Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Anh nghĩ anh là ai? Anh nghĩ anh là người vĩ đại lắm à?

Vài lời khuyên gửi ngài Nguyễn Xuân Phúc, ứng cử viên thủ tướng.
Báo chí vừa tiết lộ danh tánh của 12 vị trong tổ tư vấn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi ngài Phan Văn Khải lên thủ tướng cơ bản vẫn giữ nguyên thành viên tổ tư vấn của thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi ngài Nguyễn Tấn Dũng lên thì toàn bộ tổ tư vấn gồm rất nhiều chuyên gia nhiều lĩnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa hàng đầu quốc gia bị giải tán thay vào đó là tổ tư vấn mới.
Ngài Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp cuối cùng của nội các cho biết, ông Trương Đình Tuyển tổ trưởng tổ tư vấn của ngài nói với ngài rằng, tổ tư vấn cũng xin tự giải tán.
Thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc, nếu không có gì thay đổi thì một tuần nữa ngai thủ tướng vào tay ngài. Liệu ngài có cần một tổ tư vấn của mình như các tiền nhiệm không?
Lời khuyên của gã giành cho ngài : Không.
***
Gã xin kể tiếp câu chuyện về bác bắt ếch nửa đêm tìm gã nhờ xin gã tư vấn. Nhà bác chỉ hai sào ruộng, hai con lợn và bốn đứa con đang đi học. Bác biết chỉ có học mới thoát khỏi nghèo đói, nhưng bác không đủ tiền cho cả bốn đứa ăn học . Cả bốn đứa bác đều rất thương và đều có quyền mà Luật pháp VN bảo vệ đó là quyền được học.
Gã đã ngậm đắng nuốt cay mà tư vấn rằng: Bác phải xem trong bốn đứa, đứa nào thông minh nhất, sáng nhất lại có chí học nhất tập trung toàn bộ cho nó ăn học đàng hoàng tại một trường học đàng hoàng.
- Còn ba đứa kia thì sao? Bác bắt ếch không kìm được nước mắt.
- Nghỉ, làm nông, chăm lợn, đan lát, bắt ếch mò cua.
- Vậy thì tội nghiệp cho chúng quá!
- Đứa được học sẽ hiểu nghĩa vụ của nó là gì trước sự hy sinh của ba đứa kia, chắc chắn nó sẽ ngày đêm học thành tài. Khi thành tài rồi, có điều kiện kinh tế rồi nó sẽ đầu tư trở lại cho ba đứa kia làm cái gì mà chúng muốn và học cái gì mà chúng có năng lực...
Thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc, câu chuyện này mang tính kinh tế thị trường định hướng XHCN đấy.
Thị trường về cơ bản là nơi chỉ người có năng lực, có tài mới có thể tồn tại và phát triển.Còn định hướng XHCN về cơ bản là nguồn lợi nhuận thu được phân phối lại và tạo điều kiện cho những thành phần khác xứng đáng cùng tồn tại và phát triển.
Có một đại biểu QH vừa nói rằng chúng ta đang sống trong giai đoạn của đạo đức giả. Đạo đức giả điển hình nhất là chúng ta bao năm nay trộn lẫn giữa kinh tế thị trường với cái đuôi định hướng XHCN mà không dũng cảm nhận ra sự thật- đạo đức thật đây là hai quá trình khác nhau liên quan tới việc tạo ra của cải và việc phân phối của cải một cách công bằng. Sự thật- đạo đức thật : Chỉ có làm ra nhiều của cải thì XHCN mới không là cái bánh vẽ. Nước Thụy Sĩ tiến lên XHCN với đạo đức thật của mình khi nguồn tài sản dư thừa để chia cho mỗi công dân mỗi tháng hơn 2000 đola, dù công dân đó có làm việc hay không. Và XHCN với đạo đức thật ở chỗ, mọi công dân Thụy Sĩ tự cảm thấy nhục nhã, xấu hổ nếu mình chỉ ngồi không để hưởng cái số tiền ấy.
Gã xin nhắc lại, lời khuyên của gã giành cho ngài là: Không!
Tuyệt đối không, vì nếu các ngài tư vấn kia chỉ giúp cho thói đạo đức giả mông má cho các quyết sách không thay đổi về cơ bản của mình, không thay đổi theo Quy luật của nhân sinh và Luật của tạo hóa tự nhiên, thì có để làm gì, có chỉ thêm rách việc và tốn kém tiền của của nhân dân.
Các nhà tư vấn bao lâu rồi với rào cản vòng kim cô của mình chưa một lần được vượt qua cái rào cản vòng kim cô ấy dù có tài năng đến đâu nên họ đành chấp nhận chỉ mon men tới cái gọi là “cải cách” mà thôi.
Thưa ngài, chắc ngài thừa biết liệu pháp cho đất nước này thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình và cái bẫy ì ì không chịu...phát triển không chỉ là đôi ba thứ sáng kiến, chính sách gẩy gẩy mông má, cải cách được mà phải là Cách mạng. Cách mạng không khoan nhượng. Cách mạng triệt để.
Gã có lần nói thẳng với ngài Trương Đình Tuyển một con người rất đáng kính trọng , yêu nước nồng nàn rằng: Anh chỉ là nhà cải cách mà thôi chứ không là nhà cách mạng. Ngài Trương Đình Tuyển sững lại một lúc lâu rồi chỉ biết lắc đầu im lặng.
Ai? Ai đang cản trở tiến trình Cách mạng này?
Vâng, qua quá nhiều tổ tư vấn của nhiều đời thủ tướng thì cái điều tư vấn quan trọng nhất mà hầu hết các thành viên tư vấn xuất sắc, những chuyên gia rất tài ba và tâm huyết của đất nước chắc chắn đều đã trình lên các đời thủ tướng, đó là :
Muốn giải phóng sức sản xuất cho nông dân thế mạnh của quốc gia thì Đất đai là sở hữu của cá nhân chỉ Lãnh thổ, biên cương mới là sở hữu quốc gia, sở hữu toàn dân mà thôi.
Đó là : Thị trường là thị trường. Mọi thành phần kinh tế bình đẳng với nhau và đều phải minh bạch dưới sự giám sát nghiêm ngặt nhất của Luật pháp.
Đó là: Cơ chế kiểm soát độc lập chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, thượng tôn pháp luật, bình đẳng tuyệt đối trước pháp luật sẽ không có đất dung thân cho tham nhũng, ăn cướp, lãng phí , vô trách nhiệm những tệ nạn hủy diệt sức phát triển. Cơ chế đó không gì khác đó là tự do báo chí để đấu tranh, phản biện toàn dân, đó là Tam quyền phân lập, đó là dân chủ hóa xã hội để mỗi công dân đều có quyền làm chủ đất nước và làm chủ chính năng lực, sáng tạo của mình.
Thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc, ngài tiên liệu xem những tư vấn như thế liệu có ai chấp nhận không? Nếu không như đã từng các lần...không, thì tốt nhất ngài nên nghe lời khuyên của gã là đừng lập tổ tư vấn cho mình làm gì vì nó cũng sẽ vô ích như bao đời các tổ tư vấn trước mà thôi.
***
Sáng hôm nọ gã nhận được tin nhắn từ một số máy lạ: Anh nghĩ anh là ai? Anh nghĩ anh là người vĩ đại lắm à?
Gã hơi chột dạ, nghĩ vẩn vơ, chắc ai đó thấy gã thường xuyên góp ý này, khuyên răn nọ cho nhiều vị lãnh đạo nên khó chịu vì cho gã không biết mình là ai, vì cho gã ảo tưởng mình là vĩ đại. Gã nhắn tin lại: Người cả gan góp ý, khuyên răn lãnh đạo thậm chí cả cho đấng tối cao nào đó không hề là người vĩ đại mà chính người lãnh đạo, hay đấng tối cao biết lắng nghe lời góp ý, khuyên răn kia, nhận ra điều gì sáng rồi thực hiện nó mới chính là người thực sự vĩ đại.
Tích tắc gã nhận phản hồi: Ối, em xin lỗi, em nhắn tin nhầm cho anh bồ của em, cả tuần nay em gọi cho anh ấy mà anh ấy không chịu trả lời.
Ối giời!
Thôi, dài rồi, gã xin được kết bằng một kỉ niệm của gã với ngài, thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc.
Hai mươi năm trước, gã cùng đoàn của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ NN & PTNT đi khảo sát về Luật Hợp tác xã ở các địa phương. Khi tới Quảng Nam thì có cuộc gặp giữa đoàn với lãnh đạo tỉnh.Trong cuộc gặp đó gã nói : Chưa ở đâu nhiều khẩu hiệu như QN nhưng cũng chưa ở đâu ít quầy sách báo như ở QN. Chưa ở đâu nhiều trụ sở công quyền đồ sộ như ở QN và cũng chưa ở đâu ít trường học tử tế như ở QN. Chưa ở đâu nhiều bà mẹ anh hùng như ở QN, nhưng cũng chưa ở đâu nhiều gia đình nghèo khổ như ở QN.
Rào , rào rào...gã nghe những tiếng xì xầm và những ánh mắt giận giữ, bất bình của các quan chức trong tỉnh và của các quan chức trong đoàn khảo sát. Một số quan chức của tỉnh giơ tay xin phát biểu để đập lại gã.
Bỗng gã thấy một người mặc sơ mi trắng, đầu hói láng bóng không thua gã, dang hai cánh tay rộng ra như ra hiệu mọi người im lặng. Tất cả quan chức trong tỉnh phục tùng theo hiệu lệnh ấy.
-Đã đến lúc chúng ta phải tập nghe những lời như thế!
Vâng, người nói câu ấy nếu ngài không quên đó chính là ngài.
Ở cương vị lãnh đạo một tỉnh cách đây 20 năm khi nghe phản biện về những sự thật đến chối tai ngài đã có lời tuyệt vời như thế, vậy hôm nay với cương vị sắp là một thủ tướng quyền lực nhất quốc gia khi nghe những lời chối tai, liệu ngài có nói rằng: Hơn bao giờ hết chúng ta phải nghe những lời như thế.
Vâng thời kì “tập” đã qua rồi. Đất nước không còn thời gian cho những thói đạo đức giả và sự mò mẫm nữa.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc đã bước vào “cái bẫy thu nhập trung bình”. Nó chỉ có thể thoát ra bằng cách dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp.


Jeffrey WasserstromĐiểm sách: “Tương lai Trung Quốc” (China’s Future, Polity Press, March 2016) của giáo sư David Shambaugh (George Washington University).
Đúng là David Shambaugh viết rất khỏe. Cuốn sách mới nhiều thông tin về “Tương lai Trung Quốc” tiếp theo cuốn “Đảng Cộng sản Trung Quốc” (China’s Communist Party, 2008) và cuốn “Trung Quốc Toàn cầu Hóa” (China Goes Global, 2013). Cuốn sách này đề cập đến các lập luận đã được đưa ra lần đầu trong bài phân tích “Sự Đổ vỡ Sắp tới của Trung Quốc” (The Coming Chinese Crackup) cũng đăng trên tờ báo này cách đây một năm, gây nhiều tranh cãi. Lập luận chính của vị giáo sư ĐH George Washington rất dễ tóm tắt: Trừ phi Tổng bí thư đảng Tập Cận Bình tiến hành cải cách chính trị lớn, nền kinh tế sẽ thất bại và đảng sẽ sụp đổ. Vì các học giả thường thận trọng khi xác quyết về thời điểm các sự kiện sẽ xảy ra, nên Shambaugh chỉ viết rằng nó có thể xảy ra trong thập kỷ tới.
Tác giả không phải là người đầu tiên dự đoán sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đó đã có một số bình luận theo “trường phái sụp đổ” (collapsist), nếu mượn thuật ngữ này của nhà sử học Geremie Barmé. Ngay sau vụ thảm sát tại Bắc Kinh năm 1989, đại sứ Mỹ Winston Lord đã khẳng định rằng đảng sẽ mất quyền lực trong vài tuần lễ nếu không phải là vài ngày. Mười hai năm sau, Gordon Chang xuất bản cuốn “Sự Sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” (The Coming Collapse of China) và tự tin tuyên bố quyền lực của đảng sẽ chấm dứt năm 2011. Tuy nhiên, lập luận của Shambaugh khác biệt, vì vị trí nổi bật của tác giả và quan điểm trước đó của ông nhấn mạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khôn ngoan học được bài học về “sự tuyệt chủng của tư tưởng Leninist” vào năm 1989-1991.
Cuốn sách mới nhất của Shambaugh đưa ra những nhận định xúc tích và rõ ràng về những xu hướng chủ chốt - từ sự tăng trưởng của sức mua đến đô thị hóa nhanh – đã làm thay đổi một đất nước chỉ có các làng xã thành một đất nước của các đô thị, với “quy mô lớn” tới mức “khó hình dung nổi”. Tác giả so sánh “quyền lực mềm” của Trung Quốc (vẫn còn “rất mềm” so với thế giới) với “quyền lực cứng” đang “lớn lên từng ngày”, một thực tế được “trưng bày một cách cụ thể bằng lễ duyệt binh hoành tráng tại Quảng trường Thiên An môn” năm 2009 và 2015. Tác giả cũng phân tích kỹ lưỡng cách dùng thuật ngữ rất lạ của ông Tập Cận Bình khi nói đến “Pháp quyền” (rule of law), qua đó hệ thống luật pháp trở thành “công cụ trong tay của đảng cầm quyền để áp đặt ý chí và quyền lực của mình.”
Qua cách tác giả lý giải về cách hiểu vũ đoán đáng lo ngại của đảng về “Pháp quyền”, chúng ta thấy rõ quan điểm của tác giả đã thay đổi từ chỗ tương đối lạc quan trước đây về triển vọng của đảng đến chỗ thất vọng. Shambaugh khẳng định đây là phản ứng hợp lý đối với sự chuyển đổi tự hủy diệt của đảng theo hướng “Chuyên chế Cứng” (Hard Authoritarianism) sau một thập kỷ rưỡi theo hướng “Chuyên chế Mềm” (Soft Authoritarianism). Nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào đã có những bước cởi mở đáng khích lệ, tuy quá chậm chạp, nhưng xu hướng này đã dừng lại năm 2007. Tập Cận Bình đã thay đổi cực đoan hơn theo hướng “Chuyên chế Cứng” từ khi lên cầm quyền năm 2012.
Tác giả so sánh Tập Cận Bình với một người lái xe tới ngã ba đường. Liệu anh ta sẽ tiếp tục theo hướng “Chuyên chế Cứng”? Hay quẹo theo hướng “Chuyên chế Mềm”, nới lỏng kiểm soát theo cách đã làm trước đó vào thời kỳ (1982-1989 & 1998-2008)? Hay thoát ra theo con đường “Độc tài Kiểu mới” (Neo-Totalitarian) đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ Mao trị (1949-1976)? Hay chọn con đường “Dân chủ Nửa vời” (Semi-Democratic), để biến Trung Quốc thành một Singapore khổng lồ, với hệ thống tranh cử hậu thuẫn cho một đảng và môi trường dân sự không giống một nhà nước chuyên chế mà cũng chẳng giống một nhà nước dân chủ? Shambaugh không thấy khả năng Tập Cận Bình sẽ đưa đất nước theo hướng dân chủ.
Shambaugh nói rằng con đường “Chuyên chế Mềm” và “Dân chủ Nửa với” sẽ có lợi nhất cho quyền lợi của Đảng cũng như của nhân dân Trung Quốc, nhưng ông không tin rằng Tập Cận Bình sẽ theo con đường này. Tác giả lo ngại xu hướng “Độc tài Kiểu mới” tuy không muốn điều này xảy ra. Có nhiều khả năng nhất là Tập Cận Bình sẽ duy trì hướng “Chuyên chế Cứng”, hy vọng bằng cách đó sẽ đảm bảo được sự ổn định.
Theo Shambaugh, vấn đề là Trung Quốc đã ra khỏi giai đoạn phát triển mà tăng trưởng nhanh có thể dựa vào sản xuất hàng rẻ trong những công xưởng lớn đông công nhân sẵn sàng chấp nhận lương thấp. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn các nhà lý luận về hiện đại hóa (modernization theorists) gọi là “bẫy thu nhập trung bình” (middle income trap), mà chỉ có thể thoát ra bằng cách dựa hẳn vào khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới và dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp. Tác giả khẳng định kinh nghiệm của các nước chỉ rõ rằng thể chế hiệu quả nhất để đối phó với cái bẫy đó là thể chế dân chủ hoặc chuyên chế nhưng với lãnh đạo cởi mở sẵn sàng cho phép tự do thông tin chứ không như Tập Cận Bình. Phía trước Trung Quốc là hỗn loạn và khủng hoảng, chứ không phải ổn định.
“Tương lai Trung Quốc” là cuốn sách đặt ra nhiều giả thiết hơn là hai cuốn sách trước đó của Shambaugh, nhưng nó đủ bổ xung cho nhau để độc giả xem như bộ ba cuốn sách đáng đọc. Một lần nữa các quan điểm của Shambaugh dựa trên tham khảo rộng rãi nguồn tư liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh, kết hợp với xem xét kỹ lưỡng một cách chiết trung các tài liệu bằng tiếng Hoa, và các quan sát trực tiếp rút ra từ các chuyến thăm Trung Quốc. Tác giả một lần nữa đã tóm tắt một cách xúc tích và có lý những vấn đề cụ thể.
Tôi chia sẻ với Shambaugh về nhiều hy vọng và lo ngại, và nhất trí với hầu hết những gì tác giả nói đã diễn ra cho đến gần đây. Nhưng tôi không tán thành với quan điểm của tác giả cho rằng thành quả của các nước phát triển đã chỉ dẫn về tương lai của Trung Quốc. Các nhà lý luận về hiện đại hóa không có nhiều kinh nghiệm thành công như tác giả nói. Dù họ có đi nữa thì tôi cũng nghi ngờ khả năng ứng dụng ý tưởng của họ vào tình huống bất ổn hiện nay. Sự diễn biến của các sự kiện thường chứng minh ngược lại với các giả thuyết về xu hướng chính trị liên quan đến chủ nghĩa chuyên chế dưới mọi hình thức. Trong thế giới liên kết với nhau chặt chẽ như ngày nay thì cái gì xảy ra chỗ này có thể tác độc lớn đến các chỗ khác, thay đổi cách nghĩ của dân chúng và lãnh đạo đối với các vấn đề như ổn định, phát triển, và rủi ro trong việc duy trì đường lối cũ hay thử nghiệm một đường lối mới.
Tập Cận Bình có thể giống như một lái xe đến ngã ba đường, nhưng chúng ta phải luôn để ý đến những vấn đề khác nữa chứ không phải chỉ có con đường đưa ông ta đến, và những con đường mà những người lái xe trước đó đã chọn. Trên quốc lộ có nhiều lái xe tính khí bất thường, nên việc họ đi thẳng hay quẹo đột ngột là rất khác biệt.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biển Đông: Vấn đề ‘sống còn’ đối với ĐCS Trung Quốc

bilahari

Nguồn: “S China Sea ‘an existential issue to legitimise CCP rule”, Today Online, 31/03/2016.
Biên dịch: Lê Hồng Hiệp
Vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề nơi mà các thông số cho sự cạnh tranh và lợi ích của Mỹ – Trung được xác định rõ ràng nhất. Từ đó, các nước Đông Nam Á sẽ rút ra kết luận cho riêng mình về quyết tâm của Mỹ và ý định của Trung Quốc đối với khu vực, nhà ngoại giao kỳ cựu Bilahari Kausikan (ảnh) của Singapore ngày hôm qua cho hay.
Phát biểu trong bài thứ ba trong số năm bài giảng tại Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), ông Kausikan lưu ý rằng tầm quan trọng của Biển Đông đối với Trung Quốc lớn hơn so với Mỹ do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dùng vấn đề này nhằm biện minh cho tính chính danh của mình dựa trên lịch sử.
“Nếu tôi đúng khi cho rằng vấn đề Biển Đông cuối cùng có liên quan đến tính chính danh trong sự cai trị của ĐCSTQ, thì đó là một vấn đề sống còn đối với Trung Quốc,” ông nói và lưu ý rằng Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong việc thực thi những gì nước này coi là quyền quốc nội của mình trong các vùng biển tranh chấp những năm gần đây, bao gồm một chương trình đầy tham vọng về cải tạo đảo, triển khai các khí tài quân sự và chiến thuật gây áp lực cao của các nhà ngoại giao nước này trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Trái lại, Washington xác định lợi ích của mình trên khía cạnh giữ gìn luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, nhưng đây không phải là một thứ mà “Mỹ phải bảo vệ bằng mọi giá”. Do Mỹ không phải là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, có thể Mỹ chỉ duy trì quyền tự do hàng hải dựa trên tính toán cụ thể về lợi ích quốc gia của mình và không coi đó là một nghĩa vụ mà nước này buộc phải tôn trọng, ông nói thêm.
“Dù các đảo nhân tạo (được xây dựng bởi Trung Quốc ở Biển Đông) là không quan trọng xét về mặt quân sự, nhưng chúng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với ASEAN rằng Trung Quốc là một thực tế địa lý trong khi sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông chỉ là hệ quả của một tính toán địa chính trị. Đây là một ý tưởng mà Trung Quốc không bao giờ ngừng giao rắc theo những cách tinh tế hoặc trực tiếp”, ông Kausikan nói, ám chỉ tới (thái độ của Trung Quốc với) Hiệp hội của 10 nước thành viên Đông Nam Á.
Ông lưu ý rằng Trung Quốc thường xuyên cố gắng gây áp lực lên các thành viên ASEAN để họ không đưa vấn đề Biển Đông vào các diễn đàn hay không ủng hộ các nước khác làm như vậy. Các tiến bộ trong việc thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trên các vùng biển tranh chấp đã bị đóng băng bởi các nhà ngoại giao Trung Quốc thường xuyên lấy cuộc đàm phán làm con tin nhằm kiềm chế ASEAN không được làm những việc phật lòng Bắc Kinh.
Các nước ASEAN đã bắt đầu kháng cự lại sự quyết đoán đó của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng nhận thức được rằng những hành động của nước này đã dẫn đến một sự thiếu tin tưởng, ông lưu ý.
Tuy nhiên, bất cứ chi phí nào trong mối quan hệ với ASEAN mà Trung Quốc có thể phải trả cho sự quyết đoán của mình ở Biển Đông có thể được Bắc Kinh coi là không đến mức không thể chịu được nếu so với lợi ích bị đe dọa của họ, và điều này liên quan đến việc Trung Quốc sử dụng lịch sử nhằm tăng tính chính danh cho ĐCSTQ và biện minh cho các tuyên bố chủ quyền của mình.
“Trong suốt thế kỷ qua, tính chính danh của bất kỳ chính phủ Trung Quốc nào cũng phụ thuộc vào khả năng của họ trong việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ biên giới của Trung Quốc.”
Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang trong quá trình chuyển mình thành một cường quốc hải dương và “có lẽ không thể tránh khỏi việc một cán cân hải quân cân bằng hơn” giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ hình thành. “Khi điều này xảy ra, chúng ta không nên giả định rằng mô thức hoạt động (modus vivendi) mà họ rốt cuộc có thể đạt được ở Đông Nam Á nhất thiết phải phù hợp với lợi ích của ASEAN bởi có một sự không đối xứng cơ bản giữa lợi ích của Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông,” ông nói.
Ông giải thích rằng dù đối phó với cạnh tranh Mỹ-Trung là khó khăn, nhưng nó vẫn để ngỏ khả năng cho các nước nhỏ hơn có thể vận động.
“Đối phó với một thỏa hiệp Mỹ-Trung có thể còn khó chịu hơn. Sẽ có ít dư địa (cho các nước khác) vận động, và khi các cường quốc lớn đạt được một thỏa thuận họ thường cố gắng làm cho các nước nhỏ hơn phải trả giá (cho sự thỏa hiệp đó).”
Khả năng Mỹ-Trung thông đồng không phải là một ảo tưởng, ông nói thêm, và ông lấy dẫn chứng là việc tại Hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia tổ chức tại Liên Hiệp Quốc vào năm 1981, Mỹ đã đứng về phía Trung Quốc để đối chọi với ASEAN trong câu hỏi Khmer Đỏ có nên được quay lại nắm quyền hay không sau khi Việt Nam rút quân.
“ASEAN muốn tổ chức bầu cử nhưng Mỹ lại ủng hộ sự quay lại của một chế độ diệt chủng. Bạn có thể tưởng tượng được rằng Mỹ đã từng ủng hộ diệt chủng trên thực tế?”, ông nói và thêm rằng Hoa Kỳ vào thời điểm đó đã coi quan hệ với Trung Quốc là vì lợi ích tối cao của Mỹ và thậm chí còn đe dọa Singapore rằng sẽ có “máu đổ trên sàn nhà” nếu Singapore không thay đổi lập trường của mình.
“Tôi hy vọng Mỹ hiểu rằng sự quan ngại như vậy vẫn ẩn nấp quanh đây bên dưới bề mặt ở khu vực Đông Á, nơi những ký ức được gìn giữ lâu dài,” ông nói.
Quay sang ASEAN, ông Kausikan lưu ý rằng tổ chức này đã cung cấp một cơ chế cho các nước trong khu vực nhằm quản lý áp lực bên ngoài và đảm bảo một cảm giác gắn kết giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, sự đa dạng của Đông Nam Á làm cho hợp tác khu vực vừa cần thiết vừa khó có thể đạt được.
“Sự đa dạng chính của Đông Nam Á nằm ở sự khác biệt bên trong về chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, qua đó xác định bản sắc cốt lõi và định hình nền chính trị nội bộ của các quốc gia thành viên ASEAN. Những khác biệt này chắc chắn tác động tới tính toán của họ về lợi ích quốc gia và quan hệ quốc tế. Thật khó để tưởng tượng được rằng các yếu tố nguyên thủy đó sẽ bị xóa bỏ.”
ASEAN do đó phải làm việc bằng sự đồng thuận, ông nói, do bất kỳ cơ chế ra quyết định nào khác sẽ có “nguy cơ gây đổ vỡ với hậu quả khó lường”.
Tuy nhiên, một nhược điểm của việc hoạt động dựa trên đồng thuận “là xu hướng không may trong việc ưu tiên hình thức so với thực chất vốn thường xuyên biến thành sự ảo tưởng và thiếu thực tế,” ông nói và thêm rằng không vấn đề nào thể hiện điều này rõ ràng hơn cách tiếp cận của ASEAN đối với an ninh khu vực.
Ví dụ, từ năm 1971, ASEAN đã chính thức cam kết thiết lập một Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) ở Đông Nam Á. “ZOPFAN được dựa trên khái niệm bề ngoài hấp dẫn nhưng hoàn toàn là ảo tưởng rằng an ninh khu vực tốt nhất nên được bảo đảm bằng cách loại trừ các cường quốc lớn ra khỏi các công việc của Đông Nam Á”, ông nói.
Một ví dụ khác là hiệp ước năm 1995 nhằm thành lập một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), điều chỉ mang lại một cảm giác an ninh sai lạc bởi khi việc sử dụng vũ khí hạt nhân trở nên cần thiết thì bất kỳ hiệp ước nào cũng chỉ là một đống giấy vụn mà thôi.
Ông đã nhấn mạnh những sự thật khó nghe này về ASEAN “vì 49 năm sau khi ra đời, tổ chức này vẫn còn chưa được hiểu một cách đầy đủ”.
“Các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á đã sống ở giữa sự cạnh tranh của các cường quốc nhiều thế kỷ qua. Luôn luôn và đồng thời dùng chính sách cân bằng, phòng bị nước đôi, và phù thịnh đã luôn luôn ăn sâu trong ADN về chính sách đối ngoại của chúng ta,” ông nói.
“Nhưng bản năng này ngày nay có nguy bị thui chột tại ít nhất là một số nước thành viên của ASEAN nơi các ảo tưởng mù quáng về ZOPFAN và SEANWFZ vẫn có vẻ sống tốt.”
Trong phần kết luận, ông nói rằng các nước trong khu vực phải công nhận rằng Biển Đông ngày nay là đấu trường chính nơi cuộc chiến tâm tưởng phức tạp nhằm định hình khuôn khổ não trạng của các thành viên ASEAN đang diễn ra.
“Đưa ra các lập trường chắc chắn sẽ đi kèm rủi ro. Nhưng chỉ đơn thuần nằm sát mặt đất và dùng các lời nói trống rỗng về một vấn đề quan trọng như Biển Đông sẽ làm phương hại quyền tự chủ, đánh mất các lựa chọn và do đó chỉ gây ra các rủi ro lớn hơn mà thôi”.
Bilahari Kausikan nguyên là Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao và hiện là Đại sứ Lưu động và Cố vấn Chính sách của Singapore. Xem toàn văn bài nói chuyện của ông tại ĐÂY.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/03/31/bien-dong-van-de-song-con-doi-voi-dcs-trung-quoc/#sthash.hTcYc3OQ.dpuf
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biển Đông và Mê Kông, 2 gọng kìm Trung Quốc thống trị Đông Nam Á



HỒNG THỦY

(GDVN) - Bắc Kinh đặt mục tiêu rõ ràng là "chiếm đất" ở Biển Đông và "chiếm nước" ở thượng nguồn Mê Kông, kiểm soát nguồn nước ngọt quan trọng của các nước hạ nguồn.

Giáo sư Thitinan Pongsudhirak thuộc Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Chulalongkorn ngày 25/3 bình luận trên Bangkok Post, cách thức hành xử của Trung Quốc trong khu vực ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Xu thế trỗi dậy không thể đảo ngược của Trung Quốc có khả năng trở thành nguồn gốc căng thẳng và xung đột tiềm tàng ở Đông Nam Á.

Không có nơi nào mà sự trỗi dậy của Trung Quốc lại được thể hiện rõ ràng hơn khu vực Đông Nam Á, nơi Bắc Kinh đặt mục tiêu rõ ràng là "chiếm đất" ở Biển Đông và "chiếm nước" ở thượng nguồn Mê Kông, kiểm soát nguồn nước ngọt quan trọng của các nước hạ nguồn: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Trên Biển Đông, căng thẳng đang gia tăng vì các tuyên bố và hành động "gây tranh cãi" của Bắc Kinh trên một số rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm gần sát bờ biển Philippines, Việt Nam, Indonesia và rất xa Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng, quân sự hóa một số đảo nhân tạo trên một số bãi cạn ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), thậm chí làm đường băng và mở các chuyến bay dân dụng để củng cố yêu sách (bành trướng, vô lý và phi pháp) của mình để tạo ra tình thế "sự đã rồi".

Bây giờ Indonesia không thể tiếp tục khoanh tay đứng nhìn lợi ích của mình bị đe dọa. Tuần trước, khi chính quyền Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc với 8 ngư dân đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế Natuna, tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã can thiệp và tông vào một tàu tuần tra của Indonesia để cứu tàu cá.

Việc làm này của Bắc Kinh đã dấy lên sự phẫn nộ ngoại giao từ Jakarta. Trung Quốc đã tỏ ra lúng túng. Tuy nhiên sự kiện này cũng đánh dấu bắt đầu một xu hướng mới, sự hiếu chiến của Bắc Kinh ngày càng tăng và chứng tỏ, Trung Quốc không thực sự sẵn sàng tham gia soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trên thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã đơn phương cho phép mình có quyền thống trị nguồn nước bằng cách khai thác lợi thế địa lý và dòng chảy tự nhiên của con sông xuyên quốc gia này, thông qua việc xây dựng một loạt đập thủy điện ở thượng nguồn.

Khi các nước hạ nguồn Mê Kông gặp phải đợt hạn hán gay gắt kéo dài tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc "tỏ vẻ nhân đạo" bằng tuyên bố xả nước đập Cảnh Hồng từ 15/3 để bôi trơn cho hội nghị Hợp tác Lan Thương - Mê Kông bên lề Diễn đàn Bác Ngao với 5 nước hạ nguồn, giáo sư Pongsudhirak bình luận.

Trong khi việc xả nước của Trung Quốc ở đập Cảnh Hồng có thể giúp phần nào các nước hạ nguồn dịu bớt tạm thời tình trạng hạn hán, nhưng việc này lại là điềm báo một sự phụ thuộc của các nước hạ nguồn vào thiện chí và "lòng độ lượng" của Trung Quốc.

Sông Mê Kông mà Trung Quốc gọi là Lan Thương, là con sông dài nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn sống, sinh kế cho 60 triệu người, là môi trường sống cho các cộng đồng ven sông và các loài động vật hoang dã tự nhiên.

Việc Trung Quốc xây một loạt con đập trên thượng nguồn từ lâu đã được coi là một rủi ro địa chính trị với các nước hạ du, là nguồn xung đột tiềm tàng của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông.

Nguy cơ này ngày một trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và tốc độ phát triển nhanh chóng của các vùng đồng bằng châu thổ dọc sông Mê Kông làm nhu cầu tiêu thụ nước ngọt lớn hơn bao giờ hết.

Với đòn bẩy kiểm soát nguồn nước thượng nguồn Mê Kông, Trung Quốc đã triệu tập hội nghị Lan Thương - Mê Kông tại Tam Á, Hải Nam. Tại đây Bắc Kinh công bố các khoản cho vay và các gói tín dụng tổng trị giá khoảng 11,5 tỉ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, từ đường sắt cho đến các khu công nghiệp dọc theo sông Mê Kông.

Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ tài trợ cho các sáng kiến xóa đói giảm nghèo dọc lưu vực con sông này với 200 triệu USD, và thêm 300 triệu USD cho hợp tác khu vực trong 5 năm tiếp theo, lập một trung tâm tài nguyên nước.

Ông Lý Khắc Cường lưu ý rằng, các kế hoạch này là một phần thiết yếu trong chiến lược phát triển ý tưởng Một vành đai, một con đường, và kêu gọi xây dựng sự tin cậy lớn hơn giữa Trung Quốc với các nước hạ nguồn Mê Kông.

Giáo sư Pongsudhirak nhận định, vấn đề quan trọng ở đây là cơ chế hội nghị thượng đỉnh Lan Thương - Mê Kông (LMC) mà Trung Quốc lập ra là một cách vô hiệu hóa Ủy hội sông Mê Kông (MRC) được thành lập bởi Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam vào năm 1995 để tập trung tìm kiếm hỗ trợ về chuyên môn cũng như kinh phí để quản lý nguồn tài nguyên nước ngọt của dòng sông chung.

Myanmar và Trung Quốc là đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mê Kông nhưng cố tình nằm ngoài MRC, do đó theo giáo sư Pongsudhirak, thiết lập LMC là ý đồ của Trung Quốc nhằm thay thế cơ chế MRC hiện tại.

Với ưu thế địa lý nằm ở thượng nguồn, Trung Quốc có thể chặn dòng Mê Kông tùy ý với 6 trong tổng số 15 con đập dự kiến, đã hoàn thành. Điều này sẽ khiến các nước hạ nguồn lệ thuộc vào nguồn nước do Trung Quốc điều tiết.

Trong khi đó về mặt kinh tế, theo Giáo sư Pongsusdhirak cả Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào túi tiền Trung Quốc cho nhu cầu đầu tư, phát triển.

Do đó, với các hoạt động của Trung Quốc ở trên Biển Đông và trên dòng sông Mê Kông, Trung Quốc có thể sẽ buộc các nước láng giềng trong khu vực phải tìm cách tránh xung đột với mình. Bắc Kinh sẽ nỗ lực để tạo ra các luật chơi và tổ chức trong khu vực.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hoa Kỳ sẽ không cho phép Trung-Nga làm thay đổi trật tự khu vực



ĐÔNG BÌNH
(GDVN) - Có một số vấn đề chung, bao gồm pháp chế, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng biên giới quốc tế. Trong những vấn đề này, giữa các khu vực cần đoàn kết hơn.

Hiện nay, Trung Quốc và Nga đang tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ song phương chặt chẽ hơn trong bối cảnh quốc tế mới - Mỹ và phương Tây tiếp tục kiềm chế Nga, Mỹ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, một trong những mục tiêu là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhu cầu hợp tác chiến lược và kinh tế đã thúc đẩy Trung-Nga xích lại gần nhau hơn nhiều, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Một câu hỏi xuất hiện lâu nay là liệu Trung-Nga có kết thành liên minh để làm thay đổi trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo?

Hãng tin VOA Mỹ ngày 26/3 cho rằng, trong 2 năm qua, Trung Quốc và Nga đẩy nhanh quan hệ song phương, hai bên ký kết hợp đồng mua bán dầu khí lớn, hải quân hai nước tổ chức diễn tập quân sự liên hợp ở nhiều vùng biển, Nga còn bán tên lửa và máy bay chiến đấu tiên tiến cho Trung Quốc.

Giáo sư Akihiro Iwashita, chuyên gia về Âu-Á từ Đại học Hokkaido và Đại học Kyushu, Nhật Bản cho rằng, tranh chấp biên giới đã không còn là trở ngại của quan hệ Trung-Nga. Hiện nay, Trung Quốc và Nga rất giống như hai đồng minh thân cận.

Akihiro Iwashita nói: "Tôi cho rằng, quan hệ Nga-Trung đang hướng tới giai đoạn sơ khai của quan hệ đồng minh".

Thomas Wright, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu chiến lược và trật tự quốc tế của Viện Brookings Mỹ cho rằng, hai nước Trung Quốc và Nga đều tìm cách làm thay đổi trật tự quốc tế ở khu vực đứng chân của họ và tìm cách ngăn chặn sự can dự của Mỹ, vì vậy hai nước này đã đến với nhau.

Thomas Wright cho rằng: "Họ đều không muốn chịu sự ràng buộc bởi trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, bởi vì họ muốn đạt được mục đích làm thay đổi trật tự khu vực".


Tuy nhiên cũng có nhiều nhà phân tích cho rằng, quan hệ Trung-Nga cách quan hệ đồng minh còn xa. Phó giáo sư Chisako Masuo từ Đại học Kyushu Nhật Bản cho rằng, quan hệ Trung-Nga là một cuộc "hôn nhân tạm thời". Ông nói: "Trong những vấn đề mang tính chiến lược ở phạm vi rộng lớn hoặc những vấn đề nhạy cảm có thể liên quan đến chủ quyền, họ hoàn toàn không hợp tác".

Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Moscow hy vọng quan hệ chặt chẽ Trung-Nga có thể tạo ra lối thoát cho hàng hóa năng lượng của Nga.

Nhưng David Gordon, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ, cố vấn lâu năm của Tập đoàn Âu-Á, một cơ quan nghiên cứu ở Washington cho rằng, giá cả năng lượng tụt dốc và thiếu lòng tin giữa Trung-Nga đang ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ năng lượng và chiến lược của hai nước.

David Gordon cho hay: "Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng đã bắt đầu lỏng lẻo. Sau 1 năm hai bên ký kết hợp đồng khí đốt lớn, quan hệ năng lượng Nga-Trung đã mất đi rất nhiều động lực".

Mặc dù vậy các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ song phương là một hiện thực mà Mỹ và đồng minh phải đối mặt.

Thomas Wright từ Viện Brookings cho rằng, Mỹ và các nước đồng minh châu Á, châu Âu cần liên kết lại cùng ứng phó với các nỗ lực làm thay đổi trật tự an ninh khu vực của Trung Quốc và Nga.

Theo Thomas Wright: "Ở đây có một số vấn đề chung, bao gồm pháp chế, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng biên giới quốc tế. Trong những vấn đề này, giữa các khu vực cần đoàn kết hơn".

Các chuyên gia an ninh cho rằng, Ấn Độ và Nhật Bản có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các nỗ lực làm muốn thay đổi trật tự an ninh khu vực của Trung Quốc và Nga.

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang tích cực làm việc với Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và các nước ASEAN để duy trì trật tự khu vực, bảo đảm tự do và an toàn hàng hải, hàng không. Đầu tháng 3/2016, Mỹ đưa ra lời kêu gọi thành lập liên minh chiến lược về hải quân giữa 4 nước Mỹ-Nhật-Ấn-Australia.

Là đồng minh then chốt của Mỹ ở khu vực châu Á, Nhật Bản đang đóng một vai trò tích cực hưởng ứng chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ. Nhật Bản bắt đầu thực hiện Luật an ninh mới, thúc đẩy chủ nghĩa hòa bình tích cực, tích cực đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn đa phương như Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á…, thúc đẩy pháp trị ở các vùng biển của châu Á, đối phó với các “yêu sách quá mức” của Trung Quốc. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TỪ ĐƯỜNG ỐNG DẪN NƯỚC SÔNG ĐÀ ĐẾN VIỆC HÀNH HUNG NHÀ BÁO


Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa

TỪ ĐƯỜNG ỐNG DẪN NƯỚC SÔNG ĐÀ 
ĐẾN VIỆC HÀNH HUNG NHÀ BÁO 

Hỏi chuyện TRẦN ĐĂNG KHOA

- Chào ông Trần Đăng Khoa! Rất vui lại được gặp ông trong một ngày nghỉ cuối tuần. Có mấy vấn đề người dân đang rất quan tâm. Đó là việc một công ty Trung Quốc trúng thầu cung cấp đường ống dẫn nước sông Đà bằng gang dẻo và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị nhóm côn đồ hành hung. Trước hết là việc ống dẫn nước…

-Điều này thì không phải chỉ tôi với bà quan tâm mà người dân cả nước cùng giới truyền thông cũng đã bàn đến. Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng vừa lên tiếng ngay trong kỳ họp Quốc hội và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Hà Nội phải giải trình trước ngày 31 tháng 3. Bản thân tôi cũng đã bàn đến điều này trong nhiều bài viết và các bài trả lời phỏng vấn trước đây. Khi đường ống dẫn nước sông Đà vỡ đến lần thứ 9, tôi cũng đã nói rằng, nếu vỡ một lần, ta còn nghĩ đó là sự cố rủi ro. Nhưng vỡ đến 9 lần trong một khoảng thời gian rất ngắn thì không thể gọi được là bình thường, cũng không thể biện minh được. Đã vỡ đến lần thứ 9 thì rồi tất sẽ vỡ đến lần thứ 10, thứ 11…Và cách đây không lâu là vỡ đến lần thứ 17. Đường ống bằng chất liệu của Trung Quốc, chắc là loại thứ phẩm, giá rẻ, thì không vỡ mới là chuyện lạ. Tôi không phủ nhận hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc có rất nhiều loại hàng. Hàng cao cấp của họ cũng có chất lượng cao chẳng thua gì hàng hóa cao cấp của các nước tiên tiến nhất trên thế giới. Nhưng hàng hóa họ tuồn sang ta, phần lớn là thứ phẩm, chất lượng rất kém, thậm chí còn độc hại. Điều này thì báo chí cũng đã nói nhiều rồi. Dùng ống dẫn nước kém chất lượng cho một công trình lớn, đòi hỏi chất lượng cao là việc làm bất ổn của Vinaconex. Vỡ là tất nhiên. Chỉ có điều đáng kinh ngạc, là một đơn vị làm ẩu, làm tắc trách và tai tiếng như thế lại được trao làm tiếp công trình thứ hai cũng lại đường ống cấp nước sạch Sông Đà với mức đầu tư còn lớn hơn gấp nhiều lần, rồi lại vẫn Trung Quốc trúng thầu cung cấp ống dẫn nước mới là sự lạ lùng. Liệu có lợi ích nhóm ở đây không? Có ông quan chức còn giải thích rằng Vinaconex đã quen với công việc và có nhiều kinh nghiệm làm ống dẫn nước…Kinh nghiệm gì? Kinh nghiệm làm ẩu ư? Không thể lý giải như vậy được. Nếu có trao nhiệm vụ mới cho Vinaconex trong việc làm ống dẫn nước này, thì chính là việc họ phải khắc phục sự cố, trong khi chờ đường ống dẫn nước mới, không phải sửa chữa mà làm lại, thay lại toàn bộ đường ống dẫn cũ mà họ đã làm ẩu bằng đường ống mới, làm bằng chính tiền của họ, chứ không phải tiền đóng thuế của dân. Nhà nước chỉ hỗ trợ khoản chênh lệch, chứ không phải đầu tư mới hoàn toàn.

Ví dụ: Đường ống dẫn nước kém chất lượng cũ họ mua với giá bao nhiêu, cần kiềm tra đúng giá thị trường, chứ không phải vống giá lên để rút ruột nhà nước. Rồi ống mới chất lượng nhất của các nước được lựa chọn bây giờ giá bao nhiêu. Nhà nước chỉ bù sự chênh lệch giá đó. Không thể lấy tiền thuế của dân để giải quyết những sự cố do làm ăn tắc trách của một người hay một nhóm người. Bây giờ lại vẫn Vinaconex làm chủ đầu tư, rồi lại vẫn một công ty Trung Quốc trúng thầu cung cấp đường ống dẫn nước thì người dân làm sao không quan ngại? Tôi không tảy chay Trung Quốc, cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối các “anh hùng bàn phím” đã tảy chay quyết liệt ông hàng xóm láng giềng. Nhưng đây chỉ thuần là chuyện kinh tế, chuyện miếng cơm manh áo của dân, là số phận tính mạng của hàng triệu người dân khi sử dụng dịch vụ này thì không thể xem thường được. Nhiều nước khác như Anh, Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Ba lan có đường ống nước rất tốt, tại sao ta không dùng của họ mà cứ phải dùng đường ống của Trung Quốc? Ta đã từng cay đắng vì các công ty trúng thầu của Trung Quốc làm ăn tắc trách, ngay ở Hà Nội là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Tuyến đường sắt này chỉ có chiều dài 12,5 km với 9,6 km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm mà lây nhây mãi chưa làm xong. Đã thế lại bao nhiêu tai nạn xẩy ra, rồi vốn lại đội lên không biết bao nhiêu mới hết. Bây giờ họ lại cung cấp đường ống bằng gang dẻo. Và bằng gang mới đáng ngại, vì gang là hợp chất. Ai biết trong gang còn có những chất gì? Chỉ nồng độ chì hay kẽm tăng cao thì cũng đã nguy hiểm rồi. Ấy là chưa kể những hợp chất ấy, kết hợp với nước, với chất khử trùng, trải qua thời gian cũng có thể không lường hết được những nguy hại. Hàng hoá Trung Quốc có những chất độc hại, nhiều báo đã bàn đến và chúng ta cũng đã phải trả giá rồi. Có người bảo, Trung Quốc trúng thầu vì giá rẻ. Vấn đề không phải rẻ hay đắt mà là chất lượng của công trình và sự an toàn cho tính mạng người dân. Đường ống dẫn nước Sông Đà trước đây, giá chắc cũng rất rẻ, nhưng rồi qua 17 lần sửa chữa thì giá đội lên bao nhiêu? Đề nghị công khai cho dân biết để thấy đường ống kém chất lượng chúng ta mua trước đây là rẻ hay đắt? Và rồi cũng công khai luôn cả danh sách những người trong Hội đồng thẩm định đã chấm cho Trung Quốc trúng thầu trong việc đầu tư ống dẫn nước mới này, để nếu lại có sự cố như đường ống dẫn nước cũ thì các vị ấy phải chịu trách nhiệm, nghĩa là phải bán nhà bán cửa đi mà sửa chữa đền cho dân chứ không thể lấy tiền thuế của dân mà khắc phục sự cố. Rồi đường ống bằng gang ấy, giới khoa học và Bộ Y tế cũng cần kiểm định xem có chất độc hại không, rồi công bố cho dân yên tâm. Cần rõ ràng, minh bạch như thế để yên lòng dân thì mới hy vọng tránh được những vấn nạn gây nhức nhối dư luận, làm lung lay cả thể chế vốn rất tốt đẹp của chúng ta.

- Còn một việc nữa cũng đang thu hút dư luận. Đó là chuyện nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, phóng viên báo Lao Động vừa bị hành hung rất dã man..

- Việc nhà báo bị hành hung thì không phải bây giờ mới xảy ra, mà liên tiếp xảy ra và xảy ra từ rất lâu rồi. Mấy năm trước, hai phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam từng bị đánh đập rất tàn bạo. Gần đây là hàng loạt nhà báo bị hành hung. Sáng 18/3, phóng viên Quang Hải, báo điện tử VTC News được Tòa soạn giao nhiệm vụ phản ánh tình trạng dừng, đỗ phương tiện cơ giới lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên phố Láng Hạ, đoạn trước cửa nhà hàng Queen Bee 20 phố Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Anh Hải bị 3 nhân viên nhà hàng hành hung, giam giữ trái pháp luật. Sau đó họ còn giật điện thoại và xóa hết tư liệu mà phóng viên ghi nhận được.

Trước đó, chiều 8/6/2015, hai phóng viên báo Giao Thông là Linh Hoàng và Vĩnh Phú đang tác nghiệp tại một quán cà phê gần khu vực cầu Tăng Long, phường Long Trường, quận 9, TP HCM thì bất ngờ bị một nhóm côn đồ hành hung rất man rợ. Mới đây nhất là nhà báo nổi tiếng Đỗ Doãn Hoàng. Anh Hoàng bị đánh rất tàn bạo, may có mũ bảo hiểm, nên đầu không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng toàn thân bầm tím, anh phải cắt một ngón tay, vì bị dập nát, không cứu được. Đỗ Doãn Hoàng là một nhà báo rất nổi tiếng, một người dám xả thân để có hàng loạt bài phóng sự điều tra sắc bén, rất có giá trị, từng được giải Báo chí toàn quốc. Thời đại chúng ta đang sống hôm nay là thời đại của báo chí. Người dân có quyền được thông tin, quyền nắm bắt sự thật. Không phải ngẫu nhiên, trên thế giới, người ta xếp báo chí thuộc Quyền lực thứ tư. Ở nước ta, báo chí quả có sức mạnh đặc biệt. Phần lớn các vụ án, các vụ việc tiêu cực đều do báo chí phát hiện. Khi kết luận nhiều vụ việc lình sình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn báo chí, nhờ có báo chí, ông mới biết rõ hơn một số tình tiết của vụ việc. Chúng ta hiện có hơn tám trăm tờ báo và hơn một trăm kênh Truyền hình. Nếu tính cả báo điện tử thì phải lên đến con số hàng ngàn, hàng vạn. Đó là lưới giời lồng lộng trong mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều nhà báo đã xả thân vì miếng cơm, manh áo của dân. Để có một bài phóng sự hay, họ phải điều tra, nắm bắt qua rất nhiều nguồn, nhiều kênh, như một chiến sĩ công an vậy. Nhưng công an còn có vũ khí để trấn áp tội phạm và bảo vệ chính mình. Còn nhà báo thì không có gì hết ngoài ngòi bút hay bàn phím. Thêm nữa, công an điều tra, chỉ có các cơ quan chức năng biết thôi, còn các phóng viên lại phơi bản điều tra cùng với tên tuổi mình ra trước công luận xã hội, nên không thể giấu được mình. Nghĩa là họ phải đương đầu với những nguy hiểm, với cả xã hội đen và lũ đầu gấu chuyên đâm thuê chém mướn…

- Vậy thì phải có gì bảo vệ họ chứ?

- Có! Chúng ta có cả một hệ thống pháp luật bảo vệ. Vấn đề là có thực hiện nghiêm túc hay không mà thôi. Hiện nay đang kỳ họp Quốc hội, có một số Luật được xem xét, sửa đổi. Trong đó có Luật Báo chí. Với tư cách cử tri, chúng tôi mong các Đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đưa ra những giải pháp mạnh để bảo vệ các nhà báo và những hiệp sĩ chống tiêu cực. Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm. Vai trò của báo chí bao giờ cũng rất quan trọng. Cùng với việc chống cái xấu cái ác, báo chí cũng phát hiện nhiều vẻ đẹp như phép lạ của đời sống thường ngày. Trong khi có quan chức “ăn” cả đất của dân, thì lại có người dân, sống lay lắt bằng đồng tiền bán vé số, nhưng đã hiến hàng ngàn mét vuông đất hương hỏa, có giá trị hàng trăm cây vàng để xây trường cho trẻ con nghèo. Một thầy giáo về hưu bỏ tiền riêng làm cầu cho cả làng đi. Một cháu bé mới có ba tuổi mà đã thành anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, lấy thân mình che cho em khỏi bày ong dữ, rồi ra đi một cách thanh thản. Những tấm gương ấy đã làm hàng triệu người đọc rơi nước mắt. Một xã hội tốt đẹp bao giờ cũng phải biết bảo vệ cái đẹp và trừng trị kẻ ác. Chúng ta mong các cơ quan công an cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm tìm ra lũ côn đồ và trừng trị thật nghiêm những kẻ đã hành hung các nhà báo, trong đó có nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, để lấy lại niềm tin của Dân vào chính quyền và thể chế…

- Xin cảm ơn ông

ĐỖ HƯƠNG ghi
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Có thể lừa phỉnh bộ não hay không?


christopher walken movies art movie film
Việc đặt ra hạn chót không phải là điều dễ với tôi. Dù bỏ ra bao nhiêu thời gian đi nữa, tôi vẫn khó khăn trong việc bàn giao việc đúng thời hạn.

