Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

anh Thắng và đồng đội, người lính F356 mặt trận Vị Xuyên với vụ án đáng tiếc ở Hà Nội


"Không phải chúng tôi ủng hộ cho người gây tai nạn, mà là ủng hộ cho một người lính có công việc mưu sinh khác, để không còn phải bám víu nơi thành phố."

Nói trực tiếp với tôi, thì anh tự gọi mình là "Thắng Còng", hoặc dài hơn một chút là "Thắng Còng F 356".

Đó là một người lính của mặt trận Vị Xuyên.

Các anh, những người lính mặt trận Vị Xuyên năm ấy, đã từng nổi xung mấy năm trước với những màn bịa đặt thông tin trẳng trợn về cuộc chiến Lão Sơn của Hà Minh Thành (liên danh với ông Phạm Viết Đào ở trong nước). Đại khái chuyện đó có thể đọc lại nhanh ở đây và ở đây.

Đại khái hình ảnh anh Thắng và đồng đội (từ Fb của anh Thắng):


Bây giờ, năm 2017.

Thì là câu chuyện các đồng đội anh với một vụ án đáng tiếc ở Hà Nội.

Thông tin lấy từ các báo chính thống và Fb của những người lính mặt trận Vị Xuyên.

---



Ảnh từ Fb của các cựu chiến binh:













Báo tiếng Việt


Cái kết nhân văn trong phiên xử người cựu binh đạp xích lô

28/03/2017 08:01 GMT+7
TTO - Vụ án người cựu binh Đinh Ngọc Thạch đạp xích lô chở tôn làm chết cháu bé 9 tuổi đã tạm khép lại bằng cái kết nhân văn: sự bao dung của gia đình bị hại, ông Thạch không bị phạt tù và tình cảm sẻ chia của đồng đội...
Cái kết nhân văn trong phiên xử người cựu binh đạp xích lô
Những người cựu binh, đồng đội của ông Thạch động viên ông trong giờ chờ tòa nghị án - Ảnh: Thân Hoàng
Chiều 27-3, TAND quận Hoàng Mai, Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh Ngọc Thạch (tên thường gọi là Bình “còng”, quê tại Hà Nam) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Thạch là người điều khiển chiếc xích lô chở tôn làm cháu bé Trần Minh H., 9 tuổi, đi xe đạp tông vào và bị tôn cứa cổ dẫn đến tử vong ngày 23-9-2016.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt ông Thạch 6 tháng cải tạo không giam giữ và giao địa phương quản lý.
Sự bao dung 
của gia đình bị hại
Mặc dù 2h chiều phiên tòa mới diễn ra nhưng vợ chồng ông Thạch đã đón xe ở quê lên Hà Nội từ sáng sớm và ngồi chờ cả buổi trưa tại tòa. Cả hai vợ chồng đều bồn chồn, lo lắng.
Từ đầu giờ chiều, rất đông những người lính là đồng đội của ông Thạch tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Vị Xuyên, Hà Giang năm xưa đã đến dự tòa để trông ngóng một kết quả tốt đẹp khép lại vụ việc đau lòng không ai mong muốn.
Người ở Hòa Bình, người ở Hải Dương, có người cựu binh ở tận huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) bị cụt một tay, mù một mắt nhưng vẫn lặn lội đón xe khách lên Hà Nội dự phiên tòa.
Trước đó, nhiều cựu binh là đồng đội của ông đã đóng góp để gia đình ông có tiền bồi thường cho người nhà nạn nhân 130 triệu đồng.
Vợ ông Thạch cho biết sau khi được cơ quan công an cho tại ngoại lúc sự việc xảy ra, ông Thạch đã sang nhà xin lỗi và bồi thường cho bố mẹ cháu H.. Nửa năm trôi qua kể từ ngày gây tai nạn, bà nói ông Thạch chưa một ngày nào thôi đau đáu hối hận và ám ảnh.
Hồi đó vợ chồng người cựu binh thuê trọ cách nhà cháu H. năm nhà. Hằng ngày ông vẫn nhìn thấy cháu bé chơi đùa trong con ngõ chung. Ông nói tai nạn ập đến làm ông cũng đau lòng như mất đi một người thân và còn day dứt hơn vì chính ông là chủ của chiếc xích lô chở tôn đỗ bên đường.
Phiên tòa diễn ra, cha mẹ cháu H. ủy quyền cho luật sư đại diện tham dự. Gia đình bị hại có đơn gửi đến tòa trình bày quan điểm và nguyện vọng của mình. Tại tòa, chủ tọa công bố đơn của gia đình bị hại.
Theo nội dung đơn, cha mẹ cháu H. cho biết không yêu cầu ông Thạch phải bồi thường thiệt hại gì thêm. Sau khi vụ việc xảy ra, gia đình ông Thạch đã đến xin lỗi, hai bên đã có những thỏa thuận chi phí lo hậu sự cho cháu H..
Cha mẹ cháu H. đề nghị cơ quan tố tụng giảm nhẹ hình phạt cho ông Thạch.
“Vụ tai nạn xảy ra, cháu H. mất đi khi còn quá nhỏ là nỗi đau, là mất mát rất lớn đối với người thân.
Thế nhưng vì đây là tai nạn ngoài mong muốn, người gây tai nạn không cố ý làm hại cháu bé nên bố mẹ cháu nén nỗi đau, xin giảm nhẹ hình phạt cho ông thì họ là những người có lòng bao dung rất lớn, đằng sau vụ việc là cả câu chuyện về tình người” - một thẩm phán tham gia xét xử phiên tòa nhận định.
Cái kết nhân văn trong phiên xử người cựu binh đạp xích lô
Ông Thạch tại phiên toà - Ảnh: Thân Hoàng
Chuyện đau lòng 
không ai muốn
Theo các đồng đội của ông Thạch, do những năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, điều kiện sống và chiến đấu khắc nghiệt và ác liệt, ông Thạch sau này mắc di chứng nên lưng bị còng, đồng đội thường gọi ông là Bình “còng”.
Ông còn bị một mảnh pháo cối găm vào bắp chân, đầu bị chấn động do sức ép của bom mìn. Ông Thạch không thể đứng lâu vì đau lưng và tê chân nên tòa cho phép ông được ngồi trả lời thẩm vấn.
Tại tòa, ông Thạch cho biết do không có nghề nghiệp gì ổn định, nhiều năm nay ông cùng với vợ lên Hà Nội mưu sinh. Ông Thạch làm bốc vác tại khu vực quanh quận Hoàng Mai. Ngoài ra ông có một chiếc xích lô để chở hàng thuê.
Ngày 23-9-2016, ông Thạch được thuê chở tôn từ phố Trương Định sang phố Tân Mai. Tiền công trả cho chuyến hàng này là 20.000 đồng. Khi chở tôn đến nhà số 60 phố Tân Mai, ông Thạch dừng xe cách vỉa hè khoảng 70cm để gọi điện cho chủ hàng ra nhận.
Khai tại tòa, ông Thạch cho biết tấm tôn đã được bịt chăn bông một đầu phía trước, phía sau ông đẩy nên không bịt, không che chắn gì.
Trong lúc chờ chủ hàng, ông Thạch nhìn thấy ba cháu bé đi xe đạp trên đường.
“Các cháu đi nhanh, vừa đi vừa đùa nhau. Một cháu đi trước ngoái lại phía sau đùa với bạn. Mấy phút sau tôi nghe thấy người dân hô cháu bé đâm vào tôn, lúc đấy tôi không biết, không kịp phản ứng gì” - ông Thạch khai tại tòa.
Tại tòa, chủ tọa đặt ra nhiều câu hỏi về quy định pháp luật đảm bảo an toàn giao thông, rất nhiều quy định người cựu binh này không nắm được. Tuy nhiên, ông Thạch cũng cho biết cảm thấy rất “ăn năn, hối hận” vì để xảy ra vụ việc.
Sau khi cân nhắc tính chất nguy hiểm của hành vi, xét thấy bị cáo không có hành vi cố ý làm chết người, là người có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, đã có thái độ ăn năn hối cải... HĐXX cho rằng không cần thiết phạt hình phạt tù nên phạt ông Thạch 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Phiên tòa kết thúc, những đồng đội của ông Thạch ôm nhau. Mặc dù ngồi chăm chú từ đầu đến cuối nhưng người thương binh Trịnh Văn Chiện (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vẫn không hiểu rõ mức phạt dành cho đồng đội của mình là nặng hay nhẹ.
Sau khi hỏi lại mới biết “cải tạo không giam giữ” nghĩa là “không phải ngồi tù”, ông Chiện bật khóc, lao lên dùng cánh tay đã bị cụt một nửa ôm chặt cổ ông Thạch.
Góp tiền đưa ông Thạch về quê 
sinh sống
Ông Nguyễn Đình Thắng, đồng đội chiến đấu cùng sư đoàn 356 với ông Thạch, cho biết thêm ngoài số tiền đã đền bù cho gia đình cháu H., những người cựu binh tại chiến trường Vị Xuyên đã đóng góp ủng hộ để vợ chồng ông Thạch về hẳn quê sinh sống.
“Không phải chúng tôi ủng hộ cho người gây tai nạn mà là ủng hộ cho một người lính có công việc mưu sinh khác để không còn phải bám víu nơi thành phố.
Chúng tôi động viên ông Thạch về quê đào ao thả cá, trồng rau, nuôi gà và chữa bệnh. Tai nạn là không ai mong muốn, mọi việc như thế là được khép lại với cái kết nhân văn rồi” - ông Thắng nói.
Blg Giao
Thân Hoàng

