Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Trước tác động của Tố Hữu và bộ máy, tâm lý nghề nghiệp ở nhà văn thời nay đã thay đổi

VƯƠNG TRÍ NHÀN blog 30.10.13

Những bài lý luận mà Tố Hữu viết hay giảng ở các hội nghị văn nghệ thường dài dòng và nhạt nhẽo.
Nhưng với các tư tưởng văn nghệ hết sức đơn giản xúc tích của mình, ông lại có sự tận tâm đáng kính phục, nhờ thế đã đạt được hiệu quả mong muốn.
Nói cho đúng thì đó không phải là những tư tưởng mà chỉ là những định hướng tâm lý, những phương cách ông áp dụng trong chỉ đạo, để nắm phần hồn của giới văn nghệ.

Như chúng tôi đã trình bày trong bài Công việc viết văn nhìn dưới góc độ nghề nghiệp, có thể tạm tóm tắt cái cách Tố Hữu đã làm ở đây là:
-- Giải phóng người viết khỏi các quan niệm cũ. Không coi viết văn là chuyện nghề nghiệp nghiêm chỉnh. Kích động phần bản năng vốn có của mỗi người, hướng tất cả nghị lực vào việc rút ruột bản thân, mài mãi cái phần năng khiếu ra để tồn tại.
Từ chỗ hữu chiêu, nghề văn giờ đây trở thành một thứ vô chiêu.
-- Luôn luôn thổi vào tai nhà văn niềm tự tin và bất cần. Không cần văn hóa sách vở, không cần bản lĩnh trí thức, chỉ cần là người chiến sĩ có tinh thần phục vụ, tuân thủ sự lãnh đạo của trên, làm theo những bài bản tối thiểu là đủ.
--  Sau khi biến người viết văn thành một thứ cán bộ làm theo chỉ thị mệnh lệnh, đẩy họ vào con đường quan liêu hóa, tranh giành quyền chức giải thưởng. Ban phát cho họ đủ thứ vinh quang hão hiền, để họ mê mẩn đi theo con đường đã được dắt dẫn.
Điều này tác động vào toàn bộ iới viết văn, nhất là lớp người mới bắt đầu cầm bút.
Riêng đối với lớp người đã có sự định hình từ trước 1945, tức văn nghệ tiền chiến, thì cách làm của Tố Hữu tinh vi và sâu sắc hơn.
-- Bằng phương pháp tự tố khổ tự chỉnh huấn nhen nhóm ở họ mặc cảm có tội: mình có lỗi với quốc gia dân tộc; mình sống quá xa lạ với nhân dân.
-- Đưa ra những chuẩn mực mới buộc họ phải nhìn nhận những thành tựu cũ như là đáng từ bỏ và cả con người cũ là đáng lên án.
-- Đồng thời với việc đánh gục tiếng tăm uy thế mà họ vốn có, đưa họ vào môi trường mới, làm theo những chuẩn mực mới. Bên cạnh một số thành tựu không phải là không giá trị, phần nhiều những sáng tác của họ giờ đây sút kém. Nhưng họ vẫn được dành những khích lệ tối đa, khiến nhiều người vô tình trở nên những con rối đắt giá.
Vậy là, trước áp lực quá mạnh mẽ, những người bắt đầu cầm bút từ trước 1945 -- vốn rất yếu ớt -- phần lớn đã chọn con đường chấp nhận.
Ở một số có sức sống hơn thì xảy ra tình trạng phân thân, sống một đằng viết một nẻo, tức là thích nghi  một cách tiêu cực trước hoàn cảnh.
Đây là một khía cạnh của sự tha hóa, nó là định hướng tâm lý thường thấy của giới trí thức trong hoàn cảnh xã hội có những đột biến mà trong nhận thức họ không tìm được lối thoát thích đáng .
Tôi hy vọng một dịp khác sẽ có thể dừng lại phân tích tác động này của Tố Hữu tới sự hình thành và phát triển  đào tạo lực lượng văn nghệ sau 1945.
Sau đây là một bài viết cũ trong đó tôi đã sơ bộiêu tả định hướng tâm lý này ở các  văn nghệ sĩ, chủ yếu là ở các nhà văn lớp trước.
Bài viết có tên là Mặc cảm tha hóa phân thân trong tâm lý người cầm bút, in lần đầu trong tạp chí Cửa Việt của Hoàng Phủ Ngọc Tường năm 1991, sau đó đã in lại trong Những kiếp hoa dại 1993.
                                                I
Trong một lá thư viết năm 1988 mà nhiều người được đọc, Chế Lan Viên phản đối tính dự báo của văn học. Đại ý ông bảo nếu căn cứ vào sáng tác trước 1945 thì không ai nghĩ Cách mạng tháng Tám có thể nổ ra. Vậy mà đã có cách mạng. Cái sự kiện có thực ấy đã bác bỏ tất cả.
Tôi nghĩ rằng lúc này đây, vấn đề tính dự báo của văn học không còn là chuyện phải bàn cãi - đã có hàng loạt trường hợp khác minh chứng cho nó. Nhưng nhận xét của Chế Lan Viên vẫn hết sức thú vị ở chỗ nó gợi ý chúng ta nghĩ sang một hướng khác.
Đúng là cuộc Cách mạng của chúng ta là một cuộc cách mạng kỳ lạ.
Tính trong văn học công khai thì gần như không có một dấu hiệu nào dự báo là nó sẽ tới.
Ở một ngòi bút năng động, nhạy cảm như Vũ Trọng Phụng, cách mạng chỉ được biểu hiện qua hình ảnh ông già Hải Vân, một người mà hành tung có quá nhiều chỗ ám muội và thiếu hẳn cái đàng hoàng của người làm việc chính nghĩa.
Tiếp theo Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan định viết Bước đường ngoặt,Bước đường sáng. Nhưng đấy là ý định. Hơn nữa, sau Cách mạng, khi một phần ý định ấy được thực hiện- chúng tôi muốn nói tới các tiểu thuyết Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư - thì cũng không ai nghĩ là tác giả hiểu cách mạng cả.
Trước 1945, Nam Cao, Tô Hoài là những nhà văn đã có chân trong Văn hoá cứu quốc. Phần công dân của các ông, như thế đã rõ. Nhưng còn về sáng tác, thì người nghệ sĩ trong các ông chín chắn hơn mà cũng là… chậm thức tỉnh hơn. 
Đọc các truyện loài vật Tô Hoài tập hợp trong O chuột, người ta thấy cuộc sống có vận động, nhưng chỉ là vận động để đến với già nua, nhạt nhẽo, trống rỗng.
Còn trong nhiều thiên truyện của Nam Cao, người ta bắt gặp tình trạng tiến thoái lưỡng nan (dilemme): con người hoặc là cam chịu sống mòn, hoặc là trở thành thoái hoá, kỳ dị, khi muốn thay đổi.
Rút lại về căn bản, trước Cách mạng 8-1945, cuộc sống được phản ánh là một cái gì lặp đi lặp lại, ngưng đọng, đẹp ngay trong sự ngưng đọng ấy, như trong thiên truyện của Thạch Lam mà chúng tôi nghĩ là một gợi ý tốt để hiểu thế nào là chủ nghĩa hiện thực: truyện Hai đứa trẻ.
Ấy vậy mà Cách mạng vẫn cứ xảy ra.
Và khi đã xảy ra, thì "như một lưỡi cày khổng lồ" ( chữ của Nguyễn Đình Thi), xốc lại tất cả, lật tung tất cả, bất kể người ta có dự báo trước hay không.
Vốn là những người có lòng yêu nước, việc phần lớn các nhà văn thế hệ tiền chiến trước sau đều đứng về phía cách mạng, là chuyện tất nhiên.
Nhưng cũng rất dễ hiểu, nếu nói rằng, với tư cách những người hết sức nhạy cảm, lại cũng nhanh chóng nảy sinh trong lòng họ một tình cảm mới: cảm thấy mình có lỗi, mình đã không đến với cách mạng từ chỗ còn trong bóng tối; do đó mình có vẻ "ăn theo", thậm chí đứng trên lập trường mới mà suy xét, thì lúc bấy giờ, sáng tác của mình có hại cho cách mạng nữa.
Đi với dòng đời (tên một bài thơ của Xuân Diệu), mà họ cứ canh cánh bên lòng.
Động có việc gì xảy ra (mà trong cách mạng thì thiếu gì việc xảy ra), là họ lấy mình ra xỉ vả.
Có thể nói, đấy là một thứ chủ đề chủ đạo quán xuyến trong tâm lý hàng loạt người, từ những người lặng lẽ, nín nhịn như Nam Cao, đến những người sôi nổi, dễ bốc dễ say, như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu.
Cái gì đã chi phối việc Hoài Thanh đến chết cũng không dám nhận đứa con yêuThi nhân Việt Nam 1932-1941, nếu không phải là cái mặc cảm tội lỗi này?
Còn Chế Lan Viên, một lần bắt gặp cảm giác ấy là ông không bao giờ quên nổi nữa; ông sẵn sàng khai thác nó đến cùng; trong thơ, trong tiểu luận, bất cứ dịp nào nhắc tới nó là ông nhắc bằng được.
- Tôi ở đâu? Đi đâu? Tôi đã làm gì
Đời thấp thoáng sau những trang sách Phật
Đất nước đau dưới gót bầy ngựa Nhật
Lạc giữa sao trời, tôi vẫn còn mê

- Tôi như con sông Thương
Chảy lòng mình thương nhớ
Đánh đắm cả thuyền mình
Trong cuộc đời tại chỗ
Như tờ lịch mỏi mòn
Thời gian đến lấp bùn.
Những dòng thơ giống như lời tự đay nghiến, nó cũng là nỗi hối hận về những lỗi lầm không gì tự biện hộ nổi.
Chúng ta thường nghe nói tới cái hoang tưởng của những người có công, họ gán cho mình quá nhiều thành tích, tưởng thiếu mình là thiên hạ chết hết, họ tha hồ phóng to công lao của mình lên, cuộc phiêu lưu cứ thế không biết đâu là cùng.
Nhưng hoá ra, nỗi hoang tưởng về tội lỗi của chính mình cũng có đường biên dao động gần như vô tận, mà trường hợp Chế Lan Viên ở đây là một thí dụ.
Nếu ở Xuân Diệu, nhiều lúc ta còn thấy lời tự xỉ vả chỉ được nói ra một cách ngượng nghịu, hình như cực chẳng đã nên phải làm vậy, thậm chí có lúc tính chuyện cãi lại (như khi bàn về Thơ mới, Xuân Diệu đã cãi lại), thì ở Chế Lan Viên lối nghĩ mới thật dứt khoát, các mệnh đề chỉ có một nghĩa và không thể hiểu sang nghĩa khác.
"Cách mạng làm tôi vui mà làm tôi hơi áy náy: mình đã làm gì để được hưởng cái vui này? Ngỡ như mình dự một bữa tiệc mà không phải tốn công xuống bếp".
"Chúng tôi vào cách mạng là người cách mạng rồi, nhưng không ngớt làm phiền cho cách mạng".
"Hình như một tên ăn trộm dễ cải tạo hơn một người thần bí!".
Từ những nhận định kiểu ấy của Chế Lan Viên, người ta chỉ có thể nghĩ: phải nói văn nghệ có một cái tội tổ tông truyền là xa rời cách mạng. Cả nước thì tiến lên mà người làm văn nghệ thì dừng lại.
Có người sẽ bảo rằng chẳng qua đấy là một cách nói của Chế Lan Viên, ông quen tuyệt đối hoá vấn đề, nói đến cùng, nói cho thật cạn kiệt!
Có điều, mấy chục năm qua, loại ý kiến ấy tự do trình bày, không có ai nói lại lấy nửa lời.
Và những mặc cảm kiểu ấy cứ tha hồ lây truyền từ người nọ sang người kia, từ lớp nhà văn này đến lớp nhà văn khác, như một mạch nghĩ chủ đạo.
Hồi chống Pháp, một lớp nhà văn hình thành. Vũ Tú Nam và Mạc Phi, Hồ Phương và Hữu Mai, Nguyễn Khải và Nguyên Ngọc…
Tiếp đó là các nhà văn lớp chống Mỹ: Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Ngọc Tú, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo…
Ngay từ lúc mới viết văn, họ đã hiểu rằng họ là con đẻ của cách mạng.
Không một dòng chữ nào của họ được in ra trong xã hội cũ.
Nhưng mặc cảm tội lỗi, hay suy rộng hơn, mặc cảm về sự kém cỏi của mình, cái đó vẫn cứ như một thứ tình cảm bẩm sinh, không cần tìm mà tự nó đến và nếu không nói ra thì cũng chưa bao giờ họ phủ nhận. Lối biểu hiện của mặc cảm lúc này cũng khá đa dạng.
Ở Nguyễn Khải, đấy là cái dứt khoát muốn đoạn tuyệt với khái niệm nhà văn kiểu cũ, do đó, khái niệm nhà văn nói chung. Trong một bài viết mang trên Con đường dẫn tôi đến nghề văn (1963), Nguyễn Khải nói thẳng ra rằng không thích ai gọi mình là nhà văn, chỉ thích được gọi là người làm công tác văn học (đại khái là một loại cán bộ, mà cán bộ vốn được quan niệm thế nào, chúng ta đều đã biết).  
Ở Vũ Thị Thường, nó là ý thức về sự non kém của mình trước những con người gọi là nhân vật tích cực của thời đại. Trong một bài viết, in trên báo Nhân dân 10-8-1975, Vũ Thị Thường viết:
"Ở những xứ sở khác, nhà văn có thể cao hơn nhân vật của anh ta… nhưng ở đây, trên đất nước này, những nhân vật có thật ở ngoài đời lại thường cao hơn người viết (...). Những con người như thế, khi miêu tả về họ, chính là người viết đã phải nâng mình lên, để cố gắng ngang tầm nhân vật".
Nhiều ý nghĩ tương tự như ý nghĩ trên đây của Vũ Thị Thường đã là điều được người cầm bút viết ra, trong các bài tiểu luận và cả trong sáng tác.
Hồi đầu chiến tranh chống Mỹ, khi nhà thơ Xuân Quỳnh viết trong một bài thơ rằng không muốn làm thơ nữa, mà chỉ muốn cầm khẩu súng ra chiến trường, thì chị cũng đã nghĩ trên cái mạch chung mọi người vẫn nghĩ.
      Ở ta không có thói quen lấy người viết văn làm nhân vật chính trong các tiểu thuyết. Nhưng trong một số truyện ngắn, họ cũng đã được nói tới (chẳng hạn, tôi nhớ mấy truờng hợp in ra từ hơn chục năm về trước, trong các tập truyện ngắnTrang 17 của Nhật Tuấn, Mùa hạ cuối cùng của Lưu Quang Vũ). Bấy giờ họ thường hiện ra như những kẻ lười biếng, ích kỷ, vô trách nhiệm với vợ con, mà về chuyên môn thì, ngoài một chút tài hoa, chẳng có điều gì để nói. Tâm lý thích kể xấu giới mình, các đồng nghiệp của mình, chẳng qua cũng là một biến tướng của cái mặc cảm tội lỗi được truyền lại từ các lớp người trước!
                                          II
Có những chữ mà chỉ cần đọc lên là người ta lập tức hình dung ra cung cách sinh hoạt một thời. Một trong những chữ đó, từ khoảng 1985 về trước, vốn rất quen, là đi thực tế.
Đại khái đó là những dịp các nhà văn tổ chức thành từng đoàn đến thâm nhập cơ sở, cùng sinh hoạt và làm việc tại một đơn vị bộ đội, một nhà máy hay một hợp tác xã nào đó; một thời gian sau họ có ngay sáng tác về cái cơ sở mà họ cùng sinh hoạt đó.
Công bằng mà nói những chuyến đi đó có cái phía bổ ích của chúng.
Để ép những cây bút lười biếng, thiếu nghị lực phải làm việc, và để có được những tác phẩm thuộc loại trung bình, đọc được, bám sát ngay được vào một chủ trương cụ thể nào đó, thì phải nói đó là những biện pháp hiệu nghiệm, rất hiệu nghiệm nữa.
Thế nhưng, đáng lẽ chỉ nên coi đó là một động tác nghề nghiệp, cùng lắm, là những hoạt động có tính cách biểu dương lực lượng về mặt chính trị của cả giới, thì nhiều khi chúng ta lại tuyệt đối hoá ý nghĩa công việc, coi đi thực tế là cái chìa khoá vạn năng mở ra mọi thành tựu sáng tác. 
Trong một bài phỏng vấn, nhà văn Nguyễn Tuân kể rất hay về cái vai trò Tổng Thư ký Hội văn nghệ Việt Nam mà ông đảm nhiệm, hồi chống Pháp:
- Việc chủ yếu của ông Tổng Thư ký là hành quân theo bộ đội hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, đi vào vùng địch hậu với dân quân du kích, đi tuyên truyền chính sách thuế nông nghiệp, đi tham gia phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất.
Tại sao đi thực tế lại trở thành "việc chủ yếu của ông Tổng Thư ký" như vậy? Ở  đây, có nhu cầu của cuộc kháng chiến lúc ấy: cần động viên bộ đội. 
Lại có vai trò của một nhận thức máy móc, hiểu sáng tác như một cái gì trực tiếp nảy ra từ thực tế, vậy, theo công thức "gà đẻ trứng vàng", có đi thì mới có viết.
Nhưng vượt lên trên những lý do cụ thể đó, câu chuyện động viên nhau "đi" còn có ý nghĩa khác: khi tự nguyện đi theo thực tế, đi ồ ạt, ầm ĩ, vừa đi vừa kêu lên cho cả xã hội biết, tức các nhà văn muốn khẳng định mình vốn xa thực tế, và nay đã hiểu rằng đấy là điều không thể tha thứ nổi.
Khi công khai tuyên bố là phải tìm cái đẹp, cái tốt, ở người công nhân, ở người chiến sĩ, có ý nghĩa là người viết văn cảm thấy mình và những người quanh mình hàng ngày sống phù phiếm, vớ vẩn, phải nhờ quần chúng tẩy rửa, thanh lọc để tâm hồn trong trẻo, sạch sẽ hơn. Đi thực tế, do đó, là một cách để từ bỏ tội lỗi, như trên vừa nói.
Hình như đã linh cảm đến điều ấy, cho nên hoạ sĩ Tô Ngọc Vân từ năm 1948 đã viết trên tạp chí Văn nghệ (loại in bằng giấy dó, ra ở Việt  Bắc).
Cái hư truyền rằng nghệ sĩ sống xa quần chúng, một người nói đi, hai người nhắc lại, đã hầu thành một tục truyền, đến nỗi người ta không thể nào nghĩ khác được Người ta có hiểu chăng: trong xã hội loài người, kẻ nào sống gần đại chúng hơn, ấy là bọn nghệ sĩ. Người nghệ sĩ Việt Nam biết và hiểu Việt Bắc trước kháng chiến từ lâu.
Phải nói ngay rằng khi viết đoạn văn đó, Tô Ngọc Vân không hề có ý muốn tránh việc đi thực tế.
Trong kháng chiến, ông cũng đã đi rất nhiều. Bản thân cái chết của ông trên đường đến Điện Biên Phủ đã chứng minh cho điều đó.
Cái mà Tô Ngọc Vân muốn cãi lại chỉ là cái ý nghĩa người ta muốn gán cho việc "đi" ấy.
Có điều trong không khí cuồng nhiệt đương thời và lối nghĩ một chiều những năm về sau, ý kiến của Tô Ngọc Vân lọt thỏm đi không một tiếng vang.
Từ hoà bình lập lại (1954), qua cuộc chống Mỹ, đi thực tế tiếp tục được giải thích như một sự nghiệp có ý nghĩa xã hội lớn lao mà không phải là một động tác nghề nghiệp đơn thuần. Bởi thế mới có chuyện không chỉ các văn nghệ sĩ sống quá sung sướng trước đây cần đi thực tế, mà các cây bút vừa chân ướt chân ráo chuyển từ cơ sở lên các cơ quan sáng tác cũng lo đi thực tế, coi một ngày mình xa thực tế là một ngày hỏng.
Mặc cảm tội lỗi đã trở thành mã di truyền, dù ở những thế hệ sau không có những người bảo vệ và thuyết lý cho nó đầy sức thuyết phục như Chế Lan Viên từng làm với thế hệ tiền chiến.
Dẫu sao, đi thực tế vẫn chỉ là chặng đường đầu tiên. Quyết tâm vượt qua tội lỗi còn phải đuợc thể hiện đầy đủ khi nguời nghệ sĩ ngồi trước bàn sáng tác định huớng cho mình từ nội dung viết (tỉ lệ tiêu cực - tích cực, màu đen và màu hồng, mức độ lạc quan tin tưởng ở cuối tác phẩm), cho tới cách viết.
Về mặt này, những băn khoăn mà Nam Cao từng ghi lại trong nhật ký Ở rừng, có ý nghĩa tiêu biểu. Gần như lúc nào Nam Cao cũng sợ rằng mình xa quần chúng quá, những cái mình đã viết ra, quần chúng không hiểu. Trong một bài viết mang tên Sáng tác kịp thời để đẩy mạnh tổng động viên, in trên Văn Nghệ số 5-1950, cũng Nam Cao viết:
Phải thừa nhận rằng những sáng tạo của chúng ta vẫn chưa thật gần gũi với nhân dân. Một phần vì chúng ta chưa đủ thì giờ để hiểu rõ đối tượng. Nhưng một phần nữa cũng vì chúng ta không thực tâm cố gắng trong khi sáng tác, chúng ta vẫn chiều theo ý riêng, tình cảm riêng của chúng ta, chúng ta vẫn sáng tác cho ta (). Những thứ "truyện không có truyện" tả dài dòng, phân tích theo lối chẻ sợi tóc làm tư, làm sốt ruột công nông, bởi họ là những người hành động chiến đấu thiết thực, chứ không phải là những người chỉ toàn nghĩ lơ mơ, nghĩ viển vông, nghĩ không đâu, nghĩ để chẳng để làm gì cả.
Đây là việc mọi người bàn nhau ở Việt Bắc. Còn ở Khu Năm? Trong một bài viết mang tên Sống còn, đăng ở báo Văn nghệ số 3-12-1993, nhà văn Nguyễn Thành Long nhớ lại việc rèn luyện ngòi bút của mình hồi kháng chiến chống Pháp, với niềm tự hào kín đáo:
Thật là nhọc, nhưng cũng thấy là kỳ công thật, việc chúng tôi, ví dụ, đã rèn luyện bằng cách nhặt những câu chuyện ở địa phương, kể lại bằng miệng, nhìn nét mặt người nghe, xem phản ứng thế nào với từng câu văn. Và, về nhà viết lại để đăng trên báo. Nhưng cốt truyện ngắn không quá một cột.
Sẽ là không đúng sự thật nếu bảo rằng mấy chục năm qua, văn xuôi ta cứ giẫm chân tại chỗ một kiểu như Nam Cao và Nguyễn Thành Long đã nói.
Trong những căn phòng của mình ở Hà Nội sau 1954 và ở thành phố Hồ Chí Minh sau 1975, cuộc sống của nhiều người viết văn đã thay đổi, cách viết của họ cũng thay đổi.
Nhưng cũng sẽ là sai lầm, nếu như nhắm mắt trước một thực tế rằng cái tinh thần mà Nam Cao, Nguyễn Thành Long nói ở trên vẫn là tinh thần chính quán xuyến trong văn học.
Trong thế đối lập giữa "ta" (người viết) và "họ" (người đọc), "ta" phải hy sinh cho "họ". Có thể theo "họ" mà lên. Nhưng nhất thiết không được vượt trước "họ".
Nó cũng là cái tinh thần ngự trị ở văn học Xô-viết mà A. Gide mô tả trong cuốnĐi Liên Xô về: "Ngày nay nghệ thuật phải là bình dân, hoặc không phải là nghệ thuật".
(Thời Stalin, cuốn sách của Gide được coi như vu cáo, bôi đen xã hội Xô- viết, nay được dịch ra ở khắp nơi kể cả ở Liên Xô thời “tan băng”, và được xem như là một lời tiên tri xác đáng.)
Ý thức chủ đạo là như vậy. Thành thử những thể nghiệm nếu có chỉ là chuyện dấm dúi, mò mẫm của từng người. Trong hơn bốn chục năm qua, ở ta, các vấn đề nghề nghiệp của người viết văn vẫn thường không được mang ra thảo luận một cách nghiêm chỉnh.
Mặc dù trên lý thuyết, ai cũng bảo nội dung và hình thức đều quan trọng, -- nhưng trong thực tế của giới sáng tác thì vẫn có sự tách rời nội dung và hình thức một cách thật hồn nhiên, để rồi, cái được chú ý hơn hẳn là phần nội dung thiển cận và vụ lợi của tác phẩm.
Sáng tác trở thành một cuộc săn đuổi tuyệt vọng: đuổi theo cuộc đời. Dĩ nhiên không bao giờ nó đuổi kịp. Bao giờ nó cũng thấy mình lạc hậu. Mặc cảm tội lỗi trong từng nghệ sĩ do đó lại thêm một bước củng cố vững chắc.
                                          III
Ở nước nào cũng vậy, một dấu hiệu chứng tỏ xã hội trưởng thành là sự phân công lao động được thúc đẩy mạnh mẽ, đi kèm với nó là sự hình thành tầng lớp trí thức chuyên làm công việc sáng tạo.
Của cải mà lớp trí thức này giao nộp cho xã hội là những giá trị tinh thần với tất cả sự phong phú đa nghĩa của hai chữ tinh thần. 
Trong khi có vẻ sống xa nhân dân thì những gì tốt đẹp mà họ làm ra lại gắn liền với nhân dân. A. P. Tchékhov còn nói trí thức, đó là lương tâm của nhân dân nữa.
Trong số những thành phần làm nên giới trí thức, dĩ nhiên có các văn nghệ sĩ.
Dù là ở nước Việt Nam thuộc địa trước 1945, trí thức nói chung bị đào tạo theo lối thực dụng, riêng các nhà văn nhiều người lại xuất thân từ tầng lớp dân nghèo, bản lĩnh trí thức chưa được bồi đắp vững chãi, nhưng ở họ vẫn thường âm thầm một niềm kiêu hãnh chính đáng: họ là những người lao động trong sạch.
Trong khi vật lộn với trường đời để kiểm miếng cơm manh áo nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời họ còn làm được cái việc đáng kể là nói lên nỗi khổ của nhân dân. Mà ý nghĩa sáng tạo trong công việc của họ thì trước sau còn đó, không gì đánh tráo được.
Thành thử, cái mảnh đất đẻ cho mặc cảm tội lỗi nói trên phát triển, suy cho cùng là rất bé nhỏ.
Huống chi, trong thực tế đời sống từ sau 1945 đến nay, vai trò văn nghệ sĩ vẫn có cái phần quan trọng khiến người tỉnh táo không thể không nghĩ tới chuyện sử dụng.
Để chứng minh rằng cách mạng là sự nghiệp chính nghĩa và tất yếu phải xảy ra, các tài liệu chính thức vẫn viện dẫn rằng cách mạng đã lôi cuốn được những kiện tướng xuất sắc của văn học cũ vào hàng ngũ của mình. Dưới hình thức những đặc ân đã có nhiều sự đền đáp không phải là không đáng kể.
Trước các đặc ân ấy, những Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh… sớm nhận ra ngay và không bao giờ quên khai thác đến cùng. 
Còn đối với thế hệ đến sau, từ Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương… cho tới Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật… những vinh quang mà tác phẩm mang lại rõ ràng không phải là nhỏ.
Giống như phụ nữ, không cần kêu to lên, nhưng họ đều hiểu giá trị của mình, hiểu rằng   với cách mạng và chỉ với cách mạng, ngòi bút của mình mới là một thứ tài sản vô giá.
Niềm tự hào đến với từng người hàng ngày, hàng giờ. Niềm tự hào cụ thể như là sờ mó thấy, nó luôn luôn thì thào vào tai người ta rằng thật ra chỉ nó là có thực, chỉ nó mới quan trọng.
Thế thì tại sao người ta vẫn cứ tha thiết tự nhận rằng mình xa thực tế, chưa phản ánh hết cái tốt đẹp của thực tế, vẫn bằng mọi cách kể lể về các tội lỗi của mình, và vẫn ép mình làm đủ việc, sẵn sàng định hướng cả nghề nghiệp mình vào việc giải tội?
Ở đây trong lúc chưa thể cắt nghĩa đầy đủ, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số giả định về một quá trình tâm lý đã hình thành ở trong người viết văn.
Đúng  là chúng ta đã có một cuộc cách mạng kỳ lạ, một cuộc cách mạng vượt ngoài mọi dự báo. Cuộc cách mạng đó cộng với sự nghiệp đánh giặc cứu nước mấy chục năm tiếp theo, đòi hỏi một sự động viên lực lượng thật lớn.
Trước cuộc biểu dương lực lượng quần chúng kỳ vĩ như vậy, ở người nghệ sĩ dễ nảy sinh cái tâm lý thấy mình quá bé bỏng, và quan trọng hơn, thấy mình quá phiền nhiễu, do đó, như là vô tích sự. 
Trước những người dân thường, công nhân, nông dân, cảm giác ban đầu về sự có lỗi của mình là một điều hoàn toàn có thể thông cảm.
Nhưng ngày một ngày hai, mỗi ngày một tí, mỗi người một tí, không ai bảo ai cái tâm lý có thực ấy đã bị tố lên, lại bị kéo quá dài, và đã xảy ra một tình trạng mâu thuẫn. Lúc bấy giờ, trong những người viết văn nảy sinh hai kiểu định hướng tâm lý khá rõ.
Loại thứ nhất, nói một đằng, nghĩ một nẻo, mà không tự biết.
Như  Freud từng lưu ý, quá trình tâm lý ở mỗi cá nhân là một quá trình phức tạp. Người ta không phải bao giờ cũng làm chủ được đời sống nội tâm. Trong một người thường vẫn có những xu thế mâu thuẫn nhau cùng tồn tại, mà người ta không ý thức nổi. Trong khi tiền hậu bất nhất rõ rệt, người ta vẫn tin là mình thành thực, và sự biến hình lặng lẽ xảy ra, một sự biến hình ngoài ý thức.
Trong thực tế, đây là một quá trình có thật đã đến với một số rất đông những người cầm bút: lúc nghe bảo rằng mình có cái tội là xa nhân dân, thì họ rưng rưng cảm động và tin rằng mình xa nhân dân thật. Họ thành tâm muốn sửa chữa.
Trong khi đó thì ở cõi vô thức của người trí thức, vẫn còn nguyên nỗi tự hào chính đáng.
Cả hai yếu tố đó "tồn tại hoà bình" bên cạnh nhau, tuỳ lúc mà mặt nọ hay mặt kia nổi lên, chi phối hành động và suy nghĩ của người cầm bút.
Nếu sự phân thân ở loại người nói trên là ngây thơ, vô ý thức, thì ở loại người thứ hai lại là cố tình, hoàn toàn có ý thức.
Họ không lơ mơ bao giờ hết. Là những người tỉnh táo làm chủ bản thân, chắc chắn họ nhận ra rằng ở mình có mâu thuẫn. Cả cảm giác về tội lỗi lấn niềm tự hào đều được đưa  lên bình diện ý thức. Theo thói quen, họ vẫn nói rằng người viết văn là xa nhân dân, là phải tích cực cải tạo.
Mặt khác trong công việc hàng ngày của mình, họ lại thấy ngay là không phải vậy.
Họ cố ý nói một đằng nghĩ một nẻo, để rồi lúc một mình đối diện với mình, lặng lẽ cười khẩy: Ai khôn hơn mình nào? Ai sống sướng hơn mình nào?
Sự phân thân cố ý chỉ xảy ra ở một số ít nhà văn. Lại nữa, có khi lúc này có ý thức, lúc khác người ta cũng ngây thơ vô ý thức như các đồng nghiệp. 
Nhưng bảo rằng tuyệt đối không ai làm việc này có ý thức thì không đúng.
Có, vẫn có loại người hành động theo sự dẫn dắt của ma quỷ như vậy, và, do kéo dài, nó sẽ là căn bệnh làm cho nhân cách người viết thối rữa tự bên trong, không sao cứu vãn nổi.
Dù có ý thức hay không, những sự phân thân nói trên chính là sự biến đổi theo hướng xấu, một sự làm hỏng, làm biến dạng con người. Khiến họ dần dần đánh mất bản chất của mình.
Trong thực tế đời sống mấy chục năm qua, sự tha hoá của người viết văn được biểu hiện ra thành thiên hình vạn trạng, ở mỗi thế hệ, mỗi lứa tuổi, trong mỗi thời kỳ lịch sử, lại bộc lộ ra một kiểu.
Có người luôn luôn sống trong tâm lý giằng xé hối hận, vừa sống vừa thấy bức xúc không yên, có khi đã bắt tay vào việc rồi, lại không viết tiếp nữa, không sao đủ sức kết thúc tác phẩm như đã dự định.
Có người có ý thức tổ chức cuộc sống viết văn của mình theo kiểu hai manghai mặt, họ cũng thích được tiếng là sắc sảo và thực tế cũng sắc sảo thật, nhưng sau những sáng tác có vẻ đặt vấn đề kiểu đó, lại tung ra những bài phát biểu nhũn như chi chi, xuê xoa dư luận, cốt để khỏi bị lên án và yên thân tiếp tục lối viết sắc sảo của mình.
Nhưng đó còn là những "ca" sang trọng!
Một số khác láu cá hơn mà cũng là thực dụng hơn, cứ nói theo thời thượng, rồi ra sức viết, viết thật nhiều, viết lấy được, chỉ cốt dư luận khen và những người có chức quyền khen, lấy sự khen tụng đó để doạ mọi người, coi là mình đã làm lợi cho cách mạng, còn trong thực tế, sáng tác có công thức, sơ lược, xa lạ với sự thực và đời sống nhân dân chăng nữa, họ cũng chẳng mảy may xúc động.
Khi mang mặc cảm phạm tội, cố nhiên số đông người viết văn lo viết cho quần chúng dễ hiểu, chẳng bận tâm đi vào những tìm tòi nghiêm túc về nghề nghiệp làm gì.
Nhưng trong hoàn cảnh phân thân, đôi khi người ta lại lặng lẽ phiêu lưu, âm thầm sa vào một thứ chủ nghĩa hình thức kỳ quái, tìm chữ lạ, đặt câu tuỳ tiện, tự coi như vậy mới là văn chương thật hạt. Đó là một biến chứng hiếm hoi của chủ nghĩa hình thức: chủ nghĩa hình thức ở dạng cùng khốn của nó.
Trong một cuốn tiểu thuyết mang tên Mặt lạ, nhà văn hiện đại Nhật Bản Kobo Abe có nói tới một mô-típ biến hoá điển hình trong xã hội hiện đại: sau khi bị mắc tai nạn, để khỏi trở thành kỳ quái, một nhà khoa học phải thường xuyên mang một mặt nạ để sống.
Lâu dần, cái mặt nạ đó không gỡ ra nổi, nó mặc nhiên trở thành khuôn mặt thật của người ấy.
Từ chỗ là một phương tiện bảo vệ cho người ta khỏi thế giới bên ngoài, mặt nạ trở thành một sự ràng buộc đối với nhân vật.
Cá nhân ông ta nhân đôi.
Trong thế thất bại, nhà khoa học đành tự an ủi rằng sự mất mặt không phải là bi kịch của riêng mình, mà là của nhiều người khác.
Mặt nạ ở đây tượng trưng cho sự thích ứng của con người với thế giới và sự đối phó lại của con người trước những thế lực xa lạ nhưng có sức ràng buộc cá nhân một cách nghiệt ngã.
Từ tấn kịch mà K. Abe miêu tả trong cuốn tiểu thuyết trên, chúng ta có thể tiếp tục suy nghĩ về sự tha hoá nói chung và ở mức độ nào đó tâm thế của người viết văn nói riêng: phải chăng nhiều người trong chúng ta ở dạng này hay dạng khác cũng đã rơi vào tấn kịch tương tự mà ta không biết?
Một xu thế phát triển của các nhà văn ở ta là  xu thế quan liêu hoá, với tất cả sự phổ biến rộng rãi và mức độ nặng nề của nó. Quan liêu hoá cũng là một dấu hiệu của bệnh tha hoá. Dù ban đầu hình như xuất phát từ một mục đích tốt đẹp (cần đoàn kết nhau lại trong một tổ chức để cùng làm việc), song nó vẫn dẫn tới một kết cục có hại. Quan liêu hoá sự thật đối nghịch với sự sáng tạo như nước với lửa và cũng là nhân tố phá hoại bản chất cao đẹp của nghề viết văn.

                                           IV
Có một nét tâm lý có thật người ta thường quan sát thấy ở nhiều nghệ sĩ, nhiều người cầm bút trong những năm đất nước khó khăn: đó là sự ráng chịu. Thôi - họ bảo nhau và tự bảo mình - giữa lúc nước sôi lửa bỏng này, hãy phục vụ cái đã! Mai kia cuộc sống khá hơn, tự do và thoải mái hơn, chắc là mình sẽ viết được! Ôi, mình sẽ viết hay lắm, lúc ấy người ta nghĩ thế.
Tuy đất nước chưa hết khó khăn, song dẫu sao, cái ngày mà người nghệ sĩ mong mỏi, ngày đó hôm nay đã tới.
Trước 1986, nằm mơ cũng không thể nghĩ có lúc Nguyễn Khải lại tự bảo rằng mình viết Tầm nhìn xa là bất nhân và giả dối.
Chế Lan Viên đứng ra viết tựa cho Bích Khê, cho Hàn Mặc Tử.
Chẳng những Vũ Trọng Phụng được in lại toàn bộ, mà những cuốn tiểu thuyết chính của Nhất Linh, Khái Hưng cũng được in lại không thiếu cuốn gì.
Nay thì tất cả những việc đó đã xảy ra!  
Bởi hiểu không bao giờ có tự do tuyệt đối cả, nên chúng ta hết sức vui mừng với chút tự do hôm nay đã có - quả thật, trước đây mấy năm, có ai mong ước hơn đâu!
Ấy vậy mà nhìn vào đời sống sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học một vài năm nay, phải nói là sự chuyển biến còn rất ỳ ạch.
Sinh khí có thấy ở khu vực văn chương thương mại, nhưng ở đó cũng chưa bao giờ người ta đạt tới sự làm hàng (hàng = tác phẩm) theo quy trình kỹ thuật hiện đại và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ở khu vực văn chương nghiêm túc, tự do chân chính cũng chỉ mới được khai thác hữu hiệu qua một ít thể nghiệm của các cây bút mới vào nghề.
Còn đang thiếu hẳn những tác phẩm dầy dặn của các cây bút chuyên nghiệp. Giá có loay hoay ngồi viết, một số nhà văn (kể cả những người dẫn đầu nền văn học) cũng vẫn chưa đưa ra được những cái như chính người ta và bạn đọc hằng mong muốn.
Có thể giải thích tình hình trên bằng nhiều cách, nhưng theo chúng tôi ở đây có vai trò của cái hiện tượng mà bài viết này thử tìm cách phác hoạ: sự tha hoá.
Ai cũng biết là nếu có sự tha hoá đó, thì những thay đổi muộn màng mà hoàn cảnh mang lại chỉ rất hạn hẹp.
Phải có những cố gắng vượt bực đến mức như là phải sẵn sàng làm lại mình nữa, người ta mới tận dụng được cái không khí tự do vừa được mở ra cho công việc. Nhưng đó cũng là một khía cạnh thú vị của viết văn nói riêng, của những tìm tòi trí thức nói chung chăng?
A. Camus viết:"Chân lý thì luôn bí mật, tránh né, luôn luôn phải được chinh phục. Tự do thì nguy hiểm, làm chật vật nhưng cũng làm phấn khởi sự sống".
Càng sống càng thấy có thể chia sẻ cái cảm giác đó của Camus một cách đầy đủ.

1990

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thử làm báo có lề tý nhóe?

GHI CHÉP Ở LÀNG SUỐI HOA
                                                                          
      
         Ở Kiến Thiết  có ba điểm làng người H’Mông lập cư,  tập trung tương đối đông. Qua cầu cạn Pắc Cụp, phia trên bến Tram, chưa tới trung tâm xã, là lối rẽ vào Suối Triển. Một làng người Mông nổi tiếng về nuôi nhiều gà xước và lợn sọc dưa.
           Khỏi trung tâm xã một chút, theo đường quốc lộ 2C lên Kim Bình có lối vào làng Suối Mu. Con đường cấp phối mới mở sẽ đưa bạn đến một thung lũng rộng nằm bên trong thác nước nhỏ. Nơi ngày xưa có đủng nước, vào dịp ngày trời nắng nóng thường bắt gặp hàng đàn lợn rừng tắm ngụp, vùng vẫy vang động cả khu rừng. Những đêm trăng sáng thợ săn có lúc nhìn thấy chúa sơn lâm ngồi chồm hổm trên mỏm đá rình mồi. Ban ngày cả vùng ríu rít tiếng chim. Thỉnh thoảng vài chú nai tơ ngơ ngác, chạy vụt qua đường.
         Nơi ngày nay bạt ngàn nương ngô của người Mông có sản lượng cao nhất nhì tỉnh này ( Có người không tin vì chưa hiểu người Mông làm cách nào để có hiệu quả như vậy? Nhưng đấy lại là câu chuyện khác, sẽ kể lần sau. Không muốn ôm đồm trong bài viết này). Muốn tìm con trâu giống cực đẹp, để cày bừa hay tham gia lễ hội chọi trâu hàng năm thì đến đây là chỗ thích hợp và dễ tìm hơn cả.
         Còn một điểm nữa, tôi muốn kể với bạn, nếu bạn là người có thú thưởng ngoạn sơn kỳ, thủy tú, thích nghe những câu chuyện đường rừng, thích tìm hiểu về văn hóa sống của người Mông.. Mời bạn hãy cùng tôi vào Khuổi Rác. Cái tên nghe thật không mấy ấn tượng, nhưng bạn sẽ nhớ rất lâu sau chuyến đi này bởi những con người, sản vật bạn gặp nơi đây. Đó là một làng người Mông ở lưng chừng chân núi có tên là Đỉnh Mười, một tọa độ được đánh dấu trên bản đồ khoáng sản từ thời người Pháp còn đô hộ. Một đôi lần được nhắc đến trong “Những chuyện đường rừng” của Lan Khai. Một nhà văn đáng kính về lòng yêu mến quê hương của ông, người tỉnh này.
 
**
          Thời ấy nơi đây còn là núi rừng hoang vu, thưa dấu vết con người. Ít ai biết đến nơi hiểm trở này vì không có đường đi lại.
Một bên núi đá sừng sững, vách đá gần như dựng đứng không có lối lên. Một bên là dòng suối sâu, lau lách rậm rịt, chỉ có chồn cáo mới biết cách ngang qua được con suối này.
         Người ta kể rằng cư dân đầu tiên ở đây xưa kia là người Dao đỏ và một ít người Tày. Họ ở rải rác, thưa thớt lắm, dọc theo hai bên bờ suối.
Một năm, đã lâu lắm rồi, trời làm thiên tai, xảy ra trận đại dịch kinh hoàng. Người Dao bị một căn bệnh kỳ lạ, không thuốc nào chữa khỏi, chết gần hết cả làng. Số còn lại bỏ đi nơi khác.
Lâu ngày nhà cửa mục nát, đồ đạc vụn gãy cuộn thành đám theo nước lũ cuốn thành từng bè rác lớn trôi về.. Cái tên Khuổi Rác có từ độ ấy.
          Một địa danh nghe đến, muốn nổi da gà bởi bao câu chuyện ma thiêng, nước độc. Nơi bạt ngàn cây lá han, lá ngón, chỉ có rắn rít, hùm beo ngự trị.. Người này nghe kể thêm vào một ít, người kia thêm vào ít nữa.. Chuyện càng hoang đường, càng đáng sợ.
          Mãi sau này số người Kinh miền xuôi lên khai hoang mới có con đường đi men theo suối. Vẫn chỉ là con đường mòn nhỏ, có chỗ hiểm trở không mở được đường, người ta phải lần theo lòng suối mà đi. Mùa lũ nước to thường bị gián đoạn, làng Suối Hoa như một phần đất bị cô lập với bên ngoài có đợt kéo dài hàng tuần lễ.
            Đầu thập niên tám mươi, mới có người H’Mông chạy giặc từ Đồng Văn về sau biến động biên giới phía bắc. Cuộc định cư của họ ở đây là cả một câu chuyện dài đầy gian nan, cách trở.
Lúc đầu chuyển đi, chuyển lại không biết bao nhiêu lần do nhiều quan ngại từ phía nhà quản lý. Sợ ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của rừng, sợ phức tạp di dân tự do, khó quản lý, sợ đời sống người dân gặp khó khăn vì chưa có quy hoạch khu dân cư tổng thể, lâu dài..vv
           Nhưng rồi đất lành chim đậu. Làng người H’Mông tồn tại từ đó đến giờ để có câu chuyện kể hôm nay.

**
         Sùng Mẫn Cường là một trong số những chàng trai người Mông khá đặc biệt. Cái vẻ hồn nhiên, xởi lởi hay chuyện rất khác với bản tính trầm tĩnh ít nói của phần nhiều chàng trai người Mông ở lứa tuổi anh.
Anh là một chàng trai H’Mông hiện đại, đi nhiều, biết nhiều chuyện, quen nhiều người, có những ý tưởng độc đáo trong cách nghĩ cách làm. Lại sâu sắc những câu chuyện về quá khứ của dân tộc mình.
         Mùa xuân năm ngoái tôi gặp Sùng ở hội chợ thương mại, anh nói với với tôi:
- Truyện anh viết về người Mông chúng tôi còn chưa đúng mấy đâu. Muốn biết hôm nào lên chơi, ngủ với nhau vài đêm, mình kể cho mà nghe..
Tôi hỏi chuyện gì? Sùng bảo có mấy chuyện. Như chuyện về cây khèn, chuyện cái cửa vào nhà người Mông, hay chuyện bánh dày chẳng hạn?
Quả thật lúc đó tôi có hơi tự ái và cảm thấy lòng rất buồn. Mình đã rất công phu tìm hiểu, chả lẽ mọi hiểu biết của mình về người H”Mông từ trước đến nay đều sai lầm? Đều chưa chính xác? Và cần phải học hỏi lại từ đầu?
        Ý nghĩ ấy cứ tran trở áy náy mãi trong tôi. Định có ngày nào đó sẽ lên với Sùng để hỏi lại cho rõ. Lẽ nào mình bằng lòng theo kiểu thầy bói xem voi?
Võ đoán, chủ quan, hời hợt đối với bất cứ trường hợp nào cũng đều sai trái, tối kỵ. Huống gì lại là công việc mình hết lòng hết sức để tâm tới?

        Khuổi Rác từ ngày có người H’Mông về đổi tên thành thôn Tiền Phong. Nhưng người dân ở đây thích gọi làng mình bằng cái tên thật mới: “Làng Suối Hoa”.
         Khi những vạt lá han, lá ngón dần biến mất, cây đào có từ đã lâu trên đất này phục hồi, sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Cuối năm chuẩn bị sang xuân là cả cánh rừng hai bên lối đi đỏ thắm, lung linh một màu hoa. Những cành đào đẫm sương buổi sáng, trong nắng lên đẹp đến nao lòng. Khiến người ta liên tưởng câu chuyện ảo huyền, tưởng như không có thật trên mặt đất, dưới gầm trời này. Có chút gì đó từa tựa như vào chốn bồng lai..
          Nhưng phải một tháng nữa người ta mới có thể nhận thấy phong cảnh ấy. Còn bây giờ dịp cuối năm chỉ có thể thấy những vạt ngô vàng rộm phía xa xa, lưng chừng núi. Chỉ thấy con đường đất đỏ phơi mình bên dòng suối trong xanh, nước dịu dàng, yên bình chảy ra sông, ra bể.. Chỉ gặp bên đường từng tốp ngựa mướt mồ hôi, lưng thồ nặng khoai tàu, ngô quả về làng. Một đôi cô gái má hồng, chúm chím miệng cười, té nước đùa vui sau buổi kiếm củi, nhặt nấm hương, mộc nhĩ chuẩn bị cho ngày tết. Cô nào cũng có trong túi mang theo chiếc gương tròn nho nhỏ. “Người Mông dù bận rộn đến đâu, trước lúc về làng cũng mặt quang mày sạch”. Ấy là người già bảo thế. Tay áo đỏ, màu váy  tươi hồng, thổ cẩm tự tạo của các chị các cô in bóng xuống làn nước trong. Suối dẫu vô tình cũng phải gợn lên chút sóng lăn tăn cảm động, như khe khẽ hát bài ca âm thầm kín đáo của mình.
    Tôi lên làng Suối Hoa vào dịp gần tết của người Mông. Một khung cảnh khác hẳn ngày thường. Bãi cỏ rộng đầu làng nhộn nhịp người.
Không phải tìm lâu, tôi bắt gặp ngay Sùng Mẫn Cường đang có mặt tại đấy. Anh bảo công việc chuẩn bị vui chơi cho dân làng là việc cần gấp rút. Thương hiệu “Rượu chuối Suối Hoa” đành gác lại đến ra giêng mới tiếp tục làm.
        Cả năm có một lần tết, việc gì quan trọng đến đâu cũng gác lại đã. Ngày xuân đâu phải việc riêng của đất trời, của hoa hoa lá cỏ cây? Mùa xuân còn mùa của cả con người. Những con người quanh năm vất vả, leo núi, trèo nương, vật lộn với mưa nắng ba trăm sáu mươi lăm ngày. Cũng cần thư giãn, nghỉ ngơi, lấy thêm sức lực, hào hứng cho một năm mới chứ!
        Tuy vậy Sùng cũng tranh thủ  cho tôi biết: Anh đã tạm xong phần đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn nhà nước cho mặt hàng mới mẻ của mình.
        Tỉnh, huyện đã phê duyệt, máy lọc rượu, đóng chai, nhãn hiệu đã đặt một cơ sở tin cậy mãi trong thành phố Hồ Chí Minh.  Lô hàng thực nghiệm đầu tiên đã ra lò. Gọi là “Rượu chuối Suối Hoa”, đóng chai nom hình thức khá đẹp, chả khác gì Vốt Ka hay Uýt xKi nhập ngoại.
       Mới chỉ khiêm tốn, đủ uống chơi và làm quà biếu trong dịp tết, chưa có nhiều để bán ra thị trường. Sùng có vẻ tư lư khi anh bảo :” Còn vài vướng mắc khâu công nghệ do quy mô sản xuất còn bé nên giá thành chưa được như ý muốn. Khả năng tiêu thụ có lẽ chỉ nơi nhà hàng khách sạn mới chấp nhận. Vì giá còn khá cao chưa tiêu thụ được ngay  trong vùng”.
        Thì vẫn. “Cái gì mà chả “Vạn sự khởi đầu nan”? Khắc phục dần tất sẽ được như muốn”. Tôi mừng, nỗi lo ám ảnh lâu nay về rượu của nhiều người đã có lối ra.
        Văn hóa rượu, nói gì thì nói với mọi dân tộc đều không bỏ được.  Ngày tư ngày tết, khi có bạn hiền, có chén rượu nâng lên hạ xuống làm vui câu chuyện, vẫn là cái không thể thiếu. Mà rượu không theo tiêu chuẩn, lại làm từ “men Tàu”, bằng hóa chất như gần đây thực đáng ngại. Thứ men không ủ từ cơm nấu chín, mà ủ sống ngay bằng gạo, rất được rượu, nhưng hại chưa biết đâu mà kể. Uống thứ rượu ma quỷ ấy có người như bị phát điên, phát cuồng bởi tác động thần kinh. Không ít đám sớ hay xảy ra các vụ va chạm, thậm chí gây chết người vì thứ rượu này. Chưa kể những tác hại lâu dài khó lường do độc tố từ chất men mờ ám ấy gây nên!
         Nói Sùng Mẫn Cường là anh trai mèo hiện đại chắc không có gì là quá lời. Anh đã tìm và thấy lối ra cho sản vật của quê mình. Những vạt chuối bạt ngàn dọc theo thung lũng tôi vừa đi qua từ nay sẽ không chịu cảnh bị ép giá. Không bán được cho thương lái chuối quả, sẽ có nơi tiêu thụ chuối ổn định là “Xưởng rượu” của Sùng. Một thứ rượu an toàn cho người tiêu dùng được cất từ men lá, theo kiểu truyền thống của người Dao trong vùng. Xã hội hòa nhập, các dân tộc học hỏi cái hay của nhau, không kỳ thị, bảo thủ ý riêng của mình, thật là điều đáng mừng
Một sáng kiến đáng kể như vậy, Sùng vẫn khiêm tốn nói: “Nếu như chưa có điện lưới quốc gia kéo vào tận đây, dù có muốn đến mấy, ý đồ của của mình cũng không thành được!”. Sùng nói với tôi như vậy. Điều đó đương nhiên rồi.

