Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Ba bậc đàn anh, một tấm gương lớn


Người Đô Thị - Khuôn mặt Sài Gòn trong y nghiệp của tôi là nhân diện của những bậc đàn anh đến từ mọi vùng miền của đất nước. Qua đó, tôi thấy lại một nền y khoa nhân bản, đầy lòng trắc ẩn và hoàn toàn vắng mặt những lời tung hô, xưng tụng hay những khẩu hiệu ngoa ngôn sáo rỗng.

1. Ông là sĩ quan quân y cao cấp của chế độ cũ, giám đốc một tổng Y viện lớn bậc nhất miền Trung. Sau 1975, khi đi cải tạo về, ông được “lưu dung” làm tại một bệnh viện lớn của Sài Gòn. Với khả năng chuyên môn giỏi giang, ông được đề bạt làm trưởng khoa một khoa bệnh nặng và khó.

Là người Bắc di cư, ông lịch lãm, điềm đạm. Nhưng dưới con mắt của một chú sinh viên năm cuối, ấn tượng về ông không chỉ có thế. Trong một góc của khoa bệnh do ông phụ trách, có căn phòng nhỏ, là nơi trú ngụ nhiều năm của một thanh niên bị chứng bệnh nặng, hôn mê dầm dề không biết chừng nào hồi tỉnh. Cám cảnh nhà đơn chiếc, ông sắp xếp cho cô chị chừng 20 tuổi của người bệnh thập tử nhất sinh này được đem chiếc máy may cũ kỹ vào bệnh viện để vừa may vá lạch xạch kiếm tiền độ nhật, vừa chăm sóc đứa em trai xấu số.

Một lần, ông nói với bọn sinh viên lộc ngộc chúng tôi: “Lấy vợ thì để anh giới thiệu cho cô bé ấy. Nhìn cách cô ấy chăm em, anh biết đó là một hiền thê”. Nhìn cách ông nói nghiêm túc, tôi biết con người nhân hậu ấy không đùa cợt. Ông đã che chở, cưu mang cho chị em nhà ấy như một “bố già” tốt bụng, chu đáo và ân cần như một người mẹ.

2. Ông cũng là bác sĩ quân y được “lưu dung” sau thời gian cải tạo. Khắc khổ với mái tóc hoa râm, nhưng luôn ăn mặc chỉn chu, thanh lịch. Đi làm bằng Piaggio và là chủ nhân của một phòng mạch rất đông khách. Ông dạy chúng tôi nhiệt tình, truyền hết những hiểu biết rất uyên bác của ông về một chuyên ngành khó.

Sau một buổi trình bệnh án, ông đốt điếu thuốc, trầm ngâm nói khẽ: “Tôi nhớ lại khi bằng tuổi các em, vừa mới ra trường, hiếu thắng vô cùng. Tôi kê toa vô tội vạ, rất nhiều thứ thuốc mắc tiền. Giờ này nghĩ lại, không biết bao nhiêu người nghèo đã phá sản, bán hết ruộng vườn, ly tán… vì những toa thuốc đắt tiền của mình hồi đó”?

Chỉ trong phút chốc, con người hào hoa ấy già sọm hẳn đi, như thể gánh nặng của cả một đời hành nghề đang đè nặng trên vai.

3. Một đàn anh lập dị, thoạt nhìn có vẻ ngông nghênh, ít được đồng nghiệp gần gũi. Từ miền Bắc vào sau 1975, anh là trưởng khoa của một bệnh viện lớn.

Lúc ấy có một đàn anh khác bị bệnh thập tử nhất sinh, cần máy thở để hỗ trợ hô hấp. Ngặt nỗi thời ấy máy thở là của hiếm và đang bị một bệnh nhân VIP chiếm dụng. Bệnh của VIP này thì giới trong nghề coi như đã “xong”, chỉ chờ ngày lành tháng tốt rút máy thở là tivi phát ngay cáo phó. Vị trưởng khoa nhà ta thấy cảnh bất bằng, quát thật to trong buổi giao ban: “Các anh dành máy thở cho một cái xác khô, trong khi đồng nghiệp mình đang thoi thóp tìm sự sống, các anh coi thế mà được à?”. Anh nhất quyết giành cho bằng được chiếc máy thở đó cho bệnh nhân - đồng nghiệp còn hy vọng sống sót, từ một người bệnh coi như cầm chắc cái chết. Dù người ấy là VIP! Nói cho cùng, trước bệnh tật, người bệnh nào cũng như nhau cả thôi.
***

Đừng bao giờ hỏi tôi tên họ của ba con người này. Vì họ chưa bao giờ xuất hiện trên tivi, báo chí để rao giảng về y đức. Họ cũng chưa bao giờ mở miệng răn dạy bọn đàn em chúng tôi lấy nửa câu về nghĩa vụ luận y khoa. Thậm chí, họ còn... văng tục khi bị triệu đi họp về công tác triển khai y đức gì gì đó… Nhưng đã hơn 20 năm, họ là hình tượng đẹp đẽ trong ký ức. Bằng lòng nhân hậu, mẫn cảm với những số phận không may. Bằng sự trung thực, luôn tự vấn lương tâm nghề nghiệp. Và bằng cơn “thánh nộ” rất đáng kính trọng trong một cơ chế chằng chịt thời ấy.

Nhớ lại họ, những bậc đàn anh rất đáng kính của y khoa Sài Gòn, để tự răn mình trong dòng chảy của một nền y khoa đổ nát hôm nay. Và để thấy y nghiệp của mình là nhỏ bé vô cùng!