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170328/cai-ket-nhan-van-trong-phien-xu-nguoi-cuu-binh-dap-xich-lo/1287770.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“SAO THỂ NGHỈ YÊN KHI NƯỚC CÒN NÔ LỆ” BÀI CA DÂN TỘC




Thi sĩ Petőfi Sándor tại tiệm cà phê Pilvax - Ảnh: Bảo tàng Văn học Petőfi

(NCTG) “Nỗi hổ thẹn trải dài bao thế kỷ - Ngay hôm nay hãy rửa sạch đi nào!”, tình cảm ái quốc hào hùng trong thi phẩm nổi tiếng “Bài ca Dân tộc” (Nemzeti Dal) của nhà thơ Petőfi Sándor tiếp tục là cảm hứng cho một bản dịch Việt ngữ mới của chị Mai Quế Anh, một CTV lâu năm của NCTG.


Tính đến giờ, áng “thi cổ hùng văn” này của Hungary đã có gần 10 bản dịch tiếng Việt, điều đó cũng nói lên sức sống mạnh mẽ của nó sau gần 170 năm, cũng như, phản ánh những xúc cảm tương đồng, sự đồng điệu giữa tình cảm và tâm thế của hai dân tộc cách nhau một khoảng rất xa về địa lý.

Trân trọng giới thiệu! (NCTG)

“SAO THỂ NGHỈ YÊN KHI NƯỚC CÒN NÔ LỆ”
BÀI CA DÂN TỘC 

Tổ quốc gọi, hỡi người Hung, đứng dậy!
Lúc này đây hay sẽ chẳng bao giờ!
Nô lệ hay tự do? Không thể chần chờ,
Hãy chọn đi, người Hung ơi, hãy chọn!
Người Hung thề
Trước Chúa,
Xin thề: 
Không bao giờ làm nô lệ nữa!
Đời nô lệ đến nay ta sống,
Làm tổ tiên ta phải chịu đọa đày,
Từng sống, chết cho tự do của mảnh đất này,
Sao thể nghỉ yên khi nước còn nô lệ.
Người Hung thề
Trước Chúa,
Xin thề: 
Không bao giờ làm nô lệ nữa!
Ơi người con lạc lối ươn hèn,
Đất nước đang cần mà không dám hiến dâng, 
Mi vẫn coi cuộc đời rách nát,
Hơn danh dự thiêng liêng của Tổ quốc mình.
Người Hung thề 
Trước Chúa,
Xin thề: 
Không bao giờ làm nô lệ nữa!

Ánh thép kiếm sáng hơn xiềng xích,
Điểm tô tay hơn vạn lần xiềng,
Vậy mà ta vẫn cứ đeo vòng xích!
Bạn hãy cầm đi, thanh kiếm cũ này! 
Người Hung thề
Trước Chúa,
Xin thề: 
Không bao giờ làm nô lệ nữa!
Tên Hungary rồi sẽ lại rạng ngời,
Sẽ lại được vinh danh như một thuở;
Nỗi hổ thẹn trải dài bao thế kỷ,
Ngay hôm nay hãy rửa sạch đi nào!
Người Hung thề
Trước Chúa,
Xin thề:
Không bao giờ làm nô lệ nữa!
Bên gò mộ của chúng ta, lặng lẽ
Con cháu ta kính cẩn cúi đầu,
Thành kính gọi ta trong lúc nguyện cầu
Nguyện cho ta được phước lành mãi mãi.
Người Hung thề
Trước Chúa,
Xin thề: 
Không bao giờ làm nô lệ nữa!
Mai Quế Anh chuyển ngữ, Ngày 15-3-2017
http://nhipcauthegioi.hu/Van-hoa/SAO-THE-NGHI-YEN-KHI-NUOC-CON-NO-LE-5605.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Hợp đồng” truyền thông trên báo chí: PHẦN NỔI CỦA TẢNG BĂNG CHÌM



