Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Kênh Youtube VTV bị khóa do lấy nội dung không bản quyền



ICTnews – VTV cho biết, nguyên nhân dẫn đến kênh Youtube bị tạm ngưng là trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung.
Kênh Youtube VTV bị khóa do lấy nội dung không bản quyền

Anh Bùi Minh Tuấn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã gửi đơn khiếu nại việc VTV vi phạm bản quyền.

Ngày 29/2/2016, người dùng Youtube bất ngờ thấy kênh chia sẻ Video của VTV bị dừng hoạt động. Theo thông báo ghi trên trang Youtube, do tài khoản này đã vi phạm bản quyền. Đến 9h tối ngày 29/2, VTV chính thức lên tiếng về vấn đề này trên trang VTV.vn.
Theo lý giải của VTV, hơn 1 năm qua, nhận thức được vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông mới trong thời đại Internet và nhu cầu của khán giả Việt Nam trong và ngoài nước, Đài Truyền hình Việt Nam đã triển khai đưa các nội dung tin tức, các chương trình của VTV đến với đông đảo công chúng qua hệ thống hàng chục kênh nội dung trên Youtube, trên sản phẩm ứng dụng VTVGo cũng như báo điện tử VTV tại địa chỉhttp://vtv.vn/
Tối 28/02/2016, kênh Youtube có tên VTV-Đài Truyền hình Việt Nam nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động do có khiếu nại của bên thứ ba về vấn đề bản quyền.
“Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại này là trong quá trình tác nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung. VTV đã và đang triển khai những biện pháp xử lý nghiêm, chặt chẽ trong vấn đề bảo vệ bản quyền, quyền tác giả”, VTV thông báo.
VTV cho biết, sau khi kênh Youtube VTV - Đài Truyền hình Việt Nam tạm ngưng hoạt động, Đài Truyền hình Việt Nam đã tích cực làm việc với các bên liên quan để giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác và sớm khôi phục lại kênh Youtube bị tạm ngưng. Bên cạnh đó, việc cung cấp tin tức, nội dung chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam trên môi trường Internet vẫn được duy trì trên hệ thống ứng dụng xem TV trên di động VTVGo và Báo điện tử VTV.
Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tố cáo VTV, VTVcab vi phạm bản quyền cảnh quay của các cá nhân đăng trên trang Youtube cá nhân. Đầu tháng 9/2015, anh Bùi Minh Tuấn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã gửi đơn đến Tổng giám đốc VTV, Cục Sở hữu trí tuệ và một số cơ quan chức năng khiếu nại về việc VTV1 đã sử dụng trái phép video do anh thực hiện trong chương trình Chào buổi sáng phát lúc 6h53 ngày 2/9/2015.
Bùi Minh Tuấn là người khá nổi tiếng trong giới chơi flycam ở Việt Nam. Anh đã thực hiện nhiều cảnh quay về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bằng flycam và cập nhật trên kênh Youtube cá nhân mang tên là “YAMAHA TRUNG TA”.
Trong đơn khiếu nại, Bùi Minh Tuấn nêu rõ, chương trình Chào buổi sáng đã sử dụng 7 cảnh quay trái phép của anh bao gồm: Cảnh đoàn người đi lên bậc thang Cột Cờ Lũng Cú - Hà Giang; Cảnh từ dưới lên của Cột Cờ Lũng Cú - Hà Giang; Cảnh quay ngang lá cờ của Cột Cờ Lũng Cú - Hà Giang; Toàn cảnh quay tròn quanh Cột Cờ Lũng Cú - Hà Giang; Toàn cảnh Lũng Cú - Hà Giang, nơi xây dựng cột cờ; Đường đi trên Núi đá Đồng Văn; Thung lũng ngô đường đi lên Hà Giang.
Ngoài việc sử dụng trái phép 7 cảnh quay, trong nội dung chương trình “Chào buổi sáng” còn có những vi phạm về bản quyền như: Không ghi nguồn sử dụng video của tác giả; Tự ý cắt cúp xóa bỏ logo nhắc nhở bản quyền “Copyright by YAMAHA TRUNG TA” bên góc trái phía trên của video clip. Trong khi thông tin của tác giả tại kênh Youtube được ghi đầy đủ số điện thoại, email nhưng không chịu liên lạc. Khi tác giả phát hiện và lên tiếng thì mới gọi điện giải thích lý do không ghi tên nhưng thái độ hoàn toàn xem thường tác giả.
Trong đơn gửi Tổng giám đốc VTV và các cơ quan chức năng, anh Tuấn viết: “Tôi cam đoan tôi là tác giả và chủ sở hữu của các đoạn video clip bị VTV1 sử dụng trái phép vào chương trình Chào buổi sáng phát vào lúc 6h30, sáng ngày 2/9/2015. Hiện tại tôi đang giữ tất cả bằng chứng, video clip gốc, video clip chưa biên tập và đã qua biên tập, quá trình biên tập cũng như thiết bị tạo ra những đoạn phim đó”.
Trao đổi với ICTnews, anh Tuấn cho biết, đây là lần thứ 4, VTV đã sử dụng trái phép các đoạn video clip của anh mà không hề liên lạc xin phép hay hỏi ý kiến. Những lần trước, sau khi cảnh quay phát sóng bị anh Tuấn phát hiện, đại diện VTV gọi điện xin lỗi qua điện thoại và anh đã bỏ qua, nhưng sau đó lại tiếp tục lấy hình ảnh của anh sử dụng mà không xin phép. Khi anh Tuấn liên lạc với chương trình Chào buổi sáng thì được đại diện VTV nói lý do không ghi tên tác giả là: “do máy hư, nên không ghi chữ vào được”.
“Đến bây giờ tôi không thể nào chấp nhận được kiểu làm việc: “Sử dụng trái phép trước, khi bị phát hiện thì mới xin lỗi sau. Điều đáng nói ở đây là VTV đã xem thường và không tôn trọng tác giả’, anh Tuấn bức xúc nói.
Sau khi anh Tuấn gửi đơn khiếu nại chương trình Chào buổi sáng vi phạm bản quyền và chưa nhận được phản hồi của VTV, VTV lại tự ý sử dụng cảnh quay flycam trái phép của anh lần thứ 5, trong chương trình Bữa trưa vui vẻ phát trên VTV6 , anh Tuấn tiếp tục có đơn khiếu nại. Ngày 18/9, Ban Kiểm tra của VTV đã có văn bản yêu cầu Ban Thanh niên rà soát lại và trả lời khiếu nại của anh Tuấn nhưng cho đến nay anh Tuấn vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết khiếu nại của Ban Thanh niên của VTV.
Anh Tuấn cho biết, tất cả các video anh đăng trên trang Youtube YAMAHA TRUNG TÁ đều ghi rõ quyền sở hữu, số điện thoại di động và email của tác giả. VTV chỉ cần gọi điện thoại trước khi sử dụng và ghi rõ nguồn là anh đồng ý cho sử dụng mà không lấy một đồng thù lao nào.
“Nhưng không hiểu sao đến một cuộc điện thoại họ cũng không gọi và công khai ăn cắp cảnh quay của tôi hết lần này đến lần khác dù tôi đã chính thức khiếu nại nhiều lần”, anh Tuấn phát biểu.

Kênh Youtube VTV bị khóa do lấy nội dung không bản quyền

Anh Bùi Minh Tuấn đưa ra chứng cứ tố cáo VTV 'chôm' video của mình

Trong khi vụ khiếu nại của anh Bùi Minh Tuấn chưa có kết quả giải quyết, vào sáng ngày 28/9/2015, anh Đoàn Xuân Trường (Hà Nội) đã lên tiếng trên trang Facebook cá nhân tố cáo VTVcab tự ý sử dụng cảnh quay từ video “Xuyên Việt một mình” trong chương trình S+ Tiêu dùng và Thể thao của kênh Thể thao TV và Bóng đá TV phát sóng trên VTVcab. Video này do anh thực hiện trong các chuyến đi phượt và đăng trên trang Youtube cá nhân. Anh Trường cho biết, anh cũng không được xem trực tiếp khi chương trình này phát sóng mà chỉ xem được qua kênh Youtube, tìm kiếm trên Google thì được báo chương trình này phát sóng trên Thể thao TV và Bóng đá TV.
Sáng 28/9/2015, phóng viên ICTnews đã gửi đường link tố cáo của anh Trường tới một đại diện truyền thông của VTVcab và được trả lời, sẽ chuyển nội dung này cho nhà sản xuất chương trình giải quyết.
Ngay sau đó, trong buổi sáng ngày 28/9, đại diện kênh Thể thao TV đã liên hệ với anh Trường để hẹn gặp, đồng thời clip này cũng được gỡ khỏi kênh Youtube của Thể thao TV trong ngày 28/9.
Trao đổi với ICTnews, anh Trường cho biết, tại buổi gặp gỡ giữa hai bên, người của Thể thao TV đã ghi nhận có sai sót khi sử dụng cảnh quay của anh khi chưa xin phép. Đồng thời, đại diện của Thể thao TV đưa ra lời xin lỗi và đề nghị sẽ phát sóng lại chương trình có bản clip đầy đủ và ghi tên tác giả là anh.
Tuy nhiên, anh Trường muốn Thể thao TV mua lại tác quyền phần hình ảnh của anh (anh từ chối không tiết lộ con số). Phía Thể thao TV cho biết, điều này vượt quá thẩm quyền giải quyết và sẽ báo cáo lãnh đạo rồi liên hệ với anh sau. Anh Trường cũng chia sẻ, nếu Thể thao TV liên hệ trước, anh sẵn sàng cho sử dụng miễn phí cả bản quay chưa có logo luôn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