ThS.BS Lê Đình Phương, trưởng phòng khám đa khoa bệnh viện FV Saigon.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Còn một lần nữa không?

Nguyễn Bách

Bức Tường Ô Nhục
Bức Tường Ô Nhục
Cách đây một năm, Tết Giáp Ngọ, bài này đã được đăng trong một tạp chí trong nước. Vì lý do dễ hiểu, bài bị cắt bỏ nhiều đoạn. Sau một năm, tình hình đất nước có thay đổi, nội dung của bài phù hợp hơn bao giờ hết. Sau đây là nguyên văn bài viết
Năm 1986 là một năm đáng nhớ trong đời tôi.
Một ngày nọ trong mùa thu 1986 bọn chúng tôi sáu người được Hội người Việt Nam tại Đức cử về nước để “điều trần” về tình hình thế giới, góp ý với Đại hội Đảng lần thứ sáu.
Đó là thời điểm mà các nước theo chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi. Tại Ba Lan tháng 9.1980 công đoàn Đoàn kết thành hình và ngày càng phát huy ảnh hưởng. 1984 khắp nơi tại Ba Lan biểu tình lan rộng. Tại Hungary năm 1980 kinh tế thị trường bắt đầu được áp dụng, năm 1982 họ gia nhập Quỹ tiền tệ quốc tế IWF và ngân hàng thế giới.
Tại CHDC Đức từ giữa những năm 80, đảng cầm quyền đã phải nhượng bộ thành phần đối lập. Cũng giữa những năm 80 Gorbachev thực hiện đổi mới Glasnost và Perestroika. Tháng 3.1985 Gorbachev tuyên bố mỗi nước trong khối Warsaw được quyền theo đường lối riêng. Từ đó học thuyết được mệnh danh Sinatra thay thế học thuyết Brezhnev, vốn được dựng lên từ 1968, sau khi Liên Xô đập tan mùa xuân Praha của Tiệp Khắc.
Những ai theo dõi thời cuộc đều hiểu là một khi Liên Xô tuyên bố đường ai nấy đi thì đó là dấu hiệu tan rã của khối Đông Âu. Điều đó cho thấy chủ nghĩa xã hội kiểu Đông Âu đã chứng tỏ sự phá sản của mình.
Tôi chuẩn bị về Hà Nội và nhớ đến CHDC Đức của những năm qua. Đây là quốc gia hùng mạnh nhất của khối Đông Âu, có tiềm lực khá nhất về kỹ thuật và kinh tế so với các nước khác, kể cả với Liên Xô hồi đó. CHDC Đức tiếp giáp với Tây Đức, về mặt địa lý lại chứa cả Tây Berlin nằm lọt thỏm trong lòng nó, nên CHDC Đức chính là “tiền đồn” số một của phe xã hội chủ nghĩa. Chính vì lẽ đó mà Đông Đức càng cẩn mật hơn đối với mọi ảnh hưởng của phe Tây phương.
Tôi càng nhớ hơn những ấn tượng của mình tại Đông Đức trong năm 1970. Đó là năm mà bọn sinh viên trẻ chúng tôi, mà chỉ là người nước ngoài, người Đức không được tham dự, được đặc cách cho đi thăm CHDC Đức một ngày, buổi tối không được ở lại, phải trở về Tây Berlin. Chuyến xe bus chạy trên những hành lang đã định sẵn từ Tây Đức đến Tây Berlin, xuyên qua địa phận Đông Đức, trên những xa lộ cách ly với phố xá làng mạc. Thỉnh thoảng xe dừng lại để sinh viên Tây Đức, với chút ngoại tệ “mạnh” ít ỏi trong túi, được mua cà-phê thuốc lá trong các cửa hàng Intershop. Họ cần ngoại tệ mạnh và đó là lý do mà chúng tôi được đi thăm. Qua biên giới ngồi trên xe tôi thấy rõ công an Đông Đức dùng những chiếc gương lớn có bánh xe, đẩy vào gầm xe xem có công dân nào của họ trốn dưới đó không.
Từ Tây Berlin chúng tôi đến Checkpoint Charlie, đó là cửa biên giới giữa hai phần của thành phố Đông Tây Berlin. Khách hồi hộp đi qua những hành lang hẹp, quanh co dưới cặp mắt dò xét của công an mật vụ Đông Đức. Mỗi khách phải đổi 20 Mark, tiền Đông Đức, một ăn một, nghe là để mua sắm, nhưng thực tế là trả tiền vào cửa với ngoại tệ mạnh.
Sau vài góc đường kể từ trạm kiểm soát, lạ thay có một thanh niên tìm tôi hỏi chuyện. Anh hỏi tôi có dư chiếc quần jean nào muốn bán lại cho anh. Tôi trố mắt lắc đầu. Anh lại đề nghị tôi cùng đi đến Intershop mua hàng với ngoại tệ mạnh, tiền anh đưa, công dân như anh không được mua hàng Intershop. Tôi cũng lắc đầu nốt. Vô cùng ngạc nhiên tôi tự hỏi, con người mới xã hội chủ nghĩa mà như thế này ư, nhất là trong một xứ ưu việt nhất của khối Đông Âu.
Trong ngày hôm đó của năm 1970 tôi lại nhớ lại một kỷ niệm xưa. Trước đó chục năm, khoảng 1960, tôi chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi sống trong thành thị miền nam thời còn hòa bình. Ngày nọ tôi được theo người lớn ra bến sông Bến Hải, đến cầu Hiền Lương nhìn qua bờ bắc. Vĩ tuyến 17 là đây, sông Hiền Lương nước chảy chầm chậm. Tôi bâng khuâng nhìn qua, bên kia là đồng bào của tôi hay sao. Xa xa ta thấy rõ trẻ con người lớn đi lại, có người đi xe đạp. Nhưng đập vào mắt tôi là một hàng chữ thật to, dành cho người nhìn từ bờ nam. “Hai miền, hai chế độ”. Dù là đứa trẻ, tôi biết ngạc nhiên thấy câu khẩu hiệu có vẻ “hiền”, không khiêu khích, không tuyên truyền như tôi tưởng.
Trên cao ở hai bờ là hai lá cờ, một vàng một đỏ. Lạ thay chiếc cờ vàng rủ xuống như khăn tang. Còn lá cờ đỏ bên kia, không rõ được làm bằng thứ vải gì mà trời ít gió vẫn bay phất phới. Điềm lành điềm dữ gì đây?
Chiếc cầu Hiền Lương khung sắt mặt gỗ chỉ là một chiếc cầu nhỏ như trăm vạn chiếc cầu trên quốc lộ 1, tôi nhìn và nghĩ đời mình sẽ không bao giờ đi trên cầu đó. Thế nhưng hồi đó vẫn có người qua lại, vì khi tôi vào văn phòng quân đội miền nam đã có một người đội nón cối, miệng hút thuốc ngồi đó. Ông mang “bưu thiếp” từ bên kia qua, khuôn mặt bất động nhìn chúng tôi. Trong bọn chúng tôi có một đứa mũi hơi cao, da hơi sáng. Ông thốt lên “cháu này lai Mỹ”. Câu nói đầu tiên và duy nhất của ông đã trật lất.
Chục năm sau tại Đức tôi đang nếm mùi của “hai miền hai chế độ”. Nhưng hôm nay tôi được băng qua biên giới, đi thăm miền đất của con người mới xã hội chủ nghĩa. Ở đây chưa ai nhìn tôi với cặp mặt khinh thị, ngược lại có kẻ chạy theo xin hỏi mua chiếc quần jean.
Suốt chục năm sau tôi không trở lại Đông Đức, nhưng vẫn nghe người dân ở đó vẫn tìm mọi cách vượt biên qua Tây Đức, bất kể hiểm nguy cho bản thân và hệ lụy cho người ở lại. Thế nhưng với lực lượng công an cảnh sát mà tôi từng tận mắt trông thấy, tôi nghĩ Đông Đức sẽ trường tồn thiên thu bất diệt. Tấm gương mùa xuân Praha 1968 vẫn còn nóng hổi. Thậm chí tôi còn lo ngại một ngày xấu trời nào đó, bộ đội Đông Đức sẽ tràn ngập Tây Berlin vì thành phố này nằm như một hòn đảo phồn vinh giữa một vũng lầy nghẹt thở.
Thế mà chỉ hơn 15 năm sau kể từ lần viếng Đông Đức, tôi cùng phái đoàn ngồi máy bay về Hà Nội, sẽ gặp lãnh đạo Đảng và Nhà Nước để “báo cáo về tình hình thế giới và phong trào”. ”Báo cáo” ở đây phải gọi là “báo động” thì đúng hơn vì thông điệp của chúng tôi cho các vị lãnh đạo là hãy thay đổi, trên thế giới đang rục rịch thay đổi.
Trong một buổi sáng nắng hoe vàng như màu nắng thường thấy ở miền bắc trong mùa thu, chúng tôi đến văn phòng Trung Ương Đảng, vào trong một gian phòng nghiêm trang, ngồi vào một chiếc bàn rất rộng. Người “làm việc” với chúng tôi không ai khác hơn là ông Nguyễn Văn Linh, về sau là Tổng Bí thư. Các nhân vật khác cùng có mặt là các ông Đào Duy Tùng và Hoàng Bích Sơn. Các vị lắng nghe chúng tôi một cách nghiêm túc. Tôi bất ngờ cảm nhận lòng cởi mở thân tình của các vị quan chức cấp cao nhất. Họ không có vẻ gì ngạc nhiên khi nghe tình hình các nước Đông Âu đang chao đảo. Họ để cho chúng tôi nói hết, không tỏ chút gì khó chịu khi nói nghe nói đến khuyết tật cố hữu của một nền kinh tế kế hoạch.
Ngồi đây tại Hà Nội tôi không khỏi nhớ lại đời mình. Từ một đứa trẻ đứng ngẩn ngơ bên cầu Hiền Lương và nghĩ đời mình sẽ không bao giờ qua bờ bắc, tôi đã đi một vòng lớn của cuộc đời. Số phận cho tôi đến học tập ở Đức, cũng một nơi được gọi là “hai miền hai chế độ” như nước mình. Rồi tôi cũng từng băng hàng rào sắt qua bên đó và chứng kiến chớp nhoáng cách làm ăn cò con của thời bao cấp. Nay tôi lại ngồi đây, trong một quê hương thống nhất, tại trung tâm quyền lực của cả nước và “làm việc” với Tổng Bí thư.
Thế nhưng nói thật lòng, ngay hồi đó tôi đã không có chút ảo tưởng nào. Làm sao mà các vị đó tin nghe mình, chấp nhận kiến nghị của dăm ba Việt kiều non nớt và đáng ngờ được. Những người mà họ tin nghe phải là những người khác mà chúng tôi không bao giờ gặp. Tiếng nói của chúng tôi chỉ điểm trang cho vui trong một hoàn cảnh cần chút màu sắc khác lạ. Vòng đời từ cầu Hiền Lương, gặp ông cán bộ đưa thư, đến Tây Đức, rồi lạc một ngày qua bên Đông để rồi hôm nay về lại tổ quốc, ngồi đối diện với Tổng Bí thư chỉ là một trò đùa hóm hỉnh của số phận hay đi lang thang của tôi.
Sau đó Đại hội VI diễn ra trong tháng 12.1986 với nhiều thay đổi thực. Lãnh đạo Việt Nam từ bỏ con đường bao cấp, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Tôi hoàn toàn không nghĩ đó là nhờ “công” góp ý của chúng tôi mà chủ trương này đã định hình một cách bắt buộc trong bối cảnh ảm đạm của nước Đông Âu. Thế nhưng so với cũ, đây là một công cuộc đổi mới vô cùng quyết liệt và mang lại thành quả to lớn.
Tháng 11 năm 1989 một biến cố long trời xảy ra tại Đức. Bức tường Berlin sụp đổ. Tôi ngồi xem hàng đoàn người hân hoan đi qua Checkpoint Charlie, nơi mà gần 20 năm trước chúng tôi phải chầm chậm đi về trong ngày, giữa những con mắt xoi mói. Tôi sởn da gà khi nhớ rằng, lịch sử ngàn năm sẽ nhớ lại cảnh này, cảnh một dân tộc thống nhất không cần tốn một viên đạn. Cầu Hiền Lương của họ đã mở cửa và người ta đi chiều ngược lại.
Ngày Giải Phóng
Ngày Giải Phóng
Hè năm 2012 chúng tôi trở về Checkpoint Charlie. Đường Friedrich không còn chập chùng đồn bót, nay rộng rãi thông suốt. Gần đó là một quán ăn Việt Nam đông khách, phục vụ trẻ măng. Đồng bào tôi đây, không hề ít tại nước Đức kỳ lạ này. Xung quanh trạm biên giới cũ, ta còn thấy hình ảnh xưa, nền móng cũ, ngày đó nơi đây một thuở… Quanh tôi là khách du lịch còn trẻ, người nước ngoài khá nhiều. Họ có biết chăng có người cảm khái nhớ đời mình và vận nước non của 40 năm qua.
Sau lần gặp Tổng Bí thư tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ gặp quan chức cấp cao nữa. Thế nhưng cũng có một ngày đặc biệt trong đầu những năm 90. Tại sân bay Bangkok, trên xe bus từ máy bay vào nhà ga, tôi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông lên xe trước tôi, lúc đó còn rất khỏe mạnh. Tôi đến gần ông, trân trọng hỏi thăm “Thưa Cụ, có phải Cụ là Cụ Võ Nguyên Giáp?”. Ông không trả lời, cũng không nhìn tôi, làm như không nghe thấy. Khuôn mặt ông bất động còn hơn ông cán bộ đưa thư ngày nọ. Tôi ngẩn ngơ, tự hỏi phải chăng mình nhìn lầm. Xuống xe tôi đi nhanh vào sảnh. Ở đó đã có vài ba người đứng đón, có chị mặc áo dài, với vòng hoa và bảng đề “Nhiệt liệt chào mừng…”.
Tôi thưa không thấy trả lời. Trong nước ông là vị tướng từng oanh liệt đánh thắng giặc Pháp. Ra ngoài ông đề phòng những ai nói tiếng Việt.
Kể từ đó tôi không còn gặp quan chức cấp cao, thật lòng tôi cũng không muốn. Nhưng cấp thấp thì nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp gỡ chuyện trò với họ, thậm chí chơi chung thể thao. Thỉnh thoảng khơi chuyện “bao cấp” ngày xưa thì y như rằng, ai cũng có chuyện để kể, từ anh lái xe đến ông thủ trưởng. Sức sống dân tộc to lớn thay. Thực vậy, chỉ bỏ ngăn sống cấm chợ và cho nước ngoài đầu tư mà nước ta đã tiến triển một cách ngoạn mục từ 1986 đến nay.
Nhưng rủi thay tiến trình của xã hội luôn luôn thay đổi và đòi hỏi phải có sự đổi mới. Qua năm thứ 14của thế kỷ mới, Việt Nam đã bộc lộ tất cả khuyết tật của hệ thống. Kinh tế suy thoái, tham nhũng lan tràn, các giá trị văn hóa xã hội bị sa sút trầm trọng, điều đó đã quá nhiều sách báo nói đến. Tình hình ngày nay bức xúc hơn 1986, đó là điều tôi nhận xét. Nếu không thay đổi một cách tầm cỡ như 1986 đất nước sẽ đi về đâu?
Xét lại lịch sử, Việt Nam chỉ thay đổi khi quốc tế thay đổi. Sự chấm dứt thế chiến thứ hai là cơ hội cho Đảng lãnh đạo nắm chính quyền. Sự đổi xác năm 1986 là kết quả cuộc phá sản của các nước Đông Âu. Thế thì phải chăng Việt Nam phải đợi một biến cố tầm cỡ trên quốc tế? Tôi không biết.
Tại Đức thì sau 24 năm thống nhất, nước Đức đã đưa Đông Đức lên ngang tầm phát triển của phía Tây, đó là tin vui của họ trong mùa thu 2013. Hiện tượng người bỏ sang Tây để kiếm việc đã chấm dứt. Người Đức cũng không phải thánh thiện gì, chính trị gia của họ cũng đầy khuyết tật, cũng ôm ấp những ý đồ riêng tư và ích kỷ. Nhưng điểm ưu việt của Đức là họ quyết lòng theo một xã hội pháp quyền, tất cả phải được điều hành bằng luật pháp. Việc cựu Tổng thống của họ hiện nay phải hầu tòa vì tội lạm dụng quyền thế về một số tiền chưa đầy 1000 USD, một số tiền nực cười, đối với quan chức Việt Nam hiện nay hoàn toàn không lớn, cho thấy luật pháp của Đức triệt để như thế nào.
Tôi không nghĩ mình sẽ còn có cơ hội “điều trần” gì với ai tại Việt Nam nữa. Nhưng dân tộc Việt Nam phải được một lần hỏi ý kiến. Đã đến lúc rồi, người Việt Nam phải ngồi với nhau xem thử nên điều hành đất nước theo phương cách nào. Năm 1986 đã từng có một cuộc đổi thay quyết liệt.
Có còn một lần nữa không?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TỨ TOÀN - BẤT KHẢ THI


Ông Tập Cận Bình và tấm áp phích quảng cáo về Giấc Mộng Trung Hoa - Ảnh của AFP.


Từ lý thuyết Tam Cương của Khổng Khâu, mấy ngàn năn trước Trung Hoa đã được thống nhất 2 lần: Nhà Hán và nhà Tần. Nền Cộng hòa non trẻ được Tôn Dật Tiên đặt nền móng sau khi hạ bệ hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, khi mà đất nước Trung Hoa bị chia cắt do phương Tây. 

Lần thứ 3 Trung Hoa được thống nhất trở lại gần đây 1949, là do Mao. Nhưng Mao đã phá hủy nền Cộng hòa non trẻ mà Tôn Dật Tiên đã xây dựng sau khi hạ bệ nhà Thanh, để mang Trung Hoa trở lại chế độ phong kiến xưa, cũ dưới hình thức , mang màu sắc Trung Hoa.

Hoàn cảnh chính trị Trung Hoa hiện nay cũng giống như Pháp vào thế kỷ XVIII, khi Nã Phá Luân kéo nước Pháp trở lại nền quân chủ chuyên chế sau khi nền Cộng hòa non trẻ ra đời năm 1789.

Quy luật của triết học đã khẳng định: "kinh tế quyết định chính trị, và chính trị sẽ tác động đến kinh tế. Một nền chính trị đơn nguyên tập quyền như Trung Hoa chỉ là chiếc áo chật khoát trên mình của một gả khổng lồ về kinh tế. 

Vì thế cho nên cách đây 2 năm ông Lý Khắc Cường - thủ tướng Trung Hoa đã đưa ra Chiến lược kinh tế - Likonomics. Likonomics gồm 3 mục tiêu - Không kích thích kinh tế - No stimulus; Giảm nợ - Deleveraging; và Cải cách cơ cấu - Structural Reform. 

Theo tổng kết của World Bank năm 2013 nợ công của Trung Hoa chiếm 121% GDP, nhưng hết 2014, thì khối nợ công này tăng thêm hơn gấp đôi tương đương với 282% GDP Trung Hoa. 

Từ thời loài người có mặt trên trái đất, và biết sống thành cộng đồng đến nay, các hình thái chính trị xã hội loài người thi nhau ra đời. Từ đơn nguyên tập quyền, đến đa nguyên tập quyền, rồi đa nguyên tản quyền, chưa có hình thái xã hội nào tiêu diệt được tham nhũng cường quyền, mà chỉ có đa nguyên nta3n quyền làm giảm thiểu tối đa tham nhũng cường quyền mà thôi.

Nền chính trị đơn nguyên tập quyền là mảnh đất màu mỡ nhất để nuôi dưỡng tham nhũng cường quyền. Theo Business Insider, chỉ trong 2 năm đả hổ diệt ruồi của ông Tập Cận Bình đã làm cho các quan tham tuồn ra khỏi Trung Hoa đến 1250 tỷ đô la để tìm quê hương mới.

Với những con số trên, sau 2 năm hoạt động Likonomics xem như phá sản, không thể kéo kinh tế Trung Hoa đang đi xuống chưa thấy đáy như tôi đã tiên liệu 2 năm trước trong bài Likonomic tiến thoái lưỡng nan.

Trung Hoa đang chuẩn bị cuộc họp quốc hội để đưa ra chính sách và pháp luật mới cho thời kỳ mới, trong lúc kinh tế lẫn chính trị Trung Hoa đang rối ren. Cách đây 3 hôm, ngày 25/02/2015, Nhân dân nhật báo Trung Hoa giới thiệu một bài xã luận trên trang nhất 2000 chữ, về chiến lược chính trị của ông Tập Cận Bình - Tứ Toàn: Four Comprehensives - nhằm nâng đở kinh tế đang trên đà thất bại của Chiến lược kinh tế của thủ tướng Lý Khắc Cường. 

Tứ toàn là gì? Nó có nghĩa là bốn cải cách toàn diện về kinh tế chính trị để nhằm khôi phục kinh tế Trung Hoa. Bốn toàn diện đó là: Xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện; Cải cách sâu sắc toàn diện; Quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện; Quản lý đảng nghiêm ngặt toàn diện, nhằm thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa" như lời ông Tập khi đọc diễn văn nhậm chức.

Tất cả những cái gọi là Tứ Toàn của ông Tập đều là những câu khẩu hiệu có tính tuyên truyền hơn là hiện thực. Còn nhớ cách đây gần 20 năm, khi ông cựu thủ tướng Chu Dung Cơ đã từng tuyên bố, nếu chủ tịch Giang Trạch Dân tham nhũng thì ông cũng bắt bỏi tù. Nhưng ông Chu Dung Cơ cũng chỉ ngồi ghế hành pháp của mình chỉ đúng một nhiệm kỳ từ 1998 đến 2003, là về vườn, giờ chỉ ngồi làm thơ dạy đời nói bóng gió.

Gần đây lại có thông tin các tham quan đang đoàn kết lại, đặt mua súng trường bắn tỉa để thủ tiêu ông Tập. Vấn đề thủ tiêu ông Tập không phải là dễ dàng. Nó cũng giống như chuyện ông Tập không thể diệt được tham nhũng ở một nền chính trị đơn nguyên tập quyền.

Không thể có một nền tư pháp đúng nghĩa trong một nền chính trị đơn nguyên tập quyền, vì không thể có tam quyền phân lập, nên cái tam toàn của ông Tập - Quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện - là hoàn toàn phá sản khi nó vừa thoát ra khỏi cửa miệng của ông. Chỉ mới đây thôi, ngày 26/02/2015, Tân Hoa Xã đã đưa tin Tòa án nhân dân tối cao Trung Hoa khuyến cáo các nhà tư pháp cao cấp Trung Hoa hãy tránh xa mô hình tư pháp độc lập, thì làm gì có pháp luật ở Trung Hoa?

Cái tứ toàn - Quản lý đảng nghiêm ngặt toàn diện - cũng phá sản khi chưa ráo mực 2000 chữ trên tờ Nhân dân nhật báo Tring Hoa, khi quyền quản lý ấy lại thuộc về đảng cầm quyền. Hay nói cách khác chính đảng cộng sản ở Trung Hoa là đảng độc nhất nắm mọi quyền quản lý và cái trị thì lấy cái gì để quản lý lại đảng cộng sản ở Trung Hoa?

Nhất toàn - Xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện - chỉ là ý tưởng của ông Hồ Cẩm Đào, xã hội văn minh hài hòa. Điều này thì có thể, nhưng cũng chỉ như hiện nay. Nó chỉ dành cho tham quan và chính khách, người dân Trung Hoa không thể có quyền sống, đừng nói đến quyền mưu cầu hạnh phúc.

Nhị tòan - Cải cách toàn diện sâu sắc - chẳng khác nào là một câu chém gió của thế giới ảo internet. Cải cách cái gì, nếu không là đa nguyên tản quyền cho nền chính trị Trung Hoa? Từ 1949 đến nay, nền chính trị Trung Hoa vẫn là đa nguyên, nhưng giả hiệu, vì các đảng phái khác chỉ để làm kiểng, và cũng do đảng viên cộng sản ở Trung Hoa nắm và hoạt động theo cương lĩnh và nghị quyết của đảng cộng sản.

Tóm lại, tứ toàn của Tập Cận Bình bất khả thi, nếu Trung Hoa không chuyển mô hình chính trị từ đơn nguyên tập quyền sang đa nguyên tản quyền.

Asia Clinic, 15h47' ngày thứ Bảy, 28/02/2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Người tài sợ nổi tiếng


Nhà toán học Grigory Perelman.

Grigory Perelman, nhà toán học người Nga từng từ chối giải thưởng một triệu USD, tuyên bố ông biết cách kiểm soát cả vũ trụ nên chẳng cần tới tiền.
Vào tháng 3/2010, Viện Toán học Clay (CMI) tại Mỹ thông báo họ sẽ trao khoản tiền thưởng trị giá một triệu USD cho Grigory Perelman, nhà toán học Nga, do ông chứng minh được giả thuyết Poincaré, một trong bảy vấn đề toán học quan trọng nhất trong thiên niên kỷ thứ hai chưa được làm sáng tỏ.

Nhưng Perelman, hiện thất nghiệp và sống cùng mẹ trong một căn hộ nhỏ ở thành phố St Petersburg, từ chối nhận giải thưởng. Lý do mà ông đưa ra là CMI phớt lờ nỗ lực của Richard Hamilton, một nhà toán học khác, trong quá trình chứng minh giả thuyết Poincaré. Tuy nhiên, một bộ phận dư luận không tin đây là lý do khiến ông từ chối giải thưởng
Nhật báo Komsomolskaya Pravda của Nga cho biết, tiến sĩ Perelman đã trò chuyện với một nhà sản xuất phim có tên Alexander Zabrovsky vào cuối tháng 4. Vì Zabrovsky sắp sản xuất một phim tài liệu về các nhà toán học xuất sắc nhất thế giới nên Perelman đồng ý trả lời những câu hỏi phỏng vấn của ông. Trong cuộc phỏng vấn nhà toán học nhắc tới khái niệm trống rỗng. Ông cho rằng tình trạng trống rỗng tồn tại khắp nơi và con người có thể tính toán được nó.

“Tôi cùng các đồng nghiệp đã tìm ra cách tính toán sự trống rỗng. Chúng tôi hiểu rõ các cơ chế lấp đầy những khoảng trống xã hội và kinh tế”, ông nói với nhà báo tuần trước.

Perelman nói nghiên cứu của ông có thể mở đường cho sự ra đời của nhiều ứng dụng to lớn trong nhiều lĩnh vực - từ công nghệ nano tới các bộ môn khoa học xã hội. Nó sẽ giúp nhân loại hiểu bản chất tự nhiên của vũ trụ. Do hoạt động nghiên cứu quá thú vị nên ông không còn thời gian cho những vấn đề khác.

"Tôi biết cách kiểm soát cả vũ trụ, vậy thì tại sao tôi phải theo đuổi một triệu USD?", ông nói.

Nhà toán học được xưng tụng là "người thông minh nhất thế giới" cũng giải thích nguyên nhân khiến ông không muốn trả lời phỏng vấn của giới truyền thông suốt một năm qua. Perelman khẳng định ông tránh xa giới truyền thông vì không muốn nổi tiếng và cũng sợ hành vi xấu của một số nhà báo.

Giả thuyết Poincaré, được nhà toán học lỗi lạc Henri Poincaré đưa ra năm 1904, liên quan đến cấu trúc bên trong của các định dạng ba chiều. Chứng minh giả định này là một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà toán học thế giới suốt 100 năm qua.

CMI xếp giả thuyết Poincaré cùng với sáu vấn đề hóc búa trong toán học thành bảy bài toán của thiên niên kỷ và tuyên bố sẽ trao một triệu USD cho người đầu tiên giải quyết được một trong số các vấn đề.

Perelman, người từng làm việc ở Viện toán học Steklov ở St Petersburg, bắt đầu đăng lên mạng các tài liệu chứng minh giả định năm 2003. Loạt kiểm tra sau đó chứng minh ông đã đúng.

Bốn năm trước, Perelman từng được trao huy chương Fields, giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực toán học, từ Liên minh Toán học Quốc tế.

Vào thời điểm đó, Perelman phát biểu: "Tôi không hứng thú với tiền bạc hay danh vọng. Tôi không muốn bị trưng bày như động vật trong sở thú. Tôi không phải là một anh hùng toán học. Đó là lý do tại sao tôi không muốn mọi người nhìn mình". Ông từ chối nhận giải và cũng không tới dự buổi lễ.
Nguuồn :Minh Long-Vn Express


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lê Vĩnh Tài - 10 BÀI THƠ

1.
 
yêu tôi
không yêu tôi
lửa
không phải nước sôi
 
em có còn
dám yêu nước nữa
không? khi lửa dường như đã thấm
mệt?
 
 
2.
 
giữa em và tôi
là một hoàng hôn
đầy do dự
 
đầy những nhà thơ mang mặt nạ
tha hồ cười
và nhấp nháy lòng yêu nước
trên môi
 
và bài thơ
cũng như mẹ Tổ Quốc không còn người
nối dõi
 
 
3.
 
bài thơ
chỉ còn lời nói dối
nhạt như nước ốc
nhồi
 
muối
sẽ đi tìm mớ chữ
trên trang giấy bị đốt bỏ
cháy mặn đắng đám tro
 
bài thơ
chỉ đoán mò
và lén lút nhấp nhô
trong những ngai vua chìm bóng tối...
 
 
4.
 
bài thơ ở đâu?
khi chúng ta nghe ông già nói:
mùa thu đã giết mất một người
trong khi mùa thu
làm một phát
mấy chục triệu người
 
bài thơ đành xé đôi
như bẻ ổ bánh mì
bỏ mọi người
bụng đói, với mớ con chữ bổ túc
lúc nhúc văn hoá xoá mù
thành câm
điếc ngàn thu...
 
chữ
chỉ còn xù như mớ lông
chim
 
 
5.
 
những con chim những con chim
không phải mây
không phải mưa
chúng là những con người
trúng đạn và rơi
như nước mắt
 
chúng nằm
tưởng như những người tình
thơm mùi cỏ mật
 
chúng là bài thơ
trong bếp than đã tắt
 
bài thơ
như hai con mắt
như cái mũi
như gương mặt
của
em
 
sau khi hiến thân cho mặt trời
chói lọi
qua trái tim ba rọi
em, và những con chim bắt đầu lại
hót
 
nghe như là
vọng âm
em như là
đã khác
khi những con chim hót
cũng bắt đầu quang quác
 
bài thơ thì thầm
trong lúc các nhà thơ vô danh
bắt đầu giở trò cao giọng
 
 
6.
 
những con chim những con chim
có lẽ chúng biết
sắp tới cái thời người ta giả vờ cho phép hót
sắp tới cái thời người ta hé cửa lồng
để chúng tha hồ uốn éo: ôi chao, mới đó đã hừng đông
 
tha hồ mặt trời hồng
bài thơ chảy máu trong căn hầm
ngôn từ phủ trong cát bụi
 
em đừng nói: những con chim không bao giờ
thèm làm những con chim nữa
sau khi bài thơ dùng ngón tay trỏ
chỉ vào giấc mơ:
 
bài thứ nhất, mất đầu
bài thứ hai, đứt lưỡi
bài thứ ba, nhổ lông và cắt cổ
trong mấy cái bao bố trôi sông lạc chợ
 
có người nói: chúng ta điên rồi sao?
xin đừng bao giờ
nói tới chuyện đó
nữa
 
đó không phải bài thơ
đó là vũng máu mậu thân
quá khứ nên quên
nhưng bầu trời đã bị thủng một lỗ
mà mọi người phải gọi là ngôi sao
 
ngôi sao
thề uống máu phanh thây
nên mỗi ngày
bài thơ chỉ dám để lại những con chữ
mù mờ bên cửa sổ
 
và mọi người lén lút đọc những chữ ấy
kêu to lửa cháy
sau đó xoá đi ngay
 
trong lúc những con chim
những con chim
đang cố sức
bay...
 
 
7.
 
như gió
bài thơ nhìn lên bầu trời
bộ nhớ của nó màu xám
mưa đầy
 
nó biết màu đỏ
đôi khi có hoà bình màu xanh
đôi khi giả vờ cộng hoà vàng nhạt
nhưng đất nước chỉ một chân trời lở loét
 
không có mây
chỉ có mặt trời
nên không có gì bay
cả
 
dù mệt lả
mọi người vẫn tiếp tục tìm
một cái gì để đánh bại
khi biết rằng bầu trời không phải
kẻ thù
 
cứ phải đi tìm kẻ thù
đến lúc hoàng hôn
màu đỏ nhạt dần
như sự ngu đần
màu im lặng
 
bây giờ không có bầu trời
không có mây
bài thơ vẫn nhìn thấy
cuộc độc thoại của một người ra vẻ thích bay
 
mà khi người ấy tới
bài thơ nuốt cơm thấy đau
tắm thấy rát
không còn đủ không khí để thở
 
bài thơ mơ
mình nhẹ hơn không khí
như thể xương khô vẫn còn cùng nước mắt
bay
trên mây...
 
 
8.
 
dần dần, bài thơ biết
để tâng bốc lẫn nhau
chỉ cần dùng một giọt máu
 
đôi môi mỏng của bài thơ trở nên
bén ngọt
với những nụ hôn, bài thơ đã học thêm
mấy cái nghề
rất xịn
như viết câu đối
và ôm eo
con gái
 
mắt nhắm
tay mở ra
và thời gian, bài thơ đã quen với những
cái bẫy
cũng biết cách thở và run rẩy
quỳ và đẩy
sau khi quỳ và lạy
 
không phải lừa dối
nhưng bài thơ phải vang lên
tiếng kêu hoàn hảo
như bóng tối
 
ngày qua ngày, những hy vọng lặng lẽ
nhú ra
so với lúc bài thơ còn con gái
 
khi ngủ, bài thơ sẽ nghe
ông già đang chơi mềm mại
 
ông già làm bài thơ nhớ lại
những lần phải gõ
liên tục
một ngàn chữ một phút
 
nắng cũng sẽ nhấp nhô
lúc ông già thức dậy
buổi bình minh
nổ những tràng lời hứa
như chim hót
 
và những ngón tay
làm bài thơ đau
và mệt
cuối cùng
bài thơ cũng chảy ra như nước
 
nó đã bị thương
vì sự ồn ào
đến chết vẫn còn nói láo
 
trong khi đó một âm thanh
đang vang dưới đáy đại dương
 
trong khi đó một âm thanh
lắc rung như chuông gió
 
trong khi đó một âm thanh
kéo cưa đám mây rì rào
 
âm thanh, nó kéo
bài thơ căng ra sợi dây cung
cuối cùng
lại lùng nhùng
như đáy quần của bài thơ
ướt sũng
nhìn mọi người đói
và phù thũng
 
 
9.
 
trong khi đó
một cô đơn
ngày như ngưng thở
như cơn gió
tự nhiên đổi hướng
 
bài thơ
ngửi mùi trắng đục
như nhà ngục
màu xỉn và nâu
sao lại giống như màu
hy vọng
và khuấy động
rồi chỏng gọng?
 
khi đến đoạn màu xám
bài thơ cố trồi lên
trên đám mây
và thấy
hai con mắt
đang trôi
của ông già
và một nhà văn
đói bụng đi kiếm ăn
 
bài thơ
biết
mình không cần phải lăn tăn
nữa...
 
 
10.
 
trong khi đó một hồn nhiên
cửa sổ của căn phòng
sáng lên, để lộ ra một đêm đông
khu rừng
một đoàn quân thật lạnh
và ông tướng cầm mấy miếng bánh
 
bài thơ
lật ngửa cái mũ cối
tỉnh dậy trong vòng tay ánh sáng
diễn đến trò cuối cùng
bằng tất cả những gì nó đã học
 
cuối cùng
bài thơ bị gạt sang một bên
trong lúc đám mây vẫn còn nhào lộn
như ông già
cầm gậy chỉ lên tấm bản đồ
như bây giờ có người đang múa
trên một vỉa hè nhìn hơi đông đúc
 
ông già
chói loá mặt trời
nóng đến mức bài thơ
phải bay và chạy
lên mây
 
bài thơ biết mùa xuân sẽ làm sạch
mùi mùa thu ẩm mốc
như mùi thơm thịt mỡ
mùi xương sườn nướng
đồi thịt băm
thành tư tưởng
phẳng lì, và bộ đồng phục chính trị
 
dây thần kinh của bài thơ
có thể đứt
nếu như mọi người cứ cố
co và kéo
 
con rắn phun nọc đã bị mù
bài thơ không bỏ chạy
và cuộc chiến của ông già với chữ
đã bắt đầu
như ngày xưa xương máu ngập sông sâu
 
ông ta
làm mọi người ghét
hay hài lòng
bài thơ không biết
cũng không cần biết
 
chỉ biết
một con Quỷ Đỏ
nghênh ngang trên đường
mà bài thơ
và mọi người cứ cố
chịu
như một cục
xương...
 
ông ta
ngâm bài thơ trong sự sợ hãi
như ngày xưa Mẹ muối dưa cải
 
ngày bài thơ được thả về
qua cửa kính
mọi người nhìn thấy
bài thơ cố thoát khỏi
những tiếng ồn ào hỗn loạn
 
có thể những nụ hôn
làm bài thơ phải ngoan ngoãn
và bị mắc kẹt những ý nghĩ
 
trong sự bất an của bài thơ
có một bóng ma cứ truy đuổi
lòng tin của mọi người
 
rõ ràng
các đám mây và bóng ma đang thì thầm
và điều này bài thơ thừa sức hiểu
như cái chết của mấy triệu người không kịp bó chiếu
chỉ kịp lấp xuống và lặng im...
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang