Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Chữ đủ và giá trị của hạnh phúc


>> Lo ngại tác động của lợi ích nhóm với báo chí
>> Một tấm gương xấu, để lại hậu quả không dễ khắc phục


Tuấn Thành/Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần
VNN - Chúng ta không thể nhìn vào một người có thu nhập 500 triệu đồng/tháng và nói anh ta hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn một người có thu nhập 50 triệu/tháng, hoặc ngược lại. 

Thời điểm kết thúc một năm luôn là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt. Vì khi ấy, mỗi người trong chúng ta có dịp sống chậm lại, bỏ qua một bên những vội vã, tất bật, lo lắng thường ngày, để có thể cảm nhận được bước tiến chậm chạp nhưng vững chắc của thời gian, để có thể một lần nữa đặt ra cho mình những câu hỏi về giá trị của cuộc sống, tiền bạc, mục tiêu, kế hoạch tài chính… và về ý nghĩa của những thứ mà mình đang theo đuổi.

Và rồi chúng ta, sẽ lại một lần nữa tự hỏi, một câu hỏi được xem là gốc rễ của mọi vấn đề tài chính, tiền bạc, đó là: “Bao nhiêu là đủ?”.

Tất nhiên rồi, càng nhiều càng tốt!

Thật trớ trêu, nhưng những người trả lời câu hỏi bao nhiêu là đủ này rằng “càng nhiều càng tốt” lại không mấy khi có được cái kết có hậu.

Theo đánh giá của những chuyên gia tâm lý học hành vi, một khi bạn đã có đủ tiền để đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, như nhu cầu về thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, chỗ ở, giao tiếp… thì sự tác động của các nguồn lực về tiền bạc sau đó sẽ càng khó khiến bạn hạnh phúc, khó khiến bạn có được cảm giác thỏa mãn như trước đây. Nó giống như khi chúng ta đã ăn no rồi, thì những món ăn sau đó được mang ra, dù ngon hơn, trình bày đẹp mắt hơn, cũng không còn mang lại cho chúng ta nhiều cảm giác hứng thú nữa.

Cũng chính vì không hiểu được điều này, mà nhiều người, sau khi đã có được thành công cơ bản, tạo dựng được một nền tảng tài chính tốt, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống rồi, lại lao vào những cuộc “kiếm tìm hạnh phúc” sai lầm, như người anh trong câu chuyện cổ tích ăn khế trả vàng, để rồi cuối cùng phải đón nhận những kết cục cay đắng.

Hay như trong thần thoại Hy Lạp đã kể về một lối trừng phạt rất quái ác của các vị thần đối với loài người, đó là ban cho loài người những thứ vượt quá những điều họ mong muốn.

Biết đủ là… biết hạnh phúc

Chúng ta không thể nhìn vào một người có thu nhập 500 triệu đồng/tháng và nói anh ta hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn một người có thu nhập 50 triệu/tháng, hoặc ngược lại. Cảm giác đủ thực ra là cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn với những gì chúng ta đang có trong cuộc sống hiện tại. Và “biết đâu là đủ” chính là biết đâu là điều khiến chúng ta hạnh phúc.

Theo tiến sĩ Joe Gladstone, hiện giảng dạy tại Đại học Cambridge (Anh), dựa trên hai kết quả từ cuộc khảo sát gần đây (khảo sát The importance of “cash on hand” to life satisfaction, có quy mô 525 người, và khảo sát Money Buys Happiness, có quy mô 76.000 người) thì ở mỗi người, sẽ có cách cảm nhận hạnh phúc rất khác nhau. Và vì thế, họ cũng sẽ tìm kiếm những điều khác nhau để thỏa mãn nhu cầu đó.

“Nhiều người thích thể thao, đi du lịch, xem phim. Số khác lại có thể ngồi hàng giờ ở nhà, đọc sách, viết nhật ký. Người lại chỉ muốn vui đùa và làm bạn với những con thú cưng, hoặc làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra một điều, rằng khi ai đó chi càng nhiều tiền bạc, thời gian và công sức của họ cho những thứ phù hợp với tính cách, sở thích thì họ sẽ càng có mức độ thỏa mãn cao hơn, và qua đó mức độ hạnh phúc, cảm nhận sự đầy đủ trong cuộc sống của họ, cũng sẽ cao hơn”.

Vậy, bao nhiêu là đủ?

Trở lại với câu hỏi ban đầu, vậy bao nhiêu là đủ, bao nhiêu thì giúp chúng ta có thể sống hạnh phúc? Có lẽ chúng ta đã nhận ra rằng, bao nhiêu là đủ thực chất là kiểu câu hỏi hạnh phúc có giá bao nhiêu. Đây là một câu hỏi không đúng. Câu hỏi đúng, lẽ ra phải là: “Điều gì khiến bạn hạnh phúc trong cuộc sống?”. Có được điều đó, nghĩa là đủ.

Với Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Hoa Kỳ, giáo sư chuyên giảng dạy về luật tại Trường Đại học Harvard, thì “công thức” cho sự đủ, cho sự hạnh phúc của bà, là đủ tiền để có thể chi cho những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống (50%), đủ tiền để chi cho những gì bà muốn (30%) và cuối cùng là đủ tiền để tiết kiệm, tái đầu tư, chuẩn bị cho kế hoạch tài chính tương lai (20%).

Còn với Grant Cardone, triệu phú tự thân nổi tiếng của Mỹ, hiện sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 350 triệu USD, là người xếp đầu tiên trong danh sách 25 Marketing Influencers to Watch in 2017 của tạp chí Forbes, thì cảm giác đủ, cảm giác hạnh phúc là khi ông có thể trả lời được ba câu hỏi: “Tôi đã đủ tiền để lo cho gia đình mình chưa?”, “Sự nghiệp của tôi đã phát triển như tôi mong muốn chưa?” và “Tôi đã có thể thoải mái đến những nơi mình muốn, ăn những món mình thích mà không phải quan tâm đến giá cả, hay chưa?”.

Cũng chính vì hiểu được bao nhiêu là đủ, hay điều gì thực sự khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, mà những tỉ phú xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tờ Forbes, dù sở hữu khối tài sản lên tới hàng tỉ USD, nhưng lại luôn làm chúng ta bất ngờ vì sự tiết kiệm của họ. Carlos Slim Helú, nhà sáng lập Tập đoàn Grupo Carso (Mexico), người giàu nhất Mexico với khối tài sản trị giá 50 tỉ USD, vẫn đang sống trong căn nhà sáu phòng ngủ trong suốt 40 năm qua, luôn ăn cơm nhà và tự lái chiếc Mercedes-Benz cổ đi làm mỗi ngày.

Warren Buffett – Chủ tịch kiêm CEO Công ty Berkshire Hathaway, huyền thoại đầu tư với khối tài sản ròng ước tính khoảng 60,8 tỉ USD, hiện chỉ sống trong căn nhà mà ông mua với giá 31.500 USD từ năm 1958, không dùng điện thoại di động và cũng không có máy tính ở bàn làm việc.

Trong kỳ đại hội cổ đông của công ty vào năm 2014, Buffett giải thích về sự đủ, về chất lượng cuộc sống của ông chỉ đơn giản là phụ thuộc vào ông, chứ không phải phụ thuộc hay bị ảnh hưởng bởi số tiền mà ông có. “Cuộc sống của tôi đang rất hạnh phúc. Thực tế, nó sẽ tồi tệ hơn nếu tôi có sáu hay tám ngôi nhà. Do vậy, tôi có mọi thứ cần phải có và không cần thêm bất kỳ điều gì vì chúng chẳng tạo ra sự khác biệt nào cả”.

Đủ… cho con cái của bạn

John Bogle, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm sáng lập viên Tập đoàn Vanguard, người đưa Vanguard trở thành quỹ đầu tư lớn thứ hai trên toàn thế giới, trong một lần trả lời phỏng vấn tờ The New York Times, đã cho rằng, bài học giá trị nhất mà một đứa bé được học, về tiền bạc, chính là bài học về giá trị của tiền bạc, về sự đủ, về việc xác định và theo đuổi để có được điều khiến chúng hạnh phúc trong cuộc sống.

“Khi gia đình tôi rơi vào tình cảnh khó khăn, lúc ấy tôi chỉ mới khoảng mười tuổi và phải làm việc để phụ giúp gia đình mình, trong khi những đứa bạn của tôi khi ấy chỉ suốt ngày chạy nhảy và vui chơi ở khắp nơi. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi cho rằng đó là một bài học giá trị nhất mà tôi từng được học. Bởi tôi đã có cơ hội để tự hiểu rõ bản thân mình, biết mình muốn gì, cần gì, khát khao điều gì.

Để sớm hình thành trong đầu mình những ước mơ và khát vọng. Cho đến tận ngày nay, khi gia đình tôi đã không phải quá quan tâm đến những vấn đề tài chính nữa, thì những đứa con của tôi vẫn phải làm việc để có được thứ chúng muốn, thứ chúng đam mê, thậm chí tôi vui khi thấy chúng chú tâm vào việc tìm cách nâng cao thu nhập mỗi năm”.

Không chỉ có John Bogle cố gắng dạy cho con mình hiểu ý nghĩa của từ “đủ” trong cuộc sống, những tỉ phú khác, dù để lại cho con cái phần lớn hay phần nhỏ gia tài của mình, cũng luôn cố gắng làm điều tương tự, dạy cho con cái hiểu giá trị của sự đủ, của điều thực sự khiến chúng hạnh phúc.

Bill Gates, người giàu nhất thế giới, từng tiết lộ với đài truyền hình ABC, rằng các con của ông, ngay từ khi còn nhỏ, đều có tài khoản riêng. Tuy nhiên, không phải chúng muốn mua gì cũng được, mà phải chờ đến những dịp như Giáng sinh hay sinh nhật, hoặc đợi đến khi có đủ tiền, thì mới được mua. “Tôi nghĩ đứa trẻ nên lớn lên với nhận thức rõ ràng rằng mình phải tự tạo ra con đường của chính mình, tự chọn lấy công việc mình sẽ theo đuổi”.

Còn Warren Buffett cũng luôn khuyến khích các con chọn đường đi cho riêng mình, thất bại hay thành công theo cách riêng của chúng. Ông không hề sắp đặt tương lai và đường đi cho các con.

Câu lạc bộ tỉ phú được ông lập ra, không phải để ông dạy cho lũ trẻ cân bằng tài chính hay cách đầu tư, mà thực chất ở đó chỉ cung cấp cho trẻ những thủ thuật vui giúp chúng hiểu về kinh doanh và phát triển các thói quen tốt từ khi còn nhỏ. Chính vì vậy, mà con trai ông – Peter Buffett – đã trở thành một nhạc sĩ, là người soạn nhạc cho bộ phim Khiêu vũ với bầy sói, thay vì trở thành một nhà đầu tư cổ phiếu lừng danh như cha mình.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TUÂN NGUYỄN – TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI… Ngô Minh

N.M

 tuan-nguyenNhà văn Tuân Nguyễn
Nhà văn Trần Phương Trà, người Huế ở Hà Nội vừa gửi tặng tôi cuốn sách “ Nhớ Tuân Nguyễn” do anh sưu tầm và biên soạn ( NXB Hội Nhà văn, 2008). Cuốn sách 420 trang dày dặn là tập hợp đầy đủ nhất về tính cách, sáng tác và cuộc đời đau đớn của nhà thơ Tuân Nguyễn và những kỷ niệm sâu sắc của bạn bè về anh. Đã 25 năm Tuân Nguyễn  về cõi vĩnh hằng, hình ảnh của anh, thơ ca của anh vẫn nóng hổi nước mắt trong tâm trí bạn bè. Điều ấy không dễ có. Họ vẫn lưu giữ thơ anh, vẫn thuộc thơ anh để chép lại cho người biên soạn sách. Đọc xong tập sách, tôi xúc động thẫn thờ. Trong tôi cứ nhói lên một câu hỏi: Sao người trí thức trẻ ấy lại lâm vòng lao lý oan khiên làm vậy?  Trong bài “ Tuân Nguyễn- Kẻ mơ mộng”, Hà Nhật kể :” Buổi chiều ngồi nói chuyện với Cao Xuân Hạo về Tuân Nguyễn, Hạo buông một câu nghe là lạnh người: Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: Khi có ai đó muốn kêu lên:” Trời ơi sao mà tôi khổ thế ?”, thì nhìn vào Tuân Nguyễn  sẽ thấy mình chưa phải là người khổ”.

Tôi chưa được gặp anh Tuân Nguyễn. Thế hệ độc giả Việt Nam tuổi 60 như tôi trở xuống cũng không mấy người biết Tuân Nguyễn, bạn đọc ở miền Nam lại càng không biết, vì thời trẻ anh chỉ có ít thơ  in trên báo, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, chưa có tác phẩm nào được xuất bản, lúc 31 tuổi (1964) anh đã bị tù tội đến 10 năm trời. Nhưng giới trí thức Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước ai cũng biết “vụ” Tuân Nguyễn. Vì Tuân Nguyễn là nhà báo, thân thiết với làng văn nghệ, nên việc anh bị bắt làm rúng động giới trí thức lúc bấy giờ. Tôi biết nhiều về Tuân Nguyễn nhờ anh Phùng Quán kể; rồi sau này biên soạn, tổ chức bản thảo mấy cuốn sách về Phùng Quán, được đọc nhiều bài viết về Tuân Nguyễn. Năm 1985, lần đầu tôi đến nhà anh Phùng Quán ở phía sau Trường Chu Văn An cũ. Tôi thấy nhà thơ có làm trang thờ hai người: Chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất đỏ bị quân Pháp hành hình ở Côn Đảo  khi còn tuổi vị thành niên mà Phùng Quán viết trường ca “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo”; bên cạnh là trang thờ Tuân Nguyễn, một người bạn đồng hương, đồng đội, tri âm, tri kỷ của anh Quán, một người có khuôn mặt khôi ngô, đeo kính cận dày cộp đang nhìn đời như một đứa trẻ. Ngày nào anh Quán cũng thắp nhang rồi vái ở hai trang thờ đó. Anh bảo thiêng lắm. Năm 2003, sau khi ra mắt cuốn “Nhớ Phùng Quán” (NXB Trẻ) được vài tháng thì có một người không nêu tên đã mail vào máy tôi bài “Người bạn lính cùng tiểu đội” của Phùng Quán viết về Tuân Nguyễn. Tôi đọc mà bàng hoàng gan ruột. Khi tổ chức bản thảo cuốn “Phùng Quán– Ba phút sự thật” cho NXB Văn Nghệ, tôi đã coi bài viết của Phùng Quán về Tuân Nguyễn là “cái đinh” của cuốn sách. Đó là chân dung của một trí thức nhân hậu, trung thực, một tâm hồn thật đẹp một nhân cách tuyệt vời. Bị tù tội gần 10 năm xơ xác thân mình vẫn đam mê văn chương thơ phú. Bị ô tô tông chấn thương sọ não, dẫn đến cái chết ở tuổi mụ 49, Tuân Nguyễn vẫn thương người lái xe đã tông mình, vì anh ấy phải đi làm để nuôi vợ và 8 đứa con ở nhà. Tôi cứ ám ảnh câu trăng trối của Tuân Nguyễn :” Đừng bắt tội người lái xe. Cái kết cục buồn thảm này là lỗi tại tôi… Tôi là người có lỗi…”

           Vâng, TÔI LÀ NGƯỜI CÓ LỖI ! Phùng Quán kể rằng, có lần Tuân Nguyễn “định viết bài thơ dài, nhan đề : Tôi có lỗi.  ”Chữ Tôi ở đây phải viết hoa. Tôi ở đây là người nghệ sĩ, người trí thức chân chính của đất nước. Tôi có trách nhiệm với tất cả, những oan uổng, đớn đau, những xấu xa, đang lăng nhục và xúc phạm con người. Vì tôi chưa đem hết sức mình thực hiện sứ mạng cao cả mà Thượng Đế đã đặc trao cho người nghệ sĩ”. Nói cách khác người trí thức, nghệ sĩ chưa có những tác phẩm lớn để để lay động tâm can cơn người, làm cho con người ngày càng NGƯỜI  HƠN, nên xã hội còn có quá nhiều kẻ hại dân hại nước ! Lỗi là lỗi như thế. Vì lẽ đó, đọc cuốn “Nhớ Tuân Nguyễn”, tôi muốn kể lại câu chuyện về NGƯỜI CÓ LỖI Tuân Nguyễn để bạn đọc biết thêm trí thức Việt Nam đã sống như thế nào trong cái thời khốn khổ chưa xa ấy…

Tuân Nguyễn là một người dấn thân vì kháng chiến. Anh tên thật là Nguyễn Tuân, sinh tháng 9-1933 ở Phú Thượng, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Lớn lên thấy tên mình trùng với tên nhà văn “Vang bóng một thời”, nên anh  đảo ngược lại thành Tuân Nguyễn, vì sợ người đời cho là ngộ nhận . Theo nhà thơ Hà Nhật, bạn thân của Tuân Nguyễn thì quê gốc của anh ở Quảng Bình. Học trường Pellerin (trường dòng) ở Huế, tốt nghiệp Tú tài 2 toán. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, biết cả chữ Hán, lại có năng khiếu văn chương.  Thời ấy tiếp tục học lên đại học hay đi du học, nhất định anh sẽ trở thành một trí thức giàu có. Nhưng anh là người mơ mộng, người lãng mạn nên thoát ly theo cách mạng.  Năm 1949, anh tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Huế. Năm 1950 lên chiến khu gia nhập Vệ Quốc đoàn ở Trung đoàn 101, rồi Trung đoàn Trung Lào trong những năm 1950, 1951, 1953, những năm ác liệt nhất. Là học sinh vừa chậm, vừa yếu, lại cận thị nặng mà phải tham gia các trận đánh, cứu thương, tải gạo, rồi phải ăn những bát cơm thấm máu đồng đội…Thế mà Tuân Nguyễn đã vượt qua tất cả. Sau Hiệp định Geneve anh được vào học Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa văn khoá I cùng lứa với Hà Nhật, Vũ Bội Trâm ( vợ Phùng Quán sau này). Năm 1957 ra trường làm giáo viên dạy cấp 3 Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông. Năm 1960 là biên tập viên chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam.
Những năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam  là những năm Tuân Nguyễn đọc rất nhiều sách và say sưa với thơ, viết cả trường ca, viết nhiều phóng sự về nông thôn, viết được hai chương gần 100 trang tiểu thuyết Người mơ mộng. Anh đọc sách trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Anh mê Đốt, nghiện Đốt. Anh  thích thơ Chế Lan Viên qua tập thơ “ Ánh  sáng và phù sa”. Thời gian này anh cũng được đi rất nhiều nơi như đảo Cô Tô, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, sang Vân Nam, Trung Quốc, vô tận Vĩnh Linh, Quảng Bình, đi thuyền trên sông Kiến Giang. Đi nhiều, có đầu óc quan sát, suy nghĩ nên anh biết rõ cuộc sống thực của người dân và những sai lầm khuyết điểm trong xây dựng kinh tế và quản lý xã hội ở miền Bắc. Ở Hà Nội, anh chơi thân với nhiều bạn văn thơ như Băng Sơn, Nguyễn Xuân Thâm,Tạ Vũ- Nguyễn Thị Điều, Vân Long, Hà Nhật, Hoàng Tố Nguyên.v.v. Anh làm thơ nhớ Huế, nhớ miền Nam , “Nghe quan họ nhớ mái nhì”, “ Tôi viết vài thơ gửi Huế yêu/ Giữa trưa Hà Nội nắng vui reo…”, “ Anh nhìn bằng tim tim anh trong vắt”, anh viết thơ về Lê Quang Vịnh, Nguyễn Văn Trôi, thơ tặng một kiều bào về nước, tặng một chuyên gia địa chất Nga.v.v..Anh còn viết nhiều thơ tình rất sâu sắc: Tôi thường đợi vần thơ như đợi người yêu dấu / Lúc đi chơi không muốn đóng cửa phòng ( Không dề I);Khi tình yêu đi qua / Một mảnh buồn ở lại ( Không đề II)…Anh có nhiều câu thơ găm vào trí nhớ bạn bè : Người ta lấy của anh nhiều thứ/ Chỉ còn hai tay và cái mắt hay cười;  Phật nào lấp được bể trầm luân…Bạn bè anh hay nhắc bài thơ Nghe nhạc Johann Strauss viết trong một đêm cùng bạn thơ đi chơi Hà Nội rồi về nhà Băng Sơn uống rượu :
Sông Hồng bỗng xanh màu Da nuýp
                           Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao
                           Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp
                           Những con người nước lạ phải lòng nhau
Nghe bản nhạc Sông Đa Nuýp xanh của nhạc sĩ Áo vẳng lên trong đêm Hà Nội mà lẩy ra được ý thơ Sông Hồng bỗng xanh màu Da nuýp là rất nhạy cảm. Câu thơ Những con người nước lạ phải lòng nhau chứng tỏ một tấm lòng rộng mở, một tình cảm nhân loại bao la. Những năm ấy thơ Tuân Nguyễn được in  nhiều ở báo Văn Nghệ, báo Thống Nhất, phát trong buổi Tiếng Thơ. Anh được coi là một cây bút thơ chỉnh chu, lão luyện. Nhưng  như trong bài thơKhông đề I anh viết năm 1963: Có những người / Nếu thêm được mười năm/ Sẽ trở thành thi sĩ / Nhưng cuộc sống không mỉm cười đến thế/  Đã chết sớm mười năm / Để lại những tuần trăng chưa đến độ rằm…Những câu thơ như là vận vào số phận của anh…

Ngày 21/10/1964, khi mới 31 tuổi, tài năng sắp chín, Tuân Nguyên bị bắt tại cơ quan trước sự ngạc nhiên của bạn bè, đồng nghiệp. Tại sao anh bị bắt ? 45 năm nay, câu trả lời vẫn úp mở. Theo tôi biết, Tuân Nguyễn bị bắt trong trào lưu “chống xét lại” nhập khẩu từ Phương Bắc những năm 69 của thế kỷ XX. Tức là theo phong trào “chung sống hòa bình” đang nổi ở Liên Xô, ngược với tư tưởng “thế giới đại loạn” của Mao. Trí thức là những người có đầu óc suy nghĩ độc lập, luôn có tư duy phản biện đối với những việc làm không đúng, không nhân văn, những ấu trĩ, non nớt của các cấp lãnh đạo. Họ không nói được trong cuộc họp thì nói trong cuộc rượu, hoặc ghi những suy tư của mình vào nhật ký. Ai bị phát hiện ra những lời nói mang tư tưởng “ngược” ấy đều bị quy vào tội “ xét lại”, “chống đối  ”, “phản động” và bị bắt tù mà không cần xử án. Để tìm ra những trí thức “phản động” đó cần phải có bọn dòi bọ làm nghề tố giác! Tố giác để tâng công, tố giác để chạy tội.  Phùng Quán kể :”Tuân Nguyễn “trong đợt học tập nghị quyết 9, cậu ta xin bảo lưu ý kiến, bị cơ  quan đưa ra kiểm điểm vì những luận điệu ủng hộ chủ nghĩa xét lại Liên Xô, cậu ta làm thơ ca ngợi Khrutsov…vào thời gian ấy, những chuyện như thế là chuyện chết người cả”. Hơn nữa, lãnh đạo đã để ý nhiều lần Tuân Nguyễn chơi thân với “Phùng Quán nhân văn giai phẩm”, Phùng Quán hay đến Đài. Vì Phùng Quán và Tuân Nguyễn ở cùng tiểu đội trong Trung đoàn 101 thời chống Pháp ở Bình Trị Thiên sao mà không thân nhau được. Mà Tuân Nguyễn lại không quan niệm Phùng Quán là người có tội. Phùng Quán bị nạn, đẻ con gái đầu lòng, không có tiền mua sữa, Tuân Nguyễn đã trích lương mình mỗi tháng 5 đồng mua sữa cho cháu Phùng Đỗ Quyên. Đến kỳ lĩnh lương Tuân Nguyễn dặn Phùng Quán đến Đài để lấy tiền vì anh hay bận. Tuân Nguyễn cũng đã lường trước hậu quả của mỗi quan hệ này, nên anh đã nhờ người canh chừng. Trong bài Nhớ anh Tuân Nguyễn, Mai Niệm viết :” Mỗi lần anh Quán đến chơi, anh Tuân nguyễn thường nhờ tôi xuống dưới cầu thang cạnh bếp ăn tập thể để canh có ai hỏi anh Tuân Nguyễn thì ngăn lại, bảo anh đi vắng (nhất là H)…. Sáng 18/8/1963, anh Quán đến… Tôi đang lau xe đạp thi H đến. H. là người cùng phòng nên  đi thẳng lên gác…Vừa lên chưa được một phút, H đã xuống mặt hầm hầm sát khí bảo tôi :Sao câu lại để cho ông Quán đến cơ quan mình mà không báo bảo vệ ?”…Tuân Nguyễn có một bài viết rất sâu nói về một công trường thuỷ lợi tại Nông trường Quốc doanh Rạng Đông, Nam Định, tố cáo bọn có chức có quyền trong các phòng ban thông đồng với ban chỉ huy công trường nghiệm thu khống khối lượng đào đắp để ăn chặn tiền nhà nước, chia nhau. Bài viết bị trưởng phòng cho là “không có lập trường”, nói xấu cán bộ thuỷ lợi, bôi nhọ xã hội chủ nghĩa.v.v.. Thế là tên Tuân Nguyễn đã nằm trong “sổ đen” rồi. Trong bài “Một kỷ niệm buồn”, nhà văn Đoàn Minh Tuấn kể :”Những sinh hoạt hàng ngày trong gian khó, Tuân Nguyễn đều ghi vào nhật ký, kể cả lên giá một cốc siro một hào thành một hào mốt, cùng với những suy nghĩ về thời cuộc. Tuân Nguyễn bị H. người cùng Phòng Văn nghệ lấy được lấy được cuốn nhật ký và nộp cho tổ chức. Tổ chức đọc và suy diễn cho rằng nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc…” Về việc cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn,  Xuân Đài  kể rằng, Tuân Nguyễn đã báo cho bạn bè biết ai đó đã mở ngăn kéo bàn viết của anh, dù đã khoá rất kỹ, lấy mất  cuốn nhật ký và một chỉ vàng. Tuân bảo nhật ký của mình ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, những chuyện riêng tư và một số nhận định của mình về thời cuộc của đất nước và thơ. Thằng đê tiện đã đánh lạc hướng bằng cách ăn cắp thêm chỉ vàng để Tuân Nguyễn nghĩ là kẻ gian lấy trộm. Người  biết sự thật là hai nhà văn Phạm Tường Hạnh và Mai Văn Tạo, hai anh đều là đảng viên, đều làm việc ở Đài Tiếng Nói Việt Nam thời ấy cho biết, người nộp quyển nhật ký của Tuân cho chi bộ phòng Văn nghệ  chuyển lên lãnh đạo là… H cùng phòng với Tuân Nguyễn.  Không biết đến bây giờ H.còn sống để đọc cuốnNhớ Tuân Nguyễn không? Nếu đọc thì “con người lập trường“ ấy có chút gì ân hận về việc làm hèn mạt của mình không ?  Trong cuốn nhật ký ấy còn có bài thơ rất cảm động, nhưng “gay cấn” là bài  “Khóc thầy”. Thầy đây là ông Dương Bạch Mai người bị quy tội “đại xét lại”:  Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất / Tiếng nói của lương tâm / Đau đớn này đau đớn nào hơn / Chân lý không muốn nằm dưới đất / Chúng tôi sống bây giờ / Mỗi khuôn mặt đều có phần bí ẩn / Mỗi trái tim đều có phần im lặng / Mỗi niềm tin đều mất chút ngây thơ… Và đây là hai câu kết :
Chúng con đi sau linh cửu của thầy
                                      Nhưng không phải đưa thầy ra nghĩa địa

         Ta đã biết ai  là kẻ đã ăn cắp cuốn nhật ký Tuân Nguyên để tâng công với cấp trên. Nhưng theo nhà văn Xuân Đài, cái anh H ấy rồi sau này vẫn không cứu được mình, do sống tha hoá nên bị khai trừ ra khỏi đảng.  Nhưng không hiểu sao, khi Tuân Nguyễn mất cuốn nhật ký, nhiều anh em trong giới văn nghệ lại nghi là Trần Nguyên Vấn (tức nhà thơ Trần Phương Trà, người biên soạn cuốn sách  này) , là người cùng phòng, lại đồng hương lấy. Chính tôi thế hệ sinh sau, ra Hà Nội đầu những năm 80 của thế kỷ XX , khi nhắc đến Tuân Nguyễn cũng nghe nói như vậy. Một mất mười ngờ. TNV rất đau khổ trước sự độc mồn độc miệng của thiên hạ. Mặc dù ngay lúc đó Tuân Nguyên đã khẳng định Trần Nguyên Vấn là một người bạn tốt. Nhưng “ nghi án” vẫn không được gỡ bỏ. Nhưng anh Vấn chẳng thanh minh với ai.  Anh lặng lẽ gửi đồ tiếp tế, sách, bút Trường Sơn, và cả cuốn từ điển Nga-Việt vào Trại cải tạo cho Tuân Nguyễn tự học tiếng Nga , để dịch được cuốn sách Bim trắng tai đen của G.Trôiepônxki ra tiềng Việt được tái bản nhiêù lần. Tuân Nguyễn đi tù, Trần Nguyên Vấn vẫn bảo quản cái bàn, chiếc ghế và tủ sách của bạn. Và lần này anh cất công làm cuốn sách Nhớ Tuân Nguyễn vừa tôn vinh một người bạn tài hoa mệnh yểu, lại vừa làm rõ “nghi án” bao năm đè nặng trái tim mình. Cảm ơn tấm lòng và sự kiên nhẫn của nhà thơ Trần Phương Trà !

Trong chuyện bị bắt của Tuân Nguyên, có một chi tiết Phùng Quán kể làm người đọc cười ra nước mắt. Trước khi bị bắt, Tuân Nguyễn là thanh niên chưa vợ, suốt ngày vùi đầu vào sách vở, nên khi viết về một nhân vật chơi bời, Tuân Nguyễn thiếu thực tế, liền nhờ Phùng Quán kiếm cho một cái “đồng tiền vàng”, tức là  nhãn hiệu của cái bao cao su của Tiệp Khắc sản xuất. Thời đó loại bao cao su này không được bán tự do bên ngoài, mà chỉ có ở cửa hàng phân phối có giấy giới thiệu của Công đoàn cơ quan mới mua được. Phùng Quán ngờ bạn mình đang cần cái đó vì yêu. Nhưng không phải, Tuân Nguyễn chỉ xem để  biết, để mô tả cho chính xác khi viết văn. Phùng Quán  bảo với Tuân Nguyên rằng:“tay H (H đã nói ở trên) hay chơi bời, cùng cơ quan với cậu lúc nào cũng có “đồng tiền vàng” trong túi, Cậu hỏi xin nó một cái”.  Và cái ngày định mệnh 21/10/1964 ấy, Tuân Nguyễn gặp H. tại cổng cơ quan, hỏi  xin một “đồng tiền vàng” . H móc túi lấy cho Tuần Nguyễn mộtđồng tiền vàng. Tuân Nguyễn đút túi chưa kịp bóc xem thì  người ta đến đọc lệnh. Sau lệnh bắt, người ta yêu cầu Tuân Nguyễn cởi bỏ hết đồ mang theo trong người, kể cả kính cận, để lập biên bản. Thế là đồng tiền vàng trong túi bị phát hiện. Tuân Nguyễn hổ thẹn lắm, vì anh bị quy thêm một tội nữa: Chưa vợ mà có đồng tiền vàng tức là “hủ hoá” ! Sau này Tuân Nguyên kể với Phùng Quán: “ Lúc đó, một chi tiết khó tin trong tác phẩm Kỷ niệm ngôi nhà những người chết của Dostoievsky vụt hiện lên trong ký ức mình.Có một người tử tù sắp sửa phải thụ hình. Y bị trói vào cọc hành hình cố vươn ra chuẩn bị đón lưỡi dao bén ngọt của đao phủ. Y chợt ngoảnh lại, run rẩy nói với người đao phủ: Trên gáy tôi có cái ung nhọt đang mưng mủ. ông làm ơn đừng chém vào chỗ cái nhọt ! Rất đúng với hòan cảnh của mình lúc đó, sắp phải đi tù không biết bao nhiêu năm, thế mà mình lại không cảm thấy đau khổ bằng sự việc trong túi  có đồng tiền vàng”. Đi tù cải tạo 9 năm 7 tháng , cho đến khi ra tù, Tuân Nguyễn vẫn chưa biết đồng tiền vàng ấy hình thù như thế nào…

Sau khi bị bắt, Tuân Nguyễn bị đưa vào Trại cải tạo ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Trong  bài “ Nhớ thương anh”  Phạm Ngân Giang, là người đã cưu  mang Tuân Nguyên nơi ở khi ra tù trong một thời gian , cho biết, ở Trại cải tạo Nghĩa Đàn, anh được làm thống kê đi khắp các đội sản xuất để ghi số liệu, thời gian rỗi thì miệt mài học tiếng Nga, tiếng Hán, làm thơ… Anh sống nhân cách, không kêu ca phàn nàn, lại hay nhường nhịn giúp đỡ mọi người, nên ai cũng thương anh.  Trong trại người ta nhốt cao bồi riêng, gái điếm riêng, họ nhờ anh đưa thư cho nhau, anh thương tình đưa hộ, bị giám thi trại bắt được, cảnh cáo nếu tái phạm thì chuyển đi lao dộng chứ không được làm thống kê nữa. Ở Trại Nghệ An được một năm thì Trại bị máy bay Mỹ bắn nên chuyển ra Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Thời hạn cải tạo được 4 năm anh được Ban giám thị Trại cho làm bản tự kiểm điểm để được tha, nhưng Tuân Nguyên không tự kiểm điểm mình mà lại viết bản lên án , tố cáo Ban giám thị ăn hối lộ, đút lót.v.v. nên không những không được tha mà bị chuyển qua trại Bá Thước (cũng ở Thanh Hoá) làm công việc khai thác gỗ rất nặng nhọc thêm gần 6 năm nữa. Khi được tha anh khoác ba lô về, loanh quanh mấy tháng trời không biết đi đâu, về đâu, làm gì. Anh buồn chán lại khoác ba lô quay trở về trại Cẩm Thuỷ. Mọi người trong trại khuyên anh  hãy về với cuộc sống để yêu, để bảo vệ cái đẹp. Về để đi tiếp chặng đường dang dở của mình. Và anh lại về Hà Nội sống nương tựa vào bạn bè…Anh đi đánh véc ni, đi dọn vệ sinh ( đổ thùng nhà cầu) ở ga Hàng Cỏ để sống qua ngày.

Cuối năm 1974, một người con gái đã đến với Tuân Nguyên như là sứ giả của Thượng Đế sai về để đánh thức trái tim cô độc của anh. Đó là Phương Thuý, là con gái của  ông Nguyễn Đức Phiên, tức Hoài Chân, một trong hai tác giả  Thi nhân Việt Nam lừng danh. Chị Thuý làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Chồng trước của chị là một tiến sĩ vật lý danh tiếng, nhưng chị đã ly dị để đi theo tiếng gọi của  trái tim, lấy anh chàng Tuân Nguyễn vừa được tha tù sau 10 năm, dù bị gia đình phản đối quyết liệt. Có lẽ chị Phương Thuý đã nhận ra cái  CHẤT NGƯỜI  cao cả rất đậm đặc hiếm có ở Tuân Nguyễn chăng ? Nhà văn Thái Vũ ( Bùi Quang Đoài) viết:” Quả là “mệnh trời” khi Tuân gặp Thuý, khi nỗi buồn khó dứt của một người đang mong có một niềm vui, đúng hơn là một chỗ dựa. Trong thời buổi chữ “tài” đang lay lắt thì chữ “mệnh” đúng là đã cứu vãn một kiếp người…”

Lấy nhau rồi mà phải ở nhờ nhà những người em, người bạn như  Phạm Ngân Giang, Vũ- Điều, Băng Sơn. Hơn tháng sau, chị Thuý đem tất cả số tiền dành dụm được, rồi bạn hữu góp thêm, mua một gian buống 6 mét vuông gần Ga Hàng Cỏ. Bạn bè xúm tay góp nồi, góp soong , bếp dầu, chén bát, bàn viết, ghế ngồi, giá sách, giường…Hoạ sĩ Chu Hoạch góp một bức chân dung Đốtx treo trước bàn viết, Phùng Quán, Lê Huy Quang góp tre đóng chạn đựng bát đữa, soong nồi… Sau khi có nhà Tuân Nguyên-Phương Thuý tổ chức “lễ thành hôn” theo kiểu riêng của mình. Tuân Nguyên làm một bài thơ “Thơ mời bạn bè ngày cưới”, chép tay thành nhiêù bản gửi đi mời bạn bè.
Quá nghèo nên tạm thế này thôi
                                  Đâu dám làm cho khác mọi người
                                  Thiếu rượu vì tin tình nghĩa bạn
                                   Không hoa, mong hiểu vợ chồng tôi
                                   Bao năm nghoảnh lại hoàn tay trấng
                                   Một sáng nhìn lên miệng hé cười
                                   Thiếp báo là thơ- giờ gửi tới
                                    Xin mời có dịp đến nhà chơi.

          Dự cuộc “tiệc cưới” ở nhà Tuân Nguyên-Phương Thuý, Phùng Quán có bài thơ ứng tác đọc lên nghe lạnh người: … Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ nhà thơ như ở đây? / Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi / Ba phải đứng vì không đủ chỗ… Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ cô đơn như ở đây ?/ Một đám trẻ bơ vơ không nhà cửa / Sống bằng thơ đau với rượu cay/ Có nơi nào trên trái đất này / Mật độ yêu thương như ở đây ? / Mỗi tấc đất có một người quỳ gối / Dâng trái tim và nước mắt / Cho nỗi đau của cả loài người…

         Sau năm 1975, vợ chồng Tuân Nguyên- Phương Thuý vào Sài Gòn ở lô K, cứ xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Nhờ một người học sinh miền Nam cũ giúp đỡ anh đã được đi dạy học ở Trường Nghiệp vụ Bộ Văn hoá ở Thủ Đức, ngoài giờ thì dịch sách báo. Buồn cười nhất là khi khai lại lý lịch để vào Sài Gòn dạy học, đoạn thời gian 9 năm 7 tháng đi tù, tổ chức bảo anh kê khai là “ nghỉ chữa bệnh!”. Vui thật. Còn chị Phương Thuý ở nhà mở quán bán báo kiếm sống. Ngày 25/4/1983, trên đường đi lấy báo về cho vợ bán, Tuân Nguyễn đã bị một chiếc xe đang lùi tông phải. Anh ngã giúi dụi, kính cận văng một nơi, báo văng một nơi. Người lái xe hoảng hồn chạy đến đỡ anh dậy, anh bảo :” Không việc gì, may cái kính không vỡ”. Rồi anh đạp xe về nhà, lúc đó mới biết mình bị chấn thương sọ não phải vào cấp cứu tại bệnh viện. Khi biết mình không qua khỏi, anh đã trăng trối câu nổi tiếng : Đừng bắt tội người lái xe… Tôi là người có lỗi…”. Câu nói thể hiện bản chất thương người của Tuân Nguyễn, cũng là một lời nhắn đối với tất cả trí thức trong cuộc đời này: 
- Chính Trí thức là người có lỗi, vì từng lớp trí thức tài giỏi của đất nước đã không làm được gì để cho người dân bớt khổ, cho xã hội công bằng dân chủ văn minh .Vâng, chúng ta là người có lỗi !


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mở hồ sơ lưu trữ về ấn đền Trần Nam Định




Trong dịp tiếp cận hồ sơ lưu trữ nằm ở Lưu trữ hải ngoại Pháp, chúng tôi xin hé mở đôi điều về những ấn triện và lệ phát ấn đền Trần Nam Định.

Hồ sơ lưu trữ về ấn tín đền Trần Nam Định

Liên quan tới ấn triện trong di tích Trần miếu, cho đến nay chỉ tìm thấy một hồ sơ lưu trữ thuộc Văn khố hải ngoại (còn gọi là Văn khố Bộ Thuộc địa) tọa lạc tại Aix-en-Provence (Pháp quốc). Ngoài ra, việc tìm kiếm tư liệu lưu trữ tại Việt Nam có liên quan tới di tích đền Trần và hoạt động văn hóa ấn đền Trần, tính đến tháng 8/2016 không cho thấy kết quả khả quan nào.

09-58-23_imge001
Bản in trên giấy vàng 4 ấn đền Trần (Mỹ Lộc, Nam Định) được lưu hành tại Hà Nội năm 1898 (Nguồn: Fonds RST, Văn khố hải ngoại Pháp quốc, ANOM)

Tại đây, trong văn khố Đông Dương, phông cũ của Tòa Thống sứ Bắc Kỳ có một hồ sơ lưu trữ diện mạo văn tự trên ấn đền Trần ở Nam Định. Theo hồ sơ này, thì vào năm 1898, chí ít có 4 đơn vị ấn của đền Trần (Mỹ Lộc, Nam Định) được lưu hành bản in rập trong dân, đó là: Ấn 1 : Bản tự chi từ phụng sự Trần triều hiển thánh sắc tứ tín ngưỡng chi bảo. Ấn 2 : Trần triều đức phát đương thời tín ấn). Ấn 3 : Ngũ hổ hiệu ký. Ấn 4 : Phật Pháp tăng bảo. (xem ảnh)

Trong hồ sơ này, cùng với bản in màu đỏ trên nền giấy vàng của 4 dấu ấn đền Trần (Nam Định), bản Hán văn do người đương thời (năm 1898) minh họa lại các văn tự triện thư trong ấn, là báo cáo bằng Pháp văn của Police indigène [Cảnh sát bản xứ], thuộc Tòa Công sứ Hà Nội, trực thuộc Thống sứ Bắc kỳ:

Hà Nội ngày 27 tháng Tư năm 1898

Hôm qua, có hai người bản địa đến từ Nam Định, có lẽ là các thầy cúng, dừng chân ở Hà Nội, tại phố Sinh Từ, đã phát cho một số dân An Nam ở phố này một mảnh giấy vàng in mấy dấu ấn mà sau đây là một bản kèm theo. Họ nói rằng mảnh giấy này là của một ngôi đền ở Mỹ Lộc thuộc tỉnh Nam Định, nó được phát ra để dán trong nhà ở nhằm phòng ngừa bệnh tật quanh năm cũng như trong những năm sau này. Hai người bản địa này sau đó đi về phía làng Tân Ấp.

Ngày 28 cùng tháng diễn ra một cuộc thi chim trong chùa Phương Bai (phố Hàng Gạch) - Có lẽ chỉ chùa (hoặc đình) thuộc thôn Hương Bài, một di tích văn hóa tọa lạc trên phố Ngõ Gạch (Hà Nội hiện nay) - ghi chú của tác giả.

Hà Nội ngày 28 tháng Tư năm 1898.

Còn bản dịch ấn triện của 4 ấn khác nhau cho nội dung như sau:

Vị thánh này là một nhân vật vĩ đại của triều đại các vua Trần, tên gọi Trần Quốc Tuấn, chú của vua Trần Nhân Tông (vị vua thứ ba của triều Trần, trị vì từ năm 1279 tới 1293). Ông nổi tiếng với công tích đánh bại một trong những viên đại tướng quân Nguyên Mông.

Ông được tôn thờ chủ yếu ở Chí Linh (Hải Dương, vùng Đông Triều), ở Mỹ Lộc (Nam Định)…, nói chung trong [hầu hết] các tỉnh Bắc Kỳ.

Ông được thờ phụng bởi các bậc cha mẹ mong muốn dạy dỗ con cái thật tốt.

Sinh thời, ông đã được tặng danh vị Hưng Đạo Đại vương [với ý nghĩa] là vị Đại vương [dẫn dắt] đạo hưng phát.

Đền Trần và tín ngưỡng Đức Thánh Trần: tiếng nói từ tư liệu

Hồ sơ lưu trữ cho thấy, ít nhất vào thời điểm năm 1898, riêng một di tích văn hóa thuộc huyện Mỹ Lộc (Nam Định) có sự lưu hành của 4 mặt ấn liên quan tới đức tin tôn kính công tích của triều đại nhà Trần (thế kỷ XIII). Theo ghi nhận hành chính đương thời, ý nghĩa tâm linh hàng đầu của các mặt ấn ấy dành cho việc phòng ngừa bệnh tật.

Một điều khác biệt so với đương đại: trong khi nhiều năm gần đây, dân chúng đương đại tấp nập đổ về Nam Định tham dự và cầu được sở hữu một bản in của ấn đền Trần, thì hơn một thể kỷ trước, người nhà đền của Trần miếu từ Nam Định lặn lội lên Hà Nội để phát tận tay người dân những bản in dấu ấn ấy. Tư liệu hiện tại chưa thể phản ảnh toàn diện mong muốn của người đương đại trên hành trình xin ấn đền Trần. Song với quan điểm sức khỏe là hàng đầu, rất nên công nhận tính thiết thực của người dân Việt hồi cuối thế kỷ XIX trong tín ngưỡng ấn đền Trần.

Hơn nữa, năm 1898 không chỉ là một năm riêng lẻ, ấy là một thời điểm trong thực tế triền miên thiên tai dịch họa ở Bắc kỳ. Người dân cuối thế kỷ XIX cầu khẩn sự che chở khỏi dịch bệnh cũng không khác tâm lý của quần chúng đầu thế kỷ XXI cầu công danh thành đạt để đảm bảo cuộc sống giảm thiểu rủi ro.

Tín ngưỡng chuyển đổi theo nhu cầu đời sống là hiện tượng có thực, không thể cứng nhắc phủ nhận. Tuy nhiên, đây là xu hướng và nhu cầu tín ngưỡng dân gian, do đó không nên nhà nước hóa nó qua sự xuất hiện của lãnh đạo cấp cao ở đây. Bởi lẽ, sự hiện diện của lãnh đạo công quyền ở cấp cao trong những hoạt động tín ngưỡng nhạy cảm như vậy sẽ được hiểu như là một sự định hướng cho quần chúng. Biết đâu chính sự hiện diện đó lại là một trong những nguyên nhân gây nên sự cuồng tín của đám đông.

Thực tế, ấn tín đền Trần Nam Định theo hồ sơ lưu trữ, vốn cũng không khác gì ấn tín đền Kiếp Bạc xưa nay. Trong khi hoạt động văn hóa liên quan ấn đền Trần - Kiếp Bạc vẫn tuần tự diễn ra vào tháng Tám âm lịch hằng năm, thì lễ phát ấn đền Trần Nam Định lại quá tải như vậy.

Rõ ràng là, đền Trần Nam Định trong chiều dài lịch sử văn hóa vùng Bắc Bộ Việt Nam, nhìn từ chứng cứ tư liệu, chưa từng bùng phát hiện tượng phát hành bản in ấn triện trên phạm vi quá rộng, với ý nghĩa tâm linh bồng bột lệch lạc như trong những năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Thêm nữa, các ấn triện đền Trần trong chiều dài lịch sử không chỉ có một. Di tích đền Trần qua nhiều thế kỷ đã tăng về số lượng, đa dạng về địa bàn, có khả năng ấn triện được thờ trong các đền Trần là không hoàn toàn giống nhau. Các thế hệ vua Trần dù có hành hương về chốn tổ dâng lễ, bản chất chỉ là truy ân tiền nhân riêng một họ tộc hơn là sự điển chế hóa ở cấp quốc gia một lễ hội địa phương. Tôn trọng sự khác nhau trong từng di tích dù có chung đối tượng tôn thờ là một cách lưu trữ tính đặc sắc, đa dạng của văn hóa.

Mặt khác, không gian văn hóa của mỗi di tích cần được thấu hiểu và bảo lưu càng nhiều càng tốt ý nghĩa ban đầu của nó, với ngụ ý là đất tổ, cây gốc, để phái sinh những biến thể khỏe mạnh, tốt lành.

-

"Tín ngưỡng chuyển đổi theo nhu cầu đời sống là hiện tượng có thực, không thể cứng nhắc phủ nhận. Tuy nhiên, đây là xu hướng và nhu cầu tín ngưỡng dân gian, do đó không nên nhà nước hóa nó qua sự xuất hiện của lãnh đạo ở đây.

Bởi lẽ, sự hiện diện của lãnh đạo công quyền ở cấp cao trong những hoạt động tín ngưỡng nhạy cảm như vậy sẽ được hiểu như là một sự định hướng cho quần chúng. Biết đâu chính sự hiện diện đó lại là một trong những nguyên nhân gây nên sự cuồng tín của đám đông". (PGS.TS Đinh Khắc Thuân).
-
PGS.TS ĐINH KHẮC THUÂN - TS. VIỆT ANH
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
http://nongnghiep.vn/mo-ho-so-luu-tru-ve-an-den-tran-nam-dinh-post183062.html



Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHỚ VỀ MỘT CÁI TẾT HÀ NỘI


Tương Lai
Hôm nay 30 Tết, năm cùng tháng tận, trong nỗi ám ảnh khôn nguôi của thế sự nhiễu nhương về thế nước bấp bênh mà da diết nhớ Tết Hà Nội. Có lẽ rõ hơn là nhớ bạn Hà Nội, người đã rời “cõi tạm”, người còn ở lại với những đa đoan trần thế. Bỗng bật dậy những kỷ niệm về những người bạn vong niên đáng kính từng để lại dấu ấn đậm nét. Nhớ câu chuyện ngày giáp Tết tại nhà anh Phạm Thủy Ba trên Bưởi năm ấy với những kỷ niệm khó quên.
Tối 27 tháng chạp, anh nhắn tôi: “Liệu có kiếm được một cái dạ dày to to thì mai mang lên. Đã hẹn được Tài Cẩn, Hoàng Tuệ, Trần Đình Hượu lên đây kiếm cái gì đấy làm bữa rượu tất niên, bà ấy đã đặt được cỗ lòng lợn ở chợ Bưởi nhưng có vẻ hơi ít, thêm một cái dạ dày nữa thì tươm cho 6 người”. Tôi mượn được cái “sổ Tôn Đản” cốt được vào cửa để đến nơi bán những thứ “không trong tiêu chuẩn” chỉ mất công xếp hàng nhằm xin mua cái dạ dày lợn “to to một tí”, đúng nghĩa đen hai từ “xin mua”. Đang xếp hàng thì giáo sư Trần Văn Giàu đi qua thấy tôi, ông dừng lại nói chuyện. Ông cười cười, nói nhỏ với tôi: “rồi cũng phải bỏ cái này thôi, dân người ta chửi cho quá lắm rồi”. Nói xong ông chìa cái túi đựng thịt, cá vừa “mua
theo tiêu chuẩn” ra, vỗ vào vai tôi, rồi đi.
Hôm sau lên Bưởi. Căn nhà tuyềnh toàng lợp ngói, nền đất nện, trống hoang trống
huých. Thú vị nhất là cái bàn ông bạn tôi ngồi viết và dịch sách chỉ có ba chân, chân thứ tư là thân cây ổi, ngọn chìa ra cửa sổ để che bóng nắng, nhưng mưa thì lại dẫn nước vào nhà nên phải có “giải pháp”! Ngồi dịch sách, ông bạn tôi lấy ánh sáng từ cái cửa sổ này vì điện quá chập chờn, thời gian bị cúp nhiều gấp nhiều lần thời gian chiếu sáng, ông bạn tôi phải đi đôi ủng có bít tất vì nhà lắm muỗi. Khi dịch vừa xong cuốn tiểu thuyêt của Charles Dickens thì cây cỏ dại từ dưới nền đất nện đã đủ sức vươn lên xuyên qua khe hở của tấm gỗ ghép làm mặt bàn. Tôi đưa tay tỉ mẩn vuốt ngọn lá cỏ, ngoái nhìn dịch giả. Anh nở nụ cười quen thuộc, hiền lành rất hóm!
Trong tủ sách của tôi nay còn giữ được “Một anh hùng thời đại” của Lermontov,
Ramayaina, ba tập, sử thi Ấn Độ, những sách Lý luận Xã hội học từ tiếng Anh và một số cuốn khác Phạm Thủy Ba dịch trên chiếc bàn độc đáo này. Sự cống hiến thầm lặng của người trí thức xứ Nghệ trên lĩnh vực dạy học, dịch sách văn học, xã hội học mà người bạn chí thân “hết ngày dài lại đến đêm thâu” cặm cụi là một nét tuyệt đẹp mà tôi cố giữ gìn và noi theo.
Dạo ấy, những lúc đầu óc, tâm trạng có những bất an, tôi hay một mình đạp xe ngược lên dốc Bưởi đến ngôi nhà tuyềnh toàng rộng mở và ấm cúng này để ngồi với người bạn chí thân hàng buổi khiến vợ tôi đôi lúc băn khoăn, thậm chí nặng lời, không hiểu ra được vì sao tôi dành thời gian căng thẳng và bận rộn của mình cho việc “vô bổ” này. Và chính ở đây, tôi kết thân với những người bạn vong niên mà hôm nay ngồi quanh bữa rượu tất niên đạm bạc nhưng lại cực kỳ sang trọng này.
·
Không tin tưởng lắm về tấm phản gỗ chủ nhà hay ngả lưng cho đỡ mỏi khi cả buổi
ngồi dịch sách, chưa biết chừng sụp xuống đánh đổ cả chén mắm tôm đĩa lòng lợn thì toi, mất cả tiệc tất niên, chúng tôi trải chiếu ngồi bên bậc thềm. Anh Nguyễn Tài Cẩn lục túi xách lấy ra một gói phó mát Nga làm sáng mắt thực khách. Anh Hoàng Tuệ cũng đưa ra một hộp trứng cá Nga nhưng được mua từ cửa hàng ở Sofia mà anh để dành lâu nay sau chuyến đi hội thảo về ngôn ngữ tại Bungari về. Anh Trần Đình Hượu thì lấy ra một chai rượu nút lá chuối nghe nói là “rượu làng Vân thứ thiệt” đặt lên chiếu cạnh vò rượu chủ nhà cất kỹ, vừa đưa ra. Và bữa rượu tất niên xem ra đã được chắt chiu chuẩn bị kỹ càng từ những người mà đáng nhẽ không phải lo đến chuyện “bếp núc” khi họ cần được dành sức lực, thời gian và trí
tuệ cho những gì mà họ đang làm.
Nâng ly rượu, anh Tài Cẩn bất ngờ nói, “chén rượu này trước hết mừng cho Hượu về những gì đã làm được ở Aix-en-Provence và cũng chúc mừng Tương Lai đã dàn xếp để có buổi thuyết trình của Hượu tại Hội trường Khoa giáo của Ban Tư tưởng Văn hóa để rồi sau đó được “cởi mũ” và được phép đi thỉnh giảng theo lời mời của Đại học nước ngoài”.
Anh Hượu chậm rãi nói về câu chuyện dài này nhưng tôi nghĩ là không tiện để kể lại đây. Anh Tài Cẩn khẳng định lại một lần nữa sự đánh giá của giới học giả Pháp và nước ngoài về những trình bày của anh Trần Đình Hượu. Lần tôi đến Aix en Provences, qua giáo sư Trịnh Văn Thảo, tôi hiểu hơn những điều anh Tài Cẩn nói. Anh Thảo cho biết chính Tổng thống Pháp có quyết định mời đích danh giáo sư Trần Đình Hượu làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Pháp trong khi ở trong nước thì anh Hượu trầy trật mãi mới được tìm thấy được chỗ đứng của mình trên bục giảng vì lướng vướng những vấn đề của nhóm có tư tưởng “xét lại” từ Liên Xô về!
Không tiện nhắc lại nhiều, chỉ xin kể lại một chi tiết xúc động về những ngày cuối
cùng anh nằm trong bệnh viện. Tôi đến thăm, anh nắm chặt tay và nói nhiều chuyện. Thấy anh đã quá mêt, tôi ngăn lại, nhưng anh gạt đi: “Cứ để tôi nói, rồi cũng chẳng có dịp để nói nữa đâu, tôi nói với anh là để anh tìm cách nói với những người có trách nhiệm về hướng đi của khoa học xã hội cần phải xác định cho rõ, chứ như hiện nay thì hỏng hết rồi”. Đây là một nỗi u hoài, một niềm khắc khoải của người trí thức có trách nhiệm với đất nước trong sự nghiệp thầm lặng đáng khâm phục và cần tôn vinh này. Rất may là cũng có được vài người học trò của ông nối được chí của thầy tuy còn xa mới đạt được đến tầm sâu sắc của ông.
Trở lại với bữa rượu tất niên. Anh Hoàng Tuệ nối lời Nguyễn Tài Cẩn để bàn sâu
thêm về những điều mà Trần Đình Hượu trăn trở. Tiếp mạch ý tưởng đó, anh nhắc đến nội dung anh vừa phát biểu với Lê Khả Phiêu trong dịp ông ta đến thăm Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Tôi cũng có mặt cùng nghe anh nói trong buổi ấy, nhưng xin không nhắc lại trong bài này, chỉ gợi ra một chi tiết tôi cho là thú vị và vẫn nhớ đến tận bây giờ.
Hôm ấy có hầu hết các Viện trưởng và lãnh đạo của Viện cũng như các cán bộ chủ
chốt của các Viện khoa học trực thuộc Ủy Ban KHXNVN. Anh Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học là người nói mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất về hướng nghiên cứu về Ngôn ngữ nói riêng trong toàn cảnh về nghiên cứu Khoa học Xã hôi Việt Nam nói chung.
Tiếp đó, được tiếp sức bởi Hoàng Tuệ, học tập anh, với tư cách là Viện trưởng Viện Xã hội học, tôi thẳng thừng và mạnh mẽ trình bày về hướng đi của khoa học xã hội nói chung và xã hội học nói riêng, một ngành khoa học vốn được xem là “khoa học tư sản”, không thể thực hiện được chức năng khoa học đích thức của nó nếu vẫn chịu sự áp đặt của những khuôn thức chính trị. Tôi nêu một ví dụ có thật nhưng động chạm đến một vị Ủy viên Bộ Chính trị vừa yêu cầu điều chỉnh tỷ lệ phần trăm trong một khảo sát xã hội học về số thanh niên có mong muốn vào Đảng sao cho khớp với “định hướng chính trị” chứ như con số mà báo cáo chúng tôi nên lên là “đơn thuần” mang tính “chuyên môn thuần túy”!
Kết thúc cuộc họp, một số trong chúng tôi dừng lại đợi cho mọi người chen ra nhà
xe, anh Hà Minh Đức, Viện trưởng Viện Văn học bước đến bắt tay tôi: “Cám ơn anh hôm nay đã thẳng thắn nói giúp chúng tôi những điều chúng tôi cũng từng trăn trở nhưng chưa dám nói ra”. Tôi vui vẻ chỉ vào anh Hoàng Tuệ đứng cạnh, trả lời Hà Minh Đức: “Là tôi cũng theo cách anh Hoàng Tuệ đấy chứ có gì đâu”. Anh Hà Minh Đức tần ngần một chút rồi nói tiếp: “cả đời tôi chưa nói được một câu như anh, mặc dầu tôi vẫn nghĩ về nó”.
Hoảng quá, tôi vội nắm tay Hà Minh Đức: “Sao anh lại nói thế, tôi so thế nào được với anh. Công trình nghiên cứu và sách của anh đã xuất bản xếp cao bằng đầu mà tôi chỉ bén gót chân! Mỗi người có một cách đóng góp thôi. Tự xác định mình chỉ là người lót đường cho một ngành khoa học mới mà tôi chưa kịp trang bị cho mình một vốn hiểu biết cần thiết nên toàn bộ trí tuệ và sức lực của tôi dành cho việc tạo điều kiện để những anh chị em thật sự có trình độ, có khả năng và có khiếu nghiên cứu khoa học tự rèn luyện, học tập để tự nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học để trở thành chuyên gia giỏi, thế thôi. Muốn vậy, họ phải được cởi bỏ những gò bó, áp đặt trong quá trình tư duy và thâm nhập thực tế. Nghĩ thế, cố như thế, nhưng tôi đã làm được gì đâu ngoài việc dàn xếp để gửi được 5 cán bộ của Viện đi làm luận án tiến sĩ xã hội học ở Mỹ, sao bằng được những công trình có bề dày nghiên cứu của anh”.
Hà Minh Đức yên lặng, còn Hoàng Tuệ đứng cạnh thì chỉ tủm tỉm cười. Khi ra nhà
xe, tôi níu anh Tuệ lại hỏi: “Anh nghĩ sao về câu Hà Minh Đức nói với tôi”? Anh Tuệ cũng chỉ cười không trả lời, lặng lẽ đẩy chiếc xe máy ra cổng. Sau đó, nhân một buổi ngồi với Hồ Ngọc Đại, bạn thân với tôi từ năm 1951 đến tận nay, tôi hỏi Đại về câu của Hà Minh Đức vì Đại cũng quen và hay gặp Đức: “Cậu nghĩ thế nào, mình vẫn băn khoăn về câu Hà Minh Đức nói với mình. Liệu Đức có nghĩ thật như thế không?”. Hồ Ngọc Đại hồn nhiên nói: “Hắn nói thật đấy. Mình hiểu hắn mà. Có lần hắn cũng nói với mình một câu ý na ná như vậy”. Như vẫn thế, Đại thoải mái ào ào nói một hơi những chuyện mà tôi nghĩ cũng chẳng nên kể ra.
Hắn bình một câu gọn thon lõn: “Trí thức mà. Đốp chát như tớ, như cậu chẳng ai ưa đâu”!
Tôi đế theo “Rằng quen mất nết đi rồi. Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao”!
Nhưng liệu có có “tính trời” không nhỉ?
Tôi ngậm ngùi nhớ đến những người bạn vong niên trong bữa rượu tất niên tại ngôi
nhà tuyềnh toàng dưới dốc Bưởi trong một ngày tất niên của một cái Tết Hà Nội đáng nhớ năm ấy. Cả bốn anh, những người bạn lớn của tôi, nay đều đã là người thiên cổ.
Hôm đám tang anh Phạm Thủy Ba tôi có đọc một lời điếu mà nghe nói ai đó đã cố lục lại để soi tìm xem liệu có tính khích động trí thức không. Chuyện ấy cách nay đã một phần tư thế kỷ rồi, cũng chẳng nên nhớ lại. Hôm đám tang anh Trần Đình Hượu tôi cũng có ngỏ ý với Ban Tổ chức được nói vài lời với người quá cố nhưng bị từ chối tắp lự.
Xem ra người ta cũng biết cách dè chừng về tính nhạy cảm của câu chuyện trí thức.
Chẳng thế, mà một trong 4 người hôm ấy, anh Nguyễn Tài Cẩn, tôi còn may mắn gặp được lần cuối tại Sài Gòn cách nay quãng năm sáu năm gì đó tôi không còn nhớ chính xác. Hôm ấy tôi mời anh ăn cơm Huế tại quán Trịnh, anh tủm tỉm cười: “Nghe nói anh được “chăm sóc” chu đáo lắm hả? Liệu hôm nay gặp tôi, anh có bị khó khăn gì không đấy?”. Tôi cười, “anh lạc hậu với tình hình nhiều quá, cái thuở đi xe đạp đến nhà anh tôi còn phải dừng lại vỗ vào cái biển số xe [dạo ấy xe đạp cũng phải đeo biển số] để chỉ cho hai vị mặc thường phục ngồi cách nhà anh 10 mét tiện ghi số, đã qua từ lâu rồi, gần 4 thập kỷ rồi còn gì”! Tuy cười, nhưng
miếng chả tôm kèm với chiếc bánh lá đang nhai trong miệng cứ đắng ngăn ngắt.
·
Hôm nay 30 Tết, trong tâm trạng không vui, càng xốn xang những kỷ niệm về một
cái Tết Hà Nội, da diết nhớ những người bạn Hà Nội mà tôi vừa gợi lên. Thật ra, bốn người bạn vong niên đã quá cố của tôi thì ba là người Nghệ An, một là người Quảng Bình, nhưng họ là những trí thức Hà Nội. Đúng hơn, cùng cảnh ngộ về thân phận trí thức.
Liệu họ có thanh thản ra đi khi đã làm trọn sứ mệnh của người trí thức? Đặt ra câu
hỏi ấy vì tôi hiểu rằng, người trí thức là người dấn thân hết mình, hứng mọi hiểm nguy, luôn luôn lấy phê phán làm cơ sở. Họ là người từ chối những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ, những kết luận chiếu lệ nơi lời nói và hành động của những người có quyền hoặc của những đầu óc máy móc cho dù phải trả giá rất đắt cho chuyện này.
Trong những người dự bữa rượu tất niên giáp Tết năm ấy nay chỉ còn lại mình tôi.
Và tôi muốn tự trả lời cho câu hỏi tôi vừa đặt ra về “tính trời” kia rằng: tính trời, nếu có cũng chính là tính người. Những người không chịu khuất phục.
Ngày 27.1.2017.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

vẫy tay gửi lại..



Nhoáng nhoàng ba ngày tết
Gái em về thăm nhà
Chưa kịp nói cùng mẹ
chưa kịp hỏi lời cha
Hoa đào chưa nở hết
Hoa mai nụ hãy còn
Bạn bè còn vấn vít
Xe đã gọi đầu thôn
Vội vàng chi là tết
Nơi quê nhà mến thương
Dòng đời luôn mải miết
Bước chân rời cố hương!
Bao giờ lại đến tết?
Bừng say đôi má hường
Em gái quê về lại
Ngày chưa đi lấy chồng
Thương cha già vất vả
Mẹ một nắng hai sương..
Mỗi năm ba ngày tết
Ngày ngắn chưa tày gang!
Thương quê nghèo nắng cũ
Mùa xuân gió trên đồng..
Một vẫy tay gửi lại..
Em gái cười rưng rưng!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hình ảnh lịch sử quý giá về Tết ở Hà Nội xưa


Những hình ảnh đẹp về Tết xưa của đất Tràng An ghi lại phong vị rất riêng, vẻ ấm áp và thanh lịch của chốn tinh hoa hội tụ.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 1
Ngay từ giữa tháng Chạp, không khí Tết đã bắt đầu tràn ngập khắp 36 phố phường. Theo chân những nông dân từ các vùng quê lân cận hoặc từ các tỉnh xa ở phía Bắc, hàng trăm loại hàng hóa tập trung về khu vực chợ Đồng Xuân và các khu chợ trong thành phố để phục vụ cho việc chuẩn bị Tết của các gia đình.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 2
Bên cạnh các loại thực phẩm, hàng hóa, một “đặc sản” khác trong dịp Tết là các loại hoa, cây cảnh cũng được những người dân ở các vùng trồng hoa nổi tiếng ven đô như Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân,… đưa về khu vực chợ hoa Hàng Khoai và Hàng Lược bày bán.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 3
Trong số đó, loại hoa đặc trưng nhất cho mùa xuân miền Bắc chính là hoa đào. Bên cạnh hai giống đào bích và đào phai được trồng nhiều ở Nhật Tân, còn có các giống đào như đào bạch và đào thất thốn mà chỉ các nhà quyền quý mới có thể mua nổi. Kỳ công hơn cả là những nhánh đào rừng được đưa về từ vùng núi Sơn La, Lào Cai…
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 4
Sự xuất hiện của những hàng tranh rực rỡ màu sắc trên các con phố cũng là dấu hiệu cho thấy ngày Tết đang cận kề. Một trong số những dòng tranh dân gian đặc trưng của Hà Nội chính là tranh Hàng Trống. Người xưa thường chọn mua những bức tranh với hàm ý tốt đẹp để treo trong nhà vào dịp Tết vừa để trang trí vừa để gửi gắm ước mong may mắn sẽ đến trong năm mới.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 5
Đã có một thời, hình ảnh các ông đồ bày hàng cho chữ vào những ngày giáp Tết đã gắn liền với những ngày Tết cổ truyền Việt Nam nói riêng và Tết Hà Nội xưa nói chung.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 6
Ngày 23 tháng Chạp, bên cạnh việc làm lễ cúng đưa ông Táo về chầu Trời, cây nêu cũng được dựng nên tại các nơi công sở, tư gia với mục đích xua đuổi tà ma và ước nguyện bình an theo quan niệm của người xưa.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 7
Bên trong phòng khách của một gia đình quyền quý ở Hà Nội vào ngày Tết.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 8
Một trong những nét biểu trưng cho cái tết của người Tràng An xưa không thể không nhắc đến đó chính là thú chơi hoa thủy tiên. Sự khéo léo của người chơi sẽ được thể hiện qua vẻ đẹp của bát thủy tiên đã được chăm sóc và gọt tỉa từ trước đó rất lâu.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 9
Vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, những người con trong gia đình tập hợp lại để chúc Tết cha mẹ mình.
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 10
Trong khi đó, các bậc hương hào kỳ mục và chức sắc trong phường, làng tề tựu tại đình để làm lễ vọng, bái chúc thọ nhà vua và lễ lạy Thành hoàng đầu năm mới. Các bà, các cô lại lựa chọn đi lễ các đền, chùa, phủ như đền Ngọc Sơn, Bạch Mã, phủ Tây Hồ…
Tet xua Ha Noi qua anh tu lieu quy hinh anh 11
Những ngày Tết cũng là dịp để mọi người đi thăm hỏi người thân, bạn bè trước khi tham gia vào các lễ hội diễn ra trong suốt mùa xuân được tổ chức trong nội đô Hà Nội hoặc các vùng nông thôn lân cận.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Putin nguy hiểm đến mức nào Putin?

Robert Harvey


Phạm Nguyên Trường dịch

(PNT) Chính phủ Putin đã đưa sang phương Tây nhiều gián điệp đến mức số gián điệm ở Anh hiện nay còn nhiều hơn cả thời kì Chiến tranh Lạnh.



Tổng thống Mỹ, Donald Trump, có lí hay không khi tỏ ra có cảm tình với nước Nga? Mới nhìn qua thì chắc chắn là không. Ở Nga, các cuộc bầu cử thường bị gian lận và lực lượng đối lập có tổ chức thường bị đàn áp. Còn dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước này đã quay trở lại với chiến thuật của thời Chiến Tranh Lạnh trong việc chống lại những người bất đồng chính kiến trong nước và các mục tiêu ở nước ngoài, trong đó có Mỹ.



Chính phủ Putin đã đưa sang phương Tây nhiều gián điệp đến mức số gián điệm ở Anh hiện nay còn nhiều hơn cả thời kì Chiến tranh Lạnh. Nước này đã tiến hành những vụ giết người ở nước ngoài và được cho là đã giết nhiều đối thủ của ông ta – trong đó có các nhà báo, nhà hoạt động, và các nhà lãnh đạo chính trị - ở trong nước. Việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 là vụ xâm lược đơn phương đầu tiên ở châu Âu kể từ năm 1945. Quân đội Nga đã can thiệp vào khu vực Donbas, phía đông Ukraine, đã ném bom một cách tàn nhẫn dân thường và các nhóm nổi dậy ở thành phố Aleppo của Syria, và đối xử một cách tàn bạo với Georgia và Chechnya.

Danh sách những nỗi kinh hoàng – chỉ là một phần - dường như đủ để chấm dứt được rồi. Chắc chắn Trump đã lầm khi tin tưởng một nhà lãnh đạo tàn nhẫn nhất của nước Nga, kể từ thời Stalin.

Nhưng mối đe dọa của Nga đối với phương Tây thực sự lớn đến mức nào? Nói cho cùng, Nga thường tôn trọng các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí đã kí với Mỹ. Và trong khi Nga đang gia tăng lực lượng vũ trang của mình và đưa ra những chiếc xe tăng mới từ cơ sở cũ kĩ của nó, nước này không có đủ sức mạnh kinh tế và công nghiệp để có thể duy trì nỗ lực chiến tranh trong thời gian dài - các nhà lãnh đạo của họ biết rõ như thế.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã cứng rắn đến mức Điện Kremlin có thể để Ukraine - trung tâm công nghiệp và vựa lúa mì trước đây của đế chế - chuyển sang chế độ dân chủ ôn hòa (theo tiêu chuẩn của Nga) và độc lập. Nhưng Điện Kremlin sẽ thiệt hại rất lớn nếu Ukraine thực sự gia nhập Liên minh châu Âu hay NATO, như một số người ở phương Tây đã đề nghị.

Tuy nhiên, mặc dù có sự can thiệp thô bạo của Nga ở Donbas, Nghị định thư Minsk nhằm kết thúc chiến tranh đã được tuân thủ, dù ít dù nhiều. Nga, biết rằng cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc, đã không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào chứng tỏ họ có ý định sáp nhập những tỉnh ủng hộ Nga là Donetsk và Luhansk.


Ở Syria, cuộc chiến của Nga nhằm bảo vệ vương quốc cuối cùng của họ còn lại ở Trung Đông dường như đã đến hồi tuyệt vọng. Cần phải nhớ rằng Kremlin từng có những nước như Algeria, Iraq, Nam Yemen và Ai Cập nằm trong phe với mình. Putin chỉ có lỗi phần nào trong việc gây ra hoàn cảnh khó khăn hiện nay ở Syria, nhưng ông ta có thể sẽ gặp khó khăn, và sẽ xa vào vũng lầy như Liên Xô ở Afghanistan cách đây 30 năm. Chỉ là vấn đề thời gian, khi các chiến binh thánh chiến bắt đầu tìm cách trả thù người Nga, chứ không phải là trả thù phương Tây nữa.

Như đã thấy, địa vị của Nga hiện nay thậm chí còn không an toàn bằng những năm 1980, khi nền kinh tế suy yếu của Liên Xô không còn khả năng kiểm soát vùng đệm Đông Âu và các nước chư hầu khác. Nga hiện đang phải vật lộn nhằm giành lại lòng tự trọng và nước này đang theo đuổi các mục tiêu của chính sách đối ngoại truyền thống là nỗi ám ảnh lịch sử về việc bị bao vây – lúc này là những người Hồi giáo cực đoan ở phía nam, nước Trung Quốc có khả năng bành trướng ở phía đông và cựu thù thời Chiến Tranh Lạnh ở phía tây.

Nếu những ám ảnh này dường như là không có cơ sở, thì cũng cần nhớ rằng Siberia đã từng là một phần của Trung Quốc và Nga đã bị xâm lược hai lần – lần thứ nhất là Napoleon, lần thứ hai là Hitler. Thật vậy, nỗi hãi có từ thời thượng cổ này là hiện tượng đã làm cho Stalin tham gia liên minh phòng thủ và cuối cùng trở thành liên minh đầy tai họa với Đức quốc xã vào năm 1939.

Đáng tiếc là, ngay cả sau khi bức tường Berlin sụp đổ, não trạng thời Chiến Tranh lạnh vẫn ăn sâu bén rễ vào cả hai bên. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đầy hỗn loạn của Boris Yeltsin trong những năm 1990, phương Tây đã không làm theo châm ngôn của Winston Churchill: “Cao thượng trong chiến thắng”. Với sự cáo chung của Khối Warsaw, NATO đã mở rộng đến tận biên giới Nga. Khối quân sự này đã bỏ lỡ cơ hội trong việc trấn an nước Nga dân chủ đang tìm kiếm hợp tác, và thái độ khinh thị trắng trợ của nó đã tạo điều kiện cho Putin xuất hiện.

Điều này đưa chúng ta quay lại với Trump, sự lạc quan của ông này về quan hệ Mỹ-Nga chắc chắn sẽ chuyển thành thất vọng. Chúng ta đã nhìn thấy điều này từ trước rồi. Tương tự như Trump hiện nay, ban đầu cựu Tổng thống Mỹ, George W. Bush, và cựu Thủ tướng Anh, Tony Blair, cũng coi Putin là người có thể hợp tác được. Nhưng, bây giờ, sau khi nắm quyền lực suốt 17 năm qua, Putin đã thể hiện là một nhà lãnh đạo dễ bị mua chuộc và hung bạo, ông ta đã lợi dụng vụ bùng nổ giá dầu khí để làm giàu cho mình và cho những người được mình che chở.

Năm 1989, Mikhail Gorbachev để cho bá quyền Liên Xô ở Đông Âu sụp đổ không phải vì ý nghĩ bốc đồng nào đó, mà vì bá quyền bá đã trở thành gánh nặng không thể chịu đựng nổi. Nhưng hiện nay, Nga cảm thấy áp lực kinh tế còn khủng khiếp hơn. Do chủ nghĩa tư bản thân hữu và năng lực quản lý kinh tế yếu kém của Putin, đời sống của người Nga chỉ được cải thiện một cách vừa phải, nền kinh tế Nga không thể cạnh tranh trên bình diện toàn cầu, và các mỏ dầu và khí đốt của đất nước này bị khai thách không đúng cách. Với giá dầu giảm hơn một nửa so với năm 2014, nền kinh tế Nga đang chịu sức ép nặng nề.

Trump đã đúng khi chìa tay ra, nhưng ông ta cũng phải tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt trước những hành động vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế. Là một doanh nhân, ông phải biết rằng người không có tiền thì không thể đánh nhau. Chẳng bao lâu nữa, sự kém cỏi trong lĩnh vực kinh tế của Putin sẽ hiện ra trước mắt ông ta. Khi điều đó xảy ra, Mỹ, NATO và EU không được bỏ lỡ cơ hội đưa nước Nga thời hậu Putin Nga vào gia đình của các nước văn minh.

Robert Harvey, là cựu thành viên của Ủy ban đối ngoại Viện Thứ Dân (Anh) và là tác giả hai cuốn sách Global Disorder và A Few Bloody Noses: The Realities and Mythologies of the American Revolution.

Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2017/01/vntb-putin-nguy-hiem-en-muc-nao.html

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/russia-vladimir-putin-donald-trump-by-robert-harvey-2017-01

Phần nhận xét hiển thị trên trang