Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

SUY TƯ VỀ XÃ HỘI


Bài này không mới, nhưng giá trị của nó còn nguyên, một bài rất hay, rất đúng của tác giả Trần Quang Cơ, một trí thức, một nhà ngoại giao có tài và có tâm với đất nước, chỉ tiếc là một mình ông cũng chẳng xoay chuyển được gì. Phần 1-2 ông viết về cá nhâ và gia đình tôi không đưa lên. Mời các bạn đọc để cùng chia sẻ nỗi buồn của dân tộc, còn những ai cần phải đọc thì họ không đọc, không bận tâm, HỌ vẫn nhất nhất theo thày từng chi tiết.

3. Suy tư về xã hội:

Quả thực tôi đang suy nghĩ nhiều về vấn đề công bằng xã hội, điều mà từ khi biết nghĩ tôi luôn cho là nhất thiết phải có trong một xã hội tốt đẹp. Tôi không hề nghĩ đến chuyện “cào bằng” tất cả, mà chỉ nghĩ rằng cái tốt phải thắng cái xấu, người giỏi phải giữ vị trí quan trọng hơn người dốt, người trung thực phải thắng kẻ cơ hội lừa lọc. Hiện tại những điều đó hình như đang diễn ra ngược lại trong xã hội ta. Có phải suy nghĩ đó của tôi có quá lý tưởng hóa cuộc đời không?

Tôi cũng không quá bận tâm đến những chuyện như “lâm tặc”, “cát tặc”, “đinh tặc”, ... Tôi cho rằng thằng “tặc” ghê gớm nhất, cái ung nhọt lớn nhất và cũng là nhức nhối nhất trong xã hội ta hiện nay là “tặc” tham ô, nhũng nhiễu dân thường đã lan tràn từ trên xuống dưới khiến cho không thể có công bằng trong xã hội. Thật khác với tình hình xã hội ta ngày trước. Trước đây, nước ta tuy có khó khăn nhiều bề, nhưng trong sạch. Ngày nay, tham nhũng đẻ ra tham nhũng. Tham nhũng bây giờ được xem như một cách “đầu tư” rất thịnh hành, vì thu lợi nhuận cao và nhanh nhất. Những kẻ có quyền thế, hoặc là những tên cơ hội hay nhiều tiền của, chúng thường là những kẻ “thiếu tài nhưng nhiều mánh khóe, nhiều tiền”. Chúng bỏ tiền ra “mua quan”. Tiền bỏ ra càng nhiều tự khắc “mua” được  chức vụ càng cao, béo bở, rồi lập tức sử dụng cái quyền lực mới “mua” được ấy để thu lại số vốn đã “đầu tư” và thu lãi ngay bằng cách “bán chức”. Cứ như thế tạo ra tầng tầng lớp lớp “tham nhũng”. Lũ ròi bọ “tham nhũng” sinh đẻ ra nhanh như cỏ dại. Thử hỏi: vì sao giá nhà, đất đang “nóng” mà hiện nay lại “đóng băng”? Đó là vì lúc này là thời gian mà những ai có chức, có quyền đều phải tạm thời “im hơi, lặng tiếng” cho đến khi các “ghế” quan chức từ phường xã, quận huyện, tỉnh thành cho đến trung ương đã được chia chác xong thì tự khắc giá nhà đất sẽ lại “nóng” lên ngay.

Người ta cứ nói “chống tham nhũng”. Nhưng diệt sao được “tổ mối tham nhũng” khi những con “mối chúa” còn bình an vô sự, ăn no béo mầm! Loại “tham nhũng chúa” có vỏ bọc dầy lắm, có đủ dây rợ dọc ngang, khó gỡ cho ra đầu mối. Quá lắm thì chúng dùng đến nước cờ “thí tốt”, đổ hết tội lên đầu bọn “tham nhũng tép riu”, còn chúng thì vẫn thơm tho sạch sẽ!

Do đó, khoảng cách giữa giàu - nghèo, giữa thành thị và nông thôn càng ngày càng lớn, xã hội càng bị phân hóa một cách nguy hiểm, những tệ nạn xã hội lan tràn hơn lúc nào hết.

Lòng tin của người dân đang bị sói mòn đi, mà khi đã mất lòng tin của dân thì xã hội sẽ mất ổn định.

4. Suy tư về tình hình đối ngoại của nước ta:

Trước hết cần suy nghĩ xem nước ta hiện đang ở trong bối cảnh quốc tế ra sao, có những thuận lợi và khó khăn gì phải xử lý. Vấn đế này có liên quan, trực tiếp hay gián tiếp, đến Việt Nam, đến vận mệnh của đất nước, đến lợi ích chính đáng của dân tộc ta.

Tình hình thế giới lúc này đã chuyển biên khác thời kỳ mà tôi viết “Hồi ức và Suy nghĩ” vào cuối thế kỷ thứ 20. Sau khi Liên Xô tan vỡ, “trật tự thế giới 2 cực” không còn, Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất. Có một thời gian cục diện thế giới có hình thái “một siêu đa cường”. Do chính sách đối ngoại sai lầm của chính quyền Bush cha và Bush con, của đảng Cộng hòa, rồi đến cuộc suy thoái tòan cầu khiến cho vị thế của Mỹ  bị sa sút trông thấy. Về quân sự thì sa lầy ở Iraq, rồi Afghanistan, về kinh tế thì cuộc suy thoái toàn cầu làm cho chính quyền đảng Dân chủ mới lên của Barak Obama lao đao. Hơn thế nữa, Mỹ còn là đối tượng chính của các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó Trung Quốc nổi hẳn lên về kinh tế, đứng hàng thứ 2 thế giới, vượt Nhật và chỉ sau Mỹ. Nhờ đó, Trung Quốc đã tranh thủ tăng cường nhanh chóng về mặt quân sự, nhất là về hải quân. Tất nhiên tham vọng bành trướng Đại Hán cũng từ đó mà phát triển mạnh. Hiện nay Trung Quốc đã gần như ngang hàng với Mỹ trong vai trò quyết định nhiều vấn đề quan trọng của thế giới. Tôi cho rằng ý đồ của nhóm lãnh đạo ở Trung Nam Hải là muốn nhân cơ hội này, thừa thắng từng bước vươn lên thành siêu cường số 1 thế giới, vượt lên trên cả Mỹ, với ý đồ tạo lập ra một “trật tự thế giới mang màu sắc Trung Quốc”. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Trung Quốc chỉ  có thể gây khó khăn cho Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, chứ trên các lĩnh vực khác khó có thể vượt Mỹ, nhất là về khoa nọc kỹ thuật.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc hết sức lắt léo. Đối với các cường quốc như Mỹ, Nhật, Liên minh Châu Âu, Nga, Ấn Độ, họ vừa hợp tác vừa kiềm chế bằng mọi thủ đoạn. Như trong các vấn đề Triều Tiên, Iran, Iraq, Afghanistan, họ luôn có thái độ lững lờ nước đôi. Bề ngoài thì ra vẻ hợp tác để cố gắng giải quyết các vấn đề này, song bên trong lại gần như ngấm ngầm khuyến khích các đối tượng đó khiến cho các đối thủ của mình, nhất là Mỹ, luôn phải lo đối phó với đủ loại thách thức, không thể phát triển lên được. Như việc CHDCND Triều Tiên đang cố chế tạo ra vũ khí hạt nhân, uy hiếp trực tiếp các đồng minh của Mỹ (Nhật Bản, Hàn Quốc). Tuy Trung Quốc là thành viên của nhóm 6 nước lớn lo việc đàm phán với Triều Tiên để thuyết phục nước này từ bỏ ý định trở thành một cường quốc hạt nhân. Song ai cũng biết là Triều Tiên hiện chỉ còn một đồng minh gần gũi là Trung Quốc, và có lẽ về mặt nào đó phụ thuộc vào Trung Quốc. Vậy liệu hiện tượng Triều Tiên vẫn kiên trì lập trường của mình có phải có tác động của Trung Quốc hay không?

Với Nga cũng vậy, Trung Quốc và Nga hiện nay có vẻ ăn ý với nhau về việc ngăn Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt Iran về việc Iran tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng thực ra 2 nước này vẫn dè chừng nhau. Trong thế kỷ trước, cuộc tranh giành quyết liệt giữa Liên Xô và Trung Quốc về vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới, rồi đến các vụ xung đột biên giới Trung - Xô những năm 1960, cả hai đều không dễ quên đâu.

Trrước mắt trọng điểm bành trướng của Trung Quốc là Việt Nam. Hướng bành trướng của Trung Quốc là xuống phía Nam, mà Việt Nam lại là chướng ngại vật lớn cản trở tham vọng bành trớng đó nên Trung Quốc đang có kế hoạch thôn tính Việt Nam bằng mọi thủ đoạn. Họ tiến hành cái tôi tạm gọi là “thôn tính mềm”, không gây ầm ĩ như cuọc chiến tranh chớp nhóang tháng 2/1979, mà dùng những thủ đọan hiểm độc hơn nhiều: đó là vừa dùng sức mạnh quân sự để uy hiếp trắng trợn, vừa dùng tiền tài mua chuộc; vừa phá từ trong phá ra, vừa bao vây từ ngoài lấn vào. Bao vây tứ phía. Trước hết là phía Đông.

Tham vọng của Trung Quốc là làm chủ cả Biển Đông. Muốn thế trước hết phải uy hiếp và khống chế Việt Nam là nước có bờ biển thông ra Biển Đông dài nhất. Từ ngòai xa, họ xâm chiếm các quần đảo Hòang Sa, Trường Sa của ta. Đến gần, trong vịnh Bắc Bộ, họ ngang nhiên vạch ra vùng “lưỡi bò”, nói đó là thuộc lãnh hải Trung Quốc, nhất là từ phía Đông. Biển Đông là miếng mồi ngon mà trước mắt Trung Quốc đang muốn “ăn sống nuốt tươi” vì nhược điểm lớn của họ là rất thiếu nguồn nhiên liệu để phát triển. Mà thềm lục địa của Việt Nam trông ra Biển Đông lại rất dài và rất nhiều nguồn dầu khí có trữ lượng rất lớn chưa được khai thác.

Còn trên bộ, phía Tây nước ta đã bị người anh em “4 tốt” dễ dàng cắm chốt vào vùng Tây Nguyên của ta bằng cách đầu tư và đưa người sang khai thác quặng bô-xít và chế biến nhôm. Như thế, họ vừa chiếm lĩnh được một địa bàn chiến lược, từ đó khống chế được cả 3 nước Đông Dương, vừa thực hiện chính sách thu gom tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, như họ đang làm ở châu Phi, để tích trữ, coi đó sẽ là một thứ vũ khí lợi hại để uy hiếp về mặt kinh tế các đối thủ sau này. Nên biết rằng Trung Quốc không thiếu những mỏ quặng bô-xít để chế ra nhôm, nhưng họ để dự trữ và bảo vệ môi trường nước họ nên họ để dành chưa đụng đến.

Phía Nam, Trung Quốc đang đe dọa nguồn sống của dân ta ở tòan bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng cách xây đập làm nhà máy thủy điện lớn, ngăn nguồn nước ngọt ngay từ thượng lưu sông này.
Còn phía Bắc, họ gặm đất đai nước ta từng mảng như Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, ... Thật sót sa khi ta không còn có thể nói là “Đất nước Việt Nam trải dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu” nữa, mà có lẽ phải nói là “từ các cột mốc phân biên giới Việt Nam với Trung Quốc đến mũi Cà Mâu”! Đau hơn nữa, mới đây, ngày17/2/2009, họ đã trâng tráo tổ chức lễ kỷ niêm 30 năm của cuộc vũ trang xâm nhập vào vùng biên giới nước ta hồi tháng 2 năm 1979 mà họ mệnh danh là “cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam”. Họ còn làm lễ tưởng niệm những tên giặc đă chết khi xâm lấn đất ta. Trong khi đó hàng vạn liệt sĩ của ta hy sinh trong khi anh dũng chống quân xâm lược “đại Hán thế kỷ 21” thì âm thầm nằm đó, không một cơ quan truyền thông nào của ta nhắc tới, hoăc có nghĩ tới mà không dám nói ra, vì sợ “ảnh hưởng đến đại cục” ?!?


Không chỉ dừng lại ở đó, Trung Quốc còn đang dùng nhiều thủ đoạn để xâm nhập sâu vào Lào và Campuchia, nhằm bao vây cô lập Việt Nam. Ngay đầu năm 2011, có tin Trung Quốc vừa tung tiền ra để thuê của Lào một khu đất nông nghiệp trong 75 năm để xây dựng ở đó một thành phố cho người Trung Quốc di cư sang sống dài hạn ở đó.

Còn ở Campuchia, Trung Quốc bây giờ dùng bọn Sam Rainsy thay Khơ me đỏ để gây hận thù giữa nhân dân Campuchia và Việt Nam. Bọn này phá cột mốc phân đường biên giới VN-CPC và phá quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời Trung Quốc cũng vẫn len lỏi gây ảnh hưởng trong bộ máy chính quyền của Thủ tướng Hun Sen .

Còn bên trong nước ta, họ dùng chiến thuật hiểm độc, chiến thuật “con mối”, cứ lặng lẽ mà đục ruỗng nước ta bằng nhiều thủ đoạn, như mua chuộc và tha hóa cán bộ ta, ... rồi cuối cùng thì nuốt chửng, mà ta lúc này (như trên đã nói) với tệ tham nhũng hòanh hành khắp nơi – không loại trừ có bàn tay của Trung Quốc - đã như một khúc gỗ mục. Êm ái như vậy nên dù gần đây ta đã đẩy mạnh chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, ta không còn cô lập như trước, ta có nhiều bạn hơn. Việc ta tăng cường lực lượng hải quân, không quân để lo bảo vệ vùng biển và hải đảo của ta, cũng như tăng cường quan hệ với thế giới bên ngoài, nhất là với các cường quốc như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản. Đó là những bước đi tuy hơi chậm nhưng còn phù hợp với tình hình. Việc ta tăng cường sức mạnh quân sự, chủ yếu về hải quân, không quân, tuy so với Trung Quốc chẳng bõ bèn gì, nhưng cũng biểu lộ được quyết tâm chống trả của ta nếu đối phương gây hấn. Còn việc ta tăng cường quan hệ ngoại giao với quốc tế làm cho thế giới quan tâm đến Việt Nam hơn, song trong trường hợp mà kẻ thù nham hiểm chỉ dùng thủ đọan “xâm lược ngấm ngầm”, không lộ rõ không biểu hiện là Việt Nam bị “ngọai xâm” thì các nước có cảm tình với ta sẽ không có lý do gì để can thiệp cả.

Còn ở Biển Đông, Trung Quốc hết sức chống việc quốc tế hóa vấn đề để ngăn không cho Mỹ nhảy vào. Họ cũng không muốn phải đối phó với 10 nước Asean. Trung Quốc khăng khăng phải đàm phán giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông bằng đàm phán song phương vì tách từng từng chiếc đũa một thì dễ bẻ gẫy hơn. Vì vậy ta thấy rõ yêu cầu chiến lược của Mỹ ở Biển Đông và đáp ứng hợp tác với Mỹ về mặt quốc phòng, cũng như gắn bó chặt chẽ với các nước thành viên khác trong Asean là một bước đi cần thiết, đúng hướng.

Tuy nhiên tôi cho rằng rút cục chỉ có chính nhân dân ta mới thực sự cứu được nước ta thôi. Nhưng trên dưới phải một lòng, như thời Hội nghị Diên Hồng ngày xưa. Đảng phải dựa vào Dân, Dân vững lòng tin cậy vào Đảng thì dân tộc ta mới thực sự có sức mạnh để bảo vệ đất nước. Tiếc thay hiện nay điều đó còn là sự mong đợi của chúng ta.

Trong thời chiến, quân sự là mặt trận chính để bảo vệ Tổ quốc. Còn trong thời bình như hiện nay thì thực sự ngoại giao phải là mặt trận hàng đầu có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc. Vì chỉ trong bối cảnh hòa bình, ngoại giao mới sẵn đất dụng võ. Mục tiêu chính của ta thời gian này là Hòa bình để Phát triển. Nhờ triển khai mạnh chính sách ngoại giao đa phương hóa - đa dạng hóa việc kết bạn bè nên vị thế nước ta ở châu Á và cả trên thế giớí lúc này đã tăng lên rõ rệt, bạn bè quốc tế của ta đông hơn lúc nào hết. Đó là điểm sáng trong lúc này vì đó chính là điều khiến cho kẻ thù phài kiêng nể, khi nghĩ tới chuyện tiếp tục “lấy thịt đè người”, cậy mình là nước lớn uy hiếp ta. Ta sẵn sảng hợp tác hữu nghị với các nước, song có hợp tác cũng phải có đấu tranh. Với Mỹ cũng vậy, ta mong muốn tăng cường hợp tác về nhiều mặt nhưng vẫn cần đấu tranh về vấn đề nào trái với lợi ích của ta, như vấn đề  chất độc da cam. Với Trung Quốc cũng vậy, ta không thể nên  chỉ quá nặng về hợp tác và nhân nhượng để thiên hạ đánh giá là ươn hèn, mà nhẹ mặt đấu tranh.

Tháng Chạp năm Canh Dần 2010

Trần Quang Cơ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ nghĩa xã hội và dân chủ là hai khái niệm mâu thuẫn với nhau


Sandy Ikeda

Phạm Nguyên Trường dịch


Sẽ xảy ra chuyện gì khi bạn tìm cách kết hợp dân chủ với chủ nghĩa xã hội

Tại sao lại có quá nhiều thanh niên Mĩ bất ngờ tự gọi mình là người chủ nghĩa xã hội dân chủ đến như thế? Tôi cho rằng nhiều người trong số họ chỉ đơn giản là muốn tách mình ra khỏi những người xã hội chủ nghĩa đã từng ủng hộ các chế độ độc tài như Liên Xô cũ và nhà nước Trung Quốc Maoist hay những đang ủng hộ Bắc Triều Tiên mà thôi. Họ muốn thông báo rằng đối với họ, tự do chính trị cũng quan trọng như, ví dụ, công bằng về kinh tế.
Nhưng dân chủ và chủ nghĩa xã hội có tương thích với nhau hay không?

Không. Mặc dù một số mục tiêu của chủ nghĩa xã hội có thể là cao cả, nhưng phương tiện mà nó sử dụng về bản chất là mâu thuẫn với dân chủ. Rốt cuộc, “chủ nghĩa xã hội dân chủ” cũng chẳng khác gì “nô lệ tự nguyện”.

Dân chủ 

Những người khác nhau gán cho thuật ngữ dân chủ những ý nghĩa khác nhau. Đối với một số người, dân chủ là mục đích của chính nó, mục đích mà người ta sẵn sàng hi sinh tính mạng để giành cho bằng được. Đối với những người khác, dân chủ là phương tiện tốt nhất để tạo ra chính phủ nhỏ gọn, có trách nhiệm trước các công dân hay phương tiện chuyển giao quyền lực chính trị một cách hòa bình. Vì vậy, như F.A. Hayek viết trong cuốn Đường về nô lệ, “Dân chủ thực chất là phương tiện, là một công cụ thiết thực để bảo vệ hòa bình trong xã hội và tự do cá nhân”.

Nhưng tôi nghĩ rằng hầu như tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng ý nghĩa thông thường của dân chủ gắn liền, chí ít là với khái niệm về quyền tự quyết và tự do thể hiện. Theo đó, người ta có xu hướng coi dân chủ là lá chắn nhằm chống lại những người có sức mạnh hơn mình.

Chủ nghĩa xã hội


Cũng như với thuật ngữ dân chủ, người ta có thể giải thích “chủ nghĩa xã hội” như là một mục đích hay là một phương tiện. Ví dụ, một số người coi chủ nghĩa xã hội là giai đoạn tiếp theo của “quy luật vận động của lịch sử” của Marx, trong đó, dưới chế độ chuyên chính vô sản, mỗi người đều làm theo năng lực và hưởng theo lao động. Phiên bản ôn hòa hơn của chủ nghĩa xã hội là hệ thống kinh tế chính trị với những mục tiêu cụ thể, ví dụ như “công bằng xã hội” cao hơn tất cả các kế hoạch nhằm tìm kiếm lợi nhuận cho cá nhân.

Hay người ta có thể coi chủ nghĩa xã hội như một hình thức tập thể, dùng một số phương tiện - kiểm soát về mặt chính trị công cụ lao động, vốn, đất đai – nhằm thực hiện một kế hoạch kinh tế quy mô lớn, để buộc người dân làm những việc mà họ có thể không thích làm. Chủ nghĩa xã hội sử dụng các phương tiện tập thể như thế có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa phát xít, ngay cả khi hai chế độ này theo đuổi những mục tiêu hoàn toàn khác nhau.

Chủ nghĩa xã hội dân chủ

Sẽ xảy ra chuyện gì nếu bạn tìm cách gắn dân chủ với xã hội chủ nghĩa?

Xin nói ngay rằng chính phủ xã hội chủ nghĩa chỉ có thể lựa chọn một trong hai mục tiêu: bình đẳng hơn về thu nhập hay công bằng hơn về sắc tộc. Ngay cả trong trường hợp đơn giản, chỉ có như thế, chính phủ đã phải xác định một cách rõ ràng bình đẳng và công công có nghĩa là gì để tất cả mọi người đều có thể đồng ý. Thu nhập là gì? Cái gì tạo ra sự công bằng về sắc tộc? Cái gì tạo ra thu nhập bình đẳng hơn hay công bằng hơn? Khi nào thì bình đẳng hay công bằng đã chiến thắng: bình đẳng hoàn toàn hay công bằng hoàn toàn? Nếu chưa hoàn hảo thì chưa hoàn hảo đến mức nào?


Đây mới chỉ là mấy câu hỏi khó mà chính quyền sẽ phải trả lời. Và, dĩ nhiên là chính quyền sẽ xử lí không phải một vài mục tiêu mà là vô số mục tiêu và “những ưu tiên” mà họ sẽ phải xác định, phân cấp, thực hiện, theo dõi..v.v... Và khi điều kiện thay đổi, không thể đoán trước được, như vẫn thường xảy ra, thì chính quyền sẽ phải liên tục điều chỉnh kế hoạch. Trong những trường hợp như thế, càng ít người có quyền đưa thông số vào kế hoạch cuối cùng thì càng tốt. Đó là lí do vì sao nếu ý tưởng về dân chủ là hiện thân của lí tưởng tự do về tự định hướng, về tạo điều kiện cho người dân bình thường lựa chọn một cách có suy nghĩ các chính sách cai trị chính mình và tự thể hiện, thì dân chủ sẽ đặt ra một loạt vấn đề mà chủ nghĩa xã hội không thể nào vượt qua được.

Khi chính phủ nhỏ và chỉ thực hiện những chính sách mà hầu như tất cả mọi người đều đồng ý - ví dụ, thu thuế nhằm chi cho việc bảo vệ lãnh thổ một cách hiệu quả - thì nền dân chủ có thể hoạt động tương đối tốt, vì số lượng những vấn đề mà đa số cử tri và những nhà hoạch định chính sách cần phải thỏa thuận là tương đối nhỏ. Nhưng khi thẩm quyền của chính phủ mở rộng sang ngày càng nhiều lĩnh vực của cuộc sống thường nhật của chúng ta - chăm sóc sức khỏe, ăn uống, giáo dục, việc làm và nhà ở - như dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, thì tìm đồng thuận của đại đa số công dân đủ năng lực về mỗi vấn đề là việc làm bất khả thi. Tranh cãi là không thể tránh khỏi và sự chia rẽ dân chúng thành vô số các nhóm lợi ích sẽ làm rối loạn tiến trình chính trị.

Cá nhân được quyền tự thể hiện đến mức nào, chính quyền trung ương có thể dung thứ quyền tự quyết đến mức nào, chính quyền tìm cách áp đặt kế hoạch kinh tế bao quát theo lối dân chủ hay phi dân chủ? Kế hoạch trên quy mô lớn như thế phải đàn áp những kế hoạch nhỏ và nguyện vọng của các cá nhân và buộc các giá trị cá nhân phải hi sinh cho các giá trị của tập thể.

Tocqueville đã nói rõ:
“Dân chủ và chủ nghĩa xã hội chỉ có một cái chung, đấy là từ: bình đẳng. Nhưng xin lưu ý sự khác biệt: trong khi dân chủ tìm kiếm bình đẳng trong tự do thì chủ nghĩa xã hội tìm kiếm bình đẳng trong tù ngục và lao động khổ sai”.

Hệ thống có thể hoạt động theo cách này trong một thời gian, nhưng sức cám dỗ, lôi kéo người ta từ bỏ chế độ dân chủ chân chính – ví dụ, bằng cách chuyển quyền quyết định cho các nhóm nhỏ các chuyên gia trong trong từng vực – thì ngày càng khó chống lại hơn. Trong những hoàn cảnh như thế, đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả ngày càng trở nên hấp dẫn hơn và ngày càng khó trở thành hiện thực hơn. Các mục tiêu cao cả về mặt lí thuyết của chủ nghĩa xã hội - tình anh em của những người lao động trên toàn thế giới và công bằng về kinh tế trên toàn cầu - có thể bị những lo lắng về cái ăn, cái mặc và an ninh trong khu vực cho ra rìa, và sẽ dẫn tới chế độ độc tài (phi vô sản).

F.A. Hayek viết đầy thuyết phục:

“Vì vậy mà chủ nghĩa xã hội tự do, như nhiều người châu Âu hình dung, chỉ là sản phẩm thuần tuý lí thuyết, trong khi trên thực tế, chủ nghĩa xã hội luôn luôn đồng hành với chủ nghĩa toàn trị”.

Thỏa hiệp

Một số người có thể trả lời rằng trong khi những vấn đề như thế có thể đúng đối với chủ nghĩa xã hội với tất cả những đặc điểm mà các vị tiền bối nói, còn hình thức chủ nghĩa xã hội dân chủ, mà các nhà trí thức hiện nay ủng hộ không cực đoan như thế. Nếu thế, sẽ xuất hiện câu hỏi sau: Trong nền kinh tế tư bản hỗn hợp - nhà nước quản lí, nhà nước phúc lợi hay tư bản ô dù – sẽ dẫn đến những hậu quả như thế vào lúc nào? Sự thỏa hiệp sẽ mạnh mẽ đến mức nào?

Rõ ràng, đây là vấn đề mức độ. Kế hoạch tập trung càng lớn thì chính quyền càng không chấp nhận những lệch lạc và ý kiến trái chiều của cá nhân. Tôi công nhận rằng bạn có thể thỏa hiệp, đánh đổi sự tự định hướng với sự chỉ đạo của người khác không chỉ về một phương diện và một số phương diện không kéo theo cưỡng bức. Ví dụ, các nhóm có thể dùng áp lực xã hội hay tôn giáo để ngăn chặn kế hoạch của một người hoặc thu hẹp quyền tự chủ của người đó mà không cần gây hấn.

Nhưng không thể phủ nhận rằng, cùng với cưỡng bức, một biện pháp mà chính phủ thường sử dụng, cơ quan bên ngoài càng sử dụng biện pháp cưỡng chế để kiểm soát thì tự định hướng càng ít đi. Cưỡng chế và tự định hướng là không thể dung hòa. Và khi kế hoạch của chính phủ thế chỗ cho kế hoạch của cá nhân thì quyền tự chủ của cá nhân sẽ yếu đi và co lại; quyền lực của chính phủ sẽ rộng ra và lớn lên. Càng nhiều chủ nghĩa xã hội thì càng ít dân chủ trên thực tế.
Vì vậy, chủ nghĩa xã hội dân chủ không phải là học thuyết nhằm bảo vệ các giá trị của chủ nghĩa tự do về sự độc lập, tự chủ và tự định hướng mà nhiều người tả khuynh vẫn đánh giá tương đối cao. Ngược lại, đấy là học thuyết buộc chúng ta, những người vẫn trân trọng những giá trị tự do trượt dần vào chế độ độc tài.

Sandy Ikeda là giáo sư kinh tế học ở Purchase College, SUNY, và là tác giả cuốn The Dynamics of the Mixed Economy: Toward a Theory of Interventionism. Ông cũng là thành viên của Faculty Network ở Quỹ giáo dục kinh tế (FEE).

Nguồn: http://fee.org/articles/democratic-socialism-is-a-contradiction-in-terms/
Phần nhận xét hiển thị trên trang

F. von Hayek - Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất?


Phạm Nguyên Trường


Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối
Lord Acton
Friedrich August von Hayek (1899-1992)

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét quan niệm làm chỗ dựa cho những người cho rằng chế độ toàn trị là tất yếu; nó là quan niệm làm suy sụp sức kháng cự của nhiều người khác, những người sẽ chiến đấu một mất một còn với nó nếu họ hiểu được bản chất của nó. Quan niệm này cho rằng các đặc điểm kinh tởm nhất của các chế độ toàn trị xảy ra là do sự ngẫu nhiên của lịch sử, ở đâu cũng đều do những người đê tiện và lưu manh thiết lập nên. Và nếu, thí dụ, ở Đức những người như Streicher và Killinger, Ley và Heine, Himler và Heydrich nắm được quyền lực, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng người Đức là một dân tộc xấu xa chứ không phải việc nổi lên của những kẻ như thế là kết quả tất yếu của hệ thống toàn trị. Chả lẽ những người tử tế, những người lo lắng cho lợi ích của cộng đồng, những người sẽ giải quyết những nhiệm vụ vĩ đại lại không thể đứng đầu hệ thống toàn trị được ư?

Chúng ta chớ có tự dối lòng: không phải cứ người tốt là dân chủ và không phải tất cả người tốt đều muốn tham gia quản lí nhà nước. Không nghi ngờ gì rằng nhiều người thích giao việc đó cho những người mà họ cho là có hiểu biết hơn. Và điều này nghe có vẻ không hợp lí lắm, nhưng tại sao lại không ủng hộ chế độ độc tài của những người tốt? Chế độ toàn trị là một hệ thống hữu hiệu, nó có thể làm cả việc tốt lẫn việc xấu, tất cả phụ thuộc vào nhà độc tài, họ lí luận như thế. Và nếu ta không phải sợ hệ thống mà chỉ phải sợ những người lãnh đạo không ra gì thì điều đáng quan tâm đơn giản chỉ là khi thời cơ đến phải làm sao để quyền lực rơi vào tay những người tốt là được.

