Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

CÔNG BÁO (trên blog Yahoo plust )

KÍNH CÁO
02:52 29 thg 12 2012Công khai0 Lượt xem0

Thường Dân núi Tản


Thường Dân núi Tản(Cảm ơn em Núi tập hợp những người bạn chung.)
Đến 10g sáng nay, Blog Hồng Giang 180' đã có trên 10.000 người 

vào thăm. HG chân thành cảm ơn nhiệt tình của quý bạn. Vì điều kiện 

eo hẹp về thời gian, kể từ nay  HG sẽ không đăng tiếp bài trang này 

nữa (Yahoo Plust blog ). Đây là một quyết định ngoài ý muốn. HG lấy 

làm tiếc vì việc này, xin được phân ưu cùng quý bạn. Tuy nhiên Hồng 

Giang 180' sẽ tiếp tục duy trì bên blogspot. Bạn chỉ cần theo địa chỉ 

sau: Hồng Giang 180'- blogspot  hoặc anlacminh@gmail.com.

Thân chào quý bạn. Chúc các anh chị dồi dào sức khỏe đón một năm 

mới an khang thịnh vượng, cuộc sống tràn tình thương và hạnh phúc
Kính cáo!

Võ Thị Hảo : Huyền ảo.. và tội ác


Bìa quyển "Ngồi hong váy ướt" của Võ Thị Hảo.
Bìa quyển "Ngồi hong váy ướt" của Võ Thị Hảo.
Dưới tựa đề khá xếch-xy Ngồi hong váy ướt là một tập 17 truyện ngắn, với những bức tranh siêu thực hoang vu, ngập mùi tử khí, viết từ ngòi bút của một người đàn ông đã chết "chấm bút lông vào mạch máu đang chảy ở khuỷu tay mình viết lên những trang giấy trắng", về cái thế giới mà ông ta đã sống. 
Sau hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai kiếp khác hoặc tìm cách trốn ra nước ngoài. Ngồi hong váy ướt, tập truyện mới nhất của Võ Thị Hảo hội đủ hai yếu tố: đầu thai kiếp khác mà vẫn phải chạy ra nước ngoài, tháng 7 năm 2012, tủ sách Thi Văn Hồng Lĩnh của Bùi Xuân Quang ở Paris, xuất bản. 
Võ Thị Hảo sinh năm 1956 tại Diễn Châu, Nghệ An, nổi tiếng trên văn đàn với các tập truyện ngắn Biển cứu rỗi, 1992, Chuông vọng cuối chiều, 1994, Người sót lại của rừng cười, truyện dàiGiàn thiêu, 2003, vv...
 
Trong tác phẩm mới nhất, Võ Thị Hảo nhìn hội chứng chiến tranh, độc tài và tội ác như tác dụng nhân quả thể hiện qua những truyện ngắn huyền ảo. Cảm giác bị tấn công mãnh liệt bởi những mạnh vụn trái phá và những chân rết ung thư tội ác tàn phá nội tạng người đọc.
 
Người ta đã và sẽ còn bỏ nhiều thời giờ, ngân quỹ để nghiên cứu, viết sách, làm phim, phân tâm những lính Mỹ bị điên sau khi tham dự chiến tranh Việt Nam. Nhưng chưa ai nghĩ đến việc phân tâm lính Việt, người Việt, bởi dân tộc ta thuộc dạng "hơn người", hùng tính hơn người, chịu đựng hơn người, cần gì đến thứ khoa học phô trương, tốn tiền, phù phiếm, vô bổ.
 
Võ Thị Hảo chẳng phân tâm ai cả mà dùng phép phù thủy, cho chiến tranh, độc tài, hủ lậu và tham nhũng vào chung một rọ, xóc cho ngầu, phơi cho bốc hơi, toả khói, biến các chứng liệu hoá thân thành cây cỏ, đất trời, rắn rít, con ong, con nhện, đám mây, ngọn gió... Toàn bộ thiên nhiên trong không gian Võ Thị Hảo, sau nửa thế kỷ chiến tranh và độc tài, trở thành hậu thân của một thế giới, trước kia đã từng có người, đã từng là người. Những giá trị "vĩnh cửu" như tình yêu, tình người, nhân tính... đều đã bốc khói, bay đi, chỉ còn trơ lại đống sắt vỡ vụn của trái phá, sắc nhọn, đâm chém, vô luân và tàn ác.
 
Dưới tựa đề khá xếch-xy Ngồi hong váy ướt là một tập 17 truyện ngắn, với những bức tranh siêu thực hoang vu, ngập mùi tử khí, viết từ ngòi bút của một người đàn ông đã chết "chấm bút lông vào mạch máu đang chảy ở khuỷu tay mình viết lên những trang giấy trắng", về cái thế giới mà ông ta đã sống.
 
Trang đầu tiên là Bùa, một truyện xẩy ra ở Thành Cổ Sơn Tây, là miền đất tổ lâu đời nhất. Sơn Tây, chính là nước Văn Lang, kinh đô Hùng Vương, Trưng Vương, Phùng Hưng và Ngô Quyền. Người ta nghi người chết đã lầm Sơn Tây với Quảng Trị, hoặc Sơn Tây bị biến thành Quảng Trị. Hoặc đoán chừng người Sơn Tây bị lệnh "câm" trở thành người Quảng Trị. Hoặc Sơn Tây sau khi "cháy chợ", bọn yêu quái bỗng "lớn phỗng lên", nhân dân Sơn Tây vỡ nợ, phá sản, trốn vào ma túy hoặc tự tử, biến thành nhân dân Quảng Trị, một thành cổ đang "thiu thiu ngủ" với những "oan hồn nửa thức nửa ngủ trên những đám mây trĩu sương tù đọng. Nước không chẩy và mây không bay". Một quán phở đêm, quy tụ đủ mọi hạng người đến gặm xương đáy nồi, thứ"xương bốc mả". Hàng phở bốc mả là trạm cuối của sông mê. Tại đây, người ta kể những chuyện rùng rợn, trong một thế giới người ma lẫn lộn. Một xã hội ăn xương bốc mả, ăn táo lê Trung Quốc ướp thuốc không thối, có người chết của quý chĩa thẳng lên trời, có con ma thiếu máu, chân quắp vào cột cây số 12, có người bán máu lấy tiền tiếp máu cho ma...
 
Bùa chỉ là khúc dạo đầu để đi vào những mạch sống, mà Mỵ Châu thả bước xuống trần mở vào lịch sử ngàn năm của những mạch sống khốc liệt ấy:
 
Pho tượng đá cụt đầu trong am Mỵ Châu một đêm chợt tỉnh sau bao nhiêu thế kỷ. Chiếc thân đi tìm lại đầu mình. Mỵ Châu nhớ lại những giây phút chót của cuộc đời, nhớ những mảnh lông ngỗng trắng tinh nàng rứt từ chiếc áo Trọng Thuỷ tặng, để dẫn đường cho chồng tìm mình trong cơn nguy biến, nhớ tiếng quân Triệu reo hò, nhớ tiếng vó ngựa Trọng Thuỷ "dựng ngược trên đầu hai cha con", nhớ tiếng thét rách gió của chàng, nhớ nhát kiếm cha già loáng trên gáy, đầu nàng rơi xuống, máu hoà với nước biển mặn chát. Đầu Mỵ Châu lưu lạc không ngừng, không bao giờ lắp lại được với thân. Mỵ Nương đi xuyên nhiều thế kỷ, lầm lũi, không đầu, lần từng trang sử, dừng chân trên am thờ nàng, nay đã trùng tu, nàng đã được xây nhà mới. Người ta dúi vào tay nàng cơ man của đút, lót tiền giả để mua tiền thật, mua sự bất tử. Cái giếng Trọng Thủy trầm mình, nay đã trùng tu thành lỗ huyệt láng xi măng cho tiện vét tiền du khách ném xuống. Thân nàng được phủ những chuỗi hạt nhựa, phủ lụa là gấm vóc "bóng lộn và hăng hắc độc" dệt từ quê hương Trọng Thủy. Mỵ Châu choáng váng, tìm chốn nương thân nhưng vô ích. Nàng không còn chỗ trên quê hương mình. Trong đền An Dương Vương đã trùng tu quê kệch, một đám mặt mũi đẹp đẽ béo tốt đang yến tiệc, "miệng ngo ngoe những cái đầu rắn". Mỵ Nương thấy mạch sống thế kỷ XXI tàn tệ hơn thế kỷ của nàng, trên đất nước Văn Lang.
 
Hội ngộ là những bức tranh siêu thực chồng nhau theo một trật tự hắc ám: Một người đàn bà chồn đu đưa thân thể trong khu rừng độc, "nàng chun mũi nghiêng sang hướng bắc. Hướng bắc đến từ ngọn gió mang mùi của những đám cháy và của xương người. Nàng nghiêng hông về đằng nam. Hướng nam lờ lợ mùi bột ngọt và gươm đao." Một người đàn ông chỉ còn bả vai, không cổ, không tay, "một cánh tay đã chia cho phương nam, một cánh tay đã chia cho phương bắc. Chúng bị đạn tiện đứt lìa, trong hai lần khác nhau, một ở rừng, một ở biển". Một con ong lạc tổ loạng choạng trong đêm... Trên cánh và tấm lưng eo thắt, nồng nặc mùi ong Chúa, mùi ngục tù và tử khí. Con ong lạc đàn quờ quạng đâm sầm vào đầu vú người đàn ông không cổ không tay. Một con ong Chúa đang nằm thoi thóp, bỗng trở mình, nhận ra mùi phản trắc, nó hoàn toàn lai tỉnh, gửi "mật" lệnh "ngòn ngọt từ tử cung" -thứ mật ong Chúa dùng để mê hoặc và cầm tù đồng loại- huy động toàn bộ đàn ong thám tử đi truy lùng, xé xác con ong lạc tổ, bay trật đường rầy...
 
Hội ngộ giữ trọn vẹn sự bí mật của một văn bản thuần túy huyền ảo, là một bản thi họa giao duyên giữa đầu Ngô và mình Sở, tạo ra một thứ phi lý bức tử của một thế giới mà cõi sống phi nhân là phiên bản, là hậu thân của chiến tranh và đàn áp.
 
Người chăn bò thần thánh, là thứ hiện thực huyền ảo trắng trợn, vẽ hẳn một bức tranh khôi hài, hãi hùng: Tổ chức nhân đạo quốc tế gửi tặng đàn bò sữa cho một vùng mà nhà nghiên cứu của tổ chức này đã mục kích tận mắt cảnh cả trăm người cầm dao quắn xông vào tranh nhau xẻo thịt một con trâu chết, loáng cái hết nhẵn. Lễ "khánh thành bò" được tổ chức vô cùng trọng thể, vú bò được thắt nơ, cổ bò được đeo các khẩu hiệu kinh điển: "cần kiệm liêm chính", "cán bộ là đầy tớ của nhân dân", v.v... Mọi việc được phân công rành rẽ, đàn bò trở thành bò tập thể dưới sự quản lý của nông trường.
 
Rủi thay, ông chủ tịch nông trường lại có đứa con cậu trời. Một hôm ông đi họp vắng, nó và lũ bạn thèm rượu thịt bèn lấy dao xẻo phắt miếng vai con bò ngoại, xơi tái. Người cha về la rầy, thằng con Khổng Minh rỉ tai hiến kế... xẻo thịt bò mà vô can. Mỗi miếng thịt xẻo được thay thế bằng một chiếc bong bóng thổi phồng dán vào thân bò. Kết cục đàn bò ngoại trở thành trong suốt như bong bóng, một đàn bò thuần xương, không thịt. Thịt bò mừa mứa, ăn, bán không hết, đem đấm mõm cấp trên. Các nông trường viên chăn bò sợ bị đuổi không dám ho he. Các đoàn kiểm tra đã được nếm mùi bò ngoại đều chứng nhận những cỗ xương bò di động là bò đích thực. Thậm chí cả bọn rận, bọ chét, ve, mòng... cũng thoả mãn, chúng thả cửa no nê xơi tiệc sẵn trên thân bò lở lói, máu tràn vào miệng như lũ không cần vòi hút. Khi đã quán triệt nguồn lợi bò, ông chủ tịch nông trường bèn nhường chức lại cho người khác, xin cất nhắc lên chức to hơn, lần này có thể là nông trường chăn voi ngoại.
 
Bỗng đâu nhà nước nhận được một đơn kiện, bọn đầu đơn không ai xa lạ mà lại là bọn rận, bọ chét, ve, mòng, dĩn... thấy quyền lợi của chúng ngày càng có nguy cơ tận diệt, viết đơn tố cáo như vầy: "Đau xót vì tình trạng thịt rơi máu chảy của đàn bò, của tài sản tập thể bị xâm hại... Đàn bò hiện nay con nào cũng chỉ sót lại một mẩu thịt ở mông, còn tất cả da thịt và gân của chúng đều bị các chủ bò lần lượt xẻo đi và thay thế bằng những quả bóng trong suốt. Xin cấp trên trừng trị để làm gương..." Bọn ve mòng hý hửng đợi phép nước nghiêm minh, nào ngờ kết quả ngược lại: Trên đem toà án di động về "xét xử các tội phạm Ve, Mòng, Rận, Dĩn, bởi tiền sử chúng đen tối, hiện tại chúng mờ ám và tương lai của chúng không cải tạo được". Toà tuyên án tử hình cả bọn, hả hê coi như "đã triệt được nguyên nhân của mọi nguyên nhân". Nào ngờ vẫn chưa hết, một tin sét đánh, ban kiểm tra đoàn bò quốc tế phôn về, đích thân đến tham quan. Thế là hoảng loạn, các phòng, các ban, các chủ bò xôn xao bàn cãi, quy trách nhiệm. Cuối cùng họ nhất trí ra chỉ thị :"Bởi các nông trường viên chăn bò vô trách nhiệm, trình độ khoa học kém cỏi, nên đã để cho đàn bò mất hết thịt, nay phải xẻo thịt mình đền vào". Bọn chăn bò thấp cổ bé miệng không dám kêu ca, đành xẻo thịt mình đắp vào những chỗ trống. Đàn bò có da thịt trở lại. Một thế hệ Người chăn bò thần thánh mới lại xuất hiện, lần này họ không xẻo thịt bò nguyên chất, mà xẻo đàn bò đã được đắp thịt người.
 
Người đọc giật mình, quái đản, không hiểu từ đâu ra lối huyền ảo này ?
 
Truyện Huyền ảo, huyền hoặc hay hoang đường, tiếng Pháp fantastique, tiếng Việt có  nghiã: truyện ma quái, truyện hoang đường, truyện không có thật. Liêu trai chí dị là một loại huyền ảo kinh điển phương Đông, hoàn toàn khác với lối huyền ảo phương Tây hoặc châu Mỹ la tinh. Huyền ảo gắn bó sâu sắc với tôn giáo, triết lý và môi trường sống khác nhau của mỗi dân tộc.
 
Dòng huyền ảo lâu đời nhất có lẽ là huyền ảo Châu Mỹ la tinh, gắn bó với thánh kinh Maya, trong đó, con người được thần ngô nặn lên từ bắp ngô. Ngô đối với người Maya như gạo đối với người Việt. Những truyện cổ tích của người Maya xưa xây dựng trên một vũ trụ mà thiên nhiên là chủ thể. Mây, núi, sông nước, cỏ, cây... điều hoà sự quân bình thế giới và sinh ra con người. Trái ngược với các hình thức cổ tích Đông Tây: con người là chủ thể của muôn loài, thần thánh cũng là người.
 
Từ sự kiện thiên nhiên cây cỏ, muông thú đều có tiếng nói, đều có thể họa nên những hình thái nên thơ và dưỡng nuôi sự sống, người Maya đã tạo nên một khái niệm huyền ảo tự nhiên như ta ăn và thở. Sau này, các tác giả nổi tiếng Châu Mỹ la tinh đều dựa vào nguồn gốc văn hoá Maya của họ để tự tạo cho mình những hình thức huyền ảo cá biệt.
 
Ở Asturias, nhà văn Guatemala, là một thứ huyền ảo thuần khiết Maya, khái niệm "người ngô" (l'homme de maïs) vừa hiền lành, vừa bao quát thực tế: nếu không có ngũ cốc, làm sao con người sống sót, làm sao còn người. Asturias tranh đấu cho quê hương ông, chống lại chế độ thực dân, chống lại các thể chế độc tài, chống lại quyền lực của tư bản Mỹ áp đảo sự sống còn của nông dân trên nền đất Châu Mỹ la tinh.
 
Ở Marquez, nhà văn Colombia, là sự huyền ảo khốc liệt của những người dân da đỏ hận thù những kẻ chinh phục (conquistadors) đã cưỡng hiếp tổ tiên mình để sinh ra mình. Một mối căm thù tổ tiên, căm thù tác giả đẻ ra mình. Những quái thai, những bạo tàn, những tha hoá, loạn luân, những điềm, những mộng, những đầu người mình thú... trong truyện của Marquez, phản ảnh niềm uất ức truyền kiếp, khôn nguôi của những con người là sản phẩm, không phải của tình yêu mà của cuộc hãm hiếp tập thể một giống nòi, một dân tộc.
 
Về huyền ảo, Jean Paul Sartre phân tích: "Mô tả sự kỳ dị phi thường chưa phải là điều kiện cần và đủ để đạt tới huyền ảo. Một biến cố lạ kỳ, xẩy ra trong một xã hội có trật tự, có pháp lý, sẽ bị rơi vào vòng trật tự chung: Nếu bạn cho một con ngựa đột nhiên nói, thì tôi bảo nó bị ma làm trong chốc lát. Nhưng nếu bạn cho nó diễn thuyết dông dài suốt dọc hành trình qua rừng cây im lìm, trên nền đất bất động, tôi chấp nhận cho nó cái quyền nói, nhưng tôi không coi nó là ngựa nữa mà cho nó là người trá hình ngựa. Ngược lại, nếu bạn muốn làm cho tôi tin rằng con ngựa này là huyền ảo, thì bạn phải làm sao cho những hàng cây, đất đai và đồng ruộng cũng là huyền ảo nữa, mà bạn không cần nói ra".
 
Sartre viết tiếp: "Huyền ảo là một thế giới toàn diện mà sự vật biểu hiện một tư tưởng quyến rũ đòi đoạn, vừa bất thường vừa lôi cuốn, gặm nhấm trong cơ thể nhưng không thể diễn tả thành lời".
 
Và ông đưa ra một định nghiã huyền ảo: "Huyền ảo trình bầy hình ảnh lật ngược của sự hội tụ linh hồn và thể xác. Linh hồn chiếm chỗ của thể xác và thể xác chiếm chỗ của linh hồn. Để nhận diện hình ảnh này, chúng ta không thể dùng những ý tưởng sáng tỏ khúc triết, mà phải dùng những ý tưởng rắm rối, "huyền ảo", nói cách khác, chúng ta phải đi vào chỗ mờ ảo, với đầu óc trưởng thành, có văn hoá, với cá tính nhiệm mầu của một kẻ mơ mộng, của con người nguyên thuỷ, con người trẻ thơ." (Sartre, Aminadab, Situations I, Folio essais, trg 115).
 
Lối huyền ảo trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo, phát sinh từ sự tùng xẻo, một "nghệ thuật" hành quyết mang đặc tính đông phương, có trong sử sách Tầu, Việt. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo mang chất nồi da xáo thịt, đặc tính Việt Nam. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo mang tính áp đảo phụ quyền, cha truyền con nối trong gia đình, trong dòng họ, trong xã hội, trong chính quyền, từ Khổng Mạnh truyền qua không trung gian, không đứt đoạn. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo giao thoa độc tài và tham nhũng trong nền kinh tế  tạo nên những quái thai người ăn thịt người kiểu Lỗ Tấn. Lối huyền ảo của Võ Thị Hảo có cái dã man trong xã hội Mạc Ngôn.
 
Những nhà văn phụ nữ miền Bắc như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, có đặc tính khốc liệt mà những nhà văn nữ trong Nam không có. So cái khốc liệt trong văn chương Võ Thị Hảo thì cái sắc sảo trong văn chương Túy Hồng hiền như bụt. Tại sao? Bởi miền Nam đàn bà chưa phải đi lính, chưa nhìn thấy cái khốc liệt của chiến tranh. Bởi Dương Thu Hương, Võ Thị Hảo... sinh ra và lớn lên trong một môi trường không nhân nhượng. Dương Thu Hương đã chứng kiến cảnh đấu tố, đã đi đánh nhau. Võ Thị Hảo sinh sau, nhưng đã thu thập vốn liếng bạo lực của những người đã nhận nhưng phải gói ghém, giấu diếm trong lòng: những người mẹ, người chị, xung phong đi lính, đi hộ lý, trở về điên dại trong Rừng cười. Như nam châm, Hảo thu hút những khối u mà người xấu số để lại hôm qua, và hôm nay con em họ vẫn còn tiếp tục cúi đầu nhận độc tố của một gia đình, một xã hội, một thể chế, gọi là mới, nhưng tất cả đều cũ, đều cổ, đều mục nát, như đầu óc, như sự phục tòng của họ.
 
Là nhà văn dấn thân trong chiều dầy của hai chữ dấn thân, là phụ nữ tranh đấu, Võ biết nếu con người không thay đổi suy nghĩ, không biết suy nghĩ, thì đất nước không thể đứng dậy. Điều kiện tiên quyết làm thay đổi xã hội, thay đổi chính trị là người phụ nữ phải thay đổi trước. Sự bất phục tòng của họ sẽ là nền tảng của tất cả mọi thay đổi.
 
Chất huyền ảo trong truyện của Võ Thị Hảo, là sự huyền ảo của những bức tranh siêu thực trong đó con người đã bị cắt chân tay, mỗi tứ chi ném đi một nơi, nam bỏ ra bắc, bắc bỏ vào nam, chúng gọi nhau, đầu tìm cổ, cổ tìm vai, trong một định mệnh điên cuồng của xã hội âm ty trần thế. Cái thác loạn ấy sống lại trong những thông tin hàng ngày, trong những vụ án mạng như cơm bữa, trong những hàng tin xe cán chó: con giết cha, chồng giết vợ, dẫy đầy trên mặt báo. Võ Thị Hảo lượm lặt những tin tức chó cán, viết ra, đặt nó trong cái huyền hoặc hàng ngày của cuộc sống. Ngòi bút của chị lột trần mặt trái bi kịch, tìm đến chiều sâu lịch sử của bi kịch, từ đấy Hảo chỉ đích danh tội ác, chỉ cái thủ phạm nấp đằng sau tội ác, chỉ cái cha đẻ của tội ác để vạch ra sự ngu muội của con người. Mục đích của Võ Thị Hảo là vén màn phát giác sự ngu muội của con người. Con người mụ mị chấp nhận độc tài, con người gật đầu tất cả để được yên thân, con người bị đàn áp tư tưởng, cúi mọp chịu phận. Võ Thị Hảo muốn giải phẫu, móc cái mê, cái sợ, ra khỏi trái tim con người.
 
Một mình một ngựa, vén màn đối lập bằng cách xây dựng thành lũy huyền ảo trên những con người đã bị xé xác, hồn phanh trăm mảnh, để chống lại thành trì kiên cố xây bằng vi khuẩn tham nhũng, lừa đảo, trộm cắp, điêu ngoa của những con ong Chúa mê hoặc đồng loại bằng thứ mật ngọt giết người. Hiện thực huyền ảo của Võ Thị Hảo là cuộc trực chiến giữa hai thành trì. Võ một mình một trận chiến. Một mình một nghiã địa.
 
T. K.

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Chuyện vặt đời ta!

Sổ hưu
Tiền Phong - Mọi người cứ tưởng cái sổ hưu là sáng chế đặc biệt của chính quyền cơ. Ngày xưa sổ gạo, bây giờ sổ hưu hay mang ra dọa nhau. Vậy ngoài giới công chức vài triệu sống bằng sổ hưu, còn chán vạn dân ta không sổ hưu sao vẫn sống. 
 Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức.
Với viên chức nhà nước ăn lương thì cái sổ hưu là chỗ bám víu cuối cùng trong việc duy trì cuộc sống. Nghe cũng thương thật, vì để mất sổ hưu thì lấy gì mà ăn? Mang sổ hưu ra dọa mà khối anh sợ. “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”- Truyện Kiều (Nguyễn Du).
Sợ, nên có thằng em tìm việc cho vợ cứ cạy cục tìm nơi có “biên chế” cho chắc ăn!
Thế đấy, biên chế với sổ hưu có lúc đã xích chặt cổ, khóa tiệt mồm người đi làm. Có nghề đấy mà không dám hó hé cãi lại cấp trên khi cấp trên sai, vì trước là cái biên chế và sau là cái sổ hưu! Sếp không ưa là tèo!
Sổ hưu thì có gì ghê gớm đâu! Thực ra sổ hưu là cái của để dành ăn dần khi về già. Hiểu thế mới thấy có rất nhiều loại sổ hưu.
Chị tôi có cái sổ hưu tự chế rất hay. Chị là người buôn bán, xưa nay làm ra được tí nào chị đều biến sang vàng cất đi. Sáu đứa con, chồng công chức. Nhưng sổ hưu của chồng sao đọ với cái “sổ hưu” của chị là trữ vàng. Các việc hiếu hỉ chỉ nhìn vào sổ hưu vàng của chị. Còn sổ hưu của anh thì chỉ đủ sống thường nhật cho chính anh.
Nhắc đến sổ hưu công chức, chị cười he he, có mà chả bằng cái mép túi chị! Nào ngờ một người chạy chợ như chị tôi mà coi thường cái sổ hưu của anh công chức thế!
Còn một loại sổ hưu nữa là mua nhà mặt tiền cho thuê, cứ nằm đó hàng tháng thu ngân, chả thiếu xu nào, ăn chơi rểnh rảng!
Sổ hưu của người nông thôn là con cái. Nuôi chúng trưởng thành nên người, khi về già thì con cái là chỗ dựa còn chắc hơn là sổ hưu nhà nước cấp. Tôi đang là sổ hưu cho mẹ tôi ở quê đây này!
Thì ra sổ hưu của dân ta có từ đời nảo đời nào chứ đâu phải đến khi có nhà nước và bộ máy công chức mới có sổ hưu!
Các cụ ta xưa vẫn bảo: “Con cái là của để dành”, hoặc “Mỗi con mỗi của ai từ”. Sổ hưu của người xưa đấy, mỗi con là một cái sổ hưu chứ chẳng phải chỉ có một cái như nhà nước cấp. Nên khi xưa, con cháu được coi là “của” chứ không phải chỉ “kim ngân” mới là của đâu nhá.
Hiểu sổ hưu đúng mức thì bớt sợ chuyện ai mang sổ hưu ra dọa!
Đỗ Đức

NGƯỜI CŨ NĂM XƯA..



Truyện ngắn của Hồng Giang

Tôi đang tìm cách theo người ta hướng dẫn, hãm cho cây đào nở chậm hoa lại ít ngày. Năm nay nhuận, tết về muộn hơn mọi năm. Còn hơn một tháng nữa mà nụ đào đã có bông he hé. Kiểu này tết đến, hoa đã nở xong.
Lại mưa phùn lay phay suốt tuần nay, gió bấc lạnh tê tê người.. Thời tiết đã lâu mới có lại nét quen xưa cũ, nhiều năm rồi mới thấy.
Bỗng chợt con “Bon” xủa nhắng lên. Con chó này nhỏ, lúc bé nó hay làm trò đến buồn cười. Nó cuộn mình tròn lại y như quả bóng, đầu ghé vào giữa háng hai chân sau, lăn từ từ trên ta luy xuống, rồi lại trèo lên, lại bon xuống. Bọn trẻ thích chí reo hò, nó thấy thế có vẻ thích, cứ lặp đi lặp lại đến khi thở dốc mới thôi. Bọn trẻ gọi nó là con “Bon”, thế là thành tên.
Bây giờ tôi quát thế nào nó cũng không chịu nghe. Chắc có sự lạ, tôi buông mớ lạt hãm cây, quay ra.
Tôi không tin ở mắt mình. Trước mặt tôi là một người vừa mới tới. Ông ta đang xoay về phía con chó nên chưa nhìn rõ mặt. Người này mặc bộ dạ tá, hàng cúc bằng đồng sáng chóe, ve áo còn in dấu quân hàm quân hiệu mờ mờ. Chân đi giày Kốt sơ gin, loại dùng cho sĩ quan, cảnh sát trước đây. Loại này giờ người ta ít đi, trên thị trường cũng không có bán. Đôi giày còn mới, giây cũng mới, buộc khá cẩn thận, chắc hẳn được cất rất kỹ lưỡng, mới được đem ra dùng.
Tưởng ai, hoá ra lão Nên. Vẫn cái mặt đỏ gay như gà chọi, cần cổ cao, hai búi thịt bạnh ra ở hai bên như hổ mang bành. Vẫn giọng nói khan khan, âm cao xứ Nghệ, không quen rất khó nghe. Tóc tai gọn gàng, chải rẽ ngôi hẳn hoi chứ không bờm xờm, bù xù như mọi bữa. Mà sao răng lão lúc này trắng và đều thế nhỉ? Tôi nhớ hàm răng lão năm ngoái. Lúc đó cùng ngồi mâm với nhau, đã chín sáu ba không rồi kia mà? Vội chào:
- Ô bác! Sao hôm nay rồng lại đến nhà tôm thế này? Tưởng bác quên rồi chứ?
Lão cười. Cái cười không mim mím như mọi khi, cười hở hết cả lợi, phô hàm răng đến món thanh niên có hàm răng đẹp cũng phải ghen tỵ:
- Chú mày thật! Anh em kết ngãi với nhau, sao lại là rồng đến nhà tôm? Chẳng qua công việc bận bù đầu, anh em không mấy lúc thảnh thơi đến chơi nhà nhau, chứ anh với chú làm sao quên nhau được?
Tôi vội xoa dịu:
- Em nói vui thế thôi. Nhưng hôm nay trông bác lạ quá. Cứ như trai tơ ấy!
- Chuyện. Mỗi lúc nó phải mỗi khác. Chú không nghe câu “Y sức xứng kỳ đức” hay sao? Lúc nghèo nàn khó khăn, ăn mặc sao cũng được. Nhưng khi khá giả rồi hà tiện, bủn xỉn là không nên. Chả gì anh hồi này cũng đỡ hơn một tý. Ăn mặc nó cũng phải lịch sự một chút chứ?
- Đúng là bác nom mới toàn phần..
Lão chưa hiểu ý tôi, khoe luôn:
- Thằng con dể nó vừa đưa anh đi “nâng cấp” hàm răng đấy. Hết hai mươi lăm chai đấy chú mày ạ!
Lão vẫn còn giữ thói quen nói “lái” như ngày nào. Hai lăm triệu thì nói luôn hai lăm triệu, chai với lọ làm gì? Tôi nghĩ, nhưng không nói. Thói quen, nhất là thói quen cửa miệng, đâu muốn sửa là sửa được? Vả lại nó cũng không hại gì, thôi kệ. Nhưng chả nhẽ hôm nay lão lên chơi chỉ để khoe bộ dạ tá, hàm răng và đôi giày?
Tôi không cần thắc mắc lâu, lão nhíu đôi lông mày rậm, vào chuyện:
- Hôm nay anh lên, có việc nói với chú đây..
Tôi hoảng hồn, mỗi lần thấy lão vào đề kiểu này, lại một phen chột dạ. Lần nào cũng ái oăm, thậm chí còn nguy hiểm nữa..
**
Nếu không có ông giáo ở gần nhà, thực tình tôi không biết lão là ai?
Tôi ở mãi xứ Đoài, cái tỉnh có tên như chuyện cây tre trăm đốt, nay tách ra mai nhập vào cứ liên xoành xoạch. Chúng tôi gọi vui với nhau bây giờ là tỉnh “Hà Nhì”, không còn là Hà Tây hay Hà Sơn Bình nữa!
Lão ở nơi có câu ca : “Ai biết nước sống Lam là trong hay là đục..”. Nghĩa là xa cách ngàn trùng, chả có dây mơ rễ má nào. Một lời của ông giáo, chúng tôi trở thành chỗ thân tình, suýt nữa tôi còn là “con dê” của lão, nếu con gái lão không chê tôi sức vóc học trò, trói gà không chặt. Mà nhà lão là nhà làm ăn, toàn những việc người ta ngại vất vả không muốn dính tay vào. Nói rời non lấp biển thì là nói ngoa, nhưng đốt đất, hun trời là việc có thật..
Hôm giới thiệu ông giáo không nói thẳng ra, chỉ bảo: “ Chỗ nầy rất đặc biệt, cậu tới rồi sẽ biết. Có khi còn được một công đôi ba việc cũng nên”.
Cái đặc biệt thứ nhất là nơi lão Nên cư ngụ. Chỗ ấy một bên vách đá thẳng đứng, một bên là dòng sông sâu, trên bờ được ngăn cách nhau bởi một con ngòi. Phải qua một cái dốc cao gọi là dốc Bò đái chênh vênh. Chả cứ bò, bất cứ con vật nào bắt buộc phải qua đây cũng đều kinh hãi, hoảng sợ. Chỗ này mấy trăm năm trước có một xóm người Dao, bị dịch bệnh thế nào đó bỏ đi, từ đó đến nay hầu như thiếu dấu chân người. Năm bốn bảy Tây ghé tàu gần chỗ này, nửa đêm tự nhiên tàu bốc lửa phải bỏ chạy ra giữa sông rồi chìm, kêu la inh ỏi. Người ta đồn chỗ ấy có “ma chài”, không ai dám ở. Thỉnh thoảng vẫn đào được những chiếc bình gốm đựng tro hài cốt rải rác quanh vùng.  Lão là người đầu tiên đến lập cư, bỏ ngoài tai mọi đồn đại. Đất chỗ ấy tốt cực kỳ, cây nào cũng hợp, xanh miên xanh man.
Ngày chưa có đường nhựa QLC2 như bây giờ. Cứ phải vạch lau lách mà đi.
Đặc biệt thứ hai là nhà lão có hai cô con gái, như Thúy Vân, Thúy kiều. Nói theo kiểu thi ca gọi là “trên cả tuyệt vời”. Làm ăn tháo vát, giỏi giang hơn người, lại xinh xắn không thể chê vào đâu được.
Đặc biệt thứ ba nữa là cách làm ăn của gia đình lão không giống ai. Vùng tôi chưa từng có. Nào đốt gạch, nung vôi, trồng mía, nấu rượu.. đều có bí quyết riêng, người ngoài cố mấy cũng không thể tìm hiểu hay học mót được.
Còn mấy thứ vặt vặt khác cũng vào loại đặc biệt, lão bảo không đáng kể.. Vì thế, đến là tôi mê ngay.
Số tôi vất vả, chả nên cơm cháo gì. Cô gái lớn tên Yêu nghe tôi ngỏ lời, lặng lẽ không nói gì. Tôi cứ ngỡ cô như người ta “im lặng là đồng ý”, thực ra không phải. Hồi lâu cô bảo: “Anh đi theo em”. Tôi bối rối theo cô, không biết chuyện gì? Cô đưa tôi đến chân vách núi dựng đứng. Ở đó có khối đá tròn và nhẵn. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao nó có hình thù như thế? Lúc đó tôi tự nhủ có lẽ cô đưa mình vào đây tâm sự. Không thể có chỗ nào thích hợp hơn nếu trai gái muốn nói những điều thầm kín, hệ trọng với nhau hơn chỗ này! Cô chỉ phiến đá:
- Anh nói em nghe rất thông cảm. Bản thân em cũng không kén chọn gì nhiều. Nhưng có điều anh phải giúp em một việc..
- Việc gì em cứ nói? – Tỏ ngỏ ý sẵn sàng!
- Ba mẹ em đã bàn về chuyện hôn phối, nếu ai mang được hòn đá này về để kê cầu nước, sẽ gả em cho người đó!
Tưởng gì? Tôi hăm hở bước lên, chả thèm vận khí công, lên xuống tấn làm gì cho mất thì giờ, cúi xuống định bê luôn! Hòn đá nặng hơn tôi tưởng tượng. Nó phải nặng đến ngót một tạ. Thử lại lần nữa cũng không kết quả. Lần cuối cùng tôi vận hết công lực tập tẹ bấy lâu nay.. Kết quả hòn đá vẫn không rời mặt đất.
Đến lúc ấy cô mới bảo tôi lui ra. Cô nhấc hòn đá đưa lên vai, mặt chỉ hơi đỏ do dồn sức, bình tĩnh đi về nhà.
Tôi xấu hổ không biết để đâu cho hết. Cuối năm ấy cô lấy chồng, một anh làm “thợ đấu” ở xã khác.
Lão Nên có vẻ áy náy. Lão bảo tôi:
- Đừng vội thối chí! Con chị nó đi con dì nó lớn.. Không sao đâu mà!

Lần nữa, tôi hy vọng. Làm trai “nam nhi sống ở đời” hễ khó là bỏ, thì hỏng!
Cô em tên là Mến, yểu điệu hơn cô chị. Mông tròn, ngực nở, tóc dày và đen rưng rức, môi mọng màu quả nhót, nhưng tính rụt rè, ít nói. Thực ra là kiêu ngầm. Tôi theo cô hàng tháng trời lên nương sau nhà làm cỏ, hái chè. Xuống bến sông vác mía lên thuyền, đánh đường ra bến để bố cô chuẩn bị cho việc mua thuyền Kole. Việc nào ra việc ấy, riêng tôi chả được việc gì. Hễ tôi mở miệng đến chuyện ngỏ lời là y như rằng má cô đỏ bừng, kiếm cớ chạy vội đi chỗ khác.
Cô học lái thuyền rất nhanh. Chỉ mấy buổi thuê người dạy, cô về tỉnh lấy ngay được bằng. Tôi đi theo học lỏm, định bụng hôm nào ra tay thử xem tay nghề thế nào.
Tối hôm ấy trăng sáng có thể xâu kim được. Chỉ có tôi và em trên thuyền. Chắc mẩm phen này có không muốn hay e thẹn, em cũng không chạy đi đâu được. Bờ sông nước vừa rút, lầy lội thế kia, em chả dại gì mà chạy lên chỗ bùn ngập quá gối.
Nhưng tôi lại nhầm! Em không đợi tôi mào đầu, xuất chiêu ngay:
- Ba mẹ em bảo nếu anh cầm lái được con thuyền này, sẽ cho chúng mình gá nghĩa trăm năm!
Một lần nữa tôi lại không hiểu mình. Cứ ngỡ học mót được ngón nghề rồi, chủ quan cho là chuyện ấy đâu có khó?
Ngay cả học theo chính quy, không qua thực hành đã khó rồi. Nói chi đến chuyện học lỏm, lõm bõm không đầu không cuối? Sai lầm chết người ấy làm hại tôi!
Thuyền mở máy, xuôi dòng ngon trớn. Lúc ấy tôi nhủ thầm thì ra lái thuyền đâu có gì ghê gớm cơ chứ? Chỉ cần cầm càng máy cho chắc. Muốn thuyền sang bên phải, đánh bánh lái sang bên trái và ngược lại. Tôi hỉ hả nhìn em. Lúc này nét mặt em có vẻ như đang lưỡng lự, lo lắng lắm. Như người vừa bị lỡ hứa mà trong bụng chưa thực lòng muốn giữ lời! Người ta đâu có thể nói chơi chuyện này?
Nhưng tôi mừng vội, quá sớm. Lúc quay lên, thuyền phải qua một cái gềnh, hai bên là những tảng đá đầu ông sư nhô lấp lim mặt sóng. Chỗ này hẹp, nên nước chảy rất xiết. Muốn vượt qua nó phải khéo léo lấy đà từ xa, rê chân vịt thật chính xác. Nếu không chân vịt quạt vào một tảng đá nào đấy là lật thuyền!
Tôi một phần chủ quan, một phần chưa có kinh nghiệm, mắc ngay cái lỗi này. Lúc đó chỉ kịp nghe loảng xoảng phía đuôi thuyền, có ánh lửa lóe sáng và mùi đá khét lẹt. Tôi cuống không biết xử lý ra sao, không kịp nhận biết xảy ra chuyện gì, ùm ào một tiếng, thuyền đã lật. Nó trôi về hạ lưu một quãng mới chìm hẳn. Hai đứa tôi mỗi đứa dạt một bên bờ, may nhờ biết bơi, không bị sao.
Ông Nên thuê người trục con thuyền lên, cho sửa lại. Tôi lo phát ốm khi nghĩ đến tiền bồi thường.
Thật may chuyện đó không xảy ra. Khi đó tôi tay trắng, mình trần, nếu ông bắt thường lấy gì mà trả?
Nhưng cái may đó cũng chả có ý nghĩa gì ngoài ý nghĩa vĩnh viễn không đạt được giấc mơ làm con dể ông! Sau chuyện đó, phần xấu hổ về sự lóng ngóng chủ quan của mình, phần e ngại thiệt hại đến ông mình chưa có cách đền trả, tôi lánh luôn không đến nữa.
Không ngờ năm năm sau, một buổi sáng như hôm nay ông đến nhà. Ống quần chân thấp chân cao, nét mặt bơ phờ, ông bảo ông vừa mới lên xã tôi mở lò gạch. Ủy ban và địa phương đã cấp đất và đồng ý cho ông làm. Hồi bấy giờ đường cấp phối mới mở, nhưng đi lại còn khó khăn. Nhu cầu xây dựng trường học, bệnh xá, trụ sở xã đang cần gạch. Không những người ta không gây trở ngại gì mà còn có phần tạo điều kiện giúp. Một tương lai sáng lạn đang mở ra trước mắt ông. Mẹ tôi mời ông ở lại dùng cơm. Cao hứng thế nào Người nhận ông làm con kết nghĩa! Tôi còn đang lúng túng về sự tế nhị này thì ông bảo:
- Mấy đứa con gái anh chúng thành gia thất cả rồi. Có muốn kết thân gia như dự tính trước đây cũng không được. Thôi không làm bố con thì thành anh em, chú chả việc gì phải nghĩ ngợi lăn tăn.. Với lại anh cũng chỉ hơn chú con giáp, anh em kết nghĩa phải hơn là cứ “chú chú cháu cháu”!
Tôi chả biết nói sao, chỉ biết ngượng ngịu cười. Mẹ tôi thì mừng lắm. Có được người anh lớn như lão dẫn dắt cho thằng con lông bông của bà, hỏi còn có gì tốt hơn?
Nhưng mẹ tôi mừng hơi sớm. Chỉ một tuần sau lão Nên lại đến. Lão bàn với mẹ tôi góp cổ phần cho tôi có chân “công ty vật liệu xây dựng” của lão. Mẹ chả nghĩ ngợi nhiều, bảo: “ Ừ thì anh em làm ăn với nhau, mình cũng phải có góp ít nhiều. “Đi câu sắm giỏ, làm mõ sắm dùi.. Con ạ. Của người ta hàng đống hàng vác, mình góp đôi chục triệu bõ bèn gì?”
Lão nói phen này quyết làm ăn lớn, phải phá bằng được vòng vây đói nghèo. Lúc đấy tôi chẳng nghĩ gì và có phần tin tưởng. Lão giao cho tôi trông coi công việc, lão về quê đón người, vì nhân công chỗ tôi khó mướn. Hơn chục ngày sau lão mới về, mang theo gần hai chục con người cả nam lẫn nữ. Sự kiện này như một điềm xấu báo trước công việc làm ăn đổ bể sau này. Trời bắt đầu đến thời kỳ mưa dầm kéo dài. Hàng chục con người ăn xong lại nằm. Hết đánh bài, lại đánh tầm quất lẫn cho nhau mà mưa vẫn chưa dứt. Thợ làm thổ mộc ăn như thuồng luồng kéo nước. Nồi bảy bưng vào, nồi ba bưng ra đều sạch bóng. Gạo bao to bao nhỏ vẫn không đủ. Trong đám thợ nữ có một cô dong dỏng cao, mắt hơi hiếng một bên. Cô này không đẹp, được cái giọng trong veo. Nghe cô nói cứ như hát hay, lời như chạy vào gan vào ruột. Tôi không ngờ người bề ngoài cũ cũ như lão nên lại đa tình.
 ( Sau này mới biết thêm, lão từng bơi qua sông Gâm mùa lũ mang lòng lợn tiết canh nóng sốt đem cho người tình ở bờ sông đối diện. Phàm những anh có tài năng đặc biệt hoặc sức khỏe xuất chúng thường trội hoóc môn sinh sản. )
Mặc đám thợ đánh bài, chơi cờ với nhau, cô ả với lão nên sáng nào cũng lên rừng lấy măng. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ lão thân làm tội đời. Mang tiếng là ông chủ, tội gì phải lên rừng hái măng như thế?
Đợt mưa dứt, lò gạch chúng tôi đi vào “Đại sản xuất”. Máy chạy ba ca, ngày đêm không nghỉ. Gạch cáng từng dãy dài. Ai đi qua cũng cũng trầm trồ “Lò gạch lão Nên phen này trúng quả”. Lão mặt lại thêm hồng hào, cười nói hào sảng suốt ngày, không cau có văng tục như mọi khi. Thuê người xây bầu lò, đổ than chất cao như quả đồi, chuẩn bị vào lò mẻ gạch đầu tiên.
Không ai ngờ sang tháng chín âm rồi còn có đợt lũ muộn. Mấy trăm vạn gạch và quả đồi than cùng đám phên nứa lềnh bềnh trôi cả xuống sông! Bao nhiêu tiền khách đặt cọc cũng theo đó tan biến. Nguy cơ vỡ nợ là rất lớn. Đám thợ gạch cũng rủ nhau bỏ đi hết. Chỉ còn lại mỗi cô hiếng mắt còn ở lại. Cô gắn bó thật tình với cơ sở gạch của chúng tôi hay vì đã phải lòng ông chủ, chưa ai biết. Đến khi bà vợ lão ở dưới nhà  lên đánh ghen mọi người mới vỡ lẽ.
Lão Nên mang cô ả về gửi dưới nhà quen bán hàng cơm ở thị xã. Lâu lâu lão mới đạp xe  xuống thăm cô.
Lão hốc hác đi trông thấy. Mặt tái nhợt, không còn đỏ đắn như trước, nhưng vẫn nói cứng: “Thua keo này bày keo khác!” Chưa biết lão bày bằng cách nào? Cô hiếng lại nhắn lên liên tục. Hình như cô có bầu và đang thiếu rất nhiều thứ. Lão Nên như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than, hay làu bàu câu gì đó rất tục. Nhưng trước mắt người khác vẫn làm ra vẻ thản nhiên, không có chuyện gì!
Lão hỏi vay  nốt con trâu cái đang có chửa của mẹ tôi. Lúc đầu bà không đồng ý, sau nghĩ lại. Đằng nào thì “Đâm lao phải theo lao. Với lại phúc ai phận nấy, không ai có thể lấy không của ai, hoặc mất phận của mình”, mẹ nói như thế. Tôi không dám nói sao vì thấy mẹ có lý. Lão lập tức đem số tiền này mua một xe than về đốt số gạch mộc còn sót lại, vừa vặn được một lò.
Tôi lúc này đã xoay ra nghề khác, coi như số vốn hùn hạp ban đầu không tính đến nữa. Có đi qua lò gạch của lão cũng không muốn vào. Phần lão không uống trà, không thuốc lào thuốc lá, ngồi uống nước lã, nói chuyện suông chả thú vị gì. Phần không muốn nhớ đến chuyện cũ. Của đau con xót, gom góp mấy năm trời, nay bị hà bá cướp mất, ai còn muốn nhớ đến làm gì?
Bỗng một hôm, mới tang tảng sáng lão đã đến gọi cửa. Lại chuyện gì nữa đây? Lão nợ mình chứ mình đâu có nợ gì lão mà sao cứ thấy thắc thỏm lo lắng trong lòng! Lão đến kỳ này không phải vay tiền, vay gạo thậm thụt với bà mẹ tính hay thương người của tôi những lúc tôi đi làm vắng. Lão đến nhờ tôi một việc:
- Anh đang bận trông lò, không thể giao cho ai được. Nếu chú không giúp anh việc này, anh e rằng anh buồn mà chết mất!
Việc gì mà ghê gớm vậy? Thì ra cô hiếng ở dưới tỉnh nhắn lên. Hàng cơm phát hiện cô có bầu, không muốn thuê nữa. Lão mà không xuống đón, cô chẳng biết đi đâu. “chỉ còn cách nhảy xuống sông Gâm chứ đâu còn đường nào?” Đấy là cô nói thế. “Nó mà làm vậy anh ân hận suốt đời. Không chỉ ân hận suông, có khi còn phải ngồi tù chứ chẳng chơi”, lão bảo thế. Tôi không sợ sự việc diễn ra theo lời lão nói. Người ta sống chết có số. Có phải ai muốn từ bỏ cuộc sống cũng có gan làm cả đâu? Vì thế có nhiều cô cứ chờ lúc bến sông đông người mới làm ra vẻ chuẩn bị nhảy xuống. Thường khi đã nói ra miệng, rất ít thực hiện được. Nhưng tôi sợ lão bỏ lò gạch đấy, liều đi đón cô hiếng, hỏng cái lò gạch. Tuy không phải người trong nghề, nhưng tôi biết. Lửa mới lên bén gi lò mà bỏ không đút củi nuôi lửa, lò sẽ tắt. Muốn nhóm lại rất khó. Số vốn cuối cùng này mất cũng có nghĩa con trâu của mẹ tôi cũng đi đứt luôn!
Bụng không muốn mà chân đi vẫn phải đi. Tôi đạp xe về thị xã. Đường cấp phối, đi một mình có khó vẫn đi được, nhưng đèo hai người đành chịu. Lúc lên chúng tôi phải đi thuyền Kole.
Đàn bà chửa hình như thích gần đàn ông. Cô Hiếng làm tôi xấu hổ không biết để đâu cho hết. Cô cứ sán vào như thể đang rét quá, người xung quanh cứ nhìn tôi chằm chằm. Bực mình tôi đứng vụt dậy đi ra phía sau mũi thuyền. Đúng lúc con thuyền nghiêng qua một trớn nước. Trong lúc đầu óc bấn bí như thế, tôi không để ý, ngã nhào xuống sông. Chỉ nghe tiếng chân vịt quạt ào ào ngay trên đầu, tiếng người kêu la inh ỏi. Tôi thoát nạn trong gang tấc! Bơi một lúc mới lên được thuyền. Đây là lần thứ hai tôi bị nạn sông nước. Lần trước là chạy thuyền với cô Mến và lần này với cô bồ của lão. Sao cái thân tôi cứ vướng mắc nạn sông nước mãi thế nhỉ?
Về gần tới nơi, tôi mừng như người đi xa sắp về đến nhà. Lại nhầm. Từ xa đã nghe tiếng nổ như pháo ran. Lúc đó không biết đang xảy ra chuyện gì? Nhìn về phía lò gạch đang khói đen một vùng trời. Người trên thuyền nhao nhao “ Nổ ở chỗ lò gạch lão Nên”! Tôi giật mình. Quên cả mang chiếc xe đạp lên bờ. Tôi chạy vội đến chỗ lão. Không biết cô hiếng làm cách nào với những túi, những bao lủng lẳng của cô?
Cảnh tượng trước mắt không thể tin được. Tường lò há ra như miệng một con quái vật, lửa phụt ra xanh lè. Liên tục những tiếng nổ như đạn pháo thăng thiên. Lão Nên mặt cắt không còn tí máu, nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh, gan lắm. Lão hô người vác cây chống lò, nhưng không ai dám đến gần. Một mình lão chống chỗ nọ đổ chỗ kia. Từng tảng như nửa chiếc chiếu cháy đỏ lựng như thế đổ xuống từ trên cao. Ngoài lão ra ai dám lăn xả vào nơi như thế?
Sau này mới biết, gạch nổ là do chỗ đất nhiễm phèn, độ PH cao, lại chưa khô hẳn bên trong. Đây là sai lầm chết người do tính chủ quan, vội vã, bốc đồng của lão. Cuối cùng bất khả kháng, lão ngồi ôm gối, đôi mắt như người mất hồn, không nói câu nào.

Ngày hôm sau không ai thấy bóng dáng lão Nên đâu nữa. Chỉ còn đống gạch vụn, nửa sống nửa chín, cao như quả đồi. Lão mất tích một thời gian..
Mẹ tôi lại an ủi tôi theo lối các bà già ở quê an ủi con cái mình: “ Thôi của đi thay người, đừng tiếc con ạ. Trời cho khá sẽ lại có ngày làm nên”!

Không ai biết lão mang thêm hai thằng con trai đi đâu, làm gì chừng hơn một năm thì về. Lão khoe nhà lão có mả cứu bần. Mấy bố con mót lại xỉ ở bãi vàng, vớ ngay được cái ục. Như thể có người đem của giấu ở đấy. Từng hạt vàng to như hạt ngô vàng xòng xõng, đều như qua cùng một mắt sàng! Nếu lão không mang tiền lên nhà trả không thiếu một đồng, có lẽ tôi không tin. Lão gốc gác đất Trạng Quỳnh, nói con kiến trong lỗ còn phải bò ra, biết thế tôi đến giờ vẫn còn ghê răng!
Lão xoay ra khai thác đá, đóng gạch bi, mua xe ô tô cho hai con chạy.. Đương nhiên không vướng nợ nần với bất cứ ai. Thôi thì cũng mừng cho lão!
Đường qua dốc Bò đái bây giờ máy ủi hạ dốc, tráng nhựa đi lại tênh tênh. Tôi bận việc tôi, lão bận việc lão, dễ đường vậy mà đâu có mấy lúc gặp nhau?

***
“Sao hôm nay có việc gì mà đại ca lại quá bộ lên thăm?” Vào nhà rồi tôi vẫn nhắc lại câu hỏi cũ. Lão cười khoe hàm răng mới trắng bóc, không tinh không biết là răng giả, xong lại tủm tỉm không nói câu nào. Mãi sau mới bảo:
- Lúc gian khổ có nhau, bây giờ anh em mình đỡ cả thì mẹ không còn! Chắc mẹ ở trên trời thấy con cái làm ăn được mẹ cũng vui - Lão nói y hệt câu trong phim cổ trang, kiếm hiệp Tàu.
Tôi cảm động quá. Lão thật là con người ăn ở có trước có sau, có tình có nghĩa. Cái chuyện không phải với cô hiếng ngày nào giờ cũng nên thông cảm. Con người chứ đâu phải thần thánh gì? Ai chả có lúc sai? Với lại anh có tài thường hay có tật. Ai nói gì mặc ai, với lão tôi vẫn phục. Lên bờ xuống ruộng, sống đi chết lại như thế mà vẫn dựng được cơ đồ. Người khác chỉ một phen thất bát, có khi sạt nghiệp, mất hết tinh thần.
Tôi đoán hình như còn có chuyện gì nữa, lão đâu có rảnh đi chơi không? Đúng như vậy thật. Lão lấy trong bọc ra gói trà phải đến hơn một cân đưa cho tôi:
- Có đứa cháu bên Đại Từ sang cho mấy cân chè ngon uống tết, anh chia chú một nửa. Nhân tiện bàn với chú một việc, anh em cùng làm cùng ăn!
Tuy rằng con người lão khác trước, nhưng tôi vẫn còn e ngại, không nói gì. Nét mặt lão có vẻ trầm xuống:
- Ngày trước anh làm chú mất lòng tin, chú e ngại là phải. Nhưng con người ta mỗi lúc mỗi khác. Có phải khi nào cũng thế cả đâu? Anh bàn với chú việc này cũng có ý trả cái nghĩa ngày xưa bà cụ và chú đối với anh. Người khác có mời anh cũng không nói. Anh lúc này có vốn, chú có vườn rộng, có thời gian hơn anh, anh mới bàn với chú..
- Bác nói sao, em chưa hiểu?
- Từ từ rồi khoai cũng dừ, đi đâu vội? Anh ghét nhất trò “thấy người ta ăn cá, vác rá đi đơm”, chả chịu tìm tòi, nghĩ ngợi gì. Đấy chú xem, năm ngoái một vài anh dựng máy làm đót, thấy được ăn, năm nay không biết bao nhiêu anh lăn vào làm. Chen vào chỗ chật, chắc gì kiếm được trong khi phải đầu tư vốn tương đối lớn? Vì thế..
Lão lại lấp lửng như cố ý để tôi sốt ruột. Mãi sau mới nói:
- Việc này đảm bảo với chú ở đất mình, kể cả tỉnh mình chưa ai làm. Nếu mình đi trước một bước, đảm bảo thắng lợi! Khả năng lại ở trong tầm tay mình, anh sẽ đầu tư cho chú làm, lãi lời cùng hưởng.
Tưởng lão nói chuyện gì, việc này tôi có biết. Ấy là việc nuôi chim quý như công,  trĩ, vịt uyên ương.. Thực ra trước đây cũng có người làm rồi không thành công. Ông này không biết đặc tính của giống loài chim quý, nên không nuôi sinh sản được. Bỏ tiền mua mấy chục con giống đẻ trứng đem ăn rồi thịt dần, mất cả chì lẫn chài. Đặc tính của các loài chim hiếm là chỉ biết đẻ rất sai, nhưng không biết ấp. Chúng thường đẻ giấu vào tổ của các loài chim khác, đến khi chim con biết chuyền cành mới bay đến dụ theo mình. Với lò ấp trứng giản tiện ngày nay, khiếm khuyết ấy không còn là vấn đề. Các nơi khác người ta đã nuôi nhiều, có anh trở thành tỷ phú nhờ công việc này.
Biết thì biết như vậy, nhưng không phải cứ muốn là làm được. Nuôi chúng không khó. Cái khó ở đây là đầu tư chuồng trại, giống vốn.. Có nhà tài trợ đã từng là anh em kết ngãi với mình còn gì bằng?
Cuối năm lại thêm cái may này, khiến tôi cay cay khóe mắt. Chưa kịp nói lời nào với lão thì con lão đã đánh xe quay lại. Lão kéo vạt áo dạ tá có hàng cúc bằng đồng vàng  cho phẳng, trước lúc lên xe bảo:
- Cứ thế đã, tết nhất xong bảo cháu lấy xe đưa hai anh mình xuống Hà Nội. Địa chỉ con giống anh liên hệ rồi. Để đến ra giêng ấm áp, ta khởi sự cho chắc ăn. Tháng này còn rét, chim chậm lớn, với lại công việc gấp gáp cuối năm. Ăn cái tết cho ngon lành cành đào cái đã!
- Vầng, được như bác nói còn gì bằng?
- Anh đã nói sai với chú câu nào chưa?
Tôi nín bụng, không dám cười. Chả nhẽ lại cãi lão vào lúc như thế này? Con Bon lúc này đã quen, có vẻ lưu luyến lão, nó cứ cựa cựa mõm vào bên giày da của lão như trẻ con làm nũng. Lão phải cúi xuống vuốt vuốt mấy cái lên bộ lông mượt của nó, Bon mới chịu quay lại chỗ tôi, vẻ buồn rầu.

Khi ấy, xe của bố con lão đã khuất dần trong đám sương mờ, ngày cuối năm..
================



Ngày tết lên Lũng Quân

                                   

Bút ký của Hồng Giang

Năm nay nhà Giàng Seo Gà ăn tết to.
Ngoài bánh dày cổ truyền, nó bảo còn làm thêm cả bánh chưng như người Kinh, người Tày và cả bánh khảo nữa. Bánh dày thờ thần mặt trời, mặt trăng người Mông quen từ lâu rồi. Con gái H’mông mười sáu tuổi đã biết đồ xôi nếp, đổ ra máng, giã chày đôi. Khi nào bánh thật mềm, thật dẻo mới “bắt bánh”. Những chiếc bánh dày trắng mịn mang hình mặt trăng, mặt trời bày lên bàn thờ mới được “làm mới”, cúng tạ ơn trời đất, nhớ ơn các thần linh, nhớ ơn vua SiViu, tạ ơn tổ tiên ông bà.
Seo Gà bảo “Thực ra bánh chưng dễ làm và đỡ vất vả hơn bánh dày vì không phải giã mà. Nhưng nó có khó ở chỗ phải biết gói sao cho đẹp, vuông mà lá không bị rách, nhân phải ngon. Mình để ý vài bận là biết mà”.
Tôi hỏi nó:
- Bí quyết để bánh chưng ngon Seo Gà đã biết chưa?
Nó cười đỏ mặt:
- Cũng biết chứ. Phải chọn loại nếp cái thơm, đều hạt. Lá gói bánh phải là lá bánh tẻ không non không già mới được đấy. Rồi đỗ xanh hạt phải mẩy đều, thịt ba chỉ làm nhân thêm với hạt tiêu, nếu có chút dừa nạo nữa càng ngon.. Nhưng cái chính là phải biết cầm lửa, đun nồi bánh sao cho rền, không nát, không khô quá..
Tôi phải chịu nó. Đến như mình còn chưa chắc đã chu đáo bằng nó. Mỗi năm tết đến có dăm chiếc bánh đều nhờ khi thì ông cậu, hay thằng em chú gần nhà gói cho. Nếu không phải ra chợ.
Seo Gà còn khoe:
- Hôm này anh lên còn có rượu ngô nữa. Mọi năm toàn đi mua. Từ năm ngoái năm nay không phải mua nữa rồi đấy. Nhà mình thiếu gì ngô mà phải mua rượu ngoài chợ?

Tôi có nghe người ta nói về nhà Seo Gà mấy năm nay trồng ngô “thắng quả đậm”. Người ta nói vụ năm nay nó thu tám chục tấn! Một con số mà người đã từng là cao thủ trồng ngô trên nương như tôi chưa khi nào dám mơ. “Thường thì là trong câu chuyện năm đồn lên mười. Qua miệng người này thêm một tí, qua người kia thêm một tí, chắc gì đã thật?” Tôi nghĩ như vậy khi nghe người ta kể. Cũng có thể khá hơn mọi năm chứ gấp bội như thế thật khó tin! Nhân nghe Seo Gà nói ngô nhiều, tôi hỏi:
- Tớ nghe bảo nhà cậu năm nay thu tám chục tấn ngô có hay không?
Seo Gà cười cười, y như thể chuyện đó không có gì đáng chú ý cả, định nói chuyện khác. Tôi phải nhắc lại nó mới rù rì:
- Có thật chứ? Nhưng mà ăn thua gì với người trong làng? Có nhà được cả trăm tấn đấy! Nhà này có hai vợ chồng, bận con bé chỉ làm được thế thôi.
- Chắc phải thuê đông người làm lắm nhỉ?
- Không thuê đâu. Mình khắc làm khắc ăn thôi. Người làm công bây giờ khó đón lắm, không như hồi anh còn làm ở trên này đâu!
Tôi lấy làm lạ, chả nhẽ có cách thần nào giúp cho nhà nó sao? Hỏi ra mới biết, bây giờ lối canh tác khác hồi tôi làm nương rất nhiều. Mấy năm Seo Gà vào trong nam về học theo người ta. Bây giờ cả làng Lũng Quân học theo nó. Năng xuất tăng gấp mười khi trước. Đầu tư cũng không lớn lắm. Nhà nào cũng mua máy phát cỏ, một người bằng cả chục người phát bằng tay. Loại máy này trước ngày người ta dùng vào việc đốn xén cây, tỉa vườn cảnh công viên. Mang vác nhẹ nhàng tựa như bình xịt thuốc sâu. Trong nam người ta dùng phát rẫy. Còn làm cỏ không phải mất nhiều công như trước. Cứ pha thuốc vào bình, phun một ngày bằng hàng chục công làm cỏ ngày trước. Cái lợi trước mắt đấy, nhưng giờ dân bản đang lo. Hỏi lo làm sao? Lo thuốc diệt cỏ có hại về sau này. Trong làng đã có người mắc chứng bệnh rất lạ. Người làng đang tìm cách khác, không dùng thuốc này nữa. Nhưng tìm chưa ra!
Ngày Seo Gà đến tuổi lấy vợ, cả hai bên đều nghèo. Seo Gà không đủ tiền lo sính vật làm đám cưới. Hai đứa thương nhau, đành phải theo tục “háy pù”. Làm cái chòi con đón nhau về  ở để tránh con mắt xem thường của dân bản. Hai bàn tay trắng, làm ăn gặp bao nhiêu là khó khăn. Có người rủ vào Đắc Nông sinh sống, cả hai đồng tình ngay.  Nhưng con người ta như cái cây trên đất. Có chỗ trồng lên xanh tốt với cây này, nhưng lại không tốt với cây kia. Rút cuộc tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Hai đứa lại rủ nhau về. Dù sao thì nơi quê cũ từng quen thung quen thổ, có người bà con thân tình. Thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ. Ngoài chút vốn“đi ngày đàng” học thêm được chả được gì hơn.
Cũng nhờ người Mông sống nặng cái tình, quý người trở về, mỗi  người giúp cho một chút, Seo Gà trở mới có ngày hôm nay.
Lần này Seo Gà về thành phố mua xe máy, tiện đường ghé vào chơi. Anh em lâu không gặp, tôi muốn giữ nó ở lại, nhưng nó nhất quyết không ở. Nói là phải về giúp hộ đám cưới ngày mai. Nó được người ta nhờ làm phó “Tir tuôv minhx cungz”. Tức là ban đại diện cho nhà trai. Một vị trí chỉ những người có uy tín, giỏi làm ăn, vợ chồng hạnh phúc mới được làm. Cũng có nghĩa dân bản đã tin tưởng và coi trọng nó rồi. Người ta đã nhạt dần chuyện cũ của tục “háy pù” bất đắc dĩ của nó năm nào.
Seo Gà dặn: “Dù thế nào anh cũng phải lên. Đã hẹn rồi không tới nhà mình bị rông cả năm đấy”.
Tết người H’mông bắt đầu từ chiều ba mươi tháng mười một ta. Khi đó người Kinh, người Tày và cả người Dao nữa  nhà nào sớm nhất mới chỉ rục rịch lo tết chứ chưa có tết. Dù có đi chơi vài ngày cũng không ảnh hưởng gì đến tết ở nhà, nên tôi nhận lời.
Seo Gà dặn thêm: “ Mình mua xe máy là anh biết rồi đấy. Đường bây giờ lên tận nhà bằng xe máy, không phải đi bộ như trước nữa đâu”
- Đã nhận lời rồi, kể cả đi bộ đã sao? Đến nhà anh em mà sợ vất vả đến làm sao được?
Anh trai H’mông quen cưỡi ngựa, giờ ngồi xe máy cứ khum khum trông rất buồn cười. Nó cũng nhoẻn một cái, vù đi ngay..
**
Bản người H’mông Lũng Quân không như người ta thường mô tả trong phim. trong truyện.“Nom xa như những chiếc tổ chim sơ sài đeo vào vách núi cao”, đó là cách mô tả cũ quá sai lầm. Bản quây quần trong một thung lũng ba bề núi, một lối duy nhất theo suối ra ngoài đường cái to. Ngày tôi lên đây không có đường, phải lội suối đi bộ, tay dắt ngựa mang đồ thô lên lán. Bây giờ đường đã mở. Xe ô tô có thể tránh nhau, ra vào đều được. Dân bản được nhà nước hỗ trợ theo chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” mới làm được hơn cây số đường bê tông quãng đường đầu bản. Trưởng thôn nói: “mỗi năm một ít, vài năm là ra tới đường nhựa thôi”! Dọc đường nhà dựng san sát. Nhà nào nhà nấy cũng cột vuông kê đá tảng, mái lợp pờ lô xi măng. Cửa gỗ dán giấy đỏ, nền nhà láng xi măng. Có nhà còn lát đá hoa chả khác mấy ngoài phố.
Nơi đây xưa vốn heo hút, không bóng người. Người già kể trước năm bốn lăm ông Đội Bình đưa người về đây lyuện quân. Những đội Việt Minh vũ trang đầu tiên từ nơi này được thành lập. Khi ấy nơi này còn gọi là Khuổi Mu, chỉ thưa thớt vài nhà người Dao ở trong khe sâu. Ban ngày mùa nóng lợn rừng hàng đàn về quanh suối đằm, làm náo động cả khu rừng già yên tĩnh. Chúng ít gặp người nên không biết sợ là gì. Có người xuống suối bắt tôm hay tắm, chúng thản nhiên như không. Cái tên Khuổi Mu bắt đầu bằng cái “tích” như vậy.
Đúng là đất lành chim đậu. Sau năm chạy giặc biên giới về một số người H’mông định cư ở đây. Rồi thêm họ hàng anh em, bản đông dần.  Họ dựng nhà dưới tán lá rừng phách đại ngàn. Bướm bay dập rờn bên bờ suối. Nhấp nháy như những bông hoa di động quanh các lèn đá cao. Cuối xuân, hoa phách nở tim tím một vùng. Hương hoa ngan ngát. Từng bầy ong tíu tít trên cao, thoang thoảng mùi mật ong quyến rũ. Đáng nhớ nhất là những người bạn H’mông một thủa. Họ lành hiền chất phác, không điêu, dối, ganh tị hay biết ghen tức là gì. Seo Gà là một trông số bạn đấy của tôi.
Đã hẹn cậu ta rồi tôi phải giữ lời. Người H’mông sai hẹn một lần là lần sau khó nói chuyện. Dù sao cũng từng chia ngọt sẻ bùi những ngày tháng khó khăn, tôi quên làm sao được?
Ngày trước lên được Lũng Quân từ chỗ tôi phải mất một ngày. Đi từ sớm tinh mơ đến nham nhám chiều mới tới nơi. Bữa trưa phải ăn cơm nắm dọc đường, nghỉ một lúc mới đi tiếp. Bây giờ chưa đến một giờ xe chạy. Tôi vào Lũng Quân đúng lúc một phân hiệu của trường cấp một bắt đầu vào lớp. Mùa này thường có giá rét, nên lớp học hơi muộn so với thời gian khác của năm học. Lớp học này là điều đầu tiên khiến tôi chú ý. Nó mới được xây dựng mấy năm trở lại đây vì mái tôn hãy còn khá mới. Mươi năm trước không ai nghĩ lại có lớp học ở nơi heo hút này. Nhà có điều kiện cho con ăn học phải gửi con ngoài trung tâm xã. Học sinh tiểu học không thể vượt suối, đi bộ hàng chục cây để tới trường. Đúng là có điện có đường, bản làng thay đổi nhanh tới mức không ngờ. Dọc đường quãng quãng lại có quán bán đủ thứ hàng. Từ nông cụ cày bừa, đồ ăn, thức đựng đến quần áo vải vóc.. Chả thiếu thứ gì. Có cả sim thẻ “vi na phôn”, “Việt ten” bán cho người có nhu cầu. Cần gì phải ra đến ngoài đường? Trẻ con thả trâu trên đồi cỏ điện thoại mỗi đứa một cái, nhạc chờ, gọi nhau inh ỏi.
Tôi như lạc vào một thế giới khác, hồn nhiên, trong trẻo, thanh tịnh đến lạ lùng. Những lo lắng của những ngày cuối năm như quên đâu mất.

Hôm nay là ngày ba mươi tháng một. Bản Lũng Quân thơm lừng mùi xôi nếp. Tiếng chày đôi giã bánh như bè nhạc trầm rậm rựt, râm ran. Nhà nào cũng thấy phơi váy áo mới sặc sỡ trước nhà để ngày mai đón năm mới, đi chơi hội, đi thăm bà con, bạn bè. Đi hội ném Pao, đánh cầu hay đi hát đối. Tết đến bản làng như ngày hội thi của màu sắc và âm thanh.
Một cậu bé chỉ cho tôi nhà của Seo Gà. Cậu ta mới dựng nhà chỗ khác nên tôi phải hỏi thăm. Seo gà đang tay cầm chổi lá nứa hãy còn xanh quét dọn dưới bếp. Miệng lầm rầm khấn vái: “ Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, quét cho hết các bệnh tật ốm đau. Không quét tâm hồn của con cháu trong nhà. Cầu cho cái xấu đi hết, đón cái may mắn về nhà..”
Bên mấy nhà hàng xóm cũng vậy. Sửa soạn đón năm mới, nhà nào cũng dọn dẹp sửa sang nhà bếp trước, sau mới lên nhà trên. Việc cuối cùng quan trọng nhất là thay bàn thờ mới, treo lịch và tranh ảnh. Đối với người mông nhà bếp bao giờ cũng là nơi được coi trọng. Trong suốt dịp tết, lửa trong bếp phải đỏ cả ngày lẫn đêm. Người ta kiêng không để tắt lửa. Nếu lửa tắt là điềm không hay. Lỡ lửa tắt cũng không được thổi, sợ gió bão vào nhà.
Seo Gà bảo: “ Mời anh cứ vào nhà, có nước nhân trần đấy uống cho nó mát”. Tôi nhìn thấy góc nhà từng bó nhân trần xếp cao, được che đậy bằng cái bạt rộng. Nếu để nhà uống chả cần nhiều như thế này. Vợ Seo Gà bảo để sang đầu mùa nóng bán cho người dưới xuôi lên. Ngoài nhân trần còn lá vối, thứ lá một thời dưới quê tôi quen thuộc có vị ngăm ngăm đắng, lại hơi ngòn ngọt. Bây giờ vừa là thứ nước giải khát, giải cảm và cả giải độc. Nhiều nơi bán khá đắt.
Không ngờ anh bạn người H’mông của tôi lại có thêm chiêu độc này. Vạt đất cạnh suối gần nhà trồng một dãy cây vối đã cao hơn đầu người. Còn nhân trần có lẽ trồng trên đám nương sau nhà. Cây thu hoạch rồi, đám đất ấy bây giờ đang xen ngô vụ đông. Chỉ tính lợi nhuận từ hai thứ cây đặc sản này, gia đình vợ chồng Seo gà thu đã khẳm tiền rồi. Chưa nói đến ngô lúa hay đàn lợn cỏ người thành phố hay gọi là “lợn tên lửa”. Người H’mông bây giờ đã biết làm ra hàng hóa, không “tự sản tự tiêu” như trước đây. Những ngôi nhà ẩm thấp xiêu vẹo ngày nào không còn bóng dáng. Dân làng đua nhau làm ăn. Đua nhau tìm cái hay để học.
Thấy tôi ngẩn ngơ nhìn đàn lợn cỏ của mình, Seo gà bảo:
- Đợi đứa em về, hôm nay mình chơi hẳn “quả tên lửa”. Mỗi nhà một con, không phải chung nhau như mấy năm trước!
Ở thành phố nhà nào chơi sang, cố lắm mới có lợn “tên lửa” để ăn tết. Anh nào kha khá cũng chỉ nhờ mua được dăm ba cân. Ở bản Lũng quân này mỗi nhà một con. Gà thì không cần bận tâm. Toàn gà đồi thích chọn con nào tùy ý.
Tôi có anh bạn chuyên “sưu tầm văn hóa dân tộc”. Có lần anh nói chuyện, người H’mông ăn tết có phần sơ sài. Có lẽ anh ấy nhầm. Ở đâu hay lúc nào đấy thì không biết, chứ ở Lũng Quân này không phải. Chuẩn bị tết nhất như nhà Seo Gà hay dân bản đây đâu có thua kém gì các dân tộc khác?
Chưa kể đến ngày tết ở đây còn như ngày hội. Người bản Lũng quân quan niệm rằng tết
năm nào có đông khách chơi nhà đó là điềm may mắn, làm ăn thuận lợi, ít ốm đau. Nên quý khách lắm.
Seo Gà bảo tối nay sau buổi cúng tất niên, cơm rượu xong, dân làng sẽ tụ tập về bãi cỏ trước nhà anh. Sẽ có hát đối đáp giao duyên, trai bản thổi  khèn, ném páo dung.. chơi vui cho tới gần sáng. Giữa bãi cỏ đã thấy một đống củi chụm chất cao. Mấy đứa trẻ đang cùng nhau đá cầu, reo hò ầm ĩ bên mấy con ngựa thong thả ve vẩy đuôi dài.

Tối nay, trong cuộc rượu thể nào ông già Thào Su chả kể câu chuyện về ông vua nhân đức của dân tộc mình thời cổ. Ngài Si Viu. Một ông vua hiền lành nhân hậu, hay thương và tin người. Tin đến nỗi biên giới quốc gia xuê xoa lấy cây ngô mọc trên đất làm ranh giới. Khi cây ngô mục, kẻ tham bên kia trồng cây ngô khác lấn sang đất mình. Lấn mãi, lấn mãi, người H’mông không còn đất ở, đành du canh du cư..
Hình như ông muốn truyền cho con cháu bài học xương máu về giữ đất, giữ nhà.. Sau đó, mỗi người tay sẽ cầm bó đuốc ra bãi cỏ, nơi ngày đầu cách mạng ông Đội Bình hội quân..
Tôi hình dung khi lửa trại sáng lên. Những khuôn mặt các chàng trai cô gái ửng hồng. Váy áo sặc sỡ khoe màu. Ánh mắt chứa chan niềm yêu. Mà thấy lòng mình ấm lên!
Đã lâu lắm mới lại có được ngày vui như vậy. Cảm ơn Seo Gà rất nhiều!

H.G
Xuân 2012

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

ĐỘNG RỒ


Hình ảnh

            Truyện ngắn


Mẹ nó, tình hình này mà cứ ngồi làm thơ chẳng hóa ra ngu xuẩn và độc ác vô trách nhiệm lắm sao?
Nhân dân vợ mình nó bảo “Anh cứ như người trên trời, lở đến tận đít rồi mà vẫn cứ ngồi ỳ ra đấy mà thơ với chả phú. Chả trách tay “Hiệu” nó  vờ hỏi thơ là là ấy nhỉ?” ông tưởng nó không biết thơ là gì đấy phỏng? Chẳng qua nó muốn nhắc nhẹ ông có đầu óc thực tế một chút. Nó lo cho em, giáo viên dưới quyền nó có ổn định cuộc sống mới có điều kiện “biết điều” với sếp. Cả tập thơ năm ngoái tài trợ được ba triệu bạc! tưởng được nhiều lắm phỏng? Có mà đong gạo mua cháo ăn mới đủ. Không có con này dài lưng ra, hết ở trường về là lao vào chuồng lợn, chạy ra vườn. may còn tý đất các cụ để lại còn có chỗ đào ngoáy, không thì khốn cả lũ, lấy đâu tiền nuôi con ăn học” Rồi nó dịu giọng: “ Thôi mình ạ, đừng có theo tàu bay giấy nữa. Đừng có phổng mũi lên mỗi khi có người giới thiệu nhà nọ nhà kia nữa.. Mình còn nhớ hôm về quê, các bác ấy hỏi mình làm gì? Em bảo nhà em là nhà thơ, các bác ấy biểu lộ thế nào mình nhớ không? Hôm ấy em cứ ngượng tím cả mặt. Cứ như thể mình làm cái nghề gì đó mờ ám, dại dột không bằng ấy”.
Nghe đến đây Tuân giận tím người. Đến như “nhân dân” vợ mình, một thời thần tượng mình còn nghĩ thế, chả trách thiên hạ coi thường là phải. Bằng chứng là thơ bây giờ chỉ còn giá trị đọc góp vui cho đám cưới và chia buồn chỗ đám ma. In rõ là đẹp, bán chả ma nào mua. Một lần gặp thằng bạn từ thủa chăn trâu cắt cỏ mình tặng nó. Mấy hôm sau có việc ghé vào thăm, thấy nó để ngay dưới chân cầu thang. Tập thơ của mình còn in dấu chân trẻ con dẫm lên thế mới đau chứ?
Vợ chồng giận nhau mấy ngày nay vì chuyện thơ phú này. Nguyên do tại  bảo: “ Tới đây có lẽ tôi phải ra tập sách nữa, không có anh em người ta kỳ kèo. Ông hội trưởng từ năm kia năm kìa đã ra quy ước “sau ba năm tài trợ, không ra sách là cắt”. Mà mình cũng gần đến cái ngưỡng ấy rồi. Nhân dân vợ giãy nảy lên, như dẫm phải cứt:
- Mình định bán tôi đi để in sách chắc?
Tuân nạc mỡ:
- Nếu mình đồng ý, ai mua mình bán tạm mấy hôm!
Nói là nói chơi thế, nào ngờ nhân dân vợ tưởng thật, tru tréo lên :
- Tưởng rằng có ăn có học, có nhân cách, có tư cách, không ngờ không bằng thằng quét chợ. Ai động vàovợ nó, vác búa đinh làm việc ngay. Chỉ được cái mã. Thơ phú gì? Tưởng báu lắm đấy hả? Con này không đời nào làm cái chuyện xấu xa ấy vì thơ phú của ông đâu. Chẳng thà ông cờ bạc, còn có canh được canh thua. Đằng này thơ phú có thấy được cái gì bao giờ đâu?
Tuân cãi:
- Nhà giáo như mình nói thế sao ổn? Nó là giá trị phi vật thể, tồn trường mãi mãi, sao lại so với việc cờ bạc cá độ được?
- Xời, còn khuya nhé. Bao nhiêu ông gỉ ông gì, thơ ca lừng lẫy một thời. Đến nay còn chả ai nhắc đến, cái ngữ mình..
Không đợi cho nhân dân ấy hết câu, Tuân sừng xộ:
- Nói năng cho cẩn thận. Thằng này đói khổ lầm than thế nào cũng chịu được, làm nhục là không có được. Ai cho phép cô xúc phạm tới các vị ấy?. Cô đừng có vơ đũa cả nắm. Còn mấy ông làm vè diễn ca thì nói làm gì. Thời nào mà chẳng có? Triều đình bao giờ cũng cần có kẻ ca xướng, đám cưới cần có “em si”. Có người lo dẫn chương trình, dù chẳng có thực quyền gì. Mấy vị ấy ăn cơm chúa phải múa tối ngày là việc của họ. Tôi là nhà thơ tự do.. Cô đừng có mà..
Cả đêm đó Tuân không chợp được mắt. Trở mình bên nào cũng không ổn. cứ như nằm trên chông trên gai  chứ không phải giường đệm nhà mình. Nhân dân ấy ôm gối vào nằm
 với đứa con gái. Ngoài trời mưa hùng hục, như ném sỏi xuống vườn, ném đá xuống sông. Phía  sông lở ùm ùm, hậu quả của việc nhân danh khai thác cát sỏi để đào vàng sa khoáng. Còn có thông tri từ trên phủ đánh về: “Người nào, nhà nào ngăn cản việc khai thác cát xây dựng là vi phạm, phải xử lý. Nếu có xảy ra sạt lở, lý trưởng, chánh tổng phải có bổn phận báo lên bản phủ rồi bàn cách giải quyết”
Nửa đêm có tiếng la hét thất thanh. Nhân dân vợ quên cả giận, lay Tuân gọi:
- Này, này.. Dậy xem ngoài kia có chuyện gì? Hình như bên hàng xóm đổ nhà hay có ai chết í..
Tuân giả vờ ngủ say. Đây là lần đầu tiên trong đời anh “Thấy cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Như mọi khi, chưa cần vợ gọi đã nhao ra ngoài đó rồi. Đang giận, buồn hết cả chân tay, Tuân như kẻ ngoài cuộc. Nằm một lúc tự nhiên thấy nhói trong ngực, Tuận chạy bổ ra ngoài..

Đêm phố Pủ băng keo dán miệng hũ. Tối không nom thấy gì. Đi một quãng mới thấy lửa sáng một chòm. “Nhân vật” Tài cởi trần, quần lửng, cầm bó đuốc, mồ hôi ròng ròng. Thấy Tuân nhân ấy hỏi:
- Bao giờ có điện hả chú? Mưa như thế này lại mất điện, đến là khổ!
Tuân gắt:
- Tao cũng như mày, biết gì hơn mà hỏi?
Cái thằng beo ăn ba ngày không hết thịt, không chịu vào khiêng vác đỡ người ta. Lại đứng đây mà cầm đuốc ra vẻ chỉ đường! Bực. Tuân bảo nó:
- Mày khỏe, vào xem có gì nặng vác đỡ. Nhà Bá Bành nhiều đồ quý cẩn thận kẻo hư của nó.
- Con nói thật với chú, khuân vác con không ngại. Nhưng lão này rẻ người, con ghét. Có bữa gặp lão người đường, chào, lão còn không thèm trả lời.. Nhân ấy nói có vẻ hờn.
Tuân bảo:
- Lúc í khác, bây giờ khác. Mày cứ giúp lão rồi lão ấy sẽ hối hận. Đưa cây đuốc đây tao cầm cho.
Nhân dân Tài có vẻ miễn cưỡng, nhưng rồi cũng hòa vào đám đông. Nom dáng nó khật khừ có vẻ miễn cưỡng, tội nghiệp.
Chả cứ lão Bá Bành, làng này có ai ưa nó? Mặc dầu nó nhanh nhảu, mồm mép, ai nhờ gì cũng hung húc làm, nhưng lại có tính tắt mắt, nên cả phố đề phòng. Không ai thích nó đến nhà.
 Tuân cũng không thích nó, nhưng anh không ghét nó theo cách người ta ghét. Chẳng qua đói ăn vụng, túng làm càn. Từ đời bố mẹ nó đã trộm cắp vặt thế rồi. Nhà nó nghèo, bố ham cờ bạc, mẹ nghiện quà vặt lại đông em, lấy đâu ra có? Cũng không ai như bố nó... Trước ngày mở đường, cả khu vườn gần mẫu đất đổi cho người ta lấy cái bè nuôi cá lồng. Thằng cá lồng bảo lồng cá của nó có ngót ngàn con sắp sửa được bán cá thịt. Đếm cua trong lỗ, mua cá dưới ao, đến lúc xong giấy tờ mới trắng mắt. Lại đang dịch. Cả nhà nó được mấy bữa cá rán, cá luộc rồi cho người ta. Bố nó buồn. Ốm rồi chết.
Đám ma bố nó là đám lạ lùng nhất xưa nay.Quan tài kê dập dềnh dưới cái bè cá nó đang ở bây giờ. Lúc khiêng lên, một anh sơ í, tụt chân. Suýt nữa cả bọn cùng cái quan tài văng ra thăm Hà Bá.
Rồi nó lấy vợ, đẻ con. Cứ như giống cỏ dại chẳng ai chăm bón mà vẫn tươi tốt. Mới tí tuổi đã ba đứa con. Ruộng nương chẳng có, cả nhà trông vào cái đò nan. Từ ngày Bá Bành ra cái đò máy, nhà nó đói nặng. Kể ra nó còn chút quân tử, chút nhân tính nó mới đến đây. Giờ thì đang è vai ra khiêng cái tủ gỗ sưa Bá Bành mới mua về..
Phải người khác, với kẻ làm đổ niêu cơm nhà mình, liệu có làm được như thế không?
Đúng là thời bây giờ cá lớn nuốt cá bé. Ngành nghề gì cũng vậy, yếu thế là thiệt. Tuân cứ day dứt mãi chuyện này. Có lần anh bảo với Bá Bành:
- Đằng nào bác cũng thuê người chạy đò, bác thuê luôn thằng Tài cho nó kiếm miếng nuôi vợ con nó?
Lão cười kha kha:
- Chú xúi dại anh đấy à? Thuê nó có khác gì gửi cá miệng mèo? Được đồng nào liệu nó có đưa cho mình không, hay lại bớt xén? Chú thương tình cho nó bớt đám nương để nó sinh nhai có phải tốt hơn không?
Lão đá quả bóng sang sân nhà mình. Chót nói, mình phải cho nó một đám. Ai ngờ cấy được đám lúa, chưa kịp gặt, nghe người ta bày dại. Bùi tai, nó bán sắm bộ kích đêm đêm đánh cá. Được vài hôm bị đoàn xã bắt lên quận, tịch thu mất. Lại trắng tay. Từ ấy nó ngại, luôn tánh mặt, không dám gặp Tuân. Nhưng cũng từ đấy, trộm vặt buồng cau trái chuối ở đâu không nói, vườn nhà Tuân thì không. Cũng còn có chút tự trọng, chút khí phách. Khí phách của loại công dân hạng ba ở phố Pủ này. Giá mà Bá Bành giúp nó, chút nhân tâm ấy, chưa chắc nó dám tơ hào.?
 Nhưng bá Bành thì có bao giờ nghĩ đến ai? Lão còn muốn nuốt tất cả vào bụng. Người đàng hoàng không bao giờ xử trí như thế. Không bao giờ dòm ngó đất đai của nhà hàng xóm, coi vợ hàng như vợ mình. Lão là kẻ không đàng hoàng, không cứ nhân vật Tài không ưa, nhân dân mình và nhân dân các nơi đều không thích. Chẳng qua sống chung với lũ. Lão gặp hoạn nạn phải cứu mà thôi
Nửa đêm, cả dãy taluy cao ngật ngưỡng đổ ụp xuống. Cái nhà ba từng của lão trật móng đổ rầm, nghe như động đất. Mưa mấy ngày liền, đất bở, nhão ra như bùn. Ngôi nhà Bá Bành chênh vênh.. Chớp mắt đã thành tương. Tivi, tủ lạnh chả biết có dùng được không? Còn cái xế hộp bốn chỗ bẹp dúm, bẹp gió.
Ai cũng than trời mưa ác quá. Thực ra còn có chút nguyên nhân từ con người. Bá bành hẳn hoi, tình tiết đã không xảy ra não nề đến thế..
**
Cụ tổ Vân Sản ngày xưa là người thích tiết canh chó sói và hay ăn thịt mèo. Trong khi đó cụ bà nghiện bánh đúc và đôi khi có ăn thịt thỏ. Thời ấy các con vật kể trên còn rất nhiều ở vùng này. Đêm đêm còn có tiếng chó sói hú trong rừng sâu. Thỉnh thoảng người ta còn bắt gặp ma cà rồng trong khe núi. Hai cụ tổ làm nghề lái đò dọc và kiêm cả đò ngang con sông Khúc Thủy này.
Bạn bè của họ là lão Sinh Khai lông ngực rậm như cái chổi lúa giấu trước bụng. Lão cao to, mắt xếch, râu quai nón che kín gần hết mặt. Không ai biết lão làm nghề gì. Chỉ lâu lâu mới thấy xuất hiện, mang theo một cuốn sách dày chi chít chữ và một con dao nhọn với sợi dây thừng. Người nói lão là nhà truyền giáo, kẻ bảo làm lục lâm thảo khấu ở rừng phía bên kia núi. Cũng có người bảo lão chẳng qua là kẻ vô công rồi nghề, nói phét nói lác kiếm cơm thiên hạ. Con người này có ảnh hưởng ghê gớm với cụ tổ Vân Sản bởi những bài hát ngô nghê, mà cực kỳ nguy hiểm thời ấy. Những lời ca khuyếch trương và gợi óc tò mò về một nơi cực lạc. Phải băng qua địa ngục có quỷ canh vạc dầu và  vua ma xó cưa người như cưa ống nứa..
Những nhân dân, nhân vật.. kinh khủng ấy là của một thời đã qua. Không có xuất hiện một lần nữa về sau. Một thời nơi đây còn hoang sơ, tăm tối và quá ư thanh vắng. Con người có thể chơi thân với hổ, báo và các loại thú dữ vì  xung quanh quá tẻ nhạt và đơn điệu, u mê, trì trệ vv..
Bá Bành là hậu duệ thế hệ thứ ba. Cha ông ta có rất nhiều con, nhưng loạn lạc, đói kém, bất đồng, bệnh hoạn chết mất khá nhiều. Giờ còn anh thứ ba điếc lác, chẳng giống ai ở làng Bắc Cụp.  Chỉ còn hai anh em Bá Bành và Thọ Ruộng còn ở cạnh nhau.
Nhiều năm  giữa họ không xảy ra điều gì. Thọ vợ tên là Ruộng thường ốm đau luôn, kinh tế lúc nào cũng moi mói. Lại luôn bị kẻ khác bắt nạt vì tính “đã yếu lại hay ra gió”, ham mê bài bạc, gạ gẫm người này người kia. Thời gian dài Bá Bành là chỗ che chắn cho y. Không có ông anh, bọn chúng dỡ nhà, chiếm đất mất rồi. Mỗi lần Thọ Ruộng bí, phải bán ruộng vườn, ông anh lại bỏ tiền ra mua giá cao hơn người ngoài, nói là để giữ cho em, “Bao giờ chú ấy khá để chú ấy chuộc lại”. Việc mua bán này Thọ ngấm ngầm làm, không cho vợ con biết. Vẫn nói dối là mình chưa có điều kiện canh tác cho bác ấy làm, khi nào dùng đến thì lấy về. Đến khi vỡ lở ra mới sinh chuyện. Đấy là chuyện phần sau. Nhưng chuộc lại cách nào và khi nào là điều chưa hề xảy ra. Ai cũng bảo nhà ấy anh em như chân với tay. Tình nghĩa ruột thịt thật là cảm động!
Bá Bành giỏi làm ăn, con cái dễ bảo, bóp mồm bóp miệng, chịu nhẫn nhục bao năm, giờ giàu lên mỗi ngày. Mua thêm đất, tạo thêm trâu mở rộng bốn phương tứ hướng say mê đến nỗi quên cả chuyện về lâu về dài sẽ tới đâu? Bất chấp đến sự ganh tị đề phòng của xung quanh. Tạo ra một nghịch lý: Không phải phú quý sinh lễ nghĩa. Sự giàu có lại tạo thêm rất nhiều kẻ thù!
Sự đời xưa nay giàu ăn uống, khó cãi nhau. Ông em gia cảnh vì thế mà luôn lộn nhộn trong nhà, vợ con mỗi người một phách. Phàm xưa nay nhà nào đổ cũng bởi tự dột nát, mối mọt từ bên trong.  Giường cột vững chãi, gió bão chưa chắc đã đổ?
Nếu không có chuyện thằng em thay đổi cung cách, chưa chắc đã có chuyện xích mích giữa hai anh em.
Nhà Chúa cho “mở rộng” lô đề, hợp pháp hóa trò vè trước nay bị nghiêm cấm. Có một gã  tự bên kia sông Khúc Thủy đến “mở đường” cho Thọ Ruộng làm ăn.
Ngày ngày Thọ Ruộng kê cái bàn con ra gốc cây tùng. Nhàn. Rủng rinh. Tiền  như nước. Có tiền, Thọ Ruộng đặt vấn đề chuộc lại miếng vườn trước đây bán lại cho ông anh. Bá Bành chỉ mặt: “Đồ ăn cháo đá bát!”. Tuyệt tình. Anh em không nhìn mặt nhau nữa. Gặp không hỏi, chào không thưa. Ngày giỗ cụ Vân Sản nhà nào có nhà nấy cúng..
Thọ Ruộng hận không đòi chuộc lại đất. Con vợ xui:
- Mình xuống tấn phát. Cho ông ấy biết tay!
Hôm sau thuê máy xúc, đào thành taluy cao tới mười mét, nói là cho ngang với bến xuống sông, tiện tắm giặt. Nhà Thọ Ruộng được đám đất rộng, tương đối rộng, tha hồ trồng su hào bắp cải. Nhà Bá chênh vênh như trứng treo đầu đũa. Ba mặt khúc mắc với laan bang từ trước, còn lối duy nhất bây giờ cũng tịt, không có lối ra.
Đang cùng mặt bằng với nhau, giờ thành hai cấp. Nhà Thọ Ruộng nhà gỗ giỡ xuống lại dựng, không vấn đề gì. Nhưng nhà Bá bành xây cao tầng mới là cái chết. Mưa lớn ròng rã nửa tháng, đất mềm nhũn ra, chỗ cao nhao xuống chỗ thấp.. việc phải xảy ra đã xảy..
Nhà đổ không bởi động đất mà là do anh em nhà này động rồ.
Tuân đang đứng cầm đuốc soi cho đám người xúc đất bới đồ đạc của nhà Bá Bành. Nhân dân Tài thỉnh thoảng chạy qua cười nhen nhen như để khoe công, cậy sức. Chợt.. có một bóng đen vụt qua, Tuân bỗng buốt nhói sau gáy, mắt tối xầm, rồi không nhìn thấy gì nữa..

Đất dưới chân Tuân lở ùm ùm. Nước chảy xiết không thể tưởng tượng được. Anh bám được đám bèo lục bình, hoa xanh tím xanh tái. Rất lâu đám bèo ấy  trôi qua nhiều xứ sở không cửa, không nhà. Không cả chó cắn mèo kêu, chứ đừng nói chim kêu vượn hót. Quang cảnh điêu tàn như thể “Hai trăm năm sau vắng bóng con người”. Không có gì sất.
Bèo cứ thế trôi đi..Chợt bè tấp vào một gò đất lầy lội và ướt át. Trên đỉnh gò mấp mé nước, sách từng chồng xếp cao như một quả đồi. Những quyển sách bìa xanh, bìa đỏ, bìa vàng như mới vừa in xong, chưa từng có ai đọc, xô dồn cả đống.
Tuân kêu ú ớ:
- Sách của tôi, ai có thuyền mau tới đây…Sách mà mất đời còn nghĩa gì nữa..Sách ..sách..
Vợ Tuân đang ngồi chườm vết đau đang bị xưng u lên của chồng. Nhân dân ấy buột miệng:
- Đúng là động rồ. Đau thế này còn sách với chả vở!
Nhân vật cu Tài bảo:
- Hay để cháu cõng chú ấy lên bệnh viện. Nói mớ thế này chắc nguy mất?
Nhân dân vợ gói ghém quần áo chuẩn bị đi thì Tuân mở mắt he hé:
- Không sao đâu, đi làm gì. Vài hôm sẽ khỏi. Nhưng mà tôi làm sao thế này?
- Không biết đứa nào đánh trộm. Không có anh cu Tài phát hiện ra sớm, nằm đó chắc đi rồi!
- Tôi có làm gì ai đâu mà có người đánh?
Nhân dân vợ bảo:
- Không đi thì cứ nằm yên, cho nó đỡ đau, đừng hỏi nhiều nữa. Chắc là có đứa thù oán hay hiểu lầm chứ tự nhiên ai gây với mình?

Năm, bảy, chín, mười.. người nhìn nhau, đã xảy ra chuyện gì mấy ngày nay nhỉ?
***
Cơn lũ đột ngột chấm dứt như khi bất ngờ xảy ra. Trời trong xanh trở lại, chỉ còn những đám mây trắng xốp, nhẹ nhàng trôi chậm dãi về phía chân trời. Dòng sông thản nhiên trong trẻo như chưa hề có trận lũ nào qua đây.
Tuân vẫn còn chút uể oải sau lần bị đả thương vừa rồi. Anh ghét nhất là cứ phải nằm dài như những ngày vừa qua. Nhân dân vợ vẫn ngày ngày tất tả đến trường. Ngành giáo dục ngày càng eo hẹp về thời gian. Những lúc rảnh rỗi như trước đây không còn nữa. Thời buổi người khôn của khó, chả nghề nào là không có cạnh tranh. Lão “hiệu” từ ngày được trao thêm quyền theo quy định mới, ngày càng cay nghiệt ra mặt. Thì có ở đâu bệnh quan liêu cửa quyền không thò mũi vào? Nay điều chuyển, mai kiểm tra đột suất theo kiểu “rang lạc”, chị em nóng mày, nóng mặt.. Ai không ăn cánh, trái ý lão là bị điều chuyển đến phân hiệu xa, đi lại khó khăn. Buổi họp “hiệu” luôn chì chiết theo lối mẹ chồng nàng dâu, muốn nói sao thì nói. Cái mục đích vụ lợi, bắt người khác phải cung phụng mình, xà xẻo công quỹ của lão ai cũng biết, mà không dám hó hé. Có người khiếu tố lên trên. Trên về, điều tra lại “vô tang vô cứ”. Làm sao có được “tang”, “cứ” bởi những vụ mơ hồ như thế? Lão lại khôn như lươn, trườn như rắn, “trên kín, dưới bền”, một tốp theo đuôi nịnh hót thì làm gì được “hiệu” nào? Thế là thêm “tội phá rối tổ chức, làm mất uy tín lãnh đạo”. Lại bị chú ý, đày đặt, không mở mắt ra được!
Tất nhiên nhân dân vợ Tuân không dại gì lấy trứng chọi đá, nhưng căng thẳng ở trường khiến nàng không vui.
Về nhà nét mặt lúc nào cũng căng thẳng, dầu dĩ, bực bội vô cớ. Các con còn nhỏ chẳng giúp được việc gì, “nhà thơ” cứ nằm ườn ra đấy coi sao tiện?
Không biết thời các ông Tản Đà, Nguyễn Bính sống thế nào?  Các vị ấy làm gì, ăn gì mà làm thơ hay “ngây ngất con gà tây” như thế? Tuân bây giờ chữ nghĩa vón cục như bị cám để lâu ngày. Lâu lắm anh chả nặn ra được bài nào. Viết cái gì? Về cái gì luôn là cái Nhân dân nhà thơ này day dứt trong lòng.
Thôi thì lúc này ra phía bờ sông xem lũ đợt vừa rồi sụt lở ra sao. Nhân dân vợ nói đúng. Có thực mới vực được đạo. Ngồi đơm đó ngọn tre, mơ hão có khi đói cả nhà. “Sức này còn cấy lúa trồng khoai, còn chăm được mảnh vườn. Khỏe lên, vào rừng kiếm thuốc nam cũng là cách sinh nhai đáng kể. Chả làm được việc to tát gì, ít ra cũng biết vì nhân dân vợ, nhân dân con mà quên mình”!
Đang ngồi tỉ tê nội trạng như thế thì Đội Dư vào. Đội phụ trách bảo an của phố Pủ này. Thực tình mà nói, Tuân không có ác cảm nhưng cũng không thích đội. Con người đội luôn khó hiểu. Cái nghĩ bên trong và cái lời bên ngoài là hai cực trái ngược nhau. Đã dốt lại luôn làm ra vẻ nguy hiểm, quan trọng. Tình nghĩa gì mà đội Dư đến?

Thực ra đội Dư không có ác cảm và cũng không có toan tính gì với Nhân dân Tuân cả. “Gã ý là nhà thơ, tính gàn gàn một chút, nhưng thẳng tính và tốt bụng. Bất cứ ai nhờ vả việc gì là tay ấy không từ nan, sốt sắng giúp ngay. Chính vì thế mà nhiều khi mang vạ vào thân”. Đã có lần đội nói với nhân dân ấy, vì biết nhân ấy ưa thẳng thắn:
- Ông làm thơ thì cứ làm, sáng tác nhiều thơ ca bất hủ, ra nhiều tác phẩm có giá trị văn học nghệ thuật cho mai sau. Lịch sử và nhân dân sẽ ghi nhận điều đó. Đừng có mà rỗi hơi tham gia những việc không phải của mình. Việc đó có “ông trên” lo. Gái góa lo chuyện triều đình có ích gì? Hai nữa những chuyện trong quận trong phủ hàng ngày chĩa mũi vào làm gì? Không phải đầu cũng phải tai. Đơn từ khiếu kiện dính vào làm gì?  Ai có thân người đó lo. Đúng sai có xã ủy, có chánh tổng, người ta chuyên về việc này.. Kỳ đà cản mũi chả có bao giờ là cái hay cả. Đừng như mấy ông nhà thơ ở Y ở X, ban đầu “phản đối tiêu cực, giúp đỡ dân oan, sau rồi bất bình chuyện biển, đảo, biên giới”..Rồi nói với nhau:
“ Đấy là xu hướng của kẻ sĩ, của người có tâm, bao nhiêu anh tài đi trước làm gương rồi..”  Đi quá trớn lúc nào không hay.. Nhiều bài học nhỡn tiền ra đấy, có ích lợi gì cho mình, hay chỉ khổ vợ khổ con? Hiền sĩ với cả lương tâm là cuộc chơi không đơn giản. Không phải ai chưa lượng sức mình cũng có thể dí mũi vào! Tôi nói thế, ông thấy có phải không?
À thì ra lâu nay đội có “để ý” mình đến việc này. Mà mình đâu có làm gì, đội lại nói như thế nhỉ?
Tuân định tranh luận nói để cho đội nắm rõ. Nghĩ lại, anh thôi. Con người như Đội nói thế nào ấy nhỉ? Đó là khối lý luận rắn chắc, khó bề thay đổi, đã lập trình sẵn trong đầu, trong tim. Một vài lời phải trái, chả xoay chuyển được tình hình. Nó như một ngôi nhà đã định hình. Móng có chỗ đổ beton, có chỗ là móng đất. Mái thì chỗ mái bằng, chỗ lợp ngói, có chỗ lợp gianh. Tường chỗ xây, chỗ vẫn thưng vách nứa, hỏng chỗ nào sửa chỗ ấy. Hình thái tư tưởng ấy, sự cảm hóa, biến chuyển chỉ là không tưởng. Mà người xưa nói rồi, “đã không đồng quan điểm, tranh luận không bao giờ chấm dứt”. Không khác đấm bị bông, đánh bùn sang ao!
Tốt nhất là không tranh luận. “Càng tranh luận càng dễ xa nhau”. Nói gì thì nói, mình với đội vẫn cùng ăn ở, sống chết ở phố Pủ này. Đội mà cay mũi, chả hay gì.
Đội Dư có lẽ cũng nghĩ như thế. Nên bảo:
- Nói thật với chú, anh đã từng qua “cao học chính trị”, lý luận anh không thiếu. Nhưng không gì bằng sống tình cảm với nhau. Một trăm cái lý, không bằng một tý cái tình..
Rồi đội nói ra mục đích đến đây của mình.
Đội bảo thằng lớn con nhà Bá Bành nghi Tuân xúi dục nên Thọ Ruộng mới làm ra nhẽ ấy. Nó bảo mấy lần đơn từ Thọ Ruộng đều nhờ Tuân viết hộ. Nó nói thẳng với đội: “ Chú chả phải mất công điều nghiên điều nghiếc gì nữa. Nói cho chú biết việc ấy cháu làm đấy. Phải chú tức thế, chú có làm không? Có chú, cháu ở đây cháu không dấu. dưng mà chú lập biên bản, hay báo lên trên là thằng này không nhận đâu nhé! Lời nói gió bay mà!”
Đội vừa mừng vừa bực. Mừng là cuối cùng cũng tìm ra manh mối. Hung thủ đã tìm ra được. Nhưng bực là nó nói trắng trợn, lại chả có “tang”, có “cứ” nào để buộc tội nó, đem ra xử lý. Cha con Bá bành xưa nay ngang ngược, đểu cáng ở vùng này ai không biết, nhưng lại cực kỳ xảo quyệt, thâm hiểm, luôn biết che dấu hành tung. Gây với cha con nó không chừng khốn cả mình!
Nghĩ. Nghĩ đi nghĩ lại. Đội bảo:
- Có chắc là ông ấy xúi giục, đơn điếc không? Tao nghi lắm. Người như ông ấy không chắc đã làm việc này. Mày nghi oan cho người ta, xử lý đểu, kiểu xã hội đen như thế là bậy. Theo chú mày nên đến nhà xin lỗi ông ta. Hoàn cảnh ông ấy cũng khó khăn, nhà mày có điều kiện, “thường” cho người ta một chút tiền máu, mới phải con người cháu ạ!
Nó  ngẫm nghĩ một lát rồi giãy nảy:
- Làm thế có khác gì lạy ông tôi ở bụi này? Các ông có cớ để xích cổ thằng này lại à?
Còn việc bồi thường nhẽ ra không nên làm vì hai nhẽ: Một là ông ấy có làm những việc kia thì đây là trừng phạt cần thiết để “dạy cho bài học” về sau. Hai là cũng để dè chừng kẻ khác, vì trong việc này nhất thiết phải có kẻ làm. Dưng mà chú đã nói thế, để chú dễ hành xử với bên ngoài, cháu đồng ý. Chú tìm cách xoa dịu rồi đưa cho chú ấy giúp, còn cháu ra mặt thì không đâu!
Nó dứt khoát như thế, móc túi đưa đội ba triệu bạc.

Đây là lần đầu tiên đội nói với nhân dân Tuân theo kiểu thành thực. Đặc thù công việc của đội nó vậy chứ đội chẳng phải là xấu xa gì. Quan tòa và lưu manh xưa nay vẫn gần và dễ hiểu nhau. Bảo như thế là tốt, là xấu còn tùy quan điểm mỗi người. Chưa bao giờ khó xử lý vụ việc như vụ này. Bồi thường cho nạn nhân mà nạn nhân không được biết hung thủ là ai? Hung thủ chỉ là cái bóng vô hình!
Nghe xong câu chuyện, Nhà thơ nhân dân cười như mếu:
- Bác đã nói thế, em còn nói gì được nữa? Nhưng mà tiền thì em không nhận đâu. Em không thể nhận tiền mà không biết của ai, đưa cho mình vì việc gì? Như thế nó mờ ám, không nên.
- Thế chú vẫn dứt quyết đi kiện à?
- Bác buồn cười, như bác nói, kiện ai? Kiện củ khoai trong chùa à?

Nhân dân vợ đứng đấy nghe rõ câu chuyện. Không thấy nhân dân ấy bảo sao. Nhưng nhìn vào đôi mắt, Tuân biết nhân dân ấy bảo:
- Đúng là điên, động rồ. Bị đau mà không nhận bồi thường là cớ làm sao?

Đội Dư chả biết nói thế nào. Đội kéo hai, ba điếu thuốc lào liền. Điếu ục là loại điếu không nên hút như vậy. Bởi thế đội say chỏng gọng, rớt dãi nhểu ra thành dòng bên mép, giơ cả  chân tay lên trời!
=====