Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Nhà báo Nguyễn Thông: ĐỘNG CƠ DÙNG FACEBOOK





Facebook là nơi cho con người biểu đạt quyền tự do của mình, quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin, nơi giúp chính quyền dễ dàng nắm bắt những thay đổi trong xã hội, nguyện vọng và ý chí của dân chúng để từ đó mà điều chỉnh chính sách, hành vi, thái độ cho kịp thời, phù hợp.

Tôi không đề cập cụ thể, bàn sâu đến chương trình “60 phút mở” của Đài truyền hình trung ương – VTV nữa bởi hai ngày qua hầu như ai coi tivi đều biết, đều nắm được, sau đó các kênh truyền thông đều bàn luận. Ý kiến trái chiều, khác nhau là lẽ đương nhiên, như dư luận trước bất kỳ một chương trình nào khác của VTV lâu nay. Điều nên ghi nhận, với “60 phút mở”, đài truyền hình quốc gia đã tạo ra cuộc tranh luận công khai, cho phép cá nhân được bày tỏ chủ kiến của mình trước người cùng tranh luận, điều mà dường như chúng ta đang thiếu, đang rụt rè trong một xã hội dân sự, bình đẳng.

Cũng dễ hiểu vì sao dư luận đông đảo lại chĩa mũi nhọn phê phán, sự công kích, không hài lòng… vào nữ nhà báo, người dẫn chương trình Tạ Bích Loan và nhà báo nhà thơ Hồng Thanh Quang; đồng thời có sự tán đồng, sẻ chia với một người trong cuộc khác là MC Phan Anh. Dù rằng không phải số đông bao giờ cũng đúng nhưng có lẽ bản clip (đã bị lược bớt) do chính VTV đưa lên mạng internet, sau đó lại rút xuống, đã chứng tỏ những cơn sóng dậy lên có lý do chính đáng của nó.

Cạn nghĩ rằng, với một cơ quan truyền thông hùng mạnh, dày kinh nghiệm như VTV, đây chưa phải là cái gì nghiêm trọng lắm. Có những thứ còn nghiêm trọng, kinh khiếp hơn nhiều từng xảy ra mà họ cũng vượt qua được, rút kinh nghiệm sâu sắc được, thì vụ “đấu tố” này có thể xem như bản beta thử nghệm cho không khí tranh luận dân chủ công khai, tuy có phần sống sượng, vụng về. Hy vọng công chúng thời gian tới sẽ được coi những chương trình dạng như vậy nhưng hay hơn, chất lượng hơn của vị anh cả truyền thông này.

Ở đây, tôi chỉ xin bàn về một khía cạnh, nhưng là nét, là nội dung rất quan trọng toát lên từ cuộc tranh luận mà thiên hạ gọi đùa là “đấu tố” ấy: Việc người dân sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

Tôi xin mở đầu phần tiếp theo này bằng những phân tích hợp lý, thẳng thắn và thuyết phục của nhà báo Trần Ngọc Kha công tác tại báo Đại đoàn kết (cơ quan trung ương của MTTQ Việt Nam). Dường như để đáp lại câu vặn vẹo Phan Anh của người dẫn chương trình Tạ Bích Loan rằng “động cơ nào mà anh lại chia sẻ chuyện cá chết trên Facebook”, anh Kha viết: “Facebook thì làm sao? Chia sẻ thì làm sao? Nếu các vị cứ đường đường chính chính tự nhận ra những cái xấu của mình mà thành thực với dân, gần gũi hợp tác với dân một cách thực sự chân thành thì có làm sao? Thay vì ngăn chặn, trấn áp người dân bằng đủ mọi cách để bưng bít thông tin, các vị hãy mở lòng với dân, huy động và gom nhặt mọi nguồn lực trong dân cùng xây dựng và phát triển giữ gìn đất nước. Hãy đăng ký tài khoản và kết bạn với dân trên Facebook, tôi chắc chắn các vị sẽ tìm thấy tiếng nói đồng thuận, cách nghĩ đồng lòng và cách làm đồng mục đích với dân”.

Tôi hiểu ý đồng nghiệp Kha, anh không có ý công kích chị Loan bởi dẫu sao MC Tạ Bích Loan cũng chỉ là người gợi mở vấn đề, anh chỉ muốn nêu việc những người có trách nhiệm với dân hãy nhìn thẳng vào sự thật qua những gì công chúng bộc lộ trên mạng xã hội, đừng phủ nhận truy bức nó (sự thật), cũng như đừng né tránh, thờ ơ với nó. Facebook là công cụ, là kênh thông tin cực kỳ hiệu dụng để những nhà xây dựng và thực hiện chính sách tham khảo, nắm bắt, chứ không phải là thứ tào lao, vớ vẩn, rỗi hơi, nhảm nhí, xuyên tạc của những người bị quy kết là “anh hùng bàn phím”.

Như chúng ta đã biết, nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể, thậm chí cả chính phủ còn sử dụng Facebook như một kênh thông tin, để vừa phổ biến, vừa nắm bắt việc thực hiện chính sách, đường lối, quan điểm. Đó là sự tỉnh táo, thích hợp chứ không phải thú chơi, mốt chơi, không phải dạng “thấy người ta ăn khoai thì mình cũng vác mai đi đào”. Cần nói thẳng ra rằng, quay lưng lại mạng xã hội - Facebook, đóng cửa rào ngõ trước Facebook, thì thiệt nhiều hơn lợi, chưa kể đến tự tách mình ra khỏi dòng chảy cuồn cuộn của thời đại.

Internet, cụ thể là Facebook, một thành tựu của khoa học kỹ thuật trong thời đại điện tử, cực kỳ thông dụng, đại chúng, đơn giản dễ sử dụng, không tốn chi phí, đa chiều, nhạy bén nóng hổi, mọi lúc mọi nơi. Nó chan hòa vào cộng đồng xã hội không phân biệt đẳng cấp, địa vị, từ những nhà lãnh đạo đứng đầu quốc gia, những giáo sư tiến sĩ, những trí thức lừng lẫy, đến những người bình dân nhất trong giới bình dân. Có Facebook, thế giới thu hẹp lại, con người xích lại gần nhau hơn, dễ thông cảm hiểu biết nhau hơn.

Facebook là nơi cho con người biểu đạt quyền tự do của mình, quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin, nơi giúp chính quyền dễ dàng nắm bắt những thay đổi trong xã hội, nguyện vọng và ý chí của dân chúng để từ đó mà điều chỉnh chính sách, hành vi, thái độ cho kịp thời, phù hợp. Đừng chỉ nhìn Facebook là nơi chứa đựng những điều xấu xa, chống đối, mà hãy coi là nơi giúp bộ máy công quyền ngày càng tốt hơn, gần dân chúng hơn. Nhà báo Trần Ngọc Kha đã khá tâm đắc khi trích ra nhận xét của ông Obama, vị Tổng thống Mỹ vừa có chuyến thăm Việt Nam rất thành công, ông cho rằng “Khi có tự do biểu đạt và ngôn luận, người dân có thể chia sẻ ý tưởng và tiếp cận internet và mạng xã hội mà không bị ngăn cấm, điều đó sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong nền kinh tế. Facebook hay các công ty công nghệ lớn đã hình thành như vậy. Và khi có tự do báo chí, nhà báo và blogger đưa ra ánh sáng những bất công, sai phạm, quan chức sẽ bị giám sát và xã hội sẽ có niềm tin vào hệ thống chính trị" (trích phát biểu tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình ngày 24.5.2016). Theo ông Obama, hằng ngày chính phủ Mỹ vẫn nhận được không ít những lời phê bình, chỉ trích của người dân qua nhiều kênh thông tin, trong đó có các mạng xã hội nhưng chính sự giám sát đó, việc tranh luận cởi mở đó cũng như sự đối mặt với những khiếm khuyết của mình như vậy đã giúp nước Mỹ mạnh hơn, thịnh vượng hơn, công lý hơn.

Bài học này, kinh nghiệm này, thiết nghĩ không phải chỉ cần cho nước Mỹ.

Đã qua rồi cái thời bóp mồm bịt miệng “Đánh đùng một cái/kêu eng éc ngay/bịt mồm bịt miệng/trói chân trói tay” (Phan Khôi), thời đấu tố quy chụp, chỉ vài chữ vài dòng vài hình ảnh thôi là cũng có thể bị suy diễn nâng thành quan điểm này nọ. Tôi nhớ hồi còn là sinh viên, thầy Hà Minh Đức có kể vụ nhà thơ Xuân Diệu suýt nữa được coi là thành phần theo chủ nghĩa xét lại. Nhà thơ tình nổi tiếng ấy viết: “Hồn tôi cánh rộng mở/đôi bên gió thổi vào/nghĩ những điều hớn hở/như trời cao cao cao” bày tỏ niềm vui sướng của văn nghệ sĩ trong cuộc đời mới, nhưng không may cho ông, có một nhà lãnh đạo về tư tưởng đặt vấn đề “tại sao lại gió thổi đôi bên, cả gió xã hội chủ nghĩa và và tư bản chủ nghĩa à? Tư tưởng cơ hội chủ nghĩa à? Chỉ có một luồng gió thời đại cách mạng thôi”. Kể xong, thầy tôi (nay vẫn khỏe, minh mẫn, từng giữ chức Viện trưởng Viện Văn học) cười bảo “ông Xuân Diệu muốn cãi thì lên trời mà cãi”. Cứ tưởng kiểu cách vu vạ ấy đã lùi tít xa dĩ vãng, ai ngờ đâu đó, lúc này lúc khác ở ta vẫn thỉnh thoảng ló ra, tuy không nghiêm trọng như trước nhưng tạo mối nghi ngờ, lo lắng không đáng có. Việc nhà báo Tạ Bích Loan truy vấn MC Phan Anh về “động cơ gì” khi sử dụng Facebook chỉ là một trong những rơi rớt ấy.

Bây giờ, bên cạnh những kênh thông tin chính thống của nhà nước (một hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình dày đặc lên tới cả ngàn đơn vị) còn có sự góp sức đắc lực của mạng xã hội, nhất là Facebook, để phổ biến thông tin. Dù chưa được thừa nhận trong hệ thống báo chí nước ta nhưng có thể nói mạng xã hội, Facebook nóng từng phút, thời sự từng phút, không báo đài nào theo kịp. Nếu coi mỗi người đưa tin (press) là một nhà báo không chuyên thì thời nay người người làm báo, nhà nhà làm báo, nơi nơi làm báo, tụ vào rồi lại tan ra, lan tỏa cực nhanh. Cũng có người đưa thông tin lên với động cơ sâu xa này nọ, nhưng có rất nhiều người chỉ với “động cơ” cực kỳ đơn giản là chia sẻ thông tin, như một việc bình thường trong xã hội, cũng như khi ta cầm cái chổi quét nhà, giặt cái áo bẩn. Động cơ mà thực ra là không có động cơ, nó cứ tự nhiên như đời vậy.

Chúng ta hoàn toàn thông cảm với những người chức việc nhà nước, để thi hành nhiệm vụ, để đạt mục đích nào đấy, có khi phải ngăn chặn mạng xã hội, ngăn Facebook, như một giải pháp tình thế. Ai cũng hiểu rằng, cách làm vậy chỉ mang tính nhất thời, không bền vững, bởi thực tế không thể ngăn chặn được giữa thời buổi công nghệ đa dạng này. Điều cần làm là phải có những quy định hợp lý, cụ thể, thực tế; phải có luật, căn cứ vào luật mà xử lý. Trong đời cũng như trên Facebook, nếu vi phạm pháp luật thì áp chế theo pháp luật. Ai vi phạm thì chịu trách nhiệm. Người sử dụng mạng xã hội cũng nên tự hiểu đó không phải là nơi muốn làm gì thì làm mặc dù quyền thông tin và được thông tin không ai có thể cấm đoán.

Có như vậy, mới tránh khỏi chuyện quy kết cho nhau “động cơ gì” mà lên Facebook.

Nguyễn Thông
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự đồng thuận của Mỹ về Trung Quốc đang dần đổ vỡ

america-us-china-e1415025915427

Nguồn: Hugh White, “America’s China consensus slowly unravels”, The Interpreter, 17/04/2015
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong một thời gian dài, suy nghĩ của Mỹ (và Úc) về Trung Quốc đã bị chi phối bởi một sự đồng thuận rộng rãi rằng, mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy sự quyết đoán đang gia tăng, Bắc Kinh không phải là thách thức chính đến quyền lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Lập luận này cho rằng, dù có nói gì thì các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đều biết rằng tương lai nền kinh tế của họ quá bấp bênh, hệ thống chính trị của họ quá mỏng manh, quân sự của họ quá yếu và các đồng minh của họ thì không đủ để cho phép họ tranh đua với ưu thế của Mỹ. Họ cũng biết rằng sự ổn định và thịnh vượng của Trung Quốc phụ thuộc vào trật tự khu vực mà chỉ có Mỹ mới có thể duy trì.
Do đó, sự đồng thuận này đã kết luận rằng Mỹ không cần phải đáp trả gì nhiều, chỉ trừ việc nhắc nhở mọi người rằng Mỹ vẫn sẽ nán lại ở khu vực. Do đó, chính sách “xoay trục” châu Á của Mỹ ra đời, trong đó nhấn mạnh đến các tuyên bố hơn là hành động thực chất.
Nhưng sự đồng thuận đó có thể đang đổ vỡ, ít nhất là tại Mỹ. Thất bại của Washington [trong việc ngăn chặn] Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) dường như là một hồi chuông cảnh tỉnh và giờ đây, chỉ trong tuần qua, hai báo cáo quan trọng từ trung tâm của giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ cũng chỉ ra điều tương tự. Cả hai báo cáo cho rằng việc Trung Quốc thách thức ưu thế của Mỹ ở châu Á là sự thật, và rằng chính sách của Mỹ ở châu Á cần phải thay đổi triệt để để ứng phó.
Nhìn thoáng qua có vẻ có những quan điểm trái ngược về cách phản ứng, theo những cách dường như giúp đóng khung các tranh luận hiện tại của Washington trong việc làm thế nào để đối phó với thách thức từ Bắc Kinh.
Thực tế, như chúng ta sẽ thấy, các báo cáo này đều miễn cưỡng trong việc giải quyết các vấn đề thực sự, cũng như thừa nhận những rủi ro thực sự.
Một trong các báo cáo này được thực hiện bởi Kevin Rudd (Mỹ-Trung Quốc trong thế kỷ 21: Tương lai của quan hệ Mỹ – Trung dưới thời Tập Cận Bình.) Đây là công trình của ông trong quãng thời gian làm việc tại Trung tâm Belfer của Harvard, và hiện đang được quảng bá tại Hội Châu Á (Asia Society.) Báo cáo còn lại, đến từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, được thực hiện bởi hai chuyên gia chính sách nặng ký là Robert Blackwill và Ashley Tellis (Điều chỉnh đại chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc).
Cả hai báo cáo đều cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đánh dấu sự thay đổi căn bản trong phân chia quyền lực ở châu Á, và các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, đặc biệt là Tập Cận Bình, đang quyết tâm sử dụng sức mạnh mới này để chuyển đổi trật tự tại châu Á theo hướng có lợi cho họ. Lập luận của Rudd về điều này là đặc biệt mạnh mẽ, một phần vì ông dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, nếu sử dụng tốt nhất khả năng của mình, Rudd có thể là một chuyên gia phân tích xuất sắc thực sự.
Vì vậy, nước Mỹ phải làm những gì? Rudd nói rằng Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết những căng thẳng gây ra bởi tham vọng của Trung Quốc bằng ngoại giao. Hai cường quốc này có thể và nên đàm phán trong tinh thần “chủ nghĩa hiện thực mang tính xây dựng”, tăng cường hợp tác đối với các lợi ích tương đồng, trong khi cách ly và quản lý các vấn đề mà họ không nhất trí.
Đó là một ý tưởng tốt đẹp, nhưng lập luận của Rudd lại tránh né câu hỏi khó: Liệu Mỹ có sẵn sàng thảo thuận với Trung Quốc theo cách ông đề xuất? Mô hình của ông ám chỉ một sự thay đổi hoàn toàn trong bản chất quan hệ Mỹ – Trung để từ đó, họ trở thành những đối tác thực sự trong lãnh đạo khu vực. Nhưng đề xuất của ông sẽ chỉ thành hiện thực nếu Mỹ sẵn sàng đối xử với Trung Quốc như một đối tác ngang hàng, điều tất nhiên là không phù hợp với mô hình cũ của Mỹ trong lãnh đạo khu vực châu Á.
Tuy nhiên, Rudd không thừa nhận điều này trong báo cáo của mình. Rõ ràng, ông hiểu rằng đó là điều mà các độc giả Mỹ của ông sẽ không muốn nghe, nhưng cho đến khi vấn đề này được đề cập một cách thẳng thắn thì cuộc tranh luận của Mỹ về Trung Quốc sẽ tiếp tục trượt khỏi mục tiêu chính.
Blackwill và Tellis không mắc phải sai lầm này. Họ thẳng thắn cho rằng việc duy trì ưu thế là mục tiêu chiến lược chính của Mỹ, và họ hối thúc Mỹ tăng cường kinh tế, quân sự và ngoại giao ở châu Á để bảo vệ mình trước thách thức từ Trung Quốc. Thực tế, đây là một chính sách ngăn chặn. Việc thỏa hiệp với tham vọng của Trung Quốc ở bất cứ đâu cũng phải bị loại trừ.
Họ khá lạc quan về những gì chính sách này sẽ yêu cầu. Họ kêu gọi tăng cường nền kinh tế, sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, và một sự phản công “địa kinh tế” nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế đang lan rộng của Trung Quốc, nhưng lại không đề cập tất cả những điều này có thể được thực hiện như thế nào. Điều này cho thấy họ không thực sự hiểu rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thay đổi một cách triệt để sự phân chia quyền lực như thế nào.
Nhưng quan trọng hơn, Blackwill và Tellis rất lạc quan về phản ứng của Trung Quốc. Họ nói rằng Mỹ có thể tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề phù hợp với các lợi ích của Mỹ, đồng thời, không ngừng chống lại tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng một trật tự khu vực mới. Đề xuất chính sách của họ giả định rằng Trung Quốc sẽ vui vẻ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ về những điểm này. Nói cách khác, đề xuất của họ giả định những gì phân tích của họ bác bỏ: cuối cùng thì, Trung Quốc không thực sự nghiêm túc trong việc thách thức ưu thế của Mỹ. Nếu đó là sự thật, Mỹ có thể làm theo đề xuất của Blackwill và Tellis để chống lại thách thức của Trung Quốc và duy trì ưu thế của mình mà không cần mạo hiểm phá vỡ quan hệ với Trung Quốc, và đó là những gì người Mỹ muốn nghe.
Điều này đưa chúng ta đến điểm mà Blackwill và Tellis hội tụ với Rudd. Cả hai báo cáo trốn tránh thực tế là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc suy cho cùng được gây ra bởi chính các mục tiêu về cơ bản là mâu thuẫn nhau của họ ở châu Á. Mục tiêu chính của Mỹ là duy trì vị trí lãnh đạo ở châu Á, và của Trung Quốc là nhằm thay thế Mỹ.
Rudd giả định rằng Mỹ sẽ từ bỏ mục tiêu của mình, trong khi Blackwill và Tellis giả định Trung Quốc sẽ lùi lại. Rudd, ít nhất, giả định rằng Trung Quốc cũng sẽ sẵn sàng thỏa hiệp, trong khi Blackwill và Tellis dường như nghĩ rằng nước Mỹ không cần nhượng bộ đáng kể để tận hưởng một mối quan hệ hòa bình với Trung Quốc.
Tất nhiên, rủi ro lớn là sẽ không bên nào sẵn sàng nhượng bộ, bởi vì cả hai đều mong bên còn lại nhượng bộ trước. Điều đó dẫn đến đối đầu leo thang và nguy cơ chiến tranh cao hơn bao giờ hết. Cả hai báo cáo đánh giá thấp nguy cơ đó, bởi vì họ dường như đã giả định Trung Quốc không muốn thay đổi trật tự khu vực đủ để dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ.
Hugh White là giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/05/01/su-dong-thuan-cua-my-ve-trung-quoc-dang-dan-do-vo/#sthash.HqJsHN53.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Obama chia sẻ với Việt Nam cách ứng xử với Trung Quốc


TS TRẦN CÔNG TRỤC (GDVN) - Tại sao khi nhắc tới người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và bài thơ thần "Nam quốc sơn hà", ông Obama chỉ đọc 2 câu đầu mà không nhắc... Thứ Sáu ngày 27/5 Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ra tuyên bố chung, trong đó có đề cập đến Biển Đông với lập trường rõ ràng: "Chúng tôi rất quan tâm trước những diễn biến trên Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình."
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam, ảnh: ABC News
Lãnh đạo cấp cao 7 nước Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada khẳng định rằng: "Bất kỳ yêu sách nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế, các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng và không đe dọa sử dụng vũ lực để theo đuổi các tuyên bố chủ quyền, hàng hải".
Tiếp sau động thái Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam và tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương và tăng cường hợp tác song phương, trong đó có một trọng tâm là lĩnh vực an ninh hàng hải, G-7 ra tuyên bố mạnh mẽ thể hiện mối quan tâm, lo ngại về Biển Đông và Hoa Đông đã khiến Trung Quốc tỏ ra hết sức khó chịu.
Tuy nhiên cá nhân tôi nhận thấy trong nội bộ dư luận Việt Nam cũng còn nhiều nhận thức khác nhau, thậm chí vẫn còn những băn khoăn về vai trò, ảnh hưởng, tác động của Hoa Kỳ, của tuyên bố dỡ bỏ cấm vận vũ khí, hay tuyên bố của G-7 về Biển Đông.
Vẫn còn đó những trăn trở, Việt Nam làm sao khai thác được những xu thế này phục vụ cho chiến lược bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền, lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.
Trong khuôn khổ bài viết này, xin chia sẻ một số nhận định của cá nhân tôi sau khi nghiền ngẫm những xu thế khách quan đang diễn ra trên thế giới, mà qua đó chúng ta có thể tự rút ra bài học cho mình.
Tuyên bố của Hoa Kỳ, của G-7 hay phán quyết của PCA về Biển Đông có lợi như thế nào với Việt Nam và có lợi đến đâu, còn do chính nhận thức của chúng ta sẽ góp phần quyết định.
Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama với quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương?
Đây có lẽ là câu hỏi được dư luận quan tâm nhất và đang theo dõi những diễn biến tiếp theo với nhiều nhận định khác nhau. Về mặt phản ứng chính thức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ có những phát biểu mang tính công thức xã giao và không bộc lộ lập trường.
Riêng về câu hỏi đề nghị bình luận tại sao Việt Nam muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí, bà Oánh nói: "Quý vị nên hỏi Việt Nam".
Tuy nhiên các kênh truyền thông chủ lực của nhà nước Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu hay Truyền hình Trung ương CCTV và một số học giả Trung Quốc tỏ ra khá bất mãn và khó chịu trước những bước phát triển mới của quan hệ Việt Mỹ.
Theo cá nhân tôi, phát biểu của Giáo sư Thời Ân Hoằng, Đại học Nhân dân Trung Quốc được VOA trích dẫn ngày 25/5 có thể phản ánh những suy nghĩ và tính toán của Bắc Kinh.
Ông Hoằng cho hay, Bắc Kinh sẽ không phản ứng theo cách "ăn miếng trả miếng" nhưng sẽ tiếp tục xây dựng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, trong khi gây áp lực với Hà Nội không đến quá gần Washington.
Người viết cho rằng đây mới là cái Việt Nam chúng ta cần lưu ý và có cách phản ứng phù hợp, chứ không phải những chiêu trò bình luận giật gân như Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã hay China Daily.
Học giả Trung Quốc thứ 2 mà tôi cho là nói khá thật lòng về những đánh giá, suy tính của Bắc Kinh xung quanh quan hệ Việt - Mỹ sau chuyến thăm của ông Obama là Giáo sư Trương Minh Lượng từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu.
Giáo sư Trương Minh Lượng, Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: walmtus.fwangyamei.cn.
VOA ngày 27/5 dẫn lời Giáo sư Lượng đánh giá, đối với Bắc Kinh thì triển vọng quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ với Việt Nam sẽ còn đáng "lo ngại" hơn so với quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines. Giáo sư Lượng bình luận:
"Việt Nam có kinh nghiệm mạnh mẽ hơn trong việc đương đầu (VOA sử dụng chữ "đối đầu", người viết cho rằng không đúng bản chất và dễ gây hiểu lầm nên sửa lại) với Trung Quốc. Họ có sự tỉnh táo vốn có và hiểu đối thủ hơn.
Với Mỹ, Việt Nam quan trọng hơn về mặt chiến lược trong việc chống lại thái độ hung hãn của Trung Quốc trong khu vực. Hoa Kỳ hiện tận dụng lợi thế này."
Toan tính của người Nga
Còn về phản ứng của Nga, Nikkei Asian Review ngày 29/5 dẫn lời một quan chức chính phủ nước này nói rằng: "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì quan hệ quân sự với Việt Nam". Tờ báo này bình luận, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, Mỹ hy vọng sẽ kiềm chế ảnh hưởng của cả Bắc Kinh lẫn Moscow.
Điều này có thể khiến Việt Nam rơi vào thế kẹt giữa "đối tác mới với bạn bè cũ", mà đúng hơn là thế kẹt bởi sự tranh giành ảnh hưởng của cả 3 siêu cường Mỹ -  Trung - Nga.
Sputnik News ngày 28/5 dẫn lời nhà báo Alexander Khrolenko của tờ "Nước Nga ngày nay" cho rằng, quyết định dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn vũ khí sát thương với Việt Nam của Hoa Kỳ ảnh hưởng không chỉ với 2 nước trong cuộc, mà còn cả Trung Quốc, Nga và một loạt nước khác.
Về khả năng phản ứng của Trung Quốc, quan điểm của nhà báo Alexander Khrolenko khá giống Giáo sư Thời Ân Hoằng: "Trung Quốc sẽ không tiến hành bất cứ động thái gay gắt, trừ khi thật cần thiết. Nhưng không vì vậy họ chấp nhận nhượng bộ  lập trường. Bắc Kinh sẽ tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo, tăng cường lên gân sức mạnh hải quân."
Tuy nhiên Alexander Khrolenko muốn nâng tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuyện này hơn nữa: "Dù ai đó muốn hay không nhưng thời gian đang có lợi cho Bắc Kinh, nền kinh tế toàn cầu ngày càng định hướng mạnh về phía Trung Quốc."
Lập luận đó của Alexander Khrolenko phải chăng chỉ là để dọn đường cho một thông điệp nào đó mà chính Alexander Khrolenko tiết lộ: "Tuy nhiên, bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận người Mỹ gián tiếp đặt Nga trước sự lựa chọn: hoặc tích cực hơn hỗ trợ Trung Quốc hoặc phát triển quan hệ với Việt Nam."
Phản ứng của Trung Quốc và Nga chỉ củng cố thêm ý nghĩa của việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam
Cá nhân người viết cho rằng, cho dù Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có hợp đồng nào về mua bán vũ khí phòng thủ sau khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm, nhưng những nhận định của truyền thông và học giả Trung Quốc, Nga đã cho thấy, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm và Việt Nam muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm này là hoàn toàn chính xác.
Ngoài ý nghĩa chính trị quan trọng kết thúc hoàn toàn quá trình bình thường hóa quan hệ, tạo dựng lòng tin chiến lược giữa hai bên, rõ ràng động thái mới này đã giúp Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên bàn đàm phán với cả đối thủ lẫn đối tác.
Riêng với Nga, các nhà cung cấp vũ khí khí tài nước này sẽ hiểu được rằng, họ không còn độc quyền trong việc cung cấp vũ khí cho Việt Nam phòng thủ, bảo vệ đất nước. Điều đó có nghĩa là cần phải ứng xử với Việt Nam với đúng nghĩa "khách hàng là thượng đế", chứ không phải thích bán thì bán, không thích thì thôi, bán cho loại nào thì biết loại đó.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, ảnh: VTV.
Và một khi nếu Nga muốn sử dụng Biển Đông làm con bài mặc cả như Alexander Khrolenko đề cập, thì càng chứng tỏ quyết định của Việt Nam và Hoa Kỳ là sáng suốt, cần thiết và cấp bách.
Việt Nam không mua sắm vũ khí để đe dọa bất cứ nước nào, mà chỉ để bảo vệ mình, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và lợi ích quốc gia,đồng thời góp phần duy trì và bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông.
Chỉ riêng về mặt thương mại hay kỹ thuật, việc 90% - 95% vũ khí Việt Nam do Nga sản xuất đủ thấy sự lệ thuộc vào nguồn cung độc quyền duy nhất. Điều này không phải không có những nguy cơ đối với Việt Nam, cho dù quan hệ chính trị giữa hai bên rất tốt đẹp và tình cảm người Việt Nam dành cho Nga rất chân thành. 
Huống hồ những vũ khí Nga bán cho Việt Nam để phòng thủ trên Biển Đông thì Nga cũng bán cho Trung Quốc để bành trướng Biển Đông. Về lâu dài điều này chúng ta cũng cần phải tính đến yếu tố bảo mật, an toàn cho hệ thống quả đấm thép của mình, cũng như yếu tố chống độc quyền và thao túng giá cả, làm mình làm mẩy của các nhà cung cấp.
Rõ ràng quan hệ chính trị tốt đẹp và tình cảm của người Việt luôn trân trọng, biết ơn những giúp đỡ to lớn của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, cũng như giúp đỡ to lớn của Trung Quốc dành cho Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, là điều rất đáng trân trọng và cần gìn giữ.
Tình cảm ấy, mối quan hệ tốt đẹp ấy cần phải được bảo vệ, củng cố và duy trì. Với quan hệ Việt - Nga, trong hợp tác quân sự quốc phòng và mua bán vũ khí, rõ ràng tính sòng phẳng, công bằng, cùng có lợi theo đúng quy luật thị trường là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản quý giá ấy.
Với quan hệ Việt - Trung có nhiều ân oán, thăng trầm và khúc mắc, tranh chấp đến tận bây giờ, hai bên càng phải tỏ rõ thiện chí giải quyết những mầm mống ung nhọt trong quan hệ song phương bằng luật pháp quốc tế, trong khi quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên đã tạo môi trường rất tốt để đối thoại.
Nói thực lòng, ngày nào Hoàng Sa và một phần Trường Sa còn chưa trở về đất mẹ, ngày nào Trung Quốc còn leo thang quân sự hóa Biển Đông và đe dọa đến không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam mà lại mong muốn người Việt có lòng tin với mình thì chẳng khác nào mò trăng đáy nước.
Tổng thống Obama chia sẻ với Việt Nam cách ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông

TỔNG THỐNG OBAMA HIỂU THẤU TÂM CAN VÀ SỨC MẠNH NGƯỜI VIỆT

Ngày 25/5 cổng thông tin điện tử Nhà Trắng whitehouse.gov đăng toàn văn nội dung họp báo giữa Tổng thống Barack Obama với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sau hội đàm song phương cùng ngày. Trong đó ông Obama có đề cập đến trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung trên Biển Đông cũng như quan điểm của Hoa Kỳ.
Ông Obama nói: "Phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam đang diễn ra hoàn toàn không liên quan gì đến Trung Quốc, mà dựa trên mong muốn mở rộng thương mại, mở rộng hợp tác trên một loạt các lĩnh vực vì lợi ích chung của cả 2 nước. Đó là những gì diễn ra suốt 30 năm qua và vẫn đang diễn ra hiện nay.
Vì vậy, thực tế có thể Trung Quốc sẽ cảm nhận mối quan hệ này là một loại khiêu khích, nhưng chúng tôi cho rằng đó là thái độ của Trung Quốc và không nói lên bất cứ điều gì về thái độ của chúng tôi.
Những căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam hay Trung Quốc với Philippines, hoặc với các bên yêu sách khác ở Biển Đông không phải do chúng tôi gây ra.
Chúng tôi muốn thấy một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp đó. Chúng tôi không làm bất cứ điều gì để ngăn cản việc này.
Chúng tôi hoan nghênh Trung Quốc và Việt Nam đối thoại và giải quyết tranh chấp. Chúng tôi không đứng về bên nào về yêu sách chủ quyền. Vì vậy để giải quyết tranh chấp là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của Trung Quốc.
Mục tiêu của chúng tôi liên quan đến lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, chỉ đơn giản là duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không, duy trì các quy tắc và chuẩn mực luật pháp quốc tế bởi vì chúng tôi tin rằng điều đó có lợi cho tất cả các bên, bao gồm Trung Quốc."
Người viết cho rằng, những phát biểu này là câu trả lời không thể rõ ràng hơn cho Trung Quốc và cho chính những ai đang lo ngại Trung Quốc có thể gây sự, tìm cách gây sức ép với Việt Nam sau chuyến thăm của ông Obama.
Ông ấy nói rất rõ, Mỹ không những trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các thực thể trên Biển Đông, cụ thể là 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc gọi là "đảo Hoàng Nham".
Ngược lại, Tổng thống Hoa Kỳ còn cổ vũ Việt Nam và Trung Quốc đối thoại với nhau để tự tìm cách giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Do đó, nếu Trung Quốc có phàn nàn gì thì thiết nghĩ, chỉ cần nhắc lại cho họ nghe lời phát biểu rõ ràng của ông Obama trên website Nhà Trắng, đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam về vấn đề Hoàng Sa, có lẽ Trung Quốc sẽ không thể phàn nàn được gì.
Giả sử Trung Quốc có lo lắng "Việt Nam cẩn thận kẻo bị Mỹ lừa" như Tân Hoa Xã từng nói trong một bài xã luận, thì xin thưa các bạn Trung Quốc, chúng tôi bị lừa quá nhiều rồi. Việt Nam tự biết cách bảo vệ mình trước các âm mưu, thủ đoạn của bất kỳ ai.

BỎ CẤM VẬN VŨ KHÍ VỚI VIỆT NAM LÀ LỢI ÍCH CỦA MỸ

Mặt khác với những ai vẫn còn băn khoăn, phải chăng Hoa Kỳ muốn mượn tay Việt Nam để "kiềm chế Trung Quốc", "chống Trung Quốc", lo Việt Nam có thể bị nước láng giềng phương Bắc "trả thù vì đi với Mỹ", thì đọc lại lời khẳng định rõ ràng của ông Obama cũng có thể tự tìm thấy câu trả lời.
Hoa Kỳ không rảnh để chống Trung Quốc, các nước khác cũng vậy. Nhưng chính các hành vi leo thang quân sự hóa, phiêu lưu của Trung Quốc trên Biển Đông đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Hoa Kỳ đang chống lại những hành vi vi phạm pháp luật quốc tế này từ phía Trung Quốc. Đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của các nước ven Biển Đông muốn bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và trật tự quốc tế trên vùng biển này.
Nếu Trung Quốc không có những hành vi leo thang quân sự hóa Biển Đông, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác, ngăn cản tự do hàng hải, hàng không với ý đồ xưng hùng xưng bá trên Biển Đông thì Hoa Kỳ cũng không việc gì phải thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và hợp tác với các nước bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Cái Mỹ quan tâm ở Biển Đông là gì, cái Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam trên Biển Đông là gì, ông chủ Nhà Trắng đã nói quá rõ. Nói cách khác, Mỹ không chống Trung Quốc, chỉ chống lại các hành vi chà đạp luật pháp và công luận quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ không nhằm vào chủ thể, mà nhằm vào hành vi.
Chính bởi điều này Việt Nam và Hoa Kỳ mới có thể hợp tác lâu dài. Còn bất kỳ quốc gia nào muốn lợi dụng Việt Nam để chống lại một nước thứ ba vì ý đồ chính trị ích kỷ của họ thì chắc chắn Việt Nam sẽ chống lại ý đồ ấy.
Tư duy này của Hoa Kỳ và Tổng thống Barack Obama hoàn toàn phù hợp với lập trường vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ quốc tế hiện nay. Đặc biệt là đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có nhiều thăng trầm, phức tạp thì việc phản ứng với hành vi chứ không vơ đũa cả nắm với chủ thể lại càng có ý nghĩa quan trọng và bài học sâu sắc.
Việt Nam rất mong muốn chung sống hòa bình, hợp tác hữu nghị, cùng phát triển phồn vinh với Trung Quốc và sẽ nỗ lực hết sức cùng Trung Quốc để vun đắp cho mối quan hệ ấy.
Nhưng bất cứ hành vi nào xâm phạm hay đe dọa đến độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam thì người Việt phải chống lại, quyết không đánh đổi độc lập chủ quyền lấy hữu nghị viển vông.
Nếu như Hoa Kỳ và các bên liên quan ở Biển Đông hết sức minh bạch, rõ ràng trong việc xác định bản chất các vấn đề ở Biển Đông và có những phản ứng phù hợp, chỉ phản đối hành vi mà không chống đối chủ thể theo kiểu vơ đũa cả nắm, thì chính Trung Quốc đang làm điều ngược lại.
Chính Trung Quốc mới là nước đang cố tình đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận con đen hòng khuấy đục dư luận ở Biển Đông với việc đánh đồng tất cả các tranh chấp phức tạp thành một loại: Tranh chấp chủ quyền.
Thực tế, vụ kiện của Philippines là Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Thực chất hợp tác an ninh hàng hải Việt Nam - Hoa Kỳ hay với các nước khác ở Biển Đông cũng chính là để bảo vệ UNCLOS, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông, chống vũ lực và đe dọa.
Lúc này đọc lại nội dung bài phát biểu ấn tượng của ông Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình người viết mới thấy cái tầm của ông chủ Nhà Trắng vượt xa mọi chỉ trích vô lý của truyền thông Trung Quốc.
Ông Obama đã thực sự thấu hiểu hoàn cảnh, chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc nói riêng và quan hệ đối ngoại nói chung.
Đó là lý do tại sao khi nhắc tới người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và bài thơ thần "Nam quốc sơn hà", ông Obama chỉ đọc 2 câu đầu mà không nhắc tới 2 câu sau:
"Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời."
Nếu ông Obama đọc nốt hai câu này thì có lẽ ai đó sẽ chột dạ, nghi ngờ và có thể có những hành động phiêu lưu. Chí ít thì họ cũng có thể lấy đó làm cớ để gây sức ép với Việt Nam, chụp mũ cho chúng ta là theo nước này nước kia để chống lại họ.

BÀI HỌC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 1979-1989 VỚI KHỦNG HOẢNG BIỂN ĐÔNG

Mặc dù bài thơ - bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam là chuyện trong lịch sử, nhà Tống xâm lược Đại Việt và bị quân dân Đại Việt đánh cho tơi bời.
Như vậy có thể thấy Obama rất tế nhị trong các vấn đề liên quan đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Chắc chắn Hoa Kỳ không muốn để Trung Quốc bành trướng, khống chế và độc chiếm Biển Đông thành ao nhà và tàu thuyền Mỹ qua lại thường xuyên phải nộp tô, xin phép.
Đó chính là lý do tại sao Mỹ muốn phát triển quan hệ đặc biệt tin cậy với Việt Nam nhưng không đặt vấn đề phải là đồng minh hiệp ước theo mô hình truyền thống như với Nhật Bản, Philippines, Australia hay Hàn Quốc.
Thiết nghĩ điều này phù hợp với lợi ích lâu dài của Việt Nam, cũng như chủ trương đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ quốc tế và không chạy đua vũ trang, không theo nước này chống nước khác.
Chúng ta chỉ bảo vệ mình và góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng hải hàng không, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông. Hoa Kỳ cũng đang làm điều đó, vì lợi ích và vị thế của họ ở châu Á - Thái Bình Dương đang hội tụ với lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông.
Vậy là trong số những vấn đề Trung Quốc có thể "gây sức ép" với Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ như truyền thông Trung Quốc bình luận, ngoài vấn đề ý thức hệ mà chính Trung Quốc đã tự tay vượt rào năm 1972 với cái bắt tay xuyên Thái Bình Dương bằng tuyên bố Thượng Hải, thì vấn đề ý đồ của Mỹ "lôi kéo" Việt Nam như Trung Quốc lo ngại, ông Obama đã có câu trả lời rất rõ ràng, sòng phẳng, minh bạch.
Còn vấn đề nhân quyền mà truyền thông Trung Quốc rất thích đề cập với mặc định như một rào cản để Việt Nam và Hoa Kỳ không thể phát triển quan hệ hợp tác thân thiện hơn, gần gũi hơn, xin được phân tích ở một bài viết khác.
Những phát biểu và động thái của Hoa Kỳ cũng như cá nhân ngài Tổng thống Obama đã cho chúng ta rất nhiều điều phải suy ngẫm. Ông Obama đã chìa cánh tay thân thiện về phía chúng ta, có nắm lấy bàn tay ấy và nắm như thế nào do chúng ta quyết định.
Khi chúng ta đã xác định một đường lối đối ngoại độc lập tự chủ hết sức minh bạch, công khai, văn minh và thiện chí thì không có gì ngăn cản chúng ta thực hiện thành công chiến lược ấy.
Những rào cản còn lại nằm ở chính tư duy cũ của chúng ta về đối tác - đối tượng, bạn - thù, đấu tranh - hợp tác. Trong khi những phạm trù đối lập này đã thay đổi nhanh chóng trên thực tế, nhận thức của chúng ta vẫn chưa theo kịp. Nếu áp tư duy cũ vào hiện tượng mới, câu chuyện mới thì sẽ có khả năng khó tránh khỏi sai lầm. Chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn vấn đề này trong một bài khác.
Nhưng khi đặt lợi ích sống còn của quốc gia, dân tộc lên trên hết cùng với vận mệnh của hòa bình, ổn định khu vực và luật pháp - công lý quốc tế, trái tim và khối óc chúng ta sẽ chỉ cho chúng ta thấy cần phải làm gì và như thế nào.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài bình luận của ông xung quanh phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama về vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bên lề hội nghị G-7.

Những bình luận và thông điệp của ông Obama trong và sau chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài bình luận này của Tiến sĩ. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.

http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ong-Obama-chia-se-voi-Viet-Nam-cach-ung-xu-voi-Trung-Quoc-post168286.gd
Ts Trần Công Trục
Phần nhận xét hiển thị trên trang