chụp ảnh khỏa thân
Từ ngày 1/1/2017, Thông tư 10/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch chính thức có hiệu lực. Thông tư 10 sửa đổi và bãi bỏ một số điều chưa hợp lý của Thông tư 01/2016. Cụ thể, trong thông tư 10 không còn đề cập đến nội dung cấm người mẫu, người đẹp đoạt danh hiệu chụp và phổ biến ảnh khỏa thân trên mạng viễn thông.
Cho phép chuyển đổi giới tính
Bộ Luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Điều 36 của Bộ Luật nêu rõ, cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Và việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Điều 37 của Bộ Luật cũng đề cập rõ việc chuyển đổi giới tính. Theo đó việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Quang Phong

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà nửa mái đậm chất Miền Nam



CafeLand – Lần đầu đặt chân đến đây bạn sẽ cảm nhận được không khí và nhiều kỷ niệm ẩn sâu bên trong một ngôi nhà đã có tuổi từ những năm đầu giải phóng đất nước (1975).
Chủ sở hữu là một cặp vợ chồng đã về hưu, nay muốn cải tạo lại ngôi nhà rộng rãi hơn để con cháu trong gia đình xum họp, tề tựu, đặc biệt là những dịp lễ, tết. Được biết ngôi nhà trước đây xây trên nền đất yếu và nằm trong khu dân cư dành cho cán bộ địa phương tại Vĩnh Long.
Thời gian dần trôi, thành phố càng ngày thay thế thị trấn, nhà mới cũng xuất hiện, bộ mặt nhà cũ cũng khoác vẻ mới nhưng ngôi nhà song lập này vẫn giữ lại hình thức ban đầu sau nhiều lần sửa chửa lại.
Phương án thiết kế: giữ lại một nữa phần mái và máng nước hiện có nhằm thể hiện tinh thần của một ngôi nhà đậm chất Miền Nam. Các cấu trúc cũ được xử lý theo cách mới, tái sử dụng lại, hệ khung thép có khoảng cách 5m đã tạo ra khoảng mở và cây xanh cũng được bố trí hợp lý trong ngoài.
Kiến trúc sư chia sẻ: Chúng tôi muốn giữ gìn giá trị văn hóa, tinh thần qua cách họ chia sẻ cảm xúc với nhau, với môi trường sống, cách họ quan tâm, chăn sóc lẫn nhau và cách họ mở cửa đón khách hay cách họ mở cửa trái tim, chúng tôi gọi đó là “Mở nhà, mở cửa trái tim”.
Vì ngân sách hạn chế nên hầu hết vật liệu, chậu hoa và đồ nội thất được tái sử dụng nhưng có một chút thay đổi trong cách bố trí hài hòa với không gian mới, trong đó, gạch hoa văn được làm sạch lại để ốp lát sàn phòng khách; mái ngói cũ của không gian cấp dưới dùng để trang trí trần khu vực bếp, phòng ăn; các khung cấu trúc tầng lửng và tấm ván thì tái sử dụng cho tầng trên và cuối cùng các thanh gỗ dài lâu năm dùng làm mái hắt hiên nhà.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

– HAI TÁC PHẨM QUAN TRỌNG CỦA DONALD TRUMP



FILE PHOTO: Republican U.S. presidential candidate Donald Trump poses for a photo after an interview with Reuters in his office in Trump Tower
Nguyễn Huy Vũ
Muốn biết những quan điểm về ngoại giao của Donald Trump, tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ, có lẽ những người bình luận nên đọc qua hai cuốn sách về chính sách công của ông, đó là cuốn “The America We Deserve” (Nước Mỹ Mà Chúng Ta Xứng Đáng Có) xuất bản tháng Giêng năm 2000 và “Time to Get Tough” (Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn) xuất bản tháng 12 năm 2011. Dù khen hay chê về các chính sách thì đó là hai cuốn sách về chính sách công đúng nghĩa, bàn về các vấn đề của nước Mỹ và các chính sách mà ông coi là có thể giải quyết nó, từ tội phạm tràn lan, đến chất lượng giáo dục, nợ công cao ngất ngưỡng cho đến quan điểm trong chính sách đối ngoại của ông. Lẽ dĩ nhiên, nếu không có thời gian thì có thể đọc tóm tắt điểm chính của các chương.
Dừng một chút để nói về văn hóa chính trị Mỹ đó là các chính trị gia, nhất là các ứng cử viên ra tranh cử tổng thổng, họ luôn có một ý niệm về các chính sách họ muốn triển khai nhằm giải quyết các vấn đề của đất nước, và đôi khi cũng để thu hút cử tri. Việc xuất bản các chính sách này thành những quyển sách nghiêm túc không những đóng góp vào hiểu biết chính trị của đại chúng mà còn là một kênh tương tác giữa những nhà lãnh đạo với thường dân, để cho người dân biết rằng những nhà lãnh đạo muốn dẫn dắt đất nước mình tới đâu. Đó là một văn hóa tốt mà những cá nhân muốn dấn thân vào con đường chính trị của Việt Nam cần học tập.
Hãy suy nghĩ khi mình ở vị trí lãnh đạo đâu là những quyết sách mình sẽ giải quyết, tìm các lời giải và chia sẻ với toàn dân.
Nhiều người phê phán và bất ngờ khi Donald Trump thắng cử. Trong số người đó, có lẽ phần lớn không đọc hai quyển sách này của ông. Nếu đọc họ sẽ có một ý niệm khác về người đàn ông này. Một cách ngắn gọn ông là một người đàn ông mạnh mẽ, mưu lược, và rất kiên nhẫn trong các quyết định của mình.
Cuốn sách đầu tiên, The America We Deserve, xuất bản tháng Giêng năm 2000 khi ông quyết định ra tranh cử tổng thống ở vị trí là một ứng viên của Đảng Cải Cách (Reform Party), để rồi cuối cùng mất vị trí đề cử về tay Pat Buchanan và Buchanan sau đó thất cử trước George W. Bush.
Cuốn sách rất nghiêm túc về chính sách công là một phản biện lại những chỉ trích cho rằng ông là một ứng cử viên không nghiêm túc.
Hơn mười năm sau, tháng 12 năm 2011, ông xuất bản cuốn sách thứ hai để chuẩn bị cho cuộc chạy đua lần thứ hai. Cuối cùng ông quyết định không ra tranh cử và đoán Mitt Romney sẽ thua Obama. Có lẽ ông tính được rằng năm 2012 chưa phải là một thời cơ tốt.
Ở bài này chỉ bàn về các quan điểm về chính sách ngoại giao của ông, chứ không phải bàn về chính sách đối ngoại. Vì vài lẽ. Thứ nhất, đó là cho đến lúc viết bài này thì ngoại trưởng tương lai chưa được chọn và chính sách ngoại giao chưa được thành hình lẫn thực thi. Thứ hai đó là Donald Trump là một người hay thay đổi ý kiến.
Đọc các đề xuất chính sách trong hai cuốn sách xuất bản cách nhau 10 năm để thấy rằng quan điểm của Donald Trump có khá nhiều sự thay đổi. Vì vậy mà khoảng thời gian kể từ khi xuất bản cuốn sách gần nhất, Time to Get Tough, cho đến nay đã được 5 năm, những quan điểm ngoại giao có lẽ cũng thay đổi ít nhiều. Và đến khi quan điểm ngoại giao của Donald Trump tương tác với nội các của mình thì sự thay đổi đó cũng sẽ lớn hơn nữa. Vì vậy mà bài này chỉ, một cách khiêm tốn, dám bàn tới quan điểm ngoại giao của ông và gói gọn trong những đề xuất trong hai cuốn sách.
Nếu văn là người thì đọc hai cuốn sách của ông bạn sẽ hiểu phần nào tính cách. Các câu văn được viết dưới dạng văn nói, ngắn, không trau chuốt ngôn ngữ, thẳng thừng và đôi khi mang tính thách thức.
Chẳng hạn khi bàn về tội phạm ông hỏi thẳng những người lên án việc thắt chặt luật lệ hơn dẫn đến việc giam giữ nhiều tội phạm hơn rằng họ muốn nhận bao nhiêu thằng tội phạm chuyển về khu mình ở? Và ông phán gọn lỏn rằng: Không.
Ông cho rằng một tổng thống Mỹ nên là một dealmaker (người quyết định từng thương vụ) thay vì là một chess player (người chơi cờ). Vì đơn giản rằng trong thế giới hiện đại khó mà có một chính sách ngoại giao chung chung được. Khác với chess player vốn là một người phải chơi theo chiến lược và chiến thuật định sẵn, một dealmaker là một người giữ nhiều quả bóng, đánh giá lợi ích cạnh tranh của các quốc gia khác nhau, và luôn luôn đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu. Một dealmaker biết khi nào nên tiến và khi nào nên lùi, khi nào thì chân thật và khi nào thì hăm dọa, và anh ta phải hiểu rằng một khi anh ta hăm dọa thì phải chuẩn bị để thể hiện sự hăm dọa đó.
Một dealmaker rất xảo quyệt, giấu giếm, tập trung, và không bao giờ chịu dàn xếp nếu anh ta nhận ít hơn điều anh ta muốn. Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có hai tổng thống là dealmaker, đó là Franklin Roosevelt, người dẫn nước Mỹ qua khỏi Thế chiến thứ 2 và người còn lại là Richard Nixon người đẩy nước Nga tới bàn đàm phán để đưa đến việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Và nước Mỹ từ rất lâu rồi chưa có một tổng thống là một dealmaker như vậy.
Có lẽ vì một quan điểm như vậy mà chính sách ngoại giao của nước Mỹ tương lai càng khó đoán. Về quan điểm trong chính sách đối ngoại trong cuốn The America We Deserve, có ba ý chính, đó là: một, hãy cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc, chúng ta đang quá sẵn lòng để làm vừa lòng họ; hai, sự thiếu quyền con người ở Trung Quốc ngăn ngừa sự phát triển thị trường tiêu dùng; và ba, hỗ trợ Nga, nhưng cần kèm theo các điều kiện. Ông khẳng định Trung Quốc là thách thức lâu dài lớn nhất của Hoa Kỳ. Dù không thừa nhận, Trung Quốc muốn Hoa Kỳ đầu tư vào Trung Quốc. Và mặc dù Hoa Kỳ có lợi thế tay trên, Hoa Kỳ đã quá dễ dàng làm vừa lòng Trung Quốc. Hoa Kỳ nhìn Trung Quốc như một thị trường tiềm năng và thỏa mãn Trung Quốc để đánh đổi lại quyền lợi quốc gia của chính mình. Chính sách đối với Trung Quốc dưới triều của tổng thống Clinton và Bush đó là hướng đến việc thay đổi chế độ của Trung Quốc bằng các động lực về kinh tế và chính trị, tuy ý định có vẻ tốt nhưng rõ ràng thì cuối cùng chẳng có gì thay đổi.
Đề cập đến vấn đề nhân quyền, ông cho rằng là một doanh nhân như mình thì ông có thể ngó lơ chuyện nhân quyền. Và khi mà đụng tới nó thì rõ ràng người Mỹ khó có thể làm được gì nhiều để thay đổi chính sách đối nội của một quốc gia. Nhưng ông thể hiện một thái độ rõ rệt rằng không muốn bỏ qua chuyện đàn áp công dân mình của chính phủ Trung Quốc, bởi theo ông các chính sách đàn áp nhân quyền của chính quyền Trung Quốc cho thấy rằng Trung Quốc coi thường lối sống của người Mỹ, lối sống tôn trọng tự do và nhân phẩm.
Ông cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ sẵn lòng giao thương với Trung Quốc, nhưng không phải để đánh mất đi những giá trị cốt lõi của người Mỹ, và người Mỹ không nên mở cửa bằng bất cứ giá nào cho những quốc gia đi ăn cắp của người Mỹ. Đối với Nga, quan điểm của ông rõ ràng hơn, ông cho rằng Nga và các nước nhận viện trợ rằng nếu họ muốn nhận tiền của người Mỹ họ phải hòa cùng nhịp với các chính sách của nước Mỹ, phải nhảy cùng một nhịp với nước Mỹ, ít nhất là ở các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Và họ cần người Mỹ hơn là người Mỹ cần họ.
Nước Mỹ có lợi thế đòn bẩy và thật là điên rồ mới không sử dụng nó để đạt được lợi thế tốt hơn. Trong Time to Get Tough, Donald Trump đi xa hơn trong thái độ với Trung Quốc. Ông nói thẳng rằng Trung Quốc là kẻ thù của nước Mỹ, ăn quịt nước Mỹ hàng trăm tỉ đô la bằng cách điều chỉnh và phá giá đồng tiền của mình. Mặc cho những cuộc nói chuyện có vẻ vui vẻ ở Washington thì các lãnh đạo Trung Quốc không phải là bạn của nước Mỹ.
Khi nhận những lời chỉ trích từ những người khác rằng tại sao lại gọi Trung Quốc là kẻ thù, ông lập luận rằng:“chúng ta có thể gọi họ là gì khi họ đang phá hủy tương lai của con và cháu chúng ta? Chúng ta thích gọi họ là gì khi họ khiến chúng ta phá sản, họ ăn cắp công việc của chúng ta, họ dùng tình báo để lấy trộm công nghệ của chúng ta, họ phá hoại đồng tiền của chính ta, và họ phá hủy lối sống của chúng ta?”
Và với ông, họ là kẻ thù. Ông cho rằng nếu người Mỹ muốn nước Mỹ trở thành số một một lần nữa, thì người Mỹ phải có một tổng thống phải biết cứng rắn với Trung Quốc, biết thương thuyết thắng Trung Quốc, và khiến họ không thể áp lực người Mỹ ở bất cứ chỗ nào. Ông cũng cho rằng nếu không có gì ngăn chặn việc chuyển các dự án sang Trung Quốc, và giúp giữ các công việc cho người Mỹ, thì trước năm 2027, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất.
Ông chỉ trích chính sách ngoại giao của Obama là lừa phỉnh các đồng minh Đông Âu, rằng khi Obama nhận chức, ông gửi một nhân viên hàng đầu đến Moscow (Mat-xcơ-va) đem theo một bức thư tuyệt mật gửi tổng thống Nga lúc đó mà Dmitry Medvedev. Trong thư nói rằng Obama sẽ rút lui, không khai triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Đông Âu nếu Nga ngừng ủng hộ Iran phát triển những vũ khí tầm xa. Putin nghe vậy, sướng quá, bảo quyết định mới nhất của tổng thống Obama có những ảnh hưởng tích cực và Putin hy vọng rằng sau quyết định đúng đắn và dũng cảm này sẽ có những quyết định khác nữa. Ông kết luận rõ ràng là nội các Obama đã phản bội những đồng minh Ba Lan và Cộng hòa Séc của mình bằng cách ném họ ra khỏi chiếc xe buýt một cách trần truồng đối diện với các cuộc tấn công bằng tên lửa, mặc dù không có một cam kết công khai nào Moscow sẽ giúp chấm dứt các chương trình tên lửa tầm xa của Iran lại.
Nếu có một tóm tắt ngắn gọn về quan điểm ngoại giao của Donald Trump xuyên suốt hai cuốn sách của mình đó là:một, đặt quyền lợi nước Mỹ trước hết; hai, cứng rắn hơn với Trung Quốc và thậm chí coi Trung Quốc là kẻ thù, là đối thủ nguy hiểm nhất; ba, Nga không đáng sợ, nước Mỹ có thể cùng Nga “nhảy chung một nhịp” và người Nga cần người Mỹ hơn là ngược lại; và bốn, không bỏ qua các đàn áp nhân quyền của các chính phủ vì đó là đi ngược lại và coi khinh những giá trị của người Mỹ.
Trên đây là những quan điểm ngoại giao của Donald Trump trong hai cuốn sách của mình, còn đâu là chính sách ngoại giao của ông thì hãy chờ xem trong những ngày sắp tới.
Nguồn: OL, 8.12.2016

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quyền lực nhất thiết phải được kiểm soát


Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Khóa X, XI, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, công bố nhiều bài viết rất đáng được chú ý. Trước Đại hội XII, ông là người ủng hộ rất đắc lực cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu xét theo những định nghĩa của Nghị quyết trung ương 4, khoá XII, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký và ban hành ngày 30/10/2016, thì ông Hoàng có các biểu hiện « tự diễn biến », « tự chuyển hoá ». Đây là bài mới nhất của ông vừa đăng trên Tạp chí Cộng sản số ra ngày 28/12/2016 để bạn đọc tham khảo.
( lời gt thêm của Lại Trần mai )
Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng
Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức và khẳng định trong các nghị quyết rằng, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Việc kiểm soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến bộ, phòng, chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước và xã hội, vừa là để thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính, để có được một nhà nước bền vững, lâu dài, phục vụ nhân dân.

Quyền lực như “con ngựa” bất kham, ai không đủ nhân cách mà được giao cầm cương thì nó sẽ phá tung, gây đổ ngã và làm chết cả những người ngồi trên yên ngựa. Quyền lực là “con dao” hai lưỡi, có thể phục vụ cho đời và cũng có thể làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam. Năm 2011, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cập, dù là mới thoáng qua, việc kiểm soát quyền lực. Rất tiếc là chủ trương đó chưa được triển khai thực hiện cụ thể. Trước và trong Đại hội XII, Tổng Bí thư của Đảng ít nhất đã hai lần nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực.

Câu hỏi trước tiên cần phải nói thêm là vì sao phải kiểm soát quyền lực? Nếu không kiểm soát quyền lực thì sẽ thế nào?

Quyền lực nhà nước vốn là của nhân dân, khởi đầu là thế, và mãi mãi cũng là thế; nó không phải của thần linh, không phải của bất kỳ cá nhân ai, của một gia đình trị hoặc một tộc họ nào; cũng không phải của bất kỳ một tổ chức nào khác. Từ lâu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được và đã nhiều lần khẳng định trong các nghị quyết rằng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân không trực tiếp nắm giữ tất cả, mà chỉ nắm giữ một số vấn đề then chốt (sẽ nói sau), còn lại là ủy quyền cho nhà nước quản lý và sử dụng quyền lực để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiến tạo một quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, trong lịch sử đã từng có không ít trường hợp những người (hoặc nhóm người) bằng các thủ đoạn chính trị đã cướp đoạt quyền lực của nhân dân, biến nhân dân thành đối tượng bị cai trị; nhân dân sau khi ủy quyền thì mất quyền, còn người được ủy quyền thì dần dần bị quyền lực làm tha hóa, họ sử dụng quyền lực không phải để bảo vệ và phục vụ nhân dân như mục đích ban đầu, mà vì lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, của một nhóm người, họ quay lại ức hiếp nhân dân, biến nhân dân từ chủ nhân của quyền lực thành đối tượng bị chèn ép, bị ức hiếp, bị tước đoạt.

Ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt. Mặt tích cực, nó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu như quyền lực ấy được trao cho những con người có nhân cách tốt. Mặt tiêu cực, nó luôn làm tha hóa những con người và bộ máy sử dụng quyền lực nhưng lại yếu kém về nhân cách và không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền lực. Sự tha hóa như vậy có từ trong bản chất tự nhiên của con người và quyền lực. Có những người lúc đầu (khi chưa có quyền lực) thì tốt, nhưng khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì lợi ích thấp hèn của cá nhân. Cá biệt có những người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ phiếu, họ gần như trở thành một người khác hẳn, từ dáng đi, cách nói, cách bắt tay,… đều tỏ ra vẻ “oai vệ” hơn, “bề trên” hơn. Khi người ta đến được đỉnh cao của “chiến thắng” trong quyền lực thì đấy là lúc người ta bắt đầu thua, mà trước tiên là thua chính mình. Trên đỉnh cao của quyền lực ít ai nhìn thấy tai họa ẩn chứa vốn có từ bên trong quyền lực ấy, nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh triết uyên thâm, có khả năng vượt qua chính mình và ma lực cám dỗ của quyền lực, để tịnh tâm nhìn xa trông rộng. Khi đã có trong tay tất cả thì đấy cũng là lúc tự mình bắt đầu đánh mất dần chính bản thân, tốt đẹp chân chính trước đó.

Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ làm tha hóa bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tha hóa đạo đức xã hội. Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và quyền lực không được lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể tránh khỏi. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, nếu có yếu tố bên ngoài cũng chỉ là sự hà hơi tiếp sức mà thôi.

Đặc điểm chính trị quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) chân chính là quyền lực thật sự và luôn luôn thuộc về nhân dân. Chỉ khi ấy mới có một nền chính trị thật sự tốt đẹp và bền vững. Thực tế lịch sử nhân loại đã cho thấy: nhà nước của chủ nô, của vua chúa và các tập đoàn phong kiến, nhà nước của mô hình tập trung quyền lực vào một nhóm người bị tha hóa, biến chất, xa rời bản chất cách mạng, xa rời nhân dân và nhà nước của tài phiệt (tư bản hoang dã thời kỳ đầu) cuối cùng đều phải ngã đổ và kết thúc. Chỉ có nhà nước thật sự của nhân dân thì mới bền vững lâu dài, vì “dân là vạn đại”. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội tiến bộ, phòng, chống sự tha hóa của nhà nước và xã hội, vừa là để thực hiện mục tiêu XHCN chân chính, để có được một nhà nước bền vững lâu dài phục vụ nhân dân.

Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của nhân dân, mà dần dần thành nhà nước đi ngược lại lợi ích nhân dân. Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan đều là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu XHCN tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời.

Lịch sử nước ta đã từng có nhiều lần do tha hóa quyền lực mà dẫn đến mất nước. Hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bị sụp đổ vì tha hóa quyền lực. Triều đại sau được dân chúng ủng hộ lên thay, rồi cũng tha hóa tương tự, lặp lại như cũ. Ngay cả những triều đại đã một thời rất huy hoàng, có công lao to lớn bậc nhất với lịch sử dân tộc nhưng sau đó cũng tha hóa và sụp đổ (như nhà Lý, nhà Trần, Hậu Lê và Tây Sơn chẳng hạn).

Nhiều năm qua lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, tập trung nhiều công sức để giải quyết công việc khó khăn và phức tạp này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm” đang còn khá phổ biến và diễn biến phức tạp, gây nhức nhối, bất bình trong xã hội. Nó cứ lan rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước nay thường được cho là trong sạch, thiêng liêng (như lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách “đền ơn đáp nghĩa”,…). Điều đó có nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát có hiệu quả, từ đó dẫn đến tình trạng tha hóa trong một bộ phận cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý.

Câu hỏi tiếp theo là quyền lực cần được kiểm soát như thế nào, bằng cách nào?

Trước tiên phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Lời ấy không phải là hô khẩu hiệu, mà phải được thấm sâu trong hệ thống chính trị và trong cộng đồng nhân dân. Mọi người phải ý thức rõ ràng và đầy đủ về quan điểm ấy, thường xuyên thể hiện bằng hành động thực tế. Tiếp theo, quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực nhà nước, quy định trong Hiến pháp và các luật liên quan về cơ cấu và chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, trong đó có sự phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất, nhằm hạn chế sai lầm hoặc khi có sai lầm thì được phát hiện và điều chỉnh, khắc phục sớm nhất.

Nói chung, các nhà nước phong kiến chưa giải quyết được việc kiểm soát quyền lực, mặc dù có lúc đã có một số quy định tiến bộ, manh nha của kiểm soát quyền lực. Luật lệ của triều đình có những quy định cấm các quan không được làm. Một số triều đại đã từng có các quan ngự sử ghi chép trung thực, khách quan mọi việc liên quan đến các quyết định và ứng xử của nhà vua, của triều đình để lịch sử đánh giá, phán xét công, tội. Vua cũng không được kiểm duyệt các ghi chép này. Có các gián quan để can gián vua không làm việc sai; có trống để thần dân kêu oan; có quan tòa liêm chính để phán xử đúng, sai… Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát quyền lực về cơ bản vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân là do quyền lực tập trung vào tay vua và hoàng tộc, vua bảo chết thì phải chết, ý vua là ý trời, ý vua là pháp luật, còn nhân dân chỉ là đối tượng bị cai trị, không có quyền tự do, kể cả quyền sống, trái ý vua thì tùy theo mức độ và sự nóng giận của vua mà bị trị tội, kể cả tru di tam tộc. Thời kỳ đầu của chế độ tư bản cũng vậy, quyền lực tập trung vào tay những người giàu có và cũng không được kiểm soát. Khi chế độ tư bản phát triển đến một mức độ nhất định, đã có những bước tiến quan trọng về dân chủ xã hội, cộng với sự phát triển của các hệ tư tưởng, nhất là lĩnh vực triết học, làm thay đổi nhận thức và tư duy chính trị, thì quyền lực mới được kiểm soát đáng kể, và ngày nay vẫn đang phải tiếp tục hoàn thiện.

Phương pháp tiếp cận của nước ta lâu nay đối với vấn đề này chưa phải đã tốt, quyền lực nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí không ít trường hợp hầu như ít bị kiểm soát, và trên thực tế, việc lạm dụng quyền lực diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp. Chính nó đã tạo nên sự tha hóa đến độ rất phức tạp. Chúng ta không tiếp thu theo kiểu bê nguyên, rập khuôn máy móc mô hình “Tam quyền phân lập” của các nước phương Tây, vì mỗi quốc gia có đặc điểm văn hóa và ở giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng riêng về vấn đề kiểm soát quyền lực trong đó thì rất nên nghiên cứu một cách thật nghiêm túc để kế thừa “hạt nhân hợp lý”. Đồng thời với việc phân công, phối hợp, kiểm soát một cách khoa học giữa ba nhánh nói trên, còn có sự phân công và kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận ngay trong cùng một nhánh, nhất là hành pháp và tư pháp.

Tiếp theo, kiểm soát quyền lực thông qua việc thực thi rộng rãi quyền dân chủ; kể cả hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ tham dự; thông qua chế độ tranh cử, đề bạt và miễn nhiệm cán bộ; minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tổ chức và cá nhân được giao quyền lực; sự giám sát của công luận, của nhân dân; tự do tư tưởng và tự do ngôn luận để thể hiện chính kiến của những con người tham gia làm chủ đất nước. Trong đó, cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các phong trào lành mạnh, hợp pháp, do nhân dân tự giác và tự nguyện lập ra nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội. Nó là phương thức rất quan trọng để thực thi quyền dân chủ của nhân dân; nó đã từng tồn tại và đang tồn tại trong xã hội Việt Nam truyền thống trước đây và trong xã hội Việt Nam hiện tại, tất nhiên là chưa hoàn chỉnh, chưa hiện đại.

Nhân dân có quyền chất vấn, yêu cầu cơ quan nhà nước phải giải trình; có quyền phản đối những việc làm sai trái; có quyền yêu cầu cán bộ không đủ tư cách phải từ chức hoặc bị cách chức… Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm lắng nghe, điều tra xác minh, tiếp thu, trả lời, giải trình, không được ngăn cản, cấm đoán nhân dân thể hiện chính kiến một cách ôn hòa. Khuyến khích công luận lên tiếng phê phán, phản đối những việc sai trái để tăng sức đề kháng của cơ thể xã hội. Ở đâu và khi nào mà công luận bị hạn chế, ngăn cản thì ở đó và lúc ấy cơ thể xã hội đang giảm sức đề kháng.

Trong một xã hội tiến bộ, việc minh bạch thông tin có vị trí rất quan trọng, mọi người dân đều có quyền tiếp cận thông tin, không ai được bưng bít thông tin, giống như “ánh sáng ban ngày” thay cho “đêm tối”, để cái xấu, cái ác không còn nơi ẩn nấp, phải lộ rõ nguyên hình. Lâu nay ở Việt Nam ta còn rất nhiều việc chưa được minh bạch, kể cả việc nhỏ và việc lớn, kể cả những chủ trương, quyết định và những vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, sai lầm. Chính sự chưa minh bạch này đã làm cho nhân dân nghi ngờ, giảm sút lòng tin. Nghi ngờ dung túng, bao che, cùng “lợi ích nhóm”. Nhiều việc được cho là “nhạy cảm” để lấy cớ đó mà không minh bạch thông tin. Chính việc không minh bạch ấy đã làm hạn chế hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng và “lợi ích nhóm”, nếu như không muốn nói rằng nó cản trở các công việc ấy. Một nhà nước của nhân dân, cớ sao không báo cáo đầy đủ cho nhân dân biết? Nếu lãnh đạo không có ai dính dáng gì tiêu cực trong đó thì tại sao lại sợ minh bạch? Muốn minh bạch thông tin thì lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải mở rộng hành lang hơn nữa cho tự do ngôn luận và báo chí, còn bản thân báo chí cũng phải dũng cảm, bản lĩnh và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhà báo dám dấn thân cho lẽ phải và không để bị mua chuộc. Cũng có ý kiến lo ngại rằng, khi minh bạch thông tin về các vụ, việc thì nhân dân sẽ mất lòng tin hơn nữa. Không phải như vậy! Không minh bạch mới làm mất lòng tin. Ai cũng có quyền nghi ngờ cả. Và người lãnh đạo tốt cũng mang tiếng lây. Không dám minh bạch vì sợ mất lòng tin thì đó là thứ lòng tin bị đánh lừa, lòng tin nhầm lẫn.

Văn học nghệ thuật cũng cần phải tích cực tham gia “trừ gian” để góp phần “tải đạo” theo các giá trị nhân bản và phương pháp nghệ thuật phù hợp. Để thực thi dân chủ, việc đầu tiên là thật sự tạo điều kiện cho nhân dân được bày tỏ ý kiến. Đồng thời phải chống loạn ngôn, chống vu cáo và xúc phạm các cá nhân và tổ chức, vi phạm tự do của người khác, kể cả nhân dân và người lãnh đạo.

Công tác cán bộ lâu nay, bên cạnh những mặt làm được, nhìn chung trong hệ thống chính trị chưa tuyển chọn và sử dụng được nhiều nhân tài. Lịch sử nước ta đã nhiều lần lặp đi lặp lại như vậy. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, với sức mạnh thiêng liêng của hồn nước, nhân tài tụ về dưới cờ nghĩa để chiến đấu vì mẹ hiền Tổ quốc. Đến khi hòa bình thì nhân tài, trung thần thưa vắng dần, còn nịnh thần thì chui vào ngày càng nhiều trong triều chính, dẫn đến tha hóa quyền lực và sụp đổ. Cách làm công tác cán bộ chủ yếu là sắp đặt theo ý chí và cách tư duy còn nhiều chủ quan của người lãnh đạo. Không ít trường hợp sắp xếp cán bộ theo quan hệ, hậu duệ, “lợi ích nhóm”, bị đồng tiền chi phối; đề bạt con cháu và những người “ăn cánh”. Từ xưa tới nay, chế độ và triều đại nào cũng vậy, nạn “mua quan, bán chức” là một trong các biểu hiện tha hóa quyền lực nguy hại nhất. Ở Việt Nam, nhiều năm rồi nạn “chạy chức”, “chạy quyền” đã trở nên khá phổ biến, có những trường hợp cứ như là đương nhiên, rất đáng lo ngại, kể cả ở những lĩnh vực hệ trọng. Công tác cán bộ chưa có được một cơ chế khoa học để tuyển chọn và sử dụng được nhân tài, bởi còn ảnh hưởng nặng nề tàn dư của tư tưởng phong kiến và những năm gần đây lại cộng với mặt trái của cơ chế thị trường và sự tha hóa quyền lực.

Cần đổi mới mạnh mẽ và căn bản công tác cán bộ theo hướng cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải qua tranh cử trong môi trường thật sự tôn trọng ứng cử tự do và đề cử, chọn cán bộ chuyên môn phải qua thi tuyển, thực chất và nghiêm túc, khách quan, vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Đó cũng là cách để nhân dân và đông đảo cán bộ tham gia giám sát quyền lực trong việc giao quyền lực cho cán bộ. Nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, lựa chọn những người có năng lực và bản lĩnh làm đại biểu chân chính và xứng đáng của nhân dân, dám nói tiếng nói trung trực đấu tranh bảo vệ lợi ích của nhân dân. Khi các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đã được nhân dân bầu chọn thì phải toàn tâm toàn ý, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, lắng nghe nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân, biểu quyết vì nhân dân. Tiến tới công khai cho nhân dân biết các đại biểu ấy biểu quyết thế nào đối với những công việc mà nhân dân bức xúc, quan tâm, để giám sát sự trung thành với nhân dân. Nếu các đại biểu ấy là đảng viên thì càng phải gương mẫu thực hiện ý dân, coi lòng dân là cơ sở quan trọng nhất để hành động – đó là nguyên tắc cao nhất. Tổ chức đảng đã giao cho đảng viên nhiệm vụ làm đại biểu chân chính của nhân dân, đảng viên cứ thế mà hành động; tổ chức đảng không “cầm tay, chỉ việc”. Trung thành với nguyện vọng của nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân – đó chính là nhân cách và ý thức đảng viên chân chính. Đảng vì nhân dân mà hành động chứ không vì mục đích khác, không để cho “nhóm lợi ích” chi phối và thao túng.

Lâu nay không ít trường hợp cấp ủy đảng đã sử dụng biện pháp hành chính và quyền lực, thậm chí đã trở thành cơ quan quyền lực cao nhất trên thực chất. Với cách này, nếu kéo dài thì tổ chức đảng sẽ bị quyền lực làm tha hóa, vừa hạn chế công việc lãnh đạo đất nước, vừa làm suy yếu bản thân tổ chức đảng. Cần đổi mới một cách căn bản nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng Đảng không làm thay, không chồng chéo với công việc của Nhà nước, nhất là việc sử dụng quyền lực nhà nước, mà chuyển mạnh sang lãnh đạo chủ yếu bằng các giá trị văn hóa, từ chủ trương hợp lòng dân đến noi gương và thuyết phục, không áp đặt một chiều bằng biện pháp tổ chức, hành chính và quyền lực, Đảng phải đại diện chân chính và xứng đáng nhất cho ngọn cờ dân chủ; phát hiện và chọn lựa cho được các hiền tài để giới thiệu với nhân dân. Đó cũng là cách làm truyền thống mà trước đây, trong điều kiện chưa cầm quyền và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Đảng đã từng sử dụng để trở thành một Đảng lãnh đạo của nhân dân. Bản thân trong tổ chức của Đảng cũng cần phải có cơ quan do đại hội cử ra để giám sát cán bộ lãnh đạo về nhân cách và việc sử dụng quyền lực, trong quá trình lãnh đạo và kiểm soát quyền lực, cần thực hành dân chủ rộng rãi và phát huy vai trò của nhân dân để tham gia xây dựng bảo đảm cho Nhà nước ta thật sự là nhà nước của nhân dân – là mục tiêu xây dựng Nhà nước mà Đảng nói lâu nay./.

Vũ Ngọc Hoàng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CON GIAI ÔNG TRẦN ĐỨC LƯƠNG NÓI HAY QUÁ!



Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTO.

“Một Chính phủ liêm chính 
thì không có chỗ cho người nhà”

Nguyễn Thảo
19:42 31/12/2016

BizLIVE - “Một Chính phủ liêm chính, kiến tạo thì không có chỗ cho người nhà, quan hệ cá nhân, phi pháp lý, vượt lên trên pháp luật”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói. 


Trao đổi với báo chí chiều 30/12, về công tác rà soát nhân sự có gặp những trở ngại liên quan tới mối quan hệ hay không, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam là nước châu Á nên duy tình nhưng chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, yêu cầu một Chính phủ liêm chính, kiến tạo thì không có chỗ cho người nhà, quan hệ cá nhân, phi pháp lý, vượt lên trên pháp luật.

"Tôi tin không chỉ cá nhân tôi mà nhiều lãnh đạo khác có thể nhận được những yêu cầu, đề nghị, gợi ý. Thế nhưng trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như tập thể đủ sức giúp chúng tôi thực hiện đúng quan điểm, chủ trương định hướng mà chúng tôi đã thống nhất thông qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua Bộ Công Thương đã thu hồi một loạt quyết định bổ nhiệm sai và các chức danh quy hoạch không đúng quy định, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, đây là phần việc nhằm thực hiện triệt để theo đúng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Về thực trạng, một số trường hợp lãnh đạo quản lý ở doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vấn đề liên quan liên quan đến những vụ việc đang được thanh kiểm tra, thậm chí điều tra, đã không thực hiện đúng pháp luật về việc đi nước ngoài, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong thẩm quyền Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện các biện pháp như yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý cán bộ, đặc biệt liên quan xuất nhập cảnh, quản lý cán bộ trong các chuyến công tác nước ngoài.

“Với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải có biện pháp xử lý, nếu vi phạm đó có dấu hiệu vi phạm hình sự thì báo cáo cơ quan công an”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Bộ trưởng Công Thương cũng khẳng định tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ, bao gồm phân cấp trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức. Mặt khác quan tâm đến những dự án có vấn đề, có dấu hiệu vi phạm và đang chịu kiểm tra, thanh tra để có biện pháp phối hợp quản lý cán bộ.

“Đặc biệt Bộ Công Thương xem xét phối hợp với lãnh đạo Bộ Công an để phối hợp liên bộ, xử lý vi phạm với các vụ án kinh tế, các dự án có thể xảy ra những bất ổn về công tác cán bộ. Nhưng các biện pháp này phải được thực hiện đúng pháp luật, không xâm phạm quyền công dân", Bộ trưởng cho biết thêm. 

NGUYỄN THẢO

Phần nhận xét hiển thị trên trang

01/01/45 TCN: Ngày kỷ niệm đầu Năm Mới đầu tiên


Nguồn: New Year’s DayHistory.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào năm 45 trước công nguyên, Ngày Đầu Năm Mới đã được tổ chức vào ngày 01/01, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi Lịch Julius được sử dụng.
Ngay sau khi trở thành lãnh đạo độc tài của La Mã, Julius Caesar đã quyết định sửa đổi lịch La Mã truyền thống, vốn đã có từ thế kỷ 7 trước Công nguyên. Đây là một bộ lịch âm, được tính theo chu kỳ Mặt Trăng, nhưng nó thường xuyên bị sai mùa và phải điều chỉnh. Chưa kể đến việc các thành viên Hội đồng Linh mục (pontifex), những người chịu trách nhiệm giám sát lịch, cũng rất hay lạm dụng quyền lực. Họ thường cộng thêm số ngày để kéo dài nhiệm kỳ chính trị hay can thiệp vào các cuộc bầu cử.
Khi tạo ra lịch mới, Caesar đã nhận được sự hỗ trợ từ Sosigenes, một nhà thiên văn Alexandria, người đã khuyên ông hãy bỏ chu kỳ Mặt Trăng mà tính toán theo chu kỳ Mặt Trời, tức là dùng dương lịch như người Ai Cập. Một năm sẽ gồm 365 và 1/4 ngày. Caesar còn thêm 67 ngày vào năm 45 trước Công nguyên, khiến cho năm 46 trước Công nguyên bắt đầu vào ngày 01/01, chứ không phải vào tháng 3 như trước đó. Ông cũng ra lệnh rằng cứ mỗi bốn năm, sẽ có một ngày được thêm vào tháng 2, để giúp lịch không bị sai lệch.
Một thời gian ngắn trước khi bị ám sát vào năm 44 trước Công nguyên, Caesar đã thay đổi tên của tháng 7, từ Quintilis thành Julius theo tên của chính ông. Sau này, tháng 8 cũng được đổi tên từ Sextilis thành Augustus theo tên người kế nhiệm Caesar.
Việc ăn mừng Ngày Đầu Năm Mới vào ngày 01/01 đã không còn được cử hành trong thời Trung Cổ. Ngay cả những người luôn tuân thủ Lịch Julius cũng không xem Ngày Đầu Năm Mới là ngày 01/01. Lý do là vì Caesar và Sosigenes đã tính nhầm giá trị của năm dương lịch. Con số chính xác phải là 365,242199 ngày chứ không phải 365,25 ngày. Do đó, mỗi năm sẽ bị lệch đi 11 phút. Đến năm thứ 1000, Lịch Julius đã bị lệch 7 ngày, và đến giữa thế kỷ thứ 15, thì lệch tới 10 ngày.
Nhà thờ Công giáo La Mã đã nhận thức được điều đó, nên trong những năm 1570, Giáo hoàng Gregory XIII đã cùng nhà thiên văn học của dòng Tên, Christopher Clavius, tạo ra một lịch mới. Năm 1582, Lịch Gregory được ban hành, bỏ qua 10 ngày bị thiếu trong năm đó (10 ngày trong tháng 10), và lập ra một quy tắc mới, rằng cứ mỗi bốn trăm năm thì năm đầu thế kỷ mới được tính là năm nhuận (Ví dụ, năm 1700, 1800, 1900 không phải là năm nhuận, nhưng năm 1600 và năm 2000 thì được tính là năm nhuận – NBT).
Kể từ đó, người dân trên toàn thế giới đã cùng nhau ăn mừng Ngày Đầu Năm Mới vào ngày 01/01.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/01/01/ngay-dau-nam-moi/#sthash.mgGteUAQ.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang