Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

Khoa học Việt Nam đang ở đâu trong quá trình phát triển?


Theo lí thuyết về phát triển khoa học, nền khoa học của một quốc gia trải qua 4 giai đoạn phát triển: tiền phát triển, xây dựng, củng cố và mở rộng, và quốc tế hóa. Dựa trên những dữ liệu trắc lượng khoa học trong thời gian qua, có thể nói rằng khoa học Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn thứ hai, tức xây dựng thực lực khoa học.



Nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong thời gian 20 năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng bài báo khoa học công bố trên những tập san trong danh mục ISI đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, đạt khoảng 17% mỗi năm. Vào đầu thập niên 1990, số bài báo khoa học của Việt Nam trên các tập san ISI chỉ khoảng 300; đến đầu thập niên 2000, số bài báo công bố quốc tế cũng chỉ ~400; nhưng đến năm 2015 thì số công bố quốc tế đã xấp xỉ 3000 bài. Những dữ liệu này phản ảnh mức độ hoạt động khoa học đang gia tăng nhanh.

Nhưng một khía cạnh khác của sự tăng trưởng ít khi nào được quan tâm đúng mức là hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học là qui luật chung và rất cần thiết cho các nước đang phát triển. Qua hợp tác quốc tế, giới khoa học có thể "gia nhập" mạng nghiên cứu quốc tế, chia sẻ tài nguyên khoa học, và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Vào thập niên 1990, đa số (80%) những công bố quốc tế từ Việt Nam có yếu tố hợp tác quốc tế. Đến nay, con số này có phần giảm nhưng vẫn xấp xỉ 77%. Mức độ hợp tác quốc tế cũng phản ảnh quá trình phát triển khoa học của một quốc gia.

Bốn giai đoạn phát triển

Theo cách nhìn của lí thuyết phát triển, nền khoa học của một quốc gia trải qua 4 giai đoạn phát triển (1), và mỗi giai đoạn được định hình bởi một vài chỉ số về trắc lượng khoa học (scientometrics) và hợp tác quốc tế:  

Trong giai đoạn đầu, tiền phát triển, mức độ hoạt động nghiên cứu khoa học còn thấp, vì nghiên cứu chỉ được thực hiện bởi một nhóm nhỏ nhà khoa học. Trong giai đoạn tiền phát triển, cơ chế tài trợ cho nghiên cứu còn nhiều bất cập và chưa định hướng nghiên cứu rõ ràng. Hai đặc điểm chính của giai đoạn tiền phát triển là số lượng bài báo khoa học thấp và dao động nhiều giữa các năm, và rất ít hợp tác quốc tế trong giai đoạn tiền phát triển.

Giai đoạn 2 được xem là thời gian xây dựng. Trong giai đoạn này, số lượng bài báo gia tăng theo thời gia, và hướng nghiên cứu cũng bắt đầu định hình. Các nhà khoa học bắt đầu hội nhập thế giới, qua thiết lập những mối liên hệ với đồng nghiệp nước ngoài, phần lớn là từ các nước đã phát triển. Do đó, mặc dù số lượng bài báo tăng nhanh, nhưng đa số những bài báo này là do hợp tác quốc tế. Trong hợp tác này, vai trò của nhà khoa học địa phương còn khiêm tốn, thường là vai trò thứ phát, vì người chủ trì dự án nghiên cứu thường là người nước ngoài. 

Giai đoạn 3 được xem là giai đoạn củng cố và mở rộng. Trong thời gian này, quốc gia đã có được cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học, và năng lực khoa học đã tạm vững vàng. Tài trợ cho nghiên cứu khoa học bắt đầu tăng nhanh và có chương trình rõ ràng hơn. Các tập san khoa học nội địa cũng bắt đầu quốc tế hóa và có xác suất cao được chấp nhận trong danh mục ISI hay Scopus. Số bài báo khoa học tiếp tục tăng nhanh, số bài báo hợp tác quốc tế cũng tăng, nhưng tỉ trọng bài báo hợp tác quốc tế bắt đầu giảm dần

Giai đoạn sau cùng là quốc tế hóaTrong giai đoạn này, năng lực nghiên cứu khoa học được mở rộng, các trung tâm nghiên cứu bắt đầu "trưởng thành" và có thể đóng vai trò lãnh đạo trong các chương trình hợp tác quốc tế. Số bài báo khoa học vẫn tăng, nhưng chất lượng khoa học cũng cải tiến, và nghiên cứu bắt đầu có tác động trên trường quốc tế. Hợp tác quốc tế trong giai đoạn này không cao như giai đoạn xây dựng, và các nhà khoa học nội địa là những người đứng đầu trong các dự án hợp tác khoa học.

Những chuyển biến về công bố quốc tế trong vùng

Trong thời gian 15 năm (2001 - 2015), các nhà khoa học Việt Nam đã công bố được 18,076 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI (2). So sánh với các nước trong vùng trong cùng thời kì, số bài báo khoa học của Việt Nam đã vượt qua Indonesia và Philippines, nhưng vẫn còn thấp hơn so với Thái Lan, Malaysia và Singapore. Thật vậy, số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ mới bằng 28% của Thái Lan, 25% của Malaysia, và 15% của Singapore.

Một xu hướng đáng chú ý là Malaysia đã bắt đầu vượt qua Singapore về số lượng bài báo khoa học công bố trên các tập san trong danh mục ISI. Năm 2015, Malaysia công bố được 12,341 bài, thấp hơn Singapore (13,631 bài). Nhưng năm 2016, số công bố quốc tế của Malaysia (14,129) đã bằng, thậm chí cao hơn, Singapore (14,120).

Ở mức độ thấp hơn, Indonesia trước đây có số công bố quốc tế thấp hơn Việt Nam, nhưng trong hai năm qua có xu hướng tăng nhanh và có thể vượt qua Việt Nam. Trong năm 2014, số công bố quốc tế của Indonesia là 1795, thấp hơn Việt Nam (2596). Nhưng đến năm 2016 thì con số công bố quốc tế của Indonesia (3748) đã xấp xỉ bằng Việt Nam (3814).  Những xu hướng này cho thấy nghiên cứu khoa học ở Đông Nam Á đang có chuyển biến tích cực và thú vị, và Malaysia có lẽ sẽ là nước có nhiều công bố quốc tế nhất trong vùng.

Các nước khác như Brunei, Kampuchea, Lào và Myanmar cũng có công bố quốc tế, nhưng số lượng còn thấp. Tổng số công bố quốc tế từ 4 nước này chỉ đóng góp ~2% tổng số bài báo khoa học từ ASEAN. Đa số những công bố quốc tế từ 4 nước vừa kể chủ yếu là do hợp tác quốc tế.

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học

Một khía cạnh quan trọng trong nghiên cứu khoa học là "nội lực". Một cách để biết được nội lực của khoa học của một quốc gia, người ta hay dùng chỉ số về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Ở những nước mà nền khoa học ở vào giai đoạn III và IV thì tỉ lệ hợp tác quốc tế thường ở mức 50%, và phần lớn họ đóng vai trò chủ đạo trong các dự án nghiên cứu.

Đối chiếu lại tình hình ở Việt Nam trong thời gian qua, có một số xu hướng đáng quan tâm. Trong một nghiên cứu trước đây, chúng tôi chỉ ra rằng trong thời gian 1991 - 2010, trong số 10618 bài báo khoa học từ Việt Nam, thì số bài báo có hợp tác quốc tế chiếm gần 80% (2). Tỉ lệ hợp tác quốc tế trong cùng thời gian ở các nước như Thái Lan và Malaysia dao động trong khoảng 55 đến 65%.

Trong thời gian 2001 đến 2015, chúng tôi phân tích một lần nữa và tỉ lệ hợp tác quốc tế vẫn chưa thay đổi đáng kể (3). Tính chung, trong số 18076 bài báo khoa học trên các tập san ISI, 77% công trình là có hợp tác quốc tế. Nói cách khác, tỉ trọng nội lực chỉ 23%. Tỉ lệ hợp tác quốc tế trong các bài báo khoa học của Thái Lan và Malaysia  là 56%.

Tuy nhiên, có sự khác biệt về mức độ hợp tác quốc tế giữa các lĩnh vực nghiên cứu (Bảng 1). Các lĩnh vực có tỉ lệ hợp tác quốc tế cao nhất (trên 85%) là y tế công cộng, y học lâm sàng, y sinh học, và khoa học xã hội. Nhưng các lĩnh vực như hoá học và kĩ thuật cũng có tỉ lệ hợp tác quốc tế khá cao.

Bảng 1: Tỉ trọng (%) hợp tác quốc tế trong các bài báo khoa học của Việt Nam (2001 - 2015)

Lĩnh vực nghiên cứu 
2001-2005
2006-2010
2011-2015
Tính chung 2001-2015
Tất cả các lĩnh vực 
79.2
78.7
76.1
77.0
Toán học
40.0
42.5
42.5
41.2
Vật lí
71.7
68.3
68.4
68.8
Hoá học
89.8
83.2
75.5
78.9
Kĩ thuật và công nghệ
76.8
77.2
73.1
74.3
Khoa học trái đất 
88.8
91.3
90.5
90.2
Y học lâm sàng
91.8
90.7
89.6
90.6
Y tế công cộng
95.4
92.5
92.2
93.8
Y sinh học
95.7
94.6
85.3
89.4
Khoa học xã hội
78.9
75.7
78.9
90.4
Kinh tế
63.3
70.7
67.5
67.9

Phân tích chi tiết hơn cho thấy các nhà khoa học Việt Nam hợp tác với đồng nghiệp của hơn 150 quốc gia trên thế giới. Trong nhiều trường hợp, nhiều nhà khoa học của 5 nước cùng hợp tác trong một dự án, và có vài trường hợp nghiên cứu vật lí có hơn 100 quốc gia tham gia (kể cả Việt Nam). Nhìn chung, Việt Nam có xu hướng hợp tác với các nước phương Tây (Hình 1). Mười nước Việt Nam có hợp tác nhiều nhất là Mĩ Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Úc, Đức, China, Hà Lan và Thái Lan.


 
Hình 1: Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam trong thời gian 2001 - 2015. Đường nối càng dày thể hiện số bài báo khoa học với tác giả của hai nước càng cao. Mạng lưới phần trên của hình cho thấy Việt Nam chủ yếu hợp tác nghiên cứu khoa học với các nước phương Tây.

Hợp tác quốc tế có vẻ tăng chất lượng nghiên cứu. Hầu hết trong các lĩnh vực nghiên cứu, bài báo có "yếu tố quốc tế" đều có chỉ số trích dẫn cao hơn bài báo thuần Việt. Chẳng hạn như trong lĩnh vực y học lâm sàng, chỉ số trích dẫn của các bài báo thuần Việt là 7.74, nhưng bài báo có hợp tác quốc tế có chỉ số trích dẫn cao hơn 3 lần. Cần nhắc lại rằng 91% bài báo y học lâm sàng là có hợp tác quốc tế. Ngay cả trong lĩnh vực toán học, bài báo có hợp tác quốc tế vẫn có chỉ số trích dẫn cao gấp 2.4 lần so với bài báo thuần Việt. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, các bài báo có hợp tác quốc tế (chiếm 68% tổng số) có chỉ số trích dẫn cao gấp 4.5 lần so với bài báo thuần Việt.

Một xu hướng thú vị là các công trình có hợp tác quốc tế có chỉ số trích dẫn cao và được công bố trên các tập san có chỉ số tác động cao. Xu hướng này thật ra cũng phù hợp với và từng được ghi nhận ở các nước đang phát triển. Khi phân tích chỉ số trích dẫn theo hợp tác quốc tế và vai trò của tác giả, một xu hướng rất thú vị khác xuất hiện. Những công trình có hợp tác quốc tế và tác giả chính là người nước ngoài có chỉ số trích dẫn cao nhất. Kế đến là những công trình hợp tác quốc tế nhưng tác giả chính là người Việt Nam. Những công trình không có hợp tác quốc tế (tức "thuần Việt") có chỉ số trích dẫn thấp nhất. Xu hướng này hiện hữu gần như trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu.

Tuy nhiên, hợp tác khoa học cũng có khi phải trả một cái giá về tự chủ. Các chuyên gia quản lí khoa học thường xem một tỉ lệ hợp tác cỡ 80% hay cao hơn là "lệ thuộc". Nếu dùng tiêu chuẩn này, kết quả phân tích trong bài này cho thấy đa số các lĩnh vực nghiên cứu của Việt Nam (như hoá học, Khoa học Trái Đất, Y học lâm sàng, Y sinh học, Y tế công cộng) có thể xem là đang trong tình trạng lệ thuộc.

Việt Nam đang ở đâu trong quá trình phát triển khoa học?

Những dữ liệu về công bố quốc tế và xu hướng hợp tác quốc tế cung cấp một bức tranh chung về quá trình phát triển khoa học. Các nước như Kampuchea, Lào, Brunei và Miến Điện đang còn trong giai đoạn tiền phát triển, vì số công bố quốc tế còn thấp và chủ yếu là do hợp tác quốc tế.



Hình 2: Bốn giai đọan phát triển khoa học của các nước trong vùng Đông Nam Á dựa trên phân tích trắc lượng khoa học.


Việt Nam, Philippines và Indonesia đã bước ra khỏi giai đoạn tiền phát triển và đang ở trong giai đoạn II, tức giai đoạn xây dựng. Đó là giai đoạn với đặc điểm chính là nghiên cứu khoa học tăng nhanh phản ảnh qua số công bố quốc tế, và tỉ trọng hợp tác quốc tế rất cao (trên 70%) và các nhà khoa học nước ngoài đóng vai trò chủ trì.

Dữ liệu trắc lượng khoa học cho thấy Thái Lan và Malaysia đang ở trong giai đoạn củng cố và mở rộng (giai đoạn III). Số bài báo khoa học của hai nước này cao gấp 3-4 lần số bài báo của Việt Nam. Tỉ trọng hợp tác quốc tế của Thái Lan và Mã Lai trong 20 năm qua dao động trong khoảng 50 đến 60%, và đa số công trình là do giới khoa học nội địa chủ trì. Ngoài ra, các đại học của Thái Lan và Malaysia đang thu hút nghiên cứu sinh từ nước ngoài (kể cả từ Việt Nam) và họ mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học sang các nước lân cận như Lào, Kampuchea và Miến Điện.

Trong vùng ASEAN, chỉ có Singapore là ở trong giai đoạn IV, tức quốc tế hóa. Mặc dù số bài báo khoa học năm 2016 của Singapore xấp xỉ con số của Malaysia, nhưng chất lượng nghiên cứu của Singapore cao hơn Malaysia. Khoảng 60% các nghiên cứu khoa học từ Singapore có yếu tố hợp tác quốc tế, nhưng các nhà khoa học Singapore chủ trì trong các dự án này. Singapore không chỉ thu hút nghiên cứu sinh từ nước ngoài, mà còn tích cực tài trợ cho một số dự án quốc tế. Do đó, nền khoa học Singapore đã ở mức độ quốc tế hóa.

Quay lại tình trạng của Việt Nam, một điều đáng quan tâm là là thời gian xây dựng đã diễn ra hơn 25 năm. Hơn 25 năm qua, tỉ trọng hợp tác quốc tế của Việt Nam vẫn còn trong mức 'lệ thuộc', tức 75-80%. Trong khi đó, ở các nước như Thái Lan, thời gian xây dựng chỉ khoảng 20 năm, hay như Malaysia thời gian thậm chí còn ngắn hơn (~15 năm). Hơn 25 năm, nội lực khoa học Việt Nam vẫn chưa phát triển theo nhịp độ các nước trong vùng. Những kết quả này cũng có thể làm nền tảng để chúng ta phải suy nghĩ lại về chiến lược nghiên cứu khoa học và tổ chức hoạt động khoa học cấp vi mô và vĩ mô để đạt được một sự tăng trưởng tốt hơn và bền vững hơn trong tương lai.

Chú thích:

(1) Moed HF and Halevi G. Tracking scientific development and collaborations – The case of 25 Asian countries. Research Trends (2014), September 2014.

(2) Nguyen TV, Pham LT. Scientific output and its relationship to knowledge
economy: an analysis of ASEAN countries. Scientometrics (2011) 89:107–117

(3) Nguyen TV, Ho-Le TP, Le UV. International collaboration in scientific research in Vietnam: an analysis of patterns and impact. Scientometrics (2017) 110:1035–1051

Bài đã đăng 2 kì trên VNexpress 




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhật ký Lý Bằng viết về Hội nghị Thành Đô ( một phần ngoại vi ):


Tác giả: Lý Bằng | Biên dịch : Nguyên Hải
 [Năm 1986]
Ngày 26 tháng 12, Thứ Sáu, trời âm u, có mưa
Tại Đại hội VI Đảng Cộng Sản Việt Nam [ĐCSVN], Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, thay cho nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời hồi tháng 7.
[Năm 1989]
Ngày 26 tháng 8, Thứ Bảy, trời âm u, có mưa
Hôm nay Việt Nam tuyên bố đã “rút toàn bộ quân đội” từ Campuchia. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề Campuchia, cũng quét sạch trở ngại cho việc bình thường hóa mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.
Bước ngoặt trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam —Hội nghị Thành Đô
[Năm 1990]
Ngày 6 tháng 6, Thứ Tư, trời hửng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hội kiến Đại sứ Trương Đức Duy tại Bộ Quốc phòng Việt Nam. Nguyễn hy vọng thực hiện bình thường hóa quan hệ hai nước, hai đảng và mong muốn sớm đi thăm Trung Quốc.
Ngày 26 tháng 8, Chủ Nhật, trời âm u có mưa.
Tôi nói với đồng chí Giang Trạch Dân về việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam [ĐCSVN] Nguyễn Văn Linh và những người lãnh đạo chủ yếu phía Việt Nam đến thăm Trung Quốc với tính chất nội bộ, đồng chí Giang Trạch Dân tỏ ý hoàn toàn tán thành.
Ngày 27 tháng 8, Thứ Hai, trời mưa.
Tôi đã báo cáo đồng chí Đặng Tiểu Bình về việc đồng chí Giang Trạch Dân và tôi sẽ hội kiến Nguyễn Văn Linh. Xét thấy Á Vận Hội sắp cử hành tại Bắc Kinh, mà lần gặp gỡ này bàn đến việc bình thường hóa quan hệ hai nước Trung-Việt, là chuyện trọng đại, để tiện giữ bí mật, địa điểm hội đàm thu xếp tại Thành Đô.
Ngày 30 tháng 8, Thứ Năm, trời hửng.
Việc đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đi Thành Đô hội đàm với Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, đã gửi lời mời cho phía Việt Nam. Giờ đây hãy xem Việt Nam trả lời thế nào.
Ngày 2 tháng 9, Chủ Nhật, trời hửng.
Ba giờ rưỡi chiều, tôi đáp chuyên cơ cất cánh từ sân bay Tây Giao Bắc Kinh, khoảng 6 giờ đến sân bay Thành Đô. Chúng tôi đi ô tô, sau 20 phút đến Nhà khách Kim Ngưu, Bí thư Tỉnh ủy Dương Nhữ Đại đang chờ. Đồng chí Giang Trạch Dân đáp một chuyên cơ khác đến Thành Đô sau tôi nửa giờ. Buổi tối từ 8 giờ rưỡi đến 11 giờ, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân trao đổi ý kiến về phương châm hội đàm với phía Việt Nam ngày mai.
Ngày 3 tháng 9, Thứ Hai, Thành Đô, trời hửng.
Buổi sáng, tôi đến chỗ đồng chí Giang Trạch Dân cùng đồng chí tiếp tục nghiên cứu phương châm hội đàm với phía Việt Nam chiều nay.
Buổi chiều khoảng 2 giờ, Tổng Bí thư Trung ương ĐCSVN Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Cố vấn TƯ ĐCSVN Phạm Văn Đồng đến Nhà khách Kim Ngưu. Giang Trạch Dân và tôi đón họ tại nhà trệt số 1. Nguyễn Văn Linh mặc âu phục màu cà phê, có phong thái học giả. Đỗ Mười còn khỏe mạnh, tóc bạc phơ, mặc âu phục màu lam. Hai người này đều ở độ tuổi 73-74, còn Phạm Văn Đồng hai mắt bị đục thủy tinh thể, thị lực rất kém, mặc bộ đại cán màu lam, giống cán bộ lão thành Trung Quốc.
Buổi chiều, hội đàm bắt đầu, trước tiên Nguyễn Văn Linh phát biểu một bài dài. Tuy đã tỏ ý muốn giải quyết thật nhanh vấn đề Campuchia và nói thành lập Hội đồng Tối cao Campuchia là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, không nên loại bỏ bất cứ bên nào, nhưng lại tỏ ý không muốn can thiệp vào việc nội bộ của Campuchia. Xem ra trên vấn đề Campuchia, Nguyễn Văn Linh chỉ muốn tỏ thái độ về nguyên tắc, mà đặt trọng điểm vào mặt bình thường hóa quan hệ Trung-Việt.
Hội đàm kéo dài một mạch đến 8 giờ tối. 8 giờ rưỡi mới bắt đầu tiệc chiêu đãi tối. Trên bàn ăn, tôi và đồng chí Giang Trạch Dân từng người làm việc với Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.
Ngày 4 tháng 9, Thứ Ba, trời âm u.
Buổi sáng, chúng tôi tiếp tục họp với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. Đến giờ này, nên nói là các vấn đề hội nghị nêu ra đã đạt được sự đồng thuận tương đối trọn vẹn, quyết định dự thảo biên bản hội nghị.
Hai giờ rưỡi chiều, hai bên Trung Quốc-Việt Nam làm lễ ký biên bản ở nhà trệt số Một nhà khách Kim Ngưu, Tổng Bí thư và Thủ tướng mỗi bên đều ký. Đây là bước ngoặt có tính lịch sử trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Ngay tại lễ ký, đồng chí Giang Trạch Dân tặng các đồng chí Việt Nam câu thơ “Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu[Tạm dịch : Qua hoạn nạn, anh em còn đó. Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù] ”. Đây là câu thơ của Lỗ Tấn.[1] Các đồng chí Việt Nam tỏ ý vui mừng với việc tặng thơ này.
4 giờ chiều, chuyên cơ cất cánh về Bắc Kinh, Khoảng 6 giờ 10 đến nơi.
Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội VII
[Năm 1991]
Ngày 29 tháng 6, Thứ Bảy.
Đại hội VII ĐCSVN bế mạc, Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng là Cố vấn. Tinh thần cơ bản của Đại hội VII ĐCSVN là kiên trì chủ nghĩa xã hội, cải cách kinh tế, chủ trương hữu nghị Việt Nam-Liên Xô, Việt Nam-Trung Quốc. Tinh thần này có lợi cho việc cải thiện quan hệ Trung-Việt.
Ngày 30 tháng 7, Thứ Ba, Bắc Kinh, trời hửng.
Buổi chiều tôi hội kiến với Đại biểu đặc biệt Trung ương ĐCSVN Lê Đức Anh và Hồng Hà. Họ yêu cầu tổ chức cuộc gặp cấp cao Trung-Việt. Tôi nói là để cho nhân dân hai nước có chuẩn bị, để các nước khác trong ASEAN không đến nỗi có lo ngại, Trung Quốc-Việt Nam trước tiên nên tiến hành gặp gỡ cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Ngoại giao. Còn nói về  gặp gỡ cấp cao, phía Trung Quốc cho rằng trên nguyên tắc không có vấn đề gì. Ngày mai Tổng Bí thư Giang Trạch Dân sẽ chính thức trả lời họ. Về việc bình thường hóa quan hệ kinh tế Trung-Việt, có thể trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, các đơn vị đối tác của hai bên sẽ bàn bạc giải quyết, Trung Quốc đều có thái độ tích cực đối với các vấn đề nối lại thương mại, bưu chính, hàng không, quyết toán ngân hàng, khôi phục giao thông trên bộ.
Thực hiện bình thường hóa mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam
Ngày 5 tháng 11, Thứ Ba, trời hửng.
5 giờ chiều, đồng chí Giang Trạch Dân và tôi làm nghi thức đón Tổng Bí thư ĐCSVN Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc tại quảng trường Đông Môn bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân. Tiếp đó chúng tôi hội đàm. Trên vấn đề Đài Loan, Đỗ Mười có thái độ rõ ràng. Đồng chí Giang Trạch Dân nói, sau khi mối quan hệ hai nước trải qua một khúc quanh co, hôm nay người lãnh đạo hai nước Trung-Việt có thể ngồi với nhau làm cuộc gặp gỡ cấp cao, điều này có ý nghĩa quan trọng. Đây là cuộc gặp kết thúc quá khứ, mở ra tương lai, đánh dấu sự bình thường hóa mối quan hệ hai nước, nó ắt sẽ có ảnh hưởng sâu xa đối với sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Đỗ Mười nói, việc bình thường hóa mối quan hệ Việt-Trung phù hợp nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, cũng có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực này và thế giới. Tiếp đó vào tiệc chiêu đãi.
Ngày 6 tháng 11, Thứ Tư, trời hửng.
Buổi chiều, tôi hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, không khí hội đàm rất tốt. Trước hết tôi nói, sáng nay Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tiến hành cuộc hội đàm rất tốt, hai bên đã gắng sức trao đổi mọi ý kiến. Võ Văn Kiệt có thái độ đúng trên vấn đề Đài Loan. Trong hội đàm, tôi đã nêu ra các vấn đề nợ, biên giới, nạn dân v.v… Hai bên đồng ý sau này sẽ bàn lại. Về việc Việt Nam đề xuất vay tiền cho các dự án mới, tôi nhận lời trước hết sẽ khảo sát các dự án của Việt Nam. Về vấn đề Campuchia, tôi nói hiệp định giải quyết chính trị toàn diện vấn đề Campuchia đã ký tại Paris, việc thi hành hiệp định này còn cần tới sự tiếp tục cố gắng của các bên.
Ngày 7 tháng 11, Thứ Năm, trời hửng.
Buổi chiều, hiệp định thương mại Trung-Việt và hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc ở biên giới hai nước được ký tại Nhà khách quốc tế ở Điếu Ngư Đài. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước dự lễ ký kết. Sau đó tôi và đồng chí Giang Trạch Dân nói lời tạm biệt với Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt. Họ sẽ đi thăm Quảng Châu, Thâm Quyến.
—————
Bài viết trích từ nhật ký của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng. Nhật ký của Lý Bằng được in thành sách dưới tên “Hòa bình Phát triển Hợp tác  Lý Bằng ngoại sự nhật ký”, Tân Hoa xuất bản xã.
Nguồn:   李鹏日记披露1990年代中越关系正常化始末   2012年05月03日   人民网   李鹏
Đọc thêm:
————————
[1] Giang Trạch Dân nói câu thơ này là của Giang Vĩnh (1681-1762), nhà thơ đời Thanh. Giang Trạch Dân quê ở Giang Loan, Vụ Nguyên (nay thuộc Giang Tây), mà Giang Vĩnh là danh nhân lịch sử vùng này, chắc hẳn ông biết rõ về Giang Vĩnh. Như vậy có thể Lỗ Tấn đã mượn câu thơ ấy của Giang Vĩnh đưa vào bài thơ “Đề Tam Nghĩa Tháp ” Lỗ Tấn làm năm 1933. Ông Cổ Tiểu Tùng Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Quảng Tây cũng nói như Giang Trạch Dân (ND).

Phần nhận xét hiển thị trên trang