Tôi biết rằng tôi không phải là người duy nhất như vậy, vì trên thế giới vẫn đầy những người có thói quen bê trễ.

Thế nhưng gần đây, tôi đã thử cho mình ít thời gian hơn để làm cùng một khối lượng công việc.

Để làm việc hiệu quả hơn và tránh trì hoãn hơn, tôi đã đặt những thời hạn nghiêm ngặt hơn trong công việc. Một cuộc gọi thường kéo dài một tiếng đồng hồ giờ đây được thực hiện trong 30 phút. Một bài viết thường tốn của tôi ba ngày trước đây giờ phải được hoàn thành trong hai ngày rưỡi. Tôi sử dụng đồng hồ báo thức để nhắc nhở mình khi nào cần phải chuyển sang bài viết tiếp theo.

image
Đối với hầu hết người lao động, việc rút ngắn thời hạn làm các nhiệm vụ lặp lại thường xuyên có thể là một cách hiệu quả nhằm tăng hiệu suất công việc, Craig Smith, người sáng lập Trinity Insight, một công ty tối ưu mạng tại Philadelphia, nói.

Năm ngoái, Smith đã thử rút ngắn thời hạn cho một dự án với sự tham gia của 17 người xuống bớt một tuần so với dự tính ban đầu. Kết quả là các nhân viên của ông đã hoàn thành trước thời hạn ban đầu. "Công việc càng quen thuộc thì bạn càng có thể rút bớt thời gian thực hiện," ông nói.

Tuy nhiên khi các công việc có quy trình quen thuộc nhưng lại không lặp lại về nội dung, chẳng hạn như phỏng vấn, tìm hiểu thông tin, viết, biên tập bài...) thì điều này lại không hề dễ dàng.

Trong một số trường hợp, việc đề ra những thời hạn ngặt nghèo hơn có thể sẽ giúp chúng ta làm việc với hiệu suất cao hơn. Thế nhưng tôi thường xuyên vẫn trễ hạn, ví dụ như việc kết thúc cuộc phỏng vấn vào phút thứ 31 vẫn là điều rất khó thực hiện. Sau đó tôi cảm thấy như mình đã thất bại khi công việc kéo dài hơn mức mà mình đã đặt ra.

celebs fallontonight tonight show will ferrell
Thực ra việc đặt ra những thời hạn giả không phải là một khái niệm mới. Quy luật Parkinson, trong đó chỉ ra rằng khối lượng công việc thường kéo dài ra để lấp đầy khoảng thời gian được cho phép, đã được nêu ra từ 60 năm trước. Và chúng ta cũng có thể suy luận ngược lại - rằng công việc sẽ tốn đúng khoản thời gian mà bạn đưa ra.

Trên lý thuyết, điều này có nghĩa là bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể vượt qua một ngày tràn ngập các thời hạn ngắn ngủi. Thế nhưng chúng ta đã biết trên thực tế thì ra sao. Không được tốt cho lắm!

image

Cách đề ra thời hạn mới là điều quan trọng

Mấu chốt ở đây không phải là thời hạn công việc, mà là cách chúng ta khiến bản thân mình hoàn thiện công việc mà không đợi đến phút cuối. Việc đặt ra thời hạn ngắn hạn là một nghệ thuật, và nó không phải đơn giản như tôi nghĩ.

Có nhiều lợi ích của việc rút ngắn thời hạn công việc một cách có chủ đích, Bradley Staats, giáo sư từ Đại học North Carolina, nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn mà tôi đã giới hạn chỉ trong 25 phút (ngắn hơn 5 phút so với trước đây).

"Bằng việc giới hạn bản thân, chúng ta buộc mình phải hoàn thành công việc và chúng ta thường giản lược mọi thứ khi có thể," Staats nói.

Và tất nhiên, việc đặt ra những giới hạn sít sao hơn sẽ giúp người lao động (trong đó có cả tôi) cảm giác kỷ luật và tự chủ.

"Chúng ta có lẽ đã không đánh giá đúng tất cả những lợi ích từ điều này," ông nói thêm.

brainstorm playback
Tuy nhiên, việc xây dựng lịch làm việc chỉ bao gồm các thời hạn ngắn lại không có hiệu quả về dài hạn, vì nó không chừa chỗ cho những khoảng thời gian nghỉ - vốn chúng ta có thể sử dụng để sáng tạo và tìm ra các giải pháp, Staats nói.

"Nếu không có khoảng thời gian này, chúng ta sẽ kém sáng tạo hơn," ông nói.

"Có thể chúng ta sẽ hy sinh những gì quan trọng cho tính hiệu quả của các giải pháp khi cố gắng làm việc thật nhanh."

Mấu chốt ở đây là sự cân bằng, Ryan Holiday, một chiến lược gia về truyền thông tại Austin, nói.

Ông đã cân bằng việc viết bài với việc vận hành một công ty kinh doanh sáng tạo. Toàn bộ lịch làm việc của ông được xây dựng xung quanh những thời hạn công việc nghiêm khắc. Tuy nhiên các khoảng thời gian lại linh hoạt hơn.

Khi làm việc từ nhà, Holiday dành ra nữa ngày cho những việc dài hạn, ví dụ như viết hoặc động não mà không có những giới hạn về thời gian. Sau bữa trưa, ông tập trung vào những công việc có thời hạn ngắn hơn, ví dụ như các cuộc gọi, họp và trả lời email trong khoảng thời gian 30 phút.

image
Việc tập trung vào những công việc quan trọng vào buổi sáng giúp ông nhanh chóng hoàn thành các thời hạn ngắn cho những công việc dễ hơn vào buổi chiều.

"Rất dễ để mắc kẹt giữa những thời hạn công việc ngắn, bạn sẽ cảm thấy đuối sức," Holiday nói.

Thế nhưng việc đặt ra thời hạn công việc cho các dự án dài hơn cũng là điều quan trọng, nhất là với những dự án mang tính sáng tạo, Holiday nói, thứ mà ta chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng nếu không đặt ra những giới hạn nhất định.

"Với việc đặt ra những mốc thời gian cụ thể, bạn sẽ không rơi vào tình huống là cứ loay hoay giữa hết lựa chọn này đến lựa chọn khác," ông nói.

Việc đặt ra những thời hạn nghiêm khắc cho công việc cũng mang lại cảm giác tự hào khi hoàn thành công việc đúng hạn.

Quan trọng hơn hết, đó là không bao giờ để bản thân phải trong tình trạng đuổi bắt.

hd round tournament preggit
Trước khi đặt ra những thời hạn ngắn, hãy ước tính những công việc tương tự thường tốn bao nhiêu lâu. Vì hầu hết chúng ta đều làm những công việc lặp lại, việc biết được độ dài của công việc sẽ giúp đặt ra thời hạn chính xác hơn, hoặc rút ngắn những quãng thời gian mà bạn cho là quá lớn.

Staats khuyến nghị rằng tôi nên làm các công việc đầu tiên theo thời hạn nghiệm ngặt (ví dụ như viết dàn bài), và sau đó dành thời gian thoải mái hơn để xem và phân tích bài viết của mình.

Điều này áp dụng không chỉ với việc viết lách. Trong lĩnh vực công nghệ, một lập trình viên có thể viết các dòng mã ban đầu trong một thời gian ngắn và sau đó dành thời gian chỉnh sửa, ông nói.

thinking winnie the pooh brainstorm
Tất nhiên việc quyết định có nên đặt ra thời hạn nghiêm khắc hay không là một câu hỏi khó. Nếu bạn biết kết quả mình muốn là gì thì việc đặt ra thời hạn công việc ngắn hơn sẽ rất có lợi, Staats nói.

"Bạn cần hiểu mình muốn đạt được gì" để kiểm soát thời gian công việc tốt hơn, ông nói.




Alina Dizik

Phần nhận xét hiển thị trên trang