Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Sống Tử Tế!

Lời chúc năm mới.
Bình Lê  


2013 là một năm bấn loạn của xã hội Việt Nam. Những sự việc làm đau lòng như bảo mẫu đánh trẻ em, án oan sai do ép cung ông Nguyễn Thanh Chấn, xả lũ theo quy trình gây thiệt hại kinh tế và chết người ở miền Trung, phi tang xác khách hàng sau khi gây tai nạn ở thẩm mỹ viện Cát Tường. Có lẽ, một trong những điểm chung của các vụ việc này là sự thiếu vắng của giá trị sống nhân văn. Nói cách khác, chúng ta đã sống không tử tế với nhau.

Năm 2014 đang đến gần, hy vọng con người Việt Nam sống tử tế với chính bản thân mình, gia đình mình, bạn bè, hàng xóm và với những người xung quanh mình hơn. Điều này nghe có vẻ khó vì chúng ta đang sống trong một môi trường ô nhiềm về mọi mặt. Nhưng môi trường này do chính chúng ta tạo ra nên hãy thay đổi nó từ chính mỗi người.

Sống tử tế, trước hết là sống thật với chính bản thân mình, làm những điều mình cho là đúng và nói những điều mình suy nghĩ. Như đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy đã nói, tạo hóa cho mỗi người một cái mồm để nói điều mình nghĩ, chứ không phải để nói điều “thằng khác” nghĩ. Nếu chúng ta mãi nói dối, tôn vinh những giá trị ảo và không thật thì chúng ta góp phần vào duy trì những điều dối trá và tệ hại trong xã hội. Để cuối đời khi gần đất xa trời mới thấy hận vì mình không dám sống thật là mình. Như vậy, hơn lúc nào như lúc này, hãy khởi đầu việc sống tử tế bằng cách nói những điều thật lòng.
Sống tử tế là bao dung với những điều khác biệt trong xã hội. Bao dung và tôn trọng những khác biệt chính là tạo môi trường cho những sáng tạo và đột phá, vì chẳng có sự phát triển nào không cần những cái mới, chẳng giải pháp nào cho vấn đề hiện tại dựa được vào lối suy nghĩ cũ như Albert Einstein đã nói. Nếu kỳ thị, chối bỏ hoặc trừng phạt người khác vì họ nghĩ không giống mình, quan điểm khác mình thì vô hình chung đã vi phạm giá trị đạo đức. Con người chẳng ai giống ai và con người có quyền được là chính mình, đó cũng là sự đa dạng tự nhiên và cần thiết để xã hội phát triển.
Sống tử tế là tôn trọng con người, không sử dụng con người để phục vụ cho lợi ích của mình, dù đó là lợi ích cá nhân hay tập thể. Việc hy sinh cá nhân để phục vụ quyền lợi của tập thể chỉ là ngụy biện vì đã là con người thì không thể hy sinh để phục vụ cho người khác, đặc biệt, khi những quyền lợi tập thể thật mơ hồ, nhiều khi đánh đồng với quyền lợi một nhóm nhỏ thâu tóm quyền lực hơn là quảng đại quần chúng. Chính vì vậy, sống tử tế là tôn trọng quyền con người, coi mỗi người đều là bình đẳng, lợi ích phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau.

Sống tử tế cũng là đứng đúng chỗ của mình trong xã hội. Công an giao thông đứng ở trên bục để điều hành dòng xe thông suốt, hơn là đứng khuất sau ngã tư để rình bắt người vi phạm. Giáo viên đứng trên bục giảng ở trường để truyền cảm hứng học hỏi, hơn là tập trung dậy thêm ở nhà kiếm tiền. Bác sĩ đứng đúng chỗ của mình là bên giường bệnh, chứ không phải ở quầy dược phẩm để kê đơn lấy tiền hoa hồng của hãng dược. Mỗi người làm tròn bổn phận của mình, đỗi đãi đúng mực với người khác thì cũng đồng nghĩa mình được đối xử tử tế bởi người khác.

Sống tử tế, suy cho cùng là sống tự do theo cách mình mong muốn. Đừng để những khuôn mẫu, những bạo quyền, và nỗi sợ cướp đi nhân phẩm của mình. Tin là thấy, hãy tin vào bản chất tốt của con người, và con người có quyền đặt ra những nguyên tắc sống cho mình. Hãy bắt đầu bằng những nguyên tắc đơn giản nhất: không gây hại cho người khác để thanh thản nói rằng “tôi là người tử tế!”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng hoang tưởng về một thế giới phẳng

 

Đừng hoang tưởng về một thế giới phẳngThế giới cũng sẽ KHÔNG phẳng sau sự lan tỏa toàn cầu của mạng lưới Internet. Thế giới sẽ vẫn là thế giới ta đã quen biết suốt 5,000 năm lịch sử: rất nhiều cách biệt giữa các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô học, đạo đức và bất lương, thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và quốc gia nghèo đói. Nhưng công nghệ thông tin lại có khả năng làm gia tăng sự cách biệt này:…
Các chính trị gia và các chuyên gia thường thích dùng các danh từ thời thượng để phô trương tri thức về thế giới và tạo ấn tượngtrong cộng đồng. Gần đây, họ hay nói đến các ngôn từ nhưkinh tế sáng tạo, mạng xã hội, hội nhập toàn cầu, công nghệ xanh, kỹ thuật số, chỉ số hạnh phúc… Nhưng một chữ bị lạm dụng nhiều nhất có lẽ là “thế giới phẳng”.
Danh từ này được Thomas Friedman dùng làm đề tài cho một tựa sách vào 2005 để diễn tả một hiện tượng mới về xã hội và kinh tế do cuộc cách mạng Internet và công nghệ thông tin (IT) mang lại. Giả thuyết của ông là sự lan tỏa cùng khắp những thông tin và kiến thức nhanh chóng qua Internet đã san bằng mọi cách biệt về lợi thế kinh tế giữa các quốc gia, giữa các thể chế chính trị, và giữa  các tầng lớp nhân dân. Kết quả là một thế giới phẵng lì, không còn rào cản vả bất cứ ai cũng có thể nắm bắt những cơ hội mới do công nghệ mới tạo dựng.
Tôi đã theo dõi nhiều bài viết của Friedman trên New York Times, tờ báo của giới mệnh danh là “tiến bộ” (liberal) của các trí thức khoa bảng Mỹ. Ông này có tật xấu là đơn giản hóa mọi vấn đề, rồi dựa trên một vài sự kiện đặc thù mà đặt ra các giả thuyết khá phi lý, phù hợp với quan điểm cá nhân của mình. Ông luôn quên đi sự phức tạp của mọi vấn đề bàn luận, dù là xã hội, kinh tế hay chính trị, dù là địa phương hay toàn cầu. Thế giới phẳng và một xã hội đại đồng bình đẳng là một hoang tưởng rất thời thượng của ông.
Máy tính, Internet, điện thoại di động và các dụng cụ công nghệ thông tin quả đã tạo nên một cách mạng vĩ đại về kiến thức và thông tin với tốc độ, tầm cỡ và chức năng. Nhưng thế giới sẽ vẫn là thế giới ta đã quen biết suốt 5,000 năm lịch sử: rất nhiều cách biệt giữa các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô học, đạo đức và bất lương, thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và quốc gia nghèo đói. Thực sự, công nghệ thông tin lại có khả năng làm gia tăng sự cách biệt này: người biết sử dụng IT sẽ khôn khéo dùng lợi thế cạnh tranh này của mình để kiếm tiền, kiếm quyền và đặc lợi nhiều hơn so với đám đông còn bỡ ngỡ.Vào khoảng 1885, Karl Benz sáng chế ra chiếc xe hơi hiện đại thay thế cho cỗ xe ngựa và cùng thời điểm, James Maxwell đưa ra lý thuyết để thế giới có được máy phát thanh (radio). Nếu ông sinh ra ở thời này, Friedman cũng sẽ dễ dàng đưa ra lập luận về một “thế giới phẳng” vì hai phát minh này cũng đã đem nhân loại đến gần nhau hơn. Thế nhưng, sau đó, ai cũng biết thế giới đã KHÔNG phẳng với những sáng chế diệu kỳ về xe hơi, về radio, về TV, về máy in… Tôi cũng xin báo cho các bạn trẻ là thế giới cũng sẽ KHÔNG phẳng sau sự lan tỏa toàn cầu của mạng lưới Internet.
Sự yêu thích hình tượng và viễn ảnh của một thế giới phẳng có lẽ bắt nguồn từ sự ao ước của rất nhiều nhà trí thức trẻ (trong đó có người viết bài này) với một con tim tha thiết về một xã hội công bằng, không có khác biệt giữa giàu nghèo, giai cấp hay phân khúc. Một thế giới đại đồng của những người bình đẳng về mọi khả năng và quyền lợi. Cuộc thí nghiệm vĩ đại nhất lịch sử đã diễn ra ở Liên xô và Trung Quốc hơn 70 năm. Ngày nay, tại hai xã hội này, sự cách biệt về giàu nghèo (theo chỉ số Gini) thuộc loại cao nhất trong 10 hạng đầu của thế giới (Top Ten).
Rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và các bậc khoa bảng luôn luôn ta thán về hiện tượng bất công của xã hội, thường kết luận trong vội vã “đời không công bằng chút nào” khi so sánh sự thua kém của mình với những nhân vật mà họ nghĩ là không xứng đáng. Chính tôi cũng hay rơi vào trường hợp tự ti này khi không để lý trí suy xét.
Vào thời điểm 1968 sau khi tốt nghiệp Đại học ở Mỹ, tôi và một người bạn người Mã Lai tên là Michael cùng quay trở về nước. Trong khi tôi chật vật với lương giảng viên ở Đại Học Bách Khoa Phú Thọ, Michael được ông bố, vốn là một đại gia tăm tiếng ở Mã Lai, mua cho một ngân hàng rồi bổ nhiệm hắn làm Chủ Tịch TGĐ một ngân hàng đứng hàng thứ 8 ở Mã Lai vào thời đó. Ngay cả suốt cuộc đời 2 đứa trong 42 năm qua, trong khi tôi phải lên voi xuống ngựa, đi từ đỉnh cao của thịnh vượng đến vực thẳm của nghèo khó, Michael vẫn ung dung tự tại sống đời thượng lưu, thành công từ việc làm ngân hàng đến tạo dựng một đế quốc về địa ốc. Sau này, mỗi lần qua chơi, tôi vẫn rất ghen tỵ, chép miệng, “đời thật bất công”.
Một người bạn khác ở VN cùng tôi mài ghế suốt 4 năm trung học. Anh ta tên Duy và là thần tượng của tôi hồi đó. Học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu, nhưng trên hết, có một hạnh kiểm hoàn toàn, luôn luôn được bầu là trưởng lớp bởi các học trò và thầy cô. Ai cũng ngưỡng mộ. Anh thường ái ngại nhìn tôi bỏ lớp trốn học, đi tán gái, chọc phá làng xóm, và nói nếu không thay đổi tính nết, tương lai của tôi sẽ chìm sâu trong đống bùn. Tôi luôn luôn đồng ý, nhưng đã không bỏ được những thói quen xấu. Xong Tú Tài, anh thi đậu vào Đại Học Sư Phạm dễ dàng và trở thành một bậc thầy khả kính sau những năm học hành. Còn tôi, may mắn được học bổng Mỹ, bay đi tận nữa vòng trái đất, loay hoay làm lại đời mình. Một lần về thăm nhà năm 1992, Viện Đại học Cần Thơ mời tôi giảng dạy một buổi về Kinh Tế Mở Cửa của TQ cho các học sinh cũng như nhiều vị giáo chức tu nghiệp. Tôi ngỡ ngàng gặp lại Duy, thay đổi thứ bậc trong liên hệ thầy-trò. Anh ngượng ngùng, bỏ ngang lớp học sau tiết đầu và không trả lời điện thoại khi tôi kêu. Bạn bè cho biết hôn nhân của anh trắc trở, anh buồn đời làm một con sâu rượu giải sầu, và bị cấp trên “đầy đọa” vì nhiều lần say rượu trong lớp học. Tôi chắc Duy cũng đang nghĩ thầm, “đời thật bất công”.
Cách nay ba tháng, một đại gia trẻ tuyên bố trong một buổi hội thảo là tương lai IT của VN sáng ngời, vì chỉ sau 10 năm, dân số VN có điện thoại di động bây giờ đã lên đến hơn 53 triệu người. Anh ta đồng hóa việc sỡ hữu một cái phone với trình độ kiến thức và hiệu năng của nền kinh tế sáng tạo, biểu hiện qua một công cụ IT phổ thông. Tôi có 2 người giúp việc nhà. Họ đều sở hữu điện thoại riêng cho cá nhân và nhờ những chương trình khuyến mãi, nói chuyện qua phone đến 4, 5 giờ mỗi ngày. Họ trao đổi liên tục với bạn bè, láng giềng, gia đình dưới quê về mọi chuyện lặt vặt, còn hơn Twitter của các siêu sao ở Hollywood. Thậm chí họ còn dùng điện thoại để chửi nhau, để khuyến nghị về số đề, về mua hụi, về chương trình kịch trên TV. Thậm chí, một bà đã gần 50 tuổi, có chồng và 4 đứa con ở quê, vẫn trả lời tất cả những cú phone từ người lạ, đóng vai trò một cô gái mới 20, đóng góp và giải tỏa các lời yêu thương ảo (như một loại  phone sex rẻ tiền) cho rất nhiều bạn trai Việt.
Những bất công hay hố cách biệt vừa kể cũng có thể là do sự lựa chọn và sở thích của cá nhân. Năm trăm năm trước, ngài Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ca tụng chữ “nhàn” và lối sống điền viên, “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”. Nếu ta bắt ông phải sống trong một Net café, cạnh Ngã Sáu Chợ Lớn, nhìn khói bụi, dòng xe và biển người qua lại, chắc ông phải khóc tủi thân mỗi ngày. Còn nếu ai buộc tôi phải xa rời các trung tâm tài chính thế giới như New York, Luân Đôn hay Hồng Kông… để về sống ở xứ Cà Mau với những cánh đồng bất tận của chị Nguyễn Ngọc Tư chắc tôi cũng hóa điên. Dù tôi biết chỗ đậu xe ở Cà Mau không thể tốn 40 dollars mỗi ngày như New York.
Trong chuỗi hội thảo về đầu tư cho các doanh nhân và sinh viên Việt Nam vào tháng 3 vừa qua, tôi nói nhiều về Zuckerberg của Facebook. Anh chàng sinh viên 24 tuổi này đã bắt đầu với một ý tưởng và 1 ngàn dollars của bạn cùng phòng; và chỉ trong 4 năm tạo nên một tài sản mà Goldman Sachs đánh giá là 60 tỷ dollars; tương đương với 60% GDP của Việt Nam. Trong số 80 triệu dân hiện tại, có người Việt nào sẽ đứng lên đáp lời sông núi để chứng minh là thế giới đã phẳng như Friedman nói; hay chúng ta sẽ lại có thêm vài khẩu hiệu rẻ tiền về sáng tạo?
TS. ALAN PHAN (CHỦ TỊCH QUỸ ĐẦU TƯ VIASA)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tạp chí Nghiên cứu quốc tế:

