Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

BA CÂU HỎI GỬI ĐẠI SỨ PHẠM SANH CHÂU



Pham Tuong Van

BA CÂU HỎI GỬI ĐẠI SỨ PHẠM SANH CHÂU

Bữa nay mới có chút thời gian theo dõi phần thi vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO của ông Phạm Sanh Châu.

Tôi không thất vọng vì ông mang theo chai trà xanh đang bị đông đảo quần chúng tẩy chay. (Thật ra chúng ta không có quyền tức giận hay thất vọng vì ai đó không có chung niềm ghét như mình.)


Khi vào trang FB cá nhân, tôi cũng rưng rưng khi ông nhắc tới song thân đã khuất, ấm lòng khi ông bày tỏ bức xúc về mấy vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gần đây. 
Nhưng khi thấy ông nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn lãnh đạo thì tôi bắt đầu thất vọng.
Đây có thể nói là điểm yếu, rất yếu về tâm thế của ông so với các ứng viên còn lại, vốn là những chính khách có cỡ (Bộ trưởng nước lớn hoặc Phó Tổng thống nước vừa vừa).

Nếu ở vị trí của hội đồng tuyển chọn, tôi sẽ đặt câu hỏi:
- Tài trí như vậy sao bấy lâu ông không phát huy hết vai trò của mình, để làm nhiều hơn cho cái đất nước vốn luôn là mối quan tâm của chính cái tổ chức mà ông đang ứng cử vào vị trí dẫn đầu?
- Bấy lâu nay tiếng nói ông cất lên ở đâu, giữa cơn bão suy thoái trầm trọng của văn hoá, giáo dục, khi quyền tối thiểu của trẻ em, phụ nữ và các nhóm đối tượng bị đối xử bất bình đẳng vẫn bị xem nhẹ ở các nhà hoạch định chính sách mà ông luôn có dịp kề cận?
- Là một mắt xích (lâu năm) trong thể chế toàn trị, liệu ông có đủ năng lực, tầm nhìn lẫn chiều sâu để trưởng dưỡng những giá trị phổ quát của nhân loại, điều mà cái thể chế mà ông đại diện đang vận hành theo chiều ngược lại?

Người ta sẽ bào chữa rằng: ông lớn lên trong một đất nước mà nhân tài không được trọng dụng, và ông sẽ phát huy tốt hơn nếu được đặt ở vị trí thích hợp.

Tôi không tin lắm.

Ông có thể có trí, có sự nhu hoà nhưng dường như thiếu hẳn dũng khí, điều mà mỗi người muốn làm việc không nhỏ lắm đều phải có trước tiên.

--------------

TS Nguyễn Hồng Kiên

VỚI CÁ NHÂN NHÀ CHÁU, PHẠM SANH CHÂU không chỉ là 1 KẺ VÔ VĂN HOÁ !

TRẺ CON CŨNG NHẬN THẤY VIỆC MANG 1 SẢN PHẨM THƯƠNG MẠI VÀO ĐÓ LÀ 1 HÀNH ĐỘNG PR THƯƠNG MẠI CHỨ CHẲNG PHẢI YÊU QUÝ GÌ ĐẤT NƯỚC.

VÌ AI CHẤP NHẬN ĐƯỢC VIỆC 1 QUAN CHỨC VĂN HOÁ muốn giới thiệu cái gì đó của Việt Nam LẠI chỉ biết CHỌN CHAI NƯỚC DR.RUỒI ??? 

.


VẦNG, THẾ THÌ không chỉ quá ngu dốt, MÀ CÒN QUÁ khốn nạn KHI MANG CÁI THƯƠNG HIỆU BỊ NHIỀU NGƯỜI VIỆT TẨY CHAY VÌ lừa đảo, bẩn thỉu, đẩy 1 người vào tù... ĐỂ giới thiệu Việt Nam VỚI THẾ GIỚI.

ĐI PHỎNG VẤN LÀM TGĐ 1 CƠ QUAN CỦA LIÊN HỢP QUỐC MÀ LẠI MUỐN THỂ HIỆN DÂN TỘC TÍNH, SAU KHI "định chọn áo dài truyền thống nhưng không được phép "? 

NẾU TRÚNG NGÀI SẼ ĐIỀU KHIỂN ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng, trung tâm ĐỂ PHỤC VỤ CHO ĐẤT NƯỚC CỦA NGÀI? 

NHÀ CHÁU, TRONG TƯ CÁCH 1 NGƯỜI LÀM VĂN HOÁ, CỰC KỲ LO NGẠI NẾU được sự phò hộ của Dr Dzuồi ÔNG TA LẠI NGỒI VÀO CÁI GHẾ KIA. 

"Giải đáp thắc mắc của khá nhiều người vì sao có chai nước của một doanh nghiệp Việt Nam để trên bàn khi ông thực hiện phần thi, ông Châu cho biết: Ông muốn giới thiệu cái gì đó của Việt Nam trong phần thi nhưng khó chọn quá. Đầu tiên ông định chọn áo dài truyền thống nhưng không được phép vì ban tổ chức cho rằng nó sẽ tạo ra ấn tượng quá nổi bật. Cuối cùng ông chọn 2 chai nước trà xanh và trà thanh nhiệt ông mang theo trong suốt chuyến công tác."

-------------------

Nguyen Thanh Toan 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Chỉ số tiến bộ xã hội (Soical Progress Index) của Việt Nam


Lấy tiêu chí gì để đánh giá thành công và thất bại của một quốc gia. Đây là một câu hỏi quan trọng, vì qua đó chúng ta có thể đánh giá sự tiến triển của một quốc gia. Một nước giàu có trên con số mà dân còn nghèo nàn (ví dụ như các nước Ả Rập) thì chắc khó nói là thành công. Đã 42 năm sau ngày thống nhất đất nước, câu hỏi VN đã thành công hay thất bại nó cứ ám ảnh nhiều người.



Tôi thích lấy Nam Hàn ra làm điểm tham chiếu (không hẳn là để so sánh). Lí do chọn Nam Hàn là vì nước này và VN có nhiều điểm giông giống nhau. Hai dân tộc đều chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Khổng Mạnh. Hai dân tộc, nếu nói về thông minh và cần cù làm việc, chưa biết ai hơn ai. Hai nước cùng trải qua chiến tranh ác liệt và chia đôi đất nước, một bên theo cộng sản và một bên theo tư bản. Theo nhiều nguồn, thời thập niên 1955-1960 Nam Việt Nam và Nam Hàn có thu nhập bình quân tương đương (nhưng tôi chưa có con số cụ thể). Nhưng sau chiến tranh, Nam Hàn phát triển rất nhanh chỉ trong 30 năm là thành hổ, thành rồng, sánh vai cùng câu lạc bộ OECD. Còn Việt Nam, sau 42 năm chúng ta thành gì ? Không nói ra thì các bạn cũng biết rồi. Nhưng chúng ta thử xem vài dữ liệu xem sao.

GDP

Thông thường, giới kinh tế sử dụng tổng sản lượng quốc gia (GDP) để đánh giá sự thịnh vượng của một quốc gia. Chỉ số này thật ra có một lịch sử hơn 80 năm, từ khi nhà kinh tế người Mĩ Simon Kuznets đề xướng. Nhưng những năm gần đây, giới xã hội học và kinh tế học đã nhận ra sự giới hạn của GDP, bởi vì nó không phản ảnh được sự thành công của một xã hội. Cuộc Cách mạng Mùa Xuân ở Ả Rập diễn ra ở các nước Ả Rập có GDP cao hay rất cao, hay những bất ổn ở Brazil (nơi có tỉ lệ tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng) là hai ví dụ về sự hạn chế của GDP.

GDP của Việt Nam năm 2015 là ~194 tỉ USD. GDP của Nam Hàn cùng năm là 1378 tỉ USD, cao gấp 7 lần Việt Nam. Thu nhập bình quân của VN năm 2015 là 2111 USD, chưa bằng 1/10 của Nam Hàn (27221 USD).

Chỉ số HDI

Liên hiệp quốc nhận ra khiếm khuyết của GDP, nên 25 năm trước họ cho ra đời một chỉ số mới có tên là "Human Development Index" (Chỉ số Phát triển Con người, HDI) (1). Sự ra đời của HDI được xem là một bước phát triển quan trọng trong việc đánh giá sự thành bại của một quốc gia. Tuy nhiên, HDI có vài hạn chế, vì nó vẫn lệ thuộc vào GDP và các chỉ số về môi trường vốn rất khó đo lường.

Kết quả phân tích năm 2016 của LHQ cho thấy Việt Nam có chỉ số là 0.683 (tối đa là 1). Trong số 188 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam đứng hạng 115, tức trung bình, cùng nhóm với các nước như Phi Luật Tân, Iraq, Nicaragua, Palestine, Bolivia. Nam Hàn đứng hạng 18, Thái Lan 87, Mã Lai 59, Singapore 5.

Chỉ số SPI

Mới đây một nhóm nhà kinh tế đề xướng một chỉ số mới họ gọi là Social Progress Index (SPI, Chỉ số Tiến bộ Xã hội) (2). Chỉ số SPI, như tên gọi, đo lường sự tiến bộ của xã hội. Hình như chỉ số này ít được báo chí trong nước đề cập đến. Đây là một chỉ số do nhóm kinh tế gia, dẫn đầu bới nhà kinh tế Michael Porter, phát triển. Chỉ số SPI là bình quân của ba tiêu chí như sau:

(a) Nhu cầu cơ bản. Quốc gia có khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản của công dân? Những nhu cầu này bao gồm thực phẩm, dinh dưỡng, và y tế; nước và vệ sinh; nơi an cư; an toàn cá nhân.

(b) Nền tảng phúc lợi: Quốc gia có những thể chế và điều kiện sẵn sàng giúp công dân họ cải thiện chất lượng cuộc sống? Những vấn đề trong câu hỏi này bao gồm kiến thức căn bản, quyền được có thông tin, chất lượng môi trường.

(c) Cơ hội: Quốc gia có cung cấp một môi trường mà trong đó công dân có cơ hội để đạt được tiềm năng của mình. Trong tiêu chí này có những tiêu chuẩn như quyền cá nhân, tự do cá nhân và lựa chọn, dung hợp và hòa hợp, quyền về giáo dục.
Mỗi tiêu chí được tính toán và chuẩn hóa sao cho có giá trị từ 0 (tối thiểu) đến 100 (tối đa).

Trong số 134 quốc gia được xếp hạng, nước có SPI cao nhất là Phần Lan với SPI là 90.09. Kế đến là Canada (89.49), Đan Mạch (89.39), Úc (89.13), Thụy Sĩ (88.87), Thụy Điển (88.80), Na Uy (88.70). Riêng Mĩ đứng hạn 19 với SPI là 84.62, cao hơn Nam Hàn hạng 26 (SPI 80.92).

Còn Việt Nam? Số liệu cho Việt Nam không đầy đủ, nên họ không xếp hạng. Tuy nhiên, tôi tìm ra những dữ liệu trong bảng của họ, và tính được chỉ số SPI chung là 57.81. Với điểm này, Việt Nam đứng hạng 95 trên 134 quốc gia về tiến bộ xã hội. Với điểm này, Việt Nam đứng chung bảng với Tajikistan, Iran, Nepal, Senegal, Cambodia, Ấn Độ, hay nói chung là những nước lạc hậu.

Bảng SPI cho Việt Nam dựa trên 3 tiêu chí trên là như sau:

(a) Nhu cầu cơ bản:
• Thực phẩm và y tế: 91.55
• An toàn cá nhân: 75.23
• Cư trú: 74.36
• Nước và vệ sinh: 71.45 
• Điểm chung: 78.15.

(b) Nền tảng phúc lợi:
• Y tế và sức khỏe: 76.28
• Truy cập thông tin: 58.78
• Phẩm chất môi trường: 58.20
• Điểm chung: 58.78.

(c) Cơ hội: 
• Tự do cá nhân: 65.09
• Dung hợp và hòa hợp: 44.25
• Tiếp cận giáo dục bậc cao: 28.42 
• Quyền cá nhân: 8.24
• Điểm chung: 36.5


Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đều cao hơn Việt Nam. Chẳng hạn như Thái Lan (61), Mã Lai (50), Nam Dương (82), Phi Luật Tân (68), đều cao hơn Việt Nam. Riêng Singapore vì không đủ số liệu nên không xếp hạng.

Nói tóm lại, dù dựa trên GDP, chỉ số phát triển con người (HDI), hay chỉ số tiến bộ xã hội (SPI), thì Việt Nam vẫn đứng rất thấp trong thế giới hiện đại. Tuy các chỉ số về thực phẩm và y tế của VN không cao nhưng cũng không tệ, các chỉ số về tiếp cận thông tin và quyền cá nhân còn quá thấp. Những số liệu này có lẽ nói lên một thực tế rằng sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian chưa đủ để nói rằng Việt Nam là một quốc gia thành công.

Các bạn nghĩ sao? Với những dữ liệu trên, các bạn hiểu như thế nào? Tôi rất muốn nghe diễn giải của các bạn.

-----



Hình chụp từ Google về ánh đèn điện ở Nam Hàn và Bắc Hàn, trong cuốn sách "Why Nations Fail" của Daron Acemoglu và James Robinson.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Evtoushenko và văn học phi chính thống xô viết ở Hà Nội trước sau 1975



Một sự kiện văn học được chú ý đầu tháng tư này là cái chết của nhà thơ Xô viết Evgeni Evtoushenko -- dưới đây viết tắt là E.E. – (1932 - 2017). Ông thuộc loại những tên tuổi Nga được biết nhiều nhất ở VN nhờ ở chỗ đại diện cho một xu thế trong văn học xô viết sau 1956,  có nhiều tiếng vang ở Hà Nội một thời gian dài, nhất là trước 1975. Tôi ghi lại ở đây những lý do khiến năm ấy chúng tôi ngưỡng mộ E. E. và những bài học mà chúng tôi rút được từ trường hợp của ông

Tuy đã biết tiếng Evtoushenko là một nhân vật  thuộc cái trào lưu mới nẩy nở ở nước Nga những năm 60 trở đi, nhưng trước sau 1970, một số  anh em trẻ bọn tôi,  kể cả dân biết tiếng Nga, vẫn chưa được tiếp xúc với những tác phẩm quan trọng nhất của ông.Về con người ông, cái thực thì không mấy  mà  toàn là ít chuyện đồn thổi linh tinh.
Lý do,  mối quan hệ giữa VN và Liên xô hồi ấy tương đối tế nhị, bề ngoài một đằng mà bên trong một nẻo, vừa tin cậy vừa nghi kỵ, vừa ra vẻ thân thiết vừa đề phòng nhau. Và trên hết cả trong khi mỗi bên vẫn giữ miếng của mình, thì  sự  lợi dụng lẫn  nhau không bao giờ bị bỏ lỡ.
 Từ khoảng 62 - 63, sự ngăn chặn chủ nghĩa xét lại được  Hà Nội làm hết sức triệt để nên chúng tôi càng bí.
Tới 1972,  khi theo chân bộ đội  vào sống giữa Quảng Trị đổ nát ít ngày, tới những căn nhà chủ đã bỏ đi, tôi mới lục được số bán nguyệt san Văn ra 1-1-1968 chuyên về văn học Nga Sô, trong đó có đăng Tự truyện viết sớm, bản tiếng Việt của Vũ Đình Lưu,  và mấy bài thơ của E.E. do Nguyễn Kim Phượng và Thạch Chương dịch.
Trong chùm thơ này, tôi sẽ lấy ra bài Những nỗi sợ hãiđể giới thiệu  với các bạn dưới đây.
Riêng bài Tự truyện viết sớm với chúng tôi lúc đó có chút gì giống như... một quả bom. Mấy trang in bài báo đó mang về  được những bạn tôi như Lưu Quang Vũt, Trúc Thông ...vồ vập. Chúng tôi truyền tay nhau thật nhanh, có người còn đánh máy lại nữa. Bởi chúng tôi không chỉ muốn biết thành quả của lớp người gọi là trẻ lúc ấy, mà còn quan tâm tới các bước đường tư tưởng của họ, những băn khoăn dằn vặt và cả những lầm lỡ tai họa họ đã phải chịu khi tim cách chệch hướng tức là tìm cách vượt xa hơn cái giới hạn mà họ bị hạn chế.

Trước chiến tranh, sự tiếp nhận văn hóa Nga ở Hà Nội đã sớm trải qua một cuộc khủng hoảng.
Nguyên là sau giai đoạn hậu chiến đầy tăm tối, tới khoảng 1960 trở đi, xứ sở mà Stalin để lại có sự tan băng trên phương diện tư tưởng. Trong văn học, đầu tiên là  sự hình thành các tác phẩm mới viết về chiến tranh, tiếp đó là những tác phẩm đặt lại toàn bộ các vấn đề về xã hội xô viết, trong đó đề cao các khái niệm nhân văn nhân bản. Mấy chữ phi chính thống tôi dùng ở đây với nghĩa nó không được nhà nước thích thú lắm, nhưng không đến nỗi đàn áp khốc liệt mà   chỉ răn đe, ngoài ra còn tìm cách lợi dụng .
 Xu thế chệch hướng này đặc biệt thấy rõ trong tâm lý lớp  người lúc đó gọi là trẻ.  Vốn được nhà nước đào tạo, trong họ vẫn âm ỉ rồi bùng phát một  xu hướng  nhân bản và khao khát vượt qua tấm màn sắt để gia nhập  vào thế giới hiện đại.


Nhưng vào lúc đó,  một xu hướng ngược lại đang chi phối Hà Nội. “Chúng ta cần phải kiên trì lý tưởng”. Cái câu quen thuộc ấy trong trường hợp này có nghĩa hãy trở nên khô héo đi, không được hướng về những chân trời xa xôi, không được bắt kịp cái sự sống run rẩy mà con người sau đại chiến thứ hai ở các phương trời khác đang cảm nhận. Ca ngợi hòa bình lúc này là cái tội. 
 Trước khi xuất hiện câu thơ của Chế Lan Viên đầy tự hào  khi nói với những kẻ đầu hàng -- Hỡi những con thỏ hòa bình đang bình yên gặm cỏ -,  giới nhà văn chúng  đã được hướng dẫn là phải  phê phán quyết liệt với những tác giả mới trong văn học xô viết.
    
Thế thì tại sao lại có việc mời E. E sang Hà Nội cuối 1971? Trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh,  nhà nước xô viết không dễ mà gạt bỏ hết mọi mầm mống thay đổi trong lòng xã hội mình. Đã thế  họ còn  khôn ngoan dùng luôn giới trẻ để tự quảng cáo cho cái gọi là sự cởi mở của mình, do đó là để mặc cả với Mỹ. Mà cái này thì VN đang  cần, VN trong khi triệt để cấm chợ ngăn sông để dân tình chỉ một lòng theo đuổi chiến tranh, vẫn  tìm mọi cách để -- nói như chữ nghĩa thời ấy -- là “tranh thủ sự đồng tình của nhân loại tiến bộ”, và cụ thể là lấy lòng người Nga đang cung cấp vũ khí hạng nặng. Thế là E. E.  được bố trí sang thăm  Hà Nội và đưa vào tận Vĩnh Linh.


Về những bê bối chung quanh chuyện E.E sang Hà Nội năm ấy, nhà văn Tô Hoài từng kể với tôi một chi tiết nhỏ. Noel 1971, E.E được Tô Hoài dẫn ra phố, hòa vào dòng người  có mặt trước Nhà thờ Lớn Hà Nội. Không rõ  được bộ phận tuyên huấn của ông Tố Hữu -- một trong những ông trùm khét tiếng vì kiên trì chống xét lại -- bố trí trước, hay người dân tự phát tỏ thái độ, chỉ biết một công dân thủ đô nào đó khi nhận ra một người Nga có mặt là E. E  đã hô to :”Đả đảo tên xét lại“. Vốn đã được chuẩn  bị từ trước,  Tô Hoài nhìn E. E, cả hai chia sẻ một nụ cười thản nhiên. Hình như chi tiết này Tô Hoài có đưa vào trong Cát bụi chân ai, rồi có lần tái bản ông đã bị sức ép phải xóa đi, rồi ông già tinh quái có lần đã lấy lại, và đưa vào một lần in khác, nhưng sách của Tô Hoài thì tái bản bao nhiêu lần, tôi chịu không đủ sức kiểm tra lại nữa mà chắc cũng chả ai làm nổi.



Ngày 1-4-2017,  E.E qua đời thì mấy ngày sau 5-4, 6-4 , nhiều báo tiếng Việt đã đưa tin, dưới đây là một đoạn trên mạng Tin tức nước Nga (chắc là dựa trên các báo đối ngoại của Nga), có nhắc tới những ngày E. E. ở VN.
“Evgeni Evtushenko là một phần của toàn thể nhân loại, của tất cả mọi người trên trái đất này, không phân biệt màu da, tôn giáo hoặc ngôn ngữ. Ông từng đến hơn một trăm quốc gia, có mặt trong những nơi đau thương nhất của hành tinh chúng ta, trong thời điểm nóng bỏng nhất. Chẳng hạn, năm 1962 ông đã đến  Cuba tại thời điểm khủng hoảng vịnh Caribe, khi quan hệ Xô-Mỹ đã trên bờ vực chiến tranh; ông cũng đã có mặt Việt Nam trong giai đoạn miền Bắc bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.
"Và đau đến nỗi dường như hiện giờ, tại đây chúng tôi bị ném bom" — ông viết trong một bài thơ của mình  nhân chuyến đi  Việt Nam. Sự mất mát đau thương của những người dân, cảnh góa bụa của những người phụ nữ, sự trưởng thành trước tuổi phi tự nhiên của trẻ em ... khiến ông phải chú ý quan tâm. "Và người dân gầy ốm, tong teo/ No nê tai vạ, tai vạ, tại vạ" — nhà thơ buồn bã kêu lên trong bài thơ của mình. Ông lên tiếng kêu gọi người Mỹ và nhân dân toàn thế giới: "Đủ rồi, bom đạn, bom đạn" (trong bài thơ Cơn mưa dài ‘).
Liên quan đến giới văn nghệ VN hồi đó ấn tượng nhất trong tôi là mẩu chuyện sau đây:
Trong xu thế chống xét lại ngự trị,  nhà văn Ng Tuân đang bị coi là có vấn đề. Ông không công khai, nhưng gần như ai cũng biết rằng ông thích cái xu thế hòa bình của Liên xô lúc ấy hơn chủ trương đẩy mạnh chiến tranh của Trung quốc. Ông viết về chiến tranh theo cách của mình, tạo nên một cuộc thi đua săm soi dò xét những phản nghịch được ông phát biểu.  “Trời vẫn xanh một màu xanh nghi ngại”  ông Nguyễn đã viết như vậy trong một bài báo và cái câu văn rất Ng Tuân ấy bị đặt dấu hỏi bị coi là chung chung và mang màu sắc hoài nghi. “Trời vẫn xanh một màu xanh cảnh giác”,  giới văn nghệ đọc trên báo cái câu đã được Ng Tuân  chữa lại ấy, để rồi cùng luận ra rằng việc viết lách của mình cần chú ý những gì.
Nhưng những điều đó cũng đã đến tai những người làm ngoại giao, đến tai các nhà báo nước ngoài , kể cả E E . Nhà thơ trẻ càng khoái và khi đến Hà Nội, có ý tìm cách nắm bắt không khí dân tình Hà Nội, qua những dịp  bù khú trực tiếp với loại nhân vật như ông Nguyễn. 
Bên cạnh những bài thơ viết về đường số một, về  tinh thần bất khuất hồn nhiên của người dân,  E.E.  còn có một bài thơ nói về cuộc đàm đạo  với một nhà triết học ở Hà Nội — gọi Ng Tuân không tiện chỉ nói nhà triết học -- nó là một cách được ông sử dụng để ghi nhận một khía cạnh  trong đời sống tư tưởng ở xã hội VN thời chiến. 
E.E. muốn nói với đồng bào của mình và cả bạn đọc các phương trời khác rằng ở đây, ngay trong chiến ranh,  những người tiên phong trong xã hội xô viết vẫn tìm được người đồng điệu. Điều đó cũng có nghĩa ở đây, vẫn còn một dòng tư tưởng muốn hội nhập với sự vận động chung của tư tưởng bên Nga bên Mỹ ngoài kia, và nghĩ xa mãi ra, nghĩ cả về chuyện hậu chiến sau này. 
Tôi dự đoán những cuộc gặp gỡ với những người như Nguyễn Tuân  trong chuyến đi ấy càng cho  E. E . thấy rằng con đường mà họ lựa chọn là có ích không chỉ cho Liên xô mà còn cho giới trí  thức ở các xã hội tương tự. 
Sự có mặt của E.E năm ấy khiến những người làm văn nghệ Hà Nội càng thấy phe phi chính thống  xô viết  không phải là hèn nhát là đầu hàng, họ chỉ có cách chống Mỹ theo kiểu khác, và họ gắn liền với một tương lai  đồng nghĩa với những giá trị văn hóa. 
Xu thế này trong xã hội xô viết sẽ âm ỉ tồn tại rồi từ tốn bùng phát.  Tới lúc ấy, cái mạch sau này sẽ làm nên cải tổ,  bắt đầu là từ A. Tvardovski, với  dòng thơ của nhóm tứ trụ (ngoài E.E. còn phải kể A.Voznhexinski, B. Akhmadulina,  R. Rozhdestvensky)  với các nhà văn xuôi như G. Baklanov, V. Rasputin, Ju.Trifonov các nhà nghiên cứu như Ju. Kariakin ...sẽ đỡ bị cấm đoán để trở nên thân thiết với giới văn nghệ Hà Nội hơn.


  Số phân E. E. còn được chúng tôi theo đuổi tìm biết nhiều năm sau. Xu thế phi chính thống ở Nga sau này có những tên tuổi quyết liệt  hơn và trong hoàn cảnh ấy,  chúng tôi thấy phong trào này không thuần nhất, nhưng đông đảo nhất vẫn là những người  như  E. E.
Thực ra họ vẫn là con đẻ của xã hội xô viết.
Họ chỉ muốn đi xa hơn một chút, muốn  tìm tới "một chủ nghĩa xã hội  có khuôn mặt người". Chứ  chuyển hẳn sang chủ nghĩa tư bản, thì họ không chấp nhận hoặc đơn giản hơn là không nghĩ tới.
 Đây là cả một vấn đề mà tới đầu thế kỷ XXI này vẫn chưa giải quyết nổi.
 Trong hoàn cảnh ấy thì câu chuyện nhân cách con người lại nổi lên.
Cả ở Nga lẫn phương Tây người ta đều cũng nhận ra cuối cùng E.E. vẫn đặc chất xô viết . Ông muốn thay đổi nhưng không hiểu thay đổi thế nào.
Cái chính là trước mắt, ông vẫn chỉ muốn khẳng định tên tuổi mình. Điểm này vừa là nhu cầu chính đáng -- ông có tài thật -- vừa là một trò ăn gian, ăn gian với hai nghĩa một là ông muốn có hơn cái mình đang có, và hai là những biện pháp ông sử dụng đôi khi lại chẳng khác gì những kẻ ông hằng chế giễu.
 Bằng chứng thì người ta có thể tìm ngay ở thời gian ông còn trẻ. Tiểu luận  Tự truyện viết sớm được E.E viết ở Pháp, khi  ông cùng mấy nhà văn  xô viết tới  Paris và chỉ công bố sau khi E.E ở Pháp về  một thời gian. Chung quanh bản tự bạch này có ít lùm xùm. Tình thực không rõ thế nào chỉ nghe nói Hội nhà văn Liên xô rất lấy làm phiền lòng. Bị kiểm điểm, tác giả chối không nhận và Hội nhà văn đòi phía Pháp chứng minh. Khi phía nhà Gallimard  gửi bản thảo trả lại, thì phía Moskva công bố là bưu phẩm bị mất. Sau đó Hội nhà văn Liên xô và E. E . không nói gì nữa, ai muốn hiếu thế nào thì hiểu.
 Phóng to sự kiện  lên một chút, tôi nghĩ tớ trường hợp G. Galilé  sau khi nhận trước tòa rằng Kinh thánh là đúng, ra ngoài lại tự lẩm bẩm trái đất vẫn quay. Nghe đơn đôc và cay đắng quá. Nhưng ở thời đại hiện nay mọi chuyện tầm thường hơn nhiều. Trước mắt E.E. là tấm gương của các nhà văn đàn anh như Ehrenburg. Cho đến đầu thế kỷ XXI  này,  ở Nga cũng như ở nước ngoài,  trường hợp Ehrenburg vẫn gây ra chia rẽ trong các nhà nghiên cứu, người coi ông chỉ là tên chỉ điểm tay sai của Stalin, người khác ghi nhớ mãi những đóng góp của ông trong việc gìn giữ di sản của các nhà văn cấp tiến đương thời và duy trì mối quan hệ giữa văn học xô viết và văn học phương Tây. Và nhất là  việc  Ehrenburg, thông qua cuốn Băng tan,  gọi ra sự thay đổi trong không gian tư tưởng xô viết. Học theo tác giả  bộ hồi ký Con người năm tháng cuộc đời, chắc E.E. đã làm mọi việc đối phó với KGB rất gọn, tự nhiên.  Các nhân vật gọi là phi chính thống ở Nga cư xử như vậy rất nhiều, số  đi xa hơn, đến mức bị đẩy đi lưu vong, như I.Brodsky, A.Sinhiavski, Soljenitxưn ... số đó ít hơn hẳn.


Khi tiếp xúc với văn học xô viết, tôi tự đặt cho mình một nguyên tắc, không chỉ bằng lòng với sự định hướng  và cách đánh giá  của chính Moskva, mà phải xem nó được thế giới bên ngoài tiếp nhận ra sao. Ví dụ một cuốn sách được ban phát các thứ giải thưởng, nhưng không hề được  dịch in ở Paris London thì hãy xem chừng đã. Ngược lại tôi vẫn thường dựa vào sự phát hiện của các nhà xuất bản bên Pháp bên Mỹ để định giá cũng như giải thích các tác phẩm, qua đó xác định hướng đi của các nhà văn. Cần nói thêm là ở giới sáng tác và bạn đọc Liên xô lúc đó cũng có một làn sóng ngầm như vậy, họ dùng con mắt người để hiểu mình và định hướng cho công việc của mình.
  Lý do khiến bọn tôi chú ý  tới E.E. ngoài chuyện ngay từ trẻ ông muốn tìm con đường độc lập, còn một lý do đơn giản hơn, nhưng lại cực kỳ quan trọng với người viết ở ta: từ trẻ ông và thế hệ ông  đã sớm tìm cách vượt ra ranh giới của nước Nga để tồn tại như một nhà văn mà dù tầm cỡ thế nào vẫn có cái nghĩa mà mọi nơi mọi thời đều hiểu. Có thể là không làm được, nhưng phải nghĩ tới chuyện đó.
Nhớ hồi chiến tranh, cả Tế Hanh lẫn Nguyễn Minh Châu cùng than thở với tôi một điều giống nhau: các nhà văn ta ra nước ngoài  chỉ được người ta gọi chung là nhà văn Việt Nam chứ họ có biết ai với ai đâu. Làm gì có tác phẩm?
Với người Nga thì không thể nói thế được. Ngay từ khi còn là người của vùng Irkutsk xa xôi, E.E  đã nghĩ đến ngày ra với những thủ đô  văn học lớn trên thế giới. Lớp người như E. E. năm ấy mở ra cho bọn tôi hiểu rằng  không sớm thì muộn,  chắc là lúc nào đó, VN cũng như thế, chỉ sợ lúc điều kiện đến, mình không đủ khả năng tận dụng  cái sự mở ra bung ra của hoàn cảnh. Tình hình hiện nay xác định rằng tôi đoán không sai.

 Mấy năm 1986-1989 khi tôi có dịp may được làm việc Moskva thì cũng là thời gian xã hội  xô viết bước vào giai đoạn cuối trong công cuộc cải tổ, tiến tới tan vỡ. E. E. lúc này không  còn đóng vai trò người phát ngôn những vấn đề mới nhất của xã hội nữa. Trên tờ báo có số lượng in lớn nhất lúc ấy, tờ Ognhek (Ngọn lửa nhỏ), ông thường xuyên có bài nhưng là các bài có liên quan tới lịch sử văn học.  E.E. đóng vai trò của một người tổng kết tình hình sáng tác. Ông soạn bộ tuyển  thơ Nga thế kỷ XX  với những lời bình luận rất chuyên nghiệp. Sau này, khi được biết từ 1991, E.E.  ký một hợp đồng giảng dạy với trường Đại học Oklahoma và sống với gia đình từ đó tại Hoa Kỳ, tôi hiểu rằng ông đã chọn cho mình một kết thúc phải chăng đúng như  ông có thể có.

Những nỗi sợ hãi.
                                
Bao nỗi sợ hãi ở nước Nga đang mất dần đi
Tựa bóng ma những năm tháng xa rồi.
Và chỉ còn, như những mụ già đây đó
Ngồi xin của bố thí nơi thềm một giáo đường

Nhưng tôi còn nhớ chúng giữa mãnh lực và quyền uy
Trước pháp đình hư nguỵ đang chiến thắng
Như bóng tối, niềm sợ hãi len lỏi khắp mọi chỗ
Và xâm nhập mọi sân nhà

Dần dần, chúng bắt mọi người làm tôi mọi
Và che giấu đi hết mọi điều
Chúng dạy ta la hét lúc đáng lẽ ta phải yên lặng
Và ngậm miệng lúc đáng lẽ ta cần phải la hét

Ngày nay thì tất cả đã xa rồi
Giờ cũng lạ lùng khi nhớ lại
Niềm sợ hãi âm thầm rằng mình bị tố giác
Niềm sợ hãi âm thầm khi có người gõ cửa

Còn nhớ chăng niềm sợ hãi khi nói với một người  lạ
Người lạ là một chuyện -- nhưng còn khi nói với vợ ta
Và còn nhớ chăng niềm sợ hãi vô biên khi còn lại
Một mình -- với niềm im lặng sau lúc dàn kèn đồng đã ngưng tiếng

Chúng tôi không sợ xây cất trong bão tuyết
hoặc ra trận giữa những tiếng trái phá nổ
nhưng nhiều khi ta sợ đến chết
ngay cả khi nói chuyện một mình
Chúng tôi không hư hỏng hay lạc đường
Và nước Nga ngày nay đã chinh phục được những nỗi sợ của mình
làm cho kẻ thù càng thêm sợ hãi
- không hẳn là không có lý
Tôi ước rằng  con người bị ám ảnh bởi
nỗi sợ lên án một người mà chẳng cần xét xử
nỗi sợ làm nhục tư tưởng bằng hư nguỵ
nỗi sợ tự tuyên dương mình bằng hư nguỵ
nỗi sợ lạnh nhạt với tha nhân khi có kẻ gặp khó khăn hay thất vọng
nỗi sợ tuyệt vọng không được an tâm
khi vẽ trên giá vẽ hay vạch màu đen trắng
và khi tôi viết những dòng này
Và đôi khi tôi còn vô cùng vội vã
Tôi chỉ còn một nỗi sợ

Nỗi sợ không còn được viết, với tất cả quyền uy của tôi.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam Cộng Hòa và những định mệnh xui xẻo


Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa Đại Hàn Lý Thừa Vãn và Tổng thống Đệ nhất VNCH Ngô Đình Diệm vào năm 1958Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng thống Đệ nhất Cộng hòa Đại Hàn Lý Thừa Vãn và Tổng thống Đệ nhất VNCH Ngô Đình Diệm vào năm 1958
Nhìn lại lịch sử, chúng tôi thấy câu ngạn ngữ "hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai" sao nó đúng quá: tai bay vạ gió thì luôn theo nhau mà đến với Việt Nam Cộng Hòa, còn những cái may mắn thì ít khi nó trở lại.
Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm: sau bao nhiêu gian lao với Pháp, ông đã khai sinh ra nền Cộng Hòa.
Sau đó xây dựng được những thành tích vẻ vang của "Năm Năm Vàng Son 1955-1960," (độc giả xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 13). Nhưng vừa tới năm 1961 thì ông phải đối đầu ngay với những giao động khôn lường: nửa năm đầu thì Tổng thống John F. Kennedy hết sức ủng hộ, tới nửa năm sau, bang giao Việt - Mỹ rơi vào khủng hoảng.
Sau cùng thì trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng vào dịp Lễ Phật Đản thứ 2507 (ngày 8/5/1963), TT Kennedy gửi ông Henry Cabot Lodge sang làm Đại sứ thay thế ĐS Frederick Nolting về hưu.
Nolting là người ủng hộ ông Diệm. Ông Lodge là người mưu mô, nham hiểm, có nhiều thành kiến về ông Diệm. Vì tham vọng muốn lập thành tích để ra ứng cứ tổng thống vào năm 1964 cho nên ông đã dùng đủ mọi mưu lược triệt tiêu Tổng thống Diệm với hậu quả là phá nát nền Đệ Nhất Cộng Hòa mùa Thu 1963. Tôi gọi ông này là Đao phủ HENRY I.
Tới Đệ Nhị Cộng Hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại gặp ngay một tay HENRY nữa - Henry A. Kissinger. Về ông này, ta có thể đặt câu hỏi: ở một cường quốc vĩ đại như Hoa Kỳ, biết bao nhiêu người vừa tài, vừa đức, vừa có tâm, vừa có tầm mà lại không lên được tới địa vị quyền hành như ông Kissinger?
Ông này còn mưu lược, gian dối hơn Cabot Lodge gấp mấy lần. Kissinger đã đạo diễn chính sách của Hoa Kỳ về Việt Nam trong gần sáu năm rưỡi, tức là trên hai phần ba thời gian của Đệ Nhị Cộng Hòa.
Cái nguy hiểm cho cả Mỹ lẫn Miền Nam là ông này thích hành động bí mật và một mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với nữ ký giả người Ý, bà Oriana Fallaci, ông giải thích rằng sở dĩ ông có sức mạnh là nhờ ở lối hành động một mình:
"Điểm chính là lúc nào tôi cũng hành động một mình. Người Mỹ thích cái đó vô cùng. Người Mỹ thích hình ảnh một gã chăn bò dẫn đầu một toán di dân, một mình trên lưng ngựa, đi đầu, thủng thẳng tiến vào một tỉnh lỵ, một thị xã; chỉ mình với ngựa thôi, không có gì khác. Có thể là không có cả súng nữa, là vì gã ta không cần bắn. Gã chỉ hành động bằng cách là ở đúng chỗ, vào đúng lúc, thế thôi. Nói gọn hơn, gã là một cao bồi miền Tây."
Tôi gọi ông này là Đao phủ HENRY II.
Nhân dịp 30 tháng Tư, chúng tôi xin chia sẻ với đồng hương một vài cảm nghĩ về số phận long đong của cả hai nền Cộng Hòa vào lúc hoàng hôn thê lương ảm đạm.

Khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ

Những cái xui xẻo đã xảy ra liên tục cho Tổng thống Ngô Đình Diệm trong ba ngày cuối cùng của cuộc đời ông (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 22).
Ngày 3/03/1963 Tòa Bạch Ốc gửi mật điện chỉ thị cho Đại sứ Lodge là: "phải thông báo đầy đủ cho Tướng Harkins (tư lệnh quân đội Mỹ ở Miền Nam) trong mọi giai đoạn, và sử dụng những khuyến cáo của cả Harkins lẫn Smith," và "tất cả chỉ thị cho Conein (người trung gian với nhóm tướng lãnh đảo chính) cũng phải được thông qua ý kiến của Harkins và Smith." Nhưng vào những giờ phút chót, ông Lodge đã trái lệnh Tổng thống, không chịu bàn bạc, thông báo gì với ông Harkins (vì Harkins hết sức bênh vực TT Diệm);
Cố vấn Ngô Đình Nhu, người bị sát hại cùng anh ông, Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa năm 1963Bản quyền hình ảnhYOUTUBE
Image captionCố vấn Ngô Đình Nhu, người bị sát hại cùng anh ông, Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa năm 1963
Cùng ngày 30/03, Đại sứ Lodge hoãn chuyến đi Washington. Ông đã định đi vào ngày 31 tháng 10. Chỉ thị từ Washington là khi ông Lodge đi vắng thì Tướng Harkins sẽ thay thế ông để điều khiển ở Sàigòn. Nếu ông Harkins ở lại thì khó có thể đảo chính. Sau cùng, Washington lại quyết định cho phép ông Lodge hoãn chuyến đi vài ngày. Lodge muốn ở lại Sàigòn để theo rõi đảo chính ngày hôm sau.
Ngày 31 tháng 10 là ngày trước đảo chính. Vì ngày đảo chính (mồng 1 tháng 11) là ngày Lễ Các Thánh, ngày lễ của người Công giáo, nên ông Diệm có thể đi kinh lý hoặc thăm viếng chỗ này chỗ kia. Cho nên Tướng Trần Văn Đôn đề nghị với TT Diệm là ông nên tiếp xã giao Đô đốc Harry Felt (Tư lệnh quân lực Mỹ Thái Bình Dương) vừa tới Sàigòn. Đề nghị như vậy là để có cớ thuyết phục TT Diệm ở lại Dinh Gia Long trong ngày đảo chính cho chắc ăn.
Chính ông Đôn đã viết lại trong cuốn hồi ký Our Endless War - Inside Vietnam:
"Sáng ngày 31 tháng 10, tôi vào dinh gặp Tổng thống Diệm để hỏi về vấn đề Đô đốc Felt đến Sàigòn, và dò hỏi xem có phải vì ông không có mặt ở Sàigòn vào ngày mai nên không tiếp ông Felt được hay không? Ông Diệm ngạc nhiên vì không biết tin ông Felt tới Sàigòn."
Vì Tướng Đôn đề nghị, TT Diệm đã quyết định ở lại Sài gòn để tiếp Đô đốc Felt vào ngày 1/11.
Buổi sáng ngày 1 tháng 11, khi TT Diệm tiếp hai ông Felt và Lodge, ông bất chợt hỏi ông Lodge rằng ông biết đang có âm mưu đảo chính nhưng không biết rõ tướng tá nào muốn đảo chính. Ông Lodge trả lời một cách quanh co: "Tôi không nghĩ rằng Tổng thống phải lo ngại gì cả." Như vậy là để đánh lừa ông Diệm;
Một chuyện nữa hết sức quan trọng, đó là cuối cùng, như đã đề cập trên đây, Tổng thống Diệm đã muốn làm một nghĩa cử ôn hòa với cả Đại sứ Lodge, cả Tổng thống Hoa kỳ. Vì biết ông Lodge sắp lên đường về Washington, ông dặn ông Lodge là khi về tới Washington thì nên gặp hai ông Colby (trưởng trạm CIA ở Sàigòn trước đây) và Nolting (cựu Đại sứ) để bàn bạc về vấn đề giải quyết chuyện ông Nhu cho ổn thỏa.
Rồi ông gửi một thông điệp cho TT Kennedy nói:
"Tôi bằng lòng chấp nhận tất cả những đề nghị của Tổng thống Kennedy một cách hết sức nghiêm chỉnh, và muốn thực sự thi hành những điều này, chỉ còn vấn đề thời gian tính."
Tổng thống JF Kennedy bị ám sát ngày 22/11 cũng trong năm 1963Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng thống JF Kennedy bị ám sát ngày 22/11 cũng trong năm 1963 ở Dallas
Chắc ông Lodge cũng còn một chút lương tâm và cho rằng như vậy là đã có thể đi tới chỗ hòa hoãn với ông Diệm được rồi, nên ông có báo cáo về Washington thông điệp này.
Thế nhưng, vô tình hay hữu ý, theo Mark Moyar thì ông Lodge lại gửi điện tín này theo thủ tục 'ưu tiên thấp nhất' nên khi thông điệp này tới Washington thì tiếng súng đã bắt đầu nổ ở Sàigòn rồi. Theo một tác giả khác, James W. Douglas trong cuốn JFK and The Unspeakable thì Lodge đã trì hoãn để khi Kennedy nhận được điện tín này thì đã quá trễ.
Ngày 1 tháng 11 cũng là ngày sinh nhật của Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân, là người trung thành với TT Diệm và đã cứu ông trong dịp đảo chính tháng 2 năm 1962.
Sau khi chơi quần vợt với một số đồng đội, họ mời ông dùng cơm trưa để mừng sinh nhật thứ 36 của ông. Thoạt đầu, ông đã từ chối. Buổi sáng hôm ấy, ông cũng đã chột dạ vì thấy có những cuộc chuyển quân hơi lạ nên muốn theo dõi để báo cáo cho ông Diệm. Nhưng rồi viên sĩ quan phụ tá cố nài ép nên ông nể lòng. Lúc đang trên đường đi tới một quán nhậu ở ngoại ô Sàigòn, ông đã bị sát hại. Như vậy là ông Quyền đã đi trước và dọn đường tới nghĩa trang cho hai ông Diệm-Nhu.
Theo tác giả Mark Moyar (trong cuốn Triumph Forsaken) thì "khi cuộc đảo chính sắp bắt đầu, một viên sĩ quan chỉ huy lữ đoàn Lực lượng Đặc biệt đề nghị với Tổng thống Diệm cho ông dùng xe thiết giáp tấn công tổng hành dinh của nhóm đảo chính để bắt trọn ổ số Tướng lãnh đang họp hành. Thành công là chắc chắn, viên sĩ quan cố thuyết phục ông Diệm, vì chỉ có một số lính đang tập sự đứng gác ở Tổng Tham Mưu, và đúng như vậy.
Nếu những tướng chủ mưu bị bắt thì quân đội đảo chính tất sẽ bị rối loạn.
Nhưng TT Diệm không cho phép, ông nói: "Quân đội phải tiết kiệm súng đạn để chống Cộng, và tránh đổ máu," rồi thêm: "Chỉ cần bảo vệ Dinh Gia Long, nhà Bưu điện và Tổng Nha Ngân khố."
GS Nguyễn Tiến Hưng gọi ông Henry Kissinger (bìa trái hình) là Đao phủ Henry IIBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionGS Nguyễn Tiến Hưng gọi ông Henry Kissinger (bìa trái hình) là Đao phủ Henry II
Như đề cập trên đây, sau khi tiếng súng đảo chính đã vang dội, Tổng thống Diệm gọi giây nói cho Đại sứ Lodge vào lúc 4 giờ 30 chiều (ngày 1 tháng 11) để hỏi về thái độ của Hoa kỳ. Ông Lodge trả lời lơ mơ là ông không biết gì để nói nhưng có đề nghị với ông Diệm là sẽ cho xe cắm cờ Mỹ đến Dinh Gia Long đưa ông Diệm ra phi trường, rồi dùng máy bay riêng của đại sứ để chở ông ra khỏi nước, nhưng TT Diệm từ chối. Nhưng trái với điều mà nhiều tác giả đã viết, cuộc điện đàm này không phải là trao đổi cuối cùng giữa hai người. Vẫn còn một cú điện thoại khác nữa.
Cú điện thoại thứ hai là lúc ở tại nhà thờ Cha Tam, ông Diệm đã gọi ông Lodge để yêu cầu giúp đỡ phương tiện để ra đi, vì ông Lodge đã hứa rằng "Nếu tôi có thể làm được gì để giúp cho an toàn của Ngài thì Ngài cứ gọi tôi." Nhưng bây giờ ông Lodge lại trả lời là Tòa Đại sứ Mỹ chỉ có thể cho ông trú ẩn và bất cứ điều gì khác, nhưng không thể giúp phương tiện chuyên chở ông ra khỏi nước. Như vậy là trái hẳn với đề nghị của ông Lodge chiều hôm trước. Ông Mike Dunn, Phụ tá trưởng của đại sứ - là người đứng bên ông Lodge khi ông này nói diện thoại với ông Diệm - đã xin tự nguyện đến chở hai ông Diệm, Nhu đi để bảo vệ cho hai ông, nhưng ông Lodge đã không đồng ý! "Tôi thật ngạc nhiên là ta đã không làm gì để giúp cho hai anh em họ Ngô," ông Dunn phàn nàn.
Một nhân chứng nữa cũng khẳng định về việc này là nhà báo Joseph Fried của tờ New York Daily News trong một báo cáo vào ngày 5 tháng 11, 1963.
Sau khi ông Lodge từ chối giúp đỡ, Tổng thống Diệm hoàn toàn thất vọng, khoảng 7 giờ sáng ngày mồng 2 ông quyết định gọi điện thoại cho Bộ Chỉ huy Đảo Chánh thông báo là ông đã ra lệnh cho lính phòng vệ Phủ tổng thống ngưng bắn và ông đầu hàng vô điều kiện.
Đây là một việc không may mắn nhất cho TT Diệm vì cho tới ngày đảo chính, nhóm tướng lãnh vẫn còn nghi ngờ nhau, chưa có sự tin tưởng và đồng ý hoàn toàn. Chính TT Thiệu đã kể lại (với Phụ Tá Nguyễn Văn Ngân) là "nếu ông Diệm và ông Nhu không ra trình diện (gọi điện thoại) vào sáng ngày 2 tháng 11, chỉ cần nán lại tới trưa cùng ngày thì các tướng lãnh sẽ lên máy bay chạy hết vì lo sợ và nghi ngờ lẫn nhau" là đã mắc mưu ông Nhu.
Trước đó, trong giai đoạn chuẩn bị đảo chính, Tướng Paul Harkins, Tư lệnh Mỹ ở Việt Nam cũng báo cáo về cho tướng Maxwell Taylor, Chủ tịch Tham Mưu Liên Quân về nhóm tướng lãnh:
Bà Nhu, Trần Lệ Xuân cùng con gái trong một chuyến công du nước ngoàiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionBà Nhu, Trần Lệ Xuân cùng con gái trong một chuyến công du nước ngoài
"Tôi thấy chúng ta có một tổ chức của nhóm người thật hoang mang trong đó mọi người nghi ngờ mọi người khác."
Các tướng lãnh yêu cầu Conein sắp xếp máy bay, nhưng CIA trả lời là cần 24 giờ thì mới thu xếp được, nhưng thật ra là đã có sẵn một chiếc máy bay ở Sàigòn để chở Đại sứ Lodge về Washington và ông này đã hoãn chuyến đi. Dù sao, khi nghe thấy nói đến 24 giờ, Tướng Minh gắt lên "Chúng tôi không giữ họ lâu thêm được nữa."
Sau này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó là Đại tá) còn kể lại với chúng tôi rằng:
"Khi được lệnh đánh Dinh Gia Long, ông đã có ý định tìm TT Diệm và mời ông lên xe jeep mở mui để về Bộ TTM rồi đưa ông đi ra ngoại quốc, nhưng khi chiếm Dinh xong thì thấy ông Diệm đã đi rồi. Ông Thiệu thêm: "Nếu như TT Diệm đi xe jeep mui trần như vậy thì không ai dám sát hại ông..."
Đến khi ông Thiệu được tin TT Diệm gọi điện thoại về Bộ Tổng Tham Mưu, ông còn đề nghị với Tướng Minh để cho ông đi đón TT Diệm từ nhà thờ Cha Tam, nhưng ông Minh gạt đi và nói "Khỏi phải lo, đã có người rồi."

Bất hạnh cuối cùng của Đệ Nhị Cộng Hòa

Tháng 2/1972, TT Nixon đi Bắc Kinh gặp Chủ tịch Mao. Dịp này ông đã đảo ngược "chính sách ngăn chặn Trung Quốc" (containment of China). Khi mở cửa Bắc Kinh thì ông đóng cửa Sàigòn, và khi bắt tay với ông Mao thì buông ngay tay ông Thiệu (như chúng tôi đã viết trong cuốn Tâm Tư Tổng Thống Thiệu).
Sau đó Nixon - Kissinger áp lực Miền Nam ký Hiệp Định Paris (1/1973). Từ đó những cái xui xui xẻo tới dồn dập:
Ngược lại với những cam kết của TT Nixon là sẽ tiếp tục viện trợ, VNCH vừa ký kết một hiệp định hết sức bất lợi thì lại bị cắt xén viện trợ thật bất ngờ và thật nhanh;
Còn được chút ít viện trợ thì lại bị ngay cú 'sốc' siêu lạm phát (do chiến tranh Israel - Ai Cập vào tháng 10/1973) làm tiêu hao mãi lực của viện trợ. Một thùng dầu thô đang từ 4USD vọt lên 12 USD.
Tới khi viên trợ bị cắt hết, Miền Nam xoay xở đi vay Quốc Vương xứ Saudi để mua tiếp liệu. Vua Saud al Faisal vừa đồng ý cho vay 300 triệu USD thì lại bị người cháu ruột hạ sát thê thảm ngay trong hoàng cung. Ông nằm xuống vào đúng ngày cố đô Huế bị bỏ ngỏ.
Tổng thống Johnson và Tổng thống ThiệuBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng thống Johnson và Tổng thống Thiệu tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Việt 20/07/1968 ở Honolulu
Trên chiến trường, lúc bị tấn công, Ban Mê Thuột gọi không quân đến yểm trợ. Phi vụ vừa tới thả bom thì một trái rơi trúng ngay Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23;
Mất Ban Mê Thuột, có lệnh rút Pleiku. Ngày 18 tháng 3, quân dân hoảng hốt rút trên con đường 7B đẫm máu. Vừa về tới Phú Bổn thì bị kẹt ngay vì công binh chưa làm xong cây cầu nổi như đã dự tính: đoàn người di tản chịu thêm một trận pháo kích bên bờ sông Ea Pha. Sau này Tổng Thống Thiệu kể lại cho tôi rằng ông vẫn còn thắc mắc về chuyện tại sao Công Binh không làm xong cái cầu nổi? Đại tướng Viên cũng cho rằng "Sư đoàn 320 của cộng sản sẽ không bao giờ truy kích kịp đoàn quân nếu chúng ta có được cầu qua sông thiết lập đúng lúc, và giữ đuợc trật tự trong đoàn dân quân di tản." Vì cầu không xong, cho nên:
Hai ngày sau mới rời đuợc Hậu Bổn. Đoàn dân quân vừa tiến được chừng 20 cây số là khựng ngay, vì "trước mặt đoàn di tản là Phú Túc đả bị địch chiếm."
Khi không quân tới cứu,"một trái bom nữa rơi vào đoàn quân đi đầu, gây thương vong cho gần một tiểu đoàn Biệt Động Quân."
Tôi đang dự một buổi họp đầy căng thẳng tại Dinh Độc Lập sau cuộc rút lui thảm hại này thì Đại Tá Cầm (Chánh Văn phòng Tổng Thống) bước vào đưa một tin bất hạnh: ông Paul Léandri, trưởng phòng thông tấn xã Agence France Presse ở Sàigòn bị cảnh sát bắn chết.
Léandri loan tin "có số lính người Thượng (Montagnards) đã nổi loạn ở Hậu Bổn, chống lại quân đội VNCH'. Nha Cảnh Sát mời ông đến để thẩm vấn. Sau vài tiếng đồng hồ bị giữ lại, Leandri bỗng nhiên bước ra khỏi phòng, nhảy lên xe và lái vút đi. Khi cảnh sát huýt còi ngừng, ông cứ tiếp tục phóng. Cảnh sát rút súng bắn vài phát vào bánh xe để giữ lại. Chẳng may một viên đạn lạc trúng ngay vao người. Leandri gục chết tại chỗ.
Phóng viên ngoại quốc vô cùng phẫn uất, phản kháng kịch liệt. Trong một tình hình vô cùng bất lợi cho Miền Nam về tất cả mọi phương diện quân sự, chính trị, kinh tế, và bộ mặt Miền Nam đã bị bôi nhọ bởi những hình ảnh dã man, độc tài, tham nhũng, bây giờ hình ảnh Leandri bị bắn gục chết lại phóng đi khắp thế giới! Tổng Thống Thiệu nghe tin này đã tái mặt. Ông liền chấm dứt, bước ra khỏi phòng họp.
Mấy ngày hôm sau, trong một phiên họp khác ở Văn Phòng Thủ Tướng, lại có tin chiếc máy bay vận chuyển C-5A chở đám trẻ em mồ côi vừa cất cánh ở Tân Sơn Nhất đã bị nổ tan. Chết trên 200 trăm em bé! Vào chính lúc đó lại đang có những chống đối ngay tại Washington về việc di tản người Việt Nam bằng máy bay Mỹ.
Ôi sao tin tức nó dồn dập, bi đát đến thế vào lúc con thuyền Miền Nam nghiêng ngửa sắp chìm đắm!
Suy gẫm như vậy, nhiều nguời trong đó có tác giả, cũng chỉ còn có cách là nghĩ đến chữ 'mệnh'.
...Ngày nay nhìn lại, riêng phần tác giả thì cũng chỉ có một mong ước, đó là những thế hệ con cháu được sống trong thời đại kỹ thuật, có nhiều phương tiện và hoàn cảnh thuận lợi để liên lạc nên sẽ có thể gần gũi nhau hơn, thông cảm nhau hơn để rồi từng bước có thể giúp cho vận mệnh đất nước trở nên tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.
Chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là niềm hy vọng của đại đa số người dân Việt Nam hôm nay.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang