Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Tự thưởng thức nghệ thuật cũng phải được cho phép?


>> Hoa hậu Phương Nga sẽ vô tội theo… khoa học pháp lý?
>> Nữ diễn viên bị truy tố trong vụ án Hà Văn Thắm là ai?


Đặng Vỹ

NQL - Có một chiều lá thu rơi vàng ngõ hẹp. Một sớm tinh mơ chim chóc hót trên cành lá đẫm sương mai. Bạn vội chạy ra khỏi nhà, và đi… xin phép. Rồi sau đó mới đem vĩ cầm hay ghi-ta ra công viên, ngân nga?

Lúc đó thì còn đâu những chiếc lá vàng rơi trên tiếng vĩ cầm dìu dặt. Còn đâu “Những tiếng đàn rơi như lá / đổ xuống đêm thu ai nhặt âm thầm” (thơ Nguyễn Đăng Vũ).

Còn đâu gió ngàn lững thững bay về nơi cuối trời chân mây trắng. Còn đâu chim chóc hát ca vang lừng, bướm ong bay lượn cùng uống sương mai.

Tất cả còn đâu, khi 7 giờ 30 chốn công quyền mới mở cửa, đủng đỉnh 8 giờ mới làm việc, và “cấp phép” xong thì theo quy định của Hà Nội, đã mất tong… nhanh nhất 1 ngày!

Tách bạch giữa việc người mẹ bênh con với việc “quản lý” của những người làm công tác trật tự đô thị, gác qua việc người mẹ có lời lẽ có thể chưa đúng với thực tế về thái độ của từng người trong cuộc, tóm tắt câu chuyện ngắn gọn người ta vẫn thấy cái cốt lõi: Có một em bé 15 tuổi kéo vĩ cầm bên bờ hồ (hay tuyến phố đi bộ), là nơi công viên công cộng, và các nhân viên gồm công an, trật tự đô thị đến hỏi “giấy phép biểu diễn”.

Kinh doanh nghệ thuật thì phải xin phép, là điều đương nhiên. Hoặc biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại nơi công cộng có tổ chức, có quy mô, cũng phải xin phép, là tất yếu. Bởi anh phải xin phép để chính quyền còn biết mà hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự cho chính anh, và ở chốn đông người.

Nhưng một cá nhân yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật, tự biểu diễn, tự thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ tình yêu nghệ thuật của mình đến con người mà bị hỏi giấy phép, thì những người làm nhiệm vụ giữ trật tự đô thị có lẽ đang có vấn đề.

Hoặc cái tư duy “cấp phép”, tư duy xin – cho đã ăn sâu vào tâm trí họ. Hoặc có thể cái tai của họ không nghe và hiểu được âm nhạc.

Nếu đàn hát hoặc biểu diễn nghệ thuật đường phố mà phải xin phép, thì có lẽ các cán bộ trong đoàn làm công tác trật tự đô thị ở Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh bắt phạt hết những người hát kẹo kéo, múa vòng, múa lửa, làm xiếc, kéo đàn hàng đêm trên các nẻo phố phường. Họ biểu diễn kiếm tiền đấy. Và họ cũng chẳng thèm xin phép ai cả!

Nghệ thuật đường phố, ở nhiều quốc gia, được xem là vẻ đẹp, là gương mặt của thành phố. Chúng ta đã từng đi du lịch, và cũng đã thấy rất nhiều đoạn video đăng tải trên mạng, ở nước ngoài, người ta biểu diễn ngay bên đường. Phía trước có thể là cái mũ, chiếc hộp cacton, hoặc một vật gì đó đựng tiền. Họ biểu diễn say mê, dù khách có cho tiền hay không. Bởi đơn giản, đó thuần túy là tình yêu nghệ thuật, họ đem san sẻ cho con người. Những người đó, được xã hội tặng cho một cái tên gọi đầy trân trọng và ngưỡng mộ: Nghệ sĩ đường phố.

Ở Việt Nam cũng không thiếu nghệ sĩ đường phố. Họ, có thể trình độ biểu diễn chưa đạt đến độ tuyệt diệu, nhưng với niềm đam mê nghệ thuật và tình thần san sẻ, họ cũng được trân trọng như những nghệ sĩ thực thụ. Thậm chí, những nghệ sĩ hành nghề nghệ thuật, khi biểu diễn được trả tiền, có khi còn hét cát-sê tóe lửa; còn những nghệ sĩ đường phố chỉ có duy nhất là niềm đam mê san sẻ. Họ phải được trân trọng nhiều hơn nữa.

Chính thứ trưởng Vương Duy Biên, người phụ trách Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đã nói rằng việc em bé biểu diễn không có gì phải đòi hỏi giấy phép cả. “Luật Nghệ thuật biểu diễn cũng không quy định hình thức biểu diễn như thế phải có giấy phép mới được biểu diễn. Bởi vậy, người ta đòi hỏi những người làm lĩnh vực an ninh trật tự phải biết phân biệt giữa biểu diễn âm nhạc đường phố với biểu diễn vì mục đích thương mại, cái gì cho phép, cái gì nên khuyến khích và cái gì không khuyến khích”, thứ trưởng Biên nói về chính trường hợp này.

Có lẽ lãnh đạo các cơ quan có những nhân viên thế này cũng nên suy nghĩ sau sự việc. Giao việc cho những người không hiểu gì về công việc thì chỉ có hại cho việc công, hại cho hình ảnh cơ quan, hại cho cái chung, và hại cho tất cả.

Bí ẩn vụ ‘mất tích’ hơn 200 container


Nguyên Bảo 




















TNO - Theo nguồn tin của Thanh Niên, cơ quan công an đang vào cuộc điều tra hơn 200 container quá cảnh qua cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM) bị “mất tích” bí ẩn, nghi có bàn tay can thiệp, giúp sức của cán bộ hải quan.

Trước sự “mất tích” khó hiểu của hơn 200 container hàng hóa quá cảnh qua cảng Cát Lái (Q.2) để xuất đi Campuchia giữa năm 2015, Tổng cục Hải quan vào tháng 11.2016 đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện ra nhiều chuyện bất ngờ.

Can thiệp xóa hồ sơ gốc

Đoàn kiểm tra xác định, vào giữa năm 2015 có 213 container quá cảnh cảng Cát Lái (cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến). Thông thường, để kiểm soát hàng quá cảnh, lực lượng hải quan sẽ theo dõi thông tin gồm: BOA là hệ thống xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi; BIA là hệ thống xác nhận hàng hóa đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đến.

Theo quy định, hàng hóa quá cảnh tại cảng Cát Lái phải khai tờ khai vận chuyển độc lập, qua bước nghiệp vụ đăng ký thông tin khởi hành vận chuyển trên hệ thống qua nghiệp vụ BOA. Khi hàng hóa quá cảnh rời khỏi cảng Cát Lái để xuất đi Campuchia, cơ quan hải quan phải xác nhận trên hệ thống theo dõi hàng vận chuyển độc lập đã qua cửa khẩu biên giới Campuchia thì quy trình vận chuyển hàng quá cảnh mới hoàn tất.

Thế nhưng, với 213 container trên, sau khi ra khỏi cổng cảng (qua khu vực giám sát hải quan) thì có ai đó đã can thiệp vào hệ thống để xóa BOA, hoặc lô hàng quá cảnh đã ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ. Kể từ đó đến nay, cơ quan chức năng không xác định được hơn 200 container nói trên đã đi đâu, về đâu (!).

Kiểm tra thủ tục hải quan đối với các container quá cảnh nói trên, đoàn kiểm tra phát hiện cán bộ hải quan của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (viết tắt Chi cục HQKV1) đã thực hiện xong thủ tục hải quan cho một số lô hàng quá cảnh khai tờ khai vận chuyển độc lập, nhưng sau đó xóa hồ sơ thủ tục các lô hàng này. Qua đó, đoàn kiểm tra xác định cán bộ hải quan của Chi cục HQKV1 không theo dõi tình trạng vận chuyển và không truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích, hủy bộ hồ sơ vận chuyển độc lập, can thiệp trái quy định vào hệ thống, xóa BOA sau khi hàng đã qua khu vực giám sát hải quan.

Đối với các lô hàng quá cảnh đã ra khỏi cảng Cát Lái nhưng không có hồ sơ, theo quy định, chi cục hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phải làm đầy đủ thủ tục hải quan và theo dõi hàng cho đến khi được vận chuyển đến đích. Trường hợp lô hàng chưa được vận chuyển đến đích đã được phê duyệt thì phải chịu trách nhiệm truy tìm nhưng Chi cục HQKV1 đã để một số lô hàng quá cảnh ra khỏi cảng Cát Lái, không có hồ sơ lưu và đã quá hạn đăng ký, đến nay vẫn chưa xác định được thực trạng các lô hàng này.

Làm rõ trách nhiệm 23 công chức hải quan

Sau nhiều tháng kiểm tra, cuối tháng 3.2017, đoàn kiểm tra đã xác định hàng loạt cán bộ, công chức hải quan làm thủ tục cho các lô hàng quá cảnh trên không đúng quy định hoặc được giao thực hiện các bước nghiệp vụ theo quy trình trong thời gian các lô hàng quá cảnh ra khỏi cảng nhưng không có hồ sơ.

Cụ thể, ngày 6.5.2015, container chứa hàng quá cảnh được mở tờ khai vận chuyển độc lập đã qua bước nghiệp vụ đăng ký thông tin khởi hành vận chuyển trên hệ thống qua nghiệp vụ BOA, nhưng khi hàng vừa qua khỏi cảng thì cùng ngày hồ sơ này bị xóa trên hệ thống BOA (!). Đáng chú ý, qua kiểm tra lô hàng “mất tích” vào ngày 6.5.2015, đoàn kiểm tra xác định ông N.T.Đ, N.A.K được phân công thực hiện các bước kiểm tra nghiệp vụ lô hàng. Trong đó, ông N.A.K là người xóa BOA lô hàng này.

Để xảy ra các sai phạm nói trên, theo đoàn kiểm tra nhận định, là do hải quan không làm đúng quy định về thủ tục hàng hóa quá cảnh khai tờ khai vận chuyển độc lập; quản lý, sử dụng seal hải quan chưa đúng quy định; tổ chức phân công, phân nhiệm và phối hợp trong quản lý hàng quá cảnh khai tờ khai vận chuyển độc lập chưa chặt chẽ để bị lợi dụng.

Vì tính chất vụ việc nghiêm trọng, giữa tháng 7.2017, Cục Hải quan TP.HCM tổ chức cuộc họp xem xét trách nhiệm trong việc giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển hàng độc lập và chấn chỉnh một số vụ việc tại Chi cục HQKV1. Tại đây, ông Hoàng Việt Cường (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm phụ trách Cục Hải quan TP.HCM) chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của 23 cán bộ công chức của Chi cục HQKV1.

Đồng thời, ông Cường yêu cầu các phòng nghiệp vụ của chi cục đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với loại hình này, có “lỗ hổng” trong quản lý bị lợi dụng hay không; rà soát đánh giá việc cấp phát, sử dụng, quản lý, quyết toán niêm phong hải quan liên quan đến 213 container hàng hóa nói trên; làm rõ lý do vì sao phân công cho Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Quản lý loại hình hàng hóa vận chuyển độc lập (BOA/BIA) trong khi đó cùng thời điểm các chi cục khác phân công cho Đội giám sát hải quan; chi cục tiếp tục chỉ đạo 23 cán bộ công chức và lãnh đạo chi cục có liên quan kiểm điểm bổ sung về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, nếu cần thời gian làm rõ trách nhiệm thì chi cục tạm dừng phân công nhiệm vụ khác để tập trung kiểm điểm làm rõ trách nhiệm; đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với Cục Hải quan TP.HCM để sớm có kết luận chính thức về việc thanh tra quản lý hải quan đối với 213 container hàng hóa nói trên…

Thủ đoạn buôn lậu?

Một cán bộ hải quan của Cục Hải quan TP.HCM phân tích nếu đã BOA nhưng chưa BIA có nghĩa là hàng hóa quá cảnh nhưng chưa qua cửa khẩu Campuchia mà vẫn còn ở VN. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra các container này. Như vậy, quy trình vận chuyển hàng quá cảnh chưa hoàn thành và không loại trừ khả năng hàng hóa đã được tiêu thụ tại VN.

Vì thế, vị cán bộ hải quan nhận định: “Đây là phương thức thủ đoạn khá tinh vi của buôn lậu. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ buôn lậu bằng thủ đoạn nói trên”.

Thời gian qua, lực lượng hải quan phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện một số vụ đưa hàng (mặt hàng nhập khẩu có điều kiện hoặc hàng cấm nhập) quá cảnh cửa khẩu TP.HCM để xuất đi Campuchia, nhưng thực tế không xuất đi Campuchia mà thẩm lậu ngược lại thị trường VN tiêu thụ.

Núp bóng hàng quá cảnh để buôn lậu

Đầu tháng 5.2017, lực lượng chức năng liên ngành phát hiện 41 kiện (gần 500.000 viên thuốc đặc trị các loại, trị giá gần 5 tỉ đồng) quá cảnh, rồi xuất đi Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) và đã hoàn thành thủ tục hải quan theo đúng quy định để chuyển lô hàng này qua biên giới VN - Campuchia. Ngày 9.5.2017, lực lượng phối hợp theo dõi phát hiện lô hàng vận chuyển đến gần cửa khẩu Campuchia thì bất ngờ quay ngược đưa vào nội địa qua đường mòn cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh)...

Ngày 5.5, tại cảng Cát Lái, lực lượng chức năng khám xét 2 container hàng trung chuyển từ Nhật Bản về VN để qua Campuchia, phát hiện chứa gần 100 xe gắn máy; nhiều thiết bị văn phòng... đã qua sử dụng (thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu).

Tháng 6.2016, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với Đội 3 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện lô hàng (vận chuyển quá cảnh từ Hàn Quốc về VN để xuất đi Campuchia) bên trong chứa 2 ô tô và hàng chục động cơ ô tô đã qua sử dụng.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mức sống giới trung lưu Việt Nam như thế này chăng?


>> “Trùm phát xít Hitler” bước ra ánh sáng sau 72 năm?
>> Tư pháp Mỹ rất khác tư pháp Việt Nam?
>> Giải mật câu nói gây tranh cãi suốt 2.000 năm của Lưu Bị


LÊ THANH PHONG
LĐO - Kết thúc phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chưa có kết quả, trước một vấn đề lớn của quốc gia, chuyện tranh luận là bình thường. Tuy nhiên, có những phát ngôn sau đó khiến cho dư luận và đặc biệt là đa số công nhân lao động vô cùng bức xúc.

Đó là, ý kiến của đại diện giới chủ trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, mức sống tối thiểu mà Tổng LĐLĐVN đưa ra là mức sống trung lưu chứ không phải của đại đa số người dân. 

Mức 4,2 triệu đồng lương tối thiểu vùng 1 có thể là của giới trung lưu hay không?

Hiện nay, chưa cơ quan nào đưa ra tiêu chí chuẩn của mức sống tối thiểu, và cũng chưa cơ quan nào đưa ra chuẩn của mức sống trung lưu. Nhưng ngay cả khi chưa có những tiêu chuẩn đó, căn cứ vào thực tế cũng có thể biết được với thu nhập như thế nào thì người lao động có thể sống cho ra con người.

Kiếm đủ cái ăn lay lắt qua ngày khác với cuộc sống của một con người. Vì những khó khăn nhất định, khi chưa lo được cuộc sống đàng hoàng tử tế cho người lao động, thì hãy cảm thông, chia sẻ, thay vì đổ cho họ có cuộc sống trung lưu. Có nghĩa là họ sung sướng rồi, no đủ rồi.

Những ai phát ngôn như vậy thì hãy làm phép chia đi, 4,2 triệu đồng chia cho 30 ngày, mỗi ngày được 140.000 đồng. Số tiền này chi tiêu như thế nào ở thành phố có mức sinh hoạt cao như TPHCM hay Hà Nội. Chưa kể, ai cũng còn phải nuôi gia đình, con cái, chữa bệnh, phải có những quan hệ cộng đồng tối thiểu như hiếu hỉ, lễ tết, thăm hỏi người thân bạn bè khi ốm đau... Ngay cả thu nhập tăng gấp đôi mức 4,2 triệu đồng, thì cuộc sống cũng vô cùng chật vật.

Với mức thu nhập đó, người lao động phải sống trong những nhà trọ bẩn thỉu, phải đi chợ “công nhân” với những thực phẩm ôi ế, phải gửi con cho các bảo mẫu tự phát, và tất nhiên cái vé xem phim đối với họ là thứ xa xỉ. Mức sống của giới trung lưu của Việt Nam là như thế này chăng?

Chắc chắn một điều, tất cả các chủ doanh nghiệp đều hiểu rõ với mức thu nhập hiện nay, công nhân lao động không thể sống cho ra con người. Đối với nhiều ông chủ, số tiền đó không đủ cho vợ họ đi một bữa chợ, hay họ trả một cuộc nhậu. Cho nên, khi nói điều này ra là nói không đúng với thực tế và không đúng với lương tâm mình.

Đại diện giới chủ có thể tranh luận, đưa ra những khó khăn khách quan hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung, bảo vệ lợi ích hài hòa cho cả đôi bên, nhưng nói phải có lý, có tình và tôn trọng người lao động.

Thêm chút tiền lương mà cho họ là giới trung lưu là điều không thể chấp nhận.

Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú!


>> Phát hiện ra phim 'nô lệ tình dục' cho lính Nhật
>> Giám định chết trong đồn công an VN 'là bí mật'?
>> Đề xuất bị can được nộp 30 triệu đồng để tại ngoại
>> Nữ Giám đốc Sở: Luật không cấm tuyển người thân

VNExp - Sau gần 10 tháng truy nã quốc tế, ông Trịnh Xuân Thanh đã "nộp mình" tại cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an.  

Ngày 31/7, Bộ Công an cho biết nghi can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế.

Ông Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan trách nhiệm về hàng loạt sai phạm xảy ra ở Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và vụ án mua bán đất ở khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội).

Sau 6 năm làm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT PVC, năm 2013 ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ Công Thương; Vụ trưởng, Trưởng ban đổi mới tại Bộ Công Thương; Vụ trưởng, chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương. Tháng 5/2015, ông Thanh làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Một năm sau, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội.

Các sai phạm của  phó chủ tịch Hậu Giang 50 tuổi dần bị phát giác khi đầu tháng 6/2016, báo chí thông tin ông được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 giá 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh. Việc PVC thua lỗ nặng dưới thời ông quản lý song ông vẫn thăng tiến "ầm ầm" được xác minh.

Tháng 9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra trung ước xác định ông Thanh phải chịu trách nhiệm chính do thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát... dẫn đến nhiều sai phạm và thua lỗ số tiền trên trong giai đoạn 2007-2013. Dưới thời ông Thanh, PVC đã dành 86% vốn điều lệ rót vào các hạng mục đầu tư ngoài ngành, công ty con, công ty liên kết và "mắc cạn" trong nợ nần...

Ngày 8/9/2016, Ban Bí thư biểu quyết 100% bằng phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng với ông Thanh.

Chiều 16/9/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đến Hậu Giang thi hành quyết định khai trừ Đảng, tuy nhiên ông Thanh vắng mặt. Tối cùng ngày, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế.

Nhà chức trách sau đó xác nhận có thông tin ông Thanh đã trốn sang Châu âu. Tổng bí thư, lãnh đạo Bộ Công an nhiều lần khẳng định quyết tâm sẽ "truy bắt đến cùng".

Vụ án Trịnh Xuân Thanh liên tục bị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng xác định là một trong những đại án của năm 2016-2017, yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung điều tra, truy bắt.

Hiện, 10 người liên quan vụ án đã bị bắt, trong đó có 4 cựu lãnh đạo PVC gồmông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng).


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cựu chủ tịch PVN có thể sẽ lãnh án tử hình


ĐỨC MINH 

(PL)- Cáo trạng mới của VKSND Tối cao quy kết Nguyễn Xuân Sơn, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tham ô và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 246 tỉ đồng.

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Đáng chú ý, Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc OceanBank, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sẽ phải đối mặt với khung hình phạt đến chung thân, tử hình khi bị truy tố về tội tham ô tài sản và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 246 tỉ đồng.

Tham ô 49 tỉ, lạm dụng chiếm đoạt 197 tỉ

Cáo trạng kết luận lời khai của các bị can khác và những người có liên quan cùng với các chứng từ kế toán cho thấy Nguyễn Xuân Sơn đã nhận số tiền hơn 246 tỉ đồng từ OceanBank.

Cụ thể, PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào OceanBank (tương đương 20% vốn điều lệ), do đó trong số tiền hơn 246 tỉ đồng mà Sơn đã chiếm đoạt từ OceanBank có 20% là tiền của Nhà nước do PVN góp vốn, tương ứng hơn 49 tỉ đồng. Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ phó tổng giám đốc PVN đã nhận và sử dụng số tiền này. hành vi chiếm đoạt 49 tỉ đồng của Sơn đã cấu thành tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 BLHS 1999. Hà Văn Thắm được xác định là đồng phạm giúp sức cho Sơn chiếm đoạt số tiền này.

Cạnh đó, Sơn cũng bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 197 tỉ đồng. Hà Văn Thắm được xác định là đồng phạm giúp sức cho Sơn.

Nhận hàng trăm tỉ tiền mặt mà không cần ký

Theo cáo trạng, số tiền 246 tỉ đồng nói trên đã được OceanBank chi cho Nguyễn Xuân Sơn, phó tổng giám đốc PVN, trong thời gian từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2014 để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN theo yêu cầu của Sơn. Số tiền này được chuyển qua Nguyễn Xuân Thắng, phó giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược OceanBank, nhận hơn 226 tỉ đồng và Võ Việt Trung, phó tổng giám đốc OceanBank, nhận hơn 20 tỉ đồng.

Thắng là em con chú ruột của Sơn, sau khi Sơn về PVN giữ chức phó tổng giám đốc đã nhiều lần nhờ Thắng nhận tiền giúp tại OceanBank. Mỗi lần Sơn nhờ Thắng lấy tiền thường gặp trực tiếp ở văn phòng Sơn tại tầng 18 tòa nhà Láng Hạ (trụ sở PVN) hoặc ở nhà riêng. Sau đó Thắng sẽ sang gặp Hà Văn Thắm để truyền đạt lại ý kiến của Sơn. Thông thường Thắng nhận tiền tại quầy giao dịch OceanBank vào cuối giờ làm việc.

Khi nhận tiền tại quầy giao dịch, Thắng không phải ký bất cứ giấy tờ gì. Vì thời gian đã lâu, Thắng không ghi chép theo dõi nên không nhớ số lần và số tiền Thắng đã nhận từng lần. Bình quân Thắng nhận 5 tỉ đồng/tháng...

Sau khi được CQĐT cho xem chứng từ và bảng kê do kế toán theo dõi, lập, Thắng xác nhận đã nhận tổng số tiền hơn 226 tỉ đồng từ nguồn tiền tạm ứng và chi phí của OceanBank. Sau khi nhận được tiền, Thắng liên hệ với Sơn để đưa lại tiền cho Sơn, chỉ có một lần Sơn nhờ Thắng cầm 10 tỉ đồng nhận được để làm thủ tục mua đất tại dự án Geleximco.

Thực chất tiền vào túi ai?

Tại CQĐT, Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận đã nhờ Thắng đến OceanBank để lấy tiền; các lần nhờ Sơn đều nói rõ cho Thắng là tiền VND hay USD... Đến nay, Sơn mới chỉ xác định được từ đầu năm 2009 đến tháng 6-2014, tổng số tiền mà Sơn đã nhận từ OceanBank khoảng 200 tỉ đồng.

Số tiền này Sơn khai chuyển cho Ninh Văn Quỳnh, kế toán trưởng PVN (hiện giữ chức phó tổng giám đốc PVN), 60%, tương đương khoảng 120 tỉ đồng. Trong đó có vài lần Thắng trực tiếp mang tiền vào phòng làm việc của ông Quỳnh để giao. Tuy nhiên, ông Quỳnh không thừa nhận việc này.

Còn 40% (khoảng 80 tỉ đồng), Sơn nhờ Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên phó tổng giám đốc OceanBank) giữ hộ (gửi tiết kiệm) khoảng 31 tỉ đồng và 900.000 USD. Khi nào Sơn cần, Phương rút ra và đưa lại cho Sơn. Đến đầu năm 2015, Phương đã đưa lại hết cho Sơn và Sơn đã sử dụng vào mục đích cá nhân.

Sơn có đưa cho Thắng khoảng 15 tỉ đồng, trong đó có 10,5 tỉ đồng Sơn nhờ trả cho cha mẹ Thắng, còn lại nhờ Thắng quản lý, bao gồm cổ phiếu, tiền nhưng Sơn không nhớ cụ thể.

Đối với khoản tiền 10 tỉ đồng ngày 9-2-2012 từ tài khoản tạm ứng của OceanBank chi qua Nguyễn Xuân Thắng, Sơn khai nhận là người chỉ đạo đến lấy 10 tỉ đồng của OceanBank để đi mua đất cho Đỗ Văn Hậu, nguyên tổng giám đốc PVN, sau đó Hậu không nhận và Đỗ Văn Chiểu (em Hậu) đã mua lại đất và chuyển tiền vào tài khoản do Sơn chỉ định để Phương quản lý hộ. Số tiền này Phương gửi trong hai năm (từ tháng 5-2012 đến tháng 5-2014), sau đó đã tất toán, gửi lại toàn bộ cho Sơn. Tuy nhiên, Sơn không thừa nhận chiếm hưởng số tiền này mà khai đưa lại toàn bộ cho Ninh Văn Quỳnh. Tuy nhiên, ông Quỳnh khai không nhận tiền từ Sơn và Thắng.

Sau đó Sơn đã thay đổi lời khai, phủ nhận hoàn toàn các nội dung đã khai nhận trên, rằng Sơn không nhận khoản tiền 200 tỉ đồng từ Thắng và Phương. Tuy nhiên, cáo trạng của VKSND Tối cao khẳng định có đủ chứng cứ để kết luận Sơn đã chiếm đoạt số tiền này.
***

Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố thêm tội tham ô

Theo cáo trạng mới, cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm bị truy tố cùng lúc bốn tội danh: Tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tội cố ý làm trái… (Cáo trạng trước đó truy tố Hà Văn Thắm ba tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng).

Nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố ba tội danh: Tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái… (Cáo trạng ban đầu Sơn bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái…).

Gần 50 bị cáo liên quan, trong đó có Phạm Công Danh (chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) và bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Đại Tín) lần lượt bị xem xét trách nhiệm về hai tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TGĐ Bkav Nguyễn Tử Quảng bị điều tra vì xâm phạm nghiêm trọng đến An ninh Quốc gia?


Quang Anh
BPL - Đề nghị cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra, khởi tố ông Nguyễn Tử Quảng-Tổng giám đốc Bkav có dấu hiệu chiếm đoạt trái phép tài sản nhà nước và xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Đây là kết luận của thanh tra Bộ GDĐT sau thời gian làm việc tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Sáp nhập trái phép Trung tâm Bkis vào công ty cổ phần Bkav

Ngày 25/07, Thanh tra Bộ GDDT đã có buổi làm việc với trường ĐH Bách Khoa HN và đại diện Bộ Giáo dục đào tạo để công bố kết quả thanh tra trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tại buổi công bố, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GDĐT đã thông báo nhiều điểm sai phạm. Cụ thể, “Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa- Bkis” thuộc sở hữu của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đã bị sáp nhập trái phép vào công ty Cổ phần Bkav. Và các sản phẩm thuộc sở hữu của Bkis đã chuyển sang thuộc sở hữu của Bkav. Cả hai đều do ông Nguyễn Tử Quảng làm Giám đốc trực tiếp điều hành.

Bkis tiền thân là nhóm Bkav. Sản phẩm đầu tiên của Bkis chính là phần mềm Bkav do Nguyễn Tử Quảng, sinh viên khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội viết năm 1995.

Tháng 12/2001, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiệu trưởng lúc bấy giờ là ông Hoàng Văn Phong (5/1997- 11/2002), thành lập trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (Bkis), ông Nguyễn Tử Quảng làm giám đốc trung tâm. Nhóm nòng cốt phát triển phần mềm Bkav trở thành thành viên của Bkis.


Nhiệm vụ của Bkis là nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, triển khai phần mềm và giải pháp trong lĩnh vực an ninh mạng, phòng chống virus máy tính. Đặc biệt hỗ trợ chuyên môn cho các cơ quan chức năng của Bộ GDĐT trong công tác phòng chống, truy tìm tội phạm tin học. Tham gia các hoạt động phòng chống tấn công phá hoại bằng công nghệ thông tin, xây dựng luật pháp về tội phạm tin học. Đồng thời hợp tác với các tổ chức an ninh mạng và cứu hộ sự cố máy tính, chia sẻ thông tin về an ninh thông tin. Ngoài ra Bkis còn tham gia công tác đào tạo nhân lực mảng an ninh mạng và công nghệ thông tin.

Trong quá trình hoạt động, Bkis đã được được nhiều thành tựu cũng như sản phẩm đóng góp cho ngành CNTT nước nhà: phần mềm Bkav, phần mềm điều hành tác nghiệp trực tuyến eOffice, phần mềm một cửa điện tử Bkav eGate. Hơn hết là giúp đỡ nước bạn trong việc tìm ra lỗ hổng của Chrome, nguồn gốc hacker của các cơ quan chính phủ Mỹ, Hàn…

Ngày 25/06/2009, Bkis thực hiện tái cơ cấu tổ chức, thành lập thêm: Bkis Security, Bkis Soft, Bkis R&D, Bkis Telecom và Bkis HCM. Và hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thời điểm này là ông Nguyễn Trọng Giảng (6/2008- 10/2014).

Cuối 2011, Bkis tuyên bố tự giải thể theo quyết định của hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Trọng Giảng vào thời điểm đó. Thế nhưng toàn bộ tài sản của Bkis và các dự án mà trung tâm Bkis nghiên cứu và phát triển lại không được thu hồi về Đại học Bách Khoa Hà Nội theo đúng quy định pháp luật. Ngay cả website chính thức của Bkis hiện tại cũng chỉ nói về công ty cổ phần Bkav chứ không phải Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa. Cũng theo kết luận thanh tra, tất cả các lĩnh vực hoạt động của công ty cổ phần Bkav đều trùng khớp với hoạt động của Bkis trước đây.

Như vậy, trung tâm Bkis (thuộc sở hữu Đại học Bách Khoa) đã bị sáp nhập trái phép vào công ty cổ phần Bkav (công ty tư nhân do ông Nguyễn Tử Quảng làm tổng giám đốc). Theo thanh tra, việc sáp nhập giữa 2 công ty này hiện tại không hề thông qua giấy tờ hay có bất kỳ thông tin chính xác xác nhận sự việc.

Trung tâm Bkis có nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn CNTT cho các cơ quan của Bộ GDĐT, truy tìm tội phạm an ninh, giúp bảo mật hệ thống an ninh Quốc gia. Đó là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và ảnh hưởng lớn đến an ninh của quốc gia. Trong khi đó, Bkav là một công ty tư nhân chuyên về kinh doanh, phát triển phần mềm diệt virus làm lợi nhuận. Vậy việc sáp nhập Bkis với Bkav đã làm ảnh hưởng đến những bí mật an ninh quốc gia nghiêm trọng.


Vì vậy, thanh tra Bộ GDĐT cho rằng việc Bkav thâu tóm trái phép Bkis có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, đồng thời sử dụng trái phép tài sản nhà nước cho việc kinh doanh cá nhân.

Kiến nghị xử lí của thanh tra Bộ GDĐT

Với những hậu quả nghiêm trọng, đồng thời xem xét những khuất tất trong việc sáp nhập giữa Bkis và Bkav. Cơ quan thanh tra Bộ GDĐT kiến nghị xử lí đối với những cá nhân, tập thể.

Thanh tra Bộ GDĐT kiến nghị với Bộ GDĐT xem xét, điều tra và đưa ra những biện pháp xử lí kỷ luật đối với ông Nguyễn Trọng Giảng- Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (6/2008- 10/2014). Trong thời gian tại chức, ông Nguyễn Trọng Giảng đã để xảy ra việc sáp nhập trái phép trung tâm Bkis (thuộc Đại học Bách Khoa) với công ty Bkav, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, làm tổn thất tài sản nhà nước.

Thanh tra Bộ GDĐT cũng kiến nghị với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xem xét, điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc công ty cổ phần Bkav về hành vi chiếm đoạt tài sản nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Đề nghị Bộ GDĐT và Bộ Công an sớm điều tra, đưa ra những biện pháp xử lí thích đáng đối với những cá nhân, tập thể nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao hơn 100.000 DN “mất tích”?


>> Dân ơi, xin cố mà chờ!
>> Bệnh đã đến ngay ngoài ngõ
>> Trump thề sẽ hủy diệt băng đảng tàn bạo nhất thế giới

ĐÀO TUẤN
LĐO - “Ra nước ngoài chữa bệnh”, thay họ đổi tên lẩn trốn, chui vào một cái “hang” nào đó gặm nhấm nỗi đau tay trắng, hoặc lao lý. Cũng có thể bán xong hoá đơn, thực hiện xong một “phi vụ” là chuồn... Có rất nhiều khả năng, rất nhiều kịch bản có thể xảy ra xung quanh con số “đứng hình”: 100.000 doanh nghiệp (DN) “mất tích” chỉ tính riêng tại TPHCM.

Con số chính xác là 115.000 DN. Và đây là con số từ Tổng Điều tra kinh tế TPHCM, gắn kèm, là đề nghị “lập kế hoạch xác minh sự tồn tại”!

Gọi là “mất tích” cũng được, dẫu thực tế một DN mà ngay cả cơ quan thuế còn không tìm thấy thì khả năng nó đã thuộc diện “chết mà không khai tử”!

115.000 DN ấy như thế nào còn cần xác minh. Nhưng rất dễ để nhìn thấy tại sao chúng mất tích.

Có một con số nhức nhối được nhắc rất nhiều lần là 70% số DN tư nhân không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong gọi đây là sự “đứt quãng về nguồn lực”!

Có một tình trạng lặp lại triền miên là thanh kiểm tra quá nhiều. Có những DN tiếp 4 đoàn thanh kiểm tra trong một tháng, có DN tiếp tới 15 đoàn một năm.

Nhưng nhiêu khê nhất là việc phải chạy, phải lót tay, phải làm luật trong cả tỉ những vấn nạn từ cơ chế xin cho.

“Đứt quãng nguồn lực”, bị kiểm tra thăm hỏi liên miên, thường xuyên phải chạy, phải xin. Làm được một đồng mất 0,7 đồng bôi trơn. DN không “mất tích” mới là thần kỳ.

Tất nhiên, phải công bằng rằng còn những lý do khác thuộc về... “khách quan”, sinh ra từ “cơ chế”.

TS Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế vừa hôm trước đặt một câu hỏi: DN Việt Nam nhiều năm qua chết nhiều nhất bởi cái gì?!

Và một trong mấy nguyên do, theo ông Nghĩa, là vì DN bị chiếm dụng vốn quá nhiều, và cũng chiếm dụng của nhau ở mức độ “khủng khiếp”!

Có nghĩa, mỗi DN Việt Nam sinh ra đã thành một ông chủ nợ bất đắc dĩ, phải đi van xin từ ngân hàng, chủ đầu tư đến đối tác để được “trả lại tiền của mình”! Và ông chủ nợ ấy cũng đồng thời là “con nợ khó đòi” của những ông... Chúa Chổm khác.

Ít tháng trước, Thủ tướng Chính phủ có một chỉ thị chỉ được thanh kiểm tra DN mỗi năm một lần.

Có lẽ, để các DN thôi “mất tích” còn cần phải có nhiều, rất nhiều chỉ thị mang tính gỡ rối trong bòng bong mối nhợ khó khăn kia nữa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang