Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Hôm qua..






Hôm qua gặp NT mình rất vui, lại ngượng với gã nữa. Ai đời sách tặng cả mấy tháng rùi mà chả có một lời nào. Khen thì khen luôn, mà có chê cũng chê ngay đi chứ?Im lặng luôn làm người ta khó nghĩ, khó cư xử. Bạn V mà tốt với mình chả có nhiều. Cư xử như NT lại rất hiếm. Định thanh minh một tí, xong nghĩ không cần. Tình bạn đối nhau cái để trong bụng mới cần và quý. Hơn nữa gã là khách quý. ngồi hàng đầu, mình ở mãi dưới cũng chả có dịp "thổ lộ". Mãi đến lúc tan cuộc, gặp nhau được một tí, lại chuyện đâu đâu. Chuyện cái ông ghế to ( Chứ không phải GATO đâu nhé) làm mình thích thú. Gã kể cái vị ghế to ấy gặp dân nói: "Trước ngày dân mình làm gì có, điện đóm nhà nào khá mới có cái củ điện, chạy sáng nhập nhà nhập nhèm. Bây giờ thì hơn hẳn rồi nhá. Hai ba pha đã có rồi. Cứ đà này mà phát triển nay mai còn có bốn năm pha là cái chắc ấy chứ! Cuộc sống thay đổi nhiều rồi, phát triển lắm chứ.." Mình ít cười mà suýt chảy nước mắt nước mũi. Gã này được cái phát hiện nhanh, vừa thông minh vừa hóm hỉnh, óc hài hước của gã hơn hẳn nhiều người. STVH cái này cực kỳ quý và hiếm. Chả trách hắn viết hay, mới chỉ là bản thảo đã trúng con mẹ giải nó rồi. Chả có cơ cấu cơ kiếc gì. Vài lão "cây đa cây đề" nói vậy chả qua là nói vớ vẩn, sợ người khác hơn mình. ( Cũng tiện nói luôn: Với mình nhóm cây đa, với mình cũng rất phường phường thui. Người ta bảo "cú cây đa, ma cây đề" là có nghĩa của nó cả )
Sáng nay đọc chương đầu "THT" gã làm mình dù đã biết trước vẫn rất ngạc nhiên. Mình thấy một NT khác, chả hay tếu táo, hóm hóm hỉnh hỉnh như mọi khi. Trình của gã thấy gớm. Phải học hỏi nhiều, nghiên cứu nhiều, trải qua nhiều mới có cái vốn như vậy. Văn học viết về miền núi thật khó. nắm được cái hồn của lịch sử, tập quán, văn hóa của dân tộc của "người ta" không đơn giản chút nào. Không thể giả ngây giả ngô, mượn vài câu"lá, lố" ngố ngẩn mà được. Trình của gã có thể nói là của nhà nghiên cứu DTH mà không sợ nói nhầm.
Thế cái đã, phải đọc xong, ngẫm một tí mới dám phát tiếp được. Nhưng mình có tiên cảm rằng: Nếu có chê chắc cũng chỉ có thể chê được cái lỗi phông chữ bé quá, đọc lâu nhọc hết cả mắt. Hoặc cách sắp xép của gã chỗ này chỗ kia có nhẽ chưa hợp với mình. Chuẩn không cần chỉnh chắc là cảm giác của nhiều người về cuốn TT này.
Dài rùi, "luận tham" nữa bất tiện, dành cho bản viết đầy đủ hơn khi đọc xong.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ dọa 'trả đủ' những thiệt hại Moskova đã gây ra, Nga 'tái mặt' thanh minh


(Thế giới) - "Moskova không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và cam kết luôn tuân thủ pháp luật quốc tế. Chúng tôi chỉ muốn giải thích rằng Nga không hề dính dáng gì đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cả".


Cách đây vài ngày, ngày 15/10 chính quyền ông Obama đã chính thức xác nhận rằng Nga có nhúng tay vào cuộc bầu cử Mỹ. Liền sau đó Hoa Kỳ cũng thẳng thừng tuyên bố sẽ đáp trả "đầy đủ" những quấy rầy mà Moskova đã đem lại cho Washington trong mùa bầu cử này. Nói là làm, Nhà Trắng sau đó đã bắt giữ một hacker Nga vì tội xâm nhập các máy chủ của Hoa Kỳ bất hợp pháp.
My doa 'tra du' nhung thiet hai Moskova da gay ra, Nga 'tai mat' thanh minh
Mỹ dọa 'trả đủ' những thiệt hại Moskova đã gây ra, Nga 'tái mặt' thanh minh
Mới đây nhất, Phó Tổng thống Joe Biden cũng gửi cảnh báo đỏ đến điện Kremlin về vấn đề này. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/10 nói rằng Mỹ “đang gửi một thông điệp” tới Tổng thống Putin và rằng “sẽ đến lúc người Mỹ lựa chọn (cuộc tấn công) và lựa chọn đó sẽ có tác động vô cùng lớn”.
Các cựu sĩ quan tình báo Mỹ cho biết thêm rằng CIA đã thu thập hàng loạt tài liệu có thể “vạch trần” những hoạt động "không mấy tốt đẹp của Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Trong khi đó, cựu Đô đốc James Stavridis nói với NBC rằng Mỹ nên tấn công vào năng lực kiểm duyệt mạng nội bộ của Nga, đồng thời phơi bày những thỏa thuận tài chính của Tổng thống Putin cũng như các cộng sự của ông.
Ngay sau những diễn biến này, phía Nga đã vội vàng lên tiếng thanh minh rằng không hề có động thái nào nhằm "phá đám" các ứng viên Tổng thống Mỹ.
"Chúng tôi đã bị cáo buộc không bằng chứng, Moskova không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và cam kết luôn tuân thủ pháp luật quốc tế. Chúng tôi chỉ muốn giải thích rằng Nga không hề dính dáng gì đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cả", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga thanh minh trước báo chí.
Trước đây, bà Clinton cũng như các quan chức khác đã nhiều lần tố cáo chính quyền ông Putitn đứng sau "phá đám" cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, tuy nhiên do chưa có chứng cứ cụ thể nên phía Nhà Trắng chưa lên tiếng chính thức. Nhưng, cách đây vài ngày, chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức gửi cảnh báo đỏ đến điện Kremlin và động thái đầu tiên để trả đũa đó là bắt giữ một hacker người Nga.
Cuộc bầu cử năm nay của Mỹ đã gặp rất nhiều biến cố khi các email mật của các tổ chức, ứng viên đều lần lượt bị phanh phui và gây bất lợi cho Hoa Kỳ. Điển hình là vào hồi tháng 7, ứng viên Hillary Clinton đã bị công bố những email cho thấy đảng Dân chủ thiên vị cho bà và "cản đường" tranh cử của Thượng nghị sĩ Sanders, vụ việc khiến cho Chủ tịch của  Đảng này phải từ chức còn bà Clinton thì lao đao trong một thời gian dài.


Tiêu Giao (Theo Sputnik)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một bài văn điểm 0 ở Tứ Xuyên đã làm kinh động cả nước, nó lột tả trần trụi sự thật về xã hội Trung Quốc


Bài văn nói lên một phần thực trạng xã hội Trung Quốc hiện nay
Bài văn nói lên một phần thực trạng xã hội Trung Quốc hiện nay
Bài văn với tựa đề “Cách thức cân bằng Trung Quốc” của một học sinh ở Tứ Xuyên đã được cộng đồng hết sức hưởng ứng. Nội dung bài văn này đã làm kinh động cả nước và đứng đầu trong công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc. Cộng đồng mạng đánh giá bài văn này là một ‘kỳ tác’. Chúng ta hãy cùng thưởng thức tác phẩm kinh động thế nhân này.
Cách thức cân bằng Trung Quốc
Khi nhìn thấy chủ đề  bài văn mà thầy giáo đưa ra, đột nhiên tôi có một cảm giác buồn cười… đúng vậy, đây chính là điều mà tôi muốn. Tôi cũng có thể hình dung ra khuôn mặt nhợt nhạt và tái mét của giáo viên khi chấm bài văn này của tôi.
Theo truyền thông đưa tin, trong 10 năm qua giá nhà đất đã tăng 20 lần, khi giới trẻ bị giá nhà ép đến nỗi không ngẩng đầu lên nổi, vậy thì sự cân bằng ở đâu? Một tháng tiền lương của người lao động bình thường chỉ mua được 0,5 mét vuông phòng ở. Truyền thông cũng đưa tin, có người có một căn nhà riêng và còn có rất nhiều căn hộ khác nữa. Ông ta nói rằng ông còn có mấy chục căn phòng ở bên ngoài. Ông cũng nói, ở Bắc Kinh ông còn có mấy căn hộ nữa. Nghe xong, mắt tôi chực rơi lệ. Hơn nữa, còn có người được mệnh danh là “đại gia nhà đất”, cũng theo truyền thông đưa tin, bà này có hơn 10 căn nhà ở Bắc Kinh, có hơn 4 bản hộ khẩu và 4 mã chứng minh thư khác nhau. Lần này nghe xong tôi đã không cầm được nước mắt, phải mất cả buổi tôi mới định thần lại được. Các cơ quan liên quan đều giữ im lặng, không ai nhận trách nhiệm, không ai dám đứng ra thụ lý sự việc này.
Một đại gia khác lái xe thể thao vào giữa sân trường, trên tay cầm hoa tươi tặng bạn gái. Lúc người này lái chiếc siêu xe với tiếng động cơ gầm rú và lao đi vun vút, tôi đã nghĩ, tại sao cha tôi không phải là Giang? Những suy nghĩ tiêu cực cứ miên man chạy khắp đầu não tôi khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và chản nản. Lúc này, người bạn Quách Mỹ Mỹ đã viết xuống mấy dòng, khiến cho tư tưởng của tôi quay lại với thực tế, “lúc mà cha ruột không đáng tin thì còn có cha nuôi, chỉ tiếc là cha nuôi không nhận con bừa bãi”.
Vào lúc tài chính của Hội chữ thập đỏ của Trung Quốc bị nghi ngờ là không minh bạch, lúc Quách Mỹ Mỹ đeo đồ trang sức xa xỉ trên người, có người của hội này đã khiển trách Mỹ Mỹ. Mỹ Mỹ nói rằng, cô có trong tay 17,4 Gigabyte chứng cứ hình ảnh của hội Chữ Thập Đỏ. Thế là, lãnh đạo của hội đã vội vàng thay đổi thái độ: Quách Mỹ Mỹ đã dùng hành động thực tế để bảo vệ lợi ích bản thân, đã phô bày những phẩm chất cao quý của thanh niên thời đại mới. Sau đó, thậm chí cô còn nhiều lần nhận được giải thưởng từ Hội chữ thập đỏ. Vậy thì cân bằng ở đâu?
Về vấn đề cân bằng, tôi vẫn luôn nghĩ về một loại cân bằng trong xã hội. Con người là như nhau, càng ở trên cao thì càng phải thực hiện theo pháp luật, nơi mà công an trật tự sẽ không có đánh người, hiệu trưởng sẽ không đi vào “nhà nghỉ” và bác sỹ sẽ chuyên tâm chữa bệnh.
Thế nhưng, tôi đang sống trong một xã hội như nào? Không khí thì bị ô nhiễm, những con sông chứa đầy chất thải và xác chết, thực phẩm có thể lấy đi mạng sống của chúng ta bất kỳ lúc nào, tài sản cá nhân của con ông cháu cha lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tôi hỏi, Thầy giáo muốn cân bằng thế nào đây?
Thầy có tin vào việc Trung Quốc sẽ thực hiện được “giấc mơ Trung Quốc” giống như Mỹ? Dù mọi người có tin hay không, nhưng tôi thì tin. Khi hơn 1 vạn con heo nhảy xuống sông Hoàng Phố tôi đã biết rằng, nếu tôi không “tự cân bằng” thì kết quả của bản thân cũng như những con heo này.
Tôi vô cùng mong mỏi về một cuộc sống bình đẳng, nơi đó quan lại liêm khiết thật sự, thương nhân dùng lương tâm để buôn bán, nơi đó không có những căn phòng giá cao ngất trời, nơi đó người người được sống trong hạnh phúc.
Còn mấy phút nữa là nộp bài thi rồi, tôi biết mình viết thế này giống như khoan một mũi vào trái tim của giáo viên. Dù nhận phải điểm 0 tôi cũng muốn gửi lên tấm lòng mong mỏi của mình. Dù sao thì tôi cũng không sợ hãi, sữa bột “Tam Lộc” còn không hại chết được tôi, một điểm 0 thì có đáng kể gì.
San San/daikynguyen
Phần nhận xét hiển thị trên trang

TIN CỰC NÓNG: HÀNG NGÀN NGƯỜI TUẦN HÀNH 200 KM BẰNG XE MÁY



Sáng nay, 24.10.2016, hàng ngàn ngư dân tại miền Trung tiếp tục diễu hành bằng xe máy vào Kỳ Anh để nộp đơn khởi kiện Formosa.

Sau hai lần đi kiện bằng ô tô của ngư dân miền Trung bị công an, csgt cản trở, cấm cản thì hôm nay họ quyết tâm đi kiện bằng phương tiện xe máy. Từ Nghệ An vào tòa án Kỳ Anh hơn 200km.
 

Tiếp tục cập nhật....


Phần nhận xét hiển thị trên trang

10 lời tiên tri kinh hồn bạt vía về vận mệnh thế giới năm 2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tòa soạn


Truyện ngắn của Ái Nữ


      Việt Nam, một năm cuối của thế kỷ hai mươi.
       Một tòa soạn báo văn nghệ giống như mọi tòa soạn tương tự nằm đây đó khắp các tỉnh, một ngày như rất nhiều ngày. Nhà văn Biển Việt, một nhà văn nổi tiếng như rất nhiều nhà văn trong nước, đang bận rộn với công việc biên tập thì phải bỏ dở giữa chừng để tiếp khách. Không chỉ là khách của tòa soạn mà còn là khách của riêng ông. Không phải khách quen, không phải bạn văn cũng không phải cộng tác viên. Một bạn đọc tên là Ba Đào.
       Cả tòa soạn ngạc nhiên. Đã lâu rồi họ không còn biết đến niềm hạnh phúc vì sự hâm mộ của độc giả. Như mọi tờ báo được bao cấp khác, báo của họ in ra hầu như chỉ để phát, văn chương đăng trên đó không được mấy ai quan tâm ngoài những người sáng tác trong cùng hội văn học nghệ thuật địa phương. Vậy mà nay có độc giả đến đây vì niềm cảm mến sau khi đọc một tác phẩm đăng trên tờ báo của họ, truyện ngắn “Chú bé đi giày một chân”* của nhà văn Biển Việt.
       Biển Việt ngắm nhìn Ba Đào, nguyên mẫu lý tưởng cho một tác phẩm tương lai. Đó là chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, có đôi mắt sáng với ánh nhìn nồng nàn chứa đựng những điều sâu kín. Vóc người thanh, làn da sáng, gương mặt nghiêm nghị của một người nhiều suy nghĩ trước tuổi. Đôi mắt chàng trai rực lên như chiếu tỏa ngọn lửa từ bên trong.
       - Vậy là cậu thấy truyện đó hay ư? – Nhà văn hỏi sau khi rót cho bạn đọc một tách nước trà.
       - Vâng, câu chuyện ấy gợi lên nhiều tâm tư – Giọng Ba Đào xúc động – Hẳn là tác giả đã suy nghĩ rất nhiều…
       “Nhạy cảm quá!” Biển Việt thầm nghĩ.
       Những người không nghĩ nhiều thì tất nhiên không viết văn. Nhưng không phải cứ quẳng ý nghĩ lên mặt giấy là làm thành tác phẩm hay được. Những tư tưởng non trẻ hay già nua không giúp cho tác phẩm của nhà văn sống lâu. Cuộc đời của các tác phẩm văn chương không giống như cuộc đời của thân xác con người. Ở tuổi trung niên, Biển Việt không còn quá nhiều ảo tưởng. Kiếm sống bằng ngòi bút là việc nhọc nhằn. Có lẽ Ba Đào ít được đọc văn nên mới đánh giá cao truyện ngắn của ông đến thế. Trong câu chuyện ấy, dù lòng ông chân thật, nhưng ông độc đoán dùng quyền hư cấu của văn chương để nhồi nhét suy nghĩ của mình vào miệng nhân vật đứa trẻ lang thang thất học một cách thô vụng. Mọi tình tiết trong truyện đều phi lý. Hai thằng bé bụi đời chung nhau đôi giày theo cách mỗi đứa chỉ đi giày bằng một chân thôi, chúng cho là thà cả hai đều được ấm một chân còn hơn để một đứa bị lạnh cả hai chân. Đôi giày vốn là sở hữu riêng của một thằng bé, nhưng nó đã chia cho bạn một nửa trong khi đấy là toàn bộ gia tài của nó. Và bạn nó, thằng bé nhân vật chính trong truyện, phê phán những người lớn rằng họ rất tồi tệ, họ không bao giờ dám chia cho bạn mình một nửa gia tài, nếu cuộc sống không tốt đẹp thì họ luôn đổ lỗi cho nhau, vì thế nó quyết định sẽ không trở thành người lớn. Một ngày mưa lũ, dòng sông chảy qua thành phố dâng nước lên cuồn cuộn, dưới sông có một người đang bị dòng nước hung dữ cuốn trôi, trên bờ có nhiều người lớn đứng nhìn hoảng hốt nhưng không ai dám nhảy xuống sông cứu người bị nạn. Thằng bé đi giày một chân đã dũng cảm nhảy xuống nhưng không cứu được ai và mãi mãi không trở về. Nó không bao giờ trở thành người lớn nữa.
       - Một tác phẩm văn chương làm xúc động lòng người, người đọc sẽ suy nghĩ và muốn sống tốt hơn – Giọng Ba Đào trầm xuống và nhỏ lại, nhưng đôi mắt chàng trai rực sáng hơn, nhìn thẳng vào Biển Việt– Vì điều ấy mà cháu muốn viết văn. Chú sẽ ủng hộ cháu chứ?
       “Đó là động cơ viết của một nhà văn chân chính”. Biển Việt mỉm cười nghĩ. “Nhưng cần phải có tài năng nữa. Phải xem trời có ủng hộ anh không đã, anh bạn trẻ ạ!” Ông khích lệ Ba Đào với giọng hân hoan:
       - Chúng tôi luôn mong chờ những cây bút mới. Cậu hãy viết và đem đến đây, nếu hay chúng tôi sẽ đăng, nếu chưa hay thì chúng tôi sẽ góp ý.
       Ba Đào ra về trong niềm vui pha lẫn chút phấn khích của Biển Việt. Chàng trai đã đem đến những cảm xúc tươi mới cho ông. Ông sẽ chứng kiến và nâng đỡ bước đi chập chững đầu tiên của một nhà văn trẻ. Còn ông, ông là nhà văn trẻ đã quá lâu rồi. Ở đất nước này, giới trí thức vẫn giữ gìn kỹ lưỡng phong tục “kính lão đắc thọ” của cha ông, các văn nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Chừng nào còn có người nhiều tuổi hơn họ, chừng nào còn có người cầm bút trước họ thì họ vẫn là “nhà văn trẻ” trong cách gọi hoặc trong ý thức của chính mình hay của người khác. Năm nay Biển Việt đã ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, ông biết cái mệnh của ông là còn làm “nhà văn trẻ” rất lâu, bởi các bậc cha chú, các bậc đàn anh của ông trong giới cầm bút cỡ tuổi “bát thập” vẫn khá đông đảo mà họ sẽ còn sống lâu hơn nữa. Tuổi tác và cách xưng hô đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra vai vế trong xã hội Việt Nam và gây cho giới văn nghệ sĩ lắm phen bối rối. Ba Đào xưng hô lễ phép với Biển Việt theo một cách không thể khác. Nhiều nhà thơ khi đứng trước một cô gái đẹp đã than: “Em ơi, sao gọi anh bằng chú?” Họ không muốn từ bỏ vai trò cha chú, vai trò đàn anh của mình đồng thời khó chấp nhận sự thật là mình đã nhiều tuổi, vì ở Việt Nam “nhiều tuổi” thường được hiểu đồng nghĩa với “già”, còn “già” thì hay được hiểu là “cũ”. Mâu thuẫn ở chỗ là người ta tỏ ra kính trọng người “già” nhưng lại thích người “mới”. Cách xưng hô phân biệt tỉ mỉ của người Việt Nam không thể hiện được tính chất “vừa già vừa mới” mà những văn nghệ sĩ lãng mạn muốn được nhìn nhận. Nếu cứ như bên các nước phương Tây thì chuyện này chẳng thể là vấn đề, bởi vì họ thường chỉ dùng một từ ở ngôi thứ nhất số ít và một từ ở ngôi thứ hai số ít, không có chuyện phải băn khoăn “uốn lưỡi bẩy lần” trước khi quyết định xưng hô với một người chưa quen như thế nào. Các nhà phê bình cầu toàn hay phàn nàn về chuyện Việt Nam thiếu những nhà văn nhà thơ lớn, họ quên mất rằng người Việt Nam muốn được xem là “lớn” thì đầu tiên phải “già” trước đã. Cứ viết thường xuyên, anh sẽ được gọi là nhà văn nhà thơ, cứ in tác phẩm thật nhiều, anh sẽ được giới thiệu là “nhà văn nổi tiếng”, “nhà thơ nổi tiếng”. Người “nổi tiếng” rất sẵn, còn người “lớn” thì… Cụ Tản Đà, ấy là nhà thơ tài hoa thời trước mà người ta kính trọng nên hay gọi bằng “cụ” như thế, có câu thơ rằng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn – Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con”. Thời nay số dân của Việt Nam đã tăng gấp mấy lần mà người ta vẫn trích dẫn câu thơ đó mãi. Những người “lớn” thật thì ai còn nghĩ đến tuổi tác của họ chứ! Nhiều nhà văn nhà thơ của thế giới không sống đến tuổi bốn mươi nhưng đã kịp để lại di sản lớn cho nhân loại. Họ trẻ mãi, bất diệt, không ai gọi họ bằng “cụ”.
       Ba Đào đã đem đến tòa soạn hai truyện ngắn đầu tiên. Biển Việt đọc xong thấy hài lòng vì bài viết của chàng trai không có lỗi chính tả, phần ngữ pháp cũng chuẩn mực, câu chuyện giàu cảm xúc. Sinh viên đại học y có khác, rất có triển vọng. Những truyện này của cậu ta đủ trình độ để được đăng trên những tờ báo dành cho tuổi ngây thơ như “Hoa Học Trò” hay “Áo Trắng”. Sau khi khen những ưu điểm để khích lệ, Biển Việt phân tích cho Ba Đào vài chỗ khờ khạo trong xây dựng cấu trúc truyện ngắn mà những người mới vào nghề viết thường mắc phải. Không chỉ người mới vào nghề, những nhà văn lâu năm như Biển Việt cũng vẫn dễ mắc sai lầm như thường, vì khi viết người ta không tỉnh táo được như lúc đọc tác phẩm của người khác, cho nên giới viết lách mới có câu “văn mình vợ người”. Chàng trai ngoan ngoãn lắng nghe một cách chăm chú, nhưng Biển Việt không tin là cậu ta tiếp thu ngay được. Muốn trở thành Lỗ Tấn đâu có dễ!
       Lần thứ hai, Ba Đào lại đem tác phẩm mới viết đến tòa soạn. Biển Việt đọc lướt nhanh rồi chững lại, mặt ông nghệt ra, điếu thuốc đang kẹp hờ giữa hai ngón tay suýt rớt xuống sàn. Ngoài sức tưởng tượng của ông, đây là truyện ngắn hết sức đĩnh đạc, văn phong khác hẳn những truyện lần trước. Không nghi ngờ gì nữa, ông đang đọc tác phẩm của một Sê-khốp trong tương lai. Câu chuyện nhỏ xảy ra trong bệnh viện, giản dị nhưng nhiều tầng ý nghĩa. Biển Việt ngẩng lên, bỏ kính xuống, phấn chấn nói với Ba Đào:
       - Tốt lắm, cậu cứ như thế mà viết! Chúng tôi sẽ đăng trong số báo gần nhất. Cậu quả thật có năng khiếu, tôi xin chúc mừng!
       - Thật vậy ư? Cháu rất cảm ơn chú – Ba Đào thay đổi sắc mặt nhưng không có vẻ vui mừng – Còn những khuyết điểm của tác phẩm, chú sẽ nói chứ?
       - Ồ, tất nhiên - Biển Việt vui vẻ - Tất nhiên là còn phải sửa, vì đó là công việc của tôi, song cũng nhanh thôi. Cậu xem đoạn này nhé…
       Biển Việt chỉ cho Ba Đào một đoạn trong bản thảo:
       - Nhân vật này là một thằng cha khoác lác kiêu ngạo, hãy để anh ta cao giọng lên. Chúng ta sẽ sửa thành “anh ta cao giọng…” Còn chỗ này… chỗ này… - Biển Việt dùng bút khuyên vào từng chỗ trong bản thảo một cách thành thạo, mãn nguyện nhìn Ba Đào với vẻ không còn gì để bàn cãi – Cậu thống nhất thế chứ?
       - Vâng – giọng Ba Đào hơi có vẻ dè dặt – Cháu đồng ý.
       - Khi nào đăng chúng tôi sẽ gửi báo và nhuận bút cho cậu – Biển Việt bắt tay tạm biệt chàng trai, ông thấy vẻ mặt Ba Đào thoáng buồn nhưng không hiểu vì sao.
       Hôm sau, khi Biển Việt đến tòa soạn thì thấy Ba Đào đã chờ sẵn. Ông ngạc nhiên hỏi vồn vã:
       - Cậu đã viết được truyện mới rồi à? Hãy để tôi xem!
       Ba Đào mở to mắt nhìn thẳng Biển Việt, nói chậm rãi nhưng chắc chắn:
       - Xin lỗi chú! Cháu đến để lấy lại bản thảo hôm qua. Cháu đã nghĩ kỹ và thấy là không thể đồng ý với những sửa chữa của chú.
       - Cậu ngồi xuống, ngồi xuống đã! – Biển Việt rút mấy trang bản thảo từ tập giấy trên bàn làm việc, tròn mắt nhìn chàng trai – Hôm qua cậu đã đồng ý…
       - Cháu muốn đồng ý với chú, nhưng nhân vật trong truyện không tầm thường như thế. Không thể như thế được! Chú sửa như vậy là làm tầm thường hóa nhân vật - Ba Đào đột nhiên lạc giọng đi một cách lạ lùng – Với những con người tầm thường thì không còn gì để nói. Nếu nhà văn nhìn thấy con người tầm thường thì còn có thể giúp gì cho họ nữa?
       Vẻ xúc động của chàng trai làm cho Biển Việt bối rối. Tình huống này khiến ông bất ngờ, ông không hiểu Ba Đào đang nói gì. Sao lại không có những nhân vật tầm thường? Các nhân vật phản diện vẫn thường xuyên xuất hiện trong văn học tự cổ chí kim. Cuộc sống không thể thiếu những kẻ xấu xa.
       - Thế này anh bạn ạ! – Biển Việt nhăn mặt nói – Nếu cậu không muốn người ta sửa truyện của mình thì khi gửi bài đến bất kỳ tòa soạn nào hãy ghi thêm bên lề mấy chữ: “Đề nghị không sửa bản thảo!” Ở nước ta đến lúc này mới chỉ có mỗi nhà văn Nguyễn Tuân làm như vậy thôi. Với tài năng của cậu, tôi tin rằng năm năm nữa cậu có thể xử sự như Nguyễn Tuân. Nhưng không phải bây giờ…
       Đến lượt Ba Đào không hiểu Biển Việt đang nói gì, chàng trai trân trân nhìn nhà văn trước mặt mình một cách kinh ngạc. Gương mặt đầy đặn của ông nhuộm màu mệt mỏi, dù thân hình nhỏ nhắn của ông thường di chuyển nhanh nhẹn. Tiếng nói của ông dường như không hoàn toàn thoát khỏi cuống họng, làm cho giọng nghe khàn khàn.
       Ba Đào im lặng. Biển Việt đã bình tĩnh hơn, ông bảo:
       - Thôi thế này, cậu đưa cho tôi đọc truyện khác. Có thể có truyện không cần sửa.
       Ba Đào mở chiếc cặp mang theo, rút một bản thảo khác đưa cho Biển Việt. Ông cầm lấy đọc tức khắc, chăm chú một mạch. Sau đó ông thở dài và bỗng đổi cách xưng hô:
       - Này cháu! Cháu thật sự có tài đấy, chú không nhầm đâu. Truyện rất hay. Với tư cách là bạn đọc thì chú muốn được đọc những tác phẩm như thế, nhưng với tư cách là người biên tập thì chú không thể cho xuất bản được. Truyện này “gai góc” quá, nó sẽ gây đụng chạm.
       Ba Đào không ngạc nhiên thêm nữa nhưng ra chiều suy nghĩ. Mọi học sinh trung học trên đất nước này đều được các giáo viên dạy văn nhắc cho nghe những “kỳ án” của giới văn nghệ sĩ mang chung cái tên “nhân văn giai phẩm”. Đó là lịch sử một thời đã qua, nhưng đến nay nỗi lo sợ bị “chụp mũ” vẫn ám ảnh nhiều thế hệ nhà văn, như chim phải tên sợ làn cây cong.
       - Nếu viết như thế mà sợ đụng chạm thì cháu còn biết viết gì? – Ba Đào thất vọng hỏi.
       - Thiếu gì chuyện để viết! Cứ viết về những thói xấu của dân đen, những bi kịch gia đình vì đạo đức suy đồi, những chuyện tình ái…
       - Nhưng những chuyện ấy đâu có xảy ra trên cung trăng? Ai trong chúng ta có thể vô can tuyệt đối trong các bi kịch? – Ba Đào mím môi bướng bỉnh – Nếu chỉ có thể viết những truyện “lá cải” thì cháu không viết nữa.
       - Không viết cũng không sao cháu ạ! Viết văn chỉ là việc nhỏ thôi – Biển Việt châm điếu thuốc rít một hơi dài – Nghề bác sĩ của cháu kiếm sống tốt hơn nhiều. Chú đâu có vui sướng gì, nhiều người cùng như chú, sách viết ra hầu như chỉ để “đắp chiếu” trong các thư viện hoặc đem tặng. Phải biết sống sao cho yên ổn, vì bây giờ đâu phải là thời “dùng bút làm đòn xoay chế độ”* nữa.
       Ba Đào đứng bật dậy, ánh mắt chàng trai nhìn Biển Việt đầy bi phẫn.
       - Yên ổn ư? Chú nghĩ rằng những tác phẩm của chú không đụng chạm đến ai ư? Nó đụng chạm đến cháu. Chú có hiểu tại sao thằng bé đi giày một chân nhảy xuống dòng nước lũ trong khi ai cũng biết là nó chưa đủ sức không? – Ba Đào run giọng - Nó nhảy xuống để tự tử, để khỏi phải sống trong thế giới của những người lớn như thế.
       Cầm lên tất cả các bản thảo, Ba Đào bước ra khỏi tòa soạn.
       Điếu thuốc trên tay Biển Việt rơi xuống. “Vừa rời khỏi đây chính là Chú Bé Đi Giày Một Chân?” Biển Việt bàng hoàng. Ông chưa từng nghĩ nhân vật trong truyện của ông nhảy xuống dòng nước lũ để tự tử, ông hoàn toàn tin đó là một hành động dũng cảm. Tự tử là trò điên rồ của những kẻ ngốc yếu đuối hoặc của những nhà văn lớn. Nhà văn lớn phải biết đến những đau khổ lớn, lớn đến mức họ tưởng không chịu nổi. Họ không viết vì niềm đam mê, họ viết do trời xô đẩy. Thế giới có được Mac-xim Gooc-ki là nhờ may mắn, lẽ ra ông ta đã chết rồi, vì một phát đạn xuyên thấu ngực – tự sát.
       Biển Việt đã năm mươi tuổi. Có chân trong tòa soạn này là điều may mắn với ông. Ông có thể yên tâm đau những niềm đau nho nhỏ, vui những niềm vui dịu dàng.
       Ba Đào không quay lại tòa soạn lần nào nữa. Biển Việt không biết cậu ta đi đâu. Dù sao, ông cũng không đủ sức để biết quá nhiều.

                                                                           Viết xong ngày 13 – 01 – 2014.

Chú thích:
* “Chú bé đi giày một chân” là một truyện ngắn có thật, tác giả là nhà văn Hồ Thủy Giang. 
* “Dùng bút làm đòn xoay chế độ”: Trong bài thơ “Là thi sĩ” của Sóng Hồng có hai câu nguyên văn như sau:
                   “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
                     Mỗi vần thơ:  bom đạn phá cường quyền”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trương Ái Linh và câu chuyện đời buồn nhuộm vào văn nghiệp


Hiện lên trong trang văn của Trương Ái Linh là một Trung Quốc khiến người đọc não lòng. Nơi đó có những con người đáng thương bị thời thế làm cho chao đảo.
Trương Ái Linh tên thật là Trương Anh, bà sinh năm 1920 tại Thượng Hải trong một gia đình trâm anh thế phiệt, dòng dõi quan lại. Bà nội của Trương Ái Linh là con gái lớn của đại thần Lý Hồng Chương, người được Từ Hy thái hậu và Hoàng đế Quang Tự trọng dụng trong triều đình Mãn Thanh.
Ông vừa là nhà quân sự, nhà ngoại giao có tài. Chính Lý Hồng Chương đã đứng lên khởi binh dẹp loạn Thái Bình Thiên Quốc và ký hàng loạt hiệp ước giữa triều đình Mãn Thanh và liên quân Anh, Pháp.
Còn mẹ của nữ văn sĩ là Hoàng Tố Quỳnh cháu gái của Đề đốc Hoàng Dực Thăng, người từng làm quan dưới quyền của Lý Hồng Chương. Cha mẹ bà đến với nhau do sự sắp đặt của gia đình và được xem là một trong những đám cưới môn đăng hậu đối. Nhưng cuộc hôn nhân đó sớm đã bộc lộ những rạn nứt.
Sống trong một gia đình nhà nhà Nho thủ cựu và mang nặng tư tưởng phong kiến, lại phong lưu đa tình, Trương Chí Di đã say mê người phụ nữ khác. Ngược lại, từ bé cha của Hoàng Tố Quỳnh đã khuyến khích con gái tiếp xúc với văn minh phương Tây.
Luôn tự hào mình là phụ nữ thế hệ mới, Tố Quỳnh kịch liệt phản đối chế độ “tam thê, tứ thiếp” tồn tại hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Chính vì thế, việc Trương Chí Di cưới vợ bé như đòn chí mạng vào lòng kiêu hãnh của bà.
Vào đầu những năm 1920, Trung Quốc đang lao đao với nạn thuốc phiện, người nghiện thuốc rất nhiều và cha của Trương Ái Linh cùng người vợ bé cũng trở thành “nô lệ” của bàn đèn. Năm 1923, quá chán nản với cuộc hôn nhân không còn lối thoát, Hoàng Tố Quỳnh bỏ sang Anh. Cũng trong năm đó, Trương Chí Di chuyển cả nhà từ Thượng Hải tới Thiên Tân.
Nhà văn Trương Ái Linh. Ảnh: tư liệu.
Mẹ của bà đã hướng con gái tiếp xúc với nền văn minh phương Tây từ rất sớm. Từ nhỏ, Trương Ái Linh đã theo học ở trường trung học Thiên chúa Năm 1927, Hoàng Tố Quỳnh đã trở về Trung Quốc và khuyên nhủ Trương Chí Di. Nhưng người đàn ông cổ hủ đó đã lún sâu vào nghiện ngập và không hề hối cải. Năm 1930, mẹ của Trương Ái Linh quyết định ly hôn. Do mẹ bà không dành quyền nuôi con nên hai chị em Trương Ái Linh sống với cha. Năm 18 tuổi, sau xung đột gay gắt với cha và mẹ kế, Trương Ái Linh chuyển đến sống với mẹ.
Mẹ của bà đã hướng con gái tiếp xúc với nền văn minh phương Tây từ rất sớm. Từ nhỏ, Trương Ái Linh đã theo học ở trường trung học Thiên chúa  St. Mary's Hall, ở đây bà được học cả tiếng Trung và tiếng Anh.
Đến năm 1939, Trương Ái Linh nhận được học bổng của Đại học London nhưng không nhập học vì chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Để tiếp tục giấc mơ học đại học bà đã chọn ngành Văn học Anh tại Đại học Hồng Kông.
Nhưng tới năm 1941, khi chỉ còn một học kỳ nữa là hoàn thành chương trình học, Hồng Kông lại bị quân Nhật chiếm đống. Trương Ái Linh quyết định về Trung Quốc học tiếp nhưng mọi dự định của bà đều không thành vì lý do tài chính.
Cuộc đời của Trương Ái Linh rơi vào bi kịch khi bà kết hôn với người chồng đầu tiên là Hồ Lam Thành, người đàn ông này cũng là mối tình đầu của Trương Ái Linh. Họ gặp nhau vào năm 1943 và kết hôn sau đó một năm với một đám cưới nhỏ, giản dị, không có sự chứng kiến của người thân. Vị khách duy nhất trong hôn lễ là người bạn thân từ thời trung học của cô dâu là Fatima Mohideen.
Những bi kịch đã xảy ra với Hoàng Tố Quỳnh năm xưa lại lặp lại với cô con gái Trương Ái Linh. Sau khi kết hôn, Hồ Lam Thành sớm ngoại tình. Không những thế, người đàn ông này còn là một phần tử thân Nhật và khiến nữ nhà văn gặp không ít rắc rối.
Năm 1945, Hồ Lam Thành trốn tới Triết Giang và sống cùng người phụ nữ khác sau khi quân Nhật đầu hàng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng trong tác phẩm nổi tiếng của Trương Ái Linh là Sắc, Giới (Lust, Caution) có nhiều chi tiết dựa trên cuộc hôn nhân của tác giả và Hồ Lam Thành. Lại có ý kiến khác nói nhà văn đã dựa trên câu chuyện nữ điệp viên Trịnh Đình Như mưu sát tên Hán gian Mạc Đinh Thôn để viết nên tiểu thuyết này.
Hai diễn viên chính Lương Triều Vĩ và Thang Duy trong phim Sắc, Giới của đạo diễn Lý An dựa theo tác phẩm của Trương Ái Linh. 
Do không hòa nhập được với thời cuộc nên trong suốt khoảng thời gian dài, Trương Ái Linh bị xem là nhà văn đối lập ở Trung Quốc đại lục. Mãi cho đến sau cải cách mở cửa, các tác phẩm của bà mới được nhìn nhận lại.Năm 1949, khi Thượng Hải xây dựng chính quyền mới bà đã quay trở lại đây và tham gia vào đoàn đại biểu văn hóa. Chính Trương Ái Linh cũng đã về vùng nông thôn để viết về cải cách ruộng đất nhưng không thành công.
Năm 1955, Trương Ái Linh di cư sang Mỹ. Một năm sau đó bà kết hôn với biên kịch người Mỹ, Ferdinand Reyer . Bất hạnh hôn nhân lại một lần nữa ập đến với Trương Ái Linh khi chồng bà qua đời vào năm 1967 sau một thời gian bệnh nặng. Bà sống cô đơn, không con cái cho đến cuối đời. Trương Ái Linh mất năm 1995 tại căn hộ nhỏ ở Los Angeles. Suốt bốn mươi năm bà không trở về Trung Quốc.
Tập truyện ngắn Chuyện tình giai nhân của Trương Ái Linh. 
Ngoài Sắc, Giới, Trương Ái Linh còn một số truyện ngắn và tiểu thuyết xuất sắc viết về Trung Quốc trong giai đoạn đầu thế kỉ XX như: Chuyện tình giai nhân, Cái gông vàng, Hoa hồng trắng, hoa hồng đỏBán sinh duyên.
Bao trùm lên các tác phẩm của bà là một không gian u tối của thời cuộc. Khi xã hội còn đang mịt mờ giữa cái cũ và cái mới thì cơn lốc chiến tranh đã ập tới. Trong hoàn cảnh ấy con người không thể sống thật với cảm xúc của mình mà buộc phải toan tính đặc biệt là trong tình yêu.
Trong cuộc đời mình, Trương Ái Linh có rất nhiều duyên nợ với Thượng Hải. Phải chăng vì lẽ ấy, nên mảnh đất này hiện lên trong văn bà một cách đầy day dứt và nhiều lưu luyến.
Theo Zing

Phần nhận xét hiển thị trên trang