7 người Việt lọt top 30 tài năng trẻ nhất châu Á


Trong danh sách 30 tài năng trẻ nhất châu Á 2016 (30 Under 30 2016 Asia) vừa được Forbes công bố, Trần Đức Việt, Đinh Nhật Nam, Tạ Minh Tuấn, Lê Hoàng Uyên Vy, Lâm Thị Thúy Hà, Lương Duy Hoài và Lê Hùng Việt Bảo là những gương mặt đến từ Việt Nam.
1. Trần Đức Việt (lĩnh vực Truyền thông, Tiếp thị và Quảng cáo)
Trần Đức Việt (24 tuổi) được biết đến trong vai trò vlogger với "nghệ danh" JVevermind trên mạng xã hội YouTube. JVevermind bắt đầu đăng tải video do mình tự đạo diễn và sản xuất lên YouTube từ năm 2011 và là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải Golden Play Button Award của YouTube khi được hơn 1 triệu người đăng ký theo dõi.
2. Đinh Nhật Nam (Nghệ thuật) 
Đinh Nhật Nam (26 tuổi) là nhà sáng lập chuỗi cửa hàng cà phê Urban Station. Hiện tại, Urban Station đã có đến 38 cửa hàng trên cả nước. Được biết, Nam đang chuẩn bị ra mắt chuỗi cửa hàng cà phê mới tại Trung Quốc và dự định nhập một số thương hiệu đồ uống cao cấp từ Singapore về Việt Nam.
3. Tạ Minh Tuấn (Chăm sóc sức khỏe và Khoa học)
Tạ Minh Tuấn (27 tuổi) là nhà sáng lập Help International, nhằm hỗ trợ giới thiệu các bác sĩ tư nhân cho bệnh nhân tại Việt Nam. Hiện tổ chức của anh đã hỗ trợ cho hơn 10.000 gia đình. Minh Tuấn cũng là chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Junior Chamber International.
4. Lê Hoàng Uyên Vy (Bán lẻ và Thương mại điện tử)
Nữ doanh nhân 28 tuổi hiện là Phó Giám đốc điều hành của công ty thương mại điện tử VinEcom. Cô từng thành lập trang web thời trang Chon.vn vào năm 2009 và chuỗi nhà hàng phục vụ đồ ăn đường phố của Việt Nam trong nhà Aiya.
5. Lâm Thị Thúy Hà (Bán lẻ và Thương mại điện tử)
Lâm Thị Thúy Hà (Hà Lâm, 29 tuổi) là nhà đồng sáng lập dự án khởi nghiệp du lịch Triip.me cùng chồng mình. Dự án vừa đã được rót vốn tổng cộng 500.000 USD từ quỹ đầu tư Singapore Gobi Partners.
6. Lương Duy Hoài (Bán lẻ và Thương mại điện tử)
Lương Duy Hoài (27 tuổi) là nhà sáng lập, CEO của Giao Hàng Nhanh. Với hơn 1.000 nhân viên, Giao Hàng Nhanh làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nhỏ để hỗ trợ vận chuyển, trong đó bao gồm 30 trang thương mại điện tử và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ khác. Tính đến cuối năm 2014, Giao Hàng Nhan vận chuyển được tổng cộng khoảng 10.000 đơn hàng mỗi ngày.
7. Lê Hùng Việt Bảo (Chăm sóc sức khỏe và Khoa học)
Lê Hùng Việt Bảo (29 tuổi) hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Chicago với chuyên ngành Số học. Sau khi lấy bằng cử nhân tại ĐH Cambridge, Việt Bảo tiếp tục tốt nghiệp tiến sĩ toán học tại ĐH Harvard.

Đại sứ Mỹ nói về chuyến thăm của Obama sắp tới


Là một người bạn của Việt Nam, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra những khả năng được-mất trong tình hình hiện nay.", đại sứ Ted Osius.
LTS:Không thể phủ nhận, chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Và, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam vào tháng Năm này cùng với khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có thể sẽ được cơ quan lập pháp của mỗi nước phê chuẩn sẽ càng góp phần làm nồng ấm hơn mối quan hệ của hai quốc gia từng là cựu thù. Tuần Việt Nam giới thiệu bài của đại sứ Ted Osius viết cho Tuần Việt Nam. 
Vào tháng Giêng năm 2016, hai mươi người Mỹ và người Việt đã bắt đầu chuyến đạp xe mà chúng tôi gọi là Hành Trình Mới – A New Journey – từ Hà Nội vào Huế. Chuyến đi của chúng tôi nhằm hướng tới tương lai: giáo dục thế hệ kế tiếp, tìm hướng giải quyết các thách thức về y tế và môi trường, và tôn vinh tinh thần kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Chúng tôi cũng cố gắng tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam và hòa giải quá khứ chung của chúng ta, kể cả những khía cạnh đau thương nhất của quá khứ đó.
Vạn sự khởi đầu nan. Một người bạn thân trong chuyến đi giải thích ý nghĩa câu thành ngữ quen thuộc này là “việc gì khởi đầu cũng có khó khăn.” Chúng tôi bắt đầu chuyến đạp xe này khi trời đang mưa, vào đúng ngày mà sau đó chúng tôi được biết là rét nhất trong bốn mươi năm qua ở Hà Nội! Nhưng chúng tôi đã đối mặt với những khó khăn này với tư cách là một tập thể. Người Việt, người Mỹ, người nhiều tuổi, người ít tuổi, người khoẻ, người yếu hơn – không quan trọng. Mỗi người đều ráng sức, mỗi người đều chung tay giúp đỡ những thành viên khác. Chúng tôi tôn trọng lẫn nhau và trân trọng những người mà chúng tôi kết bạn trên đường. Điều đó khiến chuyến đạp xe trở nên dễ dàng hơn – và thú vị hơn – cho dù thời tiết không thuận lợi.
Việt Nam, Fullbright, giáo dục,
Chuyến đạp xe này của chúng tôi là sự kiện khép lại năm kỷ niệm hai mươi năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là một năm đặc biệt thành công! Chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác giữa hai nước, và việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã mở đường cho chúng ta tiến tới một tương lai thịnh vượng chung. Năm nay hứa hẹn là một năm có ý nghĩa không kém, với chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam vào tháng Năm và khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có thể sẽ được cơ quan lập pháp của mỗi nước chúng ta phê chuẩn. 
Chúng ta cần phát huy tối đa những lợi thế của đà phát triển hiện có và xây dựng nền móng cho một mối quan hệ đối tác có ý nghĩa và lâu dài. Tại Washington, Ngài Tổng bí thư nói rằng việc xây dựng lòng tin là chìa khoá để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị của chúng ta,và rằng chúng ta xây dựng lòng tin bằng cách mở rộng các mối quan hệ tiếp xúc và cùng nhau làm những việc quan trọng. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Thời gian đã chín muồi để chúng ta thảo luận một số phương thức cụ thể nhằm tăng cường lòng tin và cùng nhau xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh và thịnh vượng hơn, tăng cường ổn định khu vực, và góp phần vào những nỗ lực toàn cầu nhằm hướng tới một tương lai sạch hơn và lành mạnh hơn cho thế giới.  
Những điều chúng ta có thể cùng nhau làm trong năm 2016
Một chuyến thăm thực chất tới Việt Nam của Tổng thống Obama sẽ làm nổi bật hình ảnh của nước Việt Nam ngày nay: trẻ trung, đổi mới sáng tạo, và là một đối tác kinh tế và ngoại giao ngày càng quan trọng đối với Hoa Kỳ. Tại Đại hội Đảng lần thứ 12, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định cam kết của Việt Nam về tăng cường hội nhập quốc tế, bao gồm việc tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ là cơ hội để Việt Nam thể hiện sức năng động và hội nhập này của Việt Nam với thế giới. Các bạn trẻ Việt Nam sử dụng thành thạo Facebook và rất muốn được học tập theo kiểu như ở Hoa Kỳ; tầng lớp trung lưu đang tăng lên ngày càng có nhu cầu nhiều hơn về hàng hóa và dịch vụ; và các doanh nhân Việt Nam đang sẵn sàng giúp đất nước phát triển thịnh vượng. 
Chuyến thăm của Tổng thống cũng sẽ cho thấy hai dân tộc chúng ta đã vượt qua được lịch sử đau thương để cùng xây dựng tương lai, một tương lai giúp tăng cường ổn định và thịnh vượng,và thúc đẩy các mối quan hệ giao lưu nhân dân, trở thành điển hình cho thế giới về phương thức mà cựu thù có thể trở thành bạn và đối tác của nhau.
Từ hợp tác song phương đến hợp tác khu vực và toàn cầu
Chúng ta đã bắt đầu những đầu tư quan trọng cho tương lai: trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ và nguồn nhân lực của Việt Nam; trong việc phát triển cơ sở hạ tầng; và bằng việc thành tâm nhìn lại quá khứ. Năm nay chúng ta có thể tiếp tục phát huy những đầu tư này theo những phương thức cụ thể sau đây:
Giáo dục: 
Đại học Fulbright Việt Nam, dự kiến bắt đầu giảng dạy trong năm nay, sẽ là một trường đại học Việt Nam được xây dựng theo mô hình của Mỹ và sẽ định hình đội ngũ các nhà lãnh đạo Việt Nam tương lai cho các thế hệ tiếp sau.
Trường Fulbright là một trong những dự án hợp tác đáng kể mới giữa các trường đại học Hoa Kỳ và các trường đại họcViệt Nam với khu vực doanh nghiệp, và sẽ giúp đẩy nhanh cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam nhằm phục vụ cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo mà đất nước cần để tiếp tục tăng trưởng. Cũng có triển vọng tích cực cho một chương trình hoạt động của Đoàn Hoà bình (Peace Corps) tại Việt Nam, nhằm cung cấp nhân lực giảng dạy tiếng Anh hiện đang có nhu cầu lớn và mở rộng quan hệ giao lưu nhân dân trên cả nước.
Đầu tư và thương mại:
Tin tưởng rằng TPP sẽ được thực thi, các công ty Hoa Kỳ đã và đang theo đuổi các cơ hội đầu tư và thương mại trong các lĩnh vực hàng không, năng lượng, đô thị "thông minh", và chăm sóc sức khỏe. Để tạo thuận lợi cho các dự án này và các dự án phát triển trong tương lai, Hoa Kỳ đang kết nối sự tham gia của khu vực tư nhân và khu vực công để tạo ra công ăn việc làm ở cả hai nước bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết tại Việt Nam.
Trong một sáng kiến khác, các chuyến bay thương mại thẳng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ làm tăng thêm gấp nhiều lần lưu lượng khách du lịch, hoạt động thương mại và trao đổi giáo dục giữa hai nước. Việt Nam đã sẵn sàng để được xếp "Hạng 1" trong mức xếp hạng an toàn của Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ - một điều kiện tiên quyết then chốt cho các chuyến bay thẳng.
Đại sứ quán mới:
Để đáp ứng nhu cầu của mối quan hệ đối tác đang mở rộng của chúng ta, cả hai nước phải xây dựng các tòa Đại sứ quán đẳng cấp thế giới và đảm bảo an ninh tại Hà Nội và Washington, DC.
Vượt qua quá khứ. Ngay cả trước khi chúng ta tái lập quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã làm việc với nhau để giúp tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh, và ngày hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục làm như vậy. Tương tự, Hoa Kỳ tiếp tục cam kết xử lý ô nhiễm dioxin và dọn sạch bom mìn chưa nổ. Những thành công trong hoạt động hợp tác của chúng tôi với các lực lượng vũ trang Việt Nam tại Đà Nẵng và Quảng Trị có thể được nhân rộng ở những nơi khác. Những kết quả đạt được này sẽ thể hiện cam kết của cả hai nước nhằm khép lại một chương quá khứ đau thương và mở cánh cửa cho một tương lai an toàn hơn, lành mạnh hơn, và thịnh vượng hơn cho nhân dân hai nước.
Trong năm 2015, chúng ta đã bắt đầu đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước vượt qua khuôn khổ hợp tác song phương nhằm xác định những phương thức cộng tác ở tầm khu vực và toàn cầu.Sau đây là một số phương thức: 
Thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP):
TPP cho thế giới thấy một quốc gia đang phát triển có thể hưởng lợi từ việc tham gia một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao. Các quốc gia khác trong khu vực hiện cũng muốn tham gia Hiệp định này. Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam trong quá trình Việt Nam chuẩn bị thực thi các cam kết TPP của mình. Tuy các cam kết này, trong đó có các cam kết về quyền lao động, sẽ là những thử thách, nhưng Việt Nam đã quá trình được ghi nhận tích cực về việc thực hiện đầy đủ các cam kết trong hiệp định thương mại song phương năm 2000 với Hoa Kỳ và các cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.
Khí hậu và bảo vệ môi trường:
Nếu chúng ta có thể tăng cường cộng tác và xây dựng một dự án hợp tác mạnh mẽ với thời gian 5 năm về biến đổi khí hậu, thì điều đó sẽ giúp Việt Nam – một trong năm nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu – giảm hơn nữa lượng khí thải và chuẩn bị cho những thách thức không thể tránh khỏi. Chúng ta cũng có thể phát huy thành công của chiến dịch "Không mua sừng tê giác" năm ngoái và phát triển một dự án hợp tác mới nhằm chống nạn buôn bán động thực vật hoang dã. Phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam, chúng ta có thể giúp nhau tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học và thúc đẩy hợp tác hơn nữa về chống buôn bán động thực vật hoang dã.
An ninh y tế toàn cầu:
Đã là một quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, Việt Nam rất hiệu quả trong việc theo dõi, phát hiện và ứng phó các đợt bùng phát dịch bệnh. Với việc hợp tác quốc tế sâu rộng hơn và nâng cao khả năng giám sát dịch bệnh, Việt Nam sẽ cho thấy những gì có thể đạt được khi có năng lực chuyên môn và quyết tâm chính trị.
Hợp tác quốc phòng:
Việc liên tục mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hợp tác gìn giữ hòa bình, cùng với những nỗ lực để giữ thế giới an toàn khỏi việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, sẽ tăng cường sự ổn định trong khu vực và giúp thực hiện các cam kết chung của chúng ta về thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ. Với một khuôn khổ hợp tác, chúng ta sẽ cùng nỗ lực để đảm bảo rằng các tranh chấp được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và các căng thẳng được quản lý bằng biện pháp ngoại giao. 
Tăng cường hợp tác và đối thoại về nhân quyền
Bảo vệ quyền con người là mục tiêu cốt lõi của việc thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm. Kể từ đó, việc thúc đẩy tôn trọng nhân quyền là một nguyên lý cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Những nước tôn trọng quyền con người đóng góp tốt hơn cho hòa bình và an ninh khu vực, thúc đẩy nhà nước pháp quyền, chống lại một cách có hiệu quả tội phạm và tham nhũng, và tạo điều kiện để công dân các nước đó khai thác được hết tiềm năng của mình.
Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác và đối thoại giữa chúng ta về những vấn đề này bởi vì Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam thành công – một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Hiến pháp của mỗi nước chúng ta đều đảm bảo bảo vệ các quyền cơ bản như quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp, và quyền tự do báo chí. Thật vậy, đó là những điều kiện tiên quyết để đạt được sự thịnh vượng kinh tế và an ninh chính trị lâu dài. Trong những năm gần đây, chúng ta đã cho thấy rằng chúng ta có thể nói về những vấn đề phức tạp này theo phương thức nhằm tìm kiếm đồng thuận trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Quyết định của Việt Nam về việc tiếp tục hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó có việc thực hiện mục tiêu này thông qua các hiệp định thương mại tự do, có thể cải thiện mạnh mẽ nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ (và Nghị viện châu Âu) sẽ có tiếng nói trong quá trình này. Việc tiếp tục xuất hiện những báo cáo về việc sách nhiễu và giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa đã làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng trong các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ.
Là một người bạn của Việt Nam, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra những khả năng được-mất trong tình hình hiện nay. Tuy TPP chủ yếu là một hiệp định thương mại, một số thành viên Quốc hội Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cân nhắc những thông tin ghi nhận về tình hình nhân quyền của Việt Nam khi họ bỏ phiếu, và kết quả bỏ phiếu có thể là sít sao.Những tiến bộ có ý nghĩa về nhân quyền ở Việt Nam sẽ giúp tạo điều kiện để TPP được phê chuẩn nhanh chóng hơn.
Tuy hai nước chúng ta phát triển xuất phát từ những truyền thống lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội khác nhau, như Tổng thống Obama và Tổng bí thư Trọng đã nêu rõ, nhưng chúng ta tôn trọng hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Và khi người Mỹ bày tỏ quan ngại về các vụ bắt giữ hoặc sách nhiễu các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà hoạt động lao động, thì chúng tôi nói như vậy với mức độ khiêm tốn vì biết rằng Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với những thách thức.
Nhưng rõ ràng là cả người Mỹ và người Việt đều tin vào các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng, tự do và công lý. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục đi theo xu hướng tăng cường cộng tác và đối thoại này, bởi vì chỉ có bằng những tiến bộ có thể chứng minh được về nhân quyền thì chúng ta mới có thể khai thác được đầy đủ tiềm năng của mối quan hệ đối tác giữa hai nước.
Quan hệ của chúng ta sẽ ra sao sau hai mươi năm kể từ thời điểm này
Nếu chúng ta có thể thành công– và với sự lãnh đạo sáng suốt thì tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được điều đó – hãy thử hình dung xem mối quan hệ của chúng ta sẽ như thế nào trong tương lai. Nếu chúng ta tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của chúng ta, thì hai mươi năm nữa kể từ thời điểm này thế hệ trẻ của hai nước sẽ cùng nhau đổi mới sáng tạo và đi đầu trong các cơ hội kinh doanh và đầu tư mới để tiếp thêm năng lượng cho một nước Việt Nam thịnh vượng hơn bao giờ hết. Họ sẽ tự do trao đổi các ý tưởng giúp cải thiện công việc kinh doanh, cộng đồng, và chính phủ của họ.
Nếu chúng ta tiếp tục hợp tác, thì các gia đình,các doanh nhân và khách du lịch của chúng ta sẽ dễ dàng đáp những chuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước. Nếu chúng ta tiếp tục đi trên con đường chúng ta đang đi, thì Hoa Kỳ sẽ sớm trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Hai mươi năm nữa kể từ nay, nếu chúng ta tiếp tục hợp tác về giáo dục, thì trẻ em Việt Nam sinh ra trong năm nay sẽ tốt nghiệp trường Đại học Fulbright với tấm bằng đẳng cấp thế giới và sẽ chọn việc làm từ rất nhiều lời mời của các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới, những người mong tuyển được những người giỏi nhất và thông minh nhất.
Nếu chúng ta tiếp tục làm việc cùng nhau về nhân quyền và hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam về việc đồng bộ hóa hệ thống pháp luật của Việt Nam với Hiến pháp và các cam kết quốc tế của Việt Nam, thì các tài năng, khả năng sáng tạo và các ý tưởng của người dân hai nước sẽ được giải phóng và hòa quyện vào nhau. Nếu chúng ta tiếp tục xây dựng thói quen cộng tác và hợp tác trong khu vực và trên thế giới, thì mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo có tiềm năng nhất của chúng ta sẽ không bị nhuốm màu bởi dư vị chiến tranh mà được thể hiện bằng bảng màu của những hoạt động hợp tác kiên định và tích cực. Đó sẽ là một mối quan hệ đối tác sâu sắc và đầy tôn trọng.
Nếu chúng ta tiếp tục cộng tác để giải quyết những thách thức khó khăn nhất của thế giới, thì các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách của chúng ta sẽ cùng chung tay để biến các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015về biến đổi khí hậu trở thành hiện thực. Cùng nhau, họ sẽ ngăn chặn các đại dịch và tăng cường dịch vụ y tế tốt hơn cho người Mỹ và người Việt Nam.
Chúng ta sẽ tạo ra được một ví dụ đầy sức thuyết phục về phương thức mà mối quan hệ song phương của chúng ta có thể đem lại lợi ích trên phạm vi toàn cầu. Nếu chúng ta tiếp tục trên con đường này, chúng ta sẽ duy trì được hòa bình ở Biển Đông và kiến tạo hòa bình cho các khu vực khác của thế giới. Các quân nhân trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam sẽ phục vụ cùng với các đồng nghiệp Mỹ, và quân đội hai nước sẽ sẵn sàng ứng phó thiên tai hoặc khủng hoảng nhân đạo và bảo vệ cuộc sống và sự an toàn cho những người gặp nguy hiểm.
Mục tiêu của Hoa Kỳ trong mối quan hệ với Việt Nam là rõ ràng và nhất quán: Chúng tôi ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, thúc đẩy pháp quyền và quyền con người. Mỗi trụ cột của Quan hệ Đối tác Toàn diện, được xác lập bởi Tổng thống Obama và Chủ tịch Sang vào năm 2013, đều phản ánh cam kết rộng lớn này.
Do đó, việc của chúng ta là duy trì và nuôi dưỡng nó. Không thể sớm kết luận rằng chúng ta sẽ thành công. Vạn sự khởi đầu nan. Hai nước chúng ta trước đây chắc chắn đã từng phải đối mặt với khó khăn, nhưng những bài học của quá khứ có thể giúp định hướng cho chúng ta vượt qua bất kỳ thách thức nào và giúp chúng ta xây dựng một quan hệ đối tác lâu dài. Tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta sẽ đạt được nhiều, nhiều hơn nữa. Và, với nỗ lực và tầm nhìn cho tương lai, không có gì là không thể trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - Ted Osius
Phần nhận xét hiển thị trên trang

TrungQuốc sắp sang giai đoạn 3: Đối đầu thách thức Mỹ ở Biển Đông?



HỒNG THỦY
(GDVN) - Đi kèm hệ thống vũ khí Trung Quốc ở Biển Đông là một loạt các tuyên bố tuyên truyền về pháp lý, nhằm để thay đổi nhận thức toàn cầu.

South China Morning Post ngày 29/2 đưa tin, Trung Quốc có thể sẽ công bố khoản ngân sách quốc phòng năm nay gia tăng đáng kể so với những năm trước, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang bởi sự theo đuổi yêu sách lãnh thổ (bành trướng) và hàng hải của nước này trên Biển Đông.

Dự kiến ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay sẽ được công bố vào Thứ Bảy này, khi Quốc hội Trung Quốc mở đầu phiên họp hàng năm. Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói: "Tôi nghĩ rằng thậm chí tăng 20% cũng được chấp nhận trong thời gian này, dù đó là mức cao nhất kể từ năm 2007".

Một nguồn tin khác từ hải quân Trung Quốc nói với South China Morning Post, căng thẳng với các nước láng giềng và Hoa Kỳ trên Biển Đông, Hoa Đông cũng là nhân tố (cái cớ) để Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng.

The Epoch Times ngày 29/2 bình luận, cả thế giới sẽ không thể làm gì nếu để Trung Quốc thực hiện thành công chiến lược chống tiếp cận ở Biển Đông, trong khi giai đoạn 2 - triển khai các vũ khí chiến lược xuống Biển Đông có khả năng sắp hoàn thành.

Các nhà phân tích quốc phòng đã cảnh báo, những nỗ lực này của Trung Quốc là nhằm đẩy Hoa Kỳ khỏi Biển Đông và Hoa Đông với những gì họ gọi là chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD).

Điều này sẽ cung cấp cho Trung Quốc khả năng kiểm soát khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như những nơi khác. Bên cạnh triển khai tên lửa, máy bay, ra đa, tàu ngầm, tàu chiến (bất hợp pháp) xuống Biển Đông, Trung Quốc còn tiến hành cả "chiến tranh chính trị, chiến tranh pháp lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh tâm lý" với các đối thủ ở Biển Đông, Hoa Đông.

Khi các loại vũ khí chiến lược Trung Quốc triển khai (bất hợp pháp) ở Biển Đông được xem như một hệ thống, nó có thể tấn công các mục tiêu trên không, trên biển và đáy biển. Đi kèm hệ thống vũ khí Trung Quốc ở Biển Đông là một loạt các tuyên bố tuyên truyền về pháp lý, nhằm để thay đổi nhận thức toàn cầu về hành động của mình.

Trong khi tình hình có vẻ hỗn loạn, chiến lược độc chiếm Biển Đông vẫn được Trung Quốc thúc đẩy đều đặn. Tháng Bảy năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố xây dựng xong đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), kết thúc giai đoạn 1.

Từ thời điểm đó, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn 2 - xây dựng cơ sở hạ tầng và đặt vũ khí trang bị khí tài quân sự trên các đảo nhân tạo. Với những gì vừa diễn ra trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), giai đoạn 3 có lẽ không còn xa nữa.

Ngày 28/2, South China Morning Post dẫn lời Vương Giáo Thành - Tư lệnh Chiến khu Nam phát biểu trên tờ Nhân Dân nhật báo rằng, quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị để "bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông".

Viên tướng họ Vương này tuyên bố: "Không một quốc gia nào được phép hành động đe dọa chủ quyền, an ninh của Trung Quốc dù với bất cứ lý do gì. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Chiến khu Nam là bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Đông".
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chết trong ảo tưởng



(GDVN) - Việc gây ảo tưởng về sự suy yếu của Trung Quốc có thể là sai lầm tai hại như vậy của truyền thông quốc tế gần đây.


Cách nay tròn một phần tư thế kỷ - 12giờ ngày 28/2/1991 (theo giờ Hà Nội), cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất - Chiến dịch Bão táp Sa mạc chính thức kết thúc. Khi lính thủy đánh bộ Mỹ và liên quân 34 nước chỉ còn cách thủ đô Bagdad của Iraq khoảng 150km thì Tổng thống G.W.Bush tuyên bố chiến thắng, chấm dứt chiến tranh, theo BBC ngày 28/2/1991.
Từ đó đến nay, lịch sử thế giới đã xảy ra biết bao sự kiện, xảy ra biết bao cuộc chiến, nhưng chưa có một cuộc chiến nào thể hiện tầm cỡ và quy mô như cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất ấy.

Lần đầu tiên, kể từ khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, một cuộc chiến ảnh hưởng trực tiếp đến cả nhân loại và được hầu hết các quốc gia trên thế giới đồng thuận.

25 năm đã trôi qua, những nhân vật chính của cuộc chiến thì có người đã về với đất, có người chỉ còn là nhân chứng lịch sử với ký ức về cuộc chiến năm xưa.

Và thật sự Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất cũng đã nhạt nhòa trong ký ức của người dân thế giới vì nỗi lo cho cuộc sống hàng ngày và cả vì những cuộc chiến khác đã làm thay đổi cái nhìn về Chiến dịch Bão táp sa mạc thời ấy.

Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev – người cay đắng nhất vì ảo tưởng trong Chiến dịch Bão táp sa mạc. Ảnh: History.com.

Tuy nhiên, theo người viết thì khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra, hồi cuộc chiến đang diễn ra và lúc cuộc chiến kết thúc, có rất nhiều vấn đề liên quan tới Chiến dịch Bão táp sa mạc vẫn còn nguyên tính thời sự. Giá trị của nó không dễ bị phai mờ theo thời gian, trong đó đặc biệt là vai trò của truyền thông và sự hình thành thế giới đơn cực – kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Tính lợi hại của thứ vũ khí mới - truyền thông

Cũng nên nhắc lại rằng, vì tham vọng làm bá chủ Trung Đông nhưng thất vọng khi không thể chiến thắng trong cuộc chiến Iran – Iraq, với tính khi nóng nảy và hành xử kẻ cả, ngày 2/8/1990, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã xua quân sang xâm chiếm Kuwait và nhanh chóng chiến thắng. Trong cơn cao hứng, ngày 9/8/1990 Saddam tuyên bố sát nhập Kuwait làm tỉnh thứ 19 của Iraq, theo Newsweek tháng 3/1991.

Việc tấn công Kuwait của Saddam ngay tức khắc bị thế giới lên án và kêu gọi quân đội Iraq rút quân, lập lại hòa bình cho quốc gia vùng vịnh nhỏ bé, nhưng giàu có này. Tuy nhiên, Saddam không những phớt lờ mà còn thách thức cả thế giới, bởi lợi ích quá lớn từ những giếng dầu của Kuwait và cả những thỏa mãn khát khao chiến thắng mà ông ta đã ôm mộng từ lâu.

Thế là để buộc Saddam Hussein phải tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc tôn trọng chủ quyền của một quốc thành viên, Liên Hợp Quốc lấy danh nghĩa Giải Phóng Kuwait, cho phép thành lập Liên Minh quân sự 34 nước do Mỹ đứng đầu, chuẩn bị tấn công, đánh đuổi quân Iraq, tái lập chủ quyền cho nhà nước Kuwait, lập lại hòa bình trên đất nước Kuwait.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho Saddam sửa sai và cũng là để đảm bảo chiến thắng cho cuộc chiến tranh Giải phóng Kuwait, LHQ, Mỹ và Liên quân 34 nước đã sử dụng nhiều biện pháp ngoại giao, kể cả lên án và trừng phạt, nhưng tất cả đều không làm thay đổi được Saddam.

Dư luận cho rằng Saddam không nhượng bộ vì ông ta quá tự tin sức mạnh của quân đội Iraq.

Phải khẳng định rằng, sức mạnh của quân đội Iraq không là gì cả khi so với sức mạnh của Mỹ và Liên quân, song Saddam lại không tin như vậy và càng ngày ông ta càng xem thường “quân đội Liên Hợp Quốc”.

Saddam đã quá ảo tưởng về sức mạnh của Iraq và tương quan Iraq – Liên quân lúc đó. Tuy nhiên, cơ sở khiến cho Saddam Hussein ảo tưởng không phải bởi số liệu do tình báo Iraq do thám được mà nó được cung cấp bởi truyền thông quốc tế.

 Máy bay Liên quân ném bom trong Chiến dịch Bão táp sa mạc – chứng minh sự sai lầm trong  ảo tưởng của Saddam Hussein. Ảnh: Internet.

Có thể thấy rằng, Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất là một cuộc chiến tranh hiện đại mà lần đầu tiên truyền thông có ảnh hưởng manh tính quyết định tới cuộc chiến. Thời điểm ấy, không một ngày nào mà trên các phương tiện của truyền thông thế giới không có hàng trăm bản tin, bản phân tích, so sánh sức mạnh của Iraq với Mỹ và Liên quân 34 nước.

Song trong tất cả các bản thông kê, liệt kê số liệu về phương tiện phục vụ cuộc chiến, về lực lượng tham gia cuộc chiến, không biết “vô tình hay cố ý” mà đều nghiêng về phía Iraq từ xe tăng, máy bay, pháo binh nhiều hơn, đến lực lượng quân đội nhiều hơn, thậm chí tinh nhuệ hơn, đặc biệt là tính thiện chiến của lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Saddam Hussein.

Trong tất cả những phân tích về tương quan lực lượng, từ những bình luận viên quân sự chính trị nổi tiếng đến những nhà chiến lược quân sự lão luyện, hầu hết đều đưa ra nhận định tương quan Iraq – Liên quân là một chín một mười.

Từ đó đưa ra nhận định là quân đội của Saddam Hussein có thể sẽ đánh bại Liên minh quân sự 34 nước và sau đó có rút khỏi Kuwait thì cũng là đội quân chiến thắng trở về.

Cứ thế, thời gian qua đi thì độ căng thẳng của cuộc chiến cũng tăng cao và kèm theo đó là sự tư tin của Saddam Hussein và chính quyền của ông cũng được củng cố vững chắc hơn trong ảo tưởng.

Khi giới hạn cho sự kiên nhẫn đã hết và tác dụng của vũ khí truyền thông cũng đã đạt tới đỉnh điểm thì rạng sáng ngày 17/1/1991, Tổng tư lệnh G.W.Bush phát lệnh tấn công Iraq – Chiến dịch Bão táp sa mạc bắt đầu, theo CNN 17/1/1991.

Cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã thất bại thảm hại trong Chiến dịch Bão táp sa mạc vì ảo tưởng vào sức mạnh của Iraq. Ảnh: BBC.
Khi cuộc chiến diễn ra thì Saddam Hussein mới nhận ra mình ảo tưởng, bị mắc lừa bởi truyền thông và ông ta mới nhận ra một kiểu nghi binh mới mà G.W.Bush đã vận dụng quá hay, quá hoàn hảo.

Quân đội Iraq nhanh chóng bị đuổi khỏi Kuwait với thiệt hại vô cùng lớn về vũ khí và lực lượng. Ngay tại đất nước Iraq, những gì gọi là thiện chiến, là tinh nhuệ cũng bị tan tác bởi bom đạn của Mỹ và Liên quân.

May cho Saddam Hussein lúc đó khi mục đích của Chiến dịch Bão táp sa mạc chỉ là Giải phóng Kuwait nên ông ta mới còn cơ hội nắm chính quyền thêm hơn chục năm nữa.

Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến kết thúc thì chủ quyền của Iraq bị hạn chế rất nhiều, mà cụ thể là vùng cấm bay tại Bắc Iraq được xác lập, quyền lợi chính trị của người Kurd - vốn là điều cấm kỵ của Saddam - đã được bảo đảm và bảo vệ của quốc tế.

Có thể nhận định rằng, Liên quân 34 nước chiến thắng Saddam Hussein trong Chiến dịch Bão táp sa mạc không chỉ vì vũ khí của Iraq cũ kỹ, trình độ kỹ thuật quân sự của Iraq lạc hậu mà còn do truyền thông quốc tế lúc ấy đã tạo cho Saddam một ảo tưởng vào sức mạnh. Từ đó ông ta khinh địch, chủ quan trong chiến thuật rồi phải chuốc lấy thất bại toàn diện và nhanh chóng.

Với ảnh hưởng có tính quyết định trong Chiến dịch Bão táp sa mạc, truyền thông đã nhanh chóng được xem là một thứ vũ khí lợi hại, được khai thác tối đa để phục vụ cho tất các cuộc chiến, từ chiến tranh quân sự đến chiến tranh kinh tế. Truyền thông không gây sát thương nhưng khả năng gây thương vong thì có thể hơn tất cả những loại vũ khi giết người hàng loạt khác.

Chính thức hình thành thế giới đơn cực

Khi Chiến dịch Bão táp sa mạc kết thúc, dư luận cho rằng người cay đắng nhất là Saddam Hussein vì ông ta bị thất bại hoàn toàn, niềm kiêu hãnh của ông ta bị tổn thương nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo người viết thì người cay đắng nhất không phải là Tổng thống Iraq lúc đó, mà là M.Gorbachev – Tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử tồn tại của Nhà nước Liên Xô.

Nếu như Saddam Hussein ảo tưởng vào sức mạnh của Iraq nên thất bại thảm hại, thì M.Gorbachev còn ảo tưởng hơn Saddam rất nhiều về uy tín cá nhân của ông ta và về sức mạnh của Liên Xô. Nên qua Chiến dịch Bão táp Sa mạc, thất bại của M.Gorbachev thảm thương hơn rất nhiều so với Saddam Hussein.

Thất bại của M.Gorbachev nặng nề hơn Saddam không chỉ vì ông ta phải rời bỏ quyền lực sau khi Chiến dịch Bão táp sa mạc kết thúc 10 tháng, còn Saddam phải 12 năm sau mới bị tước bỏ quyền lực, mà thất bại của M.Gorbachev nằm ở vị thế và vai trò của ông ta trong việc tham gia ngăn chặn chiến tranh và chấm dứt Chiến dịch Bão táp sa mạc.

Cần phải nhắc lại rằng, khi Liên Hợp Quốc thông qua việc cho phép Liên quân 34 nước tấn công Iraq thì Liên Xô lần đầu tiên phải bỏ phiếu thuận cho một cuộc chiến tranh có thể nổ ra mà thật sự họ không muốn.

Trung Quốc bỏ phiếu trắng, nhưng Liên Xô không thể làm như thế và có thể khẳng định rằng M.Gorbachev không dám làm như vậy. G.W.Bush, M.Thatcher và F.Mitterand buộc M.Gorbachev phải lựa chọn ủng hộ cuộc chiến vùng Vịnh lúc bấy giờ.

M.Gorbachev đã thúc đẩy hoạt động ngoại giao con thoi giữa Liên quân và Iraq nhằm ngăn chặn đổ máu, qua đó thể vai trò của ông ta cũng như Liên Xô với cuộc chiến. Tuy nhiên, khi cơ hội ngoại giao còn thì Saddam không chấp nhận, đến khi Saddam chấp nhận thì bị Mỹ gạt bỏ. Mọi dàn xếp của Liên Xô lúc đó đều không có bất cứ ảnh hưởng gì đến cuộc chiến.

Hình ảnh đặc phái viên của Tổng thống Liên Xô, Viện sĩ Yevgeny Primakov phải nói chuyện với Saddam ở dưới hầm trú ẩn, trong khi máy bay Mỹ vẫn ném bom trên bầu trời Baghdad thì mới thấy rằng, Liên Xô không còn vai trò gì trong việc giải quyết các vấn đề chính trị thế giới lúc đó.

Thế giới lưỡng cực đã chính thức được thay bằng thế giới đơn cực và cực duy nhất là Mỹ.

Sự bi thảm ấy được phụ họa thêm bằng hình ảnh của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Javier Perez de Cuellar ngửa mặt lên trời mà than rằng : “Chỉ có Chúa mới biết chiến tranh có nổ ra hay không” khi trả lời phóng viên báo chí quốc tế, sau thất bại trong việc thuyết phục Saddam Hussein chấp nhận rút quân khỏi Kuwait vô điều kiện theo yêu cầu của Mỹ và Liên quân, theo BBC 13/1/1991.

Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng lại bắt đầu cho hàng loạt điểm nóng bởi xung đột vũ trang ở nhiều khu vực trên thế giới. Ảnh: BBC/Getty.
Có thể thấy rằng, việc Liên Xô sử dụng biện pháp ngoại giao để ngăn chặn Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, cũng như chấm dứt Chiến dịch Bão táp sa mạc là những hành động cuối cùng của siêu cường quốc tế này vào việc giải quyết vấn đề chính trị thế giới.

Đó cũng là những cố gắng cuối cùng của ông M.Gorbachev trong quan hệ đối ngoại với tư cách là lãnh đạo Liên Xô.

Ngày 19/8/1991 tại Liên Xô xảy ra cuộc đảo chính nhằm lật đổ M.Gorbachev, mà nguyên nhân được dư luận cho là việc ký kết Hiệp ước Liên bang mới sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của Liên Xô.

Song thật ra nguyên nhân của cuộc chính biến ngày 19/8 chính là sự thất bại của Liên Xô trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến Vùng Vịnh - Liên Xô chính thức bị tước mất vị thế siêu cường của mình.

Có người cho rằng Chiến tranh Lạnh kết thúc khi khối Hiệp ước quân sự Warszawa giải thể, cũng có người cho rằng nó kết thúc khi Liên Xô chấm dứt sự tồn tại. Song với cá nhân người viết thì Chiến tranh Lạnh bắt đầu khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc và Chiến dịch Bão táp sa mạc là thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất đã trôi qua một phần tư thế kỷ, hậu quả của nó để cho người dân Kuwait và đặc biệt người dân Iraq là vô cùng khốc liệt. Cho dù yếu tố chính nghĩa và phi nghĩa của cuộc chiến ấy vẫn chưa thể khẳng định chính xác, song có một điều cuộc chiến luôn khẳng định được đó chính là giá trị của hòa bình.

Ngày nay, thế giới đang diễn ra hàng loạt những cuộc chiến tranh, những cuộc xung đột vũ trang, thậm chí cả những nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở nhiều khu vực trên thế giới và Việt Nam là một trong những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ ấy. Bên cạnh đó, một cuộc chiến tranh kinh tế cũng đang diễn ra, dù âm thầm nhưng không kém phần ác liệt.

Vì vậy, những bài học về những “cái chết trong sự ảo tưởng” trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất là vô quý giá cho việc khẳng định và giữ vững chủ quyền quốc gia.

Truyền thông quốc tế có thể gây ảo tưởng về “cái chết” của một thực thể kinh tế - chính trị nào đó nhưng lại có thể gây ra những cái “chết thật” cho những thực thể khác. Việc gây ảo tưởng về sự suy yếu của Trung Quốc có thể là sai lầm tai hại như vậy của truyền thông quốc tế hiện nay.

Nguồn: Giáo dục
Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRỘM CHIM CỦA QUAN, 7 NĂM TÙ VÌ BA CON CHIM QUÝ


Ông Bảo đề nghị không truy tố hai kẻ đột nhập tư gia của mình mà chỉ cảnh cáo. 
Ảnh. Tiến Hùng.
.
Đối mặt án 7 năm tù vì trộm 3 con chim 
của giám đốc sở trẻ nhất nước 
Tiến Hùng
VNExpress
Thứ ba, 1/3/2016 | 15:15 GMT+7

Dù bị hại Lê Phước Hoài Bảo (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam) đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự với hai thanh niên đột nhập tư gia của mình song theo luật thủ phạm vẫn phải bị xét xử.



TAND thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) đang thụ lý hồ sơ, chuẩn bị xét xử vụ án Bùi Quang Minh Tấn, Nguyễn Văn Tùng (cùng 23 tuổi, xã Tam Đàn, Phú Ninh) về hành vi đột nhập biệt thự của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo trộm chim cảnh bán lấy tiền mua ma túy.

Theo cáo trạng, chiều 14/7/2015, Tấn rủ Tùng vào thành phố Tam Kỳ ăn trộm. Biết giám đốc Bảo nuôi nhiều chim tại tư gia ở phường Tân Thạnh, hai nghi can chọn đây làm mục tiêu.

Tùng và đồng phạm đối diện án 2-7 năm sau khi trộm 3 con chim cảnh của Giám đốc Sở. 
Ảnh. Tiến Hùng.

Hôm đó, Tùng đứng ngoài giữ xe, canh gác cho Tấn leo qua tường rào vào sân vườn nhà ông Bảo lấy trộm hai lồng chim chào mào, bán được 2 triệu đồng. Ba ngày sau Tùng và Tấn lẻn vào lấy trộm một lồng chim chào mào khác. Lần này, hai đạo chích đang trên đường đi tiêu thụ thì bị công an phát hiện. Ba con chim chào mào của ông Bảo được nhà chức trách định giá 9 triệu đồng, hành vi của Tấn và Tùng được cho rằng đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản.

Trao đổi với VnExpress, trung tá Nguyễn Quốc Tuấn (Phó trưởng Công an thành phố Tam Kỳ) cho hay, điều tra theo trình báo của gia đình ông Bảo về vụ trộm ngày 14/7, nhà chức trách đưa Tùng và Tấn vào diện nghi vấn. Bởi đây là hai thanh niên nghiện ma túy, từng gây ra nhiều vụ trộm. Khi xảy ra vụ mất trộm lần thứ hai tại nhà ông Bảo thì công an đủ chứng cứ để bắt Tùng và Tấn.

“Vụ việc đơn giản, công an không mất quá nhiều thời gian để điều tra. Đối với chúng tôi, đơn trình báo mất trộm nào của người dân cũng được giải quyết như nhau, gắng hết sức để tìm ra thủ phạm", trung tá Tuấn nói và khẳng định không có chuyện ưu tiên điều tra chỉ vì người bị mất trộm là giám đốc Sở.

Trao đổi với VnExpress, ông Lê Phước Hoài Bảo cho hay khi công an phá xong vụ án, là bị hại ông đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự với thủ phạm.

“Cơ quan điều tra hỏi có đề nghị bồi thường dân sự gì không nhưng tôi bảo không. Tôi đề nghị công an cảnh cáo răn đe, để họ không tái phạm”, ông Bảo nói.

Phía công an ghi nhận thiện chí của ông Bảo với hai nghi can nhưng cho hay với tội trộm cắp tài sản thì đây không phải là vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Vì thế, Tùng và Tấn phải bị xử lý hình sự. Hơn nữa, sau vụ án trộm 3 con chìm này, hai nghi can còn tiếp tục bị xử lý trong một số vụ án khác.

Theo một luật sư, Bộ Luật hình sự quy định, người nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, Tùng và Tấn có thể phải đối mặt mức án từ hai đến 7 năm tù do có tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức (hai người trở lên), tái phạm….

Với quyết định bổ nhiệm ngày 23/9/2015, ông Lê Phước Hoài Bảo trở thành Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trẻ nhất nước. Ông Bảo là con trai ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, năm 2010 đến 2012, ông Bảo được cử đi học thạc sĩ, chuyên ngành quản trị tài chính tại Mỹ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quyết tâm không còn là nô lệ nữa thì ta tự do (Charles A.O. Makmot)


Phạm Duy Hiển


Charles A.O. Makmot

Trần Quốc Việt dịch

..có nhiều kẻ trị dân bằng thủ đoạn chứ không phải bằng đạo lý chính nghĩa. Thử hỏi họ có khác gì hầu công trong truyện... khi người dân hiểu ra, thủ đoạn của họ chẳng còn dùng được nữa

Tôi và vài người bạn đang đọc đi đọc lại cuốn sách miễn phí tuyệt vời, Từ Độc tài Đến Dân chủ của Gene Sharp. Chương tôi thích nhất là chương ba có tựa đề “Quyền lực đến từ đâu?”. Trong chương này tác giả trích truyện ngụ ngôn Trung Hoa vào thế kỷ thứ mười bốn của Lưu Cơ :

Một ông lão ở nước Chu còn sống nhờ bắt khỉ phục vụ mình. Người nước Chu gọi ông là “hầu công”.

Mỗi buổi sáng, ông lão đều tập họp bọn khỉ lại ở ngoài sân, rồi ra lệnh cho con khỉ già nhất dẫn cả bọn lên núi hái trái cây. Theo luật mỗi con khỉ phải nộp một phần mười số trái cây hái được cho ông lão. Con nào không làm đúng như thế sẽ bị đánh bằng roi dã man. Tất cả những con khỉ đều khổ sở vô cùng, nhưng không dám than van.

Ngày nọ, một con khỉ nhỏ hỏi những con khỉ khác : “Có phải ông lão đã trồng tất cả các cây ăn trái này ?”

Những con này nói : “Không, chúng mọc tự nhiên”.

Con khỉ nhỏ hỏi thêm : “Vậy chúng ta có thể lấy trái cây mà chẳng cần xin phép ông lão ?”.

Những con này đáp : “Đúng, chúng ta ai lấy cũng được”.

Con khỉ nhỏ hỏi tiếp : “Như vậy, tại sao chúng ta nên lệ thuộc vào ông lão; tại sao tất cả chúng ta phải phục vụ lão ?”.

Con khỉ nhỏ chưa nói dứt lời thì tất cả những con khỉ khác bất ngờ ngộ ra và thức tỉnh.

Ngay tối hôm ấy, canh chừng thấy ông lão đã ngủ say, bọn khỉ phá hủy tất cả các rào chắn của trại đã giam cầm chúng, rồi phá hủy tan tành cả trại. Chúng cũng lấy tất cả trái cây ông lão cất trong kho đem vào rừng, và không bao giờ trở lại. Ông lão cuối cùng chết đói.

Gene Sharp chẳng do dự trích thêm lời bàn của Úc Ly Tử :

“Trên đời có nhiều kẻ trị dân bằng thủ đoạn chứ không phải bằng đạo lý chính nghĩa. Thử hỏi họ có khác gì hầu công trong truyện. Họ không biết mình dại. Vì một khi người dân hiểu ra, thủ đoạn của họ chẳng còn dùng được nữa”.

Câu hỏi xác đáng cho tôi và tôi tin cũng cho các bạn tôi những người yêu nước là : Quyền lực của người lãnh đạo của bất luận quốc gia nào xuất phát từ đâu ? Nếu chúng ta có thể hiểu thấu được cách thức quyền lực chính trị hoạt động này, chúng ta có thể vận dụng sự thấu hiểu ấy tốt hơn. Vì thế tôi muốn bàn đến vài điểm rất quan trọng mà Lưu Cơ đã ám chỉ trong ngụ ngôn rất hay của ông.

1. Ông lão còn sống nhờ bắt khỉ phục vụ mình

Truyện kể ông lão còn sống nhờ bắt khỉ phục vụ mình. Hãy lưu ý truyện không nói bọn khỉ còn sống nhờ phục vụ ông lão. Những con khỉ này có thể tự sống được như chúng đã tự sống được trong biết bao nhiêu năm trời trước khi ông lão đến bắt chúng phục vụ ông. Chắc hẳn lúc ấy ông còn trẻ khi chúng bắt đầu phục vụ ông rồi từ đấy cả một thế hệ khỉ ra đời chỉ biết phục vụ ông.

Ngày xưa chắc hẳn ông đã làm nên kỳ tích anh hùng là rào chiếm đất đai, hạ sát những loại thú ăn thịt khỉ cho nên những con khỉ cảm thấy có bổn phận phục vụ ông. Mặt khác, ông lão có thể đánh bại con khỉ đầu đàn và rồi đe dọa giết sạch tất cả các con khỉ còn lại. Như vậy, bọn khỉ có thể sợ quá phải khuất phục.

2. Mỗi buổi sáng, ông lão đều tập họp bọn khỉ lại ở ngoài sân, rồi ra lệnh cho con khỉ già nhất dẫn cả bọn lên núi…
Ông lão chọn ra những con khỉ cầm đầu dựa trên những phẩm chất biểu lộ nhưng ông cũng lưu tâm đến phong tục văn hóa của khỉ. Vì vậy con khỉ lớn tuổi nhất, có lẽ cũng mạnh nhất, được chọn làm con khỉ đầu đàn và trách nhiệm của nó là chỉ huy những con khác.

3. Theo luật mỗi con khỉ phải nộp một phần mười số trái cây hái được cho ông lão

Ai đặt ra luật này, tôi hỏi ? Tại sao một phần mười mà không một phần trăm? Những con khỉ mà trước khi ông lão xuất hiện đều tự do hái và ăn trái cây nhiều vô kể trong thiên nhiên có được hỏi ý kiến về luật này ? Tôi chắc chắn có nhiều con khỉ hỏi con khỉ đầu đàn những câu hỏi này. Tôi tự hỏi con khỉ đầu đàn trả lời chúng ra sao.

4. Con nào không làm đúng như thế sẽ bị đánh đập dã man


Tôi chợt nảy ra câu hỏi thú vị là : Làm thế nào ông lão tuy không đi vào rừng để đếm mỗi ngày mỗi con khỉ hái được bao nhiêu trái cây mà lại biết được con khỉ nào không nộp đủ 10%? Phải chăng, dưới sự chỉ dẫn của con khỉ đầu đàn, ông đã chỉ định vài con khỉ làm công việc “kiểm kê” vào lúc cuối ngày khi tất cả những con khỉ đi hái trái cây trở về? Phải chăng những con khỉ được giao việc kiểm kê không phải hái trái cây mà chúng còn được hưởng thành quả lao động của bạn mình ở một nơi đặc biệt mà ông lão đã dành riêng cho chúng? Phải chăng chúng đã chọn ra 10% trái cây nào ngon nhất và to nhất từ trong đống trái cây của bạn mình nên nhờ thế ăn ngon hơn những con khỉ khác rất nhiều. Bởi lẽ đàn khỉ chắc hẳn hái được rất nhiều trái cây cho nên những con khỉ làm công việc kiểm kê này tha hồ mà chọn lựa trái cây vì ông lão không ngừng ban cho chúng rất nhiều trái cây để bọn chúng luôn trung thành với ông.

Biết ông lão không phải lúc nào cũng ở gần bên và chắc tin tưởng chúng mà giao chìa khóa nhà kho, những con khỉ được hưởng đặc quyền này có thể ăn xén trái cây trong kho mà ông lão không biết ?

Phải chăng ông lão thực sự có thời gian và sức lực để đánh bọn khỉ bằng roi? Tôi nghĩ ông chọn những con khỉ khỏe nhất để thay ông đánh những con khỉ khác.

5. Tất cả những con khỉ đều khổ sở vô cùng, nhưng không dám than van

Lời khẳng định này thật thú vị và rất gợi mở bởi lẽ chắc hẳn có vài con khỉ được ban nhiều đặc quyền. Phải chăng nhiều con khỉ khổ sở nhưng vẫn tin tưởng cuộc sống của chúng dù sao cũng tốt hơn dưới sự bảo vệ của ông lão? Phải chăng ông hay đe dọa bọn khỉ là những loại thú ăn thịt chúng rồi sẽ quay trở lại đến mức chúng đành cam phận ? Phải chăng những con khỉ trẻ ra đời dưới sự thống trị của ông không thể nào liên hệ với quá khứ nên chỉ biết phục tùng theo? Hay những con khỉ lớn tuổi hơn, sau vài lớp học với ông lão về quá khứ kinh hoàng của chúng, chỉ truyền đạt lại những chuyện đáng sợ về những con khỉ bị hổ báo ăn thịt ?

Phải chăng chúng cố tình quên những câu chuyện về tự do? Khi chúng tự do đi lại khắp nơi trong rừng, khi chúng thích đâu ngủ đó ? Phải chăng có thể chúng làm như không biết sự thật là tất cả các luật lệ đều được tất cả các con khỉ tán thành ?

Tại sao, với tất cả những đau khổ này, chúng không dám than van ? Phải chăng vì than van bị cấm hay có thể bị trừng phạt với nhiều roi vọt hay còn tàn tệ hơn ?

6. Ngày nọ, một con khỉ nhỏ hỏi những con khỉ khác : “Có phải ông lão đã trồng tất cả các cây ăn trái này ?

Những con này nói : “Không, chúng mọc tự nhiên”. Con khỉ nhỏ hỏi thêm : “Vậy chúng ta có thể lấy trái cây mà chẳng cần xin phép ông lão ?”. Những con này đáp : “Đúng, chúng ta ai lấy cũng được”.

Những câu hỏi rất trọng tâm ! Những câu hỏi này không chỉ đi thẳng vào điểm then chốt của nỗi khổ đau của chúng mà những câu hỏi này còn được con khỉ nhỏ hỏi một cách rất thông minh. Con khỉ này chắc hẳn đã bị những con khỉ khác khỏe hơn làm việc cho ông lão bắt nạt nhiều nhất nhưng dẫu sao nó vẫn thương những con khỉ đồng loại. Nó ắt hẳn đã nghe mẹ kể những chuyện về thời tự do ngày xưa nên ao ước những ngày tự do ấy trở lại.

Khi chúng vào rừng hái trái, tôi đoán nó nhanh chóng tách ra khỏi đàn. Nó ắt hẳn đã tiếp xúc với những con khỉ chưa bao giờ chịu cảnh nô lệ. Nhưng thay vì xin tỵ nạn và ở lại với những con khỉ tự do ấy, nó chọn quay trở về với đàn và chia sẻ những câu chuyện này với những con khỉ bạn. Nó quyết chí tự học hỏi rất cần cù cách thức giải phóng đồng loại mình.

Nó càng ngày càng can trường hơn bất chấp bao hăm dọa và răn đe của con khỉ đầu đàn và những con khỉ khác nịnh hót ông lão. Vào ngày nó hỏi câu hỏi ấy, nó tự nhiên trở thành thủ lãnh của đàn khỉ.

Lời đáp cho những câu hỏi này ắt hẳn phải là kết quả của nhiều lần huấn luyện mà nó đã hướng dẫn cho một số con khỉ được tuyển chọn để dạy chúng rằng chúng có thể tự do và cũng chỉ cho chúng thấy trái cây thực ra là quyền của tất cả con khỉ.

Tại sao lại phải hỏi ? Vì lời giải cho cuộc đấu tranh đầy thử thách của chúng đã luôn luôn có sẳn ở trong lòng chúng ! Hãy lưu ý là những câu hỏi của con khỉ nhỏ cũng diễn ra theo từng giai đoạn và ắt hẳn trước đấy những câu hỏi này ban đầu đã được đặt ra cho một nhóm nhỏ những con khỉ nhỏ. Khi số lượng thành viên nòng cốt tăng lên với những con khỉ càng biết nhiều hơn và khôn ngoan hơn thì chính tự do đã luôn luôn có sẳn ở trong lòng chúng bắt đầu thể hiện !

7. Con khỉ nhỏ hỏi tiếp : “Như vậy, tại sao chúng ta nên lệ thuộc vào ông lão ? Tại sao tất cả chúng ta phải phục vụ lão?”

Sau khi cuộc mưu tìm tự do của tất cả con khỉ đã chín muồi, con khỉ nhỏ nhưng khôn ngoan hỏi câu hỏi sinh tử mà phá tan xiềng xích gông cùm đang giam hãm chúng !

8. Con khỉ nhỏ chưa nói dứt lời thì tất cả những con khỉ khác bất ngờ ngộ ra và thức tỉnh
Thật là ngày tuyệt vời khi tất cả những con khỉ bao gồm con khỉ đầu đàn, các con khỉ thi hành luật một phần mười và những con khỉ đánh roi trừng phạt thảy đều trở nên thấu hiểu và nhận thức tất cả chúng đều đang ở trong nhà tù. Con khỉ đầu đàn và lũ khỉ nịnh nọt chắc xấu hổ và ân hận biết bao !

Tuy nhiên chúng mau chóng tha thứ cho nhau và nghĩ ra kế hoạch.

9. Ngay tối hôm ấy…
Tại sao vào chính ngay đêm ấy ? Vì không có con khỉ nào, sau khi khám phá mình có thể tự do, lại muốn ở tù thêm dù chỉ một ngày. Tự do trở thành nhu cầu khẩn thiết và cấp bách mà chẳng có gì ngăn chặn được.

10. …canh chừng thấy ông lão đã ngủ say

Tại sao giữa đêm khuya vắng lặng ? Tại sao không giữa ban ngày để chúng có thể nhìn rõ ràng hơn cái gì chúng cần phải phá hủy ? Và tại sao chờ ông lão ngủ say ? Tại sao, chúng đánh lúc ông lão dể bị tổn thương nhất ?

11. Bọn khỉ phá hủy tất cả các rào chắn của trại đã giam cầm chúng, rồi phá hủy tan tành cả trại
Tại sao lại phá hủy tất cả các rào chắn của trại giam nếu chúng không dự định trở lại ? Vì những ai đã thoát được sẽ không muốn những kẻ khác phải trải qua cảnh nô lệ như mình ! Ông lão biết đâu có thể lại đi bắt bầy khỉ mới về phục vụ ông ?

Chúng phá tan tành cả trại. Chúng không để lại dấu vết nào của cuộc đời nô lệ của chúng trước đây.

11. Chúng cũng lấy tất cả trái cây ông lão cất trong kho…
Tại sao không để lại cho ông một ít trái cây ông có ở trong kho ? Vì trước tiên tất cả trái cây đều thuộc về chúng cho nên chúng phải lấy lại. Bất công đã gây ra phải được sửa sai.

12. đem vào rừng…
Tại sao không đuổi ông lão đi và ở lại trong nhà ông, qua đấy chế nhạo ký ức tàn ác của ông ? Chính là vì lý do chúng hành động không phải vì căm thù mà vì công lý. Chúng cũng không muốn chính cách đối xử tàn ác như thế có chỗ để lại trỗi dậy lần nữa. Chúng ra đi bỏ lại đằng sau tất cả mọi thứ.

13. ...và không bao giờ trở lại
Chúng đã hoàn toàn từ bỏ trong tâm hồn và thể chất cách đối xử độc đoán mà chúng đã chịu đựng và sẽ không bao giờ trở lại với tình cảnh ấy.

14. Ông lão cuối cùng chết đói.
Điều thú vị là chúng để cho ông lão sống. Ông đã già rồi, chúng có thể giết ông lão để thỏa mãn sự trả thù nhưng thay vì thế chúng quyết định từ chối cho ông chính điều mà giúp ông còn sống. Đó là sự phục vụ, phục tùng, và trung thành của chúng.

Ông lão chỉ còn lại một số phận duy nhất. Chết đói.

“Trên đời có nhiều kẻ trị dân bằng thủ đoạn chứ không phải bằng đạo lý chính nghĩa. Thử hỏi họ có khác gì hầu công trong truyện. Họ không biết mình dại. Vì một khi người dân hiểu ra, thủ đoạn của họ chẳng còn dùng được nữa”.

Vậy, quyền lực đến từ đâu ?
Phần nhận xét hiển thị trên trang