Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

RANH GIỚI


Vũ Từ Trang

Ranh giới cái sống cái chết
đâu nghĩ đời anh phải ập tới nơi này
số phận giáng anh những đòn chí mạng
mình có là gì đâu một tia nắng mong manh?!
Một lá cỏ rưng rưng đằm sương trong suốt
một ngọn khói chiều bảng lảng vị rạ rơm
một mũi cày thèm hương đất mới
một hơi ấm mơ hồ khi tay nắm tay.
Anh không sợ, nhưng nỗi buồn sập đến
buồn ơi, tan đi, ta phải cố lên nhiều
dẫu giông bão vạn ngàn bất trắc
cây vẫn chuyển mùa, chồi lá lại tươi non.


Bệnh viện K, 13/6/2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nụ cười vụ án 9.000 tỷ, dân còng lưng xách nước



Mi An
Đất Việt - Ông Phạm Công Danh ra tòa trong vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng, ngập tràn mặt báo là nụ cười tươi tắn, bình thản của ông.

9.000 tỷ đồng là một dãy số gồm bao nhiêu số 0, chắc với những người dân nghèo, những công chức làm công ăn lương, viết đúng con số này là một việc làm không đơn giản. Ấy thế nhưng con số như một núi tiền khổng lồ ấy, có thể thất thoát trong một đại án vừa được đưa ra xét xử hôm qua, 19/7.

Có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó nhóm 5 bị cáo bị truy tố tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại 7.000 tỷ đồng gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn và Nguyễn Thị Kim Vân. Ngoài ra có 33 bị cáo bị quy trách nhiệm làm thất thoát 2.000 tỷ đồng.

Thật là những con số vô cùng ấn tượng, đến mức gây sốc cho những người dân nghèo khó, nhưng với các “đại gia” kể trên thì nó dường như không đáng kể.

Thế nên ngập tràn các trang báo đăng tin tức về vụ xét xử hôm qua, là nụ cười tươi tắn, bình thản đến mức khó tin của bị cáo Phạm Công Danh -Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh.

Chỉ 1 vụ án thôi, mà làm thiệt hại cho nhà nước 9.000 tỷ đồng. Thật đau xót khi so sánh con số ấy với những công trình xây dựng cơ bản phục vụ cho dân sinh như y tế, giáo dục, chăm lo phúc lợi… đến nay vẫn là một khát khao của hơn 90 triệu người dân.

Cũng trên báo chí ngày hôm qua, những phóng sự ảnh ghi lại cảnh người dân thủ đô còng lưng múc nước, xách nước, chia nhau từng xô nước nhỏ sau sự cố vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 18 khiến người đọc càng nản lòng và chua xót.

Thế nhưng những lãnh đạo của công ty Vinaconex – nguyên nhân gây ra tình trạng ấy, thì mới đây đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. Nếu so sánh với nụ cười trong vụ xử thất thoát 9.000 tỷ đồng của bị cáo Phạm Công Danh, thì việc tha bổng lãnh đạo Vinaconex cũng là một nụ cười không kém phần tươi tắn.


Chỉ có những người dân là không cười nổi. Họ đang phải còng lưng hứng từng xô nước do đường ống vỡ. Họ đang phải chôn chân trong những đám tắc đường vì công trình đường sắt trên cao tốc độ rùa bò mấy năm nay vẫn đang nằm ì ra chờ tiền.

Họ không hiểu tại sao có những công trình ngàn tỷ bỏ hoang, đắp chiếu. Họ càng không hiểu tại sao có những vụ án làm thất thoát tới 9.000 tỷ đồng chỉ bị phát hiện ra khi đã quá muộn, khi không còn khả năng khắc phục hậu quả. Họ không hiểu vì sao có những nhóm người giàu lên rất nhanh, những quan chức cấp Bộ nhồi nhét con mình vào chỗ béo bở trong các doanh nghiệp nhà nước mà báo chí gần đây phanh phui.

Những người dân không bao giờ hiểu được vì sao lại xảy ra điều đó. Họ đóng thuế để duy trì sự hoạt động của bộ máy công quyền, trao gửi niềm tin cho bộ máy đó, nhưng để xảy ra những vụ án như đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng này, dân cũng khó mà hiểu được vì sao. Cũng chẳng ai giải thích với họ vì sao, lỗi từ đâu.

Chính bởi vì thế mà mới có những đại gia như Phạm Công Danh, ra tòa với bộ mặt bình thản, tươi tỉnh, tự tin, nhâng nháo không trả lời nhiều câu hỏi của hội đồng xét xử với lý do “trí nhớ kém”.

Tôi đọc trên mạng rất nhiều bình luận của người dân về vụ án này, có người đổi 9.000 tỷ đồng ra trâu, tính ra có thể mua được 300.000 con trâu cho dân nghèo. Có người đổi ra học bổng 200.000 đồng cho trẻ em nghèo, số tiền ấy có thể chu cấp cho trẻ em toàn châu Á.

Thật đúng là những so đo tính toán tằn tiện của người nghèo. Thảo nào mà bị cáo Phạm Công Danh, đứng trước tòa vẫn nở nụ cười tươi tắn thế. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Phường Bát Âm



Tốt nghiệp Nhạc Viện chưa xin được việc làm. Tôi chơi nhạc đám cưới, vũ trường, đệm đàn cho các ca sĩ hạng Phường, Quận, thi thoảng leo tới cấp Thành Phố… vẫn xác xơ chẳng đủ trám miệng, dạ dầy bữa đầy bữa vơi, “điểm phổi” bằng thuốc lào hay thuốc lá nhìn kẻ no đủ lượn SH rồi mơ tưởng đời mình tới lúc thăng hoa…
(Nghĩa tử là nghĩa tận – ngạn ngữ)



Anh Lễ nói: “Hãy ly dị phố phường theo chúng tao vài năm mày sẽ thoát kiếp sâu bọ”.

– Thế các anh làm gì? Tôi hỏi (thoáng nghĩ trong đầu một đường giây buôn lậu ma túy).

Anh Lễ bảo: Chơi nhạc đám ma. Khi cuộc sống đã lên tới cao trào của sự lòe loẹt kẻ giầu tiền thường đem cái chết của người thân để triển lãm lòng hiếu hạnh, nếu không có quy luật sinh tử họ chẳng biết thể hiện chữ hiếu ra sao. Chính vì vậy, họ chi rất đẹp cho các thủ tuc tiễn đưa người quá cố về thế giới bên kia, phường bát âm hoặc những người làm nghề khóc thuê qua đó cũng được nhờ.

Thế là tôi tạm xa thành phố theo phường bát âm xuôi ngược khắp nơi…
Nhờ khả năng cảm âm thiên phú, chỉ vài buổi tập tôi đã sử dụng thành thạo cây đàn tam anh Lễ giao cho, cũng chẳng mấy khó khăn tôi nắm vững quy luật hòa âm giản đơn ở các phường bát âm thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tôi hỏi anh Thứ (người thổi kèn): chỉ có năm sao lại gọi là bát âm?. Anh Thứ trả lời: Tao cũng đếch biết! Trước thì đủ cả tám giờ còn năm vừa vặn một mâm gia chủ khỏi thêm bát đũa cho phường. Lúc trẻ, anh Thứ thổi kèn trong “Đội Quân Nhạc” chuyên tiếp đón nguyên thủ quốc gia ngoại quốc hoặc trong ngày lễ trọng đại, và các cuộc họp quan trọng của chính phủ. Khi mất sức, anh mang quân hàm thượng úy, gia nhập phường bát âm với anh Lễ nhờ bạn bè giới thiệu. Anh Thứ rất thương đứa con gái út, lúc tan đám, anh hay xin nhà chủ gói xôi miếng giò mang về cho nó. Anh bảo:Từ ngày theo phường con tôi đỏ da thắm thịt, càng nhiều người chết nó sẽ béo lên.

Linh hồn kiêm cán bộ tổ chức phường bát âm tên Tiết, anh có biệt tài thám tử nắm rất chắc lý lịch các gia đình “máu mặt” trong phạm vi 100 cây số. Giàu lâu hay mới phất, địa vị xã hội ra sao, chết vì nguyên do gì? Anh biết tường tận tới đường tơ kẽ tóc. Vốn làm giáo viên giảng dậy môn Tâm Lý, chỉ thoáng dăm câu đôi điều anh đã nắm bắt được tình hình, dù gia đình đang lúc tang gia bối rối.

1. Đám ma bố ông Tổng giám đốc

Nhà ông Tổng cách trung tâm thành phố 20 cây số. Ông tiếp phường bát âm với phong cách xuề xòa: Tôi không thích ở thành phố dù được phân nhà. Các anh cứ đàn thật lâm ly, mấy cô khóc thuê thì gào cho thật thảm thiết, bao nhiêu tôi cũng chi. Anh Tiết thì thào: Bố ông ấy chết vì suy nhược thần kinh.Tôi hỏi: Sao anh biết? Anh Tiết bảo: Nhà nhiều của thì lo ngay ngáy ăn không ngon ngủ chẳng yên, chưa biết lúc nào vỡ ổ, ngậm sâm Cao Ly thì cũng giống củ khoai hà.

… Cỗ quan tài nằm giữa căn phòng rộng thênh thang, chính giữa bàn thờ là trầm hương tỏa khói. Phường bát âm ngồi cạnh linh cữu trên chiếc chiếu Nga Sơn. Rượu ngoại, thuốc lá ba số 5 cứ hết lại được tiếp. Tôi xả láng trong lúc nghỉ, anh Lễ mắt trước mắt sau rút trộm thuốc lá, còn anh Tiết ngang nhiên cầm chai rượu tuồn vào túi, miệng lẩm bẩm: Mang ra chợ hàng Da cũng xấp xỉ một chỉ. Anh Thứ lầu bầu: Tụi mình giống con kền kền chuyên ăn thịt xác chết. Anh Thức (người đánh trống trong phường) bảo: Đời là mấy tí, chẳng mấy khi trấn lột các ông quan hợp pháp.

Tôi ngồi đàn như kẻ vô hồn, nhìn mấy ngọn nến chập chờn trên nắp quan tài. Ai cũng đều kết thúc tại vị trí này, con người sinh ra, sướng khổ, vinh quang, quyền lực hay nghèo hèn khốn khó đều giống nhau. Cuộc đời thật tạm bợ, thần chết cào bằng tất cả…

… Tiếng người khóc thuê lên bổng xuống trầm, nghẹn ngào, khắc khoải:

Con yêu bố/Hiếu với bố như hiếu với dân
bố đã về trời tung cánh hạc cõi Bồng Lai….


Ông Tổng nói với phường bát âm: Lời bài khóc do tôi sáng tác, các anh thấy trong đó vừa mang tình văn học lại không mất quan điểm. Anh Lễ bảo: Tuyệt vời, bác có khả năng duy mỹ. Ông Tổng nói: Duy vật chứ!. Anh Tiết góp vào: Cả hai! Ngoài ra nó còn mang nhạc tính. Ông Tổng xua tay:Các anh nói hơi khó hiểu, mặc dù tôi biết là lời khen. À! Khi khách tới đông nhờ mấy anh chơi bản nhạc “Diệt Phát Xít” cho không khí thêm hùng tráng.
– Vâng! Phường chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng – anh Thứ bảo.

Tiếng xe, tiếng người ồn ào…
– Dạ! Mời các quý vị… Quý hóa quá!… Ông cụ nhà tôi chắc mát lòng mát dạ…
– Cụ “đi” từ lúc nào?
– Hôm qua, lúc chính ngọ…
– Thủ trưởng yên tâm, em sẽ cho đăng trên báo, em tạm mượn bức ảnh cụ nhà, in vào mục chia buồn để thêm phần trang trọng…
– Hết bao nhiêu?
– Em ủng hộ vô tư coi như con cháu trong nhà tiền nong làm gì, nếu được chỉ xin thủ trưởng cái chữ ký vào bản hợp đồng chuyển nhượng…
– Cứ từ từ, đợi qua ngày mở cửa mả. Có quen ai bên tờ “Thi văn” không?
– Thằng bạn em phụ trách phần biên tập thơ của tạp chí…
– Tốt! Cậu nhờ anh ta làm bài thơ ca ngợi ông cụ, tôi sẽ tóm tắt quá trình quê quán, đức độ cụ nhà…
– Tưởng gì chứ việc đó thằng em làm một phát ăn ngay…

Kìn kìn vòng hoa các cơ quan đoàn thể từ thấp tới cao đề hàng chữ Kính viếng… Vô cùng thương tiếc… Cỗ bàn được bày ra, nếu vắng những người khóc thuê và tiếng nhạc nỉ non của phường bát âm rất dễ lầm đây là đám cưới. Khách, chủ đều tươi cười nâng ly chúc tụng nhau. Vợ ông chủ tịch nói: Đám nhà tôi có vui không quý vị?

– Vui, vui lắm, còn hơn cả tết. Cũng nhờ cụ qua đời anh em chúng ta mới được hân hạnh gặp nhau đông đủ như ngày hôm nay.
– Mời anh em nhạc sĩ ngừng tay xơi bữa cơm dưa muối – ông Tổng nói với phường bát âm…

Nhìn các món trên bàn, anh Tiết bảo: Dưa muối kiều này còn hơn thịt cá nhà tôi. Anh Thứ nói: Thịnh soạn như vậy là con cháu hiếu thảo lắm!. Anh Lễ hỏi: Hết khoảng mấy cây hở các huynh? Tôi bảo:Không liên quan gì đến chúng ta, mấy cây cũng vậy. Xin mời các đại sư huynh khai chiến với đĩa thịt gà, nào nâng đũa!

Ông Tổng nói với thực khách: Làng tôi sinh nhiều anh hùng, ngay đầu làng dựng đền thờ vị thành hoàng có tài đánh giặc…
– Chắc thành hoàng đem lại ấm no cho toàn dân? Ai đó hỏi ông chủ tịch.
– Làng tôi vẫn nghèo, nhưng giàu lòng yêu nước.

Đám kết thúc. Ông Tổng cùng vợ tiếp phường bát âm vào buổi chiều ngày hôm sau:
– Cám ơn các anh. Ông quay sang hỏi vợ: “Thế nào?”. Lãi mình ạ! Tiền phúng viếng hơn hai trăm triệu, chưa kể đồ mừng. – Vợ ông trả lời.
– Vậy bồi dưỡng thêm cho mỗi người năm chục ngàn…

Trên đường về anh Tiết bảo: Cứ đà này, tôi chỉ mong các bậc giàu tiền lần lượt quy tiên. Anh Thứ thì nói (sau khi đếm tiền): Cái chết của các bậc quyền quý lợi nhiều hơn hại, nó đem lại cho chúng ta nguồn sống, nó giúp chúng ta tồn tại và nếu chúng ta sống mạnh sống hùng thì cả dân tộc hồng hào. Khuôn mặt xanh xao truyền thống sẽ đổi màu, dạ dày chẳng còn sôi réo đòi báo động.

Tôi bảo: Có nghĩa chiến tranh hết đe dọa. Anh Thứ gắt: Tầm bậy! Giống người khi đủ ăn rồi họ lại đòi hỏi nhu cầu khác. Tôi hỏi: Nhu cầu gì? Anh Tiết nói: Mày chỉ đáng ăn cứt khi hỏi câu này. Anh Lễ cười: Nếu vậy thì tổ quốc dấu yêu hết cả cứt, vì rất nhiều thằng hỏi như nó…”

2. Đám ma bố ông X

X – trẻ trung, vẻ mặt đa mưu. Không hổ danh “hậu sinh khả úy”, vợ con rồi X vẫn ngủ thêm với nhiều cô gái qua các cuộc tình đã đóng bảo hiểm. Điều đó chứng tỏ X sòng phẳng, thận trọng và thấp thoáng nhân tính. X nói với phường bát âm: Tôi cần các anh. Anh Thứ hỏi: Chúng tôi phải làm gì?. X nói:Yêu cầu nét mặt biểu hiện sự đau thương tới tột cùng. Anh Lễ hỏi: Giá cho sự đau thương là bao nhiêu? X trả lời: Một triệu? Tôi nói: Khi nhạc sĩ phải đóng vai kịch sĩ cũng chẳng mấy dễ dàng! xin anh hai triệu. X trả lời: OK!.

… Anh Tiết nói với tôi: Mày đã bắt đầu biết cách nâng cao giá trị tập thể, tao kiêu hãnh vì mày, chúng ta không thể sống theo kiều bầy đàn nguyên thủy, một cộng đồng có sức sống mạnh mẽ đòi hỏi tính liên kết bất vụ lợi. Hôm nay, trước linh hồn bậc cao niên khả kính tao xin thề, thương mày nhiều hơn nữa và thực hiện tốt chiến thuật “kẻ tung người hứng”. Anh Thứ bảo: Hoan hô các Khanh! Vương quốc sẽ hùng mạnh, ngày mai Trẫm khao thưởng tất cả bữa lẩu dê ở phố Lê Duẩn. Anh Lễ bảo: Món dái dê hấp cách thủy rất tuyệt. Tôi nói: Hôi bỏ mẹ!. Anh Thứ bảo: Vấn đề này mày vẫn còn đần độn, tao sẽ dậy dỗ mày có cái nhìn mang tính khoa học, tính triết lý Phương Đông và nhân bản trước những món ăn được chế tác từ bộ phận sinh dục, nó huyền bí, cao cả, thiêng liêng… Anh Tiết nói: Chưa đủ, còn phảng phất mùi thiền.

Đám ma bố ông X không ồn ào, người trong nhà nói nhỏ với nhau tựa tiếng khóc thút thít, khung cảnh lạnh lẽo gây cảm giác rờn rợn. Anh Thức ngừng tay trống lí nhí: Tao thấy giống như là chuyện Liêu Trai. Người đàn bà phụ trách công việc tiếp rượu, thuốc cho phường bát âm còn trẻ, vành khăn tang chít hờ hững ngang đầu làm tăng thêm nét đẹp quý phái, bộ tang lễ màu trắng mỏng dính như váy ngủ để lộ thân hình hoa hậu. Anh Tiết bảo: Cô bồ ruột của cái ông đang nằm trong quan tài. Anh Lễ nói: Kiểu già non ngãi non vợ chồng. Anh Thứ bảo: “Nhìn bộ đồ tang phủ trên mình người đẹp khiến ….., ăn mặc kiểu đấy cũng gần giống trần truồng. Anh Tiết nói: Thôi, xin bố hãy tập trung chơi nhạc. Tôi hỏi anh Tiết: Vợ ông ấy không ghen? Anh Tiết bảo: Bà khuất núi trước chồng hai năm, cho nên cô bồ mới ngang nhiên tiếm quyền.

Tang lễ bố ông X sang trọng xong trang nghiêm, bình dị. Người tinh tế tới dự thấy gần giống một âm mưu khiến họ phải dè dặt, ý tứ. Các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, đồ uống cũng thế, rượu làng Vân thay thế vị trí rượu phương Tây. Từ giàn âm thanh đời mới cứ khoảng nửa tiếng đồng hồ lại phát cuốn băng ghi âm giọng nói bố ông X đọc lời khai mạc buổi hội thảo mang chủ đề “Bàn về văn hoá tang lễ”. Anh Thức bảo: Đám này phường mình nhàn hạ. Tôi nói: Sự có mặt của phường bát âm chỉ mang giá trị vật trang sức. Anh Thứ bảo: “Thôi đi các bố! Tôi chỉ quan tâm mấy tờ giấy có mệnh giá cao… Tôi nói: Giọng nói người chết nghe khá hào hùng, bài diễn văn hay đấy chứ! Anh Lễ bảo:Tao nghe thấy giống kiểu quảng cáo thuốc chữa hôi nách, sâu răng, hắc lào, bệnh lậu của gánh thuốc “Sơn đông mãi võ” “.

Đêm rằm. Tôi không ngủ mà đi dạo quanh khu vườn nhà ông X. Trăng sáng quá, các anh trong phường bát âm chắc đã ngủ ngon, nhìn trăng, nhìn cảnh vật tôi bỗng nhớ tới hai câu thơ của một thi sĩ nhà quê:

…Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem trăng sáng vãi ngang vườn chè…

Vườn nhà ông X không có chè, toàn cây ăn quả, chậu cảnh. Bóng ai mặc bộ đồ trắng thoáng hiện. Ma! Tôi sởn gai ốc, xong không phải, đó là cô bồ ruột của bố ông X (hiện đang nằm trong quan tài). Cô không hiện diện một mình, ông X đứng cạnh…

Tiếng ông X: “Anh phải có trách nhiệm thừa kế những gì bố anh để lại, giờ đây chúng mình không phải lén lút như trước”. Giọng cô gái: Bố con nhà anh giống hệt nhau. Ông X hỏi: Anh với bố, ai làm cho em sướng nhiều? Cô gái bảo: Anh hùng hổ nghiến ngấu, bố anh từ tốn dẻo dai, ai cũng làm em thích …

Anh Lễ nói (ở quán lẩu dê trên đường Lê Duẩn): Món dái dê hấp cách thủy thật tuyệt!. Anh Thứ bảo:Vừa có hợp đồng. Ngày mai phường mình chơi nhạc cho đám ma con chó nhà một đại gia mua bán bất động sản, Các khanh nghĩ thể nào? Anh Tiết trả lời: Người hay súc vật đều giống nhau thôi không có gì phải băn khoăn…

Thành phố lên đèn, tôi vật vờ vô định thoáng nghe bên tai tiếng dương cầm giai điệu bản “Giao hưởng số chin, cung rê thứ” của L.V. Beethoven mà tôi học ngày nào. Hiện tại, tôi chơi nhạc đám ma. Cái chết – quy luật tất yếu giúp tôi sinh tồn, các giá trị nghệ thuật cao quý chỉ còn là hoài niệm!



Không biết tác giả

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bớt đi... được không?


 Võ Thiên Thu


Bớt đi ... một chút tượng đài
Bớt đi ... lễ hội rực trời pháo hoa
Bớt đi ... đại yến gần xa
Bớt khoe... hoành tráng nước ta còn nghèo
Bớt đi công cán bồ theo
Xe công siêu độc học leo con trời
Công trình ngàn tỉ để đời
Bỏ không hoang phí khiến người xót xa

Bớt đi ông lớn nhiều nhà
Ăn chơi trác táng xa hoa tiền chùa
Bớt đi những tiếng nói thừa
Vẽ vời hội họp bán mua chức quyền

Bớt đi đấu đá triền miên
Tranh quyền đoạt vị nhìn xem ..dân nghèo
Đi học đứa lội đứa trèo
Mong manh mạng sống hoạ treo đỉnh đầu

Đặc nhiệm Mỹ phải cúi đầu
Dân ta thật giỏi trẻ trâu càng tài
Chắp tay bái phục các ngài
Huấn luyện trẻ nhỏ toàn bài đặc công

Nghe khen sao nhói buốt lòng
Nghe khen đau xót ai không tủi sầu?!!
Ước mơ xa vợi cây cẩu
Nhỏ nhoi cũng được cần đâu lớn gì

Chỉ cần các cháu được đi
Học thêm con chữ xanh rì tương lai
Không còn bơi vượt sông dài
Không đu dây lượn như loài ... TăcZăng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

3 ĐÌNH CHUYỂN DỊCH TỪ 3 HOA ĐẾN 3 SỢ


Đình Ấm Nguyễn 

Nguyên Bình, con gái rượu của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (hơn 100 tuổi), nhà văn cô đã sống học ở Trung Quốc suốt thời trẻ cùng cha mẹ là đại sứ ở TQ. Đáng lẽ hưởng nhiều lộc của TQ, nhà sản (từ mồ hôi, nước mắt dân TQ và VN) sẽ có cuộc sống vương giả nhưng cả Bình, cha và gia đình vẫn đau đáu tấm lòng với tổ quốc, nhân dân, giữ trọn danh tiết của người con đất Việt, sống thanh liêm, chính trực dành cả trái tim, tâm hồn cho nhân dân, tổ quốc...
Hôm trước Bình cùng chúng tôi về Đồng Tâm cô cứ như muốn khóc trước những lời kể của dân Đồng Tâm...Tôi thường có ác cảm với những người, gia tộc chức, quyền hiện nay nhưng với cụ Nguyễn Trọng Vĩnh và gia đình thì tôi vô cùng bái phục vì những con người không bị tha hóa trước địa vị, tiền bạc...

Ảnh:Nguyên Bình trao quà của nguyên cán bộ cao cấp ở Củ chi (SG) nhờ bình chuyển giúp biếu cụ Kinh


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHẾCH NHÁC, KHAI NỒNG - LỐI VÀO MỘ TƯỚNG GIÁP


Đường lên viếng thăm mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến 

Xây cái nhà vệ sinh khó đến thế sao? 
 
Một Thế Giới
19.07.2017


Tôi vừa tham gia tour “Bình Tĩnh ngao du” của công ty L. Tour mới, có nhiều điểm lạ. Đi các tỉnh vùng biển nhưng thực đơn hoàn toàn vắng bóng hải sản. Đoàn có viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuối tháng 5, trời như đổ lửa nhưng ngày nào cũng đông khách. Mộ lúc nào cũng tràn ngập hoa. Viếng mộ đại tướng xong, ai ra về cũng ray rứt.

Đặc biệt là về nhà vệ sinh. Khách du lịch đi đường xa tới, ghé bất cứ điểm nào, nơi đầu tiên khách vào là nhà vệ sinh. Hỏi thì mấy nhân viên quản lý cho biết “Ở đây chưa có nhà vệ sinh. Nếu cấp bách quá thì các anh chị ra phía rừng đằng kia”. Nghe xong là muốn á khẩu. Vài người chịu không nổi, đành nhắm mắt đưa chân. Còn tôi, thì không thể.

Loa phóng thanh thông báo “Khách lên viếng mộ không mang nước, túi xách và đội mũ. Phải để lại trên xe hoặc tủ gởi hành lý của Ban tổ chức. Trưởng đoàn đến đăng ký để nhập dữ liệu vào máy tính”. Trước đó hướng dẫn viên cho biết là có thể mang hoa từng cành lẻ chứ không thể mang vòng hoa, bó hoa hay trái cây, bánh trái lên mộ. Phải nói là rất nghiêm trang. Nhưng rồi nhiều người thất vọng. Mộ nằm giữa trời, trên đồi cao, khiêm tốn bằng đất có xi măng bao quanh. Tôi cứ tưởng mộ trong nhà kính mới kiểm soát an ninh như vậy. Có người nói là tính cụ giản dị, không muốn xây mộ hoành tráng? Phải nói là khu đất quá đẹp, rất đắc địa về mặt phong thủy lẫn phong cảnh. Các lối đi được rải nhựa, tháp chuông bề thế, khuôn viên được trồng nhiều cây quí…

Dọc đường vào mộ, tôi cứ áy náy với hình ảnh những cụ già lam lũ, đứng bán hoa. Cụ nào cũng run rẩy đưa hai tay ra hiệu cho xe chạy chậm lại mua hoa. Mới nhìn cứ tưởng là chắp tay vái. Tôi nói suy nghĩ của mình, bạn hướng dẫn viên cho hay “Bây giờ là đỡ rồi. Trước kia còn toàn trẻ con năm bảy tuổi, mang trang phục công an bộ đội nhí đứng chào mời bán hoa rất phản cảm”. Còn chuyện nhà vệ sinh, nghe nói trước đấy khách toàn ra ngay bãi dương trước mộ cụ để xả, mùi xú uế nồng nặc, giấy và rác lả tả. Giờ có hàng rào lưới, khách phải đi xa hơn. Khách chê nhà đón tiếp quá tuềnh toàng, hướng dẫn viên bảo “Vậy là tươm tất rồi, năm ngoái còn làm bằng bạt, tạm bợ mấy năm liền”.

Thật khó hiểu. Đại tướng mất đã gần 4 năm (4.10.2013). Khách đến viếng cụ, ngày vắng thì mấy trăm, cuối tuần cả ngàn, cao điểm có ngày năm bảy ngàn. Vậy mà không có lấy một nhà vệ sinh tối thiểu. Khu di tích đang xây dựng, vừa quản lý, bảo vệ , phục vụ và công nhân mấy chục người cũng không có nhà vệ sinh thì lạ quá. Nếu thiếu kinh phí có thể vận động các công ty Lữ hành và cả du khách góp tiền chứ để thế này ai mà dám tới. Nghe đâu có mấy công ty cũng đề nghị vậy nhưng không ai trả lời! Tại các điểm tham quan, nhà vệ sinh phải là hạng mục đầu tiên trong số các dịch vụ đón khách. Không cần đẹp hay lớn lao gì, chỉ cần sạch. Vào những chỗ trang nghiêm thế này mà bụng dạ cứ anh ách, bức xúc vì không có chỗ xả thì tâm trí đâu mà thể hiện lòng thành?

Tôi bước ra chụp tấm panô “Quý khách vui lòng không để lại gì ngoài những bước chân” giữa thoang thoảng mùi khai thối. Khẩu hiệu này thường gặp trong các vườn quốc gia. Ghé viếng mộ đại tướng, tôi cứ ấm ức. Khách ta đã chịu không nổi, nói chi đến khách nước ngoài. Ra về, tôi để lại những tình cảm quí mến và ngưỡng mộ danh tướng quân sự hiện đại của Việt Nam. Tôi thuộc thêm bài thơ ngắn, sâu sắc mà chính xác của Tào Mạt viết tặng sau khi cụ về hưu, sống thiền định và thanh bạch mà hướng dẫn viên đọc trên xe “Võ lược, văn tài, loạn thế sinh. Khai nguyên, định giáp, quán trung tinh. Vi tướng, vi sư, vi nhân giả. Thủ bạc, tâm thanh, lạc thái bình”.

Nhờ báo chí hỏi giúp “Bao giờ khu di tích mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhà vệ sinh?”. Tôi hỏi nhân viên phục vụ tại khu di tích thì họ đều trả lời là “Không biết!”.

Xây cái nhà vệ sinh khó đến thế sao, khi lúc nào người ta cũng mơ tưởng xây những tượng đài hoành tráng? 

Trần Trung Dân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nơi nào có “lãnh tụ vĩ đại”, nơi đó nhân dân khổ nạn trùng trùng!


10/03/2017 Lãnh tụ càng vĩ đại thì nhân dân càng nhỏ bé, lãnh tụ càng vĩ đại thì khổ nạn của nhân dân càng thê thảm. Cái gọi là “lãnh tụ vĩ đại” chính là một loại uy quyền tuyệt đối trong cộng đồng nhằm kiểm soát toàn bộ đời sống xã hội: từ văn hóa, kinh tế, quân sự, chính trị đến đời sống dân sinh và tư duy của cá nhân đều bị kiểm soát chặt chẽ, mọi người chỉ có cách duy nhất là phục tùng tuyệt đối, trung thành tuyệt đối người lãnh đạo.
“Lãnh tụ vĩ đại” có thực hiện bốn quyền tự do nền tảng theo cựu tổng thống Mỹ Roosevelt? Ông Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng hứa thực hiện 4 quyền tự do nền tảng theo quan điểm cố Tổng thống Mỹ Roosevelt:

1. Tự do tôn giáo tín ngưỡng (Freedom of religious belief)

Một người có thể lựa chọn theo một tôn giáo tín ngưỡng nào hoặc không theo tôn giáo tín ngưỡng. Bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng không thể vì niềm tin của mình mà cấm cản quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người khác.

2. Tự do biểu đạt (Freedom of expression)

Tín ngưỡng phải nhờ biểu đạt để thực hiện. Tự do biểu đạt bao gồm các quyền tự do: ngôn luận, xuất bản, lập hội, lập đảng, biểu tình thị uy, bãi công, sáng tạo, thảo luận.

3. Tự do khỏi nỗi khiếp sợ (Freedom From Fear)

Tương tự như quyền sống, quốc gia không được để cuộc sống của công dân chìm trong nỗi khiếp sợ. Ở đây hàm nghĩa không được phép xâm phạm bất hợp pháp thân thể và tài sản người khác, không được khám xét vô bằng cớ, không được phỉ báng làm nhục người khác.

4. Tự do khỏi đói nghèo (Freedom from Want)

Tương tự như quyền phát triển đời sống, quyền tự do này liên quan đến các phương diện lao động, đi lại, giáo dục, thương mại, văn hóa, nghỉ ngơi.

“Lãnh tụ vĩ đại” tước đoạt 4 quyền tự do nền tảng

Như vậy, “lãnh tụ vĩ đại” có bảo đảm cho nhân dân được hưởng 4 quyền tự do cơ bản này không?

Dĩ nhiên là không, hơn nữa còn ngược lại, “lãnh tụ vĩ đại” và “4 quyền tự do nền tảng” trái ngược như nước với lửa, không đội trời chung, muốn luyện thành “lãnh tụ vĩ đại” thì phải không từ thủ đoạn, phải tước đoạt hết 4 quyền tự do nền tảng này của nhân dân.

Không thể cho phép tự do tín ngưỡng, vì nếu cho phép tự do tín ngưỡng thì liệu có còn “lãnh tụ vĩ đại” không? Muốn có “lãnh tụ vĩ đại” phải xây dựng lý luận tin vào “lãnh tụ vĩ đại”, tin vào trí tuệ siêu phàm của “lãnh tụ vĩ đại”, mỗi câu nói của “lãnh tụ vĩ đại” đều là chân lý. “Lãnh tụ vĩ đại” không chỉ là vua mà còn vượt xa vua, vua không cần thiết mọi người phải ngưỡng mộ, vua trị nước cần nương nhờ vào đạo trời, vua phong kiến (Trung Quốc và những nước ảnh hưởng) nhờ vào lý luận của Nho giáo, vì thế ngay cả Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông cũng không trị quốc bằng tư tưởng/lý luận/chủ nghĩa của mình, họ chỉ cần phục tùng theo chứ không cần ngưỡng mộ, vì bách tính tin theo Phật, tin theo Đạo. Còn “lãnh tụ vĩ đại” muốn nhân nhân ngưỡng mộ mình vô hạn độ. Tín ngưỡng ở đây chính là bản thân “lãnh tụ vĩ đại”, là ngưỡng mộ “lãnh tụ vĩ đại”, vì thế không được tin theo Thần, Tiên, Đạo.

Theo tín ngưỡng Thiên Chúa và Cơ Đốc giáo, trước Thượng đế mọi người đều là tội nhân, mọi người bình đẳng, “lãnh tụ vĩ đại” cũng là người, cũng là tội nhân, dựa vào đâu mà ông ta được phép sở hữu quyền lực tuyệt đối?

Tín ngưỡng Phật giáo cũng xem “lãnh tụ vĩ đại” là người, là một thể xác người ra đời theo nhân duyên, có gì đáng ngưỡng mộ?

Vì thế nếu cho phép những tín ngưỡng này tồn tại thì không còn chỗ đứng cho “lãnh tụ vĩ đại”. Vì mọi người chỉ được ngưỡng mộ, quỳ lễ và ca ngợi “lãnh tụ vĩ đại” nên tự do tín ngưỡng chỉ còn giảm trừ thành tự do ngưỡng mộ “lãnh tụ vĩ đại”.

Nhưng “lãnh tụ vĩ đại” lại không phải thần thánh, quyền lực của ông ta không có tính chính danh do trời đất ban cho, vì thế “lãnh tụ vĩ đại” phải dựa vào vũ lực để duy trì quyền lực mãi mãi. Nhưng ông ta chỉ là một thân xác phàm do cha mẹ sinh ra, thứ ông ta ăn là ngũ cốc lương thực các loại, răng ông ta cũng đen, hơi thở cũng hôi thối, cũng hay bị ợ nấc, cũng bị cảm nhiễm vì vi trùng, cũng chảy nước miếng, buổi tối cũng phải đi ngủ, cũng thất tình lục dục, cũng khó qua ải mỹ nhân… làm sao ông ta có thể đảm bảo luôn công chính được? Ông ta phải dùng cỗ máy quốc gia tuyên truyền ca ngợi ông ta vĩ đại, quang vinh, công chính, không cho phép ai nghi ngờ địa vị tuyệt đối của ông ta, nếu ông ta tuổi thọ vô biên thì sẽ mãi mãi không bao giờ buông bỏ quyền lực. Vì thế, không bao giờ ông ta cho phép cái gọi là phê bình, giám sát, bầu cử, thị uy, bãi công tồn tại trong từ điển của dân chúng. Quyền tự do lên tiếng chỉ còn lại là tự do ca ngợi “lãnh tụ vĩ đại”.

Nhưng trong nhân dân luôn có những người thông sáng và dũng cảm, dám chất vấn “lãnh tụ vĩ đại”. Với những ai nghi ngờ và phê bình, “lãnh tụ vĩ đại” xem là “ngông cuồng phản động”, là “suy thoái biến chất”, vì thế phải diệt trừ hậu họa, phải làm cho cuộc sống của phần tử này chìm trong khủng bố, hoảng sợ. Những ai không tuân phục có thể bị liên lụy đến người nhà, bạn thân, làm cho đa số mọi người phải sợ hãi, nhiều người đành phải im lặng giữ mình. Như thế, quyền bảo đảm an toàn tài sản và thân thể không được pháp luật bảo vệ, chỉ cần bị quy chụp là kẻ thù giai cấp là trở thành tội nhân. “Lãnh tụ vĩ đại” dùng khủng bố vũ lực để thống trị, quyền tự do khỏi nỗi khiếp sợ chỉ thuộc về bản thân “lãnh tụ vĩ đại”.

Sự thống trị của “lãnh tụ vĩ đại” dĩ nhiên phải chuyên chế, cuộc sống xã hội theo đó bị khống chế toàn diện. Ông ta dùng danh nghĩa “quốc gia” tịch thu toàn bộ đất đai, nhà cửa, gia sản của nhân dân, xây dựng nên chế độ thứ bậc tôn ti chặt chẽ và chế độ hộ khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhu cầu đi lại của mọi người, từng chén cơm của mọi người đều nằm trong kiểm soát của quốc gia, biến chân lý “người không làm không có ăn” thành “người không phục tùng không có ăn”, những ai dám chống đối bị liệt vào “phần tử bất hảo”, không thể tìm được nơi ăn chốn ở, chỉ còn cách nằm chờ chết ngoài đầu đường xó chợ. Để làm nổi bật ân đức của “lãnh tụ vĩ đại” cần làm cho muôn dân luôn sống trong đói nghèo cùng cực, có chén cơm là nhờ công ơn của “lãnh tụ vĩ đại”, tương tự như Bắc Triều Tiên ngày nay. Nếu có “tự do thoát khỏi đói nghèo”, quốc dân có đất đai, nhà cửa, tài sản mà “thần thánh không được xâm phạm”, vậy thì “lãnh tụ vĩ đại” làm sao có thể tùy tiện sai khiến, tùy tiện nô dịch nhân dân? “Tự do thoát khỏi đói nghèo” đã bị “lãnh tụ vĩ đại” và giai cấp đặc quyền đặc lợi độc chiếm, đa số nhân dân theo đó bị bần cùng hóa.

Như vậy, “lãnh tụ vĩ đại” đã độc chiếm toàn bộ 4 quyền tự do cơ bản của nhân dân, mọi người bị lùa vào trong cái lồng nô lệ, đây là căn nguyên của khổ nạn.

Tiêu chí quan trọng hàng đầu của lý thuyết chính trị hiện đại chính là hạn chế quyền lực chính phủ, bảo vệ quyền lợi của công dân. Mấu chốt hạn chế quyền lực Chính phủ chính là hạn chế quyền lực của lãnh đạo cao nhất, không cho phép “lãnh tụ vĩ đại” được xuất hiện. Nhưng “lãnh tụ vĩ đại” thì muốn đi ngược trào lưu thế giới, muốn sở hữu quyền lực vô hạn, thu nhỏ tối đa quyền lợi của nhân dân.

Có thể nói, lãnh tụ càng vĩ đại thì nhân dân càng nhỏ bé, lãnh tụ càng vĩ đại thì khổ nạn của nhân dân càng thê thảm.

“Lãnh tụ vĩ đại” đi ngược lại trào lưu tiến bộ của thời đại, vì thế chính ông ta mới thích đáng gọi là phản động!

Theo Facebook Đường Hải (Nguyễn Đoàn dịch)

http://trithucvn.net/blog/noi-nao-co-lanh-tu-vi-dai-noi-nhan-dan-kho-nan-trung-trung.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang