Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Thích thì bố cứ thi đấy, làm gì nào?

Công chức “nguệch ngoạc” và con lạy ngài “Tượng ướt không sờ”

(GDVN) - Toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở, mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình. Tôi thấy họ nếu có tự trọng thì không nên đi thi".
Đánh giá trình độ cán bộ, công chức cấp cao hiện nay, tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu nhận xét: "Trình độ cán bộ nói thật là không lên mà đi xuống.
"Tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp đã 5 năm nay, chấm phúc tra thấy họ thực sự không biết xấu hổ, làm bài nguệch ngoạc vài câu mà cũng yêu cầu phúc tra.
Toàn cấp vụ trưởng, giám đốc sở, mà thi vấn đáp không nắm được các nội dung quản lý nhà nước của ngành mình. Tôi thấy họ nếu có tự trọng thì không nên đi thi". [1]
Người xưa có câu “dụng nhân như dụng mộc”, dùng người vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Khúc gỗ bình thường như gỗ mít để mãi chỉ có thể làm củi, qua tay nghệ nhân thành pho tượng được đặt ở nơi trang trọng, được người đời xì xụp khấn vái.
Có điều trước khi đặt lên bệ người xưa còn phải làm hai việc quan trọng là yểm vàng trong tượng và “hô thần nhập tượng”.
(Tranh minh họa: Ngọc Diệp)
Ngày nay, gọt đẽo qua loa, sơn cho chút xanh đỏ là vội vã đặt lên bệ, thế là tượng rởm, ruột không có vàng thì không thể thành tượng quý, “thần” không nhập thì làm sao linh thiêng?
Người viết được anh bạn lái xe chuyên chở người đi lễ kể cho câu chuyện cười ra nước mắt:
“Ở một di tích nọ người ta sơn lại tượng, vì sơn chưa khô nên ban quản lý di tích đặt trước pho tượng tấm biển ghi “Tượng ướt, không sờ mó”. Một cô ăn mặc nom rất “cành vàng lá ngọc” xì xụp khấn vái: “con trăm lạy, nghìn lạy ngài “Tượng ướt không sờ”, xin ngài phù hộ cho con béo thêm ba cân, cao thêm guốc nữa…”.
Nghĩ mãi mới hiểu “guốc” của cô ấy là “guốc cao gót” cỡ 15-20 phân gì đó.
Năm 2001 sau đợt kiểm tra của Bộ giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng hơn vạn cán bộ, công chức dùng bằng rởm, số liệu này không được công bố rộng rãi và ít ai biết những người này bị kỷ luật thế nào?. [2]
Từ đó đến nay, 15 năm đã qua, cái sự “rởm” về trình độ của hơn vạn con người kia, ai dám nói là không tăng lên với số lượng không thể ước đoán. Nhận định như vậy có phải hơi chủ quan không?
Xin thưa không hề chủ quan, con hơn cha là nhà có phúc, cha dùng bằng rởm phổ thông cấp hai, cấp ba thì ai cấm con dùng bằng rởm đại học, cháu dùng bằng rởm thạc sĩ, tiến sĩ… Khi mà dân số tăng như những năm qua thì cái sự “rởm” của bằng cấp, vốn đã gắn bó máu thịt với hàng vạn con người không lẽ lại tăng theo cấp số cộng?
Có hai sự “rởm” cần phân biệt, thứ nhất là bằng rởm mua trên thị trường, thứ hai là bằng thật được các cơ sở giáo dục đào tạo cấp nhưng kiến thức là “rởm”.
Loại thứ nhất thường rơi vào công chức, viên chức cấp cơ sở, loại thứ hai rơi vào quan chức cấp cao, có trường hợp là quan chức cỡ đầu tỉnh, cấp thứ trưởng…
Có thể tin tưởng là ông Quyền có đầy đủ dẫn chứng trước khi phát biểu trước UB Thường vụ Quốc hội, rằng “nếu có tự trọng thì không nên đi thi”.
Người viết cũng cho rằng, những vị đang ngấp nghé “chuyên viên cao cấp” mà ông Quyền biết chính xác họ tên, địa chỉ ấy nếu có, dù chỉ là một tí xíu tự trọng thì nhất định họ sẽ không đi thi và cũng sẽ không đề nghị phúc tra những bài thi chỉ “nguệch ngoạc mấy chữ”.
Gần đây dư luận được biết thêm vài trường hợp khá “cao cấp”, ấy là ông Hoàng Xuân Quế, ĐH Kinh tế Quốc dân bị thu bằng tiến sĩ, ông Huỳnh Ngọc Tục - Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai bị thu bằng “Cao cấp Lý luận Chính trị”.
Tháng 4/2014 Thanh tra Bộ  VH-TT&DL đã có văn bản kết luận ông Trần Đình Sơn, hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt, sử dụng bằng thạc sĩ không được nhà nước công nhận.
Không phải là thạc sĩ đương nhiên theo luật không thể làm hiệu trưởng trường cao đẳng, thế nhưng hơn một năm sau ngày Thanh tra Bộ  VH-TT&DL kết luận, ngày 8/5/2015 một bạn đọc gửi tới tòa soạn báo GDVN bức thư, xin trích nguyên văn một phần nội dung(trích nguyên văn, kể cả phần lỗi chính tả):
“Kính gửi nhà báo Xuân Dương: Tôi là người đả tố cáo ông Trân Đình Sơn Hiệu trưởng Trường Cao đằng Nghề Du lịch Đà Lạt cố tình sử dụng bằng thâc sĩ PUT dởm nhiều lần.
Vả đả sử dụng học vị Ths bất hợp pháp này ký lên văn bằng của HS, SV dến nay hậu quả này không thể khắc phục được. Vây mà ông ta vẫn không bị xủ lý. Còn tôi người quyết liệt dấu tranh tố cáo dể đưa ra ánh sánh vụ việc thì đang bị trả thù trù dập…”
 Ảnh chụp màn hình thư gửi báo GDVN
Chuyện dùng bằng thạc sĩ “rởm” để ngồi ghế hiệu trưởng trường cao đẳng, không hiểu Bộ VH-TT&DL và chính quyền địa phương có biết quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng trường cao đẳng ghi tại điểm b khoản 2 điều 20 Luật Giáo dục Đại học?
Cảm phục các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của ông Nguyễn Đình Quyền, song cũng phải nói thật, với những tư liệu chính xác có trong tay, sao ông không dẫn chứng cho bà con được mở mang tầm mắt, sao ông lại để cho bà con cũng phải “mơ màng” về người thật, việc thật như vậy?  
Không ngần ngại để lại bút tích, trưng ra sự dốt nát của mình là bởi không ít vụ trưởng, giám đốc sở…  kiến thức chuyên môn không quan trọng, người khác cần chứ họ không cần, khi nào cần đã có thư ký, đã có cấp dưới làm thay miễn là họ biết đọc lên bổng xuống trầm đúng lúc, đúng chỗ.
Điều quan trọng hơn là khi sai thì còn có thư ký hay văn thư giơ đầu chịu báng, thế nên những ai muốn được làm thư ký, trợ lý thì tiêu chuẩn đầu tiên là phải “cứng đầu”!
Cái được của các kỳ thi nâng ngạch chuyên viên dĩ nhiên là nâng cao trình độ công chức, song nhờ ý kiến của ông Quyền người dân mới vỡ ra, rằng cái được rõ nhất không phải là nâng cao trình độ mà là phát hiện ra một loại công chức mang tên “nguệch ngoạc”.

Cái mà ai cũng biết nhưng ít người thấy

(GDVN) - Sự tồn tại của trí thức "rởm cao cấp" một phần là do cá nhân không được dạy dỗ đến nơi đến chốn về đạo làm người, phần khác còn do sự thiếu trách nhiệm.
Như trao đổi của ông Quyền với phóng viên Tuoitre.vn, [3] thi chuyên viên cao cấp là phải có bằng “Cao cấp chính trị”.
Vậy tại sao lại có chuyện làm bài “nguệch ngoạc”? Người đi thi là “rởm”, là thi nhầm hay trình độ không thật? Trình độ không thật làm sao lấy được bằng cao cấp?
Cổ nhân có câu “cờ ngoài, bài trong”, cuộc chơi trên bàn cờ công chức người trong cuộc không thấy chứ mấy bác chầu rìa thì có thể nói vanh vách nước nọ, nước kia.
Cái “nguệch ngoạc” của thi chuyên viên có nguồn gốc từ cái “nguệch ngoạc” trước đó, mà cái “nguệch ngoạc” trước đó lại bắt nguồn từ … lúc nào không biết!
Có người tâm sự không muốn viết chữ “tiến sĩ” trước tên mình vì sợ bị “nhầm”! Có người còn muốn lấy lại học vị “phó tiến sĩ” vì lẽ ngày xưa, phó tiến sĩ đều được đào tạo ở nước ngoài, dẫu không phải là không có người dốt song dẫu sao cũng vẫn ít “dốt” hơn khối tiến sĩ đào tạo trong nước ngày nay.
Tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ “hoạch định chính sách” đòi hỏi họ phải là “chuyên viên cao cấp”. Dẫu có viết bài nguệch ngoạc thì cùng lắm là “bút sa gà biến”, là lần sau thi lại, mà thi lại mãi chẳng lẽ không đỗ?
Như ông Quyền thổ lộ, ông mới chỉ tham gia chấm chuyên viên có mấy năm, và cũng chỉ là một trong nhiều thành viên chấm, vậy mấy chục năm từ trước đến nay và những “ông chấm” khác thế nào?
Bao nhiêu ông “nguệch ngoạc” đã trót lọt chui qua lỗ kim, đã thành người đủ trình độ “hoạch định chính sách”?

Quốc gia đội sổ và… báo cáo Thủ tướng

(GDVN) - Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?
Nếu (nói nếu tức chỉ là giả thiết-tức là chưa dám khẳng định…) đội ngũ “hoạch định chính sách” bao gồm cả người tài, người không tài nhưng “trong sạch” và người dốt, không có cả lòng tự trọng lẫn liêm sỉ, nếu quả thật như thế liệu quốc gia có thể thoát vị trí đội sổ, liệu quốc gia có đủ dũng khí và tiềm lực để mà cất cánh bay lên?
Dân quê, dựa theo phát biểu của ông Nguyễn Đình Quyền mà “nguệch ngoạc” câu thơ sau: “Người nguệch lỗi tại đề thi, hôm nay ông ngoạc, mai thì ông nghênh”.
Một khi cơ chế đã chấp nhận hàng vạn người dùng bằng rởm trong bộ máy, một khi cái sự “rởm” của bằng cấp đã được chuyển hóa thành chức vụ, quyền lực, đã thành nếp sống thường nhật của không ít người đang chễm chệ những vị trí khá cao thì việc khắc phục không phụ thuộc vào ý chí của người dân mà vào chính sự thay đổi của cơ chế.
Vì sao cơ sự lại đến nỗi này?
Nói theo cách nói dân gian, vì chúng ta đưa vào chùa quá nhiều tượng chưa được nhập thần, hơn thế trong tượng lại chẳng có tí vàng nào yểm sẵn. Thế nên dù có đặt trên bệ, đó vẫn chỉ là khúc củi không hơn không kém.
Nhiều cây sẽ tạo nên rừng, rừng xanh sẽ là vành nôi cho sự sống sinh sôi nảy nở. Nhiều củi chẳng tạo nên cái gì mà còn có nguy cơ gây cháy, củi chất đống càng cao thì lửa càng bắt nhanh, điều này tiền nhân đã dạy, chẳng lẽ hậu thế không biết?
Thời xa xưa vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi khai lý lịch, ai cũng ngại khi khai thành phần bản thân là trí thức.
Lý lịch trong sạch nghĩa là không thuộc một trong bốn thành phần “trí, phú, địa, hào”. Những “trí thật” vì tự ái cũng có, vì bị xếp vào hàng “không kiên định” cũng có, thế là đương nhiên đứng ở bên đường.
Tham gia đoàn thể, tổ chức, đương nhiên phải thuộc thành phần cơ bản, lý lịch phải trong sạch. Việc đó kéo dài mấy mươi năm khiến cho đội ngũ lãnh đạo cơ sở đa phần là những người trong sạch.
Bỗng một ngày nhân loại tỉnh ngộ, người ta bảo nền kinh tế ngày nay là nền kinh tế tri thức, đại diện cho phương thức sản xuất mới, tiên tiến chính là tầng lớp trí thức.
Tại nhiều quốc gia Âu, Mỹ và châu Á, công cuộc “trí thức hóa” được triển khai một cách bài bản, khoa học, họ vừa tự đào tạo vừa thu hút nhân tài nước ngoài.
Trong trào lưu chung của thế giới, chúng ta cũng vội vã theo họ, cũng vội vã “trí thức hóa” đội ngũ cán bộ mà phần lớn xuất thân từ nông dân của mình, thế nên mới có chuyện hàng vạn người sử dụng bằng “rởm” mà không bị xử lý.
Giáo sư Hoàng Tụy trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên Vietnamnet.vn ngày 5/3/2014 nói: “Dẫn chứng là có một ngành quan trọng còn ra hẳn thông tư cho các cán bộ trong ngành có bằng giả cần làm thủ tục để “hợp thức hóa” ! (thông tư này hồi đó đã đăng công khai trên báo)”.
Phát biểu của ông Quyền được nhiều người đồng tình, cũng được báo chí hưởng ứng, nhưng liệu sẽ có tác dụng ra sao khi cả nhân loại vẫn phải sống và chuyển động cùng trái đất, còn chúng ta bên trong vòm trời như các dân tộc khác, lại còn phải sống và song hành cùng “nguệch ngoạc”?
Tài liệu tham khảo:
phần nhận xét hiển thị trên trang

Bình Định: Ngư dân bàng hoàng kể lại 1 giờ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công


Thứ Ba, 02/06/2015 - 08:32
“Ban đầu, tàu Trung Quốc ra sức rượt đuổi nên tôi động viên anh em trên tàu bình tĩnh, cố chạy để giữ mạng đã. Hơn 1 tiếng sau tàu Trung Quốc đã áp sát rồi tấn công bằng vòi rồng. Vòi rồng xịt nước rất mạnh, xịt vào chỗ nào là thổi bay chỗ đấy. Xịt vào kính, kính vỡ. Xịt vào ván, ván bay luôn…”.

>> Tàu cá Bình Định bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng

"Nếu tàu Trung Quốc tấn công lần 3, chúng tôi đã bỏ mạng"

Gần 4 ngày sau khi xảy ra vụ việc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công bằng vòi rồng, anh La Văn Quen (44 tuổi, ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ-96680TS, vẫn chưa hết bàng hoàng.

Ngư dân La Văn Quen chưa hết bàng hoàng sau chuyến đi biển hiểm nguy.

Theo lời kể của anh Quen, chủ tàu cá mang số hiệu BĐ-96680TS, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương xuất phát tại cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), tàu của anh với 6 thuyền viên mới đánh bắt được 10 con cá ngừ đại dương và một số hải sản khác thì bị tàu Trung Quốc tấn công. Khoảng 7 giờ sáng 27/5, khi tàu đang đánh bắt ở vùng biển có tọa độ 15 độ Bắc - 112 độ kinh Đông (thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bất ngờ bị tàu mang phù hiệu cảnh sát Trung Quốc lao đến, dùng vòi rồng tấn công 2 lần liên tiếp.

“Chiếc tàu Trung Quốc dài khoảng hơn 30m, rộng 20m, sơn màu xám trắng, phía trước tàu treo cờ Trung Quốc và thành tàu có ghi dòng chữ CHINA. Phía sau tàu này còn được trang bị vũ khí và phủ bạt phía trên”, anh Quen vẫn chưa hết hãi hùng nhớ lại.

Anh Quen kể tiếp: “Ban đầu, tàu Trung Quốc ra sức rượt đuổi nên tôi động viên anh em trên tàu bình tĩnh, cố chạy để giữ mạng đã. Tuy nhiên, do tàu mình công suất nhỏ nên chỉ hơn 1 tiếng tàu Trung Quốc đã áp sát, rồi tấn công bằng vòi rồng. Vòi rồng xịt nước rất mạnh, xịt vào chỗ nào là thổi bay chỗ đấy. Xịt vào kính, kính vỡ. Xịt vào ván, ván bay luôn…”.

Giàn đèn cao áp trên tàu anh Quen đã bị vòi rồng xịt bay xuống biển

Lúc bị tấn công, mọi thiết bị trên tàu như máy định vị, bộ đàm, máy nhắn tin đều bị ướt, hư hỏng nên không thể liên lạc với tàu bạn và đất liền được. Khi đó, anh Quen chỉ cố bám trụ lấy bánh lái điều khiển con tàu đang bị chao đảo, còn các thuyền viên khác phải tìm chỗ núp để tránh các vật dụng trên tàu bay chém vào người.

“Sau 2 đợt tấn công liên tiếp bằng vòi rồng, toàn bộ giàn câu, giàn đèn cao áp, thuyền thúng đi biển đều bị nước thổi bay xuống biển. Còn con tàu chúng tôi nước ngập vào như chuẩn bị chìm, cũng may tàu Trung Quốc không tấn công lần 3, nếu không có lẽ anh em tụi tôi đã bỏ mạng ở trên biển cả rồi”, anh Quen kể lại.

Chuyến đi biển thiệt đơn, thiệt kép

Sau khi tấn công, tàu của Trung Quốc bỏ đi. Lúc này, các thuyền viên trên tàu BĐ-96680TS nỗ lực bơm nước để tàu không chìm. Sau khi khắc phục tạm thời, anh Quen điều khiển tàu vào bờ nhưng vì thiết bị liên lạc, định vị bị hỏng nên tàu lần mò trên biển. Đến chiều 29/5, tàu cá BĐ-96680TS cùng các ngư dân mới cập bờ an toàn.


Vòi rồng xịt nước chỗ nào, chỗ đó bị phá tung

Tàu cập bờ, nhưng con tàu mà anh Quen mới tậu cách đây 3 năm với chi phí 1,4 tỷ đồng đã xơ xác tan tành, trong khi số tiền đóng tàu chủ yếu là vay mượn. Nhìn con tàu xơ xác, kính vỡ, ván bung, ngư lưới cụ, thiết bị đều hư hỏng, anh Quen chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Theo tính toán của anh Quen, tổng thiệt hại về vật chất tính qua cũng lên đến gần 200 triệu đồng. Anh Quen thở dài: “Giờ tàu hư hỏng nặng, chuyến biển tới phải nằm bờ để sửa chữa, vừa tốn chi phí vừa không tiền lo cho gia đình và tiền gửi cho đứa con gái đang học đại học trong TP Hồ Chí Minh. Trong khi tiền vay đóng tàu trước đây còn trả chưa xong nên giờ tôi chỉ mong các ngành chức năng lên tiếng, yêu cầu Trung Quốc bồi thường để gia đình bớt đi phần nào gánh nặng”. 

Doãn Công

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài ca về những con vịt què!

Trông cậy gì ở những con vịt què?
Làm sao có thể bay xa,
bay cao?
Cất tiếng lảnh lót như họa my
thanh khiết
Với đôi cánh của đại bàng giữa trời xanh
tha thiết?
Trông đợi gì ở vịt què,
em yêu!

Nắng nôi này cất tiếng lên rất mệt!
Thì ta cứ tà tà
mà yêu
Như anh xẩm mù yêu vợ
Không cần và chả bao giờ nhìn thấy cái đó
 "ra sao"!

Nhưng kẻ điếc và câm không cần sợ sét
Dù sét gớm ghê sắp đổ xuống đầu
Mất cảm giác
không sợ cơn nóng lạnh
Người vô tâm
không bao giờ biết lo âu..

Thời mặt hồ nông thỏa chí cho vịt què bơi lội
Nô giỡn với lũ cáo cầy bày đặt
biển sông
Lũ chúng ta cứ vô tư
nông
nổi
Trời có xập xuống chân
cũng không giây phút nao lòng!

Những con vịt què chúng có tình yêu của chúng
Chỉ thương chúng ta
không có nó trong lòng
Ai bảo sinh ra giữa phận đời khốn khổ
Thì hãy vui đi..
sáng tối mặc lòng.

Anh đã thôi từ lâu thơ tình không viết nữa
Khi người em đã không phải người em
Khi bạn hữu
bỗng trở thành xa lạ
Chân lý là chống đôi tay xuống đất và vươn cẳng lên đầu!

Thời giả chân cái gì cũng giả
Phân định làm chi
mất công biết
càng đau
Ngoài vịt què chả thể mong ai được!
Dù đến phút cuối cùng chúng quàng quạc tào lao!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái lý của quan!

Đánh là phải, ai bảo cứ làm đúng?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Đừng vội ảo tưởng chiến tranh Trung Mỹ sẽ nổ ra




Những ngay này, khi Mỹ đem máy bay quân sự đến Biển Đông, đưa cả phóng viên đến tiếp cận với các đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng của Việt Nam để ghi nhận hình ảnh hoạt động xây dựng đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự với dã tâm thao túng Biển Đông, với lộ trình rõ nét nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò. Đồng thời, Mỹ cũng rầm rộ tiến hành hoạt động tập dượt quân sự với các nước xung quanh, bật đèn xanh cho Nhật sửa Hiến pháp đầu tư vũ trang, mở trận địa trên mặt trận ngoại giao với phát biểu cứng rắn về khả năng chiến tranh Mỹ-Trung, làm mồi cho truyền thông tung hứng nhiệt tình như kiểu, chiến tranh sắp, chắc chắn sẽ nổ ra. Liệu có khả năng này hay không?


Lịch sử cho thấy, chưa bao giờ các cường quốc đánh nhau vì lợi ích của đồng minh hay vì hòa bình thế giới. Các cường quốc ngu gì đâm đầu vào cuộc chiến giữa các nước lớn khi biết rõ cả hai bên đều có tiềm lực quân sự hùng mạnh, vũ khí hạt nhân, truyền thông và nước nào cũng có dàn đồng minh kéo theo. Ngay như trong thế chiến thứ 2 khi Đức chiếm phần lớn Châu Âu, Mỹ vẫn đứng ngoài nhìn, bán vũ khí nhưng chỉ đến khi Nhật ném bom Chân Châu Cảng thì Mỹ mới chính thức nhảy vào cuộc chiến và phân chia lợi tức. Trong cuộc chiến với Nga vừa qua, Mỹ-Âu đã tung ra mọi con bài khiến thiên hạ tưởng như chiến tranh, đại chiến thế giới đã nổ ra, nhưng rồi hóa ra chỉ một mình Uk thành chiến địa, bãi thử nghiệm vũ khí hết date cho Mỹ, bãi rác chính trị không hơn không kém, giờ thì Mỹ sả rác cho Âu – Nga tự dọn, còn Mỹ cũng đắc lợi vì Nga kiệt quệ, Âu đến thời suy tàn, Mỹ chuyển sang “chiến trường” khác đang đợi Mỹ từ lâu: Biển Đông!

Ngoài đám lều báo đang say sưa phát lại tin tâm lý chiến của báo chí phương Tây, những báo chí độc lập, báo mạng thì lại tập trung bàn luận nguyên nhân thực sự đằng sau việc tự nhiên Mỹ hâm nóng bầu khí quyển Biển Đông trong khi đường lưỡi bò Trung Quốc vẽ ra từ lâu, Trung Quốc tác oai tác quái, chiếm cả bãi cát Scarboroug của đồng minh Philippines, xây dựng các đảo nhân tạo, sân bay, thiết lập bộ máy chính quyền, đưa khách du lịch tới các đảo chiếm đóng, ra lệnh cấm khai thác cá nhiều năm nay…Tại sao từ một vị thế vai đóng “cảnh sát quốc tế”, “quan tòa thế giới”, từng chỉ đánh võ mồm kiểu Mỹ quan ngại về tự do hàng hải, Mỹ không ủng hộ xung đột hay chiến tranh xảy ra trên Biển Đông, yêu cầu các bên liên quan kiềm chế không làm phức tạp tình hình…nay đột ngột bỏ tấm áo quan tòa, nhảy vào thành bên có lợi ích không thể từ bỏ, sẵn sàng gây chiến với Trung Quốc. Thậm chí Mỹ mở toang cửa mời ông Tổng Việt Nam tới Tòa Bạch ốc – hành động bom tấn có ý nghĩa như “phản bội” mọi giá trị lâu nay Mỹ tuyên bố xem “cộng sản” như “kẻ thù nhân loại”, ruồng rẫy cả cộng đồng Cờ vàng (con đẻ của Mỹ) cùng đám rận chủ mà Mỹ công khai hậu thuẫn bảo kê lâu nay, cho dù đó có là khủng bố như Việt Tân theo đúng tiêu chí khủng bố do chính Mỹ đưa ra. Không phải tự dưng trên trời rơi xuống mấy cái ý tưởng của đám zận chủ, nhân sỹ chấy thức trong nước luôn khăng khăng đòi VN phải liên minh quân sự với Mỹ chống Tàu, phải Thoát Trung, phải bỏ Đảng theo Mỹ mới chứng tỏ vì lợi ích dân tộc…

Liệu có phải lần này do quy mô xây dựng đảo rất hoành tráng cho thấy Trung Quốc đã không thể kím nén dã tâm thôn tính Biển Đông, một khi TQ chiếm được Biển Đông đe dọa vị trí cường quốc số 1 của Mỹ gần như chắc chắn. Bằng chính sách hướng Đông, con bài TPP, thúc đẩy nâng tầm ngoại giao với các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam với tốc độ “thoáng” chưa từng có cho thấy rõ mục tiêu kìm nén Trung Quốc của Mỹ hiển hiện. Mỹ đang cần ASEAN đi đầu trong cuộc chiến với đại gia TQ, nhưng thất bại vì TQ mua chuộc, không chế quá nhiều nước trong khu vực nên “hung hăng” nhất chỉ có anh VN, Phi là máu lửa vì có quyền lợi sống còn với anh Trung Quốc. Việc Mỹ dùng “biện pháp nóng” khiêu khích quân sự có thể là đòn hâm nóng khiến các nước nhỏ tưởng Mỹ sẽ nhảy vào nên hung hăng ra trận (Mỹ đắc lợi), hoặc sẽ tham gia cuộc đua vũ trang mua sắm vũ khí cho Mỹ đề phòng các anh lớn đánh nhau thì mình chẳng đường nào thoát (Mỹ cũng đắc lợi), hoặc Trung Quốc buộc phải chia sẻ quyền lợi Biển Đông với Mỹ nếu không muốn gây đại chiến (Mỹ vẫn đắc lợi)… Trừ khi chiến tranh xảy ra với con nợ khủng ( Trung Quốc), Mỹ đều đắc lợi nếu tình hình Biển Đông nóng lên!

Sau khi gây sóng gió hết lượt các nước ở Bắc Phi, Trung Đông, Đông Âu, …quyền lợi của Mỹ đã gõ cửa Biển Đông – nơi mà các nước nhỏ đang khao khát Mỹ đến khống chế con hổ dữ Đại Hán. Mỹ xuất hiện thật đúng lúc, đúng thời điểm, đáp ứng khao khát của các nước nhỏ và yếu!?!

Những kẻ chửi đổng, tức tối hoa mắt khi thấy lúc nước sôi lửa bỏng mà Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tay trong tay ấm nồng với Trung Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh vẫn vững vàng tuyên bố, càng căng thẳng càng phải giữ vững độc lập - tự chủ tại Diễn đàn Shangri La đang nóng hầm hập. Khi Mỹ Trung đang vờn nhau thì phát ngôn Bộ Ngoại giao vẫn phát loa “yêu cầu các bên không làm nóng tình hình Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”… trong khi vẫn nồng nhiệt hướng tới TPP, ký Hiệp định hợp tác quốc phòng với Mỹ, nhún nhường trước mọi áp lực của “cảnh sát quốc tế”, thúc đẩy quan hệ quốc phòng và tạo chỗ đứng cho Nga ở Biển Đông…

Nếu ai đó nghe ngóng thấy anh Đài Bắc mấy bữa nay phát ngôn “trung lập” và được Mỹ ủng hộ là các bên gác tranh chấp, ngồi vào bàn đàm phán chia sẻ quyền lợi khai thác trên Biển Đông, ai đó ca ngợi Mỹ cao tay “dùng người Hán trị người Hán” gì gì đó …thì đã thấy mùi thối hoắm lên chưa?

Ngày càng có nhiều lời nhắc về bài học VNCH còn đó, khi Mỹ và Trung còn đang chiến tranh lạnh, đối đầu một mất một còn thì Nixon vẫn bắt tay cho Trung hưởng thị phần Biển Đông nay anh ấy đang đóng vai phân chia lại thị phần đầy béo bở lâu nay bận bịu chỗ khác nên "quên" mất!

Nguyễn Biên Cương
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngoài họ Lý, ở Mai Châu còn có họ Khâu

Từ Giaoblger:

Họ Khâu là chỉ gia đình của anh em nhà Thạc-xỉn ở Thái Lan.

Cũng như gia đình họ Lý của Lý Quang Diệu, thì gia đình họ Khâu của Thạc-xỉn đều là gốc Khách Gia, ở Mai Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay (đã nói ở đây).

Loạt ảnh dưới đây là cảnh anh em nhà Thạc-xỉn về thăm quê cha đất tổ ở Mai Châu. Lấy về từ Fb của cô em gái Thạc-xỉn - vốn được đưa lên vào năm 2014.

Vẻ cũ mốc của các ngôi từ đường chưa có điều kiện tái thiết là "đặc sản" ở vùng Mai Châu. Thịt chó ở đây cũng là món đặc sản (khi khác kể sau).














Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bộ trưởng Carter trao kỷ vật đặc biệt cho Bộ trưởng Thanh


(NLĐO)- Trưa 1-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã trao cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh 2 kỷ vật đặc biệt là kỷ vật của người chiến sĩ Việt Nam trong chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã trao cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh 2 kỷ vật chiến tranh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trao cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh 2 kỷ vật chiến tranh
Tại buổi họp báo sau hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh trưa nay 1-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã trao cho người đồng cấp Việt Nam 2 kỷ vật đặc biệt mà ông đã mang từ Mỹ sang. Đó là một cuốn nhật ký và một dây thắt lưng thuộc về một người chiến sĩ quân đội Việt Nam từ thời chiến tranh.

“Tương lai của chúng ta thật tươi sáng, nhưng khi cả hai nước cùng nhau hướng về phía trước, chúng ta không được phép quên đi quá khứ. Mỹ tiếp tục duy trì cam kết sẽ làm việc với Việt Nam để giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh. Hôm nay, để tỏ lòng trân trọng cũng như tưởng nhớ đến những người lính trong quá khứ, tôi xin trao lại 2 kỷ vật từ thời chiến tranh cho người Việt Nam. Quân đội Mỹ chúng tôi mong muốn và hy vọng những kỷ vật này sẽ được trao trả về cho người thân trong gia đình của người lính ấy”- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Carter, với việc trao lại các kỷ vật chiến tranh này, phía Mỹ mong muốn tiếp tục việc hàn gắn những vết thương quá khứ. “Với chuyến thăm này, chúng tôi tiếp tục đặt xây dựng nền tảng cho một tương lai tươi sáng. Với công việc cùng nhau, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh cấu trúc an ninh khu vực để tất cả các quốc gia trong khu vực và các quốc gia khác có thể vươn lên và phát triển giàu mạnh”- ông Carter nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Quân đội Mỹ mong muốn và hy vọng những kỷ vật này sẽ được trao trả về cho người thân trong gia đình của người lính Việt Nam
Bộ trưởng Ashton Carter mong muốn và hy vọng những kỷ vật này sẽ được trao trả về cho người thân trong gia đình của người lính Việt Nam
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết Việt Nam hoan nghênh Mỹ đã tham gia tích cực cùng Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh để lại như tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh; hỗ trợ xử lý chất độc dioxin tại Đà Nẵng và một số khu vực khác; rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh. Trong bản Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng để định hướng cho hợp tác song phương thời gian tới mà hai bên đã ký sáng cùng ngày 1-6, một trong các nội dung chính là tăng cường hợp tác khắc phục hậu quả trong chiến tranh.
Nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết sau khi tiếp nhận các kỷ vật này, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức, phân công các chuyên gia, trong đó có các chuyên gia từ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam để tích cực tiến hành xác minh chủ nhân, thời điểm của các kỷ vật chiến tranh này nhằm trao lại cho người thân trong thời gian sớm nhất.
Tin-ảnh: Dương Ngọc
Phần nhận xét hiển thị trên trang