Không nghi ngờ gì rằng hệ thống “phát xít” ở Anh hay ở Mĩ sẽ khác rất xa mô hình của Ý hay Đức; không nghi ngờ gì rằng nếu việc chuyển hóa được thực hiện một cách phi bạo lực thì chúng ta có thể hi vọng có được những nhà lãnh đạo tử tế hơn. Và nếu một lúc nào đó số phận buộc tôi phải sống dưới chế độ phát xít thì tôi sẽ thích chế độ phát xít do người Anh hay người Mĩ đứng đầu hơn bất kì người đứng đầu nào khác. Nhưng xét theo tiêu chuẩn hiện nay thì điều đó cũng không có nghĩa là hệ thống phát xít của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hay sẽ dễ chịu hơn nguyên mẫu của chúng. Có đầy đủ lí do để tin rằng những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị hiện nay không phải là sản phẩm phụ ngẫu nhiên mà là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra. Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế thì chẳng mấy chốc ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ các dự định của mình, còn nhà lãnh đạo toàn trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. Đấy là lí do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị những kẻ vô liêm sỉ thường dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông, có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và chế độ tự do, không hiểu điều đó là không hiểu được rằng đạo đức tập thể không thể đội trời chung với những giá trị nền tảng của chủ nghĩa cá nhân của nền văn minh phương Tây.
Cuốn Đường Về Nô Lệ do Phạm Nguyên Trường dịch

“Cơ sở đạo đức của chủ nghĩa tập thể” đã từng là đề tài của nhiều cuộc thảo luận, nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây không phải là cơ sở đạo đức của nó mà là những hệ quả đạo đức của nó. Các cuộc thảo luận về khía cạnh đạo đức của chủ nghĩa tập thể thường bàn vấn đề là liệu chủ nghĩa tập thể và các nguyên tắc đạo hiện hành có tương thích với nhau hay không hay là muốn cho chủ nghĩa tập thể thực hiện được những điều mà người ta kì vọng thì phải lập ra những nguyên tắc đạo đức mới nào. Nhưng chúng ta sẽ đặt vấn đề theo một cách khác: tổ chức xã hội theo chủ nghĩa tập thể sẽ đưa đến những nguyên tắc đạo đức nào hay quan điểm đạo đức nào sẽ ngự trị? Tác động qua lại giữa đạo đức và các thiết chế xã hội có thể dẫn đến hệ quả là đạo đức do chủ nghĩa tập thể tạo ra có thể sẽ khác hoàn toàn với những lí tưởng đạo đức đã từng làm cho người ta thấy cần phải có chủ nghĩa tập thể. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu lòng khao khát chủ nghĩa tập thể của chúng ta bắt nguồn từ những động cơ đạo đức cao thượng thì hệ thống đó phải là thiên đường của phẩm hạnh, nhưng trên thực tế chẳng có lí do gì để một hệ thống phải đề cao những phẩm chất nhằm phục vụ cho các mục tiêu mà người ta dự kiến cho nó. Quan điểm đạo đức ngự trị sẽ phụ thuộc một phần vào những phẩm chất có thể dẫn các cá nhân đến thành công trong hệ thống toàn trị hay hệ thống tập thể và phụ thuộc một phần vào đòi hỏi của bộ máy toàn trị.

* * *

Xin quay lại trong chốc lát với tình hình trước khi diễn ra việc đàn áp các thiết chế dân chủ và thiết lập chế độ toàn trị. Đấy là lúc sự bất mãn của toàn dân đối với chính phủ, một chính phủ vừa chậm chạp, vừa thụ động, bị trói chân trói tay vì các thủ tục dân chủ rắc rối. Đây là nhân tố chủ chốt khiến người ta mong có một chính phủ quyết đoán. Trong tình hình như thế, trong khi mọi người đều đòi hỏi phải có những hành động khẩn trương và dứt khoát thì một chính khách hay một đảng tỏ ra mạnh mẽ, sẵn sàng “hành động”, sẽ là người được quần chúng mến mộ. “Mạnh mẽ” ở đây hoàn toàn không có nghĩa là nắm được đa số vì lúc đó chính sự bất lực của đa số trong quốc hội đã làm người ta bất mãn. Điều quan trọng là người cầm đầu có được hậu thuẫn mạnh mẽ, một sự hậu thuẫn cho người ta cảm tưởng rằng ông ta sẽ thực hiện được mọi điều ông ta muốn. Đảng kiểu mới, được tổ chức theo lối nhà binh, xuất hiện trên vũ đài chính trị như thế đấy.

Tại các nước thuộc khu vực Trung Âu, nhờ nỗ lực của những người xã hội chủ nghĩa mà quần chúng đã quen với những tổ chức chính trị theo kiểu nhà binh, những tổ chức tìm mọi cách quản lí đời sống riêng tư của tất cả các thành viên của nó. Vì vậy nếu một nhóm nào đó muốn chiếm đoạt quyền lực không hạn chế thì nó phải sử dụng nguyên tắc này rồi tiến xa thêm và dựa không phải vào lá phiếu của những người ủng hộ trong những cuộc bầu cử thỉnh thoảng mới được tiến hành mà phải dựa vào sự ủng hộ tuyệt đối và vô điều kiện của một tổ chức, không cần phải lớn nhưng được tổ chức tốt. Khả năng thiết lập chế độ toàn trị trên cả nước phần lớn phụ thuộc vào khả năng tập hợp xung quanh lãnh tụ một nhóm những kẻ tự nguyện phục tùng cái kỉ luật toàn trị mà họ sẽ dùng vũ lực áp đặt cho toàn bộ nhân dân.

Mặc dù các đảng xã hội chủ nghĩa là những đảng khá mạnh, nếu quyết định sử dụng bạo lực thì họ có thể giành được tất cả những thứ mà họ muốn, nhưng họ đã dao động. Chính họ cũng không ngờ rằng mình đã đặt ra mục tiêu mà chỉ có những kẻ tàn nhẫn, những kẻ sẵn sàng bước qua mọi rào cản về đạo đức mới có thể thực hiện được.

Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được đưa vào thực tiễn bằng những biện pháp mà đa số những người xã hội chủ nghĩa phản đối, đấy chính là bài học của nhiều nhà cải cách xã hội trong quá khứ. Các đảng xã hội chủ nghĩa cổ điển hoạt động trong khuôn khổ của các lí tưởng dân chủ; họ không có tính tàn nhẫn cần thiết để thực thi các nhiệm vụ mà họ đã chọn. Điều đặc biệt là cả ở Đức lẫn ở Ý, chủ nghĩa phát xít đã thành công sau khi các đảng xã hội từ chối nhận trách nhiệm lãnh đạo chính phủ. Họ không muốn áp dụng một cách triệt để những biện pháp mà học thuyết của họ đã dạy. Họ vẫn hi vọng vào phép màu rằng đa số sẽ đồng ý về một kế hoạch tổ chức toàn bộ xã hội, nhưng những người khác thì đã học được bài học rằng trong xã hội được kế hoạch hóa vấn đề không còn là đa số sẽ đồng ý mà là nhóm lớn nhất là nhóm nào, chỉ cần các thành viên của nó đồng ý là đủ để hình thành đường lối thống nhất cho tất cả mọi công việc. Còn nếu chưa có một nhóm như thế thì ai và làm thế nào để thành lập ra một nhóm như thế.

Có ba lí do vì sao cái nhóm đông và mạnh, với những thành viên có quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội. Theo tiêu chuẩn của chúng ta thì cái nhóm như thế chỉ có thể hình thành trên những nguyên lí hoàn toàn mang tính tiêu cực. 


Thứ nhất, những người có trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hóa, họ khó có thể thống nhất về bất cứ thang giá trị cụ thể nào. Nghĩa là nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải tìm trong những tầng lớp xã hội với tiêu chuẩn đạo đức và tri thức không cao, với thị hiếu và bản năng nguyên thuỷ và thô lậu. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp; nó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức không cao. Có thể nói chính cái mẫu số chung đạo đức cực kì thấp đã liên kết rất nhiều người lại với nhau. Nếu chúng ta cần một nhóm tương đối đông và đủ mạnh, để buộc những người khác phải chấp nhận các quan điểm và giá trị của nhóm mình thì không bao giờ chúng ta lại tìm đến những người có thị hiếu phát triển cao và phân hóa một cách sâu sắc. Chúng ta sẽ tìm đến “quần chúng”, với ý nghĩa tiêu cực của từ này, tìm đến những người kém độc đáo và ít độc lập nhất, những người có thể lấy số lượng làm bệ đỡ cho lí tưởng của họ.

Nhưng nếu nhà độc tài tương lai chỉ dựa vào những người có những bản năng đơn sơ và giống nhau thì số người như thế sẽ không thể đủ để thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Hắn sẽ phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều đơn giản của hắn.

Tiêu chuẩn chọn lựa tiêu cực thứ hai: Hắn phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có miễn là được rót vào tai họ một cách liên tục. Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng toàn trị.

Tiêu chuẩn thứ ba, và có lẽ là quan trọng và cần thiết nhất để một kẻ mị dân lão luyện có tập họp quanh mình một nhóm cố kết những người ủng hộ. Bản chất của con người là dễ dàng đồng thuận trên cơ sở một cương lĩnh mang tính tiêu cực - chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả - hơn là trên cơ sở một nhiệm vụ mang tính tích cực. Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó”, cuộc chiến đấu chống lại những kẻ nằm bên ngoài tổ chức có vẻ như là chất kết dính chủ yếu trong mọi giáo lí, chính nó sẽ gắn chặt người ta thành một nhóm cho những hành động chung. Những kẻ cầm đầu muốn săn tìm không chỉ sự ủng hộ về mặt chinh trị mà còn săn tìm lòng trung thành vô điều kiện của quần chúng đã cố tình lợi dụng cái phần tiêu cực đó trong bản chất của con người cho mục đích của mình. Theo họ thì các cương lĩnh tiêu cực có ưu điểm là dành cho họ quyền tự do hành động hơn bất kì cương lĩnh tích cực nào. Hình ảnh kẻ thù, bất kể ở bên trong như “Do Thái” ở Đức hay “kulak” ở Nga, hay ở bên ngoài, đều là một trong những phương tiện thiết yếu trong kho vũ khí của lãnh tụ toàn trị.

Việc người Do Thái ở Đức bị tuyên bố là kẻ thù trước khi các nhà tài phiệt thế chỗ cho họ cũng chỉ là kết quả của xu hướng bài tư bản của phong trào, chẳng khác gì việc chọn tầng lớp phú nông (kulak) ở Nga. Sự thật là ở Đức và Áo người Do Thái bị coi là đại diện của chủ nghĩa tư bản vì sự thù địch thâm căn cố đế của quần chúng đối với thương nghiệp đã làm cho lĩnh vực này trở thành dễ thâm nhập hơn đối với những nhóm người không có quyền lựa chọn những nghề cao quý hơn. Câu chuyện này cũng cũ như là thế giới vậy: Các sắc dân ngụ cư chỉ được làm những nghề hèn mọn và thế là người ta càng căm ghét họ hơn. Việc chủ nghĩa bài Do Thái và bài tư bản ở Đức có cùng một nguồn gốc là một mắt xích cực kì quan trọng, nó giúp ta hiểu được những sự việc đang diễn ra trên đất nước này; nhưng nói chung, những người quan sát nước ngoài đã không nhận ra điều đó.

* * *

Coi khuynh hướng biến chủ nghĩa tập thể thành chủ nghĩa dân tộc đang diễn ra khắp nơi chỉ là do người ta muốn nhận được sự ủng hộ dứt khoát của những tầng lớp xã hội nhất định nào đó, đồng nghĩa với bỏ sót một tác nhân không kém phần quan trọng. Thật vậy, người ta có thể hỏi rằng liệu có người nào tưởng tượng nổi một cương lĩnh của chủ nghĩa tập thể mà không nhằm phục vụ cho một nhóm hạn chế nào đó hay không, liệu chủ nghĩa tập thể có thể tồn tại dưới một hình thức nào khác ngoài hình thức của một chủ nghĩa phân lập (particularism) nào đó hay không, thí dụ như chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay là chủ nghĩa giai cấp. Niềm tin rằng các thành viên trong cộng đồng cùng có chung mục đích và quyền lợi làm người ta dễ dàng thống nhất về quan điểm và tư tưởng hơn là với những cư dân khác trên Trái đất. Và nếu chúng không biết mặt tất cả các thành viên của nhóm thì ít nhất chúng ta cũng phải tin rằng họ giống những người xung quanh ta, họ nói và nghĩ về những thứ như ta. Chỉ khi đó ta mới có thể đồng nhất mình với họ. Không thể hình dung nổi chủ nghĩa tập thể ở quy mô toàn cầu, trừ phi nó được dùng để bảo vệ quyền lợi của một nhóm ưu tú cực kì nhỏ. Đây không phải là vấn đề kĩ thuật mà là vấn đề đạo đức, một vấn đề mà tất cả những người xã hội chủ nghĩa đều không muốn đối mặt. Nếu, thí dụ, người vô sản Anh được hưởng ngang nhau phần thu nhập có xuất xứ từ các nguồn lực tư bản của nước họ và có quyền tham gia kiểm soát việc sử dụng các nguồn lực tư bản, thì bởi vì chúng là kết quả của sự bóc lột, nên cũng theo nguyên tắc đó, tất cả người Ấn không chỉ có quyền hưởng thu nhập từ tư bản mà còn có cả quyền sử dụng một phần tương ứng của các nguồn lực tư bản Anh nữa.

Nhưng những người xã hội chủ nghĩa dự định phân chia đồng đều nguồn vốn tư bản hiện có trên thế giới cho các dân tộc như thế nào? Tất cả đều cho rằng tư bản không phải là tài sản của toàn nhân loại mà là tài sản của một dân tộc, nhưng ngay cả trong khuôn khổ của các quốc gia cũng ít người dám đặt vấn đề tước bớt một phần tư bản “của họ” để giúp cho các vùng nghèo hơn. Những người xã hội chủ nghĩa cũng không sẵn sàng bảo đảm cho người nước ngoài cái mà họ tuyên bố là trách nhiệm trước các công dân nước mình. Nếu theo quan điểm của chủ nghĩa tập thể một cách nhất quán thì phải công nhận rằng những đòi hỏi phân chia lại thế giới do các dân tộc nghèo nàn đưa ra là hợp lí, mặc dù nếu tư tưởng này mà được thực thi thì những quốc gia ủng hộ nhiệt tình nhất sẽ bị mất mát chẳng khác gì các quốc gia giàu có. Vì vậy mà họ luôn tỏ ra thận trọng, họ không đặt nặng yêu cầu vào nguyên tắc bình quân chủ nghĩa nhưng lại làm ra vẻ rằng không có ai có thể tổ chức đời sống của các dân tộc trên thế giới tốt hơn là họ.

Một trong những mâu thuẫn nội tại của triết lí của chủ nghĩa tập thể là, bản thân nó dựa trên một nền đạo đức nhân văn, tức là nền đạo đức phát triển trong khuôn khổ của chủ nghĩa cá nhân, nhưng nó chỉ có thể được áp dụng cho những nhóm tương đối nhỏ mà thôi. Về lí thuyết, chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa quốc tế, nhưng khi đem ra áp dụng thì dù là ở Nga hay ở Đức nó đều biến thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhất. Vì vậy mà chủ nghĩa xã hội tự do, như nhiều người châu Âu hình dung, chỉ là sản phẩm thuần túy lí thuyết, trong khi trên thực tế chủ nghĩa xã hội luôn luôn đồng hành với chủ nghĩa toàn trị[1]. Chủ nghĩa tập thể không chấp nhận chủ nghĩa nhân đạo theo nghĩa rộng của chủ nghĩa tự do, nó chỉ có thể chấp nhận chủ nghĩa biệt lập toàn trị mà thôi.

Nếu “cộng đồng” hay nhà nước đứng cao hơn cá nhân và có những mục tiêu không ăn nhập gì với các mục tiêu của cá nhân và cao hơn các mục tiêu cá nhân thì chỉ những người hoạt động cho các mục tiêu đó mới được coi là thành viên của cộng đồng. Hậu quả tất yếu của quan điểm này là chỉ khi là thành viên của nhóm cá nhân mới được tôn trọng, tức là chỉ khi và trong chừng mực cá nhân đó có tác dụng thúc đẩy cho việc thực hiện các mục tiêu được tất cả mọi người thừa nhận thì cá nhân đó mới được tôn trọng. Người ta chỉ có nhân phẩm khi là thành viên của nhóm, con người đơn lẻ chẳng có giá trị gì. Vì vậy tất cả các giá trị nhân bản, kể cả chủ nghĩa quốc tế, vốn là sản phẩm của chủ nghĩa cá nhân đều không có chỗ trong triết lí của chủ nghĩa tập thể[2].

Cộng đồng theo chủ nghĩa tập thể chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các thành viên của nó có hoặc có thể đạt được sự nhất trí về tất cả các mục tiêu, nhưng bên cạnh đó còn có một loạt tác nhân làm cho cái xã hội như thế có xu hướng trở thành xã hội khép kín và biệt lập. Điều quan trọng nhất là việc cá nhân khát khao đồng nhất mình với nhóm lại là hậu quả của cảm giác bất toàn của chính mình, việc có chân trong nhóm trong trường hợp đó sẽ làm cho anh ta cảm thấy ưu thế của mình so với những người xung quanh, so với những người không thuộc nhóm của anh ta. Đôi khi, có thể chính bản năng gây hấn mà người ta biết rằng phải bị kiềm chế trong nội bộ nhóm lại được thả lỏng trong hành động của tập thể chống lại những người bên ngoài đã giúp cho cá nhân hòa đồng hơn với tập thể. Moral Man and Immoral Society (Con người đức hạnh và xã hội vô luân) là nhan đề tuyệt vời và rất chính xác của một tác phẩm của Reinhold Niebuhr, mặc dù chúng ta không thể đồng ý với tất cả các kết luận của ông. Nhưng, đúng như ông đã nói: “Con người hiện nay thường có xu hướng coi mình là có đức vì họ đã chuyển sự đồi bại của mình cho những nhóm người ngày càng đông hơn[3]”. Khi hành động nhân danh nhóm người ta thường rũ bỏ được nhiều hạn chế về mặt đạo đức, vốn là những thứ vẫn đóng vai trò kiềm chế hành vi của người ta trong nội bộ nhóm.

Thái độ thù địch không thể che giấu đối với chủ nghĩa quốc tế của phần đông những người ủng hộ kế hoạch hóa có thể được lí giải, bên cạnh các nguyên nhân khác, là trong thế giới hiện đại mọi mối liên hệ với bên ngoài đều ngăn cản việc tiến hành kế hoạch hóa một cách hữu hiệu. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà biên tập viên của một trong những công trình nghiên cứu tập thể toàn diện nhất về vấn đề kế hoạch hóa đã vô cùng thất vọng khi phát hiện ra rằng: “Phần lớn những người ủng hộ kế hoạch hóa lại là những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa hiếu chiến nhất[4]”.

Thiên hướng dân tộc và đế quốc chủ nghĩa thường thấy ở những người xã hội chủ nghĩa hơn là người ta tưởng, mặc dù không phải lúc nào cũng thể hiện công khai, thí dụ như hai ông bà Webb hay một số người thuộc hội Fabian trước đây, ở những người này lòng nhiệt tình với kế hoạch hóa thường kết hợp với lòng sùng kính đặc thù trước những quốc gia lớn mạnh và khinh thường những nước nhỏ. Hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông bà Webb bốn mươi năm về trước, sử gia Élie Halévy nhận xét rằng tinh thần xã hội chủ nghĩa của họ hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa tự do: “Ông bà ấy không căm ghét những người bảo thủ (Tories), thậm chí còn tỏ ra độ lượng đối với họ, nhưng lại không chấp nhận chủ nghĩa tự do của Gladston. Lúc đó đang diễn ra cuộc chiến tranh Anh-Boer (người Phi gốc Hà Lan- ND) và những người tự do tiến bộ nhất cùng với những người đang đứng ra thành lập Đảng Lao động đã ủng hộ người Boer chống lại đế quốc Anh, nhân danh tự do và lòng nhân đạo. Nhưng ông bà Webb và bạn họ là nhà văn Bernard Shaw lại đứng tách ra. Họ đã thể hiện tinh thần đế quốc một cách đầy khiêu khích. Nền độc lập của các dân tộc nhỏ bé có thể có ý nghĩa nào đó đối với một người tự do theo tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì đối với những người theo chủ nghĩa tập thể như họ. Bên tai tôi vẫn văng vẳng lời giải thích của Sidney Webb rằng tương lai thuộc về các nước lớn, nơi các viên chức sẽ cai trị, còn cảnh sát sẽ giữ trật tự”. Ở một chỗ khác, Halévy còn dẫn lại lời nói của B. Shaw, cũng nói về khoảng thời gian đó: “Thế giới nhất định thuộc về các nước lớn và mạnh; các nước nhỏ không nên thò đầu qua biên giới kẻo sẽ bị bóp chết đấy[5]”.

Tôi đã trích dẫn một đoạn dài, nếu đấy là phát biểu của những bậc tiền bối người Đức của chủ nghĩa xã hội quốc gia thì sẽ chẳng làm ai ngạc nhiên vì nó là thí dụ điển hình của thái độ tôn thờ quyền lực, một thái độ dễ dàng đưa người ta từ chủ nghĩa xã hội chuyển sang chủ nghĩa dân tộc và có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm đạo đức của những người theo chủ nghĩa tập thể. Nói đến quyền của các dân tộc nhỏ thì quan điểm của Marx và Engels cũng chẳng khác gì quan điểm của những người theo chủ nghĩa tập thể khác, những lời phát biểu của họ về người Czech và người Ba Lan giống hệt như những gì mà các đảng viên xã hội chủ nghĩa quốc gia hiện nay đang nói[6].

* * *

Nếu đối với các triết gia cá nhân chủ nghĩa vĩ đại thế kỉ XIX, bắt đầu từ Lord Acton và Jacob Burckhardt và đến những người xã hội chủ nghĩa đương đại, như Bertrand Russell, những người kế thừa các truyền thống của chủ nghĩa tự do, quyền lực là cái ác tuyệt đối, thì đối với những người theo chủ nghĩa tập thể thuần thành, quyền lực lại là mục đích tự thân. Vấn đề không chỉ là, như Russell đã chỉ rõ, bản thân ước muốn tổ chức đời sống xã hội theo một kế hoạch duy nhất bắt nguồn từ khát vọng quyền lực[7]. Điều quan trọng hơn là, để đạt được mục tiêu, những người theo chủ nghĩa tập thể phải tạo ra quyền lực - thứ quyền lực do con người áp đặt lên con người – với sức mạnh chưa từng được biết đến trước đây, thành công của họ phụ thuộc vào mức độ quyền lực mà họ giành được.

Điều này vẫn đúng dẫu cho nhiều người xã hội chủ nghĩa có tư tưởng tự do đang nỗ lực làm việc vì bị dẫn dắt bởi cái ảo tưởng đầy bi kịch rằng tước đoạt quyền lực mà các cá nhân sở hữu trong hệ thống cá nhân chủ nghĩa và chuyển quyền lực này vào tay xã hội là họ đang thực hiện việc xóa bỏ quyền lực. Những người lí sự như thế đã bỏ qua sự kiện rõ ràng sau đây: tập trung quyền lực để nó có thể phục vụ cho một kế hoạch duy nhất thì quyền lực không những không được chuyển hóa mà còn trở thành quyền lực tuyệt đối. Tập trung vào tay một nhóm người cái quyền lực trước đó vẫn nằm trong tay nhiều người độc lập với nhau, thì quyền lực chẳng những đã tăng lên đến mức chưa từng có trước đây mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến mức gần như trở thành khác hẳn về chất. Thật sai lầm khi cho rằng quyền lực của cơ quan lập kế hoạch trung ương cũng “không hơn gì quyền lực tập thể của ban giám đốc xí nghiệp tư nhân[8]”. Thực tế là trong xã hội cạnh tranh, không người nào có thể nắm được dù chỉ một phần quyền lực mà ủy ban kế hoạch xã hội chủ nghĩa có thể sở hữu và nếu không có người nào có thể tự ý sử dụng quyền lực thì lời khẳng định rằng các nhà tư bản có một “quyền lực cộng đồng” thì đấy đơn giản chỉ là trò đánh tráo thuật ngữ mà thôi[9]. Câu “quyền lực bị hội đồng các giám đốc tư nhân thao túng”, trong khi họ chưa thực hiện các hành động có phối hợp, chỉ là một trò chơi chữ, còn khi họ đã phối hợp hành động thì cũng có nghĩa là sự cáo chung của nền kinh tế cạnh tranh và bắt đầu nền kinh tế kế hoạch hóa. Muốn giảm quyền lực tuyệt đối thì phải chia nhỏ nó ra hay là phi tập trung hóa nó và hệ thống cạnh tranh là hệ thống duy nhất được thiết kế nhằm phi tập trung hóa quyền lực và bằng cách đó làm giảm tối đa quyền lực của một số người đối với một số người khác.

Như chúng ta đã thấy, việc tách các mục tiêu kinh tế ra khỏi mục tiêu chính trị là sự bảo đảm thiết yếu cho tự do cá nhân, nhưng đây chính là đối tượng tấn công không khoan nhượng của những người xã hội chủ nghĩa. Cần phải nói thêm rằng khẩu hiệu thịnh hành hiện nay “đưa quyền lực chính trị thay thế cho quyền lực kinh tế” có nghĩa đem cái gông xiềng không ai có thể chạy thoát được thế chỗ cho cái quyền lực về bản chất là có giới hạn. Mặc dù quyền lực kinh tế có thể là một công cụ áp bức, nhưng khi còn nằm trong tay những cá nhân riêng lẻ, nó không thể là vô giới hạn và không thể bao trùm lên toàn bộ đời sống của một con người. Nhưng khi tập trung vào tay một nhóm người như là một công cụ của quyền lực chính trị thì nó sẽ biến người ta thành những người phụ thuộc chẳng khác gì nô lệ.

* * *

Từ hai đặc điểm trung tâm của mọi hệ thống tập thể chủ nghĩa tức là nhu cầu phải có một hệ thống các mục tiêu được tất cả mọi người trong nhóm chấp nhận và ước mơ của nhóm có một quyền lực tuyệt đối, nhằm thực thi các mục tiêu đó, chắc chắn sẽ nảy sinh ra một hệ thống đạo đức nhất định với một số điểm trùng hợp trong khi một số điểm lại khác hẳn với nền đạo đức của chúng ta. Nhưng có một điểm mà sự khác biệt rõ ràng đến nỗi có thể làm người ta ngờ rằng đây có phải là đạo đức hay không nữa: nó không để cho lương tâm của cá nhân được áp dụng các quy tắc của chính mình và nó cũng không chấp nhận bất kì quy tắc chung nào mà cá nhân phải tuân theo hoặc được phép theo trong mọi hoàn cảnh. Điều này làm cho đạo đức tập thể trở thành khác hẳn với cái mà chúng ta vẫn gọi là đạo đức và thật khó mà tìm được bất kì nguyên tắc nào dù rằng đạo đức tập thể vẫn có những nguyên tắc như thế.

Sự khác biệt về nguyên tắc cũng gần giống như trường hợp Pháp Trị mà chúng ta đã có dịp xem xét trước đây. Tương tự như các đạo luật hình thức, các tiêu chuẩn đạo đức cá nhân chủ nghĩa, dù không phải lúc nào cũng cụ thể chi li, nhưng là các tiêu chuẩn chung và vạn năng khi áp dụng. Các tiêu chuẩn này quy định hoặc cấm đoán một số hành động nhất định, không phụ thuộc vào mục đích mà những hành động ấy theo đuổi. Thí dụ ăn cắp hay nói dối, tra tấn hoặc phản bội được coi là xấu, ngay cả trong trường hợp cụ thể nào đó những hành động như thế không gây ra bất cứ thiệt hại trực tiếp nào. Dù không có ai phải chịu đau khổ hay ngay cả đấy là những hành động nhân danh một mục đích cao đẹp nào đó thì cũng không thể làm thay đổi được sự kiện là đấy là những hành động xấu. Mặc dù đôi khi chúng ta phải lựa chọn, phải làm một việc đỡ xấu hơn, nhưng dù sao đấy vẫn là việc xấu.

Trong đạo đức học cá nhân chủ nghĩa, nguyên tắc mục đích biện minh cho phương tiện được coi là sự phủ nhận mọi tiêu chuẩn đạo đức. Trong đạo đức học của chủ nghĩa tập thể nguyên tắc này nhất định phải trở thành quy tắc tối thượng; một người theo chủ nghĩa tập thể kiên định phải sẵn sàng làm tất cả mọi việc nếu đó là việc mang lại “hạnh phúc cho tất cả mọi người” vì đối với anh ta đấy là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá tính đạo đức của hành động. Đạo đức tập thể thể hiện rõ ràng nhất trong công thức raison d'état[10], một động cơ không chấp nhận bất kì giới hạn nào, ngoài tính vụ lợi, chính tính vụ lợi sẽ quyết định phải hành động như thế nào để đạt cho bằng được các mục tiêu trước mắt. Cách mà reason d’état thực hiện trong quan hệ giữa các quốc gia cũng được đem ra áp dụng trong quan hệ giữa các công dân trong các nước theo chủ nghĩa tập thể. Trong các nước theo chủ nghĩa tập thể lương tâm cũng như tất cả các tác nhân khác đã không còn đóng vai trò kiềm chế các hành động của con người nếu như đấy là các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu do cộng đồng hay do cấp trên giao phó.

* * *

Sự thiếu vắng các quy tắc đạo đức tuyệt đối mang tính hình thức dĩ nhiên không có nghĩa là xã hội theo chủ nghĩa tập thể không khuyến khích một số thói quen có ích của các công dân và không đè nén một số thói quen khác. Ngược lại, xã hội theo đường lối tập thể quan tâm tới thói quen của con người hơn là xã hội theo đường lối cá nhân chủ nghĩa. Để trở thành người có ích cho xã hội theo đường lối tập thể cần phải có một số phẩm chất, những phẩm chất này lại đòi hỏi phải được rèn luyện thường xuyên. Chúng ta gọi đó là “những thói quen có ích” chứ không phải là đức hạnh vì trong bất kì trường hợp nào chúng cũng không được phép trở thành chướng ngại vật trên con đường tiến đến mục đích chung hay là cản trở việc thực thi mệnh lệnh của cấp trên. Các thói quen đó chỉ làm mỗi một nhiệm vụ là lấp đầy khoảng trống mà các mệnh lệnh hay các mục tiêu chưa nói tới chứ không bao giờ được mâu thuẫn với ý chí của nhà cầm quyền.

Có thể thấy rõ sự khác nhau giữa những phẩm chất sẽ được đánh giá cao trong xã hội theo chủ nghĩa tập thể và những phẩm chất nhất định sẽ phải biến mất trong thí dụ sau. Có một số phẩm chất đạo đức đặc trưng của người Đức, hay nói đúng hơn “đặc trưng Phổ” được cả những kẻ thù không đội trời chung của họ công nhận và cũng có những phẩm chất mà theo ý kiến chung là người Đức không có, nhưng lại có ở người Anh, khiến cho người Anh cảm thấy tự hào. Chắc chẳng mấy người phủ nhận rằng người Đức nói chung là yêu lao động và có kỉ luật, cẩn trọng và nghị lực đến mức tàn nhẫn, tận tuỵ và ngay thẳng trong mọi công việc; họ có ý thức cao về trật tự, về trách nhiệm và thói quen tuân phục chính quyền; họ sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân và tỏ ra là những người cực kì dũng cảm khi tính mạng bị đe dọa. Tất cả những điều đó đã biến người Đức thành công cụ thực hiện mọi nhiệm vụ do nhà cầm quyền đặt ra, chính phủ Phổ và Đế chế mới trong đó xu hướng Phổ giữ thế thượng phong, đã giáo dục họ theo đúng tinh thần như thế. Trong khi đó người ta lại cho rằng “người Đức điển hình” thiếu những phẩm chất của chủ nghĩa cá nhân như tinh thần bao dung, thái độ tôn trọng người khác, tôn trọng ý kiến của người khác, sự độc lập về trí tuệ, tính ngay thẳng và sẵn sàng bảo vệ ý kiến của mình trước những người có quyền lực, chính người Đức cũng nhận thấy như thế và gọi nó là Zivilcourage[11], họ thiếu sự quan tâm đến những kẻ yếu đuối, thiếu sự nghi ngờ lành mạnh đối với quyền lực, không thích quyền lực, những phẩm chất chỉ có thể được hình thành bởi truyền thống tự do cá nhân lâu đời. Người ta còn cho rằng người Đức không có các phẩm chất, có thể là không dễ nhận ra, nhưng rất quan trọng nếu xét từ quan điểm quan hệ giữa những người sống trong xã hội tự do, đấy là lòng nhân từ, tính khôi hài, cởi mở và tôn trọng đời sống cá nhân của người khác cũng như niềm tin vào ý định tốt đẹp của những người xung quanh.

Sau tất cả những điều đã trình bày, có thể thấy rõ rằng những phẩm hạnh đặc trưng của chủ nghĩa cá nhân cũng đồng thời là những phẩm hạnh mang tính xã hội, giúp cho tương tác xã hội diễn ra thuận lợi hơn, nhờ thế mà không cần và rất khó kiểm soát từ bên trên. Những phẩm hạnh này chỉ phát triển trong các xã hội mang tính cá nhân chủ nghĩa hoặc đã phát triển về mặt thương mại, và không hiện diện trong xã hội nơi chủ nghĩa tập thể hay quân phiệt giữ thế thượng phong. Có thể nhận thấy rõ sự khác biệt này ở những vùng khác nhau của Đức, và hiện nay chúng ta cũng có thể thấy khi so sánh Đức với các nước phương Tây. Cho mãi đến tận thời gian gần đây, tại những vùng phát triển nhất về thương mại, tức là tại những thành phố buôn bán ở phía Nam và phía Tây, cũng như các thành phố vùng Hanse, các quan niệm đạo đức vẫn gần với tiêu chuẩn của phương Tây hơn là những tiêu chuẩn đang giữ thế thượng phong ở Đức hiện nay.

Tuy vậy, sẽ cực kì bất công khi cho rằng khối quần chúng ủng hộ chế độ trong các nhà nước toàn trị, mà chúng ta coi là chế độ vô luân, là những người chẳng còn động lực đạo đức nào. Đối với đa số thì tình hình hoàn toàn ngược lại: chỉ có thể so sánh những xúc cảm về mặt đạo đức đằng sau các phong trào như quốc xã hay cộng sản với những trải nghiệm của những người đã từng tham gia các phong trào tôn giáo vĩ đại trong lịch sử. Nhưng một khi đã thừa nhận rằng cá nhân chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục tiêu của một thực thể cao quý hơn, gọi là xã hội hay quốc gia thì cũng thế, thì những đặc điểm của chế độ toàn trị nhất định sẽ xuất hiện. Từ quan điểm của chủ nghĩa tập thể thì thái độ bất dung và đàn áp thô bạo bất đồng quan điểm, khinh thường đời sống và hạnh phúc cá nhân chính là những hậu quả thiết yếu và không thể tránh khỏi của những tiền đề lí luận nền tảng. Đồng ý như thế, nhưng đồng thời những người ủng hộ chủ nghĩa tập thể lại khẳng định rằng chế độ này tiến bộ hơn là cái chế độ, nơi những quyền lợi “ích kỉ” của từng cá nhân có thể cản trở các mục tiêu mà cộng đồng theo đuổi. Các triết gia Đức là những người chân thành khi họ cố gắng chứng minh hết lần này đến lần khác rằng phấn đấu cho hạnh phúc cá nhân là việc làm phi đạo đức và chỉ có thực hiện nghĩa vụ trước xã hội mới là việc làm đáng tôn trọng, nhưng những người được giáo dục theo truyền thống khác thì khó mà hiểu nổi chuyện đó.

Ở đâu chỉ tồn tại một mục tiêu chung cao quý duy nhất thì ở đó không còn chỗ cho bất kì tiêu chuẩn hay quy phạm đạo đức nào. Trong thời kì chiến tranh chúng ta cũng từng trải nghiệm những điều như thế ở một mức độ nào đó. Nhưng ngay cả chiến tranh với những mối hiểm nguy vốn có của nó cũng chỉ tạo ra trong lòng các nước dân chủ một phiên bản toàn trị tương đối ôn hòa: chỉ một vài giá trị cá nhân bị đặt sang một bên để dành chỗ cho mục tiêu duy nhất lúc đó mà thôi. Nhưng khi toàn xã hội chỉ theo đuổi một vài mục tiêu chung nào đó thì nhất định sự tàn bạo đôi khi sẽ được coi là nhiệm vụ và những hành động làm chúng ta kinh tởm như bắn giết con tin, giết người già hay người ốm được coi là những việc làm thích hợp; di dân cưỡng bức và bắt lưu đầy hàng trăm ngàn người trở thành biện pháp chính trị được hầu như tất cả mọi nguời, trừ các nạn nhân, ủng hộ; thậm chí người ta còn nghiên cứu cả những đề nghị như “gọi đàn bà nhập ngũ để sinh con đẻ cái” nữa. Những người theo chủ nghĩa tập thể chỉ nhìn thấy những mục tiêu vĩ đại, họ đủ sức biện hộ cho những hành động như thế vì không có quyền con người nào hay giá trị cá nhân nào có thể trở thành lực cản cho sự nghiệp phụng sự xã hội của họ.

Nhưng trong khi đối với phần đông công dân của nhà nước toàn trị, lí tưởng, mặc dù đối với chúng ta đấy là lí tưởng chẳng ra gì, chính là thứ họ sẵn sàng hy sinh hết mình, là thứ khiến họ ủng hộ, thậm chí thực hiện những hành động bất nhân nói trên, thì đối với những kẻ điều hành chính sách đó lại không hẳn như thế. Muốn trở thành trợ thủ đắc lực trong việc điều hành nhà nước toàn trị thì sẵn sàng chấp nhận những lời giải thích có vẻ hợp lí cho những việc làm đốn mạt là chưa đủ, y còn phải sẵn sàng chà đạp lên mọi quy tắc đạo đức từng được biết đến nếu đấy là việc cần thiết để đạt mục tiêu đề ra cho y. Vị lãnh tụ tối cao là người duy nhất có quyền đặt ra mục tiêu cho nên các trợ thủ trong tay ông ta không được có quan điểm đạo đức riêng của mình. Yêu cầu quan trọng nhất đối với người cán bộ là lòng trung thành tuyệt đối đối với cá nhân lãnh tụ, kèm theo lòng trung thành là tính vô nguyên tắc và sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Cán bộ không được có lí tưởng thầm kín của riêng mình hoặc quan điểm riêng về thiện ác, có thể ảnh hưởng tới các dự định của lãnh tụ. Từ đó có thể thấy rằng các chức vụ cao khó có sức hấp dẫn đối với những người có quan điểm đạo đức vốn từng là kim chỉ nam cho hành động trong quá khứ của người Âu châu. Bởi vì, chẳng có gì có thể đền bù được cho những hành động bất lương mà họ nhất định phải làm, sẽ không còn cơ hội theo đuổi những ước mơ lí tưởng hơn, chẳng có gì có thể đền bù được những mạo hiểm không thể nào tránh khỏi, chẳng có gì có thể đền bù được những niềm vui của cuộc sống riêng tư và sự độc lập của cá nhân mà chức vụ lãnh đạo cao nhất định phải làm. Chỉ có một khát khao, đấy là khát khao quyền lực theo nghĩa đen của từ này và cái khoái cảm được người khác phục tùng và được là một phần của một cỗ máy quyền lực khổng lồ không ai có thể cản trở được, là có thể được thỏa mãn theo cách đó mà thôi.

Nếu các chức vụ cao trong bộ máy quyền lực toàn trị không hấp dẫn được những người xứng đáng, theo tiêu chuẩn của chúng ta, thì điều đó có nghĩa là những kẻ tàn nhẫn và vô liêm sỉ sẽ có nhiều cơ hội. Không nghi ngờ gì rằng sẽ có nhiều việc gọi là “bẩn thỉu”, nhưng cần phải làm vì mục đích cao thượng và phải làm một cách dứt khoát và chuyên nghiệp như bất kì công việc nào khác. Và cũng có nhiều hành động bản thân chúng đã là xấu xa rồi, những loại mà những người còn có quan niệm đạo đức truyền thống sẽ không chịu làm, nên những kẻ sẵn sàng làm những việc xấu xa như thế sẽ có tấm giấy thông hành để thăng tiến và đi đến quyền lực. Trong xã hội toàn trị nhất định sẽ có nhiều chức vụ đòi hỏi sự tàn nhẫn, dọa nạt, lừa dối và chỉ điểm. Gestapo hay các ban quản lí các trại tập trung, Bộ tuyên truyền hay SA hoặc SS (hoặc những cơ quan tương ứng ở Ý hay ở Nga) không phải là chỗ thể hiện lòng nhân đạo của con người. Nhưng đấy chính là con đường tiến thân trong ban lãnh đạo của nhà nước toàn trị. Một nhà kinh tế học nổi tiếng người Mĩ sau khi xem xét sơ qua trách nhiệm của chính quyền trong xã hội theo đường lối tập thể đã rút ra kết luận rất đúng rằng: “Dù muốn hay không họ cũng phải làm những việc đó: xác suất những người nắm chính quyền là các cá nhân không thích giữ và thể hiện quyền lực cũng ngang bằng với xác suất một người cực kì dịu dàng muốn làm công việc của cai đội trong đồn điền nô lệ[12]”.

Nhưng như thế chưa phải đã hết. Vấn đề lựa chọn người lãnh đạo là một phần của một vấn đề lớn hơn: vấn đề lựa chọn người phù hợp với quan điểm của họ hay nói đúng hơn là lựa chọn những người sẵn sàng thích nghi với học thuyết thường xuyên thay đổi của họ. Và điều đó dẫn chúng ta đến một trong những đặc điểm nổi bật nhất của đạo đức của chủ nghĩa toàn trị: quan hệ của nó với và ảnh hưởng của nó lên những đức tính được gọi bằng một tên chung là tính trung thực. Nhưng đây là đề tài lớn, cần phải cả một chương mới mong nói hết được.




[1] Xem cuộc thảo luận rất đáng nghiên cứu trong tác phẩm: Socialism. National or International? (Chủ nghĩa xã hộiQuốc gia hay quốc tế) -1942 của Franz Borkenau.
[2] Zarathustra của Nietzsche đã nói đúng theo tinh thần của chủ nghĩa tập thể: “Cho đến nay đã từng tồn tại cả ngàn mục tiêu vì đã tồn tạicả ngàn ngườiNhưng vẫn chưa có một cái cùm chung cho cả ngàn cái cổchưa có một mục tiêu duy nhấtNhân loại chưa có một mục tiêu.Tôi cầu xin những người anh emhãy nói đinhân loại không có mục tiêuthế chẳng phải là không có nhân loại đó ư?”
[3] Theo Carr E.H. trong tác phẩm The Twenty Year's Crisis (Hai mươi năm khủng hoảng, 1941. trang. 203.
[4] Findlay Mackenzie (ed). Planned Society, Yesterday, Today, Tomorrow: A Simposium. (Xã hội được lập trình, hôm qua, hôm nay và ngày mai),  1937. trang. XX.
[5] Halevy E. L'Ere des Tyrannies. Paris, 1938; History of the English People. "Epilogue", vol. I, trang. 105—106.
[6] Xem K. Marx. Cách mạng và phản cách mạng, cũng như thư của Engels gửi Marx đề ngày 23 tháng 5 năm 1851.
[7] Russell ВThe Scientific Outlook (Quan điểm khoa học). 1931. trang. 211.
[8] Lippincott B.E. trong Introduction to Oscar Lange, Taylor F.M. On the Economic Theory of Socialism (Bàn về lí thuyết kinh tế của chủ nghĩa xã hội). Minneapolis, 1938. trang. 35.
[9] Chúng ta không được phép để mình bị mắc lừa bởi sự kiện là từ “lực”, ngoài ý nghĩa được sử dụng liên quan đến con người, còn được sử dụng theo nghĩa phi nhân cách (đúng hơn là đã được nhân cách hóa) đối với bất kì nguyên nhân nào. Dĩ nhiên là luôn luôn có một cái gì đó là nguyên nhân cho tất cả những cái khác, theo nghĩa đó thì tổng quyền lực phải luôn luôn là một hằng số. Nhưng điều này không liên quan gì đến quyền lực mà một số người cố ý áp đặt lên một số người khác.
[10] Lí trí của nhà nước- Tiếng Pháp –ND.
[11] Dũng cảm công dân - Tiếng Đức–ND.
[12] Knight F.H. trong Journal of Political Economy. 1938. December. trang. 869.
01T.4,2016

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ba kịch bản cho kinh tế Trung Quốc: Tốt, xấu và thảm khốc


Valentin schmid

Trường Xuân dịch



Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và giá nguyên liệu giảm là có lợi cho người tiêu dùng phương Tây.
“Tình hình kinh tế thế giới phụ thuộc vào việc tốc độ tăng trưởng của thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng có cao hơn tốc độ tăng trưởng của người sản xuất hay không”, Diana Choyleva, kinh tế trưởng của Lombard Street Research (Lombard Street Research là cơ quan tư vấn dự báo kinh tế vĩ mô, trụ sở đặt ở London và có văn phòng ở New York và Hong Kong –ND).

Các công ti khai thác lớn, ví dụ tập đoàn liên doanh Anh-Mĩ PLC, và các nhà bán lẻ hàng tiêu dung, ví dụ như Glencore PLC, bị thiệt hại, nhưng người tiêu dùng phương Tây được hưởng lợi khi giá cả giảm, nhất là giá xăng.

Người dân Liên minh châu Âu (EU) tiêu nhiều tiền nhất. Chi tiêu của người Mĩ vẫn ổn định vì phần lớn khoản tiết kiệm của họ gắn với thị trường chứng khoán, Choyleva giải thích.


“Tính bất định của thị trường chứng khoán càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng là người tiêu dùng Mĩ sẽ tiếp tục tiết kiệm chứ không chi tiêu”.

Kịch bản tốt đối với Trung Quốc 

Điều đó có lẽ cũng đúng với Trung Quốc. Hãy lấy tiền của người sản xuất và đút nó vào túi người tiêu dùng. Phá giá đồng Nguyên sẽ thúc đẩy quá trình này, Choyleva nói.


“Tài khoản tiết kiệm được mở và đồng tiền yếu sẽ dẫn tới tăng lãi suất cho vay ở trong nước. Đây chính là điều Trung Quốc cần nhằm gia tăng tiêu dùng”, bà này nói. Vì phần lớn các khoản tiết kiệm của người Trung Quốc nằm trong các khoản tiền gửi, tăng lãi suất nghĩa là tăng thu nhập và tiêu dùng.


Giảm các khoản đầu tư của các nhà sản xuất và của chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nhân phương Tây thế chỗ và tăng cường đấu tư.


Liên quan tới tăng giá nhập khẩu vì đồng tiền yếu đi, người tiêu dùng Trung Quốc không có gì phải lo vì Trung Quốc nhập nguyên vật liệu chứ không phải hàng tiêu dung, Choyleva nói.

Kịch bản xấu

Nhưng, dường như ngân hàng trung ương các nước khác không cho Trung Quốc thực hiện chiến lược này. “Đối với Trung Quốc, tốt nhất là thả nổi đồng tiền của mình. Nhưng như thế cũng chẳng khác gì cầm miếng vải đó đứng trước con bò tót. Không quan trọng, người nào đóng vai bò tót: Nhật hay Mĩ thì cũng thế”, nhà kinh tế học này nói.


Ngân hàng Nhật vừa khẳng định quan điểm chiến lược của mình về nới lỏng tiền tệ và thậm chí là đòi Trung Quốc phải tăng cường kiểm soát đồng vốn, để ngăn không cho đồng vốn chảy ra khỏi đất nước và ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền.


Evan Lorenz thuộc tổ chức Grant’s Interest Rate Observer cho rằng nếu đồng Nguyên mất giá quá nhanh thì đấy sẽ là đề tài chính trong chiến dịch tranh cử ở Mĩ.


“Đây sẽ là thảm họa chính trị. Ở Mĩ đang diễn ra chiến dịch tranh cử. Trung Quốc đã trở thành một trong những đề tài chính. Nếu Trung Quốc hạ giá đồng Nguyên xuống 10-15% thì Donald Trump, ứng viên của Đảng Cộng hòa sẽ không ngưng nói về Trung Quốc cho đến tận ngày bầu cử vào tháng 11. Điều này có thể dẫn tới những biện pháp trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc hay những vấn đề khác”, Lorenz giải thích.


Kịch bản thảm khốc


Về khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, Evan Lorenz còn tỏ ra bi quan hơn nữa: “Dường như bong bóng đầu tư của Trung Quốc bắt đầu vỡ, đi kèm với nó là những hậu qủa xấu với cả Trung Quốc lẫn toàn thế giới”.


Theo lời ông này, Trung Quốc gặp rắc rối to với các khoản nợ nần (nợ chiếm tới 240% GDP). Không thể giải quyết được vấn đề này mà không giảm hẳn tốc độ phát triển kinh tế. Theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc thì kinh tế sẽ phát triển với tốc độ 6,5-7%/năm, nhưng Lorenz cho rằng đây là mục tiêu bất khả thi.


“Tôi không biết tốc độ tăng trưởng sẽ là 0%, 1%, 2% hay thậm chí −1%, nhưng tôi tin rằng tăng trưởng sẽ giảm”, ông này nói. Vấn đề thực sự là Trung Quốc muốn tạo ra một quả bong bóng mới nhằm ngăn chặn sự chậm lại của nền kinh tế.


“Nếu chính phủ rót tiền vào để giải quyết vấn đề và quên đi các cuộc cải cách thì họ có thể đạt được cải thiện trong ngắn hạn. Với tốc độ gia tăng đáng sợ các khoản nợ nần ở Trung Quốc, những khoản đầu tư quá mức trong quá khứ, không có cải cách cơ cấu ở những nước như Nhật Bản và khu vực đồng Euro, chưa chắc đấy sẽ sự cải thiện tích cực và dài hạn. Hậu quả của chính sách như vậy có thể là nặng nề”, Choyleva nói.


“Trước đây, Trung Quốc đã tìm cách giải quyết những vấn đề này bằng tăng cường tín dụng. Chuyện đó đã xảy ra trong thời gian chuyển giao quyền lực vào năm 2012, khi Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu Trung Quốc”, Lorenz nhận xét.


Dường như năm 2016, Trung Quốc phải sử dụng chính sách này một lần nữa. Cuối tháng hai số tiền vay để đảo nợ đã lên tới 1 nghìn tỷ USD. Đây là kỷ lục mới.


Chính sách đó sẽ dẫn tới những hậu quả rất xấu, Choyleva nói: “Trung Quốc không thể tiếp tục tạo bong bong và trì hoãn giải quyết trong mười năm nữa. Với tỉ lệ nợ và GDP như hiện nay, Trung Quốc chỉ còn một hai năm nữa thôi, nếu hành động sai, bong bóng sẽ vỡ. May là đất nước này còn tiền để có thể thay đổi tình hình, nếu có hành động đúng ngay từ bây giờ”.


Câu hỏi đặt ra những hành động đó có được thực hiện hay không.
Phần nhận xét hiển thị trên trang