31/03/2017 - Bà Lê Bình cho biết từng ký hợp đồng tư vấn truyền thông và có hưởng lương từ hợp đồng với 3 ngân hàng khi còn là người của VTV làm việc ở mảng tin tức tài chính - kinh doanh giai đoạn 2009-2012. “Câu chuyện đó là có thật, diễn ra cách đây 5-7 năm. Cá nhân tôi được hưởng tiền đó từ 15-17 triệu một tháng. Chúng tôi đóng vào 20 triệu mỗi tháng làm quỹ phòng, từ tiền tư vấn. Một số bạn nhận từ 3-7 triệu/tháng. Toàn bộ số tiền tư vấn chúng tôi chia nhau” - bà Lê Bình nói.
Bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Lê Bình làm dấy lên sự quan tâm của công luận về cái gọi là “hợp đồng truyền thông” trên báo chí. Minh họa: Bà Lê Bình tại sự kiện ra mắt VTV24 - Ảnh: Anh Tuấn

(NCTG) “Nếu có nguy cơ không giữ được sự trong sạch của ngòi bút và ảnh hưởng tới tính liêm chính của nghề, hãy rời bỏ. Tìm một chỗ đứng mà các bạn tin là không có mác nhà báo các bạn vẫn độc lập tạo ra giá trị cho xã hội, giữ danh dự cho bản thân và gia đình”.

Một lần nữa, câu chuyện về sự liêm chính nghề báo lại được nhắc tới sau bài phỏng vấn giữa Zing.vn với bà Lê Bình, cựu Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24, người vừa chính thức nghỉ việc ở VTV. Bà Lê Bình cho biết từng ký hợp đồng tư vấn truyền thông và có hưởng lương từ hợp đồng với 3 ngân hàng khi còn là người của VTV làm việc ở mảng tin tức tài chính - kinh doanh giai đoạn 2009-2012. 

Câu chuyện đó là có thật, diễn ra cách đây 5-7 năm. Cá nhân tôi được hưởng tiền đó từ 15-17 triệu một tháng. Chúng tôi đóng vào 20 triệu mỗi tháng làm quỹ phòng, từ tiền tư vấn. Một số bạn nhận từ 3-7 triệu/tháng. Toàn bộ số tiền tư vấn chúng tôi chia nhau” - bà Lê Bình nói.

Có thể thấy sự liêm chính của báo chí, quy tắc nghề nghiệp, câu chuyện về “mâu thuẫn lợi ích”, về lợi dụng mác nhà báo, chức vụ, quyền hạn đã bị nhiều nhà báo coi nhẹ. Việc nhận tiền từ doanh nghiệp được khéo léo, kín kẽ che phủ bằng những cái nhãn có-tên-gọi “hợp đồng truyền thông”, “hợp đồng tư vấn”, và những gì mới phát lộ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng. 

Đầu năm nay, tháng 1-2017, một nhân viên truyền thông một nhãn hiệu thời trang đã tag (gắn thẻ/điểm danh) tên của hơn 30 phóng viên các báo trong một status trên facebook thông báo về việc đã chuyển tiền vào tài khoản của những nhà báo này và nhắc họ kiểm tra. Nhân viên này viết: “Mọi người ai nhận được quà rồi thì nhắn vào stt này cho em một câu okie đã nhận hay cái ảnh cho xôm tụ…”.

Sau đó, rất nhiều phóng viên, nhà báo có tên trong danh sách tag đã gửi ảnh chụp tài khoản có các con số 5-10 triệu hoặc nhiều hơn, kèm các câu nhắn như “Xuân đã về bản rồi người ơi!” hoặc “Tết này ấm hơn rồi…”.
 
Status gây sóng gió - Ảnh chụp màn hình
Status gây sóng gió - Ảnh chụp màn hình

Nếu đó là sự thật, thì liệu tòa báo cho phép họ được làm điều đó không? Hay những người mang danh phóng viên/nhà báo này đã bất chấp quy định, vứt bỏ tính liêm chính nghề nghiệp? Điều đáng nói là sự ngang nhiên của các nhà báo nói trên trong việc nhận tiền. Họ ơ hờ trong việc bảo vệ “đền thiêng” của nghề nghiệp. Dù các nhà báo này (và việc nhận tiền của họ đã được CEO hãng thời trang kia xác nhận là có thật) có bao biện rằng là do doanh nghiệp “tự cảm ơn”, hoặc do họ “làm tư vấn”, hoặc “ký một hợp đồng truyền thông”, “gây dựng thương hiệu” cho doanh nghiệp thì việc nhận tiền doanh nghiệp đã gây ra một sự “mâu thuẫn lợi ích” với chính toà báo của họ - nơi họ làm công ăn lương chính.

Hơn hết, họ phản bội niềm tin với nghề, với bạn đọc - những người mong được đọc tin bài không có “mùi PR”, không có thông tin được dựng lên, chỉ chọn thông tin có lợi cho doanh nghiệp (structured facts) hoặc tin tức trong chiến lược PR cho doanh nghiệp. Các hợp đồng tài trợ, truyền thông béo bở chính là yếu tố định hướng các loạt tin bài theo hướng doanh nghiệp tài trợ cần và muốn. Tin bài sản xuất ra được khéo léo dẫn dắt và người xem tin là các phóng viên biên tập viên đang làm nghề phụng sự xã hội và sự thật, sự “tử tế”. 

Những trao đổi sau đó trên facebook và các diễn đàn báo chí lại hé mở và cho thấy tình trạng phóng viên báo chí mảng kinh tế, giải trí nhận tiền doanh nghiệp là khá phổ biến và không công khai. Nhận trực tiếp có, nhận “dưới gầm bàn”có, trích lại quả có, nhận tinh vi qua hình thức tài trợ, qua hợp đồng tư vấn, hợp đồng truyền thông đều có. Nhiều phóng viên, nhà báo còn ngây ngô, hoặc giả vờ ngây ngô không biết chuyện nhận tiền doanh nghiệp (dù dưới bất kỳ hình thức nào, số tiền là bao nhiêu) đều là vi phạm tính liêm chính của nghề báo.

Điều này dễ lý giải vì đến một nhà báo kỳ cựu như Lê Bình mà còn có “định nghĩa riêng” về tính liêm chính với sự bao biện kín kẽ cho các việc mình làm, cùng lúc quên vai trò báo chí, giám sát của mình, bảo vệ sự liêm chính cho chính cơ quan báo chí nơi mình công tác. 

Tôi đem câu chuyện này hỏi những người bạn làm báo tại Nhật, Bangladesh hoặc Hoa Kỳ thì câu trả lời của họ là phóng viên báo chí không được phép làm như vậy, và họ sẽ “bị kỷ luật, mất việc ngay”. Họ chia sẻ rằng để đảm bảo sự liêm chính và độc lập, tòa báo cần tách biệt giữa tòa soạn/ sản xuất tin bài với kinh doanh. “Không có sự pha trộn trong vai trò, trách nhiệm và ảnh hưởng lẫn nhau”. Đọc trong các bộ Quy định nghề nghiệp của các tòa báo lớn trên thế giới đều có quy định rõ ràng cho phóng viên, nhân viên của mình (và hẳn nhiên đây là một điểm khuyết thiếu, một lỗ hổng trong các tòa soạn của Việt Nam).

Cũng như vụ việc hơn 30 nhà báo nhận tiền doanh nghiệp thời trang, vụ việc của Lê Bình được tranh luận, đồn đoán nhiều, nhưng phải tới khi trả lời Zing.vn, bà Lê Bình mới chính thức công bố hưởng tiền từ doanh nghiệp. Còn những gì đằng sau nữa, không ai biết ngoài bà Lê Bình và những người cộng tác cùng bà. Con số nhà báo chưa lộ diện còn nhiều, và các hình thức biến tướng nhận tiền doanh nghiệp cũng sẽ tinh vi hơn. Giống như vị CEO của công ty thời trang nói trên từng chia sẻ: “Sẽ xem xét lần sau chuyển tiền mặt”. Với các hình thức tinh vi hơn thì lúc ấy, việc phát hiện ra cũng khó khăn hơn nhiều lần. 

Cũng như bà Lê Bình đã nghỉ việc để tìm một con đường khác, một hướng đi khác, các bạn nhà báo đang trong nghề nếu tự tin mình sống được với nghề, với ngòi bút của mình mà không cần cái mác nhà báo để kiếm được các hợp đồng truyền thông thì hãy ở lại và làm cho đúng. Các tòa báo  cũng cần có quy định, hướng dẫn  cặn kẽ hơn về các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, về điều được làm và không được làm để không ảnh hưởng tới tính liêm chính nghề nghiệp. Nếu có nguy cơ không giữ được sự trong sạch của ngòi bút và ảnh hưởng tới tính liêm chính của nghề, hãy rời bỏ. Tìm một chỗ đứng mà các bạn tin là không có mác nhà báo các bạn vẫn độc lập tạo ra giá trị cho xã hội, giữ danh dự cho bản thân và gia đình.

Và hãy cố gắng vượt qua trong sự nhốn nháo của “xã hội kim tiền”. Như thế, chúng ta sẽ chẳng phải nói đến câu chuyện tảng băng chìm. Tảng băng sẽ tự tan hết thôi!

Minh Thùy, từ Hà Nội

http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/Hop-dong-truyen-thong-tren-bao-chi-PHAN-NOI-CUA-TANG-BANG-CHIM-5614.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

“CHỌN TỰ DO HAY NÔ LỆ BẦN CÙNG?”


(NCTG) “Chỉ có sự tự do cá nhân, sự bình đẳng giữa người và người mới là điều đáng chọn. Chỉ có một xã hội mà trong đó “đối xử với người khác như mình muốn được đối xử” không chỉ là một phương châm tôn giáo, đạo đức mà còn là nền tảng pháp lý mới xứng đáng được bảo vệ bằng máu, nếu cần”.
“Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân” (La Liberté guidant le peuple, 1830), tác phẩm của họa sĩ Eugène Delacroix (1798-1863) - Tự do là một khái niệm rất thiêng liêng, nhưng cũng dễ bị lợi dụng

Tôi đọc được một bài thơ (dịch) hay, rất hay. “Bài ca Dân tộc” của thi sĩ Hungary Petőfi Sándor gợi lên những cảm xúc về tình yêu tổ quốc, sự bất khuất không cam tâm bị thống trị, ấn tượng hào hùng thù nước phải trả bằng máu vân vân. Đây dĩ nhiên là những cảm tình và hình ảnh cao thượng. Nhưng bỗng nhiên tôi có cảm giác khó chịu với những rung động của chính mình.

Mang dòng máu của một dân tộc một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, tôi từ bé vẫn dễ bị cuốn hút vào những cuộc khởi nghĩa, nhân dân vùng lên… mà quên rằng thực tế không hề lãng mạn như thế. Thực tế không hào hùng được lâu. Hơn một trăm năm sau, người Hung lại vùng lên vào mùa Thu năm 1956 để rồi lại phải cam chịu sự thống trị của thế lực ngoại bang thêm vài chục năm nữa. Đâu có thể chê họ bội thề.

Chọn Tự do hay Nô lệ bần cùng” không phải là một sự chọn lựa. Cái giá của Tự do trong thực tế không hề thấp. Người phải trả giá thường khi cũng không thật sự hiểu thế nào là Tự do, sẵn sàng đổ máu vì cảm xúc Tổ quốc gọi tên mình. Chọn gông cùm của kẻ cùng huyết thống hay xiềng xích của ngoại bang? Không, chỉ có sự tự do cá nhân, sự bình đẳng giữa người và người mới là điều đáng chọn. Chỉ có một xã hội mà trong đó “đối xử với người khác như mình muốn được đối xử” không chỉ là một phương châm tôn giáo, đạo đức mà còn là nền tảng pháp lý mới xứng đáng được bảo vệ bằng máu, nếu cần.

Vì có quan niệm như thế nên tôi chỉ muốn thưởng thức mọi bản hùng ca như những sản phẩm văn hóa thuần túy và vẫn nghi ngờ thông điệp hiệu triệu “nhân dân lên đường” của chúng. Ngày nay tôi trân trọng những phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp bất thành, nhưng vẫn tự hỏi nếu thành ng thì biết đâu hậu duệ của những nhà cách mạng ngày xưa cũng không trở nên thối nát và bị thóa mạ như đang xảy ra với một phong trào kháng chiến đã thành công. Khi không có ý thức tranh đấu vì Tự do, tự do đúng nghĩa, thì chiến thắng chỉ là khởi điểm cho nền thống trị mới.

Nhân dân, tổ quốc, độc lập, chủ quyền… những khái niệm dễ bị lợi dụng, thường là điểm tựa của những đầu óc tù mù với tư duy lạc hậu khi nói về chính trị.

Người có tâm hồn, thơ vẫn hay, nhưng...

Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ
http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/CHON-TU-DO-HAY-NO-LE-BAN-CUNG-5591.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỘC LẬP: KHÔNG CHỈ ĐUỔI LŨ CƯỚP NƯỚC MÀ CÒN PHẢI ĐUỔI CÁI NÔ LỆ RA KHỎI ĐẦU


Cao Huy Thuần
T



.
Tại Lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ X diễn ra vào tối 24.3, giải Vì Sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục được trao cho Giáo sư Cao Huy Thuần vì những đóng góp to lớn và sâu sắc cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục Việt Nam. Người Đô Thị Online giới thiệu lược trích diễn từ nhận giải Giáo sư Cao Huy Thuần. Tựa do Người Đô Thị đặt.
.
Tôi rất vinh dự được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” năm 2017. Đây là một bất ngờ đối với tôi, vì vinh dự này quá lớn đối với việc làm quá nhỏ của tôi. Tôi lại là người ở xa, luôn luôn có mặc cảm vui buồn không được trực tiếp cùng chia, ấm lạnh không được trực tiếp cùng cảm với bạn bè anh em trong nước: thiếu sự sống trực tiếp ấy, hai chữ “sự nghiệp” không khỏi làm tôi áy náy. Tôi đành nghĩ: khi trao giải thưởng này cho người ở xa, các anh chị trong Hội Đồng muốn nói rằng văn hóa là văn hóa, văn hóa Việt Nam là văn hóa Việt Nam, không có văn hóa Việt kiều, cũng như không có quốc tịch Việt kiều.
Có lẽ câu nói vừa rồi của tôi là một câu nói đùa để che giấu cảm động. Nhưng quả thực, đó là một câu nói tâm tình, bởi vì có khi người ở xa cảm thấy mình là Việt Nam hơn lúc ở gần. Ở gần thì ai cũng giống ai. Ở xa thì thường xuyên thấy mình khác với xung quanh. Chính cái khác đó tạo ra cái mà ta gọi là bản sắc, bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc. Người ở xa không phải chỉ tha thiết với bản sắc như một khái niệm trừu tượng. Người ở xa thấy mình ăn, mặc, thương, ghét, nói, cười với cái bản sắc ấy cụ thể như cái bóng đi theo cái hình.
Tôi biết tôi động đến một khái niệm khó định nghĩa. Có người nói đó là một khái niệm không khoa học. Có người nói đó là một khái niệm ý thức hệ. Tuy vậy, có ai dám nói rằng không có bản sắc? Có ai không tự đặt ra cho mình câu hỏi đầu tiên: “tôi là ai?” Câu hỏi đặt ra là vì có “tôi” và có “người khác”. Không có “người khác” thì không có “tôi”. Rồi tôi lại tự hỏi: tôi là tôi vì tôi nhìn tôi như thế, hay tôi là tôi vì như thế người khác nhìn tôi? Nếu tôi nhìn tôi qua cái nhìn của người khác, phải chăng có người khác giữa tôi với tôi? Câu hỏi ấy chảy máu trong lòng người ở xa. Tôi xa tôi rồi chăng?
Câu hỏi ấy cũng cần chảy máu trong lòng một dân tộc khi dân tộc ấy vọng ngoại. Khi dân tộc ấy không còn thấy cần thiết phải đặt ra câu hỏi “tôi là ai?”. Khi dân tộc ấy không biết mình là khác. Khi dân tộc ấy nhập nhằng giữa tôi và người. Tôi khác anh: bản sắc bắt đầu tự định nghĩa với khẳng định quyết liệt ấy. Với chữ “khác”. Khác! Như một tiếng quát. Quát vào mặt kẻ nào muốn đồng hóa. Như một tiếng sấm. Sấm trong lịch sử. Nổ trong Bình Ngô Đại Cáo:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Nước non bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Cái gì là cốt lõi trong cái “khác” đó? Văn hiến. Văn hóa. Và cái gì là cốt lõi trong văn hóa? Phong tục. Anh đừng đem Khổng Mạnh ra để nói với tôi rằng tôi giống hệt anh, tôi là con đẻ của anh. Anh cũng đừng đem chữ viết ra để nói rằng tôi nhân chi sơ là sờ vú anh. Văn hóa của tôi không phải là văn hóa của anh bởi vì phong tục của tôi không phải là phong tục của anh. Và thế nào là phong tục? Là cách sống. Văn hóa là cách sống. Là cách ăn cách mặc. Là nước mắm. Là tiếng ru em. Là ca dao. Là lễ hội. Là chùa chiền. Là làng xóm. Là thói quen. Là ký ức chung. Là ý thức tập thể. Là tất cả những gì liên quan đến đời sống của một dân tộc, vật chất cũng như tinh thần. Nói “phong tục” là lấy cái khác nhất của Đại Việt so với chàng kia mà nói, chứ “phong tục” chính là “văn hiến” đã đại cáo ở trên. Và văn hiến ấy, Đại Việt ta đây đã có “từ lâu”, nghĩa là đã đi vào lịch sử, nghĩa là đã truyền lại đời này qua đời kia, truyền từ khi nhà ngươi tưởng đã nuốt sống ta trong ngót ngàn năm dằng dặc.
Trên thế giới, không có một nước nào so được với Đại Việt về cái rễ văn hóa sâu thẳm ấy. Châu Âu muốn so với ta? Châu Mỹ muốn so với ta? Có nước nào trong các bạn đẻ ra được, duy trì được, củng cố được, truyền thừa được, ấp ủ được một cái trứng văn hóa trong suốt ngàn năm đồng hóa trước khi có bờ cõi? Bản sắc là cái gì nếu không phải là cái trứng kỳ lạ ấy? Cho đến thế kỷ 18, các bạn ở châu Âu mới thấy xuất hiện cái tư tưởng rằng văn hóa là cái “tinh yếu” (“essence”) dính chặt vào một dân tộc, và từ đó mỗi dân tộc có một “thần khí” (“génie”) riêng biệt, khác với các dân tộc khác. Nhưng lúc đó các bạn đã có bờ cõi, đã thành lập xong cái mà lịch sử gọi là Etat-Nation, dân tộc nào có Nhà nước ấy. Trong bờ cõi đã phân chia ranh giới địa dư, các bạn mới xây dựng dân tộc văn hóa song song với dân tộc chính trị. “Dân tộc nào có bờ cõi ấy” và “dân tộc nào có văn hóa ấy”, hai tư tưởng đó củng cố lẫn nhau.
Nghĩa là lúc đó các bạn chưa có một văn hóa dân tộc, các bạn phải lần hồi xây dựng văn hóa đó, khác với Đại Việt đã có cái trứng văn hóa từ lâu trước khi nở ra thành rồng Thăng Long. Cho nên chúng tôi không phải đợi cho đến thế kỷ 18, 19 mới quan niệm, như các tư tưởng gia ở Đức, văn hóa là cái “hồn” của mỗi dân tộc, là “Volksgeist”. Định nghĩa chính xác cái “hồn” ấy là gì, đúng là khó. Nhưng khó, không có nghĩa là phủ nhận cái “hồn”. Bởi vì không có hai dân tộc nào cùng có một văn hóa giống hệt nhau. Nếu có tình trạng đó thì cả hai chỉ có thể hợp thành một dân tộc. Vì vậy, vì mỗi văn hóa có một sắc thái đặc biệt, văn hóa quyết định bản sắc của mỗi dân tộc. “Tát cạn văn hóa ra khỏi một dân tộc – nghĩa là tát cạn ký ức và sắc thái độc đáo ra khỏi dân tộc đó – tức là giết chết dân tộc đó”. Tôi mượn câu nói ấy của Milan Kundera.
Đất nước độc lập, không phải chỉ đuổi lũ cướp nước là xong. Phải đuổi cái nô lệ ra khỏi cái đầu. Bạo lực có thể đạp đổ bạo lực. Nhưng bạo lực nào cũng có khuynh hướng thay thế bạo lực cũ để thống trị bằng cách nô lệ hóa cái đầu.
Với cái “hồn” ấy, tôi hiện hữu, tôi là tôi. Tôi nhận máu huyết từ trong đó. Tôi thở với hơi thở ấy. Nhưng cái đầu của tôi dạy rằng văn hóa là một khái niệm động, vừa như thế, vừa biến chuyển với thời gian. Không văn hóa nào sống biệt lập, tách biệt với các văn hóa khác. Chung đụng, tiếp xúc với nhau, các nền văn hóa ảnh hưởng lên nhau, mỗi cái “tôi” của văn hóa này phải vừa canh chừng để đừng bị “cái khác” làm biến chất, lại vừa bị quyến rũ bởi “cái khác” khi nhận ra “cái khác” có những ưu điểm mà mình không có, cái “tôi” của mình có những nhược điểm mà mình cứ gối đầu lên ngủ, bất kể nhục vinh. Và như vậy, tôi vừa là con cháu của Nguyễn Trãi, vừa là con cháu của Phan Châu Trinh. Của Phan Châu Trinh khi Tây Hồ rơi vào thân phận Việt kiều, làm “người Việt ở nước ngoài”. Nhưng chính nhờ ở nước ngoài mà ông chạm mắt vào “cái khác” và ông thấy cái nô lệ nằm ngay trong văn hóa.
Tôi mượn một câu của anh Vĩnh Sính, người bạn học giả mà tác phẩm từng được giải Phan Châu Trinh: “So với những trí thức cùng thời, kể cả Phan Bội Châu, tinh thần yêu nước của Phan Châu Trinh có điểm nổi bật là rất bén nhạy về điều hay cái lạ ở nước ngoài cũng như về những nhược điểm về văn hóa và xã hội mà con người Việt Nam cần khắc phục”. Từ đó mà bật ra phương châm “dân khí”, “dân trí”. Và dân chủ. Và dân chủ. Phan Châu Trinh là sĩ phu đầu tiên hô hào dân quyền. Huỳnh Thúc Kháng nói thế. Anh Vĩnh Sính tiếp theo: “Bởi vậy, khi đọc lại những lời Tây Hồ viết vào đầu thế kỷ trước, ta vẫn nghe sang sảng tựa hồ như tiên sinh đang đăng đàn diễn thuyết đâu đây”.
Các cá nhân xuất sắc được tôn vinh tại Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần X. Ảnh: TA
Tôi đang nghe sang sảng bên tai những Lư Thoa, những Mạnh Đức Tư Cưu, những Vạn Lý Tinh Pháp, những Khai Sáng Thế Kỷ, những Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Những tư tưởng mới làm choáng ngợp cái đầu rạng đông của Phan Tây Hồ. Chỉ giới hạn trong quan niệm về dân tộc mà tôi đang nói đây, tôi nghe sang sảng, như tiên sinh đã nghe, định nghĩa bất hủ của Renan, trong đó vừa có Nguyễn Trãi của tôi, vừa có Phan Châu Trinh của thời đại mới, vừa có quá khứ vừa có hiện tại, vừa có Herder của Lãng Mạn Đức, vừa có Rousseau của “Khế ước xã hội”:
“Dân tộc là một linh hồn, một nguyên tắc tâm linh. Hai yếu tố, thật ra chỉ là một, tạo nên linh hồn ấy, nguyên tắc ấy. Yếu tố thứ nhất nằm trong quá khứ, yếu tố thứ hai nằm trong hiện tại. Yếu tố thứ nhất là cùng có chung một gia tài kỷ niệm phong phú, yếu tố thứ hai là sự thỏa thuận hiện tại, ý muốn cùng sống, hoài bão cùng tiếp tục khai triển gia tài chung đã nhận. Con người không tự nhiên mà thành người. Một dân tộc, cũng như một cá nhân, là thành quả của một quá khứ lâu dài làm bằng nỗ lực, bằng hy sinh, bằng tận tụy. Thờ kính tổ tiên là chính đáng hơn tất cả; chính tổ tiên làm chúng ta thành ra chúng ta. Một quá khứ anh hùng, những vĩ nhân, vinh quang, đó là cái vốn xã hội trên đó ta tạo dựng một ý tưởng dân tộc. Cùng có những vinh quang chung trong quá khứ, một ý chí chung trong hiện tại, đã cùng nhau làm nên những công việc to lớn, vẫn còn muốn làm như thế nữa: đó là những điều kiện thiết yếu để là một dân tộc. Hy sinh đã làm càng cao, khổ sở đã chịu càng lớn, thương yêu càng nhiều. Ta thương cái nhà mà ta đã xây và đã truyền lại. “Ta bây giờ là hình ảnh của cha ông ngày trước; ta ngày mai sẽ là hình ảnh của cha ông ngày nay”, câu hát đó của dân Sparte ngày xưa đơn giản như thế nhưng tóm tắt được thế nào là tổ quốc”.
Và đây là hiện tại được nhấn mạnh. Hiện tại mà Phan Châu Trinh hoài bão qua hai chữ “dân quyền”:
“Như vậy, một dân tộc có một quá khứ, nhưng tóm gọn trong hiện tại bằng một sự việc cụ thể: thỏa thuận, ý muốn tiếp tục cùng sống chung được biểu lộ rõ ràng. Dân tộc là một cuộc bỏ phiếu hồ hởi hằng ngày”.
Dân tộc là linh thiêng, bởi vì trong lòng mỗi người dân đều có cái “hồn” của tổ tiên, nhưng dân tộc chỉ trường tồn trong hiện tại, trong tương lai, khi chính người dân, chứ không phải một ai khác trên cao xanh, cùng nhau thỏa thuận về vận mệnh của đất nước. Sự thỏa thuận ấy, tất nhiên biểu lộ bằng lá phiếu, và lá phiếu chỉ là lá phiếu khi trung thực. Không có trung thực thì không có thỏa thuận.
“Một cuộc bỏ phiếu hồ hởi hằng ngày”. “Un plébiscite de chaque jour”: lịch sử nước Pháp ghi khắc câu nói ấy. Lịch sử của các nước tiến bộ văn minh cũng ghi khắc câu nói ấy. Bởi vì câu nói ấy chứa đựng tất cả tinh túy của một văn hóa, một văn minh không riêng của một dân tộc nào mà chung cho cả mọi dân tộc. Vì câu nói ấy, vì tinh túy trong ý nghĩa của nó, mà Phan Châu Trinh khác Phan Bội Châu. Đất nước độc lập, không phải chỉ đuổi lũ cướp nước là xong. Phải đuổi cái nô lệ ra khỏi cái đầu. Bạo lực có thể đạp đổ bạo lực. Nhưng bạo lực nào cũng có khuynh hướng thay thế bạo lực cũ để thống trị bằng cách nô lệ hóa cái đầu. Phan Châu Trinh đã đi trước thời đại bằng lời lẽ thống thiết kêu gọi phải thắp sáng cái đầu của người dân. Bởi vì thời độc trị của vua chúa đã qua rồi.
Cái nguyên tắc mà Renan gọi là “tâm linh” (“spirituel”) không có gì là siêu hình cả, trái lại rất cụ thể. Đó là người dân. Mỗi người dân. Mọi người dân. Mỗi người dân nắm vận mệnh của mình và của dân tộc mình. Bằng thỏa thuận. Như thỏa thuận khi ký một hợp đồng. Dân tộc là linh thiêng, bởi vì trong lòng mỗi người dân đều có cái “hồn” của tổ tiên, nhưng dân tộc chỉ trường tồn trong hiện tại, trong tương lai, khi chính người dân, chứ không phải một ai khác trên cao xanh, cùng nhau thỏa thuận về vận mệnh của đất nước. Sự thỏa thuận ấy, tất nhiên biểu lộ bằng lá phiếu, và lá phiếu chỉ là lá phiếu khi trung thực. Không có trung thực thì không có thỏa thuận. Nhưng chữ “plébiscite” của Renan không có nghĩa tầm thường của một cuộc trưng cầu dân ý. Bởi vì trưng cầu dân ý cụ thể là con số: 51%, 65%, 70%, vân vân. “Plébiscite”, trong cái nghĩa của Renan, không phải đo bằng con số. Đo trong lòng người, người dân nào cũng biết đo và đo rất chính xác, trung thực.
Siêu hình chăng? Cam đoan không. Cứ hỏi mỗi người Việt Nam có biết đo không, câu trả lời sẽ rất giản dị. Đừng dối nhau làm gì, có thời chúng ta đã từng nghe: cái cột đèn cũng muốn đi. Và bây giờ lại nghe nói: ai có chút tiền đều một chân trong chân ngoài. Một dân tộc sống với cái đầu hoài nghi, cái chân bỏ phiếu, là một dân tộc đang tự thắp nhang cho mình, làm mồi cho cú vọ. Nếu ai có chút tiền đều muốn đưa con ra ngoài để học rồi để ở lại, thì tim đâu để máu chảy về? Thì đâu còn định nghĩa được tôi là ai? Thì lấy người khác làm mình. Thì đâu là “dân khí”? Cái “hồn” nằm ở đâu?
Ngoại xâm trước mắt đâu phải chỉ lấn đất lấn biển. Nó lấn cái đầu. Cái đầu ấy, ngoại xâm muốn ta giống nó. Nó rất sợ ta khác nó. Nó muốn ta giống nó bằng văn hóa, bằng ý thức hệ. Nó sợ ta khác nó với Phan Châu Trinh. Bởi vì chỉ cần ta định nghĩa ta là Phan Châu Trinh, ta có cái đầu văn hóa mở ra với những chân trời khác, những bình minh khác cùng sáng lên hai chữ “dân quyền”, chỉ cần thế thôi, chỉ cần cái đầu văn hóa ấy thôi, vận mệnh của đất nước Việt Nam sẽ đổi khác về mọi mặt, bắt đầu là mặt chiến lược. Vì sao? Vì định nghĩa ai là bạn ai là thù bắt đầu từ đâu nếu không phải là từ anh khác tôi, tôi khác anh của Nguyễn Trãi?
Chỉ cần thế thôi, một bước ấy thôi, dân tộc chờ đợi từ thời Phan Châu Trinh. Chỉ cần một câu trả lời với Renan: Vâng, đúng thế, dân tộc là sự giao thoa của hai thỏa thuận song song: thỏa thuận giữa người dân với nhau cùng sống cùng chết trên cùng mảnh đất của tổ tiên; thỏa thuận giữa người dân với chính quyền để cùng nhau đảm đương việc nước. Một bước. Cả vận mệnh nằm trong một bước. Bước đi! Cái “tôi” của ngày nay, cái “ta” kiêu hùng, cả tổ tiên nằm trong môt bước.
Nhà văn Nguyên Ngọc đại diện Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải cho các cá nhân đoạt giải. Ảnh: T.A

Trong tâm tình trên đây của tôi về dân tộc, tôi xin được kết thúc, rất ngắn, với chút tâm tình về đạo Phật của tôi, vì hai tâm tình chỉ là một, hòa quyện vào nhau trong toàn bộ chữ viết của tôi. Có lần trả lời cho báo Lao Động, tôi nói: tất cả những gì tôi viết đều là thư tình, tình thư tôi gửi về quê hương, dù khi nói về đời, dù khi nói về đạo. Có một con chim bị đâm gai, nằm chảy máu dưới một bông hoa trắng, và hoa trắng đã thành hoa hồng. Đó là hoa hồng tôi hiến tặng cho đất nước của tôi từ xa.
Dân tộc tôi, nếu muốn định nghĩa về bản sắc của mình, không thể không nói đến đạo Phật. Vì đạo Phật thiết yếu như vậy cho sự sống còn văn hóa của dân tộc tôi, nếu chùa chiền biến chất trong một hiện tại đầy hoài nghi về văn hóa và giáo dục này, nếu đạo Phật cũng héo hon theo, thì cái hồn của quá khứ cũng tủi, mà hiện tại cũng bơ vơ bản sắc. Như một con én không để mất mùa xuân, tôi không muốn thấy đạo Phật của dân tộc tôi bị lão hóa với thời đại kim tiền, tôi muốn đạo Phật của tôi vẫn là nhựa sống của tuổi trẻ, của các bậc cha mẹ, của mọi gia đình. Nhựa ấy muôn đời vẫn thế, vẫn còn đấy, nhưng để làm cho nó chảy trong cành tươi, con chim nhỏ bị gai đâm chỉ còn biết chảy máu theo mà thôi, trong chữ viết.
Trung thành với đạo Phật của tôi, trung thành với dân tộc của tôi, tất cả những gì tôi viết, dù là nước mắm, dù là tương chao, dù là văn hóa, dù là giáo dục, đều nhắm đến một lý tưởng, lý tưởng của Phan Châu Trinh: Tiến Bộ. Đừng tưởng đạo Phật không cần tiến bộ. Không tiến bộ thì xa lìa đời sống. Còn dân tộc, khỏi nói, không tiến bộ thì thế giới đạp lên xác pháo. Nhưng đạo Phật biết một cái rất quý nói trong kinh Pháp Hoa: một viên ngọc giấu trong áo cũ. Áo cũ phải thay, viên ngọc vẫn giữ. Dân tộc của tôi, nghẹn ngào mà nói, có ngọc quý mà không giữ, lấy cuội của người làm ngọc của mình, gắn lên vương miện.
Thôi, tôi xin kết luận thôi. Tôi định nghĩa thế nào đây về tôi? Tôi là ai? Dân tộc tôi là ai? Là gì? Là thế nào? Nếu không định nghĩa được bằng khẳng định, thôi thì ta tạm định nghĩa bằng phủ định: Tôi không phải như thế này, tôi đáng lẽ phải là thế khác. Dân tộc tôi xứng đáng hơn thế này. Dân tộc tôi chưa xứng đáng với tổ tiên.
Cao Huy Thuần
Nguồn: nguoidothi

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TA LÀ...MUÔN NĂM


Trương Tuần


Em ơi có anh chống lưng
Em lên chót vót... miễn đừng bỏ anh
Xe sang, nhà cửa đã đành
Còn bao nhiêu bậc công danh tót vời
Anh đây chẳng kém ông Trời
Vẫn trong sạch vẫn sáng ngời hồng chuyên
Trong tay sẵn có đồng tiền
Lời xưa "Dĩ thực vi tiên" em à
Giữ cho anh cái nuột nà
Cùng nhau lên đỉnh...ta là muôn năm...!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một kiểu ăn vạ, thương vay khóc mướn


KIM VÂN (nhà báo)

Mấy bữa nay mình cứ thấy nhiều người share trên fb những bức ảnh bậc tam cấp Starbucks, khách sạn 5 sao bị đập, cảnh người dân bắc thang, bắc ghế vào nhà hay rút tiền máy ATM, v.v.. rồi khoái chí chửi chính quyền. Không chỉ là cá nhân trên fb mà ngay cả các bài báo của nhiều tờ có tên tuổi cũng thế. Thực sự mình không hiểu tư duy...

Mình thấy những cách làm đối phó như là bắc ghế, bắc thang sau khi bậc tam cấp lấn đất công bị phá bỏ chẳng khác nào hành vi ăn vạ. Đứa con nít hư, đánh nhẹ nó một cái là nó cũng khóc rống lên để người xung quanh cảm thấy nó bị oan ức lắm. Nhưng con nít thì đã là một lẽ. Toàn những người giàu (có nhà mặt tiền là không phải dạng vừa), rồi thì khách sạn, cafe sang chảnh, ngân hàng, v.v..

Nếu đã sai phạm thì xử lý là đúng rồi, sao phải giở trò khóc lóc, ăn vạ ra như thế. Họ hoàn toàn có thể xây lại bồn hoa, bậc tam cấp và đặt lại máy ATM vào sâu bên trong đất của mình mà, sao cứ phải lấn chiếm đất công thì mới chịu? Mấy người rút tiền nữa, thiếu gì máy ATM mà cứ phải đến cái máy bị phá bậc tam cấp mà rút cho khổ vậy? Không có khách rút tiền thì ngân hàng sẽ phải tự khắc phục thôi.

Mà cũng có thể bản thân người vi phạm không ăn vạ, một vài ngày sau sẽ cải tạo thôi, nhưng không ít người lại thích "thương vay khóc mướn". Mình nghĩ mãi không ra nguyên cớ. Là vì tiếc của do phần lấn chiếm được xây kiên cố, tốn kém quá? Hay lo nhóm khách sạn, ngân hàng, nhà hàng kia không có tiền để sửa sai?

Nhiều người bình luận rằng thành phố trở nên tan hoang như bị đánh bom thì quả là ấu trĩ. Chỉ cần ốp lát lại một tí, chắc khoảng nửa ngày là tất cả lại thẳng thắn, sạch sẽ ngay thôi. Nếu như những người đó có ý thức tôn trọng pháp luật từ đầu thì đâu đến nỗi phải chịu cưỡng chế như thế.

Có người còn lấy câu chuyện của ông Lý Quang Diệu ra để so sánh, nhưng mấy ai hiểu để có được một Singapore như hiện nay thì đảo quốc ấy cũng phải trải qua một cuộc đại phẫu mà không ít cá nhân phải chấp nhận đi vào khuôn khổ, tức là chấp nhận từ bỏ lợi ích cá nhân. Lúc đấy dân Việt mình có ở đó chứng kiến đâu mà biết.

Việt Nam mình xuề xòa quen rồi, còn có cả câu "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình", cho nên mới lấn chiếm, mới hàng quán đầy vỉa hè. Vừa thích giống Sing, lại vừa thích ngồi vỉa hè ăn vặt thì làm sao được. Phải chọn lựa thôi. Nói thật mình cũng thích hàng rong, nhưng nếu phải chọn thì mình thích được nhìn nhận văn minh như Sing, như châu Âu, như Mỹ chứ không phải là được tôn vinh ẩm thực đường phố. Bản thân cái chữ "ẩm thực đường phố" thì nó vẫn giá trị ở chữ "ẩm thực" chứ không phải "đường phố", tức là không phải hàng rong.

Có người bảo dẹp hàng rong đi rồi thì lấy gì sống. Làm mình nghĩ đến một câu chuyện. Có gia đình nọ rất nghèo. Cả nhà chỉ trông vào con bò sữa, hằng ngày vắt sữa của nó đi bán nhưng không đủ ăn vì quá đông con. Có hai thầy trò kia một lần tá túc qua đêm. Biết được hoàn cảnh gia chủ, ông thầy đêm đó lẳng lặng cầm dao đâm chết con bò. Cả nhà sau đó oán thán kẻ đã triệt đường sống của họ. Nhưng rồi sau đó họ vẫn phải kiếm kế sinh nhai, mỗi người đều động não suy nghĩ và rồi họ trở nên khá giả. Hàng rong của người VN cũng giống con bò thôi.

Kim Vân
(Theo Facebook Kim Vân: https://www.facebook.com/vuthikimvan/posts/10155109850623058)

Phần nhận xét hiển thị trên trang