       Chợt nhớ đến một hai câu chuyện trước đây của mình. Quả là có chuyện không ổn thật. Mô tả gì mà ..những làng người Mông tăm tối, nhà cửa sơ sài, thấp bé lụp xụp? Đã là cái rất xưa rồi. Nếu không đến tận nơi, bạn sẽ nghĩ đây là câu chuyện viết để tuyên truyền!Thực ra là không phải vậy.
         Dọc hai bên đường những ngôi nhà trong câu chuyện cũ hiển nhiên giờ này đã không còn.  Thay vào đó là những ngôi nhà rộng rãi, khang trang, cột vuông, kẻ truyền, thưng ván được bào nhẵn nhụi. Có nhà còn lát đá hoa, cửa hộp như ngoài thành phố.           Trước cửa nhà nào cũng có chảo ăng ten kỹ thuật số. Ti vi mấy chục kênh đủ các đài trong nam ngoài bắc. Người làng Hoa Đào bây giờ nhìn ra thế giới, không còn bị hạn chế tầm nhìn, cách nghĩ như nhiều năm trước đây.
      Ngoài ngựa ra, xe máy nhà nào cũng vài ba “con”. Xe xấu dùng vận chuyển ngô đỗ, thóc gạo. Xe đẹp để đi chơi.
       Thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp giữa phố phường đông đúc của thành Tuyên chàng trai H’Mông đèo người yêu của mình váy áo sặc sỡ ngồi phía sau trên những chiếc xe tay ga bảy, tám chục triệu..

      Tôi ngồi đợi Sùng Mẫn Cường bên bãi cỏ vẩn vơ nghĩ bấy nhiêu chuyện. Chuyện gì cũng khá bất ngờ.
        Chỉ có mấy năm, trở lại đất này, làng người H’Mông ở đây như một làng khác, mình chưa được tới bao giờ. Mới thấm thía “Quyền lực mềm” của công nghệ thông tin, chủ trương “Điện đường trường trại” có sức khởi phát, mạnh mẽ như thế nào!
Nghèo nàn lạc hậu là kết quả của dân trí thấp dẫn đến dân sinh khổ cực, văn hóa không phát triển được.  Có điện, có đường là mở ra cục diện mới, chấm dứt nghèo đói của người vùng cao.
         Không có những thứ đó, làm sao có chàng trai Sùng Mẫn Cường sử dụng thành thạo intơnet, để rồi đem ứng dụng nó vào công việc thường ngày? Dùng máy phát cỏ tăng năng xuất lao đông gấp hàng chục lần, mới có thể tra ngô hàng tạ giống, thu hàng chục tấn ngô mỗi vụ. Rồi việc bảo quản vật nuôi, cây trồng  thế nào cho hiệu quả nhất?

        Bây giờ thì anh đang hướng dẫn đám trẻ trong làng trò chơi “Rồng ấp trứng”. Một trò chơi rất thú vị của người H’Mông có từ lâu, nhưng chưa được chơi ở làng này. Sùng ghi chép tỉ mỉ từ hôm đi dự tết Độc Lập trên Mộc Châu về, dạy cho lũ trẻ. Đây là trò chơi có từ năm đếm sáu người tham gia. Một số hòn sỏi tượng trưng cho trứng rồng để ở giữa vòng tròn. Một người sắm vai rồng chống hai tay quờ trên mặt đất cùng với hai chân làm thành cái khung bảo vệ trứng. Người này phải là người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tinh mắt, phán đoán được ý đồ đối phương. Năm người kia rình sơ hở lấy trứng rồng. Nhưng nếu bị chạm vào tay vào người là bị thua cuộc. Sau thời gian nhất định, trứng vẫn giữ được không mất quả nào, người đóng rồng sẽ thắng. Tuy nhiên phải xoay chuyển liên tục mới có thể đối phó với “kẻ thù” xâm chiếm, bảo vệ được  trứng của mình.
        Ngoài trò này ra, Sùng còn tham gia chuẩn bị cho một số trò chơi khác như ném Pao, đẩy gậy, bắn nỏ cho mấy ngày tết bắt đầu từ rằm tháng một này cho đến.. sang rằm tháng giêng.. Những trò này các năm trước đã có rồi nên không cần hướng dẫn. Chỉ cần sửa sang lại bãi đất làm sân chơi một chút là được.

***
Trong bữa trưa hôm ấy, tôi hỏi Sùng bí quyết làm ăn thành công khá nhanh của anh? Sùng cười thản nhiên:
-   Thứ nhất chịu khó, bền bỉ. Thứ hai cái gì chưa biết, chưa hiểu cứ hỏi “Gu gồ”, enter “một phát” là ra!
Thật là quá bất ngờ đối với tôi về chuyện này. Nhà tôi có đám bưởi bị nấm dong, nguy cơ thất quả vụ sau. Tôi lo.  Mất công đi cả ngày giời về trại giống cây trồng để hỏi cách trị bệnh này. Đáng ra chỉ mất mấy phút tra trên mạng!
         Cùng ngồi mâm với tôi còn mấy người nữa. Cao tuổi hơn là bác Mùa A Tráng, nhà cách nhà Sùng Một quãng, Hầu A Chẩng, Háng A Pao sấp sỉ với tôi, nhà xóm trên. Nhân câu chuyện về các họ người H’Mông, Sùng nói:
- Các ông có cái sai chết người về chuyện này, có biết không?
Tôi bảo không biết. Sùng cho hay: “ Người Mông vóc dáng thấp, nhỏ do trước đây có cả quá trình dài di cư, thiếu thốn về sinh hoạt. Nói suy dinh dưỡng do thời trước thì được. Nhưng bảo do lấy vợ lấy chồng cùng huyết thống như cánh nhà báo mô tả là sai hoàn toàn. Người mông không bao giờ có chuyện đó. Con trai con gái trước khi kết bạn đều hỏi họ của nhau. Nếu không cùng họ mới lấy nhau được chứ? Dù ở Thái Lan, ở Lào hay ở Mỹ ..Xa mấy cũng vậy thôi. Đã cùng một họ thì chỉ kết bạn, không lấy nhau được đâu!”
      Còn chuyện cây khèn, Sùng bảo tôi hỏi bác Mùa A Tráng nói cho mà nghe. Bác Mùa đứng lên, lại chỗ gần chỗ kê giường nằm, lấy ra cây khèn.
       Ông bảo: “ Chả biết mày tả cây khèn thế nào? Bọn người H’Mông tao hay nghĩ bằng mắt”. Rồi ông dựng cây khèn lên, chỉ từng bộ phận: “ Đầu của cây khèn này tượng trưng cho ngọn núi cao, lưng chừng ở giữa bầu khèn là làng bản người Mông ở quây quần lấy nhau, còn bên dưới là các ống khèn này tượng trưng cho các ruộng bực thang..” Ông ngừng lời một lúc, lim dim đôi mắt. Một lúc sau mới tiếp:
- Còn một câu chuyện nữa. Đó là ban nhạc của mấy cha con người H’Mông xa xưa.. Mỗi người dùng một cây sáo trúc to, nhỏ khác nhau để thổi. Người bố sợ sau này mình chết, các con không đoàn tụ, mỗi người một phách, mất lòng nhau không còn ăn ý, mới chế ra cái bầu khèn này để anh em họ gắn bó,hòa hợp với nhau..”
Tôi giật mình. Bấy lâu cứ tưởng mình am tường đôi chút về văn hóa, lối sống người
H’Mông hóa ra không phải!
Người H’Mông hiểu giản dị mà lại sâu sắc hơn mình biết rất nhiều!
       Rượu chuối làng Suối Hoa càng uống càng êm, càng cảm thấy ngon bởi hương thơm dịu của nó. Câu chuyện vì thế càng vui. Mỗi người góp vào một câu chuyện của mình, thêm một ý. Nhưng văn hóa là thứ ngấm dần dần như rượu, không thể hấp tấp hỏi ngay, ghi chép ngay lấy được.
        Cứ để tự nhiên người ta sẽ bộc lộ với mình.
Câu chuyện về tập quán làm bánh dày theo tôi hiểu trước đây lại là một sự sai nữa. Mình cứ hình dung người H’Mông sống gắn bó với rừng, nơi sơn cùng thủy tận thường yêu quý, coi trọng mặt trăng, thực ra không phải vậy. Ngoài ý nghĩa tượng trưng trời tròn đất vuông khi làm thứ bánh này như nhiều dân tộc khác, người H’Mông còn có câu chuyện riêng của mình.
Chuyện rằng: xưa thật là xưa, trong bản người H’Mông có đôi trai tài gái sắc. Hai người yêu nhau thắm thiết. Những đêm trăng sáng chàng trai có tên là Pờlai thường mang khèn ra bờ suối thổi, đợi người yêu. Họ quấn quýt bên nhau đến gần sáng mới rời. Dọc đường cô gái không may bị thần hổ cướp đi. Chàng trai đau khổ, quyết tâm đi tìm. Trước khi đi chàng làm ra thứ bánh này để ăn đường. Qua hết năm sông, mười núi vô cùng gian khổ..Thần hổ cảm tấm lòng son sắt thủy chung của chàng, bèn để cho cô gái trở về đúng vào mùa hoa đào  chớm nở.        
        Từ đó tết người H’Mông dù giàu dù nghèo, nhà nào cũng có thứ bánh này..
Rồi cái cửa của nhà người H’Mông vì sao lại chỉ mở trở vào bên trong, không mở ra phía ngoài như các dân tộc khác.. Tôi ngồi nghe và hết sức ngạc nhiên bởi nhiều ý nghĩa mới mẻ đến giờ mình mới biết.
        Ngủ lại vài đêm như Sùng Mẫn Cường nói là không thể. Năm hết tết đến rồi, tôi còn nhiều việc phải làm. Tết Nguyên Đán chừng nửa tháng nữa mới tới, nhưng công việc bề bộn cuối năm phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Những câu chuyện khác đành để lại lần sau. Từ giã mọi người, tôi rời làng Suối Hoa khi trăng đã mọc.
Con đường rừng nhấp nhoáng ánh trăng. Đâu đó văng vẳng tiếng cười xen trong tiếng nhạc. Ánh điện từ ngôi nhà nào đó hắt lên vòm cây, không giống như ánh điện nơi phố thị, đơn sơ gần gặn mình hơn.
Có một chút gì đó mơ hồ mà thật bâng khuâng!


======
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

THE END OF LOVE




Đây là đoạn cuối một chuyện tình, cuối tuần tôi kể...( ảnh nhặt trên OF )





Thêm cái nữa, không liên quan ( ảnh lấy bên nhà gã Văn Công tên Hùng )

CAO BÒI GIÀ

Nếu tin theo lời của một vài du khách có vội vàng khi nặng lòng mến yêu thủ đô thì ở Hà Nội ấn tượng hình như đáng kể nhất, đơn giản nhất vẫn là “mái ngói thơm nâu” hay “cây bàng lá đỏ”. Tất nhiên các “tua rít gia” còn kể lể nhiều thứ nữa. Này là sương loang hồ Tây, nào là thu vàng ngõ nhỏ. Rồi thì công phu ẩm thực, rồi thì kỹ tính thú chơi. Hà Nội đương nhiên đã và sẽ đầy đủ những thứ đó, nhưng cũng giống như một phức tạp tuyệt đại mỹ nhân hay một thâm trầm kiệt hiệt anh hùng, cái vượt thoát khỏi sự hay dở làm người ta tâm phục khẩu phục nửa kính nửa nhường lại hoàn toàn không nằm ở chuyện múa may son phấn.

Người có cốt cách Hồ Nội mang một phong độ rất riêng, nó là bản năng phố phường có được từ “chất.” (Những năm còn bao cấp sắp sửa manh nha sang đổi mới, dân chợ Giời rất hay dùng chữ “chất” khi phải mặc định một giá trị gì. Ví như cái quần bò này “chất” nhỉ, Lìvai Mỹ hay Kinngiô Thái. Hoặc siêu hình Xếchxi hơn, con bé ấy cực “chất”). Vì thế chỉ cần nghe một vài ngữ điệu giao tiếp người ở Hà Nội sành sỏi biết ngay người đối thoại thuộc loại nào. “Chất chơi” hay “chất quê.” Thậm chí còn định vị đúng anh/ chị ta đang sống ở phố cổ hay ở rìa cửa ô. Những cao thủ khinh bạc ngửi, rồi lọc lõi phán xét chính xác được về “chất” thường là những đàn ông có tuổi ngoài năm mươi trở lên mà giới vỉa hè trân trọng gọi cũng như bọn họ trịnh thượng tự nhận là cao bồi già Hà Nội.

Đó là những ngoại hình trung niên, rất khó đoán tuổi đã ngoài sáu mươi hay ngoài bảy mươi. Quần áo phẳng phiu hàng hiệu, hoặc là kiểu “đờ mi xe dông” (quần kaki áo vest), hoặc một bộ đũi sáng sang trọng đĩ tính bật nổi ra khỏi cái hồi khó khăn khi đồ cotton chưa lên ngôi. Bọn họ thích đi bộ, có lẽ cũng vì già, nhiều tay phô phang thì tay cầm batoong, mồm ngậm tẩu, đầu đôi “phớt” dạ và dưới thắt lưng da nâu có thấp thoáng một sợi dây xích sáng trắng từ cái đồng hồ quả quýt nắp bạc.

Bọn họ ăn sáng ở linh tinh các quán, các hàng rong, nơi những ông chủ bà chủ nổi tiếng nấu ngon cùng tài nhớ mặt khách, rồi khệnh khạng đi tới một hàng cà phê quen. Có điều, tất cả những hàng này, bắt buộc những hàng này phải trong bán kính một ki-lô-mét quanh hồ Hoàn Kiềm. Lờ mờ trong khói thuốc thơm câu chuyện của bọn họ khá tục, không phải vì bọn họ hay đệm mà do các chất trải nghiệm kẻ chợ cay đắng kiêu bạc đến mức tàn nhẫn. Phần nữa là bọn họ thường bỏ học dở dang, bởi người đã đúng là kẻ chợ thì tuy khát khao tôn trọng yêu trí thức nhưng hoàn toàn lại lười ngại để trở thành trí thức.

Do hầu hết xuất thân ở những gia đình dư giả có truyền thống buôn bán nên cho dù gia đình đang lụi bại xập xệ tất thẩy bọn họ đều ham chơi. Cái hỗn danh “mải chơi” không hẳn chỉ dành cho một người và xung quanh “hỗn danh” này có không biết bao nhiêu truyền kỳ phảng phất hoang đường.

Có một đôi ngoại tình yêu nhau không còn trẻ lắm đến chơi nhà một tay cao bồi già. Hồi ấy Hà Nội chưa có nhà nghỉ. Tay cao bồi ở trong một biệt thự cũ đang nhếch nhác chia năm xẻ bẩy nhưng vẫn có phòng riêng. Cặp tình nhân đưa ít tiền cho tay cao bồi đi mua đồ ăn trưa. Sau khi cẩn thận khóa cửa (phần lớn cao bồi thường ghét và khinh hàng xóm), tay này đi ra chợ Hàng Bè thì gặp đám bạn ngẫu hứng rủ đi Sài Gòn. Anh ta nhận lời ngay, lên tầu Thống Nhất đi luôn một tháng. Khỏi cần phải kể nỗi khổ kinh hoàng của đôi tình nhân bị nhốt kia trong suốt tháng ấy. Tuy mải chơi nhưng không hiểu sao các ông cao bồi toàn đẻ ra con cái (cả trong và ngoài giá thú) luôn luôn thành đạt. Ở Hà Nội hôm nay, đám con cái ấy đều phát tài thành cự phú. Bọn chúng đồng thanh bảo đấy là nhờ hấp thụ được cái sắc sảo lăn lộn tinh quái của người cha. Thảng trong đám đó có đứa phát phúc học hành, đàng hoàng làm giáo sư làm tiến sĩ.

Do bản chất tài hoa, đám cao bồi hầu hết tinh tế ham thích âm nhạc văn thơ hội họa. Thơ bọn họ chua chát trắng trợn hiểu người nên mặt lạ lắm. “Không vênh vang mặt giai không sợ. Không giáo giở lòng gái không thương.” Đây là hai câu vào loại nhẹ nhất trong bài thơ có nhan đề “Đời có ra chi mà đ… chửi” của một chân chính cao bồi ngoài bát thập. Và cũng chính từ họ, đám trẻ của Hà Nội nghìn năm văn hiến mới hiểu được câu thành ngữ khét tiếng “Gái Hàng Khoai, trai Hàng Lược.” Vì thế, cao bồi già thường nhìn các nhà “Hà Nội học” bằng cái nhìn “đểu”. Với họ, những nhà đấy ngoài việc thuộc tên phố thì còn lại chẳng biết cái quái gì.

Ngày nay, lớp cao bồi già đang dần dần tự tuyệt tự. Chẳng biết họ hay hay dở, nhưng bọn họ xứng đáng được ghi vào sách đỏ để bảo vệ giữ gìn như một loài khác lạ quý hiếm. Bởi không có họ, cũng như không có kẻ cắp chợ Đồng Xuân hoặc “phe phẩy” chợ Giời, Hà Nội sẽ vĩnh viễn mất đi một khoảng trống bi tráng nhố nhăng.

Mà nhố nhăng là một đặc tính làm nên một đô thị lớn, Vũ Trọng Phụng chuyên viết về cao bồi gốc Hà Nội đã bảo vậy.

@tản mạn của Nguyễn Việt Hà.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chân lý khoa học hay sự tưởng tượng kỳ quái?


SỬ DỤNG TOÁN HỌC ĐỂ CHỨNG MINH
SỰ TỒN TẠI CỦA LINH HỒN

TS. Đỗ Xuân Thọ - Thiếu tướng Chu Phác
1. MỞ ĐẦU
Trong bài báo này, chúng tôi sử dụng lý thuyết tập hợp và phương pháp tiên đề để chứng minh sự tồn tại của linh hồn. Để biết thật tường tận mong độc giả đọc tài liệu tham khảo [1]
2. VŨ TRỤ VÀ TÂM VŨ TRỤ
2.1. VŨ TRỤ
Trước khi đưa ra những tiên đề, định lý về Vũ trụ chúng ta phải xây dựng được các khái niệm cơ bản. Các khái niệm này như là vật mang tin. Nó giống như chữ viết và ký hiệu để diễn đạt một ngôn ngữ.
Ta sẽ bắt đầu bằng khái niệm Đối tượng. Đối tượng dùng để chỉ mọi thứ: bát cơm, manh áo, con người, trái đất, hệ mặt trời, thiên hà, ý nghĩ,khái niệm, học thuyết, xã hội, một chính thể v.v... Khái niệm Đối tượng có tác dụng tạo ra một sự khu biệt trong tư duy khi ta xét đến một vật, một thực thể, một khái niệm, một hệ thống v.v... nào đó. Đối tượng, như sau này sẽ thấy, nó gần giống như khái niệm tập hợp nhưng không phải tập hợp vì không có đối tượng nào trống rỗng tuyệt đối.
Tiếp theo là khái niệm Lớp và Tập hợp. Đầu tiên ta tạm hiểu nó như khái niệm lớp và tập hợp cổ điển [3] và lớp mờ, tập hợp mờ theo nghĩa của A.L. Zadeh [4].
Khái niệm Vô cùng dùng để chỉ sự vô biên, vô tận, không bờ bến, không bị hạn chế v.v...
Duy nhất là khái niệm chỉ sự: chỉ có một không có hai.
Tiếp theo là khái niệm Vận động. Vận động có thể hiểu như sự đổi chỗ trong không gian và thời gian, sự thay đổi trong các phản ứng hoá học, sự phát triển hoặc suy thoái của một quốc gia, một học thuyết hoặc một chính thể. Nó chỉ sự sinh trưởng hoặc chết đi của một sinh vật, sự thay đổi trong tư duy của một con người v.v...
Cùng với sự vận động còn có khái niệm vận tốc, gia tốc v.v...
Ta sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra quan niệm của chúng ta về Vũ trụ.
Định nghĩa 1: Vũ trụ là một lớp V tất cả các đối tượng x sao cho x=x: 
V= { x | x = x }.
Định nghĩa 1 nói lên quan niệm của chúng ta về vũ trụ, đó là một lớp các đối tượng sao cho « nó » là « nó » và ngược lại bất cứ một cái gì mà « nó » là « nó » thì nó sẽ thuộc vũ trụ V.
Cũng theo định nghĩa 1, ta thấy Vũ trụ của thiên văn học chỉ là một phần của Vũ trụ vừa được định nghĩa. Vũ trụ của thiên văn học không chứa hồn của một làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh (với tư cách là một đối tượng) chẳng hạn…
Định lý 1:Giữa hai đối tượng bất kỳ bao giờ cũng tồn tại ít nhất một mối liên hệ
CM: Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ, V là vũ trụ. Vì A=A nên A ÎV, vì B=B nên BÎV . Khi đó mối liên hệ “A và B cùng thuộc vũ trụ V” hiển nhiên là một trong các mối liên hệ giữa A và B => đ.p.c.m
Từ nay, khi nói đến một đối tượng ta phải hiểu nó cùng với tập hợp các mối liên hệ của nó với các đối tượng khác. Đôi khi để nhấn mạnh ta sẽ gọi là đối tượng đầy đủ.
Tiếp theo ta sẽ thừa nhận tiên đề mà hầu như mọi triết học đều công nhận
Tiên đề 1: Mọi đối tượng trong Vũ trụ đều luôn luôn vận động.
Tiên đề này cho ta thấy vận động là thuộc tính của mọi đối tượng. Mọi đối tượng trong Vũ trụ đều vận động theo vô vàn các phương thức khác nhau. Từ định nghĩa 1 và tiên đề 1 ta thấy rằng mọi đối tượng trong vũ trụ đều có đặc trưng “nó” là “nó” nhưng lại không phải là “nó”... Thật kỳ diệu !…
Định lý 2:Vũ Trụ V là vô cùng theo mọi phương
CM: Giả sử H là một hệ quy chiếu có gốc O tuỳ ý thuộc vũ trụ V và các trục Oxi, với i thuộc tập các chỉ số C tuỳ ý (C có thể là tập có vô hạn phần tử). Các trụ Oxi là những đường thẳng, làm thành các trục số của tập số thực R. (Sự tồn tại một hệ quy chiếu như thế, trong vật lý có thể còn tranh cãi nhưng trong vũ trụ V của chúng ta , vũ trụ bao gồm cả vật chất và ý thức, là điều hiển nhiên. Ví dụ hệ quy chiếu đó tồn tại ngay trong tư duy của ta chẳng hạn) Ta sẽ chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một chỉ số j thuộc C sao cho Vũ Trụ V hữu hạn trên trục Oxj. Không giảm tổng quát ta giả sử nó hữu hạn ở phần dương của Oxj (Nếu hữu hạn ở phần âm CM tương tự). Khi đó tồn tại một số thưc A để sao cho mọi đối tượng của V đều có toạ độ theo phương Oxj đều nhỏ hơn hay bằng A. Chọn điểm M có tất cả các toạ độ khác bằng 0 trừ toạ độ trên Oxj là bằng A+1. Rõ ràng A+1>A và M=M nên điểm M (với tư cách là một đối tượng) thuộc vũ trụ V (theo định nghĩa vũ trụ). Sự vô lý này chứng tỏ V vô hạn trên Oxj suy ra không tồn tại một chỉ số i nào thuộc C để vũ trụ V hữu hạn theo phương Oxi => điều phải chứng minh.
Chú ý: Việc chọn các trục tọa độ là đường thẳng chỉ là một trong vô hạn cách chọn để nhấn mạnh và làm dễ hiểu cho độc giả. Các trục tọa độ của hệ quy chiếu H có thể là bất cứ cái gì: đường cong, một sợi tư duy thậm chí chỉ là một ước mơ… trong đầu của một người nào đó (ở Trái Đất hoặc ngoài Trái Đất).
Đến đây ta đưa ra một định lý rất quan trọng.
Định lý 3: Vũ trụ là duy nhất
CM: Giả sử V1và V2 là hai Vũ trụ khác nhau. Khi đó với đối tượng d bất kỳ thuộc V1 thì suy ra d=d do V1 là vũ trụ. Mặt khác vì d = d nên d thuộc V2 vì V2 cũng là vũ trụ. Suy ra V1 được chứa trong V2 (1). Ngược lại với đối tượng d bất kỳ thuộc V2 thì d =d do V2 là vũ trụ. Mặt khác vì d = d nên d thuộc V1 vì V1 cũng là vũ trụ. Suy ra V2 được chứa trong V1 (2). Từ (1) và (2) suy ra V1 trùng với V2. Suy ra đ.p.c.m.
Định lý 3 khẳng định Vũ trụ của chúng ta là duy nhất, không có Vũ trụ thứ hai.
Vũ trụ của chúng ta thật vô cùng vô tận mà sống động. Đó là Vũ trụ duy nhất, không có Vũ trụ thứ hai.
2.2. TÂM VŨ TRỤ
Đến đây ta sẽ đưa vào một khái niệm mới – Tâm Vũ trụ. Khái niệm này được trình bày một cách ngắn gọn nhất nên nó là một khái niệm hết sức trừu tượng nhưng lại là khái niệm trung tâm của phần này. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một định nghĩa ngắn gọn:
Định nghĩa 2:Tâm Vũ Trụ là một đối tượng TVT sao cho TVT là miền giao của mọi đối tượng của vũ trụ V : TVT = ∩ V
Định nghĩa này cho ta thấy Tâm Vũ trụ là cái chung nhất của tất cả các đối tượng trong Vũ trụ. Nó là “Thuộc tính” có trong mọi đối tượng.
Ngay sau đây ta sẽ chứng minh hai định lý mang tính nhận thức luận.
Định lý 4: Tâm Vũ Trụ là tồn tại :TVT ≠ Ø
CM: Ta phải chứng minh miền giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ là khác trống. Thật vậy vì tính vận động là có trong mọi đối tượng như tiên đề 1 đã khẳng định nhưng tính vận động đến lượt nó lại là một đối tượng trong Vũ trụ nên giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ chứa đối tượng vận động nên rõ ràng khác trống => đ.p.c.m.
Định lý 5:Tâm Vũ Trụ là duy nhất
CM : Giả sử TVT1 và TVT2 đều là Tâm Vũ trụ. Ta phải chứng minh TVT1 trùng với TVT2. Thật vậy vì TVT1 là Tâm Vũ trụ và TVT2 là một đối tương nên
TVT1 Ì TVT2 (TVT1 được chứa trong TVT2) (1).
Vì TVT2 là Tâm Vũ trụ và TVT1 là một đối tượng nên
TVT2 Ì TVT1 (TVT2 được chứa trong TVT1) (2)
Từ (1) và (2) suy ra TVT1 º TVT2 (TVT1 trùng với TVT2) => đ.p.c.m
Ngay tại đây chúng ta sẽ đưa ra một hệ quả trực tiếp từ định nghĩa Tâm Vũ trụ:
Định lý 6:Tâm Vũ Trụ có trong mọi đối tượng
CM: Tâm Vũ trụ là miền giao của mọi đối tượng và Tâm Vũ trụ tồn tại duy nhất. Theo định nghĩa phép giao trong lý thuyết Tập hợp suy ra nó có trong mọi đối tượng trong Vũ trụ. (đ.p.c.m.)
Thực ra, đã từ lâu loài người đã cảm nhận được sự tồn tại của Tâm Vũ trụ và gọi nó với các cái tên khác nhau như: Thuộc tính, Bản chất, Tạo hoá, Chân lý Tối thượng, Tự nhiên, Trời, Thượng đế v.v... Nhưng có thể nói khái niệm Tâm Vũ trụ ở đây rành mạch, sâu sắc và tổng quát hơn nhiều những khái niệm kể trên.
Định lý 8:Mọi đối tượng trong Vũ trụ không tự nhiên mất đi một cách vĩnh viễn mà chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác.
CM : Giả sử rằng A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Khi đó theo định lý 6, A chứa Tâm Vũ trụ. Nếu A bị mất đi vĩnh viễn suy ra Tâm Vũ trụ sẽ bị mất đi vĩnh viễn. Điều này trái với hai định lý về sự tồn tại và duy nhất của Tâm Vũ trụ. Suy ra đ.p.c.m.
3. VŨ TRỤ LINH HỒN
3.1. LINH HỒN
Trước hết, ta đưa vào hai khái niệm cơ bản: đối tượng hữu hình và đối tượng vô hình
Định nghĩa 3:Đối tượng hữu hình là đối tượng có kích thước hình học
Cái bàn, cái cốc, thân thể con người, con sông, dãy núi, trái đất, hạt nhân nguyên tử, hạt quắc, các phô tông ánh sáng, thân xác các siêu vi khuẩn. v.v… là các ví dụ về các đối tượng hữu hình
Định nghĩa 4: Đối tượng vô hình là đối tượng không có kích thước hình học
Tư duy, ý nghĩ, khái niệm, truyền thống, tình yêu, hạnh phúc, lòng căm thù, tính cao thượng, linh hồn, điểm hình học, văn hoá phi vật thể...v.v…là các ví dụ về các đối tượng vô hình.
Định lý 9: Tâm Vũ Trụ vừa là đối tượng hữu hình vùa là đối tượng vô hình
CM: Vì các đối tượng hữu hình hay đối tượng vô hình đều là đối tượng trong Vũ Trụ nên theo định lý 6 chúng đều chứa Tâm Vũ Trụ. Điều này suy ra Tâm Vũ Trụ vừa là đối tượng vô hình vừa là đối tượng hữu hình (đ.p.c.m).
Đến đây chúng ta phát biểu một định nghĩa nói lên quan điểm rứt khoát của chúng ta về linh hồn.
Định nghĩa 5: Giả sử A là một đối tượng đầy đủ bất kỳ trong vũ trụ. Linh hồn của A là lớp tất cả các thành tố vô hình tạo nên A.
Như vậy linh hồn của A bao gồm lớp những phần vô hình trong A và lớp tất cả các mối liên hệ vô hình của A với mọi đối tượng trong Vũ Trụ
Ở đây ta thấy khái niệm linh hồn của chúng ta tường minh, tổng quát và sâu sắc hơn tất cả những quan niệm về linh hồn của loài người trước đây.
Định lý 10:Tâm Vũ trụ chứa linh hồn
CM: Theo định lý 9 Tâm Vũ Trụ vừa là đối tượng hữu hình vừa là đối tượng vô hình nên theo định nghĩa 5 suy ra Tâm Vũ Trụ chứa linh hồn (đ.p.c.m.)
Định lý 11:Mọi đối tượng trong Vũ trụ đều có linh hồn
CM: Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ., theo định lý 6, A chứa Tâm Vũ Trụ . Vì Tâm Vũ Trụ chứa linh hồn nên A có linh hồn Suy ra điều phải chứng minh (đ.p.c.m).
Mọi đối tượng đều có linh hồn kể cả những vật mà loài người cho là vô tri nhất. Do khái niệm về đối tượng vô hình và định nghĩa linh hồn suy ra hòn đá có hồn của hòn đá, nó cũng có các cảm xúc như yêu thương, giận hờn v.v… và ta có thể giao tiêp với nó. Định lý 11 còn cho ta giải thích tại sao loài người, đặc biệt là trong văn chương lại có loại văn nhân cách hoá; tại sao loài người lại thờ nhiều thần như thế : thần biển, thần núi, thần gió, thần mặt trời v.v…; tại sao lại có các khái niệm “ hồn nước”, “hồn thiêng song núi”,v.v…
Mọi đối tượng đều có linh hồn nhưng đối tượng nào “gần” Tâm Vũ Trụ hơn sẽ có linh hồn mạnh hơn. Ví dụ loài người và loài chó đều có linh hồn nhưng loài người gần Tâm Vũ Trụ hơn nên có linh hồn mạnh hơn nên có thể thuần dưỡng và điều khiển được loài chó.
Vì linh hồn cũng là một đối tượng trong Vũ trụ nên nó tuân theo tiên đề 1: Nó luôn luôn vận động
Để cho hoàn chỉnh và theo mạch tư duy ta sẽ chứng minh một loạt các định lý sau.
Định lý 12: Linh hồn giao tiếp với nhau giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ bao giờ cũng phải thông qua Tâm Vũ Trụ
CM: Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ, f là một mối liên hệ vô hình bất kỳ giữa A và B. Theo định nghĩa linh hồn suy ra f là một thành tố của linh hồn. Nhưng đến lượt mình f lại là một đối tượng trong Vũ Trụ. Theo định lý 6 , f phải chứa Tâm Vũ Trụ. Hay nói cách khác f phải thông qua Tâm Vũ Trụ. Suy ra đ.p.c.m.
Định lý 13:Tâm Vũ Trụ chứa toàn bộ linh hồn của mọi đối tượng trong Vũ Trụ
CM: Ta chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một đối tượng A có một phần linh hồn F(A) không có trong Tâm Vũ Trụ. Khi đó tồn tại một giao tiếp f chứa trong F(A) không thông qua Tâm Vũ Trụ. Điều này trái với định lý 12 vừa phát biểu. Suy ra đ.p.c.m.
Định lý 14:Tâm Vũ Trụ truyền linh hồn đến mọi đối tượng trong Vũ trụ là tức thời trong mọi hệ quy chiếu
CM: Ta chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một đối tượng A trong Vũ Trụ nhận được linh hồn từ Tâm Vũ Trụ đến mình không tức thời. Suy ra tồn tại một thời điểm t0 mà tại đó A không có linh hồn. Điều này trái với định lý 11 suy ra điều phải chứng minh(đ.p.c.m.)
Định lý 15: Vận tốc của ánh sáng c » 300000 km/s không phải là giới hạn vận tốc truyền linh hồn trong Vũ trụ
CM: Giả sử A và B là hai đối tượng cách nhau 1 tỷ năm ánh sáng, f là một thành tố linh hồn được truyền từ A đến B. Theo định lý 12 “đoạn đường” mà f chuyển động được chia thành 2 phần d1: từ A đến Tâm Vũ Trụ và d2: từ Tâm Vũ Trụ đến B. Theo định lý 13 suy ra f chuyển động trên d1 là tức thời (1). Theo định lý 14 f chuyển động trên d2 cũng tức thời (2). Từ (1) và (2) suy ra f chuyển động từ A đến B là tức thời. A và B cách nhau 1 tỷ năn ánh sang nên f có vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng c hàng tỷ lần. Suy ra đ.p.c.m.
Chúng ta đã chứng minh chặt chẽ một loạt các định lý vô cùng quan trọng. nó chứa đựng một Vũ Trụ Quan khác hẳn với loài người từ trước tới nay. Tâm Vũ Trụ chứa toàn bộ linh hồn của Vũ Trụ và ban phát những ý tưởng, những cảm xúc, những tình yêu, những chân lý.v.v.. xuống các đối tượng một cách tức thời làm cho chúng ta tưởng rằng những thứ đó có sẵn trong các đối tượng. Bộ não của chúng ta thực chất chỉ là cái sơ mướp không hơn không kém nếu Tâm Vũ Trụ không truyền linh hồn đến chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không phải bù nhìn, con dối vì theo định lý 6 suy ra chúng ta chứa Tâm Vũ Trụ. Nếu chúng ta tiến về Tâm Vũ Trụ thì đến một lúc nào đó ta là Tâm Vũ Trụ và Tâm Vũ Trụ chính là ta. Sự hòa hợp Thượng Đế này diễn ra ngay từ khi ta đạt đến lân cận số 3 của Tâm Vũ Trụ. Khi đó ta dần dần hiểu được cả Vũ Trụ vô cùng vô tận hiện tồn này như hiểu lòng bàn tay của mình vậy.
Khi truyền tình yêu hoặc lòng căm thù đến một người nào đó thì tình yêu đó, lòng căm thù đó phải tập kết ở Tâm Vũ Trụ rồi mới được truyền đến người đó…không có gì có thể giấu được Tâm Vũ Trụ…
Ở Tâm Vũ Trụ không có cái gì là tương đối, là ngẫu nhiên, là may dủi. Tất cả là tuyệt đối là chính xác hoàn toàn là chắc chắn vĩnh cửu.
Mọi sự độc ác, mọi sự đê tiện, mọi sự hèn hạ…khi tiến đến gần Tâm Vũ Trụ đều biến đổi và trở thành lòng tốt tuyệt đối, cao thượng tuyệt đối, dũng cảm tuyệt đối….
Dễ dàng chứng minh chặt chẽ rằng Tâm Vũ Trụ là nỗi cô đơn tuyệt đối, là niềm hạnh phúc tuyệt đối, là tình yêu tuyệt đối.
Tiến đến một lân cận nào đó của TVT ta có thể yêu một cơn bão “tàn bạo vô tri” như yêu một người đàn bà đẹp, hiền thục… Thương kẻ đã thọc dao sau lưng ta như thương một người khuyết tật…Và ta điều khiển mọi đối tượng trong vũ trụ bằng một tình yêu khủng khiếp mang dấu ấn của Tâm Vũ Trụ.
3.2. VẬT CHẤT (THÂN XÁC)
Vật chất đã được các nhà vật lý nghiên cứu rất kỹ nên ta chỉ nói lướt qua, việc đưa nó vào lúc này chỉ để tạo sự cân đối cho lý thuyết.
Định nghĩa 6:Giả sử A là một đối tượng đầy đủ bất kỳ trong Vũ trụ. Lớp tất cả các thành tố hữu hình tạo nên A được gọi là vật chất của A 
Định lý 16:Tâm Vũ Trụ chứa vật chất
CM: Theo định lý 9 Tâm Vũ Trụ vừa là đối tượng hữu hình vừa là đối tượng vô hình nên theo định nghĩa 6 suy ra Tâm Vũ Trụ chứa vật chất (đ.p.c.m.)
Định lý 17:Mọi đối tượng trong Vũ Trụ đều có phần xác (vật chất)
CM: Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ., theo định lý 6, A chứa Tâm Vũ Trụ . Vì Tâm Vũ Trụ chứa vật chất suy ra A có vật chất Suy ra điều phải chứng minh (đ.p.c.m).
Như vậy một đối tượng A bất kỳ trong Vũ Trụ đều gồm 2 phần: phần xác và phần hồn
Chú ý:

1) Đối với một đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ bao giờ cũng có cả phần xác và phần hồn trong nó. Không có đối tượng nào là vô tri. Núi có hồn của núi, sông có hồn của sông, các cơn bão cũng có linh hồn v.v..Ngược lại không có đối tượng nào chỉ có thuần túy linh hồn. Linh hồn của một người đang sống hoặc đã chết vẫn có các mối liên hệ vật chất với các đối tượng hữu hình. Tư duy của một con người có thể biến thành một sức mạnh vật chất.
2) Mọi đối tượng đều có linh hồn nhưng mạnh, yếu khác nhau. Đối tượng nào càng gần Tâm Vũ Trụ thì linh hồn càng mạnh. Trong hai đối tượng, đối tượng nào có linh hồn mạnh hơn sẽ điều khiển được đối tượng kia. Ví dụ, loài người và loài chó đều có linh hồn nhưng loài người gần Tâm Vũ Trụ hơn nên có linh hồn mạnh hơn . Do đó loài người có thể thuần dưỡng và điều khiển được loài chó
3.3.VŨ TRỤ LINH HỒN
3.3.1. VŨ TRỤ VẬT CHÂT VÀ VŨ TRỤ LINH HỒN
Trước hết, để cho cân đối ta định nghĩa Vũ Trụ Vật Chất và Vũ trụ các Linh Hồn và phát biểu 2 định lý khẳng định sự tồn tại của chúng
Định nghĩa 7:Vũ trụ Linh Hồn là lớp tất cả các linh hồn của mọi đối tượng trong Vũ Trụ và ký hiệu là Vyt
Định nghĩa 8: Vũ trụ Vật Chất là lớp tất cả các vật chất của mọi đối tượng trong Vũ Trụ và ký hiệu là Vvc
Vì một đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ đều có hai thành tố vật chất và linh hồn nên sự tồn tại của Vyt và Vvc là hiển nhiên. Do đó ta có hai định lý
Định lý 18: Vũ trụ Vật Chất Vvc là tồn tại.
Định lý 19: Vũ trụ Linh Hồn Vyt là tồn tại
Đến đây ta chứng minh một định lý tuyệt vời cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa vũ trụ Linh hồn và vũ trụ V. Định lý này tạm gọi là:”Định lý Cầu được, ước thấy” hay « Định lý MUỐN LÀ ĐƯỢC »
Định lý 20: Định lý MUỐN LÀ ĐƯỢC
Giả sử Vyt là vũ trụ Linh Hồn, V là vũ trụ. Khi đó mọi tập con khác trống A của Vyt bao giờ cũng tồn tại một ánh xạ 1-1 f và một tập con B khác trống của V sao cho B là ảnh của A qua ánh xạ f
CM: Giả sử a1 là một phần tử của tập A và b1 là một phần tử của V (Theo tiên đề chọn ta luôn chọn được b1). Vì a1 và b1 đều là các đối tượng nên theo định lý 1 về mối lien hệ phổ biến suy ra tồn tại ít nhất một mối liên hệ giữa a1 vả b1. Ta chọn một mối liên hệ f1 giữa a1 và b1. Tương tự với phần tử a2 (khác a1) ta chọn b2 thuộc V khác b1. và vẫn theo định lý 1 ta lại chọn được mối liên hệ f2 giữa a2 và b2…v.v . Sau khi chọn hết các phần tử của A ta có tập các mối liên hệ f gồm các mối liên hệ fi và tập con B của V gồm các bi vừa kể trên. Rõ rang f là ánh xạ 1-1 từ A vào B. suy ra điều phải chứng minh
Ánh xạ f vừa mô tả trong chứng minh có thể từ vũ trụ Linh Hồn Vyt đến vũ trụ Vật Chất Vvc hoặc đến chính vũ trụ Linh Hồn Vyt
Định lý này có thể suy ra:" Mọi sự tưởng tượng của chúng ta dù điên rồ đến đâu bao giờ cũng tồn tại một thực tế có thực trong vũ trụ đúng như ta tưởng tượng"......Các bạn cứ ước mơ đi dù điên rồ tới đâu cũng được.....sẽ có một vùng nào đấy của vũ trụ mà ở đó ước mơ của bạn là hiện thực....Người Pháp có câu ngạn ngữ tuyệt hay:" Muốn là được" nhưng chưa chứng minh chặt chẽ . Việt Nam cũng có câu tuyệt hay:”Cầu được ước thấy” .Các bạn có thể khuyên con mình phải tiết kiệm tiền nhưng khi ước mơ đừng bao giờ tiết kiệm....
3.3.2. VŨ TRỤ LINH HỒN
Bây giờ ta sẽ bàn sâu về Vũ trụ Linh Hồn Vyt, một phần của Vũ Trụ mà loài người còn biết rất mù mờ về nó.
Trước hết ta sẽ đưa ra định nghĩa về nền văn minh Trái Đất sau đó sẽ chứng minh trong Vũ Trụ có vô hạn các nền văn minh tương tự như nền văn minh Trái Đất
Định nghĩa 9: Lớp tất cả cáclinh hồn của loài người trên Trái Đất được gọi là nền Văn Minh Trái Đất và ký hiệu Nyt
Để khẳng định Vũ Trụ Linh Hồn Vyt theo quan niệm của chúng ta khác hẳn với loài người ta sẽ phát biểu và chứng minh định lý sau đây
Định lý 21: Tồn tại vô hạn các nền Văn Minh tương tự như nền văn minh Trái Đất Nyt trong Vũ Trụ
Có hàng loạt cách chứng minh định lý 21 này. Ở đây ta sẽ đưa ra một cách chứng minh dễ hiểu nhất
CM cách 1: Ta sẽ chứng minh bằng phản chứng. Giả sử trong Vũ Trụ chỉ tồn tại hữu hạn các nền Văn Minh tương tự như Nyt. Gọi f là phương “các nền Văn Minh tương tự như Nyt” suy ra Vũ Trụ bị hữu hạn theo phương f. Điều này trái với định lý 2 về tính vô cùng vô tận của Vũ Trụ . Suy ra đ.p.c.m.
CM cách 2: Do định lý 21 là một tập con khác trống A của vũ trụ Linh hồn Vyt nên theo định lý Muốn là được 20 tồn tại một tập con khác trống B trong vũ trụ V cùng với một ánh xạ 1-1 f từ A vào B sao cho B là ảnh của A qua f. Điều này có nghĩa rằng có vô hạn các nền văn minh tương tự như Trái Đất Nyt trong Vũ Trụ. Suy ra đ.p.c.m.
Như vậy có vô hạn các nền Văn Minh ngoài trái đất. Nếu lấy Nyt làm gốc ta sẽ thấy có những nền Văn Minh yếu hơn Nyt (lạc hậu hơn Nyt), có những nền Văn Minh mạnh hơn Nyt (tiến bộ hơn Nyt). Lẽ dĩ nhiên nền Văn Minh mạnh nhất Vũ Trụ chính là Tâm Vũ Trụ. Nền Văn Minh A gần Tâm Vũ Trụ hơn nền Văn Minh B thì A sẽ mạnh hơn B và “chỉ huy “ được B
Vũ trụ Linh Hồn Vyt được “dệt” nên bởi vô hạn các đường truyền linh hồn của vô hạn các đối tượng trong Vũ Trụ. Như định lý 1 về mối liên hệ phổ biến và định nghĩa linh hồn, suy ra về nguyên tắc chúng ta luôn luôn phải “thu” tất cả các đường truyền linh hồn của mọi đối tượng trong Vũ Trụ và “phát” đi bằng ấy các đường truyền phản xạ.
Do đó suy ra chúng ta, những con ng,ười trên Trái đất, hàng ngày hàng giờ,hàng phút, hàng giây, hàng nano giây... đang được “nhúng” trong một “mạng lưới” các đường truyền linh hồn của Vyt .
Vì các đường truyền linh hồn của Vyt không nhìn thấy được kể cả khi dùng các thiết bị hiện đại nhất của loài người nên chúng ta không biết nó tồn tại .
Những đường truyền này có dạng sóng với vô hạn tần số. Ta sẽ gọi các đường truyền đó là Sóng Ý Thức (SYT). Chúng ta có thể nhịn thở được 3 phút nhưng không thể thiếu SYT trong 3 nano giây....
SYT có vô hạn tốc độ. Chúng có thể truyền tức thời vào đầu ta từ một đối tượng cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng và cũng có thể truyền vào đầu ta chậm như rùa bò một một bài toán cực khó đối với ta trong quyển sách bài tập toán trên bàn làm việc.
Không một bức tường vật chất nào cản được SYT nên mọi đặc trưng chuyển động của nó chỉ có thể đo bằng chính linh hồn.
Mọi đường truyền của SYT của mọi đối tượng trong Vũ Trụ đều phải “ tập kết” ở Tâm Vũ Trụ trước khi đến “địa chỉ” cần truyền.f
4.KẾT LUẬN
Như vậy , chúng tôi đã trình bầy quan niệm của chúng tôi về vũ trụ, về tâm vũ trụ về thể xác và về linh hồn một cách tổng quát nhất thông qua các khái niệm cơ bản và 9 định nghĩa. Bằng việc phát biểu 1 tiên đề, phát biểu và chứng minh chặt chẽ 21 định lý, bức tranh về vũ trụ hiện tồn , về tâm vũ trụ và sự tồn tại của linh hồn đã được chứng minh một cách chính xác bằng toán học.
Tất cả các kết quả này là một sự chọn lọc và tinh giản các kết quả của học thuyết Tâm Vũ Trụ mà chúng tôi đã công bố gần đây [1], [2]. Vì dung lượng của báo có hạn nên không thể trình bầy chi tiết hơn. Rất mong độc giả thông cảm

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Xuân Thọ : Tâm Vũ Trụ, NXB Dòng họ Đỗ Việt Nam, Hà Nội, 2012.
[2] Đỗ Xuân Thọ: Lý giải từ góc độ toán học một số luận điểm cơ bản của triết học về vũ trụ. Tạp chí Triết học tháng 1 năm 2003, Việt Nam
[3] Kelly J.L.: General Topology, New York (USA), 1967
[4] Zadeh L.A. : Fuzzy Set,California (USA) 1965

Phần nhận xét hiển thị trên trang