Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

NGUYỄN TRÃI VÀ HỒ CHÍ MINH HAY LÀ LUẬN VỀ VĨ NHÂN

 Ngô Tự Lập 

Khoa Quốc tế - ĐHQGHN

Có một sự tương đồng về bản chất giữa Vĩ nhân với cuốn Sách vĩ đại. Cuốn sách vĩ đại là một cuốn sách hay, nhưng một cuốn sách hay, thậm chí rất hay, chưa chắc đã là một cuốn sách vĩ đại. Cũng vậy, vĩ nhân phải là một người xuất sắc, nhưng một người xuất sắc, thậm chí rất xuất sắc, chưa chắc đã phải là vĩ nhân.
Trong văn học Việt Nam, tác phẩm xứng đáng nhất để được gọi là vĩ đại là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Có thể nói, “Truyện Kiều” là kinh thánh văn chương của dân tộc Việt Nam. Phạm Quỳnh nói rất đúng, rằng: "‘Truyện Kiều’ còn thì tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn thì nước Việt còn". “Truyện Kiều” vĩ đại vì sao?
“Truyện Kiều” vĩ đại không phải vì nó là tác phẩm đại chúng, mặc dù có lẽ không một người Việt nào không biết về nó. Nhưng theo những gì tôi thấy, và chắc các bạn cũng đồng ý với tôi, có không nhiều người đọc hết “Truyện Kiều”, lại càng ít người thực sự có nhu cầu đọc “Truyện Kiều” để thưởng thức. Trên thực tế, lời khẳng định “Truyện Kiều là tác phẩm được mọi người Việt Nam yêu thích” chỉ sáo ngữ. Ngày nay, thanh niên biết đến “Truyện Kiều” chủ yếu vì nó được giảng dạy trong trường phổ thông, còn trong quá khứ có lẽ những người nông dân mù chữ yêu thơ ca học thuộc lòng từng đoạn dài chủ yếu vì âm điệu du dương hơn là thực sự hiểu nội dung của nó. “Truyện Kiều”, với vô số điển tích, là một tác phẩm khó hiểu ngay cả với các những người có học. Tuy nhiên, bằng nhiều con đường, nó trở thành một cái gì đó giống như đồ thờ. Cha tôi, khi còn sống, trong một chuyến về phép thăm nhà, nói với con trai là tôi, khi đó mới mười một tuổi, rằng “Ai chưa thuộc 500 câu Kiều thì chưa phải là người Việt Nam”. Để chứng tỏ với bố rằng mình là người Việt Nam hơn thế, tôi đã học thuộc lòng cả cuốn sách, mặt dù khi đó, xin thú thực, cũng chẳng hiểu nó hay ở chỗ nào.
 “Truyện Kiều” vĩ đại cũng không chỉ vì nó là một kiệt tác, mặc dù không có gì phải nghi ngờ về giá trị văn học của tác phẩm này. Tôi nói vậy không phải vì đòi hỏi tất cả các câu trong “Truyện Kiều” đều phải là tuyệt mỹ. Đó là điều không tưởng. Một tác phẩm thơ dài, nói như Edgar Allan Poe, thực chất là một tổ hợp những bài thơ ngắn. Ở khoảng giữa những bài thơ ngắn ấy là rất nhiều những câu nối, câu dẫn, câu độn. Và chính những câu dẫn, câu nối, câu độn ấy góp phần làm những “bài thơ ngắn” kia thêm lung linh. Tôi không đòi hỏi tất cả các câu trong “Truyện Kiều” đều phải là tuyệt mỹ. Ý tôi muốn nói là trong văn chương Việt Nam cũng có những kiệt tác khác, như “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn. Trong "Chinh phụ ngâm", những câu như
Áo chàng đỏ tựa dáng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”

                           hay

Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây”

là những câu thơ tuyệt mỹ không hề thua kém bất kỳ câu thơ nào trong “Truyện Kiều”. Thêm nữa, nếu “Truyện Kiều” vay mượn cốt truyện từ tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả Trung Quốc, thì “Chinh phụ ngâm” là tác phẩm hoàn toàn Việt Nam. Nhưng kiệt tác “Chinh phụ ngâm” đã không được chọn.
 “Truyện Kiều” cũng không phải là một kiệt tác đầu tiên của văn học Việt Nam bằng tiếng Việt. Kiệt tác đầu tiên của văn học Việt Nam bằng tiếng Việt là “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, cha đẻ của văn học Việt Nam bằng tiếng Việt, người mà không chỉ tài năng, vinh quang mà cả bi kịch cũng vô song. “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi cho đến nay vẫn còn mới mẻ, vẫn còn khiến ta thán phục. Có thể nói, không có “Quốc âm thi tập” thì không có “Truyện Kiều”. Thế nhưng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du mới là tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Việt Nam. Vì sao? Vì nó được lịch sử và cộng đồng lựa chọn để trở thành biểu tượng văn hóa. Người ta không chỉ đọc nó, người ta còn dùng nó để học, để bói toán. Tóm lại, từ một sản phẩm xuất sắc của cá nhân Nguyễn Du, “Truyện Kiều” trở thành sản phẩm lịch sử của một cộng đồng.
Cũng vậy, vĩ nhân là sản phẩm lịch sử của một cộng đồng. Cá nhân xuất sắc là người có một sự nghiệp xuất sắc, nhưng cá nhân xuất sắc ấy chỉ trở thành vĩ nhân khi được cộng đồng, trong những bối cảnh lịch sử nhất định, lựa chọn để trở thành huyền thoại. George Washington là một ví dụ. Ngày nay Washington được hầu hết dân chúng Hoa Kỳ sùng kính. Nhưng không phải bao giờ cũng thế. Nghiên cứu lịch sử nước Mỹ, ta thấy rằng vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ là một người xuất sắc, nhưng không phải là xuất sắc nhất trong số các người Cha Lập Quốc (Founding Fathers) của nước Mỹ. Một số tài liệu cho thấy tuy giữ cương vị tư lệnh của quân đội, ông là một người khá nhợt nhạt về tính cách cũng như tài năng quân sự. Nhưng có lẽ trong lúc những nhân vật xuất sắc nhất không thống nhất được với nhau - và do đó không giành được ủng hộ của số đông - Washington đã trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Vinh dự ấy không thuộc về Thomas Paine, người đã xây dựng nền tảng lý luận cho cuộc Cách mạng Mỹ, hay Thomas Jefferson, người viết ra bản “Tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng. Khi còn là Tổng thống, Washington bị dân chúng chỉ trích khá nhiều vì quản lý kém, vì đàn áp nông dân, và thậm chí cả vì tham nhũng. Uy tín của ông khi tại chức sa sút đến nỗi khi ông về vườn, một số báo chí đương thời coi đó là thành công lớn của dân chúng trong việc làm lành mạnh hoá đời sống chính trị Hoa Kỳ. Washington cũng không phải là nhà giải phóng theo đúng nghĩa, bởi lẽ ông cũng là một chủ nô. Khi chết năm 1799, ông là chủ của hơn ba trăm nô lệ. Thế nhưng chỉ ba chục năm sau khi chết, Washington đã trở thành một vị thánh. Vô số những quyền sách, tạp chí đua nhau viết về tài trí tuyệt vời và đạo đức cao cả của ông. Trong quá trình thần thánh hóa Washington, công đầu thuộc về Mason Locke Weems (1756 – 1825), hay Parson Weems, một vị mục sư kiêm chủ nhà in, tác giả của cuốn sách The Life of Washington (Cuộc đời Washington). Trong cuốn sách đó, Parson Weems bịa ra những mẩu chuyện mang tính ngụ ngôn nhằm ca ngợi tài năng và đạo đức của vị anh hùng dân tộc Hoa Kỳ. Washington đã trở thành vĩ nhân không chỉ vì sự nghiệp xuất sắc của ông. Washington trở thành vĩ nhân còn vì nước Mỹ, vốn không có quá khứ, cần phải có vĩ nhân và huyền thoại của riêng mình.  
Trong lịch sử Việt Nam, hai người xứng đáng nhất để được gọi là Vĩ nhân, theo tôi, là Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Cuộc đời hai con người này có những nét tương đồng kỳ lạ. Cả hai đều là những người xuất chúng, kết tinh được tinh thần thời đại mình, đóng vai trò trung tâm trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và sau đó lại là linh hồn của những  biến đổi văn hóa-xã hội mang tính bước ngoặt của lịch sử đất nước. Cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều đồng thời đóng rất nhiều vai, vai nào cũng ở trình độ rất cao: nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng và thậm chí là nhạc sĩ. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Trãi từng được vua Lê giao cùng với Lương Đăng “làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa”[1]. Quan niệm về âm nhạc của Nguyễn Trãi gắn liền với quan điểm nhân văn của ông về thuật trị nước. Ông viết: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ răng trong khoảnh thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”. Hồ Chí Minh là người đầu tiên dịch bài hát L'Internationale (Quốc tế ca) ra tiếng Việt. Theo các tác giả Đào Trọng Từ, Huy Trân, Tú Ngọc, Hồ Chí Minh còn sáng tác nhiều bài hát dựa trên các làn điệu dân ca như «Bài ca tự vệ», «Ca binh lính», «Bài ca du kích »[2]. Tờ “Việt Nam độc lập”, số 117, hướng dẫn cách hát bài hát “Ca đội tự vệ” của Hồ Chí Minh, sáng tác năm 1942, như sau: “Chia người làm từng tổ, 4 câu trên tổ A hát trước, hát giọng cao (nếu có phụ nữ là tổ A) tổ B hát giọng thấp theo sau. Những chữ BÉN, SẮC, ĐÔNG, BỀN phải hát dài như BÉ-ÉN, SẮ-ẮC, ĐÔ-ÔNG, BỀ-ỀN. Hai câu sau cùng mỗi đoạn thì cả tổ đều hát với nhau, chữ CHẶT và chữ NÊN phải rất mạnh”[3]. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh cũng chính là tác giả hai bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của Việt Nam (Bài thơ “Nam Quốc sơn hà” mà trước đây nhiều người tin là của Lý Thường Kiệt gần đây được nhiều học giả chứng minh là khuyết danh và đã được Lê Hoàn sử dụng trước đó. “Nam Quốc sơn hà” là một bài thơ với tuyên ngôn đanh thép, nhưng dù sao cũng chưa phải là một bản tuyên ngôn độc lập đúng nghĩa).
Nhưng điểm tương đồng quan trọng hơn, nếu không nói là quan trọng nhất, điểm tương đồng khiến họ trở thành đối tượng của sự yêu ghét cuồng nhiệt, đồng thời khiến họ thực sự trở thành vĩ nhân, là những huyền thoại bao phủ cuộc đời và sự nghiệp của họ. Trong vô số những huyền thoại ấy, đặc biệt thú vị là huyền thoại về việc Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh sử dụng sức mạnh của truyền thông nhằm mục đích xây dựng uy tín và thu phục nhân tâm.
Tương truyền, trong thời kỳ trứng nước của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi cho quân dùng mỡ viết lên lá rừng dòng chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần". Lũ côn trùng, khi ăn mỡ, đã vô tình trở thành những chiếc máy in tự nhiên, biến hàng ngàn chiếc lá thành những tờ truyền đơn. Tôi được thầy giáo kể cho nghe câu chuyện này khi mới lên chín mười tuổi.  Đó là khỏang thời gian khốc liệt cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi ngồi dưới hầm, hình dung nét mặt thành kính của người dân khi vớt từ dưới sông lên những chiếc lá mà họ tin rằng mang lời phán truyền của Trời.
Hồ Chí Minh cũng sử dụng kế ấy, nhưng theo cách của thời đại ông, tôi tin như vậy. Tôi muốn nói cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" của Trần Dân Tiên, xuất bản lần đầu tiên năm 1948, vào buổi trứng nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuốn sách, dựa trên lời kể của các nhân chứng có lẽ là hư cấu, Trần Dân Tiên phác họa nên chân dung một nhà lãnh tụ cách mạng với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, người sẽ trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trần Dân Tiên là ai? Nhiều người cho rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh, nhiều người khác không đồng ý như vậy. Phần lớn những người cho rằng Trần Dân Tiên và Hồ Chí Minh là hai người khác nhau là những người hâm mộ Hồ Chí Minh. Ngược lại, phần lớn những người khẳng định Trần Dân Tiến và Hồ Chí Minh là một là những người căm ghét Hồ Chí Minh. Những người căm ghét Hồ Chí Minh khẳng định rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh, bởi họ cho rằng việc tự viết một cuốn sách để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Những người hâm mộ Hồ Chí Minh khẳng định rằng Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh cũng chính vì lý do tương tự: họ cũng cho rằng việc tự viết một cuốn sách để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Tôi là một trong không nhiều người hâm mộ Hồ Chí Minh nhưng lại tin rằng Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, chính vì hâm mộ Hồ Chí Minh mà tôi tin như vậy.
Tại sao tôi lại tin rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh?
Trước hết, nếu có một tác giả là Trần Dân Tiên và ông ta còn sống, thật khó tin rằng ông ta lại không đứng ra nhận bản quyền một tác phẩm nổi tiếng đến như vậy.
Nhưng nếu vì một lý do gì đó ông Trần Dân Tiên chọn cái quyết định khó tin ấy, hoặc nếu ông ta đã chết, thật khó tin là không một ai trong số những người đã cung cấp cho ông ta tư liệu về Hồ Chủ Tịch lại đồng loạt im lặng, giống hệt như tác giả cuốn sách.
Cuối cùng, giả sử cả Trần Dân Tiên lẫn các nhân chứng đều im lặng một cách khó tin như vậy, thật khó tin là không ai biết gì về một người đã gặp bao nhiêu người, đến bao nhiêu vùng đất, để thu thập bao nhiêu tài liệu, đủ cho cuốn sách.
Nhưng lý do chính để tôi tin rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh là nội dung và phong cách của cuốn sách. “Những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” quá hay. Nó giản dị nhưng linh hoạt, cuốn hút. Nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa những trải nghiệm cá nhân với tính phổ quát, tính dân tộc với tính quốc tế, tính văn chương và tính tuyên truyền. « Những mẩu chuyện” mang đầy tính biểu tượng, giống như những chuyện ngụ ngôn nhưng lại mang những thông điệp chính trị rất cụ thể. Tóm lại, nó phải là tác phẩm của một vĩ nhân. Ai có thể viết ra nó, nếu không phải là Hồ Chủ Tịch?
Những điều tôi vừa viết trên đây về cuốn “Những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” thật ra cũng có thể nói về một cuốn sách khác mà tôi rất muốn so sánh, đó là cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T. Lan. Bản thảo cuốn sách này đang được Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Hai cuốn sách “Những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” và “Vừa đi đường vừa kể chuyện” giống nhau một cách kỳ lạ, không chỉ về đề tài, ngôn ngữ, phong cách, mà cả về bút pháp và thậm chí là về dung lượng. Nhưng trái với Trần Dân Tiên, T. Lan được công bố chính thức là một bút danh của Hồ Chủ Tịch.     
Ở trên tôi viết rằng cả những người hâm mộ lẫn những người căm ghét Hồ Chí Minh đều cho rằng việc tự viết một cuốn sách để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Nhưng điều đó chỉ đúng với những người tầm thường. Với những người tầm thường, tức là tất cả chúng ta, chỉ trừ các vĩ nhân, tự nói hay tự viết để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Nói vậy cũng có nghĩa là nói tất cả chúng ta đều đáng phê phán. Bởi vì trên thực tế, ngoài việc nhờ bạn bè, cánh hẩu, học trò, cấp dưới…ca ngợi mình – điều thường được coi là cao thượng hơn là tự ca ngợi – tự ca ngợi vẫn là cách chúng ta thường sử dụng. Chẳng hạn, chúng ta vẫn nói, “Tôi rất ghét thói giả dối”, “Em làm tất cả những thứ này là vì anh”, hay “Tôi không phải là người tham quyền cố vị…”
Nhưng những gì đúng với người thường không phải bao giờ cũng đúng với các vĩ nhân. Chúng ta không thể đo vĩ nhân bằng thước đo của những kẻ tầm thường. Học giả Arab, Mustafa al-Manfaluti, từng viết: “Sự vĩ đại đứng cao hơn nghệ thuật và tri thức, cao hơn pháp luật và quyền lực, cao hơn tước hiệu và của cải, bởi vì các nhà khoa học, các nghệ sĩ và những người danh tiếng thì có nhiều, còn những cá nhân vĩ đại thì rất ít gặp. Sự vĩ đại - đó là sức mạnh bẩm sinh của tinh thần mà không của cải nào mua được. Người đạt đến sự vĩ đại có một niềm tin chắc rằng mình khác biệt với những người trần khác về cả trái tim, trí tuệ, khuynh hướng tư tưởng và phương thức tư duy, rằng mình được cắt theo một thước đo khác những người khác và không nằm vừa trong khuôn khổ của các phe nhóm, giai cấp nào cả”[4].
Đúng vậy, không thể coi “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” là cuốn sách của một kẻ háo danh. Hồ Chí Minh quá nổi tiếng, sự nghiệp của ông quá sáng chói, ông không cần có thêm một cuốn sách để trở thành nổi tiếng. Và giả sử Hồ Chí Minh cần một cuốn sách như thế, chỉ cần ông đánh tiếng, chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà văn tài giỏi và nổi tiếng sẵn sàng viết nó ra, không chỉ vì ngưỡng mộ, mà có thể còn vì vụ lợi. Nhưng Hồ Chí Minh đã quyết định tự viết ra cuốn sách. Tôi đoán, thời gian cấp bách là một yếu tố khiến Hồ Chủ Tịch phải quyết định như vậy. Hãy nhớ rằng cuốn sách được xuất bản năm 1948. Đó là thời điểm vô cùng khó khăn đối với Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng của ông đang đứng trước những nguy cơ to lớn. Đội quân phần lớn gồm những chàng trai chân đất của ông đang phải đối mặt đội quân viễn chinh thiện chiến của cường quốc Pháp, được hỗ trợ bởi cường quốc số một thế giới là Hoa Kỳ. Xin nhớ rằng cho đến lúc đó chính phủ của Hồ Chí Minh vẫn chưa được Liên Xô công nhận, còn cách mạng Trung Quốc thì đến 1949 mới thành công. Tình thế của cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó rất giống tình thế của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khi Nguyễn Trãi mới dâng “Bình Ngô sách”. Và cũng như Nguyễn Trãi và Lê Lợi, Hồ Chí Minh buộc phải thu phục nhân tâm. Để thu phục nhân tâm, phải có một hình tượng trung tâm lý tưởng có thể thu phục nhân tâm. Ai có thể làm việc đó trong điều kiện nước sôi lửa bỏng như vậy? Tôi nghĩ là không có ai cả ngoài Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã phải tự viết lấy cuốn sách. Tôi tin rằng khi đó Hồ Chí Minh có nghĩ đến những tờ truyền đơn lá của Nguyễn Trãi.
Hồ Chí Minh có nghĩ rằng một ngày nào đó người ta sẽ bàn tán về tác giả của cuốn sách hay không? Tôi nghĩ rằng có. Với trí tuệ siêu việt, với kiến văn uyên thâm Đông Tây kim cổ, với sự từng trải và lịch lãm của mình, Hồ Chí Minh không thể không biết rằng vấn đề bản quyền của cuốn sách sẽ được bàn đến vào một ngày nào đó. Nhưng Hồ Chí Minh có cách bàn riêng của mình. Ông bàn với sự vĩnh cửu. Tôi hình dung nụ cười giễu cợt của ông. Có thể đó là một trò đùa của Hồ Chí Minh trong thời điểm vận mệnh quốc gia đang ngàn cân treo sợi tóc. Trò đùa chỉ có thể có ở một vĩ nhân.  
Có vô số huyền thoại đã và đang được thêu dệt xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Nhưng Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh còn một sự giống nhau khác, đó là sự yêu ghét tột cùng mà người ta dành cho họ. Sự yêu ghét tột cùng ấy là bằng chứng và cũng là đồng tác giả của sự vĩ đại.
Một lần nữa tôi lại muốn trích dẫn Mustafa al-Manfaluti. Ông viết: “Sự vĩ đại giống như chân lý, cả kẻ thù lẫn bạn bè đều phục nó. Người sáng tạo cũng như kẻ phá hoại đều phải chịu đựng sức nặng của nó. Ở đâu anh thấy một đoàn bạn bè, ở đấy anh thấy một đám kẻ thù. Chỗ nào anh thấy những kẻ thù chống đối nhau thì nên biết rằng: chỗ đó sự vĩ đại đang lên ngôi báu lớn lao của mình, vượt cao hơn tất cả”.

NTL (03-03-2010)

 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bác ĐT. nhanh nhảu hơn mình, nên tốt nhất đọc bài của bác í:


THƯA THỦ TƯỚNG, CON CHÁU MÌNH VẪN PHẢI MANG NGÔ KHOAI ĐẾN LỚP!..

Đào Tuấn - Thưa Thủ tướng, con cháu mình vẫn phải mang mì, mang ngô, mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn, là bởi những chính sách tốt đẹp, còn đang phải chờ để ngành giáo dục xử lý xong...

Mấy hôm trước, sau khi báo chí đồng loạt tung hê câu chuyện hài “cấm giáo viên mặc váy lên lớp”, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), trong một phản ứng nhanh nhạy tuyệt vời, đã chính thức bác bỏ.

Cục trưởng Nhà giáo và Quản lý cán bộ Hoàng Đức Minh cho biết: Ngay khi nhận được thông tin từ báo chí, Bộ đã làm việc ngay với Sở GD&ĐT Quảng Bình và Hiệu trưởng nhà trường để làm rõ. Hiện nay dự thảo đó đã được bác bỏ và nhà trường không triển khai quy định này nữa do nhận được sự phản đối của nhiều giáo viên đặc biệt là giáo viên nữ.

Bản tin đầu tiên về chuyện “cái quần không đáy” được đăng tải vào sáng ngày 27/8 và chỉ 48 tiếng sau đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu chấm dứt.

Đáng ghi vào sách kỷ lục về tốc độ phản ứng.

Đáng để ca ngợi thái độ trách nhiệm.

Một hình mẫu về sự quan tâm của ngành đến đời sống thầy cô, ngay từ chuyện nhỏ như “cái đáy quần”.

Có thể, ngay sau kỳ nghỉ lễ, câu chuyện tịch thu, cắt dép của những đứa trò nghèo ở Hậu Giang, vừa được tung lên báo, cũng sẽ được chấn chỉnh.

Suy cho cùng, như thế là trách nhiệm, bởi cái váy, đôi dép ẩn chứa sau đó tâm tư, nỗi bức xúc và cả cuộc sống của không ít giáo viên, học sinh mà nhiều trường hợp ở Hậu Giang đang xác thực tình trạng các bậc phụ huynh, sau khi con cái bị cắt dép, phải vay tiền để mua “giày ba trắng” cho con, cho đúng quy định.

Nhưng có một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Bộ GD&ĐT phản ứng nhanh, quyết liệt và hiệu quả đến thế?..

Hồi đầu năm, Thủ tướng đặt câu hỏi trong một Hội nghị: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp rồi phải lợp chòi nấu ăn?”.

Trung tuần tháng 6, Thủ tướng có quyết định hỗ trợ học sinh các trường Dân tộc bán trú và học sinh các vùng đặc biệt khó khăn mức 15kg gạo/tháng.

Nguồn có: Từ kho Dự trữ Quốc gia. Thời điểm quy định rõ: Từ 1/9/2013.

Mai là 1/9, 4 ngày sau, học sinh cả nước sẽ bắt đầu năm học mới.

Còn gạo thì… “bao giờ cho đến tháng 12”.

“Tháng 12” là câu chuyện muôn thủa, mà các thầy cô giáo vùng cao vẫn kể lại về sự ì ạch trong chuyện thực thi chính sách, để đến khi gạo, tiền đến được tới trường học vùng cao thì may mắn nhất cũng phải đến tháng 12, để sau đó, nhà trường phải để cho các vị phụ huynh truy thu, và “rất điển hình” sau đó, trở thành một... bữa nhậu.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn, người khởi xướng chương trình “Cơm có thịt” cho học sinh vùng cao vừa trở về sau chuyến khảo sát tại Hà Giang, viết trên Tuổi trẻ những nỗi băn khoăn của các thầy cô: “Nếu mua thực phẩm, chịu nợ rồi khi có tiền cấp về sẽ trả nợ là chuyện xưa nay thầy cô vẫn làm. Nhưng nếu mua gạo cho học sinh ăn trước rồi lại có gạo cấp về thì làm sao bán gạo để lấy tiền đủ trả nợ?”.

Các Hiệu trưởng than thở lúc nào cũng ở thế khó: Không làm theo như chế độ đã có thì khổ học sinh, mà làm theo thì khó cho họ.

Từ lâu rồi, các thầy cô vùng cao vẫn nói đùa họ là những “con nợ” lớn với những khoản “nợ xấu”, cũng chỉ vì “miếng cơm” chính sách cho học trò.

Và xem:

Hội nghị tập huấn về chất lượng đào tạo trung học vùng khó khăn tổ chức tại… bãi biển Ninh Thuận.

Hội nghị tập huấn giáo dục cho con em dân tộc đặc biệt ít người tổ chức ở… bãi biển Cửa Lò (Nghệ An).

Hội nghị tập huấn nâng cao trình độ tiếng Việt cho trẻ em dân tộc ít người tổ chức tại… Hà Nội…

Giá như, những Hội nghị đó một lần được tổ chức trên núi thì biết đâu, cũng nhanh nhạy như chuyện cái váy cấm, chuyện miếng cơm cũng được quan tâm đúng vào thời điểm Thủ tướng yêu cầu.

Thưa Thủ tướng, con cháu mình vẫn phải mang mì, mang ngô, mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn, là bởi những chính sách tốt đẹp còn đang phải chờ, để ngành Giáo dục xử lý xong chuyện những cái váy.

Trở lại câu hỏi “vì sao” trước phản ứng nhanh, quyết liệt và hiệu quả, có lẽ nào, vì đó là chuyện cái váy, được quan tâm bởi những quan chức chỉ toàn đi họp ở các bãi biển?..
-------------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả
*Hình ảnh minh họa của Người Lang Bạt FB.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ước mơ của xóm nhiếp sĩ:



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không cần cấm và chả hại gì !



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Ngày đầu và ngày cuối ở Mộc Châu

                                                        Ngã ba Kò Nòi nơi nghỉ chân ít phút


                                             Đồng chí vệ sĩ đang gọi về trung tâm..


                                   Mình chụp chung với hai anh giặc già nhờ tên lôồng chí chụp cho..


                                                      Em gái Sơn La hát lời chào mừng



                                                     Bài em hẹn gặp lại mùa này năm sau..

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ trên Phé Bục


NỖI LÒNG
Đêm nay ...
Trăng khuyết nửa vành.
Phòng không ...
Hiu quạnh...thôi đành chia xa.
Vần thơ...
Nhuộm ánh...
Trăng tà.
Nghiêng nghiêng...con chữ
Ngỡ xa cách vần.
Gian nan...
Lạc mất tuổi xuân.
Ngỡ ngàng
Tay với...chẳng gần bến neo
Ngoài kia gió cuốn...
Trăng treo.
Bay trong thương nhớ...
Buồn theo...mây trời.
Nửa đời...
Hương phấn...buông lơi
Tim đơn...khép lại...người ơi...đừng tìm.

Có về...
Xin cứ...lặng im
Giấu ...
Vào tiềm thức...
Nỗi niềm...riêng mang.
Bởi đâu... số kiếp...bẽ bàng.
Thôi ...
Đành...lỡ phận
Duyên
Càng ... xa đưa...!!!
 



















Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Nhạy cảm" thành "trơ/ vô cảm"



Phạm Xuân Nguyên


Trong tiếng Việt của nước ta hiện nay có một từ đang bị chính trị làm hỏng khi dùng trong đời sống xã hội. Đó là từ “nhạy cảm”. Một từ chỉ khả năng tinh nhạy của các giác quan cũng như cảm xúc, tinh thần của con người đã bị làm méo nghĩa, lạc nghĩa. Bị gom vào dưới từ này là các hiện tượng, vấn đề, con người, tác phẩm bị canh chừng, bị ngăn chặn, bị cấm đoán, không được nói, không được bàn, không được viết. Nào là “vấn đề nhạy cảm”, “khu vực nhạy cảm”, “vùng nhạy cảm”, “ý kiến nhạy cảm”, vân vân và vân vân.
Mới đây nhất từ “nhạy cảm” lại xuất hiện trong công văn số 2896 / CXB – QLXB ngày 31.7.2013 do ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng cục Xuất bản ký, gửi đến NXB Lao Động và công ty Alpha Books, đề nghị hai đơn vị này “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung bộ tiểu thuyết Đại gia”. Nhưng trước khi bàn vào chuyện đó, ta hãy xem các định nghĩa về từ “nhạy cảm” trong từ điển.
Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1988, tr. 734, giải nghĩa:
Nhạy cảm t. Có khả năng nhận biết nhanh và tinh bằng các giác quan, bằng cảm tính: Da nhạy cảm với nhiệt độNhạy cảm với cái đẹp của thiên nhiênTrái tim nhạy cảm của người mẹ.
Từ điển Oxford (Advanced Learner’s Dictionary, 2000) tr. 1212 giải thích từ “Sensitive” (“Nhạy cảm”) có 6 nghĩa như sau:
Về cảm giác của con người. 1) nhận biết và có khả năng hiểu được người khác và cảm xúc của họ: Cô ấy rất nhạy cảm với cảm xúc của người lạ.
Về nghệ thuật / âm nhạc / văn học. 2) có khả năng hiểu biết nghệ thuật, âm nhạc và văn học và thể hiện được mình thông qua chúng: Một nhà thơ rất nhạy cảm.
Dễ khó chịu. 3) dễ gây bực mình hay khó chịu: Cô ta rất nhạy cảm khi bị phê phán.
Thông tin / Vấn đề. 4) khiến anh phải xử sự hết sức cẩn thận vì có thể khiến người khác bực mình hoặc nổi giận: Chăm sóc sức khỏe là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị.
Về lạnh / sáng / thức ăn. 5) phản ứng nhanh hoặc hơn lệ thường về điều gì đấy: Răng tôi rất nhạy cảm đối với đồ ăn lạnh.
Về những thay đổi nhỏ. 6) có khả năng đo được những thay đổi rất nhỏ: Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm trước sự thay đổi chính trị.

Có thể thấy, cách chính trị nước ta dùng từ “nhạy cảm” hiện nay ứng với nghĩa 3 và 4 của từ “Sensitive” trong từ điển Oxford, nghĩa là coi mình dễ bị thương tổn, bị đụng vào đâu cũng là “nhạy cảm”, nên phản ứng chống lại mọi hành vi gây sự “nhạy cảm” đó đối với mình mà không thèm quan tâm đến sự “nhạy cảm” của toàn thể mọi con người trong xã hội. Con số trên 50.000 văn bản luật được ban hành sai quy phạm pháp luật trong mười năm qua đã cho thấy sự khác biệt thế nào giữa “nhạy cảm” của quan và “nhạy cảm” của dân.


Trở lại việc đình chỉ phát hành bộ tiểu thuyết Đại gia như một trường hợp tiêu biểu gần nhất của cái gọi là “nhạy cảm”. Theo công văn trên đây, cục Xuất bản đưa ra ý kiến: “Nội dung bộ tiểu thuyết miêu tả những mối “quan hệ” làm ăn kiểu xã hội đen của một số tập đoàn kinh tế với các quan chức cấp cao của nhà nước và những thủ đoạn, mánh khóe trong công tác tổ chức cán bộ. Cùng với đó là sự tha hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng của bộ máy quan chức các cấp từ Trung ương đến địa phương. Qua tác phẩm, người đọc thấy một “tam giác ngầm” mà ở đó, quyền lực, tiền bạc và gái gú câu kết với nhau để bòn rút của cải xã hội, làm mục ruỗng đạo đức xã hội. Việc phản ánh hiện thực xã hội và đề cập đến một số vấn đề “nhạy cảm” hiện nay với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều của tác giả sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội”. Đọc đoạn viết này có ba câu hỏi được đặt ra:
1) Đoạn đầu công văn đã nói đúng nội dung của bộ tiểu thuyết Đại gia. Thế nhưng tại sao lại coi những vấn đề đó là “nhạy cảm”? Có phải “nhạy cảm” là vì những vấn đề đó có thực nhưng không được nói vì đụng chạm đến những ai đó, những nhóm nào đó? Nhưng đây là một tác phẩm văn học, nhà văn phản ánh hiện thực đời sống bằng hệ thống nhân vật và thế giới nghệ thuật của chúng, ở đó các hiện tượng và vấn đề đã được điển hình hóa và khái quát hóa theo quy luật văn chương, từ đó độc giả có sự tiếp nhận riêng của từng người làm nên ý nghĩa tác phẩm. Chẳng lẽ nhà văn khi viết phải hỏi ai đó đâu là vùng “nhạy cảm” để trừ ra và độc giả khi cầm cuốn sách lên phải hỏi ai đó nó có “nhạy cảm” không để bỏ xuống?
2) Công văn đề nghị “đình chỉ phát hành để tổ chức thẩm định nội dung” bộ tiểu thuyết. Thế tức là phải có một hội đồng gồm các chuyên gia văn học được lập ra để đọc hơn một nghìn trang của tác phẩm này, rồi phân tích, đánh giá, và đưa ra kết luận, từ đó Cục Xuất bản mới có căn cứ để ra quyết định cho phát hành hay không. Nhưng trong công văn Cục đã tự mình phán quyết tác giảĐại gia viết “với tính chất cường điệu quá mức, cùng với những nhận định, đánh giả chủ quan, một chiều”. Đây là sự quy kết chủ quan, có tính áp đặt, phản lại chính nội dung của công văn. Nếu thế thì còn cần gì phải thẩm định? Mà nếu hội đồng thẩm định đưa ra một kết luận khác hẳn thì Cục tính sao?
3) Mệnh đề “sẽ ảnh hưởng không tốt cho bạn đọc và gây bất lợi cho xã hội” là một mẫu câu đầy phi lý, ngụy biện, giả danh luôn được dùng cho những trường hợp như thế này. Ai cho phép Cục Xuất bản được nhân danh công chúng độc giả, nói thay độc giả về sự tiếp nhận của họ đối với một tác phẩm văn học? Căn cứ vào đâu khi cuốn sách chưa ra thị trường, mà ngay cả có phải giám định thì khi hội đồng giám định chưa thành lập và chưa đánh giá, Cục dám nói nó sẽ gây ảnh hưởng không tốt và gây bất lợi? Đó là cách nói hồ đồ, trùm lấp, đổ vấy.
Bộ tiểu thuyết Đại gia của Thiên Sơn (Công ty Alpha Books & Nxb Lao Động, quý III/2013) viết trực tiếp về hiện thực xã hội hiện tại của nước ta gồm hai tập: tập 1, Tam giác ngầm (543 trang), tập 2,Quyền lực đen (575 trang). Trong hơn một ngàn trang sách tác giả đã dựng lên cả một liên minh lợi ích giữa đại gia và quan chức nhà nước. Đại gia là Tấn Đạt, người đứng đầu công ty Đại Á, liên tục bành trướng thế lực của mình về kinh tế, và cả chính trị, nhờ cấu kết với bộ máy chính quyền. Quan chức là Lê Đức, một lãnh đạo cao cấp, người mở đường, vạch lối cho đại gia thao túng nền kinh tế, chiếm đoạt các lợi ích. Quan hệ giữa Lê Đức và Tấn Đạt là giữa “voi” và kẻ “chăn voi”. Bên cạnh Lê Đức là Thu Quỳnh, bên cạnh Tấn Đạt là Vân Chi, cả hai nhân vật nữ này vốn là gái chơi, “gái gọi”, sau trở thành vợ và trợ thủ đắc lực cho hai nhân vật đại diện cho hai thế lực cố kết nhau. Vây quanh hai (hay bốn) nhân vật chính này là giới kinh doanh và giới chính trị với những âm mưu, thủ đoạn làm ăn và hoạt động cả trong và ngoài nước, với những chuyện hậu trường bên trong mỗi gia đình. Đọc xong ĐG cảm giác rùng mình, lo sợ trước một hiện thực tàn bạo của những kẻ không từ một thủ đoạn bẩn thỉu và độc ác nào để độc chiếm quyền lợi vàquyền lực. Trong truyện tác giả có để xuất hiện một vài nhân vật trong chính giới biết thức tỉnh, dám đấu tranh, nhưng họ rốt cuộc đều bị bóp chết bởi guồng máy lợi ích nhóm. Kết thúc bộ tiểu thuyết là cái tin Vân Chi báo cho Tấn Đạt biết mình mang thai nhưng được chẩn đoán cái thai không có tim. Một cái kết chỉ do tác giả nghĩ ra, không đúng với nhân vật và nội dung truyện, không thể làm yên lòng được độc giả.
Nhà văn Thiên Sơn năm nay ở độ tuổi bốn mươi, đã có một số sáng tác xuất bản, trong đó có một tiểu thuyết (Dòng sông chết) đã được giải cuộc thi viết thể loại này (2006-2010) của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh viết Đại gia trong suốt mấy năm liền trăn trở suy tư, tìm kiếm chất liệu, cấu trúc nghệ thuật tác phẩm, những mong phơi bày ra ánh sáng công luận “nỗi đau của những phận người đông đảo mà bé nhỏ, bị bóp nghẹt trong thế giới của quyền lực đen” với khát vọng cháy bỏng chung tay cùng mọi người cắt bỏ “sự méo mó này, ung hoại này” (đây là lời tác giả in ở bìa bốn cả hai tập) trên cơ thể xã hội chúng ta đang sống. Đó chính là sự nhạy cảm của lương tri nhà văn trước vận mệnh và số phận của đất nước, nhân dân. Sự nhạy cảm của văn chương trước nỗi đau của nhân quần. Sự nhạy cảm đó chính là muối của văn chương. Nhà văn muốn làm muối mà không mặn thì sao ướp mặn được cho đời. “Đã đi với nhân dân / Thì thơ không thể khác / Dân máu lệ không cùng / Thơ chết áo đắp mặt” (Phùng Quán). Những nhà văn dám xông vào cuộc sống, đi sâu vào hiện thực, dám khổ công lao động nghệ thuật để văn chương không véo von ca hát, không cam chịu làm “ánh trăng lừa dối” (Nam Cao) trên sự bần cùng khốn khổ của nhân quần bởi những kẻ có tiền và có quyền, đó là họ thực hiện đúng chức phận người cầm bút “thiên lương” của mình, đó là họ làm đúng nhiệm vụ thức tỉnh xã hội về nỗi đau nhân sinh. Thiên Sơn và bộ tiểu thuyết Đại gia là một nhà văn đúng nghĩa đó. Tại sao sự nhạy cảm như vậy của nhà văn lại không được tôn trọng, đề cao, khuyến khích mà lại cấm đoán tác phẩm của họ với sự quy kết là động đến những vấn đề “nhạy cảm”? Câu hỏi rốt cuộc lại trở lại câu mà tôi, và chắc có nhiều người nữa, đã đặt ra cho Cục xuất bản, rộng hơn là cho các cấp quản lý tư tưởng văn hóa: thế nào là “vấn đề nhạy cảm” và vì sao lại là “nhạy cảm”?
Cứ cách dùng từ và hiểu khái niệm “nhạy cảm” thế này thì sẽ dẫn xã hội nói chung, văn chương nói riêng, đến chỗ trơ cảm, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, của nhân dân, của đất nước, và biến tiếng Việt thành cùn mòn, khô cứng. Tôi muốn mọi người sẽ đọc được Đại gia, một bộ tiểu thuyết chưa phải xuất sắc về mặt văn, nhưng đã có phần sâu sắc về mặt đời. Nói theo ngôn ngữ chính trị hiện hành, tiểu thuyết Đại gia đã phóng bút vào sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, vào sự lộng hành của quốc nạn tham nhũng, lợi ích nhóm. Tôi nghĩ Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và Ban nội chính trung ương cần biểu dương tác giả cũng như nhà xuất bản Lao Động cùng công ty Alpha Books và cho phổ biến tác phẩm này. Điều đó ích lợi cả cho chính trị và văn học. Còn Cục xuất bản vẫn muốn tổ chức hội đồng thẩm định nội dung Đại gia thì tôi muốn mình được tham gia hội đồng đó để cùng tranh biện xem nó đã đủ “nhạy cảm” chưa.
Hà Nội Quốc Khánh 2013.
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Phần nhận xét hiển thị trên trang