Tại sao Trung Quốc sẽ dân chủ hóa?

Nguồn: Yu Liu & Dingding Chen (2012). “Why China will Democratize”, The Washington Quarterly, Vol. 35, No. 1, pp. 41 – 63.>>PDF
Biên dịch: Nguyễn Thị Thu | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Đằng sau vẻ bề ngoài đình trệ của môi trường chính trị trong nước, có nhiều dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi về chính trị mang tính căn bản đang diễn ra tại Trung Quốc. Vào mùa thu năm 2011, một nhóm các công dân độc lập với số lượng lớn bất thường đã thực hiện nhiều chiến dịch gây tiếng vang nhằm cạnh tranh các vị trí đại biểu tại nhiều hội đồng địa phương. Cùng thời gian đó, nhiều nhóm ”cư dân mạng” đã đến một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Sơn Đông với mục đích thăm Trần Quang Thành, một nhà hoạt động nhân quyền đang bị quản thúc tại gia, bất chấp các báo cáo liên tiếp về việc những người đến thăm ông trước đó bị đánh đập. Tháng 7 năm 2011, một vụ tai nạn tàu hỏa gần thành phố Ôn Châu đã gây ra một cơn bão chỉ trích chính phủ trên “weibo”- các trang blog nhỏ tại Trung Quốc thu hút gần 200 triệu người theo dõi. Mặc dù trên đây chỉ là ba ví dụ nhỏ, nhưng chúng cho thấy sự phát triển của một một xã hội dân sự mang tính độc lập và phản ánh chế độ chính trị của Trung Quốc đang ngày càng bị thách thức.
Trong thập kỷ vừa qua, những thuật ngữ thường được sử dụng bởi các học giả phương Tây để mô tả nền chính trị Trung Quốc gồm có ”chế độ chuyên chế dẻo dai”, ”sự thích nghi phi tự do” và ”sự phản kháng chính đáng,” ám chỉ một cái nhìn bi quan về nền dân chủ ở Trung Quốc trong tương lai.1 Tuy nhiên, thực tế đôi khi thay đổi nhanh hơn so với những gì các học giả dự tính. Trung Quốc đang di chuyển gần hơn đến việc chứng minh tính đúng đắn của lý thuyết hiện đại hóa cổ điển, rằng sự phát triển kinh tế cuối cùng cũng sẽ dẫn đến dân chủ hóa. Chúng tôi có lý do để lạc quan rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ, và dự đoán Trung Quốc sẽ tiến hành dân chủ hóa vào khoảng năm 2020, tuy nhiên điều đó sẽ xảy ra như thế nào, tiến trình này sẽ mất bao lâu, và thậm chí điều đó có phải là quá trình được mong chờ hay không lại là các vấn đề nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Sự lạc quan tương đối của chúng tôi bắt nguồn từ bốn xu hướng lớn kết nối chặt chẽ với nhau: quá trình phát triển kinh tế, sự thay đổi về văn hóa, xu hướng lãnh đạo chính trị, và môi trường toàn cầu.
Xu hướng phát triển kinh tế
Hai yếu tố kinh tế quan trọng nhất ảnh hướng tới quá trình dân chủ hóa là trình độ phát triển và mức độ bất bình đẳng. Trong trường hợp của Trung Quốc, nền kinh tế nước này đang phát triển nhanh chóng, và các nhà kinh tế lớn đều cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có rất ít dấu hiệu sẽ phát triển chậm lại trong khoảng thời gian sắp tới.2 Vấn đề là ở những tác động về mặt chính trị của quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng này. Có hai quan điểm nổi lên. Quan điểm phổ biến hơn cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn sẽ giữ được vị thế của mình cho đến khi nào nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng, hay còn được được gọi là “tính chính danh dựa trên hiệu quả” (performance legitimacy – tức tính chính danh mà chính quyền đạt được thông qua thành tích phát triển kinh tế – xã hội của đất nước – NBT). Tuy nhiên một số người lại dự đoán rằng ĐCSTQ sẽ là nạn nhân của chính sự thành công đó. Ví dụ, Henry Rowen, một giáo sư tại Đại học Stanford, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ “tự do một phần” vào năm 2015 và ”tự do hoàn toàn” vào năm 2025.3 Khác với quan niệm phổ biến cho rằng người Trung Quốc đang được “gắn kết” rộng rãi bởi chế độ, chúng tôi lập luận rằng có một số lý do để xem xét lại giả thuyết “tính chính danh dựa trên hiệu quả”.
Lý thuyết về “tính chính danh dựa trên hiệu quả
Đầu tiên, kinh nghiệm quốc tế đã bác bỏ cái gọi là “tính chính danh dựa trên hiệu quả”. Dân chủ hóa đã diễn ra tại nhiều quốc gia thành công về phát triển kinh tế, bao gồm Brazil, Chile, Hy Lạp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, và Đài Loan. Các quốc gia đã trải qua giai đoạn phát triển kinh tế đến mức trung bình đặc biệt dễ dàng chấp nhận dân chủ. Vào cuối thế kỷ 20, khi xảy ra cái gọi là “làn sóng thứ ba” của dân chủ hóa, “27 trong số 31 quốc gia đã tự do hoá hay dân chủ hóa có mức thu nhập trung bình”.4 Những trường hợp tương đồng nhất với Trung Quốc, các quốc gia chia sẻ các di sản văn hóa và lịch sử tương tự, sẽ làm sáng tỏ hơn luận điểm này. Năm 1988, khi cả Hàn Quốc và Đài Loan tiến hành dân chủ hóa, hai nước này có GDP đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) lần lượt là $6.631 và $7.913 ($12.221 và $14.584 tính theo giá trị đồng đô la năm 2010). Năm 1989, GDP đầu người tính theo PPP của Liên Xô (sau này là Nga) và Hungary – 2 nước lúc đó cũng đang trên con đường hướng tới dân chủ hóa – lần lượt là $9.211 và $6.108 ($16.976 và $11.257 đô la năm 2010).5 GDP đầu người tính theo PPP của Trung Quốc năm 2010 là $7.544.6
Những người ủng hộ “chủ nghĩa ngoại lệ Trung Quốc” đã bỏ qua một thực tế là còn quá sớm để có thể kết luận trường hợp của Trung Quốc đã có thể chứng minh hay bác bỏ lý thuyết hiện đại hóa. Một dự đoán vừa phải về tăng trưởng của Trung Quốc cho thấy với mức tăng trưởng thực tế hàng năm vào khoảng 7%, Trung Quốc có thể đạt GDP bình quân đầu người tính theo PPP là $12.000 (theo giá trị đồng đô-la năm 2010) vào năm 2017, và $15.000 vào năm 2020. Chỉ đến khi đó mới có thể đưa ra một đánh giá công bằng về việc liệu Trung Quốc có thể trở thành một ngoại lệ hay nước này vẫn sẽ tuân theo quy luật thông thường. Cũng cần lưu ý rằng, khi so sánh với các nhà nước toàn trị khác, các chế độ tại Đông Á và tại khu vực thuộc Đông Âu/Liên Xô cũ cần sở hữu các ngưỡng phát triển kinh tế cao hơn để có thể tiến hành dân chủ hóa. Điều này không hẳn là xấu. Các học giả có thể không đồng ý với ý kiến cho rằng quá trình chuyển đổi dân chủ có liên quan tới trình độ phát triển kinh tế, nhưng nhìn chung họ đồng ý rằng quá trình củng cố dân chủ có mối quan hệ nào đó với trình độ phát triển kinh tế. Theo nghĩa đó, sự trì hoãn quá trình dân chủ hóa có thể được coi là một điều tốt để củng cố dân chủ, hay để thực hiện một sự chuyển đổi êm thấm hơn khi Trung Quốc thực sự tiến hành dân chủ hóa.
Thách thức thứ hai đối với quan điểm “tính chính danh dựa trên hiệu quả” chính là khoảng cách ngày càng tăng giữa kỳ vọng của người dân với các phương thức của chính phủ để giành được sự ủng hộ của xã hội. Thật sự nhà nước Trung Quốc vẫn rất mạnh, có sức mạnh tài chính, sức mạnh cưỡng bức và thậm chí là sức mạnh mang tính quy chuẩn rất lớn. Tuy nhiên, phát triển nhanh hơn nữa chưa phải là những gì mà người dân Trung Quốc kỳ vọng. Với ký ức ngày càng phai nhạt về Cách mạng Văn hóa, tiêu chuẩn về cuộc sống tốt đẹp đang thay đổi. Giới trẻ Trung Quốc ngày càng không muốn so sánh các tiêu chuẩn sống của họ với thế hệ cách mạng đi trước. Quá trình mở cửa của Trung Quốc và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra hàng loạt các quy chuẩn sống mới, và người dân ngày càng cho rằng việc có được một cuộc sống bảo đảm là hiển nhiên, với việc xem giáo dục, chăm sóc y tế và sở hữu một chỗ ở ổn định như các yêu cầu phúc lợi cơ bản.
Đi ngược lại các kỳ vọng ngày càng tăng của dân chúng là các những hạn chế về phương tiện chính sách từ chính phủ Trung Quốc. Trên lý thuyết, chính phủ có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng phúc lợi xã hội bằng ba cách: in tiền, giảm bớt lãng phí và/hoặc tăng thuế. Lựa chọn đầu tiên được coi là thuận tiện nhưng có thể gây ra lạm phát –  vốn đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trong những năm gần đây.7 Trong một cuộc khảo sát trực tuyến về nhận thức của người dân tới lạm phát được tiến hành vào tháng 11 năm 2010, 94,93% trong tổng số 3.529 người được hỏi đã chọn câu trả lời “Tôi cảm nhận [những tác động của lạm phát] một cách rõ ràng. Giá cả mọi thứ đều tăng”.8 Lựa chọn thứ hai, giảm lãng phí, là một hành động khó khăn về mặt chính trị trong giới tinh hoa xuất phát từ những cơ hội tìm kiếm đặc quyền đặc lợi mà giới này phải từ bỏ. Một học giả ước tính vào năm 2004, chi tiêu cho các bữa tiệc chiêu đãi, xe hơi, và công tác nước ngoài của các quan chức chính phủ là 900 tỷ nhân dân tệ (NDT) mỗi năm.9 Mặc dù một quan chức thuộc Bộ Tài chính đã bác bỏ điều này bằng việc đưa ra một con số thấp hơn nhiều – 120 tỷ, nhưng cái cách mà vị quan chức này đưa ra số liệu mập mờ và dè dặt đã cho thấy thực tế chắc chắn phải cao hơn rất nhiều so với con số 120 tỷ.10 Để so sánh, các chi phí quân sự của Trung Quốc trong năm 2004 ở mức 220 tỷ NDT. Tăng thuế cũng là một vấn đề khó khăn. Trung Quốc xếp hạng hai trong danh sách Chỉ số khốn khổ về Thuế và Cải cách (Tax Misery and Reform Index) của Forbes năm 200911. Mặc dù phương pháp tính toán của Forbes còn gây nhiều tranh cãi,12 nhưng một điều không thể phủ nhận là tỷ lệ gia tăng tổng thu ngân sách của chính phủ đã tăng nhanh hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng GDP ở Trung Quốc trong những năm qua. Một ví dụ gần đây là từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2011, tăng trưởng thu nhập từ thuế của chính phủ Trung Quốc tăng nhanh hơn hai lần so với tăng trưởng GDP.13 Gánh nặng về thuế ngày càng lớn không chỉ tác động xấu tới môi trường kinh doanh mà còn gây ra sự phản ứng mạnh về mặt chính trị. Vì thế, rất khó hình dung làm thế nào để đáp ứng nhu cầu phúc lợi xã hội tăng cao của người dân nếu không gánh chịu lạm hay những chi phí đánh đổi to lớn về mặt chính trị.
Khó khăn thứ ba, tính chính danh dựa trên hiệu quả có thể gặp rắc rối nếu tăng trưởng kinh tế bị ngừng lại. Suy giảm đáng kể về kinh tế, hay bất ổn định vĩ mô, đi liền theo sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều cho chế độ toàn trị khi so sánh với tình trạng đình đốn kéo dài. Điều này đã được chứng minh qua trường hợp của Indonesia và Ba Lan. Do các yếu tố khác nhau, nền kinh tế của Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí là trải qua những cú sốc trong những thập kỷ tới. Toàn cầu hóa đã làm cho nền kinh tế quốc gia dễ bị tác động hơn, minh chứng là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Dù vậy, mối nguy lớn hơn lại đến từ mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, vốn phụ thuộc một cách bất cân đối vào đầu tư công. Một số hậu quả kèm theo: thứ nhất, các khoản đầu tư như vậy dựa ngày càng nhiều vào các khoản vay ngân hàng, tạo ra mầm mống khó khăn tài chính. TheoVăn phòng Tổng kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã vay nợ khoảng 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến cuối năm 2010,14 và nhiều người đã bày tỏ mối lo ngại về việc liệu các chính quyền địa phương có khả năng chi trả các khoản nợ đó hay không. Ngoài ra, phát triển dựa trên đầu tư không hẳn sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm, do sản lượng không được phân bổ một cách rộng rãi nhất có thể; và cuối cùng, đầu tư liên quan đến chính phủ là không bền vững trừ khi nó được cân bằng bởi sức tiêu thụ tương đương, và việc dư thừa sản xuất nghiêm trọng xảy ra tại một số ngành đã được nhận thức hầu như rõ ràng. Gần một thập kỷ trước, khi nhận ra sự mất cân đối, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi “chuyển đổi phương hướng phát triển kinh tế, từ mô hình dựa trên đầu tư sang mô hình dựa trên tiêu dùng”. Tuy nhiên, sự chuyển đổi kỳ diệu vẫn chưa xảy ra.
Chính trị chính là vấn đề. Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư có thể không phải là tốt nhất cho nền kinh tế trong dài hạn, nhưng nó tạo ra cơ hội tìm kiếm đặc quyền đặc lợi và tạo điều kiện cho sự thăng tiến của các quan chức chính phủ; vì vậy, các lợi ích nhóm và bộ máy quan liêu có lý do để kéo dài mô hình này. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là một dạng “hàng hóa công cộng” khi chính quyền địa phương có thể trục lợi từ đó nhưng lại không có mong muốn đóng góp nào trở lại. Trong khi đó, chế độ toàn trị tại Trung Quốc nói chung có xu hướng cản trở các chính sách tái phân phối, tổ chức lại lao động, và các chính sách thuế tiến bộ – những yếu tố cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tiêu dùng.
Bất bình đẳng và áp lực dân chủ hóa
Mức độ bất bình đẳng ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến triển vọng dân chủ ở đây. Hệ số Gini quốc gia – thước đo tiêu chuẩn của bất bình đẳng, với 0 tức là mọi người dân sở hữu một khối lượng tài sản hoàn toàn bằng nhau và 1 có nghĩa là một cá nhân nắm giữ tất cả của cải– đạt giá trị 0,48 ở Trung Quốc vào năm 2010, thuộc hàng cao nhất thế giới.15
Kể cả với con số như thế, theo học giả Trung Quốc Wang Xiaolu, nó vẫn còn rất thấp so với thực tế bởi “thu nhập không chính thức” – khoản thu nhập không được công bố, thông thường do tham nhũng – không được nhắc tới trong bất kỳ số liệu chính thức nào.16
Trong giai đoạn đầu của công cuộc cải cách ở Trung Quốc, sự gia tăng bất bình đẳng không gây ra nhiều vấn đề chính trị cho ĐCSTQ bởi hai lý do. Thứ nhất là bản chất của sự bất bình đẳng tại Trung Quốc. Do nhiều yếu tố khác nhau, nguồn gốc chính gây ra sự bất bình đẳng ở Trung Quốc theo truyền thống là khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn; trong khi khoảng cách thu nhập trong nội bộ khu vực nông thôn hay nội bộ thành thị lại không quá lớn. Năm 2002, khi hệ số Gini đạt 0,47, thì con số này trong nội bộ ở cả thành thị và nông thôn chỉ là 0.37.17 Do đó, khoảng cách giàu nghèo không được nhận thấy một cách rõ nét ở Trung Quốc như ở các nước đang phát triển khác, nơi mà những khu ổ chuột xuất hiện bên cạnh các cộng đồng dân cư giàu có, sang trọng. Những điều kiện như thế gây ra một số hậu quả chính trị, bởi vì bất bình đẳng càng rõ nét thì bất mãn chính trị càng gia tăng.
Tuy nhiên, bất bình đẳng hiện nay đã trở thành một vấn đề chính trị lớn. Sự bất bình đẳng mang tính trừu tượng trước đây đang trở nên “thật” hơn, với số lượng ngày càng tăng người dân từ các khu vực nông thôn di chuyển đến những thành phố nơi có các trung tâm mua sắm sang trọng, căn hộ và nhà hàng không ngừng mọc lên, gợi nhắc người nghèo đô thị về những gì vượt quá tầm với của họ. Trong một cuộc khảo sát được tiến hành tháng 3 năm 2010 bởi Cục Thống kê Sơn Tây, 11.510 cư dân Sơn Tây được lựa chọn ngẫu nhiên đã được yêu cầu nêu lên ”mong muốn lớn nhất” của họ cho năm mới.18 “Thu hẹp khoảng cách thu nhập” xếp hạng đầu tiên với 38,59% số phiếu. Theo sau tại vị trí thứ hai và thứ ba tương ứng là “ổn định giá nhà đất” (10,27%) và “tạo ra nhiều công ăn việc làm”(10,19%).
Lý do thứ hai là, trong những thập niên đầu cải cách, người dân cho rằng kể cả khi khoảng cách về thu nhập gia tăng, thì cơ hội thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt lên cũng gia tăng theo. Một cuộc khảo sát tiến hành bởi giáo sư đại học Harvard – Martin Whyte cho thấy ít nhất đến năm 2004, người dân vẫn còn cho rằng bất bình đẳng là do khả năng của mỗi người chứ không phải do toàn bộ hệ thống không công bằng.19 Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát tiến hành chỉ hai năm sau đó, tham nhũng được cho là lý do chính gây ra khoảng cách thu nhập đáng báo động.20Dấu hiệu rõ ràng của sự bất mãn gây ra bởi bất bình đẳng xuất hiện với hiện tượng “ghét người giàu” và “ghét cán bộ” (hai nhóm này thông thường được coi là giống nhau) bao trùm khắp Trung Quốc. Những câu chuyện tại địa phương trong đó một cá nhân giàu có hay được hưởng đặc quyền trong khi những người khác nghèo hơn liên tục gây phẫn nộ trên toàn quốc. Cái chết bí ẩn của một cô gái đã dẫn đến bạo loạn ở Weng’an thuộc tỉnh Quý Châu vào năm 2008 khi gia đình cô tuyên bố rằng cô bị hãm hiếp bởi người thân của một cán bộ địa phương. Một tai nạn tông xe bỏ chạy tại tỉnh Hà Bắc đã gây ra một cơn bão trong dư luận vào tháng 10/2010 bởi vì kẻ lái xe, con trai của một quan chức địa phương, đã kháng cự lại khi cảnh sát tìm thấy anh ta bằng việc tuyên bố: “Cha tôi là Lý Cương.”
Sự gia tăng nhanh chóng bất bình đẳng xã hội đang trung lập hóa xã hội Trung Quốc về mặt chính trị bao gồm tầng lớp trung lưu, lao động thành thị, nông thôn và các doanh nhân. Khái niệm về ”yi zu” (bầy kiến) đã xuất hiện, và lần đầu tiên được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc vào năm 2008. Nó mô tả một tương lai khó khăn và không sáng sủa của tầng lớp trung lưu mới- những cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng có thể không quay về quê bởi có quá ít công ăn việc làm, cũng như không thể sống ổn định tại các thành phố lớn vì giá nhà quá cao so với khả năng chi trả của họ, và do đó họ phải sống trong những điều kiện khắc khổ ở các khu ngoại ô.
Song hành với sự không tươi sáng của “bầy kiến” là sự bất lực của tầng lớp lao động. Không có gì thể hiện đặc điểm này tốt hơn bằng ví dụ hàng loạt công nhân nhà máy Foxconn – nhà máy chuyên chế tạo máy tính và các sản phẩm điện tử cho các công ty như Apple, Dell và Hewlett-Packard – tự tử vào đầu năm 2010.21 Giống như các thành viên của “đàn kiến”, hầu hết người lao động không thấy tương lai ổn định ở cả các vùng nông thôn và đô thị của Trung Quốc. Những gì họ phải đối mặt là một xã hội khép kín trong đó cơ hội chỉ mở ra cho những người giàu, học vấn cao, và những người có mối quan hệ. Đối với người nông dân, Giáo sư MIT Yasheng Huang đã lập luận rằng họ đã bị đưa ra ngoài rìa xã hội từ sau khoảng giữa thập niên 1990, khi chính phủ tập trung vào phát triển đô thị.22 Các chương trình dân túy ở nông thôn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, như hệ thống chăm sóc sức khỏe nông thôn, có thể làm dịu bớt căng thẳng chính trị ở một mức độ nhất định, nhưng những ích lợi thực sự còn rất hạn chế. Khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn tăng từ 3,1:1 năm 2002 lên 3,33:1 năm 2008.23
Thậm chí giới doanh nhân cũng ngày càng bị trung lập hóa về mặt chính trị. Giáo sư Đại học George Washington Bruce Dickson lập luận rằng các nhà tư bản Trung Quốc đã trở nên “đỏ” vì chế độ đã thành công trong việc thu nạp họ.24 Lập luận này không chỉ đánh giá thấp tính dễ bị tổn thương của liên minh này25 mà còn bỏ qua mặt khác của câu chuyện: hơn ba thập kỷ cải cách ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân địa phương trong khi ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn của nhà nước và các tập đoàn nước ngoài, như Yasheng Huang đã ghi lại. Có lý do để cho rằng sự phân biệt đối xử đã tạo nên những làn sóng bức xúc âm ỉ.
Một số chính sách dưới thời lãnh đạo Hồ – Ôn dường như đã khiến các công ty tư nhân bị gạt ra ngoài lề: Luật Hợp đồng lao động năm 2007, một luật mới hạn chế quyền tự do thuê và đuổi việc lao động của người sử dụng lao động, được coi là quá có lợi cho người lao động; sự trở lại của các doanh nghiệp nhà nước độc quyền trong những lĩnh vực quan trọng kể từ giữa những năm 2000 đã làm phá sản nhiều doanh nghiệp tư nhân; và 4 nghìn tỷ NDT gói kích thích kinh tế với mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hầu như chỉ được sử dụng bởi thành phần kinh tế quốc doanh. Những lời chỉ trích mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông về hiện tượng “gou jin min tui” (quốc tiến dân thoái) sau năm 2008 cho thấy một cách thức định hình vấn đề hoàn toàn mới. Thập niên 1990 nổi lên cuộc tranh luận về việc có nên chấp nhận khu vực tư nhân hay không. Hiện tại, vấn đề là liệu các doanh nghiệp tư nhân có nên được đối xử giống như các doanh nghiệp nhà nước liên quan tới các khoản vay ngân hàng, miễn thuế và đất đai hay không.
Tổng kết lại, chúng tôi không khẳng định rằng đa số người dân Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm dân chủ, nhưng chúng tôi gợi ý rằng xu hướng kinh tế gần đây đã trung lập hóa các tầng lớp xã hội quan trọngvề mặt chính trị, tạo ra nguồn động lực thúc đẩy sự dịch chuyển chính trị. Chúng tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai là một tác nhân dẫn đến dân chủ hóa, và coi sự gia tăng bất bình đẳng ở Trung Quốc như là một nhân tố thúc đẩy chứ không phải cản trở dân chủ hóa.
Thay đổi văn hóa chính trị
Nhiều ý kiến cho rằng chính nền văn hóa độc nhất vô nhị của Trung Quốc đã làm cho quá trình dân chủ hóa trở nên khó khăn, nếu như không muốn nói là không tưởng. Những ý kiến này có sự ủng hộ từ thực tiễn nhưng đó lại là một bức tranh tổng thể đầy phức tạp. Trong khi thừa nhận rằng Trung Quốc chịu tình trạng “thâm hụt văn hóa” về dân chủ, chúng tôi vẫn cho rằng sự phát triển về kinh tế và công nghệ đang làm thay đổi định hướng văn hóa của quốc gia.
Những khảo sát khác nhau cho thấy ĐCSTQ đạt sự tín nhiệm chính trị rất cao bất chấp bản chất chuyên chế của nó. Cựu Giáo sư đại học Duke, Tianjian Shi, nhận thấy rằng 92% người Trung Quốc tin tưởng vào chính phủ.26 Các học giả bình luận rằng sự gia tăng đáng kể các cuộc biểu tình tại Trung Quốc vẫn chưa đe doa nghiêm trọng đến tính chính danh của chế độ vì những người biểu tình thường có xu hướng tập trung vào các vấn đề kinh tế xã hội chứ không phải các vấn đề chính trị và họ phân biệt rạch ròi giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.27 Liệu có phải nền văn hóa Trung Quốc đang ngăn cản quá trình dân chủ hóa của nước này?
Trước hết, những người biểu tình Trung Quốc đúng là có xu hướng đưa ra những đòi hỏi thực tế và mang tính địa phương, nhưng liệu điều đó phản ánh một xu hướng văn hóa hay chỉ đơn giản là một sự lựa chọn duy lý trong ngắn hạn thì không thực sự rõ ràng. Những người biểu tình hoàn toàn có thể có khả năng sửa đổi lý lẽ và đòi hỏi của mình cho tương ứng với những thay đổi trong môi trường chính trị. Ví dụ, nhiều cuộc biểu tình phản đối cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa đã ngay lập tức làm dấy lên các tranh luận về quyền sở hữu tài sản sau khi Luật sở hữu tài sản có hiệu lực từ năm 2007. Và Đạo luật về Công khai các thông tin của chính phủ được ban hành trong năm 2008 đã tạo ra một loạt các trường hợp trong đó người dân sử dụng ”quyền thông tin” để đưa ra những đòi hỏi của mình. Vì vậy rất hợp lý khi cho rằng chính thể chế, chứ không phải các xu hướng văn hóa, đã hình thành nên những đòi hỏi đó của những người biểu tình.
Khái quát hơn, một số quan điểm bảo thủ của người dân Trung Quốc có thể mang tính chất dễ thay đổi và hời hợt, phản ảnh sự thành công của quá trình tuyên truyền chính trị hơn là một định hướng văn hóa ăn sâu bám rễ. Tất nhiên, nhận thức về dân chủ tại Trung Quốc vẫn có ”những đặc điểm mang đặc sắc Trung Quốc”. Ví dụ, 62,9% người được hỏi trong cuộc khảo sát Phong vũ biểu Châu Á năm 2005 cho rằng Trung Quốc đã ít nhiều mang tính dân chủ.28Tuy nhiên, rất có thể quan điểm như vậy sẽ thay đổi khá nhanh chóng một khi môi trường chính trị thay đổi. Việc người dân coi trọng sự ổn định hơn tự do không hề gây ngạc nhiên khi mà bộ máy tuyên truyền xung quanh họ khiến cho hai khái niệm trên đối chọi nhau. Việc người dân cho rằng dân chủ đồng nghĩa với sự bảo vệ là điều tự nhiên khi các lãnh đạo quốc gia luôn được khắc họa như những người bảo vệ nhân từ (đối với người dân) bởi giới truyền thông. Một thực tế đáng ngạc nhiên là, bất chấp công tác tuyên truyền, một tỷ lệ đáng kể người dân Trung Quốc vẫn giữ một quan điểm tự do về khái niệm dân chủ, như đã được thể hiện qua nghiên cứu của Tianjian Shi.29
Văn hóa luôn luôn thay đổi, tại cả Trung Quốc và ở phương Tây. Wang Zhengxu tại Đại học Nottingham đã phát hiện ra sự thay đổi thế hệ rất rõ ràng, với những người Trung Quốc sinh  năm 1980 có mức độ tin tưởng chính phủ rất thấp.30 Tương tự như vậy, Tianjian Shi thấy rằng ”những người trẻ có nhiều khả năng tán thành khái niệm dân chủ theo truyền thống tư tưởng dân chủ tự do”.31
Những thống kê cũng cho thấy, ở mức độ nào đó, sức sống ngày càng tăng của xã hội dân sự ở Trung Quốc. Số lượng của các vụ “hành động tập thể” (collective action) đã tăng từ 8.700 vụ trong năm 1993 đến 90.000 vụ trong năm 2006, và sau đó tăng gấp đôi đến 180.000 vụ trong năm 2010.32 Số lượng các tổ chức phi chính phủ cũng đã tăng từ 6.000 vào đầu thập niên 1980 lên đến 360.000 vào năm 2006, mặc dù con số thực có thể tới 3 triệu.33 Điều này khó có thể xảy ra trong một xã hội văn hóa tĩnh.
Mỉa mai thay, điều cho thấy rõ ràng nhất sự bất ổn ngày một gia tăng của xã hội Trung Quốc chính là sự gia tăng chi tiêu chính phủ vào việc “duy trì ổn định”. Ngân sách Trung Quốc cho an ninh nội bộ trong năm 2009 là 514 tỷ nhân dân tệ, tương đương với ngân sách chi cho quân đội.34 Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 17 năm 2007 của ĐCSTQ, để “duy trì ổn định” tại Bắc Kinh, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Yu Jianrong ước tính rằng khoảng 100.000 người đã được chính quyền địa phương từ khắp các tỉnh gửi đến Bắc Kinh với mục đích ”jie fang” (ngăn chặn những người đi kiện)35
Sự ủng hộ dân chủ của tầng lớp trí thức Trung Quốc cũng tạo ra một thách thức nữa đến quan điểm cho rằng văn hóa Trung Quốc là một trở ngại cho quá trình dân chủ hóa. Một tỷ lệ lớn người Trung Quốc, có thể nói là đa số, có thể vẫn còn bảo thủ hay thờ ơ về mặt chính trị, nhưng nếu xét về xung lực cho quá trình dân chủ hóa, thì thái độ chính trị của giới học giả, sinh viên đại học và tầng lớp trung lưu mới nổi có lẽ quan trọng hơn dư luận xã hội nói chung, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác hoặc của chính lịch sử Trung Quốc.36 Trong những năm gần đây, một nhóm các nhà lãnh đạo có tư duy tự do đã nổi lên tại Trung Quốc, và đã thay đổi quan điểm chính trị của càng nhiều hơn những người trẻ và có giáo dục. Han Han, một nhà văn trẻ cũng và cũng là một người chơi xe đua, là đại diện không chính thức của những lãnh đạo tư tưởng như vậy. Ông đã sử dụng blog của mình để chỉ trích kiểm duyệt và bất công chính trị tại Trung Quốc, và đã trở nên nổi tiếng đến nỗi blog của ông, với hơn 500 triệu lượt truy cập tính tới mùa hè 2011, trở thành trang có số độc giả lớn nhất Trung Quốc.37 Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng ngày càng trở nên thẳng thắn hơn. Điều này thực sự gây lo ngại cho ĐCSTQ do chủ nghĩa tự do chính trị ngày càng có liên quan mật thiết đến các nhân vật nổi tiếng trong nước, chứ không phải là những nhân vật lưu vong chính trị bị cô lập hay các học viên Pháp Luân Công.
Những tiếng nói tự do như vậy đang ngày càng được chấp thuận. Vào cuối năm 2010, trong số 10 cuốn sách hàng đầu được liệt kê trên sina.com, trang web được cho là có lượng truy cập nhiều nhất tại Trung Quốc, sáu cuốn sách có liên quan đến chủ đề chính trị và năm cuốn có xu hướng ủng hộ tự do. Cuốn sách gây sốt mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa “Trung Quốc không hạnh phúc” nhận điểm đánh giá 5.2/10 từ khoảng 4.000 độc giả của douban.com – trang web đánh giá sách lớn nhất ở Trung Quốc. Ngược lại, cuốn sách Lẽ thông thường(Common Sense), được phát hành cùng năm với nội dung truyền bá các quan điểm tự do, như đã được gợi ý một cách gián tiếp trong tiêu đề mượn từ tác phẩm của Thomas Paine, nhận được điểm đánh giá trung bình là 8.2 từ 13.000 độc giả.
Cuối cùng, sự biến đổi của các phương tiện truyền thông mang tính truyền thống đã góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Trong thập niên 1990, tờ Nam Phương Cuối Tuần  là biểu tượng của tự do báo chí. Ngày nay, nó chỉ là một trong nhiều các tờ báo như vậy. Mặc dù tăng cường kiểm duyệt, nhưng ngày càng nhiều các tờ báo và tạp chí thể hiện xu hướng tự do, bao gồm Southern Metropolis, Window for the Southern Wind, Liao Wang, Cai Jing, New Century,  Xiaoxiang Morning.
Tuy nhiên, những thay đổi mang tính cách mạng lại đến từ internet. Số lượng cư dân mạng ở Trung Quốc được ước tính lên đến con số đáng kinh ngạc 485 triệu người tính đến tháng 6/2011.38 Dĩ nhiên thay đổi về văn hóa cần có thời gian, nhưng ngày càng có nhiều cư dân mạng đang cố gắng tách mình khỏi chế độ chuyên chế. Một dấu hiệu của quá trình tách rời đó là sự gia tăng chủ nghĩa hoài nghi chính trị: ”tám vinh quang và tám hổ thẹn”, các nguyên tắc đạo đức được ủng hộ dưới sự lãnh đạo của Hồ – Ôn, đã tạo ra nhiều trò cười hơn là sự tôn trọng. Những từ như “democrazy” (dân chủ điên rồ), “freedamn” (tự do chết tiệt), “fewman rights” (quyền của một số người) hoặc “harmoney” (hài hòa nhờ tiền) đã được tạo ra nhằm chế giễu môi trường chính trị hiện tại. Mặc dù đúng là chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc đàn áp tự do ngôn luận trực tuyến thông qua các cơ chế kiểm duyệt nhiều tầng lớp, nhưng cho đến nay chiến lược đó đã thất bại trong việc kiểm soát các hoạt động trực tuyến ở ít nhất bốn lĩnh vực.
Trước tiên, chính phủ không thể hoàn toàn ngăn chặn được dòng chảy thông tin, bởi vì nhiều người đã học được cách làm thế nào để vượt qua “vạn lý tường lửa” với các phần mềm đặc biệt. Có một câu chuyện thú vị về Feng Zhenghu. Được cho là một kẻ gây rắc rối về mặt chính trị bởi chính quyền Thượng Hải, Feng bị cấm quay trở lại Trung Quốc khi đang ở Nhật Bản. Từ tháng 11 năm 2009 đến tháng 2 năm 2010, ông sống tại Sân bay quốc tế Narita ở Nhật Bản, phản đối sự đối xử mà chính quyền Thượng Hải dành cho mình. Trong kỷ nguyên tiền internet, cuộc đấu tranh của ông có thể không được chú ý đến, nhưng Feng đã sử dụng Twitter để cập nhật các hoạt động hàng ngày của mình. Mặc dù cộng đồng sử dụng Twitter ở Trung Quốc rất nhỏ vì những hạn chế của chính phủ, nó đủ lớn để giữ cho câu chuyện trở nên sinh động và tiếp diễn. Cuối cùng, chính quyền Thượng Hải đã trở nên hết sức bối rồi khi cho phép Feng trở về nước.
Thứ hai, có rất nhiều thông tin tồn tại trên mạng trong khu vực chính trị ”màu xám”. Trong năm năm qua, mạng internet tại Trung Quốc đã trở thành một nhà hát chính trị chứa đầy những vở kịch giật gân. Như trường hợp của DengYujiao, một cô gái Hồ Bắc đâm một quan chức địa phương đến chết khi đối mặt với nguy cơ bị cưỡng hiếp vào tháng 5 năm 2009, đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ khổng lồ khi câu chuyện của cô được đưa lên mạng, hay như câu chuyện ”trốn tìm” năm 2009 trong đó một đồn cảnh sát tại Vân Nam đã gán cái chết bí ẩn của một nghi phạm đang bị tạm giam vào trò chơi trốn tìm, nhưng nhiều người lại thấy câu chuyện này nực cười đến khó tin. Trong năm 2010, khi một gia đình tại Giang Tây tự thiêu để phản đối việc chính quyền tháo dỡ nhà cửa, người thân của họ đã cập nhật tình trạng khốn khổ của họ lên mạng. Những câu chuyện như vậy được coi là “xám” vì chính quyền địa phương thường không thích những sự việc như thế được tường thuật lại, nhưng họ lại không có bất cứ quyền hạn nào để kiểm soát luồng thông tin trực tuyến. Ngoài ra, cư dân mạng Trung Quốc đã học được cách phát minh ra các ngôn ngữ “xám”, hay còn được gọi là ngôn ngữ nói giảm nói tránh, để truyền tải thông điệp của họ về những vấn đề chính trị nhạy cảm. Ví dụ, “8 bình phương” là tín hiệu để khởi đầu cuộc thảo luận về phong trào ngày 4 tháng 6 (tức số 64 trong cách nói của người Trung Quốc – NBT), “được mời uống trà” có nghĩa là gần đây bị cảnh cáo bởi cảnh sát, và “đang được hòa hợp” có nghĩa là đang bị đàn áp. Các nhà lãnh đạo hàng đầu đôi khi cũng sở hữu một số biệt danh giúp cho cuộc thảo luận trở nên thuận tiện hơn. Đó là các kỹ năng chiến tranh du kích để vượt qua sự kiểm duyệt trực tuyến.
Thứ ba, internet đang trở thành công cụ để tổ chức các hoạt động chính trị. Cuộc đi bộ vì lý do môi trường tại Hạ Môn trong năm 2006 và tại Quảng Châu trong năm 2009 đều được tổ chức một phần thông qua các cộng đồng mạng. Trường hợp của Qian Yunhui năm 2010, trong đó chính phủ và nhiều cư dân mạng tranh cãi về lý do gây ra cái chết của một nông dân (chính phủ nói rằng đó là tai nạn xe hơi trong khi cư dân mạng lại cho rằng đó là hành động trả đũa mang động cơ chính trị vì người nông dân này đã tập hợp dân làng để đòi hỏi các quyền lợi về đất đai), thu hút sự chú ý rộng rãi của công luận đến mức một số cư dân mạng đã tiến hành các hoạt động điều tra độc lập. Sự thật là những hoạt động như vậy vẫn còn rất ít do thông tin bị kiểm soát và tồn tại những rủi ro về mặt chính trị, nhưng hiện tượng phối hợp hành động thông qua internet không chỉ giúp duy trì sự đoàn kết giữa các nhà hoạt động mà còn cung cấp một kênh cho những nhà bất đồng chính kiến có thể kết nối với cơ sở, một liên minh được coi là nguy hiểm trong mắt ĐCSTQ.
Thứ tư, internet đang thúc đẩy ”vốn xã hội” nói chung, tuy không có những tác động chính trị một cách tức thời, nhưng có thể nuôi dưỡng tư tưởng dân chủ trong dài hạn. Mặc cho sự kiểm soát của chính phủ, rất nhiều những nhóm đọc, nhóm du lịch, thảo luận, tổ chức từ thiện, và thể thao, và nhiều những nhóm khác nữa, đang phát triển mạnh mẽ trên không gian mạng. Nếu lý thuyết của giáo sư Harvard Robert Putnam39cho rằngthái độ ủng hộ mạng xã hội cũng là ủng hộ dân chủ là đúng, thì sự bùng nổ các mối tương tác và liên minh xã hội trên mạng có thể thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở Trung Quốc.
Tóm lại, chúng tôi cho rằng nền văn hóa Trung Quốc không cản trở quá trình dân chủ hóa nhiều đến mức như một số người đã gợi ý. Đặc điểm của văn hóa bản thân nó là sự pha trộn. Nhiều xu hướng bảo thủ chỉ mang vẻ bề ngoài, và văn hóa chính trị đang thay đổi liên tục. Tư duy lãnh đạo đang hướng về chủ nghĩa tự do, các phương tiện truyền thông truyền thống cũng đang trở nên thoáng hơn, và internet đang trở thành một môi trường văn hóa mà nhà nước trở nên quá vụng về để có thể chinh phục nó một cách hiệu quả.
Quá trình chuyển giao lãnh đạo và những hệ quả của nó
Những tác động của toàn cầu hóa
Xu hướng rõ ràng, kết quả không chắc chắn
Chú thích
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Tai sao Trung Quoc dan chu hoa.pdf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CUỐI NĂM 2013 TẢN MẠN VỀ SỰ VĨNH HẰNG



Với phương Tây, nền văn hóa duy lý và thực dụng, họ không cho có sự vĩnh hằng. Đến và đi ở cõi đời trần tục này chỉ một lần, rồi chẳng còn chi để lại, ngoại trừ tiếng tăm và dấu tích đóng góp tốt xấu cho đời. Nên người phương Tây chỉ dồn toàn bộ sức lực cho lúc còn sống vì mọi việc, và lý thuyết tư tưởng có tính hiệu quả cao của phương Tây ra đời, nhờ đó đã đưa nhân loại tiến rất nhanh chỉ trong vòng vài thế kỷ qua về mọi mặt. Từ  năm 1672 ông Otto Fon Gerryk tìm ra điện đến nay chưa đầy 500 năm so với hàng chục triệu năm loài người có mặt trên hành tinh xanh, mà hôm nay chúng ta đã ngồi một chỗ có thể liên lạc toàn cầu, và ai cũng có thể sử dụng sức mạnh của riêng mình để phục vụ cho kiếp nhân sinh. Đó là những bước tiến vĩ đại của chúng ta.

Ngược lại, với phương Đông, nền văn hóa duy tình và có tính huyền hoặc. Họ không tư duy cho sự phồn thịnh thực tại bằng vật chất, mà họ gọi là "tầm thường", mà họ lại dành thời gian sống để nghĩ về sự vĩnh hằng, sau khi cuộc sống đầy khổ nhục ở trần gian làm họ chán chường. Cho nên, 3 tôn giáo lớn nhất mọi thời đại loài người là Phật giáo, Ki Tô giáo và Hồi giáo đều xuất hiện ở phương Đông. Nếu Phật giáo có giáo lý như triết học cao sang, thì Ki Tô giáo có một giáo lý gần gũi với con người bình dị hơn, đến Hồi giáo cũng thế, trần tục hơn. Các tôn giáo lớn khác góp phần không nhỏ cho đời sống tâm linh và tư tưởng của nhân loại nói chung, và phương Đông nói riêng, nhưng tất cả đều mang màu sắc cho sự đi về và chốn vĩnh hằng.

Bây giờ nói chuyện vĩnh hằng và bất tử, vì cái đáng sợ nhất của con người là không bao giờ tự giải thoát được cái sợ, do còn ở cõi u mê chưa tự biết mình là ai? Khi biết ta là ai, ta từ đâu đến, và ta đến để làm gì, lúc đó cái sợ không còn là vấn đề phải quan tâm, mà ta chỉ thực hiện việc ta làm - ta gieo nhân và sẵn sàng đón nhận quả!

Nhiều người chưa hiểu thế nào là sự bất tử và chốn vĩnh hằng ở phạm vi tâm linh, nên còn chưa hiểu mình. Khi chưa hiểu mình thì chưa giải thoát cái sợ. Cái sợ là cội nguồn của mọi hành động bất minh. Sợ mất của cải của tôi, sợ mất gia đình tôi, sợ vợ/chồng/con cái tôi, v.v... sẽ thua thiệt, đói nghèo... Vào internet lập một nickname, tôi sợ lộ thông tin cá nhân, tôi đặt một nặc danh cho ăn chắc. Ra ngoài đường tôi sợ bị kẻ gian hãm hại, v.v... trăm ngàn nỗi sợ. Từ đó, hành vi và tư duy sẽ bất minh, nó dẫn đến những sai lầm, và giảm đi sức mạnh tự thân đối với cộng đồng, và giảm đi sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trước uy lực của kẻ gian manh.

Có những người nỗi sợ đến mắc bệnh tâm thần hoang tưởng bị hại, nhưng cứ nghĩ mình khôn. Đó là bi kịch của nguồn cội của sự bất minh. Và các chính khách gian manh trên thế giới luôn biết lợi dụng sự bất minh ấy để tạo ra những chế độ độc tài, hòng cai quản những kẻ bất minh, để ăn trên ngồi trốc, hưởng vinh hoa phú quý bằng những luật lệ gian manh. Thế giới hôm nay tuy đã phát triển vượt bậc, nhiều phương tiện thông tin đã giúp sức mạnh cá nhân của mỗi thành viên trên thế giới phát huy hết sức mạnh của mình, nhưng cũng không thiếu kẻ bất minh làm loài cừu dễ dạy.

Khi sự bất minh ngự trị trong mỗi con người, nó làm con người chỉ như con ốc co mình vào vỏ để chăm lo bộ dạng của mình. Con ốc đó chỉ chịu xông ra tự bảo vệ mình khi quyền lợi mình bị xâm hại vì kẻ khác. Đó là căn nguyên của mọi sự chia rẻ, và yếu hèn. Các chính khách gian manh biết nắm bắt yếu điểm này của đám đông ngu muội để đưa ra những chiêu trò tâm lý đánh vào cái vô thức của đám đông mê muội, hòng cai trị, và hưởng phú quý vinh hoa trên xương máu của đồng loại, và đồng bào.

Sáng nay nói chuyện với anh bạn già về sự bất tử. Chúng tôi bắt đầu bằng nghiệp dĩ một con người, rồi lan man đến một dân tộc. Cả hai cùng nhắc đến một vấn đề lớn mà con người chỉ khi đi hết cái dốc cuộc đời mới sực tỉnh: "Đến và đi ở cõi đời này là để hoàn thiện mình. Kẻ thiếu ác thì hoàn thiện cái ác. Người thiếu thiện thì hoàn thiện cái thiện, v.v... Tất cả đều là để qua đó, giải quyết ân oán cuộc đời mà nhân quả đã gieo. Quả thì đã có rồi, chỉ có gặt, không thể thay đổi được. Nhân thì ta có thể chủ động gieo, ai cũng làm được, tùy theo trí huệ của mỗi người. Để cuối cùng ta có thể quay lại hay ra đi làm sứ giả trong tương lai. Đó là sự vĩnh hằng." 

Đó là đỉnh cao của tư duy tâm linh phương Đông mà Phật học đã mang đến cho con người, mặc dù đây là con đường đi đến sự vĩnh hằng sớm nhất của loài người. Bây giờ chúng ta hãy cỡi trói những khúc mắc này bằng thực tế khách quan sinh động hôm nay.

Dù phương Tây có tự hào tìm ra nền kinh tế tri thức qua phát triển công nghệ thông tin phần mềm, thì họ vẫn phải bắt đầu từ nền tảng triết lý phương Đông với, Nhất thể sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, và Hà đồ lạc thư 64, 128 quẻ của dịch, của Phật học. Thay vì có không trong Phật học, thì mã hóa các thuật toán tin học lại bắt đầu bằng 2 chữ số 1 và 0, với đơn vị byte cũng phải đi theo những con số 2, 4, 8, 64, 128bytes,...

Tại sao có một Steve Jobs không cần học nhiều tạo ra quả táo cắn dỡ, rồi lại ra đi? Tại sao có một Bill Gates cũng bỏ dỡ việc học hành, nhưng tạo ra hệ điều hành Window mở cửa sổ sức mạnh cho toàn cầu, rồi quay lại làm việc thiện cho nhân loại cùng khổ? Tại sao có một Nelson Mandela chịu bao cực hình tù tội, để rồi trở thành người khai sáng cho cả một quốc gia Nam Phi chìm đắm trong nhục dục của loài người? Tôi xin ứng cử 3 nhân vật này để thấy 3 mức độ vĩ đại và có tính sứ giả đem đến cái thiện cho nhân loại khổ đau, mà không muốn đưa ra những nhân vật mang đến đầu rơi máu đổ, đẩy dân tộc chìm đắm trong mê muội và khổ nhục.....v.v... Vì cái thiện sẽ luôn thắng ác, dù cái thiện luôn mất thời gian công sức để thắng, và để làm loài người ra khỏi u mê cam go hơn cái ác.

Với Steve Jobs, Bill Gates và Nelson Mandela, v.v... họ đã học hết túi khôn và gian manh của loài người tự bao giờ mà ngay chính họ cũng không biết được. Giờ họ quay lại để làm sứ giả cho việc thiện. Nhưng ở mỗi người có một đẳng cấp khác nhau, nên họ chỉ làm một nhiệm vụ khác nhau. Xong nhiệm vụ là phải ra đi.

Nếu Steve Jobs chỉ cần làm ra quả táo cắn dỡ để làm nên sự vĩnh hằng và bất tử, thì Bill Gates sau khi làm nên vĩnh hằng và bất tử, anh ta còn phải lo toan cho nhha6n loại cùng khổ được ấm êm hơn, xong nhiệm vụ này anh cũng phải ra đi. Hơn một bậc nữa, Nelson Mandela đến với đời là lấy thân xác này hy sinh như những Ngài Thích Ca, Jesus, v.v... để hành xác trong 27 năm tù tội, rồi sau đó lấy đức hy sinh, lòng vị tha và túi khôn của loài người để cảm hóa những con thú mang mặt nạ người ở Nam Phi để dạy cho nhân loại rằng, chúng ta đến với cuộc đời này bằng nhau về màu da, sắc tộc, phải cư xử nnhau đúng nghĩa là Người, chứ không phải là thú hoang dã. Xong nhiệm vụ thì ông cũng phải ra đi. Tất cả họ là những sứ giả. Họ không thua bất kỳ Albert Einstein hay bất kỳ nhà khoa học để lại cho đời những khám phá thiên nhiên, xã hội để đưa loài người tốt đẹp hơn.

Ngược lại, những sứ giả ác mang đến khổ đau cho nhân loại như (... ) họ cũng là sứ giả có nhiệm vụ đến với đời dạy cho nhân loại những điều ác, gian manh, mà nơi họ đến, những dân tộc đó đang cần nhận quả đắng mà họ đã gieo tự bao giờ mà họ không biết. Tại sao ngày 30/4/1975 có bao người ra đi, nhưng có bao người đã lên thuyền phải quay trở lại ở Việt Nam? Tại sao có bao người sau đó vượt biển ra đi, nhưng chỉ có phân nửa được đến nơi họ cần đến, còn lại làm mồi cho cá, cướp biển? Tại sao có những người ở lại bị tù đày, có người ở lại lại lên cao. Và tại sao những người ở loại đó, có người muốn ra đi, có người vẫn cứ ở lại để sống nhìn đời, mặc dù ở lại trong khốn khổ? v.v... rất nhiều câu hỏi tại sao nghịch lý và logic rất khó trả lời.

Rồi tại sao có những quốc gia đi theo con đường đa nguyên tản quyền, mà hễ đã là lãnh đạo thì phải là có học, phải tranh cử, phải giải trình dự án của mình trước đảng đại diện tranh cử trước khi được đảng chọn lựa ứng cử viên như Hoa Kỳ? Và cũng tại sao có những quốc gia đơn nguyên tập quyền, mà khi chọn lựa lãnh đạo không cần có học, chỉ cần trung thành với đảng cầm quyền? Rồi tại sao đến ngày nay hình thức cha truyền con nối để làm vua vẫn còn như ở các quốc gia ?

Tất cả là nhân với quả, và ân oán của ta mà ta phải giải quyết. Đừng buồn, đừng giận, hoặc đừng căm thù ai đó đã hãm hại ta, mà hãy bình thản đón nhận như quả đắng ta phải lãnh vì ta đã gieo nhân tự bao giờ. Cũng đừng quá phấn khích, tư kiêu khi ta may mắn được đời nhiều ưu ái.

Suy cho cùng, tất cả những gì ta gặp, ta hái gặt hôm nay là ân oán của hôm qua. Cha/Con/Chồng/Vợ chẳng phải của ta, và chẳng bà con chi, mà là ân oán cuộc đời mà ta phải đeo mang, và giải quyết. Trên nền tảng gia đình đó, có người làm việc nhỏ, có người phải gánh việc lớn, có người làm việc thiện, có kẻ gieo tai ương khốn khổ. Đó là bản chất của xã hội loài người, vừa hoang dã, vừa thánh thiện. Không ai nên trách ai, mà chỉ trách mình chưa được minh mẫn để nhìn cuộc đời, nhân quả, trả vay đúng với bản chất của nó.

Khi đã nhận chân được bản chất của cuộc đời, ấy là lúc ta không còn bất minh, ta lại là ta, an nhiên tự tại làm việc ta phải làm, dù chó có sủa, mèo có ngao, hay gươm kề cổ, súng kề tai. Đó là bất tử và vĩnh hằng, dù cái bất tử và vĩnh hằng ấy có là giam mình trong phòng thí nghiệm để tìm tòi cái còn bí ẩn của thiên nhiên chưa ai khai phá, hay là sự giam cầm trong tù tội để khai sáng cho một dân tộc.

Năm con Rắn 2013 quả là một năm khốc liệt về mọi mặt (....) tôi đã tiên liệu từ 2 năm trước. Chúc năm con Ngựa 2014 dân tộc Việt sáng suốt và biết chọn lựa con đường đi của mình.
BS. HH
( Xin lỗi tác giả vì nhiều lí do, đục một số đoạn ngắn)
Asia Clinic, 15h38' Ngày cuối năm Tây lịch thứ Ba, 31/12/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tình yêu sưởi ấm nhân gian


(Người Việt)-Một người vợ trẻ quyết định sinh con với người chồng đã qua đời trước đó 4 năm. Một người đàn ông chung thủy, miệt mài đưa vợ đi chạy thận suốt 5 năm trời trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khó. Đó là những huyền thoại tình yêu khiến chúng ta ấm lòng trong những ngày cuối năm này.
Chị Dung bế hai con trai nhỏ. Ảnh: Tuổi trẻ
Tôi ước sao mở báo ra hàng ngày, thay vì những tin tức đen tối, tệ hại, chúng ta được đọc thật nhiều những câu chuyện đẹp, những người tốt, để còn thấy cuộc đời này đáng sống. Bởi thế mà khi đọc bài báo viết về một nữ tiến sĩ trẻ quyết định sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất trước đó 4 năm vì tai nạn giao thông, chắc nhiều người cũng như tôi, cảm thấy nghẹn ngào xúc động.

Chị là Kim Dung- một tiến sĩ du học tại Pháp, chồng chị mất vì tai nạn giao thông khi đứa con gái đầu lòng của 2 người mới 6 tháng tuổi. 6 giờ sau khi anh qua đời, chị đã nhờ cậy các bác sĩ trữ đông tinh trùng của chồng. Và 4 năm sau, tức vừa mới đây, chị hạ sinh 2 bé trai khỏe mạnh.

Một câu chuyện đẹp như cổ tích, bởi người phụ nữ ấy đã biết trước mình sẽ phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn khi một tay nuôi nấng 3 đứa trẻ lúc chồng chị không còn bên cạnh. Các bác sĩ cho biết, có nhiều trường hợp đã mong muốn như chị, nhưng về sau, họ thay đổi ý định. Cũng chẳng trách được đâu, vì ai cũng phải lo cho phận mình.

Nhưng chị Dung đã bước qua được tất cả những đắn đo ấy, chồng mất khi 28 tuổi, giờ chị mới 32, cả một tương lai dài phía trước. Thế mà Dung vẫn quyết định sinh con, một điều kỳ diệu để người chồng chị rất mực yêu quý vẫn tiếp tục nối dài sự hiện diện ở thế gian này qua những đứa con.

Có điều gì đẹp hơn được thế khi nói về tình yêu? 

Có ai dũng cảm hơn được người phụ nữ ấy?

Tôi lại muốn kể tiếp về một người đàn ông khác, anh Nguyễn Văn Vượng, 33 tuổi ở Hà Nội. Suốt 5 năm nay, anh là chỗ dựa cho người vợ hơn mình 3 tuổi, cao 1.38, nặng 29kg, không thể tự đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào chồng. Chị bị suy thận giai đoạn cuối, sự sống phía trước mịt mờ, kéo dài được ngày nào biết ngày đó, nói gì đến chuyện làm vợ, rồi sinh con cho anh.

Thế mà người đàn ông ấy vẫn một lòng chung thủy, lo lắng, chăm sóc, chạy xe ôm để kiếm tiền cho vợ chữa bệnh, không một lời oán thán số phận. Giờ thì mẹ anh cũng đang bệnh liệt giường, bản thân anh cũng mắc bệnh thận.

Trong cái hoàn cảnh nghiệt ngã ấy mà họ vẫn hạnh phúc, vẫn yêu nhau, vẫn cười tươi, người vợ còn làm thơ tặng chồng, những vần thơ như mật ngọt, chắt lọc từ máu trong tim: “Đi gần hết quãng đời tăm tối/ Chợt lóe lên ánh sáng đường hầm/ Ánh sáng của tình yêu và hi vọng/ Anh là ánh sáng của đời em”.

Vậy đấy, tình yêu thật là kỳ diệu, như lửa hồng sưởi ấm nhân gian, như ánh sáng chiếu rọi vào những nơi tăm tối nhất. Chẳng phải nếu mỗi ngày được biết những người sống quanh mình đang sống tử tế và tốt đẹp thế này, mỗi người chúng ta đều cảm thấy yêu đời và có chút hy vọng ở tương lai?

Cho dù cuộc đời còn nhiều điều u tối, tình người bạc bẽo, tình thân bị rẻ rúng, nhưng có lẽ chúng ta đều tin rằng, bản chất đẹp đẽ của con người sẽ không gì có thể nhuốm đen đi được. Vẫn có những con người bình dị mà cao cả như chị Dung, anh Vượng và còn hàng triệu những người chúng ta chưa biết mặt, biết tên nữa.

Họ vẫn đang sống rất đẹp phần đời của họ, đang viết nên những câu chuyện tuyệt vời về tình người và đem tình yêu của họ sưởi ấm cõi nhân gian này. Chẳng ai có ý định làm một anh hùng hay muốn trở thành người nổi tiếng. Họ cứ sống bình dị thế thôi, nhưng biết được câu chuyện về cuộc đời họ, chúng ta cảm thấy may mắn và hạnh phúc như nhận được một món quà.

Tình yêu cuộc sống này chắc chắn phải được duy trì và tiếp nối bằng những câu chuyện đẹp như huyền thoại đó, chắc chắn là như vậy. Từ ngàn xưa cho đến mãi ngàn sau.
Ở đâu có tình yêu, ở đó có gia đình!
Đừng lấy tình yêu để quên đi tình yêu
Tình yêu là thứ quan trọng nhất
Đẻ sinh đôi từ tinh trùng của người chết sau 3 năm

Mi An

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

GIẤY CHỨNG NHẬN CÓ TIM


Đỗ Xuân Thọ 

Anh thất thểu leo lên tầng 3 tòa nhà của bộ Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp. Từ sáng tới giờ anh mới có nửa cái bánh mỳ vào bụng. Năm ngoái anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Cơ Học Ứng Dụng ở trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội 

....
Người ta đưa về Viện của anh một xuất đi thực tập sau TS hai năm ở Nga, một xuất mà không thằng TS nào ở viện muốn đi...vì tiền rất ít và nước Nga rất nghèo. Chúng đợi những xuất đi Pháp, đi Anh và đi Mỹ vì chúng được đi nước ngoài như đi chợ bằng tiền của bộ GTVT hoặc nước ngoài tài trợ không phải thi cử gì hết...Chúng đều có chức, có quyền trong viện hoặc con ông cháu cha.... Thế là anh đã xin được xuất đi Nga đó.
Vợ anh đã phải bán cái nhẫn cưới mua cho anh một chiếc ra-đi-ô có băng cát-sét để ôn thi cấp tốc tiếng Nga...
Anh đã thi qua...
Nhưng đây là lần thứ 13 anh phải leo lên cái tầng 3 này để nộp các giấy chứng nhận ở nhiều bộ nhiều ngành khác nhau ... Anh gần như kiệt sức vì đạp chiếc xe đạp Thống Nhất khắp các cơ quan để xin giấy chứng nhận...
Ngày mai là hết hạn làm hồ sơ...
...
Anh bước vào phòng. Tiếp anh vẫn là hắn, một khuân mặt sắt và vô cảm.Hắn có cái trán ngắn cũn cỡn mặc dù đã cố gắng vuốt ngược mái tóc , đôi mắt ti hí và một cái cầm bạnh ra. Mặc dù đã tô điểm bằng cập kính trắng đắt tiền 0.5 diop mặt hắn vẫn như một tên đao búa
- Chào anh, anh hổn hển nói vì vừa leo ba tầng cầu thang.Tôi đến để nôp hồ sơ ạ
- Anh là anh Đỗ Xuân Thọ ở VIỆN KHOA HỌC và CÔNG NGHỆ GTVT phải không ? Hắn ể oải nói và cầm tập hồ sơ dây cộm giấy tờ của tôi

Hắn xem tập giây chứng nhận đủ thứ của anh. Mười ba chữ ký.... mười ba con dấu...Hắn nhêch mép cười...Hắn biết răng thằng TS thật thà, trung thực , suốt từ bé đến giờ làm ĐÚNG 5 ĐIỀU BÁC HỒ DẠY CHO THIẾU NHI và nghèo kiết xác này đã phải vô cùng cực khổ và vô cùng ức chế với bộ máy hành chính của cái cơ chế trong THIÊN ĐƯỜNG XHCN ở Việt Nam để xin được đủ 13 cái giấy chứng nhận này. Tuy nhiên xuất đi Nga này hắn lại cho một thằng ở trường ĐẢNG CAO CẤP rồi vì thằng này đã đút cho hắn 2 chỉ vàng dù thằng này không hề biết gì về Động Lực Học Công Trình...

Trong khi chờ tên Vụ Trưởng mặt sắt xem giấy tờ anh liếc nhìn căn phòng. Trên tường treo một tờ lịch có hình một bé trai 3 tuổi kháu khỉnh giông con trai anh...Hôm nay là thứ 6 ngày 13...Trên bàn để một bản A0 copy Mặt Trống Đồng Ngoc Lũ của Vua Hùng với ngôi sao 14 cánh ở Trung Tâm và những ghi chú dầy đặc VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM của một NCS nào đó đang xin đi nghiên cứu ở nước ngoài....

......
Hắn đứng dạy đi về phía anh và vỗ vai anh rồi lạnh lùng nói:
- Anh còn thiếu một giấy chứng nhận nữa
- Giấy chứng nhận gì ạ? Anh thẳng thốt kêu lên gần như tuyệt vọng. Sao ông không nói ngay một lúc từ đầu ?
- Giấy chứng nhận anh không bị ĐIÊN ! Hắn nói thong thả, rít rít qua kẽ răng
....
Anh choáng váng...

Và rôi hiểu ra là hắn quyết hành mình. ...
Anh run lên, người nổi hết da gà và không biết mình đã trải qua bao nhiêu cung bậc của tình cảm: Uốt hận-Vị Tha-Sợ Hãi-Yêu Thương-Tủi Thân. Anh nghĩ đến Hồ Chí Minh, đến Phật tổ Như Lai, đến Chúa Jesu, đến vợ con đang đặt hết hi vọng vào chuyến đi Nga của anh...Nhoàng chớp những sóng ý thức đó...

Anh nhìn đứa trẻ như con anh trên tờ lịch. Con anh đang chờ bố nó về dạy Toán....Người anh run lên với bao cảm xúc, với bao nỗi hờn căm chất chưa trong lòng....

- Mày có TIM không ! Anh hét lên đồng thời bàn tay trái anh, bàn tay bên trái tin, bàn tay anh đã đỡ đầu đưa con trai và ru nó bằng những bài ru cả 3 miền Bắc, Trung Nam đã phóng vào ngực trái của hăn một trảo với một lòng căm thù đã nén lài suốt 2 tháng qua...
.....
Một lỗ đen ngòm hun hút trên ngực trái của hắn xuất hiện sau cú đánh của anh ...

-Trời ! Mày không có tim thật rồi!!! Anh kinh ngạc kêu lên

Hắn cười rít lên, chói tai như tiếng bom B 52 mà anh nghe thấy ở chiến trường Quảng Trị hồi năm 1972 khi anh là bộ đội và chiến đấu trong tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly. Tiếng cười của hắn làm MẶT TRỐNG ĐỒNG TRÊN TỜ A0 và tờ lịch có cháu bé rơi xuống sàn, ở giữa hắn và anh.....

Hắn bước lại phía anh, chân ĐẠP lên MẶT TRỐNG ĐỒNG NGỌC LŨ và ĐẠP VÀO MẶT CHÁU BÉ 3 NĂM TUỔI TRÊN QUYỂN LỊCH GHI THỜI GIAN.....

Rồi hắn từ từ thò tay vào cái lỗ đen ngòm trên ngực trái đó rút ra một tờ giây và đưa cho anh xem

Anh thấy có dâu ..đỏ chót, chữ ký của ...còn tươi nguyên và một dòng chữ rất to cũng đỏ chót ở giữa trang :

GIẤY CHỨNG NHẬN CÓ TIM


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dành cho người điên hoặc sẽ điên!

ĐI TÌM CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI

Đỗ Xuân Thọ 



Hẵn là cháu nội 12 đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm…thông minh tuyệt đỉnh…Từ năm lớp 1 đến năm lớp 12, hắn toàn đứng đầu lớp trong các lớp chuyên toán của các trường Kim Đồng, Giảng Võ, và chuyên toán A0 của trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội…Năm lớp 11 và 12 hắn ở trong đội tuyển thi toán quốc tế của VN…Hắn đều đạt huy chương Vàng Riêng năm lớp 12 hắn đã được Nữ Hoàng Anh mời dự tiệc bởi hắn đạt điểm tuyệt đối và có một cách giải xuất sắc ngoài dự kiến của ban giám khảo…
Hắn học tại một trường nổi tiếng của Đức. Tại đây năm thứ 3 hắn đã bảo vệ thành công luận án Tiên sỹ Ha-bin về Toán Học với luận văn có tựa đề:” Bàn về NGUYÊN LÝ BẤT ĐỊNH CỦA GƠ-ĐEN”…Chính cái luận văn TS này làm cho hắn lao vào Triết Học….Ba năm sau hắn sang Ha-vớt Mỹ làm giảng viên Toán nhưng đồng thời nghiền ngẫm…Hắn đã bảo vệ thành công luận án TIẾN SỸ TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG VỀ PHẬT HỌC. Đề tài có tên:” ĐẠI THỪA TUYỆT ĐỐI LUẬN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TOÁN HỌC”
Về nước, lấy một cô hoa hậu trường đại học Y HÀ NỘI cực kỳ thông minh , con một ông Phó Thủ Tướng đẻ được một đứa con gái và một đứa con trai xinh đẹp…
….
Thế rồi hắn bỏ hết !!! Tất cả mấy cái luận án TS đó không làm cho hắn TÌM ĐƯỢC CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI !!! Hắn học đánh CỜ TƯỚNG và quyết tâm tìm được chân lý tuyệt đối trong Cờ Tướng….Huấn luyện viên hàng đầu VN được bố vợ của hắn mời đến dạy cho con rể của mình chỉ một tuần sau đã không thắng được ván nào với hắn nên đã lẩn mất sau khi nhận 500 tr VNĐ…. Hắn đọc Quất Trung Bí, Mai Hoa Phổ, Phản Mai Hoa, Tượng Cục, …. Hắn đặt luôn tạp chí Tượng Kỳ….Trên mạng hắn là thành viên tích cực của THĂNG LONG KỲ ĐẠO…Hắn đánh với chương trình cờ mạnh nhất Hành Tinh, phần mêm Itella luôn thắng với tỷ số 7-3 .Hắn đánh với các kỳ thủ hàng đầu của VN và thu về hàng tỷ VNĐ…
Chưa hết, hắn nghĩ rằng đánh với bọn vận động viên MẬU DỊCH này sẽ cùn cờ nên quyết định đi ĐÁNH CỜ PHỦI , tức là đánh cờ giang hồ trên bờ hồ Hoàn Kiếm, vỉa hè Quốc Tử Giám v.v…Tóm lại ở bất cứ chỗ nào mà nghe thấy có một cao thủ cờ tướng ở Việt Nam là hắn phi đến ngay . Đánh và chiến thắng…
Chưa hết, hắn quyết định đi TQ để gập Hồ Vinh Hoa, Từ Thiên Hồng và những kỳ thủ hàng đầu Trung Hoa… Hắn mang đi 20 triệu USD ....Hắn bôn ba khắp Trung Quốc....Đánh chính thức, đánh bí mật với Hồ Vinh Hoa, Từ Thiên Hồng và tất cả các kỳ thủ hàng đâu TQ và chiến thắng tuyệt đôi thu về hàng tỷ Nhân dân tệ....Hắn lê la ở các quán cờ ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Ma Cao, Hồng Kong... Hắn đánh và thắng hết…
Hang ngày hắn luyện đánh cờ “mù” với Intella…

Sau khi có số vốn khủng khiếp, hẵn mở một quán trà với một cái tên : “ THIÊN HẠ ĐỆ NHẤT KỲ” và thách đấu với tất cả các cao thủ trên Trái Đất…Hắn luôn thắng và kiếm được không biết bao nhiêu là tiền…Nhưng hắn vẫn buồn bởi chưa tìm được CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI MẶC DÙ VẪN TỰ AN ỦI : " TA LÀ NGƯỜI ĐÁNH CỜ TƯỚNG GIỎI NHẤT HÀNH TINH NÀY VÀ ĐÓ LÀ CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI !!!"
…..
Một buổi chiều mùa Thu hắn gọi cho tôi :
- A lô, anh có phải là TS. Đỗ Xuân Thọ , tác giả thuyết Tâm Vũ Trụ vừa đánh thắng ván cờ 10 tỷ VNĐ với thằng Lãng , phó chủ tịch Hà Nội không ạ ???
- Vâng, tôi đây, tôi đã ủng hộ hết số tiền đó cho trẻ em mổ tim rồi anh ạ
- Trời ơi, em đọc hai câu thơ của anh ở bìa quyển Tâm Vũ Trụ mà em muốn đánh cờ với anh quá. Khoảng bao giờ anh dỗi
- Ngay bây giờ !!!
……
Chiếc xe Cam-ry của Long chở tôi đến một biệt thự ở ngoại thành Hà Nội…
….
Bàn cờ đã được bầy ra…Tôi nhớ như in những điều ghi trong bản giao kèo của ván cờ này mà tôi đồng ý ký:
1) Nếu tôi thắng hắn tôi sẽ được sở hữu 1 biệt thự ở Trung tâm Hà Nội, 1 biệt thự ở Nha Trang, 1 biệt thự ở Đà Lạt và 1 căn hộ cao cấp ở thung lũng Si-li-con ở Hoa Kỳ
2) Nếu tôi thua tôi phải nhượng bản quyền Bộ Lọc Sóng Ý Thức (BLSYT) cho hắn

-Thưa anh, em nghe thiên hạ đồn là anh đã tiếp cận được với CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI nên hôm nay em quyết đánh cờ với anh, hắn nói một cách buồn buồn. Em cực kỳ khiêm tốn nhưng thấy không ai là đối thủ của mình trên trái đất này
- Hôm nay chú sẽ thua tôi tuyệt đối
…….
Pháo 2 bình 5 , hắn bốc thăm và được đi trước
Pháo 8 bình 5, tôi quyết định đánh trận thuận pháo mà tôi cực kỳ cảm hứng với Quất Trung Bí
….
Hắn đã đánh như một thằng mới biết chơi cờ…Tôi đã thắng hắn bằng nước tiền MÃ hậu PHÁO rất đơn giản
….
Hắn như phát rồ, ngửa mặt lên trời gào lên từng tiếng:
- SAO HÔM NAY, KẺ BẤT BẠI TRONG MỌI CUỘC CỜ TƯỚNG TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY LẠI THUA ĐỖ XUÂN THỌ CHỈ VÌ ĐI TOÀN NHỮNG NƯỚC “ DỞ HƠI” .... .
Hắn đập đầu vào tường rồi lăn lộn trên nền nhà rồi hộc lên từng tiếng:
- CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI ĐÂU????


- HÃY NGHE ĐÂY, tôi thong thả nói, CHÚ SAI LẦM LÀ Ở CHỖ : CHÚ XEM CÁI VŨ TRỤ NÀY CHỈ CÓ MỖI LOÀI NGƯỜI Ở TRÁI ĐẤT LÀ THÔNG MINH NHẤT. CHÚ NÊN NHỚ TRONG VŨ TRỤ, TÔI ĐÃ CHỨNG MINH CHẶT CHẼ BẰNG TOÁN HỌC RẰNG: CÓ VÔ HẠN NỀN VĂN MINH MẠNH HƠN TRÁI ĐẤT VÀ CŨNG CÓ VÔ HẠN NỀN VĂN MINH YẾU HƠN TRÁI ĐÂT. LÚC ĐÁNH CỜ VỚI CHÚ VỪA RỒI , TÔI ĐÃ DÙNG SÓNG Ý THỨC (SYT) MỞ MỘT SỐ HUYỆT ĐẠO CỦA CHÚ CHO CÁC SYT TỪ CÁC NỀN VĂN MINH YẾU HƠN TRÁI ĐẤT 100 LẦN ÙA VÀO ĐẦU CHÚ TRONG CHỐC LÁT LÀM CHÚ ĐI LỖI NƯỚC RẤT NHIỀU VÀ THUA THÔI CHỨ TÔI CŨNG CHẲNG GIỎI CỜ TƯỚNG ĐÂU
…..
Vợ hắn quỳ dưới chân tôi xin tha…hắn quát vợ : “ Đứng lên Lê , Thế là nhục!!!” ( Hệt như PHÁT SÚNG của Puskin)
….
Hắn đưa cho tôi tất cả các giấy tờ sở hữu 4 biệt thự trên ….Rồi quỳ xuống và nói:
- CON XIN THẦY NHẬN CON LÀM HỌC TRÒ. BÂY GIỜ CON MỚI BIẾT CON CÒN RẤT NHỎ BÉ TRONG CÁI VŨ TRỤ BAO LA NÀY...CON CÓ CẦN TIỀN ĐÂU THẦY ...CON CẦN CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI !!!!

- Cả hai con hãy đứng dạy đi, ta không lấy của các con cái gì. Chồng con mê lẫn nên ta phải dạy cho một bài học thôi. Còn ta không thể nhận thêm con vì con chưa đủ độ điên rồ để làm học trò của ta. Ta đã có 24 học trò bố trí khắp trái đất. TÊN LỬA SYT LÀ BÍ MẬT TUYỆT ĐỐI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM NÊN KHÔNG THỂ TIẾT LỘ ĐƯỢC.... CON HÃY QUAY LAI VỚI TÓAN HỌC, BỞI ĐÓ LÀ CÔNG CỤ DUY NHẤT CỦA TÂM VŨ TRỤ BAN CHO LOÀI NGƯỜI ĐỂ TÌM THẤY NGƯỜI MÀ KHÔNG LẠC LỐI. TOÁN HỌC SẼ DẪN CON ĐẾN CHÂN LÝ TUYỆT ĐỐI !!!

Nói rồi tôi bước ra cửa. Long đã đỗ chiếc Cam-ry 2 tỷ mốt ngay trước cửa nhà hăn…
Qua cửa kính tôi vẫn nhìn thấy hắn và vợ vái theo xe của chúng tôi như tế sao

Hà Nội, 11/12/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang