Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Lời hay ý đẹp:


Nước Việt Nam ta hình gì ?

 
Lâu nay chúng ta vẫn gọi nước ta hình chữ S. Cách gọi đó xuất phát từ tâm thế co thủ trên đất liền.

Xuân Diệu nói : “Tổ Quốc ta như một con tàu/Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau…”. Tuy văn hoa bay bổng, nhưng không thoát khỏi tâm thế trên.

Bởi sự thật thì cái diện tích hình chữ S chỉ bằng chưa tới 1/3 diện tích đất nước Việt Nam. Biên giới Tổ Quốc còn bao trùm tới 30% biển Đông nữa. Cha ông ta gọi nơi ta sống “Đất Nước”, là đã chỉ rõ nước mình gồm có đất và nước. Đất ta có 331.689 km2. Biển ta có hơn 1 triệu km2, trên đó có hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ, dĩ nhiên là có Hoàng Sa và Trường Sa. Phía trên đất và nước còn vùng trời. Phía dưới đất và nước còn có lòng đất. Và còn hơn thế nữa…

Ngày 12-5-1977, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 12-11-1982, ViệtNam ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam. Ngày 23-6-1994, Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Ngày 17-6-2003, nước ta ban hành Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định rõ biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất.

Theo luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, ngoài lãnh thổ trên đất liền và trên đảo, nước ta còn có :
Vùng Nội thủy : Là vùng nằm ở phía trong đường cơ sở. (Đường cơ sở là đường gãy khúc nối liền các điểm được lựa chọn tại ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc bờ biển và các đảo gần bờ do Chính phủ xác định và công bố). Việt Nam thực hiệnchủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ vùng nội thủy như chủ quyền trên lãnh thổ đất liền.
Lãnh hải : Là vùng biển rộng 12 hải lý (1 hải lý =1,852 km) tính từ đường cơ sở. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển. Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Tuy nhiên, trong lãnh hải, tàu thuyền của các quốc gia khác được hưởng quyền qua lại không gây hại và thường đi theo tuyến phân luồng giao thông biển của các nước ven biển.
Vùng tiếp giáp : Là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải tiếp liền với lãnh hải của Việt Nam, rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải, hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Trong vùng tiếp giáp, Việt Nam có quyền quy định biện pháp ngăn ngừa và trừng trị các hành vi vi phạm đối với luật lệ về nhập cư, thuế khóa, y tế, thậm chí cả an ninh, xảy ra trong lãnh thổ hay lãnh hải của mình.
Vùng đặc quyền kinh tế : Là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (hoặc 188 hải lý tính từ ranh giới ngoài lãnh hải, 176 hải lý tính từ ranh giới ngoài vùng tiếp giáp). Trong vùng biển này, Việt nam có chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế nhằm khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên đó, có quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, xây dựng và lắp đặt những công trình và thiết bị nhân tạo. Các nước khác có quyền tự do bay, tự do hàng hải và đặt dây cáp và ống dẫn ngầm.
Thềm lục địa : Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam, mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.
(Giữa Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa có khác biệt : Thềm lục địa là vùng đáy biển mở rộng ra ngoài lãnh hải, còn Vùng đặc quyền kinh tế là một định chế riêng biệt áp dụng cho cột nước phía trên đáy biển).
Ngoài lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đất liền,các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam cũng có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tương tự. Như vậy là Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta đương nhiên cũng có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Vùng trời : Có biến giới là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển kéo lên không trung.
Lòng đất : Có biên giới là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển kéo xuống lòng đất.
Đất nước Việt Nam đầy đủ phải là như vậy, sao cứ gọi nó là hình chữ S ? Nên bỏ ngay việc gọi đất nước này mang hình chữ S đi. Điều này không phải là việc bắt lý bắt lẽ, mà là để thay đổi, để mở rộng một tâm thế. Người Việt Nam làm chủ đất nước là làm chủ một không gian sinh tồn rộng lớn đó. Người Việt Nam bảo vệ đất nước không chỉ là bảo vệ “từng tấc đất” mà còn bảo vệ từng tấc biển, từng tấc trời, từng mẩu tài nguyên trên thềm lục địa xa ngoài biển khơi.
Và theo đó, giành lại và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa cũng không chỉ là giành lại những hòn đảo mắt thường nhìn thấy mà còn phải giành lại và bảo vệ lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, lòng đất và vùng trời của Hoàng Sa, Trường Sa nữa.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đọc sách:


Đọc sách Suối Nguồn (*)

“Số lượng người” không thể thay cho chân lý


"Đây là cuốn sách đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do Báo The New York Times công bố theo bình chọn của độc giả", một biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu khi chuyển cho tôi xem bản dịch tiểu thuyết Suối nguồn (Fountainhead) trước khi nó được in. 

Tôi không tin mấy vào những lời giới thiệu nghe "quen quen" như vậy, nhưng khi đọc cuốn sách, tôi bị cuốn hút, từ trang đầu cho đến trang cuối, đến mức vừa đọc vừa mong cho cuốn sách tiếp tục dài ra, mặc dù nó đã dài đến gần... 1.200 trang.

Howard Roard, nhân vật chính của tiểu thuyết, là một kiến trúc sư chưa bao giờ có bằng cấp. Một giáo sư khi nhìn bản đồ án của chàng sinh viên 22 tuổi này đã phải thốt lên "đây là một thiên tài", nhưng anh đã bị đuổi học một năm trước khi tốt nghiệp, vì anh không chấp nhận việc "lấy số lượng người thay cho nội dung chân lý". Nhà trường tuyên bố: "Mỗi phong cách thiết kế của quá khứ là một mỏ vàng. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn từ những gì các nhà thiết kế vĩ đại đã nghĩ ra. Chúng ta là ai mà dám đòi cải tiến?". Còn anh thì: "em muốn trở thành một kiến trúc sư, chứ không phải một nhà khảo cổ". Anh chấp nhận bị đuổi học, ở đó không còn gì để cho anh học nữa.

Với một niềm tin sắt đá vào chính bản thân mình, anh đã bước vào đời để chống chọi với số đông những kẻ "thứ sinh", dù họ nổi tiếng và có quyền lực đến đâu, dù họ đông đến bao nhiêu anh cũng không lùi bước.

Người đọc hồi hộp, bất lực, đau đớn rồi hào sảng theo từng bước đi của Roard. Với tài năng bẩm sinh, anh có thừa khả năng để dễ dàng thành đạt, nhưng anh đã vào đời bằng "cửa hẹp". Henry Cameron, một kiến trúc sư vĩ đại, sự vĩ đại mới mẻ mà nước Mỹ non trẻ vừa bắt đầu chấp nhận, rồi "không dùng" ông nữa. Ông không còn việc làm, sống nát rượu, nhưng ông dứt khoát không thỏa hiệp, không "bán" tài năng của mình. Roard đã tìm đến ông để lập nghiệp. Cameron vừa nhìn thấy tài năng của Roard đã lập tức tuyên bố sa thải anh. Sa thải để cứu anh, để anh không phải lâm vào cảnh thân tàn ma dại như ông. Ông khuyên Roard thỏa hiệp, khuyên Roard "bán" tài năng của mình cho "bọn họ": "Sẽ có rất nhiều người nổi tiếng sẵn sàng nhận cậu, dù cậu có bị đuổi học hay không". Nhưng Roard quả quyết: "Nếu vào lúc cuối đời, tôi trở thành người như ông vào lúc này, tại đây, trong văn phòng này, thì tôi sẽ coi nó như một vinh dự mà tôi lẽ ra không xứng đáng". Cameron chết trong thất bại.
Roard vẫn không lùi bước. Anh tự mình mở văn phòng. Một vài người biết anh, giao việc cho anh, những người riêng lẻ đó thích công trình của anh, nhưng số đông thì không. Có lúc anh đã phải đi làm công nhân mỏ đá chứ không thỏa hiệp, dù là thỏa hiệp nhỏ để nhận một công trình lớn.

Người ta nhân danh số đông, nhân danh lòng từ thiện, nhân danh "sống vì người khác" để đè bẹp anh, đè bẹp những “cái tôi” sáng tạo. Không để cho người khác can thiệp vào sự sáng tạo của mình, anh đã phải ra tòa và thua cuộc. "Người ta căm thù sự đam mê, bất kỳ sự đam mê vĩ đại nào". Cameron đã đấu tranh, ông thất bại vì ông không còn thời gian. Roard thì không cam chịu. Cao điểm của sự không lùi bước đó là việc Roard đã phá hủy một công trình khi nó được xây lên không giống như anh thiết kế. Nó đã bị biến dạng theo ý kiến của “đa số”, của “tập thể”, của “hội đồng” mà không một cá nhân cụ thể nào chịu trách nhiệm. Anh bị truy tố ra tòa.

… “Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm được cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này. Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu được và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất".

..."Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại - những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế - đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Động cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng".

... "Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trước khi có những người hưởng lợi từ sự sáng tạo. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh - những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công".

... "Loài người đã được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp cho người khác bớt khổ đau. Nhưng khổ đau là một căn bệnh. Chỉ khi có người bị bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau đớn. Còn nếu chúng ta biến việc giảm khổ đau thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ - để người ta có thể trở thành người đức hạnh... Trong khi đó, người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của người sáng tạo lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, cả bệnh tật của thể xác lẫn bệnh tật của tâm hồn"...

Anh không cần luật sư. Đó là những lời tự bào chữa của anh trước tòa. Người đọc còn tìm thấy trong cuốn sách một nhà báo như Ellsworth Toohey. Ông ta uyên bác nhưng đạo đức giả "toàn tòng", mỗi bài viết của ông ta đều được người ta nghiền ngẫm đến từng dấu phẩy, bởi ông ta tạo được cho mình một quyền lực điều khiển công chúng, đến mức có thể "đẻ ra" các kiến trúc sư nếu ông ta muốn. Ngoài ông nhà báo thấy "quen quen" đó, người đọc còn biết đến một Gail Wynand, điển hình của một chủ báo Mỹ lừng danh...

Cuốn sách như một bản anh hùng ca tôn vinh con người, nhưng con người mà tác giả cuốn sách - nữ văn sĩ kiêm triết gia người Mỹ gốc Nga Ayn Rand (1905-1982) - hướng tới là những người sáng tạo, những người "xoay chuyển thế giới và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống". Dường như cuốn sách không đứng về phía số đông, nhưng mỗi một người trong số đông đó đều có thể thấy mình được tôn vinh, được chia sẻ. Bởi mỗi một người trong chúng ta đều từng là, đang là hoặc sẽ là thiểu số trong những nỗ lực tự khẳng định bản thân mình để làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.

HOÀNG HẢI VÂN
(Bài đăng trên Thanh Niên, 19-12-2007)

_____________________
(*) Suối nguồn, NXB Trẻ, 12.2007


Phần nhận xét hiển thị trên trang

XA HOI BA DAO:


5 đức tính vĩ đại của con chó


Con người tự cho mình là động vật cao cấp nhất, sự ngạo mạn đó thật đáng xấu hổ. Bay không được như chim, chạy không bằng ngựa, bơi lặn không bằng cá, leo trèo không bằng khỉ …, nói chung so với bất cứ con gì thì con người cũng có mặt thua kém, không nhiều thì ít, không chỉ về mặt sinh học mà cả về tư cách. Độc ác, dối trá, tham lam, phản trắc, lừa đảo, đạo đức giả … là những “phẩm giá” chỉ có riêng ở loài người, không có ở loài vật. Con người tự cho mình có trí tuệ không có con vật nào sánh kịp ư ? Là tự mình đề cao mình đấy thôi. Dùng trí tuệ để suốt ngày đi “chinh phục thiên nhiên”, suốt ngày đi “cải tạo xã hội”, suốt ngày đi phá rừng, suốt ngày đi chế tạo bom đạn chế tạo chất độc hủy diệt nhau và hủy diệt môi trường, suốt ngày đi làm thủy điện gây lũ lụt gây hạn hán gây động đất, suốt ngày kết bè kết nhóm bày mưu tính kế hại nhau … Trang Tử, Lão Tử chẳng phải đã nói phải “tuyệt thánh khí trí” thì thiên hạ mới thái bình đó sao ?

Sự tồn tại của con người trong thiên nhiên có hại nhiều hơn là có lợi. Sinh ra con người có lẽ là sự sai lầm “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” của tạo hóa. Cứ cái đà này, nếu con người không biết hoàn lương không biết phục thiện thì tạo hóa buộc sẽ phải sửa sai để “khắc phục hậu quả”, cho nên trước sau gì loài người cũng sẽ bị tuyệt diệt. Đó là điều tương đối chắc chắn.

Bởi vậy, để hoàn lương tự cứu mình, con người nên khiêm tốn học hỏi loài vật, trước hết là học hỏi con chó.

Con chó có những đức tính vĩ đại mà con người cần học tập suốt đời :

1. Không tham nhũng. Con chó mới thật sự vô sản. Chỉ ăn đủ no, không có của dư của để, không “hy sinh đời bố củng cố đời con”, không cần phải kê khai tài sản. Tuy thỉnh thoảng có ăn vụng và dành ăn với nhau, nhưng đó là do quá đói nên phải “điều tiết” một chút để sinh tồn, công khai minh bạch, chẳng thể gọi là xấu. Loài linh cẩu tuy có đi ăn cắp thức ăn, nhưng chỉ ăn cắp thức ăn của sư tử, hổ báo, phải đem tính mạng ra trả giá, sự ăn cắp đó rất có khí phách. Đương nhiên con chó cũng không đặc quyền đặc lợi, không nhận hối lộ, không lợi dụng chức vụ quyền hạn để cố ý làm trái.

2-Không biết chữ. Chó chỉ đọc bằng mũi, cũng đủ quán thông thiên địa, không cần phải thông qua những ký hiệu chữ nghĩa vừa hạn hẹp vừa lằng nhằng. Lục tổ Huệ Năng nói : “Lý nhiệm màu của chư Phật chẳng quan hệ với văn tự”. Không biết chữ nên không bẽ cong ngòi bút viết sai sự thật, không làm báo lá cải giật gân, không bịa ra chuyện bố chồng dính với nàng dâu, không mô tả ngực mô tả đùi các cô gái để câu khách, không dùng văn tự để thượng tôn hạ đạp. Nhân loại có hai nhân vật thuộc hàng vĩ đại nhất, đó là Thành Cát Tư Hãn và Lục tổ Huệ Năng, cả hai đều không biết chữ.

3-Không biết nói. Chó không biết nói nên không bao giờ nói dối, không bao giờ nói bậy, không bao giờ nói bịa, không nịnh trên nạt dưới, không mắc bệnh cán bộ 4D “nói dài, nói dai, nói dại, nói dở”. Đức Phật bảo “Ta 49 năm chưa từng nói một lời nào”. Chưa nói đương nhiên rất tốt, không biết nói càng tốt hơn.

4-Trung thành tuyệt đối. Trung thành là đức tính vĩ đại của bậc chính nhân quân tử, không phải là đức tính phổ biến của con người. Đối với con chó, trung thành là thuộc tính thường hằng, không có ngoại lệ, là “nguyên tắc bất di bất dịch”. Không có bất cứ con chó nào phản chủ. Nhưng nên nhớ : con chó chỉ coi người gần gũi chăm sóc nó là chủ. Bỏ tiền ra mua nó về để sở hữu nó chưa chắc được nó coi là chủ. Những kẻ trưởng giả học làm sang, mua chó “xịn” về rồi giao cho “người ở” chăm nom, con chó chắc chắn sẽ coi cái “người ở” đó là chủ chứ không phải kẻ trưởng giả kia. Tất nhiên có những anh chủ chị chủ không đủ tư cách, không đáng được trung thành, nhưng con chó vốn vị tha bao dung, sống theo nguyên tắc “ta thà bị người phụ chứ quyết không phụ người”. Vả lại, có lẽ con chó được tạo hóa “cử” đến để giáo hóa con người về lòng trung thành, cho nên nó giữ đúng nguyên tắc để làm gương, dù nhiều khi bị đối xử tàn tệ. Chẳng phải Chúa cũng đã từng chịu khổ đóng đinh trên cây thập tự để chuộc tội lỗi cho con người đó sao !

5-Tự nhiên thành Phật. Con người muốn thành Phật thì phải đi tu, mà như Phật dạy : càng cầu thành Phật càng xa Phật. Phải phá hết chấp, phải thoát hết mọi thứ u mê thiện ác trí thức trí tuệ, phải vô sở cầu vô sở đắc vô sở trụ… mới thành Phật. Còn con chó, tự tánh là không chấp nên không cần phá chấp, tự tánh không u mê thiện ác trí thức trí tuệ, tự tánh không cầu không muốn không giữ, tự tánh chỉ có Như Lai, nên tự nhiên thành Phật, không cần tụng kinh niệm Phật, không cần cạo đầu đi tu.

Tôi phải mở ngoặc lưu ý một chút để các vị đức cao vọng trọng đừng kết tội tôi báng bổ Phật pháp : Phật nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, trong chúng sanh tất nhiên có con chó. Lục tổ lại nói “tự tánh giác ngộ, chúng sanh là Phật; tự tánh ngu mê, Phật là chúng sanh”. Các vị đức cao vọng trọng cần nhớ rằng niết bàn là nơi dành cho mọi chúng sanh, là tự tánh của mọi chúng sanh, trong đó có con chó, không phải là chốn đặc quyền đặc lợi ăn trên ngồi trốc của con người./.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hòa hợp:





Phần nhận xét hiển thị trên trang

XA HOI BA DAO:



Không xấu hổ sao được, hỡi các anh khư khư bảo vệ sổ hưu

BÙI HOÀNG TÁM

Sự đối mặt với lịch sử luôn là điều khủng khiếp của mỗi thế hệ bởi không ai thoát khỏi lịch sử! Ai có công, lịch sử và nhân dân không quên và ngược lại. Hãy biết xấu hổ thật nhiều bởi đây là đặc điểm chỉ con người mới có. 
Bộ VH-TT&DL vừa trình Chính phủ đề án chọn Quốc hoa đồng thời tổ chức hội thảo, lấy ý kiến nhân dân qua bầu chọn trực tiếp và qua Intenet. Theo đó, 62,1% số ý kiến được hỏi trên mạng Internet chọn hoa sen, 16% chọn hoa Đào, 5% chọn hoa Ban và 2% chọn hoa tre và nhiều ý kiến khác... 
Thế nhưng một số người lại đặt câu hỏi có cần thiết phải chọn Quốc hoa vào thời điểm này hay không? 
Thậm chí, trên một số tờ báo, bức xúc trước thực trạng tham nhũng hiện nay, một số độc giả còn đề xuất chọn… hoa hồng và hoa trinh nữ. Điều hài hước ở đây là hoa hồng được hiểu chung là phần trăm (%), là chia chác, là phong bao, phong bì tham nhũng hối lộ. Còn hoa trinh nữ có cái tên dân gian là loài hoa… xấu hổ!

Những ý kiến trên có vẻ hài hước nhưng ẩn chứa trong đó là một sự thật chua chát đến đắng lòng. Đó là tệ nạn tham nhũng, hối lộ, chia chác (hoa hồng) “nở rộ” khắp nơi. Nó như một sự “tất yếu trong cuộc sống” mà đỉnh cao có lẽ ở Hà Nội với lời nhận xét của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: “… những nơi khác khi “bôi thì trơn”, còn ở chúng ta “cũng bôi mà không trơn”! Tức là có thể hiểu tiền vẫn lấy (hoa hồng % vẫn nhận) nhưng việc không làm. 
Cùng nở rộ với những “bông hoa hồng phần trăm” là loài hoa xấu hổ của những ai có lương tri, có tấm lòng đối với non sông, đất nước . 
Không xấu hổ sao được khi mà tổ quốc thống nhất đã gần 40 năm mà vừa mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo của thế giới. 
Không xấu hổ sao được khi tình trạng nói một đằng làm một nẻo, sự dối trá đã trở thành “nỗi nhục lớn” như lời giáo sư Hoàng Tụy. 
Không xấu hổ sao được khi nạn tham ô, tham nhũng nhung nhúc như một “bầy sâu” trong một nồi canh theo lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 
Không xấu hổ sao được khi những vụ tham ô, tham nhũng ngày càng tinh vi và nghiêm trọng, có những vụ đẩy nền kinh tế cả nước vào cảnh lao đao như vụ Vinashin, Vinalines… 
Không xấu hổ sao được khi cả nước có đến hơn 9.000 giáo sư, tiến sĩ mà mỗi năm không có nổi vài ba cái sáng chế, thậm chí không có được một bài báo trên tạp chí khoa học uy tín. 
Không xấu hổ sao được khi còn nhiều lắm những em thơ áo không đủ ấm, cơm không đủ no, sách không đủ học. Không xấu hổ sao được khi mỗi dịp tựu trường là một cuộc chạy đua bằng những chiếc phong bì chứa đầy ngoại tệ. 
Không xấu hổ sao được trước cảnh bệnh nhân chen chúc, chui từ gầm giường ra chào Bộ trưởng Y tế. 
Không xấu hổ sao được khi tai nạn giao thông vào loại hàng đầu thế giới và mỗi khi tan tầm là nhiều con đường kẹt cứng. 
Không xấu hổ sao được khi có những người phụ nữ Việt Nam xếp hàng bán mình làm dâu xứ người như cảnh bán nô lệ thời Túp lều bác Tôm. 
Không xấu hổ sao được khi nền hành chính mà có đến 30% công chức có cũng được mà không cũng được. 
Không xấu hổ sao được khi người ta cần đến một tháng để soạn một bức thư và hơn một năm để soạn một cái thông tư. 
Có lẽ khó có thể kể hết về những sự việc đáng xấu hổ đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở mọi miền của đất nước. 
Không chỉ xấu hổ với thế hệ hôm nay mà tủi hổ với cả mai sau.

Chúng ta sẽ nói như thế nào với cháu con hay ngược lại, rồi đây lịch sử sẽ nói gì về thế hệ chúng ta hôm nay?

Sự đối mặt với lịch sử luôn là điều khủng khiếp của mỗi thế hệ bởi không ai thoát khỏi lịch sử!

Ai có công, lịch sử và nhân dân không quên và ngược lại.

Hãy biết xấu hổ càng nhiều càng tốt bởi đây là đặc điểm chỉ con người mới có.

Bùi Hoàng Tám (nhà văn)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

XA HOI BA DAO:









Hoảng hồn với những thú ăn chơi "kinh khủng khiếp" của các quý bà

 - Có những quý bà "tiền đông như quân Nguyên" ăn chơi vô cùng bệnh hoạn. Hằng tuần các quý bà "thừa tiền rửng mỡ" túm tụm chơi bài và khoe với nhau các kiểu trai đẹp vừa “dùng qua” như chiến tích.
Muốn bao trai "độc" là diễn viên, người mẫu, đầu tiên không phải là có tiền mà phải có rất nhiều tiền. Thứ đến, phải kín đáo để anh ta không cảm thấy bị ảnh hưởng đến danh tiếng, nghề nghiệp.

 
Ảnh minh họa
"Máy bay bà già" tìm "phi công trẻ"
Khi nghe kể, tôi khó có thể hình dung việc tập thể dục ở một số phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ lại có kiểu biến tướng như vậy. Đến một phòng tập ở một con đường nhỏ khu vực quận 7 trong vai bạn của một "hot boy", tôi chứng kiến cảnh cười đùa ngả ngớn và hẹn hò công khai của các quý bà có 3 vòng phì nộn như nhau với bọn Appollo thời đại.
Hỏi chuyện Trọng, một thợ hớt tóc nhưng có thêm nghề tay trái dùng phòng tập làm văn phòng, gã cười rất đểu: “Thấy phát gớm! Nhưng tiền của mấy mụ này thì đông như quân Nguyên!”. Khi được hỏi về những nguy cơ đến từ phía các ông chồng, Trọng trả lời tỉnh rụi: “Mấy cha nội biết hết. Có điều, mình chán nhìn mấy mụ ấy bao nhiêu thì lão chồng cũng thế. Ngầm thỏa thuận cho vui cửa, vui nhà đó cha ơi!”.
Có hai loại trai bao. Trai đẹp thì đa số rớt vào các cậu có ngoại hình ưa nhìn từ miền quê xa xôi vào Sài Gòn tìm việc. Quá nửa là các cậu phục vụ quán bar, vũ trường và cà phê sân vườn. Thoạt đầu thì chỉ là “cảm thương hoàn cảnh thằng bé”.
Sau đó "kết nghĩa chị em” rồi thuê nhà cho em nó ở, nuôi cho em nó đi học trước khi cho em nó thành… "anh yêu!".
Trung là một sinh viên ngành marketing, quê tận Thanh Hóa vào Sài Gòn học tập. Để đủ tiền cho sự học, Trung làm thêm buổi tối ở một quán bi-da. Chẳng rõ từ lúc nào, vẻ đẹp rất Hàn Quốc của Trung lọt vào tầm ngắm của Hồng, một đại gia nhà đất vùng Bình Chánh.
Cũng đủ thứ bài bản, trình tự như đã trình bày ở trên, Trung trở thành “em nuôi” của Hồng và được chị tận tình dạy dỗ. Giờ đây, dù mới tốt nghiệp, nhưng Trung đã có một căn nhà nhỏ với đầy đủ tiện nghi, quà tặng của "chị yêu".
Lão chồng Hồng tìm đến, chẳng rõ họ nói gì với nhau mà mọi chuyện sau đó cũng chẳng có gì thay đổi. Nhưng có một việc mà Hồng không thể biết: Trung có người yêu đang làm ở một công ty bảo hiểm và cũng lớn hơn Trung cả chục tuổi!
Hiện nay, các quý bà giàu thuộc loại "kinh khủng khiếp" ăn chơi, sa đọa cũng chẳng khác gì cánh mày râu. Một đại gia cặp kè với các cô hoa hậu, diễn viên và xem đó là chuyện hãnh diện thì quý bà cũng thế. Hằng tuần các bà túm tụm chơi bài và khoe với nhau các kiểu trai đẹp vừa “dùng qua”.
Muốn bao trai "độc" là diễn viên, người mẫu, đầu tiên không phải là có tiền mà phải có rất nhiều tiền. Thứ đến, phải kín đáo để anh ta không cảm thấy bị ảnh hưởng đến danh tiếng, nghề nghiệp.
Q., một diễn viên thuộc vào loại kép độc, suốt ngày ăn chơi nhảy múa bằng tiền của quý bà. Cái độc đáo nhất của gã là có thể làm "chồng bé" cho 4 bà đại gia chơi thân với nhau nhưng chẳng bà nào biết bạn mình đang tham gia “hớt váng”.
Tổng thu nhập của Q. từ phim chẳng đủ cho gã đổ xăng. Còn các em yêu tuy già nhưng hết sức biết điều, cống nạp cho gã không dưới con số trăm triệu hằng tháng. Đa số nam diễn viên biết Q. đều tặc lưỡi: “Thằng này đóng phim cho mọi người xem thì dở nhưng đóng tay đôi thì… tuyệt!”.
Nhóm cờ bạc của bà Y. có khoảng hơn chục mạng và thay vì phải đối phó với cơ quan chức năng, họ tìm cách để qua mặt các ông chồng. Các ông chồng ngạc nhiên khi thấy các bà lập nhóm từ thiện và tuần nào cũng đi xa làm phước. Các ông không hề biết rằng, các bà thuê xe để gây sòng ngay trên đường di chuyển.
Một nam người mẫu khác tên T., có gương mặt đểu như chưa từng được đểu, lại có danh không phải từ phim ảnh dù gã đóng rất nhiều phim. Gã có 2 “bà chị”. Một ở tận nước Úc xa xôi. Mỗi khi về nước, chị mua cho em cơ man là quà cáp và đưa em đi du lịch khắp nơi.
Sau hơn 2 tháng đi “du lịch”, T. bèn… nhập viện vì suy kiệt trầm trọng. Người thứ 2 già ngang với tuổi mẹ T. nhưng trát phấn, nhuộm tóc, mặc short hệt như một cô học trò tuổi teen, lo cho gã tiền nhà, tiền sinh hoạt hằng tháng.
Đổi lại, cuối tuần T. đưa chị đi vũ trường. Cuộc đi bar của T. và chị luôn kết thúc vào trưa ngày hôm sau.
Kh. - một phó đạo diễn - chuyên moi tiền các bà chị với chiêu “làm phim chiếu rạp” nhưng chẳng bao giờ thấy sản phẩm. Vừa rồi, gã bị bể bạc do không biết 2 "bà chị" cùng đang chu cấp cho gã lại là chị em ruột.
Hai đứa con trai và nhóm bạn xuất thân quận 4 đã chặn đường nện cho Kh. một trận thừa sống thiếu chết vì nghe được chuyện ì xèo của mẹ. Hôm sau, do lịch quay, Kh. vẫn lên phim trường với cánh tay bó bột và khuôn mặt bầm tím. Hỏi chỉ nghe gã ngập ngừng: “Giang hồ đánh nhầm!”.
Táng gia bại sản vì vợ là "bác thằng bần"
P. - ông chồng đau khổ của bà Y. - không sợ vợ ngoại tình vì thừa biết bà khôn hơn sói và chẳng hề mê trai. Tuy nhiên, suốt ngày ông phải thuê hàng loạt xe ôm theo dõi bà vợ đại gia nhà đất của mình.
“Chị vô nhà số… đường Tô Hiến Thành rồi” - một gã xe ôm thám tử thông báo. P. lập tức phóng xe từ Thủ Đức về bỏ mặc 2 vị khách đang thương lượng giá căn lầu mặt tiền đường Võ Văn Ngân. Ập vào ngay lúc bà Y. vừa thua sương sương 30 triệu đồng, P. hét toáng lên và lôi vợ ra xe chở về.
Thực ra nếu thua bạc cỡ vài chục triệu đồng thì khoảng… vài nghìn năm nữa hai vợ chồng P. mới bị gọi là nghèo đi nhưng vì đã xảy ra 2 việc trong quá khứ nên P. nghe vợ đi đánh bài là hồn phi phách tán.
Lần đầu P. phải mang hơn 200.000USD sang tận Phờ-nôm-pênh (Campuchia) chuộc vợ về. Lần 2 , P. suýt xỉu khi bà Y. sang Mỹ thăm con và thua ở Las Vegas tròm trèm 2 triệu đô-la.
Thoạt đầu, Y. rất ngạc nhiên khi bị chồng bắt quả tang liên tục. Nhưng sau vài tháng, Y. nhận ra ngay mạng lưới tình báo xe ôm của chồng. Bà cho đứa cháu vợ ôm theo vài chục triệu và bắt đầu bóc gỡ mạng tình báo của P.
Cao tay hơn, bà ta vẫn giữ nguyên "nhân sự" mà lại chi ra số bổng lộc gần gấp đôi chồng để mạng lưới luôn cung cấp tin theo kiểu: “Hôm nay chị tiếp khách ở nhà” hay “Chị đang làm tóc ở chợ Vườn Chuối”.
Và thế là gần nửa năm trời, P. cảm thấy vợ hết sức tuyệt vời vì đã biết nghĩ đến câu "cờ bạc là bác thằng bần". Chỉ đến khi 2 căn nhà ở quận 3 và quận 1 phải sang tên cho người khác, P. mới ngã ngửa trước thú ăn chơi kinh hoàng của bà vợ yêu.
Theo Dòng Đời


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ Sơn Lữ: Ngắn mà hay!



Bi sử




Chinh chiến người đi như lá rụng
Chính tà bi sử mãi phân vân
Hỡi ơi máu chảy ngàn năm trước
Mà nối không liền một ý dân

Phần nhận xét hiển thị trên trang